Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Kỷ niệm 94 năm cách mạng Tháng Mười

22:00

'Tượng đài Cách mạng Tháng Mười'

Nhắc tới tàu tuần dương Rạng Đông, người ta thường nhớ ngay tới cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 vĩ đại.

Thiết kế của thế kỷ 19
Rạng Đông (tiếng Anh: Aurora) thuộc lớp tàu tuần dương bảo vệ Pallada, thuộc kiểu tàu chiến cuối thế kỷ 19, với sàn tàu bọc thép dày bảo vệ cho các phòng động cơ xung yếu chống lại các mảnh đạn pháo nổ bên trên.
Tàu Rạng Đông hạ thủy ngày 11/5/1900 tại nhà máy đóng tàu Admiralty, chính thức đưa vào biên chế ngày 29/7/1903. Tàu có lượng giãn nước 6.731 tấn, kích thước 126,8x16,8x7,3m, được lắp 3 động cơ hơi nước cho phép đạt tốc độ tối đa 19 hải lý/h, tầm hoạt động 7.200km. Thủy thủ đoàn 590 người.
Các tàu Pallada đều bọc giáp trên boong dày 51-76mm, phần giáp tháp chỉ huy dày tới 152mm. Về vũ khí, trang bị 8 pháo hạm cỡ 152mm, 24 pháo cỡ 75mm và 8 pháo cỡ 37mm cùng 3 máy phóng ngư lôi.
Lịch sử hoạt động
Đưa vào biên chế không lâu, Rạng Đông đã có trận đánh đầu tiên trong thành phần Hạm đội Thái Bình Dương tham gia cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905).
Ngày 27-28/5/1905, Rạng Đông tham gia trận hải chiến Tsushima. Trong trận này, nhiều chiến hạm Nga (thiết giáp hạm, khu trục, tuần dương) bị đánh chìm. Rạng Đông cùng 2 tàu khác may mắn thoát được về cảng Manila để tu sửa.
Đặc biệt, sau đó con tàu di chuyển tới cảng Sài Gòn (Việt Nam) tập kết cùng một số tàu khác thuộc hạm đội và tới ngày 20/10 nhổ neo về nước.
Năm 1906, Rạng Đông quay trở về Hạm đội Baltic chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ cho Học viện Hải quân và thực hiện một vài chuyến thăm nước ngoài.
Cuối năm 1916, tàu được di chuyển tới Petrograd (sau Cách mạng Tháng Mười đổi tên thành Leningrad nay là Saint Petersburg) để đại tu sửa chữa lớn. Toàn bộ pháo 75mm và 37mm gỡ bỏ và thay thế bằng 4 pháo 76mm. Riêng số lượng pháo 152mm tăng lên 14 khẩu bố trợ ở mũi và đuôi tàu, hai bên sườn.

Tuần dương bảo vệ Rạng Đông năm 1903.
Petrograd lúc đó là trung tâm của cuộc cách mạng vô sản. Toàn bộ thủy thủ đoàn Rạng Đông đều tham gia Đảng Bolshevik, Ủy ban cách mạng thành lập trên tàu.
21h45 phút ngày 25/10 (tức ngày 7/11 theo lịch mới), pháo hạm 152mm ở mũi tàu nổ phát súng báo hiệu cuộc tấn công Cung điện mùa Đông bắt đầu.
Ngay sau đó, các chiến sĩ cách mạng từ nhiều hướng tiến vào cung điện, bản thân thủy thủ Rạng Đông cũng tham gia trận đánh lịch sử này.
Cách mạng thành công, Rạng Đông được nghỉ ngơi thời gian dài. Tới năm 1922 mới quay trở lại tiếp tục với vai trò huấn luyện thủy thủ. Năm 1927, chính quyền Xô Viết trao tặng Huân chương Cờ Đỏ cho con tàu.
Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, Rạng Đông cùng các đơn vị tàu khác tham gia phòng thủ thành phố Leningrad. Khi quân địch áp sát, toàn bộ vũ khí trên tàu tháo bỏ đưa lên bộ tiếp tục cuộc chiến.
Riêng con tàu được neo đậu ở cảng Oranienbaum, liên tục bị máy bay phát xít ném bom, bắn phá. Ngày 30/9/1941, thân tàu bị hư hỏng nặng, ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu.

Bảo tàng nổi
Giai đoạn 1945-1947, Rạng Đông được sửa chữa, trang bị lại vũ khí neo đậu trên sông Neva (Leningrad) như “Tượng đài Cách mạng tháng Mười”.
Năm 1958, nó chính thức được chuyển thành bảo tàng nổi. Mười năm sau, Chính phủ Liên Xô trao tặng Huân chương Cách mạng tháng Mười cho con tàu, hình ảnh tàu được khắc trên tấm huân chương.

Tàu Rạng Đông neo đậu trên dòng sông Neva.
Từ 1984-1987, tàu tiếp tục trải qua đợt sữa chữa phục chế do một số phần đã hư hỏng nặng theo thời gian. Ngày nay, tuần dương hạm Rạng Đông là một trong những nơi thu hút đông đảo khách du lịch ở St Petersburg.
Tính từ năm 1956 tới nay, đã có 28 triệu lượt khách tới từ 160 quốc gia viếng thăm. Đặc biệt, trên tàu vẫn luôn có một đơn vị lính thủy Nga túc trực làm công tác bảo vệ, chăm sóc.
                                                                       Lê Nam (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét