Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013


20:08
 Thượng cờ mừng ngày thống nhất đất nước 


(TNO) Kỷ niệm 38 năm thống nhất đất nước, sáng 30.4, tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức nghi lễ thượng cờ tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. Dự lễ có lãnh đạo một số bộ ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và đông đảo người dân đến từ mọi miền đất nước.

Trong không khí thiêng liêng của những ngày tháng 4 lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng khổ lớn, biểu tượng của ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất nước nhà được từ từ kéo lên đỉnh kỳ đài, tung bay kiêu hãnh.
 Trang nghiêm lễ thượng cờ bên bờ Hiền Lương
Trang nghiêm lễ thượng cờ bên bờ Hiền Lương
Mặc dù năm nào, vào dịp này, nghi lễ cũng được tổ chức, nhưng những người tham gia vào nghi lễ thượng cờ bao giờ cũng có những cảm xúc hết sức đặc biệt. Ai cũng bồi hồi nhớ về quá khứ hào hùng trong chiến tranh và nghĩ đến những ước vọng đẹp đẽ trong tương lai...
Dịp này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tặng mẫu thiết kế biểu tượng hòa bình cho tỉnh Quảng Trị.
Dự kiến, sắp tới biểu tượng này sẽ được thực hiện trong thực tế và trưng bày tại khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
 Lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, gợi bao cảm xúc của người dự lễ 1

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, gợi bao cảm xúc của người dự lễ
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh, khơi nên bao cảm xúc cho người dự lễ
Ngay sau lễ thượng cờ, giải đua thuyền truyền thống chào mừng ngày lễ lớn của đất nước cũng đã được khai mạc và diễn ra rất sôi nổi ngay trên dòng sông từng là giới tuyến chia cắt hai bờ nam-bắc này.
 Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam (trái) trao mẫu thiếu kế biểu tượng hòa bình cho ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam (trái) trao mẫu thiết kế
biểu tượng hòa bình cho ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị
 Đông đảo khánh du lịch, người dân địa phương tham dự ngày hội thống nhất non sông tại khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải 1

Đông đảo khánh du lịch, người dân địa phương tham dự ngày hội thống nhất non sông tại khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải
Đông đảo khách du lịch và người dân địa phương tham dự ngày hội thống nhất non sông
tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải
 Giải đua thuyền truyền thống diễn ra hết sức sôi nổi trên sông Hiền Lương 1

Giải đua thuyền truyền thống diễn ra hết sức sôi nổi trên sông Hiền Lương
Giải đua thuyền truyền thống diễn ra hết sức sôi nổi trên sông Hiền Lương
 Đông đảo người dân đến cổ vũ cho giải đua
Đông đảo người dân đến cổ vũ cho giải đua
(Theo Thanh niên) Nguyễn Phúc

19:49

TQ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định những hành động gần đây của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Ông Lương Thanh Nghị nói như trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hành động của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, như việc quan chức cao cấp Trung Quốc cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và chuẩn bị tổ chức thi câu cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. 

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, không tuân thủ Tuyên bố cấp cao giữa ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC và vi phạm DOC, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông,” người phát ngôn nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt các việc làm sai trái nêu trên, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông 

Cùng ngày, trước việc Trung Quốc đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp trên và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc tổ chức du lịch cũng như các hoạt động khác tại quần đảo Hoàng Sa.

Ông khẳng định: “Quần đảo Hoàng Sa là một huyện đảo của Thành phố Đà Nẵng, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa khách du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây bất bình đối với chính quyền và nhân dân Đà Nẵng”./.
TTXVN

19:16
Hóa giải hận thù trong lòng nước Mỹ

TP - Ít người quên giọng nói trầm hùng khi khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng một thời. Nay, ông đang làm công việc mới tại bên kia bán cầu: Góp phần hàn gắn những trái tim hận thù, phát triển mối bang giao.
Ám ảnh bại trận
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston (bang Texas-Hoa Kỳ) Lê Dũng dành những phút hiếm hoi cho PV Tiền Phong trong chuyến công tác ngắn ngày.
Với cương vị Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston, việc gắn kết với cộng đồng người Việt ở xứ người thế nào, thưa ông?
Những buổi đầu mở Tổng lãnh sự quán tại Houston rất khó khăn. Khó khăn nhất là, nhóm chủ tịch hội đồng cộng đồng người Việt ở đó đã thu thập hơn 100.000 chữ ký phản đối sự có mặt của chúng tôi.
Tuy nhiên, chúng tôi biết đằng sau sự chống đối này, âm thầm có biết bao sự ủng hộ. Sau khoảng 1 năm hoạt động, bà con ngày càng có thiện cảm với tòa tổng lãnh sự.
Bởi vì, tổng lãnh sự hỗ trợ từ thủ tục thăm thân ở quê nhà, tới việc buôn bán làm ăn, kết hôn, giấy tờ nhà đất, chuyển tro cốt người đã khuất… Có những lúc, nửa đêm có việc cần, bà con gọi, chúng tôi sẵn sàng. Trước đó, bà con bắt buộc phải chuyển lên Washington DC, San Francisco để làm.
Điều khó khăn khi sang đây là làm sao kết nối được bà con Việt kiều, hướng bà con về với quê hương đất nước. Khó nhất vẫn là thuyết phục những người lớn tuổi.
Dẫu sao, trong lòng họ vẫn còn những suy nghĩ không thiện ý với trong nước. Nếu như năm đầu tiên chỉ có 10 người đến tiếp xúc trong dịp Tết Nguyên đán, đến năm thứ 3, chúng tôi mời 280-300 người dự thì bà con chiếm một nửa. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ cố chống phá lại những người hướng về quê hương.
Chúng tôi tập trung vào vận động lớp trẻ sinh sau 1975. Có người nói được tiếng Việt, có người không, nhưng bản thân người ta luôn suy nghĩ mình là một phần không thể tách rời của dân tộc Việt. Họ không mấy băn khoăn và nghĩ nhiều về thất bại năm 1975.
Nhiều người rất trẻ sẵn sàng hỗ trợ cho các hoạt động của tòa lãnh sự quán trong công tác cộng đồng, tìm hiểu thị trường. Đặc biệt là lớp trẻ am hiểu về công nghệ cao, rất ủng hộ. Chẳng hạn, dự án chúng tôi kêu gọi đầu tư Công viên số ở Đà Nẵng.
Có câu chuyện nào cụ thể về những người Việt ở đây khiến ông suy nghĩ nhiều?
Chẳng hạn, tôi đã từng tiếp xúc với những người trước đây từng làm công tác tâm lý chiến trong chế độ Sài Gòn cũ. Sau khoảng 3,4 lần tiếp xúc, họ bảo rằng thiếu thông tin về Việt Nam và nói nếu Cộng sản ai cũng như các anh thì tôi cũng yêu Cộng sản.
Tôi đã nói với họ: Có nhiều người hay hơn tôi đấy. Những hận thù gần 40 năm rồi, các bác, các anh, các chị cố gắng dẹp lại, làm thế nào tăng cường tiếp xúc với tòa tổng lãnh sự quán, tìm kiếm thông tin trên mạng để hiểu đúng về đất nước. Còn nếu suốt ngày nghe đài, đọc báo của một bộ phận Việt kiều phản ánh đơn tuyếnthì rất nhiều tin tiêu cực. Mọi người chỉ nhìn thấy một góc nhỏ mà không hiểu được nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Các ông ấy nói: Chúng tôi hiểu cả chứ, nhưng bên này chúng tôi muốn đất nước phải cởi mở hơn, làm sao đừng coi chúng tôi là người thất trận. Tôi trả lời ngay: Không bao giờ coi các bác là người thất trận cả. Hoàn cảnh đất nước lúc đó như thế. Tôi rút ra rằng, mình cứ cởi mở, chân thành với người ta.
Cần xuất khẩu chữ Tín sang Mỹ
Từ khi có tổng lãnh sự ở Houston, hiệu quả kinh tế mang lại cho đất nước ra sao, thưa ông?
 “Mỗi dịp 30/4, tôi đến thăm một số gia đình di tản sau năm 1975, họ cho đây là ngày quốc hận. Để thấy rằng, muốn xóa được hận thù không đơn giản. Mình thông cảm cho họ. Bà con đều là anh em cả, phải xuất phát từ trái tim”. 
Lê Dũng
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston
Trong 3 năm tốc độ tăng trung bình từ 25-30%. Năm 2012 cao nhất, tăng được 32%. Mình vẫn xuất siêu sang Texas là chính. Việt Nam nhập máy móc, trang thiết bị, kỹ thuật hóa dầu và nông sản (chủ yếu là bông gòn, ngô và thức ăn gia súc). Bang Texas mạnh về công nghiệp và nông nghiệp. Nước ta xuất đồ gỗ (đẹp, giá rẻ), hải sản tôm cua cá; đồ ăn hàng ngày như mỳ tôm, bánh phồng tôm xuất rất tốt. Trung bình 2 lần/năm, chúng tôi xúc tiến thương mại. Để phát triển hơn nữa, phải đợi đến 2014, khi kênh đào Panama giai đoạn 2 hoàn thành, hàng hoá Việt Nam không phải đi vòng qua Cảng Long Beach (tiểu bang California).
Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sang thị trường Texas?
Với thị trường Mỹ, mặt hàng gì cũng có thể xuất được. Về chất lượng, họ có nhiều phân khúc khác nhau. Nhưng kiểm duyệt rất khắt khe. Vấn đề là, bà con trong nước xuất khẩu thời gian đầu chất lượng rất tốt, nhưng về sau kém dần. Tôi khuyên các doanh nghiệp Việt Nam phải nghiêm túc trong việc hiểu và làm theo đúng luật của nước Mỹ; cần giữ chất lượng, uy tín thì mới xuất khẩu được số lượng lớn. Khi đã có uy tín rồi sẽ xuất khẩu được nhiều mặt hàng khác. Hơn nữa, nên làm ăn lớn, tiếp cận được những nhà phân phối lớn của Mỹ. Chẳng hạn, làm sao xuất khẩu được thẳng vào hệ thống bán lẻ lớn nhất toàn cầu Wal-mart. Chúng tôi đã mời một đoàn của Wal-mart sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường.
Hành trang của ông sang Mỹ lần này có tư liệu về biển đảo?
Có 2 thứ, tôi tập trung nhiều: Tài liệu về kinh tế, dự án kêu gọi đầu tư, các quy định của nhà nước về đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu và công tác thông tin tuyên truyền. Trong đó, biển đảo rất được coi trọng. Đây cũng là điều bà con rất quan tâm. Tài liệu về biển đảo thể hiện bộ đội, thanh niên, các hiệp hội trong nước hỗ trợ đấu tranh như thế nào. Rồi ngư dân dũng cảm ra sao để vừa hoạt động kinh tế, vừa bảo vệ biển đảo.
Chủ quyền là thiêng liêng
Hẳn những người bạn Mỹ quan tâm lắm tới chủ quyền Việt Nam?
Chẳng hạn như vấn đề đường lưỡi bò. Tất cả những người bạn Mỹ mà tôi gặp, họ rất ủng hộ lập trường của Việt Nam trước đòi hỏi vô lý của Trung Quốc. Họ nói, khi nghe vậy đã thấy buồn cười, không có luật quốc tế nào cho phép như thế.
Lớp trẻ người Việt sinh sau 1975 ở Mỹ quan tâm về vấn đề chủ quyền như thế nào, thưa ông?
Họ quan tâm đến vấn đề bản đồ trên mạng như: Dùng tên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ra sao. Họ từng gửi phản đối lên trung tâm phát hành bản đồ ghi sai tên các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Dù họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, ít có cơ hội về Việt Nam, nhưng vẫn hướng về 
quê hương.

Hồi còn làm người phát ngôn Bộ Ngoại giao, mỗi khi nhắc tới chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, dường như ông đầy xúc cảm?
Không có gì tự hào và sung sướng hơn khi nói về vấn đề quan trọng của đất nước như chủ quyền. Chủ quyền là thiêng liêng. Không có ai là người Việt lại có thể để mất đi một viên gạch, một mét vuông đất của Tổ quốc, chứ chưa nói gì đến các quần đảo. Đó là đất đai, lãnh thổ mà ông cha đã giữ gìn bao đời nay. Do đó, mỗi lần phát ngôn, tôi rất tự tin, khẳng khái và thấy thật thiêng liêng. Vấn đề là, anh phát ngôn như thế nào để giữ chủ quyền, nhưng cũng cân nhắc liều lượng, đảm bảo quan hệ.
Cảm ơn ông!
Lê Dũng
Lê Dũng.
 
Bang Texas có hơn 400.000 người Việt sinh sống, riêng thành phố Houston có hơn 138.000 người.
 
(Theo Tiền Phong) Đình Thắng 

15:31

Ngày mai bắt đầu từ hôm qua

(TNO) Trung thực và sòng phẳng với quá khứ luôn là cách tốt nhất để hướng đến tương lai, hàn gắn vết thương và hòa giải mọi bất đồng.
Những ngày cuối tháng 4, ông Chuck Searcy di chuyển như con thoi dọc miền Trung, tháp tùng các thành viên thuộc Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Veterans for Peace, Mỹ) thăm lại các điểm chiến trường xưa tại Huế, Quảng Trị rồi Đà Nẵng. 
 
 
Cựu chiến binh Chuck SearcyViệt Nam cần chuyển tải thông điệp này đến thế giới, đường hoàng và đĩnh đạc: Mọi công dân Việt Nam, cho dù có đóng vai trò nào trong cuộc chiến, đều đang là một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng hòa bình, tái thiết đất nước, và hòa giải dân tộc
 
Cựu chiến binh Chuck Searcy
 

Bản thân từng đóng quân tại Sài Gòn trong các năm 1967, 1968 và là một trong những cựu binh Mỹ đầu tiên trở lại Việt Nam từ năm 1995, ông Searcy đã thăm và gặp lại không biết bao nhiêu những cựu binh Việt Nam ở bên kia chiến tuyến, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và cả những nạn nhân chất độc da cam.
Chuyến đi lần này, ông và đoàn cựu chiến binh Mỹ tiếp tục đi thăm lại những con người ấy. Vẫn nguyên vẹn những cảm xúc ôn cố tri tân khó tả, chuyến đi lại thêm một lần nữa xác tín niềm tin của ông Searcy về một đất nước và con người Việt Nam đang chuyển mình, 38 năm sau cuộc chiến.
“Trong mắt tôi, mọi gia đình và cá nhân từng con người Việt Nam đã tha thứ cho những quyết định và phán xét trong quá khứ từng xé toạc đất nước này và chia cắt người dân”, ông Searcy nói với Thanh Niên Online.
“Chiến tranh, muôn đời là phi nghĩa. Người Việt Nam hiểu rõ chân lý này hơn ai hết. Những người Việt Nam chiến đấu cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có những lựa chọn mà cả họ và chính gia đình của mình phải trả giá đắt. Nhưng giờ đây, bạn bè, gia đình của cả hai phía đã đoàn tụ, đất nước đang được gầy dựng và phát triển với mồ hôi và xương máu của mọi công dân. Tất cả đang cùng vượt qua những đắng cay và tủi hổ của quá khứ để hướng đến tương lai”, ông Searcy nói.
“Lúc này đây, Việt Nam cần chuyển tải thông điệp này đến thế giới, đường hoàng và đĩnh đạc: Mọi công dân Việt Nam, cho dù có đóng vai trò nào trong cuộc chiến, đều đang là một phần không thể thiếu trong công cuộc xây dựng hòa bình, tái thiết đất nước, và hòa giải dân tộc”, ông Searcy nói thêm.
Ông Searcy hiện đang là cố vấn cho dự án RENEW nhằm khắc phục những hậu quả ác liệt bom mìn thời chiến để lại tại tỉnh Quảng Trị. 
Ngày mai bắt đầu từ hôm qua
Sài Gòn trưa 30.4.1975, cuộc chiến kết thúc, nhưng vết thương mà nó để lại trên thịt da và trong tinh thần người Việt phải mất nhiều thời gian mới lành - Ảnh: AFP
Bắt đầu từ hôm qua
Hòa giải và hòa hợp dân tộc, cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự. Những ai đã từng đi qua cuộc chiến không thể không thống nhất với nhau rằng: Chặng đường hoàn tất sứ mệnh đó đã đang và sẽ luôn lắm gập ghềnh.
Ông Don North, cựu phóng viên chiến trường của hãng ABC News (Mỹ), cho rằng ngay trong lòng nước Mỹ, “hòa hợp dân tộc” vẫn còn là mục tiêu mà siêu cường này đang phấn đấu đạt được. 
 
Cựu phóng viên chiến trường Don North (ABC News) Chặng đường hướng tới tương lai phải được bắt đầu bằng sự trung thực với quá khứ. Theo tôi, Việt Nam đang có những bước đi hiệu quả để tiến tới hòa giải dân tộc
 
Cựu phóng viên chiến trường
Don North (ABC News)
 
 
 “Cuộc nội chiến Mỹ đã kết thúc từ năm 1865. Trong 150 năm qua, miền Nam nước Mỹ vẫn còn ta thán rằng vẫn chưa có một cuộc hòa giải sòng phẳng cho họ”, ông North nói.
“Tôi cho rằng, hòa giải chỉ thực sự diễn ra khi mà các bên liên quan chịu trung thực, sòng phẳng và chính xác với những gì diễn ra trong quá khứ. Chặng đường hướng tới tương lai phải được bắt đầu bằng sự trung thực với quá khứ. Theo tôi, Việt Nam đang có những bước đi hiệu quả để tiến tới hòa giải dân tộc”, ông North cho biết.
Rõ ràng, cách tốt nhất để đẩy lùi bóng ma quá khứ không gì khác ngoài việc nhận rõ những di họa nặng nề cuộc chiến để lại và từ đó, ngày qua ngày làm dịu đi những nỗi đau để lại từ nó.
Một cựu chiến binh Mỹ khác, ông Chuck Palazzo (hiện sinh sống tại Đà Nẵng), quyết định bỏ công ty phần mềm mình sáng lập đang ăn nên làm ra tại Mỹ để quay lại Việt Nam cách đây 4 năm với tâm nguyện “trả nợ Việt Nam”.
Ông Palazzo giờ đây tham gia vào nhóm hành động vì nạn nhân chất đi ô xin-da cam, lấy niềm vui của chính những con người bất hạnh ấy làm hạnh phúc cho riêng mình.
“Rất nhiều người Mỹ và Việt Nam đang rất muốn và cố quên đi cuộc chiến. Về phần mình, tôi chấp nhận nó như một phần của đời mình; bây giờ và trở về sau, tâm nguyện lớn nhất của đời tôi là cố gắng hết sức để mang những điều tốt đẹp nhất cho các nạn nhân chất độc da cam và bom mìn”, ông Palazzo nói.
“Đừng cảm ơn chúng tôi nữa”
Những ai lạc quan hơn nữa thì cho rằng vấn đề hòa giải, trong lòng Việt Nam và giữa Việt Nam với Mỹ, chỉ còn là vấn đề tương lai gần. Hoàn toàn có cơ sở để tin như vậy vì 2/3 dân số Việt Nam hiện nay sinh sau năm 1975 và mặc dù vẫn kính trọng những gì thế hệ cha anh đã hy sinh, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay ít nhiều không bị ám ảnh bởi bóng ma cuộc chiến.
Trong khi đó, những ai tham gia cuộc chiến đều đang bước vào ngưỡng tuổi “ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời”. Ở ngưỡng cửa này của cuộc đời, theo Giáo sư sử học Mart Stewart (Đại học Western Washington, Mỹ), hầu như mỗi người đều đang tự tha thứ cho chính mình và cho cả những người không cùng chiến tuyến. 
 
 
Cựu chiến binh Chuck Palazzo Rất nhiều người Mỹ và Việt Nam đang rất muốn và cố quên đi cuộc chiến. Về phần mình, tôi chấp nhận nó như một phần của đời mình; bây giờ và trở về sau, tâm nguyện lớn nhất của đời tôi là cố gắng hết sức để mang những điều tốt đẹp nhất cho các nạn nhân chất độc da cam và bom mìn
 
Cựu chiến binh Chuck Palazzo
 

“Rất nhiều người trẻ, trong đó có thế hệ con, cháu người Mỹ gốc Việt, thậm chí bây giờ không còn cảm thấy có nghĩa vụ phải quên đi quá khứ và thứ tha nữa. Nói một cách lạc quan, hòa hợp đã đạt được rồi chứ còn gì nữa”, Giáo sư Stewart nói.
Lạc quan như thế cũng hay. Thế nhưng, như những người trong cuộc đã khẳng định, hướng về tương lai không có nghĩa là chối bỏ quá khứ. Hòa hợp trọn vẹn có đạt được hay không ở ngày mai lệ thuộc rất nhiều vào cách nhìn nhận và thái độ sòng phẳng với ngày hôm qua.
Ông Chuck Searcy chỉ rõ: “Tiếc thay, người Mỹ đã bỏ mất một cơ hội lớn để nhìn nhận lại kết thúc của cuộc chiến như một sự soi rọi vào chính mình và từ đó, tự hỏi: Chúng ta là ai, đâu là hệ quả của những gì chúng ta gây ra trên thế giới, gây ra với những con người vô tội và không làm hại gì chúng ta?".
Có vẻ những câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời, những bài học đó vẫn chưa được học thuộc. Ông Chuck Palazzo tâm tư: “Tôi cứ hy vọng mọi cuộc chiến sẽ kết thúc, sẽ chẳng bao giờ còn chiến tranh nữa. Thế mà, sai lầm của Mỹ ở Việt Nam nay tiếp tục được lặp lại khắp nơi trên thế giới”.
Ở bên kia đại dương, ông Bill Ehrhart, một cựu lính thủy đánh bộ được ghi nhận nhiều công trạng sau khi giải ngũ, cho biết những điều ám ảnh ông nhất sau khi trở về Mỹ lại là những điều tưởng chừng huy hoàng nhất dành cho một cựu chiến binh.
“Câu nói tưởng chừng thành kính nhất dành cho cựu binh chúng tôi là “Welcome home” (Chào mừng đã trở về nhà). Cái gì khiến mọi người nghĩ tôi đã “về nhà”? Vì tôi trở về đầy đủ 10 ngón tay, 10 ngón chân? Vì tôi đi bầu và đóng thuế? Về phần mình, tôi khó mà có cảm giác như “ở nhà” trong một đất nước mà không chịu rút ra bài học thực sự từ những thất bại thảm hại của chính mình”.
Ông Ehrhart cho biết, trong suốt một thập niên qua, bất cứ người nào ông gặp nếu biết được ông từng phục vụ trong quân đội Mỹ, đều nói “Thank you for your service” (Cám ơn vì sự phục vụ). Biết chắc người nói lời cảm ơn này đều có ý tốt, ông Ehrhart vẫn ước gì họ chịu lắng lòng lại một chút để suy ngẫm về điều mình vừa nói ra.
“Tôi được cảm ơn vì đã phục vụ trong một cuộc chiến phi nghĩa chống lại một đất nước không gây hại gì cho nước Mỹ. Một cuộc chiến không phục vụ cho lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân Mỹ, chứ đừng nói là người Việt Nam. Họ cảm ơn tôi vì sự phục vụ đó? Đó không phải là một phận sự mà tôi lấy làm tự hào”, ông nói.
“Hãy đừng cảm ơn những binh sĩ như chúng tôi vì những phận sự như thế nữa”, ông Ehrhart nói.
(Theo TNO) An Điền (Lấy từ trang KBCHN.net)

15:01
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: 
Xây dựng quân đội đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc

TPO – Nhân kỷ niệm 38 năm non sống gấm vóc thu về một mối, phóng viên Tiền Phong đã trò chuyện với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, trong bất kỳ thời nào, hòa bình hay chiến tranh, phải bằng mọi giá giành cho được và giữ cho được độc lập tự chủ. Mất độc lập tự chủ là thời chiến sẽ thua, thời bình sẽ loạn.
Giữ cho được độc lập, tự chủ
Mỗi năm vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng có suy nghĩ và mong muốn điều gì?
Khi nghĩ về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta vào ngày 30/4/1975, tôi cũng như mọi người dân Việt Nam đều có hai mong muốn. Thứ nhất là mong muốn hòa bình. Thứ hai là giữ cho được độc lập, tự chủ và đất nước phát triển.
Vì sao như vậy? Chiến thắng của chúng ta rất vĩ đại và oanh liệt nhưng để trả giá cho chiến thắng đó chúng ta đã mất quá nhiều xương máu. Đó là bài học chúng ta rút ra từ lịch sử, không được để cho những cuộc chiến tranh tái diễn.
Tuy nhiên, muốn có hòa bình, một nền hoà bình bền vững và đích thực thì không thể không có một nền quốc phòng mạnh. Đó là nền quốc phòng vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc, củng cố hòa bình, độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ.
Do vậy, chính sách quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Trách nhiệm của chúng ta- những người đi sau cuộc chiến tranh này- phải biết kế thừa những thành quả sau chiến tranh. Đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và một nền hoà bình bền vững, lâu dài.
Đây là di sản lớn nhất ông cha ta để lại sau những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975, mà chúng ta phải gìn giữ cho được.
Vậy những bài học của chiến thắng 30/4 sẽ giúp gì cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, thưa Thượng tướng?
Mỗi người có những ưu tiên và bài học khác nhau. Đối với tôi có ba bài học. Thứ nhất trong bất kỳ thời nào, hòa bình hay chiến tranh, phải giành cho được và giữ cho được độc lập tự chủ. Phải bằng mọi giá giữ được điều này như Bác Hồ đã nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Mất độc lập tự chủ thì thời chiến sẽ thua, thời bình sẽ loạn. Bài học thứ hai là một nền hòa bình lâu dài phải được chuẩn bị và xây dựng trong một thời gian lâu dài, đất nước phải mạnh.
Một nước yếu, đặc biệt là mất ổn định, không có khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, thì đất nước đó sẽ không có nền hòa bình thực sự, lâu dài và bền vững. Thứ ba là bài học về sức mạnh quốc gia, trong đó có sức mạnh quốc phòng.
Chúng ta không bao giờ đem sức mạnh quốc phòng để đe dọa ai, sử dụng với bất kỳ ai. Nhưng chúng ta phải đảm bảo sức mạnh quốc phòng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tin tưởng vào khả năng bảo vệ Tổ quốc, không có nghĩa chỉ là quân đội, vũ khí mà trước hết là ý chí của toàn dân tộc sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Có được những bài học này chúng ta sẽ có độc lập tự chủ, giữ được toàn vẹn lãnh thổ và nền hòa bình bền vững.
Giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế
Thưa Thượng tướng, ngoài xu thế chủ đạo là hòa bình, hợp tác, hữu nghị thì thế giới và khu vực cũng có những diễn biến phức tạp, ví như những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông gần đây, nhìn lại sự kiện 30/4 sẽ giúp chúng ta điều gì trong giải quyết tình hình hiện nay?
Thời nào cũng vậy, dù thế giới bình yên hay xáo trộn, thì cũng nổi lên những vấn đề cần giải quyết, những thách thức về hòa bình, an ninh có thể ở tầm quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi cuộc sống tự phát sinh những cọ xát, bất ổn.
Vấn đề là chúng ta làm sao không để những cọ xát đó trở thành xu thế chung mà đó chỉ là những hiện tượng cá biệt và càng thu hẹp phạm vi, khoanh càng nhỏ lại bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Trên toàn cầu, những năm vừa qua bất ổn ở nhiều khu vực, nguyên nhân sâu xa là sự phát triển không đồng đều ở các khu vực, tạo ra khoảng cách giàu nghèo, những cách ứng xử không phù hợp với quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, tham vọng lợi ích của một số quốc gia, nhưng lợi ích đó không thực sự là của mình ở các khu vực, từ đó cũng tạo ra những thách thức, bất ổn.
Cụ thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề an ninh biển và Biển Đông đúng là quan ngại, là mối quan tâm đặc biệt của cả thế giới chứ không chỉ khu vực.
 Việc sử dụng vũ lực với ngư dân dù dưới bất kỳ hình thức nào, quân sự hay phi quân sự, là không bao giờ được phép. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của thế giới.  
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Bởi, càng ngày người ta càng thấy lợi ích của Biển Đông. Lợi ích về chiến lược, địa chính trị, giao thông hàng hải quốc tế, tài nguyên thiên nhiên và nhiều lợi ích khác nữa. Chính vì Biển Đông có rất nhiều lợi ích nên được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới.
Và cũng vì có nhiều lợi ích mà nó dễ xảy ra xung đột lợi ích nếu các quốc gia không tự thấy cái gì là lợi ích chính đáng, cái gì không phải là lợi ích chính đáng của mình.
Nếu các quốc gia không đặt lợi ích của quốc gia mình trong lợi ích chung của các nước trong khu vực và cộng đồng thế giới, thì dễ dẫn đến bất ổn. Đối với Biển Đông, những tranh chấp từ lâu đã gây quan ngại và thế giới đã chú ý, khi những hành xử ấy mang tính hệ thống thì nó trở thành vấn đề của khu vực, càng gây quan ngại nhiều hơn.
Ở khu vực Biển Đông của chúng ta có hai vấn đề lớn. Một là vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải. Bất ổn xảy ra khi một số quốc gia không tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là không tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mỗi quốc gia.
Khi đó, đụng ngay đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải quốc tế, đây là vấn đề của thế giới. Quan ngại thứ hai trên Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ, vấn đề này cũng đã có ở nhiều nơi, nhiều đời và kéo dài hàng trăm năm. Vấn đề là xử lý những tranh chấp đó như thế nào.
Việt Nam chủ trương giải quyết theo luật pháp quốc tế một cách triệt để và bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền chính đáng của chúng ta đối với thềm lục địa, các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam tin rằng, với xu thế chung như vậy, nếu kiên trì, có đối sách đúng đắn, thái độ hòa hiếu, có trách nhiệm với lợi ích của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực, kể cả quốc gia có tranh chấp với chúng ta, thì Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ và hòa bình cho đất nước, đóng góp cho ổn định của khu vực.
Không tham gia vào những trò chơi quyền lực
Thưa Thượng tướng, trong những điểm nóng, bất ổn hiện nay thì lúc nào cũng có bóng dáng, can dự của những nước lớn, vậy chúng ta nhìn nhận vấn đề này như thế nào, cụ thể là những tranh chấp trên Biển Đông?
Khi là nước lớn thì người ta có lợi ích trên toàn cầu. Như vậy, sự can dự của họ về chính trị, văn hóa, kinh tế, kể cả quốc phòng, sẽ trải rộng trên toàn thế giới, trong đó có khu vực của chúng ta.
Chúng ta tôn trọng những can dự, lợi ích đấy nếu họ tôn trọng luật pháp quốc tế, can dự một cách hoà bình, song trùng với lợi ích của các nước trong khu vực và đặc biệt là không xâm hại đến chủ quyền, lợi ích chiến lược của các quốc gia. Những can dự như vậy thì chúng ta ủng hộ vì nó đem lại sự phát triển chung cho khu vực.
Tuy nhiên, những can dự ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định chung của khu vực, xâm hại đến lợi ích của các quốc gia, nghiêm trọng nhất là xâm phạm đến chủ quyền quốc gia, thì chúng ta không bao giờ chấp nhận.
Chúng ta cần phải kiên định giữ cho được thái độ của quốc gia mình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và chế độ chính trị ở nước ta, không tham gia vào những can dự, những trò chơi quyền lực ấy. Nếu can dự của các nước lớn không được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực thì can dự đó sẽ không đem lại lợi ích cho ai cả, và sẽ thất bại.
Cụ thể trên Biển Đông, chúng ta không kéo bất kỳ quốc gia nào tham gia vào những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông mà Việt Nam tự giải quyết với các nước mà chúng ta có tranh chấp.
Giải quyết bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế nhưng không được quên một điều là phải công khai, minh bạch, lắng nghe và được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Như vậy, giải quyết đó mới thực sự bền vững, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực.
Năm 2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký với lãnh đạo Trung Quốc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông thì được các nước ASEAN hết sức quan tâm và đánh giá cao.
Các nước lớn ngoài ASEAN như Nga, Ấn Độ, Mỹ... cũng theo dõi rất kỹ và khi gặp chúng tôi trong các hội nghị quân sự-quốc phòng, họ đều đánh giá cao.
Họ nói rằng những nguyên tắc đó không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam và Trung Quốc mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Vấn đề là chúng ta và Trung Quốc thực hiện những nguyên tắc đó như thế nào.
Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận
Như Thượng tướng nhấn mạnh, vấn đề là hai nước thực hiện những nguyên tắc đã cam kết. Trở lại hoạt động của ngư dân chúng ta trên Biển Đông, thực tế là bà con đã gặp những cản trở, khó khăn và có trường hợp vừa qua đi quá giới hạn dân sự, Thượng tướng nghĩ sao?
Việc sử dụng vũ lực với ngư dân dù dưới bất kỳ hình thức nào, quân sự hay phi quân sự, là không bao giờ được phép. Hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung và cũng là đạo lý chung của thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận nó trong một tổng thể xem những sự việc như vậy có phải là tính hệ thống hay không. Nếu là tính hệ thống thì chúng ta đặt nó ở tầm lo ngại lớn hơn. Quan trọng nhất là giải quyết như thế nào, phải làm thế nào để hiện tượng đó không tái diễn. Đảng, Nhà nước ta luôn ủng hộ và bảo vệ ngư dân đánh bắt trong vùng biển của chúng ta.
Như phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khi ra thăm đảo mới đây: “phần chủ quyền biển đảo của mình, bà con cô bác cứ đánh bắt”. Ngoài ra, chúng ta cũng giáo dục ngư dân phải tuân thủ luật pháp và hướng dẫn cách xử lý trong những trường hợp bị gây khó khăn.
Cụ thể, chúng ta đã có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân trên biển, thưa Thượng tướng?
Đảng, Nhà nước ta luôn cố gắng cao nhất đảm bảo cho ngư dân yên tâm khi ra đánh bắt cá ở vùng biển của Việt Nam. Tình hình hiện nay đòi hỏi những bước phát triển hơn nữa, đảm bảo an toàn cho các hoạt động lao động hòa bình, phát triển trên biển, bởi kinh tế biển ngày càng quan trọng. Vừa qua chúng ta đã có bước củng cố Cảnh sát biển.
Chính phủ cũng đã cho thành lập lực lượng kiểm ngư. Những lực lượng này vừa giúp ngư dân đánh bắt cá vừa bảo vệ ngư dân, đồng thời xử lý các vi phạm của ngư dân Việt Nam và nước ngoài. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã cứu dân trong bão, giúp dân khi đắm tàu… không chỉ với ngư dân Việt Nam mà cả ngư dân các nước khác.
Lòng tin càng cao thì quan hệ càng phát triển
Trở lại việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, theo Thượng tướng công tác này sẽ đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là giải quyết những điểm nóng của khu vực và quốc tế?
Đối ngoại quốc phòng nằm trong chiến lược đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước. Đặc trưng là xây dựng lòng tin. Trên cơ sở xây dựng lòng tin, nó sẽ phục vụ cho sự phát triển quan hệ đối ngoại toàn diện với các nước, lòng tin càng cao thì quan hệ càng phát triển.
Bên cạnh đó, đối ngoại quốc phòng cùng với các lĩnh vực đối ngoại khác là diễn đàn để hợp tác và đấu tranh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, chế độ chính trị XHCN của chúng ta.
Do là quốc phòng nên những vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ được đề cập một cách trực tiếp. Khi giới quân sự đã ngồi được với nhau để bàn về hợp tác vì hoà bình thì rõ ràng nguy cơ xung đột giảm đi, hòa bình được giữ gìn và đến gần hơn, chiến tranh xa hơn.
Đối ngoại quốc phòng cũng trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng quân đội, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, đào tạo cán bộ.
Trong đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng thì khó khăn lớn nhất là đối tác có thực tâm, có muốn giải quyết theo luật pháp quốc tế những mối quan hệ vừa hợp tác, vừa đấu tranh hay không. Trong giới quốc phòng, những tuyên bố đơn phương, hành động đơn phương rất khó được chấp nhận. Trong thế giới hiện nay, không nước nào có thể áp dụng chính sách đơn phương được.
Đối với người trẻ, nhất là những chiến sỹ trẻ đang huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở biên giới, hải đảo, Thượng tướng muốn nói với họ điều gì về vai trò người lính trong thời bình?
Người trẻ tham gia quân đội ở bất kỳ lĩnh vực, vị trí nào thì tôi muốn nói với các chiến sỹ là: Đất nước không thể có hòa bình, phát triển nếu không có nền quốc phòng mạnh.
Việc thanh niên tham gia quân ngũ trong thời bình không phải chỉ là sẵn sàng chiến đấu nếu có chiến tranh, mà chính là tạo ra gốc rễ của hòa bình. Đó là nền quốc phòng vững mạnh, đủ để bảo vệ Tổ quốc. Đó là trách nhiệm, vinh dự và tự hào của người chiến sỹ trong thời bình.
Hiện nay nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến sỹ có trình độ cao thì không có nền quốc phòng mạnh. Mặt khác môi trường quân ngũ là nơi học tập rất hiệu quả, không phải những kiến thức cụ thể về kinh tế, xã hội mà nó xây dựng nhân cách, bản lĩnh cá nhân, phương thức làm việc, tính độc lập khi ra xã hội...
Môi trường đó cũng tạo cho người lính mối quan hệ đặc biệt, đó là tình đồng đội. Nếu người lính vào quân ngũ với tâm thế như vậy thì sẽ trở thành người lính tốt và khi xuất ngũ sẽ trở thành một công dân tốt.
Xin chân thành cảm ơn Thượng tướng!
(Theo TPO) Hà Nhân - Minh Đức - Quốc Hùng 

 13:47
Mì tôm Sài Gòn âm thầm tồn tại

SGTT.VN - Trước năm 1975, người dân miền Nam, từ nông dân cho đến trí thức đã quen với gói mì có hình ảnh con tôm. Từ đó, mì gói còn được gọi là mì tôm...

 
Những gói mì tôm bao bì bằng giấy của Colusa – Miliket vẫn là mì tôm “khoái khẩu” của nhiều thế hệ người dùng Việt NamẢnh: Minh Phúc

Nói đến mì tôm là nhớ đến gói mì có hình ảnh hai con tôm của hãng mì Colusa, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa – Miliket hay là mì tôm Thiên Hương. Đến nay, dù thị trường có hàng trăm thương hiệu mì ăn liền khác nhau, một bộ phận người dân Sài Gòn vẫn có thói quen gọi mì gói là... mì tôm.
Những gói mì tôm Colusa được bán trên thị trường từ lúc nào không ai còn nhớ, chỉ biết, thương hiệu này được thành lập trước năm 1975 với tên gọi đầy đủ là Sài Gòn thực phẩm công ty. Sau năm 1975, từ món ăn bình dân, mì tôm đã trở thành món ăn sang trọng vì không dễ mua được mặt hàng này do phần lớn chỉ bán trong cửa hàng quốc doanh theo tiêu chuẩn tem phiếu. Lúc này, Colusa được đổi tên thành xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Năm 1983, tổng công ty Lương thực miền Nam mở thêm xí nghiệp lương thực thực phẩm Miliket. Năm 2004, sáp nhập Colusa và Miliket thành công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket và chuyển đổi thành công ty cổ phần vào năm 2006. Dù xuất hiện trước nhưng sau này người tiêu dùng ít nhớ đến tên Colusa, chỉ nhớ đến Miliket nên quen gọi là mì tôm Miliket!
Lối đi riêng
Từng là thương hiệu được xem là “độc quyền” trên thị trường vào những năm thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, nhưng từ khi thị trường này có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước tham gia, không ít người tiêu dùng, vốn gắn bó với hình ảnh, hương vị của gói mì có hai con tôm của Colusa ngờ hoặc rằng: Colusa – Miliket đã bị triệt tiêu? Một khách hàng có nickname là KemSocola85 (Hà Nội) than vãn trên một diễn đàn: “Tôi đi tìm mì Miliket dạng cân hoặc gói mà chẳng có cửa hàng nào bán cả. Hay là bây giờ Miliket không còn sản xuất nữa? Ai biết chỗ nào có bán mì Miliket thì chỉ giùm”...
Điều nghi ngờ của khách hàng không phải vô lý. Trong khi trên thị trường mì tôm đã hình thành cuộc chiến khủng khiếp bằng những câu chữ tiếp thị hình ảnh với công chúng, Colusa – Miliket lại bình thản trong cuộc chiến đó. Hiếm khi thấy hình ảnh của nhà sản xuất này xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng giám đốc Võ Văn Út cho biết: “Mỗi doanh nghiệp có một phương thức truyền thông riêng. Quan điểm của Colusa là đến trực tiếp vào người tiêu dùng bằng những hoạt động cụ thể như: tham gia hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua nhân viên bán hàng tại các chợ bán lẻ, chợ đầu mối và các đại lý”. Năm 2012, trong khi một số hãng tăng giá mì tôm, Colusa – Miliket vẫn giữ giá. Và năm 2013 vẫn vậy...
Hữu xạ tự nhiên hương
Dù chất lượng bữa ăn của người dân Việt ngày càng được cải thiện tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng nhưng mì tôm vẫn còn là mặt hàng tồn tại trên thị trường không chỉ vì tính tiện dụng của nó, mà còn có cả giá trị tinh thần – món ăn ký ức. Colusa – Miliket đã khai thác thế mạnh “ký ức” để cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường. Công ty đã xây dựng đội ngũ ở các tỉnh, không chỉ bán hàng mà còn nghiên cứu hành vi và thói quen tiêu dùng của người dân mà cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng từng loại sản phẩm.
Không công bố sản lượng nhưng khi chúng tôi đến nhà máy sản xuất, toàn bộ dây chuyền đang hoạt động, từ khâu làm bột, ép, cắt – hấp – chiên và cuối cùng là khâu đóng gói. Theo ông Út, quan điểm kinh doanh của Colusa – Miliket là “nhu cầu tiêu thụ tới đâu, sản xuất tới đó, tuyệt đối không để hàng tồn”.
Thương hiệu Colusa – Miliket vẫn “âm thầm” tồn tại.
(Theo SGTT) TRỌNG HIỀN