Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

Biệt danh “không ai ngờ" của hot girl Việt xuất hiện trên Reuters

Cập nhật lúc 20:25


Cuối năm 2016, bức ảnh Nguyễn Hoàng Kiều Trinh cười tươi như tắm gió xuân được hãng tin Reuters lựa chọn là hình ảnh ấn tượng Việt Nam. Sự kiện nổi tiếng bất ngờ này mang tới cho hot girl này nhiều cơ hội tiến bước vào giới nghệ thuật trong năm 2017.
 

Nguyễn Hoàng Kiều Trinh sinh năm 1994, từng là sinh viên ĐH Hoa Sen, ngành quản lý nhà hàng khách sạn và trường Quốc tế PSB College chuyên ngành Marketing.
Hiện nay, Kiều Trinh là một diễn viên trẻ, kiêm người mẫu ảnh, người mẫu MV. Cô khá có tiếng trong cộng đồng giới trẻ, thường được biết tới với nick name: hot girl trà sữa, hot girl đẹp như tranh vẽ...
 Hot girl, diễn viên Nguyễn Hoàng Kiều Trinh. Cô gái xinh đẹp này lại có nick-name độc đáo là “người đàn ông Việt mặc chiếc áo dài”.
Hot girl, diễn viên Nguyễn Hoàng Kiều Trinh. Cô gái xinh đẹp này lại có nick-name độc đáo là “người đàn ông Việt mặc chiếc áo dài”.

Ít ai biết rằng, cô gái có gương mặt xinh xắn như tranh vẽ này lại có nick-name khá độc đáo là “người đàn ông Việt mặc chiếc áo dài”. Vì sao một cô gái mang vẻ đẹp nữ tính như Nguyễn Hoàng Kiều Trinh lại có biệt danh lạ lùng như vậy? Hãy cùng PV Dân trí trò chuyện với cô bạn để hiểu thêm về Trinh.
Chào Trinh, hân hạnh được trò chuyện với em ở thời điểm năm cũ vừa qua, năm mới đã tới, không biết cảm xúc của em lúc này ra sao?
Em không nuối tiếc bất cứ điều gì trong năm nay, và em đang chờ đón một năm 2017 tưng bừng và rực rỡ hơn. Giai đoạn cuối năm 2016 mang lại cho em nhiều bất ngờ, em tham gia 2 MV, 1 phim điện ảnh và đặc biệt nhất là được "lên sóng" trên chuyên trang của hãng tin quốc tế Reuters - đây cũng là sự kiện tốt đẹp mang lại nhiều cơ hội mới cho em.
Em cảm thấy mình thật may mắn, cũng có phần tự hào khi mang hình ảnh người con gái Việt trong tà áo dài truyền thống để quảng bá cho bạn bè quốc tế.
Hình ảnh hot girl Kiều Trinh mặc áo dài đỏ duyên dáng giữa vườn đào vừa xuất hiện trên Reuters khi hãng thông tấn lớn nhất thế giới này công bố 155 bức ảnh do phóng viên hãng này chụp tại 155 quốc gia xoay quanh chủ đề: Bức ảnh ấn tượng trong năm 2016 ở mỗi quốc gia.
Hình ảnh hot girl Kiều Trinh mặc áo dài đỏ duyên dáng giữa vườn đào vừa xuất hiện trên Reuters khi hãng thông tấn lớn nhất thế giới này công bố 155 bức ảnh do phóng viên hãng này chụp tại 155 quốc gia xoay quanh chủ đề: Bức ảnh ấn tượng trong năm 2016 ở mỗi quốc gia.
  Trinh mới tốt nghiệp đại học phải không? Em đã có định hướng gì cho tương lai của mình chưa? Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, em cảm thấy tự tin hay đang lo lắng?
Em khá tự tin vì trước nay em cũng đã đi làm và có những kinh nghiệm nhất định trong hoạt động nghệ thuật. Hiện tại em vẫn làm người mẫu ảnh và MC, ngoài ra em đang tập trung cho sự nghiệp diễn xuất.
Những cô gái được xưng là hot girl như em có ảnh hưởng nhất định với các bạn trẻ khác vì nhiều người đang nhìn vào em. Em có cảm thấy áp lực hay không? Em muốn mình tạo dựng hình tượng nghệ sĩ của mình như thế nào?
Cũng có đôi chút áp lực ạ, nhưng em thấy nếu mình sống tốt, có thể có sức ảnh hưởng tích cực tới các bạn trẻ thì điều đó hoàn toàn nên làm. Em muốn mình trở thành một cô gái năng động, dám chinh phục những thử thách, có đam mê, có ước mơ và có thể nói với cả thế giới về điều đó.
Trinh có vẻ là một cô gái cá tính mạnh phải không? Thường thấy em khoe ảnh chạy mô tô, thích tụ hội bạn bè vui chơi hết mình, lại còn hay xưng hô giống con trai...
Dạ vâng, bạn bè hay trêu em là "người đàn ông Việt mặc chiếc áo dài" (cười). Em muốn sống thoải mái với bạn bè, không cần phải quá giữ hình ảnh, như vậy bản thân mình cũng cảm thấy tự nhiên hơn, cuộc sống thú vị hơn.
Theo Trinh, đâu là ranh giới giữa một cô gái phóng khoáng và một cô gái buông thả?
Đó là quyết định dám nói không, dám từ chối những lời mời không đúng lúc hoặc sẽ không hành động trái với lý trí, trái với đạo đức, phẩm giá của người con gái.
Kiều Trinh còn có một cái tên thường gọi ở nhà khá đáng yêu là Xíu.
 Kiều Trinh còn có một cái tên thường gọi ở nhà khá đáng yêu là "Xíu".

Đối với Trinh, nếu phải lựa chọn giữa sự nghiệp và tình cảm thì em sẽ chọn điều gì?
Em nghĩ tại mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người sẽ có những ưu tiên khác nhau. Trong thời điểm này, em sẽ ưu tiên lựa chọn sự nghiệp hơn. Em mới 22 tuổi mà.
Vậy sự nghiệp mà Trinh đang hướng tới có “bộ dáng” ra sao?
Em muốn thử sức với nhiều dự án phim mới, và em hi vọng sẽ có thêm cơ hội trong lĩnh vực điện ảnh. À, trước tết Nguyên Đán 2017 em và team “PHIM” sẽ hợp tác ra mắt một MV chủ đề về Tết. Team em tụ hợp những bạn trẻ có tài và rất nhiều nhiệt huyết cùng với ý tưởng rất lạ, em hi vọng là sản phẩm của tụi em sẽ được đón nhận.
Nói thật với mọi người là 2 tháng nay Trinh bận tối mắt tối mũi, chưa dành thời gian chăm sóc da mặt hoặc cơ thể nữa. Nên có lẽ Tết này mình phải "chăm sóc sắc đẹp" để mùng 10 Tết là bắt tay vào dự án phim sitcom mới. Mọi người chờ đón em tái xuất thật rạng rỡ và mới mẻ nhé!
Nếu có một điều ước cho năm mới, Trinh ước gì?
Năm mới em hay cầu bình an cho gia đình và người thân. Nhưng năm nay, em muốn "cầu" một xíu may mắn cho bản thân nữa, vì em đang có nhiều dự định muốn thực hiện.
Chúc Trinh được như ý nguyện, cảm ơn em vì cuộc trò chuyện hết sức thú vị!
Dưới đây là một số hình ảnh của Kiều Trinh nhân dịp Tết đến xuân về:

(Theo Dân trí) Mai Châm
Ảnh: NVCC 

Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017

Cập nhật lúc 20:01  
Chiều 31-1, Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017. Theo đó phương án thi với 5 bài thi, trong đó có 4 bài thi theo hình thức trắc nghiệm đã được chính thức quyết định.
 Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: Hoài Nam
Thí sinh học chương trình giáo dục THPT bắt buộc thi 4 bài
Theo quy chế, kì thi THPT quốc gia năm 2017 có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học; viết tắt là KHTN), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT; viết tắt là KHXH).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Nhưng để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, theo quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Riêng với thí sinh đã tốt nghiệp THPT chỉ dự thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ.
Theo quy chế, nội dung thi năm 2017nằm trong Chương trình lớp 12 THPT. Từ năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
Mỗi tỉnh, thành một cụm thi
Theo Quy chế thì kì thi THPT quốc gia  năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  sẽ có một cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì (không có hai loại cụm thi như năm trước). “Bộ GDĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ (gọi chung là trường ĐH, CĐ phối hợp) đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi, thực hiện việc giám sát các khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo”
Chấm thi theo thang điểm 10, lấy đến 0,25
Theo quy chế, việc chấm thi tự luận theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Các hội đồng chấm thi thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của mỗi môn thi tự luận.
Bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.
Xét tốt nghiệp THPT như thế nào?
Theo quy định, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN): gồm điểm các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính ĐXTN.
Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp đối với Giáo dục THPT được tính theo công thức sau:
Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017

Điểm xét tốt nghiệp đối với GDTX được tính theo công thức sau:

Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia năm 2017

Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
Thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên  đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, được miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT, hoặc được miễn tất cả các bài thi của kì thi THPT quốc gia theo quy định tại Quy chế cũng được công nhận tốt nghiệp THPT.
(Theo Tuổi trẻ) VĨNH HÀ

Giá điện năm 2017: Đang xây dựng giá cơ sở

Cập nhật lúc 15:14

Theo Bộ Công Thương, hiện EVN vẫn đang xây dựng giá cơ sở năm 2017, chưa có đề xuất tăng giá điện tại thời điểm này.

Các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, tỷ giá đang gây nhiều áp lực tăng giá điện trong năm 2017. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn đang xây dựng giá cơ sở năm 2017, chưa có đề xuất tăng giá điện tại thời điểm này.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.
Theo tính toán của EVN, với việc giá than tăng khoảng 7% từ cuối năm 2016 sẽ làm đội chi phí sản xuất điện lên gần 4.600 tỷ đồng trong năm 2017, tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn cho Tập đoàn trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất. Bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỉ giá còn “treo” lại lên tới gần 10.000 tỉ đồng, EVN đề xuất hạch toán vào giá điện trong thời gian tới.
Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.
Theo các chuyên gia, giá điện đứng trước nhiều áp lực tăng. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần cân nhắc, xem xét kỹ các phương án tăng giá điện cũng như thời điểm tăng giá để tránh tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp.
Ông Long nói: “Năm 2016, giá điện không tăng. Trong khi đó, năm nay giá điện năm nay đang đứng trước nhiều áp lực. Các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, biến động về tỷ giá, điệp khúc bù lỗ đều là lý do được EVN nêu ra trước áp lực tăng giá điện. Chúng ta cần phải công khai minh bạch các yếu tố đầu vào, đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý cũng như mức độ tăng bao nhiêu để không tác động lớn đến nền kinh tế”.
Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN xây dựng giá cơ sở năm 2017, sau đó sẽ thẩm định giá. Nếu có biến động của yếu tố đầu vào tăng hơn 7% mới xem xét điều chỉnh giá điện./.
Theo vov

Libya hỗn loạn, EU ngấm lời nguyền của Gaddafi

Cập nhật lúc 14:58

(Quan hệ quốc tế) - Gaddafi từng cảnh báo nếu ông ta bị NATO lật đổ thì sẽ có rất nhiều người châu Phi di cư đến châu Âu, gây hỗn loạn cho EU...

The Guardian ngày 30/1/2017 đưa tin, trong báo cáo gửi tới Bộ Ngoại giao Đức, Đại sứ quán Đức tại Niger đã đánh giá điều kiện sống của người di cư và người tị nạn ở Libya là vô cùng tồi tệ, trong đó các vụ hành quyết, tra tấn và lạm dụng nhân quyền có hệ thống diễn ra thường xuyên trong các trại tị nạn ở đất nước Bắc Phi này.
"Hàng loạt những vụ hành quyết người di cư đã được thực hiện, hoặc nhẹ hơn là tra tấn, hãm hiếp, hối lộ và lưu đày đến sa mạc diễn ra hàng ngày", báo cáo ghi rõ. Cơ quan ngoại giao Đức đưa ra báo cáo trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Malta để tìm cách giảm áp lực cho Italia bởi người di cư châu Phi vượt Địa Trung Hải tràn vào nước này.
Có lẽ không ai có thể tưởng tượng nổi một xã hội Libya thời hậu Gaddafi lại hỗn loạn và mất phương hướng như hiện nay. Đã gần 6 năm trôi qua, kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến, rồi chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ, đất nước và người dân Libya vẫn chưa thể định hình được một chế độ chính trị cho mình. Cho đến nay, quốc gia Châu Phi này vẫn bị xâu xé bởi các phe phái, bộ tộc, xã hội Libya thì bất ổn và đầy bạo lực.
 Libya hon loan: EU ngam loi nguyen cua Gaddafi
Nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ nhằm mục đích gì, cho đến nay các tác giả của kịch bản ấy vẫn không thể làm rõ được
Cùng với đó là sự hoành hành của lực lượng khủng bố, từ đó khiến cho sự tồn vong của đất nước Libya luôn bị đe doạ. Cho đến giờ phút này, không ai có thể hiểu được mục đích thực sự của việc NATO và các lực lượng nổi dậy tại Libya lật đổ chế độ Gaddafi là gì?
Lật đổ một chế độ chỉ để đánh đổi cho một giấc mơ hoang
Vì bất bình với cách điều hành và quản lý đất nước của Gaddafi, một số bộ tộc ở miền Nam Libya đã nổi dậy chống lại chính quyền trung ương, gây ra những cuộc xung đột vũ trang, rồi dẫn đến một cuộc nội chiến. Họ hy vọng rằng sau khi lật đổ được chế độ Gaddafi thì quyền lợi của cá nhân họ, của bộ tộc họ sẽ được bảo đảm bình đẳng trong một đất nước tự do.
Còn với các nước phương Tây, vốn đã không ưa gì Gaddafi khi xem ông ta như là một “lãnh chúa Châu Phi”, vì vậy khi thấy Gaddafi đàn áp lực lượng nổi dậy, NATO đã nhanh chóng hành động lật đổ Gaddafi để dựng lên một chính quyền dễ thao túng hơn. Phương Tây hy vọng sẽ tạo dựng được ở Libya một chế độ dân chủ thời hậu Gaddafi.
Trước sự sức mạnh của cả hai lực lượng “nội công, ngoại kích”, chế độ Gaddafi nhanh chóng sụp đổ và chính thức khép lại một triều đại bằng cái chết của Đại tá Gaddafi vào một buổi chiều buồn, cuối tháng 10/2011, tại thị trấn Sirte.
BBC ngày 6/12/2015 đã viết : Khi Muammar Gaddafi bị lật đổ, đã có những cảnh hân hoan tại đất nước Libya. Tuy nhiên, sự mừng vui ấy chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một tháng, khi dư âm của hào khí chiến thắng qua đi, cuộc sống thiếu thốn ập đến mà không biết dựa vào đâu, chờ đợi ai và sẽ có được cái gì, người dân Libya mới giật mình khi nghĩ về quá khứ.
Với các thành viên NATO đã ném bom vào các căn cứ quân sự của chế độ Gaddafi để hỗ trợ cho phe nổi dậy ở Libya, thì đã phải thất vọng khi đặt ra hàng loạt những câu hỏi mà không thể có câu trả lời : Tại sao Libya lại hỗn loạn như vậy? Ai đang kiểm soát Libya?
Và trong khi đi tìm câu trả lời cho tình trạng bất ổn tại Libya, phương Tây phải trả giá bằng cái chết của Đại sứ Mỹ tại Libya Ohn Christopher Stevens, khi Đại sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya bị tấn công bởi các chiến binh Hồi giáo vào ngày 11/12/2012, theo Wall Street Journal.
Cay đắng là Mỹ không thể có hành động trừng phạt nào với Libya trong tình huống này bởi không biết trừng phạt ai trong một đất nước gần như không có chủ và phương Tây là tác nhân quan trọng góp phần tạo nên sự vô chủ ấy. Hiện nay tại Libya có hai chính phủ đối lập, một chính phủ đóng tại thủ đô Tripoli và một chính phủ đóng đô tại thành phố cảng Tobruk.
Với kết cục cay đắng cho cả người trong cuộc – lực lượng nổi dậy chống lại chế độ Gaddafi – và người trợ giúp – lực lượng NATO, có thể thấy rằng kỳ vọng sau khi lật đổ Gaddafi và chế độ của ông ta, sẽ xây dựng một chế độ tốt hơn tại Libya chỉ là một giấc mơ hoang với nhiều cơn ác mộng.
Hậu quả của việc chà đạp chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc và lời nguyền Gaddafi
Khi lực lượng nổi dậy tại Libya lựa chọn giải quyết xung đột bằng vũ lực, đối đầu với quân đội của nhà nước Libya lúc đó, với sự trợ giúp bằng bom đạn của NATO, khi đó lực lượng nổi dậy đã xem lợi ích của cá nhân, phe phái lớn hơn lợi ích của toàn dân tộc Libya. Vì vậy, đến giờ này họ vẫn không thể làm chủ được tình hình dù chế độ Gaddafi đã bị xóa xổ.
Khi NATO ném bom vào lực lượng của chế độ Gaddafi với mong muốn giúp cho lực lượng nổi dậy nhanh chóng chiến thắng cả trên chiến trường và chính trường Libya, lúc đó chủ quyền quốc gia của Libya đã bị họ tước bỏ - vì chế độ của Gaddafi là chế độ hợp hiến duy nhất tại Libya lúc bấy giờ - và lợi ích của dân tộc Libya thì bị họ bỏ quên.
Chính vì vậy, cho đến bây giờ phương Tây không thể nắm được bất cứ cái gì trong một đất nước Libya hỗn độn, chứ nói gì đến việc định hình một chế độ theo ý muốn của họ.
Có thể thấy rằng, cả hai lực lượng quyết định chấm dứt sự tồn tại chế độ của Gaddafi đều không xuất phát từ ý nguyện của người dân Libya là mong muốn đất nước Libya phát triển, xã hội Libya ổn định. Người ta nêu cao khẩu hiệu vì nhân dân Libya nhưng lại không mang đến một nền hòa bình cho đất nước Libya, vậy thì làm sao tạo điều kiện cho người dân Libya được sống tự do, làm sao nuôi dưỡng cho xã hội Libya một nền dân chủ?
Đối mặt với cuộc sống thiếu thốn và xã hội bất ổn, cái nghèo luôn đeo đuổi và cái chết luôn rình rập, người dân Libya thất vọng và bế tắc. Một số người có tư tưởng cực đoan đã chọn bạo lực làm lẽ sống và súng đạn làm phương tiện kiếm sống, từ đó họ trở thành những kẻ khủng bố đang hoành hành trên đất nước họ và cả ở các nơi khác trên thế giới.
 
Người di cư châu Phi vượt Địa Trung Hải đến châu Âu, thực tế của việc NATO gây tai hoạ, EU lãnh hậu hoạ
Đối với những người không thể tự đổi thay thì đành phải chờ đợi sự đổi từ vòng xoay số phận. Và trong tâm trạng khắc khoải họ hoài niệm về cái xã hội được “cai trị bằng chế độ độc tài Gaddafi”. Ông Karim Mohamed, một thợ may nói với BBC rằng, ở Libya trước đây mọi người đều có công việc và có tiền. Ở Mỹ có người ngủ dưới gầm cầu, nhưng ở Libya thời Gaddafi không có điều ấy.
Đối với những người dân Libya không thể sống với hoài niệm và cũng không thể gia nhập lực lượng khủng bố, rồi chĩa súng vào đồng loại, thì họ quyết định rời bỏ quê hương để đì tìm miền đất hứa nơi phương trời xa với một hy vọng mong manh cho sự đổi đời trong một hành trình gian nan và đầy nguy hiểm.
BBC dẫn lời Mustafa Abdel Momin, một công nhân xây dựng : "Sau khi Gaddafi bị lật đổ, chúng tôi có đầy đủ các cuộc khủng hoảng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao ngất trời và không có gì cho chúng tôi làm. Hoặc là chúng tôi kết thúc bằng một cuộc sống phạm pháp vì đó là cách duy nhất để kiếm tiền, hay là chúng tôi cố gắng đến châu Âu để kiếm sống".
Và thực tế đó đã góp phần tạo nên làn sóng người di cư châu Phi tràn vào châu Âu, tạo nên vấn nạn dân nhập cư, đe doạ bất ổn chính trị – xã hội tại nhiều nước thành viên EU. Chỉ tính riêng năm 2016 đã có 181.000 người vượt biển từ Libya tới Italia, tạo ra áp lực khủng khiếp với chính quyền nước này và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân đất nước hình chiếc ủng.
Rõ ràng, cuộc xung đột giữa chế độ Gaddafi với các lực lượng nổi dậy tại Libya không hề được giải quyết như người ta mong muốn, sau khi thực hiện việc xóa sổ chế độ ấy một cách tàn bạo. Cuộc xung đột xã hội ở Libya còn kéo dài và sâu sắc hơn khi có quá nhiều lực lượng, phe phái xâu xé đất nước Libya, đưa người dân vào thảm cảnh mà quyền sống của họ có thể bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi luật pháp dường như không còn là công cụ quản lý xã hội.
Theo BBC cho biết, trước khi bị lật đổ, ông Gaddafi đã chính thức cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng nếu NATO lật đổ chế độ của ông ta thì sẽ có rất nhiều người di cư đến châu Âu, gây ra sự hỗn loạn và bất ổn cho EU. Với thực tế vấn nạn dân nhập cư hiện nay, có lẽ lời nguyền đó của Gaddafi đã và đang ứng nghiệm với EU.
(Theo Đất Việt) Ngọc Việt

 Chuyện vui:

THƯỞNG TẾT KHỦNG

     Cập nhật lúc 14:45

        Buổi chầu cuối năm Ngọc Hoàng chất vấn Bắc Đẩu về tình hình chuẩn bị Tết Giáp Ngọ:
      - Năm qua kinh tế khó khăn thế, doanh nghiệp đa phần thua lỗ, đóng cửa, phá sản, không hiểu Tết này dân ăn tiêu thế nào?
      - Bẩm Ngọc Hoàng, thần được nghe báo cáo và cũng đã tìm hiểu thực tế thấy năm nay hạ giới lương khủng và thưởng cũng khủng lắm ạ, kể cả thưởng của nhân viên, công nhân lao động. - Bắc Đẩu xoa tay bẩm báo.
      - Sao có chuyện lạ thế nhỉ, lấy tiền đâu ra mà thưởng khủng?
      - Dạ, thưởng khủng chủ yếu đối với các đầy tớ cấp cao, các nhà quản lý doanh nghiệp độc quyền, doanh nghiệp công ích ạ. Cách thức của họ là bóp chỗ thấp cho nó phình lên chỗ cao, trên cơ sở đó thưởng từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Chả thế mà có những đầy tớ hưởng lương, thưởng lên con số hàng tỷ ạ.
      - Thế mức thưởng của công nhân, nhân viên thế nào.
      - Cũng rất khủng ạ!
      - Ta hỏi cụ thể là bao nhiêu?
      - Dạ, họ được thưởng nghỉ Tết gần nửa tháng ạ. Như Ngọc Hoàng cũng biết rồi đấy, thời gian là tiền bạc mà!
Kết quả hình ảnh cho người lao động nghèo

(Theo blog dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

“Sếp” doanh nghiệp nhà nước nhận lương cao nhất bao nhiêu?

Cập nhật lúc 14:31  


Nếu trước đây, trong chi trả lương tại các DNNN còn tồn tại nhiều vấn đề như để xảy ra chênh lệch lớn giữa lương “sếp” và lương nhân viên, lương “sếp” các DNNN với nhau, thâm dụng quỹ lương nhân viên bổ sung cho lương “sếp”…thì từ năm 2016, vấn đề lương thưởng gắn với thị trường, hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn. Nếu kết quả tốt, lương “sếp” DNNN có thể đạt trên 150 triệu đồng/tháng.
 


Lương lãnh đạo ở Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước hiện khoảng 100 triệu đồng/tháng
 
Lương lãnh đạo ở Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước hiện khoảng 100 triệu đồng/tháng
Trích lương người lao động bổ sung cho “sếp”
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về tình hình thực hiện chính sách tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trước tháng 5/2013, tiền lương của viên chức quản lý được phân định rõ với người lao động, từng bước tiếp cận với tiền lương của các chức danh quản lý trên thị trường.
Tiền lương bình quân của người lao động năm 2012 khoảng 7,7 triệu đồng/tháng; của viên chức quản lý khoảng 25-30 triệu đồng/tháng. Trong đó, tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91, người lao động khoảng 11 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, Bộ LĐTB&XH cũng cho hay, trên thực tế, ở một số doanh nghiệp, tiền lương của người lao động và viên chức quản lý chưa thực sự gắn liền với hiệu quả sử dụng vốn nhà nước và kết quả đánh giá quản lý, điều hành và còn có sự chênh lệch lớn tiền lương giữa doanh nghiệp lợi thế ngành nghề kinh doanh và doanh nghiệp không có lợi thế kinh doanh.
Cụ thể, tại những doanh nghiệp có lợi thế thì người lao động hưởng lương 20-25 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý hưởng lương 70-80 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại những doanh nghiệp không có lợi thế thì người lao động chỉ hưởng bằng lương chế độ khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý hưởng 8-10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, có doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung cho viên chức quản lý, hoặc gộp vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối như trường hợp 4 doanh nghiệp công ích tại TPHCM.
Nhiều doanh nghiệp chưa công khai, minh bạch trong xác định và trả lương, trong khi việc kiểm tra, kiểm soát của chủ sở hữu chưa đầy đủ, thường xuyên, dẫn đến viên chức quản lý hưởng hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, tạo chênh lệch lớn về tiền lương giữa viên chức quản lý giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa viên chức quản lý với người lao động và với công chức hành chính, gây bức xúc trong dư luận.
Lỗ, hiệu quả thấp vẫn nhận lương 50-70 triệu đồng
Đến giai đoạn 2013 -2015, tiền lương cơ sở của viên chức quản lý được gắn chặt hơn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, có khống chế mức tối đa (cao nhất với Chủ tịch tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng và thấp nhất đối với kế toán trưởng công ty hạng III là 16 triệu đồng/tháng) để làm “nền” xác định mức lương được hưởng.


Nếu doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất, kinh doanh không tăng thì chỉ hưởng mức lương cơ sở, hiệu quả tăng thì được tăng thêm không quá 0,5 lần mức lương cơ sở; hiệu quả giảm thì hưởng lương thấp hơn mức lương cơ sở; không có lợi nhuận hoặc lỗ thì hưởng bằng tiền lương chế độ. Ngoài ra, Chính phủ quy định viên chức quản lý chỉ được hưởng tiền thưởng từ quỹ thưởng ban quản lý điều hành (tối đa 1,5 tháng lương thực hiện).
Theo số tiệu tổng hợp báo cáo của một số bộ, ngành, tiền lương của người lao động giai đoạn 2013-2015 tăng khoảng 7-8%/năm. Tiền lương bình quân năm 2013 của người lao động trong các công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty 91 đạt khoảng 12 triệu đồng, năm 2014 đạt khoảng 12,9 triệu đồng và năm 2015 đạt khoảng 14,3 triệu đồng/tháng.
Viên chức quản lý công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty 91 giai đoạn 2013-2015 hưởng lương bình quân khoảng 40-45 triệu đồng/tháng, viên chức quản lý ở những doanh nghiệp có nhiều lợi thế (trước đây hưởng 70-80 triệu đồng/tháng) thì giai đoạn này chỉ còn 45-50 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có ít lợi thế, doanh nghiệp công ích (trước đây hưởng 8-10 triệu đồng) thì trong giai đoạn này cũng đã được nâng lên khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, việc chi trả tiền lương trong giai đoạn 2013-2015 vẫn có một số vấn đề. Chẳng hạn, đối với viên chức quản lý ở doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao chỉ được hưởng mức lương tối đa theo quy định là 54 triệu đồng/tháng đối với Chủ tịch tập đoàn. So với mặt bằng tiền lương, Bộ LĐTB&XH đánh giá là còn thấp, không tạo được động lực phấn đấu tăng năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngược lại, một số doanh nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả thấp ở địa phương thì hưởng mức lương 30-35 triệu đồng/tháng là quá cao so với mặt bằng tiền lương ở địa phương.
Đối với công ty có cổ phần chi phối của nhà nước, do chưa có quy định riêng dẫn đến tình trạng, có xu hướng đẩy tiền lương của viên chức quản lý lên cao. Có trường hợp lỗ, hiệu quả thấp nhưng hưởng mức lương 50-70 triệu đồng/tháng, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền lương của người lao động không tăng, thậm chí giảm.
Chủ tịch tập đoàn có thể đạt mức lương tối đa trên 150 triệu đồng
Từ năm 2016, tiền lương của người quản lý được xác định gắn với quy mô, độ phức tạp của quản lý (hạng doanh nghiệp) tương ứng với mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng mở rộng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 đến 1,0 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao. Đảm bảo quy định, Chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 72 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận vượt kế hoạch, các quy định mới cho phép người quản lý được hưởng thêm tiền lương theo nguyên tắc cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung thêm 1% tiền lương, nhưng tối đa không quá 20% tiền lương kế hoạch. Đối với trường hợp đạt đủ điều kiện này thì Chủ tịch Tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 86,4 triệu đồng/tháng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước, nếu bảo đảm các tiêu chí về năng suất, lợi nhuận thì tiền lương của người quản lý tối đa có thể đạt 3,5 lần mức lương cơ bản, tương đương 126 triệu đồng/tháng.
Để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì người quản lý còn được bổ sung lương tối đa không quá 20% lương kế hoạch. Trường hợp đạt đủ điều kiện này thì Chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 151,2 triệu đồng/tháng.
(Theo Dân trí) Bích Diệp