Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI VIỆT NAM KIÊN QUYẾT BẢO VỆ “CẬU THỦY”!
Cập nhật lúc 21:29

Bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo tìm hài cốt liệt sĩ của nhóm bị can do Nguyễn Thanh Thúy (tự xưng nhà ngoại cảm “cậu Thủy”, trú Bắc Ninh) cầm đầu mà Công an Quảng Trị đã hoàn tất gây bất ngờ cho nhiều người. 

“Cậu Thủy” (bìa trái) và nhân viên Hải Anh (bìa phải) tại hiện trường tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị ngày 25-8-2013 - Ảnh: Uyên Nhi
“Cậu Thủy” (bìa trái) và nhân viên Hải Anh (bìa phải) tại hiện trường tìm mộ liệt sĩ ở Quảng Trị ngày 25-8-2013 - Ảnh: Uyên Nhi

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Thanh Thúy (“cậu Thủy”) cùng năm bị can Mẫn Thị Duyên (vợ Thúy), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên), Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy), Nguyễn Anh Chiều và Nguyễn Trường Sơn (cùng là con rể Duyên) bị đề nghị truy tố về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXHVN), đơn vị tổ chức cho “cậu Thủy” thực hiện bốn cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cất bốc gần 100 bộ hài cốt không phải của liệt sĩ cần tìm, gây thiệt hại 7 tỉ đồng, được cơ quan điều tra xác định là nạn nhân.
Màn kịch dựng sẵn
Theo kết luận điều tra, toàn bộ các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của bị can Thúy đều theo một kịch bản dựng sẵn. NHCSXHVN và bị can Thúy bắt đầu phối hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ từ cuối năm 2012. Giá mỗi bộ hài cốt tìm được NHCSXHVN trả cho Thúy 75 triệu đồng.
Ba đợt đầu, Thúy cũng dùng kịch bản như trên để cất bốc hàng chục bộ hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước, Đắk Lắk.
Đến đợt thứ tư, khi Thúy dẫn hơn mười cán bộ của NHCSXHVN về cất bốc chín bộ hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì bị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phát hiện làm giả. Ngày 28-10-2013, Thúy bị Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Kết luận điều tra cho biết bị can Thúy có khả năng “áp vong”, “nhập vong”, “dẫn vong”. Người bị “nhập vong”  trong phần lớn cuộc tìm hài cốt là cô Hải Anh - cán bộ NHCSXHVN, làm cho cô này rơi vào trạng thái vô thức, để Duyên (vợ Thúy) đi sau lưng đẩy “vong” đến các vị trí đã chôn sẵn hài cốt.
Quá trình điều tra chưa phát hiện cán bộ nào của NHCSXHVN thông đồng với bị can Thúy. Tuy nhiên, NHCSXHVN đã “cả tin thiếu tìm hiểu nhân thân các bị can Thúy, Duyên”, vì vậy cần phải rút kinh nghiệm.
Màn kịch lừa đảo
Ông Lê Bảo Vân, trưởng Phòng kiểm sát điều tra xét xử án trị an - an ninh của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị, cho biết ông là người trực tiếp giám sát quá trình điều tra vụ án này.
Giải thích về việc cơ quan điều tra vừa xác định bị can Nguyễn Thanh Thúy dựng màn kịch để lừa đảo, nhưng lại cho rằng bị can này có khả năng “nhập vong”, “áp vong”, ông Vân nói lời khai của Thúy cho thấy người này có khả năng làm người khác rơi vào trạng thái vô thức và điều khiển theo ý mình.
Phóng viên hỏi ông Vân có thực nghiệm hiện trường để chứng minh khả năng “áp vong” này không, ông Vân nói ông từng đề nghị điều này trong một lần giám sát điều tra nhưng bị can Thúy nói trước đây mình có khả năng đó, nhưng giờ hết rồi.
Trả lời về nghi vấn có sự hợp tác giữa Thúy và các cán bộ, nhân viên của NHCSXHVN, cụ thể là nữ nhân viên tên Hải Anh thường bị “cậu Thủy” “áp vong”, “dẫn vong” trong những lần tìm kiếm hài cốt liệt sĩ giả, ông Vân nói cơ quan điều tra đã triệu tập bà này lên làm việc. Bà Hải Anh khai rằng lúc đó bà bị rơi vào trạng thái vô thức và không biết mình làm gì.
“Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh hành vi phạm tội của phía NHCSXHVN nên chúng tôi chưa đề nghị truy tố”, ông Vân nói.
Sau khi có kết luận điều tra, chúng tôi đã liên lạc với đại tá Nguyễn Huỳnh Đường, phó thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, người trực tiếp điều tra vụ án này. Đại tá Đường nói mọi việc đã thể hiện rõ trong bản kết luận điều tra và không giải thích gì thêm.


   Tại cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị ngày 2-8-2013, Ngân hàng CSXHVN giới thiệu nhân chứng tên Đinh Công Hiệp (người đứng nói) là người đã mai táng liệt sĩ. Nhưng sau đó công an xác định là nhân chứng giả - Ảnh: Quốc Nam
Tại cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị ngày 2-8-2013, Ngân hàng CSXHVN giới thiệu nhân chứng tên Đinh Công Hiệp (người đứng nói) là người đã mai táng liệt sĩ. Nhưng sau đó công an xác định là nhân chứng giả - Ảnh: Quốc Nam

“NHCSXH không thể vô can!”
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi có kết luận điều tra, đại tá Trần Minh Thanh, chính ủy Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị (BCHQSQT), đã khẳng định như thế.
Đại tá Thanh là người có mặt tại hiện trường và trực tiếp giám sát toàn bộ cuộc khai quật chín bộ hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) mà “cậu Thủy” và một nhóm cán bộ của NHCSXHVN thực hiện vào ngày 25-7-2013.
Ông Thanh khẳng định nếu không có sự tổ chức bài bản của NHCSXHVN thì ông Thúy không thể thực hiện được việc lừa đảo tày trời này. Diễn biến tại hiện trường cho thấy những hành động “bất thường” của các cán bộ NHCSXHVN.
Bà Hải Anh, nhân viên ngân hàng này, được cho là bị “vong nhập”, mắt nhắm nghiền, trạng thái lờ đờ, khóc lóc, rồi chắp tay cầm hương bước đi lững thững với sự hỗ trợ của hai cán bộ ngân hàng dìu hai bên, đi đến vị trí các phần mộ đã được “cậu Thủy” làm sẵn.
Khi BCHQS Quảng Trị quyết định trực tiếp thực hiện việc cất bốc thì người của NHCSXH ngăn cản và đòi được trực tiếp cất bốc.
Hình ảnh do cán bộ của BCHQS Quảng Trị quay được tại hiện trường cho thấy rõ hình ảnh “cậu Thủy” sau khi “soi” xong vị trí phần mộ liệt sĩ Nguyễn Như Hổ, đã được một cán bộ NHCSXHVN chủ động dẫn qua soi tiếp phần mộ liệt sĩ Tạ Văn Tín như đã biết trước.
Băng ghi hình ghi rõ cán bộ này nói:
“Liệt sĩ Tạ Văn Tín bên này cậu ơi”. “Nếu Thúy đã xác định là đóng kịch để lừa đảo thì chuyện áp vong cũng là giả mà thôi. Và những hài cốt đã được xác định không phải của liệt sĩ hi sinh tại đây thì làm gì có vong để mà bị nhập. Vậy tại sao cán bộ NHCSXHVN lại nói là bị nhập vong?”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết thêm đến ngày 1-8-2013, tức một tuần sau khi sự việc bị phát hiện, ngân hàng này đã cử một đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Lý, phó tổng giám đốc, vào làm việc với BCHQS tỉnh Quảng Trị.
Tại buổi làm việc này, ông Lý cùng các cán bộ của đoàn này yêu cầu BCHQS Quảng Trị phải công nhận chín bộ hài cốt vừa cất bốc là hài cốt liệt sĩ, đồng thời cương quyết không cho đưa hài cốt đi giám định ADN. NHCSXHVN còn mang theo nhân chứng tên là Đinh Công Hiệp, được giới thiệu là đã tự tay khắc tên liệt sĩ Hoàng Văn Thành lên chiếc biđông để chôn cùng.
Tuy nhiên, kết quả giám định của cơ quan điều tra cho biết những chữ khắc trên chiếc biđông này là làm giả. “Vì sao trước những chứng cứ làm giả rõ ràng vậy mà phía NHCSXH vẫn kiên quyết bảo vệ ông Thúy? Vì sao ngân hàng này lại phải dựng lên nhân chứng giả?”, ông Thanh thắc mắc.
(Theo Tuổi trẻ) QUỐC NAM

Nếu rời khỏi Eurozone, đồng nội tệ Hy Lạp sẽ mất giá 40%

 Cập nhật lúc 20:25

 neu roi khoi Eurozone thi dong noi te Hy Lap se mat gia 40%
Ảnh: Internet

Một Thế Giới- Theo các nhà phân tích, nếu rời khỏi Eurozone, nội tệ Hy Lạp sẽ mất giá 40%. Người dân Hy Lạp sẽ thấy rõ điều này khi họ mua bán hàng hóa.

"Ban đầu sẽ có một đợt bán tháo lớn, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì đồng nội tệ Hy Lạp sẽ mất giá 40% so với đồng euro và khoảng 30-40% so với đồng USD. Đồng drachma (nội tệ Hy Lạp) sẽ đạt mức thấp nhất”, Neil Jones, Giám đốc kinh doanh Quỹ đầu cơ tại Mizuho Bank Ltd ở London nhận định.
Nguy cơ Hy Lạp buộc phải rời khỏi Euro đang gia tăng sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về các điều khoản do chủ nợ yêu cầu.
Trong khi đó, Jones, cùng với các nhà phân tích từ ING Groep NV và Credit Agricole SA cho biết cuộc trưng cầu dân ý sẽ không phải là giải pháp tối ưu nữa, chính phủ Hy Lạp nên xem xét nơi giao dịch đồng nội tệ của họ nếu quốc gia này rời khỏi Liên minh tiền tệ châu Âu.
Đồng nội tệ yếu hơn có thể sẽ giúp nền kinh tế Hy Lạp tăng trưởng bằng cách thúc đẩy xuất khẩu và khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, theo Valentin Marinov, Trưởng nhóm nghiên cứu tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Credit Agricole ở London nói.
Hy Lạp đã chấp nhận tham gia vào khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2001. Vào ngày 1.1.2002, quốc gia này đã phát hành lần đầu tiên tiền giấy và tiền xu euro, theo thông tin trên website của Ủy ban châu Âu.
“Có thể nói kịch bản của Hy Lạp là chưa từng có ở euro bởi vì đồng euro là một dự án không thể thay đổi. Việc quay trở lại dùng đồng drachma sẽ "rất phức tạp, rất nghiêm trọng, phải mất một thời gian dài. Nhìn chung là sẽ rất khó khăn”, ông Jones nhận định thêm.
Người đứng đầu chiến lược tiền tệ của ING tại London, Chris Turner, cũng đồng ý với quan điểm của Jones và Marinov và cho rằng đồng drachma sẽ mất giá đến 50% so với đồng euro.
Tuyết Nhung (Theo Bloomberg)

Việt Nam phê phán hành động bạo lực của Campuchia ở Long An

Cập nhật lúc 20:00

 Việt Nam phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra ở tỉnh Long An khiến 7 người Việt bị thương vào ngày 28-6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ngày 30-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết như vậy.
“Chúng tôi phê phán mạnh mẽ hành động bạo lực do một số phần tử quá khích người Campuchia gây ra, vi phạm pháp luật của cả hai nước, các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, ảnh hưởng đến tiến trình phân giới cắm mốc cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia” - ông Bình nói.
“Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng của Campuchia có biện pháp xử lý thỏa đáng vụ việc, không để những hành động tương tự tái diễn, bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trước đó vào ngày 28-6, một nhóm khoảng 250 người Campuchia với sự tham gia của một số nghị sĩ Đảng đối lập Campuchia CNRP đã tiến sâu vào khu vực mốc 203 do Việt Nam quản lý thuộc địa bàn tỉnh Long An.
Trước hành động sai trái này, lực lượng chức năng Việt Nam và một số người dân địa phương đã ra ngăn chặn, giải thích nhưng bị một số phần tử quá khích người Campuchia tấn công khiến 7 công dân Việt Nam bị thương.
Ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Campuchia, mong muốn phát triển đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị.
(Theo Tuổi trẻ) QUỲNH TRUNG

Kiểm tra nhà nghỉ, phát hiện nữ sinh trao thân cho bạn

Cập nhật lúc 19:55

 (Tin tức pháp luật) - Nữ sinh lớp 7 mải chơi điện tử sợ bố mắng liền bỏ nhà đi bụi theo bạn trai quen qua Facebook.

Cơ quan CSĐT, CA quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Ngọc Linh về hành vi Hiếp dâm trẻ em.
Trước đó, ngày 12/6, cơ quan Công an quận Thanh Xuân kiểm tra hành chính một nhà nghỉ trên địa bàn và phát hiện một nữ sinh lớp 7 tên P. (SN 2002) đang ở cùng bạn trai là Nguyễn Ngọc Linh (SN 1999, trú phường Khương Trung, Thanh Xuân) và nhóm bạn.
Trước đó, bố và mẹ của nữ sinh P. đã đến cơ quan công an trình báo trường hợp em P. mất tích.
Tại trụ sở cơ quan điều tra, Linh và P. khai trong thời gian ăn ở tại nhà nghỉ, hai bên đã có “quan hệ” với nhau.
Theo đó, chiều 30/5, cháu P đi ra quán điện tử gần nhà chơi. Bố P đã ra quán điện tử tìm nhưng đúng lúc đó P ra ngoài mua nước nên ông không nhìn thấy con gái đâu. Thấy chiếc xe đạp của con gái nên ông đã dắt về.
Biết bố đã mang xe về, sợ bố mắng nên P. không về nhà mà tiếp tục sang quán internet khác để chơi game và chát chít.
Chiều 1/6, P đã nói chuyện với Linh qua Facebook và hai bên rủ nhau đi chơi. Lát sau, Linh đến đón P đến một nhà nghỉ trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Linh và P. ở đây cùng nhóm bạn liền vài ngày, quá trình đó Linh và P ngủ chung giường nên đã cùng nhau làm “chuyện người lớn”.
Vài ngày sau, cả nhóm di chuyển đến nhà nghỉ khác thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trước đó, đã có trường hợp 2 nữ sinh lần lượt bỏ nhà đi theo 1 gã thanh niên và tự nguyện làm chuyện người lớn.
Theo đó, rạng sáng 13/10/2014, Trúc bỏ nhà đến phòng trọ của Phạm Hữu Trực (23 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng) chơi và đã làm chuyện "vợ chồng" với nhau.
Bốn ngày sau, Mai là bạn thân cùng lớp 8 của Trúc cũng bỏ nhà ra đi và được Trực đưa về phòng trọ. Tại đây, hai người cũng đã "quan hệ" với nhau 3 lần.
Khi cha, mẹ của Trúc và Mai đi tìm thì phát hiện 2 con gái đang ở cùng Trực và nhờ công an yêu cầu cả 3 về trụ sở làm việc.
Khai với công an tỉnh Sóc Trăng, Trực thừa nhận quan hệ nhiều lần với Mai và Trúc. Hai thiếu nữ cho biết, không bị thanh niên này ép buộc, mà tự nguyện trao thân vì có cảm tình với nhau.
Ngày 11/6, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên y án Phạm Hữu Trực 4 năm 6 tháng tù vì tội Giao cấu với trẻ em.
(Theo Đất Việt) Kim Chi tổng hợp

Xin đừng mang cầu vồng về Việt Nam

Cập nhật lúc 14:12

Thành thật mà nói thì tôi phát bệnh với trào lưu thay avatar cầu vồng trên Facebook ủng hộ việc Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng tính.

CEO Facebook Mark Zuckerberg thay avata cầu vồng. Không phải cái gì người ta làm mình cũng a dua theo - Ảnh chụp màn hình facebook 
CEO Facebook Mark Zuckerberg thay avatar cầu vồng. Không phải cái gì người ta làm mình cũng a dua theo - Ảnh chụp màn hình facebook

Các dân tộc ở gần đường xích đạo thường không sáng tạo ra văn minh, họ là những dân tộc đi theo văn minh. Đôi khi, sự a dua không chọn lọc khi dung nạp các giá trị mới dễ làm cho dân tộc họ càng ngày càng ngập sâu xuống bùn.
Tôi chưa bao giờ ủng hộ quan hệ hay hôn nhân đồng giới, tạo hóa sinh ra con đực và con cái có lý do của nó, nếu các bạn nghi ngờ sự hợp lý của cái gắn liền với cơ thể mình, hãy tự "phế võ công".
Xã hội không tồn tại vì thiểu số, sức khỏe cộng đồng và những giá trị phổ quát phải được đảm bảo cho cả những thế hệ con cháu. Hôn nhân đồng giới không phải là tiến bộ chỉ vì nó đáp ứng nhu cầu về tâm sinh lý của một nhóm nhỏ con người.
Những tập tục tình dục nguyên thủy của con người thì nhiều lắm: Tình dục đồng giới, tình dục tập thể, tình dục loạn luân... Các loại hình tình dục phi thương mại nên được thực hiện với sự hướng dẫn cụ thể của luật và các văn bản dưới luật, trong bối cảnh mại dâm không phải là một hành vi hợp pháp.
Nghịch lý là chỉ một nhóm rất nhỏ những người trong cộng đồng người đồng tính (LBGT) là do bẩm sinh, một số lượng lớn có căn nguyên từ các bệnh liên quan đến tâm lý xã hội chứ về sinh lý họ hoàn toàn bình thường. Không có sự giải thích nào hợp lý hơn cho sự gia tăng đột biến của số lượng những người bị LBGT ở Việt Nam chỉ sau vài năm mở cửa kinh tế, ngoài sự a dua, học đòi. Hay là chúng ta lại xử lý theo cách truyền thống, dễ chấp nhận nhất là đổ tội cho thực phẩm Trung Quốc gây nên?
Có những khuôn mặt, dáng người, trí tuệ... nên được tiếp tục xuất hiện ở những thế hệ sau và sau nữa, mọi hành động kháng lại những gì thuộc về tự nhiên đều không mang lại hệ quả tốt đẹp, nó cũng như hành vi khạc nhổ ngược chiều gió cấp 12.
Dừng lại đi, đừng coi nó là một trào lưu tốt đẹp, vì nó hoàn toàn không liên quan đến các bạn khi được hợp pháp hóa ở một đất nước bên kia quả địa cầu.
(Theo Thanh niên) Chung Nguyên*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người làm truyền thông tại Hà Nội.

Tự nhiên vốn dĩ rất cân bằng và hài hòa. Mọi thứ thuận theo tự nhiên sẽ phát triển tốt đẹp. Ngược lại, những cái trái tự nhiên chính là sự cản trở sự phát triển. Ta thử nghĩ xem nếu cách đây hàng ngàn năm đã có trào lưu đồng tính thì lịch sử con người có phát triển văn minh như ngày nay? Tôi nghĩ nếu vậy con người đã diệt vong rồi. Nhu cầu sinh lý lệch lạc trái tự nhiên chỉ là cá biệt, tỷ lệ không nhiều nhưng từ sự a dua nên nó mới tăng thêm. Tôi cho đây cũng là một chứng bệnh. Trái với những căn bệnh khác gây tổn hại sức khỏe hoặc chết người, căn bệnh này nó chỉ đáp ứng thỏa mãn dục vọng nên không ai muốn điều trị. Khi không bị phản đối họ nâng lên thành đòi hỏi công nhận như một thứ quyền con người. Chỉ có ở những xã hội dân chủ quá trớn mới tồn tại sự bệnh hoạn như vậy.
Thương Giang

Tàu ngầm Đà Nẵng đã ở trong vịnh Cam Ranh

Cập nhật lúc 13:52         
         
Sáng nay, tàu Rolldock Storm của Hà Lan chở theo tàu ngầm kilo 185-Đà Nẵng đã thả neo trong vịnh Cam Ranh, phía trong Mũi Hời.

Tàu ngầm 185-Đà Nẵng là chiếc thứ 4 trong 6 tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel lớp Varshavyanka 636.1 (NATO gọi là Kilo) mà Nga đóng cho Việt Nam.
Ba tàu ngầm kilo đã về Việt Nam và được đưa vào biên chế Lữ đoàn 189 tàu ngầm, là 182-Hà Nội (1/1/2014), 183-Thành phố Hồ Chí Minh (19/3/2014) và 184-Hải Phòng (31/1/2015).
 tàu ngầm, tàu ngầm Đà Nẵng, Cam Ranh
Tàu ngầm kilo 185-Đà Nẵng thực hiện thử nghiệm trên biển ngày 17/12/2014.  Ảnh: Ruspodplav
Tàu ngầm 185-Đà Nẵng được đóng tại nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg (Nga).
Hạ thủy ngày 28/3/2014, tàu đã thực hiện một số chuyến thử nghiệm trên biển Baltic. Ngày 14/5, tàu 185-Đà Nẵng được đưa lên tàu Rolldock Storm để chuẩn bị cho hải trình về Việt Nam.
Rạng sáng ngày 19/5/2015 (giờ Việt Nam), tàu Rolldock Storm rời Saint Petersburg, đưa tàu 185-Đà Nẵng về Việt Nam. Cũng như tàu Rolldock Star chở tàu ngầm 183-Thành phố Hồ Chí Minh và 184-Hải Phòng, tàu Rolldock Storm không đi qua eo biển Malacca để đến Singapore, mà qua eo Sunda.
Sáng 27/6, tàu Rolldock Storm đến Singapore và dừng lại tại đây một thời gian để thực hiện một số công tác hậu cần, kỹ thuật. Đến 0h30 ngày 28/6 tàu nhổ neo, bắt đầu hành trình từ Singapore về vịnh Cam Ranh.
Dự kiến, ngày 2/7 tàu 185-Đà Nẵng sẽ được đưa ra khỏi tàu Rolldock Storm và lai dắt vào cảng Lữ đoàn 189 tàu ngầm.
Theo Tiền Phong

Trung Quốc tiếp tục gây nhiễu, khiến Biển Đông ngày càng căng thẳng

Cập nhật lúc 13:33      
            
Việt Nam cần thận trọng hơn trước động thái mới của Trung Quốc, tự chủ và chủ động đấu tranh bằng ngoại giao và pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình.

Những động thái mới
Vào ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, “Dự án cải tạo đất của Trung Quốc trên một số đảo và đá ngầm ở Trường Sa theo dự kiến sẽ hoàn tất trong những ngày sắp tới”. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng giải thích rằng, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về phòng thủ quân sự, mục đích chính trong hoạt động xây dựng, cải tạo đất của Trung Quốc là để "phục vụ các nhu cầu dân sự và thực hiện tốt hơn các trách nhiệm quốc tế trong khu vực". 

trung quoc tiep tuc gay nhieu, khien bien dong ngay cang cang thang hinh 0 
Trung Quốc đang tăng tốc bồi đắp phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa (Ảnh: Reuters)

“Sau khi hoàn tất giai đoạn cải tạo đất, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng các công trình để phục vụ các nhu cầu thực tế. Trung Quốc cam kết đi theo con đường phát triển hòa bình và tiếp tục duy trì tự do hàng hải cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Đông”, người phát ngôn Lục Khảng nói.
Lời tuyên bố này khiến giới học giả quốc tế hoài nghi, liệu Trung Quốc có dừng việc cải tạo trên Biển Đông trong thời gian ngắn tới và sẽ thực sự duy trì tự do hàng hải cũng như hòa bình trên biển như tuyên bố, hay chỉ là bước đi tiếp theo đầy “tính toán” của Bắc Kinh nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao với động thái trên, thì đáng chú ý ngày 25/6, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại biển Đông và tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển có tọa độ 17 độ, 3,75 phút vĩ Bắc; 109 độ 59,05 phút kinh Đông. Vị trí này thuộc vùng chồng lấn phía nam cửa vịnh Bắc Bộ và phía tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa.
Theo thông tin từ Cục an toàn Hàng hải của Trung Quốc, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại đây từ ngày 25/6 đến ngày 20/8/2015.
Mục đích sâu xa
Có thể thấy, tuyên bố “sắp dừng bồi đắp” được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo cấp cao nước này đang chuẩn bị sang Washington cho Đối thoại thường niên chiến lược Mỹ -Trung lần thứ 7 diễn ra từ ngày 23 và 24/6. Đối thoại này còn để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
Bởi thế, theo Diplomat, tuyên bố “sắp dừng bồi đắp” trước hết nhằm mục đích xoa dịu thế đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington đang ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề Biển Đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại giữa 2 nước trong tháng 6 và tháng 9 được thuận lợi. 
Những ngày qua, Mỹ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh ngừng hành động bồi đắp đảo nói trên, và gọi hành động bồi đắp đảo này là phi pháp, đi ngược lại với Luật pháp quốc tế.
Rõ ràng, những chỉ trích từ giới chức Mỹ cũng có tác động không nhỏ tới quá trình mở rộng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc.
Bên cạnh Mỹ, dư luận thế giới cũng liên tục lên án động thái đơn phương mở rộng đảo nhân tạo của Trung Quốc. Vào lúc này, Trung Quốc có thể đã nhận thấy thế bất lợi của họ, bởi vậy đột ngột tuyên bố “sắp dừng bồi đắp” là để xoa dịu, trấn an dư luận trong giai đoạn trước mắt, nhất là khi tòa án The Hague, Hà Lan, dự kiến tiến hành phiên giải trình về vụ khiếu kiện của Manila đối với Bắc Kinh vào ngày 7/7 tới.
Ngoài ra, một lý do khác liên quan đến điều kiện thời tiết, đó là mùa mưa bão sắp bắt đầu trên Biển Đông. Nếu khăng khăng muốn tiếp tục xây dựng, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với những diễn biến bất thường của tự nhiên, The Diplomat nhận định.
Tham vọng không thay đổi
Bên cạnh đưa ra thông tin về việc sắp hoàn tất các dự án cải tạo, Trung Quốc còn cho biết sẽ chuyển sang giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc thế trận quân sự trên Biển Đông sẽ thay đổi.
Theo một số báo cáo, Trung Quốc sắp hoàn thành một đường băng dài hơn 3 km trên bãi đá Chữ Thập sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay. Giới quan sát đánh giá đường băng này đủ dài để mọi loại phi cơ của Bắc Kinh cất và hạ cánh. 
 trung quoc tiep tuc gay nhieu, khien bien dong ngay cang cang thang hinh 1
Đá Chữ Thập của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo.(Ảnh: CSIS/ IHS Jane’s)
Trung Quốc cũng tiến hành xây dựng các trạm radar cảnh báo và cơ sở liên lạc lớn tại một số đảo nhân tạo. Nước này còn bị nghi ngờ từng chuyển vũ khí tới đảo tranh chấp.
Các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng việc Trung Quốc xây gì trên các đảo này và vận hành chúng như thế nào sẽ cho thấy Bắc Kinh có mục đích hòa bình hay gây chiến. Những động thái quân sự hóa gần đây của Bắc Kinh cho thấy vế sau của nhận định nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Ông Rick Fisher, nhà nghiên cứu lâu năm về các vấn đề quân sự ở châu Á, dự đoán khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai hải quân và không quân tại đây và gia tăng sức ép quân sự trên các vùng biển tranh chấp.
Bà Mira Rapp Hooper- chuyên gia về Biển Đông của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc ngừng xây dựng chỉ nhằm mục đích “giảm nhiệt” chứ không làm thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với Biển Đông.  
The Diplomat nhận định, việc tuyên bố sắp ngừng mở rộng đảo chỉ là cách để nước này quay lại bước “trấn an” trong thời gian ngắn. Khi mối quan hệ với láng giềng bắt đầu ổn định và tốt dần lên, Bắc Kinh sẽ lại trở về với cải tạo và xây dựng, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trước. Đến lúc ấy, sự việc thực sự sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều so với bây giờ.
Cần thận trọng hơn
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động tại mỏ Lăng Thủy có tọa độ 17 độ 3,75 phút vĩ Bắc, 109 độ 59,05 phút kinh Đông, thuộc vùng biển phía nam cửa vịnh Bắc bộ và phía tây tây bắc quần đảo Hoàng Sa.
MSA cũng yêu cầu tàu bè di chuyển trên vùng biển này tránh xa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 từ 2km trở lên để đảm bảo an toàn cho hoạt động thăm dò dầu khí của giàn khoan. 

trung quoc tiep tuc gay nhieu, khien bien dong ngay cang cang thang hinh 2 
Vị trí giàn khoan Hải Dương 981 (Đồ họa: V.Thái - V.Anh - T.Thiên/ Tuổi trẻ) 

Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đang dịch chuyển sát phía bắc vùng trung tuyến giả định giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Hiện nay các lực lượng của ta đang theo dõi sát sao. Theo quy định của luật pháp quốc tế, nếu giàn khoan này di chuyển vô hại thì mình không được ngăn cản” - Tiến sĩ Thái khẳng định.
Ông cũng cho biết theo quy định, hành lang an toàn chỉ có 500m nhưng Trung Quốc lại cấm tàu bè di chuyển cách xa 2km là sai.
“Hơn nữa đây là khu vực chưa phân định ranh giới biển, Trung Quốc cũng công nhận khu vực này có chồng lấn nên họ phải tôn trọng, không được làm phức tạp thêm tình hình” - Tiến sĩ Thái nhấn mạnh.
Theo Reuters, Việt Nam cần thận trọng hơn trước những động thái mới của Trung Quốc, tự chủ, chủ động đấu tranh và không hoàn toàn phụ thuộc vào bất kỳ nước nào, tận dụng sức mạnh ngoại giao và pháp lý để khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình trên Biển Đông./.
(Theo VOV.VN) Phương Chi

Vết trượt của nữ sinh xinh đẹp 'mê nghề báo'

Cập nhật lúc 09:55 
    
Chúng tôi vẫn thoáng có chút sững sờ vì khuôn mặt xinh xắn, nét đẹp thông minh, trong sáng. Chúng tôi gặp cô gái này tại cơ quan công an, ngay sát ngày 21/6/2015 (90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam).
Khuôn mặt xinh xắn, dễ thương, cộng thêm cách ăn nói lưu loát, Hòa dễ gây thiện cảm với người khác ngay từ lần gặp đầu tiên. Nếu không vướng vào vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do chính Hòa là chủ mưu, giờ này "hotgirl" đã tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí, Quan hệ công chúng để thực hiện ước mơ thành lập công ty truyền thông, tổ chức sự kiện do chính cô làm chủ doanh nghiệp…
Ngày 19/6, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hòa (SN 1993) ở Đoan Hùng, Phú Thọ về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo tố cáo của người bị hại là chị Phạm Thị Trang, 19 tuổi, sinh viên ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đầu tháng 4/2015, Nguyễn Thị Hòa, người bạn gái mới quen sử dụng nick Facebook "Bống Quậy Nguyễn" nhắn tin nhờ chị Trang thuê hộ 2 bộ máy ảnh cao cấp để phục vụ làm bài tập tốt nghiệp. Lý do mà Hòa đưa ra là cô ta mới mất toàn bộ giấy tờ cá nhân nên không tự đi thuê được.
Nể bạn, chị Trang nhờ bạn là anh Phạm Tuấn Anh ở quận Đống Đa thuê máy hộ Hòa. Trưa 8/4, Hòa cùng anh Tuấn Anh, chị Trang và một người bạn đến cửa hàng máy ảnh tại ngõ Văn Chương II, phường Văn Chương, quận Đống Đa thuê 2 chiếc máy ảnh Canon 5D, 2 ống kính và một số phụ kiện đi kèm có tổng giá trị tài sản là 142 triệu đồng. Sau khi nhận số tài sản thuê trên, Hòa đã mang thẳng đến một hiệu cầm đồ trên đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy để cầm cố lấy số tiền 80 triệu đồng.
Hết thời hạn thuê máy ảnh ở cửa hàng nhưng không thấy Hòa trả, bị chủ cửa hàng thúc giục, chị Trang nhiều lần liên lạc, yêu cầu Hòa mang máy ảnh trả lại cho cửa hàng nhưng Hòa lấy lý do khất lần.  Đến ngày 20/4, Hòa đã vay mượn tiền đến chuộc lại 1 máy ảnh trả lại cửa hàng, còn 1 máy Hòa không có khả năng chuộc lại để trả.
Sau một thời gian liên hệ, thuyết phục Hòa trả nốt số tài sản cho cửa hàng nhưng không được, chị Trang đành đến Công an quận Đống Đa trình báo sự việc. Qua điều tra, ngày 10/6, Công an quận Đống Đa đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Hòa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi Hòa đang ở nhà tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Gặp Nguyễn Thị Hòa tại nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, mặc dù đã được biết sơ qua về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cô gái 22 tuổi này, chúng tôi vẫn thoáng có chút sững sờ vì khuôn mặt xinh xắn, nét đẹp thông minh, trong sáng, nụ cười răng khểnh rất duyên dáng của Hòa khiến người khác khó nghĩ rằng cô có thể "làm liều" đến mức  trở thành tội phạm.
"Tất cả là do ăn chơi quá đà. Đến khi hối hận thì không thể quay lại được nữa…" - Cô gái có khuôn mặt xinh như "hotgirl" òa khóc nức nở.
 
Nguyễn Thị Hòa và những giọt nước mắt ân hận tại cơ quan Công an.
Theo khai nhận của Hòa, từ nhỏ cô đã bộc lộ năng khiếu múa hát và tài hùng biện, thuyết trình trước đám đông. Hòa luôn được thầy cô khen ngợi về khả năng ăn nói lưu loát, thuyết phục người khác. Bất cứ một chủ đề nào, chỉ cần 5 phút chuẩn bị là Hòa có thể lên bục diễn thuyết.
"Em từng tham dự rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng và đều đạt kết quả cao. Từ nhỏ, em ước mơ sau này sẽ làm báo. Đến khi học cấp 3, qua tìm hiểu một số trường mới mở chuyên ngành quan hệ công chúng, em thấy hoàn toàn phù hợp với tính cách và khả năng của mình nên đã chọn ngành nghề này để thi đại học.  Công việc này với báo chí cũng gần nhau".
Và Hòa đã thực hiện được ước mơ của mình khi thi đỗ vào chuyên ngành quan hệ công chúng với điểm số khá cao. Yêu thích nghề nghiệp đã lựa chọn nên trong quá trình học, Hòa đã tự liên hệ làm thêm tại một số công ty tổ chức sự kiện để học hỏi kinh nghiệm. 
Môi trường làm việc của nghề tổ chức sự kiện đã cho Hòa rất nhiều mối quan hệ với những người bạn mới mà theo đánh giá của Hòa là họ có tiềm lực kinh tế từ gia đình, hoặc đã có công việc làm ổn định, sẽ giúp cô học hỏi kinh nghiệm làm ăn khi ra trường, hoặc đó sẽ là mối quan hệ tốt cho công việc sau này. Thế nhưng mọi việc không như suy nghĩ, những người bạn mới này chỉ suốt ngày tiệc tùng. Hòa cũng không thể biết họ kiếm tiền được từ đâu. Cuộc chơi thường bắt đầu từ những bữa tiệc xa hoa tại nhà hàng rồi kết thúc bằng tiệc rượu, ăn chơi nhảy nhót ở quán bar. Mỗi buổi vui chơi như vậy cũng mất vài chục triệu đồng.
"Bản thân em là con gái nông thôn, gia đình không có điều kiện nên khi được vào những chốn ăn chơi như thế, em bị lôi cuốn vào những cuộc vui mà không dứt ra được" - Hòa thừa nhận. "Mặc dù không ai bắt ép nhưng khi đã chơi trong nhóm thì tự hiểu hôm nay người này mời, ngày mai đến lượt người khác trả tiền. Trong nhóm, em là người không có tiền. Vì vậy để bằng bạn bằng bè, em phải đi vay mượn".
Với mức độ ăn chơi như vậy nên chỉ sau vài bữa đãi bạn, số tiền nợ đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Lúc này Hòa mới hoảng sợ vì số tiền quá lớn. Hằng tháng, bố mẹ Hòa phải vất vả chắt bóp mới đủ cấp cho cô số tiền hơn 2 triệu đồng/tháng để chi trả tiền thuê nhà trọ và sinh hoạt hằng ngày. Loanh quanh vay người này trả cho người kia cũng không ổn, Hòa nghĩ cách nhờ Trang, một người bạn sinh viên thuê giúp những chiếc máy ảnh đắt tiền để cầm cố lấy tiền trả nợ.
"Em nhờ Trang đi thuê hộ máy ảnh, lúc đó chỉ nghĩ mình "mượn" tạm để trả tiền mọi người, giữ cái uy tín của mình trước rồi về nhà thu xếp trả nợ. Vì nếu là thuê tài sản của cửa hàng thì cũng đỡ mang tiếng và phiền hà hơn là mình đi mượn đồ của bạn bè". Cách lý giải nghe có vẻ hợp lý nhưng Hòa quên mất rằng chính vì thế cô đã gây phiền phức cho cô bạn gái đã vô tư đứng ra giúp Hòa thuê 2 chiếc máy ảnh đắt tiền.
Chỉ đến khi ngồi trong nhà tạm giữ Công an quận Đống Đa, Hòa thấy hối hận thì đã quá muộn. Thời gian bấn loạn lo việc trả nợ, Hòa đã bỏ thi và bị nhà trường đình chỉ việc học.
"Lẽ ra giờ này em đã tốt nghiệp đại học và thực hiện ước mơ thành lập một công ty tổ chức sự kiện. Nhưng giờ thì muộn hết rồi. Tất cả đã sụp đổ. Lỗi là do em. Cảm giác giờ đây của em rất hối hận. Em muốn xin lỗi bố mẹ. Bố mẹ đã thương em và lo cho em nhiều…" - Hòa òa khóc nức nở nhưng những giọt nước mắt muộn màng đã không thể cứu vãn cho cô gái có khuôn mặt xinh đẹp như "hotgirl" này.
Theo CAND

Với tuổi đời mới đứng trước ngưỡng cửa, sự vấp ngã là đáng tiếc nhưng không phải cánh cửa đã sập lại. Hy vọng sau thời gian cải tạo, Hòa sẽ vượt lên, làm lại bằng năng lực và sự nỗ lực của mình. Đã có người phạm tội còn nặng hơn em mà nay đã hoàn lương, vươn lên đang rất tự tin với cương vị giảng viên một trường đại học danh tiếng tại HN
Thương Giang

Báo đảng Trung Quốc lại xuyên tạc "Việt Nam cất quân xâm lược Trường Sa"


 Chính thể có thể khác nhau, nhưng Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã thực thi đầy đủ...

 
Nhân cách và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến một số kẻ ở Trung Nam Hải khiếp sợ nên mới tìm cách bôi nhọ? Ảnh: The New York Times.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/6 tiếp tục luận điệu chống phá Việt Nam quyết liệt hòng mưu đồ hỗ trợ âm mưu bành trướng của Bắc Kinh biến Biển Đông thành ao nhà của họ. Một trong những cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ bôi nhọ Việt Nam mà còn xấc xược xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những tâm hồn biểu tượng thiêng liêng của người Việt khi giật tít hỗn láo: "Năm 1975 Võ Nguyên Giáp từng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa, Trung Quốc".
Thực tế là Thời báo Hoàn Cầu xuất bản lại bài bình luận xuyên tạc bôi nhọ Việt Nam có tiêu đề xấc xược không kém: "Việt Nam lật mặt: Năm 1956 Thủ tướng Việt Nam từng thừa nhận các đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc" do tờ Nhân Dân nhật báo và chính Thời báo Hoàn Cầu đã xuất bản ngày 18/7/2011.
Bài báo của Tôn Lực Chu, một học giả Trung Quốc cổ súy cho tham vọng bành trướng bá quyền ở Biển Đông đã dùng những lời lẽ rác rưởi thậm tệ để mạt sát Việt Nam, bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc đánh tráo các khái niệm pháp ly hòng bôi nhọ Việt Nam
Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc rêu rao rằng: "Trước năm 1974, bất luận là các cuộc họp, tuyên bố của chính phủ Việt Nam hay sách báo, bản đồ do nhà nước Việt Nam xuất bản đều thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng sau đó Việt Nam trở mặt, không chỉ xuất quân xâm chiếm  Trường Sa mà còn tìm mọi cách ngụy biện cho sự thay đổi thái độ của mình".
Ngay câu đầu tiên, học giả và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố tình bóp méo các khái niệm pháp lý cơ bản hòng lập lờ đánh lận con đen.
Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: "Lập luận này của phía Trung Quốc hoàn toàn vô giá trị trước ánh sáng công pháp quốc tế vì họ cố tình đánh tráo các khái niệm pháp lý cơ bản.
Thứ nhất, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. 
Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện của nguyên tắc chiếm hữu thật sự mà Luật pháp và thực tiễn quốc tế đã và đang có hiệu lực. Hoàng Sa và Trường Sa là những quần đảo của Việt Nam nằm giữa Biển Đông mà phạm vi của chúng đã được xác định trong các tài liệu chính thức của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. 

 
Ảnh chụp màn hình bài báo xấc xược của Thời báo Hoàn Cầu xúc phạm danh dự Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bôi nhọ Việt Nam.

Thứ hai, theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên đặt bút ký, Cộng hòa Pháp trước đó đại diện cho Việt Nam về mặt đối ngoại thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã bàn giao hoạt động thực thi, bảo vệ chủ quyền cho các chính thể ở niềm Nam Việt Nam: Đầu tiên là Quốc gia Việt Nam và kế đó là Việt Nam Cộng hòa.
Các chính thể này đã tiếp quản và thực hiện nhiệm vụ quản lý phần lãnh thổ phía Nam Việt Nam, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Cả trên phương diện pháp lý và thực tế, Việt Nam Cộng hòa đã thực thi đầy đủ chủ quyền hòa bình, hợp pháp, liên tục đối với 2 quần đảo này, kịp thời và liên tục lên tiếng phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. 
Chính thể có thể khác nhau, nhưng Tổ quốc Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã thực thi đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục kể từ khi Cộng hòa Pháp bàn giao năm 1954.
Trong giai đoạn 1954 – 1976, trước khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, thì các chính thể: Quốc gia Việt nam, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa niềm Nam Việt Nam là những chủ thể  kế tục nhau, đại diện cho Nhà nước Việt Nam, Dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam thực thi sứ mệnh bảo vệ chủ quyền đối với với quần đảo này theo đúng nguyên tắc và thủ tục pháp lý của Công pháp quốc tế hiện hành.
Bởi vậy, mọi tuyên bố hay phát ngôn của cá nhân, tổ chức nào về Hoàng Sa, Trường Sa giai đoạn này không phải do các chính thể nói trên đưa ra đều vô giá trị trước Công pháp quốc tế. Giai đoạn này ngoài các chính thể nói trên ra, không tổ chức, cá nhân nào có quyền phát ngôn về Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước sự tấn công xâm lược của lính Trung Quốc năm 1974, các quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu anh dũng, đổ máu hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, dù không giữ được đảo trước sức mạnh bành trướng xâm lược, nhưng sự thực lịch sử đó không thể thay đổi được!"

 
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Trung Quốc đã không ngừng tìm mọi cách “đổi trắng thay đen”, với rất nhiều thủ thuật, thủ pháp hết sức tinh vi, xảo quyệt, điển hình là lập luận này trên Thời báo Hoàn Cầu : "Năm 1933, Đan Mạch và Na Uy kiện nhau ra tòa về chủ quyền đối với đảo Greenland, cuối cùng Đan Mạch thắng kiện. Một trong những lý do để tòa án quốc tế đưa ra phán quyến này là vì năm 1919 Ngoại trưởng Na Uy Nils Claus đã nói với Công sứ Đan Mạch rằng, Na Uy không phản đối yêu sách chủ quyền của Đan Mạch đối với Greenland. Vụ kiện này đã trở thành án lệ của nguyên tắc "trước sau như một".
Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với Việt Nam vài chục năm qua cũng tương tự: Trước năm 1974, các tuyên bố, sách báo, bản đồ do Việt Nam phát hành bao gồm cả công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Nhưng sau đó Việt Nam lại lật mặt, không chỉ cất quân đánh chiếm Trường Sa mà còn ngụy biện cho sự thay đổi thái độ của mình?!"
Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định: "Trung Quốc đã cố tình lý giải sai nguyên tắc pháp lý quốc tế, nguyên tắc 'tiền hậu bất nhất'. Bởi vì, vấn đề là cần phải hiểu và xác định chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa trong thời kỳ này là ai?
Câu trả lời duy nhất đúng là: Dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế, đó là các chính thể: Quốc gia Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa, tiếp đến là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của Hiệp định Geneva 1954. Vì vậy, lập luận về nguyên tắc "trước sau như một" của ông Tôn Lực Chu hay Thời báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo là đã bỏ qua yếu tố quan trọng này và vì vậy, nó hoàn toàn không có sức thuyết phục.
Phải chăng đây là sự thiếu hụt về kiến thức pháp lý hay là chủ tâm trong việc cố tình đánh tráo khái niệm về chủ thể trong quan hệ quốc tế theo Công pháp quốc tế?" Tiến sĩ Trần Công Trục bình luận.
Thời báo Hoàn Cầu xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thới báo Hoàn Cầu đã xúc phạm anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết rằng: "Tháng 1/1974, hải quân Trung Quốc đánh nhau với hải quân Nam Việt (Việt Nam Cộng hòa), sau đó bức hải quân Nam Việt phải rời khỏi Hoàng Sa. Bắt đầu từ lúc này, lập trường của Bắc Việt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) bắt đầu thay đổi rõ rệt, tranh chấp biển đảo giữa 2 nước bắt đầu từ đây."
Tháng 4/1975 khi chiến tranh thống nhất đất nước Việt Nam sắp bước vào hồi kết, lãnh đạo Bắc Việt (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp nhanh chóng chỉ huy hải quân Bắc Việt xâm chiếm Trường Sa. Từ đầu năm 1975 Bộ Tư lệnh Hải quân Bắc Việt đã tiến hành các công tác chuẩn bị đánh chiếm (tiếp quản) các đảo ở Biển Đông và vịnh Thái Lan.
Ngày 4/4/1975 (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp đã gửi quân lệnh đặc biệt cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân yêu cầu nắm chắc thời cơ lên kế hoạch tác chiến, thời cơ đến lập tức chiếm (tiếp quản) Trường Sa. Ngày 13/4 (Đại tướng) Võ Nguyên Giáp chỉ thị, quân đội Nam Việt rút khỏi đảo nào, Bắc Việt chiếm (tiếp quản) đảo đó lập tức".
Tiến sĩ Trần Công Trục phân tích: "Không cần phải bình luận nhiều đối với luận điệu xuyên tạc này, chỉ cần nhìn hình ảnh người chiến sỹ quân Giải phóng niềm Nam Việt Nam kéo lá cờ hai màu xanh đỏ rất nổi tiếng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên quần đảo Trường Sa khi được lệnh ra tiếp quản quần đảo này vào đầu năm 1975 thì cũng đã thấy rõ tính chất hợp pháp của sự tiếp quản này.
 
Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được trang trọng kéo lên tại Trường Sa khi tiếp quản.

Dưới ánh sáng của Công pháp quốc tế, vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lực lượng quân giải phóng của Chính phủ này mới có đủ tư cách để tiếp quản quần đảo này. 
Ông Trục cho biết: "Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân Giai phóng nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.
Ngày 05 tháng 06 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 02 tháng 07 năm 1976, tai kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa."
(Theo Giáo dục VN) Hồng Thủy

Nói vắn tắt, dễ hiểu sự suy luận của thời báo Hoàn Cầu thì lấy ví dụ thế này: Giả sử lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký công văn công nhận đảo Ha Oai là của Trung Quốc thì ngày nay TQ cũng sẽ coi đó là “căn cứ pháp lý trước sau như một” để đòi Mỹ “trao trả” đảo của Mỹ cho TQ! Nó chẳng khác chi Thủ tướng nói phần lãnh thổ thuộc VNCH là thuộc TQ!
Thương Giang