Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

“Người ngoài hành tinh” vừa ghé thăm Hà Nội?


(Kiến Thức) - Bức ảnh được cho là "người ngoài hành tinh" do một thanh niên chụp được ở phố Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Bức ảnh kỳ lạ
Trung tuần tháng 7, anh Trịnh Văn Thùy sinh năm 1978 trú tại Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội) là độc giả của báo có gửi đến tòa soạn một bức thư ngắn gọn về việc vô tình chụp được một sinh vật lạ mà anh cho rằng có thể là người ngoài Trái Đất. 
Anh Thùy miêu tả, sinh vật có chiều cao khoảng 50 - 60cm, đầu tròn và to, hai mắt to lồi, trán rộng, cổ dài, có bốn cánh tay, 2 chân và bàn chân thuộc họ móng guốc. Thân hình và 6 chi của sinh vật này đều nhỏ bé.
"Sự việc diễn ra rất tình cờ vào ngày 12/7. Trong lúc tôi ngồi cùng 4 người bạn uống trà đá trên đường Lương Ngọc Quyến. Tôi lấy máy ra chụp ảnh khách nước ngoài đi lại trên con phố này và vô tình chụp được hình ảnh sinh vật", anh Thùy cho biết.

 
Bức ảnh được cho là “sinh vật lạ”
Chúng tôi tìm gặp anh Thùy và những người bạn đó trên đường Lương Ngọc Quyến. Được biết, địa điểm anh Thùy hay ngồi là quán trà đá gần ngã tư Mã Mây gần đền Hương Tượng đã được Nhà nước cấp bằng di tích Quốc gia. Đây là con phố có nhiều khách nước ngoài qua lại tham quan và mua bán đồ lưu niệm.
Bức ảnh chụp sinh vật lạ hiện đang được anh Thùy lưu trong một máy tính bảng. Hình ảnh khá sắc nét, hầu như không có biểu hiện của việc ghép hay can thiệp đến nội dung bức ảnh. Sinh vật lạ đúng như anh Thùy miêu tả, có 6 chi trong đó có 4 tay. Thân hình nhỏ và đầu to giống hình ảnh "người ngoài hành tinh" mà các phương tiện truyền thông thế giới thường miêu tả.

 
Anh Nhữ Công Thỏa, người đã vô tình chụp được “sinh vật lạ”. 
"Tôi cam kết không can thiệp tới bức ảnh"
Anh Trịnh Văn Thùy hiện đang làm trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu tại Hà Nội. Trước hôm chụp được bức ảnh sinh vật lạ, anh Thùy có mua một máy tính bảng và lên phố Lương Ngọc Quyến tụ tập với bạn bè.
Tại đây, bạn của anh Thùy là anh Nhữ Công Thỏa là kỹ sư xây dựng đang làm công trình trên đường phố này có mượn máy tính bảng của anh Thùy để chụp hình người qua đường. "Tôi chụp 6 bức liền nhưng không xem lại. Tôi cũng không mở bất cứ một chế độ ghép hình nào trên bức ảnh", anh Thỏa khẳng định.
Tối hôm đó anh Thùy mở máy để làm việc, khi xem lại mấy bức ảnh do bạn chụp lại thì mới phát hiện ra sinh vật lạ có ở 1 trong 6 bức ảnh đó. Anh Thùy đã đem máy tính bảng đến nhờ bộ phận kỹ thuật của cửa hàng giải thích và nhận được câu trả lời là máy tính bảng anh Thùy đang sử dụng không có bất kỳ chế độ ghép hình sinh vật lạ nào.
"Tôi cam kết không can thiệp đến bức ảnh. Từ khi phát hiện ra sinh vật lạ tôi cũng không dám cho ai mượn máy để bảo toàn hình ảnh. Tôi rất mong có được lời giải thích thỏa đáng về sinh vật lạ trong bức ảnh đó", anh Thùy cho biết.
Để kiểm tra sự trung thực của bức ảnh, chúng tôi đã nhờ đến một số thợ sửa ảnh chuyên nghiệp nhưng hầu hết đều khẳng định, bức ảnh không bị can thiệp bởi photoshop hay bất kỳ ứng dụng nào khác. 

 
Trưa 12/7, anh Thỏa cùng mấy người bạn chụp được “sinh vật lạ”. 
Nhà khoa học giải thích
TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) sau khi xem bức ảnh có hình sinh vật lạ thì tỏ ra nghi ngờ. Ông không tin sinh vật lạ xuất hiện ở Hà Nội.
Ông Khanh cho rằng, từ trước tới nay thế giới cũng có khá nhiều những giả thuyết về sinh vật lạ ngoài hành tinh. Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học chưa giải mã được những giả thuyết đó. Cũng có khá nhiều những hình ảnh có hình sinh vật lạ được cho rằng từ hành tinh khác đến Trái Đất, nhưng hầu hết lại là những hình ảnh đã bị can thiệp bởi công nghệ.
Một trong những hình ảnh được cho là trụ sở của người ngoài hành tinh dưới biển được chụp ở Mỹ vào tháng 6 vừa rồi với một mái vòm phẳng khổng lồ hình bầu dục đã gây xôn xao nước Mỹ. Tuy nhiên, hình ảnh được cho là UFO đã được các nhà khoa học phủ định và cho rằng đó chỉ là hình thù kỳ thú do vận động địa chất mạnh tạo nên.
Tuy nhiên, cũng có nhiều hiện tượng liên quan đến người ngoài hành tinh mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được. Vào tháng 11/1987, một đội khảo sát của Liên Xô đã phát hiện ra gò cát trong biển cát của sa mạc Gô-bi một vật thể bay hình đĩa có đường kính 22,87m. Các nhà khoa học Liên Xô cho rằng, chiếc đĩa bay này đã gặp sự cố từ hàng ngàn năm về trước. 
Các thiết bị bên trong kể cả động cơ vẫn còn nguyên vẹn. Trong khoang của đĩa bay đó, các nhà khoa học tìm thấy 14 cái xác của người ngoài hành tinh đã trở thành xác khô. Năm 1950, trên thảo nguyên hoang vu Pan-pô-xơ của Argentina, một chiếc đĩa bay gặp sự cố rơi xuống. Đường kính đĩa bay này khoảng 10m, cao khoảng 4m, khoang người ngồi cao khoảng 2m và có cửa sổ.

 
Vị trí “sinh vật lạ” xuất hiện trong bức ảnh
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, những hiện tượng xác thực mà khoa học chưa giải thích được thì cần chờ đợi kết quả thỏa đáng. Tuy nhiên, về bức ảnh sinh vật lạ ở Hà Nội thì lại là chuyện khác, công nghệ lồng ảnh bây giờ hoàn toàn có thể tạo ra một bức ảnh như thật.
Theo đối chiếu, hình ảnh sinh vật lạ ở Hà Nội rất giống với hình ảnh sinh vật lạ trong một bức ảnh từng gây xôn xao ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 3/2013. Tấm ảnh có bóng sinh vật lạ, hơi mờ với đôi mắt to lồi và chân tay mảnh khảnh, mang nhiều nét tương đồng với những nhân vật hành tinh lạ của các bộ phim Hollywood. Bức ảnh đó đã nhanh chóng bị bóc trần bởi công nghệ phần mềm lồng ảnh.
Tuy nhiên, anh Trịnh Văn Thùy người đang giữ bức ảnh có hình sinh vật lạ ở Hà Nội lại khẳng định, máy anh không có phần mềm lồng ảnh. Anh cũng không can thiệp gì đến bức ảnh. Những ngày sau khi phát hiện ra sinh vật lạ trong bức ảnh đó, anh đã rất sợ hãi lẫn tò mò. Nhiều lần anh đem máy ra quán trà đá khu vực cũ để chụp xem có phát hiện gì mới không, tuy nhiên hình sinh vật lạ đã không xuất hiện lại.
Đến nay, anh Thùy vẫn giữ bức ảnh và đề nghị có bản quyền nếu sử dụng.
"Ở Việt Nam chưa có thông tin gì nhiều về người ngoài hành tinh. Còn bức ảnh có sinh vật lạ ở Hà Nội đó chẳng có gì quan trọng cả. Nếu không xử lý bằng tin học thì cũng là hình búp bê bằng nhựa, người ta để ra đấy. Người chụp ảnh đã chú ý đối tượng mình chụp mà không để ý đến hình búp bê đó", TS Vũ Thế Khanh nhận định.
(Theo Kienthuc) Trần Hòa

 Trung Quốc sẽ thất bại trên biển Đông

Cập nhật lúc 20:04

Trung Quốc chắc chắn phải nhận ra rằng, những hành động hiếu chiến phải trả những cái giá xứng đáng bằng danh dự và chiến lược của họ.

Hình ảnh Trung Quốc sẽ thất bại trên biển Đông số 1 
Đã 75 ngày kể từ ngày 2/5 Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan trị giá 1 tỷ USD HYSY-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Dự kiến giàn khoan sẽ đóng tại khu vực này đến ngày 15/8, nhưng mới đến ngày 15/7, Trung Quốc đã thông báo rằng giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ và chuyển tiếp đến đảo Hải Nam. Việc rút giàn khoan là đơn phương và là động thái bất ngờ.
Tương tự như các cuộc khủng hoảng khác, sự kiện này cũng là một cuộc chiến của các ý chí. Nếu quyền lực là chìa khóa để chiến thắng trong một cuộc đụng độ quốc tế, sự kiên quyết cũng quan trọng không kém. Bên nào có quyết tâm hơn sẽ có thể chiến thắng ngay cả khi phe đó yếu hơn.Trong cuộc chiến trên biển Đông, các bên đều muốn thử thách xem, ai sẽ là người “bỏ cuộc” trước.
Trung Quốc đã rút giàn khoan dầu ra trước một tháng so với kế hoạch-hành động không chứng tỏ sự quyết tâm của họ. Vậy, Trung Quốc đã “thảm bại” trước trên biển Đông? Giải nghĩa sâu sắc câu hỏi này không chỉ làm sáng tỏ quyết định của Trung Quốc, mà cũng tìm kiếm những bài học giá trị để đối phó với sự hiếu chiến của Bắc Kinh. Ngoài rất nhiều lý giải, dưới đây là hai khả năng có thể xảy ra nhất.
Thiên nhiên nổi giận
Lý do đơn giản đầu tiên, cấp bách nhất giải thích việc Trung Quốc di rời giàn khoan là do thời tiết xấu. Trước khi rút “cỗ máy” một ngày, thời tiết ở khu vực biển Đông nổi sóng, cảnh báo siêu bão Rammasun đang đến gần. Được đánh giá là “siêu bão”, Ramasun được dự đoán sẽ tràn vào đất liền vào hòn đảo Hainan gần đó trong vòng ba ngày, từ ngày 18/7. Mặc dù phía tây nam Quần đảo Hoàng Sa, nơi giàn khoan được đặt, được dự báo là không nằm trên hướng đi của bão Rammasun, không ai đoán được cơn bão tàn khốc sẽ tàn phá đến công trình, tàu bè và con người ở khu vực này như nào. Mặc dù 981 được cho biết là có thể chống chịu lại các cơn siêu bão uy lực, nhưng vẫn quá mạo hiểm để vẫn giữ giàn khoan và những tàu hộ tống bám trụ ở giữa đại dương trong tình hình thời tiết xấu.
Trung Quốc phải đối mặt với hai lựa chọn. Một là đưa giàn khoan ra xa về phía Nam để tránh hướng đi của cơn bão. Lựa chọn này sẽ đặt giàn khoan tiến sâu hơn vào vùng EEZ của Việt Nam và đặt hạm đội bảo vệ giàn khoan phải đối mặt với nguy hiểm đe dọa lớn hơn trong bối cảnh phản đối dữ dội từ Việt Nam gia tăng. Một lựa chọn nữa là di chuyển giàn khoan về gần bờ biển Trung Quốc và ra khỏi vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ sẽ cho phép giàn khoan được neo tại khu vực nước nông hơn, khi đó yêu cầu một số lượng lớn tàu đi cùng để bảo vệ cũng không cần thiết nữa. Trung Quốc đã lựa chọn phương án thứ hai, ít mạo hiểm hơn, sau đó thông báo giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ. Thông báo này cũng là lựa chọn tốt hơn cho phía Trung Quốc. Đưa ra tuyên bố tạm thời rút giàn khoan tức là cũng có thể có nghĩa là sẽ trở lại ngay sau cơn bão. Lần trở lại, Trung Quốc có thể bị thách thức bởi đông đảo tàu của Việt Nam, và Trung Quốc có thể đành liều bị mất thể diện bằng cách không đặt giàn khoan ở cùng một nơi như trước.
Đó có phải là kết quả của sự thừa nhận của Trung Quốc rằng cuộc khủng hoảng trên biển Đông đã đạt đến giới hạn của nó?
"Lát cắt salami" dày hơn
Hành động của Trung Quốc có ý nghĩa nhất nếu nhìn vào chiến thuật “lát cắt salami” (Được hiểu là chính sách chia nhỏ, cắt lát để trị hay còn gọi là chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa – PV). Đây là phương pháp nổi bật của Bắc Kinh nhằm biến những tuyên bố về lãnh thổ và thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông thành sự thật. Điểm then chốt trong chiến thuật “lát cắt salami” là cân bằng một cách tinh tế sự quyết liệt và sự kiểm soát để những hành động của bạn đủ để thay đổi thực tế nhưng không đủ sức mạnh để khiến đối thủ dứt khoát chống lại bạn. Có rất nhiều lý do để cho rằng việc cân bằng tinh tế này đã đạt đến giới hạn cao nhất của nó và siêu bão Rammasun cho Trung Quốc là lời giải thích tốt và giảm căng thẳng mà không khiến Trung Quốc bị mất thể diện.
Sự xuất hiện của giàn khoan HYSY-981 trong vùng EEZ của Việt Nam đã gây ra cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất ở Đông Nam Á từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Việc Trung Quốc bắt nạn các quốc gia hàng xóm quá hiếu chiến và dai dẳng khiến phản ứng của dư luận thế giới đối với Trung Quốc ngày càng xấu hơn.
Ngoài phản đối quyết liệt từ Việt Nam, tại Mỹ vào ngày 10/7, Thượng viện đã nhất trí thông qua một giải pháp chỉ trích những hành động cưỡng ép và yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng với các lực lượng hải quân. Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông “tái xác nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ cho sự tự do hàng hải và  luật pháp quốc tế về biển và không phận trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nghị quyết cũng đề cập đến chính sách của Mỹ ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phản đối các tuyên bố vi phạm các quyền, tự do và luật biển.” Một nhà lập pháp có ảnh hưởng của Mỹ và các học giả kêu gọi cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Ví dụ là một bài báo có tựa đề “Những vấn đề gia tăng về lãnh thổ của Trung Quốc phải được Mỹ thông qua” của tác giả Michèle Flournoy và Ely Ratner đăng trên báo Washington Post. Một ví dụ khác là chủ tịch của Ủy ban tình báo Nhà Trắng Mike Rogers nói, Mỹ phải phản ứng quyết liệt hơn với những tuyên bố lãnh thổ của Trung quốc và phải tiếp thêm sức mạnh và ý chí cho các đối tác và đồng minh.
Tóm lại, xu hướng có thể thấy như trên khi Trung Quốc đơn phương đặt giàn khoan vào vùng EEZ của Việt Nam đã thúc đẩy một số quốc gia bao gồm Nhật Bản, Philippines, Australia, Ấn Độ và Việt Nam tái điều chỉnh lại lực lượng quân đội và sự liên kết các chính sách ngoại giao hiệu quả hơn để chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc. Nhìn vào khuynh hướng này và những thay đổi liên quan trong nhận thức, Trung Quốc chắc chắn phải nhận ra rằng, hành động hiếu chiến của mình phải trả những cái giá xứng đáng bằng danh dự và chiến lược của họ.
Ý nghĩa của sự việc
Trải qua nhiều năm, Việt Nam và Mỹ đã thực hiện “kiểm soát” trước sự khiêu khích của "con rồng khổng lồ". Các nước đã tạo ra một bức tường kính-chấp nhận phần nào trước quyền lực đang gia tăng. Trung Quốc, về phần mình, đã khéo léo sử dụng chiến thuật “lát cắt salami”. Chiến thuật này còn hiệu quả  chừng nào phía bên kia thiếu kiên quyết trong việc phá vỡ sự tự kiểm duyệt của họ. Sự thành công của chiến thuật “lát cắt salami” dựa trên một quy luật: Nếu bạn đơn phương kiềm chế được đối thủ của mình, bạn có thể chiến thắng mà không cần chiến đấu. Trong bối cảnh này, bí quyết trở nên sáng tỏ: bạn phải chứng minh cho đối thủ của mình biết rằng: kiềm chế từ một chiều là không thể.
Việc di chuyển giàn khoan là mức độ cao nhất của quá trình dai dẳng thực hiện “lát cắt salami”, nhưng cũng chứng tỏ sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng. Kết quả của cuộc khủng hoảng này cho thấy Trung Quốc không có nhiều khác biệt- họ cũng có nỗi sợ hãi của riêng mình khi căng thẳng leo thang.
Tiến sĩ Alexander L. Vuving là P.GS tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương của Học viện An ninh Honolulu. Bài viết được đăng ngày 27/7 trên National Interest.
Chi MK (Theo National Interest)

Chu Vĩnh Khang từng 2 lần ám sát Tập Cận Bình bất thành

Cập nhật lúc 14:24

(TNO) Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang bị cho là đã cố ám sát Chủ tịch Tập Cận Bình ít nhất 2 lần, tờ China Times (Đài Loan) cho biết trong bài tổng hợp các tin đồn xoay quanh nhân vật đình đám này hôm 30.7.


Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình, lúc còn là phó chủ tịch, tại kỳ họp Đại biểu Hội đồng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 3.2012 - Ảnh: Tân Hoa xã
Theo thông tin chính thức từ Tân Hoa xã vào cuối ngày 29.7, ông Chu, 71 tuổi, đã bị chính phủ điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng”.
Theo các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người từng là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang và hiện đang thụ án tù chung thân vì tội tham nhũng, ông Chu đã biết mình sắp “gặp hạn” khi Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng vào ngày 15.3.2012, theo China Times.
Vào hôm 19.3.2013, có nhiều trang mạng Trung Quốc đưa tin cho biết đã có nổ súng ở trung tâm Bắc Kinh và điều này được cho là có liên quan đến Chu Vĩnh Khang, các nguồn tin của China Times cho hay.
Sự việc được cho là đã xảy ra sau khi tỉ phú Từ Minh, chủ tịch tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng Thực Đức Đại Liên và là doanh nhân hỗ trợ tài chính cho ông Bạc, bị cơ quan điều tra tham nhũng bắt giữ.
Chu Vĩnh Khang khi đó lo sợ rằng Từ sẽ khai ra những việc làm sai trái của Bạc Hy Lai (được cho là đã ngầm ra lệnh cho cảnh sát vũ trang dùng vũ lực giải thoát cho tỉ phú Từ, dẫn đến đụng độ với binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên đường phố Bắc Kinh), theo nguồn tin từ China Times.
Do thấy không thể bịt miệng Từ, Chu Vĩnh Khang cùng đường nên chuyển qua lập mưu ám sát ông Tập Cận Bình, người khi đó đang chuẩn bị lên nhậm chức chủ tịch Trung Quốc, tại hội nghị thường niên Bắc Đới Hà vào tháng 8.2012 bằng cách đặt bom hẹn giờ tại một phòng họp, nguồn tin của China Times cho hay.
Kể từ thời Mao Trạch Đông, lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống gặp nhau ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, một quận thuộc tỉnh Hà Bắc, trong mùa hè để bàn chuyện chính trị, theo BBC.
Tuy nhiên, do kế hoạch này không thành, ông Chu chuẩn qua âm mưu tiêm thuốc độc Tập Cận Bình nhân dịp ông này đi khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện quân đội ở Bắc Kinh.
Ông Chu được cho là đã giao phó trách nhiệm tiến hành cả hai kế hoạch ám sát này cho Tân Hồng, trợ lý và là bảo vệ của mình. Các kế hoạch sau đó đều thất bại và Tân Hồng cũng đã bị cảnh sát bắt giữ, theo China Times.
Sau đó, Chu Vĩnh Khang không còn có mặt tại các cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào những ngày 24.9.2012 và 28.9.2012. Đây là những cuộc họp đưa ra quyết định khai trừ Bạc Hy Lai ra khỏi đảng.  
Các nguồn tin còn xác nhận thông tin cho rằng ông Chu và ông Bạc từng cùng âm mưu tiến hành đảo chính để phá quyết định bổ nhiệm ông Tập vào vị trí tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, cũng như ngăn không cho ông Lý Khắc Cường lên làm thủ tướng.
Trước khi nghỉ hưu vào tháng 11.2012, Chu Vĩnh Khang từng là người đứng đầu Ủy ban Chính pháp, cơ quan quyền lực điều hành lực lượng cảnh sát, tòa án và viện kiểm sát.
Trước đó, ông từng kinh qua các chức vụ như bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và bộ trưởng đất đai và tài nguyên.
(Theo Thanh niên) Hoàng Uy

Obama dính kiện!

 Cập nhật lúc 14:12                 
VOV.VN - Với tỷ lệ bỏ phiếu 225-201, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thu thập các tài liệu pháp lý có liên quan để khởi động một vụ kiện ông Obama.
Theo BBC, ngày 30/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết khởi kiện Tổng thống Barack Obama vì cáo buộc lạm quyền, thực hiện những quyết định vượt quá quy định về quyền của Tổng thống được ghi trong Hiến pháp.

 
Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Telegraph)

Với tỷ lệ bỏ phiếu 225-201, các nhà làm luật tại Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành thu thập các tài liệu pháp lý có liên quan để khởi động một vụ kiện nhằm vào Tổng thống Obama.
Những người ủng hộ việc tiến hành vụ kiện cho rằng, ông Obama vượt quá thẩm quyền khi đơn phương thay đổi Đạo luật chăm sóc y tế toàn dân (Affordable Care Act, thường được gọi là Obamacare), đặc biệt là hai lần trì hoãn thực hiện quy định của luật này về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
Trước đó, trong hơn một tháng trở lại đây Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner đã “bóng gió” về việc kiện Tổng thống. Phe Cộng hòa còn lập luận rằng, không chỉ vượt thẩm quyền đối với Obamacare, Tổng thống Mỹ còn “lạm quyền” ở một số lĩnh vực khác, bao gồm sắc lệnh vào năm 2012 nới lỏng quy định trục xuất đối với một số người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ hợp lệ.
Phản ứng lại, Tổng thống Obama gọi việc kiện ông là lãng phí thời gian vô ích; đồng thời cho hay: “Thay vì kiện tôi vì tôi làm công việc của mình, Hạ viện nên hoàn thành nghĩa vụ của mình và giúp người dân Mỹ có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, sau khi Hạ viện thông qua nghị quyết nói trên, một thẩm phán liên bang sẽ quyết định xem quyết định này có đúng luật không. Nếu có, luật sư đại diện chính quyền Obama và Hạ viện sẽ tranh luận trước một tòa án liên bang. Quá trình này sẽ kéo dài trong nhiều tháng./.
Hùng Cường/VOV.VN

"Chợ tình" trên Facebook

Cập nhật lúc 13:56   
(PetroTimes) - Gái mại dâm hiện nay không cần đứng đường, cũng không cần phải vào ổ chứa hoạt động dưới sự bảo kê của các nhóm xã hội đen. Với thời đại công nghệ cao như bây giờ, các cô gái chỉ cần trả một khoản phí nhỏ cho các chủ trang web sex, hoặc tự lăng xê mình trên facebook cá nhân để chào mời khách.


Những bức ảnh chào hàng của Huyền
Năm 2013 Công an quận Hai Bà Trưng - Hà Nội đã triệt phá đường dây giao dịch mại dâm thông qua mạng Internet. Đồng thời, Công an đã khởi tố, bắt giam đối tượng môi giới, kiêm gái bán dâm Đỗ Thị Huyền (SN 1993, trú tại đường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Không chỉ tự trưng ảnh của mình lên mạng chào mời khách mua dâm, Huyền còn đưa thêm cả những ảnh của gái bán hoa khác lên internet và Facebook để quảng cáo và môi giới mại dâm. Và sau đó, khi khách đã chọn “hàng” thì Huyền sẽ thông báo mức giá mỗi lần mua dâm.
Với những cô gái trẻ đẹp, xinh xắn tràn đầy sức sống, đường dây mại dâm do Huyền cầm đầu đều yêu cầu những địa điểm “hành lạc” phải là những khách sạn từ 3 sao trở lên.
Trường hợp của đối tượng Huyền kể trên chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp môi giới mại dâm sử dụng mạng xã hội, internet.
Sau gần một tháng trời lang thang trên một số diễn đàn và mạng xã hội để xin địa chỉ của gái bán hoa, cuối cùng , Minh Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thành công khi nhận tin nhắn trong “inbox” có đường link “ngon, trẻ, khỏe, nhiệt tình” kèm theo lời nhắn: “Nếu chú cần hàng ngon, bổ, trẻ, khỏe thì kết bạn với Facebook này nhé.”
Khi ấn vào địa chỉ Facebook đó thì Phương thấy hiện ra một trang cá nhân đầy rẫy những thông tin về gái mại dâm, bao gồm đầy đủ hình ảnh, giá tiền, số điện thoại với “pass” (mật khẩu).
Những hình ảnh gợi dục kèm theo đó là những tư thế khiêu gợi, có cô còn lõa lồ và đa số đều được giới thiệu hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Theo bảng giá mà Facebook đó đăng tải, thì hầu hết có giá từ 3 lít (300.000 đồng) đến vài ba triệu một lần giao hoan. Ví dụ: Thảo “teen” số điện thoại 090413…, mật khẩu là "bạn anh cận", có giá 300.000 đồng một "shot", Lan Nhi ở khu vực Trần Duy Hưng, số điện thoại: 090421…, mật khẩu là "bạn anh béo" có giá 800.000 đồng một lần, hay Quỳnh Chi số điện thoại 094482… ở khu vực Thái Hà có giá 500.000 đồng.
Đặc biệt, trong Facebook này, bên cạnh việc cung cấp thông tin liên lạc của các gái mại dâm, còn có cả phần bình phẩm, nhận xét của khách làng chơi về các cô gái bán dâm về thái độ phục vụ, kỹ thuật, sắc đẹp.


Trang Facebook "hội những người thích some & sex"
Một thanh niên tên Đào Tuấn (Long Biên, Hà Nội) đang là thành viên của trang Facebook có tên gọi “Hội những người thích some & sex” cho hay: “Facebook này là nơi giao lưu hội họp của các chàng trai, các em gái có nhu cầu sinh lý cao, thỉnh thoảng hội còn tổ chức sự kiện ‘some’ (quan hệ tình dục tập thể) các thể loại.”
Các thành viên đã kết bạn qua trang Facebook này rồi thì tha hồ bình phẩm, xin thông tin của các em “hàng” được quảng cáo. Họ còn hẹn hò nhau thời gian để cùng … quan hệ tình dục tập thể. Hiện nay, không chỉ có trang Facebook kể trên, mà còn có hàng loạt các trang Facebook khác do dân chơi lập ra như “Đường dây vận chuyển, buôn bán gái mại dâm”; “Gái mại dâm”; “Phụ nữ hồi xuân tìm trai trẻ - Máy bay tìm phi công trẻ”…
Có thể thấy rằng với sự phát triển của mạng xã hội, thì bây giờ những thú vui bệnh hoạn của một số thanh niên được nâng lên một tầm cao mới. Những dòng chữ trên “status”(trạng thái) của Facebook tên “Phụ nữ hồi xuân tìm trai trẻ - Máy bay tìm phi công trẻ” như “Hôm nay ở nhà buồn quá có ai rảnh đi chơi cùng chị ấy không. Ai rảnh thì gọi cho chị đi cafe nhé ở nhà buồn và cô đơn quá ah 0912 548 ... hoặc 097 237…” khiến các thành viên trong hội nhao nhao vào bình luận những từ ngữ rất khiếm nhã. Thậm chí, có những gã còn tung cả ảnh khoe “hàng” của mình vào mục bình luận với những lời lẽ thô thiển, không thể chấp nhận được.



Theo một lãnh đạo Công an Hà Nội thì không phải tất cả các trường hợp mua bán dâm trên mạng Internet đều có thể xử lý hình sự được, bởi phải làm rõ có hành vi môi giới, hoạt động có tổ chức. Còn trong trường hợp gái mại dâm tự quảng cáo, tự mình bán dâm thì chỉ có thể xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, việc xử lý những website chuyên môi giới mại dâm như đã kể trên cũng gặp khó khăn bởi những chúng đều đặt máy chủ tại nước ngoài nên sau khi bị chặn sẽ đổi qua những tên miền khác mà vẫn giữ được nội dung và các thành viên cũ. Nhiều người điều hành những website này không ở Việt Nam.
Để xử lý hoạt động tiếp thị mại dâm qua mạng có thể sẽ cần phải sử dụng các biện pháp công nghệ cao để “đánh sập” các website "đen", xử lý thích đáng người quản trị cũng như chân rết của những website này.
(Theo Petrotimes) Tú Cẩm

Hãy xem một kỳ thi nâng ngạch của Bộ Nội vụ

Cập nhật lúc 08:46
             
Cuối tháng 1/2014, Bộ Nội vụ tổ chức thi nâng ngạch cho công chức trong Bộ từ ngạch cán sự và tương đương lên ngạch chuyên viên và tương đương. Việc thi cử này đang đặt ra một số vấn đề.
Tổng số người dự thi là 10.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7/2014, Vụ Tổ chức cán bộ đã có tờ trình Bộ trưởng Nội vụ về kết quả thi, theo đó có 9 người đỗ, 1 người trượt. Lãnh đạo Bộ đã phê duyệt tờ trình này và chuyển để ra quyết định bổ nhiệm 9 công chức thi đỗ vào ngạch chuyên viên và tương đương.
Tuy nhiên, cho đến nay việc bổ nhiệm này vẫn chưa xảy ra vì việc thi cử này đang đặt ra một số vấn đề.
Thứ nhất, thi có 10 người mà nửa năm trời chưa xong. Nói như ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, “không thể hiểu nổi tại sao lại lâu như vậy”.
 bộ Nội vụ, thi nâng ngạch, công chức
Trụ sở Bộ Nội vụ
“Có ít người dự thi mà còn lâu như vậy, cho nên các cuộc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và từ chuyên viên chính lên chuyên viên cấp cao trong phạm vi cả nước trong vài năm trở lại đây kéo dài hàng năm cũng không có gì đáng ngạc nhiên”, ông Hòa nói.
Thứ hai, phải rất lâu sau kỳ thi, Bộ Nội vụ mới công bố điểm. Theo ông Đinh Duy Hòa, đây là sai phạm khá nghiêm trọng trong thi nâng ngạch. Đã thi là phải công bố điểm, thậm chí dựa vào đó, thí sinh còn có cơ hội phúc tra. Bản thân người dự kiến trượt cũng không biết mình được bao nhiêu điểm.
Chỉ đến khi có ý kiến, Vụ Tổ chức cán bộ mới có văn bản ngày 10/7/2014 đề nghị Trung tâm thông tin đăng kết quả thi của 10 công chức trên trang thông tin điện tử của Bộ. Câu hỏi đặt ra là tại sao trước đó không công khai điểm và ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?
Cuối cùng, sau khi công bố điểm thi như vừa nêu mới có một phát hiện lý thú, đó là có 3 thí sinh ít điểm nhất thì bằng điểm nhau. 10 người lấy 9 và người trượt theo quy chế thi cử sẽ là 1 trong 3 người bằng điểm nhau. Vậy ai sẽ là người trượt?
Từ những vấn đề vừa nêu cho thấy có vi phạm quy chế thi nâng ngạch, cố tình không công bố kết quả điểm thi và gắn liền với vấn đề này là quyết định người trượt.
Đã nửa năm trôi qua. Dư luận đang trông đợi câu trả lời của Bộ Nội vụ, trông đợi có một quyết định công tâm, khách quan ai đỗ, ai trượt, đồng thời chỉ rõ tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chỉ có như vậy mới tạo ra sự hy vọng vào các kỳ thi nâng ngạch sắp tới trong phạm vi cả nước do chính Bộ thực hiện.
(Theo VietNamnet) Hồng Liên

Nhật hỗ trợ Việt Nam thực thi luật biển

 Cập nhật lúc 08:32                  

TT - Nhật Bản đang xem xét việc tiến hành đào tạo và cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Đó là lời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio khi trả lời phỏng vấn riêng của Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 31-7 đến 2-8.


Bộ trưởng Kishida Fumio - Ảnh: Reuters

* Thưa bộ trưởng, ý nghĩa và mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của bộ trưởng là gì?
- Trong suốt 20 năm qua, với tư cách là thành viên Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, tôi đã nỗ lực hết sức mình để trở thành nhịp cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam giúp cho quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Lần này sau bốn năm, tôi được quay lại Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi sang thăm Việt Nam với tư cách bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản. Tôi mong chờ tận mắt chứng kiến được sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong bốn năm này.
"Tôi mong chờ tận mắt chứng kiến được sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong bốn năm này"
KISHIDA FUMIO
Quan hệ giữa hai nước từng bước được tăng cường mạnh mẽ về chiều sâu thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao giữa hai nước được tổ chức thường xuyên kể từ năm ngoái. Tháng 3 năm nay, trong chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhất trí với Thủ tướng Shinzo Abe về việc phát triển “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” giữa Nhật Bản và Việt Nam. Lần này, tôi mong rằng có thể hiện thực hóa các cơ hội đã có từ năm ngoái thông qua việc trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh về hợp tác quan hệ giữa hai nước cũng như khu vực và quốc tế.
Cụ thể là: 1. Tăng cường quan hệ kinh tế bao gồm hợp tác nông nghiệp, 2. Tăng cường giao lưu giữa con người với con người thông qua các hoạt động như nới lỏng thủ tục thị thực đối với Việt Nam, tiếp nhận ứng cử viên hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam, 3. Xác nhận hợp tác liên kết liên quan đến tình hình khu vực hướng tới Hội nghị ngoại trưởng ASEAN vào tuần tới.
Năm ngoái là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đã có rất nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức tại hai nước. Đặc biệt, tại lĩnh vực thể thao, giao lưu giữa hai nước đã được tăng cường về chiều sâu. Năm ngoái, cầu thủ bóng đá Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên đá cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản và đã thành công tỏa sáng tại Câu lạc bộ Consadole Sapporo. Bên cạnh đó, từ tháng 5 năm nay, ông Toshiya Miura, người Nhật Bản, đã chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi cũng mong rằng sẽ có thể tăng cường hơn nữa quan hệ văn hóa và thể thao giữa hai nước.
*  Tháng 12-2013 tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí hai nước sẽ đàm phán về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Dự kiến khi nào Nhật Bản bàn giao các tàu này cho Việt Nam? Việc bàn giao và tập huấn sẽ được thực hiện như thế nào?
- Về việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam dựa theo đề nghị hợp tác liên quan đến việc nâng cao năng lực thực thi luật biển từ phía Việt Nam, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ việc bắt đầu triển khai đàm phán cụ thể giữa hai nước.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã nêu rõ trong thời gian tới sẽ cử đoàn khảo sát liên quan đến việc cung cấp tàu tuần tra sang Việt Nam và vào cuối tháng đó, đoàn khảo sát gồm các cán bộ Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cục Bảo an trên biển đã được cử đến Việt Nam. Từ giữa tháng 7, các chuyên gia đã bắt đầu thực hiện khảo sát tại Việt Nam. Về phía mình, Nhật Bản đã và đang thu thập thông tin cần thiết cho việc xem xét cung cấp tàu tuần tra và thực hiện thảo luận với các cơ quan liên quan phía Việt Nam về vấn đề này.
Nhật Bản cũng nhận thức được việc nâng cao năng lực thực thi luật biển của Việt Nam là điều cấp thiết, do đó Nhật Bản đang xem xét việc tiến hành đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này song song với việc cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.
* Dư luận trong nước Nhật và nội bộ liên minh cầm quyền (Đảng New Komeito) phản đối việc mở rộng khái niệm tự vệ tập thể sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng đóng góp chủ động hơn của Nhật đối với an ninh khu vực?
- Trên lập trường “chủ nghĩa hòa bình tích cực” vốn được xây dựng dựa trên chủ nghĩa hòa hợp với quốc tế, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vì hòa bình và ổn định của thế giới.
Quyết định của Nội các Nhật Bản liên quan đến đường lối cơ bản về hoàn thiện pháp chế an ninh quốc phòng được đưa ra cách đây không lâu chính là một phần của lập trường đó. Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang ngày càng bị đe dọa, đây chính là một trong những cơ chế để bảo vệ sinh mạng và cuộc sống hòa bình của người dân Nhật Bản. Dựa vào quyết định này, Hiến pháp Nhật Bản đã cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể có điều kiện và thông qua đó, Nhật Bản sẽ có thể đóng góp hơn nữa cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và các hỗ trợ về hậu cần. Sự phòng vệ chặt chẽ sẽ giúp tăng cường sức mạnh răn đe của Nhật Bản và giúp Nhật Bản tránh được tranh chấp. Do đó cơ chế của Nhật Bản vừa nêu sẽ đóng góp cho an ninh của khu vực bao gồm cả Việt Nam.
Tôi tin chắc rằng những người bạn Việt Nam đã và vẫn tin tưởng vào những bước đi của Nhật Bản sau chiến tranh trong 69 năm qua. Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục giữ vững những bước tiến với tư cách là một đất nước chuộng hòa bình. Điều quan trọng là chính sách an ninh quốc phòng này của Nhật Bản phải nhận được sự hiểu biết từ cả trong và ngoài nước. Chúng tôi đã nhận được ủng hộ từ nhiều nước trên thế giới như các nước châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á (ASEAN). Điều đó thể hiện rằng quyết định lần này của chúng tôi đã được mọi người đón nhận như một bước tiến kéo dài con đường với tư cách là đất nước yêu hòa bình. Nhật Bản sẽ tiếp tục giải thích một cách kỹ càng để tiếp tục nhận được sự đồng cảm từ trong và ngoài nước.
(Theo Tuổi trẻ) HƯƠNG GIANG thực hiện

* Hiện nay quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang rất tốt đẹp. Tuy nhiên, để hạn chế các tiêu cực như vụ đưa hối lộ của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và tạo bước đột phá tích cực hơn, chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước nên có kế hoạch và giải pháp cụ thể gì?
- Tôi rất tiếc vì vụ việc như JTC đã xảy ra. Liên quan đến vụ việc lần này phía Việt Nam đã nhanh chóng, tích cực làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh các cá nhân liên quan. Hơn nữa, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí về việc tăng cường chính sách phòng chống tái phát với sự hợp tác từ cả hai phía. Trong thời gian tới, điều quan trọng là hai bên Nhật Bản và Việt Nam thảo luận và cụ thể hóa chính sách phòng chống tái phát và tích cực thực hiện đúng theo quyết định đó.
Bên cạnh đó, về việc cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam thì cơ quan chính phủ và giới doanh nghiệp hai nước đã và đang hợp tác liên kết thực hiện giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ “Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam”. Trong thời gian tới, tôi hi vọng môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ dần được cải thiện dựa theo khuôn khổ “sáng kiến chung” này và theo đó quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa.-TTO

'Huyền thoại' sá sùng - vị ngon đã mất của phở Việt

Cập nhật lúc 08:15

Ít ai còn nhớ rằng sá sùng, loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, lại chính là linh hồn của nước phở ngày trước.

  
  Con sá sùng tươi đào được ngoài đảo Quan Lạn - Ảnh: Thúy Hằng

1. “Ngày đó, phở 3 đồng một tô và khách tới ăn toàn là khách sang. Thời xưa, chỉ nhà khá giả, trung lưu mới có tiền đi ăn phở”, ông Phồn, chủ của thương hiệu phở Cao Vân (25 Mạc Đĩnh Chi, Q1) lừng danh một thời ở Sài Gòn hồi tưởng lại...
Sinh ra tại Hà Nam, lớn lên ông Phồn theo anh trai đi bán phở ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) những năm 1930-1940. Thời đó, hai anh em thuê một cái nhà nhỏ và để xe phở ở đó, người bán chỉ bỏ thịt và gia vị vào tô phở, khách sẽ tự chan nước dùng vào tô rồi kiếm chỗ ngồi ăn. Mỗi ngày nấu chỉ một nồi phở, bán hết là nghỉ. Nồi nước phở không có gì khác ngoài xương bò và sá sùng Quảng Ninh. Sau này vào Sài Gòn, ông không dùng sá sùng để nấu được vì chỉ có sá sùng Nha Trang mà vị hơi tanh, không thể nấu được như ngày còn ở Hà Nam.

Nước phở Cao Vân (25 Mạc Đĩnh Chi, Q1)  từng được nấu từ sá sùng
khi người chủ còn ở Hà Nam - Ảnh: Giang Vũ
  
2. Bạn đến Quảng Ninh mà chưa ra đảo Quan Lạn đã là tiếc. Nhưng ra đến đảo Quan Lạn mà chưa từng đi đào sá sùng và nếm những món ngon từ đặc sản “vàng ròng” này thì quả là một nỗi tiếc nuối khó mà bù đắp được. Con sá sùng còn được người xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh gọi là con mồi, sái sùng hoặc sa trùng (con trùng trong cát).
Sá sùng có ở khắp các bãi triều ven biển từ thị xã Quảng Yên cho tới huyện Đầm Hà. Thế nhưng sá sùng ngon nhất phải kể đến 2 bãi triều Trước, Sau của Quan Lạn vì tại đây cát trắng, sạch, cho con sá sùng mình sáng màu. Đi đào sá sùng là một công việc khó khăn, gian khổ, đòi hỏi cả nhanh mắt và nhanh tay, là cả một nghệ thuật được những người phụ nữ (và một số ít đàn ông trong làng) tích lũy sau nhiều năm vác mai trên đầm bãi nắng chang chang.
10 lần đâm mai xuống đất, có khi 9 lần bỏ đi vì chỉ thu được bùn, cát hoặc một mẩu con sá sùng đã bị đứt đoạn. Những con này chỉ mang về nấu canh. Sá sùng con càng lớn, màu càng sáng và còn nguyên vẹn mới được lái buôn thu mua về sấy khô, phân phối.
Con sá sùng tươi dễ khiến người yếu bóng vía phát hoảng về hình thức bề ngoài. Thuộc loài thủy sinh, con sá sùng da trơn nhẫy, dài, thuôn, trông xa như con giun. Con lớn to bằng cỡ ngón tay cái người lớn. Người dân Quan Lạn kể có khi đào được sá sùng dài bằng cả gang tay. Đó là những ngày cực kỳ may mắn.


Sá sùng phơi khô được bán với giá 4 triệu đồng/kg - Ảnh: Thúy Hằng
Sá sùng tươi được thu mua ngay trên bãi với giá cao ngất ngưởng 280.000 đến 300.000 đồng một kg. Thế nhưng thương lái mang về, chọn lọc, sơ chế, sấy trên bếp than và đóng gói thì giá một kg sá sùng phơi khô lên đến 3,8- 4 triệu đồng một kg, ngang ngửa với giá một chỉ vàng. Đó là lý do vì sao người ta bảo đi mua sá sùng Quan Lạn khô là săn "vàng ròng" của xã đảo.
Sá sùng tươi có thể nấu canh với bầu, bí và đủ các loại rau, củ. Sá sùng khô có thể chiên trong dầu cho vàng ươm, chấm tương ớt ăn giòn tan, ngọt lừ.
Tất nhiên, trước hết phải xoa con này cho kỹ, vặt hết phần đầu đi để tránh cát sót lại, ăn rất sạn. Phần đầu của sá sùng rửa sạch, mang nấu canh bí xanh thì ngon quên sầu.
Những nồi nước phở muốn thơm ngon, ngọt tự nhiên thì ngoài xương ống, người ta cho thêm một nắm nhỏ những con sá sùng khô, loại nhỏ. Nước dùng không những trong mà còn ngọt thanh, chẳng loại gia vị nào bì kịp.
Để thưởng thức đặc sản “vàng ròng” này, người ta có thể đến bất cứ nhà hàng nào ở thành phố Hạ Long. Sá sùng nấu lá lốt, sá sùng xào măng, nấu canh bí, sá sùng khô chiên... loài thủy sinh được đánh giá là bổ dưỡng như một vị thuốc "biến hóa" thành những món ăn được chế biến hết sức giản đơn.

Đào sá sùng tươi trở thành một nghề của người dân đảo Quan Lạn
và là một trải nghiệm thú vị cho du khách - Ảnh: Thúy Hằng
3. Người Quan Lạn trước đây đào sá sùng quá dễ dàng, mỗi buổi sáng chỉ cần vài giờ vác mai là có thể mang về cả rổ. Vì thế với nhiều người sống ở đảo xa, con sá sùng trở thành nỗi chán ngán. Anh bạn làm du lịch ở khu nghỉ dưỡng Sơn Hào ngoài Quan Lạn, mỗi khi nhắc đến sá sùng lại rùng mình vì ngày nhỏ ăn nhiều quá.
Điều ấy sau hơn 20 năm đã trở thành dĩ vãng. Sá sùng hiếm, nay bỗng chốc trở thành thực phẩm của nhà giàu. Những nhà hàng ở Quảng Ninh có món sá sùng nấu lá lốt, gừng tươi, ăn chua dịu, cay nồng và thơm đặc trưng. Một phần ăn cũng rơi vào khoảng 50.000 - 70.000 đồng cho một chén nhỏ xíu, ăn mà còn thòm thèm. Đắt đỏ là vậy, nên chuyện dùng sá sùng nấu phở dường như chỉ còn trong dĩ vãng.
Nói vậy thôi, đặc sản mà, đến Quảng Ninh mà chưa một lần nếm thử sá sùng, ấy thế là ta đã chạm phải một trong những điều hối tiếc nhất sau khi rời mảnh đất này rồi đấy... 
(Theo Sài gòn ẩm thực) Thúy Hằng - Giang Vũ thực hiện

Vỡ lòng tin

Cập nhật lúc 07:49             

Người ta bảo “quá tam ba bận”, thế mà phải đến 9 bận, vụ án vỡ đường ống dẫn nước sông Đà có số vốn đầu tư lên tới 1.500 tỉ đồng mới được xem xét điều tra thì kể cũng là chậm. Tuy nhiên, chậm còn hơn không, dù lòng tin của người dân cũng chưa vì thế mà có lại ngay được.

Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan rồi đây sẽ được cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng có rất nhiều câu hỏi về quy trình quản lý, trách nhiệm kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, về lòng tin… xung quanh đường ống vỡ này cần phải được trả lời minh bạch, để những “đường ống vỡ” không bao giờ còn trở thành một thứ a xít xói mòn những chuẩn mực xã hội.
Một công trình hàng nghìn tỉ đồng đầu tư từ tiền đóng thuế của dân, được giao cho một doanh nghiệp, vừa thiết kế, vừa thi công, vừa giám sát. Không lẽ, chỉ vì doanh nghiệp “tự ứng tiền” thì khỏi chịu sự quản lý, khỏi phải tuân thủ các quy trình đầu tư, hay còn gì khác nữa?
Chủ đầu tư đường ống nước là Tổng công ty cổ phần Vinaconex, với 58% vốn nhà nước do Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - thuộc Bộ Tài chính - làm đại diện; quản lý nhà nước về chuyên môn và chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng là Bộ Xây dựng; quản lý địa bàn là UBND TP.Hà Nội. Nhưng cho đến nay chỉ có một mình Vinaconex hứng chịu mọi búa rìu dư luận, liệu có thỏa đáng không?
Vinaconex phải chịu trách nhiệm về những sai sót trong quá trình đầu tư; tiếp theo là cơ quan chủ quản, là trách nhiệm quản lý địa bàn của TP.Hà Nội. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Bộ Xây dựng cũng có phần trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về xây dựng?
Nhưng có lẽ, những câu hỏi về trách nhiệm đó không lớn bằng câu hỏi về lòng tin trong vụ vỡ đường ống nước này. Đường ống độc đạo dài 47 km dẫn nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (H.Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) này, được Bộ Xây dựng trao danh hiệu “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” năm 2010. Chưa đầy 2 năm sau, “niềm tự hào” của ngành xây dựng trở thành “cơn ác mộng” của hơn 70.000 hộ dân phía tây và tây nam thủ đô. Trách người dân giờ đây thiếu niềm tin hay phải nhìn lại chính thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, kém minh bạch (không loại trừ tiêu cực) của cơ quan chức năng đây?
Và trong khi sự việc chưa được giải quyết triệt để, trách nhiệm chưa rõ ràng, TP.Hà Nội tiếp tục giao cho Vinaconex đầu tư xây dựng đường ống nước thứ hai, chạy song song với đường ống vỡ là điều khiến dư luận khó hiểu và bức xúc hơn cả. “Một lần thất tín, vạn lần bất tin”, 9 lần vỡ đường ống, hơn 20 ngày hàng chục nghìn hộ dân, hàng trăm nghìn con người khốn khổ vì thiếu nước giữa thủ đô, lẽ ra phải là vấn đề đầu tiên cần cân nhắc trước khi lại tiếp tục giao việc xây dựng đường ống nước cho Vinaconex.
Lợi ích của dân, cuộc sống của dân phải luôn là mục tiêu phục vụ, động lực phấn đấu của các công bộc.
(Theo Thanh niên) An Nguyên
Dân gian, quan tham cái nào xấu hơn?
Cập nhật lúc 07:40

(Tin tức thời sự) - Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân dùng xẻng kéo vào đường dân sinh...  

 a
Người dân dùng cuốc xẻng để lấy vật liệu làm đường quốc lộ 1A đoạn qua Lệ Thủy (ảnh Vnexpress)
Những người dân Lệ Thủy, (Quảng Bỉnh) ào ra công trình xây dựng đường Quốc lộ 1A lấy vật liệu về làm đường trước cửa nhà mình, tấn công cả công nhân. Nghe chuyện này, nhiều người trách họ: “Đúng là dân gian”.
Bài báo “Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình” trên báo điện tử Vnexpress làm chúng ta nhớ lại vụ hôi bia ầm ĩ ở Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 2013. Bởi bản chất vụ việc này cũng không có gì khác cả.
Bài báo cho biết: “Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh.
Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.
Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở. Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp”.
 a
Người dân dùng cuốc xẻng để lấy vật liệu làm đường quốc lộ 1A đoạn qua Lệ Thủy (ảnh Vnexpress) 
Còn nữa, trước đó, do ngăn cản dân, một công nhân khác đã bị đánh đến nhập viện. Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi.
Lý lẽ người dân ở Quảng Bình đưa ra là: “Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”.
Câu chuyện là thế đấy. Về bản chất hành vi cũng chẳng khác gì vụ hôi bia, đổ xô ra đường lấy của người khác về nhà mình, lấy cho xóm mình. Hẳn nhiên, đó là một việc cần lên án, rất đáng trách, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Rất đông người đọc xong bài báo đã lên án họ, “đúng là dân gian”, có người đã kết luận như vậy. Có người quy kết vùng miền cho dân miền Trung. Đọc những lời lẽ ấy, chắc ai cũng cảm thấy buồn cho người Việt mình.
Nhưng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Vì sao mà dân lại gian?” và lý giải nó cặn kẽ. Cũng những người dân ấy, trong chiến tranh đã không tiếc gì hết, tháo cả cánh cửa nhà mình ra bắc làm đường cho xe bộ đội đi qua hố bom. Cũng những người dân miền Trung ấy, họ đã từng không tiếc mạng người, sức của cho cái chung lớn lao của dân tộc. Tại sao giờ họ lại trở nên như vậy?
Tôi nghĩ, phải chăng họ phần nào đã không còn tin vào lẽ phải và sự công bằng, đến nỗi xóa nhòa luôn ranh giới đúng, sai; tốt, xấu và dần dần trở nên ích kỷ, vụ lợi.
Hãy nghĩ mà xem, liệu có giống như cảnh “Mèo tha miếng thịt xôn xao, Hổ vồ con lợn lào xào rỉ tai” không? Những đại án tham nhũng càng ngày càng vỡ ra đem đến cho người dân một cảm giác bức xúc. Những con số ngàn tỷ, trăm tỷ bị thất thoát trong những công trình, dự án, những “ông lớn” đã ra tòa thời gian qua và nhiều “ông lớn” còn chưa bị lộ. Những dinh thự bề thế như lâu đài của các cựu quan chức mà không thể giải thích lý do vì sao đang hàng ngày xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Có thể trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ ích kỷ, vụ lợi: “Thôi thì, giờ đến lúc này rồi, phải nhanh chân giành giật cho bản thân, gia đình được tý nào hay tý ấy? ”.
Tôi nghĩ một tâm lý như thế, nếu có này sinh cũng là điều không khó hiểu. 
Quan lại ngày xưa có trách nhiệm “giáo dân”, triều đình phong kiến luôn nhắc họ vai trò “phụ mẫu”, tức là cha mẹ dân để làm gương cho dân. Cha mẹ mà hư thân đốn đời, trộm cắp tham nhũng thì làm sao con cái nên người?
Buồn thay, ngày càng nhiều những đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử. Những công trình bị rút ruột, kém phẩm chất vì kinh phí thực hiện đã bị chia chác. Dân trông thấy cả, biết hết cả, mà không biết làm thế nào để “dạy lại” cho những kẻ tham nhũng những bài học sơ khai làm người.
Thì hậu quả nhãn tiền là những vụ hôi của, ăn trộm tập thể bất chấp pháp luật đã xảy ra. Ý thức người dân kém, nhận thức của họ yếu, đúng vậy, nhưng họ có đáng trách nhiều hơn những kẻ có quyền lực, có trọng trách, có trình độ mà vẫn không thắng được những dục vọng trong mình, vẫn ăn bẩn của công, thu vén cá nhân?
Làm sao bắt người dân phải đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nếu có một bộ phận những người làm gương cho họ lại bê bết, gian tham, bất chấp đạo lý?  
Vì vậy, dù có thế nào, chúng ta cũng đừng vội trách dân, đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu họ. Ở đời mọi sự đều “có vay có trả” cả.
(Theo Đất Việt) Mi An