Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

Giao rừng đặc dụng Tam Đảo cho doanh nghiệp là điều quá bất thường

Cập nhật lúc 15:30                
Trên cả nước, hiện có rất nhiều dự án mang danh cải tạo, tôn tạo hoặc phát triển du lịch, nhưng bản chất chỉ là những dự án bất động sản.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, một trong những người lên tiếng khá mạnh về hiện trạng lấn sông trên toàn quốc - lại là bên mở đầu buổi trao đổi với chúng tôi bằng câu hỏi: "Nhà báo cho biết dự án ở Tam Đảo có quy mô và tính chất như thế nào?".
Phóng viên: Theo Quyết định 2992/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án “Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo” có quy mô 385,5ha đất rừng đặc dụng (thuộc các xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan, H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được giao cho chủ đầu tư thuê để kinh doanh du lịch sinh thái trên cơ sở chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2015.


Luật sư Trương Anh Tú

Bản chất chỉ là những dự án bất động sản
Luật sư Trương Anh Tú: Tôi thấy trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng nói riêng, bảo vệ tài nguyên quốc gia nói chung, còn nhiều bất cập. Trên cả nước, hiện có rất nhiều dự án mang danh cải tạo, tôn tạo hoặc phát triển du lịch nhưng dưới lăng kính của người làm công tác nghiên cứu pháp luật, tôi đánh giá, bản chất đây chỉ là những dự án bất động sản được khoác lên mình nhiều “cái áo” khác nhau mà thôi.
* Thưa ông, rừng đặc dụng có thể hiểu là những tài nguyên bất khả xâm phạm đối với sự tồn vong và phát triển bền vững của quốc gia?
- Môi trường Vườn Quốc gia Tam Đảo chính là rừng đặc dụng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng xác định, rừng đặc dụng là một trong các loại rừng được ưu tiên bảo vệ cao nhất. Mang cái tên như thế cho thấy, luật xác định nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ những cánh rừng cho quốc gia chứ không chỉ có điều chỉnh hoạt động về rừng.
Mục tiêu thứ hai còn là phát triển rừng. Tại sao? Trong suốt những năm chiến tranh và về sau này, chúng ta đã tàn phá thiên nhiên, tàn phá những cánh rừng nặng nề. Tôi nhớ từ năm 1993, Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng để chặn đứng việc hủy hoại môi trường sống của chúng ta.
Từ đó trở đi, chúng ta quyết liệt trồng rừng. Có thời kỳ, nhiều dự án trồng lại hàng triệu héc-ta rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc trên cả nước.
Có thể thấy, tinh thần bảo vệ và phát triển rừng là không thay đổi, từ khái niệm về rừng đặc dụng cho đến quy trình giao, sử dụng, bảo vệ và phát triển.
* Đối với Tam Đảo, hàng trăm héc-ta rừng đặc dụng đã được duyệt cho mục đích du lịch sinh thái, liệu có thể được chấp nhận như là sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội không, thưa luật sư?
- Theo góc nhìn của tôi, không nói tất cả, nhưng hầu hết các dự án, hễ cứ quai đê lấn biển, bạt núi ngăn sông trong thời đại hiện nay về cơ bản là những hình thức hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan quốc gia. Và Nhà nước cần phải đánh giá lại toàn thể những dự án này.
Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn những cảnh quan thiên nhiên chung cho đất nước, cho thế hệ mai sau, không cho phép những chủ đầu tư lợi dụng việc phát triển kinh tế - xã hội để trục lợi trên những tài nguyên thiên nhiên quốc gia như thế được.
Dự án Tam Đảo những ngày qua gây xôn xao dư luận cả nước. Phải thấy rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội là điều rất cần thiết. Đảng, Nhà nước kêu gọi, xã hội có nhu cầu và các chủ đầu tư tham gia cùng Nhà nước, nhân dân để khai thác tốt tài nguyên thiên nhiên quốc gia, thúc đẩy kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xác địnhkhông đánh đổi môi trường lấy những lợi ích kinh tế trước mắt kia mà.
* Ông có thể nói rõ ý kiến của mình?
- Tôi xin nói thẳng, không phải dự án nào cũng mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, cho đất nước. Một dự án phân lô bán nền hay bạt núi ngăn sông thì lợi ích chính thuộc về chủ đầu tư, Nhà nước chỉ được một phần rất hạn chế, trong khi nhân dân thì bị mất rất nhiều thứ mà không thể nào lấy lại được.
Như Tam Đảo, phải xác định là khu vực rừng đặc dụng quốc gia được Luật Bảo vệ và phát triển rừng xác định đặc biệt ưu tiên bảo tồn. Mọi hành vi tác động đều có khả năng gây tổn hại đến rừng, đến môi trường. Cho nên, phải hết sức cẩn trọng trong vấn đề quản lý, khai thác và đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng của rừng.
Chính vì thế, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2016 đã thay đổi về thẩm quyền; từ thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố nơi có rừng, nay bổ sung thêm quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có diện tích từ 50ha trở lên phải hỏi ý kiến Quốc hội, chứ không phải các bộ, ban, ngành hay chính quyền địa phương tự ý cho phép những dự án đó.
Tôi không thể hiểu tại sao lại có thể cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác, xây dựng trên rừng đặc dụng quốc gia như vậy. Ở góc nhìn của tôi, việc này không phù hợp, tác động xấu, tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, cụ thể ở đây là Vườn Quốc gia Tam Đảo.


Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo

* Theo quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ dự án là Công ty cổ phần Thương mại Sông Hồng Thủ Đô. Quyết định này được Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ký ngày 26/12/2016 thì một ngày sau (27/12), dự án đã được khởi công. Đặc biệt, trang web của Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Phúc còn nói rõ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II, hạng mục nhà ga đi cáp treo…
- Với tư cách là người làm công tác pháp luật có quan tâm các vấn đề kinh tế - xã hội, tôi khẳng định, trong lĩnh vực bất động sản, những năm qua, có hiện tượng chuyển nhượng, mua bán lòng vòng tư cách chủ đầu tư. Các chủ đầu tư thực hiện những thủ tục hành chính ban đầu rồi chuyển nhượng qua tay nhiều người, nhiều doanh nghiệp.
Phía sau nó, ai cũng hiểu rằng, có các vấn đề “hậu trường” rất phức tạp. Nó có thể quá sức tưởng tượng của những người bình thường như chúng ta, mà cũng có thể chúng ta không tiện nói ra.
Dù người ta muốn nói gì thì nói, trong góc nhìn cá nhân, tôi đánh giá đây chỉ là một dự án bất động sản. Thế thì với các dự án này, họ đều đã xây dựng những kế hoạch vô cùng khoa học, chu đáo, trong thời gian dài… Những diễn biến liên tiếp nhau như vậy (ngày 26 phê duyệt, ngày 27 khởi công) cũng không nằm ngoài những ý kiến của tôi, rằng có rất nhiều vấn đề “hậu trường” mà chúng ta không thể biết hết được, không thể đoán định được. Bất động sản là một vòng tuần hoàn khép kín, nó không giống những loại giao dịch làm ăn khác, mà là thứ “làm ăn đặc biệt” tại Việt Nam hiện nay.


Ngày 26/12/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II cho Công ty Sông Hồng Thủ Đô thì ngày 27/12/2016 tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công dự án này.

Riêng việc “giao rừng” đã hàm chứa sự bất ổn
* Thưa luật sư, nếu xem kỹ ở phần căn cứ pháp lý, Quyết định 2992/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ căn cứ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học chứ không hề căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Phải chăng do lúc đó, luật này chưa có hiệu lực?
- Tôi cũng băn khoăn như thế. Nhưng nên nhớ, luật này đã ra đời từ năm 1991. Qua hai lần sửa đổi, bổ sung (năm 2004 và gần đây nhất là 2016), thì tinh thần pháp luật không thay đổi. Một khi đã “động chạm” đến rừng mà không căn cứ vào các quy định có liên quan thì rõ ràng đã phản ánh góc nhìn chưa đầy đủ, toàn diện về dự án của bộ này.
* Mặc dù trong Quyết định 2992/QĐ-BTNMT có nêu ra rất nhiều điểm nhằm “lưu ý” chủ đầu tư đối với trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng đây là rừng đặc dụng. Điều này có trái quy định hay không?
- Tôi chưa xác định quyết định này có trái quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, với tư cách một công dân, tôi cho rằng, với những văn bản như thế, dù có thể hiện sự “quan tâm sâu sắc”, “trách nhiệm to lớn của cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng” nhưng nó cho thấy chỉ là “lý thuyết”, bởi riêng việc giao rừng cho doanh nghiệp đã là điều quá bất thường. Rừng đặc dụng mà giao cho doanh nghiệp khai thác đã hàm chứa điều gì đó bất ổn. Nên cho dù anh có nói gì, anh “quan tâm sâu sắc” gì, “yêu cầu tuân thủ” gì trong văn bản đó, đều không có nhiều giá trị.
* Xin cảm ơn luật sư.
(Theo Phụ nữ TPHCM) Nhóm phóng viên thực hiện

Phá Bà Nà là vi phạm pháp luật

Cập nhật lúc 14:53   

Sai quy hoạch là không sửa được. Muốn cứu Bà Nà, Sun Group phải dừng xây dựng ngay lập tức và chính quyền phải minh bạch với dân' - kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định.

Xung quanh việc cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên quốc gia bị “cạo trọc” để kinh doanh dịch vụ du lịch (xem loạt bài Sun Group - “Ông trời” không từ trên cao  Điều tra độc quyền: Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo trên Báo Phụ Nữ TP.HCM số ra các ngày 23, 25 và 27/9), chúng tôi đã phỏng vấn kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị về bảo vệ pháp lý và môi trường, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Từng là Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Diệm nói: “Nghị quyết của tỉnh ủy và điều tôi lo ngại trước đây, bây giờ đã xảy ra đúng y chang, tất cả theo chiều hướng xấu”.
Báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2016, trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất, thì Sun Group tại Đà Nẵng đứng vị trí 681. Năm 2017, Sun Group xếp hạng 365, đứng sau một số công ty xổ số, sản xuất bao bì.
Bà Nà bây giờ là chợ búa
Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện Bà Nà và Sun Group dai dẳng đã hàng chục năm qua, gây bức xúc trong dư luận cán bộ và nhân dân không chỉ riêng ở Đà Nẵng. Phải chăng tất cả là do “mọi sự khởi đầu, có thể là tất cả hoặc không là gì cả”?
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm: Tôi làm Trưởng ban Quy hoạch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rồi Trưởng ban Quy hoạch TP.Đà Nẵng từ năm 1976-1995, năm 1997 là Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.Đà Nẵng nên không lạ chi về Bà Nà.
Xin nhắc lại, Bà Nà có khí hậu ôn đới. Năm 1900, Toàn quyền Đông Dương đã giao Thủ hiến Trung kỳ và người phụ trách canh nông của Đà Nẵng đi khảo sát, sau đó họ đã xây dựng 240 công trình trên núi, có đường sá, biệt thự cao cấp, nhà nghỉ của lính, nhà máy nước, máy phát điện, nhà thương, kho súng, kho lương thực, bưu điện, nhà thờ...
Từ đó đến năm 1945, khu nghỉ mát Bà Nà do Pháp xây dựng là một đô thị nghỉ dưỡng hoàn chỉnh. Tôi nhắc lại, đây là đô thị nghỉ dưỡng, là một châu Âu ở Đà Nẵng. Nói về quy hoạch của người Pháp thì xin khỏi hoài nghi về tầm nhìn xuyên thế kỷ của họ, từ việc dựa vào tự nhiên, hợp với khí hậu, đất đai, mọi thứ càng về sau càng có giá trị về tính hiện đại và nhân văn.
Năm 1980, sau khi khảo sát, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra một nghị quyết về phát triển du lịch Bà Nà, nói rõ: khôi phục Bà Nà trên cơ sở công trình xây dựng cũ của Pháp, nghĩa là sửa chữa, phục hồi những công trình đã xuống cấp, căn cứ vào quy hoạch sẵn có của họ chứ không làm mới, không phá rừng, không mở đường rộng hơn theo lối đi cũ. Tôi lên đó năm 1979, thấy Pháp xây nhà, có những bức tường rào bị cong đi, là do họ né cây chứ không chặt…
Nhìn vào thực trạng tan nát của Bà Nà bây giờ, mới thấy nghị quyết lúc đó của tỉnh ủy vừa chính xác, tỉnh táo, thông minh, vừa rất nhân văn trong ứng xử với tự nhiên. Tôi xin thêm một chi tiết nữa từ người Pháp: khi được Toàn quyền Đông Dương giao làm quy hoạch Bà Nà, vị phụ trách canh nông của Đà Nẵng đã nói, Bà Nà là viên ngọc trọn vẹn, đừng chạm vào  nó, và ông này đã xin phép trồng thêm 1.000 cây hoàng lan trên đó.

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định việc phá Bà Nà là vi phạm pháp luật
* Nhưng, nghị quyết trên đã không được thực hiện…
- Từ năm 1980, tỉnh phải đối phó với nhiều vấn đề dân sinh, kinh tế quá lớn, nên không thực hiện. Thật tiếc! Đến khi tách tỉnh vào năm 1997, việc khôi phục Bà Nà mới bắt đầu. Tôi nhớ, có một hội thảo về xây dựng Bà Nà tại đỉnh Bà Nà. Tôi đã lên tiếng, rằng xin đừng vội vã, bởi mọi thứ ở Bà Nà rất nhạy cảm. Các nhà khoa học lúc đó hoan nghênh, nhưng lãnh đạo thành phố thì không ưng ý. Sau đó thì Sun Group nhảy vào làm.
Lúc đó, Sun Group có mời tôi lên Bà Nà giới thiệu về quy hoạch xây dựng của Pháp, rồi vấn đề khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Sau đó, tôi có làm việc với Sun Group một lần nữa, nhưng biết được họ đã chuẩn bị quy hoạch theo ý đồ của họ rồi, tức là nó như bây giờ, hoàn toàn không phải theo quy hoạch của Pháp.
* Ý kiến của ông ra sao về quy hoạch của Sun Group?
- Từ trong trứng nước, tôi đã phản đối, rằng xây như họ là đô thị hóa bằng bê tông chứ không phải đô thị nghỉ dưỡng, không phải một Đà Lạt, một châu Âu cách Đà Nẵng 30km, dù Đà Nẵng có biến đổi khí hậu ra sao thì nó vẫn còn nguyên. Bê tông hóa thì mọi giá trị đặc trưng về sinh thái Bà Nà không còn nữa, làm hỏng cảnh quan, sai nghiêm trọng về mục đích sử dụng.
* Họ có ý kiến gì không?
- Không, họ không nói gì hết. Đến bây giờ, nghị quyết của tỉnh ủy lúc đó và điều tôi lo ngại đã xảy ra đúng y chang, tất cả theo chiều hướng xấu. Mục đích kinh doanh của Sun Group là chỉ biết lợi dụng cảnh quan môi trường để kiếm tiền, không phục vụ cho mục đích cuối cùng là giữ Bà Nà cả về khí hậu lẫn kiến trúc.
Mà đâu chỉ Bà Nà, Sun Group đã thò tay phá rừng Tam Đảo, làm cáp treo Fansipan, rồi Phú Quốc... Tại Bà Nà, họ san bằng đỉnh núi, xây bát nháo loạn lên, giờ lên đó làm chi thấy sương mù, khí hậu ôn đới nữa mà phải dùng cả quạt hơi nước để chống nóng; cả khu vực này gọi chính xác là Bà Nà chợ búa chứ chẳng phải khu nghỉ dưỡng.
Khi họ làm cáp treo, tôi cũng phản ứng, lý do là phá rừng, cấm đường đi từ An Lợi lên, vốn là của chung cộng đồng. Bà Nà phục vụ cho cả thành phố, từ kinh tế đến nghỉ ngơi, chứ không phải giao cho Sun Group  quản lý hết rồi thu tiền. Đến bây giờ, họ thu bao nhiêu, nộp bao nhiêu, dân có biết đâu?
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng
* Lỗi này của ai, thưa ông?
- Thành ủy, UBND, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lúc đó, đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh, Văn Hữu Chiến và mấy ông giờ đang ở trong tù vì dính vụ Vũ “nhôm”. Họ đã không tôn trọng giá trị lịch sử, dâng đất tổ tiên cho cá nhân, không tôn trọng nghị quyết trước đó, coi thường lợi ích của nhân dân.
* Có một văn bản do ông Văn Hữu Chiến ký năm 2014 giao cho Sun Group hơn 10ha, nhưng nay thì đã lên 60ha. Trong việc đưa ra phương án rồi điều chỉnh quy hoạch, giới nghiên cứu, chuyên gia có được mời tham vấn không?
- Không.
* Có ý kiến rằng giao Bà Nà cho Sun Group như hiện nay là sai luật?
- Sai hoàn toàn! Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật An ninh quốc phòng quy định đụng đến rừng từ 50ha trở lên là phải có ý kiến của Quốc hội. Đây là một quy trình phải chặt chẽ từ dưới lên: làm quy hoạch, lấy ý kiến ở địa phương, rồi lên Chính phủ, ra Quốc hội. Ở đây, họ đã xé luật, né, cứ cho mỗi lần từ 10 đến 20ha, cứ thế tăng lên.
Những kẻ tham mưu cho lãnh đạo lúc đó, kể cả người ký, kẻ chết, người đang ở tù, nếu truy lại, là phải xử tù. Vị lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng khi đó còn vi phạm pháp luật thêm lần nữa trong việc giao đất sân golf Bà Nà, lấy lý do là đất phục vụ an ninh quốc phòng nên thu hồi hết đất ở khu vực Suối Mơ, An Lợi ở Hòa Ninh của dân, xong bán cho Sun Group làm sân golf chứ quốc phòng gì đâu…
Họ đã bán cho Sun Group tất cả hơn 200ha đất ở Bà Nà. Sun Group cũng không phải vô tội, bởi chính họ đã bắt tay với chính quyền, tức là đồng phạm.
* Trong quy hoạch ban đầu của Sun Group mà ông được biết, có cầu Vàng không?
- Không. Cầu Vàng mới làm đây. Lúc đó làm chi có. Ngay cả lúc họ mời tôi xem quy hoạch thì tôi chỉ thấy có các bản vẽ công trình xây dựng dự kiến thiết kế, và đến cả bây giờ, chẳng ai rõ quy hoạch tổng thể của Bà Nà ra sao, cho nên họ có làm thêm cái gì đi nữa, cũng chỉ họ và chính quyền biết thôi. Mọi thứ là tù mù, nên có sai cũng là đương nhiên.
* Vậy là “hết thuốc chữa” rồi?
- Sai quy hoạch là không sửa được. Muốn cứu Bà Nà, nếu được, thì Sun Group phải dừng xây dựng ngay lập tức và chính quyền phải minh bạch với dân.
* Chuyện này xem ra khó?
- Tất nhiên, quá khó, nhưng nhiệm kỳ này chính quyền không làm được, thì nhiệm kỳ sau phải làm, không thì có tội với dân.
* Xin cảm ơn ông.
(Theo Phụ nữ TPHCM) Nhóm phóng viên thực hiện

BOT cao tốc Bắc Nam có thiếu vốn?

Cập nhật lúc 10:21   

 Nhìn hàng loạt dự án bất động sản quy mô hàng nghìn tỉ sẽ thấy không thiếu vốn làm BOT cao tốc Bắc Nam. Quan trọng Nhà nước phải tạo ra một sân chơi đủ hấp dẫn, bảo đảm cạnh tranh công bằng, sòng phẳng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.




Cuộc thầu quốc tế BOT cao tốc Bắc Nam không thành công đặt ra không ít băn khoăn bởi đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức đấu thầu quốc tế với kỳ vọng tìm được những nhà đầu tư đủ tiềm lực về tài chính, kỹ thuật làm dự án.
Bộ GTVT cũng thông báo sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước đủ năng lực bỏ vốn làm 8 dự án BOT cao tốc Bắc Nam trong tháng 10 tới.
Quy trình là vậy nhưng thành công của cuộc thầu thứ 2 này tiếp tục bỏ ngỏ, bởi nhiều nhà đầu tư tư nhân dường như không thiết tha bỏ vốn làm BOT khi chứng kiến hàng loạt rắc rối tại một số dự án thời gian qua.
Trong số 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển đấu thầu quốc tế đường cao tốc Bắc Nam vừa qua có 15 bộ hồ sơ của nhà đầu tư trong nước với các gương mặt quen thuộc đã làm nhiều dự án BOT như Công ty CP tập đoàn đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Tasco, Công ty TNHH tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP đầu tư và xây dựng Phương Thành, Công ty CP tập đoàn Hùng Thắng...
Các nhà đầu tư này có lợi thế kinh nghiệm làm dự án BOT nhưng rất khó khăn trong huy động thêm vốn ngân hàng thương mại để làm 8 dự án BOT cao tốc Bắc Nam. Họ cũng rất khó huy động đủ 20% vốn chủ sở hữu tham gia vào mỗi dự án khi đã bỏ vốn sở hữu vào nhiều dự án BOT đang vận hành khai thác.
Điều đáng nói là không có những cái tên mới tham gia đấu thầu cao tốc Bắc Nam.
Theo Bộ GTVT, nguyên nhân hủy thầu cao tốc Bắc Nam "do số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao". Thực tế này đòi hỏi Bộ GTVT phải tính toán lại bài toán BOT cao tốc Bắc Nam nếu không muốn thêm một lần thất bại, tiến độ dự án bị kéo dài thêm nhiều tháng.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản - chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường đại học GTVT - nhận định việc hủy thầu quốc tế cho thấy 8 dự án BOT cao tốc Bắc Nam không thực sự hấp dẫn.
Để các dự án BOT cao tốc Bắc Nam hấp dẫn hơn, Chính phủ, Bộ GTVT phải thay đổi các điều kiện mời thầu theo hướng có lợi cho nhà đầu tư hơn. Bởi cuộc thầu BOT giống như Nhà nước rao bán một tài sản, có nhiều người hỏi mua, có cạnh tranh thì mới "bán đắt" được.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản cho rằng với BOT giao thông, Nhà nước cần tính toán kỹ lợi ích thu được bằng tiền và lợi ích không thu được bằng tiền là bao nhiêu để quyết định đầu tư.
Một con đường BOT có thể cải thiện hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy cả một vùng phát triển. Những lợi ích này nhà đầu tư BOT không thu được, vì thế cần có sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân, cùng bỏ tiền làm dự án, cùng chia sẻ rủi ro để thúc đẩy sự phát triển chung.
Trong số khoảng 118.000 tỉ đồng vốn đầu tư làm đường cao tốc Bắc Nam, ngân sách góp 55.000 tỉ đồng, còn lại khoảng 63.000 tỉ đồng huy động từ khu vực tư nhân. Con số này không lớn nếu so với hơn 100.000 tỉ đồng vốn tư nhân đề xuất đầu tư vào các nhà máy BOT nhiệt điện thời gian qua.
Và nếu nhìn vào hàng loạt dự án đầu tư kinh doanh bất động sản với quy mô hàng nghìn tỉ cũng thấy không phải thiếu vốn để làm BOT cao tốc Bắc Nam.
Điều quan trọng là Nhà nước phải tạo ra một sân chơi đủ hấp dẫn, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, sòng phẳng và bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư BOT giao thông.
(Theo Tuổi trẻ) BẢO NGỌC

Bộ GD&ĐT muốn bỏ đi một thành tựu?

Cập nhật lúc 09:50      

Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời thư kiến nghị của PGS Nguyễn Kế Hào về việc sách của GS Hồ Ngọc Đại bị “loại” từ vòng 1 bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, tác giả thư kiến nghị này nói trả lời của Bộ là chưa thỏa đáng.



Sách tiếng Việt 1 công nghệ do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên. Ảnh: Ngọc Dương

PGS Nguyễn Kế Hào, người đứng tên đại diện tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm công nghệ giáo dục, ký bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc sách tiếng Việt và toán lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại được hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá “không đạt” ngay từ vòng 1. Ông cho biết đã nhận được văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT.

Bộ mong tác giả “xây dựng lại để thẩm định như lần đầu”

“Bộ GD&ĐT rất mong tác giả sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa, hoàn thiện bộ sách để tham gia thẩm định lại”.
Ông NGUYỄN HỮU ĐỘ (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT)

Công văn trả lời của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ngày 25/9/2019 gửi PGS Nguyễn Kế Hào dẫn các nghị quyết, quyết định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Trong đó nêu: “SGK là tài liệu triển khai chương trình giáo cụ phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; việc biên soạn, xuất bản SGK của các tổ chức, cá nhân thực hiện công bằng, minh bạch và theo quy định của pháp luật”...
Văn bản trả lời của Bộ cũng dẫn Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; quy định về tổ chức, thành lập và hoạt động của hội đồng thẩm định... “Các hội đồng quốc gia được thành lập và hoạt động theo đúng quy định tại Thông tư 33 với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học, công bằng”, văn bản của Bộ GD-ĐT khẳng định và cho biết trong lần thẩm định này có 5 bộ sách của 9 môn học trong chương trình lớp 1 được nhà xuất bản có chức năng xuất bản SGK đề nghị Bộ GD-ĐT thẩm định. Trong đó các bản mẫu SGK môn tiếng Việt lớp 1, toán lớp 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên là một trong các bộ sách được NXB Giáo dục đề nghị thẩm định. Qua thẩm định vòng 1, có một số bản mẫu sách được xếp loại “đạt nhưng cần sửa chữa” và có một số bản mẫu được xếp loại “không đạt”.
Đối với bản mẫu SGK tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT ghi rõ: “GS Hồ Ngọc Đại đã được Bộ GD-ĐT mời đến nghe thông báo kết quả, đối thoại với từng hội đồng thẩm định. Tại các buổi làm việc này, GS Hồ Ngọc Đại và cộng sự đã nghe kết luận của các hội đồng và không có ý kiến gì thêm”.
Bộ GD-ĐT cũng dẫn quy định tại Thông tư 33 đối với các bản mẫu SGK được đánh giá “không đạt”: “Nếu các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tiếp tục biên soạn SGK thì bản mẫu phải được xây dựng lại để tổ chức thẩm định, như thẩm định lần đầu”. Vì vậy, tập thể tác giả bản mẫu sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện các bản mẫu theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018 và đề nghị thẩm định lại theo quy định tại Thông tư 33 để sách có cơ hội góp phần vào sự nghiệp đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ GD-ĐT rất mong tác giả sách tiếng Việt 1 và toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa, hoàn thiện bộ sách để tham gia thẩm định lại. Khi nhận được đề nghị này, Bộ sẽ thành lập hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định từ đầu theo đúng quy định của Thông tư 33”.

Trả lời chưa thỏa đáng, sẽ tiếp tục kiến nghị

“Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh
GS HỒ NGỌC ĐẠI
PGS Nguyễn Kế Hào cho biết ông đã đọc kỹ nội dung trả lời của Bộ và thấy rằng trả lời như vậy là chưa thỏa đáng. “Cá nhân tôi, với tư cách là một công dân, một nhà khoa học, một người từng làm quản lý lĩnh vực giáo dục tiểu học, sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ về vấn đề này”, PGS Hào nói.
GS Hồ Ngọc Đại thì khẳng định: “Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh”.


PGS Nguyễn Kế Hào trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên. Ảnh Tuyết Mai

Theo PGS Hào, dù ông không phải là tác giả của bộ sách nhưng nếu là tác giả thì ông cũng không thể sửa vì như vậy sẽ không khác gì các bộ sách khác. Điều ông thấy không đồng tình nhất là hội đồng thẩm định yêu cầu tác giả sách phải bỏ những nội dung, những cái mà họ cho rằng cao hơn chương trình trong khi chương trình là pháp lệnh, chương trình chỉ là cái tối thiểu cần đạt. “Thực tế học sinh chấp nhận được bao nhiêu năm nay, giờ hội đồng ngồi trong phòng họp nói nó khó và cao hơn chương trình”, PGS Hào bức xúc.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: “Khi Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK... ra đời thì ông có thấy bất cập không?”. PGS Hào cho rằng: “Khi ban hành Thông tư 33 chỉ nói chung chung. Nhưng khi xây dựng bao nhiêu chỉ báo để tiến hành thẩm định SGK thì chỉ thành viên hội đồng biết, những người được Bộ GD-ĐT tập huấn để thẩm định SGK biết, còn không được công khai ra ngoài xã hội. Hơn nữa, nếu sửa theo những chỉ báo của Bộ thì tất cả những bộ SGK lại “gọt” theo một khuôn... Thế thì cần gì phải nhiều bộ SGK?”.
PGS Nguyễn Kế Hào cho biết điều quan trọng nhất khiến ông buộc phải gửi bản kiến nghị không phải để sách của GS Hồ Ngọc Đại được thẩm định lại như Bộ GD-ĐT đã trả lời, mà vì nhận thấy không thể đánh đồng bộ SGK có hơn 40 năm được thực tiễn thừa nhận với các bộ SGK có tuổi thọ gắn với mỗi lần cải cách giáo dục. “Bộ sách này không cần thay bằng bộ sách mới, như sách cải cách hay sách của chương trình tiểu học năm 2000, mà là bộ sách mới được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Sách tiếng Việt và toán công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần (năm 1990, năm 2017 và năm 2018) mà chưa phải cải cách lần nào, chỉ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phát triển. Do đó, không nên chỉ đánh giá SGK công nghệ giáo dục theo thông tư và những chỉ báo mà hội đồng thẩm định đang áp dụng”, PGS Hào tiếp tục khẳng định lại quan điểm của mình và cho rằng về bản chất, chương trình công nghệ giáo dục phù hợp với đường lối, quan điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cả về lý thuyết và thực tiễn.
Theo PGS Nguyễn Kế Hào, với hơn 40 năm được “cuộc sống lựa chọn”, và ít nhất 2 lần trong lịch sử cải cách giáo dục (năm 1986 và năm 2006), sách tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại là giải pháp để khắc phục tình trạng lưu ban, “ngồi nhầm lớp” ở rất nhiều địa phương trên cả nước. “Do vậy, nhìn từ góc độ quốc gia thì đây phải được coi là một thành tựu, không nên bỏ”, GS Hào nêu quan điểm.

(Theo Thanh Niên) Tuệ Nguyễn

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn

Cập nhật lúc 15:54  

 

Ngày 29/9, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng), thiết kế 4 làn xe đạt vận tốc tiêu chuẩn 100 km/giờ, đã thông xe kỹ thuật.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần Quốc lộ (QL) 1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110 km; hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500). Tổng mức đầu tư toàn dự án là 12.189 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn này không đủ nguồn lực về vốn, năng lực quản trị, khiến dự án bị chậm tiến độ gần 2 năm (đến tháng 6/2017, hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc).


                              Dự án vượt qua nhiều khó khăn để cán đích đúng hẹn.

Đến tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia thay thế để chủ đầu tư cũ, nhằm chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho các nhà thầu... 
Sau hơn 2 năm đối mặt với nhiều khó khăn, từ tháng 3/2018, hợp phần QL1 đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng, giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.


Theo thiết kế, cao tốc rộng 25 m, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án do Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thuộc tập đoàn Đèo Cả thi công, làm chủ đầu tư. VnExpress

Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây, mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt. Việc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm có thể được coi là một 'kỳ tích' của ngành GTVT nói chung và Tập đoàn Đèo Cả nói riêng.
Dự án đã “cán đích” nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn trong giải phóng mặt bằng, đáp ứng điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa người nơi dự án đi qua. 
Việc thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn khẳng định, với năng lực, kinh nghiệm thực tế của các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nếu có sự phối hợp nhịp nhàng của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, giải quyết kịp thời các vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng nhanh, thì chất lượng, tiến độ các công trình hạ tầng giao thông sẽ được đảm bảo đúng mục tiêu Quôc hội, Chính phủ đặt ra. 
Tuy nhiên, đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km, đây là nút thắt giao thông thời gian tới trước mục tiêu thông xe toàn tuyến trong năm 2020 và điều này cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa cung đường tương lai vùng Đông Bắc của Tổ quốc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối con đường Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Tiến Hiếu/Báo Tin tức

Vụ sư trụ trì bị tố gạ tình nữ phóng viên: Sư Toàn thừa nhận sai phạm

Cập nhật lúc 15:48  

Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn, người bị tố gạ tình nữ phóng viên.

Hình ảnh sư Toàn buông lời gạ tình bị phóng viên ghi lại. (Ảnh cắt từ clip)

Thông tin từ Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho hay trước thông tin tố cáo Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo có hành vi không chuẩn mực (gạ tình một nữ phóng viên), chiều 28/9, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức cuộc họp để làm rõ những nội dung phản ánh trên Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh về Đại đức Thích Thanh Toàn.
Dự cuộc họp có Ban Tôn giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo và một số cơ quan, đơn vị liên quan.
Trong buổi làm việc chiều 28/9, Đại đức Thích Thanh Toàn đã có mặt tường thuật lại toàn bộ sự việc và thừa nhận những sai phạm của mình.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá những thông tin liên quan đến Đại đức Thích Thanh Toàn phản ánh trên Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo lý tốt đẹp của đạo Phật cũng như niềm tin của nhân dân, phật tử đối với Phật giáo.
Qua ý kiến tại buổi làm việc và những nội dung Đại đức Thích Thanh Toàn đã giải trình, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng của Đại đức Thích Thanh Toàn, theo đúng quy định của hiến chương, giáo luật của Giáo hội.
Việc đình chỉ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng chỉ là hình thức xử lý bước đầu đối với những sai phạm của Đại đức Thích Thanh Toàn.
Sư thầy Thích Thanh Toàn đang là trụ trì chùa Nga Hoàng và cũng được cho là quản lý khu vực chùa Địa Ngục (nằm trong rừng quốc gia Tam Đảo) - nơi chưa được cơ quan chức năng công nhận là cơ sở thờ tự Phật giáo.
Đại đức Thích Thanh Toàn đã có một số lần vi phạm các nội quy của Ban Tăng sự, quy định về trật tự xây dựng, bảo vệ rừng; từng bị Giáo hội Phật giáo huyện Tam Đảo kỷ luật cảnh cáo.
Trước đó, chiều 25/9/2019, Thường trực Ban trị sự Giáo hội tỉnh Vĩnh Phúc họp cùng các đơn vị liên quan để xem xét, xử lý phản ánh về hành vi nêu trên.
Đại đức thích Thanh Toàn được mời nhưng không đến dự họp./.
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)