Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

Họa sĩ sáng tạo độc đáo, táo bạo

 

Nhận 84.000 USD, họa sĩ giao tác phẩm là 2 tấm vải trắng với tựa đề "Ôm tiền chạy mất"

Cập nhật lúc 15:29  

Một bảo tàng ở Aalborg, Đan Mạch gửi 84.000 USD cho một họa sĩ Jens Haaning để sáng tác tác phẩm nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, đến hẹn, tác phẩm họ nhận được chỉ nhận được hai tấm vải trống trơn được đóng khung.

Jens Haaning là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng ở Đan Mạch với nhiều dự án nghệ thuật gây chú ý như vẽ lại quốc kỳ nước này bằng màu xanh lá cây. Haaning từng đưa một đại lý ôtô và một phòng khám trị liệu vào trong triển lãm tại Đan Mạch.

Họa sĩ Jens Haaning cho biết, những 2 bức tranh vải trắng là tác phẩm nghệ thuật mới có tựa đề: "Ôm tiền chạy mất". Họa sĩ khẳng định, đây không phải hành vi trộm cắp. Bức tranh của ông phản ánh tình trạng trả lương thấp cho người lao động.


Họa sĩ Jens Haaning.

"Tác phẩm nói lên rằng tôi đã lấy tiền của họ. Đó là hành vi vi phạm hợp đồng và vi phạm hợp đồng là một phần mà tác phẩm thể hiện", ông Haaning nói với Đài truyền hình DR Đan Mạch.

Bảo tang Kunsten tất nhiên không hài lòng với cách giải thích của họa sĩ Haaning. Tuy nhiên, họ vẫn trưng bày hai bức tranh trắng trơn trong triển lãm Work It Out, thể hiện mối quan hệ giữa con người và công việc.


Tác phẩm nghệ thuật "Ôm tiền chạy mất" của nghệ sĩ Jens Haaning được trưng bày tại Bảo tàng Kunsten. Ảnh: Bảo tàng Kunsten.

Họa sĩ Haaning đã ký hợp đồng với bảo tàng Kunssten và cam kết giao tác phẩm nghệ thuật và gửi trả 84.000 USD trước ngày 16/1/2022, khi triển lãm Work It Out đóng cửa. Bảo tàng Kunsten thừa nhận rằng họa sĩ đã tạo ra một tác phẩm mang tính khiêu khích. Hiện, 2 bên đang thảo luận lại về thời hạn này.

Họa sĩ đã nhận số tiền 84.000 USD theo thỏa thuận với Bảo tang Kunsten. Trong đó, ông được trả trước 57.000 USD để lồng số tiền này vào một khung tranh, tái hiện một tác phẩm nghệ thuật trước đó.  Trong tác phẩm được trưng bày trong giai đoạn 2007-2010, họa sĩ Haaning lồng những tờ tiền tương đương thu nhập trung bình hàng năm ở Đan Mạch và Áo vào hai khung tranh, để thể hiện mức chênh lệch thu nhập giữa hai nước.

Tuy nhiên, họa sĩ này đã sử dụng 2 bức tranh trắng trơn với kích thước chênh lệch rất nhiều nhau để minh họa khoảng cách thu nhập trung bình hàng năm ở Đan Mạch và Áo. Tác phẩm bất ngờ này của họa sĩ Haaning khiến nhiều người cảm thấy buồn cười và thắc mắc.


Tác phẩm "Thu nhập năm trung bình của người Áo, năm 2007" được trưng bày trong giai đoạn 2007-2010. Ảnh CNN

Họa sĩ gửi 2 thùng hàng kín tới bảo tang Kunsten trước khi triển lãm khai mạc vào tuần trước. Khi các nhân viên bảo tàng mở thùng hàng, họ rất ngạc nhiên khi thấy 2 bức tranh đóng khung trống trơn. "Tôi bật cười khi nhìn thấy nó", Giám đốc điều hành bảo tàng Kunsten Lasse Andersson cho biết.

Khi liên hệ với tác giả, ông Andersson bắt đầu nghi ngờ khi khi Haaning nói rằng đã tạo ra một tác phẩm mang tên "Ôm tiền chạy mất".

"Công việc của Haaning là chuyển tiền bạc thành nghệ thuật. Tác phẩm đó nhắc nhở chúng ta làm việc vì tiền. Nó cũng gây ra một cuộc tranh luận về việc nên định giá tác phẩm của một nghệ sĩ như thế nào?", ông Andersson viết trong email.

Họa sĩ Haaning giải thích, ông quyết định giữ số tiền 84.000 USD sau khi từ chối ý tưởng tái hiện lại tác phẩm được sáng tác cách đầy hơn 1 thập kỷ. Thay vào đó, ông muốn tạo ra một tác phẩm mới, giúp phản ánh tình hình công việc hiện tại của mình.

"Tôi nghĩ những người lâm vào hoàn cảnh lao động khốn khó tương tự có thể làm giống tôi". Haaning cho biết, ông phải trả khoảng 2.900 USD để tái tạo tác phẩm nghệ thuật cũ của mình. Ông cho rằng điều đó thật không công bằng.

(Theo Cafebiz.vn)  Phương Thu

Khoa học

  

Vaccine AstraZeneca ngăn ngừa bệnh nhân COVID-19 biến chứng nguy hiểm

Cập nhật lúc 14:53

Theo nghiên cứu, trong số hơn 17.600 người được tiêm vaccine AstraZeneca, không có trường hợp nào mắc triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng bệnh chuyển biến nặng và không có ca tử vong.


Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho người dân tại Brest, Pháp ngày 12/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca đã cho thấy hiệu quả 74% trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh và tỷ lệ này là 83,5% đối với những người từ 65 tuổi trở lên.

Đây là kết qua cuộc nghiên cứu lâm sàng do AstraZeneca tiến hành tại Mỹ và công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine số ra ngày 29/9.

Kết quả này có được dựa trên cuộc thử nghiệm lâm sàng với hơn 26.000 tình nguyện viên ở Mỹ, Chile và Peru.

Những người này được tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca với khoảng cách giữa mỗi mũi là 1 tháng, hoặc được tiêm giả dược.

Theo nghiên cứu, trong số hơn 17.600 người được tiêm vaccine, không có trường hợp nào mắc triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng bệnh chuyển biến nặng và không có ca tử vong.

Trong khi đó, đối với 8.500 tình nguyện viên sử dụng giả dược, thì có 8 trường hợp bệnh chuyển nặng và 2 ca tử vong.

Tiến sỹ Anna Durbin, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins và là một trong những giám sát viên của nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ tình trạng bệnh trở nặng và nguy cơ phải nhập viện.

Ngoài ra, không có trường hợp nào xảy ra tác dụng phụ đông máu hay còn gọi là huyết khối với việc giảm tiểu cầu xảy ra sau khi tiêm chủng.

Mức độ hiệu quả 74% trên thấp hơn so với mức 79% mà hãng AstraZeneca đưa ra trong một báo cáo sơ bộ tháng Ba vừa qua.

Hãng này sau đó cũng đã điều chỉnh tỷ lệ hiệu quả xuống còn 76% sau khi các nhà chức trách cho rằng tỷ lệ 79% dựa trên số liệu cũ.

Cuối tháng Bảy, AstraZeneca thông báo kế hoạch nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để xin cấp phép sử dụng hoàn toàn thay vì sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của mình.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết ông hy vọng vaccine có thể được sử dụng hoàn toàn tại Mỹ, mặc dù quá trình này mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu, phát triển các liều tăng cường đối với những người được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của AstraZeneca, hoặc 2 mũi của các hãng Pfizer/BioNTech hay của Moderna.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có tên Vaxzevria đã được cấp phép sử dụng tại hơn 170 quốc gia trên thế giới.

Cùng ngày, Slovenia quyết định đình chỉ việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson&Johnson do ghi nhận một trường hợp tử vong sau khi tiêm vacicne của hãng này.

Trường hợp tử vong là một phụ nữ 20 tuổi. Người này đã tiêm vaccine của Johnson&Johnson vào ngày 27/9 và đã tử vong vào rạng sáng 29/9 do xuất huyết não và đông máu.

Bộ trưởng Y tế Slovenia  Janez Poklukar cho biết sẽ đình chỉ việc sử dụng vaccine này cho đến khi làm rõ nguyên nhân khiến người phụ nữ trên tử vong.

Trước đó, các chuyên gia đã khuyến nghị chính phủ dừng sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson vì cho rằng có sự liên hệ "không mong muốn" giữa trường hợp tử vong trên với việc tiêm vaccine.

Cho tới nay, khoảng 47% trong tổng số 2 triệu dân tại Slovenia đã tiêm đủ liều và đây là một trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất./.

Văn Linh-Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Phòng chống Covid

 

PC-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch

Cập nhật lúc 09:17  

Ứng dụng PC-Covid chứa thẻ xanh Covid-19, thông tin tiêm vaccine, mã QR khai báo y tế và sẽ thay thế cho toàn bộ các app chống dịch trước đây.

PC-Covid đã hoàn thiện và được đưa lên hai kho ứng dụng App Store và Google Play. Ngoài ra, người dùng có thể vào website pccovid.gov.vn để tải về file .apk và dùng thử trên thiết bị Android. File này dung lượng khoảng 57 MB, nhưng là bản thử nghiệm nên có thể chưa tương thích với toàn bộ các thiết bị.

Ứng dụng được trang bị 9 tính năng chính: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh.

Các tính năng trên được tổng hợp từ loạt ứng dụng phòng chống dịch trước đó, như Bluezone, VHD, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử... Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian tới, ứng dụng sẽ được phát triển thêm các tính năng khác để thuận tiện cho người dân và phù hợp với chiến lược phòng chống dịch theo từng giai đoạn.

Sau khi phát hành, người dùng sẽ chỉ cần cài duy nhất ứng dụng PC-Covid cho công tác phòng chống dịch. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết PC-Covid sẽ thay thế toàn bộ các ứng dụng trên. Sau khi cài và đăng nhập, dữ liệu từ các ứng dụng cũ sẽ hiển thị trên PC-Covid, không đòi hỏi người dùng khai báo lại từ đầu.

Thẻ Covid-19 là một trong những tính năng quan trọng trên PC-Covid. Màu thẻ được hiển thị tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng từ các hệ thống quản lý tiêm vaccine, hệ thống quản lý xét nghiệm... Chẳng hạn, người được ghi nhận đã tiêm 2 mũi vaccine, hoặc xét nghiệm âm tính sẽ có thẻ xanh và được phép di chuyển. Người có thẻ vàng bị hạn chế đi lại, trong khi người có thẻ Covid màu đỏ không được di chuyển.

Mã QR được sinh ra trên PC-Covid cũng là mã QR cá nhân duy nhất của người dân, chứa các thông tin liên quan đến phòng chống dịch.


Giao diện chính của PC-Covid hiển thị thẻ Covid-19. Ảnh: Lưu Quý

Dự kiến sau khi PC-Covid ra mắt, một số ứng dụng hiện tại, như Bluezone, VHD, Ncovi, sẽ được xóa hoặc cập nhật để trở thành PC-Covid. Riêng Sổ sức khỏe điện tử vẫn được duy trì, phát triển theo hướng riêng, phục vụ công tác chuyển đổi số y tế sau này. Dữ liệu từ các ứng dụng sẽ được liên thông. Thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung và thống nhất, phục vụ duy nhất cho mục đích phòng chống dịch.

Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cho biết chưa có thời gian cụ thể của việc đưa PC-Covid lên hai kho ứng dụng iOS và Android. Tuy nhiên, quá trình này có thể sẽ hoàn thành trong 1-2 ngày tới và người dân sử dụng smartphone có thể tải về và sử dụng chính thức.

Trước đó, Việt Nam có khoảng 12 ứng dụng hỗ trợ phòng chống dịch do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an phát triển, chưa tính đến các ứng dụng địa phương. Việc này khiến người dân băn khoăn khi phải cài nhiều ứng dụng trên máy. Trong khi đó, dữ liệu giữa các app chưa liên thông triệt để, dẫn đến chưa phát huy hiệu quả tối đa. Do đó, Chính phủ chỉ đạo phải có ứng dụng duy nhất phục vụ chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng. Sau hơn hai tuần, ứng dụng PC-Covid đã được hoàn thiện.

(Theo VnExpress) Lưu Quý

Lãng phí tiến sĩ ở VN

 

Tiến sĩ làm gì?

Cập nhật lúc 07:50                 

Tốt nghiệp xong thạc sĩ từ một đại học Mỹ, nhiều người thân và không thân khuyên tôi "học nốt tiến sĩ đi, có bằng tiến sĩ vẻ vang cả nhà, cả dòng họ".

Vì thế, với tôi, đã sang tới Mỹ thì không có lý do gì không xin học tiếp tiến sĩ, trừ khi chẳng trường nào nhận.

Tôi hăm hở thi GMAT, nộp hồ sơ vào vài đại học xin học bổng tiến sĩ. May mắn là có chút khả năng toán nên điểm GMAT cũng khá cao. Từ năm 2007, tôi nhập học chương trình tiến sĩ về marketing tại Georgia State University.

Được nhận vào chương trình tiến sĩ thật tự hào, tôi ngẫm nghĩ sẵn đề tài thật hoành tráng, thật vang dội về Việt Nam để các thầy hướng dẫn sẽ phải gật đầu đồng ý ngay và tôi có thể hoàn thành sớm chương trình. Đề tài nghiên cứu của tôi về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam, những điều tôi đã được nghe là rất quan trọng với kinh tế đất nước từ hồi học đại học.

Gửi đề xuất và xin gặp để trao đổi với giáo sư hướng dẫn, tôi nhận được nụ cười nhẹ nhàng: "Ở đây người ta không quan tâm tới giải pháp cho Việt Nam". Giáo sư Daniel Bello hiền hậu nhưng hóm hỉnh nói với tôi: "Chúng tôi quan tâm tới cái gì đúng cho mọi quốc gia, mọi nơi, mọi lúc. Thôi cứ học, đọc đi đã rồi hãy nghĩ về đề tài nghiên cứu". Gáo nước lạnh ấy vẫn đem lại cảm giác tỉnh người với tôi tới tận bây giờ.

Học tiến sĩ dễ bị nhầm lẫn về mục tiêu. Trong các bậc học hiện nay, tiến sĩ là học vị cao nhất. Người có bằng tiến sĩ vì vậy thường được xã hội nể trọng, phát biểu của họ được nơi này nơi kia trích dẫn, thậm chí có người còn được dán mác nghe rất kêu.

Ở Việt Nam, học vị tiến sĩ nhiều khi là tấm giấy thông hành, tiêu chuẩn so sánh lựa chọn cho các vị trí quản lý. "Học tiến sĩ để làm quan" cũng là chủ đề được bàn rất nhiều những năm qua. Không có con số chính thức, nhưng theo quan sát của tôi, số tiến sĩ là quan chức khá nhiều.

Ngoài ra, có "mác" tiến sĩ, bạn được mời tham gia phát biểu tại các diễn đàn, hội thảo, đi dạy, tư vấn, tham gia hội đồng với các ý kiến được cho là có học thuật và tri thức cao. Tiến sĩ còn đi dạy làm giàu, khởi nghiệp, thậm chí có thể trả lời về mọi vấn đề, trong nhiều lĩnh vực.

Chính vì kỳ vọng tiến sĩ phải tìm ra các giải pháp cho xã hội, nên nếu xã hội có vấn đề gì, nhiều người lại réo tên các tiến sĩ, thậm chí mỉa mai "tiến sĩ giấy". Và cũng có lẽ vì vậy, tôi hay gặp nụ cười nhạt: "Bao nhiêu nghìn tiến sĩ mà Việt Nam chả sản xuất nổi con ốc".

Cá nhân tôi cũng từng nhầm lẫn như vậy. Nhưng sau này, tôi hiểu ra, mỗi người học có thể có mục tiêu khác nhau, nhưng nếu quan niệm học tiến sĩ để có tấm giấy thông hành cho các vị trí quản lý hay danh tiếng thì không phải.

Đến nay, sau khi đã học xong tiến sĩ và về nước tham gia giảng dạy nghiên cứu sinh - những người học để lấy bằng tiến sĩ - tôi gặp lại các đề xuất không khác gì của tôi từ 15 năm trước.

Thực ra, tìm ra giải pháp cho các vấn đề thời sự và thực tiễn cũng rất tốt. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất khi làm nghiên cứu ở bậc tiến sĩ không phải đề ra giải pháp thay cho chính phủ, nhà quản lý kinh tế, xã hội. Bởi đây là nhiệm vụ chính của các cơ quan nhà nước được lập ra để điều hành xã hội.

Thay vào đó, chương trình tiến sĩ ở các nước phát triển có mục đích đào tạo ra các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Người làm nghiên cứu ở đây là người nắm bắt, tạo ra tri thức về các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Sau tốt nghiệp, thường các tiến sĩ muốn tham gia vào tổ chức nghiên cứu như đại học, viện nghiên cứu hay nơi dành cho nhà nghiên cứu.

Phần lớn tiến sĩ tại các nước phát triển sẽ trở thành giảng viên đại học, thực chất bao hàm hai nhiệm vụ: tạo ra tri thức (nghiên cứu) và truyền bá tri thức (dạy học). Chính điều này làm cho giảng viên đại học khác với giáo viên các bậc dưới - những cấp mà họ chỉ cần tập trung vào việc dạy.

Cũng có số ít tiến sĩ sau đó ra làm trong doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực sự cần tấm bằng tiến sĩ. Họ cần người làm thực tế, tính toán và hành động để đạt mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp.

Vậy, tiến sĩ có trách nhiệm gì với việc Việt Nam sản xuất ra con ốc?

Trên thực tế, nhà điều hành khi ra quyết định có thể dựa vào kinh nghiệm của mình, thậm chí vào trực quan hay phán đoán cá nhân, trên kiến thức họ đã có. Gợi ý trong các đề tài nghiên cứu tiến sĩ vì vậy thường chỉ mang tính định hướng: nếu làm thế này, về quy luật sẽ đạt được kết quả thế kia.

Vì là người nghiên cứu, truyền bá kiến thức về quy luật như các học thuyết, lý thuyết đã được khái quát hóa, được chứng minh, các phương pháp và kỹ thuật để phát triển các quy luật... người học tiến sĩ cũng có thể nếu ý kiến về các lĩnh vực khác mình am tường. Tuy nhiên, chê họ không biết làm đinh ốc thì không đúng. Họ sẽ hữu ích và đúng chuyên môn hơn nếu đóng góp quan điểm hay cảnh báo về những quyết định quản lý đi ngược lại quy luật vận động.

Tiến sĩ ở Việt Nam làm gì để đóng góp tốt hơn cho xã hội?

Thứ nhất, với nền tảng được đào tạo, họ nên tập trung nghiên cứu các quy luật tự nhiên và xã hội để tiếp tục đóng góp cho tri thức nhân loại. Đóng góp vào kho tri thức toàn cầu cũng là nâng cao vị thế và hình ảnh của khoa học Việt Nam. Các tiến sĩ vì thế rất nên tham gia hoạt động đào tạo đại học và sau đại học, chuyển giao tri thức đã được kiểm chứng qua các công trình công bố có kiểm duyệt tới mọi người.

Thứ hai, nếu tham gia công tác quản lý, tiến sĩ nên giúp tạo ra môi trường nghiên cứu và truyền bá kiến thức tiên tiến hơn. Hoạt động nghiên cứu luôn có rủi ro vì mục tiêu là phải tìm tòi quy luật mới. Môi trường nghiên cứu vì thế chỉ đủ tốt nếu khuyến khích lao động sáng tạo, đồng thời chấp nhận được các rủi ro của người nghiên cứu.

Thứ ba, tham gia vào hoạt động tư vấn chính sách, công nghệ, kỹ thuật cũng tốt, nhưng các tiến sĩ lưu ý chỉ tập trung vào thế mạnh của mình, không lấn sân các nhà quản lý và chuyên gia lĩnh vực khác.

Biết mình ở đâu, có thể làm tốt nhất việc gì cũng là năng lực của tiến sĩ.


Phó giáo sư, tiến sĩ  Nguyễn Vũ Hùng

(Theo VnExpress) Nguyễn Vũ Hùng

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Đòn đánh mạnh của Covy

 

Chưa từng có: GDP Quý III/2021 âm 6,17%

Cập nhật lúc 09:38     

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

 


Kinh tế bị ảnh hưởng mạnh vì đại dịch. Nguồn: TCTK

GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

 

Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng.

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.

Trong Báo cáo điểm lại Tháng 8/2021 của World Bank (WB) về "Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai", tổ chức này cho rằng, Việt Nam đang chịu tác động nặng nề hơn của đại dịch COVID-19 và đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2021 giảm còn 4,8%.

 


Sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

(Theo VietNamNet) H.Duy

Liệu có lợi ích nhóm Covid

 

Được chào test kit giá 56.000 đồng nhưng không mua?

Cập nhật lúc 09:24     

Doanh nghiệp đã gửi thư mời mua kit xét nghiệm nhanh giá 2,4 USD (khoảng 56.000 đồng) ngay tại Việt Nam, vì sao giá test kit vẫn "nhảy múa"? Và những điều khó hiểu...


Chi phí xét nghiệm đang là nỗi đau đầu, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp - Ảnh: TẤN LỰC

Giá kit xét nghiệm COVID-19 đang là vấn đề rất nóng khi giá công bố trên trang chính thức của Bộ Y tế từ gần 80.000 - 200.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh, Bộ Y tế mới đây đã đề nghị sử dụng ngân sách mua kit xét nghiệm nhanh số lượng lớn với giá trên 60.000 đồng/bộ chưa tính thuế phí. Nhưng có doanh nghiệp (DN) đã chào giá thấp hơn.

Có test kit giá rẻ tại Việt Nam

Có lãnh đạo DN nói họ có thể mua giá 50.000 đồng/test kit (giá nhập khẩu đến Việt Nam đã bao gồm các loại thuế phí). 

Và theo tìm hiểu, điều rất bất ngờ là ngay tại Việt Nam đã có DN gửi thư đến cấp có thẩm quyền, cho biết sẵn sàng bán với số lượng không giới hạn kit xét nghiệm nhanh giá 2,4 USD/bộ (khoảng 56.000 đồng, đã bao gồm thuế phí), rẻ hơn so với giá Bộ Y tế đề nghị mua.

Cụ thể, trong bức thư gửi tới cấp có thẩm quyền Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, giám đốc điều hành một DN sản xuất kit xét nghiệm nhanh có trụ sở tại Hàn Quốc cho biết sản phẩm của DN này đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành ngày 14-7, được Bộ Y tế Hàn Quốc và EU chứng nhận, đã có gần 50 quốc gia sử dụng, sản phẩm cũng đang được phân phối ở 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

"Chúng tôi đã tìm hiểu và biết hiện có 20 loại kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhập khẩu vào Việt Nam, với giá công bố từ 79.800 - 200.000 đồng/bộ. Chúng tôi đề nghị cung cấp kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giấy phép lưu hành tại Việt Nam với giá 2 USD/test kit với số lượng không hạn chế, thông qua đơn vị nhập khẩu độc quyền tại Việt Nam" - thư viết.

Theo giải thích của nhà sản xuất, hãng này đã bán test kit trên thị trường với giá 3 - 3,4 USD, nhưng có thể cung cấp giá "đặc biệt cho Việt Nam" 2 USD/test kit. 

Đây là giá FOB tại Hàn Quốc chưa bao gồm thuế phí, nếu tính phí nhập khẩu ủy thác, thuế VAT và phí chuyển hàng khoảng 20%/tổng đơn hàng, tức là 2,4 USD/test kit (khoảng 56.000 đồng/test kit mua tại Việt Nam).

Những điều khó hiểu

Theo thông tin từ một báo cáo phát hành đầu tháng 9 của Bộ Y tế, phương án đảm bảo công tác y tế với tình huống Việt Nam có 300.000 bệnh nhân dương tính, nhu cầu mua sinh phẩm xét nghiệm đã ở mức 9,5 triệu test kit PCR và 76,8 triệu kit xét nghiệm nhanh. Trong đó, ngoài số lượng của các địa phương, Bộ Y tế đề xuất mua 2,9 triệu test kit PCR và 16 triệu kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Tuy nhiên do tình hình dịch phức tạp, nhu cầu (toàn quốc) theo Bộ Y tế, cần tới trên 25 triệu test kit PCR và trên 100 triệu kit xét nghiệm nhanh. Bộ Y tế cũng đề xuất trích ngân sách mua với giá 60.000 đồng/kit xét nghiệm nhanh (chưa bao gồm thuế phí khoảng 20% như kể trên) và 100.000 đồng/test kit PCR, chưa bao gồm thuế phí.

Nếu so với giá công bố của các DN trên cổng thông tin công khai giá của Bộ Y tế, mức giá trong đề xuất này có vẻ hợp lý nhưng nếu so với đề xuất của DN Hàn Quốc kể trên, mức giá này vẫn cao hơn trên 20%. Và phải xem xét 20% này ở số lượng cả trăm triệu test kit mới thấy khoản hơn 20% này là khổng lồ.

Theo một quan chức có trách nhiệm của Bộ Y tế, thời điểm tháng 6 vừa qua có thảo luận về việc chuẩn bị đấu thầu tập trung mua kit xét nghiệm nhanh và test kit PCR. "Mục tiêu là mua nhiều sẽ có mức giá tốt nhưng sau này không thấy bàn về việc này nữa".

Khác với vắc xin ngừa COVID-19 có thể phải cho phép mua sắm đặc biệt (quy định hiện hành cũng có hướng dẫn điểm này) do thị trường khan hiếm, nhưng kit xét nghiệm nhanh và test kit PCR thì khả năng cung cấp ngay tại Việt Nam có thể vượt nhu cầu sử dụng. 

Đơn cử trong danh sách các nhà cung cấp mà Bộ Y tế công khai, có đơn vị có thể cung cấp tới 60 triệu test kit/tháng, nhiều đơn vị cung cấp 5 triệu test kit/tháng. Hoặc DN Hàn Quốc kể trên có thể cung cấp số lượng không hạn chế do năng lực công ty này là 100 triệu test kit/tháng.

Với số lượng đơn vị cung cấp này và với tình hình giá kit xét nghiệm nhanh, test kit PCR trên thị trường, đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp có giá hợp lý nhất, chất lượng tốt nhất là hoàn toàn có thể và sẽ tiết kiệm được nhiều cho ngân sách trung ương và địa phương. 

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì lại không tổ chức đấu thầu tập trung hoặc hình thức đấu thầu nào có lợi nhất, mà tận tháng 9 này vẫn đề nghị "mua sắm đặc biệt" như với mua vắc xin?

Kê khai thông tin và tự chọn nhóm để làm xét nghiệm PCR giúp giảm chi phí ở Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Giá dịch vụ xét nghiệm cũng cao?

Theo ghi nhận, cùng với giá test kit "nhảy múa" rất đa dạng, giá dịch vụ thực hiện xét nghiệm nhanh cho người có nhu cầu cũng khá cao, có nơi thu tới 200.000 - 300.000 đồng/lần. 

Có gia đình người bệnh phàn nàn khi đến bệnh viện, không kể chi phí khám chữa bệnh đã tốn thêm 400.000 - 600.000 đồng phí xét nghiệm cho người bệnh và người nhà đi cùng. Trong khi giảm một chút chi phí lúc khó khăn này đã là rất quý.

Một vấn đề nữa, giá kit xét nghiệm nhanh, test kit PCR như công bố trên trang chính thức của Bộ Y tế là từ gần 80.000 - 200.000 đồng/test kit, tức là có nhiều loại giá cho 20 loại test kit khác nhau, nhưng hướng dẫn của Bộ Y tế về giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước ngày 1-7 lại chỉ có 1 mức, là 238.000 đồng/test kit cho người không có bảo hiểm y tế. 

Từ 1-7 thực hiện thực thanh - thực chi, gồm chi phí lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công và giá mua test kit theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn ví dụ giá test kit qua đấu thầu là 135.000 đồng/test kit, người có bảo hiểm sẽ được chi trả 80% số này, đồng chi trả 20% còn lại và chi phí nhân công lấy mẫu, trả mẫu... Người không có bảo hiểm thì thực thanh - thực chi.

Mức giá sau ngày 1-7 có vẻ có lý nhưng vấn đề ở chỗ hiện giá test kit còn đang "nhảy múa", hoàn toàn có thể mua rẻ hơn giá công bố, do đó người dân, người bệnh và quỹ bảo hiểm đã phải bỏ ra khoản tiền lớn hơn giá thực mà nếu cơ quan có trách nhiệm đấu thầu, đấu thầu tập trung hoặc đàm phán giá, chúng ta đã tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.

Giá test kit vẫn "nhảy múa"

Tiếp tục liên lạc với các DN được phép nhập khẩu, phân phối các bộ test kit COVID-19, phóng viên Tuổi Trẻ được thông báo nhiều mức giá khác nhau nhưng đều có khuyến mãi: càng mua nhiều giá càng giảm, có khi giảm hơn 50%.

Phần lớn các DN đều giảm sâu giá bán các bộ test kit so với thời điểm trước ngày

11-9, nhiều loại test kit giảm đến 40.000 - 50.000 đồng/test kit, tương đương với mức giảm 30 - 40%, cá biệt có test kit Trung Quốc giảm đến 76.000 đồng/test kit so với thời điểm cuối tháng 7.

Công ty TNHH S (TP.HCM), hiện đang phân phối test kit dịch tỵ hầu, có tên chủng loại là Asan Easy Test COVID-19 Ag sản xuất tại Hàn Quốc với giá công bố 130.000 đồng/test kit (chưa tính thuế VAT). Đây là mức giá đã giảm, trước ngày 11-9 công ty này công bố giá 150.000 đồng/test kit.

Trước thông tin giá test kit nước ngoài có nơi mua nhiều có thể chỉ 25.000 đồng, theo đại diện công ty, giá công bố trên là giá cao nhất đến tay người sử dụng hoặc bán cho các cơ sở y tế. Nếu mua số lượng lớn thì công ty này sẽ bán giá khác. Tuy nhiên, đại diện DN này không báo giá trực tiếp mà bán thông qua các đại lý.

Tương tự, đại diện DN chuyên về y tế có trụ sở tại TP.HCM bán test kit xuất xứ từ Đức, giá công bố theo thông báo của Bộ Y tế là 165.000 đồng/test kit (giá công bố trước ngày 11-9 là 180.000 đồng/test kit), song giá thực bán lại thấp hơn nhiều.

Cụ thể, nhân viên của DN này cung cấp cho chúng tôi các loại văn bản giới thiệu sản phẩm với thông tin là độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 98% kèm các giấy tờ kiểm nghiệm một lô hàng.

Với lượng mua khá lớn, đơn vị này báo giá giảm xuống còn 95.000 đồng/test kit, nếu mua thường xuyên sẽ được hạ xuống còn 90.000 đồng/test kit, giảm gần một nửa so với giá công bố.

Theo các DN, dù có nhiều mức giá song mỗi sản phẩm sẽ có độ chính xác, hiệu suất và thời gian bảo hành, hậu mãi của hãng khác nhau.

NGỌC HIỂN

(Theo Tuổi trẻ) Lan Anh

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Lỗi quản lí

 

Nếu 150.000 ca test nhanh dương tính ở TP.HCM được công nhận, cục diện chống dịch ra sao?

 Cập nhật lúc 15:38               

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho 150.000 ca test nhanh dương tính, không chỉ TP.HCM mà cục diện dịch bệnh của cả nước sẽ có nhiều thay đổi, ở nhiều khía cạnh.


Nhân viên y tế phường 5, quận Gò Vấp hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước đó, trong văn bản đề nghị Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho 150.000 người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19, Sở Y tế TP.HCM nêu trong thời gian cao điểm chống dịch, địa phương đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên nhằm phát hiện sớm các ca mắc đưa vào cách ly, chăm sóc và điều trị.

Số lượng ca bệnh trên ghi nhận từ ngày 20-8 đến nay và chưa được cấp mã số để quản lý do hướng dẫn của Bộ Y tế "chỉ cấp mã số cho trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR dương tính".

Như vậy nếu được công nhận, số ca mắc thực tế ghi nhận tại TP.HCM sẽ là 525.794 ca (số liệu cập nhật đến tối 27-9), tăng gần 40%; cả nước 911.528 ca, tăng gần 20% so với con số được Bộ Y tế công bố.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia dịch tễ cho biết nếu được công nhận, ngoài việc làm thay đổi toàn bộ số bệnh nhân mắc COVID-19 của TP.HCM và cả nước, còn kéo theo tỉ lệ tử vong của TP.HCM giảm chỉ còn 2,8% (tỉ lệ gần nhất là 3,9%) và cả nước giảm còn 2,1% (tỉ lệ gần nhất là 2,4%); dần thu hẹp với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới là 2,0% (theo Bộ Y tế).

Tuy nhiên, số ca mắc tăng cao (gần 1 triệu người), điều này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thứ hạng chống dịch của Việt Nam. Hiện nay, theo số liệu tính từ đầu dịch, Việt Nam có 766.051 ca mắc, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỉ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đang đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca mắc).

Ngoài các vấn đề nêu trên, việc công nhận 150.000 ca mắc COVID-19 sẽ làm tăng số người không phải chích ngừa (có kháng thể phòng virus ít nhất trong vòng 6 tháng). Điều này rõ ràng có thể làm cải thiện phần nào đó về chỉ tiêu mở cửa an toàn mà TP.HCM đang triển khai. 

"Tuy vậy, tất cả các vấn đề nêu trên là bề nổi, vấn đề đáng quan tâm là liệu có bao nhiêu người thực sự bị mắc COVID-19 trong tổng số 150.000 ca này. Bởi trước sức ép cần có thẻ xanh ra đường, nếu không có cơ chế kiểm tra tính xác thực của các ca test nhanh dương tính này có thể lọt số ca chưa được tiêm chủng vắc xin, điều này rất nguy hiểm cho cộng đồng", chuyên gia này khuyến cáo.

Theo chuyên gia này, dù tốn kém một chút nhưng để "chắc ăn", cần phải sàng lọc lại bằng test nhanh kháng thể (xác định độ miễn dịch ở bệnh nhân từng mắc bệnh) để đảm bảo sự công bằng, chính xác và cũng là cách để bảo vệ thành quả chống dịch, vốn mất nhiều công sức, tiền bạc.

TP.HCM hiện đang là địa phương có số mắc COVID-19 cao gần bằng 1/2 tổng số ca ghi nhận cả nước được công bố (375.794/761.528 ca), số tử vong chiếm trên 77% số tử vong do COVID-19 cả nước (14.500/18.758 ca). 

Bộ Y tế nói gì?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hướng dẫn 3638 quy định ca bệnh F0 được xác định khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại các cơ sở được Bộ Y tế cấp phép. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM, ngày 20-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có văn bản đồng ý các trường hợp có test nhanh dương tính được coi như F0 để điều trị tại nhà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 27-9, một đại diện Bộ Y tế cho rằng việc nhập mã số bệnh nhân là do địa phương, đơn vị thực hiện, tức ở đây việc nhập mã là do TP.HCM. Mặc dù quy định hướng dẫn giám sát thì chỉ các ca xét nghiệm RT-PCR dương tính mới là ca khẳng định nhưng Bộ Y tế đã có văn bản cho phép test nhanh dương tính coi như F0.

Dự kiến Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản hướng dẫn TP.HCM vấn đề này. Tuy nhiên đang có một số vướng mắc có thể nảy sinh. Cụ thể, các ca F0 đã khỏi bệnh được xếp vào nhóm có kháng thể, có thể sẽ được cấp "thẻ xanh", "thẻ vàng" để đi lại, làm việc, học tập...

Nhưng tỉ lệ dương tính qua xét nghiệm khẳng định bằng PCR ở nhóm có kết quả xét nghiệm dương tính bằng test nhanh chỉ khoảng 60%, thậm chí có địa phương chỉ ở mức 50%.

Nếu nhóm "dương tính giả" được coi như F0 bình thường và không được tiêm vắc xin thì cũng có thể có những nguy cơ nhất định, nhất là khi số lượng người liên quan lên tới hàng chục ngàn người.

(Theo Tuổi trẻ) Hoàng Lộc

Sau thời gian chống chọi Covid-19:

 

Ca sĩ Phi Nhung qua đời

 Cập nhật lúc 15:12 

Ca sĩ Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 28/9, sau một thời gian chống chọi với COVID-19.

Trưa 28/9, phía bệnh viện Chợ Rẫy đã xác nhận thông tin nữ ca sĩ Phi Nhung qua đời dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Trước khi mất, ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán bị biến chứng nặng của COVID-19, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi, kèm cơn bão Cytokyne, suy đa cơ quan. Bệnh nhân được chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu liên tục.

"Tất cả các loại thuốc cao cấp nhất đã được bệnh viện sử dụng để điều trị cho ca sĩ Phi Nhung. Tất cả các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình nhưng đã không thể cứu sống được ca sĩ và rất đáng tiếc trước sự ra đi này", nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Phi Nhung nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115 từ ngày 15/8, nhưng tình trạng chuyển nặng nên được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26/8. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, nữ ca sĩ đã không thể qua khỏi.

 


Sinh năm 1972, Phi Nhung được khán giả yêu mến khi thể hiện các ca khúc trữ tình như Bông điên điển, Phải lòng con gái Bến Tre…. Bắt đầu con đường nghệ thuật bằng công việc hát lót, Phi Nhung phải trải qua nhiều khó khăn mới có được vị trí như hiện tại. Ngoài ca hát, cô còn đảm nhận vai trò giám khảo cho các cuộc thi âm nhạc như Solo cùng bolero, Hãy nghe tôi hát...

Bên cạnh đó, Phi Nhung còn được nhiều khán giả yêu mến vì thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhận nhiều trẻ mồ côi làm con nuôi. Vì vậy, sự ra đi của nữ ca sĩ khiến nhiều khán giả, đồng nghiệp xót xa, tiếc nuối.

Theo VTV.VN