Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Hiện trường vụ phóng vên bị đánh không thuộc khu vực cấm chụp ảnh

 

Cập nhật lúc 21:14  

 

Khi cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường để điều tra cần có dấu hiệu, cảnh báo để người dân và nhà báo tác nghiệp biết và theo các chuyên gia pháp lý, hiện trường vụ việc này không thuộc khu vực “cấm chụp ảnh”.

 Hiện trường vụ việc không thuộc khu vực cấm chụp ảnh
Trong vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9, từ vị trí những người ngăn cản nhà báo tác nghiệp (bìa trái) đến vị trí chiếc taxi có tài xế tự tử (bìa phải) còn có rất đông người, không rõ vị trí nào là ranh giới hiện trường vụ việc - Ảnh cắt từ clip
Ngay khi có những vụ sự kiện như tai nạn giao thông, cháy nổ, án mạng… xảy ra, phóng viên các cơ quan báo chí thường có mặt lập tức để tác nghiệp, thông tin sự kiện.
Nhiều vụ việc được đăng tải đầy đủ với những hình ảnh, video clip, lời kể sinh động của các nhân chứng tại hiện trường. Tuy nhiên, lại có vụ việc cơ quan chức năng ngăn cản không cho phóng viên quay phim chụp ảnh vì cho rằng đó là “khu vực cấm”.
Hiện trường vụ việc có phải là khu vực cấm, thuộc phạm vi “bí mật nhà nước” hay không? Tuổi Trẻ đã trao đổi với các luật sư, kiểm sát viên.
Không phải là khu vực cấm
Luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định: "Hiện trường xảy ra chết người không phải là khu vực cấm".
Luật sư Thuấn cho biết theo quy định của pháp luật, khu vực cấm, địa điểm cấm thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được thiết lập để bảo vệ, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của người, phương tiện nhằm duy trì trật tự, an ninh và phòng, chống các hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật Nhà nước trong khu vực, địa điểm đó.
Căn cứ quyết định số 160/2004/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ về xác định địa điểm, khu vực cấm thì khu vực cấm, địa điểm cấm gồm:
1. Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển;
2. Các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân;
3. Các kho dự trữ chiến lược quốc gia;
4. Các công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội;
5. Khu vực biên giới;
6. Khi có tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và trong trường hợp có thảm họa do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô lớn… mà Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp thì bộ trưởng Bộ Công an, chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được quyền xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tạm thời.
Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển "khu vực cấm", "địa điểm cấm".
Căn cứ vào những quy định trên thì hiện trường vụ việc chết người không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm.
Chụp ảnh sự kiện pháp lý không làm lộ bí mật
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung - viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM, cũng khẳng định  khu vực phong tỏa để điều tra cần được thông báo công khai.
Thường khi xảy ra chết người, dù chưa rõ đó là án mạng hay tự tử thì ngay khi phát hiện hay nhận được thông tin về vụ việc, cơ quan công an sẽ có mặt và cho phong tỏa hiện trường để điều tra. Đây là công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan điều tra.
Do để đảm bảo hiện trường vụ án phải được giữ nguyên cho công tác thu thập chứng cứ điều tra chính xác, khu vực điều tra hiện trường là khu vực cấm, chỉ có cơ quan chức năng, người có nhiệm vụ mới được phép có mặt.
Tuy nhiên, để phân biệt đâu là ranh giới cấm vào thì cơ quan chức năng tại hiện trường (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, công an địa phương… ) cần có biện pháp để thông tin cho những người có mặt  tại khu vực hiện trường biết.
Công an có thể cho giăng dây, dựng rào chắn hoặc trong trường hợp khẩn cấp không có những phương tiện đó thì có thể cắt cử người đứng tại ranh giới đó để cảnh báo cho những người hiếu kỳ hay các phóng viên tác nghiệp, đến đưa tin về vụ việc biết, không bước vào khu vực cấm.
Nếu không có những biện pháp thông tin cảnh báo về khu vực cấm xâm phạm trên thì rất khó để ngăn người hiếu kỳ, thân nhân của người chết hay các nhà báo tác nghiệp biết đâu là ranh cấm để không bước vào.
Luật sư Trương Xuân Tám - chủ tịch Hội đồng luật sư toàn quốc, cũng cho rằng hiện trường án mạng, tự tử… không bị cấm chụp ảnh. 
Quy định khu vực cấm chụp ảnh thường là những nơi mà việc chụp ảnh có thể làm lộ bí mật quốc phòng, an ninh quốc gia.
Còn khu vực xảy ra sự kiện pháp lý (như vụ tự tử, tai nạn, án mạng… ) không phải là khu vực mà việc chụp ảnh có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, lộ bí mật quốc phòng, bí mật nhà nước.
Nặng lời vì không biết người thi hành không vụ, không thể phạt
Nhiều trường hợp cảnh sát hình sự mặc thường phục có mặt tại hiện trường vụ việc nhưng không xưng danh, người dân không biết đó là người thi hành công vụ nên trong tranh cãi có thể nói nặng lời, việc này liệu có bị xem là hành vi lăng mạ người thi hành công vụ?
Theo luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn luật sư TP HCM, người thi hành công vụ là cán bộ công an thì phải đảm bảo đúng các quy định về điều lệnh nội vụ công an nhân dân về trang phục, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục phải theo yêu cầu công tác của ngành. Tuy nhiên khi thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu công tác thì cán bộ, chiến sĩ luôn phải mang theo thẻ ngành.
Trường hợp tiếp xúc, kiểm tra, xử lý công việc theo nhiệm vụ đối với người dân hay đối tượng thì cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục phải xuất trình thẻ ngành.
Hoặc khi thực hiện các nhiệm vụ thì cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục có thể đi cùng với cảnh sát địa phương có mặc cảnh phục kèm theo các giấy, lệnh, yêu cầu cụ thể.
Khi thực hiện nhiệm vụ, tiếp xúc với người dân hay đối tượng thì cán bộ, chiến sĩ phải bảo đảm lễ tiết, tác phong...
Còn theo luật sư Trương Xuân Tám, cảnh sát có thể mặc thường phục trong khi làm nhiệm vụ, nhưng khi sử dụng quyền lực công để thực hiện chức trách của mình (yêu cầu người dân ra khỏi khu vực cấm), thì phải công khai mình là cảnh sát.
Khi người thi hành công vụ không xưng danh, không đưa thẻ ngành khi tiếp xúc với người dân, đương sự thì nếu vì hiểu lầm, đương sự tranh cãi, buông lời lăng mạ với người gây khó chịu cho mình mà không biết đó là CSHS - người thi hành công vụ thì không bị xem là lăng mạ người thi hành công vụ được.
(Theo Tuổi trẻ) ÁI NHÂN

 “Kền kền” thao túng nhà xác ở Sài Gòn*

Cập nhật lúc 20:49   
Nam “trại hòm” (trái) và em trai đứng canh trước Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi  /// Ảnh: Trác Rin 
Nam “trại hòm” (trái) và em trai đứng canh trước Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn TrãiẢNH: TRÁC RIN

Trong nhà xác, nhà tang lễ các bệnh viện tại TP.HCM nhiều người đứng ra độc chiếm để o ép, bắt người nhà nạn nhân phải dùng các dịch vụ mai táng, vận chuyển với giá “trên trời”.
Lợi dụng tâm lý người nhà hoảng loạn, đau buồn sau cái chết của người thân, nhiều người tại nhà xác, nhà tang lễ bệnh viện tìm đủ mọi chiêu trò bắt ép phải dùng các dịch vụ trọn gói từ thủ tục công an, pháp y, quan tài, khâm liệm và xe vận chuyển với giá cao gấp đôi, gấp ba lần so với bình thường.
Sau một thời gian tìm hiểu, PV Báo Thanh Niên đã ghi lại những câu chuyện đau lòng của người nhà nạn nhân chung quanh thực trạng nhức nhối này.
Chết cũng không được yên !
Ngày 26.9, anh H. vì buồn chuyện gia đình nên đã nhảy từ trên cao xuống đất dẫn đến tử vong tại P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Sau khi các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường, thi thể anh H. được chở về Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi (Q.5).
Trong lúc tang gia bối rối, người thân anh H. ra chùa Vĩnh Nghiêm hợp đồng với một dịch vụ mai táng và đặt cọc 2 triệu đồng để đưa thi thể về đây lo hậu sự. Theo quy định khi nhận xác về, phải có mặt đại diện cơ quan công an để ký giấy xác nhận sự việc nên gia đình anh H. được một điều tra viên tên D., công tác tại Công an Q.Bình Thạnh hẹn 7 giờ 30 ngày 27.9 tới nhà tang lễ hoàn tất thủ tục giao nhận thi thể.
Đúng hẹn, anh trai của anh H. có mặt và gọi điện cho D., nhưng được trả lời: “Vào bên trong nhà tang lễ, có người giải quyết”.
PV Thanh Niên đã theo chân anh N. - anh trai của nạn nhân, vào bên trong nhà tang lễ gặp người đàn ông dáng người mập, cao, tên Nam (gọi là Nam “trại hòm”, chủ trại hòm Công Thọ) đang ngồi đợi sẵn. Vừa gặp người nhà anh H., Nam “trại hòm” nói ngay: “Mấy anh phải thuê dịch vụ mai táng của tụi tôi, giá trọn gói khoảng 35 triệu đồng (trong khi giá bình thường chỉ khoảng 15 triệu đồng - PV)”.
Anh N. thất thần đáp: “Nói thật, bây giờ gia đình tôi đang rất bối rối, cả đêm qua tôi chưa ngủ. Cả gia đình, họ hàng tôi đang đợi ở nhà nên mấy anh làm ơn để gia đình đưa thi thể em tôi về sớm”.
Nghe vậy, Nam “trại hòm” tiếp lời: “Thì đó, một đời người có một lần nên anh phải chọn chỗ nào làm nhanh lẹ cho em mình. Tụi tôi là người của Sở Y tế, có chỉ huy quận họ chấp nhận, thỏa thuận hết rồi. Tôi bao cho gia đình anh từ A đến Z luôn”.
Tuy nhiên, vì gia đình anh N. đã đặt tiền cọc thuê dịch vụ bên ngoài nên từ chối dịch vụ mà Nam “trại hòm” đưa ra. Đến 9 giờ cùng ngày, anh N. gọi điện cho điều tra viên tên D., nhưng người này vẫn không đến như đã hẹn để làm thủ tục. 10 giờ, anh N. nóng ruột vì người nhà liên tục hối thúc nên vào bên trong nhà tang lễ nói với Nam “trại hòm”: “Giờ mấy ông không giải quyết thì 10 phút nữa người bên chùa Vĩnh Nghiêm đến chở em tôi qua trung tâm giám định pháp y làm thủ tục rồi chở về chùa”.
Nghe vậy Nam “trại hòm” lớn tiếng: “Cái gì, tôi chấp luôn! Đảm bảo không ai đưa thi thể đi được hết, phải có giấy của công an. Nếu làm chỗ tôi, thì 10 phút sau công an sẽ có mặt để giải quyết cho anh. Còn dịch vụ ngoài vô đây thì tôi nói thiệt, không đưa được thi thể ra ngoài đâu”.
Đến 10 giờ 30 vẫn không thấy công an đến giải quyết, anh N. chấp nhận ký hợp đồng dịch vụ mai táng của Nam “trại hòm” với giá 35 triệu đồng. Đúng như lời của Nam “trại hòm”, khoảng 10 phút sau khi hợp đồng được ký thì một cán bộ công an khác và một cán bộ giám định pháp y có mặt để làm thủ tục.
Mắt ngấn lệ, anh N. than thở: “Người chết rồi cũng không được yên! Tôi không thể ngờ đi nhận thi thể em trai mình mà cũng bị hành, o ép đến mức này”.
 Chủ trại hòm thao túng nhà xác ở Sài Gòn - ảnh 1
Nam đang ngồi thuyết phục gia đình nạn nhân phải ký hợp đồng dịch vụ mai táng của mìnhẢNH: TRÁC RIN

Đường dây hoạt động khép kín
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Nam “trại hòm” hoạt động trong Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi nhiều năm nay. Hằng ngày Nam đi móc nối với các đầu mối tại các quận như Bình Thạnh, 5, 4, 7... khi có tai nạn, sự cố chết người thì đến chở thi thể về lưu giữ tại Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Khi người thân đến làm thủ tục nhận xác về nhà an táng thì bị ép phải ký hợp đồng dịch vụ trọn gói mai táng. Nếu người thân không ký hợp đồng thì sẽ kéo dài thời gian, gây khó khăn.
Hiện nay tại TP.HCM có nhiều nhóm (chủ yếu là các chủ trại hòm) đứng ra kết nối để thiết lập đường dây khép kín, bắt chẹt người thân của nạn nhân xấu số. Trong số các đường dây này phải nói đến ông H., và G., tại nhà xác Bệnh viện An Bình (Q.5). Đây được xem là những đường dây hoạt động khép kín và có thế lực, rộng khắp trên địa bàn TP.
Ông T., một người hoạt động trong lĩnh vực mai táng, cho biết: Nếu có trường hợp tai nạn giao thông chết người trên địa bàn TP, sau khi CSGT đo vẽ hiện trường, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có mặt để tiến hành các bước điều tra ban đầu. Sau đó, có người “tay trong” sẽ gọi điện cho H. điều xe tới chở thi thể về Nhà tang lễ Bệnh viện An Bình.
Tại đây, H. là người trực tiếp làm việc, ra giá với người nhà hoặc tổ chức liên quan đến tai nạn để lo thủ tục pháp lý và vận chuyển thi thể. Nếu người nhà, tổ chức đó không đồng ý mức giá thì sẽ bị “các bước thủ tục” rất khó khăn và kéo dài.

 Chủ trại hòm thao túng nhà xác ở Sài Gòn - ảnh 2
Nam lớn tiếng với người nhà nạn nhân
Bệnh viện không biết ?
Trả lời Thanh Niên, bác sĩ Võ Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, khẳng định: Nhà tang lễ của bệnh viện không có chủ trương cho thuê để đưa thi thể tử vong từ bên ngoài vào. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin vì trước giờ không nghe phản ánh về thực trạng này”, ông Tiến nói.
Theo một cán bộ Viện KSND TP.HCM, thông thường thi thể trong các vụ tai nạn, tự tử sau khi khám nghiệm hiện trường sẽ được đưa về Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để tiến hành các bước giám định pháp y trước khi trao trả cho gia đình lo hậu sự. Những trường hợp tử vong bên ngoài thì các bệnh viện sẽ không bao giờ nhận. Việc thi thể nạn nhân trong các vụ tai nạn, tự tử đưa về các nhà tang lễ như Bệnh viện Nguyễn Trãi, An Bình... là đều "có vấn đề".
Liên quan đến điều tra viên tên D., ngày 29.9, Phó đội điều tra tổng hợp (Công an Q.Bình Thạnh) xác nhận đã nhận thông tin phản ánh và đang cho xác minh làm rõ.

Trước đó, đầu tháng 5.2016, anh H. (ngụ Q.Bình Thạnh) có người thân qua đời vì đột tử tại nhà riêng ở Q.3. Khi việc khám nghiệm hiện trường kết thúc thì thi thể cũng được đưa về Nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Trãi. Tại đây, sau khi xong các thủ tục pháp lý, người nhà xin xe từ thiện vào vận chuyển thi thể về Quảng Ngãi lo hậu sự thì bị gây khó dễ và ra giá 50 triệu đồng để làm dịch vụ trọn gói. Khi người nhà từ chối thì người trong nhà tang lễ lộ nguyên bản chất giang hồ để đe dọa mọi kiểu, ép gia đình anh H. phải thuê dịch vụ.
Sau khi người nhà làm lớn chuyện, gọi điện cầu cứu khắp nơi thì những người này mới để gia đình anh H. lấy thi thể đem về quê. Anh H. bức xúc: “Nhà tôi nghèo lấy đâu ra 50 triệu thuê dịch vụ nên đi xin xe từ thiện bên ngoài. Tôi quỳ lạy, van xin mấy người đó mà họ nhất quyết không chịu”.
(Theo Thanh niên) Công Nguyên - Trác Rin
* Đây thực sự là con kền kền chuyên săn lùng kiếm ăn từ xác thối. Liệu có ai bảo kê cho lũ kền kền này?
Thương Giang

Hà Nội có “sáng kiến” trồng hàng trăm cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao

Cập nhật lúc 20:20 


Hà Nội đã từng chặt hạ, đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ khi triển khai xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Gần đây thành phố lại triển khai trồng hàng loạt cây xanh ngay dưới gầm công trình đường sắt này, khiến nhiều người thắc mắc...


Nhiều người băn khoăn những cây xanh mới trồng này khi phát triển lên liệu có ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt trên cao?
 
Nhiều người băn khoăn những cây xanh mới trồng này khi phát triển lên liệu có ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt trên cao?
Theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện nay tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (quận Đống Đa - Hà Nội), ngay dưới gầm công trình đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đã có hàng trăm cây xanh được trồng mới, chiều cao của những cây này khoảng 7-8m, đường kính thân chừng 15-30cm.
Người dân khu vực này cho biết, những cây trên mới được trồng từ đêm 28/9. Việc Hà Nội triển khai trồng hàng trăm cây xanh ngay phía dưới gầm công trình đường sắt trên cao đã khiến nhiều người thắc mắc, lo ngại những cây này khi trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến công trình đường sắt. Mặt khác, trước đó, Hà Nội đã từng chặt hạ và đánh chuyển hàng trăm cây xanh cổ thụ dọc tuyến đường Trần Phú (Hà Đông) - Nguyễn Trãi - đường Láng để triển khai xây dựng tuyến đường sắt nói trên, với lý do đảm bảo an toàn cho công trình này; nay lại trồng cây dưới gầm công trình, khiến nhiều người thấy lạ.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 30/9, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Ông Trung cho biết: “Việc triển khai trồng cây xanh dưới gầm đường sắt trên cao tại phố Yên Lãng, Hoàng Cầu là chủ trương của UBND thành phố Hà Nội và đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt. Chúng tôi sẽ chăm sóc những cây này cẩn thận, đồng thời khống chế chiều cao, do đó sẽ không lo ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao”.
Nói thêm về kế hoạch tiếp theo cũng như chủng loại cây đang triển khai trồng tại khu vực trên, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước mắt, công ty đang triển khai trồng thí điểm cây bàng lá nhỏ của Đài Loan trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Đặc tính của loại cây này là thân nhỏ, phát triển tán rộng, nếu có xảy ra gãy đổ cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường sắt trên cao.
“Chúng tôi cũng mới triển khai trồng cách đây được 2 ngày, trước mắt thí điểm trên phố Yên Lãng và Hoàng Cầu. Kế hoạch trồng tiếp theo như nào chúng tôi sẽ xin ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội” - ông Hưng cho biết.
Cũng theo ông Hưng, mục đích của việc trồng hàng trăm cây xanh nói trên là nhằm tạo ra cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Một số hình ảnh hàng cây xanh mới trồng tại gầm đường sắt trên cao:
 
 
 
 Công ty cây xanh cho biết, những cây bàng lá nhỏ này sẽ được khống chế chiều cao, do đó không ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao.
Công ty cây xanh cho biết, những cây bàng lá nhỏ này sẽ được khống chế chiều cao, do đó không ảnh hưởng đến công trình đường sắt trên cao.
(Theo Dân trí) Nguyễn Dương

Đây thực sự là sáng kiến của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và đơn vị quản lý cây xanh đô thị HN. Tin rằng gần 10km cây dưới gầm đường này sẽ bảo đảm rất nhiều công ăn việc làm trong việc cắt cây tỉa cành. Có lẽ họ sẽ chuyển kinh phí xén cỏ tại đại lộ Thăng Long về làm việc này.
Thương Giang

Ông Trần Đăng Tuấn: 

Công an Hà Nội không nên kỷ luật cán bộ chỉ vì ‘gạt tay vào má’ phóng viên

Cập nhật lúc 16:01

Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng Công an Hà Nội không nên kỷ luật chiến sỹ cảnh sát hình sự đã ‘gạt tay vào má’ phóng viên trên cầu Nhật Tân.

Chiều 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời về vụ việc phóng viên Trần Quang Thế - Báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân.
Theo đó, ông Ngọc cho biết, cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ có hành vi "giơ tay gạt trúng má" và "giơ chân đá nhưng không trúng" vào người phóng viên Quang Thế.
nha bao tran dang tuan cong an ha noi khong nen ky luat chien sy gat tay vao ma phong vien 
Công an Hà Nội cho rằng đây chỉ là hành động giơ tay gạt trúng má chứ không phải đấm.
“Căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng CAND, chúng tôi đã giao Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm. Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với nhà báo Trần Quang Thế, căn cứ vào Nghị định 67 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đi vào khu vực hiện trường khi chưa được phép, tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép” - Đại tá Ngọc thông tin.
Bình luận về kết luận của công an Hà Nội về vụ việc trên, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng giám đốc VTV- cho rằng không ai có thể chấp nhận được kết luận này.
“Tôi chưa nói đến chuyện đúng sai trong câu chuyện trên. Cứ cho rằng hành vi phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ sai thì việc hành xử như vậy của cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường cũng là không thể chấp nhận được,” ông Tuấn nói.
“Đó là hành xử côn đồ đường chợ. Cảnh sát có quyền cưỡng chế người vào khu vực bảo hiện trường, nhưng không phải bằng cách đấm đá thiếu văn hoá tối thiểu như vậy.”
 nha bao tran dang tuan cong an ha noi khong nen ky luat chien sy gat tay vao ma phong vien
"Vụ việc đã rõ như ban ngày, đã được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được như thế thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội?
Nhà báo Trần Đăng Tuấn
“Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ quan điểm.
Theo ông Trần Đăng Tuấn, vụ việc phóng viên Quang Thế bị hành hung đã được ghi nhận bằng các hình ảnh, các đoạn clip rất rõ ràng. Trong khi đó, công an Hà Nội lại “định nghĩa lại hình ảnh”, cho rằng đây chỉ là hành động “gạt tay vào má”.
“Vụ việc đã rõ như ban ngày, đã được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được như thế thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng trong bất kỳ một xã hội nào cũng cần có sự bảo vệ hợp pháp của công an vì bình yên của cuộc sống. Tuy nhiên, những sự việc không hay vừa xảy ra đã khiến ông có nhiều suy nghĩ.
“Tôi thực sự thấy đau lòng vì những vụ việc như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của ngành công an”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ.
Video: Cảnh sát hình sự xô xát với PV báo Tuổi trẻ trên cầu Nhật Tân (Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận về biện pháp xử lý vụ việc của công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng “không cần và không nên xử lý kỷ luật” đối với cán bộ công an “gạt tay trúng má” phóng viên.
“Tôi nghĩ rằng nếu định nghĩa là ‘gạt tay trúng má, ‘hất tay', ‘đá không trúng’ như thế thì cũng không cần kỷ luật gì, kể cả khiển trách, kể cả phê bình. Nếu công an Hà Nội cho rằng đang làm đúng thì cũng không cần khiển trách, phê bình các chiến sỹ. Khiển trách làm sao được khi người ta chỉ ‘hất tay’, ‘gạt tay”, ông Tuấn nói.
Thông qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt ra vấn đề lớn hơn là cách ứng xử của các cơ quan công an với nhà báo và với nhân dân.
“Cứ cho đây không phải là phóng viên, nhà báo mà là một công dân bình thường. Nếu là một người dân bình thường thì liệu có bị đối xử như thế không. Đó là điều rất nghiêm túc phải đặt ra”, ông Tuấn băn khoăn.
Qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo cũng cần có sự thận trọng.
“Không vì do nhiệt tình quá, do cách tác nghiệp mà gây cho mình nguy hiểm. Vì vậy, cũng cần có sự điềm tĩnh cần thiết trong cách tác nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Đối với Công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng sự việc này đã ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an. Nghiêm khắc với những sự việc như thế này là việc cần thiết.
“Lãnh đạo công an Hà Nội nên lắng nghe ý kiến của dư luận, của người dân và nên có nhìn nhận, xem xét cho hợp lý, hợp tình hơn” - Ông Tuấn nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ rằng không chỉ công an Hà Nội mà ngành công an nói chung, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm về sự vững mạnh, trong sáng, uy tín của các lực lượng công an cũng phải xem xét một cách thỏa đáng của vụ việc này vì uy tín của ngành, vì lẽ phải mà chúng ta cần phải thượng tôn trong xã hội.”
(Theo VTCnews) Phạm Thịnh

TP.HCM: Công an nắm tóc người phụ nữ kéo lê trên phố?


Cập nhật lúc 15:20
  
Một clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh một công an mặc sắc phục nắm tóc người phụ nữ lôi sền sệt trên phố đã được xác nhận là có thật. Công an đang điều tra sự việc, đại diện Bộ Công an cũng yêu cầu điều tra làm rõ.

Theo thông tin ban đầu, lúc 19h30 tối 29.9, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (khoảng hơn 30 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là người bán hàng rong (bán bánh tráng trộn, các mặt hàng nước uống) cùng nhiều người bán hàng khác tại khu vực hồ Con rùa thuộc đường Công Trường Quốc Tế, quận 3, TP.HCM, thì bị lực lượng chức năng truy quét.


(CÔNG AN) Thiếu úy Bùi Xuân Hải được cho là đánh người bán hàng rong.

Chị Thảo cùng với những người này bỏ chạy tán loạn về khu vực gần đường Phạm Ngọc Thạch giao với Công Trường Quốc tế. Trong lúc chạy, chị Thảo cầm theo thùng mút để đựng bán nước (dùng để dựng trà đào...), phía sau 2 chiến sĩ công an đuổi theo.
Thiếu úy Bùi Xuân Hải kéo chiếc áo của chị Thảo lại khiến chị té ngã xuống mặt đường. Vì hoảng sợ nên chị Thảo quơ tay chân trúng vào ông Hải. Cả 2 xảy ra xô xát lớn tiếng với nhau, xông vào ẩu đả khiến chị Thảo bị thương ở phần đầu với nhiều vết máu be bét.
Người dân địa phương cùng người đi đường phát hiện nên tiến hành can ngăn rồi nhanh chóng thông báo cho lực lượng chức năng. Sự việc khiến nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập theo dõi, quay lại clip vụ việc.
Lực lượng chức năng đã có mặt, điều tra nguyên nhân sự việc. Đồng thời, đưa chị Thảo đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến hơn 21h cùng ngày, sự việc mới được lực lượng chức năng giải quyết xong.
Theo chị Tuyết (là dì của chị Thảo, cũng là người bán hàng rong tại đây) cho hay: “Lúc đó, anh Hải chiến sĩ công an có biểu hiện say xỉn, dù mọi người can ngăn nhưng anh ta vẫn dùng tay đánh đấm tới tấp vào Thảo khiến máu be bét vùng đầu. Đến khi người dân địa phương đến đông thì anh ta mới chịu dừng lại”.


NHÂN DÂN (Chị Nguyễn Thị Thu Thảo máu me be bét ở đầu).

Một người thân khác của chị Thảo cho biết, thiếu úy Hải thường ra khu vực Hồ Con Rùa truy đuổi những người bán hàng rong nhưng mỗi lần đều có hơi men trong người.
“Khi chạy đến can thì anh Hải dùng tay đánh lên đầu chị Thảo nhiều cái, dù can ra nhưng anh ta vẫn đánh tới tấp. Dù tôi nói anh có hơi men đánh người ta là sai rồi mà anh ta không dừng lại" - nhân chứng này nói.
Theo những hình ảnh và clip ghi lại, chị Thảo chảy máu rất nhiều và phải nhập viện điều trị.
Được biết, Thiếu úy Bùi Xuân Hải là chiến sĩ Công an phường 6, quận 3, TP.HCM. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo công an quận 3, TP.HCM đã xác nhận điều này, đồng thời cho biết thêm đang tiến hành xác minh, điều tra vụ việc.
(Theo Dân Viêt) Nguyễn Tường
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lùi tiến độ 1 năm
Cập nhật lúc 15:10
Ngày 29.9, tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được kiểm soát tốt nhưng thời điểm vận hành chính thức của dự án bị lùi 1 năm (ảnh). Trong khi đó Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội nhận định, nếu không quyết tâm quản lý phương tiện cá nhân thì 5 năm nữa Hà Nội đi lại sẽ rất khó khăn. 
Kết quả hình ảnh cho ùn tắc vì dự án cát linh - hà đông
Chờ thêm 1 năm...
Trong khi người dân dọc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông mong chờ đại công trường này sớm được giải toả như tiến độ mà Bộ GTVT từng hô quyết tâm, thì dự án này một lần nữa lại lùi thời điểm vận hành chính thức dù tiến độ được cho là không còn chậm nữa.
Khác với trước đây, nguyên nhân không còn là chậm giải ngân vốn mà là do Việt Nam phải thẩm định giá gói thiết bị mới và kết quả là dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ chỉ có thể vận hành chính thức vào cuối năm 2017.
Thông tin này được khẳng định trong cuộc họp báo chiều 29.9 khi Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, đang đàm phán mua gói thiết bị khoảng 200 triệu USD và Bộ Tài chính còn phải thẩm định giá.
Cụ thể, bộ này dự kiến đến cuối năm 2016 mới hoàn thành xây lắp, hết quý I/2017 lắp đặt xong đoàn tàu, sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9.2017 đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại. Dự án này khởi công từ tháng 10.2009 với tổng mức đầu tư ban đầu 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC. Tuy nhiên, dự án đã liên tục dính sự cố rồi bị đội vốn cũng như lùi tiến độ. Việc triển khai chậm dự án này đã góp phần khiến tình trạng ùn tắc tại các khu vực dự án thi công trở nên trầm trọng.
Hà Nội: Nhiều công trường, lắm xe cá nhân, loạn taxi
Những công trường như dự án Cát Linh - Hà Đông, sự tăng trưởng nóng của phương tiện cá nhân cùng tình trạng “loạn” xe taxi ngoại tỉnh được cho là một số nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội dù có cải thiện nhưng chưa đáng kể. Cụ thể, phát biểu trong hội nghị tổng kết quý III của Bộ GTVT ngày 29.9, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhận định tình hình trật tự ATGT ở Hà Nội còn nhiều khó khăn, dù trong 9 tháng giảm 13/44 điểm ùn tắc và việc ứng phó tại một số điểm có sự cố giao thông chưa tốt dẫn tới tình trạng kẹt cứng mà trong đó, cầu Tó là một điển hình. Sự bị động và ứng phó cũng như phối hợp kém của các lực lượng chức năng khi xảy ra TNGT dễ gây ùn tắc giao thông.
Ông Viện cũng lên tiếng lý giải về chủ trương quản lý phương tiện cá nhân mà Hà Nội đang xây dựng. Theo đó, ông Viện cho rằng Hà Nội đang tìm cách quản lý chứ không cấm và quản lý là tất yếu trong đó quản cả xe máy lẫn ôtô. Tuy nhiên, khi nói tới cách thức quản lý, lãnh đạo sở lại nhận định 2 “phương án quản lý bằng biện pháp hành chính tức là cấm ở một số tuyến” và quản lý bằng một số biện pháp kinh tế như thu phí vận hành ở giờ cao điểm. Ông Viện cũng cho rằng nếu Hà Nội không quyết tâm triển khai các biện pháp trên thì 5 năm nữa Hà Nội sẽ rất khó khăn trong việc đi lại bình thường.
Dù vậy, ông này chưa đưa ra thời điểm cụ thể hay chi tiết phương thức quản lý phương tiện cá nhân. Ông cũng cho biết thêm, sẽ phải thúc đẩy các phương thức vận tải công cộng rồi mới áp dụng các biện pháp hạn chế. Lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, sẽ tập trung chỉ đạo chấn chỉnh xe dừng đỗ sai quy định, xe dù bến cóc và siết quản lý xe taxi ngoại tỉnh, đồng thời tăng cường quản lý các phương tiện giao thông thô sơ. 
(Theo Lao động) KHÁNH HOÀ