Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

MV cổ suý tự tử

 

Cục NTBD đề nghị dừng phát hành MV mới của Sơn Tùng M-TP trên mạng xã hội

Cập nhật lúc 14:41 

Liên quan đến MV mới của Sơn Tùng M-TP, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và các đơn vị liên quan xem xét, xử lý theo hướng dừng phát hành.

Tối 28/4, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP phát hành MV "There is no one at all"- ca khúc tiếng Anh đầu tiên trong sự nghiệp trên Youtube. MV thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng với 378.000 lượt xem công chiếu, 1 triệu lượt xem sau 22 phút phát hành. Ở thời điểm hiện tại, MV đang giữ vị trí số 1 top thịnh hành, top 1 xu hướng âm nhạc trên Youtube và đạt hơn 5 triệu lượt xem. 

Chống tội phạm

 

An Giang: Số tiền trốn thuế trong các vụ án lên tới hàng nghìn tỷ

Cập nhật lúc 08:57    

Công an tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua đã liên tiếp khởi tố nhiều vụ án, nhiều bị can về hành vi “Trốn thuế”, số tiền không kê khai nộp thuế theo quy định rất lớn từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trốn thuế là hành vi xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước thông qua việc chủ thể không hoàn thành hoặc hoàn thành không đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Trốn thuế là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lí kinh tế của Nhà nước.

Điển hình vào ngày 23/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phú Cường (tức Cường Cát) về hành vi “Trốn thuế”. Với vai trò trực tiếp quản lý, điều hành 4 công ty; thông qua 2 số tài khoản cá nhân của mình, từ năm 2016 – 2020, Cường đã giao dịch số tiền mua bán cát hơn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cường không xuất hóa đơn, không ghi chép vào sổ sách kế toán và không kê khai nộp thuế số tiền này. Qua đó, y đã trốn thuế trên 19 tỷ đồng.


Đối tượng Ngô Phú Cường.

Hiện, vụ án này đang được Cơ quan điều tra Công an An Giang tiếp tục mở rộng điều tra, để làm rõ các hoạt động khai thác và kinh doanh mua bán cát bất hợp pháp của các doanh nghiệp, cá nhân có liên quan, tồn tại nhiều năm trên địa bàn.

Cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh An Giang còn phát hiện và khởi tố thêm nhiều vụ án “Trốn thuế” khác với số tiền “cực khủng”.

Đơn cử như vụ Trần Trí Mãnh - Chủ mưu trong vụ chi 20 tỷ đồng điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang. Mãnh bị khởi tố về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, cụ thể là sản xuất, buôn bán phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe giả.


Trần Trí Mãnh.

Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án xác định, từ năm 2018 - 3/2021 Mãnh đã không kê khai nộp thuế với số tiền trên 161 tỷ đồng; trong đó, trốn thuế gần 49 tỷ đồng.


Khám xét kho hàng giả của Mãnh.

Đối với đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), ngoài các tội danh như: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, “Buôn lậu đường cát”, “Buôn lậu vàng”, “Vận chuyển trái phép USD qua biên giới”, “Rửa tiền”… Cơ quan điều tra còn tiếp tục làm rõ thêm hành vi trốn thuế của “bà trùm”.


"Bà trùm" buôn lậu Mười Tường.

Để trốn thuế, Mười Tường đã lập ra nhiều công ty, cơ sở kinh doanh với các lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2010 – 2020, “bà trùm” đã không thực hiện việc kê khai nộp thuế theo quy định hơn 4.000 tỷ đồng. Hiện, cơ quan thuế đang khẩn trương rà soát số tiền mà Mười Tường đã trốn thuế.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã xác định các tiệm vàng trên địa bàn TP Châu Đốc (tỉnh An Giang)tham gia đường dây buôn lậu của Mười Tường có dấu hiệu trốn thuế, điển hình như: Tiệm vàng Trương Hưng từ năm 2014 - 2020 không kê khai nộp thuế theo quy định gần 9.000 tỷ đồng; cùng mốc thời gian trên, tiệm vàng Trương Liêm cũng không kê khai nộp thuế hơn 3.600 tỷ đồng.


Khám xét tiệm vàng Phước Nguyên.

Tương tự, ngoài tội danh “Buôn lậu”, Nguyễn Thanh Bình - Kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu vàng và kinh doanh trái phép ngoại tệ tại tiệm vàng Phước Nguyên còn bị truy tố về hành vi “Trốn thuế”.

Theo đó, từ năm 2015 – 2020, chỉ tính riêng hoạt động buôn bán vàng, Bình đã thực hiện các giao dịch với số tiền 6.362 tỷ đồng nhưng chỉ kê khai thuế là 339 tỷ đồng. Bước đầu xác định số tiền trốn thuế của Bình là gần 90 tỷ đồng.

Bước đầu xác định số tiền trốn thuế của đối tượng Nguyễn Thanh Bình là gần 90 tỷ đồng.

Với quan điểm không có vùng cấm, Cơ quan điều tra Công an tỉnh An Giang hiện đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng để truy xét và truy thu tất cả những khoản tiền mà các đối tượng đã trốn thuế trong các vụ án kể trên. Đồng thời, tiếp tục điều tra, cương quyết xử lý những tập thể, cá nhân nào có hành vi tiếp tay, bao che cho các đối tượng thực hiện hoạt động trốn thuế.

(Theo Tiền phong) Kim Hà - Phạm Giang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Vụ Việt Á

 

Phú Thọ phát hiện cán bộ nhận "hoa hồng" trên 2 tỷ đồng của Công ty Việt Á  

 Cập nhật lúc 15:18               

Ông Trần Gia Phú - Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - đã nhận hơn 2 tỷ đồng tiền "lót tay" từ Công ty Việt Á.

Thanh tra tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kết luận thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Kết luận cho biết trong 2 năm (2020 - 2021), Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã ký 8 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng.

Hiện Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã cung cấp toàn bộ hồ sơ các gói thầu có liên quan đến Công ty Việt Á cho Công an tỉnh Phú Thọ.

Phú Thọ phát hiện cán bộ nhận hoa hồng trên 2 tỷ đồng của Công ty Việt Á - 1

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Đáng chú ý, quá trình thanh tra tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, đoàn thanh tra nhận được thông tin liên quan đến việc ông Trần Gia Phú (chức vụ: Chi ủy viên Chi bộ xét nghiệm; Trưởng đơn vị Vi sinh, Phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) nhận tiền "hoa hồng" của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.

Theo bản tường trình của ông Trần Gia Phú, báo cáo giải trình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế tỉnh Phú Thọ thì trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ giao cho đơn vị Vi sinh thuộc Trung tâm xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chủ động đề xuất phương án làm xét nghiệm và dự trù sinh phẩm, hóa chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ông Trần Gia Phú - Trưởng đơn vị Vi sinh đã tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và được biết Công ty Việt Á có cung cấp những sinh phẩm, hóa chất phục vụ công tác chuẩn đoán xác định Covid-19, đồng thời có đầy đủ giấy phép lưu hành nên đã báo cáo năng lực của công ty này với ban giám đốc bệnh viện để báo cáo Sở Y tế Phú Thọ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đề xuất và dự trù về số lượng chủng loại và tiếp nhận sinh phẩm, hóa chất từ Sở Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch của đơn vị. Việc ký kết hợp đồng mua bán với Công ty Việt Á do Sở Y tế tỉnh Phú Thọ thực hiện.

Kết luận thanh tra cho biết, sau đó, bà Hồ Thị Thanh Thảo - cán bộ của Công ty Việt Á có liên hệ với ông Trần Gia Phú xin số tài khoản để chuyển tiền "hoa hồng".

Sau khi được ông Phú cung cấp số tài khoản, bà Hồ Thị Thanh Thảo đã 4 lần chuyển khoản cho ông Phú với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

"Việc nhận số tiền nêu trên, ông Trần Gia Phú không báo cáo với Ban giám đốc bệnh viện cũng như Ban giám đốc Sở Y tế. Chỉ đến khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (ngày 25/1/2022), ông Trần Gia Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á"- kết luận thanh tra cho hay.

Ngày 27/1/2022, ông Trần Gia Phú đã nộp toàn bộ số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh Phú Thọ theo quyết định thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh Phú Thọ.

(Theo Dân trí) Thế Kha

Vấn đề văn hoá

 

Vì sao kiến nghị thu hồi Di sản quốc gia Lễ giỗ bà Phi Yến?

 Cập nhật lúc 10:03      

Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm và thống nhất kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến.

Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 26.4, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo, vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.

Sau buổi tọa đàm, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam kiến nghị Bộ VH-TT-DL thu hồi quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Vì sao có diễn biến này?


PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, tại buổi tọa đàm. BNL

Buổi tọa đàm có sự hiện diện và tham gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa và về Vương triều Nguyễn đến từ Huế và Hà Nội, như: PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế); nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; PGS-TS Nguyễn Văn Đăng, nguyên Trưởng khoa Sử, ĐH Khoa học Huế; nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế; nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân; TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam...

Về phía Nguyễn Phước tộc, có PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, và các vị trong hội đồng.

Buổi tọa đàm đã nhận được 16 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, trong đó có 3 tham luận được trình bày tại tọa đàm cùng hơn 10 ý kiến tham luận.

Thứ phi Hoàng Phi Yến không có trong chính sử

Các ý kiến tham luận dựa vào chính sử triều Nguyễn, thế phả của Hoàng tộc triều Nguyễn, ghi chép của các học giả người Pháp cùng các nghiên cứu đã công bố chứng minh bà thứ phi Hoàng Phi Yến (còn gọi Hoàng Phi Yến, tên là Lê Thị Răm) và hoàng tử Cải (còn gọi hoàng tử Hội An) là 2 nhân vật truyền thuyết hư cấu, không có trong chính sử triều Nguyễn.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. BNL

"Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến. Tương tự, trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long”, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam cho biết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi, truyền thuyết bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ Bà Cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana.

"Về sau, nó được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trạng của Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu, sau này là vị vua đầu triều Nguyễn đã để lại rất nhiều dấu ấn ở vùng đất này”, ông Nguyễn Thanh Lợi nhận xét.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cũng khẳng định: cái tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn.

"Từ khi còn 'phục quốc', Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang được phong là Nhị phi. Đến khi vua Gia Long mất, vẫn chưa có bà nào được ban mỹ tự. Vì vậy, không thể có một bà phi được gọi là 'Thứ phi', được ban mỹ tự 'Hoàng Phi Yến' từ khi vua còn 'bôn tẩu', khác với thông lệ", ông Nguyễn Xuân Hoa lý giải.

Côn Lôn có phải là Côn Đảo?

Nhà nghiên cứu Phước Lộc từ nhiều nguồn khảo cứu tư liệu đã khẳng định đảo Côn Lôn (ghi lại trong Đại Nam thực lục, nơi Nguyễn Ánh từng dừng chân trên đường bôn tẩu) chính là đảo Cổ Long (Koh Kong), một hòn đảo nhỏ nằm phía biển Campuchia, gần vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc. Chứ không phải là Côn Đảo.

Học giả người Pháp C.Maybon đầu thế kỷ 20 là người đầu tiên đã phát hiện và đính chính “đảo Côn Lôn” ghi lại trong Đại Nam thực lục chính là đảo Cổ Long (Koh Kong).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết thêm, chi tiết gắn với một đoạn sử liệu được ghi trong bộ sử biên niên Đại Nam thực lục của triều Nguyễn là vào tháng 6 năm Quý Mão (từ 30.6 đến 28.7.1783 dương lịch) chúa Nguyễn Ánh từ đảo Phú Quốc trốn sự truy đuổi của quân Tây Sơn đã chạy “ra đảo Côn Lôn” ẩn náu; rồi đến tháng 7 năm Quý Mão (từ 29.7 đến 27. 8.1783 dương lịch) bị Tây Sơn vây đánh tiếp ở “Côn Lôn” nên phải “vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt”.

“Người đầu tiên phát hiện sự bất cập của ngôn từ và khẳng định 'Côn Lôn' trong đoạn sử này không phải Côn Đảo, mà là để chỉ đảo Cổ Long (Koh Rong, Koh-rong) nằm trong vịnh Xiêm La, là học giả người Pháp Charles B.Maybon”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết.


Vị trí các đảo trên bản đồ theo phân tích của tác giả Phước Lộc

Theo đó, trong ấn bản vào 1930 dưới nhan đề Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays d'Annam de 1428 à 1926 (Bài giảng lịch sử An Nam cận đại và hiện đại từ năm 1428 đến năm 1926), học giả Charles B.Maybon nhìn nhận “Côn Lôn” trong ngữ cảnh cuộc truy đuổi chúa Nguyễn Ánh của quân Tây Sơn năm 1783 không phải là Côn Đảo.

Ông viết: “Thật vậy, vào tháng 3.1783, Huệ và Lữ [hai anh em nhà Tây Sơn], với lực lượng rất hùng hậu đã đập tan mọi cuộc kháng cự. Sau đó, ông hoàng (chúa Nguyễn Ánh) bắt đầu cuộc sống bôn tẩu; bị kẻ thù truy đuổi một cách thê thảm, ông phải phiêu bạt để trốn tránh ở vịnh Xiêm La. Từ Phú Quốc ông chạy ra Koh-rong (đảo Cổ Long), đến Koh-kut (đảo Cổ Cốt), rồi trở lại Phú Quốc, đến Poulo-Panjang (đảo Thổ Chu); nhiều lần mấp mé giữa sự sống và cái chết…”.

Từ những phân tích qua sử liệu, yếu tố quân sự, địa lý và hàng hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng hai chữ “Côn Lôn” được đề cập trong ngữ cảnh của Đại Nam thực lục nếu được hiểu/dịch thành Côn Đảo là hoàn toàn vô căn cứ... “Điều này cũng đồng nghĩa chúa Nguyễn Ánh đã không có mặt ở đó (tức Côn Đảo) năm 1783”.

"Và, vì chúa Nguyễn Ánh trong thực tế khi trốn chạy quân Tây Sơn không thể đặt chân đến Côn Đảo, nên mọi câu chuyện truyền thuyết liên quan đến hành vi của ông ở đó chỉ là sự thêu dệt của đời sau. Một khi đã xác định đó là sự thêu dệt, thì mọi công nhận liên quan đến câu chuyện Lễ hội Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo đều không có giá trị, cần thiết phải nhanh chóng thu hồi và đính chính để giảm bớt những hệ lụy phát sinh", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến nêu quan điểm.

Làm sai lệch và xúc phạm danh nhân lịch sử

Kết luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu thống nhất với nhận định: triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, rất gần với thời đại chúng ta; những văn bản chính sử triều Nguyễn với những ghi chép rõ ràng, đảm bảo lai lịch và hành trạng cũng như công nghiệp của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể xuyên tạc.

 


Kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc có chữ ký của các nhà nghiên cứu tham gia tọa đàm. BNL

Theo kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, việc công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ sự gán ghép lịch sử "là xúc phạm anh linh và hình ảnh của hoàng đế Gia Long, vị vua khởi nghiệp triều Nguyễn cũng như Nguyễn Phúc tộc".

Các căn cứ của hồ sơ công nhận di sản sẽ là khởi nguồn để nảy nở các sáng tác văn học nghệ thuật (thơ văn, kịch nghệ, diễn xướng dân gian) về sau, lan truyền và nhân bản các nhận định sai lầm và gây ra các hậu quả khôn lường.

Thêm nữa, trường hợp hoàng đế Gia Long của triều Nguyễn là danh nhân lịch sử, nên không thể đánh đồng với các trường hợp nhân vật truyền thuyết như Bà Chúa Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Vua Hùng hay Lý Ông Trọng... để lý giải cho việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh ký tên vào bản kiến nghị. BNL

Từ các tham luận, kết luận buổi tọa đàm, các đại biểu có mặt đã cùng ký tên vào bản kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Di sản Văn hóa cùng các cơ quan liên quan đề nghị thu hồi quyết định công nhận Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, lễ hội truyền thống An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Buổi tọa đàm được tổ chức sau khi Bộ VH-TT- DL ban hành Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 về việc đưa Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến (H.Côn Đảo) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một lễ hội dân gian dựa trên truyền thuyết đã gây nên nhiều tranh cãi và bất bình trong giới nghiên cứu, trong đó có Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam.

Theo truyền thuyết địa phương, bà Phi Yến là vợ thứ của Nguyễn Ánh, tên tục Lê Thị Răm, có người con là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải). Do thua trận liên tục, Nguyễn Ánh muốn gửi hoàng tử Hội An làm con tin, đi cùng Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Nhưng bà Phi Yến can ngăn, Nguyễn Ánh nổi giận, nghĩ bà muốn thông đồng với Tây Sơn, định chém đầu, nhưng cận thần can ngăn nên bà chỉ bị giam cầm trong hang đá.

Quân Tây Sơn sắp tràn vào đảo, Nguyễn Ánh xuống thuyền chạy ra Phú Quốc. Hoàng tử Hội An khóc thét khi không thấy mẹ, muốn được ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh tự tay ném cậu bé hoàng tử 4 tuổi xuống biển, xác trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, dân làng chôn cất, lập miếu thờ, gọi là miếu Cậu. Bà Phi Yến được vượn bạch và con hổ cứu sống, trông nom mộ của hoàng tử. Dân trên đảo từ đó đặt ra câu ca dao nói về tình cảm mẹ con: "Gió đưa cây cải (tức chỉ Hoàng tử Cải) về trời/Rau răm (tức chỉ bà Lê Thị Răm) ở lại chịu đời đắng cay".

Về sau bị kẻ xấu xúc phạm, bà Phi Yến tự vận thủ tiết. Người dân địa phương lập ngôi miếu thờ bà.

Lễ hội bà Phi Yến diễn ra vào ngày 18.10 âm lịch hằng năm và miếu An Sơn, thờ bà Phi Yến ở Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 8.4.2007.


Miếu An Sơn. NGUYỄN HỮU LỘC

(Theo Thanh niên) Bùi Ngọc Long

  

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Phòng chống tham nhũng

 

Đưa vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự vào diện Ban Chỉ đạo TƯ theo dõi

 Cập nhật lúc 16:06

 Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 5 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Cuộc họp nhằm để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo đến nay, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, với quyết tâm cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, khẩn trương hơn, kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ trong đấu tranh PCTN, TC; chủ động tấn công, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Cụ thể, các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; phấn đấu đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 19 vụ án, truy tố 21 vụ án, xét xử sơ thẩm 24 vụ án, xét xử phúc thẩm 6 vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 39 vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến 5 vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm:

(1) Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Công ty Việt Á;

(2) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng;

(3) Vụ án “Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;

(4) Các vụ án, vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận;

(5) Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Buôn lậu; Sản xuất, buôn bán hàng giả; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố...

Ảnh: TTXVN

Thường trực Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm trong quý 2 gồm:

(1) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và một số địa phương liên quan;

(2) Vụ án “Nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển và Bộ đội Biên phòng.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 5 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo:

(1) Vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan liên quan;

(2) Vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn FLC;

(3) Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh;

(4) Vụ việc sai phạm liên quan đến Dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, TP.HCM;

(5) Các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh và những cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực liên quan đến vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.

(Theo Vietnamnet)  Thu Hằng

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Vụ Việt Á

 

Bắt Giám đốc CDC Nam Định  

Cập nhật lúc 09:17

Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cùng 4 cán bộ dưới quyền bị khởi tố, tạm giam do liên quan vụ án Việt Á, chiều 25/4.

Thạc sĩ, bác sĩ Lưu bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 22 Bộ luật Hình sự.

Ba thuộc cấp của ông Lưu tại CDC Nam Định bị khởi tố, tạm giam cùng tội danh là Vũ Ngọc Tuyên, Kế toán trưởng; Vũ Khánh Vân, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ và Phạm Thị Nga, Trưởng khoa Dược, Vật tư y tế.

Liên quan vụ án, bà Vũ Thị Ngọc Thanh, Phó Khoa xét nghiệm CDC Nam Định, bị điều tra tội Tham ô tài sản, theo điều 353 Bộ luật Hình sự.


Trụ sở CDC Nam Định bị khám xét chiều 25/4. Ảnh: Xuân Hoa

Điều tra ban đầu xác định, trong năm 2020, 2021, CDC Nam Định ký 5 hợp đồng mua kit xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và được trích phần trăm ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test 3,15 tỷ đồng.

Một số nhân viên CDC Nam Định bị nghi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước và bán cho công ty Việt Á để trục lợi 800 triệu đồng. Cảnh sát công bố đã thu hồi được 1,255 tỷ đồng.

Đây là một vụ án khác được xác lập khi nhà chức trách mở rộng điều tra sang nhiều địa phương có liên quan việc nâng khống giá kit xét nghiệm xảy ra ở Công ty Việt Á. Trong vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) thụ lý, 22 người đã bị khởi tố. Tổng tài sản kê biên và tạm giữ trị giá hơn 1.600 tỷ đồng.

(Theo VnExpress) Phạm Dự

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Bất động sản

 

Cục Thuế TP.HCM đã nhận văn bản "hứa" nộp 100 tỷ của hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm  

 Cập nhật lúc 15:35               

 Hai doanh nghiệp còn lại trong vụ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã gửi văn bản hứa sẽ nộp 100 tỷ đồng trước ngày 30/4 "để thể hiện thiện chí".


4 lô đất mà TP.HCM tổ chức bán đấu giá thì đã có 2 lô chính thức bị bỏ cọc. Ảnh: Quang Duy

Sáng 25/4, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, xác nhận với Dân Việt, 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đã gửi văn bản hứa sẽ nộp 100 tỷ đồng trước ngày 30/4 để "thể hiện thiện chí" mua.

Trước đó, 2 doanh nghiệp này có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp theo tiến độ từng tháng, cho đến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành việc thanh toán.

Cụ thể, theo công văn của Công ty CP Dream Republic, sau khi trúng đấu giá công ty đã gặp gỡ các đối tác tiềm năng để xây dựng định hướng phát triển dự án trên lô đất 3-5, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các đối tác hoàn toàn ủng hộ theo hướng xây dựng định vị thương hiệu thay vì chỉ đặt lợi nhuận lên hàng đầu.

Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá có nhiều sự kiện trong và ngoài nước ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế, đặc biệt là những thông tin sau khi hai doanh nghiệp bỏ cọc gây tác động xấu, ảnh hưởng đến niềm tin của các đối tác chiến lược, việc công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp.

"Dù khó khăn nhưng công ty đang nỗ lực để thu xếp nguồn tài chính để nộp vào ngân sách nhà nước tiền trúng đấu giá đất cũng như các khoản phí, lệ phí… liên quan", công văn của Dream Republic viết.

Tương tự, công văn của Công ty CP Sheen Mega gửi UBND TP.HCM và các Sở ngành liên quan cũng nêu các khó khăn chủ quan và khách quan, dẫn đến việc chậm nộp tiền trúng đấu giá và các khoản phí liên quan.

Với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án trên các lô đất sau khi trúng đấu giá, từ đó hai doanh nghiệp trên đã kiến nghị các cơ quan chức năng TP.HCM phương án thanh toán chậm việc nộp tiền trúng đấu giá.

Cụ thể, theo đề xuất của hai doanh nghiệp, trong tháng 4, hai doanh nghiệp này sẽ nộp 15% tổng số tiền, các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17% và tháng 9/2022 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.

Cục Thuế đã nhận văn bản "hứa" nộp 100 tỷ trước 30/4 của hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm  - Ảnh 2.

4 lô đất ở Thủ Thiêm được TP.HCM đưa ra đấu giá. Ảnh: Quang Duy

Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận vì căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa doanh nghiệp và UBND TP.HCM, thời hạn tối đa là 180 ngày (tức chậm nhất là ngày 6/7), nếu không nộp, doanh nghiệp sẽ bị mất tiền đặt cọc.

Sau khi tiếp thu các ý kiến trao đổi của các Sở ban ngành, ngày 22/4, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm trên đã có văn bản cam kết sẽ nỗ lực thu xếp tài chính để nộp tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp trong thời hạn 180 ngày như quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, nhằm mục đích có được quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như góp phần vào sự phát triển của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Các doanh nghiệp này cam kết thanh toán một khoản tiền 100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30/4, để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án", ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Về tiến độ nộp tiền theo "hứa hẹn" của hai doanh nghiệp, phía Cục Thuế cho biết đang theo dõi.

Hiện, cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6/2 và từ ngày 7/4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện nay số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả là hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.

 Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2), phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

(Theo Dân Việt) Quốc Hải

Chống tham nhũng

 

Bộ Công an tiếp tục điều tra sai phạm đất đai ở Bình Thuận

 Cập nhật lúc 10:50  

 Cơ quan CSĐT Bộ Công an hiện đang thụ lý điều tra dấu hiệu sai phạm tại 9 dự án bất động sản ở Bình Thuận.

Ngày 23.4, Bộ Công an tiếp tục tiến hành đo đạc, kiểm tra 2 dự án ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận) để điều tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an hiện đang thụ lý điều tra dấu hiệu sai phạm tại 9 dự án bất động sản ở Bình Thuận. Cho đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT mới khởi tố 1 vụ án sai phạm tại dự án Khu dân cư thương mại Tân Việt Phát 2 (TP.Phan Thiết). Tại vụ án này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và bắt tạm giam cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai; cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải; cựu Giám đốc và Phó giám đốc Sở TN-MT Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh và Phó giám đốc Sở Tài chính Ngô Hiếu Toàn.


Một góc dự án rừng dầu Hồng Liêm, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông đã khai thác dự án du lịch sinh thái

Đều có dấu hiệu vi phạm

Trong 2 dự án mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa để phục vụ điều tra, xác minh nguồn tin tố giác tội phạm “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vào ngày 23.4, có một dự án thuộc lĩnh vực giáo dục. Đó là dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, của Công ty TNHH đầu tư giáo dục Hòa Thắng (P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết). Đây là dự án bị công dân tố cáo vi phạm các quy định về quản lý đất đai, giao đất không thông qua đấu giá, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Dự án này có diện tích gần 4.766 m2. Hiện trường mầm non này đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9.2021.

Dự án thứ 2 là dự án du lịch Xuân Quỳnh, do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Dự án này có diện tích gần 4 ha, được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư từ năm 2001, nhưng doanh nghiệp không triển khai dự án, nhiều lần xin gia hạn. Hiện chủ đầu tư mới chỉ hoàn thiện hàng rào bao quanh dự án mà chưa triển khai xây dựng vì chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Một dự án khác có dấu hiệu “sai phạm nghiêm trọng” bị tố cáo ở TP.Phan Thiết mà Bộ Công an đang thụ lý điều tra là dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư thuộc P.Đức Long, của Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải. Dự án này có tổng diện tích khoảng 122 ha, nhưng chủ đầu tư mới tập trung vào xây dựng hạ tầng diện tích 26,7 ha (san lấp khu vực biển lở trước đây), tạo quỹ đất nền rồi chia lô để bán. Đây là dự án vấp phải các tố cáo như giao đất không thông qua đấu giá, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 chưa phù hợp với quy định của pháp luật và chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư nhưng đã bán, chuyển nhượng lô nền và đã từng bị cơ quan chức năng của Bình Thuận xử phạt.

Ngoài các dự án trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa tại dự án du lịch Hòn Lan (97 ha) ở H.Hàm Thuận Nam do Công ty CP Trung Sơn Bắc làm chủ đầu tư; dự án Biển Quê Hương của Công ty vận tải hóa chất Việt Nam, rộng 12 ha, ở xã Tiến Thành (TP.Phan Thiết) và xã Thuận Quý (H.Hàm Thuận Nam).

Tất cả các dự án mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đo đạc, tiếp cận hồ sơ để điều tra đều có dấu hiệu sai phạm về quản lý đất đai.


Bộ Công an đo đạc thực địa dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư thuộc P.Đức Long (TP.Phan Thiết) do Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư. H.LINH

Nhiều dự án của tập đoàn rạng đông bị điều tra

Chủ đầu tư có nhiều dự án bị đo đạc, kiểm tra nhất là Công ty CP Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông). Trong số các dự án của tập đoàn này có dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Đây là dự án được UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sân golf Phan Thiết rộng hơn 62 ha. Dự án này bị tố cáo giao đất giá rẻ (2,7 triệu đồng/m2 năm 2017) không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Mặt khác, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết không để lại 20% diện tích trong khuôn viên để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, mà hoán đổi sang một nơi khác. Đây cũng là dự án được điều chỉnh quy hoạch từ 62 ha lên gần 65 ha trái với các quy định của pháp luật. Tháng 2.2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi chủ trương đầu tư trên phần diện tích (2,5 ha) chênh lệch của dự án này.

Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết khi đang trong quá trình triển khai đã vấp phải đơn thư tố cáo của công dân gửi các cơ quan T.Ư nhiều nhất. Người đứng ra tố cáo các dấu hiệu sai phạm tại dự án này là một cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận.

Làm “lụi” dự án du lịch sinh thái

Một dự án khác cũng của Tập đoàn Rạng Đông bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành đo đạc, kiểm tra thực địa là dự án “Bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh, trồng và phát triển thực vật rừng dầu, một số loài động vật quý, hiếm (nhóm IB, IIB) và thông thường thuộc xã Hồng Liêm, H.Hàm Thuận Bắc” (gọi tắt là dự án rừng dầu Hồng Liêm, diện tích 3.330 ha).

Ngay sau khi Bộ Công an tiến hành kiểm tra thực địa dự án này của Tập đoàn Rạng Đông để phục vụ việc điều tra, xử lý nguồn tin tố giác tội phạm, thì ngày 9.3.2022, Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận tiến hành kiểm tra dự án và phát hiện chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình (bungalow, hội trường, đường giao thông, nuôi nhiều loại thú) để phục vụ khai thác du lịch sinh thái trong rừng dầu Hồng Liêm.

Theo Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận, các công trình mà chủ đầu tư đã xây dựng nhằm phục vụ khai thác du lịch sinh thái có quy mô lớn như vậy thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã khai thác dự án du lịch sinh thái. Từ đó, Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Rạng Đông hơn 500 triệu đồng và buộc phải hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định.

 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị cảnh cáo

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 20.4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư thông báo kết luận tại kỳ họp thứ 14. Theo đó, trong số các cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật có Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong với mức kỷ luật cảnh cáo do vi phạm các quy định trong tham mưu, chỉ đạo tại một số dự án trên địa bàn Bình Thuận.

Theo thông tin của PV Thanh Niên, ông Lê Tuấn Phong bị UBKT T.Ư thi hành kỷ luật cảnh cáo, do thời kỳ giữ chức vụ Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Thuận, đã tham mưu cho UBND tỉnh giao dự án lấn biển và sắp xếp lại dân cư thuộc P.Đức Long (TP.Phan Thiết) cho Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải không đúng với các quy định của pháp luật (hiện đang bị Bộ Công an điều tra).

UBKT T.Ư còn đề nghị Ban Bí thư, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 2 cựu Ủy viên T.Ư Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận là các ông Huỳnh Văn Tí và Nguyễn Mạnh Hùng.

Ngoài ra, UBKT T.Ư còn đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Lê Tiến Phương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016; ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016 - 2021 (đã bị bắt giam cùng với cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải). Tất cả các dự án có dấu hiệu sai phạm mà Bộ Công an đang điều tra đều xảy ra ở thời kỳ các vị này điều hành, lãnh đạo ở Bình Thuận.

UBKT T.Ư còn đề nghị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận 2 nhiệm kỳ (2010 - 2015 và 2015 - 2020); tập thể Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Thuận 2 nhiệm kỳ (2011 - 2016 và 2016 - 2021) do để xảy ra các sai phạm tại các dự án trên.

(Theo Thanh niên) H. Linh