Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Lộ diện đối trọng đáng gờm của Trung Quốc trong tương lai
Cập nhật lúc 20:47

 (Thị trường) - Phát triển kinh tế phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ASEAN để làm giảm sự phụ thuộc chính trị vào TQ của một số quốc gia nội khối.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Đối trọng tương lai của Trung Quốc?
Một bài viết trên tờ “Học giả kinh tế” (The Economist) của Anh cho biết, với việc duy trì được địa vị độc tôn trong lĩnh vực sản xuất trong 30 năm qua, Trung Quốc đã khiến ngành sản xuất toàn cầu có những thay đổi mang tính cách mạng.
Tuy nhiên, cùng với mức tăng của tiền lương cũng như tình trạng bất ổn trong lao động, nền kinh tế của Trung Quốc cũng đang có những biến đổi nhất định. Phải chăng điều này cho thấy địa vị độc tôn của Bắc Kinh trong ngành sản xuất thế giới đang đến ngày kết thúc?
Ban tin tức của tờ “Học giả kinh tế” nhận định, mặc dù chuỗi cung ứng đã xuất hiện xu thế mới, nhưng các yếu tố như cơ sở hạ tầng mới và hiệu quả sản xuất ngày càng nâng cao, sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục duy trì sức cạnh tranh của mình.
Sở hữu nguồn cung cấp lao động lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, có hệ thống chính trị ổn định và nền giáo dục phát triển, là những tiền đề để Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành một cường quốc có giá trị sản xuất cao nhất. Điều này khiến Trung Quốc ngày càng phồn vinh, đồng thời cũng tạo ra áp lực không nhỏ trong nâng cao thu nhập và cải thiện môi trường làm việc.
Tuy nhiên, luận điểm cho rằng, các nhà sản xuất sử dụng sức lao động lớn sẽ rời bỏ Trung Quốc để tìm một số điểm đến có chi phí sản xuất rẻ hơn, là sự thổi phồng thái quá.
Qua so sánh giữa năng suất lao động và thu nhập của đa số các ngành kinh tế mới nổi từ năm 2013 đến 2018, phải thừa nhận là hiếm có nơi nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt chi phí, và càng không có nền kinh tế nào có hiệu suất lao động vượt qua được Trung Quốc.
Ở thị trường châu Á, Bangladesh được cho là sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành nước có nền sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu giá rẻ, tuy nhiên, việc giảm bớt chênh lệch về cạnh tranh của nước này với Trung Quốc lại diễn ra chậm nhất: thu nhập tăng nhanh hơn so với Trung Quốc, nhưng năng suất lao động chỉ bằng một nửa của Trung Quốc.
Tốc độ gia tăng thu nhập ở Việt Nam tương tự của Trung Quốc, nhưng năng suất lao động lại tăng tương đối chậm. Tình trạng ở Indonesia cũng không khác gì khi Jakarta đứng sau Bắc Kinh rất nhiều trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh.
Từ năm 2013 đến 2018, việc gia tăng thu nhập ở hầu hết các nước đều chậm hơn Trung Quốc. Nhưng về quy mô của nền kinh tế và môi trường thương mại, chỉ có Ấn Độ là tiệm cận Trung Quốc, còn ở các nước thường được coi là đối thủ của Trung Quốc như Mexico, Brazil và Ai Cập, tốc độ nâng cao năng suất lao động đều diễn ra rất chậm.


Chắc chắn rằng, tiền lương chỉ là một trong số những yếu tố cần cân nhắc khi di chuyển nhà máy, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất còn chịu sự chi phối của các yếu tố như chi phí, cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và những rủi ro trong của thị trường kinh doanh.
Biểu đồ so sánh sự gia tăng của năng suất lao động với những rủi ro trong kinh doanh cho thấy, những rủi ro trong trong kinh doanh ở đại đa số các thị trường mới nổi đều cao hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là ở các nước Argentina, Ai Cập và Nigeria.
Những nước có chi phí thấp hơn nhưng tỷ lệ rủi ro lại cao hơn Trung Quốc là Ấn Độ, IndonesiaPhilippines. Thông qua phân tích, Ban tin tức của tờ “Học giả kinh tế” khẳng định rằng trong vài năm tới, các nhà sản xuất chi phí thấp sẽ không rời khỏi Trung Quốc mà sẽ rời khỏi các thị trường mới nổi.
Có thể khẳng định, trong vài năm tới Trung Quốc sẽ dựa vào cơ sở hạ tầng tuyệt vời và sức mạnh kinh tế to lớn ngày càng hoàn thiện để tiếp tục giữ vững địa vị của mình. Thế nhưng, điều này không có nghĩa là tình hình trong vài năm tới sẽ không thay đổi.
Thách thức trực tiếp đối với địa vị độc tôn của Trung Quốc không phải là một vài kẻ cạnh tranh nhỏ, nhặt nhạnh những “mảnh vụ thị trường”, mà là “bức tường đồng vách sắt” trước cửa nhà Trung Quốc, đó chính là Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC), dự kiến ​​sẽ được thành lập vào năm tới.
Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.
Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.
Vai trò trụ cột của Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Bắt đầu từ năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đặt mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài.

AEC chính là sự đẩy mạnh những cơ chế liên kết hiện có của ASEAN như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Hiệp định Khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN, v.v…, để xây dựng ASEAN thành “một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất”.
Để thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất và phân phối thống nhất, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: Nguồn vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề, dựa trên và nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN và bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn.
Từ sớm, ASEAN đã đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị cho AEC thông qua việc gỡ bỏ các rào cản chính về thuế quan, tự do hóa lĩnh vực dịch vụ và nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài.
Khi AEC ra đời, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa tiếp nhận đầu tư và doanh nghiệp một nước thành viên làm ăn ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với doanh nghiệp sở tại.
Các ngành ưu tiên hội nhập gồm: 7 ngành sản xuất hàng hóa là nông sản, thủy sản, sản phẩm cao su, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, ô tô; 2 ngành dịch vụ là hàng không và e-ASEAN (hay thương mại điện tử); và 3 ngành vừa hàng hóa vừa dịch vụ là y tế, công nghệ thông tin và Logistics.
Các ngành nói trên được lựa chọn trên cơ sở lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên, kỹ năng lao động, mức độ cạnh tranh về chi phí, và mức đóng góp về giá trị gia tăng đối với nền kinh tế ASEAN.
AEC sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên; hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.
Liệu AEC có thể ra đời vào năm 2015 không? Câu trả lời là tuy có thể chưa hội nhập được 100% nhưng AEC sẽ ra đời đúng theo dự định. Tính đến cuối tháng 3-2013, ASEAN đã hoàn thành 80% các giải pháp được nêu trong kế hoạch xây dựng AEC trên tất cả các lĩnh vực (Theo báo cáo thường niên 2012-2013 của ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN thời điểm đó).

Song song với nỗ lực hoàn thành công cuộc hội nhập kinh tế khu vực vào năm 2015, ASEAN cũng đang tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước đối tác có hiệp định thương mại tự do với ASEAN, gồm Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc đàm phán hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) cũng được dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2015. Ngoài AEC và RCEP, một số thành viên ASEAN như Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam còn tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản.
Có thể nhận định là sau năm 2015, sẽ nổi lên vai trò cốt lõi của ASEAN như là một trung tâm hội nhập kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này sẽ có những tác động lớn lao đến các lĩnh vực khác như chính trị, quân sự, văn hóa-xã hội trong nội khối.
Trong nội bộ ASEAN hiện có những quan điểm và cách hành xử khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc, tất cả những điều đó đều xuất phát từ nguyên nhân kinh tế. Bắc Kinh đã sử dụng con bài viện trợ, đầu tư, hợp tác để “mua chuộc” thái độ chính trị của một số quốc gia.
Vì vậy, nếu ASEAN giải quyết được bài toán kinh tế, giúp các nước giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc thì mới tạo được sự đồng thuận cao trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa một số nước nội khối với Trung Quốc, đồng thời cũng làm hạn chế sự lũng đoạn về kinh tế của Bắc Kinh.
Có thể khẳng định rằng, AEC sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong bộ 3 trụ cột của Cộng đồng chung ASEAN, là yếu tố quyết định sự vững mạnh của Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Kinh tế có mạnh thì mới có tiềm lực củng cố quốc phòng-an ninh và phát triển văn hóa-xã hội. Vì vậy, phải đặt phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Tuy chưa thể đạt ngay đến hiệu quả cao nhất nhưng có thể tin tưởng là theo thời gian, AEC sẽ trở thành nhân tố quyết định trong xây dựng một Cộng đồng chung ASEAN đoàn kết, thống nhất và mạnh mẽ, đủ khả năng làm đối trọng với Trung Quốc.
(Theo Đất Việt) Thiên Nam

Shangri-la: “Kẻ muốn gây ra sự đã rồi ở Biển Đông cần phải bị lên án"

Cập nhật lúc 20:26
“Để cho những thế hệ con cháu của chúng ta được hưởng những phần thưởng này, chúng ta phải tạo ra sự hòa bình và ổn định. Để có hòa bình và ổn định, mọi quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.
“Thưa các quý ông, quý bà. Nhật Bản sẽ hỗ trợ đến mức tối đa đối với những nỗ lực của các nước ASEAN trong khi họ đang tìm cách bảo vệ an ninh cho vùng biển và bầu trời của mình bởi việc này can hệ rất lớn đến vấn đề tự do hàng hải và tự do bầu trời cho những chuyến bay. Nhật Bản có dự định sẽ đóng góp một vai trò lớn hơn, tiên phong hơn trước đây để mang lại hòa bình cho châu Á và cho cả thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói ngay trong phần đầu của bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Đối thoại Shangri-la 2014 vừa được khai mạc tối qua (30/5) tại Singapore.
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la (Singapore)
“Hồi năm ngoái, tôi đã đi thăm toàn bộ 10 nước ASEAN và mỗi chuyến đi đều đã cho tôi thấy rằng chúng tôi đều chia sẻ quan điểm nền tảng rằng chúng tôi cần cam kết tôn trọng những giá trị của pháp quyền. Chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng vì Nhật Bản và các nước ASEAN đều rất tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không”, ông Shinzo Abe nói tiếp.
Trong phần tiếp theo của bài phát biểu, vị Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh vai trò nòng cốt của mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa TokyoWashington trong việc bảo đảm sự ổn định cho khu vực. Ngoài ra, ông còn khẳng định Nhật Bản đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á, bao gồm Australia, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN.
Đề cập đến những điểm nóng đang gây nguy cơ bất ổn ở Biển Đông và cho cả khu vực ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản phát biểu: “Thưa các quý vị, chính phủ chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông quan một nghị quyết gồm 3 nguyên tắc… Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam khi mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại”.
“Việc có một kẻ nào đó đang hành động để thay đổi hiện trạng (ở Biển Đông) bằng việc ‘tạo ra một sự đã rồi’ cần phải được lên án một cách mạnh mẽ vì nó trái với tinh thần của công pháp quốc tế”, ông Shinzo Abe nhấn mạnh, “Liệu bạn có thể không đồng ý với ý kiến cho rằng đây là lúc các bên phải thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ra đời từ năm 2002 và phải dừng ngay mọi hành động đơn phương để nhằm vĩnh viễn thay đổi thực trạng của khu vực”.
Trong bài phát biểu của mình, ông Shinzo Abe cũng một lần nữa lên tiếng hối thúc ASEAN và Trung Quốc nên sớm có được một Bộ quy tắc ứng xử dành cho các bên ở Biển Đông (COC). Tuy nhiên, ông Thủ tướng Nhật Bản cũng không quên nhắc lại quá khứ với câu chuyện Bản thỏa thuận Nhật – Trung hồi năm 2007 giữa Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Ôn Gia Bảo và ông Shinzo Abe nhằm thiết lập một kênh giao tiếp giữa hai nước để ngăn chặn những tình huống bất ngờ nhưng kênh giao tiếp này đã vô tác dụng trong những xung đột và tranh chấp giữa hai nước quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
“Thật không may, điều này đã không dẫn đến một cơ chế hoạt động thực tế. Chúng tôi không chào đón những vụ đụng độ nguy hiểm giữa tiêm kích và tàu chiến của hai nước trên biển. Cái mà chúng ta cần trao đổi là ngôn từ chứ không phải vũ khí. Phải chăng, chúng tôi nên gặp nhau tại bàn đàm phán, đầu tiên trao đổi những nụ cười và ngồi xuống để thảo luận?”, Thủ tướng Nhật Bản tiếp tục.
Cũng trong bài phát biểu này, ông Abe đã nhấn mạnh vai trò của Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) song song với các cơ chế đối thoại như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng ADMM+. Theo ông, EAS sẽ là nơi các nguyên thủ quốc gia ngồi lại với nhau, trao đổi các vấn đề khu vực một cách thiện chí, kiểm soát việc mở rộng quy mô quân đội, minh bạch hóa ngân sách quốc phòng và khuyến khích mở rộng thành viên của Hiệp ước buôn bán vũ khí.
“Ánh nắng mặt trời là chất khử trùng tốt nhất”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh.
 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến sân bay Nội Bài hôm 16/1/2013. Trong năm 2013, ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Abe đã lần lượt đi thăm toàn bộ 10 nước ASEAN. (Ảnh: REUTERS)
Trở lại với câu chuyện ở ASEAN, ông Abe một lần nữa khẳng định quan điểm “sẽ hỗ trợ một cách tối đa cho những nỗ lực gìn giữ an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực” của các nước Đông Nam Á. Ông tuyên bố Nhật Bản đã quyết định viện trợ 10 tàu cho lực lượng tuần duyên Philippines, vừa mới cung cấp 3 tàu tuần duyên mới cho Indonesia và đang xem xét để sớm có những sự hỗ trợ tương tự đối với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
“Cùng với trang thiết bị, Nhật Bản cũng sẽ cử các chuyên gia của mình để đến huấn luyện về kỹ thuật cho các đối tác của mình ở Đông Nam Á. Qua việc hỗ trợ này, tôi tin rằng mối quan hệ giữa nhân dân Nhật Bản và nhân dân các nước tiếp nhận hỗ trợ sẽ trở nên bền chặt hơn”, ông Abe phát biểu.
Điểm đặc biệt, ngay trong một bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh khu vực nhưng ông Abe đã công bố kế hoạch sửa đổi điều 9 trong Hiến pháp hòa bình thời hậu Chiến tranh thế giới thứ II để cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể, tức khả năng hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công.
“Chúng ta đang ở trong thời đại mà không còn bất kỳ một quốc gia nào đủ khả năng tự bảo vệ nền hòa bình của chính mình. Chính vì Nhật Bản là một nước phụ thuộc rất lớn vào hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế, nên Nhật Bản mong muốn nỗ lực hơn nữa và chủ động hơn vì hòa bình thế giới”, Thủ tướng Nhật lý giải cho quyết định có phần gây sốc của mình.      
Có lẽ người khó chịu nhất đối với quyết định này của Nhật Bản không ai khác là Trung Quốc. Dù liên tục trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu cho quân sự nhiều thứ 2 thế giới (sau Mỹ) nhưng luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ với dự định “tái xây dựng quân đội” của Nhật Bản với lý do “chủ nghĩa quân phiệt” sẽ quay trở lại.
Trước đó, trong một cuộc tranh luận bên lề Đối thoại Shangri-la với thượng nghị sĩ Ben Cardin, bà Phó Oánh đã "tranh thủ" tấn công Thủ tướng Nhật Bản rằng Nhật lợi dụng tình hình tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông để cố gắng chỉnh sửa chính sách an ninh được quy định theo hiến pháp. "Ông ấy cố tình làm vấn đề trở nên nghiêm trọng, rằng Trung Quốc là nước gây mối đe dọa với Nhật Bản. Với cớ này, ông ấy cố gắng chỉnh sửa chính sách an ninh của Nhật Bản. Đây mới là điều gây lo ngại cho khu vực và cho Trung Quốc".
Để kết thúc bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Shangri-la 2014, ông Shinzo Abe giới thiệu về khái niệm “người Nhật mới” với miêu tả rằng đó sẽ là những con người “đưa vai ra gánh vác những trách nhiệm lớn lao hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
(Theo Infonet.vn) Lương Minh
Phản bác các luận điệu sai trái của Trung Quốc
Cập nhật lúc 10:41

Đại sứ Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a Nguyễn Xuân Thủy đã có bài viết đăng trên Báo Bưu điện Gia-các-ta phản bác các luận điệu sai trái mang tính xuyên tạc về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bài viết của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại In-đô-nê-xi-a Lưu Hồng Dương đăng trên báo này số ra ngày 20-5. Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ góc độ pháp lý và lịch sử, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa là không có căn cứ và việc ông Lưu Hồng Dương khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc là một quan điểm sai lầm. Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy nêu rõ, ông Lưu Hồng Dương đã cố ý trích dẫn sai nội dung bức công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958. Trong bức công thư, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập từ nào về lãnh thổ của Trung Quốc, mà chỉ ghi nhận và ủng hộ tuyên bố vùng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Ngoài ra, quan điểm của Trung Quốc không có tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa cũng đi ngược lại những điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận.
* Trước đó, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CNN đã khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống vào vùng biển Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Bác bỏ phát biểu của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói, Trung Quốc chỉ có một giàn khoan duy nhất trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn khoan, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và điều này là không chấp nhận được. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nêu rõ, Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, muốn có quan hệ tốt với các nước, nhưng Việt Nam không chấp nhận việc bị cưỡng ép hoặc bị đe dọa. Ông nhấn mạnh, người dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không nước nào nên đánh giá thấp quyết tâm của Việt Nam.
* Cùng với cộng đồng người Việt Nam ở khắp năm châu, cộng đồng người Việt Nam tại Cu-ba đã tổ chức buổi họp mặt phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong khi đó, trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, các sinh viên và kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại TP Bác-xê-lô-na, Tây Ban Nha, đã tập trung hòa bình tại quảng trường Ca-ta-lu-na ở trung tâm thành phố, để bày tỏ sự bất bình trước hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Những người tham dự đã cùng ký vào bức thư chuyển tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Ma-đrít và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Bác-xê-lô-na, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.
* Góp chung tiếng nói chính nghĩa ủng hộ Việt Nam, Bí thư Đối ngoại và Di trú Đảng Cách mạng Dân chủ Mê-hi-cô (PRD) H.Ô-rốt đã trao cho Đại sứ quán Việt Nam bản tuyên bố của đảng này về vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bản tuyên bố kêu gọi giải quyết các bất đồng bằng giải pháp hòa bình, yêu cầu các bên không có những hành động khiến tình hình thêm căng thẳng, bất ổn và mất an ninh trong khu vực. PRD cũng đề nghị Bộ Ngoại giao Mê-hi-cô sớm bày tỏ lập trường về vấn đề này.
* Tờ Ashahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản, đã đăng tải thông tin cho rằng, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã quyết định về việc triển khai giàn khoan dầu trên Biển Đông từ đầu năm nay, bất chấp những hậu quả ngoại giao có thể xảy ra với nước này. Theo báo Ashahi Shimbun, Trung Quốc đang làm mọi cách và bất chấp tất cả nhằm đạt được yêu sách phi lý ở Biển Đông.
Theo Nhân dân
 Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng thuộc về Trung Quốc

Cập nhật lúc 09:11                 
QĐND - Để bác lại các quan điểm trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao và các học giả Trung Quốc, từ rất lâu, Tiến sĩ Trần Công Trục và các học giả Việt Nam đã dày công nghiên cứu về sự sai trái, các tham vọng của Trung Quốc. Ông Trục chỉ rõ, tham vọng của Trung Quốc đang mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu của nước này.
“Chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa?”
Theo đó, có nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và nói rõ lãnh thổ của nước này có điểm tận cùng ở phía Nam là đảo Hải Nam. Trong đó, đáng chú ý là cuốn Địa chí phủ Quỳnh Châu cũng như cuốn Địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731. Điều này cũng được ghi trong Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ, phát hành năm 1894. Ngoài ra, quyển sách Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng: “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18o13’ Bắc”.
Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc cho biết: “Từ đời Hán đến đời Thanh đều có những bộ chính sử của triều đại, các mục địa lý chí nhưng chưa từng biên chép gì về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là điểm để người ta nhận ra rằng, Trung Quốc chưa từng xem nó thuộc về phần đất của họ. Các phần địa lý chí đều có mục xác nhận đơn vị hành chính nước này đến huyện Nhai, phủ Quỳnh Châu, tức là đảo Hải Nam”.
 
Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: VTC
Tiến sĩ Trục hết sức tâm đắc với nhận xét của bà Monique Chemillier Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu, rằng: Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác nhưng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này.
Ông Trục cũng nhấn mạnh, không chỉ thế giới, mà chính người Trung Quốc chân chính cũng đưa ra nhận xét về “chủ quyền lịch sử” Trung Quốc. Giáo sư Lý Lệnh Hoa ở Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, có bút danh là “Bao Phác Tiên Nhân”, khi nói đến sự sai trái, trái pháp luật quốc tế từ phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh: "Chúng ta thường thích nói một câu là: Từ xưa đến nay thế này thế nọ, có lúc hứng lên còn thêm vào hai chữ “thiêng liêng”. Đó chính là cái gọi là chứng cứ lịch sử…, nhưng chứng cứ đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc chắn. Ở Nam Sa, chúng ta không có được điều đó”.
 Câu hỏi của Giáo sư Lý Lệnh Hoa chắc hẳn sẽ khiến nhà chức trách  Trung Quốc rất khó trả lời.
 Không ai có thể thay đổi sự thật
Vậy nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là gì? Có phù hợp với luật pháp quốc tế không?
Tiến sĩ Trục cho biết: “Việt Nam hoàn toàn đúng. Phương thức thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Việt Nam đã chính thức tuyên bố rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi”. 
Tiến sĩ Trục khẳng định: Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
Trước tiên, Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn. Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của Đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ năm 1771 đến 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình. Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa.
Năm 1775, Phường Cù lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.
Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng Đội Hoàng Sa, Đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1803, vua Gia Long cho lập lại Đội Hoàng Sa: Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm Đội Hoàng Sa (theo Đại Nam Thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 12). Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long quyết định: Sai Phạm Quang Ảnh thuộc Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình…(Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).
Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện… Những năm 1833, 1834, 1836, vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ…: Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc. Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc… 
Tiến sĩ Trục khẳng định, như vậy là suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, Đội Hoàng Sa, kiêm quản Đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: Châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp… hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ nhà nước.
Cũng theo sự phân tích của ông Trục, trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này, đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ, khi thì là trấn.
(Theo QĐND) NGUYỄN HÒA ghi

Những kẻ "ăn chặn" của con trẻ

Cập nhật lúc 08:46
                
(PetroTimes) -  Ngay sau khi Bộ Tài chính quyết định áp giá trần cho 25 sản phẩm sữa bột của 5 doanh nghiệp, chiếm tới 90% thị phần, bắt đầu từ ngày 1/6 tới thì phản ứng đầu tiên của các doanh nghiệp này là phản đối. Và điều này cũng được đoán trước. Thế nhưng để đối phó với việc áp giá trần này cũng như một số quy định khác của các cơ quan chức năng, trước đó, các doanh nghiệp sữa đã bằng mọi cách để tăng giá, dù đó là cách có thể coi là “hạ đẳng” nhất như “rút ruột” nhưng vẫn giữ nguyên giá bán. Nói chung vẫn là thói quen “móc túi” người tiêu dùng, “ăn chặn” của con trẻ mà các doanh nghiệp sữa không muốn từ bỏ
Tăng giá hay giữ giá?
Thị trường sữa trong những ngày này ảm đạm chưa từng thấy. Bởi từ cuối năm ngoái, khi các doanh nghiệp lớn ngấm ngầm tăng giá một số sản phẩm sữa của mình thì người tiêu dùng đã chán ngấy cái cảnh lúc nào cũng phải gồng mình chạy theo các hãng để mua sữa cho con nên đã đổi sang các “tên tuổi” khác vừa có giá cả ổn định vừa bảo đảm chất lượng. Chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở 150 Ngọc Hà, Hà Nội nói: “Việc giá sữa lúc nào cũng tăng mà chẳng thấy giảm đã khiến người tiêu dùng mệt mỏi không muốn mua những loại sữa bấp bênh ấy nữa, kể cả đó là loại từ trước tới nay vẫn được coi là “đầu bảng” về chất lượng”.
Còn chủ cửa hàng sữa lớn nhất ở phố Đội Cấn thì vừa lắc đầu vừa than phiền: “Hàng bán chậm lắm, giảm gần một nửa so với năm ngoái. Bây giờ một số hãng lại còn tăng giá bán bằng cách giảm trọng lượng nhưng giữ nguyên giá thì hàng còn tồn đọng nữa. Chưa kể tới đây áp giá trần, không biết thế nào. Nói chung chỉ “chết” người bán hàng như chúng tôi”.
 
Một quầy bán sữa trong siêu thị tại Hà Nội
Và xem giá niêm yết cũng như trọng lượng sản phẩm, chúng tôi thấy Pediasure B/A loại hộp 900g của Abbott trước đây được thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ cho người tiêu dùng là 610.000 đồng/hộp; sữa Ensure Gold loại 900g cũng thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850g, giá bán duy trì ở mức 715.000 đồng/hộp. Nếu theo tính toán thì sản phẩm này thay vì giữ giá lại tăng gần 40.000 đồng/hộp. Còn hãng sữa Mead Johnson thì công khai hơn khi tăng giá 5-7% với lý do thay đổi mẫu mã sản phẩm: như Enfa A+ loại 1,8kg mới sẽ tăng lên 850.000 đồng/hộp, giá cũ là 805.000 đồng/hộp. Enfamil A+ và Enfagrow A+ sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+ 360* Brain Plus và Enfagrow A+ 360* Brain Plus và bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội như vậy thì thực chất là các hãng sữa đã tăng giá chứ không phải giá bán không đổi.
Thực ra, nếu việc tăng giá sữa nói một cách công bằng nếu vì những lý do chính đáng sẽ không có gì phải bàn. Nhưng đằng này, các doanh nghiệp đưa ra những “căn cứ” rất vô lối kiểu như nguyên liệu đầu vào tăng, thuế, phí tăng… Mà sự thật không phải vậy, trong khi giá thế giới tăng 1 thì ở Việt Nam, cũng với loại sữa đó, nó đã gấp 2 và tất nhiên, vì thế giá sữa sẽ được điều chỉnh tăng cao hơn rất nhiều.
Ví như đợt tăng giá tháng 10/2013, để mở đường cho quyết định này, các hàng sữa liên tục lên tiếng kêu rằng nguyên liệu đầu vào tăng, xăng dầu tăng… Tuy nhiên, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho thấy, giá sữa bột nguyên liệu trên thế giới không tăng, giá sữa tươi trên thị trường thậm chí còn giảm nhẹ, vậy mà không những giá sữa không giảm chút nào mà chỉ có tăng là điều vô lý.
Mưu ma chước quỷ
Hay như chuyện các doanh doanh nghiệp liên tục kêu lỗ, rằng không tăng giá thì sẽ thế này, thế kia… nhưng rồi, lợi nhuận mà họ thu về vẫn quá khủng, lên tới 20-30% như năm 2013 (báo cáo của Bộ Tài chính tại phiên Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 4). Và rồi, chỉ với hơn 90 triệu người, thị trường sữa Việt Nam vẫn thu hút hơn 200 hãng sữa cả trong và ngoài nước tham gia…
Tất cả những điều đó cho thấy, chuyện viện lý do này, lý do kia để tăng giá sữa là vì thị trường sữa Việt Nam thiếu minh bạch!
Theo thống kê, chỉ riêng việc tăng giá tới 7 lần trong năm 2013 và tới 30 lần trong 3 năm gần đây, trong đó có không ít lần bất chấp chỉ đạo của cơ quan chức năng yêu cầu không được tăng giá sữa. Đây chính là sự coi thường pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh sữa.
Chẳng đâu xa, mới tháng 3 vừa rồi, bất chấp yêu cầu của Bộ Tài chính không được tăng giá các mặt hàng sữa khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, hơn 90% nhãn sữa dành cho trẻ em vẫn được điều chỉnh tăng giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã thẳng thắn cho rằng, thái độ của doanh nghiệp như vậy là coi thường văn bản của Cục Quản lý giá.
Coi thường các quy định, yêu cầu của cơ quan chức năng… dường như đã trở thành chuyện có tính “bản chất” của các doanh nghiệp sữa khi mới đây, sau khi Bộ Tài chính ra quy định về việc áp trần giá sữa với 25 mặt hàng sữa và lấy giá của 25 mặt hàng sữa này làm giá cơ sở cho các mặt hàng sữa khác trên thị trường, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa đã tự ý rút trọng lượng sữa/lon (hộp) mà vẫn giữ nguyên giá bán.
Ví như sản phẩm PediaSure BA dành cho trẻ, Ensure Gold dành cho người già của Abbott chẳng hạn, trọng lượng đã bị giảm từ 900g xuống còn 850g, nhưng giá bán lại không thay đổi. Và theo tính toán, với “thủ đoạn” này, tính ra, giá mỗi hộp sữa đã tăng thêm 40.000 đồng/hộp (tăng khoảng 5% so với trước).
Trả lời những băn khoăn về hiện tượng này, một chủ cửa hàng kinh doanh sữa ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thông tin, việc điều chỉnh trọng lượng sữa/lon (hộp) là cho phù hợp với mẫu mã chung của hãng tại các nước khác. Nhưng rõ ràng, cái lý này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là nó lại rơi vào đúng thời điểm quy định áp trần giá sữa sắp có hiệu lực (theo quyết định của Bộ Tài chính, việc áp trần giá sữa sẽ thực hiện từ ngày 1/6/2014). Dư luận xã hội vì thế càng tin rằng, đây là “chiêu trò” lách luật mới và càng thể hiện rõ sự coi thường pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh sữa.
Đó là câu chuyện mang vấn đề pháp lý, còn xét dưới góc độ đạo đức, văn hóa doanh nghiệp thì những hành vi như trên cũng không thể chấp nhận được, thể hiện sự vô cảm của các doanh nghiệp sữa với người tiêu dùng.
Đành rằng, đã là doanh nghiệp, đã tham gia thương trường thì ai mà chẳng muốn thu về thật nhiều lợi nhuận nhưng trong kinh doanh, ngoài mục tiêu đó ra còn có vấn đề đạo đức, văn hóa của người làm kinh doanh, còn có cả yếu tố lợi ích của người tiêu dùng. Có thể vì những quy định pháp luật về mặt hàng này còn có lỗ hổng, có thể việc thực hiện chức năng quản lý giá mặt hàng sữa còn chưa nghiêm… nhưng không thể vì thế doanh nghiệp sữa có thể tự tung, tự tác. Thử hỏi, trước khi tăng giá bán các mặt hàng sữa, đã có doanh nghiệp kinh doanh sữa nào đặt câu hỏi, giá sữa tăng sẽ tác động tới cuộc sống của người dân hay chưa? Hay họ chỉ nghĩ đến mình, đến túi tiền của mình mà bất chấp tất cả. Hay họ chỉ biết, vì tình yêu cho con trẻ nên dù giá sữa có tăng thế, tăng nữa, tăng vô lý đến mấy thì các bậc cha mẹ, phụ huynh vẫn phải chấp nhận, phải “ngậm đắng nuốt cay”, bớt ăn, bớt tiêu, tiết kiệm từng đồng tiền sinh hoạt hằng ngày để bù vào khoản tiền mua sữa cho con uống hằng tháng…
Đáp án cho những câu hỏi trên có lẽ chẳng cần nói thì ai cũng thấy rõ, từ việc tăng giá sữa vô lý, coi thường các quy định của pháp luật, rồi đến việc “chống đối” của quyết định của cơ quan chức năng về việc áp trần giá sữa, rút ruột trong lượng sữa/lon (hộp)... tất cả chỉ phục vụ lợi ích cho các hãng sữa. Họ không chỉ đang móc túi người tiêu dùng và “ăn tranh” cả sữa của con trẻ.
Và vì vậy, họ chính là những kẻ thất đức nhất Việt Nam khi đã và đang sống, trục lợi dựa trên tình thương của các bậc cha mẹ, phụ huynh dành cho con cái!.
(Theo Năng lượng mới) Anh Ngọc

VN gửi Công hàm phản đối TQ lên LHQ

Cập nhật lúc 08:22
Ngày 28/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao TQ, phản đối TQ không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế của VN theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả VN và TQ đều là thành viên.
VN kiên quyết bác bỏ lập luận của phía TQ, cho rằng vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) là thuộc vùng biển của cái gọi là “quần đảo Tây Sa”, và một lần nữa khẳng định rằng “quần đảo Tây Sa” mà TQ đề cập đến chính là quần đảo Hoàng Sa của VN mà TQ đã chiếm đóng trái phép bằng vũ lực năm 1974.

Trung Quốc, giàn khoan, Hải Dương 981, chủ quyền, Hoàng Sa
Trung Quốc, giàn khoan, Hải Dương 981, chủ quyền, Hoàng Sa
Giàn khoan của TQ hạ đặt trái phép tại vùng biển VN. Ảnh: Vietnam+

VN yêu cầu TQ rút ngay giàn khoan Hải Dương-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực.
Văn kiện trên đồng thời phản đối đến quan điểm của TQ, cho rằng VN đã phân 57 lô dầu khí, trong đó có 7 mỏ cùng 37 giàn khoan đang hoạt động tại vùng biển tranh chấp.
VN khẳng định quan điểm này của TQ được đưa ra mà không căn cứ vào một cơ sở pháp lý nào, do vậy, VN kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này, đồng thời khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của VN đều tiến hành trên thềm lục địa của VN, được xác định phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Công hàm của VN khẳng định sau khi TQ rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước.
Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc cho lưu hành văn bản trên như một tài liệu chính thức của Khóa 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tiếp đó, ngày 29/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên hợp quốc đã ra Thông cáo báo chí về vụ việc trên.
Trước đó, hôm 9/5, Liên hợp quốc cũng đã cho lưu hành một Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta phản đối việc TQ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của nước ta.
Vào ngày 20/5, Phái đoàn thường trực VN bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ cũng đã ra thông cáo về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và gửi đến Văn phòng LHQ tại Geneva, các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan báo chí có trụ sở tại Geneva.
Theo Vietnam+

Nhật sẽ 'hỗ trợ hết mình' Việt Nam, Philippines bảo vệ lãnh hải và không phận

Cập nhật lúc 08:20               

(TNO) Nhật Bản sẽ “hỗ trợ hết mình” cho các quốc gia Đông Nam Á - nhất là Việt Nam và Philippines - bảo vệ lãnh hải và không phận, Thủ tướng Shinzo Abe vừa tuyên bố tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ở Singapore.


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Shangri-La - Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu mang tính dẫn dắt tại phiên khai mạc diễn đàn vào ngày 30.5, ông Abe cũng nhấn mạnh về sự cần thiết của việc tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Reuters cho hay.
“Nhật sẽ hỗ trợ hết mình cho nỗ lực đảm bảo an ninh trên biển và trên không của các quốc gia thành viên ASEAN, cũng như cho việc duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không”, Thủ tướng Abe phát biểu.
“Chính phủ Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp trên biển Đông của Philippines. Chúng tôi cũng ủng hộ nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại của Việt Nam”, Thủ tướng Nhật cho hay.
Ông Abe cũng kêu gọi sớm thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như việc thực thi hiệp ước hồi năm 2007 được ký kết bởi Bắc Kinh và Tokyo nhằm tránh để xảy ra các vụ đụng độ do sơ ý giữa tàu thuyền và máy bay hai nước.
“Nhật Bản dự định sẽ đóng một vai trò tiên phong và to lớn hơn so với vai trò hiện nay của mình nhằm biến hòa bình tại châu Á và thế giới thành điều chắc chắn hơn”, ông Abe nói.
Thủ tướng Nhật nhấn mạnh vai trò nòng cốt của mối quan hệ đồng minh chặt chẽ giữa TokyoWashington trong việc bảo đảm sự ổn định cho khu vực.
Ngoài ra, ông Abe còn khẳng định Tokyo đang tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á, bao gồm Úc, Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN.
Vốn là người không giấu tham vọng nới lỏng ràng buộc về quân đội, ông Abe đã công bố ngay tại diễn đàn kế hoạch sửa đổi điều 9 trong hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến thứ 2 để cho phép Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể, tức khả năng hỗ trợ nước đồng minh bị tấn công.
“Chúng ta đang ở trong thời đại mà không còn bất kỳ một quốc gia nào đủ khả năng tự bảo vệ nền hòa bình của chính mình”, Thủ tướng Nhật tuyên bố.
“Nhật là một quốc gia phụ thuộc lớn vào nền hòa bình và sự ổn định của cộng đồng quốc tế và Nhật mong muốn hoạt động tích cực hơn cho hòa bình thế giới”, ông Abe phát biểu.
Được biết, tại diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất trong khu vực này, Úc dự kiến cũng sẽ lên tiếng ủng hộ động thái của Thủ tướng Abe nhằm quảng bá hình ảnh Nhật Bản như một đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Theo lịch trình, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston sẽ phát biểu vào ngày 31.5, tờ Sydney Morning Herald cho hay.
Theo nội dung bản phát biểu, ông Johnston sẽ tuyên bố Úc “hoan nghênh nỗ lực tái thẩm định các chính sách về an ninh và quốc phòng của Nhật vì điều này có thể đóng góp lớn hơn cho hòa bình và an ninh khu vực”. 
(Theo Thanh niên) Hoàng Uy

Sau đâm chìm tàu ngư dân, Trung Quốc chuyển sang ném đá... không dấu tay

 Cập nhật lúc 08:07

TT - Ngày 30-5, tàu cá QNg 90045 của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Võ Bá Nha (29 tuổi), xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cập cảng cá Tịnh Kỳ rệu rã sau gần nửa tháng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, ném đá.


Thuyền trưởng Nha với khay đá của tàu Trung Quốc ném vỡ kính cabin tàu - Ảnh: V.Hùng
Người thân của thuyền trưởng Nha vừa mừng vừa xót đón các ngư dân trên tàu hốc hác, bơ phờ. Còn con tàu xơ xác, chắp vá khi toàn bộ cửa kính cabin phía trước và hai bên bể toác, một số ngư cụ hành nghề bị tàu Trung Quốc phun nước trôi xuống biển. Thuyền trưởng Nha kể tàu QNg 90045 ra biển ngày 4-5 với chín ngư dân. Khoảng 21g tối 16-5, khi tàu đang hành nghề gần đảo Cây, cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 4 hải lý thì bị tàu Trung Quốc số 306 đuổi theo. Năm ngư dân đang lặn dưới nước được kéo gấp lên tàu. Tàu QNg 90045 tắt đèn tối om và tăng tốc chạy tránh tàu Trung Quốc.
Thuyền trưởng Nha bức xúc thuật lại tàu cá QNg 90045 phải vừa tăng hết tốc lực vừa chạy hình chữ chi trong đêm tối trên biển để tránh bị tàu Trung Quốc húc và áp sát, đưa người lên tàu cá. Tàu 306 của Trung Quốc vừa chói đèn vừa đuổi tàu cá hơn một giờ nhưng vẫn chưa áp sát gần tàu cá. Sau đó, người trên tàu 306 bắt đầu lấy đá xây dựng to hơn nửa nắm tay ném vào cabin tàu cá làm bể kính và tiếp đó dùng vòi rồng xịt nước lên trước thân tàu, thổi bay các ngư cụ, thùng dầu xuống biển và phun vào cabin nhằm làm hư hỏng thiết bị. Ngư dân Nha cho biết phía Trung Quốc đã có chủ ý chỉ tấn công phần cabin tàu để tài công không lái được tàu, rồi họ sẽ lên tàu, lúc đó không biết việc gì sẽ xảy ra. Các ngư dân trên tàu vừa nấp để tránh đá, vừa sử dụng các vật liệu trên tàu để che phần cabin nhằm hạn chế nước vào làm hư hỏng thiết bị và che cho ngư dân Nha cầm lái.
Ngư dân Võ Minh Quân nói thêm tàu Trung Quốc rượt đuổi rất quyết liệt, cố ý bắt cho bằng được tàu cá, chưa bao giờ thấy họ hung hãn như thế. Tối om trong tàu nhưng anh em vừa tránh đá, vừa che nước vào cabin để chủ động lái tàu tránh né. Tàu Trung Quốc truy đuổi đến gần 0g ngày 17-5. “Khi đèn được bật lên thì trên tàu gương mặt ai cũng đều rất kinh hãi, hoảng sợ, toàn đá và gương vỡ rơi vãi khắp tàu, còn máy móc, áo quần anh em ướt hết” - anh Quân kể lại. Ngư dân Nha nói nhờ anh em trên tàu dũng cảm, phối hợp tốt và kiên quyết không cho tàu Trung Quốc bắt bằng mọi giá nên thoát được sự truy đuổi, áp sát của tàu Trung Quốc.
Sau đó ngày 17-5, tàu cá QNg 90045 qua Icom đã trình báo sự việc cho UBND xã, Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu. Qua bao ngày bị các tàu Trung Quốc đuổi rát cả ngày lẫn đêm, tàu cá chưa đánh bắt được nhiều. Sợ lỗ tổn phí nên ngư dân Nha quyết bám biển, lấy tấm nhựa che chắn phần cabin để tránh nắng gió, sử dụng ít ngư cụ còn lại để tiếp tục hành nghề cho đến nay. Ngư dân Nha cho hay sau khi sửa tàu xong và cho anh em đi bạn nghỉ một tuần, tàu sẽ lại ra Hoàng Sa bởi đó là ngư trường truyền thống của cha ông mình, là vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Không những vậy, hiện đội tàu của Quảng Ngãi rất đông ngoài đó, ngư dân mình sẽ hỗ trợ lẫn nhau và hiện có cảnh sát biển, kiểm ngư nên phần nào yên tâm bám biển trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND xã, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu - cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, đây là con tàu thứ ba của xã Bình Châu bị tàu Trung Quốc ngang ngược truy đuổi, thu giữ tài sản, đánh bị thương khi ngư dân hành nghề trên vùng biển của mình. Xã đã ghi nhận sự việc và sẽ làm báo cáo lên cấp trên để động viên, hỗ trợ ngư dân an tâm ra khơi.
(Theo Tuổi trẻ) VIỆT HÙNG

Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Hàng trăm cảnh sát đột kích vũ trường ăn chơi bậc nhất Thủ đô

Cập nhật lúc 15:54       
         
Rạng sáng nay, hàng trăm cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát Cơ động phối hợp cùng Cảnh sát Hình sự hóa trang đã ập vào vũ trường New Square (KS Daewoo - Hà Nội) được cho là ăn chơi bậc nhất Thủ đô.

 Một tiết mục múa đu dây trong vũ trường New Square, KS Daewoo, Hà Nội
Một tiết mục múa đu dây trong vũ trường New Square, KS Daewoo, Hà Nội

Khoảng từ 2 giờ - 4 giờ rạng sáng nay, 30/5, hàng trăm cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát Cơ động phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Hình sự hóa trang đã đồng loạt ập vào vũ trường New Square (KS Daewoo - Hà Nội) nơi được cho là nơi ăn chơi bậc nhất Thủ đô, tạm giữ hàng trăm thanh niên đang có mặt tại đây, đưa về trụ sở để phân loại và kiểm tra hành chính.
Hiện phía cơ quan chức năng chưa chính thức xác nhận thông tin này, nhưng trên mạng đã có một số clip ghi lại cảnh các chuyến xe của lực lượng chức năng đưa số đối tượng có mặt tại vũ trường New Square về nơi tập trung để kiểm tra hành chính.
Theo Dân Việt

Báo Nhật tiết lộ việc TQ phê chuẩn khoan dầu Biển Đông

Cập nhật lúc 15:43                
Các nhà lãnh đạo hàng đầu TQ từ đầu năm nay đã quyết định xúc tiến khoan dầu ở Biển Đông bất chấp hậu quả ngoại giao.
Nhật báo Ashahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản đăng tải thông tin này.
Đầu tháng 5, TQ đã đơn phương triển khai giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của VN.

 TQ, giàn khoan, Biển Đông, Hoàng Sa, Nhật Bản, chủ quyền, CNOOC, dầu khí
TQ triển khai rất nhiều tàu bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép ở vùng biển VN. Ảnh: Ashahi Shimbun

Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia TQ (CNOOC) từ lâu đã muốn thực hiện việc khoan dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao TQ đã phản đối vì lo ngại rằng, quan hệ giữa nước này với các láng giềng sẽ trở nên tồi tệ vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong vùng biển.
"CNOOC không quyết định một mình trong việc khoan dầu. Các nhà lãnh đạo TQ đã chấp thuận việc này hồi đầu năm nay”, một nhà nghiên cứu đệ trình các đề xuất chính sách lên chính phủ TQ cho biết.
Theo nhà nghiên cứu này, công ty dầu khí đã kêu gọi cần tiến hành khoan dầu ở vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hơn một thập niên qua. Quân đội TQ với tham vọng mở rộng lợi ích quốc gia, cũng ủng hộ động thái này.
Ngày 2/5, CNOOC đã kéo giàn khoan khổng lồ, có khả năng khoan sâu 3.000m ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Theo Yi Xianliang, phó tổng giám đốc vụ các vấn đề biên giới và đại dương, Bộ Ngoại giao TQ thì, nước này đã bắt đầu tính toán hoạt động trong vùng biển cách đây một thập niên. Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu khí nói rằng, công việc trước đây chủ yếu liên quan tới khảo sát địa chất.
Trong những nhân tố dẫn tới quyết định khoan dầu là sự hiện diện ngày càng lớn của quân đội TQ trên Biển Đông, cũng như việc người dân TQ tăng cường nhận thức về vấn đề lãnh thổ và lợi ích hàng hải bắt nguồn từ tranh chấp Trung - Nhật ở Hoa Đông.
Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại TQ khá lo lắng. Bộ Ngoại giao TQ đang tìm kiếm xây dựng một môi trường bên ngoài ổn định mà họ cảm thấy là cần thiết để phát triển kinh tế. Họ e ngại quan hệ với các nước ASEAN và Mỹ sẽ suy giảm nếu TQ bắt đầu khoan dầu ở Biển Đông và giữ lập trường thận trọng về vấn đề này.
Trong một thời gian dài, đề xuất không được thực thi vì TQ không có công nghệ khoan nước sâu.
Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 6 tỉ nhân dân tệ (953 triệu USD) để bắt đầu chế tạo thiết bị khoan nước sâu. Giàn khoan được hoàn tất tháng 5/ 2011.
Giàn khoan này đã được triển khai ở mỏ khí Liwan cách bờ biển Hong Kong 300km về phía đông nam. Dự án này do CNOOC và một công ty Canada thực hiện. Theo một quan chức của công ty Canada thì công việc khoan đã hoàn tất năm ngoái, sản xuất khí đốt bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3.
Khi dự án tại mỏ khí Liwan hoàn thành, CNOOC đã đưa giàn khoan ra vùng nước gần quần đảo Hoàng Sa để bắt đầu hoạt động đầu tháng 5.
Động thái này là một dấu hiệu khác cho thấy, Bắc Kinh ít chú tâm tới quan điểm quốc tế, và tìm cách thúc đẩy nhanh chóng việc kiểm soát hiệu quả Biển Đông trên cơ sở và những lợi ích của riêng họ.
Kể từ năm 2001, khi TQ ra nhập Tổ chức Thương mại thế giới, những tập đoàn dầu khí nhà nước TQ đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài và họ cũng rất hăm hở để phát triển các tài nguyên nằm trong Biển Đông.
Chính quyền của chủ tịch TQ khi đó là ông Hồ Cẩm Đào đã “giữ chân” các công ty dầu khí. Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao TQ, đó vẫn là thời của nguyên tắc ngoại giao mà cố lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đưa ra gọi là “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình chờ thời).
Tuy nhiên, chính quyền hiện nay rõ ràng đã đi theo một đường hướng khác bằng việc theo đuổi mục tiêu biến TQ thành “cường quốc hàng hải”. Điều này dẫn tới các động thái ngày một gia tăng của TQ ở Biển Đông và Hoa Đông.
Thái An (theo Ashahi Shimbun/VNN)

Tổng thống Obama bí mật ăn trưa với bà Hillary Clinton

 Cập nhật lúc 15:13  

(NLĐO)- Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bí mật ăn trưa cùng Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm 29-5. Tuy nhiên, bí mật đã không thể giữ kín vì tạp chí People vô tình để lộ thông tin trên mạng xã hội Twitter. 


 Tổng thống Obama và bà Hillary Clinton trong cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 11-2012. Ảnh: AP
Tổng thống Obama và bà Hillary Clinton trong cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 11-2012. Ảnh: AP
Cuộc gặp mặt không được công bố này lại tiếp tục châm ngòi thêm những suy đoán về khả năng ra tranh cử ghế tổng thống Mỹ vào năm 2016 của nữ cựu ngoại trưởng xinh đẹp.
Sáng 29-5, People đăng tải trên tài khoản mạng xã hội Twitter một bức ảnh, trong đó bà Clinton và đầu bếp trưởng Nhà Trắng Sandra Westfall tươi cười thân mật trong một căn phòng trang nhã, với chú thích ảnh như sau: “Chúng tôi có cuộc nói chuyện nhỏ với cựu ngoại trưởng Hillary Clinton trước cuộc hẹn của bà tại Nhà Trắng. Hy vọng chúng tôi không khiến bà trễ hẹn với Tổng thống Obama”.

People Magazine raised questions about how the president spent his day on Thursday after tweeting out this photo of it Washington Bureau Chief Sandra Westfall, left, and Hillary Clinton, right
Tạp chí People vô tình để lộ thông tin trên mạng xã hội Twitter.

Đông đảo tín đồ mạng xã hội phỏng đoán có vẻ bà Clinton sắp gặp Tổng thống Mỹ Obama. Tuy nhiên, People nhanh chóng xóa bỏ hình ảnh này khiến cư dân mạng càng thêm xôn xao.
Theo Huffington Post, cuộc hẹn ăn trưa với bà Clinton không nằm trong lịch chính thức của ông Obama. Sau khi thông tin lan truyền khá ồn ào trên mạng xã hội, Nhà Trắng đã lên tiếng xác nhận: “Tổng thống đã có một bữa trưa không chính thức với cựu ngoại trưởng Clinton ngày 29-5”. Nội dung chi tiết các nội dung thảo luận trong bữa trưa không được công bố.
Đỗ Quyên (Theo Huffington Post)