Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

13:24

Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa bằng đàm phán

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội: Sẽ đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình cũng như khẳng định chủ quyền tại Trường Sa

Sáng 25-11, “chốt” lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề nhằm điều hành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2011 - 2012 và một số năm tiếp theo, một số vấn đề lớn trong vấn đề tổ chức thực hiện Nghị quyết kinh tế - xã hội 5 năm.
Khẳng định chủ quyền quốc gia
Đăng đàn chất vấn đầu tiên, đại biểu (ĐB) Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đặt câu hỏi mà theo ông chưa thấy đề cập trong báo cáo của Thủ tướng, liên quan đến vấn đề đối ngoại và bảo đảm  chủ quyền, an ninh quốc gia, đó là  những giải pháp cụ thể để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng mối quan tâm, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (ĐB Đồng Nai) chất vấn: “Chính phủ đã có những giải pháp gì để ngư dân yên tâm đánh bắt cá ở biển Đông, nhất là ngư trường truyền thống của cha ông ở Hoàng Sa và Trường Sa?”.

Đảo Chìm Đá Đông thuộc quần đảo Trường Sa vững vàng trước sóng gió khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông _Ảnh: Hồng Kỳ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành phần lớn thời gian để trả lời các chất vấn này. Sau khi nêu các nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển Đông, Thủ tướng cho biết việc giải quyết và khẳng định chủ quyền trên biển Đông có 4 vấn đề.
Thứ nhất, đàm phán phân định ranh giới vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Thủ tướng cho biết ngoài thỏa thuận phân định ranh giới trong vịnh Bắc Bộ đạt được năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc còn vấn đề chồng lấn thềm lục địa ngoài vịnh Bắc Bộ theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Hai bên đã đàm phán từ năm 2006 nhưng đến năm 2009 thì dừng lại vì lập trường hai bên còn rất khác xa nhau. Đến đầu năm 2010, hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. “Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này trên cơ sở Công ước Luật Biển năm 1982, cơ sở Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), trên cơ sở các nguyên tắc đã thỏa thuận” - Thủ tướng cho biết.
Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam có đủ căn cứ về pháp lý và lịch sử để khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đã làm chủ thực sự ít nhất là từ thế kỷ XVII. “Chúng ta làm chủ khi 2 quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào và đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình” - Thủ tướng nêu rõ. Tuy nhiên, năm 1956, Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974, cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ Việt Nam chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.
Theo NLĐ (PHẠM DƯƠNG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét