Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Chính phủ bắt đầu họp báo công bố thủ phạm làm cá chết hàng loạt

Cập nhật lúc 17:49
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo /// Ảnh Anh Vũ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo ẢNH ANH VŨ

 Sau gần 1 tháng phản biện, 17 giờ chiều nay Chính phủ chính thức họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung hồi tháng 4.
[17 giờ 30] Ông Mai Tiến Dũng khẳng định: Với những chứng cứ khách quan, khoa học Bộ Tài nguyên-Môi trường đã chủ trì cùng các bộ Ngoại giao, Tư pháp, Công an, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn..., cùng các tỉnh có liên quan làm việc với Tập đoàn Formosa và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Ngày 28.6, Công ty FHS đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, làm hải sản chết hàng loạt từ 4 tỉnh.
Đồng thời thực hiện cam kết 5 điểm 1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân VN vì đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng 2. Thực hiện bồi thường thiệt hại kinh tế cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề, bồi thường xử lý phục hồi môi trường biển với tổng tiền tương đương 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý thải, hoàn thiện công nghiệp sản xuất, trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố như vừa qua 4. Phối hợp các bộ ngành, các tỉnh xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với dân VN và bạn bè quốc tế 5. Thực hiện đúng đầy đủ các cam kết trên, không tái diễn các hành vi phạm môi trường và tài nguyên nước. Nếu vi phạm sẽ chịu các chế tài của pháp luật VN

[17 giờ 22] Các cơ quan chức năng đã đã phát hiện công ty TNHH Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), có 1 số hành vi vi phạm xác định được trong quá trình vận hành thử có xả thải có chất đọc tố Hydro xít sắt vượt quá mức cho phép. Từ các chứng cớ trên các cơ quan chức năng đã thẩm định kỹ, tham vấn các nhà khoa học, kết luận là: những vi phạm trong thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy Formosa là nguyên nhân gây ô nhiêm nghiêm trọng làm hải sản chết hàng loạt.
[17 giờ 16] Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Trong tháng 4, tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế đã xẩy ra sự cố nghiêm trọng môi trường, làm hải sản chết bất thường, ảnh hưởng đời sống dân sinh. Lãnh đạo Đảng, nhà nước thường xuyên trực tiếp quyết liệt chỉ đạo kịp thời các biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống người dân. Đã huy động 100 nhà khoa học của 30 cơ quan quốc tế tìm xác định nguyên nhân. 
[17 giờ 04] Trên bàn chủ tọa cuộc họp báo xuất hiện Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng.
Trước cuộc họp báo này vài phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo đặc biệt về vụ cá chết trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Thủ tướng nhận định, vụ việc cá chết hàng loạt tại miền Trung vừa qua là một trong những thử thách, khó khăn lớn của tình hình kinh tế xã hội nửa đầu năm. 
Đầu tháng 4.2016, nhiều hộ nuôi cá bè trên vùng biển Vũng Áng (TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phát hiện cá chết hàng loạt. Ít ngày sau, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế liên tiếp công bố hải sản chết dọc bờ biển.
Đến giữa tháng 4, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết, yếu tố gây độc trong nguồn nước là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng.
Ngày 25.4, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã có những phát ngôn “gây sốc” khi nói rằng người dân nên chọn lựa giữa việc muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng một nhà máy thép.
 [CẬP NHẬT] Chính phủ bắt đầu họp báo công bố thủ phạm làm cá chết hàng loạt - ảnh 1
Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máy thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng ÁngẢNH NGUYÊN DŨNG
Cũng trong ngày này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây tình trạng hải sản chết bất thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, báo cáo ngay Thủ tướng biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm.
Chỉ hai ngày sau đó, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã có buổi họp báo nhanh công bố sơ bộ về “2 nhóm nguyên nhân dẫn tới cá chết”. Thứ nhất là do độc tố hoá học thải ra từ các phương tiện, con người trên biển. Thứ hai là thời tiết, do tác động của các yếu tố tạo nên tảo độc, thuỷ triều đỏ.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường khi đó cho hay “chưa có bằng chứng để xác định Formosa và cảng Vũng Áng có liên quan đến cá chết”. Dù vậy, trong thời gian này, nhiều đoàn thanh kiểm tra liên ngành đã tiến hành công tác thanh tra tại khu kinh tế Vũng Áng và nhà máy Formosa.
Ngay sau đó, trong đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5, đích thân người đứng đầu Chính phủ đã có chuyến thị sát và làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung tại tỉnh Hà Tĩnh về nội dung cá chết hàng loạt.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra đầu tháng 5.2016, Thủ tướng đã nhận xét rằng các địa phương còn chậm báo cáo thông tin trong vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, trong khi các bộ dù tích cực song cũng chưa có kinh nghiệm với sự cố lần đầu diễn ra trên diện rộng.
Đáng chú ý, tại buổi họp báo sau đó, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải đã công bố một số thông tin ban đầu về hai đợt kiểm tra tại Vũng Áng và Formosa mà cơ quan này thực hiện.
Theo đó, Bộ Công thương cho biết từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4.2016, Formosa đã nhập tổng cộng 384 tấn hóa chất gồm 103 loại và vẫn còn khoảng 248 tấn trong kho...
Hơn 10 ngày sau, lãnh đạo Bộ Khoa học-Công nghệ lên tiếng “đã đủ cơ sở để khẳng định sẽ có được câu trả lời với căn cứ khoa học thuyết phục, được quốc tế thừa nhận về nguyên nhân cá chết”.
Nửa tháng sau, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ Chính phủ tháng 5 hôm 2.6,  Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố. Lý do, theo ông Tuấn, vì đây là nhiệm vụ của nhiều tập thể, nhiều cơ quan khác nhau nên vẫn còn ý kiến chưa thống nhất, do vậy Chính phủ quyết định mời thêm các tổ chức, cá nhân phản biện độc lập để đủ cơ sở khoa học trước khi đưa ra kết luận chính thức trong tháng 6.

Nhóm PV Báo Thanh niên

Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh gửi thư tới toàn thể nhân viên

Cập nhật lúc 17:41

Hôm nay, 30/6, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gửi thư cho toàn thể nhân viên của Cty này sau sự cố cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Trong thư, ông Trần Nguyên Thành cho biết: “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh Miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ TN&MT chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết”.

Nội dung bức thư: 
Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh gửi thư tới toàn thể nhân viên - ảnh 1


Kính gửi: Toàn thể cán bộ nhân viên công ty Formosa
Thay mặt lãnh đạo Công ty Formosa Hà Tĩnh, tôi xin gửi lờii chào trân trọng tới toàn thể cán bộ nhân viên công ty, thời gian qua mọi người đã vất vả rồi!
Công ty Formosa Hà Tĩnh năm 2008 bắt đầu đầu tư, trong quá trình xây dựng nhà máy gang thép hiện đại nhất Việt Nam, toàn thể cán bộ nhân viên cùng Công ty trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ.
Nhớ lại những ngày đầu khi mới đặt chân đến mảnh đất này và nhìn thành tựu mà tất cả chúng ta đã cùng nhau lập dựng suốt 8 năm qua, với tinh thần nghị lực kiên cường của tập thể công ty và những cống hiến cho công trình thế  kỷ này, cá nhân vô cùng cảm phục, đồng thời cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất.
Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh Miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài Nguyên và Môi Trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết.
Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ.
Hiện nay, công ty đang phối hợp chặt chẽ cùng cùng cơ quan chức năng để giải quyết từ sự việc nêu trên. Trong bất kì tình huống nào công ty vẫn giữ cho nhà máy tiếp tục hoạt động, đặt sự an toàn và lợi ích của toàn thể cán bộ nhân viên lên hàng đầu nỗ lực để phát triển bền vững và lâu dài tại Việt Nam.
Thay mặt, công ty chúng tôi xin hứa nỗ lực hết mình đảm bảo một môi trường làm việc ổn định, an toàn tuân thủ pháp luật.
Tôi mong toàn thể cán bộ nhân viên sẽ đoàn kết nhất trí, hiệp lực cùng công ty vượt qua khó khăn này và tiếp tục cùng công ty hoàn thành sứ mệnh xây dựng nhà máy, đặt công tác bảo vệ môi trường lên hàng đầu làm tốt công tác sản xuất và bảo vệ  môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam, đóng góp to lớn ngành công nghiệp  hiện đại, tiên tiến nhất tại Việt Nam.
(Theo Tiền phong) Minh Thùy

Thị trường dầu mỏ, vàng và chứng khoán đồng loạt khởi sắc

Cập nhật lúc 14:38    
 
Giàn khoan dầu của Đơn vị GSF Galaxy III được nhìn từ Cromarty Firth, phía bắc Inverness, Scotland ngày 21/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu mỏ thế giới ngày 29/6 bật tăng mạnh trong bối cảnh lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ sụt giảm nhiều hơn dự kiến và những lo ngại xung quanh vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) lùi dần.

Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2016 tăng 2,03 USD lên 49,88 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 2,03 USD lên 50,61 USD/thùng.

Thị trường dầu mỏ đi lên sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy những lo ngại xung quanh vấn đề Brexit và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu đã lắng dịu.

Một yếu tố khác tác động tích cực đến giá "vàng đen" là việc Bộ Năng lượng Mỹ thông báo dự trữ dầu thương mại tại nước này hồi tuần trước giảm đến 4,1 triệu thùng xuống còn 526,6 triệu thùng - mức giảm gấp đôi so với dự báo. Cùng với đó, sản lượng dầu thô của Mỹ cũng đang trong xu hướng giảm.

Ngoài ra, theo giới phân tích, mối đe dọa về khả năng cuộc đình công trong ngành dầu khí Na Uy làm ảnh hưởng đến nguồn cung và việc hai cơ sở khai thác dầu ngoài khơi Vịnh Mexico đóng cửa cũng là những yếu tố hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên 29/6.

Cùng ngày, giá vàng thế giới cũng đảo chiều đi lên giữa bối cảnh đồng USD mất giá và nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn của giới đầu tư tiếp tục tăng mạnh do vẫn tồn tại những lo ngại về nguy cơ bất ổn tài chính trong dài hạn hậu Brexit.

Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 10/2016 tăng 9 USD (0,68%), lên 1.326,90 USD/ounce. Giá bạc giao ngay trong phiên này cũng bật tăng 3,9%, lên 18,44 USD/ounce, mức cao nhất trong 18 tháng qua.

Mối quan ngại về những tác động của Brexit đối với nền kinh tế toàn cầu giảm dần cũng đã tạo tác động tích cực giúp thị trường chứng khoán Âu-Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 29/6.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6% lên 17.694,68 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,7% và 1,9% lên 2.070,771 điểm và 4.779,25 điểm.

Tại châu Âu, các sàn chứng khoán cũng ngập tràn sắc xanh. Chỉ số FTSE 100 trên sàn London, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 tại Paris tăng lần lượt 3,6%, 1,75% và 2,6% lên các mức 6.360,06 điểm, 9.612,27 điểm và 4.195,32 điểm. Chỉ số Eurostoxx 50 cũng nhích thêm 2,7% lên mức 2.832,18 điểm.
TTXVN/VIETNAM+

Đêm mất ngủ của nhà giàu ôm USD, tích vàng


Cập nhật lúc 14:22

Cú sốc trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới và những rủi ro sau sự kiện người dân Anh quyết định chọn rời EU (Brexit) đang tiềm ẩn một cuộc chiến tiền tệ mới mà có thể ảnh hưởng mạnh tới chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Những lần biến động này luôn khiến giới đầu cơ mất ngủ vì nguy cơ mất tiền tỷ.
 Thế giới chao đảo
Tại buổi Đối thoại chính sách đầu tư 2016 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong dài hạn, việc Anh rời EU có những ảnh hưởng mang tính gián tiếp đến Việt Nam. Ví dụ như tác động đến giá trị đồng tiền các nước, trong khi các nước đó lại là bạn hàng lớn về thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Trên thực tế, cú sốc Brexit đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường tài chính tiền tệ thế giới những ngày vừa qua.
Phiên giao dịch ngày 24/6 được ví như một “ngày thứ Sáu đen tối”. TTCK toàn cầu rúng động, ước tính hơn 2.000 tỷ USD đã bốc hơi. Đồng bảng Anh giảm gần 10% xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ và tiếp tục đà giảm. Ba ngày sau, 1 bảng Anh (GBP) chỉ còn đổi được 1,3 USD. So với Yên Nhật, GBP thậm chí còn giảm tới gần 15%. Trong một dự báo gần đây, Ngân hàng Bank of England cho rằng, Brexit có thể khiến GBP giảm 20%, còn Bộ Tài chính Anh dự báo mức độ giảm là 12%. 
 Brexit, Nexit, chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index, thị trường tài chính thế giới, khủng hoảng tài chính, đồng Bảng Anh, Liên minh Châu Âu
Thế giới chao đảo sau quyết định của người dân Anh chọn Brexit.
Theo hãng tin Bloomberg, top 400 người giàu nhất thế giới đã mất 127,4 tỷ USD trong ngày 24/6. Còn tỷ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros cảnh báo việc Anh rời EU sẽ khiến khối này đứng trước nguy cơ tan rã. Soros cho rằng, tác động của Brexit lên nền kinh tế Anh có thể ngang ngửa với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã gây ra cho nước này.
CTCK Sài Gòn (SSI) nhận xét, quyết định của người dân Anh đã khiến tất cả mọi thứ, từ các chỉ số chứng khoán, đồng bảng Anh, euro cho tới giá các loại hàng hóa (trừ vàng) giảm mạnh, xóa sạch thành quả của những tháng đầu năm 2016.
Về ngắn hạn, theo Bộ trưởng Dũng, việc nước Anh rời EU chưa tác động ngay đến kinh tế Việt Nam.
Trên thực tế, tỷ giá USD/VND không có nhiều biến động trên các thị trường trong vài ngày qua. Thị trường tài chính có chăng là chứng kiến nhiều cổ phiếu giảm mạnh và vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, Brexit tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.
 Brexit, Nexit, chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index, thị trường tài chính thế giới, khủng hoảng tài chính, đồng Bảng Anh, Liên minh Châu Âu
Đồng Bảng Anh giảm mạnh so với USD, Yên.
Cuộc đua phá giá đồng tiền: Vòng xoáy khốc liệt?
Trong một báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá. Việc đồng EUR, GBP mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Bên cạnh đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Theo tính toán của SSI, từ đầu năm tới thời điểm kết thúc trưng cầu Brexit, đồng VND tăng 0,78% so với USD, 9,92% so với GBP, 2,58% so với NDT của Trung Quốc.
 Brexit, Nexit, chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index, thị trường tài chính thế giới, khủng hoảng tài chính, đồng Bảng Anh, Liên minh Châu Âu
Biến động của VND so với một số ngoại tệ, tính từ đầu năm tới nay.
Trong khi đó, sự giảm giá mạnh so với đồng Yên Nhật (-17,52%) lại gây ra nỗi lo về nợ nần gia tăng do nợ nước ngoài bằng đồng Yên chiếm từ 1/3 cho tới 40% tổng nợ nước ngoài.
Tuy nhiên, SSI cho rằng, điều đáng lo ngại là sau Brexit, nhiều ngân hàng trung ương các nước sẽ bơm tiền ra thị trường, nâng thanh khoản cho các thị trường bởi đây cũng là biện pháp để đáp ứng với mục tiêu hạ lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng.
Trên thực tế, các nước châu Á đã và đang thực hiện các bước đi nhằm bình ổn thị trường tài chính. Cú tăng giá mạnh của đồng Yên đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Bộ Tài chính nước này thực hiện các bước đi bình ổn thị trường tiền tệ.
Ngay sau cú sốc Brexit, Ngân hàng TW Trung Quốc đã có động thái can thiệp mạnh đối với đồng NDT khiến đồng tiền này xuống mức thấp nhất 5,5 năm qua so với USD.
Trước đó, thị trường tiền tệ thế giới đã từng chao đảo sau khi Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT theo một cơ chế quản lý mới, từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ hồi giữa tháng 8/2015

 Brexit, Nexit, chứng khoán, thị trường chứng khoán, VN-Index, thị trường tài chính thế giới, khủng hoảng tài chính, đồng Bảng Anh, Liên minh Châu Âu
Đồng NDT giảm mạnh so với USD. Rủi ro còn đến từ Trung Quốc.
Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực đã ngay lập tức lao dốc. Hàng Việt cũng gặp khó trên mọi mặt trận. Nông lâm thủy sản Việt xuất khẩu, trong đó có gạo bị ép giá, phá vỡ hợp đồng. DN Trung Quốc còn ép giá gạo Việt để bù lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD.
Sau cú sốc bất ổn đồng NDT, đồng euro cũng giảm mạnh khiến hàng loạt DN thủy sản VN vào châu Âu giá tăng vọt. Xuất khẩu thủy sản cả nước tụt giảm, cả năm 2015 chỉ đạt 6,72 tỷ USD, giảm hơn 14% so với năm trước.
Nếu Brexit thực sự xảy ra, ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK SSI, cho rằng trong ngắn hạn thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trung hạn sẽ tự ổn định lại.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng nhận định, Brexit gây bất ngờ cho thị trường tài chính toàn cầu nhưng bà tin rằng, tình trạng hoảng loạn không xảy ra và thị trường vẫn trong tầm kiểm soát. Còn một chuyên gia thuộc JPMorgan Chase dự đoán, Brexit không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô lớn như cú sốc Lehman diễn ra vào năm 2008.
(Theo VietNamNet) V. Hà

Cán bộ Bộ Công Thương nhận tiền "lót tay" đã trở lại nhiệm sở

Cập nhật lúc 14:11

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, bà Phạm Thanh Hương, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý xuất nhập khẩu Hải Phòng của Bộ Công Thương từng bị tố là nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp trong một clip do VOV công bố trước đây đã được trở lại làm việc.
 
 
Mặc dù phủ nhận là đã nhận tiền lót tay của doanh nghiệp nhưng bà Hương và các cán bộ, công chức liên quan thừa nhận có khuyết điểm khi thu tiền giấy mực...
Mặc dù phủ nhận là đã nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp nhưng bà Hương và các cán bộ, công chức liên quan thừa nhận "có khuyết điểm" khi thu tiền giấy mực...
Trong 2 tháng qua, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng cho biết, bà Phạm Thanh Hương đã trở lại Phòng quản lý xuất nhập khẩu (QLXNK) tại Hải Phòng của Bộ Công Thương làm việc, sau một thời gian bị rút khỏi công việc này, về Cục XNK, Bộ Công Thương để làm kiểm điểm, giải trình sau nghi vấn về clip quay cảnh doanh nghiệp đưa tiền tại Phòng QLXNK này năm 2014 mà VOV đưa lên (ngày 27/8/2014).
Tại thời điểm đó, trả lời báo chí tại một cuộc họp báo Chính phủ (ngày 28/8/2014), Thứ trưởng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải đã cho biết, khoản tiền mà doanh nghiệp đưa cho nhân viên trong phòng mà người xem có thể thấy trong clip nói trên (hiện đã bị xoá) là tiền mua mẫu Form C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ) cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giải thích này cũng dẫn tới nhiều hoài nghi vì khoản lệ phí cấp C/O thời điểm đó đã được Nhà nước bãi bỏ và việc DN phải mua mẫu Form C/O, hơn nữa, theo như hình ảnh được ghi lại, khi thu, nộp tiền không có thấy ghi biên lai hay hoá đơn thu tiền là điều khó hiểu mà đến nay vẫn chưa được Bộ Công Thương giải thích rõ hơn.
Mặc dù vậy, bà Phạm Thanh Hương vẫn bị Bộ Công Thương tạm thời đình chỉ công việc, làm các báo cáo giải trình về các khoản thu được phản ánh nói trên.
Không chỉ có phản ánh trên của báo chí, một chuyên viên của Phòng QLXNK của Bộ Công Thương tại Hải Phòng, ông Đặng Hồng Quân cũng có đơn tố cáo nhiều điểm trong đó có nội dung tố cáo bà Phạm Thanh Hương nhận tiền "lót tay" công khai hàng ngày tại Phòng QLXNK Hải Phòng.
Trong đơn tố cáo này có đoạn nêu: "Tôi xin khẳng định tất cả những sự việc do VOV đăng tải, đưa ra công luận là hoàn toàn đúng, số tiền trong video clip là số tiền bà Hương chèn ép doanh nghiệp, nhận lót tay hàng ngày tại Phòng Hải Phòng. Thậm chí Video Clip cũng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ hành vi phạm pháp này".
Ông Đặng Hồng Quân cho rằng, Biên bản mà Bộ Công Thương đưa ra, giải thích Video Clip trên là "lấp liếm sự thật" do biên bản này được lập vào chiều ngày 27/8/2014, khi bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu làm Trưởng đoàn kiểm tra xuống Hải Phòng xác minh vụ việc.
"Tại đây, là thành viên của Phòng Hải Phòng, tôi tận mắt chứng kiến bà Hà đã gọi cho 2 doanh nghiệp có mặt tại clip, bằng nhiều cách buộc họ phải ký vào biên bản xác nhận tiền trong video clip là tiền mua form C/O", ông Quân nêu trong đơn tố cáo.
Tuy nhiên, trong Thông báo kết quả giải quyết tố cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (số 291/TB-VP) ngày 31/3/2016 đã phủ nhận tất cả tố cáo trên của ông Đặng Hồng Quân. Trong Thông báo này nêu kết quả của đoàn công tác do Cục Xuất nhập khẩu cử xuống làm việc. Theo đó, bà Phạm Thanh Hương, Phó trưởng phòng, phụ trách phòng và ông Vũ Ngọc Hiếu, Phó trưởng phòng QLXNK của Bộ Công Thương tại Hải Phòng đều phủ nhận việc nhận tiền "lót tay" mà chỉ là tiền bán mẫu C/O.
 
Một hình ảnh thường thấy trước đây ở Phòng Quản lý XNK của Bộ Công Thương ở Hải Phòng
Một hình ảnh thường thấy trước đây ở Phòng Quản lý XNK của Bộ Công Thương ở Hải Phòng
Theo bà Hương, các hình ảnh về trao, nhận tiền trong video clip có thể là ngày 25 hoặc 26/8/2014. "Hôm đó anh Vũ Ngọc Hiếu là người được giao nhiệm vụ bán mẫu C/O và thu tiền, hôm đó nghỉ phép, do đó chị Hương bán mẫu và thu tiền thay anh Hiếu...Cá nhận chị Hương và công chức trong Phòng không nhũng nhiễu, hạch sách mà tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp", giải trình của bà Hương nêu.
Ông Vũ Ngọc Hiếu cũng giải trình nội dung tương tự: "Việc bà Hương nhận tiền trong video clip là thu tiền bán mẫu C/O thay ông Hiếu....Phòng rất tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thời gian cấp C/O rút ngắn so với quy định, chỉ khoảng 30 phút đến 2 giờ tuỳ theo lượng hồ sơ vào thời điểm đó".
Đáng chú ý, Thông báo giải quyết tố cáo của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, ông Đặng Hồng Quân đã xác nhận những giải trình của bà Phạm Thanh Hương và ông Vũ Ngọc Hiếu là đúng.
Mặc dù vậy, sau này, ông Đặng Hồng Quân cũng vẫn thể hiện sự nghi ngờ khả năng bà Hương có nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Cục XNK, Bộ Công Thương, mặc dù không đủ cơ sở để kết luận hành động nhận tiền trong video clip mà báo chí đăng tải là nhận tiền "lót tay" của doanh nghiệp nhưng bà Phạm Thanh Hương và các cán bộ, công chức khác của Phòng QLXNK Hải Phòng đã có khuyết điểm như: Thu tiền giấy mực khi cho các doanh nghiệp sử dụng máy photocopy, máy in...là tài sản nhà nước trang bị cho Phòng là "không đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; chưa tổ chức, bố trí công việc và nhân sự phù hợp dẫn đến sự phản cảm về hình ảnh môi trường công vụ và hoạt động thực thi công vụ của phòng".
"Nhận thức về khuyết điểm trên, bà Phạm Thanh Hương và ông Vũ Ngọc Hiếu đã có đơn xin từ chức. Cục XNK đã quyết định cho thôi chức vụ quản lý với bà Hương, ông Hiếu và điều chuyển công tác về Cục XNK", Thông báo giải quyết tố cáo của Cục XNK với ông Đặng Hồng Quân nêu.
Cục XNK, Bộ Công Thương khẳng định: "Nội dung tố cáo bà Hương chèn ép doanh nghiệp, nhận lót tay công khai hàng ngày tại Phòng (QLXNK) Hải Phòng là không có cơ sở". Và các nội dung khác tố cáo bà Hương, đoàn kiểm tra của Cục XNK ép doanh nghiệp ký vào biên bản xác nhận tiền trong video clip là tiền mua form C/O là "không đúng sự thật".
Mặc dù vậy, việc các doanh nghiệp ghi nhận bà Phạm Thanh Hương trở lại làm việc trong khi chưa có những giải thích công khai của Cục XNK, Bộ Công Thương về việc vì sao bà Hương được trở lại làm việc, bà Hương có tiếp tục giữ chức vụ như trước không, các khoản thu "tiền giấy mực" của doanh nghiệp được cho là không hợp lý vì đó là tài sản Nhà nước cấp (để phục vụ doanh nghiệp) đã được xử lý như thế nào...cũng cần được Cục XNK, Bộ Công Thương thông báo công khai để người dân, doanh nghiệp do vấn đề này đã được nêu ra trên công luận.
(Theo Dân trí) Mạnh Quân

Quyền năng của mạng xã hội

Cập nhật lúc 09:45


Việc nữ hiệu trưởng mất ăn, mất ngủ vì bị cộng đồng mạng chỉ trích không thương tiếc khi chót “nổ” trong chương trình “Ai là triệu phú” những ngày qua, một lần nữa khẳng định quyền năng quá lớn của mạng xã hội.
 

“Đòn” hội chợ
Chưa khi nào, việc ứng xử trên mạng xã hội lại nhiều vấn đề để nói như hiện nay. Gần đây, nhiều trường hợp đã phải nhận “trái đắng” từ cộng đồng mạng. Sẽ không đáng bàn nếu đó là không có những hiện tượng như a dua, hùa theo đám đông. Từ đó thấy rằng, người Việt ngày càng thiếu kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Từ khi nào cộng đồng mạng lại có một quyền năng lớn như hiện nay? Nhiều ý kiến cho rằng: Mạng xã hội hiện nay quá đông, quá hung hãn, chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ là món mồi béo bở trong tâm bão dư luận.
 quyen nang cua mang xa hoi
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, ĐH Quốc gia TP HCM
Chẳng hạn việc cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Ninh, Phú Thọ bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội khi tham gia chương trình trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”. Chuyện xuất phát từ khâu giới thiệu của nữ hiệu trưởng về bản thân mà cộng đồng mạng cho rằng “nổ tung trời” với những chi tiết như: “Mình rất có duyên với thi cử, đa số là nhất. Vài lần về nhì trong các cuộc thi chuyên môn và quản lý”.
Thế nhưng, khi tham gia chương trình, mới chỉ ở những câu hỏi đầu tiên đã khiến cô Liên lúng túng. Những câu hỏi tưởng chừng dễ ăn điểm nhất, phổ thông nhất mà cô Liên cũng không trả lời được như: “Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở tỉnh nào?”, “Bài hát “Còn tuổi nào cho em” là sáng tác của ai?”… Ngay sau khi chương trình phát sóng, cô giáo này trở nên nổi tiếng trong vòng một nốt nhạc. Theo nhận xét của dân mạng thì nào là cô Liên “Thiếu hụt kiến thức”, nào là “Không xứng đáng là hiệu trưởng”, “Khoe mẽ”… Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cô Liên là sự “thất bại” của nền giáo dục… mà quên mất rằng cô Liên cũng chỉ là một người bình thường và hiệu trưởng không phải là người cái gì cũng biết.
Đương nhiên, nếu không có màn giới thiệu bị coi là nổ thì cô Liên sẽ không bị lên án nặng nề từ dư luận như vậy. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác thì như đã nói, mạng xã hội đang tự có một quyền năng quá lớn.
Cảm tưởng như mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều người, nhất là lớp trẻ chưa đủ tri thức và bản lĩnh bộc lộ chính kiến cá nhân, lạm dụng để a dua, chạy theo đám đông mà chê bai, “ném đá”. Còn nhớ năm 2013, hiện tượng “thần đồng” Đỗ Nhật Nam lúc đó chỉ mới 11 tuổi, nhưng bị ném đá không thương tiếc, thậm chí cho rằng không có tuổi thơ khi em lỡ tiết lộ rằng mẹ em bảo “truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”.
quyen nang cua mang xa hoi 
Nữ hiệu trưởng tham gia chương trình “Ai là triệu phú”
Đến năm 2014, trường hợp trò chơi trực tuyến “Flappy Bird” của Nguyễn Hà Đông cũng như thế. Trong khi ở nước ngoài, báo chí, giới tin học và game thủ ca ngợi sản phẩm và tác giả không tiếc lời, vận động quyên góp tiền cho nhà báo bay sang Việt Nam tìm gặp và tìm hiểu về Nguyễn Hà Đông, thì bản thân anh lại ngập trong gạch đá của đồng bào mình tới mức anh phải tự gỡ khai tử trò chơi mà mình đã tạo ra.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp điêu đứng vì cộng đồng mạng. Chưa kể có trường hợp còn có ý định tự tử vì không chịu nổi áp lực từ cư dân mạng.
Đừng a dua với đám đông
GS.TSKH Ngọc Thêm cho biết, trước đây  GlobalWebIndex đã có cuộc khảo sát với 170 nghìn người tại 32 quốc gia khác nhau. Kết quả cho thấy Việt Nam đứng thứ 10 trong số những quốc gia có số người sử dụng facebook nhiều nhất. Cũng theo GlobalWebIndex, nhiều người Việt đang sống trong tình trạng “ăn” facebook, “ngủ” facebook, “sống ảo” với facebook, tần suất đăng nhập facebook của một số người Việt Nam gần như 24/24. Vậy nên, nếu không sớm có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt, thì rất có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường.
Ở các nước phát triển, họ không sử dụng mạng xã hội một cách tùy tiện như ở ta. Những thông tin được đăng tải trên trang cá nhân cũng được sử dụng rất cẩn trọng. Thế nhưng, người Việt chưa lường trước được những hiểm họa này. Thế mạnh của mạng xã hội là để cho cái tôi cá nhân được tự do phô diễn. Điều này đánh đúng vào nhu cầu của người Việt, vì ai cũng muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Thế nhưng, không ngoa khi nói, cái tôi cá nhân của nhiều cư dân mạng mới chỉ dừng ở mức… a dua theo phong trào.
GS Trần Ngọc Thêm nhận định: Tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… đều là những hậu quả của văn hóa âm tính. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, facebook đã nhanh chóng thay thế cho yahoo và blog 360 để trở thành mạng xã hội phổ biến nhất, trở thành công cụ thích hợp nhất cho tật buôn chuyện, thói a dua, bệnh chém gió… bùng phát. Mạng xã hội dưới cách sử dụng của đại đa số người Việt là cứ thấy ai nói gì là ào ào nói theo, thấy ai có ý kiến gì khác với số đông thì chưa cần xem, chưa cần nghĩ đã lập tức nhảy vào… ném đá. Từ đó để thấy bản lĩnh cá nhân rất kém, ít chịu suy nghĩ sâu xa, bị cảm tính chi phối hoàn toàn, cứ nghe thấy người ta nói bùi bùi, nghe loáng thoáng là cuốn theo ngay, chứ ít khi có sự nhìn nhận, suy nghĩ kỹ để tự mình phân tích, đánh giá đúng hay sai. Thế nên mới có nhiều chuyện đã bị đẩy đi quá xa từ mạng xã hội, khiến nhiều cá nhân điêu đứng.
Theo GS.Thêm thì: Chỉ cần mỗi người chịu khó suy nghĩ thêm một ít thôi, bớt “đánh đu” với đám đông một ít thôi, bớt ích kỷ đi một chút thôi, thì xã hội đã có thể hài hòa hơn. Thế nhưng văn hóa âm tính còn thể hiện trong người Việt quá nhiều, sinh ra bệnh sĩ diện rất nặng, chưa kể nói dối nhiều quá. Trước đây, trong một cuộc điều tra về hệ giá trị Việt Nam năm 2014 do GS. Thêm chủ trì thực hiện, với câu hỏi về sự tồn tại của hiện tượng“giả dối, nói không đi đôi với làm”, có tới 81% trong tổng số 5.604 phiếu điều tra xác nhận là người Việt giả dối. Thử hỏi, nếu phần đông xã hội giả dối như vậy thì sao phát triển được? Mạng xã hội cũng vậy thôi, nó như một xã hội thu nhỏ và có quá nhiều vấn đề cần phải bàn.
“Chức năng của mạng xã hội là tốt, có xấu là do hành vi của con người làm cho nó xấu đi. Vậy thì tại sao chúng ta không sử dụng nó một cách văn minh và ứng xử với nó lịch sự? Để sử dụng hiệu quả mạng xã hội, điều quan trọng nhất là mỗ người cần có bản lĩnh để thể hiện chính kiến của mình chứ không phải a dua theo đám đông. Trước mắt chỉ cần các cư dân mạng, khi đề cập đến vấn đề gì thì cần phải cân nhắc cho kỹ, cần có cái nhìn đúng đắn, thậm chí đặt vào vị trí của đối tượng đang được nói đến để nhận xét. Chứ nếu cứ còn giữ cách sử dụng mạng xã hội một cách vô tội vạ như hiện nay thì e rằng tới đây, sẽ còn nhiều phiền toái từ mạng xã hội”. 
“Văn hóa âm tính còn thể hiện trong người Việt quá nhiều, sinh ra bệnh sĩ diện rất nặng, chưa kể nói dối nhiều quá. Trước đây, chúng tôi có thực hiện một đề tài điều tra trong năm 2014 về hiện tượng “giả dối, nói không đi đôi với làm” thì có tới 81% trong tổng số 5.604 phiếu điều tra cho kết quả người Việt giả dối. Thử hỏi, nếu phần đông xã hội giả dối như vậy thì sao phát triển được?”.
(Theo Năng lượng Mới) Huyền Anh

Thảm họa cá chết ven biển miền Trung: Hành trình 85 ngày tìm nguyên nhân và thủ phạm

Cập nhật lúc 09:27  
 
Đồ họa: VĂN THẮNG

Thảm họa về môi sinh khiến cá chết trắng ven biển miền Trung từ tháng 4.2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng vạn hộ gia đình ngư dân, khiến khách du lịch “tháo chạy” khỏi các bãi biển... 85 ngày sau thảm họa cá chết, hôm nay (30.6), Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân, thủ phạm làm cá chết không chỉ là những bằng chứng khoa học, mà còn là chứng cứ vi phạm pháp luật của thủ phạm gây ra thảm họa trên.
Toàn cảnh thảm họa
Sự kiện cá chết trắng dọc biển miền Trung từ tháng 4.2016 không chỉ là thảm họa về môi sinh, mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng đến hàng ngàn, hàng vạn gia đình ngư dân, những người làm nghề du lịch, cũng như thương hiệu quốc gia. Hôm nay (30.6), Chính phủ tổ chức công bố nguyên nhân, thủ phạm cá chết, cũng như biện pháp khắc phục, chúng ta cùng nhìn lại toàn cảnh sự kiện này.
Hành trình 85 ngày
* Ngày 6.4: Xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
* Ngày 10.4: Hiện tượng cá chết lan dần đến Quảng Bình, Quảng Trị.
* Ngày 15.4: Cá chết xuất hiện ở Thừa Thiên - Huế.
* Ngày 20.4: Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà họp khẩn với các đơn vị trong bộ và xác định: Không loại trừ nguyên nhân ô nhiễm môi trường.
* Ngày 21.4: Ngư dân Nguyễn Xuân Thành ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh thông tin về một ống xả thải khổng lồ chạy dưới biển, một đầu đường ống nối với Khu công nghiệp Formosa. Ngư dân này khẳng định nước phun ra từ ống có màu vàng và rất hôi thối. Cũng trong ngày 21.4 đoàn công tác đầu tiên của Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT, đến thị xã Kỳ Anh để kiểm tra thực tế, tìm hiểu nguyên nhân.
* Ngày 23.4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức thảo luận đánh giá tình hình cá chết hàng loạt thời gian qua và xác định yếu tố độc cực mạnh đã gây ra nguyên nhân cá chết.
Cùng thời gian Formosa thừa nhận nhập 300 tấn chất hóa học để xúc xả đường ống.
* Ngày 25.4: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo kiểm tra thực địa tại tỉnh Hà Tĩnh và tình hình cá chết tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ: Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết bất thường, báo cáo Thủ tướng biện pháp xử lý.
Cùng ngày, trả lời PV VTC, ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng Đối ngoại Formosa đã đưa ra phát ngôn gây sốc: “Phải chọn tôm cá hay xây dựng ngành thép”.
* Ngày 25.4: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo và đưa ra lời xin lỗi của ông Phàn.
* Ngày 27.4: Đại diện các bộ: Tài nguyên Môi trường, NNPTNT, Công Thương, Y tế, Khoa học Công nghệ... cùng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam họp để đi đến kết luận về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Cuộc họp báo sau đó chỉ khoanh vùng hai nguyên nhân: Độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và tảo nở hoa.
* Ngày 28.4: Ông Chu Xuân Phàm - Phó phòng Đối ngoại Formosa thông tin mình bị đuổi việc vì phát ngôn gây sốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đi kiểm tra Formosa.
* Ngày 1.5: Tại cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do cá chết bất thường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Bất cứ tổ chức, cơ quan, cá nhân nào vi phạm cũng phải làm rõ và không được bao che ai”.
* Ngày 2.5: Bộ trưởng Bộ TNMT làm việc với các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel để tìm ra nguyên nhân cá chết. Đồng thời gần 100 chuyên gia trong nước cùng vào cuộc.
* Ngày 4.5 tổ công tác liên ngành bắt đầu làm việc kiểm tra Formosa Vũng Áng trong 4 ngày.
* Ngày 14.5: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết đã đủ cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân cá chết.
* Ngày 2.6: Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn thông tin: “Đã xác định nguyên nhân cá chết nhưng chưa thể công bố”.
* Ngày 20.6 kênh truyền hình PTS của Đài Loan phát phóng sự dài 60 phút về tình trạng cá chết ở miền Trung Việt Nam. Trong phóng sự cũng nêu nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ vai trò của Tập đoàn Formosa, bị nghi là nguyên nhân số 1 gây nên loạt hiện tượng ô nhiễm biển nghiêm trọng tại Việt Nam thời gian qua.
* Ngày 28.6: Bộ TTTT chính thức thông báo về cuộc họp của Chính phủ, trong đó sẽ dành thời lượng lớn để thông tin tới người dân nguyên nhân và thủ phạm gây ra cá chết.
* Ngày 30.6: Họp báo.
Thảm họa bất ngờ
Miền Trung là dải đất hẹp, uốn lượn theo Biển Đông, hàng triệu gia đình bao đời gắn bó, coi biển là nguồn sống, bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc. Cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời đã hình thành nên nhiều điểm du lịch hấp dẫn từ Cửa Lò, Thiên Cầm, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Lăng Cô… Hệ sinh thái biển có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống. Dọc bờ biển, đã hình thành một hệ thống trầm tích văn hóa sâu sắc, độc đáo. Trong đời sống của dân miền Trung, cũng như đồng bào cả nước, biển cả vừa gần gũi, vừa huyền bí, vô tận, là nguồn sống và tương lai của cộng đồng.
Thảm họa biển miền Trung đến quá bất ngờ. Khoảng 9h ngày 6.4, ông Chu Văn Đại, thợ lặn đang làm việc dưới biển khu vực xả thải của Nhà máy thép Formosa tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), phát hiện cá chết rất nhiều xung quanh miệng cống. Ông Đại cũng cảm thấy miệng đắng, người mệt mỏi và trong nước có chất độc. Cả tốp thợ lặn 15 người bạn ông đều cảm thấy nước biển có vị khác lạ, độc, người mệt nên đồng loạt xin nghỉ. Sau đó mấy ngày, người dân phát hiện rất nhiều cá chết dạt vào bờ, gồm nhiều loại cá khác nhau, có những loại thuộc tầng đáy nước sâu.
Sau đó, người dân ven biển miền Trung từ nam Hà Tĩnh trở vào lần lượt phát hiện cá chết rất nhiều dạt vào bờ. Từ ngày 10.4, nhiều ngư dân sống ven biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch - Quảng Bình) bàng hoàng phát hiện cá chết tấp vào bờ. Liên tiếp mấy ngày sau đó ngư dân vùng biển xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) và Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy)… cũng phát hiện nhiều loại cá chết bất thường nổi trên mặt nước và trôi dạt vương vãi khắp bờ biển. Đặc biệt là ngày 14.4, cá chết với số lượng lớn ước tính hàng chục tấn.
Hiện tượng cá chết tiếp tục lan vào phía nam. Từ ngày 16 - 19.4, khoảng 20km bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) xuất hiện cá chết hàng loạt. Ước tính mỗi ngày ngư dân vớt được 1 - 5 tấn cá. Hiện tượng cá chết ở Thừa Thiên - Huế bắt đầu từ 15 - 21.4, tại bãi biển các huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Sau đó cá chết lan vào đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô) và xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc). Từ ngày 2 - 5.5, hiện tượng cá chết bất thường trở lại ở Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), xã Phú Thuận, Phú Hải, cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang). Cá lồng bè nuôi trên biển cũng bị chết hàng loạt. Ngày 29.4, một số người dân ở quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) phát hiện cá chết nhiều dạt vào khu vực bờ biển Nguyễn Tất Thành, trong đó có những con to đến hơn 10kg. Tại xã đảo Tân Hiệp (còn gọi là Cù Lao Chàm, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết không rõ nguyên nhân, chủ yếu gồm các loài như cá sơn, cá kia, cá liệt, cá kẽm. Một số địa phương công bố tình trạng rạn san hô bị chết, cũng như có hiện tượng cá chết nằm dưới đáy biển.
Hiện tượng cá chết đã gây ra hàng loạt các hậu quả hết sức nghiêm trọng. Người dân lo lắng, hoang mang không sử dụng các loại hải sản dọc bờ biển các tỉnh miền Trung, hàng vạn hộ ngư dân không thể ra khơi đánh bắt hải sản, trước nguy cơ thiếu đói. Ngành du lịch biển nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tê liệt như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Các ngành nghề phụ trợ như buôn bán hải sản, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ… đều lâm cảnh hiu hắt. Các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng như Nghệ An, Quảng Ngãi… Những giọt nước mắt đắng cay, bế tắc, tuyệt vọng của ngư dân, của doanh nghiệp, tiểu thương đã rơi trên những doi cát mặn mòi.

 
Cá không bán được, bà Nguyễn Thị Bình (Quảng Trị) phải đưa cá về gửi ở các cơ sở đông lạnh, đợi người dân ăn cá trở lại. Ảnh: H.THƠ
Quyết liệt xử lý hậu quả, điều tra nguyên nhân
Sau khi sự cố cá chết, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, hệ thống chính trị các địa phương cùng khẩn trương vào cuộc, tiến hành thu gom, chôn lấp, xử lý số cá chết, hỗ trợ ngư dân, tích cực điều tra nguyên nhân thảm họa. Ngày 29.4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ TNMT khẩn trương giúp Hà Tĩnh triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của Nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TNMT Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: “Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân.
Ngày 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường, nhấn mạnh: “Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che”, “xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương”. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư. Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15kg/người trong 1,5 tháng; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67.
Đồng bào cả nước chung tay hướng về miền Trung, với nhiều hành động thiết thực thăm hỏi, động viên, hỗ trợ ngư dân trong hoàn cảnh khó khăn. Nhiều địa phương đã có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, chuyển hướng ngành du lịch biển.
Đến cuối tháng 6, tình hình cơ bản đã ổn định, tuy nhiên, thị trường hải sản và du lịch nhiều địa phương vẫn chưa phục hồi; hàng nghìn tàu cá của ngư dân vẫn nằm bờ, nhiều khu du lịch biển vắng tanh vắng ngắt. Tâm lý lo lắng, e ngại của người tiêu dùng vẫn còn ngự trị, đặc biệt sau sự kiện phát hiện chất phenol trong 30 tấn cá nục ở Quảng Trị. Đồng bào cả nước, ngư dân đều mong muốn Chính phủ sớm công bố nguyên nhân cá chết, giải pháp khắc phục, phục hồi môi trường cũng như trừng trị nghiêm khắc thủ phạm đã gây ra thảm họa này, và yêu cầu được bồi thường một cách thỏa đáng.
Các nước phạt nặng trong những thảm họa môi trường
Năm 1999, chính quyền Campuchia đã kỷ luật hàng chục quan chức và gửi trả hàng nghìn tấn chất độc mà Công ty Đài Loan Formosa Plastics tống sang cảng Sihanoukville. Các nước khác cũng có nhiều hình phạt nặng với các thảm họa môi trường khác.
* Theo báo chí quốc tế và tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) nêu ra, từ cuối năm 1998 Formosa đã tìm cách “xuất cảng” chất thải công nghiệp độc hại sang Campuchia. Sự việc xảy ra từ ngày 4 - 6.12.1998, khi Formosa cho đem sang cảng Sihanoukville khối chất thải nhiễm độc, và gây nhiễm độc cho nước biển, đất ven bờ và cả người dân địa phương. Trước đó, theo một báo cáo của HRW, chính Cơ quan Bảo vệ môi trường Đài Loan (EPA) đã nhận được đơn của Formosa xin phép đem 5.000 tấn chất thải chứa thủy ngân sang Campuchia nhưng bác đơn này. Dù vậy, vào tháng 12.1998, tàu container Chang Shun từ Đài Loan đã vào cảng Sihanoukville và đem đến 2.799 tấn chất thải. Pich Sovann, một công nhân khuân vác ở cảng đã chết ngày 16.12.1998 chỉ vì tham gia đổ khối hàng xuống. Sau đó có thêm một người đàn ông nữa chết sau khi tìm kiếm trên đống rác có chất thải hãng Đài Loan đổ ra.
Vẫn theo BBC, Formosa sau đó đã thu lại chừng 3.000 tấn chất độc để chuyển sang bãi xử lý ở Westmoreland, California, Mỹ. Nhưng Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã rút lại quyết định trước đó cho Formosa nhập chất độc vào Mỹ, với lý do hàm lượng độc tố cao hơn chuẩn mà luật Mỹ cho phép. Chính quyền ở Cao Hùng, Đài Loan cũng đã phạt Công ty Formosa 48.000USD vì vận chuyển chất thải ra nước ngoài trái phép. Đài Loan cũng mở cuộc điều tra về hành động của Formosa Plastics.
Tiếp đó, tháng 9.2009, chính quyền Mỹ tại hai bang Texas và Louisiana đã buộc Formosa Plastics chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm thải chất độc ra không khí và nguồn nước. Sự việc xảy ra tại hai nhà máy của Formosa tại Point Comfort, Texas, và Baton Rouge, Louisiana. Công ty Đài Loan cũng phải đồng ý trả tiền phạt dân sự 2,8 triệu USD vì các vi phạm luật về nước sạch, không khí sạch và luật về kế hoạch công nghiệp của Hoa Kỳ, theo báo chí Mỹ.
Chính quyền Campuchia, dưới sức ép của dư luận đã kỷ luật nhiều quan chức cảng của họ và đòi phía Đài Loan nhận lại container chứa chất thải. Đến tháng 4.1999, chừng 4.000 tấn chất thải và cả đất nhiễm độc đã bị gửi trả lại Đài Loan.
* Tháng 7.2015, Công ty BP của Anh đã phải đồng ý trả khoản phạt môi trường kỷ lục 18,7 tỉ USD trong vụ kiện của Chính phủ Mỹ và các bang của Mỹ đưa ra vì công ty này đã gây tràn dầu trong Vịnh Mexico năm 2010 gây chết người. Bộ Tư pháp Mỹ cùng các bang Louisiana, Mississippi, Alabama, Texas and Florida đều kiện BP vì những thiệt hại trong thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ. Vụ nổ năm 2010 ở giàn khoan Deepwater Horizon của BP đã khiến 11 người chết và làm 4,2 triệu thùng dầu tràn ra Vịnh Mexico trong 87 ngày.
* Mới nhất, trong tuần qua, bang Texas của Mỹ đã đạt được thỏa thuận bồi thường một phần với Công ty sản xuất ôtô Volkswagen liên quan đến vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng do bang này đưa ra từ tháng 10.2015. Theo đó, Volkswagen đã cố ý lừa gạt trong các thử nghiệm phát thải trong nhiều năm và công ty này sẽ phải trả 14,7 tỉ USD tiền phạt. Đây mới là bước đi tạm thời đầu tiên, công ty có thể vẫn phải vẫn tiếp tục đối mặt với các cáo buộc hình sự khác cũng như các khoản phạt dân sự khác vì vi phạm Luật Không khí sạch. V.N
(Theo Lao động) LÂM CHÍ CÔNG - QUANG ĐẠI