Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

Kinh tế - Đầu tư

 

Vay tiền Nhật Bản, xây nhà máy điện hơn 1 tỷ USD ở Cần Thơ

 Cập nhật lúc 15:48               

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước về dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III sử dụng vốn vay Nhật Bản.

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III là dự án turbine khí chu trình hỗn hợp nhằm cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung. Địa điểm dự án đặt tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của EVN đang trình UBND TP. Cần Thơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án đến năm 2027.

Vốn đầu tư sau thuế dự kiến là 27.596 tỷ đồng, tương đương 1,19 tỷ USD. Trong đó vốn vay ODA (70% tổng mức đầu tư trước thuế) là 17.670 tỷ đồng, tương đương vốn vay nguyên tệ: 86,617 triệu Yên, quy đổi ra USD là 762,29 triệu USD. Vốn đối ứng là 9.926 tỷ đồng (bao gồm VAT), tương đương 428,2 triệu USD.

Nhiệt điện khí là xu thế hiện nay vì thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa: Lương Bằng

Theo báo cáo của EVN, hiện nay cơ chế tài chính trong nước của dự án vay vốn ODA bao gồm 2 trường hợp là Cơ chế cho vay lại chịu rủi ro tín dụng và Cơ chế cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đưa ra 2 phương án vay vốn để các bộ ngành xem xét.

Phương án 1, Ủy  ban quản lý vốn Nhà nước đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền về việc cho phép áp dụng cơ chế tài chính trong nước cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III là cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng như đề xuất của EVN.

Phương án 2: Trường hợp xét thấy chưa đủ căn cứ hoặc việc thực hiện trình tự, thủ tục pháp lý để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Quản lý nợ công đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III không đáp ứng tiến độ của dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III nói riêng cũng như Chuỗi dự án khí - điện Lô B nói chung, xem xét áp dụng cơ chế tài chính trong nước là cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn III đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản năm 2012 tại văn bản 4451/VPCP-QHQT ngày 19/6/2012. Theo đó, EVN là chủ đầu tư đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA.

Các điều kiện vay cụ thể áp dụng đối với các khoản vay tiếp theo sẽ được JICA thông báo căn cứ khung điều kiện vay ODA quyết định bởi Chính phủ Nhật Bản, được thông báo trên trang thông tin điện tử của JICA cho từng thời kỳ và kết quả thẩm định dự án trên cơ sở Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi và kết quả đàm phán Hiệp định vay giữa JICA và Bộ Tài chính.

Theo quy định mới nhất của Chính phủ Nhật Bản về khung điều kiện vay ODA có hiệu lực từ 01/4/2020 được công bố trên trang thông tin điện từ chính thức của JICA, điều kiện vay áp dụng đối với khoản vay ODA tiêu chuẩn cho Việt Nam như sau: lãi suất vay 1,15%/năm; thời gian vay 30 năm bao gồm 10 năm ân hạn.

Ngày 9/9/2021, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam có Công hàm gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan phía Việt Nam nêu rõ Công hàm trao đổi đã ký ngày 22/3/2013 hiện vẫn còn hiệu lực và Chính phủ Nhật Bản mong muốn tiếp tục cung cấp vốn vay ODA bằng đồng Yên cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III.

(Theo Vietnamnet)  Lương Bằng  

Đại biểu Quốc hội:

 

Cần phải sửa luật để ‘xe bé’ không thể bắt vạ ‘xe lớn’
Cập nhật lúc 10:18  

Theo ĐBQH, quy định “người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi” rất có vấn đề, các cơ quan cần phân tích để điều chỉnh lại.

Trong loạt bài phản ánh tình trạng “xe lớn phải bồi thường xe bé” của VTC News đăng tải thời gian qua, các luật sư, chuyên gia chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến chủ các “xe lớn” luôn bị bắt nạt khi xảy ra tai nạn, dù lỗi hoàn toàn thuộc về “xe bé”.

Trong số đó, quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi…” (tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự) được cho chính là cơ sở trong luật để cái sai được bảo vệ.


Người điều khiển xe máy bất chấp nguy hiểm đi vào những tuyến đường cấm.

Cần điều chỉnh luật

Nhận định về điều luật này, ĐBQH Nguyễn Huy Thái - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Luật pháp quy định nhưng chưa lường hết được các trường hợp, có những điểm chưa chặt chẽ, theo tư duy bất thành văn từ trước đến nay “đi ra đường xe lớn phải nhường xe bé”. Điều này là có vấn đề. Cần xem xét lại các quy định, chế tài xử lý, cần điều chỉnh và bổ sung để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.

Các cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan cần ngồi lại với nhau, phân tích vấn đề để chúng ta điều chỉnh bổ sung. Nếu đã điều chỉnh bổ sung, khi thực hiện phải tăng cường thực hiện, tuân thủ nghiêm pháp luật”.

Luật pháp quy định nhưng chưa lường hết được các trường hợp, có những điểm chưa chặt chẽ, theo tư duy bất thành văn từ trước đến nay “đi ra đường xe lớn phải nhường xe bé”.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái

Nêu quan điểm về việc có ý kiến cho rằng hệ quả khi tư duy “xe lớn bồi thường xe bé” ăn sâu vào cách thực thi pháp luật thì rất dễ biến pháp luật thành luật rừng, vị ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nói: “Tôi không khẳng định điều đó sẽ biến pháp luật thành luật rừng nhưng chắc chắn sẽ tạo tiền lệ xấu về ý thức xã hội. Hiện tượng xã hội này cứ lặp đi lặp lại, kéo dài từ thời điểm này qua thời điểm khác, từ năm này qua năm khác thì thực thi pháp luật không nghiêm”.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín - nói: “Phải thừa nhận một điều rằng xã hội đang có nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến luật pháp, luật định một đằng nhưng người dân thực hiện một nẻo”.


Vị luật sư cho rằng, trên thực tế, đã có nhiều sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Việc bồi thường phải được xác định trên yếu tố lỗi. Nếu như bên xe lớn (nguồn nguy hiểm cao độ) gây thiệt hại, nhưng thực tế không có lỗi mà lỗi do bên bị thiệt hại thì không thể áp dụng việc “bồi thường ngay cả khi không có lỗi” được.

“Ví dụ cụ thể trong một vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên cao tốc bị ô tô đâm trúng gây chết người. Nếu theo luật định thì xe máy chỉ vi phạm an toàn giao thông đường bộ khi đi vào đoạn đường không cho phép và bị phạt hành chính. Tất nhiên, khi người ta chết rồi thì không thể truy cứu được nữa.

Nhưng người lái ô tô, điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ lại có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do tông chết người. Chính điều này khiến cho người điều khiển “xe bé” trở thành người được bảo vệ trong mọi trường hợp. Vin vào đó, họ càng chủ quan, tai nạn liên quan đến “xe bé” đi sai ngày càng nhiều.

Phải xác định rõ ràng rằng, không biết xe máy cố ý hay vô tình đi ngược chiều trên cao tốc nhưng vấn đề để xảy ra tai nạn là do xe máy, lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển xe máy, chứ không đơn giản chỉ là vi phạm an toàn giao thông đường bộ”, luật sư Huy phân tích.

Luật sư Huy cho biết, thiệt hại xảy ra trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy đi vào đường cấm, đi ngược chiều là do hành vi trái pháp luật của người điều khiển chứ không phải do hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.

Vì vậy, chỉ có thể xem xét trách nhiệm dân sự thông thường do hành vi trái pháp luật của con người gây ra; ví dụ như người lái xe ô tô có bằng lái chưa, có sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện không… Nếu lái xe ô tô đáp ứng mọi yêu cầu khi điều khiển phương tiện thì không có lỗi trong vụ tai nạn nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc thực thi pháp luật chưa tốt

ĐBQH Lê Thanh Vân - ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ba Lan cho rằng “xe lớn phải bồi thường cho xe bé” là cách xử lý theo thông lệ, theo đạo lý nhưng đầy chất duy tình, bao biện, và hơn nữa là thiếu tính thượng tôn pháp luật.

“Người nào tự gây thiệt hại cho mình bằng hành vi vi phạm pháp luật thì phải tự chịu trách nhiệm. Anh điều khiển xe nhỏ, anh tự lao đầu vào xe lớn, tự gây ra tai nạn, người ta không bắt anh bồi thường là may chứ lại còn ăn vạ”, ông Vân nói.

Trước thực trạng này, vị ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, cơ quan chức năng, người thực thi pháp luật khi xử lý các sự việc phải căn cứ vào pháp luật.


Xe máy cố tình đi vào làn xe ô tô trên Đại lộ Thăng Long gây tình trạng mất an toàn giao thông. (Ảnh: Ngô Nhung)

“Tình trạng này đã kéo dài suốt bao nhiêu năm qua, thể hiện việc thực thi pháp luật chưa tốt, chưa tích cực, cho nên phần lớn người dân vẫn quan niệm rằng kẻ yếu thế có giá trị tài sản thấp hơn thì được quyền yêu cầu bồi thường cho dù hành vi sai đó là do mình gây ra. Cơ quan thực thi pháp luật không thực hiệm nghiêm điều này là đang dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật”, ông Vân nói.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền thì phải tuân thủ luật pháp, mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật. “Dù anh là ai đi chăng nữa, khi vi phạm vẫn phải bị xử lý. Để người dân hiểu và thực hiện tốt thì công tác giáo dục pháp luật cũng cần phải được quan tâm nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi người”, ông Vân nói.

Còn ĐBQH Mai Khanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, tình trạng “xe lớn phải đền cho xe bé, xe đi đúng phải đền cho xe đi sai” là do lực lượng thực thi pháp luật, sự ứng xử trong xã hội, thói quen xã hội, tâm lý xã hội thường bênh vực những người yếu thế.

“Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, tiếp tục tái diễn sẽ hình thành thói quen xấu trong xã hội, người không lỗi lại phải bồi thường người có lỗi.

Tôi cho rằng phải tách bạch hai yếu tố. Trước tiên, về nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải dựa trên cơ sở của pháp luật. Còn vấn đề hỗ trợ nhân đạo hay từ thiện là việc khác, không thể nào cứ dung túng cho tư duy “xe lớn đền xe bé”. Điều này khiến cho chấp hành luật lệ giao thông không được nghiêm minh”, ông Mai Khanh nói.

Theo luật sư Trần Văn Huy, để quyền lợi của các bên được đảm bảo, xoá bỏ tư duy “xe lớn đền xe bé” sau tai nạn giao thông thì phải tăng nặng chế tài, các cơ quan ban ngành phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật.

“Tăng nặng chế tài để răn đe người dân, nhưng lực lượng thực thi pháp luật cũng phải làm đúng. Dân tư duy như thế và lực lượng chức năng cũng lại theo tư duy đó, bảo vệ những bên yếu thế nhưng có lỗi thì pháp luật không thể nghiêm minh”, luật sư Huy nói thêm.

“Người Việt khi xử lý công việc luôn có quan niệm “chín bỏ làm mười”, không căn cứ theo quy định của pháp luật. Ví dụ trong một vụ tai nạn xe máy đi ngược chiều trên đường cao tốc và đâm vào ô tô, chúng ta mặc nhiên cho rằng xe máy là đối tượng cần được ưu tiên hơn.

Nhưng bản thân anh chạy vào đường cao tốc, đi ngược chiều là anh đã vi phạm pháp luật rồi. Cấm chạy vào cao tốc nhưng vẫn chạy, chạy rồi khi gặp tai nạn vẫn được xử lý mang tính chất “du di” nên tạo ra tiền lệ không hay”.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái

(Theo VTC.VN) ANH VĂN - PHẠM DUY

Kinh tế thế giới

 

Nhiều nước giảm thuế, kìm giá xăng, gas

Cập nhật lúc 10:01  

Giá dầu thế giới tăng mạnh đầu tuần này do những "động cơ" như Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh để bàn về việc cấm vận dầu mỏ Nga và nhu cầu năng lượng tăng khi hoạt động đi lại trên thế giới hồi phục mạnh mẽ thời hậu COVID-19.


Bên trong Nhà máy lọc dầu Marathon ở Utah, Mỹ, ngày 24-5 - Ảnh: AFP

Ngày 30-5, Hãng tin Reuters cho biết giá dầu Brent tăng lên mức 120 USD/thùng trong khi giá dầu trên thị trường Mỹ ở ngưỡng 116 USD/thùng.

Để giảm gánh nặng hóa đơn cho người dân, nhiều quốc gia ở phương Tây đã áp dụng nhiều chính sách tiêu tốn hàng tỉ USD từ khống chế mức tăng giá, giảm thuế và trợ giá nhiên liệu cho đến phát tiền cho người dân.

Chúng ta cần một thị trường được thiết kế xoay quanh nhu cầu của người tiêu dùng chứ không phải nhà cung cấp.

Nhà nghiên cứu Brenda Boardman (Viện biến đổi khí hậu thuộc Đại học Oxford) nói về giải pháp giảm gánh nặng giá năng lượng cho người dân.

Anh: lấy của người giàu chia cho người nghèo

Giá dầu diesel và xăng ở Anh hiện đang ở mức kỷ lục, lần lượt là 2,29 USD và 2 USD/lít, theo Hãng tin Bloomberg.

Giữa tuần trước, Chính phủ Anh đã công bố gói chính sách trị giá 15 tỉ bảng (19 tỉ USD) và đánh thuế lợi nhuận bất thường với các công ty năng lượng để kìm giá xăng dầu.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho người dân, nhất là các gia đình nghèo. Khoảng 8 triệu hộ dân Anh sẽ nhận trực tiếp khoản tiền hỗ trợ chi phí sống ít nhất 1.200 bảng (khoảng 1.500 USD) vào tài khoản ngân hàng. Trước đó, chính quyền Anh đã công bố gói hỗ trợ 22 tỉ bảng vào đầu năm nay.

Ông Sunak cũng công bố một khoản "thuế lợi nhuận" tạm thời 25% đánh vào lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng, trong khi vẫn khuyến khích đầu tư. Khoản thuế này dự kiến thu về 5 tỉ bảng trong một năm, phần nào bù đắp vào gói hỗ trợ tài chính cho người dân. 

Bộ trưởng Sunak khẳng định chính phủ sẽ đánh thuế công bằng, tránh làm ảnh hưởng đến đầu tư và thuế sẽ được bỏ sau khi giá dầu, khí đốt hạ nhiệt trở lại.

Dù khoản thuế này khiến các công ty năng lượng phải trả mức thuế từ 40% lên 65% từ ngày 26-5, ông Sunak cho rằng các công ty này vẫn kiếm lợi nhuận "khủng", trong khi người dân đang chịu tác động từ giá nhiên liệu. Theo ông, hệ thống thuế vẫn tạo ra động lực cho các công ty tái đầu tư lợi nhuận. "Công ty đầu tư càng nhiều thì họ càng trả ít thuế", ông Sunak nhấn mạnh.

Tương tự Anh, chính quyền các nước Liên minh châu Âu cũng đang áp dụng mọi công cụ đối phó mà không vi phạm các quy tắc cạnh tranh, bao gồm trợ cấp để giúp các hộ gia đình nghèo, tài trợ cho việc cải tạo nhằm giảm sử dụng năng lượng hoặc hỗ trợ thuế năng lượng cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Chẳng hạn, vào tháng 3-2022, Chính phủ Đức đã đồng ý phát thêm tiền mặt cho người lao động và gia đình, cùng với giảm giá xăng, giá vé các phương tiện giao thông công cộng.

Pháp cũng cam kết hạn chế mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%, đồng thời triển khai gói hỗ trợ trị giá gần 27 tỉ USD nhằm giúp các công ty về chi phí khí đốt và điện. Từ đầu tháng 4-2022, Pháp đã áp dụng việc trợ giá 0,16 USD/lít xăng, dầu diesel cho người dân trong 4 tháng, dự kiến tiêu tốn khoảng 2,15 tỉ USD.


Nguồn: Globalpetrolprices.com - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không có nhiều lựa chọn

Nhìn chung, chính phủ nhiều nước không có nhiều lựa chọn trong việc giải quyết khủng hoảng giá năng lượng ở thời điểm hiện tại, hay nói cách khác không có chính sách nào là vẹn toàn. Nhưng mục tiêu trước mặt là giảm tối đa khó khăn cho hàng triệu người dân đang khốn khó vì giá năng lượng tăng cao.

Chuyên gia Adi Imsirovic của Viện nghiên cứu năng lượng Oxford của Đại học Surrey (Anh) cho rằng việc Chính phủ Anh đánh thuế lợi nhuận bất thường vào các công ty năng lượng là ý tưởng tồi khi vừa đánh thuế nặng các doanh nghiệp năng lượng vừa muốn họ tăng đầu tư.

"Tại sao lại đánh thuế riêng ngành công nghiệp dầu và khí đốt? Sao không áp lên các công ty luật, vốn cũng kiếm cả gia tài trong vài năm qua, hoặc các công ty Internet như Google, Twitter?", ông Imsirovic đặt câu hỏi.

Nhưng giải quyết cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt hiện là sứ mệnh chính trị cấp thiết nhất không chỉ của chính phủ ở các nước châu Âu mà cả thế giới. Các nước đang muốn áp dụng các giải pháp ngắn hạn, nhưng điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm những thách thức lớn hơn về trung hạn: quá trình chuyển đổi carbon và cân bằng năng lượng tại khu vực trước nay vốn phụ thuộc nhiều vào Nga. 

Nhà phân tích Martin Sandbu của Financial Times cho rằng các nước có thể thay đổi cấu trúc thị trường để người tiêu dùng hưởng lợi từ chi phí năng lượng thấp. Ví dụ, ở Liên minh châu Âu, ngành sản xuất cần sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn hoặc khuyến khích người mua và người bán năng lượng ký kết các hợp đồng dài hạn với giá cả ổn định hơn.

Đối với việc trợ giá cho người dân, ông Sandbu cho rằng việc này cần tiến hành song song với việc đảm bảo nguồn cung: triển khai nhanh chóng năng lượng tái tạo và tăng nguồn dự trữ năng lượng.

Liên minh châu Âu áp giá trần năng lượng tạm thời?

Trong cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 30 đến 31-5, ngoài việc thảo luận gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, Liên minh châu Âu cũng sẽ tìm cách đối phó với việc tăng giá năng lượng và khủng hoảng lương thực.

Hãng tin Reuters dẫn các dự thảo cho biết các nhà lãnh đạo khu vực sẽ thảo luận biện pháp áp dụng giá trần năng lượng tạm thời, triển khai các nguồn năng lượng tái tạo và đầu tư vào mạng lưới điện xuyên quốc gia để hỗ trợ lẫn nhau.

Mỹ: giảm thuế để giá bớt nóng

Tại Mỹ, giá xăng dầu dự kiến tiếp tục tăng trong mùa hè này khiến nhiều người ngao ngán. Hiện họ đã phải trả trung bình 4,76 USD/gallon (3,785 lít) xăng, tức khoảng 100 USD cho mỗi bình xăng, hoặc cao hơn tại một số bang.

Khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để hạ nhiệt giá nhiên liệu, tuy nhiên động thái này vẫn chưa đủ.

Để hỗ trợ người dân, đặc biệt trong đợt du lịch vào mùa hè, bang Michigan mới đây thông qua khoản giảm thuế nhiên liệu tạm thời đến tháng 9-2022, còn New York ngừng một số khoản thuế nhiên liệu đến cuối năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng việc giảm thuế xăng dầu được cho là có lợi cho các công ty hơn là người dân, vì nó thúc đẩy tiêu thụ năng lượng nhiều hơn và tạo ra vòng lặp khiến giá tiếp tục tăng.

Một số bang lại áp dụng một số biện pháp thuế khác như, theo báo New York Times, chính quyền bang Kansas đang thúc đẩy giảm thuế hàng tạp hóa trong khi bang New Mexico giảm 1.000 USD thuế cho các gia đình gặp khó khăn vì giá nhiên liệu. Các bang Iowa, Indiana, Idaho đều giảm thuế thu nhập trong năm nay. Nhưng việc chi tiền cho người dân cũng có điểm bất lợi là kích thích tiêu dùng làm giá cả tăng cao hơn và thúc đẩy lạm phát.

Nhà phân tích Matt Smith của Tổ chức Kpler cho rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ khó giảm được giá dầu trong nước khi các yếu tố làm tăng giá dầu mang tính quốc tế, trong đó có ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 3.

Philippines, Thái Lan công bố nhiều sáng kiến


Người đi xe máy xếp hàng chờ đổ xăng trước một cây xăng ở thành phố Quezon, Philippines trước một đợt tăng giá xăng - Ảnh: Getty Images

Tại Philippines, các nhà kinh tế đã có nhiều góp ý cho chính phủ để giảm tác động từ xăng dầu, đánh vào 3 yếu tố bao gồm: giảm thuế, trợ giá và làm việc từ xa.

Cụ thể, thuế xăng dầu sẽ giảm theo tỉ lệ phần trăm nhất định nếu giá xăng dầu thế giới đạt các mốc 85-90-100 USD/thùng. Khi giá ổn định, chính phủ có thể khôi phục mức thuế cũ.

Nhà kinh tế trưởng Michael Ricafort từ Tập đoàn Ngân hàng thương mại Rizal - một trong những ngân hàng toàn cầu lớn nhất ở Philippines - cho biết tăng trợ giá cho giao thông và nông nghiệp là biện pháp can thiệp "dễ chấp nhận nhất", giúp giảm thiểu tác động lạm phát.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha khẳng định chính phủ sẽ không bỏ ai lại phía sau và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để giúp đỡ người dân có thu nhập thấp.

Vào cuối tháng 3, Thái Lan công bố một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng cao như duy trì giá bán lẻ dầu diesel ở mức 30 baht/lít (20.400 đồng) cho đến cuối tháng 4 nhờ quỹ bình ổn xăng dầu. Sau đó, Chính phủ Thái Lan trợ giá 50% cho mức tăng giá nhiên liệu.

Chính phủ của ông Prayuth cũng cam kết tăng cường dự trữ dầu và cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Ngoài ra, người dân Thái cũng được nhận phúc lợi: được tăng trợ cấp tiền mặt lên 100 baht/tháng (từ mức 45 baht) và hỗ trợ tiền mặt 100 baht/tháng khi mua gas nấu ăn.

Các cơ quan chính phủ cũng được yêu cầu tìm cách giúp đỡ những người nông dân đang bị ảnh hưởng bởi chi phí phân bón và thức ăn gia súc tăng cao trước mùa gieo trồng mới, giảm tiền điện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 cho người tiêu dùng.

MINH KHÔI

(Theo Tuổi trẻ) TRẦN PHƯƠNG

Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng:

 

Hải quan tổng rà soát, C03 vào cuộc

 Sau các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu tất cả các cục rà soát hoạt động cấp phép nhập khẩu (NK), thu thuế ô tô biếu tặng từ năm 2016 đến hết tháng 5/2022. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng-kinh tế-buôn lậu (C03) - Bộ Công an cũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

C03 làm việc với Tổng cục Hải quan

Liên quan loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” Tiền Phong phản ánh mấy ngày qua, nguồn tin của phóng viên Tiền Phong cho biết, C03 đã làm việc với Tổng cục Hải quan (TCHQ) và một số đơn vị liên quan.

Theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong, ngày 25/5, Bộ Tài chính đã họp khẩn với TCHQ, Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế về vấn đề này. Trên cơ sở báo cáo của các bên, lãnh đạo Bộ Tài chính giao các đơn vị liên quan phối hợp cơ quan thuế nội địa, các đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp), hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) để xác minh các hồ sơ cấp giấy phép NK, tạm NK.


Năm 2021, dịch bệnh bùng phát phức tạp nhất cũng là thời điểm xe theo diện quà biếu tặng nhập khẩu đột biến

Bộ Tài chính giao TCHQ chủ trì, phối hợp Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân NK ô tô không nhằm thương mại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, TCHQ phải phối hợp các đơn vị cấp dưới kiểm tra, rà soát việc cấp giấy phép đảm bảo cấp đúng đối tượng, tránh hiện tượng trục lợi, gian lận. Trường hợp có nghi vấn về đối tượng thụ hưởng và đối tượng cho, biếu, tặng, TCHQ yêu cầu phải xác minh làm rõ (kể cả xác minh ở nước ngoài), xử lý nghiêm theo quy định. Bộ Tài chính yêu cầu TCHQ báo cáo kết quả thực hiện những nội dung này trước 30/6/2022. Riêng nội dung báo cáo kết quả thanh kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn ngày 24/5, Bộ Tài chính yêu cầu TCHQ phải báo cáo trước ngày 2/6.

Các cục hải quan đứng đầu cả nước về cấp phép, NK ô tô biếu tặng từ năm 2020 đến tháng 7/2021:

Đà Nẵng 385 xe; Hà Nam Ninh 216; Quảng Nam 127 xe; TPHCM 136 xe (tính đến hết 2021); Hải Phòng 36 xe; Hà Nội 34 xe; Bắc Ninh 4 xe…Riêng Bà Rịa–Vũng Tàu từ năm 2020 đến 23/9/2021 làm thủ tục cho 118 xe. Trong đó, 41 xe có giá khai báo không phù hợp, phải xác định lại. Tổng số thuế phải nộp đối với 118 tờ khai hơn 471 tỷ đồng; trong đó tổng số thuế chênh lệch trước và sau khi xác định trị giá hải quan hơn 53 tỷ đồng. Xe chêch lệch giá cao nhất lên tới 10 tỷ đồng (DN khai giá 385 triệu đồng, hải quan xác định lại lên tới 10,8 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cũng giao TCHQ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư 143 (2015/TT-BTC) để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật nhằm quản lý ô tô NK, tạm NK không nhằm mục đích thương mại. TCHQ phải trình Bộ Tài chính văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo công văn báo cáo Thủ tướng; dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 143, hoàn thành báo cáo trước 30/5/2022.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế không nắm được thông tin?

Ngày 30/5, TCHQ ra công văn yêu cầu các cục trực thuộc khẩn trương kiểm tra, xác minh tình hình hoạt động của các tổ chức nhận quà biếu, tặng tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, hoặc địa chỉ ghi trên đơn đề nghị đối với cá nhân.

Theo đó, đối với các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chuyên cấp phép NK ô tô (Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh), TCHQ yêu cầu rà soát các hồ sơ đã được cấp giấy phép NK trong 6 năm (từ 2016-2021) và 5 tháng đầu năm 2022. Trường hợp có nghi vấn về giấy đăng ký kinh doanh đối với tổ chức, về nhân thân đối với cá nhân, TCHQ đề nghị các cục trao đổi, phối hợp với cơ quan thuế nội địa, cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh hoặc công an để xác minh. “Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, giải thể, phá sản, bỏ trốn hoặc người đại diện DN, người đứng tên trên đơn đề nghị phủ nhận việc NK xe thì chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định”. TCHQ đề nghị các cục gửi số liệu báo cáo về những nội dung trên về tổng cục, thông qua Cục Giám sát quản lý trước ngày 10/6.

Trả lời phóng viên Tiền Phong ngày 30/5 và 1 lần trước đó, Tổng cục phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh (người từng ký công văn hỏa tốc gửi TCHQ ngày 14/2/2022 đề nghị cung cấp thông tin để chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành phố phối hợp rà soát, thu thuế thu nhập đối với DN, tổ chức, cá nhân có NK xe biếu tặng) nói rằng không nắm được thông tin, cũng không nhớ chính văn bản do mình từng ký. Phóng viên đã gọi điện nhiều lần cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn để hỏi về vấn đề này.

Các dấu hiệu lách luật, trục lợi từ NK ô tô biếu tặng từng được Tiền Phong phản ánh trong nhiều loạt bài hồi năm 2016. Ngay sau đó, một Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát báo cáo. Bộ Tài chính sau đó có báo cáo cho biết, từ 1/1 đến 30/9/2016, có hơn 1.000 xe được NK theo diện quà biếu, tặng, tương đương số thuế DN khai báo hơn 1.500 tỷ đồng. Trên cơ sở các dấu hiệu nghi vấn, TCHQ đã kiểm tra và xác định lại trị giá tính thuế đối với 871 xe, qua đó xác định số thuế tăng thêm so với số thuế khai báo của DN hơn 800 tỷ đồng. Tổng cục Hải quan thời điểm đó báo cáo dự kiến thu bổ sung khoảng 16 tỷ đồng, còn Tổng cục Thuế dự kiến truy thu thêm 5,4 tỷ đồng đối với xe NK diện biếu, tặng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều lãnh đạo thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan (TCHQ) thời kỳ đó, về sau được điều chuyển đi làm lãnh đạo nhiều cục khác như Cục Hải quan Hà Nội, Hà Nam Ninh, Nghệ An…

(Theo Tiền phong) Nhóm PV Điều tra

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Hãy vì học sinh

Sách số thay sách giấy

Cập nhật lúc 15:00               

Mấy năm trước lúc con gái tôi còn học trung học ở Trường Mount St Benedit, chưa bao giờ tôi phải bỏ một đồng nào ra mua sách giáo khoa cho con vì sách giáo khoa ở Úc đã bị "khai tử" lâu rồi.


Giá sách giáo khoa tăng sẽ gây thêm gánh nặng với những gia đình có thu nhập thấp sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong một tiết học tại trường - Ảnh: Q.Đ.

Để cập nhật với tình hình hiện nay, tôi hỏi anh hàng xóm có đứa con nhỏ đang học tiểu học thì được biết mỗi ngày cô giáo in ra cho tụi nhỏ một hay hai trang giấy mang về nhà học và làm bài tập.

Một người quen với gia đình tôi là giáo viên toàn thời gian tại Trường công lập Holroyd High School thuộc quận Greystanes cho biết tất cả giáo viên tại Úc hiện nay đều tự soạn giáo trình để giảng dạy, dựa theo khung hướng dẫn từ sở giáo dục tiểu bang. 

Cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, lên chiến lược chứ không bắt buộc học sinh tuân theo mọi chi tiết theo kiểu robot lập trình sẵn.

Cũng theo cô giáo người Việt tại Trường Holroyd High School, để khuyến khích tính đa chiều và mở rộng tầm nhìn của học sinh, thầy cô giáo ở Úc thường chọn ra một số đầu sách tham khảo liên quan môn mình dạy, nhà trường mua và các em có thể mượn đem về nhà đọc. 

Sách năm này còn tốt sẽ được giữ lại để năm sau sử dụng tiếp, đến khi nào giáo viên quyết định đổi các đầu sách mới.

Hình ảnh các em học sinh nhỏ xíu ở Úc lưng đeo balô nặng trịch đi học mỗi ngày trên đường thật là thân quen, thì ra bên trong balô toàn mấy thứ cần thiết như tập vở, thức ăn thức uống, một vài cuốn sách tham khảo và đặc biệt là cái laptop. 

Máy laptop (hay tablet, iPad) trong hệ thống trường công lập ở Úc được phát cho mượn miễn phí, có trường cho mang về nhà, có trường không. Còn đối với hệ thống trường tư như Trường Mount St Benedit thì phụ huynh phải đóng tiền thuê hằng năm, chỉ có sách là miễn phí. 

Trong mùa giãn cách do dịch cúm vừa qua, nhiều trường trung học ở Úc còn cung cấp thêm cho học sinh thuộc loại "vùng sâu vùng xa" cục USB phát WiFi từ sim 3G trong trường hợp gia đình không có Internet hoặc đường truyền không ổn định.

Hẳn nhiên cũng có suy nghĩ khác về mấy cái máy laptop, tablet, iPad bên cạnh những ưu điểm, tiện nghi quá rõ ràng. Theo thầy hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Sydney, các trang thiết bị hiện đại này làm cho học sinh mất tập trung vì thường xuyên chơi game online. 

Ông còn cho rằng học từ các cuốn sách bằng giấy mới hiểu nhiều và sâu hơn, do đó không loại trừ trường hợp ông sẽ quay về kiểu truyền thống. Đó là suy nghĩ của một vài người, không đại diện cho số đông. 

Nhiều trường ở Úc cho phép học sinh tự do quyết định có sử dụng vi tính hay không và nếu có thì tùy vào sở thích và khả năng của mỗi cá nhân, miễn sao việc học đạt hiệu quả cao nhất.

Nói cách khác: nhu cầu và khả năng của học sinh và gia đình các em là quan trọng nhất. Mỗi địa phương, mỗi trường học đều có những đặc thù và nguyện vọng riêng, vấn đề nằm ở chỗ các chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục có tạo được cơ chế đủ linh hoạt để đáp ứng các đặc thù và nguyện vọng riêng đó hay không.

Câu chuyện sách giáo khoa của hệ thống giáo dục tại Việt Nam suốt mấy năm qua quanh quẩn chuyện thay mới và nay là tăng giá vì "khổ to, giấy đẹp", tư duy xem đó là con đường duy nhất cho giáo trình dạy học xem ra đã lỗi thời so với thế giới từ lâu. 

Trước hết, nó làm thui chột đi sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên và sự phong phú, màu sắc của các môn học. Quan trọng hơn nữa là tạo thành thói quen suy nghĩ một chiều, kém sức linh động và sáng tạo cho học sinh ngay từ giai đoạn sớm nhất của quá trình định hình tư duy. 

Tôi được biết là các nhà xuất bản cũng có đưa một số sách lên mạng, nhưng đó chưa phải là sách thông minh (smart book) như các nước.

Hẳn nhiên giáo dục cũng như tình hình tiếp cận sách số ở Việt Nam khác với các nước, nhưng nếu cứ loay hoay chuyện sách giấy với nhiều lý do mà không mạnh dạn mở ra sách số giữa chủ trương chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhiều năm tới giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đau đầu về chuyện sách giáo khoa. Đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xuất bản sách giấy.

(Theo Tuổi trẻ) LÝ QUÍ TRUNG (Đại học Western Sydney, Úc)

       

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

QH tranh luận chuyện sách giáo khoa

 

Đại biểu Quốc hội phản biện Bộ trưởng Giáo dục về giá sách giáo khoa

 Cập nhật lúc 14:40 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục băn khoăn: SGK có cần dùng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không?. Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá: "Bộ trưởng nói thế là đúng quá rồi nhưng giá sách như vậy đã trở thành gánh nặng với nhân dân".

Tại phiên thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói về việc dư luận phản ánh tình trạng sách giáo khoa (SGK) tăng giá 2-3 lần

Sáng nay (27/5) trao đổi với báo chí tại Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Phan Viết Lượng đánh giá nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về giá SGK tại tổ là đúng.

"Nếu vật liệu tốt, in đẹp, cách làm công phu thì rõ ràng giá thành sách phải cao hơn trước", ông Lượng nói. Tuy nhiên, ông bày tỏ băn khoăn với SGK có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không? Bởi làm SGK vấn đề cần quan tâm là có phù hợp với phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của ta hiện nay, tuổi thọ của sản phẩm đó như thế nào.

ĐB Phan Viết Lượng.

"Với giáo dục không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. Tất cả phải tính toán phù hợp. SGK cũng có thể coi là sản phẩm thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá", ông Lượng nói và cho biết, việc cử tri băn khoăn về giá sách giáo khoa là đúng, các bộ ngành liên quan cần phải trả lời cho rõ, còn nếu để lâu sẽ gây hoài nghi trong dư luận.

3 năm trước, Ủy ban Văn hóa, giáo dục đã có giám sát, báo cáo gửi đến các bộ ngành về vấn đề sách giáo khoa, trong đó, có nêu rõ giá cao. Qua đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng cường quản lý giá sách.

"Bộ trưởng GD&ĐT đã nói như vậy thì cũng đã nhìn nhận vấn đề nhưng cần rà soát, đánh giá lại và cần phải giải quyết ngay vấn đề quản lý Nhà nước về giá sách, trả lời sớm cho dư luận", ông Luận nhắc lại.

Chỉ là 'kỹ thuật' của người làm sách?

Còn ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, thông qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi họp tổ, ông đã hiểu rõ hiện nay SGK có thể dùng lại được, không phải là sách dùng một lần.

Tuy nhiên, ông băn khoăn khi các trường được chọn SGK dạy cho từng cấp học, trong từng năm, ngoài ra, trong các bộ SGK học sinh có thể làm bài tập ngay trong đó.

ĐB Nguyễn Anh Trí

"Năm nay trường chọn bộ sách này, nhưng sang năm họ lại chọn bộ sách khác thì lớp học sinh sau có dùng lại được nữa hay không? Còn việc học sinh lớp trước giải luôn bài tập trong sách giáo khoa, thì các em sau này chưa làm đã biết hết kết quả rồi", ông Trí nêu và cho rằng đó là "kỹ thuật" của những người làm sách.

Trong phần trao đổi tại tổ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giải thích lý do giá SGK hiện nay đắt hơn trước vì giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. ĐB Trí đánh giá: "Bộ trưởng nói thế là đúng quá rồi nhưng giá sách như vậy đã trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo".

Để giá SGK không trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, ông đề nghị nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa. Bởi, theo ông chọn sách để học rất khó, như một cậu sinh viên chưa chắc đã biết chọn cuốn nào cho phù hợp.

Do vậy, nếu cứ để như tình trạng hiện nay sẽ rất phí nguồn lực.

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội ngày 23/5, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đã phát biểu SGK không được dùng lại, hàng năm xã hội tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng để mua sách mới, gây khó khăn cho gia đình có con đi học, đặc biệt là hộ nghèo.

(Theo Vietnamnet)  Trần Thường 

Vấn đề giáo dục Lịch sử

 

Chủ tịch Hội đồng thẩm định nói gì khi đồng ý Lịch sử là môn lựa chọn?

 Cập nhật lúc 10:30   

PGS Trần Kiều cho biết cố GS Phan Huy Lê rất quan tâm tới việc dạy và học Sử trong trường phổ thông. Những góp ý cho chương trình của ông hiện vẫn được lưu lại trong các biên bản làm việc của hội đồng thẩm định.

Lý lẽ của Ban soạn thảo đã thuyết phục Hội đồng thẩm định chương trình

PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).  

Chia sẻ lại câu chuyện thẩm định cách đây 4 năm, PGS Trần Kiều cho biết, trong thành phần hội đồng thẩm định chương trình mới khi ấy có 2 nhà Sử học, và một trong hai người là cố GS Phan Huy Lê (từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam).

GS Trần Kiều cho biết cả Chương trình tổng thể và Chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều được thẩm định theo đúng quy trình với các tiêu chí cụ thể do Bộ GD-ĐT ban hành.

Sẽ có những thay đổi lớn trong tổ chức giảng dạy ở lớp 10 từ năm học 2022-2023

Riêng với môn Lịch sử, cố GS Phan Huy Lê rất quan tâm tới việc dạy và học Sử trong trường phổ thông. Những góp ý cho chương trình của ông hiện vẫn được lưu lại trong các biên bản làm việc của hội đồng thẩm định.

Với đề xuất Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT, theo PGS Trần Kiều, những lý lẽ được tiểu ban chương trình đưa ra chặt chẽ và thuyết phục, do đó các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều đồng ý với việc tổ chức dạy học này. Hội đồng thẩm định cho rằng kiến thức lịch sử phổ thông đã được chuẩn bị đầy đủ ở tiểu học và THCS. Khi lên THPT, nếu học sinh yêu thích môn học này thì tiếp tục tìm hiểu.

Trước những tranh luận hiện nay về việc dạy học bắt buộc đối với môn Lịch sử ở bậc THPT cho tất cả học sinh, PGS Trần Kiều cho biết quan điểm của ông là “Chương trình hoàn toàn có thể điều chỉnh chứ không phải cố định”.

“Tuy nhiên, nếu điều chỉnh phải đưa ra được lý do đúng, chặt chẽ; có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để đánh giá, chứ không thể đưa ý kiến một cách cảm tính là phải sửa.

Nếu điều chỉnh, nội dung phải cụ thể, kế hoạch phải được chuẩn bị kỹ càng về thời gian, tiến độ thực hiện để tránh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc chương trình đã được phê duyệt”.

Với thực tế là chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu năm học mới, PGS Trần Kiều đề xuất hãy để qua triển khai thực tế rồi khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mới trong đó có việc tổ chức dạy học môn lịch sử để thấy các vấn đề thực tiễn đặt ra có liên quan tới đề nghị học bắt buộc hay tự chọn. Từ đó đưa ra giải pháp thuyết phục để quyết định tự chọn hay bắt buộc.

Sẽ là thách thức nếu Lịch sử là môn tự chọn

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra quan điểm, trong giai đoạn hiện nay, nếu để Lịch sử trở thành môn học tự chọn là chưa phù hợp.

Bởi lẽ, trước đây, khi môn học này là môn bắt buộc, nhiều học sinh vẫn thờ ơ, không có sự quan tâm đúng mực. Do đó, nếu trở thành môn học tự chọn, đây sẽ là một thách thức.

“Căn cứ vào quá trình học tập của học sinh trong thời gian qua, tôi nghĩ rằng sẽ có rất ít người học lựa chọn Lịch sử nếu môn học này trở thành môn tự chọn. Điều này sẽ gây xáo trộn đội ngũ giáo viên hiện nay.

Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, khát vọng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội”.

Vì thế, vị hiệu trưởng này cho rằng, chỉ khi biến Lịch sử trở thành môn học khiến học sinh hứng thú, yêu thích, thì dù là môn học lựa chọn hay bắt buộc, Lịch sử vẫn có chỗ đứng.

“Còn khi chưa làm được điều này, để Lịch sử trở thành môn học lựa chọn, tôi nghĩ sẽ không phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu nói.

Việc để môn học này trở nên hấp dẫn và lôi cuốn với học sinh hơn, PGS Liệu cho rằng, trước hết giáo viên cần phải thay đổi. Những người dạy Lịch sử cần phải là những người được đào tạo bài bản, tâm huyết, có trách nhiệm, đồng thời cần phải không ngừng đổi mới sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, kỹ thuật thi và đánh giá.

Ngoài ra, thay vì mang nặng tính hàn lâm, thông tin sự kiện, số liệu nhàm chán, sách giáo khoa cũng cần phải được thiết kế sao cho hấp dẫn và lôi kéo học sinh hơn. Ví dụ, nội dung bài học có thể được xây dựng giống như những câu chuyện được kết nối logic, dẫn dắt linh hoạt sao cho phù hợp với từng độ tuổi, đối tượng.

Một yếu tố quan trọng khác, cần phải xác định đúng vị trí, vai trò của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục hiện nay. Theo PGS Liệu, chính trong các nhà trường hiện cũng chưa thật sự coi trọng môn Lịch sử; bản thân phụ huynh vẫn coi môn học này là môn phụ, môn không quan trọng... Đó cũng là những nguyên nhân khiến học sinh không mấy hứng thú và yêu thích môn học này.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là Chính phủ cần phải sớm quyết định môn Lịch sử là môn học bắt buộc hay lựa chọn, từ đó các trường và giáo viên mới có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhất.

(Theo Tuổi trẻ) Phương Chi – Thúy Nga

Chống tham nhũng

 

Quảng Ngãi: Điều tra dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc

Cập nhật lúc 09:51

       


Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi xác định có dấu hiệu của hành vi thông thầu và thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình đấu thầu thuốc tại tỉnh này.

Sáng 27-5, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết Thanh tra tỉnh này vừa có kết luận việc chấp hành pháp luật về đấu thầu thuốc chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế tại Sở Y tế (từ năm 2014 đến tháng 9-2019).

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về đấu thầu thuốc chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2014 đến tháng 9-2019.

Cụ thể, qua kiểm tra các gói thầu do Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đấu thầu theo kế hoạch năm 2014 và 2015, lực lượng thanh tra phát hiện 6 mặt hàng thuốc có giá xét duyệt trúng thầu vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại do Cục Quản lý dược - Bộ Y tế công bố còn hiệu lực. Việc thực hiện không đúng quy định này dẫn đến giá trúng thầu vượt giá Cục Quản lý dược theo kết quả cung ứng thuốc thực tế hơn 94,9 triệu đồng.


Nhiều sai phạm trong đấu thầu thuốc được phát hiện tại Sở Y tế Quảng Ngãi. Ảnh minh họa

Nghiêm trọng hơn, trong quá trình đấu thầu thuốc Calci Lactat 500mg, tổ chấm thầu chưa xem xét rõ bản chất của 2 sản phẩm dự thầu là A.T Calmax 500 và Fulcalmax có sự tương đồng về hoạt chất, cho rằng A.T Calmax 500 có hoạt chất không đáp ứng hồ sơ mời thầu là sai, dẫn đến chấm sai thầu, lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp, làm tăng giá trị trúng thầu.

Nếu tính toán so sánh số tiền chênh lệch giá của 2 sản phẩm theo số liệu đến ngày 30-9-2019 thì Fulcalmax được cung ứng 2.828.260 ống với số chênh lệch thực tế đã cung ứng hơn 2,3 tỉ đồng. Đây là khoản thất thoát của quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Công ty CP Dược phẩm An Thiên là nhà sản xuất A.T Calmax nhưng không đưa thuốc này đấu thầu mà liên danh với Công ty CP thương mại dược phẩm Nhật Lệ dự thầu sản phẩm Fulcalmax với giá cao. Trong khi đó, Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha dùng thuốc A.T Calmax tham gia dự thầu với giá thấp hơn. Việc này diễn ra trong cùng một gói thầu là có xung đột, mâu thuẫn về lợi ích. Dù Hội đồng Đấu thầu thuốc của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi có đầy đủ thông tin về việc này nhưng không kiểm tra, xử lý mà vẫn tiến hành lựa chọn và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Tiếp sau đó, Công ty An Thiên lại có văn bản đề nghị Codupha rút thầu và công ty này đã có công văn rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm mở thầu, có dấu hiệu rõ ràng của hành vi thông thầu.

Qua thanh tra cho thấy Phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi (cơ quan thường trực Hội đồng Đấu thầu thuốc của sở) có đầy đủ thông tin của 2 doanh nghiệp tham gia gói thầu nhưng cá nhân giao nhiệm vụ tổ chức chấm thầu, thẩm định và tham mưu phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không rà soát để xử lý, hoặc tham mưu đề xuất xử lý dấu hiệu của việc thông thầu mà vẫn tiến hành hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Giám đốc Sở Y tế ban hành quyết định thu hồi số tiền hơn 94,9 triệu đồng của 6 mặt hàng thuốc có giá mua vượt giá kê khai nộp vào ngân sách nhà nước.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Sở Y tế tỉnh, các phòng, ban và từng cá nhân liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Kết quả kiểm điểm, xử lý, biện pháp khắc phục báo cáo bằng văn bản (gửi hồ sơ, kèm theo tài liệu chứng minh) để Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi theo dõi, kiểm tra, đôn đốc theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi lập thủ tục bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tổ chức lựa chọn nhà thầu hoạt chất Calci Lactat 500mg cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để thực hiện theo quy định pháp luật.

(Theo Người lao động) T.Trực