Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Hà Nội 'chạy đua' xét nghiệm nhanh 21.000 người từ Đà Nẵng trở về  

Cập nhật lúc 15:02 

 

Phòng chống lây nhiễm Covid-19, từ nay đến 2/8, Hà Nội xét nghiệm nhanh cho toàn bộ hơn 21.000 người trở về từ Đà Nẵng.

 

 Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết 30 quận, huyện sẽ xét nghiệm nhanh cho 21.000 người về từ Đà Nẵng. Những người này cần liên hệ với cơ quan y tế của quận, huyện, xã, phường để được bố trí xét nghiệm nhanh. Tất cả việc xét nghiệm được giao về cho các địa phương.
Mỗi ca xét nghiệm nhanh sẽ được thực hiện và cho kết quả trong 10 phút. Mẫu bệnh phẩm nào cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sẽ lập tức được gửi lấy mẫu xét nghiệm PRC. Nếu kết quả dương tính lập tức sẽ chuyển công dân về nơi cách ly tập trung.
Trong trường hợp âm tính, người được xét nghiệm sẽ được trở về địa phương và cam kết tự cách ly ở nhà trong thời hạn 14 ngày.
Liên quan đến lo ngại sẽ có trường hợp trở về từ Đà Nẵng nhưng không khai báo với cơ quan y tế, PGĐ CDC Hà Nội bày tỏ, người dân phải suy nghĩ vì sức khỏe của chính mình, của gia đình và cộng đồng. Ngoài việc động viên, khuyến khích người dân chủ động khai báo y tế, lực lượng chức năng cũng “rà từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm các trường hợp từ Đà Nẵng về.


Tại điểm xét nghiệm nhanh trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng

Còn theo Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt, về năng lực xét nghiệm CDC TP có 3 máy test PCR, với 30 nhân lực theo ca kíp để lấy mẫu, có thể test 500-700 mẫu/ngày. Nếu được bổ sung thêm máy có thể nâng lên 1.700-2.000 mẫu/ngày
CDC đã đào tạo cho 214 người ở cấp quận, huyện, hơn 1.299 nhân viên ở cấp xã, phường có thể lấy dịch họng hầu phục vụ cho công tác xét nghiệm Covid-19, với năng lực tối đa là 11.700 mẫu/ngày.
CDC Hà Nội đang quản lý khoảng 82.000 test huyết thanh dùng để xét nghiệm nhanh
Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, CDC Hà Nội cho biết, riêng với những trường hợp đi về từ Đà Nẵng, Hà Nội đã xác định có hơn 21.000 người, trong đó 87 trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở và đã được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh Hà Nội cần hết sức đề cao cảnh giác trước những diễn biến mới của Covid-19. Ông cho hay: "Đến thứ 7 này các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người, trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR".
Các trường hợp F1 phải cách ly ngay lập tức ở Trường cao đẳng nghề kỹ thuật cao, các trường hợp F2 cách ly tại nhà, giám sát y tế hàng ngày; khi có nhu cầu cần xét nghiệm thì các quận huyện phải đáp ứng ngay. 
Một số hình ảnh tại điểm xét nghiệm nhanh quận Hai Bà Trưng:


Mỗi ca sáng, chiều trung tâm y tế quận sẽ gọi một số lượng người nhất định đã lập theo danh sách để lấy mẫu



Qua thống kê, tính đến thời điểm này, toàn quận Hai Bà Trưng đã có 1.499 đi từ Đà Nẵng 
về. Và cả nhữny trường hợp liên quan đến



Sau khi khai báo thông tin y tế, có nhân viên hướng dẫn và ngồi ghế đợi







Mỗi khi đến lượt, từng người được mời vào lấy máu



Nhân viên y tế lấy mẫu máu, đánh dấu mã bệnh phẩm



Trong trường hợp phát hiện ca dương tính, người dân sẽ được đưa ngay đi cách ly, đã có xe y tế ở gần đó



Tiếp đó, lấy mẫu lần 2 và gửi về cơ sở xét nghiệm cố định để kiểm tra



Hà Nội sử dụng song song 2 hình thức lấy dịch họng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm và lấy máu xét nghiệm nhanh ở cộng đồng



Các trường hợp mới trở về địa bàn và có triệu chứng bất thường về sức khoẻ như ho, sốt sẽ đươc ưu tiên làm trước. Những trường hợp khác sẽ lần lượt được kiểm tra sau




(Theo VietNamNet) Thành Nam - Video: Đình Hiếu

Malaysia gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ 'đường 9 đoạn' của Trung Quốc

Cập nhật lúc 14:27  


Malaysia ngày 29-7 đã gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc (UN) bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định 'đường 9 đoạn' vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982.



Tàu của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông năm 2018 - Ảnh: REUTERS

Trong công hàm HA 26/20 đề ngày 29-7 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Quốc, Phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên Hiệp Quốc đề cập tới quan điểm của Malaysia với công hàm CML/14/2019 của Trung Quốc.
Cụ thể, công hàm số CML/14/2019 ngày 12-12-2019 của Trung Quốc phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.
Các điểm trong lập trường của Malaysia nêu rõ:
Đệ trình của Malaysia lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) về phần còn lại của thềm lục địa Malaysia ngoài 200 hải lý, ở phía bắc của Biển Đông, từ các đường cơ sở mà từ đó độ rộng của lãnh hải được đo, tạo thành cam kết hợp pháp trong việc thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – điều phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982 cũng như Quy tắc tố tụng của Ủy ban.
Chính phủ Malaysia khẳng định đệ trình này phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của Malaysia trong việc phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa.
Về đoạn 2 và đoạn 3 trong công hàm của Trung Quốc (tức CML/14/2019), Chính phủ Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, hoặc các quyền hoặc quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong "đường 9 đoạn", vì những yêu sách này trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý.
Với những lý do trên, Malaysia cho rằng yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý. Vì thế, Chính phủ Malaysia bác bỏ toàn bộ nội dung công hàm của Trung Quốc (tức CML/14/2019).
(Theo Tuổi trẻ) NGUYÊN HẠNH 

15 ca COVID-19 diễn biến nặng và rất nặng

Cập nhật lúc 14:23  


Thông tin từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết hiện đang có một số bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến rất nặng.



Nhân viên y tế khử trùng bên trong bệnh viện phòng chống COVID-19 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, phó trưởng tiểu ban điều trị, bệnh nhân mắc COVID-19 số 437 đang trong tình trạng nguy kịch, được sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo). 
Bệnh nhân số 437 là nam, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mãn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 27-7.
Sau đó bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại khoa hồi sức tích cực - chống độc. Các chuyên gia hàng đầu liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này.
Tính đến ngày 30-7, Việt Nam có thêm một số ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện Đà Nẵng, đặc biệt là các bệnh nhân tiên lượng rất nặng: bệnh nhân 416, 418, 428, 431, 436, 437, 438; một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như bệnh nhân 429, 426, 427, 430, 422, 433... Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế.
"Cuộc chiến phòng chống COVID-19 còn dài, phía trước còn rất nhiều thách thức. Do đó trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19 vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng", ông lưu ý.
Chiều 30-7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang tập trung toàn lực hỗ trợ, chia sẻ với TP Đà Nẵng trong việc xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19...
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 tại TP Đà Nẵng phức tạp, ổ dịch lớn nhất phần lớn ở khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng (hiện đã được phong tỏa toàn bộ). 
Ngay từ đầu, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất quyết liệt, bộ đã cử ngay 3 đoàn công tác đến Đà Nẵng là các chuyên gia đầu ngành, giỏi và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực điều trị, giám sát dịch tễ và xét nghiệm. 
Hằng ngày các êkip này đều báo cáo, trao đổi và hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế cử thêm đội công tác tinh nhuệ do GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.
Viện Pasteur TP.HCM cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện năng lực xét nghiệm tại thành phố này đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày
Bộ Y tế cũng điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn TP Đà Nẵng và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO đã được Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng "chi viện" cho địa phương này thêm nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.
Bộ Y tế sẽ có văn bản quy định các trường hợp (từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh) đến cơ sở y tế (có khả năng xét nghiệm) để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.
Bên cạnh đó, cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ BV Đà Nẵng ra điều trị ở BV Trung ương Huế nhằm "chia lửa" cho Đà Nẵng. 
Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng. Hiện đã có một số bệnh nhân COVID-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế.
4 bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện


4 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ra viện

Sáng 31-7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương công bố khỏi bệnh cho 4 bệnh nhân, gồm bệnh nhân 356 (nam, 42 tuổi, quốc tịch Việt Nam), bệnh nhân 359 (nam, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam), bệnh nhân 383 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Myanmar) và bệnh nhân 413 (nam, 31 tuổi, quốc tịch Myanmar).
Những người này sẽ được cách ly theo dõi 14 ngày theo quy định. Như vậy đến nay Việt Nam đã có 373 trường hợp khỏi bệnh, ra viện.

(Theo Tuổi trẻ) Lan Anh

Bắt khẩn cấp cặp đôi đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Cập nhật lúc 14:08  

Công an tỉnh Lào Cai vừa bắt khẩn cấp 2 đối tượng trong đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.



Các nghi phạm Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Trịnh Văn Hưng tại cơ quan điều tra. Ảnh CA CC

Ngày 31.7, một lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai cho biết, cơ quan này vừa bắt khẩn cấp Nguyễn Trịnh Văn Hưng (48 tuổi, trú tại P.Phước Đông, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Thanh Nhàn (49 tuổi, trú tại xã Vạn Hòa, TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) để làm rõ hành vi tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bước đầu, Nhàn khai nhận, khoảng đầu tháng 4 có quen với một người Trung Quốc tên là A Ma và được người này nhờ tìm xe ô tô để chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn khu vực biên giới Việt - Trung rồi chuyển số người này vào TP.HCM để tìm việc làm. A Ma sẽ trả 25 triệu đồng cho mỗi chuyến xe trót lọt.
Thấy dễ kiếm tiền, Nhàn móc nối với Hưng để thuê ô tô từ TP.Nha Trang lên Lào Cai đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, chở vào TP.HCM. Mỗi chuyến xe, Nhàn chia cho Hưng 23 triệu đồng, giữ lại 2 triệu đồng.
Ngày 27.7, khi Nhàn và Hưng đang chở 10 người Trung Quốc vào sâu trong địa phận Việt Nam thì bị Công an TP.Lào Cai phát hiện, bắt giữ.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi hoạt động, Nhàn và Hưng đã thực hiện trót lọt 6 chuyến xe chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào TP.HCM.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lào Cai đang đấu tranh, điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.
 (Theo Thanh Niên) Trần Cường

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Giá vàng tăng phi mã, bất chấp áp lực chốt lời

Cập nhật lúc 15:09                

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng phi mã, xô đổ kỷ lục mọi thời đại bất chấp áp lực chốt lời từ các quỹ đầu tư lớn.

Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của doanh nghiệp ở mức 56,32 triệu đồng/lượng - 57,55 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TPHCM chốt ở mức 56,3 triệu đồng/lượng - 57,7 triệu đồng/lượng.
Hôm qua, giá vàng tăng giảm khá thất thường. Sau khi vụt tăng vào đầu giờ mở cửa phiên, giá vàng đã giảm mạnh mỗi chiều từ 400 đến 500.000 đồng/lượng rồi tăng nhẹ vào cuối phiên.
Tuy giá tăng, giảm thất thường nhưng người mua, kẻ bán vẫn tấp nập ở Hà Nội. Những diễn biến thất thường này đã khiến giới đầu tư vàng, đặc biệt là người đầu tư vàng lướt sóng đứng ngồi không yên.
Đối với những người mua vàng lúc cao điểm sáng ngày 28/7 khi giá vàng đang ở ngưỡng 57,6 đến 58 triệu đồng, cú mất giá sốc hơn 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều trong buổi chiều cùng ngày càng làm nhiều người đầu tư nhỏ lẻ sợ mất vốn.
                                                                    

                             Giá vàng tăng giảm thất thường, nhà đầu cơ nhỏ lẻ sợ mất vốn

 Trên thế giới, lúc 7h30 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm nhẹ 3,2 USD, giao dịch ở mức 1.967,7 USD/ounce.
Trước đó, lúc 6h sáng, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.969 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Trong phiên hôm qua, giá vàng có thời điểm tăng cao nhất lên tới 1.982 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tiếp tục bơm tiền nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Mặt hàng này tăng giá còn do đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên phạm vi toàn cầu, trong khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đã làm giảm hy vọng về một giai đoạn phục hồi nhanh chóng cho kinh tế thế giới.
Người tiêu dùng Mỹ ít lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới trong ngắn hạn, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều bang của nước này.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 150.000 vào ngày 29/7, cao nhất trên thế giới.
Tại Mỹ, các diễn biến cho thấy tình hình dịch ở khu vực Vành đai Mặt trời (tây và tây nam Mỹ) đang có dấu hiệu ổn định nhưng đang nóng lên ở vùng Trung tây, nơi dịch bùng phát ở những người trẻ bắt đầu trở lại các quán bar, nhà hàng và phòng tập.
Đại học John Hopkins cho biết số ca Covid-19 ở Mỹ là 4,4 triệu, cao nhất trên thế giới, dù con số thực tế tại Mỹ và những nơi khác được cho là cao hơn do giới hạn về số lượng người được xét nghiệm và nhiều ca triệu chứng không rõ ràng hoặc không có triệu chứng.
Mỹ hiện chiếm hơn 20% số ca tử vong toàn cầu vì dịch, vốn ở mốc 662.000 người. Gần 17 triệu người đã mắc Covid-19 trên thế giới, dịch cũng diễn biến phức tạp hơn tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, những yếu tố về dịch bệnh, căng thẳng Mỹ - Trung... được xem là nhân tố quyết định tới những bước tăng vọt của giá vàng trong hiện tại. Dù trên thị trường đang xuất hiện một lực bán vàng ra từ các quỹ đầu cơ lớn nhưng giá vàng vẫn không ngừng tăng.
Giá vàng hiện cao hơn khoảng 28% (431 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD/VND của ngân hàng có giá 55,3 triệu đồng/lượng; theo đó, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng.
(Theo Dân trí) An Hạ
Việt Nam phát hiện mỏ dầu khí trữ lượng lớn

Cập nhật lúc 14:22  

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết vừa phát hiện thêm mỏ dầu khí có trữ lượng lớn tại lô 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam.

Lô 114 nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc Bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc Tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.

Hợp đồng dầu khí Lô 114 hiện do Eni Vietnam B.V. là nhà điều hành, nắm giữ 50% quyền lợi tham gia, ESSAR E&P Limited nắm giữ 50% quyền lợi tham gia và đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tháng 5/2019, giếng khoan thăm dò cam kết 114-Ken Bau-1X đã được mở lỗ, đạt chiều sâu 3.603 m và gặp tất cả vỉa sản phẩm dự kiến với dấu hiệu dầu khí tốt trong khi khoan. 


Giếng KB-2X tại lô 114. Ảnh: PVN.

Năm 2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X được khoan cách giếng đầu tiên 1X là 2 km, giếng khoan được mở lỗ ngày 29/2, thi công trong vòng 150 ngày, đạt độ sâu 3.690 m và gặp một số vỉa chứa có tổng chiều dày 110 m tại nhiều khoảng trong cát kết tuổi Miocence.

Eni Vietnam B.V. đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện Kèn Bầu. Với kết quả của giếng khoan 114-Ken Bau-2X, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng của năm 2020.

Kết quả khoan giếng 114-Ken Bau-1X năm 2019 và 114-Ken Bau-2X năm 2020 đã khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực cấu tạo Kèn Bầu nói riêng, khu vực Lô 114 và các lô phụ cận.

Ước tính ban đầu trữ lượng của mỏ Kèn Bầu có từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate.


Vị trí Lô 114. Ảnh: Eni

Với kết quả này, các bên nhà thầu của PSC Lô 114 (Eni Vietnam B.V. và ESSAR E&P Limited) đang xây dựng kế hoạch thẩm lượng tổng thể phát hiện Kèn Bầu trong những năm tiếp theo và khoan thăm dò các cấu tạo tương tự tại lô hợp đồng.

Sau đó, Eni Vietnam B.V. sẽ tiến hành lập báo cáo trữ lượng, báo cáo phát triển mỏ. Dự kiến, phát hiện Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028.

Đây là tiền đề cực kỳ quan trọng cho các hoạt động tìm kiếm thăm dò cũng như phát triển khai thác tiếp theo tại Lô 114 và các khu vực lân cận, góp phần phát triển mạnh mẽ công nghiệp điện khí, các sản phẩm từ khí tại khu vực Quảng Trị - Thừa Thiên Huế và miền Trung.

Đồng thời, thành công này góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia cũng như sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam trong tương lai.
(Theo Zing.vn) Thanh Thương

Cụ ông Hà Nội mắc Covid-19 đã đi ăn, uống cà phê ở những đâu?

Cập nhật lúc 14:09 

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin chi tiết lịch trình của ca bệnh số 459, sống ở quận Tây Hồ, đi du lịch Đà Nẵng về.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) sáng nay (30/7) đã công bố lịch trình di chuyển của bệnh nhân 459 mắc Covid-19 là ông N.T.C (ở ngõ 466 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ) để người dân có thêm thông tin.
Lịch trình của bệnh nhân từ khi ở Đà Nẵng đến khi về Hà Nội diễn ra trong hơn một tuần.
Ngày 20/6, bệnh nhân cùng vợ bay từ TP.HCM đến Đà Nẵng, ở nhà chị gái tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu.


Lực lượng y tế dự phòng phu khử trùng ngõ 466 Hoàng Hoa Thám

Sau khi vào Đà Nẵng, người này cùng gia đình chị gái đi du lịch tại Hội An, Bà Nà Hill, núi Thần Tài và Thừa Thiên - Huế trong thời gian cuối tháng 6. Khi trở về lại Đà Nẵng, hằng ngày, bệnh nhân cùng vợ ra biển Mỹ Khê tập thể dục buổi sáng.
Khoảng 9 - 10h ngày 20/7, bệnh nhân cùng vợ và vợ chồng chị gái đi khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Sau khi vào phòng cấp cứu của bệnh viện đo huyết áp và lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân được đưa đến nội soi tim và tiền liệt tuyến. Khám bệnh xong, ông đi bộ về một mình và ăn sáng tại quán bánh mì cách cổng viện 200m (phía bên phải).
Từ ngày 20 - 25/7, bệnh nhân tiếp tục ở nhà chị gái cùng vợ, chỉ ra ngoài tập thể dục buổi sáng và tắm biển Mỹ Khê.
Ngày 25/7, cháu trai đưa vợ chồng người này ra sân bay Đà Nẵng để trở về Hà Nội trên chuyến bay số hiệu VN166, số ghế 25E và 25D. Vợ chồng bệnh nhân có đeo khẩu trang trên máy bay và tại sân bay.
Khi xuống sân bay Nội Bài, bệnh nhân được con gái đến đón về nhà ở Hoàng Hoa Thám bằng taxi (không nhớ số điện thoại và biển số xe).
Khi trở về nhà, bệnh nhân ăn cơm cùng gia đình con gái.
Lúc 9h ngày 26/7, bệnh nhân gặp bạn và ăn phở tại 36 Hàng Chuối, quận Hoàn Kiếm. Đến 10h cùng ngày, bệnh nhân cùng bạn uống cà phê tại số 7 Thi Sách, quận Hoàn Kiếm, tiếp xúc khoảng 30 phút với một phụ nữ ở Thanh Hóa làm nghề dán điện thoại.
Từ 10h30 - 13h30 cùng ngày, bệnh nhân có qua cơ sở sửa xe ô tô tại ngõ 279 Đội Cấn và tiếp xúc với khoảng 4 người.
Ngày 27/7, bệnh nhân ở nhà, buổi trưa mang chăn đi giặt tại cửa hàng giặt là ở phố Thuỵ Khuê.
Từ 15h30 - 16h ngày 28/7, bệnh nhân vào siêu thị Vinmart trong chợ Vĩnh Phúc mua sữa.
Ngày 29/7, bệnh nhân cùng vợ đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để lấy mẫu xét nghiệm Realtime-PCR (sau khi nghe tin dịch ở Đà Nẵng). Khoảng 10h, bệnh nhân qua cửa hàng bánh mì Nhân Sinh ăn sáng, rồi qua 1 ngõ trên đường Thụy Khuê mua bánh cuốn.
16h50 ngày 29/7, bệnh nhân được Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thông báo có kết quả dương tính với Covid-19, sau đó được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2 theo dõi và điều trị.
Qua điều tra các nhà xung quanh của bệnh nhân, cơ quan chức năng phát hiện 5 trường hợp sống cùng ngõ có tiếp xúc gần.
Quận Tây Hồ đã điều tra 18 trường hợp F1 có liên quan đến bệnh nhân, trong đó có 10 trường hợp F1 trên địa bàn quận (Bưởi: 6, Yên Phụ: 3, Thụy Khuê: 1) và 8 trường hợp F1 trên địa bàn khác.
Sau khi lấy mẫu xét nghiệm và quận đã cho cách ly tập trung 9 trường hợp F1, trong đó, 6 người cách ly tại Bệnh viện Công an TP và 3 người cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. 
(Theo VietNamNet) Thành Nam