Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


22:02

Đã đến lúc... bán rẻ các công ty nhà nước?


(Dân trí) - Để tái cơ cấu thành công doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đổi mới về chính sách tài chính còn phải đổi mới về công tác tổ chức cán bộ và cơ chế giám sát bởi những sai phạm vừa qua vừa do con người và vừa do cơ chế.
 

Hội thảo “Đổi mới cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước” do Bộ Tài chính chủ trì ngày 31/5 diễn ra trong một thời lượng khá dài với sự tham gia của các đại diện từ nhiều phía, bao gồm cơ quan nhà nước, các đối tác nước ngoài và phía các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đặt vấn đề về hoạt động thoái vốn của những Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước khỏi các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính, trong đó có một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt nhất là lúc thoái vốn phải theo cơ chế thị trường, và đảm bảo bảo toàn hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, thế nào là hiệu quả thì vấn là một câu hỏi. “Hôm qua mua 1 hôm nay bán 1,1 đó là một cách hiểu về hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ cách đó là đơn thuần, mà bây giờ phải nói về tính hiệu quả toàn diện – tức bao gồm cả cái giá phải trả. Tôi nghĩ nếu đây là rủi ro trong kinh doanh thì chúng ta đành phải chấp nhận. Giá mua là 10 chúng ta chấp nhân bán ra 9, để có ngay vốn 9 ấy đầu tư vào ngành kinh doanh chính. Ít nhất về mặt lãi ngân hàng thì tính toán hiệu quả đã hơn rồi.
Cách hiểu thứ hai, thay vì để càng ngày thiệt hại càng càng lớn. Nếu chúng ta thoái vốn ngay thì thiệt hại có thể chỉ dừng lại là 10 nhưng nếu chậm thì thiệt hại đã lên tới 20 nghĩa là giảm thiệt hại đi đã là một cách làm hiệu quả” – Thứ trưởng Hiếu phân tích.
Tiếp nối luận điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, tính hiệu quả phải nhìn dài hạn chứ không chỉ nhìn trong ngắn hạn.
Ông dẫn chứng về một ví dụ thực tế lúc còn giữ cương vị Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Lúc bấy giờ, Nghệ An đầu tư vào một nhà máy thực vật với số vốn bỏ ra 53 tỷ đồng, UBND tỉnh phải bảo lãnh vay ngoại tệ. Nhưng hệ quả là sau đó, năm nào tỉnh cũng phải khốn khổ vì nước ngoài giục nợ và năm nào cũng phải tìm nguồn ngân sách để trả nợ. Thời điểm đó, ông đã đề xuất phải bán ngay công ty này với điều kiện lỗ 22 tỷ đồng (bán ra 30 tỷ đồng) nhưng đề xuất này không được đồng ý.
“Tôi vẫn giữ quan điểm là phải bán nó đi để người khác kinh doanh hiệu quả hơn. Họ sẽ nộp thuế và khi họ hoạt động tốt, sau một vài năm nhà nước thu được khoản tiền hụt đó” – ông Tuyển nói.
Không phải muốn bán là bán được
Ý kiến của ông Tuyển ngay lập tức được nhiều đại biểu tham dự tán thành. Tuy nhiên, có một số vướng mắc về tiến trình thoái vốn mà theo như Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri thì đến nay vẫn còn “tắc” ở chính quy định của Bộ Tài chính, tức là thoái vốn thì không được mất vốn, bán không được dưới giá sổ sách.
“Bây giờ thị trường như thế này, bán không được. Có người mua nhưng họ yêu cầu phải giảm giá, mà giảm giá lại vi phạm quy định. Nếu như bán lỗ thì doanh nghiêp không bao giờ dám bán để phải vào tù. Giám đốc họ không dám quyết, thà họ cứ để cổ phần đó 10 năm nữa”. Do vậy, theo ý kiến của ông Tri, Nhà nước cần phải năng động hơn trong cơ chế và phải cho phép doanh nghiệp làm thì họ mới dám làm.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, trong một buổi hội thảo mở, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Xuân Giá đã đưa ra đề xuất “bán, bán đứt thậm chí bán lỗ những công trình dự án đang xây dựng dở dang mà thấy rằng Nhà nước không cần phải làm hoặc tư nhân làm tốt hơn để dành tiền làm những việc cần thiết.”
Và cũng tại buổi hội thảo này, PGS.TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra đánh giá “Nếu vẫn cứ tư duy theo hướng nhà nước kinh doanh kiếm lợi nhuận thì tôi khẳng định không thể bán được công trình hay doanh nghiệp nào đâu!”. Theo ông, nước nào cũng có doanh nghiệp quốc doanh, song tỷ trọng ít hơn ở Việt Nam, chỉ vào khoảng 4-5% GDP, khi  chiếm tới 7-8% GDP là họ đã tính đến phải bán ngay bớt đi rồi.
Trao đổi về vấn đề nay, chuyên gia kinh tế độc lập,TS Vũ Đình Ánh cũng đã bày tỏ ra quan ngại, trường hợp những doanh nghiệp, dự án nhà nước hoạt động kém hiệu quả sẽ gặp không ít khó khăn để mời chào người mua.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, cũng có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc bán dự án hoặc bán các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả. Phải tùy vào từng trường hợp và phải cân nhắc về nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp trước khi bán.
“Đổ vỡ là từ công tác tổ chức cán bộ”
Buổi hội thảo sáng nay các đại diện cũng “xoáy” sâu vào nội dung nhân lực. Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nêu ra một thực tế, vẫn tồn tại quan niệm, nhân lực của DNNN có cả vạn vạn vạn, nghìn nghìn nghìn lao động nên đã dẫn đến hiện tượng tuyển dụng tràn lan, tuyển dụng kém chất lượng.  “Chúng ta cứ nói thừa thầy thiếu thợ nhưng theo tôi thừa là thừa về số lượng. Nếu thầy mà làm Chủ tịch HĐQT, làm tổng giám đốc thì tốt quá - thực tế là chưa nhiều, thậm chí là rất ít, tìm khó ra”.
Còn theo nhận xét của ông Tri, chính sách tài chính mới chỉ là điều kiện cần, con người mới là yếu tố quyết định đến sự thành công của tái cấu trúc.
Theo đó, phải đảm bảo tính chất lượng từ Chủ tịch, tổng giám đốc cho đến trưởng phòng, cán bộ công nhân viên. “Vừa rồi một số vụ việc xảy ra là từ một số cá nhân. Đổ vỡ chính từ cá nhân, từ công tác tổ chức cán bộ. Tôi đề nghị chính sách tài chính và chính sách cán bộ đi cùng với nhau thì chúng ta mới phát triển được. Nếu cơ chế vẽ ra rất đẹp nhưng người thực hiện không đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức thì cũng không giải quyết được vấn đề” – ông Tri nói.
Trao đổi riêng với Dân trí, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam nói, những sự kiện không hay diễn ra vừa qua tại Vinashin và Vinalines có liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao cũng cần phải đánh giá theo mức độ tổng quát hơn. Một phần do cơ chế giám sát, một phần do cá nhân cán bộ, có những trường hợp do cơ chế lỏng lẻo nên tạo ra con người khiếm khuyết. Thực tế, rất khó tránh khỏi sự lạm quyền và tham nhũng ở bất cứ nhà nước nào, và một nhà nước tốt là một nhà nước hạn chế tối đa được sự lạm quyền và tham nhũng bằng những cơ chế giám sát, xử phạt chặt chẽ hơn.
Giao dự án song không giao vốn
Phó Tổng giám đốc EVN cũng nêu lên một tồn tại ở vấn đề vốn điều lệ ở các DNNN. Ông Tri đề nghị khi thành lập DNNN, Chính phủ phải cấp đủ vốn điều lệ tương xứng với nhiệm vụ được giao để có thể thực hiện được.
Ông cho biết, hiện trạng của EVN được giao nhiệm vụ phải thành lập thêm nhiều nhà máy song không được cấp thêm vốn, do đó phải dựa vào nguồn vốn vay. Do đó, tỉ lệ nợ quá 3 lần diễn ra rất nhanh.
Theo đó, Chính phủ cho phép EVN đi vay để thành lập thêm nhà máy và được bảo lãnh, kể cả phần vốn đối ứng. Điều này theo ông Tri là đã “phá vỡ hết tất cả mọi nguyên tắc về tài chính. Tôi đề nghị cơ chế tài chính sắp tới, doanh nghiệp nào Nhà nước cần giữ, phục vụ nhiệm vụ công ích thì Nhà nước phải cấp đủ vốn điều lệ và đảm bảo về tài chính để nó hoạt động. Còn nếu xác định là không cần nữa thì giải tán và bán đi”. 
(Dân trí) Bích Diệp

 20:50

Tranh chấp lãnh hải:

Trung Quốc làm căng, nhưng sẽ không dùng vũ lực?


(GDVN) - Trang web Chính sách đối ngoại của Mỹ mới đây có bài bình luận, châu Á hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có.
Trang web Chính sách đối ngoại của Mỹ mới đây có bài bình luận, châu Á hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang chưa từng có.

Cuộc chạy đua vũ trang này không chỉ làm tình hình khu vực thêm căng thẳng, mà còn đang khiến cho khoảng cách về kinh tế giữa các nước ngày càng gia tăng.

Năm 2011, Ấn Độ tiếp tục trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nước này đã chi 20 tỷ USD để có được hợp đồng mua máy bay chiến đấu hiện đại Rafale của Pháp.

Không những thế, Ấn Độ còn đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm xa thế hệ mới có khả năng mang đến 10 đầu đạn hạt nhân. Cùng với đó là những bản hợp đồng mua tàu ngầm và tàu mặt nước mới đây.

Trong năm 2012, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ sẽ tăng lên 17%, đạt 42 tỷ USD.

Còn với Trung Quốc, nước này cũng đang đẩy mạnh việc hiện đại hóa vũ khí trang bị như việc tăng cường sức mạnh của lực lượng Hải quân; phát triển máy bay tàng hình thế hệ tiếp theo; nâng cấp hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa với phạm vi bắn rộng hơn.

Mỗi năm Bắc Kinh trung bình tăng 12% ngân sách cho quốc phòng. Hiện tại, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 106,41 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc luôn thể hiện sức mạnh quân sự lớn tại khu vực tranh chấp

Quan hệ căng thẳng với các nước khu vực trong vấn đề tranh chấp lãnh hải cũng là tác nhân đẩy Trung Quốc theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong thời gian tới, Nhật Bản có kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự lớn đến các khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Philippines sẽ chi 1 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu và hệ thống radar hiện đại. Cùng với đó là gần đây nước này đã tổ chức nhiều cuộc tập chung với Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Hàn Quốc cũng vừa thử thành công tên lửa hành trình tầm xa và tăng cường hiện đại hóa cho lực lượng Hải quân.

Cùng với đó là Washington đang khôi phục lại quan hệ quân sự với Indonesia, bởi nước này kiểm soát hầu hết các tuyến đường biển huyết mạch tại khu vực Đông Nam Á.

Australia cũng đang điều chỉnh lại phương hướng phòng thủ của họ để đối phó với việc Trung Quốc đang muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Tại khu vực Biển Đông, lập trường cứng rắn của Trung Quốc không những đang gây ra quan hệ căng thẳng với Philippines trong vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough, mà còn đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ với Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể dễ dàng tỏ thái độ cứng rắn với các nước khu vực trong vấn đề tranh chấp lãnh hải do ưu thế vượt trội về quân sự của họ.

Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiện chứng tỏ rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt trước việc liệu nước nào sẽ giành quyền kiểm soát khu vực Biển Đông, khi mà có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vùng biển này.
My Thái (Theo Tân Hoa xã)

19:46

ĐB Dương Trung Quốc:

“Không khôn ngoan khi bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng"


(GDVN) - Đây là khẳng định của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội sáng 31/5.

- Phóng viên: Trả lời phỏng vấn về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Tôi bổ nhiệm ông Dũng là để cứu Vinalines”. Ông đánh giá về nào về phát biểu của Bộ trưởng? 
+ Dương Trung Quốc:  Tôi cho là cũng có lý do của nó khi việc này rơi vào hoàn cảnh cụ thể như vậy. Đây là vấn đề của quản lý nhà nước. 
Trong một số hoàn cảnh, chính cơ chế lại “làm hại” con người, ví như nếu bố mẹ dúi cho một đống tiền vào tay, dùng không khéo có khi mình “hỏng ngay”. Tôi sẽ có phát biểu góp ý về năng lực lắng nghe của Chính phủ vì những điều xảy ra ở Vinashin và Vinalines đều đã được cảnh báo hết rồi. 
Thậm chí từ nhiệm kỳ trước đã thấy các đại biểu đưa ra yêu cầu phải xây dựng luật bảo tồn vốn nhà nước. Vốn nhà nước bị thất thoát như thế là sự cảnh báo về cơ chế rủi ro. 
Trong trường hợp này, Quốc hội cũng phải có trách nhiệm. 
- Vậy có thể hiểu là, Bộ trưởng Đinh La Thăng “vô can” trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng?

+ Tôi không kết luận việc này vì để đi đến kết luận một vụ việc thì phải có cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Không thể đơn giản quy kết nhau ngay được. 
- Nhưng thưa ông, dư luận đặt nhiều câu hỏi quanh việc, cán bộ lãnh đạo một tập đoàn đang bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và nội bộ xảy ra mất đoàn kết như Vinalines, nói như bộ trưởng Thăng liệu có đúng không?

+ Tôi chưa bao giờ làm công tác tổ chức, tôi không phải Đảng viên cũng chưa bao giờ làm cán bộ nên trong việc này tôi không có kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ trường hợp này để lại bài học không chỉ với giải quyết cán bộ cụ thể mà phải thay đổi quy trình tổ chức nếu thấy nó có thể tạo ra những rủi ro kiểu như này. 
- Vậy sẽ phải lý giải ra sao trước việc ông Dương Chí Dũng, người đứng đầu Vinalines nhưng lại để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nhưng cuối năm vẫn được khen thường vì hoàn thành nhiệm vụ? 
+ Theo tôi, hiện tượng mất đoàn kết là khá phổ biến ở các cơ quan đơn vị mà để giải quyết thì không hề đơn giản. Tôi thấy lúc nào có chuyện này, chuyện khác là y như rằng được quy cho mất đoàn kết, còn nếu không thì chi bộ nào cũng 4 tốt, 5 tốt. Việc này cho thấy chúng ta phải hết sức sâu sát và chính cơ chế đánh giá phải thực hiện thường trực chứ không phải khi vụ việc xảy ra mới thấy toàn cái xấu.
- Nhiều chuyên gia lên tiếng cho rằng trong quá trình Vinalines bị thanh tra nên tạm dừng việc luân chuyển, điều động cán bộ và đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bố trí cán bộ? 
+ Như tôi đã từng nói, nếu là người khôn ngoan thì không nên làm vậy. Nhưng đôi khi có những tình huống cụ thể. Có 2 vấn đề dư luận đặt ra ở tình huống này: đó là có quan hệ riêng tư nâng đỡ nhau hoặc có thể cả việc “chạy tội” cho nhau? Hoặc chỉ đơn thuần là do người có trách nhiệm nghĩ đó là một giải pháp tốt nhất vào lúc này. 
- Mất đoàn kết nội bộ như ông nói là tình trạng khá phổ biến. Vậy người đứng đầu cơ quan xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nhưng luôn được đánh giá tốt thì có phổ biến không, thưa ông? 
+ Việc mất đoàn kết nội bộ cũng rất khó phân tích nguyên nhân là do ai. Bộ trưởng có phân bua là muốn dùng biện pháp tách các cá nhân mâu thuẫn ra để tạo ra môi trường thuận hơn. Có lẽ khi mới về, Bộ trưởng Đinh La Thăng chưa nắm hết “môi trường” các đơn vị trực thuộc mình. Biện pháp này đúng hay sai thì có đánh giá đầy đủ. Không thể chủ quan đánh giá, suy xét thế này, thế kia. 
- Liên tiếp thời gian qua, Thanh tra Chính phủ có kết luận về sai phạm của Tập đoàn Dầu khí, Vinalines. Vậy theo ông, Bộ trưởng Đinh La Thăng có phải giải trình trước Quốc hội về trách nhiệm liên đới hoặc trực tiếp của mình không?
+ Đúng là Bộ trưởng Thăng đã từng giữ nhiều cương vị khác nhau ở các tập đoàn kinh tế. Nhưng như tôi nói, đánh giá vai trò, trách nhiệm thế nào thì phải chờ có kết luận cuối cùng thì mới có thể quy kết được. 

Minh Trí (ghi)

14:50

 Công lý và đạo đức


TuanVietnamnet- Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!

Loạt bài giảng của GS Michael Sandle, Đại học Harvard, vừa được dịch phụ đề trọn vẹn ra tiếng Việt, đang trở thành một cơn sốt không hề thấp của cư dân mạng quan tâm đến giáo dục đại học.
Có thể nói không quá lời rằng, nghe - xem - thấy bài giảng này, dù đã từng biết, từng nghe không ít bài giảng ở các giảng đường đại học (và kể cả kinh nghiệm bản thân), người viết bài này thấy rất nên trao đổi một vài ghi nhận, như là những bài học cần thiết.
Từ những ví dụ bất ngờ
Sandle đã từng giảng cho hàng vạn sinh viên Harvard nghe suốt nhiều năm qua. Con số thống kê ấy nói lên rằng tính hấp dẫn và kỳ thú là khỏi phải bàn. Vậy mà, GS Sandle vẫn làm cho người nghe bị choáng khi ông đưa ra những ví dụ vừa giả thiết, vừa thật, gây sốc đến không ngờ.
Đầu tiên là chuyện về một con tàu không thể kiểm soát, đang chạy với vận tốc 60 dặm/h. Phía trước có năm công nhân đang sửa đường. Người lái tàu biết chắc ngay trước mặt có nhánh ray phụ, nhưng trên đó cũng có một công nhân đang làm việc. Có nên rẽ vào nhánh phụ để làm chết một người hay cho tàu đi tiếp theo lộ trình, và làm chết năm người?
Một ví dụ khác có thật, là chuyện một con thuyền cứu sinh sau vụ đắm tàu. Trên thuyền có bốn người, gồm thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ và một cậu bé 17 tuổi tên là Parker. Parker đang chết từ từ và là một đứa trẻ mồ côi không người thân thuộc.
Thuyền trưởng và thuyền phó đã quyết định giết Parker ở ngày thứ 20 của đói và khát. Nhờ ăn thịt và uống máu Parker, bốn ngày sau họ được cứu sống. Tòa án Anh đã đem vụ việc ra xét xử.
Không ít ý kiến biện hộ (kể cả dư luận từ báo chí) cho rằng dùng thịt và máu của Parker để cứu ba người có gia đình, có nhiều trách nhiệm, có ích cho xã hội nhiều hơn thì cái chết của Parker là điều... có thể chấp nhận được(!)?
Trong những phần tiếp theo, GS Sandle đã đưa ra các ví dụ khác liên quan đến vấn đề đạo đức - trên thực tế có dính dáng rất nhiều đến chính trị. Chẳng hạn, liệu Bill Clinton có dối trá hay không khi ông làm cho người khác hiểu nhầm sự thật khi nói trước truyền hình rằng: "Tôi không hề có quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky. Tôi không bao giờ nói dối. Đó là một luận điệu sai lầm".
GS Michael Sandle, Đại học Harvard
Một trường hợp khác là việc người chủ quán trả đủ tiền thừa cho khách sau khi cân nhắc rằng nếu trả thiếu, sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và sau đó sẽ mất khách. Vậy, có thể coi hành động của chủ quán là chưa đủ yếu tố cấu thành đạo đức?
GS Sandle còn đưa ra rất nhiều ví dụ khác khi nêu vấn đề cho sinh viên thảo luận như tính đạo đức của việc tuyển quân bắt buộc và chế độ tình nguyện khác nhau như thế nào? Cái nào nên hơn? Việc ưu tiên điểm số đầu vào đại học cho sinh viên Texas (bang có 40% dân số là người Mexico và da đen), khiến cho nhiều sinh viên da trắng có điểm số tương tự bị trượt đại học là nên hay không nên?
Có phải việc ưu tiên ấy dựa trên cơ sở thế hệ hôm nay phải đền bù cho quá khứ sai lầm (nguyên văn: past wrong) của cha ông hay không? Một trong những bất ngờ lớn nhất của GS Sandle là ông đã đưa ra một dẫn chứng thật giản dị (vì ai cũng biết). Đó là, trong một cuộc thi đấu thể thao - môn chạy chẳng hạn, việc hàng chục người xuất phát cùng một điểm xuất phát có thật sự là công bằng không khi ta biết rằng số phận, sức khỏe, những yếu tố tự nhiên mang tính ngẫu nhiên mà con người bất khả chuyển nhượng, đã làm cho các vận động viên không thể như nhau, như cách hiểu thông thường...
Triết học và đạo đức
Trong loạt bài giảng của mình, GS Sandle đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng như quan điểm về chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham, về khẩu hiệu nổi tiếng của John Locke "Lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất" chính là công lý.
Đặc biệt, GS Sandle đã dành khá nhiều thời gian cho việc trình bày quan điểm của một trong những nhà triết học lỗi lạc nhất của thế kỷ khai sáng là Immanuel Kant (22.4.1724-12.2.1804).
Kant cho rằng, chúa tể của cuôc sống không phải là Niềm vui và Nỗi buồn như Bentham nhìn nhận mà chính là đạo đức tối thượng. Đạo đức tối thượng là tính TRÁCH NHIỆM (có lý trí xác đáng dẫn dắt, phù hợp với quy luật đạo đức) của động cơ trong hành động.
Có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?
Yếu tố này đặc biệt quan trọng với những người lãnh đạo vì họ nắm trong tay sinh mạng và số phận, hạnh phúc hay khổ đau của người dân. Bởi, đa số con người chỉ hành động theo ý muốn chủ quan, cái ham thích nhất thời, vị kỷ hoặc vì tư lợi tàn nhẫn nên bất kể đạo đức và, thường là, nhân danh đạo đức để che đậy các động cơ ích kỷ, xấu xa.
Tính tối thượng đạo đức yêu cầu con người không được dùng người khác làm công cụ để thỏa mãn ý đồ riêng, không được lạm dụng cái gọi là đa số để làm phương hại hay tước đoạt nhân phẩm của con người - dẫu chỉ một người.
Theo quan điểm khắt khe của Kant, nói dối cũng là cách chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Nếu Kant đúng, thì xã hội ta bây giờ, nhiều người đều vi phạm đạo đức vì đa số họ nói dối là... phẩm chất tự nhiên!
Quyền trình bầy ý kiến và quyền... im lặng
Nhìn - nghe GS Sandle giảng bài, thấy sinh viên Harvard thảo luận, có lẽ, ai cũng ước ao được ngồi ở giảng đường Sandle ấy một lần. Ngay cái tên đã kích thích suy tư: "Người một hạt cát" - Sandle. Có thể là một, hoặc một số nhưng chắc chắn đó là một phần làm nên bãi biển rực nắng mênh mông. Để trở thành cát, phải có hàng triệu lần "vật lộn" với sóng lừng, sóng dữ; phải trải biết bao gian khó, dập vùi. Xem ra, muốn làm nên sự lấp lánh và tinh khiết, không thể đo bằng vài năm tháng bọt bèo...
Ấn tượng đầu tiên từ các bài giảng của GS Sandle đó là sự lôi cuốn không chỉ nhờ chất giọng rõ ràng, hấp dẫn mà trước hết, người thầy phải có một cái nền kiến thức vững chắc, một "kho" ngôn từ dường như vô tận thì mới không lặp đi lặp lại, không có chuyện thì, là, mà, à, ờ... như không ít giảng viên của ta hiện nay.
Phần hài hước của ông (cái không thể thiếu của bất kỳ người thầy nào khi giảng về những vấn đề khô khan, khó khăn) chỉ chiếm chưa đến 2% thời gian - vừa đủ để tạo nên sự thư giãn cần thiết mà lại không làm loãng phần nội dung.
Chẳng hề có bất kỳ một câu chửi thề nào và tuyệt đối chẳng cần đến sự dung tục tầm thường tuy trong bài giảng có cả chuyện tình dục của Tổng thống Hoa Kỳ cũng như có cả chuyện công lý trong việc mang thai thuê!
Lượng thời gian dành cho sinh viên thảo luận của GS Sandle chiếm khoảng 30%. Điều đặc biệt là tất cả sinh viên khi phát biểu đều rất tự tin, trình bày lưu loát (cũng chẳng có sinh viên nào à, thì, là, mà).
Cái đáng ghi nhận nữa là mặc dù có những lúc chỉ có một, hai cánh tay giơ lên nhưng họ không hề ngần ngại, dẫu có hàng ngàn sinh viên khác im lặng (tức là không đồng ý). Quyền được trình bày ý kiến của mình bất kể người khác không tán thành là một trong những điểm tích cực vượt trội của tính tự chủ trong giảng đường Sandle.
Không có sự phân biệt về trình độ do màu da, chủng tộc. Ta hãy nghe một chút phần tranh luận giữa hai sinh viên gốc Á: "Nếu bạn phản đối hôn nhân đồng tính thì tôi hỏi bạn, bạn đã bao giờ thủ dâm chưa"?
Tính sâu sắc của câu hỏi- trả lời, thực sự làm chúng ta bị hấp dẫn. Nếu ai đã nghe- xem qua toàn bộ bài giảng này thì sẽ  phải "ngạc nhiên" vì một điều nữa: Hàng ngàn người nghe, không hề điểm danh, không hề thiếu hụt bất ngờ và cũng chẳng hề có ai nói chuyện riêng(!)
Dường như việc nói chuyện riêng trong một lớp học của sinh viên Mỹ bị coi là thiếu văn hóa thì phải?
Một điều đáng xem xét nữa là trong khi ở nước ta hiện nay, sử dụng bài giảng có máy chiếu- màn hình được coi là thời thượng, phản ánh trình độ cao (?) của giảng viên, thì GS Sandle sử dụng rất ít, hầu như chỉ chiếu cho sinh vên xem những trích dẫn cần độ chính xác cao, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đang nêu ra.
Đây là chuyện cần phải cân nhắc bởi chúng ta biết rằng nếu lạm dụng máy chiếu, tức là vừa làm hư cho thầy (lười giảng), vừa không đảm bảo tính liên tục của lập luận.
Điều cuối cùng cần đặc biệt nhấn mạnh là mỗi buổi giảng chỉ gói gọn trong 30 phút (ít nhất là các video clip cho biết như thế), nhưng vẫn đủ tất cả những nội dung cần thiết trong cái nguyên tắc tương tác hợp lý giữa thầy và trò.
Từ đây có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?
Loạt bài giảng Công lý, việc đúng nên làm với sự mở đầu thật khó - đúng như GS Sandle đã nói. Cái khó của ông là trình bày điều mà ai cũng biết (dẫu nhiều hay không nhiều lắm) như công lý, đạo đức.
Khó hơn nữa là những dẫn chứng ông đưa ra hầu hết đều cũ, nhưng ông phải làm cho khác lạ. Rồi, cái nguy hiểm của điều mới lạ ấy là nó làm cho bản chất hay cái vỏ của vấn đề không còn như cũ nữa...
Nói chung là có rất nhiều sự thách thức đối với một người thầy phải "trình diễn" trước cử tọa khắt khe, thông minh, dũng cảm - những người luôn coi thách thức là cơ hội - điều kiện để sống, để vươn tới.
Sandle không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra. Theo ông, lời khuyên của Kant luôn đúng: Phải sống trong sự bất an của lý trí, tức là sống trong câu trả lời chứ không phải là sống bằng sự thỏa mãn từ các câu trả lời.
Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!
Hà Văn Thịnh

14:32
Ồ ạt hạ lãi suất

TP - Bước sang ngày thứ ba (30-5) quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống 11% của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, không giục mà cùng, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất vay.
Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
LienVietPostBank ra thông báo khẳng định mức lãi suất cho vay tối thiểu 13,5%/năm áp dụng ngay đối với khách hàng DN nhỏ và vừa và có quan hệ tín dụng lần đầu tiên với NH.
Tổng gói hạn mức cho vay ưu đãi là 500 tỷ đồng. Với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay với mục đích tiêu dùng như mua nhà, mua xe… có nguồn trả nợ ổn định đều đặn từ lương và các thu nhập khác sẽ được hưởng lãi suất cho vay tối thiểu là 14%/năm trong 06 tháng đầu.
Ngân hàng Á Châu (ACB) công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, mua bất động sản với lãi suất cho vay thấp nhất là 15,5%/năm (tùy theo thời hạn, số tiền vay và sản phẩm tín dụng).
Tổng gói hạn mức tín dụng ACB dành cho đợt này lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình. Đây là lần thứ 4 trong năm ACB giảm lãi suất cho vay.
Cùng ngày, Tổng giám đốc một ngân hàng phía Nam cho Tiền Phong hay ông vừa ký quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với gói tín dụng hàng ngàn tỷ đồng mức 14%/năm trước đó xuống còn ở mức 13,5%/năm.
Phân tích của vị CEO: lý do sớm hạ lần này là bởi cầu ít, cung nhiều. “Mấy ngày nay, huy động tiền gửi dân cư tăng đều. Với lãi suất trần 11%/năm vẫn rất nhiều người mang tiền đến gửi kỳ hạn dài từ 3-6 tháng.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh. Một kênh để các ngân hàng đầu tư tiền là thị trường trái phiếu thì quá đông các ngân hàng “xúm” vào”.
Chính vì thế, chúng tôi xác định cách tốt nhất là phải hạ xuống thấp để doanh nghiệp hấp thụ được. Có khả năng sang tháng nếu lãi suất điều hành tiếp tục giảm, chúng tôi sẽ hạ tiếp”- Vị này khẳng định.
Trước đó, các ngân hàng Nhà nước nắm cổ phần chi phối như: Vietinbank, Agribank, BIDV, Vietcombank đã tiến hành điều chỉnh giảm. Tuần gần đây nhất, theo thống kê của NHNN: lãi suất liên ngân hàng thấp hơn dưới mức trần cho vay 14% một năm.
Kỳ hạn ngắn, lãi suất có xu hướng lùi dần về mốc 1%. Mức công bố của Ngân hàng Nhà nước trong báo cáo hoạt động tuần thấp nhất là 3,4% (1 tuần), cao nhất 13% (12 tháng)...
Giảm để tự cứu mình
Trong những lần trước đây, lần nào lý giải thay cho thực tế “giảm đầu vào nhanh, đầu ra nhỏ giọt”, đại diện các ngân hàng cũng than cần độ trễ để hấp thụ hết luồng vốn giá cao đã trót huy động trước đó.
Vậy vì sao có lần giảm nhanh này. Chẳng lẽ các ngân hàng chấp nhận thiệt? Chia sẻ, Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho hay: đúng là tại thời điểm này, ngân hàng không có cách nào khác nếu muốn tự cứu mình.
Theo ông, bấy lâu nay người ta chỉ quen nghe và nhìn thấy hình ảnh “hàng tồn kho” của DN mà không hình dung “tồn kho tiền” của ngân hàng cũng nguy hại thế nào.
Ông than: “Tiền huy động về hàng ngày vẫn phải trả lãi trong khi cứ để đấy thì lấy đâu bù đắp chi phí lãi, chưa kể hàng “đống” chi phí khác như trả lương nhân viên, thuê địa điểm...”.
Hạ lãi suất 1% các ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào, lãnh đạo một ngân hàng tính toán: “Chỉ cần giảm 1% lãi suất cho vay, tiếp tục chia cho tổng dư nợ, nhân với 12 tháng dù chỉ là những món vay mới thôi thì đã mất đi một khoản kha khá rồi”.
Theo ông này với phần chênh hơn 2% lần này (huy động 11%, cho vay 13,5% ) nói chung “dư địa” để ngân hàng trang trải cho tổng chi phí sẽ eo hẹp đi rất nhiều, chứ đừng nói là lợi nhuận.
Thực tế cho thấy: DN gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân khách quan là do không vay được vốn, nhưng chủ quan là sức cạnh tranh của DN còn yếu, nợ nần rất lớn.
Đề xuất từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là tiếp tục xử lý nợ xấu, trong cả hệ thống DN và ngân hàng. Tại diễn đàn VBF 2012 ngày 29-5, đại diện NHNN khẳng định cơ quan này đang đẩy nhanh thực hiện công tác xử lý lại nợ giữa các ngân hàng, giãn đảo nợ cho những DN có tiềm năng kinh doanh tốt.

Nên tính lãi suất theo lạm phát cơ bản
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ nhận xét: tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay suy giảm kinh tế đã rõ nét.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến DN phá sản hàng loạt từ đầu năm đến nay chính là do họ phải trả chi phí cho lãi suất cao suốt một thời gian dài. Tuy nhiên về bản chất thực ra đó là phản ứng phụ khi điều trị căn bệnh bất ổn của nền kinh tế vỹ mô kéo dài.
TS Ngân phân tích: Bấy lâu nay lãi suất điều hành cứ đi theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là không đúng. Đáng lẽ, phải điều hành theo lạm phát cơ bản thì mới đảm bảo được tính ổn định của lãi suất, giúp ngân hàng và doanh nghiệp hơn.
Ông cũng thừa nhận, với chính sách tiền tệ thắt chặt, NHNN đang làm khá tốt điều hành. Vấn đề thanh khoản được giải quyết, tỷ giá ổn định, kiểm soát nhập siêu, cán cân thặng dư thanh toán quốc tế ổn định. Việc ngân hàng tới đây giảm tiếp lãi suất theo TS Ngân là hoàn toàn có thể.
  
(TPO) Khánh Huyền

 13:00

Quốc lộ 12B: Phát lộ lỗ hổng thất thoát?


ANTĐ - Vào hồi 17h15 ngày 30 - 5 trên đoạn đường quốc lộ 12B thuộc xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đoạn Ngã Ba chợ chiều đi thị xã Tam Điệp bỗng bị sạt lở nghiêm trọng và xuất hiện một hố sâu tử thần.

Hố tử thần xuất hiện tại thị xã Tam Điệp, Ninh Bình
Theo quan sát miệng hố rộng khoảng 1,2m, sâu hơn 2m phía dưới rất rộng và có nhiều nước đây giống như một con sông ngầm đã có từ rất lâu nhưng đến nay mới được phát hiện.

Miệng hố rộng khoảng 1,2m, sâu 2m và chứa rất nhiều nước
Hiện tại vết sạt lở tiếp tục có chiều hướng rộng ra gây ách tắc giao thông trên đoạn đường và tiểm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng tới tính mạng người tham gia giao thông trên đoạn đường này.

Người dân quanh vùng cho biết vì từ trước đến nay đoạn đường này rất bằng phẳng và không có ổ gà, ổ voi nhưng hôm nay bỗng chốc bị sạt lở nghiêm trọng lại xuất hiện hố sâu đầy nước khiến người dân rất hoang mang.

Sự xuất hiện của hố "tử thần" khiến người dân hoang mang lo sợ
Ngay sau khi nhận được tin báo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã có mặt để tạm thời xử lý bằng cách dùng cành cây để che lấp miệng hố tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
(ANTĐ, tựa đề của Thương Giang) Văn Nghị


12:15
Người Trung Quốc dựng bè cá kiên cố trên vịnh Cam Ranh

Ngay trong vịnh biển gần cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nhiều người Trung Quốc đến làm “chuyên gia nuôi trồng thủy sản” hàng chục năm nay nhưng việc quản lý những người này còn nhiều vấn đề.
Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh.  Ảnh: Tạ Thành.
Thượng tá Phan Lê Văn - đồn trưởng Đồn biên phòng Cam Ranh - cho biết có sáu người Trung Quốc đang ở trong khu vực vịnh biển Cam Ranh để làm chuyên gia nuôi trồng thủy sản cho các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú của người dân địa phương khoảng 9-10 năm nay.
Tuy nhiên, theo người dân ở khu vực này, những người Trung Quốc ở đây chuyên nuôi trồng thủy sản rồi xuất về Trung Quốc chứ không phải là làm chuyên gia.
“Chuyên gia” Trung Quốc nuôi cá xuất khẩu
Ông Nguyễn Văn Quý, một người bán tạp hóa ở trước cổng cảng Cam Ranh (đường Nguyễn Trọng Kỷ, P.Cam Linh, TP Cam Ranh), cho biết ông quá quen thuộc với những người Trung Quốc nuôi cá tại vùng biển vịnh Cam Ranh.
Theo ông Quý, có khoảng 10 người Trung Quốc thường xuyên ra vào cảng, ngoài ra còn có một số người VN làm thuê cho những người Trung Quốc này.
“Trong số những người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh có những người đã sang đây khoảng chục năm, có những người sang khoảng vài năm và cũng có những người mới sang mấy tháng. Họ nuôi chủ yếu là cá mú.
Họ mang cá giống mú từ Trung Quốc qua, khi nuôi lớn rồi thì lại xuất về Trung Quốc. Cá mú này con to, có trọng lượng khoảng 20kg, giá khoảng 1 triệu đồng/kg”- ông Quý cho hay.
Chị Thuận, một người dân ở P.Cam Linh, cho hay những người Trung Quốc này ăn ở ngay trên lồng bè trong vịnh, cứ mỗi sáng sớm, những người Trung Quốc từ biển đi xuồng vào đất liền thu mua các loại cá nhỏ, sau đó chở ra cho ăn.
“Tôi nói chuyện khá thường xuyên với hai chủ bè người Trung Quốc là A Giót và A Cang. Làm gì có chuyện người Trung Quốc được thuê qua đây làm chuyên gia nuôi trồng, vì họ bỏ tiền ra đầu tư rồi thuê người VN mình nuôi cho họ. Ai ở đây cũng biết vậy cả”.
Ông A Cang cho biết, ông và những bạn bè người Trung Quốc tại đây cũng thường đi mua lại cá mú giống của người dân địa phương rồi nuôi thúc cho lớn, sau đó xuất về thị trường Trung Quốc.
Trên vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản của người Trung Quốc được xây dựng khá kiên cố. Mỗi bè rộng khoảng 100m2, trên đó xây dựng 2-3 ngôi nhà lợp tole màu để người Trung Quốc và những người VN làm thuê ở lại chăm sóc cá.
Mỗi bè như vậy có rất nhiều lồng nuôi được liên kết chặt với nhau. Những bè cá này nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 200-250m về phía đông. Từ những vị trí đó có thể nhìn thấy khá rõ quân cảng Cam Ranh nằm về phía đối diện.
Nuôi trồng tự phát?
Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện trong khu vực này người dân nuôi khoảng 300ha cá mú, 10.000 lồng tôm hùm và cá mú.
Ông Trần Văn Ớt - phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh - cho hay theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, do đặc thù của vùng biển này nên trong vịnh chỉ được phép nuôi trồng các loại thủy sản loại hai mảnh hoặc rong biển, không nuôi các loài thủy sản khác.
Cũng theo quy hoạch trên, đến trước năm 2015, phải di dời toàn bộ số lồng bè nuôi trồng hải sản trong vịnh Cam Ranh đến vùng biển xã Cam Bình.
“Tuy nhiên, thời gian qua, do việc phân định tọa độ trên biển chưa thực hiện được vì địa phương chưa có kinh phí nên người dân nuôi trồng thủy sản tự phát. Cho đến nay, địa phương chưa cấp phép nuôi trồng hải sản ở vịnh Cam Ranh cho bất cứ ai, kể cả người trong và ngoài nước” - ông Ớt nói.
Được biết, cách đây một tuần, UBND TP Cam Ranh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hành chính các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh.
Sáng 30-5, đoàn kiểm tra liên ngành này đã họp để báo cáo kết quả cho UBND TP Cam Ranh.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên chiều ngày 30-5, ông Trần Văn Ớt - trưởng đoàn kiểm tra - chỉ thừa nhận là có người Trung Quốc tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cam Ranh, song từ chối thông tin về kết quả kiểm tra, số lượng cũng như vai trò của những người Trung Quốc trên các lồng bè.
Ông Ớt chỉ tiết lộ rằng những người Trung Quốc này tham gia nuôi trồng thủy sản ở vùng diện tích mặt nước vịnh Cam Ranh do Cảng vụ Nha Trang quản lý chứ không phải do TP Cam Ranh quản lý.
Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Kế Thân - giám đốc Cảng vụ Nha Trang - lại bác bỏ thông tin trên vì cho rằng cảng vụ không có chức năng cho phép nuôi trồng thủy sản!
Trong khi đó, trưa ngày 30-5, ông Đào Văn Hòa - chủ tịch UBND TP Cam Ranh - chỉ nói ngắn gọn rằng hiện chưa nắm được báo cáo cụ thể của đoàn kiểm tra liên ngành.
“Nếu người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Cam Ranh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Hòa nói.
Lãnh đạo UBND các phường có liên quan đến vịnh Cam Ranh như Cam Linh, Cam Phú... đều từ chối trả lời thông tin liên quan đến người Trung Quốc nuôi cá trong vịnh!
Chúng tôi cũng cố gắng tìm kiếm thông tin về việc xuất khẩu thủy sản nuôi tại vịnh Cam Ranh sang Trung Quốc thời gian qua, song mọi nỗ lực đều bất thành vì Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cam Ranh (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Cam Ranh) không cho phép vào vì hiện trong cảng đang sửa chữa một tàu hậu cần của Mỹ.

Nhiều thương lái Trung Quốc mua hải sản ở cảng cá Vĩnh Lương
Tại cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa) thời gian qua có nhiều thương lái Trung Quốc đến mua các loại hải sản sau đó xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Một sĩ quan thuộc Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cho biết, hiện nay vẫn còn sáu thương lái Trung Quốc mua cá tại cảng này. Việc xử lý các thương lái Trung Quốc rất khó khăn khi họ luôn “núp bóng” các doanh nghiệp trong nước để sơ chế rồi xuất khẩu hàng.
Đầu năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa bắt quả tang hai thương lái Trung Quốc mua cá “chui” và xử phạt hành chính mỗi người 15 triệu đồng. Song việc xử phạt không thực hiện được vì... không tìm được địa chỉ của các đương sự sau khi họ bỏ trốn khỏi VN.

Theo Tuổi Trẻ

 12 :00

Hư danh và giả dối


(Dân trí) - Mùa thi đến, công nghệ sản xuất phao thi khai thác tối đa công suất. Thị trường phao thi sôi động và các nhà sản xuất ngày càng làm ăn phát đạt cho thấy một phần chân dung về chất lượng giáo dục đào tạo hiện nay.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Thí sinh đến trường thi không dựa vào sở học của mình mà cậy vào sự trợ giúp của tài liệu đem theo. Điều này không chỉ bộc lộ sự yếu kém về học lực, mà nguy hiểm hơn là sự khuyết tật về nhân cách. Bước qua các ngưỡng cửa tri thức bằng sự gian dối thì về sau sẽ làm điều dối gian.

Điều đáng thao thức hơn, không phải chỉ với các cuộc thi ở trường phổ thông hay đại học, mà ngay cả với các cấp học cao, việc sử dụng phao thi cũng vẫn xảy ra. Không ít những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ thực chất là do quan hệ, viết thuê hoặc cả nể cho qua. Những chiếc phao dùng để vượt sông lấy học vị được tính bằng số tiền không nhỏ. Thời nay, quan chức đưa danh thiếp có hai chữ tiến sĩ, thạc sĩ đứng trước họ tên rất nhiều. Sẵn thói chuộng hư danh mà sẵn tiền nữa thì cứ thế mà mua.

Cao hơn một bậc, một số công trình khoa học trong nước tham gia công bố quốc tế cũng sử dụng phao. Phao ở đây là “đạo” công trình của người khác để làm công trình của mình. Liên tục trong thời gian qua, nhiều tổ chức khoa học phát hiện được công trình công bố quốc té của một số nhà khoa học Việt Nam “đạo” văn. Những công trình tai tiếng này làm sụt giảm uy tín học thụât trong nước vốn đang còn ở trình độ chưa cao.

Dẹp các chợ phao thi không khó, chỉ cần công an mạnh tay là có thể truy quét sạch sẽ, các trường thi tổ chức nghiêm ngặt thì dễ gì có chiếc phao nào qua lọt. Nhưng dẹp được nạn mua bằng cấp, học vị mới là chuyện khó, bởi vì nó không lộ liễu như chợ phao thi, mà ẩn giấu dưới nhiều hình thức tinh vi khó lường.

Bàn những chuyện trên để rốt cuộc quay về với vấn đề dân trí. Một xã hội còn những tao loạn trong thi cử, học thuật chứng tỏ dân trí còn thấp. Khi nào, mỗi công dân đều biết đề cao giá trị thật của sự học thì khi đó chúng ta mới có được mặt bằng dân trí ngang bằng với các nước tiên tiến. Trung thực trong vịệc học là trui rèn đạo đức các nhân và đó cũng là nền tảng để phát triển xã hội, thịnh vượng quốc gia.

Sách Đại học, một trong Tứ thư của Nho gia có ghi: “Đại học chi đạo tại minh minh đức, tại thân (tân) dân, tại chỉ ư chí thiện” (tạm dịch: Mục đích của sự học rộng cốt làm sáng cái Đức sáng của mình, cốt khiến cho người ta tự đổi mới, cốt khiến cho người ta dừng ở chỗ chí thiện).

Các bạn trẻ đang có nhiều điều  kiện để học hành, các công cụ khoa học hỗ trợ rất nhiều cho việc tìm hiểu, nghiên cứu. Hãy tận dụng nó để tạo nên giá trị cho bản thân, hướng tới cái thiện. Các lọai bằng cấp, danh tiếng  khoa học được làm ra từ các loại phao trên đều là giá trị ảo và tất nhiên là không thiện. Phải không, thưa các bạn?

(Dân trí) Lê Chân Nhân
Nếu ai đã từng làm việc trong các cơ quan công quyền xin hãy thử kiểm nghiệm lại xem: Cứ anh cán bộ lãnh đạo, quản lý nào thích thêm chữ Tiến sĩ, Thạc sĩ… vào trước chức danh công vụ của mình thì y như rằng, cái trình độ bằng cấp đó lại rất ít dùng cho công việc của họ. Cũng đa số trong họ, việc có được cái bằng cấp “cao học” đó lại đều là con đường “vòng cung”, vừa học vừa làm. Càng khó hơn để “bói” ra được những công trình khoa học từ các luận án, đề tài “cao học” của họ. Những người này, bằng cấp tựa như cái “bậc thang” trong “vạn lý công danh” mà thôi!
Thương Giang

 11:57
Điếu văn cho Vện

Ô hô! Vện hỡi!
Nhớ linh xưa, một chú chó Phú Quốc tên Vện đã làm vinh dự nòi chó Việt trên đấu trường quốc tế. Tháng 7 năm trước, giữa kinh thành Ánh sáng hoa lệ, Vện đoạt giải CACS để trở thành cẩu vương cấp toàn cầu. Thế là chó Việt đã sánh vai cùng chó năm châu!
Vậy mà giờ đây, một cơn bệnh nghiệt khiến Vện về bên kia thế giới.
Thương càng tức, tiếc càng buồn.
Bởi chỉ là chó mà Vện đã góp phần xoá đi nỗi buồn nhược tiểu của nòi giống Việt. Trong khi đó, có những người danh cao lộc hậu mà càng làm xấu thêm bộ mặt đất nước!
Nghĩ mà quê: một thạc sĩ chỉ trong hai năm bị rút bỏ đến bảy bài báo trên tạp chí khoa học thế giới!
Nghĩ mà nhục: lâu lâu báo đài quốc tế lại rộ tin người Việt buôn lậu đôla, buôn sừng tê giác!
Nghĩ mà đau: không ít kẻ ăn trên ngồi trước, được giao tiền muôn bạc ức nhưng làm đâu lỗ đó, sau khi nhét tiền đầy túi thì cao chạy xa bay!
Từng vui bao nhiêu khi trong danh sách chó đẹp toàn cầu có cái tên Vện Phú Quốc. Càng lo bấy nhiêu là rồi đây trong danh sách truy nã của Interpol những cái tên Việt ngày càng nhiều!
Chó mà biết vinh danh đất nước. Người mà làm xấu hổ đồng bào.
Chó như mày sao lại chết? Người thế kia sao vẫn ung dung? Bất công thế ấy, trời hay chăng trời?

(SGTT) Người già chuyện

 11:42

Hồng Quế đã từ bỏ giấc mơ hoa hậu?

Đến giai đoạn lọc hồ sơ các thí sinh dự thi hoa hậu, BTC cuộc thi HHVN vẫn chưa thấy có tên của người mẫu Trịnh Hồng Quế.

Hồng Quế, cái tên không còn xa lạ trong làng mẫu Việt. Trước khi bị ảnh hưởng bởi scandal "đánh người" và những "ì xèo" về chuyện tình yêu ở tuổi 18, Hồng Quế được ca ngợi là một trong những vedette miền Bắc đẹp và sáng giá nhất.
Từng được đánh giá là một chân dài 9x có triển vọng và tham vọng, bởi cách đây 5 năm, khi gia nhập làng thời trang Việt, mục tiêu của cô là trở thành vedette trong các show diễn nổi tiếng trong nước. Chỉ hơn 2 năm sau Hồng Quế đã bước đầu đạt được thành công.
Cách đây 3 tháng, khi cô nữ sinh trường PTTH Hồ Tùng Mậu nói lên mong muốn trở thành Hoa hậu Việt Nam 2012, nhiều người tin điều đó sẽ trở thành sự thật. Tại thời điểm đó, Hồng Quế phát biểu đầy quyết tâm: "Tập trung vào trau dồi kiến thức cũng như hình thể để đạt được phong độ tốt nhất khi bước vào cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sắp tới".

Thế nhưng, theo tiết lộ từ một nhân vật có vị trí quan trọng trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012, cho đến thời điểm hiện tại - vào giai đoạn lọc hồ sơ của các thí sinh tham dự, vẫn chưa thấy có tên của Trịnh Hồng Quế.
Người này cũng cho rằng, giả sử chân dài 9X có tham gia cuộc thi thì cũng khó có "cửa rộng" để bước vào vòng chung kết. Lý do là vì trong cuộc thi HHVN năm nay, BTC sẽ lọc rất thận trọng, điều tra kỹ lý lịch của thí sinh bởi thời gian gần đây có quá nhiều scandal liên quan đến giới chân dài. Nếu chỉ manh nha xuất hiện dấu hiệu nào "không sạch", hồ sơ sẽ bị loại ngay lập tức.

Sự đời không như là mơ. Nếu như không vướng vào scandal "đánh người" và những vấn đề không hề vụn vặt xung quanh việc giữ gìn hình ảnh; có khả năng cao, Hồng Quế sẽ trở thành một trong những gương mặt sáng giá để cạnh tranh ngôi vị Hoa hậu năm nay.
Qua vụ lùm xùm này, nếu cô có tham gia thi hoa hậu, cũng sẽ rất khó để lấy lại niềm tin từ dư luận cũng như thiện cảm từ BGK cuộc thi năm nay. Đó phải chăng là lý do hồ sơ cô vắng bóng tại vòng loại HHVN 2012?
Theo Dân Việt

 09:18

Tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng


Do chết bất đắc kỳ tử, một phụ nữ để lại khối tài sản khổng lồ nhưng không kịp lập di chúc. Từ đó dẫn đến tranh chấp giữa người con nuôi và các anh chị em của người vừa qua đời


Chiều 30-5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã mời ông T.V.P và chị T.H.H.L đến làm việc liên quan đến khối tài sản trong két sắt đang được ký gửi tại ngân hàng này. Sau 3 giờ làm việc, các bên vẫn không đạt được thỏa thuận. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động lúc 17 giờ cùng ngày, một lãnh đạo Sacombank khẳng định “do vụ việc vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa nên khối tài sản nằm trong két sắt hiện vẫn đang được giữ tại ngân hàng”.
Chết không để lại di chúc
Liên quan đến khối tài sản trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3-2011, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh - TPHCM đã lập một vi bằng ghi nhận lại khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng của một người phụ nữ quá cố tên là T.K.P (sinh năm 1946, ngụ quận Tân Phú - TPHCM). Đây có thể xem là vụ việc được lập vi bằng có số tài sản lớn có một không hai.
Do chết bất đắc kỳ tử nên bà P. đã không để lại di chúc trong khi bà không có con ruột, chỉ có một người con nuôi 22 tuổi mang họ bà có tên là T.H.H.L. Người con nuôi này được bà P. xin nuôi ngay khi còn đỏ hỏn ở Bệnh viện Hùng Vương và được pháp luật thừa nhận. Khi bà P. chết, người con nuôi đang du học ở Đức đã quay về chịu tang mẹ.
Ông T.V.P được mời đến Sacombank làm việc chiều 30-5. Ảnh: PHẠM DŨNG

Ngay khi tổ chức lập vi bằng dưới sự chứng kiến của anh chị em bà P. và chị H.L cùng công an địa phương, tài sản của bà P. gần như không đếm xuể, phải đếm trong vòng 1 tuần mới xong: gồm 100 cây vàng, tiền mặt, 1 triệu USD, trang sức có rất nhiều kim cương, 17 cuốn sổ tiết kiệm (trong đó có nhiều sổ ghi số tiền hàng chục tỉ đồng).
Ngoài ra, còn có rất nhiều nhà xưởng, đất đai ở quận Tân Phú - TPHCM, tỉnh Bình Dương, Tây Ninh... cũng do bà P. đứng tên. Không chỉ để tiền và tài sản quý giá trong két sắt, rất nhiều vàng được bà P. giấu kỹ bên dưới bàn làm việc đã làm những ai chứng kiến đều phải ngỡ ngàng.
Điều càng ngỡ ngàng hơn bà P. còn cất giữ cẩn thận nhiều tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng. Ngoài ra, căn nhà bà P. sinh sống tại quận Tân Phú rộng khoảng 2.000 m2 với 1 sân tennis cho thuê.
Tranh chấp
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cha mẹ bà P. là người Hoa, có nghề làm bún gạo nên đã truyền nghề lại cho các con, trong đó có bà P. Ban đầu bà P. tự tay làm bún và làm thủ công, dần dà mở rộng quy mô nên thuê thợ phụ và rất nhiều khu đất ở quận Tân Phú vốn là nơi phơi bún, sau đó bà P. được Nhà nước cấp đất để mở rộng quy mô làm ăn.
Sau đó, bà P. mua lại rất nhiều đất ở xung quanh, kể cả các tỉnh nên tài sản của bà ngày càng khổng lồ. Bà P. cũng tạo công ăn việc làm, chỗ ở cho những người làm công gắn bó với bà từ lúc làm bún và cả sau này. Theo một số người từng làm công cho bà P., bà sống rất khiêm tốn, thường làm từ thiện nhưng rất kín tiếng.
Ngoài người con nuôi, bà P. có 6 anh chị em thì hầu hết đều theo nghề làm bún gạo và đều khấm khá, trong đó hiện có một người chị ở quận Tân Phú còn giữ nghề làm bún gạo với thương hiệu nổi tiếng, 1 người anh và 1 người em của bà hiện sống ở Đức.
Vì khối tài sản quá lớn mà bà P. để lại nên hầu hết anh chị em trong gia đình bà P. đều muốn gửi vào ngân hàng mà không để cho người con nuôi nắm giữ. Sau khi lập vi bằng khối tài sản trên, ông T.V.P (em trai bà P.) đã cùng người con nuôi là chị T.H.H.L thống nhất ký gửi tài sản trong két sắt tại Sacombank thời hạn đến cuối tháng 3-2012. Khi hết hạn ký gửi, chị L. muốn rút số tài sản này về nhưng ông P. lại không đồng ý vì ông cho rằng vụ việc đang còn tranh chấp, ông muốn gia hạn ký gửi để đợi hai người anh em ở Đức về giải quyết.
Tại Sacombank, ông P. phân trần: “Sở dĩ gia tộc tôi muốn làm rõ vấn đề là vì toàn bộ số tài sản nói trên đều do công sức của cả dòng họ, trong đó có những người ở nước ngoài hùn hạp làm ăn với chị tôi. Nay tôi muốn gia hạn thêm để chờ những người ở nước ngoài về cùng giải quyết trước tòa”. Có mặt tại buổi làm việc, chị H.L ăn mặc khá giản dị và tỏ ra dè dặt trước phóng viên. Khi được hỏi về những vấn đề liên quan, chị H.L từ chối trả lời.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Văn phòng Thừa phát lại, chị H.L cho biết nếu được thừa hưởng khối tài sản của mẹ theo sự thừa nhận của pháp luật, chị sẽ để lại toàn bộ cho Tổ chức UNICEF Việt Nam.
Quy định của pháp luật
Vụ việc trên vẫn đang chờ tòa án xét xử. Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TPHCM) trong trường hợp những người anh chị em của bà P. chứng minh được tài sản có phần hùn hạp, công sức đóng góp để tạo nên khối tài sản thì sẽ được xem xét.
Nếu không, theo khoản 1 điều 675 Bộ Luật Dân sự thì thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Còn theo điều 676 bộ luật này, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2/ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3/ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
V.Thư
QUÝ HIỀN - PHẠM DŨNG