Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Uống thuốc độc tự tử ngay sau phần tuyên án

 Cập nhật lúc 11:05
                

Sự cố chưa từng có ở một phiên tòa quốc tế đã khiến nhiều người rùng mình. Bị cáo bị xem là tội phạm chiến tranh nhưng bản thân cho rằng mình hành động vì dân tộc.

Uống thuốc độc tự tử ngay sau phần tuyên án - Ảnh 1. 
Bị cáo tội phạm chiến tranh người Croatia gốc Bosnia Slobodan Praljak uống thuốc độc ngay trước ống kính truyền thông - Ảnh: REUTERS

Theo hãng thông tấn nhà nước Croatia, tội phạm chiến tranh người Croatia gốc Bosnia Slobodan Praljak đã chết tại bệnh viện sau khi uống thuốc độc ngay tại phòng tuyên án thuộc Tòa án Hình sự quốc tế (ICTY) ở La Haye, Hà Lan trong phiên xử 6 tội phạm chiến tranh vào ngày 29-11.
Chỉ vài giây sau khi tòa ra phán quyết ủng hộ mức án 20 năm tù, bị cáo Praljak - cựu thủ lĩnh quân đội 72 tuổi người Croatia gốc Bosnia, đã hét to "Praljak không phải là tội phạm", rồi cầm một chai nhỏ mang theo và uống ngay tại phiên tòa nhằm phản đối bản án.
Phiên tuyên án đã phải tạm hoãn vì sự cố này và ngay lập tức các xe cứu thương và một máy bay trực thăng được đưa tới để chuyển Praljak vào bệnh viện.
Vào đầu giờ chiều, đại diện phiên tòa cho biết Praljak chưa chết và đang được chăm sóc tích cực tại bệnh viện.
Nhưng không lâu sau đó, theo hãng thông tấn chính thức của Croatia là Hina, Praljak đã chết trong bệnh viện do thuốc độc ảnh hưởng đến sức khỏe.
Praljak bị cáo buộc là người ra lệnh phá hủy cây cầu ở thành phố Mostar có từ thế kỷ 16 vào tháng 11-1993 mà theo thẩm phán trong phiên xét xử đầu tiên, hành động của y đã gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với công dân người Hồi giáo.
Trước đó, tòa án đã ra phán quyết ủng hộ các mức án tù đối với 2 tội phạm chiến tranh khác, trong khi 3 tội phạm chiến tranh khác chưa có phán quyết cuối cùng của toàn án vì xảy ra sự cố với Praljak.
 Uống thuốc độc tự tử ngay sau phần tuyên án - Ảnh 3.
Giới truyền thông theo dõi phiên tòa vào ngày 29-11 ở La Haye - Ảnh: REUTERS

Praljak vốn là kỹ sư sau đó trở thành giám đốc nhà hát chứ không phải là quân nhân chuyên nghiệp. Chiến tranh xảy ra, ông gia nhập quân đội và nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ của Croatia.
Trở thành lãnh đạo cấp cao của quân đội Cộng hòa Bosnia & Herzegovina của Croatia chiến đấu chống người Bosnia trong giai đoạn cuộc chiến 1992-1995, ông Praljak lại được xem như anh hùng trong mắt người Croatia.
Vào tuần trước, nữ tổng thống Kolinda Grabar-Kitarovic của Croatia đã dùng cụm từ "tướng Praljak", để vinh danh ông Praljak nhân sự kiện tổ chức tại nước nhà.
"Đóng góp của tướng Slobodan Praljak là phần quan trọng không chỉ cho việc bảo vệ Croatia và Bosnia chống lại cuộc tấn công của đại Serbia mà còn cho sự tồn vong của dân tộc Croatia trên lãnh thổ lịch sử trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc", nữ tổng thống Grabar-Kita tuyên bố.
Hay tin về cái chết của Slobodan Praljak qua truyền thông, bà Grabar-Kita đã lập tức cắt ngắn lịch trình thăm chính thức Iceland để quay về nước. Trong mắt bà, Praljak là hiện thân của "sự thật mà ông ấy không ngừng bảo vệ sau cuộc chiến".
(Theo Tuổi trẻ) TƯỜNG NGUYỄN

Tiến sĩ Đoàn Hương có phát ngôn “đám quần chúng ném đá Tiếq Việt” hay không?

Cập nhật lúc 10:57

Trước việc bị cộng đồng mạng chỉ trích, cho rằng đã gọi những người “ném đá” đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền là “đám quần chúng vô văn hóa”, TS khoa học Đoàn Hương khẳng định bà không hề có phát ngôn nào như vậy.
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Ảnh: NVCC 
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Lao Động, TS khoa học Đoàn Hương cho biết, vào sáng 28.11, bà có tham gia chương trình Café Sáng của VTV, bàn luận xoay quanh đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền.
Trong chương trình, khi MC hỏi: Ở cương vị là một người đọc và là môt nhà nghiên cứu, khi nhìn công trình nghiên cứu này, cô Đoàn Hương thấy như thế nào? Cô thấy còn điểm gì mà chúng ta cần phải phản bác lại nữa hay không?
TS Đoàn Hương đã trả lời như sau: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây là văn hóa ứng xử của con người đối với cái mới. Công trình của thầy Bùi Hiền là một công trình có ý nghĩa quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt và đặc biệt là có ý tưởng mới. Đối với ý tưởng mới, trước hết chúng ta phải học cách tiếp nhận, còn muốn đánh giá thì phải có hội đồng khoa học chuyên môn, các bộ ngành và nhiều người khác chứ không thể nào đánh giá ngay được.
Nhưng những phản ứng vừa rồi thể hiện sự chưa văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng về công trình của thầy Bùi Hiền, khi các bạn chưa hiểu ý tưởng mới. Công trình này rất khó, không phải ai cũng đọc được chữ nhà chuyên môn. Vậy thì trước hết chúng ta phải trân trọng ý tưởng mới đó trước khi phê bình hoặc ném đá nó, nhưng đằng này cứ xông vào ném đá đã. Đây gọi là ném đá hội đồng trên mạng mà chúng ta cần phải chấn chỉnh vì nó thuộc về văn hóa.
Nếu bất cứ một ý tưởng sáng tạo nào cũng bị ném đá thì xã hội không thể phát triển được.  
Quan trọng ở đây là gì, là ủng hộ cái mới. Còn xin lỗi, ngày xưa Galileo Galilei cũng bị gọi là điên rồ khi nói trái đất quay vì lúc ấy cả thế giới nghĩ rằng trái đất đứng yên. Người ta còn định đem Galilei lên dàn hỏa thiêu. Khi một ý tưởng mới ra đời, trước hết phải suy ngẫm, nhìn nhận nó bằng con mắt khoa học, đây là một công trình khoa học cho nên phải có ý kiến của các nhà khoa học chứ không phải là đám quần chúng không hiểu gì cứ ào ào vào ném đá…”.
“Những giờ qua, những lời nói của tôi đã bị một số trang tin giật tit thành: “Không thể để một đám quần chúng không hiểu gì vào ném đá Tiếq Việt, đó là đám chưa văn hóa”. Việc xuyên tạc này đã làm ảnh hưởng đến danh dự của tôi, cũng như gây ra phản ứng không hay trong dư luận. Trong chương trình, tôi không hề có phát ngôn nào như vậy ” – TS khoa học Đoàn Hương khẳng định.
(Theo Lao động) BÍCH HÀ

Vụ cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại: Người được coi là "thầy bói" nói gì?

Cập nhật lúc 08:48       

           

 Liên quan đến vụ án cháu bé 23 ngày tuổi nghi bị bà nội sát hại bắt nguồn từ lời phán của thầy bói, xảy ra tại thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), những ngày gần đây dư luận xôn xao lên án thầy bói đã có lời phán độc địa dẫn tới vụ án đau lòng. Bà C. - người được coi là "thầy bói" ở nơi bà nội cháu bé sinh sống - đã có lời trần tình về vụ việc.
 

Phóng viên tìm về xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình - quê bà Phạm Thị Xuân (SN 1952), nghi phạm sát hại cháu nội 23 ngày tuổi tại Thanh Hóa.

Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch xã kiêm lãnh đạo Công an xã Vũ Lăng, trao đổi với phóng viên.
Bà N.T.L., người cùng xóm với bà Xuân, cho biết: “Tôi có nghe chuyện cháu bà Xuân ở Thanh Hóa bị sát hại. Thấy bảo công an đang điều tra. Còn việc có phải bà Xuân là người ra tay không thì tôi vẫn chưa dám tin”.

Nhà bà Xuân ở xã Vũ Lăng
Qua tìm hiểu tại địa phương, được biết ở quê, vợ chồng bà Xuân được tiếng là người rất hiền lành, gia đình không hề có điều tiếng gì. Người con trai của vợ chồng bà là anh Lê Hữu Thuận cũng sống rất hòa đồng. Vợ chồng anh Thuận trước đó đã có một người con trai tử vong khi đi điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.
Theo ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch xã Vũ Lăng kiêm lãnh đạo Công an xã Vũ Lăng, vào trưa ngày 26/11, Công an đã về xã xác minh nhân thân của bà Xuân tại địa phương. Đến chiều 28/11, Công an tỉnh Thanh Hóa về làm việc với UBND xã Vũ Lăng về vấn đề bà Nguyễn Thị C. (tên thường gọi là N.), một người dân tại địa phương được cho là có hành vi xem bói cho bà Xuân trước đó.

Bà Nguyễn Thị C. cho biết, bà Xuân chỉ đến nhà bà xin mẹo chữa cho cháu mình hết khóc.

Ông Trung cho biết thêm, bà Xuân ở địa phương đã lâu, vốn là người hiền lành, cũng không hề có biểu hiện bệnh tật hay tâm lý có gì bất thường.
Tìm về nhà bà Nguyễn Thị C., người được cho là người đã xem bói cho bà Xuân trước đây, được biết cách đây một thời gian, bà Xuân có xuống nhà bà C. để xin cách chữa mẹo cho cháu gái mới sinh hết khóc.
Bà C. cho biết: “Tôi không xem gì cho bà Xuân, bà ấy chỉ xin mẹo tôi chữa cho cháu gái mới sinh để cháu hết khóc. Sau đấy tôi lấy 3 tờ tranh tiền đưa cho bà Xuân về đem lên lau cho cháu bé đỡ khóc”.

Nhà bà C. có điện thờ, vào ngày rằm hoặc mùng một người dân có đến thắp hương.

Nói về việc bà Xuân đến đây xem bói, bà C. khẳng định: “Nhà tôi không bao giờ cúng bái gì cả, bà Xuân không nhờ tôi cúng và không bao giờ cúng cả. Chỉ có một số người đến nhà xin chữa mẹo cho cháu đỡ khóc hoặc nhờ tôi xem ngày tốt, giờ tốt”.
Về thông tin bà Xuân sát hại cháu nội mình vì tin lời phán của thầy bói, bà C. cho hay, mấy ngày nay, gia đình bà chịu rất nhiều áp lực. Bản thân bà đã lớn tuổi, chỉ mong muốn mọi người công bằng và hiểu đúng bản chất vụ việc.
Ông Lê Duy Trung, Phó Chủ tịch xã Vũ Lăng, cũng xác nhận nhà bà C. có điện thờ, vào ngày rằm hoặc mùng một người dân có đến thắp hương. Còn về việc bà C. có phải là người đã xem bói cho bà Xuân và có những lời phán không hay về cháu bé hay không thì chưa thể khẳng định.
(Theo Dân Trí) Tuấn Hợp – Đức Văn

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Vụ cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại: Thầy bói có vô can?

Cập nhật lúc 16:55 


Liên quan đến vụ án cháu bé hơn 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) bị sát hại đang gây rúng động dư luận, hiện cơ quan điều tra đã xác định được nghi phạm chính là bà nội. Bà này khai vì tin lời thầy bói mà xuống tay dã man với chính cháu nội. Dư luận đặt câu hỏi: Nếu đúng như vậy, thầy bói có vô can trong vụ án này?
 

Như tin đã đưa, anh Lê Hữu Thuận (SN 1980) và vợ là Phạm Thị Thanh Huyền (SN 1979, trú khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) trình báo về việc vào khoảng 18h40 ngày 25/11, con gái hơn 20 ngày tuổi của anh chị đã bị bắt cóc tại nhà riêng. Quá trình xác minh, ngày 27/11, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể cháu bé ở bãi rác thuộc phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
Từ những bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra khẳng định, không hề có vụ bắt cóc nào xảy ra. Nghi can sát hại cháu bé là bà Phạm Thị Xuân (SN 1952, bà nội cháu bé). Việc bắt cóc do bà Xuân tự dàn dựng và thuật lại.
Bà Xuân khai, nguyên nhân bà sát hại cháu nội mình do nghe lời thầy bói, cho rằng cháu là nghiệp chướng của gia đình. Tối 25/11, bà Xuân đã sát hại cháu nội rồi giấu xuống gầm giường, đồng thời tự dựng lên vụ bắt cóc. Sau khi bị công an gọi lên lấy lời khai, bà Xuân trở về, mang cháu bỏ vào bao tải rồi để vào thùng rác cách nhà vài trăm mét.
 Vụ cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại gây chấn động dư luận trong những ngày qua
Vụ cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại gây chấn động dư luận trong những ngày qua
Thầy bói có xúi giục bà giết cháu không?
Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - phân tích: nghi phạm là bà nội của cháu bé để che giấu hành vi phạm tội đã dàn dựng màn kịch bị 2 đối tượng đi xe máy đến nhà, dùng vũ lực đe dọa, bắt cóc cháu bé rồi nhanh chóng tẩu thoát.
“Bà Xuân (cùng một số đối tượng - nếu có) dùng thủ đoạn rất xảo quyệt, trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị đạo đức xã hội, tước đi quyền được sống của một sinh linh bé nhỏ mới 20 ngày tuổi.” - luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Theo quan điểm của Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh, bất cứ động cơ, mục đích gì đưa ra đều không thể biện minh cho hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của nghi phạm trong vụ án, cần thiết xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi sát hại cháu bé mang vứt thi thể vào thùng rác, nghi phạm phải chịu trách nhiệm về tội “Giết người” theo điểm c, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự (Giết trẻ em) với mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Cũng theo luật sư Tuấn, nếu quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có đối tượng khác được bà Xuân thuê để sát hại cháu bé, bà Xuân và đồng phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c, điểm m, khoản 1 Điều 93 BLHS (“Giết trẻ em” và “Thuê giết người hoặc giết người thuê”).
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, cơ quan điều tra cần thiết làm rõ nguyên nhân phạm tội của các nghi phạm. Ban đầu, nghi phạm Xuân khai do tin vào lời thầy bói nên đã ra tay sát hại cháu nội của mình.
 
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khám nghiệm hiện trường vụ án.
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khám nghiệm hiện trường vụ án.
“Đối với hành vi của thầy bói, cơ quan điều tra cần thiết làm rõ có việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà Xuân giết cháu nội hay không. Trường hợp có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà Xuân sát hại cháu nội mới sinh, đối tượng thầy bói phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội “Giết người” với vai trò là người xúi giục, kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội (giúp sức về mặt tinh thần).” - luật sư Tuấn nhận định.
Trường hợp chưa có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan trực tiếp xúi giục bà Xuân sát hại cháu bé, tùy thuộc vào kết quả điều tra vụ án, cơ quan công an có thể xử lý đối tượng thày bói về hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan”.
Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hoàng Gia, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) phân tích: “Chỉ khi có bằng chứng rõ ràng là thầy bói xúi giục bà này về giết cháu, khi đó sẽ xử lý hình sự thầy bói là đồng phạm tội giết người. Điều này thực tế khó xảy ra”. Bởi vậy lời phán của thầy bói là vấn đề cần phải làm rõ.
 Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hoàng Gia, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa)
Luật sư Trịnh Ngọc Ninh - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Hoàng Gia, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa)
Tuy nhiên, nếu đúng lời phán vô căn cứ của thầy bói là nguyên nhân dẫn đến ý định phạm tội và quyết định thực hiện tội phạm của nghi phạm thì thầy bói có thể bị xử lý hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan. Do việc hành nghề mê tín dị đoan của thầy bói mà gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Ninh cho biết, tội hành nghề mê tín dị đoan theo quy định tại điều 247, Bộ Luật hình sự, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt ở mức cao nhất đến 10 năm tù.
"Tin thầy bói mà giết người thì càng phải tăng nặng hình phạt"
Theo lời khai của bà nội bị hại thì nguyên nhân dẫn đến việc bà giết cháu là do thầy bói phán cháu bé là "yêu nghiệt" của gia đình, nếu cháu sống thì bà phải chết và ngược lại. Từ chỗ quá tin lời thầy bói, người bà đã có hành vi sát hại cháu. Theo Luật sư Ninh, trước hết phải khẳng định, bà nội cháu là người đủ năng lực hành vi dân sự, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự nên không thể đổ lỗi cho thầy bói hoặc bất cứ ai mà phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
“Lý do đó không thể là cơ sở để loại bỏ trách nhiệm hình sự của nghi phạm được. Còn theo luật sư đánh giá, thậm chí còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự vì liên quan đến vấn đề mê tín, dị đoan. Nghe vào một lời mê tín, dị đoan để thực hiện một hành vi giết người một cách quá dã man như thế thì càng phải xử lý nghiêm”, luật sư Ninh nhận định.
 Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án
Về lời khai của nghi phạm, theo luật sư Ninh đánh giá, lời khai chưa chắc đã đúng sự thật bởi người bà sống giữa thị xã Bỉm Sơn hiện đại văn minh chứ không phải ở vùng sâu vùng xa có trình độ nhận thức thấp kém, thiếu hiểu biết, mông muội...
“Nhất thiết phải điều tra, làm rõ và điều này không khó. Cơ quan điều tra họ hoàn toàn có thể điều tra và chắc chắn họ sẽ làm ra”, luật sư Ninh nói thêm.
(Theo Dân Trí) Duy Tuyên - Tiến Nguyên
Quảng Bình:

Hiệu trưởng sau khi bị kỷ luật vì lạm thu được điều chuyển làm… Hiệu trưởng

Cập nhật lúc 14:47        
         
Sau khi bị kỉ luật bằng hình thức khiển trách, bà Cao Thị Mỹ Thuyết vẫn được điều chuyển đến một trường khác làm hiệu trưởng.
Trước đó, ngày 15/11, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã ký quyết định bà Cao Thị Mỹ Thuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dinh, thị trấn Nông Trường Việt Trung, bị kỷ luật bằng hình thức khiến trách vì vi phạm thực hiện các khoản thu nộp không đúng quy định đầu năm học, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không tốt, gây mất đoàn kết nội bộ…
 hiệu trưởng,lạm thu,lạm thu đầu năm
Cuộc đối thoại giữa Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Dinh và phụ huynh học sinh vào chiều ngày 28/11
Sau khi bị kỉ luật, bà Thuyết đã được Phòng GD-ĐT huyện này kí quyết định điều chuyển đến giữ chức vụ Hiệu trưởng tại Trường Tiểu học xã Hải Trạch bắt đầu từ ngày 1/12, lương và các chế độ phụ cấp của bà Thuyết được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh của Phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, sau khi xây dựng kế hoạch thu nộp năm học 2017–2018, Trường Tiểu học Nam Dinh mà đứng đầu là bà Cao Thị Mỹ Thuyết - Hiệu trường nhà trường - đã tổ chức họp phụ huynh để thông qua các khoản thu. Tuy nhiên, kế hoạch chưa thông qua lãnh đạo địa phương và chưa tiến hành lấy ý kiến phụ huynh là không đúng quy định.
Những khoản thu sai quy định gồm: tiền quỹ Đội (50.000 đồng/năm), bảo hiểm thân thể (110.000 đồng/năm), phí giữ xe đạp 100.000 đồng/năm.
Bên cạnh đó, một số khoản thu khác theo thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó có khoản thu tiền giấy kiểm tra học kỳ 30.000 đồng/năm, chưa có dự trù đảm bảo thu đủ bù chi, cao hơn so với mặt bằng chung 5.000 đồng/năm.
Thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh 200.000 đồng/năm là cao hơn so với mức quy định (169.000 đồng/học sinh/năm)...
Được biết, bà Thuyết về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Dinh từ năm 2016, và cả trong 2 năm học 2016-2017, 2017-2018, bà Thuyết đều bị phụ huynh lên tiếng phản ánh vì nhiều khoản thu vô lý.
(Theo VNN) Hải Sâm

Tạm đình chỉ việc dùng đá tự nhiên lát vỉa hè

Cập nhật lúc 11:04
UBND quận Đống Đa, Hà Nội vừa quyết định tạm đình chỉ việc dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè để thẩm định lại chất lượng, giá cả.


Vỉa hè đường Nguyễn Trãi vừa lát đá xong đã nát bươm. Ảnh: Minh Đức

Trao đổi với Tiền Phong vào ngày 29/11, ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: Hiện UBND quận đã quyết định tạm đình chỉ việc dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè.
Theo ông Tuấn, trên địa bàn quận Đống Đa có 72 tuyến phố, trong đó có 1 tuyến đang triển khai lát đá tự nhiên với chiều dài khoảng 200m.
Sau khi báo chí phản ánh tình trạng đá tự nhiên mới lát trên nhiều vỉa hè tuyến phố Hà Nội, nhưng nhanh chóng xuống cấp, UBND quận Đống Đa quyết định tạm đình chỉ việc dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè để "đánh giá lại hiệu quả, chất lượng từ loại vật liệu này" như lời ông Tuấn.
Vào ngày 28/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị giao ban công tác tháng 11/2017 của UBND thành phố, đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, giải quyết nghiêm túc việc lát vỉa hè không bảo đảm chất lượng theo phản ánh của 
Trước đó, như Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, đá lát trên vỉa hè được cho là có tuổi thọ 50 – 70 năm trên một số tuyến phố ở địa bàn các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông... dù mới đưa vào sử dụng, đã bị vỡ nát, hư hỏng. Bên cạnh đó, ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều tuyến phố, vỉa hè vẫn còn sử dụng tốt nhưng cũng bị cày xới lên để lát đá tự nhiên như phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, phố Nguyễn Du, Nguyễn Thượng Hiền…thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Một số tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàng Mai được lát đá tự nhiên nhưng người dân có dễ dàng dùng tay để nhấc những viên đá này lên một cách dễ dàng.
Ngoài ra nhiều tuyên phố vừa lát đã tự nhiên xong, ít ngày sau đã hỏng khiến công nhân phải lột lên lát lại điển hình như tuyến đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân…

Tạm giữ bà nội cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại để điều tra

 Cập nhật lúc 10:37 

 Liên quan đến vụ bắt cóc, sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi xảy ra ở thị xã Bỉm Sơn, hiện nay Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giữ bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi, bà nội cháu bé) để phục vụ công tác điều tra.

 Tạm giữ bà nội cháu bé hơn 20 ngày tuổi bị sát hại để điều tra - Ảnh 1.
Đại tá Khương Duy Oanh, phó giám đốc kiêm thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa (giữa) trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án - Ảnh Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Thông tin trên được ông Trịnh Hữu Thành, trưởng Công an thị xã Bỉm Sơn, xác nhận và cho biết hiện cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng này.
Trước đó, đêm 28-11, Công an tỉnh Thanh Hóa phát đi thông báo về việc đã xác định được danh tính nghi phạm liên quan trực tiếp đến vụ sát hại cháu bé hơn 20 ngày tuổi, xảy ra ở thị xã Bỉm Sơn vào tối 25-11.
Nghi phạm này là người thân của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, do đang trong quá trình điều tra, nên đến đêm 28-11 cơ quan công an chưa tiết lộ danh tính nghi phạm.
Đại tá Khương Duy Oanh - phó giám đốc kiêm thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa - khẳng định ban chuyên án đang tập trung lực lượng, phương tiện, nghiệp vụ để làm rõ thêm về nghi phạm trong vụ án mạng.
Sau khi có kết luận chính thức về vụ án này, Công an tỉnh Thanh Hóa sẽ công bố thông tin ngay cho các cơ quan báo chí.
Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết nghi phạm liên quan trực tiếp đến vụ bắt cóc, sát hại cháu bé là người thân trong gia đình nạn nhân.
Người này do mê tín dị đoan mù quáng nên đã ra tay sát hại cháu bé, rồi tạo hiện trường giả vụ bắt cóc trẻ em nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Hiện nay nghi phạm này đang được công an bảo vệ nghiêm ngặt để lấy lời khai, củng cố hồ sơ, chứng cứ nhằm sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những ngày tới.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa thông tin ban đầu, theo trình báo của gia đình anh Lê Hữu Thuận (37 tuổi), vợ là Phạm Thị Thanh Huyền (38 tuổi), trú tại khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn với cơ quan công an, vào lúc 18g40 phút ngày 25-11, tại gia đình anh đã xảy ra vụ bắt cóc trẻ em.
Vào thời điểm trên, bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi, mẹ đẻ anh Thuận) đang bế cháu gái (con anh Thuận và chị Huyền), sinh ngày 3-11-2017 thì bị hai đối tượng lạ mặt gồm một nam và một nữ đi xe máy tay ga vào khống chế bà Xuân.
Đối tượng nam dùng dao đe dọa, đối tượng nữ một tay túm tóc, một tay bịt miệng bà Xuân, đẩy bà Xuân ra cổng nhà và giằng lấy cháu bé, đối tượng nam đạp bà Xuân ngã và cả hai bế cháu bé lên xe máy tẩu thoát.
Sáng 27-11, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tìm thấy một thi thể bé gái tại bãi rác thị xã Bỉm Sơn, nghi là cháu bé 20 ngày tuổi bị đôi nam nữ xông vào nhà anh Thuận bắt cóc trước đó. 
Chiều cùng ngày, người thân cháu bé và cơ quan chức năng xác định thi thể bé gái này chính là con gái của vợ chồng anh Thuận bị bắt cóc.
Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định, chiều 28-11, gia đình anh Thuận đã đưa thi thể cháu bé về an táng tại quê nhà.
(Theo Tuổi trẻ) HÀ ĐỒNG

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Vụ cấm thẻ Đảng, bằng lái lên tàu bay: Lại lỗi… đánh máy!

Cập nhật lúc 20:58      
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho hay, Bộ này đang xem xét trách nhiệm của Vụ Vận tải và Cục Hàng không về nhầm lẫn trong việc đưa ra quy định không cho phép sử dụng thẻ Đảng viên, bằng lái xe, thẻ nhà báo… để lên tàu bay.

 Khu vực kiểm tra an ninh, thông tin nhân thân người đi tàu bay. tác giả: Bảo An
Khu vực kiểm tra an ninh, thông tin nhân thân người đi tàu bay. tác giả: Bảo An

Cụ thể, ông Đông cho hay, quá trình xây dựng thông tư 45/2017/TT-BGTVT về về sửa đổi Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam, ban đầu, Bộ GTVT đã kết luận không đưa các loại thẻ trên ra khỏi danh mục các thẻ được dùng để lên tàu bay.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu ý kiến, Cục Hàng không với chức năng chủ trì soạn thảo đã bỏ các loại thẻ này ra khỏi danh mục. Cơ quan rà soát trình lãnh đạo Bộ là Vụ Vận tải cũng không phát hiện ra điều này.
Trả lời câu hỏi về động thái của tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể - người ký ban hành thông tư này, Thứ trưởng Đông cho hay: “Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho tôi và một thứ trưởng khác chỉ đạo việc này theo hướng sẽ điều chỉnh thông tư và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, cụ thể là Cục Hàng không và Vụ Vận tải” – ông Đông cho hay.
Theo Thông tư 45 vừa được Bộ GTVT ký ban hành, hành khách Việt Nam khi làm thủ tục lên máy bay có thể sử dụng một trong các loại giấy tờ tùy thân, gồm: Hộ chiếu, giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân; giấy chứng nhận của các lực lượng vũ trang, thẻ đại biểu Quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
Nếu không có các giấy tờ trên, người đi máy bay cần có giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận; có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong 30 ngày.
Tuy nhiên, thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe, thẻ kiểm soát an ninh sân bay đều không được dùng thay giấy tờ tùy thân để làm thủ tục lên các chuyến bay, như quy định trước đây.
Trả lời về nội dung này, Phó Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Sơn cho hay: Khi xây dựng dự thảo Thông tư 45 có nội dung trên, nhưng sau khi lấy ý kiến để trình bộ ký ban hành đã bỏ đi. “Như có lẽ do sơ sót đánh máy và lỗi kỹ thuật, nên nội dung trên vẫn còn trong bản gửi lên lãnh đạo bộ ký ban hành”, ông Sơn nói.
(Theo Tiền phong) BẢO AN

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt

Cập nhật lúc 17:08  

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 đã vượt cả năm 2016...

 
Tính chung trong 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11, cả nước có 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, có 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD và 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,29 tỷ USD, tăng 52,6% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, tính chung trong 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016 (24,4 tỷ USD).
Số liệu cũng cho thấy vốn FDI đổ vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với 14,95 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.
Kế đó là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam, sau đó là Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, nếu luỹ kế các dự án còn hiệu lực cho đến 20/11, Hàn Quốc mới là quốc gia giữ ngôi vương về FDI tại Việt Nam, sau đó mới là Nhật Bản và Singapore.
5 dự án lớn được cấp phép trong 11 tháng qua, gồm:
- Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
- Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320MW.
- Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
- Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
- Dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với Petro Vietnam và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang.
- Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư mới mục tiêu kinh doanh bất động sản tại Tp.HCM.
- Dự án nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) do nhà đầu tư Đài Loan đầu tư tại Bình Dương với mục tiêu sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 485,8 triệu USD.
(Theo VnEconomy) KIỀU LINH

Thượng tướng Trung Quốc tự tử vì bị điều tra tham nhũng

 Cập nhật lúc 16:56  

  Vụ việc xảy ra đã gần tuần lễ nhưng mới được thông báo sáng nay. Người tự tử là một tướng nhiều quyền lực nhưng dính líu vào 2 tướng đã bị xử trước đó.

 Thượng tướng Trung Quốc tự tử vì bị điều tra tham nhũng - Ảnh 1.
Thượng tướng Trương Dương - Ảnh: TWITTER
Theo hãng tin Reuters, sáng nay 28-11, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) cho biết cựu Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc CMC, Thượng tướng Trương Dương (Zhang Yang) đã tự sát tại nhà riêng ở thủ đô Bắc Kinh.
Tướng Trương Dương tự sát hôm 23-11, sau khi nhà chức trách mở cuộc điều tra các cáo buộc ông cấu kết với 2 vị tướng quân đội phạm tội tham nhũng là Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và Từ Tài Hậu (Xu Caihou).
Lời bình luận trong thông tin từ trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc và trang của CMC đều nói rằng hành động tự sát này nhằm "trốn tránh sự trừng phạt của Đảng và đất nước" và là cách "hành động cực kỳ đáng khinh".
Một vị tướng quyền lực
 Ông Trương Dương từng giữ chức Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị thuộc CMC từ năm 2016-2017 và đây được xem là 1 trong 10 cái ghế quyền lực ở CMC. Ông cũng từng là Chính ủy Quân khu Quảng Châu (Guang Zhou).
Theo báo Telegraph của Anh, tướng Trương Dương từng là sĩ quan quân đội Trung Quốc có mặt trong cuộc trấn áp nổi dậy hồi năm 1989 gọi là sự kiện Thiên An Môn. Thượng tướng Trương Dương, sinh năm 1951, người huyện Võ Cường, tỉnh Hà Bắc.
Theo CMC, sau khi được Trung ương Đảng phê chuẩn, CMC đã kết luận ông Trương Dương vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, dính líu tới các vụ hối lộ, tham ô nhiều tài sản bất minh.
Ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền đã tích cực chỉnh đốn quân đội về cả việc thay đổi qui mô tổ chức lẫn tấn công vào nạn tham nhũng trong đội ngũ này. 
Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu đã trở thành ủy viên Quân ủy Trung ương vào thời điểm Giang Trạch Dân nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và sau này hai ông đều được thăng lên chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Đến ngày 15-3-2014, tướng Từ Tài Hậu bị điều tra, rồi đến ngày 30-6 cùng năm ông bị khai trừ khỏi Đảng, bị cáo cuộc hối lộ cùng một số tội danh khác, và bị chuyển cho Viện kiểm sát tối cao, cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc này.
Đúng một năm sau, ngày 15-3-2015, Từ Tài Hậu được thông báo đã tử vong. Trang web của phía Quân đội Trung Quốc đã đăng tải bài viết rằng: cho biết "Từ Tài Hậu qua đời vì mắc bệnh ung thư".
 Thượng tướng Trung Quốc tự tử vì bị điều tra tham nhũng - Ảnh 2.
Hình ảnh hai tướng Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu (phải) xuất hiện trong tập phim tài liệu chống tham nhũng có tựa "Trung Quốc pháp trị" phát sóng trên kênh truyền hình CCTV hồi tháng 8 vừa qua - Ảnh chụp màn hình
Đến ngày 30-7-2015, tướng Quách Bá Hùng bị khai trừ khỏi Đảng, với cáo buộc hối lộ nghiêm trọng và vụ việc được bàn giao Viện Kiểm sát tối cao thụ lý. Gần một năm sau, kết quả điều tra chính thức cho biết tướng Quách đã lạm dụng chức vị bản thân, mưu cầu lợi ích mà trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua người nhà) đã thụ nhận hối lộ, phạm tội vô cùng nghiêm trọng.
Ngày 25-7-2016, Quách bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng, bị tước quân hàm thượng tướng. Tại tòa Quách Bá Hùng cũng tuyên bố sẽ không kháng án. 
5 năm chống tham nhũng mạnh mẽ
Từ khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư Tập Cận Bình từng coi tham nhũng là mối đe dọa lớn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đối mặt. Ông đã phát động chiến dịch diệt trừ tham nhũng ở các cấp mang tên "đả hổ, diệt ruồi" - triệt hạ quan tham từ cấp nhỏ cho đến cấp lớn.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (Đại hội XIX) tháng 10 vừa qua, ông Tập nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nỗ lực thông qua luật chống tham nhũng và thiết lập cơ chế báo cáo về tham nhũng đối với các ủy ban thanh tra kỷ luật và các cơ quan giám sát. Nghị quyết của Đại hội XIX cũng nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc cần nỗ lực toàn diện nhằm đảm bảo việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng.
Trong buổi họp báo tổng kết 5 năm chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình tổ chức hôm 19-10, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Hiểu Độ cho biết, kể từ Đại hội XVIII đến nay đã tiến hành lập án điều tra đối với 440 cán bộ cấp tỉnh, bộ và cán bộ thuộc quản lý của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó có 43 Ủy viên Trung ương, Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XVIII, 9 người thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Ở cấp thấp có hơn 8.900 cán bộ cấp cục, sở, và 63.000 cán bộ cấp huyện, phòng bị điều tra. Số cán bộ, đảng viên cấp cơ sở bị xử lý là 278.000 người. 
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng truy bắt được 3.453 cán bộ trốn chạy ra nước ngoài và 48 tội phạm thuộc diện truy nã đặc biệt.   
17 Ủy viên Trung ương dính chàm
Theo các thống kê trước đó, kể từ Đại hội XVIII đến nay Trung Quốc đã lập án điều tra 17 Ủy viên Trung ương, gồm: Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch, Hoàng Hưng Quốc, Lý Lập Quốc, Tôn Hoài Sơn, Tô Thụ Lâm, Dương Hoán Ninh, Vương Tam Vận, Hạng Tuấn Ba, Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Dương Kim Sơn, Chu Bản Thuận, Dương Đống Lương, Vương Mân, Điền Tu Tư và Vương Kiến Bình.
(Theo TTO) TƯỜNG NGUYỄN

Lừa nhiều tỷ, địa ốc Alibaba chỉ bị xử phạt hành chính

Cập nhật lúc 16:47
  

Công ty Địa ốc Alibaba bị xử phạt hành chính liên quan đến dự án Tây Bắc Củ Chi.

Ngày 28-11, trao đổi phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết sáng cùng ngày đơn vị đã có cuộc họp với một số sở, ngành khác liên quan đến hoạt động của công ty CP địa ốc Alibaba về dự án tự xưng "Alibaba Tây Bắc Củ Chi". 
Qua đó, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ xử phạt hành chính đối với công ty nói trên với các lỗi vi phạm liên quan đến Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản.
"Công ty địa ốc Alibaba này chưa phải là chủ đầu tư nhưng đã rao bán, đặt cọc là sai quy định. Trước đó, rất nhiều lần thanh tra sở mời làm việc nhưng công ty này không đến" - ông Tuấn thông tin.
Theo ông Tuấn, thẩm quyền của sở chỉ là xử phạt hành chính cho nên sau khi xử lý xong Thanh tra sở sẽ chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46) Bộ Công an để xem xét xử lý hình sự theo quy định.
 Sở Xây dựng TP HCM xử phạt hành chính với địa ốc Alibaba - Ảnh 1.
Công ty địa ốc Alibaba dẫn khách đi Long Thành, Đồng Nai xem đất nền và đặt cọc.
Trước đó, ngày 22-11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46) Bộ Công an đã mời đại diện công ty CP địa ốc Alibaba lên làm việc xoay quanh nhiều thông tin các dự án mà công ty này rao bán, "giữ chỗ" ở Củ Chi (TP HCM) và Long Thành (Đồng Nai).
Theo đó, địa ốc Alibaba cho rằng công ty đã làm việc với Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc và đề nghị hợp tác đầu tư dự án tại đây. Sau đó, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc đã nộp hồ sơ đề xuất dự án đầu tư kèm theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư cho UBND TP HCM. "Công ty chỉ cho lập hồ sơ phân lô dự kiến của dự án Alibaba Tây Bắc TP HCM và phiếu đặt chỗ để nhân viên kinh doanh giao dịch với khách hàng. Số tiền đặt chỗ 50 triệu đồng. Khi công ty mở bán chính thức nếu lúc này khách hàng huỷ bỏ giao dịch thì công ty trả lại tiền" -  đại diện địa ốc Alibaba nói.
Theo đó, đến thời điểm này công ty địa ốc Alibaba đã nhận giữ chỗ cho 493 khách hàng, tương ứng với số tiền đặt cọc 16 tỉ 626 triệu đồng với dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi.
Theo NLĐ