Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Vụ giảng viên ĐH Luật Hà Nội gây xôn xao 2 ngày qua:

 

Đề nghị công an vào cuộc

Cập nhật lúc 15:17               

 

Trường ĐH Luật Hà Nội mới đây đã đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc xác minh thông tin về giảng viên của trường bị phản ánh có hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp.



Những ngày qua, mạng xã hội tiếp tục xôn xao về thông tin một giảng viên tên D. của Trường ĐH Luật Hà Nội bị phản ánh có những vấn đề mối quan hệ với các sinh viên.

Sự việc nhận được sự quan tâm của dư luận bởi diễn ra ngay sau sự việc một giảng viên khác của trường bị tố giác liên quan đến những lùm xùm về mối quan hệ với một người phụ nữ.

Thông tin tới VietNamNet, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, ngày 30/3/2022, nhà trường đã nắm được thông tin phản ánh về sự việc liên quan đến ông D. - giảng viên của trường bị tố có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

 Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết, đến thời điểm này, nhà trường chưa tiếp nhận được đơn thư chính thức về vụ việc này.

Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho biết, đến thời điểm này, nhà trường chưa tiếp nhận được đơn thư chính thức về vụ việc này

“Song, quan điểm của trường là kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, không dung túng, không bao che”, đại diện nhà trường nhấn mạnh.

Đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội cũng cho biết thêm, qua làm việc, giảng viên có liên quan khẳng định những thông tin trên mạng xã hội là hoàn toàn sai sự thật.

Vì vậy, Trường ĐH Luật Hà Nội đã đề nghị Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ.

(Theo Vietnamnet) Đông Hà

Văn hoá, văn minh trong kinh doanh

 

Người của quán bánh ướt lòng gà Đà Lạt xông ra chửi mắng, thô bạo với khách quay phim

Cập nhật lúc 10:39  

Trước đó, trên Facebook Người Đà Lạt gồm hình ảnh và video: "Trải nghiệm kinh hoàng tại quán Bánh Hen bánh ướt lòng gà… 50 Tăng Bạt Hổ, P.1, Đà Lạt" nói bị chửi bới, xúc phạm, nguyền rủa... khi ăn ở đây.

Qua trích xuất camera, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) xác định chủ quán bánh ướt lòng gà Hen (P.1, Đà Lạt) không hành hung nhưng có hành vi thô bạo ngăn cản du khách quay phim.

Ngày 31-3, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã công khai video clip trích xuất từ camera an ninh của quán bánh ướt lòng gà Hen (đường Tăng Bạt Hổ, P.1, TP Đà Lạt).

Theo đoạn phim được công khai, chủ quán không đánh du khách nhưng ngăn cản thô bạo du khách quay phim trước quán. Cụ thể, người trong quán đã vung tay mạnh về phía du khách đang dùng máy tính bảng quay phim. Sau đó được người xung quanh ngăn cản nên người này lớn tiếng chửi nhưng không có hành động thô bạo khác.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online thông tin về vụ việc một du khách đến từ TP.HCM đăng tải thông tin trên Facebook Người Đà Lạt gồm hình ảnh và video: "Trải nghiệm kinh hoàng tại quán Bánh Hen bánh ướt lòng gà… 50 Tăng Bạt Hổ, P.1, Đà Lạt". Trong bài viết, đại diện nhóm khách đăng lên mạng bài viết nói bị chửi bới, xúc phạm, nguyền rủa... khi đi ăn bánh ướt lòng gà tại quán Hen.

Vụ việc bắt đầu vào sáng 25-3, nhóm khách du lịch gồm 26 người gọi 26 phần bánh căn. Bà Lê Xuân Diệp Tịnh (chủ quán) cùng em gái là Lê Xuân Bảo Kim (2 người xuất hiện trong video clip) giải thích là đợi phục vụ bánh căn sẽ hơi lâu. Đợi khoảng 30 phút, khách hàng có phàn nàn về chuyện đợi lâu và tỏ thái độ không muốn ăn nữa mà đổi sang quán khác.

Sau khi quán có giải thích rằng đã làm được một số phần nhưng khách vẫn không chịu thì trong lúc lời qua tiếng lại, một nhân viên nam tại quán không giữ được bình tĩnh và có to tiếng nói nếu không ăn thì biến đi.

Sau khi ra khỏi quán, một số khách nữ quay trở lại cửa quán quay phim bằng máy tính bảng, bà Kim có lại gần và hất tay du khách, ngăn cản việc quay phim này.

Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND TP Đà Lạt đã kiểm tra vụ việc. Cơ quan chức năng xác định tại quán không xảy ra hành hung du khách như đã tố cáo trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phía chủ quán và nhân viên trong quán đã có hành động thiếu chuẩn mực với du khách.


Quán bánh ướt lòng gà Hen (P.1, Đà Lạt) bị xử phạt 16 triệu đồng - Ảnh: M.V.

UBND TP Đà Lạt đã ra quyết định xử phạt quán bánh ướt lòng gà Hen 16 triệu đồng. Cụ thể, quán bị xử phạt 3 vi phạm: nhân viên có giấy khám sức khỏe nhưng hết hạn; quán ăn phục vụ trên 30 người/ngày nhưng không lưu mẫu thực phẩm; và cơ sở không ghi đầy đủ các nguyên liệu vào sổ theo dõi thực phẩm.

Ông Lê Anh Kiệt, trưởng Phòng Văn hóa thông tin TP Đà Lạt, cho biết bên cạnh việc xử phạt 16 triệu đồng về những vi phạm trong kinh doanh, phòng yêu cầu chủ quán viết cam kết ứng xử văn minh, lịch sự với du khách trong kinh doanh du lịch, dịch vụ và không làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Đà Lạt.

Chủ quán bánh ướt lòng gà xin lỗi du khách

Bà Lê Xuân Diệp Tịnh (chủ quán bánh ướt lòng gà Hen) đã có thư xin lỗi đoàn du khách. Bà Tịnh viết: "Chúng tôi xin gửi đến đoàn khách đã ghé quán tôi vào sáng ngày 25-3 lời xin lỗi chân thành nhất. Là chủ quán của một cơ sở thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch mà tôi lại có hành động không tế nhị, dùng lời lẽ không hay đối với khách của mình… Thật sự tôi vô cùng cảm thấy có lỗi và hối hận về hành động của mình, vì không kiềm chế được cảm xúc mà tôi lại bỏ lỡ sự yêu mến của khách dành cho mình. Từ đó đã làm ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh của người Đà Lạt…".

Cuối thư, bà Tịnh viết: "Mong đoàn hãy bỏ qua cho hành động thiếu suy nghĩ của chúng tôi, hy vọng các bạn có thể ghé quán chúng tôi lần nữa để chúng tôi được phục vụ chu đáo cho các bạn".

(Theo Tuổi trẻ) M.Vinh

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Vụ tấn công tiền mã hóa lớn nhất:

 

Tựa game của người Việt bị hack hơn 600 triệu USD

Cập nhật lúc 14:41 

 

173.600 Ethereum và 25,5 triệu USD đã bị rút khỏi hệ thống của Axie Infinity. Với quy mô của vụ việc, đây là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành tiền mã hóa.

Trong một thông báo được đăng tải mới đây, Ronin Network - sidechain của tựa game Axie Infinity cho biết họ đã bị hacker tấn công. Hậu quả của vụ việc là 173.600 Ethereum và 25,5 triệu USD đã bị rút khỏi Ronin thông qua 2 giao dịch.

Theo đội ngũ quản trị Ronin, kẻ tấn công đã sử dụng khóa cá nhân để thực hiện việc rút tiền. Tuy nhiên, đội ngũ quản trị Ronin đã phát hiện ra cuộc tấn công sau khi nhận được báo cáo từ một người dùng về việc không thể rút 5.000 Ethereum từ hệ thống. 



Thông báo của Ronin về viêc hệ thống bị tấn công

Mỗi Ethereum đang có giá thị trường là 3.420 USD, tổng số tiền mã hóa mà hacker cưỡng đoạt từ hệ thống của Ronin là khoảng 625 triệu USD. Với quy mô của vụ việc, đây là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành tiền mã hóa.

Theo Ronin, để gửi hoặc rút tiền trên hệ thống này, cần có 5 trong tổng số 9 chữ ký xác nhận. Kẻ xấu đã tấn công và nắm quyền kiểm soát 4 trình xác thực Ronin của Sky Mavis và trình xác thực bên thứ 3 do Axie DAO điều hành. 

Ở thời điểm hiện tại, phần lớn số tiền bị đánh cắp (khoảng 600 triệu USD) dưới dạng 175.913 Ethereum hiện đang nằm trong ví của hacker. Một phần số tiền bị hacker lấy mất đã được chuyển lên sàn giao dịch FTX. 

Trước sự cố nói trên, hệ thống của Ronin đã tạm ngừng hoạt động. Đơn vị vận hành Ronin cho biết đang tích cực xử lý để đề phòng những cuộc tấn công khác có thể xảy đến trong tương lai. Trước mắt, Ronin sẽ tăng ngưỡng xác thực từ 5 lên 8. 

Ronin cho biết đang liên hệ với các nhóm bảo mật tại những sàn giao dịch lớn. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang làm việc với Chainalysis để theo dõi các khoản tiền bị đánh cắp. 

Đồng thời, Sky Mavis - studio phát triển tựa game Axie Infinity cũng sẽ làm việc với các cơ quan chính phủ khác nhau để đảm bảo những tên tội phạm mạng phải bị đưa ra công lý. 



Axie Infinity là tựa game được phát triển bởi nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung

Với những người chơi Axie Infinity, hiện họ không thể rút hoặc gửi tiền vào Ronin Network. Sky Mavis hiện đưa ra cam kết các khoản tiền bị lấy cắp sẽ được hoàn trả hoặc thu hồi. Sky Mavis cũng cho biết các token AXS, RON và SLP hiện đều đang an toàn trên hệ thống. 

Axie Infinity là tựa game Blockchain do studio Sky Mavis phát triển. Sky Mavis có khoảng 90 nhân viên với ít nhất 60 người trong số đó làm việc ở văn phòng tại Việt Nam.

Axie Infinity là thành quả của Sky Mavis - studio game do CEO Nguyễn Thành Trung (SN 1992) cùng 4 người khác đồng sáng lập. Ba trong tổng số năm founder của dự án là người Việt, ngoài ra còn có một người Mỹ và một người Na Uy.

Với việc cho ra đời tựa game Axie Infinity, hồi cuối năm ngoái, CEO Nguyễn Thành Trung của tựa game này còn được vinh danh trong top những nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới tiền mã hóa. 

(Theo Vietnamnet) Trọng Đạt

Vòng loại World cup 2022

 

Truyền thông Hàn Quốc phấn khích với chiến tích của tuyển Việt Nam

 Cập nhật lúc 09:22      

 Tại Hàn Quốc, quê hương của huấn luyện viên Park Hang-seo, truyền thông nước này cũng dành rất nhiều lời có cánh cho tuyển Việt Nam, sau khi đội cầm hòa tuyển Nhật Bản 1-1 trên sân khách. 


Tuyển Việt Nam có 1 điểm đáng nhớ trên sân tuyển Nhật Bản. Ảnh: Getty

Bàn thắng của trung vệ Nguyễn Thanh Bình giúp tuyển Việt Nam có 1 điểm lịch sử trước tuyển Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên sau 5 lần đối đầu, tuyển Việt Nam không thua tuyển Nhật Bản – đội bóng được đánh giá cao hơn rất nhiều. Thành tích này càng đáng nể hơn khi đội gặp nhiều khó khăn về nhân sự do chấn thương và ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển Việt Nam có điểm trước tuyển Nhật Bản. Huấn luyện viên Park Hang-seo tiếp tục làm nên một cột mốc ấn tượng khác", tờ Sports Chosun chia sẻ. Tờ báo hàng đầu Hàn Quốc này cũng nhấn mạnh tuyển Nhật Bản khó tránh khỏi sự chỉ trích vì trận hòa này.

"Đội tuyển Nhật Bản đã thắng tuyển Việt Nam trong 4 lần gặp nhau trước đó, nhưng lần này họ đã bị cầm hòa, khi tuyển Việt Nam được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Park Hang-seo. Điều này khiến tuyển Nhật Bản mất ngôi đầu bảng vào tuyển Saudi Arabia", tờ Yonhap chia sẻ.

Sau trận đấu, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng chia sẻ 1 điểm giành được trước tuyển Nhật Bản là thành tích đáng tự hào của tuyển Việt Nam, đặc biệt là các học trò sau những gì họ đã cống hiến, nỗ lực trong suốt trận đấu.

Tờ Osen thống kê trong 19 lần gặp các đội Đông Nam Á tại vòng loại World Cup trước đó, tuyển Nhật Bản chưa để cho đội bóng nào ghi được bàn thắng, trước khi tuyển Việt Nam phá vỡ vào tối 29.3. Ngoài ra, đội bóng xứ mặt trời mọc cũng chưa thua trận nào, chỉ có 3 trận hòa trước Indonesia (1989), Singapore (2015) và tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam là đội đầu tiên ở Đông Nam Á ghi được bàn trước gã khổng lồ của bóng đá Châu Á.

Tờ Osen nhấn mạnh tuyển Việt Nam đã đứng vững trước sức ép của tuyển Nhật Bản. Đội chủ nhà kiểm soát bóng 72%, tung ra 24 cú dứt điểm nhưng chỉ ghi được 1 bàn thắng vào lưới tuyển Việt Nam.

(Theo Lao Động) NGUYỄN ĐĂNG

 

Bắt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết:

 

Để lành mạnh thị trường chứng khoán

Cập nhật lúc 09:07      

Các chuyên gia đánh giá, việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” là tiếng chuông cảnh tỉnh cho doanh nghiệp, doanh nhân và các hội nhóm cố tình vi phạm pháp luật.

Tốt cho thị trường chứng khoán

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, pháp luật Việt Nam đã có quy định cụ thể về việc mua bán, kinh doanh cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết nhiều lần vi phạm. Trước đó, cá nhân ông Trịnh Văn Quyết và Tập đoàn FLC đã vi phạm nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt nhẹ, cho nên hiện tượng này tái diễn ở mức nghiêm trọng hơn. Lần “bán chui” cổ phiếu trước, FLC bán số lượng ít nhưng lần này bán tới hàng chục triệu cổ phiếu.


Ông Trịnh Văn Quyết khi chưa bị bắt

“Giống như một số hoạt động khác trên thị trường chứng khoán, chúng ta có quy định, việc mua bán số lượng lớn cổ phiếu phải thông báo trước, có kế hoạch trước. Vụ việc rất nghiêm trọng, lặp đi lặp lại do một tổ chức, cá nhân thực hiện, nên việc cơ quan pháp luật có biện pháp xử lý là hợp lý”, ông Thịnh nêu quan điểm.

Theo ông Thịnh, việc khởi tố, bắt giam ông Trịnh Văn Quyết sẽ góp phần khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật. Từ đó, góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam gần với thông lệ, quy định quốc tế. Tất cả cá nhân đều phải thượng tôn pháp luật. Trong khi ông Trịnh Văn Quyết là luật sư, hiểu luật nhưng liên tục vi phạm nên càng cần được xử lý nghiêm.

“Quy định pháp luật đã quy định rõ các hành vi được làm, mọi người dân, doanh nghiệp, cá nhân phải tuân thủ thực thi. Bất cứ người nào vi phạm đều phải bị xử lý. Có như vậy, nhà đầu tư mới tin tưởng vào thị trường chứng khoán nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung”, ông Thịnh đánh giá.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, những vi phạm trên thị trường chứng khoán mà cơ quan chức năng vào cuộc, cụ thể là trường hợp ông Trịnh Văn Quyết, sẽ củng cố niềm tin nhà đầu tư và làm tốt cho thị trường. Giá cổ phiếu nhóm FLC chắc chắn sẽ giảm và có biến động ngắn hạn. Nhưng việc phòng chống tiêu cực không ảnh hưởng gì đến thị trường nói chung. Thị trường chứng khoán sẽ trở nên minh bạch, tốt lên chứ không thể đi xuống được.

“Pháp luật quy định rõ các hành vi được làm, mọi người dân, doanh nghiệp, cá nhân phải tuân thủ thực thi. Bất cứ người nào vi phạm đều phải bị xử lý. Có như vậy, nhà đầu tư mới tin tưởng vào thị trường chứng khoán nói riêng và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

“Riêng cổ phiếu họ FLC giảm liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt là điều rõ ràng nhưng không thể nói thị trường chung bị giảm mạnh. Trước đó, chúng tôi đã cảnh báo những cổ phiếu “lừa đảo”, nhà đầu tư không nên chơi. Có nhiều môi giới chứng khoán lôi kéo nhà đầu tư vào. Sau đó, xảy ra tình trạng bán cổ phiếu “chui”, mấy phiên nhà đầu tư không bán được, ảnh hưởng lớn tới nhà đầu tư. Cái gì cơ quan nhà nước ngăn chặn được thì sẽ tốt cho thị trường và nhà đầu tư”, ông Hải nói.

Người thay thế ông Trịnh Văn Quyết

Chiều tối 29/3, sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC bị bắt, Tập đoàn FLC thông tin chính thức về vụ việc. Ngay sau khi có thông tin, để hạn chế mọi rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của Tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.

Theo đó, bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.

Tập đoàn FLC khẳng định, vụ việc này hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn.

Đồng loạt khám xét 21 địa điểm liên quan

Ngày 29/3, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT (C01) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời, cơ quan điều tra khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết là kết quả ban đầu, sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”; “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 34 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết đã thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC (tương ứng 748.000.000.000 đồng mệnh giá cổ phiếu FLC) nhưng không báo cáo. Ngoài số tiền phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975) tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, tốt nghiệp cử nhân Luật và thạc sĩ Quản trị kinh doanh, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC. Tháng 3/2017, ông Quyết sở hữu gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, ông Quyết không được Forbes ghi nhận tỷ phú USD và vẫn đang theo dõi đánh giá số tài sản này. Ngày 7/4/2020, ông Quyết xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị và chấm dứt tư cách Thành viên Hội đồng quản trị FLC FAROS. Ngoài ra, ông Quyết còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), công ty thành viên của tập đoàn FLC...

Minh Đức - Lê Dương - Hoàng Cư

(Theo Tiền phong) Ngọc Mai - Ngọc Linh

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Tội phạm cưỡng dâm

 

Khởi tố, bắt giam người chồng bị cắt 'của quý' vì cưỡng dâm con riêng của vợ

Cập nhật lúc 16:21                                  

Công an xác định, từ tháng 8-2020 đến tháng 3-2022, Nguyễn Văn Hoan đã nhiều lần sử dụng video, ảnh nhạy cảm để ép con gái riêng của vợ quan hệ tình dục. Quá uất ức khi phát hiện sự việc, người vợ đã dùng dao cắt "của quý" của Hoan.


Công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can Hoan - Ảnh: Công an cung cấp

Ngày 28-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hoan (29 tuổi, trú tại huyện Yên Châu) về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo điều tra, vợ Hoan là chị H.T.N. (36 tuổi) có con gái riêng là H.T.R.L. (15 tuổi).

Khoảng tháng 8-2020, do có ý muốn quan hệ tình dục với cháu L., Hoan đã tạo một tài khoản Facebook tên là "Hoàng Long" để nói chuyện, tán tỉnh cháu L. qua mạng xã hội.

Qua vài lần nói chuyện, Hoan đề nghị L. chụp ảnh và quay video một số bộ phận nhạy cảm trên cơ thể để gửi qua tài khoản "Hoàng Long", rồi Hoan lưu vào điện thoại.

Sau đó, Hoan sử dụng Facebook chính của mình để gửi ảnh và video nhạy cảm đến tài khoản Facebook của L., dọa sẽ đăng lên mạng xã hội để ép buộc bé gái cho mình quan hệ tình dục.

Do lo sợ hình ảnh nhạy cảm của mình bị phát tán trên mạng xã hội nên L. đã đồng ý.

Từ ngày 26-8-2020 đến ngày 19-3-2022, Hoan đã nhiều lần sử dụng video và ảnh nhạy cảm để ép buộc L. cho quan hệ tình dục khi vợ vắng nhà.

Theo cơ quan công an, trong thời gian gần đây, chị N. thường xuyên bị mất tiền nên sáng 19-3-2022 chị N. lắp camera ở đầu giường ngủ.

Đến khoảng 14h cùng ngày, chị N. về nhà để lấy thẻ nhớ trong camera ra xem thì phát hiện chồng có hành vi quan hệ tình dục với con gái tại giường ngủ của mình.

Do quá uất ức, đến đêm 19-3, chị N. đã dùng dao cắt "của quý" của chồng, sau đó đến cơ quan công an tự thú. Còn Nguyễn Văn Hoan được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.

Ngay sau khi Hoan ổn định sức khỏe và xuất viện, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Châu đã thi hành lệnh bắt đối tượng Hoan để xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Công an huyện Yên Châu cũng đang củng cố hồ sơ để xem xét xử lý chị N. về hành vi cắt dương vật của chồng.

 (Theo Tuổi trẻ) DANH TRỌNG

Đạo đức trong khoa học

 

Một giảng viên công bố hơn 40 bài báo khoa học một năm, nghi đăng 'tạp chí khoa học' mạo danh

Cập nhật lúc 16:08                                  

Có những nhà khoa học có lượng bài công bố trên các tạp chí quốc tế rất lớn, nhưng số lần được trích dẫn thấp và đang có nghi ngờ đăng trên tạp chí mạo danh để lấy thành tích khoa học.


Năm 2021, tiến sĩ V.M.H. - giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường Đại học Văn Lang - công bố hơn 40 bài báo trên các "tạp chí khoa học" nước ngoài (trung bình gần bốn bài/tháng). Con số này ở năm 2020 là hơn 20 bài. Đáng chú ý có nhiều bài đăng trên các tạp chí mạo danh.

Theo nhiều giảng viên, đây là con số khủng bởi việc công bố trên các tạp chí Scopus, ISI đòi hỏi việc nghiên cứu, thẩm định, sửa trước khi đăng mất rất nhiều thời gian, trung bình từ 6 - 9 tháng. Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang - cho biết chưa có ai ở trường này có số lượng công bố quốc tế nhiều như vậy!

Nhiều bài trên tạp chí mạo danh

Mặc dù số lượng bài báo rất nhiều nhưng số lần trích dẫn các bài báo của ông H. khá thấp. Trong số hơn 40 bài năm 2021 có đến gần 30 bài không có bất kỳ trích dẫn nào. Ngoài viết các vấn đề về Việt Nam, ông H. còn viết nhiều bài báo về các vấn đề ở... Nigeria, Ghana.

Một đặc điểm đáng chú ý là thời gian xuất bản các bài báo này khá nhanh. Trong đó, bài nhanh nhất chưa đến một tháng kể từ khi tạp chí nhận bài đến khi xuất bản. Đa số các bài có thời gian xuất bản từ 2 - 3 tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bài báo ông H. viết chung với một nhóm người. Trong đó có một vài tác giả ở các trường đại học Nga, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan thường đứng tên chung.

Ông H. có bài đứng tên riêng trong bài báo với tiêu đề tạm dịch "Phân tích tính thanh khoản, rủi ro tín dụng và tiền gửi ngân hàng - khả năng sinh lời ở Nigeria". Ngoài bài này, ông H. còn có một số bài báo khác về Nigeria như bài "Những thách thức của đại dịch COVID-19: tình trạng thất nghiệp của thanh niên ở Nigeria" đứng tên chung với nhiều người khác.

"Đâu nhất thiết phải ở Nigeria mới viết được bài báo khoa học ở đây. Dữ liệu có thể lấy từ nhiều nguồn. Bạn tôi ở nước ngoài cũng viết chung với tôi bài báo về Việt Nam. Mỗi người có một thế mạnh và có thể góp ý hoặc viết một phần nào đó. Chúng tôi có một nhóm hay viết bài chung" - ông H. lý giải.

Các bài này được đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Turcomat). Điều đáng nói là tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus và thông báo ngừng xuất bản bài mới từ năm 2021, nhưng ông H. có đến bốn bài báo đăng trên tạp chí này (địa chỉ web khác) vào tháng 4-2021.

Ngoài ra còn có một bài đăng trên tạp chí mạo danh tạp chí Journal of Contemporary Issues in Business And Government. Các bài báo này đều được ghi nhận vào thành tích khoa học của ông H. tại Trường Đại học Văn Lang và Turcomat xếp Q3.

TS Dương Tú - Đại học Purde (Mỹ) - cho biết Turcomat là tạp chí mạo danh, mã ISSN và toàn bộ thông tin nhận diện của tạp chí gốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ông Tú, tạp chí gốc được xuất bản trên DergiPark, một nền tảng chung của nhiều tạp chí khoa học Thổ Nhĩ Kỳ tại địa chỉ https://dergipark.org.tr/en/pub/turkbilmat.

Tạp chí này do Karadeniz Technical University (KTU), một đại học công của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất bản từ năm 2009. Đến năm 2018, Turcomat lần đầu tiên lọt vào danh mục Scopus nhưng chỉ hai năm sau đó bị loại với lý do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường.

KTU đã quyết định chấm dứt hoạt động của tạp chí này. Ngày 25-12-2020, có người đăng ký tên miền turcomat.org và mạo danh tạp chí của KTU để hoạt động. Thông tin về các bài báo của ông H. xuất bản trên Turcomat hiện đã không còn trên dữ liệu scholar google.

"40 bài vẫn còn ít"

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông H. cho rằng hơn 40 bài vẫn còn ít. Theo ông H., ông dạy phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên và hướng dẫn nhiều giảng viên viết bài báo khoa học, hướng dẫn tiến sĩ tại đại học của Malaysia nên số lượng học viên rất lớn.

"Viết nhiều nên sẽ thấy những lỗ hổng, những điểm còn chưa được đề cập và như thế phát hiện đề tài rất nhanh. Tôi liên tục hối các học viên tham gia viết bài. Bản thân tôi cũng phải làm việc ngày đêm mới có số lượng sản phẩm như vậy.

Một luận văn tiến sĩ tôi có thể viết 15 bài. Mục tiêu của tôi làm lên phó giáo sư nên ép bản thân và học viên phải viết nhiều. Tôi là người hướng dẫn và chỉnh lý cuối cùng chứ mình tôi làm sao viết được từng đó bài. Tuy nhiên hiện nay tôi tập trung vào chất lượng hơn là số lượng" - ông H. lý giải.

Nói về việc thời gian xuất bản nhanh, ông H. cho biết đăng nhanh hay chậm do tạp chí và bài báo phù hợp. "Họ muốn biết thông tin về nước nào đó nên khi có bài họ sẽ ưu tiên xuất bản" - ông H. nói.

Về việc đăng bài trên tạp chí mạo danh, ông H. cho rằng mình không biết pháp lý của tạp chí đó như vậy. "Tôi đã email cho Scopus để hỏi có phải Turcomat mạo danh hay không nhưng họ cũng trả lời không rõ ràng. Ngay cả Scopus cũng không trả lời trang web nào của Turcomat là chính thức thì tôi làm sao biết được đâu là thật đâu là giả" - ông H. nói.

Chúng tôi đề nghị được xem email trả lời của Scopus nhưng ông H. từ chối. Ông H. nói thêm dù đó là tạp chí mạo danh ông đăng bài thì có sao, "có nhận tiền của ai đâu?".

Tuy nhiên, một cán bộ phòng hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học Trường đại học Văn Lang cho biết trường ghi nhận 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của ông H.. Trong đó có các bài trên tạp chí Turcomat để làm thủ tục thanh toán thưởng theo quy định của trường.

Các bài báo này đều trải qua quá trình kiểm tra và xác nhận của các bộ phận liên quan, đã và đang thanh quyết toán. Nếu có bài không hợp lệ, tạp chí bị loại khỏi hệ thống ISI/Scopus sẽ không được chấp nhận và bị loại.

600 - 800 USD cho đứng tên chung

Một giảng viên tại Việt Nam liên hệ với một tác giả ở một đại học tại Trung Quốc đứng tên chung với ông H. và chủ động đưa ra mức giá cụ thể để được xuất bản bài báo. Người này trả lời để hỏi lại nhóm của mình.

Trong khi đó, khi giảng viên này đặt vấn đề nhờ giúp đỡ để được xuất bản bài báo, giảng viên một trường đại học tại Pakistan đứng tên chung với ông H. ra giá 600 - 800 USD cho vị trí tên tác giả thứ 5, 6. Ông này nói vị trí tác giả đầu tiên rất đắt.

Trao đổi với chúng tôi, ông H. cho biết có nghe nói việc bỏ tiền để đăng bài nhưng ông chỉ bán chứ không mua bài báo! Theo ông H., ông một lần bán bài báo khoa học của mình nhưng sau đó không bán nữa.

"Ngay cả một cán bộ quản lý ở Trường đại học Văn Lang đề nghị cho đứng tên chung tôi cũng không đồng ý. Với tôi, phải có tham gia mới đứng tên chung" - ông H. nói.

Không khuyến khích đăng tràn lan

Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang - cho biết trường có chính sách khuyến khích, khen thưởng cho giảng viên công bố bài báo trên các tạp chí Scopus, ISI. Một giảng viên mỗi năm có định mức 270 tiết nghiên cứu khoa học. Chỉ cần có một bài báo trên tạp chí Q2, Q3 là đủ chỉ tiêu.

"Chủ trương của trường là đẩy mạnh công bố quốc tế. Chính sách thưởng nhằm khuyến khích giảng viên công bố quốc tế nhưng phải là các tạp chí có Q, đăng trên các tạp chí khoa học chất lượng, trích dẫn nhiều. Trường quan tâm đến chỉ số trích dẫn, từ đó nâng cao vị trí khoa học của trường chứ không khuyến khích đăng tràn lan" - ông Tuấn nói.

(Theo Tuổi trẻ) MINH GIẢNG

Kinh tế-Tài chính

 

Ba năm căng thẳng, Việt Nam lo trả hơn 1 triệu tỷ nợ công

Cập nhật lúc 15:47               

 

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022-2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.

Năm 2022 trả hơn 335 nghìn tỷ đồng

Nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ năm 2022 tối đa là 673.546 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 450.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương là 196.149 tỷ đồng (bằng dự toán được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 34/2021/QH15); huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho vay lại khoảng 26.697 tỷ đồng.


Năm 2022 vay tối đa là 673.546 tỷ đồng

Dự báo nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2022 khoảng 335.815 tỷ đồng, gồm: Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 299.849 tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 196.149 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 103.700 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 35.966 tỷ đồng.

Trên cơ sở GDP đánh giá lại, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 45-46% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41-42% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu NSNN dự kiến khoảng 22-23%.

“Như vậy, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép”, Bộ Tài chính đánh giá.

Dự kiến năm 2022, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 22-23%, đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết 23/2021/QH15.

Bộ Tài chính lưu ý: Trường hợp thu ngân sách nhà nước không đạt mức dự kiến, thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.

Giai đoạn 2022-2024 trả nợ hơn 1 triệu tỷ

Với mức tăng bội chi NSNN tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022 và 2023, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ giai đoạn 2020-2024 tối đa khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng.

Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 1,31 triệu tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của Chính phủ khoảng 612 nghìn tỷ đồng; vay về cho UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và DN vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài khoảng 117 nghìn tỷ đồng.


Giai đoạn 2020-2024 vay tối đa khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng

Về nghĩa vụ trả nợ Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết dự kiến tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022-2024 khoảng 1,19 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 1,045 triệu tỷ đồng, trả nợ các khoản vay về cho vay lại khoảng 146 nghìn tỷ đồng.



Nghĩa vụ trả nợ ngày càng tăng

Trường hợp thị trường vốn biến động bất lợi, Chính phủ phải tăng lãi suất vay hoặc huy động công cụ nợ kỳ hạn dưới 5 năm để đáp ứng nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và cho Chương trình, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng tương ứng.

Kết hợp với việc áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế để thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính lưu ý chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách giai đoạn này có thể có năm tiến sát 25% theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Với phương án tăng bội chi ngân sách nhà nước tối đa 240 nghìn tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính dự kiến đến năm 2024 nợ công khoảng 46-47% GDP, nợ Chính phủ khoảng 44-45% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 24-25%.

Đáng chú ý, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước giai đoạn này có thể có năm vượt 25% theo Nghị quyết số 23 của Quốc hội, nhưng Bộ Tài chính cho biết sẽ phấn đấu để bình quân cả giai đoạn 2021-2025 vẫn trong giới hạn 25%.

Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để kịp thời báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

(Theo Vietnamnet) Lương Bằng

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

Mở rộng vụ án Nguyễn Phương Hằng:

 

Phân loại, có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố

 Cập nhật lúc 16:08                                  

 Phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM đang làm việc với nhiều người liên quan đến buổi livestream vi phạm pháp luật của bị can Nguyễn Phương Hằng, phân loại và xử lý theo quy định pháp luật.


Ngày 28.3, nguồn tin của PV Thanh Niên cho hay, Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) - Công an TP.HCM đang tiếp tục triệu tập, làm việc với những YouTuber, khách mời, người giúp sức bị can Nguyễn Phương Hằng trong các buổi livestream vu khống, xúc phạm người khác.

Theo đó, qua phân loại, nếu cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để khởi tố.

Như Thanh Niên phản ánh, chiều 24.3, Viện KSND TP.HCM đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Phương Hằng theo Điều 331 Bộ luật hình sự, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Trong quá trình điều tra, Công an TP.HCM đã xác định có nhiều người giúp sức, hỗ trợ bị can Nguyễn Phương Hằng trong việc lên kịch bản, chuẩn bị nội dung, quản trị 12 kênh mạng xã hội, chuẩn bị trang thiết bị kỹ thuật… cho bị can này trong các lần livestream vu khống, xúc phạm đời tư nhiều cá nhân.

Bên cạnh đó, những người làm và đăng các video lên YouTube, khách mời (được bị can Nguyễn Phương Hằng mời đến - PV) tham gia chia sẻ, phát tán nội dung trong các buổi livestream cũng được xác định có liên quan, góp sức cho bị can này thực hiện hành vi tội phạm.

(Theo THANH NIÊN ONLINEPhan Thương

Nghi vấn quấy rối tình dục

 

Giám đốc khối kinh doanh bệnh viện 'tố' bị Chủ tịch HĐQT đánh đập, cưỡng bức tình dục  

Cập nhật lúc 16:00

Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đang làm rõ đơn tố giác của một cô gái, tố cáo việc bị nguyên Chủ tịch HĐQT một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội, cấp trên của mình, cưỡng hiếp, đánh đập.

Minh hoạ

Trưa 28.3, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Công an Q.Hoàng Mai đang làm rõ đơn tố giác của chị V.N.H (trú tại Hà Nội), tố bị ông L.M.T (trú Q.Hoàng Mai) cưỡng hiếp, đánh đập.

Theo đơn chị H. gửi các cơ quan chức năng, chị quen ông T. vì là đồng nghiệp, học trò của mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị H. được ông T. (theo đơn, ông T. là Chủ tịch HĐQT một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội và là Trưởng khoa của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội) mời về bệnh viện ông T. nắm chức Chủ tịch HĐQT làm việc và hứa sẽ định hướng, chỉ bảo chị H. trong công việc. Tin rằng ông T. là người tốt, chị H. đã đồng ý về làm việc cho ông T.

Sau khi về bệnh viện làm việc, chị H. tố cáo ông T. dù đã có vợ con nhưng vẫn gạ gẫm chị quan hệ tình dục và bị chị từ chối. Trong một lần đi du lịch, ông T. đã chuốc rượu và cưỡng hiếp chị H.

Theo tố cáo, sau lần bị cưỡng hiếp, ông T. dùng mọi thủ đoạn để ép chị H. bước vào mối quan hệ không chính thức và đe dọa nếu không chấp thuận sẽ bị tung clip nóng.

“Từ đó đến nay, khoảng tháng 1.2020 đến tháng 1.2022, tôi đã nhiều lần bị ông T. bạo lực tinh thần và cưỡng bức tình dục”, đơn tố giác nêu.

Cũng theo tố cáo, mỗi lần chị H. từ chối quan hệ tình dục, ông T. đe dọa, khủng bố để đạt được mục đích. Đáng chú ý, mỗi lần quan hệ, ông T. bắt chị H. vào nhiều vai, thậm chí yêu cầu quan hệ tập thể…

Nhiều lần phản kháng bất thành, sợ ảnh hưởng đến danh dự bản thân và ông T. nên chị H. không lên tiếng. Khoảng tháng 1, khi quá mệt mỏi, chị H. yêu cầu chấm dứt mối quan hệ bất chính nhưng lại bị ông T. đánh đập, đe dọa.

Cụ thể, theo tố cáo, ngày 26.1, ông T. đã đánh chị H. nhiều lần rồi đưa vào khách sạn hãm hiếp. Sau trận đánh đập, cơ thể chị H. bầm tím, chảy máu, trẹo chân, đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn,… phải đi bệnh viện kiểm tra. Ngoài ra, ông T. còn nhiều lần khủng bố tinh thần, đe dọa khiến chị H. phải trình báo công an nơi chị sinh sống để có biện pháp bảo vệ chị.

 

Liên quan đến thông tin này, lãnh đạo công an phường nơi chị H. cư trú xác nhận gia đình chị H. có lên đơn vị trình báo, đề nghị được đảm bảo an ninh, an toàn, không để người lạ đến gây rối. Đơn vị này có nắm bắt được sự việc một phụ nữ đến chung cư nơi chị H. sinh sống và hai bên có xảy ra to tiếng, cãi nhau sau đó được giải tán.

Liên quan vụ việc, phóng viên đã liên hệ với ông L.M.T. Qua điện thoại, ông T. cho biết, ông có nắm được việc mình bị tố cáo, tuy nhiên ông không nói được gì lúc này.

"Lúc này có thể sự việc như thế tôi cũng không nói được vì ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là ảnh hưởng đến người tố cáo tôi.... Người ấy tôi coi như là cháu, coi như là học trò và coi như là đệ tử chân truyền…. Chuyện này là tai nạn của chúng tôi, tôi không khẳng định, phủ định cái gì", ông T. nói.

Theo một nguồn tin khác của Thanh Niên, ông T. là Chủ tịch HĐQT một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội, còn chị H. là giám đốc một khối kinh doanh của bệnh viện này. Tuy nhiên, cả ông T. và chị H. đều đã nghỉ việc.

(Theo Thanh niên) Kiến Trần