Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Chính trị

 

Tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, mọi mặt của Đảng đối với Quân đội

 

Cập nhật lúc 14:35 

 

Năm 2021, Quân ủy Trung ương xác định cần tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo, nói đi đôi với làm, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. 

 

Quân ủy Trung ương sáng nay (30/11) tổ chức hội nghị thông qua báo cáo tổng kết công tác quân sự, quốc phòng năm 2020; ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2021.

Bộ Quốc phòng cho biết, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, báo cáo trung tâm và các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất khẳng định: Toàn quân đã phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt, một số nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. 

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại hội nghị.

 

Nổi bật là nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Toàn quân duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

 

 

Đặc biệt, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trong mọi tình huống gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ luôn có mặt kịp thời, sẵn sàng hy sinh quên mình, giúp dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Quyết liệt chỉ đạo điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh"; chất lượng huấn luyện, giáo dục và đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật có chuyển biến tiến bộ; xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật, văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng đạt kết quả tốt.

Công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và các mặt công tác khác đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ và khả năng SSCĐ của Quân đội.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.

 

Hoàn thành tốt các hoạt động đối ngoại quốc phòng trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của đất nước và QĐND Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổ chức tốt Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X, giai đoạn 2015 - 2020. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu.

 

 Tập trung lãnh đạo, tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI chặt chẽ, đúng nguyên tắc, thực sự mẫu mực, tiêu biểu, thành công tốt đẹp.

Năm 2021, toàn quân tiếp tục tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh mẫu mực, tiêu biểu, lãnh đạo thực hiện tốt phương hướng, mục tiêu và chương trình hành động.

Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng tập trung, sâu sát, đồng bộ, quyết liệt, nói đi đôi với làm, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội.

Tại hội nghị, Quân ủy Trung ương thống nhất cao với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Quốc phòng, đồng thời yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng.

 

 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, nghị quyết, kết luận, đề án, luật đã ban hành; triển khai thực hiện tốt Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...

Nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân. Thực hiện có hiệu quả, thực chất ba khâu đột phá.

Bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ.

Nâng cao chất lượng huấn luyện, khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Tập trung phát triển Công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả", mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; duy trì tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới.

(Theo VietNamNet) Trần Thường

Pháp luật

 

Bộ GDĐT giải thích trách nhiệm liên quan đến sai phạm tại ĐH Đông Đô 

 

Cập nhật lúc 14:20     

Bộ GDĐT vừa công bố 4 vấn đề liên quan đến vụ việc bằng giả ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học (ĐH) Đông Đô.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn đã chính thức có những chia sẻ liên quan tới sai phạm của ĐH Đông Đô. Cụ thể, đại diện Bộ GDĐT nói rõ trách nhiệm của Bộ trong vụ việc này. 

Đại học Đông Đô tự ý đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào đề án

Việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH (GDĐH) và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GDĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm.

Từ năm 2017 trở về trước, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).

Do đây là việc rà soát năng lực đào tạo nên quy định và thông báo không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Cụ thể đối với Trường ĐH Đông Đô, Vụ Kế hoạch - Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh.

 

Đại học Đông Đô. (Ảnh: IT)

Hoạt động rà soát được thực hiện trước khi các trường công bố đề án tuyển sinh, độc lập với việc mở ngành, mở chương trình đào tạo mới; tại thời điểm tuyển sinh các trường phải căn cứ quy chế tuyển sinh để xác định chỉ tiêu cho từng ngành, từng hình thức đào tạo.

Trường hợp Trường ĐH Đông Đô, từ năm 2015 đến 2019 trường đều đăng ký chỉ tiêu văn bằng 2 trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh theo quy định, mặc dù trường đã được đào tạo chính quy văn bằng 1 ngành này từ năm 1995.

Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ ĐH chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường ĐH. Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập; theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Từ năm 2019 trở về trước, mẫu đề án của Bộ GDĐT chỉ quy định cho tuyển sinh ĐH chính quy đối với học sinh tốt nghiệp THPT và tương đương, nhưng Trường ĐH Đông Đô đã tự đưa chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 vào phụ lục của đề án. "Hoàn toàn không có việc các đơn vị của Bộ GDĐT đưa thông tin không có trong đề án, không do trường cung cấp lên Cổng thông tin tuyển sinh", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Bộ GDĐT không buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho sai phạm

Ngay khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Trường ĐH Đông Đô, Bộ GDĐT đã gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị điều tra, làm rõ sự việc, có giải pháp mạnh để đảm bảo an ninh văn hóa, giáo dục. Từ đó đến nay, các đơn vị chức năng của Bộ G&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật.

Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra mới ra kết luận điều tra đối với việc vi phạm pháp luật của Trường ĐH Đông Đô mà chưa có kết luận cụ thể đối với những nội dung liên quan tới trách nhiệm của Bộ GDĐT. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, Bộ GDĐT sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Thời gian qua, cùng với việc các cơ sở giáo dục ĐH được mở rộng quyền tự chủ, đã có tình trạng lạm dụng để làm sai. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của Bộ GDĐT trước đây cũng còn một số vấn đề bất cập, cần được tiếp tục chấn chỉnh, hoàn thiện. Tuy nhiên, trong vụ việc sai phạm của ĐH Đông Đô, không có việc buông lỏng quản lý để tạo kẽ hở cho trường sai phạm.

Hủy bỏ văn bằng đã cấp sai quy định

Bộ GDĐT cũng khẳng định tới thời điểm này, Bộ chưa nhận được danh sách các trường hợp đã được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý những trường hợp sử dụng văn bằng được cấp sai quy định; thu hồi và hủy bỏ những văn bằng này.

Lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao Cục Quản lý chất lượng làm việc với Trường ĐH Đông Đô và có văn bản yêu cầu Trường ĐH Đông Đô nghiêm túc thực hiện việc rà soát, thu hồi, hủy bỏ các văn bằng được cấp sai quy định.

Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, báo cáo danh sách những người đã sử dụng văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường ĐH Đông Đô và đề xuất phương án xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Đối với trường hợp sử dụng bằng không hợp pháp làm điều kiện đầu vào hoặc điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ, cơ sở đào tạo sẽ căn cứ tính chất và mức độ để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định, như dừng học hoặc thu hồi bằng tiến sĩ đã cấp.

Về hành vi sử dụng văn bằng không hợp pháp, pháp luật đã có quy định đầy đủ về các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ĐH Đông Đô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Bài học cho toàn ngành giáo dục

Bộ GDĐT khẳng định vụ việc xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô là một bài học cho toàn ngành. Ngay sau khi phát hiện vụ việc vào tháng 4/2019, Bộ GDĐT đã gửi công văn yêu cầu các cơ sở GDĐH và các trường CĐSP rà soát đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2; thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Trong hai năm gần đây Bộ GDĐT cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về GDĐH cùng với các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.

Bộ GDĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, cơ quan chủ quản, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường giám sát, phát hiện vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có cơ sở GDĐH đóng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước về GDĐT theo chức năng đã phân cấp.

Ngày nay, khi các trường ĐH được mở rộng quyền tự chủ thì cũng cần phải nhận thức rất rõ việc tuân thủ pháp luật, giữ vững chất lượng và xây dựng thương hiệu, thực hiện trách nhiệm giải trình đối với người học và xã hội là những yếu tố sống còn để cạnh tranh và phát triển.

Bên cạnh đó, sự tham gia giám sát của đội ngũ cán bộ, giảng viên và người học trong trường cũng như của người dân và cộng đồng xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Bộ GDĐT mong muốn tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh từ cán bộ, giảng viên, người học và cộng đồng xã hội, các cơ quan báo chí để có những biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi sai phạm.

(Theo Dân Việt) Hà My

Hiểu nôm na là: Bộ GD ĐT chỉ công khai đề án của ĐH Đông Đô lên cổng thông tin của Bộ. Trong đề án lại có phụ lục chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng hai các ngành không được đào tạo. Do vậy Bộ không có trách nhiệm việc ĐH Đông Đô “cài” chỉ tiêu lên Cổng của Bộ!!!

Xong, hết trách nhiệm.

Thương Giang

Chính trị

 

Kiểm tra, giám sát trong Đảng: Không liêm, không sạch thì không kỷ luật được người khác

Cập nhật lúc 09:45      

Có thanh liêm, đạo đức trong sáng, tâm huyết, trách nhiệm thì mới thực hiện tốt chức năng “thanh bảo kiếm” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cuối tuần qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc rèn luyện, bản lĩnh của người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đặc biệt, phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. “Không liêm, không sạch thì không nói được ai, không kiểm tra, giám sát, không kỷ luật được người khác. Phải là những "Bao công" trong thời đại mới”.

Những lời nói tâm huyết của người đứng đầu Đảng, Nhà nước khiến cho những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải suy nghĩ và hành động cho xứng đáng với nhiệm vụ mà mình được giao phó. 

Ông Hà Trung Ký, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Nông cho rằng: Muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì cần mài thêm sắc “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân: “Phải làm cho mình trong sạch, liêm khiết thì mới làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Đây là yêu cầu đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, phải rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, phẩm chất, rèn luyện năng lực thì mới làm tốt công tác kiểm tra của mình. Mình có thanh liêm, đạo đức trong sáng thì mới đảm bảo thu hút người ủng hộ mình, thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra. Muốn chống tham nhũng thì đạo đức, lối sống, phẩm chất là cái hàng đầu đặt ra”.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh phải chống tiêu cực ngay trong các cơ quan và cá nhân những người làm công tác chống tiêu cực. Bài học từ việc kỷ luật cán bộ đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng vì những sai phạm trong quá trình thanh tra tại Vĩnh Phúc; Vụ bắt quả tang cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa tống tiền; hay việc thi hành kỷ luật với ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai…cho thấy tình trạng tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng chống tham nhũng đã làm giảm niềm tin của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: với quyền lực trong tay, họ thường có thủ đoạn che dấu khuyết điểm, vi phạm, bởi thế, xử lý cán bộ về hành vi tham nhũng là việc làm rất khó khăn, phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Pha phân tích: “Dị nghị, nghi ngờ của người dân và dư luận về lực lượng có chức năng phòng chống tham nhũng mà tham nhũng thì đã có từ lâu rồi. Vừa rồi phát hiện một số việc tôi cho rằng, những dị nghị, nghi ngờ của người dân là đúng. Những người được pháp luật giao cho công cụ “thanh bảo kiếm” để chống tham nhũng mà lại vi phạm pháp luật, lại tham nhũng, thì rõ ràng công cuộc phòng chống tham nhũng rất nhiều khó khăn”.

Với hơn 1000 tổ chức Đảng, hơn 70.000 đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và nghỉ hưu bị kỷ luật trong nhiệm kỳ XII đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đó là không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức; luôn phấn đấu, rèn luyện, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác; thực sự công tâm, khách quan. Trong khi đó, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát luôn phải đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực; luôn phải đấu tranh với chính mình để không phạm phải những cám dỗ đời thường, đây chính là những thách thức không nhỏ đối với họ.

Ông Phan Xuân Lĩnh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắc Lắk nhấn mạnh: “Những người làm công tác kiểm tra phải luôn trau dồi đạo đức phẩm chất, luôn học tập, tích lũy khả năng trí tuệ, tinh thần quyết đoán, quyết tâm nâng cao các biện pháp nghiệp vụ, “thanh bảo kiếm” sắc biến để sử dụng trong quá trình kiểm tra, giám sát của Đảng. Thứ 2, phải quán triệt tinh thần trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt lực lượng thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng. Phải xây dựng đội ngũ này cả về năng lực, phẩm chất, phải đảm bảo thu nhập, đời sống giúp anh em có cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giữ được sự thanh liêm, vấn đề quan trọng là tạo điều kiện cho người làm công tác kiểm tra, giám sát đủ sống, thậm chí an tâm đảm bảo cuộc sống gia đình. Khi đó, những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng sẽ tập trung vào công tác kiểm tra giám sát, tránh gặp khó khăn là sa ngã, lệch hướng, vi phạm phẩm chất đạo đức.

Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh kỳ vọng: “Muốn là “thanh bảo kiếm” thì phải trong sáng, trong sáng ngay từ tư tưởng, tâm hồn, bản lĩnh và hết sức bình thường là đạo đức, lối sống. Càng những người trong cuộc, những người trực tiếp làm nhiệm vụ thì càng phải đi đầu, gương mẫu, làm thật tốt yêu cầu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, như thế mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát. Theo Người “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra"; công tác kiểm tra "góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, tổ chức". Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi những người làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải “liêm”, phải “sạch”. Bởi, có thanh liêm, đạo đức trong sáng, tâm huyết, trách nhiệm thì mới thực hiện tốt chức năng “thanh bảo kiếm” để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

Theo Lại Hoa/VOV1

Pháp luật

 

Ai mua bằng?

 Cập nhật lúc 08:14 

Không riêng tại Đại học Đông Đô, những trường hợp thuê, mua trí tuệ và bằng cấp tôi biết đều liên quan đến người thành công.

Giáo sư người Anh đã về hưu tôi quen vẫn làm việc bán thời gian tại đại học ở Anh. Khi đang hướng dẫn luận văn thạc sĩ, ông phát hiện sản phẩm sinh viên nộp cho mình có chất lượng quá xuất sắc về toán và thống kê. Là một chuyên gia toán ứng dụng chuyển qua nghiên cứu tài chính, vậy mà giáo sư không hiểu hết một số phương pháp được trình bày trong luận án của sinh viên mình vì "nó quá cao siêu". Hơn nữa, trao đổi với sinh viên và kiểm tra điểm học, ông cho rằng anh ta không thể có trình độ tới mức ấy. Nghi vấn sự phi lý về khả năng của sinh viên và bài luận, ông đòi thi vấn đáp. Sinh viên kia bị phát hiện đã thuê viết luận văn và tất nhiên không được đạt.

Đó chỉ là một trường hợp bị bắt tại trận tôi biết vì người thuê viết luận văn quá thiếu kinh nghiệm hoặc quá tham, đòi luận văn đạt chất lượng cao nên người "làm thuê" đã "quá tay" khiến sản phẩm bị lố. Trong giới giảng dạy cả ở Anh và Việt Nam, chúng tôi biết có nhiều trường hợp đã thuê viết luận văn. Một số nằm trong 3.721 vụ gian dối học thuật "bị bắt tại trận" được tờ Guardian công bố năm 2018 - gồm cả những trường hợp ở đại học danh tiếng như Oxford hay Cambridge. Cơ bản đó là những bài viết có chất lượng thật, chỉ là người viết bài không phải người đứng tên.

Những bài thi được làm hộ, bài luận được viết thuê không phải đạo văn hay sao chép của ai đó. Chúng là sản phẩm được làm đàng hoàng, tốn công sức hẳn hoi. Chỉ là người nộp luận văn và nhận điểm đã thuê người khác làm ra nó. Hầu hết người bán chất xám kiểu này - đi thi hộ, viết thuê luận văn - có trình độ cao và vì lý do nào đó hoặc cần tiền nên làm như vậy. Sản phẩm viết thuê không bị phần mềm chống đạo văn phát hiện vì được các "chuyên gia" xử lý. Một số người được thuê viết bài là sinh viên tiến sĩ, rất am hiểu về cách làm nghiên cứu nên nhiều khi kết quả mới "xuất sắc" như sinh viên kể trên. Chất lượng là thật, chỉ người ghi công là giả.

Khi làm việc ở Việt Nam, tôi còn biết có người nhờ thuê viết công trình nghiên cứu khoa học mà được giải thưởng "sinh viên xuất sắc" của một đại học. Gần đây, bạn bè tôi cũng kể chuyện nhiều tác giả không làm nghiên cứu nghiêm túc mà vẫn có bài đăng quốc tế nhờ những giao dịch đổi chác.

Việc nhiều người "chủ yếu là cán bộ, công chức", "tại nhiều cơ quan nhà nước và tư nhân" đã mua và đang dùng bằng giả của Đại học Đông Đô có thể lạ tai với ai đó, nhưng với giới giảng dạy như tôi và bạn bè không quá bất ngờ. Theo Bộ Công an, Đại học Đông Đô đã cấp hàng nghìn văn bằng hai, bằng giả để người dùng xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ. Gần 460 văn bằng đã được sử dụng tại nhiều cơ quan. Học viên chủ yếu là cán bộ, công chức cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để được nâng lương, nâng ngạch, thi tuyển biên chế. Chúng tôi cũng biết tới những quảng cáo "làm bằng đại học giả giá rẻ phôi thật 100% được bảo hành trọn đời" hay "làm bằng đại học không cần cọc uy tín, cấp tốc". Không chỉ có mình Đông Đô sản xuất bằng giả.

Thị trường trao đổi, mua bán trí tuệ có ở nhiều nước, đặc biệt phổ biến ở Trung Quốc, Trung Đông và Nam Á. Nhà xuất bản Springer năm 2016 đã phải thu hồi hơn 60 bài viết trên các tạp chí của mình do nghi ngờ là sản phẩm viết thuê và gian dối của các tác giả Trung Quốc. Dù ở đâu, những người xài "chất xám giả" có điểm gì chung? Có. Họ đều cần đến cách đánh bóng thành tích thuở ban đầu để dần leo cao trên bậc thang nghề nghiệp và danh vọng, lợi ích.

Nhiều người trong số họ không dốt, không nghèo và thực sự, họ được nhìn nhận là "có vai vế" trong xã hội. Xuất phát điểm họ đã là người có ưu thế từ ghế nhà trường, có thành tích, có cơ hội tiếp tục học lên cao hoặc thăng tiến tại chỗ làm - chỉ cần đủ bằng cấp. Mua chất xám được lần đầu, họ có thể tiếp tục mua thêm những sản phẩm trí tuệ, thành quả của người khác và có lẽ cũng không ngại khi gắn tên mình vào đó.

Những người đó có thể tự học, chỉ là nhiều khi họ chọn gian lận, muốn đi tắt, đi nhanh mà thôi. "Công thức" này còn được "xuất khẩu". Bạn tôi có một sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ du học. Vì khá giả, sinh viên chủ yếu dành thời gian để đi chơi, du lịch, giao lưu. Đến hạn nộp bài tập, cậu thuê một bạn học giỏi viết thay. Cậu tốt nghiệp đại học Mỹ với bằng xịn và mạng lưới quan hệ rộng, vào được một ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ. Tôi tự hỏi, một người như vậy, vào làm ngân hàng, liệu một ngày có tìm cách qua mặt khách hàng, đối tác hay thậm chí cả sếp mình không? Hôm nay họ bỏ tiền mua chất xám, sau này họ có thể làm giả số liệu kế toán, hợp đồng, khai khống thành tích, qua mặt xã hội. Nguy hại ở chỗ người thường chẳng mấy ai cần mua bằng, người làm việc đó là những cán bộ có vị trí nhất định trong xã hội. Một xã hội chấp nhận chuyện đó là bình thường chắc chắn không bình thường.

Tôi không quan tâm lắm chuyện lãnh đạo Đại học Đông Đô bị phạt bao nhiêu năm tù, tôi chỉ quan tâm đến hai câu hỏi. Thứ nhất, những người đi đường tắt bằng thành tích thật trên giấy mà ảo về thực chất, sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn. Dù họ có tài ở khía cạnh nào đó, song có đủ tâm và đức không? Thứ hai, kỹ nghệ bán bằng của Đại học Đông Đô được đem ra ánh sáng, thế còn hàng nghìn người đã tậu bằng giả các loại từ đó, họ đang ở đâu?

Làm rõ hai câu hỏi này giúp lý giải căn nguyên, góp phần giảm nạn mua bán bằng cấp. Muốn loại bỏ nhu cầu mua bằng, đầu tiên ở chính chế tài nghiêm khắc với những người vi phạm, để người "đi sau" biết trước chuyện gì sẽ đến nếu họ mua bằng. Bên cạnh đó vẫn do lối tư duy tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên bằng cấp. Bằng cấp là một trong các tiêu chí của bộ lọc cán bộ, nhưng nó không phải là cái lưới vạn năng, thay cho những bộ tiêu chuẩn đánh giá toàn diện, gồm cả phỏng vấn ứng viên. Người ta có thể giả mạo trên giấy tờ, nhưng năng lực thực tế sẽ thể hiện qua phỏng vấn bởi một hội đồng công tâm và minh bạch.

(Theo VnExpress) Hồ Quốc Tuấn (ảnh)

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Thị trường

 

Giá vàng hôm nay 29/11: Một tuần lao dốc không phanh

Cập nhật lúc 08:36               

 Giá vàng trong nước và quốc tế kết thúc tuần với đà giảm mạnh ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong đó, giá vàng trong nước chốt tuần quanh mức 54 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng trong nước

Giá vàng trong nước chốt phiên cuối tuần đã giảm sâu, mất thêm từ 350 đến 400 nghìn đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 54,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100 nghìn ở chiều bán ra.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,92 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 54,9 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm 360 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm thứ 6, hiện đứng ở mức 52,73 – 53,43 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

 


Giá vàng tuần qua

 

 

Mở cửa đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,05 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,22 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 56,20 triệu đồng/lượng.

Các phiên sau đó, giá vàng liên tục giảm. Ngày 25/11, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 54,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200 nghìn đồng ở chiều mua vào và giảm 150 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 54,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,27 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200 nghìn đồng ở chiều mua vào và giảm 130 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 23/11.

Giá vàng tăng nhẹ trở lại các phiên sau đó nhưng vẫn chưa thể về mức cao nhất từ đầu tuần. Ngày 27/11, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết cho khu vực Hà Nội ở mức: 54,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.

Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC áp dụng cho khu vực Hà Nội ở mức 54,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,02 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở cả 2 chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 26/11.

Giá vàng thế giới

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 20,4 USD xuống 1.787,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 trên sàn Comex New York giảm 22,4 USD xuống 1.783,1 USD/ounce.

Giá vàng thế giới phiên giảm mạnh, khi kỳ vọng ngày một cao về sự tích cực của nhiều loại vắc-xin Covid-19 sẽ giúp đẩy nhanh sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.



Thị trường vàng ảm đạm


Giá vàng thế giới giảm mạnh trong bối cảnh hoạt động chuyển giao vào Nhà Trắng của ông Joe Biden chính thức bắt đầu và sự lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19 đã làm lu mờ sức hấp dẫn của vàng như là “kênh đầu tư an toàn”.

Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn chịu áp lực giảm cho dù đã hồi phục nhẹ nhờ một đồng USD suy yếu và nỗi lo dịch bệnh trong vài tháng tới.

Mặt hàng kim loại quý tăng nhẹ trở lại sau 2 phiên sụt giảm trước đó. Giới đầu tư bắt đáy vàng và mặt hàng này cũng được hỗ trợ bởi một đồng USD tiếp tục suy yếu khá nhanh.

Đồng bạc xanh suy yếu sau khi biên bản cuộc họp chính sách vừa được công bố cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể lại chịu tác động nếu quốc hội nước không thông qua các biện pháp kích thích bổ sung nhằm hỗ trợ đà phục hồi từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Fed hối thúc quốc hội Mỹ sớm thông qua các biện pháp kích thích bổ sung nhằm hỗ trợ nền kinh tế số 1 thế giới.

Dự báo giá vàng

Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tư vấn tài chính OANDA cho biết, ngay sau khi giá vàng rơi xuống dưới mức 1.800 USD/ounce quan trọng, làn sóng bán tháo trên thị trường đã được kích hoạt.

Rất có thể giá vàng sẽ còn rơi xuống ngưỡng 1.750 USD/ounce khi có những yếu tố khá bất lợi như các thông tin lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19.

Nhà phân tích Bernard Dahdah của ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, các thị trường đang tin tưởng rằng Chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận bình tĩnh hơn trong quan hệ thương mại với các nước khác như Trung Quốc.

Tuy vậy, các chuyên gia khác cho biết, quỹ đạo dài hạn của vàng vẫn khá tích cực, khi giá vàng vẫn có thể tăng khoảng 19% nhờ sức hút của nó trong việc ngăn chặn lạm phát và suy giảm tiền tệ được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có trên toàn cầu.

(Theo VietNamNet) Đông Sơn 

 

Liên tiếp trẻ tử vong nghi do học theo Youtube: Cảnh báo khẩn đừng bỏ mặc trẻ với ti vi, điện thoại

Cập nhật lúc 08:08                

Bé trai 8 tuổi bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu song không qua khỏi.


 Ngày 25/11, Công an tỉnh Đồng Nai phát thông tin cảnh giác về vụ việc bé trai V.P.L. (8 tuổi, ngụ ở Trảng Bom) tử vong nghi do học theo thử thách Momo.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, bé L. vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời.

Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Gia đình liền đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Vào ngày 12/10 vừa qua, cháu V.T.D. 5 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Khi cả nhà phát hiện thì D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Sau đó mọi người vội vàng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. đã không qua khỏi, và ra đi vào lúc 18h10 phút cùng ngày. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.

Cháu D. hay xem mấy clip trên YouTube và gia đình không kiểm soát được nên cháu đã có hành động làm theo.

Trước đó, hồi tháng 11/2019, xảy ra sự việc tương tự với bé Đ.T.K., (7 tuổi) ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Gia đình bàng hoàng phát hiện K. treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ. Theo lời gia đình kể lại, thời điểm được phát hiện, cháu bé được treo cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê.

Bé K. lập tức được đưa đến phòng khám gần nhà để sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt. Tại đây, cháu được đặt nội khí quản rồi được chuyển tiếp đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

May mắn cháu bé được thở máy, xử trí cấp cứu nên đã tỉnh lại, không nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này gia đình hỏi chuyện mới vỡ lẽ vì câu trả lời của bé học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.

   

BS Đỗ Minh Loan: "Trẻ chơi đồ chơi nhiều đôi khi tâm lý trẻ cũng chán và muốn thử thách những trò chơi mạo hiểm trong đó bắt chước các hành động của nhân vật phim hoạt hình, phim hài mà chúng yêu thích".

TS BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe trên mạng xã hội với trẻ nhỏ rất nhiều.

Những khuyến cáo của giới chuyên gia vẫn nói dường như trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh tưởng chừng đã biết hết rồi nhưng thực tế khi rơi vào gia đình mình lại thành chưa biết.

Bác sĩ Loan cho biết, ở trẻ chưa hình thành hết được các chức năng sinh lý, nhận thức của trẻ cũng chưa rõ. Trẻ chưa biết cái nào nguy hiểm cái nào không. Bản thân con trai bác sĩ Loan ngày còn nhỏ cũng bị ảnh hưởng bởi phim hoạt hình nổi tiếng cháu dùng bật lửa để đốt rèm hay lấy que chọc vào người lớn. Trẻ chưa phân biệt được cái nào nên áp dụng cái nào nguy hiểm tới chính mình nên có thể chúng sẽ bắt chước làm theo.

Ngoài ra, trẻ chơi đồ chơi nhiều đôi khi tâm lý trẻ cũng chán và muốn thử thách những trò chơi mạo hiểm trong đó bắt chước các hành động của nhân vật phim hoạt hình, phim hài mà chúng yêu thích.

Quan tâm tới sức khỏe của trẻ nhiều hơn

Theo bác sĩ Loan, những ảnh hưởng từ truyện tranh, mạng internet … sau đó trẻ nhỏ gián tiếp làm hại bản thân thì có khá nhiều.

Có một số trẻ có những hành vi tự làm đau như cắt da thịt, cấu véo …. bản thân được bố mẹ đưa đến BV Nhi Trung ương khám.

Trẻ cho biết, cháu không học từ đâu, nhưng cũng có trẻ cho biết, học từ truyện tranh Manga của Nhật Bản. Trong đó có những động tác, hành vi như vậy. Khi cảm xúc của trẻ trống rỗng, chán nản, thường có hành vi tác động lên da thịt của mình nhằm tạo ra cảm giác. Khi thực hiện những hành vi tự cắt vào cơ thể, làm đau mình bệnh nhân cho là được giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Những hành vi này, trẻ có thể đọc được trên mạng, trong truyện tranh của Nhật Bản.

Momo là một nhân vật không có thật đầu người mình chim, xuất hiện trong các đoạn video clip trên youtube. Nhân vật này hướng dẫn, ép buộc và đưa ra các thử thách cho trẻ em, trong đó có những thử thách tự làm hại bản thân.

BS Loan cho biết trẻ tự hủy hoại bản thân có rất nhiều nguyên nhân trong đó có các trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm nhưng cha mẹ không để ý.

Việc phát triển internet như hiện nay, bác sĩ cho rằng với trẻ nhỏ cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Cha mẹ nên chọn cho con mình các trò chơi lành mạnh, thường xuyên vận động, chơi cùng con thay vì bỏ mặc trẻ với những thiết bị thông minh.

(Theo Cafebiz) K Chi