Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Diễn đàn học thuật

 

Tiếng Việt 1 không dạy chữ P: 'Cải tiến hoá cải lùi, sai lầm nghiêm trọng'

Cập nhật lúc 16:08               

 Theo chuyên gia ngôn ngữ, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập là sai lầm, lạc hậu và không tiếp thu những nghiên cứu mới.

Sáng 28/2, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông khẳng định, sách Tiếng Việt lớp 1 mà không dạy bài chữ P độc lập là sai lầm nghiêm trọng.


Bài dạy chữ Ph trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Cải tiến hoá cải lùi

Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, trong các kết quả nghiên cứu về ngữ âm ở cuối thế kỷ 20, các chuyên gia đồng nhất quan điểm âm P được coi là âm mượn từ nước ngoài, không có trong Tiếng Việt. Về bản chất, nó là phụ âm môi - môi, khi phát âm hơi bật ra nên gọi là phụ âm bật hơi, tắc vô thanh. Nhưng đó là nhìn nhận âm P với tính chất là phụ âm đầu.

Tuy nhiên, trong cấu tạo âm tiết Tiếng Việt, P còn tham gia với tư cách là phụ âm cuối. Nó có mặt trong rất nhiều từ như: khiếp (khiếp đảm, khiếp vía, khiếp hãi), tiếp (tiếp nhận, tiếp theo, tiếp tục) và nhiều từ láy như: chiêm chiếp, thiêm thiếp...

Cuối thế kỷ 20, các từ có âm P mở đầu rất ít, như: pinh pông (bóng bàn), pô - pô - lin, pê - ni - xi - lin,… Còn hiện nay, số lượng các từ có âm P du nhập vào Việt Nam ngày càng tăng lên. Do đó, việc không dạy âm P trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là chủ trương không đúng và lạc hậu so với thời cuộc, thiếu tính cập nhật những nghiên cứu mới. "Việc chỉ giới thiệu các từ có âm P là chưa đủ mà phải dạy nó với tư cách là một phụ âm đầu", vị chuyên giá nói.

Chữ P có hai chức năng. Thứ nhất, chức năng mở đầu âm tiết, nên gọi là phụ âm đầu (gọi tắt là âm đầu). Thứ hai, chức năng đóng âm tiết nên gọi là phụ âm cuối (gọi tắt là âm cuối). Trong khi đó sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đang bỏ thiếu một chức năng trong dạy chữ P.

PGS Đạt so sánh với “Sách học vần” năm 1977 và 1981, dù bài học về chữ P được ghép cũng với Ph nhưng cách tác giả dạy rất kỹ. Còn với sách "Em học vần" xuất bản năm 1958" bài chữ P không được dạy, mà ghép chung vào chữ Ph. Có thể thấy Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống mang quan điểm giống với những cách thiết kế sách từ hơn 60 năm trước. "Cải tiến như vậy chẳng hoá ra đang cải lùi", ông nói và đề nghị các tác giả sách bộ Kết nối tri thức với cuộc sống nên tiếp thu, chỉnh sửa.


“Sách học vần” năm 1977 (trái) và 1981 (phải).


Sách "Em học vần" xuất bản năm 1958".

Tác giả không phân biệt âm P và chữ P

Ngày 25/2, thầy Đào Quốc Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) lên tiếng phản bác những lập luận của PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, liên quan đến sách giáo khoa không dạy chữ P độc lập. Thầy Vịnh cũng là người gửi thư lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản ánh về vấn đề này.

Thầy Vịnh cho rằng, tác giả cuốn sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không phân biệt được âm P và chữ P. "Trong thư gửi Bộ trưởng, tôi đã nói rõ là sách giáo khoa không dạy cả âm P và chữ P".

"Theo chủ biên sách trong Tiếng Việt âm P có thể xuất hiện ở đầu hoặc cuối âm tiết, sách của họ dạy âm P ở cuối âm tiết. Tuy nhiên, lập luận này thực sự làm tôi ngỡ ngàng với lỗ hổng trong kiến thức về ngôn ngữ học. Họ không phân biệt được phụ âm đầu P và phụ âm cuối P", ông nói và cho rằng hai âm vị này hoàn toàn khác nhau. Hy vọng các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hãy đọc lại và suy ngẫm thật thấu đáo cuốn sách của GS Đoàn Thiện Thuật mà đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam viện dẫn để hiểu rõ hơn thế nào là phụ âm đầu và phụ âm cuối.

Với lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, các nhà khoa học có thể đưa ra những ý kiến khác nhau, nhưng không phải ai cũng tán thành quan điểm như chủ biên cuốn sách đã dẫn. Nếu cho rằng trong Tiếng Việt không có phụ âm đầu P thì tại sao mọi người ở Việt Nam đều phát âm được những từ mở đầu bằng âm P như: “Pác Bó”, “Pa - cô”, “Sa Pa”, “đèn pin”, “pa nô”,… Không thể coi “Pác Bó”, “Sa Pa”, “Pa-cô”,… là từ ngoại lai chưa Việt hóa.

Còn những từ “pa nô”, “pin”, “pi - a - nô”, chủ biên sách cho rằng, từ này mượn của nước ngoài là chưa thật sự hợp lý. Hàng chục năm nay, những từ này đã được đưa vào từ điển Tiếng Việt.

Ông cũng bác bỏ lời giải thích, sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, dạy chữ P giống với Tiếng Việt 1 của Bộ GD&ĐT theo chương trình cũ năm 2000. Ông cho rằng, đây là lập luận tùy tiện, mang tính sao chép nhưng thiếu đồng bộ. "Sách Tiếng Việt 1 trước đây đã cũ, cần phải thay đổi nên mới có chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, trong cuốn sách cũ đó các chủ biên sách cũng tuy không dạy âm P nhưng có dạy chữ P. Về điểm này, những người viết sách giáo khoa mới đã không đọc tham khảo", thầy Vịnh nhấn mạnh.

(Theo VTC.vn) Hà Cường

Thể thao

 

Báo Trung Quốc: 'Giờ đây chúng ta đã kém bóng đá Việt Nam rất xa'

Cập nhật lúc 14:56 

Báo chí Trung Quốc đã khen ngợi màn trình diễn của U23 Việt Nam ở Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2022 và chỉ trích việc đào tạo trẻ của Trung Quốc. Trang NetEase viết: 'Giờ đây tuyển Trung Quốc mất cả dũng khí để chiến đấu với Việt Nam'.


Báo chí Trung Quốc cảm thấy lo lắng vì sự phát triển quá nhanh của bóng đá Việt Nam - Ảnh: Sohu

Sau khi tuyển U23 Việt Nam xuất sắc đăng quang chức vô địch U23 Đông Nam Á, trang tin Sohu (Trung Quốc) đã có bài viết mang tiêu đề: "Việt Nam làm nên lịch sử một lần nữa! Tuy nhiên có một điều thậm chí còn đáng sợ hơn....".

Trong bài viết này, phóng viên Sohu bình luận: "Thất bại 1-3 của đội tuyển Trung Quốc trước Việt Nam vào mùng 1 Tết vẫn còn nguyên trong tâm trí tôi. Đó là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển thần tốc của bóng đá Việt Nam và tất nhiên đó cũng là thành công của những quyết định.

Ở Giải vô địch U23 Đông Nam Á lần này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã bắt đầu tập trung cho Olympic Paris 2024 nên đã lựa chọn đa số cầu thủ trẻ.

Tuy nhiên chiến dịch của họ bị ảnh hưởng khi có nhiều cầu thủ Việt Nam bị nhiễm COVID-19. Minh chứng rõ nhất là ở trận bán kết, U23 Việt Nam chỉ còn 13 cầu thủ và khi hết người thay, họ đã sử dụng thủ môn để đá tiền đạo nhưng vẫn giành chiến thắng... Sau đó là hạ luôn Thái Lan 1-0 ở chung kết để lần đầu tiên lên ngôi.

Nói đến đây ai cũng lạnh sống lưng vì cách đây 4 năm họ vẫn là bại tướng của chúng ta, nhưng giờ đây chúng ta đã kém họ rất xa. Sau khi thua Thái Lan và Việt Nam, giờ đây chúng ta phải chăng chờ đợi Myanmar dạy cho chúng ta một bài học?".

Trong khi đó, một trong những trang mạng lớn nhất Trung Quốc NetEase cũng có bài viết ca ngợi chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam và đồng thời tuyên bố khá "chua chát" rằng: "Giờ đây tuyển Trung Quốc mất cả dũng khí để chiến đấu với Việt Nam".

Trang NetEase viết: "Việt Nam đã thống trị Đông Nam Á, kỳ tích này cho thấy rằng công tác đào tạo trẻ của họ đã có những bước đột phá lớn trong mười, thậm chí hai mươi năm trở lại đây. Ngược lại lứa U23 của Trung Quốc vẫn chưa đạt được thành tích nào.

Ở vòng chung kết U23 châu Á 2022, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đều sẽ góp mặt. Trong khi đó, U23 Trung Quốc lại tuyên bố rút lui khỏi giải và điều này thực sự gây khó hiểu... Bóng đá Trung Quốc giờ đây đã mất cả dũng khí để chiến đấu với Việt Nam, Thái Lan... Điều đó thật sự rất chán nản".

(Theo Tuổi trẻ) Quốc Thắng

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Tình hình Ukraine

 

Thủ đô Kiev hứng 'mưa tên lửa', Ukraina cầu cứu giúp đỡ 

Cập nhật lúc 16:12                                  

 Sáng sớm nay (25/2), tên lửa liên tiếp lao về Kiev khi quân Nga thúc đẩy tiến công tới ngoại ô thủ đô Ukraina. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy cầu cứu cộng đồng quốc tế làm nhiều hơn nữa vì các lệnh trừng phạt là chưa đủ.


Xe tăng Nga ở phía đông Ukraina. Ảnh: East to West News

Theo hãng tin Reuters và AP, nhiều tiếng nổ lớn đã vang lên tại Kiev trước lúc bình minh khi các lãnh đạo phương Tây chuẩn bị tiến hành một cuộc họp khẩn cấp và người đứng đầu Ukraina kêu gọi quốc tế trợ giúp.

Chưa rõ bản chất các vụ nổ nhưng nó xảy ra khi thủ đô và thành phố lớn nhất của Ukraina ngày càng bị đe dọa sau một ngày giao tranh làm hơn 100 người Ukraina thiệt mạng.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy cho biết, chính phủ của ông đã nắm được thông tin rằng "các nhóm lật đổ" đã xâm nhập thành phố. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Kiev "rất có thể bị bao vây" và giới chức Mỹ cho rằng đó là kế hoạch phá bỏ chính phủ hiện tại, thiết lập bộ máy mới của Nga tại Ukraina. Trước đó, ngày 24/2 quân Nga đã tiến vào Ukraina từ ba hướng: đông, bắc và nam.


Thủ đô Kiev rực cháy. Ảnh: East to West News

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố trước các nghị sĩ Mỹ rằng các lực lượng cơ giới hóa của Nga từ Belarus đã tiến gần Kiev, chỉ còn cách thành phố này khoảng 30km.

Hiện, còi báo động vẫn vang rền ở Kiev giữa lúc có thông tin chưa xác nhận rằng một máy bay Nga đã bị bắn hạ và đâm xuống một tòa nhà dân cư ở thành phố này. Cho tới giờ, vẫn chưa rõ đó là máy bay không người lái hay đó là một tên lửa. Tuy nhiên, giới chức địa phương Ukraina cho biết, có 8 người bị thương khi vật thể đó đâm xuống khu chung cư.

Một quan chức cấp cao của Ukraina cho biết, cuối ngày hôm nay quân Nga sẽ tiến vào các khu vực ngoại ô của thủ đô Kiev và quân đội nước này đang bảo vệ các vị trí ở 4 mặt trận dù quân Nga đông hơn. Giới chức Ukraina cho biết thêm, giao tranh đang diễn ra ác liệt tại thành phố Sumy, phía đông bắc nước này.


Ảnh: Daily Mail

Ước tính, có 100.000 người Ukraina đã rời bỏ nhà cửa khi tiếng nổ, tiến súng vang lên tại các thành phố lớn. Hàng chục người đã thiệt mạng. Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy điện nguyên tử Chernobyl trước đây, nằm ở phía bắc của thủ đô Kiev.

Trong một bài phát biểu được ghi hình, Tổng thống Ukraina cho biết, có 137 "anh hùng", gồm 10 sĩ quan đã thiệt mạng, 316 người khác đã bị thương. Trong số những người thiệt mạng có cả các bảo vệ trên đảo Zmiinyi ở vùng Odesa, nơi đã bị quân Nga kiểm soát. Nhà lãnh đạo này tuyên bố, ông hiểu rõ quân Nga đang tiến tới nhưng thề sẽ vẫn có mặt ở Kiev. "Kẻ thù coi tôi là mục tiêu số một, gia đình tôi là mục tiêu số 2. Họ muốn tiêu diệt Ukraina về mặt chính trị bằng cách tiêu diệt người đứng đầu đất nước. Tôi sẽ ở lại thủ đô và gia đình tôi cũng đang ở Ukraina".

 



Hôm qua (24/2), Nga phát động một "chiến dịch đặc biệt" để bảo vệ người dân, gồm cả người Nga, đang ở Ukraina bằng đường bộ, đường không và đường biển. Phương Tây cho rằng Tổng thống Putin đã đưa ra những buộc tội vô căn cứ và hành động của Nga là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến II.

Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Australia và EU đã công bố thêm nhiều lệnh trừng phạt với Moscow. Trong ngày hôm nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết lên án Nga tấn công Ukraina và yêu cầu nước này rút quân ngay lập tức. Tuy nhiên, Moscow có thể bỏ phiếu phủ quyết và vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ bỏ phiếu thế nào.

(Theo Vietnamnet) Hoài Linh

Chất lượng nhà khoa học VN

 

Chất, không phải lượng, làm nên một giáo sư

Cập nhật lúc 14:22 

Bộ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi: lệ thuộc vào con số.


Chẳng hạn như quyết định 37/2018 quy định rằng ứng viên chức danh PGS phải là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học trên các tập san "uy tín"; ứng viên GS là 5. 

Ngoài ra còn có những quy định về chuyển đổi và tính điểm khá phức tạp, nhưng tất cả vẫn đặt nặng định lượng hơn là phẩm chất.

Những quy định mang tính định lượng như thế thật ra là khá thấp so với mặt bằng khoa học ở Việt Nam ngày nay. Chẳng những thấp mà cách hành văn chung chung của bộ tiêu chuẩn đó còn mở đường cho nhiều chiêu trò và lạm dụng. 

Không định nghĩa rõ thế nào là một "bài báo khoa học" thì ứng viên có thể dùng các bài không phải là nghiên cứu nguyên thủy mà vẫn có thể đáp ứng tiêu chuẩn một cách dễ dàng. Sự mập mờ về khái niệm "tập san uy tín" là cơ hội để ứng viên liệt kê các bài báo trên các tập san dỏm hay các tập san chất lượng rất thấp để đạt được tiêu chuẩn đề ra. 

Ứng viên cũng có thể dùng tiểu xảo như công bố hàng chục bài báo nho nhỏ và tầm thường trên một tập san vô danh nào đó thuộc danh mục Scopus hay ESCI trong một thời gian rất ngắn để vượt qua tiêu chuẩn. Đó chính là những lùm xùm trong mỗi đợt xét duyệt chức danh GS/PGS thời gian gần đây.

Con số bài báo khoa học phản ảnh mức độ hoạt động khoa học của một ứng viên chứ không phải là thành tựu của nghiên cứu khoa học, càng không nói lên phẩm chất khoa học. Tiêu chuẩn công nhận chức danh GS/PGS đặt nặng vào lượng mà bỏ qua phần chất, đó là một sai lầm.

Trong khoa học, phẩm chất và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu quan trọng hơn số bài báo khoa học. Ở các đại học nước ngoài, các hội đồng bổ nhiệm không khi nào đề cập đến số bài báo khoa học mà nhấn mạnh đến phẩm chất khoa học. 

Thường bộ tiêu chuẩn ghi rõ rằng ứng viên GS phải có những đóng góp quan trọng vào chuyên ngành với tầm ảnh hưởng cấp quốc gia (nếu là PGS) và cấp quốc tế (nếu là GS). Riêng cấp GS, ứng viên còn phải chứng minh rằng họ đóng vai trò lãnh đạo trong các hội đoàn quốc tế. Chính phẩm chất khoa học, tầm ảnh hưởng và lãnh đạo làm nên một GS.

Một ứng viên GS có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng nếu những bài báo đó chỉ xuất hiện trên những tập san khoa học tầm thường (chỉ số ảnh hưởng thấp) thì ứng viên đó có xứng đáng với chức danh GS/PGS? Theo quy định hiện hành ở Việt Nam thì câu trả lời, thật nghịch lý, là... xứng đáng!

Đề ra số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn đã dẫn đến hàng loạt hành vi vi phạm đạo đức khoa học và đạo đức công bố. Những hành vi này bao gồm: công bố trên tập san dỏm, hoặc những tập san có chất lượng rất thấp mà bất cứ nhà khoa học nghiêm túc nào đều không muốn có tên trên đó; trả tiền cho các "tác giả ma" soạn giùm bài báo; mua bài báo khoa học; trả tiền cho các nhóm chuyên giả tạo dữ liệu để có "nghiên cứu"; tra tấn dữ liệu cho đến khi có kết quả theo ý muốn; thậm chí giả tạo danh tánh chuyên gia bình duyệt để tự duyệt bài báo của mình. 

Tất cả những hành vi đáng ngờ đó chỉ nhằm đạt được số bài báo theo quy định để được công nhận chức danh GS/PGS. Nhưng loại bài báo khoa học đó không tạo ra kiến thức mới mà chỉ làm nhiễu khoa học.

Những quy định hiện hành về công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh GS/PGS còn nhiều khiếm khuyết. Dựa vào các danh mục như Scopus và Pubmed hay ESCI một cách vô điều kiện dễ dẫn đến sai lầm về việc đánh giá và nhận dạng tập san dỏm. 

Sự lệ thuộc vào số lượng bài báo gián tiếp khuyến khích nghiên cứu chất lượng thấp, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín khoa học quốc gia. Bộ tiêu chuẩn mới cần phải soạn chặt chẽ hơn, khoa học hơn, đặt phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn số 1 và xem tác động của nghiên cứu là một thước đo của thành tựu cho việc công nhận các chức danh GS.

(Theo Tuổi trẻ) GS NGUYỄN VĂN TUẤN

 

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2022

Thời sự quốc tế nóng

 

Bom nổ trên trời châu Âu, đốt nóng giá dầu vượt 100 USD/thùng

Cập nhật lúc 16:10                                  

Sau khi Nga phát động tiến công vào Ukraine, giá dầu lập tức tăng mạnh. Hôm nay (24/2), giá dầu Brent vượt mốc 100 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent vượt ngưỡng này kể từ năm 2014. Giá dầu WTI cũng tiến sát mốc 100 USD/thùng.

Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 13h56' ngày hôm nay (24/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 102,23 USD/thùng, tăng 5,39 USD, tương đương 5,57%. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức 96,85 USD/thùng, tăng 4,75 USD, tương đương tăng 5,16%.

Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng 4,72%  so với phiên hôm qua.

Theo các nhà phân tích, giá dầu tăng sốc sau tin tức về hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Hôm qua, Ukraine đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sáng sớm nay (24/2), Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga sẽ thực hiện một "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi quân sự hóa và xóa bỏ chủ nghĩa phát xít ở Ukraine".



Giá dầu tăng vượt mốc 100 USD/thùng

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine làm gia tăng lo ngại về nguồn cung đã đẩy giá dầu tăng “sốc”. Hôm nay (24/2), giá dầu Brent đã vượt qua mốc 100 USD/thùng, được thiết lập kể từ năm 2014.

Giá dầu cũng chịu áp lực tăng do lo ngại rằng các quốc gia phương Tây có thể thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này đưa quân vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.

Ngân hàng JPMorgan của Mỹ dự đoán, giá dầu có khả năng đạt mốc 110 USD/thùng trong quý II năm nay, nếu xung đột địa chính trị tại Ukraine tiếp tục căng thẳng.

Còn ông John Driscoll, Giám đốc JTD Energy Services, mới đây tiết lộ trên CNBC rằng giá dầu có thể vượt 120 USD/thùng, thậm chí mức giá 150 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra.

Tại thị trường Việt Nam, giá xăng đã ở mức hơn 26.000 đồng/lít, mốc cao nhất trong lịch sử. Gần đây, giá xăng liên tục tăng cao trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang có nhiều biến động. Nhiều đại lý, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu than khó nhập hàng và phải chịu lỗ.

(Theo Vietnamnet) Anh Tuấn

Trao đổi, phản biện

Lạ lùng sách Tiếng Việt 1 không dạy chữ 'P', hiệu trưởng viết tâm thư cho bộ trưởng

Cập nhật lúc 15:59               

Ngày 24-2, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà giáo Đào Quốc Vịnh xác nhận ông viết thư ngỏ cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT phản ánh về việc không dạy chữ ‘P’ trong sách Tiếng Việt 1 của bộ 'Kết nối tri thức với cuộc sống'.


Sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" do NXB Giáo Dục Việt Nam biên soạn đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt không dạy chữ 'P' đứng độc lập, mà chỉ dạy chữ 'Ph' - Ảnh: VĨNH HÀ

Trước đây vài ngày, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), đã viết một thư ngỏ gửi đích danh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Trong thư phản ánh sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy chữ "P" độc lập. 

Sau khi có ý kiến trên mạng xã hội về việc này, một chủ biên của bộ sách giải thích: Sách Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" đã dạy chữ ‘P’ khi nó kết hợp với ‘H’ thành chữ ‘PH’ (phờ). Sở dĩ tác giả không đưa chữ ‘P’ độc lập vào sách vì rất ít từ tiếng Việt có chữ ‘P’ đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là ngoại lai.

Bức xúc với sự giải thích này, nhà giáo Đào Quốc Vịnh viết thư cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Trong thư ông cho rằng sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh. 

Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động làm ảnh hưởng tới sự đoàn kết của các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà giáo Đào Quốc Vịnh cho rằng rất nhiều từ chỉ địa danh, tên người của đồng bào dân tộc thiểu số có chữ P đứng trước nguyên âm. Nếu sách không dạy chữ ‘P’ thì trẻ em các vùng này sẽ đọc như thế nào về tên người, địa danh ở nơi mình sinh sống?

Để dẫn chứng, nhà giáo Đào Quốc Vịnh liệt kê hàng chục từ đang là tên địa danh, tên người có chữ ‘P’. Ông cũng cho rằng trong nhiều lĩnh vực dịch thuật, chữ ‘P’ sử dụng rất nhiều. Ví dụ như tên các loại thuốc có chữ ‘P’ đứng trước các nguyên âm. Hay trong đời sống vẫn có những từ có ‘P’ được sử dụng trong giao tiếp. Ví dụ như trẻ con chơi bắn súng sẽ dùng từ ‘pằng, pằng’…

"29 chữ cái, trong đó có chữ ‘P’ được Nhà nước quy định trong Hiến pháp, từ thời Gia Long đã quy định thế rồi, không được bớt. Còn Bộ GD-ĐT chỉ quy định mẫu chữ thôi. Nếu bỏ đi là thiếu hụt ghê gớm", ông Vịnh nêu quan điểm.

Trong thư ngỏ, nhà giáo Đào Quốc Vịnh đề nghị các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu NXB Giáo Dục Việt Nam, cụ thể là tổng biên tập bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" phải bổ sung ngay chữ ‘P’, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với NXB Giáo Dục Việt Nam về sự việc này nhưng chưa có phản hồi. Theo nhà giáo Đào Quốc Vịnh, tới thời điểm này ông cũng không nhận được hồi âm nào từ phía Bộ GD-ĐT.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, NXB Giáo Dục Việt Nam đã báo cáo lãnh đạo Bộ GD-ĐT về sự việc này và cũng đang chờ ý kiến chỉ đạo của bộ.

(Theo Tuổi trẻ)  VĨNH HÀ

 

Ý kiến của Chủ biên sau khi báo chí lên tiếng:

Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 lên tiếng về việc 'bỏ chữ P'

Sau khi Báo VietNamNet có bài "Sách giáo khoa không dạy chữ 'P', Hiệu trưởng viết tâm thư cho Bộ trưởng", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ 'Kết nối tri thức với cuộc sống' đã có phản hồi.

Ông Bùi Mạnh Hùng khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (trang 12, tập một).

Đây là quy định “cứng”, không có bất kì bộ SGK nào dám thay đổi và không có lí do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, HS được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một).

Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho Tiếng Việt 1, Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.


PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Về vấn đề là dạy âm P (pờ) (được ghi bằng chữ P, chữ pê) như thế nào, ông Hùng cho biết trong tiếng Việt, âm P xuất hiện chủ yếu là cuối âm tiết; trong một số trường hợp, xuất hiện đầu âm tiết.

"Trước hết, xin nói về việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến). Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy âm P cuối và dạy nhiều.

Còn về việc dạy âm đầu P (pờ), tất cả các bộ sách Tiếng Việt 1 đều phải đạt được mục tiêu: Học xong lớp 1, HS có khả năng đọc được các từ như đèn pin, Sa Pa, Nậm Pì,… Tuy nhiên, các bộ sách có thể có những cách khác nhau.

Cách thứ nhất: Dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.

Cách thứ hai: Dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ".

Theo ông Hùng, SGK Tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (theo chương trình Tiếng Việt năm 2000) đã áp dụng cách thứ nhất và rất quen thuộc với đông đảo giáo viên dạy Tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong 20 năm qua. SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, kế thừa cách dạy này. Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó, chẳng hạn, khi học vần IN, các em luyện đọc và viết từ đèn pin (trang 78, tập một), luyện đọc từ Sa Pa trong đoạn văn viết về Tây Bắc (trang 105 tập một) và trong bài đọc Ruộng bậc thang ở Sa Pa (trang 154, tập hai).

Lý giải việc nhóm tác giả chọn cách thứ nhất (đồng thời cũng là lựa chọn kế thừa cách dạy của SGK Tiếng Việt 1 năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông Hùng cho biết: Âm P và PH đều được học trong phần Âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có “từ ứng dụng” để HS tập đọc và phát triển vốn từ. Những từ này chỉ chứa các âm tiết mở (bộ phận vần chỉ có 1 nguyên âm), nghĩa là buộc phải dùng từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,….; không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì,… vì 2 lí do: 1) HS chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần ÂM (trong Nậm Pì) và 2) Thông thường, tên riêng không được dùng ở phần dạy phát triển vốn từ. Mới chỉ được học 5 – 6 tuần mà HS phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô,…. là không phù hợp. Chắc hẳn nhiều người sẽ e ngại vì HS lớp 1, mới đến trường mấy tuần, mà phải đọc, viết và hiểu nghĩa của những từ không quen thuộc như vậy.

Tóm lại, Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ) (ghi bằng chữ P). Tất cả đều dạy theo cách quen thuộc với giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua" - ông Hùng khẳng định.

Ông Hùng cũng nói thêm rằng "Trong tiếng Việt, trong khi âm cuối P được mặc nhiên thừa nhận dựa trên hàng loạt cứ liệu thực tế như các từ đã được nêu trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì nhiều nhà Ngữ âm học hàng đầu, “ông tổ” của ngành Ngữ âm học Việt Nam, không coi tiếng Việt có âm đầu P (xem Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm học tiếng Việt, Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999, trang 157 – 158; Hoàng Tuệ và Hoàng Minh (Cao Xuân Hạo), Remarks on the Phonological Structure of Vietnamese, Vietnamese Studies: No 40, p. 76). Như vậy, nếu có coi tiếng Việt có âm đầu P thì đó không phải là việc hiển nhiên và âm đầu P không phải có vị trí “bình đẳng” như các âm đầu khác trong tiếng Việt. Âm này xuất hiện trong các từ vay mượn như: pi-a-nô/piano, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô, pê-nê-xi-lin,…, các âm tiết được viết liền hoặc có dấu nối. Ngoài ra, âm đầu P có thể xuất hiện ở một số tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì,…).

Trong miêu tả ngữ âm học, tất cả các hiện tượng ngữ âm thuộc từ vay mượn mà chưa Việt hóa (pi-a-nô/piano, pê-nê-xi-lin, pê-đan/pêđan, pa-nô/panô,…), tên riêng (Sa Pa, Nậm Pì,…), cùng với từ tượng thanh, từ cổ,… đều thuộc hiện tượng ngữ âm “ngoại biên”, không được lấy làm ngữ liệu để miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ".

(Theo Vietnamnet) Phương Chi

 

Quy hoạch và đầu tư

 

Duyệt quy hoạch Bắc Giang thêm 10 sân golf mới

Cập nhật lúc 10:53  

Theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với 13 sân golf trong đó có 10 sân golf quy hoạch mới.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu chung nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả.

 


Theo quy hoạch, trong 12 khu chức năng năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí ở Bắc Giang sẽ có 13 sân golf, gồm ba sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới

Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Về phương án phát triển mạng lưới đô thị, đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I (TP Bắc Giang), 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V.

Quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.

Bắc Giang sẽ quy hoạch ba khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.

Bên cạnh đó, quy hoạch 4 khu phát triển trở thành khu du lịch cấp tỉnh gồm: Khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao, huyện Sơn Động; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa Bản Ven - Xuân Lung - Thác Ngà, huyện Yên Thế; Khu du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Tiên Sơn - Vân Hà, huyện Việt Yên; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hương Sơn, huyện Lạng Giang.

Đáng chú ý là Bắc Giang sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có ba khu đang thực hiện, 9 khu quy hoạch mới. Trong 12 khu chức năng có 13 sân golf, gồm 3 sân golf đang triển khai thực hiện và 10 sân golf quy hoạch mới.

Theo đó, các khu quy hoạch mới có sân golf gồm: Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao Nham Biền (2 sân golf, TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng); Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao (huyện Lạng Giang); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng suối Nứa (huyện Lục Nam).

Khu sân golf Yên Thế tại hồ Cầu Rễ (huyện Yên Thế); Khu sân golf và khu nghỉ dưỡng Tân Yên tại Núi Dành (huyện Tân Yên); Khu sân golf Yên Hà (huyện Yên Dũng, Việt Yên); Khu sân golf và nghỉ dưỡng Lục Nam (huyện Lục Nam); Khu sân golf Tây Yên Tử (huyện Sơn Động).

(Theo Vietnamnet) Thuận Phong

Sự thật dần sáng rõ của những bài "báo quốc tế"

 

'Khách hàng' của 'siêu nhân' làm dịch vụ đăng bài tính điểm xét GS, PGS là ai?

 Cập nhật lúc 10:41   

Khi tiếp cận “khách hàng”, ông Đinh Trần Ngọc Huy hướng câu chuyện tới mục tiêu có dư dả bài đăng trên các tạp chí quốc tế nằm trong các danh mục ISI/Scopus để phục vụ cho việc xét PGS, GS.

 Và đây là điểm mấu chốt giúp cho dịch vụ của ông Đinh Trần Ngọc Huy tồn tại, phát triển. Như Thanh Niên đã phản ánh trong bài “Siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS số ra ngày 23.2, ông Đinh Trần Ngọc Huy chưa có bằng tiến sĩ nhưng rất nổi tiếng trong giới học thuật từ hơn 2 năm nay bởi làm dịch vụ “công bố quốc tế”.

“Mua hàng” với danh nghĩa cộng tác, hợp tác

Theo ông Huy tự quảng cáo trên trang web của mình, ông đã xuất bản khoảng 400 - 450 bài báo, trong đó có khoảng 300 bài ISI/Scopus, với đề tài phủ rộng khắp các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, kinh doanh, công nghệ và quản lý, kinh tế nông nghiệp - thủy sản, giáo dục, tâm lý, y học, dược phẩm, toán ứng dụng, triết học, lịch sử… Những con số mà ông Huy kể đó là đã được phóng đại, bởi nếu theo thống kê trên trang Google Scholar thì tác giả Đinh Trần Ngọc Huy có 379 bài.


Thông tin xuất bản của Đinh Trần Ngọc Huy trên tạp chí thuộc danh mục Scopus cho thấy người này có 130 đồng tác giả. CHỤP MÀN HÌNH

Theo thống kê của trang Scopus, hiện ông Huy có tên trong số các tác giả của 76 bài. Nhưng về chủ đề “nghiên cứu” thì đúng là ông Huy thuộc diện “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” vì đa dạng lĩnh vực như ông này tự quảng cáo. Có vẻ như ông Huy bắt đầu hành nghề một cách “chuyên nghiệp” về dịch vụ đăng bài từ cuối năm 2019, vì đến năm 2020 ông Huy mới bắt đầu có hàng loạt bài báo. Năm 2020 có 40 bài, năm 2021 có 180 bài (mỗi năm có 30 bài Scopus).

Dù trong quá trình “tiếp thị” sản phẩm tới các nhà khoa học, ông Huy đã nhận được không ít ý kiến phản đối từ những “quả ngọt” mà ông Huy nhận được là không ít nhà khoa học đồng ý “mua hàng” của ông với danh nghĩa cộng tác, hợp tác, có trả phí.

Theo trang Scopus, với tên tác giả Huy, Dinh Tran Ngoc (74 bài đã được công bố, 2 bài còn lại được công bố với tên Huy, Mba Dinh Tran Ngoc) thì ông Huy có 130 đồng tác giả. Trong đó, tác giả thành công nhất trong việc hợp tác là đồng tác giả với ông Huy 12 bài; 10 người là đồng tác giả với ông Huy từ 4 - 7 bài; đa số là đồng tác giả với ông Huy 1 - 2 bài.

Những ai hợp tác với ông Huy?

Khi tiếp cận “khách hàng”, ông Đinh Trần Ngọc Huy hướng câu chuyện tới mục tiêu có dư dả bài đăng trên các tạp chí quốc tế nằm trong các danh mục ISI/Scopus để phục vụ cho việc xét PGS, GS, và đây là điểm mấu chốt giúp cho dịch vụ của Huy tồn tại, phát triển. Vì vậy, khi lần theo thông tin về các đồng tác giả của ông Huy trên trang Scopus và đối chiếu với danh sách ứng viên xét GS, PGS năm 2020, 2021, chúng tôi nhận ra nhiều “khách hàng” của ông Huy.

Chẳng hạn, trong danh sách các ứng viên ngành kinh tế đợt xét năm 2021 (đã được hội đồng (HĐ) ngành thông qua), chúng tôi điểm danh được 3 ứng viên có bài báo kê khai trong hồ sơ xét PGS là những bài báo có ông Huy là đồng tác giả.

Cụ thể: Ng.C.Th (Trường ĐH Hồng Đức), P.V.H (Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo), H.T.H (Học viện Chính sách và Phát triển). Tuy nhiên, các ứng viên này cũng đã gạt ra không khai trong hồ sơ một số bài viết cùng với ông Huy.


Thư ông Đinh Trần Ngọc Huy gửi các nhà khoa học mời gọi hợp tác.

Lần ngược thông tin xét GS, PGS năm 2020 cũng của HĐ ngành kinh tế, chúng tôi nhận thấy có 3 người (hiện đều đã được bổ nhiệm PGS) là đồng tác giả với ông Huy ở một số bài báo quốc tế có trong danh mục Scopus: Ph.T.A, Ng.T.T.P (đều công tác ở Trường ĐH Thương mại); P.V.T (công tác ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân).

Tuy nhiên, đồng tác giả với ông Huy không chỉ có các nhà khoa học trẻ mà còn có một số nhà khoa học đã thành danh, có vị trí cao ở một số cơ sở đào tạo hoặc trong HĐ giáo sư ngành. Chẳng hạn, tiến sĩ Ng.N.T, viện trưởng một viện nghiên cứu của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (là trường ĐH mà ông Huy đang làm nghiên cứu sinh) cũng là đồng tác giả với ông Huy nhiều bài báo, trong đó có 4 bài Scopus.

“Bài học cho sự ngu dốt của mình”

PV Thanh Niên liên hệ PGS Ph.T.A., thoạt tiên PGS Ph.T.A từ chối, nói: “Tôi không quan hệ gì với anh Đinh Trần Ngọc Huy”. Nhưng khi PV nêu đích danh bài báo mà ông Ph.T.A khai trong hồ sơ xét PGS thì ông này cho biết: “Ngày xưa tôi có cộng tác với bạn ấy một lần, nhưng sau đó thấy cách làm việc không hợp nên không cộng tác nữa”. Rồi ông Ph.T.A nói thêm: “Lâu rồi. Hồi đó bạn ấy có tham gia một vài hội thảo, anh em gặp nhau cùng giao lưu, làm chung một vài nghiên cứu”. Tuy nhiên, trên trang Scopus thống kê tác giả Ph.T.A có tận 12 bài là đồng tác giả với Đinh Trần Ngọc Huy; còn trong hồ sơ đề nghị xét PGS do ông Ph.T.A nộp lên thì có 5 bài (được đánh số 6, 22, 24, 27, 30) ông viết cùng Đinh Trần Ngọc Huy.

Ông H.T.H., ứng viên đã được HĐ ngành thông qua hồ sơ đề nghị xét PGS năm 2021 thì đã thành thật thừa nhận, mối quan hệ hợp tác với ông Huy là “bài học cho sự ngu dốt của mình” (vì sự chia sẻ thành thật của ông H., chúng tôi xin phép không nói thông tin cụ thể về ông).

“Trong quá trình nghiên cứu, dù tôi đã dùng các phương pháp hiện đại, nhưng tiếng Anh lại hơi kém, nên chỉ có bài tiếng Việt, phải nhờ đến sự hỗ trợ của Huy. Do đó, hai bên thỏa thuận là Huy chuyển ngữ cho bài báo và được đứng tên cùng. Các đồng tác giả khác là những người trong nhóm nghiên cứu của tôi, người thì làm ở ĐH Thái Nguyên, người thì làm ở một trường ĐH trong miền Nam”, ông H. cho biết.

Theo ông H., ông bắt đầu có mối quan hệ hợp tác với Huy từ năm 2016, khi ông còn là nghiên cứu sinh. Ban đầu là nhờ ông Huy dịch thuật, rồi nhờ ông Huy tìm tạp chí quốc tế để gửi đăng. Vì kém tiếng Anh, lại thiếu hiểu biết về hệ thống xuất bản khoa học quốc tế nên gần như việc gửi đăng bài ở tạp chí nào là ông H. đều phó mặc cho ông Huy. Trong quá trình hợp tác, ông H. cũng bắt đầu nghe thấy một số điều tiếng về ông Huy nên đã lặng lẽ kiểm tra, và tá hỏa vì những sản phẩm mình nhận được sau khi sử dụng dịch vụ của ông Huy. “Tôi nghe nói có tạp chí chỗ cậu Huy này gửi đăng còn không có ban biên tập”, ông H. nói…

Ông H. cảm thán: “Mình dốt thì mình phải chịu. Không va vấp thì không biết đường đi nước bước thế nào. Giờ đây tôi cũng đã học được nhiều từ Huy. Giờ tôi tự tìm được tạp chí, tự submit được. Tiếng Anh cũng đàng hoàng đĩnh đạc. Hồi trước, dù còn kém tiếng Anh, nhưng tôi cũng nhận thấy sao mà dịch chán thế mà tạp chí họ cũng nhận xuất bản cho, lúc đó tôi đã nghi nghi”.

Về những hệ lụy mà ông Huy mang đến cho mình (có bài trên tạp chí giả mạo nên không được HĐ GS ngành tính điểm, theo thống kê của chúng tôi là có 4 bài ông H. khai trong hồ sơ), ông H. cho biết là không trách ông Huy, vì tin rằng ông Huy sẽ phải chịu hậu quả về những điều tồi tệ mà ông Huy đã làm. “Vì có trách Huy, tôi cũng không làm lại được. Đời người ai cũng có những sai lầm, bạn biết là sai lầm rồi thì cũng có làm lại để sửa chữa những sai lầm đó được đâu. Tương lai thế nào mới là quan trọng”, ông H. chia sẻ.

Ông Đinh Trần Ngọc Huy là ai ?

Trên các bài báo “quốc tế” mà ông Huy đứng tên tác giả (hoặc đồng tác giả), ông Huy ghi địa chỉ của mình là Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Anh Đinh Trần Ngọc Huy hiện là nghiên cứu sinh của trường. Anh Huy chưa bao giờ là cán bộ, giảng viên của trường cả”.

(Theo Thanh niên) Quý Hiên