Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Hé lộ sự thật 'tịnh thất Bồng Lai', nơi ở 5 chú tiểu thi 'Thách thức danh hài'

Cập nhật lúc 15:21  

 

Nhiều cơ quan chức năng của Long An vào cuộc xác minh và dần hé lộ về những sự thật của tụ điểm nổi tiếng -“tịnh thất bồng lai” hay “thiền am bên bờ vũ trụ”.

Lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo
Dư luận gần đây quan tâm khá nhiều về 1 cơ sở đóng tại ấp Lập Thành, xã Hoà Khánh Tây, huyện Đức Hoà, Long An, với cái tên là “tịnh thất Bồng Lai” hay tên mới đây là “thiền am bên bờ vũ trụ”.
Vụ việc nhóm người kéo đến đây vào cuối tháng 10/2019 và có ẩu đả khiến dư luận càng chú ý và có nhiều tranh cãi về sự hoạt động của nơi này. Chính vì thế, Công an tỉnh phối hợp cùng công an huyện, và Giáo hội Phật giáo tỉnh đã vào cuộc làm rõ.


Sự hoạt động của cơ sở có tên "tịnh thất Bồng Lai" và nay tên mới là "thiền am bên bờ vũ trụ" từng gây chú ý và có nhiều tranh cãi

Quá trình xác minh, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã có những thông tin ban đầu. Ngoài ra nguồn thông tin từ cơ quan Công an địa phương cũng hé lộ thêm những bất ngờ khác.
Cụ thể, cơ sở có tên “tịnh thất Bồng Lai” hay từ ngày 1/1/2020 được đổi tên thành “thiền am bên bờ vũ trụ” là căn nhà đứng tên của bà Cao Thị Cúc (SN 1960). Giữ vai trò chủ đạo ở đây là ông Lê Tùng Vân (SN 1932, ngụ Q.6, tạm trú ở địa chỉ trên), mà nhiều người xưng tụng là “thầy ông nội” Thích Tâm Đức hay hoà thượng Thích Tâm Đức.
Từ khi "tịnh thất" gây tranh cãi, Giáo hội Phật giáo tỉnh trước sau đều khẳng định, đây không phải chùa, tịnh thất... chưa được công nhận, là cơ sở do người dân tự lập ra. Đặc biệt, mới đây Giáo hội có văn bản khẳng định rõ, hiện tượng này là lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi.
Vấn đề này được chỉ rõ, tại nhà bà Cúc, nơi tự nhận là “tịnh thất Bồng Lai” có căn thờ Phật như một chánh điện của tự viện Phật giáo. Phần lớn những người ở đây xuống tóc, cắt tóc ngắn, mặc áo tương tự nhà sư, rồi tự xưng là thầy, sư cô, hoà thượng, đại đức, chú tiểu…
Đáng nói hơn trong nhiều clip phát tán trên mạng xã hội, những người ở “tịnh thất Bồng Lai” tự nhận, tuyên bố đây là chùa, tịnh thất thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Họ tổ chức sinh hoạt tôn giáo như một tự viện của giáo hội.
Năm 2017, có 2 người tự nhận là “tu sĩ” gồm: Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) tham gia cuộc thi hát bolero của đài Vĩnh Long. Liên tiếp 2 năm sau đó, 5 đứa trẻ được giới thiệu là “chú tiểu ở tịnh thất Bồng Lai” tham gia chương trình truyền hình “Thách thức danh hài” và đạt giải quán quân.
Sở dĩ “tịnh thất Bồng Lai” gây chú ý, khi có những cách làm “truyền thông” xung quanh những cá nhân cư ngụ tại đây. Cụ thể, năm 2014, bé gái Lê Thanh Huyền Trân tham gia chương trình truyền hình “giọng hát Việt nhí” và đạt giải á quân.
Những cá nhân này xuất hiện trên sóng truyền hình và trước công chúng luôn mặc áo như người tu hành.

Công kích Phật giáo và dấu hiệu trục lợi 
Thực tế qua kiểm tra, những cá nhân ở đây sinh hoạt như hình thức gia đình gồm nhiều thế hệ, cả trai lẫn gái. Ngoài ra những đứa trẻ ở đây đều được giới thiệu là trẻ mồ côi và với vẻ hồn nhiên, đáng yêu đã lấy cảm tình từ nhiều người.
Nhưng nhiều nghi ngờ về những người này có quan hệ huyết thống và để thực hư vấn đề này Giáo hội Phật giáo tỉnh kiến nghị nhờ các cơ quan chuyên môn làm rõ, cũng như xác định nơi này có được phép nuôi trẻ mồ côi hay không?
Chính vì hình ảnh những đứa trẻ được giới thiệu là mồ côi, “tịnh thất Bồng Lai” là cơ sở nuôi trẻ mồ côi nên nguồn từ thiện từ những người trong và ngoài nước đổ về đây trong những năm qua là không ít.


 Kênh Youtube "5 chú tiểu - thiền am bên bờ vũ trụ" kêu gọi từ thiện cho 5 đứa trẻ được nuôi tại đây mà họ nói là mồ côi nhưng thực sự có mồ côi hay không thì cần cơ quan chức năng xác định rõ

Kênh youtube “5 chú tiểu - thiền am bên bờ vũ trụ” đến nay có 1,57 triệu người đăng ký và Fanpage 92 ngàn người thích thường xuyên đăng các clip về 5 đứa trẻ giới thiệu là “chú tiểu” mồ côi. Tất cả các clip và cả phần giới thiệu đều kêu gọi từ thiện, thông tin số tài khoản của Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, thậm chí là thông tin liên hệ quảng cáo.
Facebook cá nhân của những người sống ở “tịnh thất Bồng Lai” nhận là thầy, sư cô với lượng tương tác khá lớn thường xuyên đăng tải clip về những đứa trẻ. 
Ngoài ra, còn nhiều kênh youtube khác với sự lầm tưởng hay cố ý đã tham gia truyền thông thái quá cho “tịnh thất" này và những cá nhân ở đây. Chính điều này đó, tạo nên sự nhầm lẫn cho rất nhiều người xem, từ đó có những người phát tâm về vật chất.
Không chỉ thế, những việc làm gần đây xuất phát hoặc có liên quan đến “tịnh thất Bồng Lai” còn có dấu hiệu công kích, làm ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo.
Cụ thể, “tịnh thất Bồng Lai” sinh hoạt như cơ sở tôn giáo. Ông Lê Tùng Vân chưa từng xuất gia nhưng tự xưng “thấy ông nội” hay “hoà thượng”, làm lễ xuất gia cho người khác, nhận tín đồ. Nhiều clip của nhóm cho thấy ông Vân được xưng tụng như vị Phật, thần thánh. Ngoài ra có những clip cho thấy ông Vân bác bỏ giáo lý nhà Phật, khuyên mọi người không tụng kinh…
Nhóm “tịnh thất Bồng Lai” còn tung tin đồn về hoa Ưu Đàm 3.000 năm. Tiếp đó, còn làm một số tập phim hài đăng trên kênh youtube “5 chú tiểu - thiền am bên bờ vũ trụ” lấy hình ảnh Đức Phật để gây cười. Hiện một số tập phim này đã gỡ bỏ trên kênh youtube trên.
(Theo VietNamNet) Linh An

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Trạm thu phí BOT Cai Lậy, nên có hay không?

Cập nhật lúc 15:06                

Những lùm xùm kéo dài lâu nay ở trạm phu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) không phải ở mức phí mà là vị trí đặt trạm. Để giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất "mở thêm trạm thu phí..."!

Sau bao ngày tạm lắng, Trạm thu phí Cai Lậy trở lại trên các phương tiện thông tin đại chúng sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra hướng mới là mở thêm một trạm thu phí riêng để thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Cai Lậy, trạm cũ vẫn giữ nguyên để thu phí hoàn vốn cho dự án tăng cường, cải tạo Quốc lộ (QL) 1. Đây cũng là ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất vào hồi tháng 10-2019. Thực ra, phương án này đã được đề cập trên Báo Người Lao Động từ những ngày đầu khi trạm bắt đầu có dấu hiệu phải tạm ngưng thu phí do gặp phản ứng quyết liệt của giới tài xế dẫn tới phải ngưng thu phí từ cuối năm 2017.
Hiện phương án này có lẽ đạt được sự đồng thuận cao nhất từ phía người dân, khi đang tiến dần tới sự công bằng, có sử dụng mới có chi trả, chỉ phải trả phí cho dịch vụ mình sử dụng. Nhưng vẫn còn những câu hỏi đặt ra, cần Bộ GTVT làm rõ trước khi lập thêm trạm thu phí mới. Một là, trong thời gian tạm ngưng thu phí, mọi chi phí phát sinh sẽ được tính cho hạng mục nào? Tuyến tránh hay QL1? Hay cả 2 dựa trên tỉ lệ vốn đầu tư ban đầu? Nếu không di dời trạm thu phí hiện hữu về phía trong thị trấn, tách biệt với đường tránh, khi xe qua trạm, nhất là với tài xế không thường xuyên lưu thông qua đó, làm sao xác định được mua vé để đi tuyến nào? Hai là, cả tuyến QL1 và tuyến tránh sau nhiều năm không được duy tu, sửa chữa hiện có vài điểm xuống cấp khá nghiêm trọng, vậy khắc phục rồi mới thu phí trở lại hay cứ để vậy rồi tiếp tục thu phí?
Đồ họa Tuổi Trẻ
Giá cả dịch vụ và thời gian thu phí cụ thể cho mỗi tuyến đường thu phí?
Nếu ngay từ cuối năm 2017, Bộ GTVT nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phản biện của báo chí, các chuyên gia giao thông cũng như lắng nghe, thấu hiểu tâm tư của người dân, có lẽ đã không phải chờ đợi tới vài năm, để rồi quay về một trong những phương án ban đầu. Đầu tư BOT ở Việt Nam hiện nay có một cơ chế đặc thù là gần như toàn bộ vốn đầu tư là vay ngân hàng, một ngày trôi qua là thêm một ngày tiền lãi, vậy mà dự án vẫn để đắp chiếu tới hơn 2 năm. Để rồi khi chốt phương án, con số đã đội lên rất nhiều.
 Có lẽ Bộ GTVT và địa phương nên cân đối lại ngân sách, hoàn trả số tiền chủ đầu tư đã bỏ ra ban đầu để cải tạo, tăng cường tuyến QL1 sau khi đã xem xét lại tất cả chi phí thực tế liên quan. Còn với tuyến tránh Cai Lậy, tin rằng người dân sẽ không phản đối với mức phí và thời gian thu phí hoàn vốn, nhất là khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gấp rút hoàn công. Đó cũng là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi: Trạm thu phí Cai Lậy, nên có hay không?
Tuy đây được coi là phương án tốt nhất nhưng sẽ vấp phải sự phản đối từ phía chủ đầu tư. Bởi khi đưa tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác, lưu lượng xe qua QL1 sẽ giảm đáng kể, số xe qua tuyến tránh càng giảm trầm trọng hơn. Thu không đủ bù chi, kéo dài càng lỗ nặng. Vậy nên, số phận trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa có hồi kết. Trừ khi nhà nước mua lại toàn bộ dự án và thu phí, tất nhiên với mức thu hợp lý, thì người dân sẽ phần nào thông cảm và tiếp tục đóng góp bởi giá cả và chất lượng dịch vụ sẽ quyết định tất cả.
(Theo Người Lao Động) Đoàn Quang Huy

Đây chỉ đơn giản là giải pháp “không cho chúng nó thoát”. Bộ, tỉnh cùng nhà đầu tư quyết thu được nhiều tiền càng tốt mà thôi.
Thương Giang

Nhiều trường tại Hà Nội lấy ý kiến phụ huynh về việc đi học lại từ 2/3

Cập nhật lúc 14:55    

Tối 27/2, Bộ GD&ĐT có công văn đề xuất các địa phương xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm một đến hai tuần. Do đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh lịch học sinh quay lại trường. Hà Nội vẫn tiếp tục lấy ý kiến cha mẹ học sinh.


Nhiều địa phương liệu có tiếp tục cho học sinh nghỉ học theo đề xuất của Bộ?

Bà Nguyễn Thị Thuý, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sau khi có công văn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh lịch học sinh quay lại trường theo công văn của Bộ GD&ĐT.

Theo bà Thuý, tối ngày 27/2, Sở GD&ĐT Quảng Ninh mới nhận được công văn mới nhất của Bộ GD&ĐT về việc đề xuất các địa phương xem xét cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ thêm một đến hai tuần.

Trong khi đó, từ ngày 26/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản hỏa tốc về việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học lại ngày 2/3.

“Văn bản của UBND tỉnh Quảng Ninh ra trước công văn của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở công văn 586 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND thành phố. Chắc chắn trong ngày 28/2, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có văn bản điều chỉnh theo theo đúng tinh thần của Bộ GD&ĐT” - bà Thúy nói.

Cũng trong ngày 27/2, đã có một số địa phương thông báo học sinh quay lại trường học từ ngày 2/3.

Cụ thể, chiều ngày 27/2, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn đồng ý cho học sinh, sinh, viên, trẻ mầm non quay lại trường học từ 2/3. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã ký quyết định sửa đổi, bổ sung khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 theo kế hoạch điều chỉnh của Bộ GD&ĐT.

Tại Hà Nội, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 họp chiều nay, Chủ tịch UBND TP mới quyết định việc học sinh có quay lại trường học từ ngày 2/3 hay không. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến 31 điểm cầu do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Chử Xuân Dũng quán triệt tinh thần, yêu cầu các nhà trường khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, chuẩn bị máy đo nhiệt độ cũng như các phương án sẵn sàng cho học sinh quay lại trường học từ 2/3.

Ông Dũng cũng khẳng định: “Nếu không có gì thay đổi, học sinh sẽ quay lại trường học từ ngày 2/3”. Các trường học tại Hà Nội hiện đang tổ chức lấy ý kiến cha mẹ học sinh về việc có nên cho con quay lại trường học từ ngày 2/3 hay không. Trong đó, nhà trường đưa ra 2 hoặc 3 phương án gồm: Tiếp tục nghỉ; Đi học hoặc có thêm phương án khác.



Đa số phụ huynh chọn phương án tiếp tục nghỉ

Chiều ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ học phòng chống dịch, bệnh Covid-19.

Theo văn bản của Bộ GD&ĐT, ngày 22/2, Bộ đã điều chỉnh khung thời gian năm học 2019-2020. Theo đó, thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6, thi THPT từ ngày 23 đến 26/7. Trong công văn đó, Bộ đã đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, THCS, THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2/3 nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, không có diễn biến phức tạo thêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, trước tình hình Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở một số nước, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ học từ 1 đến 2 tuần. Học sinh THPT , học viên trung tâm giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2/3/2020. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống Covid-19, đảm bảo an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát tình hình, diễn biến và kiểm soát dịch bệnh để hướng dẫn kịp thời các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2019 -2020.
(Theo Tiền Phong) Hà Linh

Hà Nội lại có chiêu “đá trách nhiệm” thật hay! Phụ huynh sao biết được lúc nào đến trường có an toàn hay không mà lấy ý kiến của họ? Trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lí sao lại đá cho người dân, vậy họ ăn lương bằng thuế dân để làm gì ấy nhỉ?
Thương Giang
Nữ diễn viên Hàn gây bão vì câu chuyện bị kỳ thị ở Việt Nam
 Cập nhật lúc 14:45    

Tối 27.2, Choi Yul chia sẻ chuyện cô bị tài xế Grab gửi tin nhắn từ chối chuyến xe vì là người Hàn Quốc. Đồng thời cô cùng gia đình cũng chịu cảnh phân biệt đối xử khác khi sống ở TP.HCM.


Choi Yul chia sẻ bị tài xế taxi từ chối chở vì là người Hàn
Ảnh: Instagram NV
Choi Yul cùng chồng và hai con trai là một trong những gia đình Hàn Quốc đang sống tại quận 2 (TP.HCM). Trong bài đăng mới trên trang cá nhân, cô đã đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn của một tài xế taxi công nghệ từ chối chở cô vì lý do là người Hàn Quốc nên sợ nhiễm Covid-19. Kèm với đó, người đẹp để nguyên thông tin cá nhân của vị tài xế này trong bức ảnh. Cô bày tỏ sự bức xúc: “Đây là tin nhắn từ chối chở người Hàn Quốc mà tài xế taxi gửi đến… Tình trạng kỳ thị người Hàn tại Việt Nam đang dần trở nên tồi tệ hơn”.
Cô cũng tiếp tục kể những trải nghiệm đáng buồn mà mình và gia đình những ngày qua đã trải qua tại nơi sinh sống: “Nếu như trong thang máy có người Hàn Quốc thì họ sẽ không vào thậm chí thấy người Hàn đi trên đường có người còn chửi rủa nữa. Bảo vệ thì tìm đến nhà giám sát, họ kiểm tra giấy tờ tạm trú và hộ chiếu rồi tra đi tra lại nhiều lần xem mình có phải người Hàn không…”. Cô cũng bày tỏ nỗi thất vọng khi người Việt thay đổi cách nhìn về người Hàn: “Chỉ mới đây thôi, nơi đây vẫn là đất nước tôn thờ ông Park Hang Seo mà giờ mọi chuyện lại thành ra thế này. Tôi phải tiếp tục sống như thế trong bao lâu nữa đây? Thật đáng sợ…”.


Bài đăng của nữ diễn viên xứ kim chi trên trang cá nhân
Ảnh: Chụp màn hình Instagram NV

Dòng trạng thái của Choi Yul nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dân mạng Việt Nam lẫn Hàn Quốc. Nhiều trang tin xứ kim chi cũng đăng tải bài viết của nữ diễn viên này lên các phương tiện truyền thông. Sự việc gây ra không ít tranh cãi. Giữa lúc dân mạng Việt - Hàn đang căng thẳng vì chuyện cách ly 20 khách Hàn ở Đà Nẵng cách đây ít ngày, câu chuyện của Choi Yul như “thêm dầu vào lửa”. Nhiều cư dân mạng xứ củ sâm tỏ ra bức xúc với cách mà người Việt đối xử với dân họ. Nhiều ý kiến chỉ trích người Việt thậm tệ thậm chí kêu gọi nhau tẩy chay đến các điểm du lịch ở Việt Nam sau khi hết dịch.
Bên cạnh đó, có nhiều cư dân mạng bày tỏ sự cảm thông đối với bà mẹ hai con vì phải chịu đựng những chuyện đáng buồn này song họ cho rằng việc Việt Nam kiểm soát công dân Hàn nhất là những người có thể trở về từ vùng dịch là điều tất yếu bởi tình hình dịch Covid-19 ở Hàn đang diễn biến phức tạp. “Điều này cũng dễ hiểu, họ phải ưu tiên an toàn cho nước họ trước đã”, một dân mạng bình luận. Tài khoản khác lên tiếng: “Dù tôi cảm thấy khó chịu khi nghe những mẩu chuyện như thế nhưng họ kiểm soát như vậy cũng dễ hiểu mà”. “Cách ứng phó mỗi nước mỗi khác nhau, cô ở nước họ thì tốt nhất cứ chấp hành đi đã”, một khán giả bày tỏ ý kiến.
Bên cạnh sự quan tâm của người Hàn, câu chuyện của Choi Yul cũng nhận được sự chú ý từ dân mạng Việt Nam. Nhiều người chỉ trích nữ diễn viên vì than thở, bày tỏ nỗi thất vọng khi sống ở mảnh đất hình chữ S và bình luận bằng những từ ngữ khó nghe. Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc kiểm soát dịch chặt chẽ là tốt song không phải vì thế mà người Việt cư xử quá tiêu cực với những công dân Hàn. Một số bình luận tỏ ra thông cảm với những gì mà Choi Yul và gia đình phải chịu đựng đồng thời hi vọng tình hình dịch bệnh sớm được xử lý để cả người Việt lẫn người Hàn đều không cảm thấy hoang mang, lo sợ từ đó có những hành động cực đoan. Trước những ý kiến tranh cãi trái chiều của dân mạng, Choi Yul đã khóa trang cá nhân vào sáng 28.2.
Choi Yul là một diễn viên ít tên tuổi tại Hàn và từ lâu đã không còn hoạt động trong ngành giải trí. Hồi tháng 2.2018, cô trở thành cái tên thu hút sự chú ý từ truyền thông xứ kim khi đăng bài tố cáo “ông bố quốc dân” Jo Jae Hyun quấy rối tình dục. Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ sau đó xóa bài đăng và khóa trang cá nhân. Sau sự việc, phía Jo Jae Hyun nhanh chóng thừa nhận hành vi sai trái và vấp phải làn sóng chỉ trích nặng nề. Ít ngày sau, Choi Yul mở lại trang cá nhân nói rằng không muốn nói thêm điều gì vì sợ các con bị tổn thương. Người đẹp cũng tiết lộ cô bị dọa giết và rất lo sợ vì điều đó. Đây là những nguyên nhân khiến cô xóa bài viết. Được biết nữ ca sĩ họ Choi và chồng con đã đến TP.HCM sinh sống từ lâu, trên trang cá nhân, cô liên tục đăng tải hình ảnh đời thường giản dị, hạnh phúc bên ông xã và 2 nhóc tì.
(Theo Thanh Niên) Thanh Chi

Được sống ở đất nước an toàn song một số cư dân HQ lại không hiểu rằng tại sao VN ngăn chặn dịch bệnh tốt như thế. Chắc họ muốn những con bệnh chạy lông nhông ngoài đường để truyền bệnh cho mọi người, như chính nước họ nay đang chịu hậu quả.
VN hiện có rất nhiều người ngoại quốc đang sinh sống, trong đó nhiều người Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… họ chấp hành nghiêm quy định của nước sở tại, đâu có ai kì thị. Chỉ thấy toàn chuyện người Hàn Quốc không chịu chấp hành các biện pháp phòng dịch (như vụ hàng chục người mà Đà Nẵng phải trả về). Nhập gia tùy tục, họ đến VN nhưng lại không muốn chấp hành luật pháp VN thì tốt nhất họ hãy về nhà, VN không chào đón những người không tôn trọng luật pháp.
Thương Giang

Mất 4 ngày vận động mới đưa được người đàn ông Hàn Quốc đi cách ly

Cập nhật lúc 14:28    

Sau 4 ngày kiên trì thuyết phục, đoàn công tác chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Bình đã đưa được người đàn ông mang quốc tịch Hàn Quốc (đến từ vùng dịch của quốc gia này) đi cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình vào chiều 27-2.


Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn xe chở các công dân đến điểm cách ly tập trung - Ảnh: KHÁNH LINH

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình, tính đến 8h ngày 28-2, có tất cả 55 người từ vùng dịch hoặc đi ngang qua vùng có dịch đang được cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh Thái Bình ở xã Đông Phong, huyện Đông Hưng.

Trong đó có 51 người trở về từ Hàn Quốc, 2 người từ Nhật Bản và 2 trường hợp tiếp xúc gần với người trở về từ vùng có dịch.

Ngoài ra có 3 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại BVĐK tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thơm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, cho biết sau nhiều ngày kiên trì vận động, thuyết phục thì đến 14h ngày 27-2, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cùng các ban ngành chức năng cũng đã đưa được ông Kim In Jong (52 tuổi, nhập cảnh từ Daegu, Hàn Quốc đến Thái Bình vào ngày 23-2) đi cách ly, theo dõi sức khỏe tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình.

Vào ngày 23-2, ông Kim In Jong nhập cảnh vào Việt Nam nhưng không làm thủ tục khai báo y tế mà đi về một khách sạn tại TP Thái Bình để lưu trú.

Sau khi nắm thông tin, các ngành chức năng xác minh được ông Kim là chuyên gia của một công ty tại cụm công nghiệp Trần Lãm (TP. Thái Bình) đang lưu trú tại khách sạn TĐ trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Ngày 24-2, đoàn công tác đã vận động ông Kim đi cách ly theo quy định nhưng tại thời điểm đó ông này không hợp tác, kiên quyết không vào nơi cách ly để theo dõi sức khỏe.

Sau nhiều ngày "mềm môi" vận động, đến chiều 27-2, đoàn công tác chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Bình đã đưa được ông này đi cách ly tập trung.

Theo ông Thơm, thời điểm ông Kim In Jong đến địa điểm cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh thì tình trạng sức khỏe bình thường, không ho, không sốt.

"Trong thời gian cách ly, ông Kim được hưởng các chế độ chăm sóc y tế cũng như vật chất và tinh thần như công dân Việt Nam. Ngoài ra, công ty nơi ông Kim In Jong đang làm việc cũng hỗ trợ thêm" - ông Thơm cho hay.

(Theo Tuổi trẻ) TIẾN THẮNG - KHÁNH LINH

Việt Nam cần học Singapore, có quy định nghiêm minh việc cách li phòng dịch, không hợp tác sẽ cưỡng chế ngay và phạt tiền, phạt tù nếu tội nặng. Coi chống dịch như chống giặc tức là tinh thần như thời chiến, kỉ luật thời chiến luôn tăng cao hơn bình thường. Nếu cứ nhu nhơ thì người dân sẽ chịu hậu quả.
Thương Giang
Hơn 200.000 tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa tin giáo chủ sống bất tử   
Cập nhật lúc 14:20    

Tân Thiên Địa, giáo phái bí ẩn là tâm điểm đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Hàn Quốc, có mạng lưới rộng lớn đến mức có thể huy động hàng nghìn tín đồ tham gia đồng diễn tại sự kiện.

Trước khi trở thành tâm điểm chỉ trích, vào năm 2012 tại sân vận động Olympic Jamsil của Seoul (nơi diễn ra Thế vận hội 1988), trong khi hàng trăm tín đồ Tân Thiên Địa trình diễn các cảnh trong Kinh thánh trên sân vận động, hàng nghìn người khác lật trang kinh thánh theo thứ tự, tạo ra bối cảnh thay đổi liên tục và gợn sóng ở một góc khác trên sân.

Tân Thiên Địa có hơn 1.000 nhà thờ ở Hàn Quốc và tự hào có hơn 240.000 tín đồ trên toàn thế giới.

Cho tới nay, hơn một nửa trong số gần 1.600 ca nhiễm bệnh của Hàn Quốc có liên quan đến tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa, theo AFP.

Một nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa tại tâm dịch Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

"Thiên đường và Trái Đất mới"
Giáo phái Tân Thiên Địa được ông Lee Man Hee, hiện 88 tuổi, thành lập năm 1984. Trong tiếng Hàn, Tân Thiên Địa (Shincheonji) có nghĩa là "thiên đường và Trái Đất mới".

Trên trang web chính thức, giáo phái này tự mô tả mình là "vương quốc và đền thờ duy nhất của Thiên Chúa trên Trái Đất", cam kết sẽ làm theo ý muốn của Chúa Jesus "bằng cách hy sinh thân xác của chúng ta như một ngọn nến".

Tân Thiên Địa tuyên bố ông Lee đã mặc áo choàng của Chúa Jesus và sẽ đưa 144.000 người cùng ông lên thiên đường vào ngày phán xét.

"Các tín đồ của Tân Thiên Địa tin rằng ông Lee Man Hee là người sống bất tử", chuyên gia Ji-il Tark tại Đại học Busan Presbyterian ở Hàn Quốc, nói với AP.

"Để truyền bá niềm tin của mình, họ thường tiếp cận người thân và người quen hoặc lén lút đến các nhà thờ khác mà không nói rằng họ là thành viên Tân Thiên Địa", chuyên gia Ji-il Tark nói thêm.

Theo AFP, giáo phái này âm thầm chiêu mộ tín đồ mới bằng cách phái các thành viên đến những hội thánh Tin lành chính thống và cố gắng thuyết phục các tín đồ Tin lành. Chính chiến thuật này khiến nhiều nhà thờ đưa ra cảnh báo không cho phép họ vào.

Các tín đồ của Tân Thiên Địa được cho là thường bí mật đi thuyết phục mọi người cải đạo và không tiết lộ danh tính. Điều này khiến việc xác định mối liên hệ giữa họ với nhau trở nên rất khó khăn, theo hãng tin NPR.

Cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết đang phải vật lộn để tiếp cận với các tín đồ của Tân Thiên Địa ở tâm dịch Daegu nhưng hàng trăm người không phản hồi, theo Korea Herald.


Nhân viên phun thuốc khử trùng ngoài nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu hôm 19/2. Ảnh: Reuters. Bệnh nhân số 31

Tại các điểm tụ họp của Tân Thiên Địa, tín đồ bị cấm đeo kính, dây chuyền và khuyên tai.

Họ ngồi gần nhau trên sàn nhà mà không có ghế và bàn, cầu nguyện cùng nhau. Giới chuyên gia cho rằng đây là điều kiện lý tưởng để virus lây nhiễm.

Duhyen Kim, cựu tín đồ thuộc phái này, cho biết các giáo dân được khuyến cáo không nên đeo khẩu trang khi cầu nguyện vì đó là hành động "không tôn trọng chúa", theo CNN. Nhà thờ cũng nhận gọi điện và không bằng lòng khi biết giáo dân bị ốm, Kim nói.

Dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc có liên quan mật thiết đến bệnh nhân số 31, tín đồ 61 tuổi của giáo phái Tân Thiên Địa. Bà bị sốt vào ngày 10/2, nhưng đã tham dự ít nhất bốn buổi lễ tại nhà thờ ở Daegu trước khi được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Daegu là thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc và hiện là tâm dịch Covid-19.

Sau nhiều ngày đối mặt làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng, phái Tân Thiên Địa đã trao danh sách 212.000 tín đồ cho chính quyền để kiểm tra triệu chứng nhiễm virus corona chủng mới.


Các khu chợ ở Seoul có nhân viên đến phun thuốc khử trùng. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, trước đó, giáo phái này tuyên bố có 240.000 tín đồ. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về tính chính xác của danh sách mà Tân Thiên Địa giao cho chính quyền.

Phái Tân Thiên Địa có 12 nhánh ở Hàn Quốc, theo cách gọi của họ là "12 bộ lạc". Mỗi nhánh được đặt theo tên một trong những môn đệ của Chúa Jesus.

Trên trang web chính thức, giáo phái này tuyên bố có trung tâm truyền giáo ở 15 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ, cùng hàng trăm mục sư đã từ bỏ chức danh để gia nhập Tân Thiên Địa.

Khả năng huy động hàng nghìn tín đồ trình diễn tập thể
Vào tháng 1, CNN đưa tin hàng nghìn thành viên giáo phái Tân Thiên Địa đã tập trung tại hội nghị thường niên tại Gwacheon, gần thủ đô Seoul.

Sau đó, từ ngày 31/1-2/2, một số tín đồ khác chưa thể xác định danh tính đã cùng đến dự đám tang anh trai ông Lee Man Hee, người sáng lập phái này. Trước đó, người này được cho đã nhập viện tại Bệnh viện Cheongdo Daenam.

Bệnh viện là điểm nóng thứ hai về virus corona ở Hàn Quốc, với 114 trường hợp nhiễm bệnh. Hơn một nửa trong số 13 trường hợp tử vong ở nước này có liên quan đến bệnh viện Cheongdo Daenam.
Người nghi nhiễm virus corona chủng mới xếp hàng chờ thăm khám tại Daegu. Ảnh: AP.
Tính đến 28/2, số người nhiễm virus corona ở Hàn Quốc đã lên tới 2.022. Hôm 27/2 đã chứng kiến mức tăng kỷ lục kể từ khi bệnh lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu bùng phát tại Hàn Quốc từ thánh lễ ngày 16/2 ở nhà thờ giáo phái Tân Thiên Địa thuộc thành phố Daegu.

Daegu vẫn là thành phố chiếm tỷ lệ ca nhiễm cao nhất trên toàn quốc với hơn 60%.
(Theo Zing.vn) Hương Ly

BB Trần gây phẫn nộ vì 'cà khịa' người Việt vụ nhà đài, du khách Hàn

Cập nhật lúc 09:42      

 

Diễn viên BB Trần đang hứng chịu những chỉ trích nặng nề khi đăng dòng trạng thái ẩn ý bênh vực nhóm du khách Hàn Quốc.


Phát ngôn đẩy ẩn ý của BB Trần khiến cộng đồng mạng dậy sóng
Ảnh: FBNV/Chụp màn hình

Trong lúc mọi người đang lên tiếng chỉ trích nhóm 20 du khách Hàn Quốc và đài truyền hình YTN News của nước này chê bai khu cách ly và bánh mì Việt Nam thì BB Trần lại gây nên một làn sóng tranh cãi dữ dội khi đăng dòng trạng thái ẩn ý bảo vệ Hàn Quốc cũng như đánh giá về cách ứng xử của người Việt Nam. Nam diễn viên này cho rằng nhiều người lợi dụng thông tin dịch bệnh là vụ lợi khiến bản thân anh không biết đâu là sự thật. Bên cạnh đó, BB Trần còn cho rằng mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng, chính vì vậy, việc phản ứng dữ dội là không nên. Anh phát biểu: "Chuyện gì cũng làm căng lên dù chưa biết nguyên nhân, sự tình như thế nào, chưa bệnh vì bể phổi thì đã chết vì bể não rồi".
Ngoài ra, BB Trần càng khiến làn sóng chỉ trích trở nên dữ dội với phát ngôn: "Mới vài ngày trước còn nghe tung hô nào là điện ảnh hay, nghệ sĩ giỏi, sản phẩm chất lượng, nhưng khi có biến là lật mặt còn hơn 3 phần phim của anh Lý Hải, rồi lại nâng cao tinh thần dân tộc bằng cách tung hô những mặt tốt của đất nước, ủa mắc gì cực vậy? Sao ngay từ đầu không ủng hộ đi? Phim Việt thất thu kìa, nông sản thất thủ kìa... Ủa, không liên quan!". Quan điểm này của BB Trần khiến khán giả cho rằng anh đang "cà khịa" chính người dân Việt Nam. Anh còn "khuyên" mọi người hãy sống tích cực và nhìn nhận sự việc theo hướng đa chiều. BB Trần bày tỏ quan điểm: "Làm ơn hãy sống một cách tích cực đi, đừng tiêu cực nữa, tiêu cực là sau này đi tiêu cực lắm đó. Còn nữa, hãy nhìn nhận và phán xét mọi việc theo nhiều hướng chứ đừng nhìn một hướng. Hãy sống một mặt và nhìn nhiều hướng, đừng nhìn một hướng và sống nhiều mặt".
Sau vài giờ đăng tải, bài viết của cựu trưởng nhóm BB&BG thu hút gần 29.000 lượt xem và hàng trăm lượt bình luận cùng với chia sẻ. Dòng trạng thái của nam diễn viên sinh năm 1990 nhận về không ít sự phẫn nộ và chỉ trích từ cộng đồng mạng. Khán giả cho rằng BB Trần đã không theo dõi tin tức và có phát ngôn sai lệch. Một số tài khoản gay gắt lên án: "Một bộ phận dân cư Hàn Quốc có nói xấu hay làm gì cũng được. Nhưng đây là đài truyền hình của một đất nước bịa đặt sai sự thật là không chấp nhận được" hay "Trước khi đăng bài thì hãy nghĩ trong trường hợp của người phục vụ, anh ra Đà Nẵng mà chứng kiến người ta xúc phạm dân mình như thế nào đi anh ơi!".


BB Trần kiên quyết không xóa bài viết gây dậy sóng dư luận mặc dù thừa nhận bản thân đã sai. Ảnh: Chụp màn hình

Bên cạnh đó, một số cư dân mạng còn thể hiện thái độ bức xúc khi BB Trần để cập đến vấn đề phim Việt thất thu trong khi đó lại ca ngợi các tác phẩm của Hàn Quốc. Một khán giả thể hiện quan điểm: "Đúng là trong một đất nước thì sẽ có người tốt kẻ xấu, Hàn Quốc có điện ảnh hay, nghệ sĩ giỏi, sản phẩm chất lượng thật nhưng việc nào ra việc đấy chứ anh. Những mặt tốt không tung hô chẳng lẽ đem ra chê bai? Bị chê bai, gán mác xấu làm ảnh hưởng đến hình ảnh, văn hóa của nhà anh thì em cũng không nói nhưng vấn đề là làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế mà anh phát ngôn như thế thì em chịu rồi. Nhất là đang trong thời điểm nhạy cảm như này, tầm ảnh hưởng của anh cũng không nhỏ đối với công chúng thế mà. Thật sự bất ngờ và khá sốc khi thấy anh phát ngôn như vậy".
Hay một tài khoản khác bức xúc hơn: "Ai mà không biết ở đâu cũng có người này người kia. Thế giờ một vài người Hàn Quốc "ăn không nói có" làm xấu hình ảnh Việt Nam vậy không được nói lại sao? Mà đây chỉ là khẩu hiệu vô cùng lịch sự chứ có gì mà quá đáng. Phim hay thì khen thôi còn xúc phạm đất nước thì phải lên tiếng. Còn xem phim hay mà chửi rồi đi ca tụng bọn nói xấu nước mình mới là đầu óc có vấn đề đấy. Doanh thu phim tệ thì do phim dở thôi". Công chúng còn nhắc nhở BB Trần nên phân biệt rõ ràng giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và chính trị. Một cư dân mạng nhấn mạnh: "Nói chuyện thì dùng não mà suy nghĩ, đừng nghĩ mình là người công chúng thì muốn nói sao thì nói, một bên là tự tôn dân tộc, một bên là sản phẩm thương mại sao lại lôi vào so sánh một cách thiếu hiểu biết như vậy được".
Trước làn sóng "ném đá" dữ dội của công chúng, BB Trần vẫn kiên quyết giữ vững lập trường. Cựu trưởng nhóm BB&BG thừa nhận bản thân sai khi đăng tải dòng trạng thái vào đúng thời điểm nhạy cảm và nhấn mạnh chỉ nói những gì bản thân biết. Tuy nhiên, anh quyết không xóa dòng trạng thái gây tranh cãi nói trên. Nam diễn viên chia sẻ: "Những gì mình muốn nói rất rõ ràng, nên ai hiểu mình thì hiểu, còn ai muốn hiểu sai hay giật dây để khiến nhiều người hiểu sai thì mình cũng đành chịu, lần này đúng là mình sai khi đã nói những điều này không đúng thời điểm, nhưng mình vẫn sẽ không xóa vì đó là quan điểm của mình, mình không bênh ai chỉ đang nói những gì mình biết, mình từng phải chịu trong thời gian qua, cảm ơn mọi người đã quan tâm và xin lỗi đã làm mọi người lo lắng". Việc BB Trần kiên quyết bảo vệ suy nghĩ cá nhân khiến anh tiếp tục nhận "gạch đá", thậm chí, khán giả còn kêu gọi mọi người hủy theo dõi BB Trần.
Trước đó, khi thành viên của Chạy đi chờ chi chia sẻ khoảnh khắc tự cách ly tại nhà sau khi trở về từ Hàn Quốc, đồng thời, nam diễn viên này còn khẳng định: "Vùng dịch là hai địa phương Daegu và Gyeongsang, còn em ở Seoul. Chứ không phải cả đất nước Hàn Quốc chỉ có hai địa phương này nhé", khiến đa số công chúng đều lên án. Nhiều người đưa ra bằng chứng Seoul cũng có ca nhiễm bệnh. Ngoài ra, khi BB Trần chia sẻ bản thân đã chủ động tạm ngưng việc trừ trường hợp diễn ở sân khấu khiến công chúng lo lắng và hoang mang. Hầu hết khán giả cho rằng BB Trần thiếu ý thức trong việc phòng chống bệnh dịch và khuyên anh không nên đi diễn. Một số tài khoản lên tiếng: "Anh từ Seoul về xong rồi tính đi diễn sân khấu vì bất khả kháng? Anh có ý thức được việc bệnh sẽ lây lan như thế nào không vậy?" hay "Seoul cũng có nhiều ca nhiễm kìa. Mà đi diễn, chỗ diễn nhiều người, cũng dính như thường thôi"...

BB Trần lên tiếng xin lỗi
Sau khi có những phát ngôn gây sốc và bị cộng đồng mạng "ném đá" dữ dội, BB Trần đã "lật mặt" xóa bài viết trên và thay bằng một bài viết đính chính, xin lỗi khán giả. Anh lên tiếng giải thích và đính chính: "Thật sự là chuyện này BB không có ý bênh vực ai cả, chỉ nói những người vụ lợi, tiêu cực thôi, ban đầu tung hô chi để sau đó chửi, còn những gì của nước mình sao ngay từ đầu không ủng hộ, thiệt là ý tôi chỉ có vậy, chứ thấy mọi việc càng ngày đi càng xa rồi, gì mà tới việc đất nước là thấy sợ rồi đó, BB chẳng là gì cả, chỉ là công dân bình thường thôi, nên mọi người đừng đem LGBT, đừng đem giới nghệ sĩ ra để nói như vậy. BB không muốn ảnh hưởng ai cả, có muốn chửi thì cứ chửi BB thôi, là do BB sai, nhưng đang trong tình hình thế này, mọi người hãy bỏ qua đi đừng làm lớn mọi chuyện để thêm rắc rối nữa... Xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng mọi người". BB Trần viết trên trang cá nhân.

(Theo Thanh Niên) Minh Hy


Từng có chuyện mấy nam thanh nữ tú quá sùng bái “sao” Hàn, coi cái gì của họ cũng hay, cũng thơm đến mức ngửi cả chỗ “sao” vừa ngồi! Cái anh BB Trần này chẳng phải còn ở tuổi “ô mai” mà cũng sùng tín người Hàn bất chấp đúng sai kể cũng lạ! Bệnh nhược tiểu xem ra vẫn dai dẳng ở một số người! Nếu không phải sự tự ti thì tư duy anh (nhìn như chị) này có vấn đề!
Thương Giang

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Hà Nội: Cách ly gần 780 người, thêm 1 ca nghi nhiễm Covid-19 tại Hoàng Mai

 Cập nhật lúc 15:22                

Tính đến 12h ngày 27/2, Hà Nội phát hiện thêm 1 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại Hoàng Mai, đồng thời cách ly và giám sát y tế thêm 89 người. 



Tính đến 12h ngày 27/2, Hà Nội phát hiện thêm 1 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại Hoàng Mai, đồng thời, cách ly và giám sát y tế 89 người.

 Tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến 12h ngày 27/2, Hà Nội phát hiện thêm 1 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 tại Hoàng Mai, đã đưa về cách ly, theo dõi chặt tại BV Công an thành phố; Đồng thời, cách ly và giám sát y tế 89 người, trong đó có 8 người về từ vùng dịch.
Như vậy đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cách ly và giám sát y tế 778 người.
Cũng trong ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cho biết, số ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc lần đầu tiên lớn hơn số nhiễm mới của Trung Quốc, đánh dấu bước ngoặt lây lan dịch trên phạm vi toàn cầu.
Hiện tại, tất cả các châu lục, trừ châu Nam cực đều ghi nhận ca nhiễm Covid-19 với tổng số 82.123 ca mắc tại 49 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Trung Quốc dẫn đầu với 78.473 mắc, 2.741 tử vong, tiếp đến Hàn Quốc có 1.595 mắc, 12 tử vong, Nhật Bản 877 mắc, 7 tử vong, trong đó tàu Diamon Princess: 705 mắc, 4 tử vong; Ý 453 mắc, 12 tử vong, Iran 139 mắc, 19 tử vong.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số trường hợp mắc tăng nhanh và cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu và khu Bắc Gyeongsang.
Tại Việt Nam, từ ngày 13/02/2020 đến nay không ghi nhận các trường hợp mắc mới, 16 ca mắc đều đã được điều trị khỏi và xuất viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 1.304. Hiện đang theo dõi, cách ly 92 người nghi ngờ nhiễm Covid-19 và 5.474 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt với "ổ dịch" từ Hàn Quốc, Ban Chỉ đạo cho biết, Bộ Ngoại giao, các hãng hàng không thông báo rộng rãi về việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người từ vùng dịch Hàn Quốc vào Việt Nam.
Đối với người Hàn Quốc và người đã qua Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 11/2, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cập nhật ngay danh sách và nơi cư trú, lưu trú, gửi các tỉnh, thành phố để rà soát, thực hiện giám sát y tế và tổ chức cách ly các trường hợp được phát hiện đến từ vùng có dịch của Hàn Quốc, hoặc tiếp xúc gần với người từ vùng dịch.
Về các tuyến bay giữa Việt Nam-Hàn Quốc, hiện nay không còn chuyến bay tới vùng có dịch, tần suất các chuyến bay tới các cảng hàng không khác của Hàn Quốc đã giảm 60-70%... 
Theo Báo Giang thông