Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

Phe Dân chủ đoán phó Tổng thống Mỹ sắp thay ông Trump

Cập nhật lúc 16:44
Một hạ nghị sĩ đảng Dân chủ cho biết phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang chuẩn bị cho việc luận tội Tổng thống Donald Trump.
Theo Independent, Maxine Waters, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ cuối tuần qua bất ngờ viết trên trang cá nhân Twitter rằng: “Phó Tổng thống Mike Pence đang lên kế hoạch cho lễ nhậm chức. Priebus và Spicer sẽ dẫn đầu nhóm chuyển giao quyền lực”. Bà Waters đang nhắc tới cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer từ chức mới đây.
Nữ nghị sĩ Waters là một người có lập trường chỉ trích Tổng thống Trump. Bà là chính khách Mỹ đầu tiên tuyên bố Nga “có những hồ sơ dư sức dọa nạt ông Trump” và nhiều lần kêu gọi luận tội Tổng thống Trump. Hồi tháng 5, nữ nghị sĩ Waters nói tại một sự kiện giới thiệu sách mới ở Washington: “Ông ta là người mà tôi quyết luận tội bằng được. Ông ta là kẻ dối trá, gian lận, lừa đảo! Chúng ta phải ngăn chặn ông ta”.
Phe Dân chủ đoán phó Tổng thống Mỹ sắp thay ông Trump
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) bị đồn đang chuẩn bị cho việc luận tội Tổng thống Donald Trump.  Ảnh: GETTY
Hai nghị sĩ đảng Dân chủ là Al Green và Brad Sherman là những người đầu tiên trình các đơn yêu cầu luận tội nhà lãnh đạo Mỹ hôm 12-7. Họ nói rằng ông Trump phạm tội cản trở công lý khi đuổi việc Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey- người dẫn dắt cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, Independent cho biết một phiên tòa luận tội đối với người đứng đầu Nhà Trắng chỉ có thể diễn ra khi có sự chấp thuận của đa số nghị sĩ Hạ viện và 2/3 nghị sĩ Thượng viện. Trong khi đó, đảng Cộng hòa hiện kiểm soát lưỡng viện ít nhất đến tháng 11-2018, nên kịch bản này dường như là không thể.
Phó tổng thống Mike Pence đã tự tách mình ra khỏi những vụ lùm xùm làm rúng động Nhà Trắng gần đây, gồm chuyện con trai cả của Tổng thống là Donald Trump Jr. gặp một nữ luật sư Nga trong thời gian ông Trump tranh cử tổng thống.
Người phát ngôn của ông Pence tuyên bố: “Phó tổng thống không quan tâm những câu chuyện xung quanh cuộc tranh cử, nhất là những câu chuyện diễn ra trước khi ông tham gia tranh cử”.
Theo trang tin News Week,  ông Pence vẫn trung thành với Tổng thống Trump ngay cả khi Nhà Trắng đối mặt với những cáo buộc thông đồng với Nga. Gần đây nhất, ông bảo vệ việc ông Trump công khai chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, khi ông trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News.
Phó Tổng thống Mike Pence nói. “Tôi biết kiểu nói xấu sau lưng ở Washington này. Nhưng đó không phải là cách của Tổng thống Donald Trump”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Theo tôi, một trong những phẩm chất đáng quý nhất của Tổng thống là sự ngay thẳng. Tổng thống không cố che giấu suy nghĩ của mình. Ông thẳng thắn bày tỏ sự thất vọng và nói thôi được, để xem chuyện gì sẽ xảy ra”.
Ngoài việc lên tiếng bảo vệ Tổng thống Trump, ông Pence được cho là tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình với tư cách cố vấn thân cận nhất của tổng thống. Tuần qua, Phó Tổng thống Pence đã có chuyến công du tới Estonia, hội đàm với Thủ tướng Juri Ratas và tuyên bố hỗ trợ các đồng minh NATO ngăn chặn sự can thiệp của Nga trong khu vực.
Trong lịch sử Mỹ mới chỉ có hai tổng thống bị luận tội là ông Bill Clinton và Andrew Johnson. Ngoài ra, Tổng thống Richard Nixon tự nguyện từ chức sau bê bối Watergate trước khi bị Quốc hội luận tội. 14 phó tổng thống Mỹ về sau trở thành tổng thống, trong đó tám trường hợp kế nhiệm do tổng thống đương nhiệm qua đời, năm trường hợp là khi tổng thống kết thúc nhiệm kỳ và trường hợp còn lại do tổng thống từ chức. 
(Theo Pháp luật TP HCM)THÁI LAI

Công nhân sống chật vật nhưng được "phong" là giới trung lưu Việt Nam!  

Cập nhật lúc 16:16

Kết thúc phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa có kết quả, trước một vấn đề lớn của quốc gia, chuyện tranh luận là bình thường. Tuy nhiên, có những phát ngôn sau đó khiến cho dư luận và đặc biệt là đa số công nhân lao động vô cùng bức xúc.
 
Đời sống công nhân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong ảnh, công nhân tranh thủ bán trà đá buổi sáng để kiếm thêm - Ảnh: L.T
Đó là, ý kiến của đại diện giới chủ trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng, mức sống tối thiểu mà Tổng LĐLĐVN đưa ra là mức sống trung lưu chứ không phải của đại đa số người dân.

Mức 4,2 triệu đồng lương tối thiểu vùng 1 có thể là của giới trung lưu hay không?
Hiện nay, chưa cơ quan nào đưa ra tiêu chí chuẩn của mức sống tối thiểu, và cũng chưa cơ quan nào đưa ra chuẩn của mức sống trung lưu. Nhưng ngay cả khi chưa có những tiêu chuẩn đó, căn cứ vào thực tế cũng có thể biết được với thu nhập như thế nào thì người lao động có thể sống cho ra con người.

Kiếm đủ cái ăn lay lắt qua ngày khác với cuộc sống của một con người. Vì những khó khăn nhất định, khi chưa lo được cuộc sống đàng hoàng tử tế cho người lao động, thì hãy cảm thông, chia sẻ, thay vì đổ cho họ có cuộc sống trung lưu. Có nghĩa là họ sung sướng rồi, no đủ rồi.

Những ai phát ngôn như vậy thì hãy làm phép chia đi, 4,2 triệu đồng chia cho 30 ngày, mỗi ngày được 140.000 đồng. Số tiền này chi tiêu như thế nào ở thành phố có mức sinh hoạt cao như TPHCM hay Hà Nội. Chưa kể, ai cũng còn phải nuôi gia đình, con cái, chữa bệnh, phải có những quan hệ cộng đồng tối thiểu như hiếu hỉ, lễ tết, thăm hỏi người thân bạn bè khi ốm đau... Ngay cả thu nhập tăng gấp đôi mức 4,2 triệu đồng, thì cuộc sống cũng vô cùng chật vật.

Với mức thu nhập đó, người lao động phải sống trong những nhà trọ bẩn thỉu, phải đi chợ “công nhân” với những thực phẩm ôi ế, phải gửi con cho các bảo mẫu tự phát, và tất nhiên cái vé xem phim đối với họ là thứ xa xỉ. Mức sống của giới trung lưu của Việt Nam là như thế này chăng?

Chắc chắn một điều, tất cả các chủ doanh nghiệp đều hiểu rõ với mức thu nhập hiện nay, công nhân lao động không thể sống cho ra con người. Đối với nhiều ông chủ, số tiền đó không đủ cho vợ họ đi một bữa chợ, hay họ trả một cuộc nhậu. Cho nên, khi nói điều này ra là nói không đúng với thực tế và không đúng với lương tâm mình.

Đại diện giới chủ có thể tranh luận, đưa ra những khó khăn khách quan hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, bảo vệ lợi ích hài hòa cho cả đôi bên, nhưng nói phải có lý, có tình và tôn trọng người lao động.

Thêm chút tiền lương mà cho họ là giới trung lưu là điều không thể chấp nhận.
(Theo Lao động) Lê Thanh Phong
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Thu hồi đất sân golf
Cập nhật lúc 15:30   
Việc thu hồi diện tích đất sân golf để xây dựng thêm đường băng thứ 3 và nhà ga hàng khách là phương án tối ưu.
Nên mở rộng sân bay về phía Bắc
Bí thư Thành ủy TPHCM vừa chỉ đạo thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu 4 phương án nhằm điều chỉnh quy hoạch mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong thời gian tới.
Bốn phương án nghiên cứu gồm phản biện phương án mở rộng sân bay về phía Nam do Bộ GTVT thống nhất trình Chính phủ trước đó. Phương án thứ hai là việc không mở rộng sân bay, điều chỉnh giao thông trong Tân Sơn Nhất và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu (từ 5 phút xuống còn 2 phút mỗi lần cất, hạ cánh).
Hai phương án còn lại là lựa chọn mở rộng sân bay về phía Bắc (lấy đất sân golf) xây thêm nhà ga, bãi đỗ và đường lăn, thêm kết nối giao thông với sân bay phía Bắc. Công suất sân bay sẽ đạt 50 triệu hành khách một năm.
Phương án cuối cùng sẽ xây thêm đường băng để công suất sân bay đón được 70-90 triệu hành khách mỗi năm.
 Mo rong san bay Tan Son Nhat: Thu hoi dat san golf
Sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu đường lăn, bãi đỗ tàu bay
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, chuyên gia hàng không, TS Trần Đình Bá cho biết: "Tôi hoan nghênh chỉ đạo phải nhanh chóng mở rộng sân bay lên phía bắc, hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải nghiêm trọng do tăng dân số và nhu cầu sử dụng loại hình giao thông tiên tiến nhất.
Tôi cũng đồng tình với việc đặt hàng cho nhóm tư vấn và các nhà khoa học hiến kế bằng các phương án cụ thể để nhanh chóng nhất, tiết kiệm nhất mà không “ôm cây đợi thỏ" từ việc tuyển chọn tư vấn ngoại".
Bên cạnh đó, theo ông Bá, có 4 phương án đang được đưa ra, nhưng nếu theo phương án 1 mở rộng nhà ga về phía Nam, giải pháp này chỉ là tình thế cho 6 tháng - 1,5 năm. Giống như “nới rộng chiếc áo đã chật", cũng chỉ được vài millimet có giới hạn ít.
Phương án 2 là không mở rộng sân bay, mà chỉ điều chỉnh giao thông và nâng cao năng lực điều hành của bộ phận điều khiển không lưu, giải pháp này là duy ý chí và phi thực tiễn vì “ không thực lấy gì vực được đạo?".
Phải có lượng đổi mở rộng sân bay thì chất mới đổi. Chính phương án này là rào cản đang hạn chế sân bay Tân Sơn Nhất, nếu không mở rộng ngay thì cơ thể sẽ nở ra và tắc mạch và tắc cả thành phố và nền kinh tế.
"Theo tôi, phương án thứ 3 là quá chính xác theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhưng quy hoạch mở rộng như thế nào, kết nối kỹ thuật, kết nối hàng không quốc tế, kết nối giao thong nội đô như thế nào thì phải cụ thể. Có quan điểm về nguyên lý và luận chứng kỹ thuật , kinh tế - bằng các con số …cụ thể , phải chấp nhận phản biện.
Phương án thứ 4, sẽ xây thêm đường băng để công suất sân bay đón được 70-90 triệu hành khách mỗi năm, phương án này cũng như phương án thứ 3 là rộng lên phía bắc mới giải quyết căn cơ được. 
Nhưng phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật như thế nào, nguyên lý ra làm sao, để phản biện lại quan điểm của một số chuyên gia trong bộ GTVT cho rằng mở rộng về phía bắc, làm thêm, làm thêm đường băng thứ 3 tốn kém hơn làm mới một sân bay và ý kiến là 2 khu nhà ga phía bắc và phía nam không liên kết với nhau được", ông Bá cho biết thêm.
Nên xây dựng đường băng thứ 3
Cũng đưa ra quan điểm với Đất Việt, một chuyên gia có tiếng trong ngành hàng không cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là yêu cầu cấp bách và cần thiết.
 Mo rong san bay Tan Son Nhat: Thu hoi dat san golf
Thu hồi đất sân golf, xây dựng thêm đường băng
Việc thiếu đất, đường lăn, bãi đỗ khiến máy bay phải thường xuyên đợi chờ, bay vòng, đậu cách xa nhà ga. Hành khách phải di chuyển bằng xe buýt từ khu kiểm tra an ninh ra chỗ đậu tàu bay khiến năng suất khai thác rất hạn chế. Cũng vì lý do đó dẫn đến delay giờ bay, làm chậm thời gian di chuyển của hành khách.
"Nguyên tắc nâng cấp cải tạo thiếu gì bổ sung xây dựng và sửa chữa cái đó. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay thiếu nhất là bãi đậu tàu bay. Hiện nay, tại sân bay chỉ có 50 chỗ đỗ trong khi nhu cầu là 67.
Cho nên cần đưa phương án xây dựng đường băng cất hạ cánh (runway) thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf, chiều dài của đường này trong phạm vi hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất là khoảng 2.800m, cho nên đường băng thứ 3 này có thể dài trên 2.600m mà không cần giải tỏa hộ dân nào cả.
Rất cần thu hồi phần đất từ sân golf để xây dựng đường băng thứ 3. Ngoài ra, cần xây dựng thêm các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh.
Đầu tư xây dựng thêm nhà ga lưỡng dụng T3, nhà ga hành khách T4 cùng có công suất 10 triệu khách/năm.
Khi thu hồi đất sân golf có thể xây dựng thêm nhà ga, đường dẫn vào nhà ga sẽ được mở ở hướng đường Tân Sơn hoặc Quang Trung. Khi đó, hành khách các tỉnh đi từ quốc lộ 1 vào sẽ rất nhanh, tránh gây ùn tắc ở cửa ngõ phía đường Trường Sơn", vị chuyên gia trên nêu rõ.
(Theo Đất Việt) Châu An

Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì?


Một tháng sau cái chết của vợ, anh Thành mới có đơn gửi cơ quan chức năng 'tố' Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Quảng Trị tắc trách. Tuy nhiên, BV này phủ nhận và cho rằng có chăng là do trình độ y bác sĩ còn hạn chế…

BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị. /// ẢNH: NGUYỄN PHÚC 
BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị.ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Có máy hiện đại nhưng..."không dùng"!
Ngày 31.7, anh Hoàng Kim Thành (trú P.Đông Giang, TP.Đông Hà, Quảng Trị)  cho Thanh Niên hay đã có đơn gửi Bộ Y tế, Sở Y tế và Công an tỉnh Quảng Trị đề nghị làm rõ cái chết của vợ là chị Lê Thị Anh Thi (44 tuổi, nguyên Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, H.Cam Lộ).
Ngoài ra anh Thành cũng cho đăng tải những bức xúc của mình lên mạng xã hội và được rất nhiều người chia sẻ, quan tâm.
Theo anh Thành, vợ anh vào BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vào ngày 11.6 do đau đầu dữ dội và được BS Đỗ Quang Vinh (phó khoa Nội tổng hợp) trực tiếp điều trị.
Sau 6 ngày vật vã nằm viện, đến 15 giờ 52 phút ngày 16.6, BV mới xác định ra bệnh của chị Thi là : phình động mạch máu não ở động mạch thông tức và động mạch não giữa. Đến 3 giờ sáng ngày 17.6, chị Thi trở bệnh nặng đến bất tỉnh (kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân đã xuất huyết não) thì BV mới cho chuyển vào tuyến trên là BV T.Ư Huế vào 6 giờ sáng cùng ngày và qua đời sau đó tại BV T.Ư Huế.
 Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì? - ảnh 2
Anh Hoàng Kim Thành trình bày những bức xúc của mình với PV Thanh Niên. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Anh Thành cho rằng BV đa khoa tỉnh Quảng Trị đã phát hiện bệnh quá chậm, nên cả 6 ngày chị Thi hầu như chỉ uống và chích thuốc giảm đau.



Tôi làm đơn tố cáo sau 1 tháng không những vì muốn tìm ra sự thật cái chết của vợ mà còn muốn những trường hợp tương tự không còn lặp lại bởi sự chủ quan, tắc trách của các cán bộ y tế tại BV này.


Anh Hoàng Kim Thành

“BV có máy chụp cộng hưởng từ cắt lớp vi tính tới 160 lớp nhưng nhiều ngày lại không áp dụng cho vợ tôi mà chỉ chụp phim xoang, chụp cộng hưởng từ cắt lớp 32 lớp…Nên họ xác định vợ tôi bị rối loạn tiền đình. Qua nhiều ngày không thuyên giảm, gia đình xin chuyển viện nhưng BV nhất quyết không cho”, anh Thành cho hay.
Cũng theo anh Thành đến ngày thứ 6, gia đình nỗi giận, các BS mới cho chụp cộng hưởng từ cắt lớp vi tính tới 160 lớp thì phát hiện ra bệnh. “Lúc đã phát hiện bệnh và bệnh đang nguy kịch, BV cũng xác định là không can thiệp được nhưng không có biện pháp để xử lý trong tình huống tối cấp cứu, cho chuyển lên tuyến trên ngay nên làm giảm cơ hội sống sót của vợ tôi. Để 3 giờ sáng hôm sau thì mọi chuyện đã muộn…”, anh Thành nói.
Ngoài ra anh Thành cũng cho rằng kể cả khi chuyển viện BV cũng không bố trí xe và điều dưỡng đi cùng mà gia đình phải thuê xe dịch vụ 115 bên ngoài và cho rằng dù bác sĩ điều trị là BS Vinh như trong hồ sơ bệnh án lại do BS Thúy ký, dù BS này chỉ tiếp xúc với chị Thi duy nhất 1 lần.
“Tôi làm đơn tố cáo sau 1 tháng không những vì muốn tìm ra sự thật cái chết của vợ mà còn muốn những trường hợp tương tự không còn lặp lại bởi sự chủ quan, tắc trách của các cán bộ y tế tại BV này”, anh Thành chia sẻ.
“Thà nói chúng tôi “dốt” chứ đừng nói chúng tôi…tắc trách”
Đó là câu nói trải lòng của BS Trương Xuân Nhuận, PGĐ BV đa khoa tỉnh Quảng Trị với Thanh Niên sáng 31.7.
BS Nhuận cho rằng, chị Thi nhập viện với triệu chứng duy nhất là đau đầu dữ dội trong khi nguyên nhân dẫn đến đau đầu thì quá nhiều nên các BS đã phải làm tuần tự các xét nghiệm để lần tìm.
“Việc không tiến hành chụp cộng hưởng từ cắt 160 lớp ngay từ đầu để phát hiện bệnh một phần vì phải làm tuần tự, một phần cũng do trình độ anh em còn hạn chế, chưa đủ kinh nghiệm khoanh vùng bệnh để có hướng xử trí nhanh hơn. Phần nữa đây là bệnh mà ít khi anh em gặp nên ít nghĩ tới và thực tế bệnh này với trình độ của BV cấp tỉnh như chúng tôi thì việc chuẩn đoán được là tốt rồi chứ không đủ khả năng xử lý”, BS Nhuận phân bua.
 Người nhà nữ Phó hiệu trưởng tố bệnh viện tắc trách, Phó Giám đốc nói gì? - ảnh 5
Gia đình anh Thành đau đớn trước sự ra đi của vợ, của mẹ. ẢNH: NVCC



Trong câu chuyện này BV cũng đã làm hết sức mình. Ở góc độ cá nhân, tôi có thể nói rằng, nếu nói chúng tôi “dốt”, kém về chuyên môn thì chúng tôi còn chịu chứ xin đừng nói chúng tôi tắc trách, thiếu trách nhiệm”, BS Nhuận nói.


BS Trương Xuân Nhuận

Trước thắc mắc vì sao đã “không đủ khả năng xử lý” mà vẫn để bệnh nhân ở lại mà không chuyển gấp lên tuyến trên, giữa lúc tính mạng họ tính từng giờ từng phút, BS Nhuận cho biết: “Không phải trường hợp phình động mạch nào cũng bị vỡ, xuất huyết não bởi đây là bệnh lý bẩm sinh, có thể bệnh nhân đã bị từ nhiều năm trước. Ngay khi phát hiện bệnh chúng tôi đã có kế hoạch chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hôm đó là thứ 6, chúng tôi tính ngày thứ 2 sẽ cho gia đình đưa ra Hà Nội theo nguyện vọng, không ngờ chỉ vài tiếng sau thì bệnh trở nặng. Chỗ này là do xui rủi và các BS cũng không lường trước được lúc nào thì mạch máu vỡ. Cũng vì chúng tôi chưa có BS thực sự giỏi”.
Riêng đối với việc không có xe chuyển viện mà người nhà phải thuê xe dịch vụ 115, BS Nhuận cho rằng về mặt chuyên môn và pháp lý của 2 xe này tương đương nhau vì xe dịch vụ 115 vẫn thuộc dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế và trên xe nào cũng chỉ có 1 điều dưỡng với những trang bị tối thiểu. Và về việc BS ký trong hồ sơ bệnh án là BS chỉ vừa tiếp xúc với bệnh nhân 1 lần trong lúc nguy kịch mà không phải là BS điều trị từ đầu, theo BS Nhuận cũng là bình thường.
Dù thế, sau khi bệnh nhân qua đời, ông Nhuận cho biết đã yêu cầu những cá nhân liên quan làm bản tường trình, nội bộ khoa cũng họp kiểm điểm và BV cũng lập hội đồng chuyên môn đánh giá lại bệnh lý.
“Trong câu chuyện này BV cũng đã làm hết sức mình. Ở góc độ cá nhân, tôi có thể nói rằng, nếu nói chúng tôi “dốt”, kém về chuyên môn thì chúng tôi còn chịu chứ xin đừng nói chúng tôi tắc trách, thiếu trách nhiệm”, BS Nhuận nói.
(Theo Thanh Niên Online) Nguyễn Phúc
Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ vụ Mobifone mua AVG
Cập nhật lúc 15:08
   
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

 Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ vụ Mobifone mua AVG
Truyền hình An Viên đổi tên thành MobiTV sau thương vụ mua bán
Hôm nay 31-7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Trưởng ban - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc họp, Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2017 tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
Ban chỉ đạo phải khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Hai vụ việc nổi bật mà Tổng bí thư nhắc Ban chỉ đạo là dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) và việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Ban chỉ đạo cũng phải tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nổi cộm như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Vũ Quốc Hảo, các vụ việc xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á.
Ban chỉ đạo cũng phải đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc nêu trong kết luận thanh tra dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol Dung Quất.Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tư pháp đã hoàn thành xét xử sơ thẩm đối với 4 trong số 6 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, với những mức án nghiêm khắc, có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung, được dư luận đồng tình.
Cụ thể, đã có 2 bị cáo tử hình, 1 bị cáo tù chung thân, 17 bị cáo tù có thời hạn từ 20 tháng đến 24 năm tù.
Ban chỉ đạo cũng đã kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 8 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, là các vụ Phạm Công Danh, Hà Tấn Phước, Hà Văn Thắm, Hoàng Thế Trung, Phan Minh Nguyệt, Châu Thị Thu Nga, Bùi Văn Khen, và Huỳnh Công Thiện.
Tuổi trẻ

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

 Dân tố bị “hành” khi xin giấy chứng tử: Chủ tịch phường Văn Miếu phủ nhận camera trục trặc

Cập nhật lúc 09:58 
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu – Vũ Mai Khanh phủ nhận hệ thống camera ở bộ phận một cửa trục trặc vào ngày xảy ra sự việc lùm xùm, trái ngược với phát ngôn của một lãnh đạo Đoàn kiểm tra công vụ trước đó.
 Bà Khanh trong buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công vụ. Ảnh: Bảo Thắng
Theo bà Khanh, hệ thống ghi hình ở bộ phận một cửa của UBND phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn hoạt động bình thường trước, trong và sau ngày 19.7 (ngày xảy ra sự vụ người dân tố đã bị phường “hành” khi xin giấy chứng tử).
Bà Khanh cho hay, kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác của thành phố đã tiến hành niêm phong hệ thống dữ liệu, ghi hình ở bộ phận một cửa, còn việc có bị trục trặc hay không chưa thể xác định ngay lúc đó.
Trả lời về phát ngôn của lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội khi cho rằng camera ở phường bị hỏng đúng ngày xảy ra sự việc, bà Khanh nói: “Các bác (lãnh đạo Sở Tư pháp – PV) nói không có cơ sở, các bác phải nói là niêm phong đúng ngày thanh tra xuống làm việc mới là chuẩn” – bà Khanh nói.
Cũng theo bà Khanh, hôm nay (30.7), toàn bộ nội dung liên quan đến sự vụ vừa qua ở phường sẽ có trong kết luận thanh tra của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đó, trả lời PV Báo Lao Động, ông Phạm Thanh Cao, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Phó trưởng Đoàn kiểm tra công vụ thành phố, cho hay, sau khi xác minh, kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hệ thống lưu trữ hình ảnh ở bộ phận một cửa của UBND phường Văn Miếu bị trục trặc vào đúng ngày xảy ra tình huống người dân "tố" bị hành khi đi khai tử (19.7).
Với tình huống này, Đoàn kiểm tra đã niêm phong, chuyển đi toàn bộ hệ thống lưu trữ hình ảnh để tiến hành điều tra, với nội dung có hay không tính khách quan hay chủ quan. Nói cách khác, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố sẽ xác định chuyện camera bị hỏng có phải do ngẫu nhiên hay chủ ý.
Trước đó, khoảng 9h ngày 19.7, chị Vũ Thanh Hoa đến UBND phường Văn Miếu để làm thủ tục xin giấy chứng tử cho bố đẻ. Tại đây, một cán bộ tên Hiếu đã nhận hồ sơ và hẹn 14h cùng ngày đến lấy giấy.
Đúng hẹn, chị Hoa quay lại nhưng cán bộ Hiếu nói “sếp chưa về để ký”.
Thấy vậy, chị Hoa về. Khoảng 15h chị này quay lại nhưng vẫn không nhận được giấy chứng tử. Sự việc được đẩy thành căng thẳng khi có thông tin, muốn làm nhanh ở phường phải “lót tay” 200.000 đồng.
(LĐO) BẢO THẮNG

Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng

Cập nhật lúc 09:52
  
Việc người dân “bị hành” ở cấp phường, xã không còn là chuyện gì cá biệt. Thậm chí với một số người, mặc nhiên trong đầu luôn nghĩ việc “bị hành” khi đến cơ quan hành chính là hiển nhiên, là bình thường.

Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng  
Hiểu và nắm các quy định về thủ tục hành chính giúp người dân chuẩn bị tốt hồ sơ của mình cũng là cách hữu hiệu để phát hiện trong trường hợp có công chức nhũng nhiễu, làm khó dân. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại UBND P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nếu tôi không tìm hiểu các thủ tục, không kiên quyết đòi hỏi quyền công dân của mình và không buộc cán bộ thực thi nghĩa vụ của họ, chắc tôi còn bị hành nhiều hơn một lần đến phường này
Ông TRI ANH
Cách nào để chống tình trạng “bị hành” này? Dưới đây là một số tình huống điển hình.
Té ngửa vì cán bộ làm sai
Cách đây 3 năm, mẹ của ông Đỗ Thành Phong (ở một phường của quận Tân Phú, TP.HCM) qua đời.
Ông Phong đến phường xin giấy chứng tử cho mẹ để làm các thủ tục quàn ở nhà tang lễ, mua đất xây mộ...
Một vị cán bộ tiếp nhận sau khi nói lời chia buồn thì hướng dẫn: mẹ ông Phong có hộ khẩu tại TP.HCM nhưng trước đó sinh sống ở quê nhà, “phải về quê quán xin cấp giấy chứng tử, chớ ở đây không cấp được”.
Phường chỉ cấp một cái giấy xác nhận bà cụ đã qua đời để giúp làm các thủ tục liên quan đến tang ma.
Sau vụ cán bộ phường Văn Miếu, Hà Nội bị tố “hành dân” khi làm giấy chứng tử, ông mới té ngửa: hóa ra cán bộ phường làm sai!
Kiên quyết yêu cầu cán bộ làm đúng
Những người “thiếu hiểu biết” như ông Phong bị “xỏ mũi” kiểu này rất nhiều. Không như ông Phong, ông Tri Anh lại khác.
Ông Tri Anh nói ông có nguyên tắc luôn “tìm hiểu kỹ, đòi hỏi đúng quyền công dân”, buộc cán bộ làm chưa đúng, chưa hết trách nhiệm phải phục vụ người dân.
Ông kể câu chuyện của mình:
“Trước khi đi làm khai sinh cho con trai, tôi cẩn thận gọi điện thoại lên UBND phường nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để hỏi các thủ tục cần thiết dù trước đó đã lên mạng xem kỹ các quy định liên quan.
Cô nhân viên nghe điện thoại cũng rất tận tình trả lời. Tôi cẩn thận hỏi thêm tên cô, rồi còn hỏi tiếp “có ai trùng tên cô không”, cô trả lời không. Tôi tạm trú ở một phường của quận Tân Bình nên từ nhà chạy lên UBND phường đăng ký hộ khẩu thường trú mất gần 40 phút.
Lên đến UBND phường mới hơn 3 giờ chiều. Đến quầy để làm thủ tục đăng ký khai sinh thì một trong số ba cô ngồi ở đó bảo tôi hôm khác đến vì... tờ khai đã hết.
Tôi thấy không thuyết phục nên bảo: nếu không còn bản có sẵn thì cô có thể lên trang web của Sở Tư pháp hay Cổng thông tin của TP, của Bộ Tư pháp lấy xuống, in ra cho người dân. Cô im lặng.
Tôi nói rằng tôi đi từ xa và yêu cầu cô này hoàn tất trách nhiệm của họ với tôi. Cô vẫn ngồi im. Tôi hỏi cô nhân viên nọ đâu?
Cô này nãy giờ ngồi bên cạnh nhưng không lên tiếng, giờ mới nói: Tờ giấy in nhanh lắm nhưng người ký đi vắng rồi!
Tôi hỏi: Đi đâu vào giờ này? Nếu đi vắng thì có người khác trực ký thay hay không, chẳng lẽ tôi phải về?
Tôi kiên nhẫn nói: Người dân sắp xếp thời gian làm việc đến UBND phường để làm các thủ tục giấy tờ thì cán bộ cũng phải có trách nhiệm hoàn tất nghĩa vụ của mình.
Cô vẫn kiên trì, bảo “giờ chẳng còn ai”.
Đến khi tôi yêu cầu ghi vào trong bảng đăng ký làm khai sinh của con tôi, với nội dung là không có ai ký giấy, kèm theo ngày giờ, tên tuổi của cô.
Đến đây thì một nhân viên lấy điện thoại ra gọi cho ai đó và yêu cầu tôi ngồi chờ.
Khoảng 15 phút sau, một cô mang giấy khai sinh của con tôi đi lên lầu. Nhưng địa chỉ nhà trên giấy khai sinh lại chỉ có số nhà, khu phố mà không có tên đường.
Tôi lại yêu cầu phải viết lại có tên đường. Cô nhân viên nọ khăng khăng là quy định như thế, ai cũng làm như vậy.
Tôi hỏi: Vậy số nhà này nằm trên đường nào của khu phố này? Cô im lặng một hồi rồi bực bội làm lại. Cuối cùng con trai tôi cũng có bản giấy khai sinh.
Nếu tôi không tìm hiểu các thủ tục, không kiên quyết đòi hỏi quyền công dân của mình và không buộc cán bộ thực thi nghĩa vụ của họ, chắc tôi còn bị hành nhiều hơn một lần đến phường này.
Trị bệnh 'hành dân': Kiên quyết yêu cầu cán bộ phải làm đúng  
Cán bộ P.15, Q.8, TP.HCM xử lý nhanh các thủ tục giấy tờ, hồ sơ cho người dân - Ảnh: TÂM ĐỨC
Phải hiểu biết và thu thập bằng chứng
Chia sẻ về các bức xúc của người dân cũng như cách giải quyết khi gặp một số tình huống “bị hành”, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khó có một lời khuyên nào cụ thể.
Việc đưa lên Facebook như người dân ở phường Văn Miếu - theo luật sư Út - cũng là một giải pháp nhưng không phải tất cả mọi thứ đều đưa lên Facebook.
Cũng không thể khuyên người dân... la toáng lên ở ủy ban phường để cán bộ sợ mà phải làm cho đúng mặc dù to tiếng đã được nhiều người áp dụng thành công. “Đưa ra một công thức trong việc này thật khó” - ông nói.
Luật sư Út cho rằng cách tốt nhất là trước khi cần thực hiện một yêu cầu hành chính, người dân cần tìm hiểu, trang bị các kiến thức pháp luật, hành chính liên quan để nắm rõ cách thức thực hiện, để tự đòi hỏi quyền chính đáng của mình khi bị cán bộ “vẽ chuyện” hoặc sách nhiễu.
Đồng thời, có thể thu thập các bằng chứng về việc các cán bộ, công chức thực hiện không đúng theo quy định để buộc họ làm đúng hoặc cho việc khiếu nại, khiếu kiện sau này.


Đồ họa: V.CƯỜNG

Tử vong không phải là... chết (!)
Câu chuyện của anh Trần Trung Nguyên ở Đồng Tháp sau đây khiến ai nghe cũng sửng sốt. Khi cha vợ qua đời, anh Nguyên đi làm thủ tục khai tử cho ông.
Anh mang theo hộ khẩu gia đình, giấy chứng tử của bệnh viện ở TP.HCM đến UBND phường nơi cha vợ cư trú để làm thủ tục khai tử.
Sau khi kiểm tra giấy tờ xong, cán bộ phụ trách cho biết không thể cấp giấy chứng tử được.
Lý do: “Giấy của bệnh viện ghi “tử vong” chứ không ghi là chết. Tử vong không phải là chết nên chúng tôi không cấp giấy được!”.
Anh Nguyên hỏi vậy làm thế nào để được cấp giấy chứng tử, người cán bộ này hướng dẫn phải... lên TP.HCM xin ghi lại vào hồ sơ bệnh án là người bệnh “đã chết”.
Thấy “căng”, anh Nguyên than thở và được cán bộ này bày cho một cách nhẹ nhàng hơn. Theo đó, chỉ việc viết một lá đơn, xin ủy ban phường cấp giấy chứng tử cho người thân với lý do chết tại nhà vì già yếu, nhờ hai người hàng xóm ký xác nhận vào.
Quả nhiên, đơn viết xong, nhờ hai người hàng xóm ký vào làm chứng, mang nộp cho phường. Vậy là được cấp giấy chứng tử.
“Tôi biết việc khai và xác nhận ba tôi chết tại nhà là không đúng nhưng trong trường hợp này tôi không biết phải làm sao khác” - anh Nguyên nói.
 (Theo Tuổi trẻ) LÊ NAM - HOÀNG ĐIỆP - QUANG THẾ