Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Quản lí đô thị

 

Nửa triệu m2 đất bãi xe "đắp chiếu", quận đông dân nhất Hà Nội gửi bãi chui

Cập nhật lúc 16:00                                 

 

Dù được quy hoạch từ rất lâu, hàng chục hecta đất làm bãi đỗ ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) vẫn trong cảnh “đắp chiếu”, khiến người dân phải gửi xe ở các bãi xe không phép.

 

 Hàng chục ô quy hoạch "đắp chiếu"

Được thành lập cách đây 17 năm, quận Hoàng Mai có tốc độ gia tăng dân số cao nhất thành phố. Là quận mới, nên Hoàng Mai đã được các cơ quan chuyên môn quy hoạch hàng chục ô đất để phục vụ việc gửi xe cho người dân.

Sau gần hai thập kỷ hình thành và phát triển, nhiều khu nhà cao tầng, chung cư mọc lên “hút” về đây hàng chục vạn dân. Điều kiện dân số tăng cao, lượng phương tiện cá nhân theo đó cũng tăng lên khiến áp lực và nhu cầu bức thiết về xây dựng các bãi đỗ xe lớn hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là, quận Hoàng Mai chỉ đưa vào hoạt động ba bãi đỗ xe, còn lại hàng chục hecta quy hoạch bãi đỗ vẫn trong cảnh “đắp chiếu” khiến nhiều người phải gửi xe ở các bãi xe không phép.

 

Một ô đất quy hoạch bãi xe "đắp chiếu" ở phường Hoàng Liệt. Ảnh: Hữu Thắng

 

Đại diện phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai cho biết, quận có tốc độ gia tăng dân số cơ học lớn và có dân số đông nhất trong các quận của TP Hà Nội. Do đó, nhu cầu về bãi gửi xe đã được quận nắm bắt từ lâu nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.

Theo quy hoạch của TP thì quận Hoàng Mai có tổng cộng 83 ô đất quy hoạch bãi đỗ xe nằm rải ở các phường tương ứng khoảng 514.600m2.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn quận mới có ba ô quy hoạch đã được đầu tư và đưa vào hoạt động gồm: Bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm, bãi đỗ xe công cộng Đền Lừ; 11 ô quy hoạch đang thực hiện hoặc triển khai thủ tục đầu tư, 6 ô UBND quận giao Ban QLDA đầu tư xây dựng mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, còn lại 63 ô chưa có nhà đầu tư.

Một bãi xe bỏ hoang tại phường Đại Kim. Ảnh: Đoàn Bổng

 

Một số phường có diện tích quy hoạch bãi đỗ xe lớn có thể kể đến như: Hoàng Liệt (16 ô, với gần 90 nghìn m2), Đại Kim (7 ô với gần 60 nghìn m2), Yên Sở (9 ô với khoảng 65 nghìn m2)... Việc thực hiện dự án bãi đỗ xe tại các phường vẫn chiếm tỉ lệ quá thấp. 

Trăm bãi xe không phép đua nhau mọc

Xuất phát từ việc “lãng phí” hàng trăm nghìn m2 đất quy hoạch bãi xe, thống kê của UBND quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận có đến khoảng 100 bãi xe không phép hoạt động.

Các bãi xe không phép nằm rải rác trên các phường của quận, tập trung chủ yếu ở phường Hoàng Liệt, Đại Kim… với hàng chục điểm.

Theo khảo sát của VietNamNet tại phường Hoàng Liệt (phường với hơn chín vạn dân đang sinh sống) cho thấy, có nhiều ô quy hoạch đang đắp chiếu chưa được đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch, phường Hoàng Liệt có 16 ô quy hoạch bãi đỗ xe, tương ứng với tổng diện tích gần 90 nghìn m2.

Tuy nhiên hiện nay, phường Hoàng Liệt mới sử dụng đất làm bãi đỗ xe chỉ đạt khoảng 1/9 số diện tích trên, chủ yếu diện tích này được sử dụng làm bến xe Nước Ngầm (10,6 nghìn m2). Còn lại, hàng loạt ô quy hoạch bãi xe đều trong tình trạng quây tôn, đắp chiếu chưa triển khai trong nhiều năm.

 

Ô đất kí hiệu F5/P1 đối diện UBND phường Hoàng Liệt. Ảnh: Hữu Thắng

 

Có thể kể đến như ô đất ký hiệu F5/P1 có vị trí đối diện trụ sở UBND phường Hoàng Liệt đang bỏ hoang với diện tích 7 nghìn m2 do công ty CP Vạn Cát làm chủ đầu tư.

Theo quan sát, vị trí ô đất này cách khu đô thị Linh Đàm chưa đầy một km, nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng được bãi đỗ xe tại đây sẽ giải quyết được cho rất nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu HH Linh Đàm.

Tương tự, tại ô kí hiệu C2/P1 (hơn 11 nghìn m2), ô C1/P3 (hơn 9 nghìn m2), ô F6/P1 (hơn 6 nghìn m2 thuộc dự án khu ĐTM Nam hồ Linh Đàm), ô F5/P1 (gần 7 nghìn m2 vị trí tại phía Bắc giáp phố Hoàng Liệt, phía Nam giáp hồ Linh Đàm)… đều chưa được hoạt động theo đúng công năng.

 

Bãi đỗ xe không phép với sức chứa hàng trăm xe hoạt động phía sau tòa HH Linh Đàm

 

 

Giá mỗi phương tiện khoảng 1 triệu đồng/xe. Ảnh: Hữu Thắng

 

Song song tồn tại với hàng chục nghìn m2 đất quy hoạch bãi đỗ xe kể trên là hàng loạt bãi đỗ xe không phép ngang nhiên hoạt động. Cụ thể, khảo sát của PV tại bãi đất trống sát tòa HH Linh Đàm cho thấy, hàng trăm ô tô được gửi tại đây khi chưa được cấp phép. Mỗi chủ phương tiện phải chi ít nhất 1 triệu đồng/tháng cho một phương tiện tại đây. 

Tiếp đó, tại vị trí bãi đất F4/P2 phía nam giáp tòa nhà HUD2 TWIN Tower với diện tích 3 nghìn m2 đang trông giữ phương tiện nhưng chưa được cấp phép. Và rất nhiều nữa các điểm trông xe không phép rải rác tại các phường đang hoạt động. 

 

Hàng chục xe đỗ tràn lòng đường

 

Thống kê của UBND phường Hoàng Liệt thể hiện, có hơn 20 điểm trông giữ xe không phép hoạt động, phường thường xuyên vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, nhu cầu để xe quá bức thiết nên khi dẹp bãi xe không phép thì người dân lại tràn xe ra lòng đường, khiến giao thông thêm phức tạp.

Anh Hoàng (cư dân khu đô thị Linh Đàm) cho biết: "Tôi biết việc gửi xe khi bãi chưa được cấp phép là sai, nhưng tôi và hàng trăm người khác đang ở trong cảnh không có lựa chọn nào tốt hơn".

Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt vấn đề, với việc hàng nghìn xe gửi tại bãi không phép đang tồn tại, nếu bình quân mỗi xe khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng thì số tiền này là khổng lồ. Việc không xây dựng bãi xe như quy hoạch mà để các bãi xe không phép tồn tại khiến nhà nước thất thu khoản tiền lớn. 

 

Xin cấp phép đỗ lòng đường

Vì lượng phương tiện tăng cao nhưng các bãi đỗ chưa thể triển khai, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết, trước mắt đang ưu tiên phương án xin TP cấp thêm các vị trí đỗ xe dưới lòng đường.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 7 điểm trông giữ xe dưới lòng đường, với sức chứa khoảng 50 chỗ, chủ yếu đặt tại phường Hoàng Liệt. Theo UBND quận Hoàng Mai, nếu cấp thêm khoảng 10 điểm trông xe dưới lòng đường nữa thì sẽ giải bài toán trước mắt.

Với việc hình thành các điểm đỗ xe dưới lòng đường, nhiều người dân cho biết việc này sẽ gây rối loạn giao thông, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của các xe công vụ như cứu hỏa, cứu thương.


(Theo VietNamNet) Đoàn Bổng

Kinh tế-Môi trường

 

Cùng một ngày UBND tỉnh Kon Tum chọn 5 chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện 

 Cập nhật lúc 15:40                

 

Xét đề nghị của các Công ty và ý kiến của Sở Công Thương, trong cùng một ngày 26/12/2020 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã ra 5 văn bản chọn 5 chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện ở hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy.

Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương cho 5 Công ty được khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án thủy điện, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Pô Nê; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Kon Rẫy; Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Toa; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Măng Đen và Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Tà Âu.

Hạ lưu đập thủy điện Thượng Kon Tum ở huyện Kon Plông mùa khô 2019-2020.

Các dự án thủy điện lần lượt là: Dự án Thủy điện Đăk Pô Nê 4, công suất lắp máy 6MW, xây dựng trên sông Đăk Pô Ne (thuộc hệ thống sông Đăk Bla), xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; Dự án thủy điện Đăk Nghé 3, công suất lắp máy 17MW, xây dựng trên sông Đăk Snghé (nhánh cấp I sông Đăk Bla, thuộc hệ thống sông Sê San và suối Đăk Ke, nhánh cấp I sông Đăk Snghé). Địa bàn xây dựng thủy điện thuộc xã Đăk Kôi, thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Long, huyện Kon Plông; Dự án thủy điện Đăk Toa, công suất lắp máy 5MW, xây dựng trên sông Đăk A Kôi (nhánh cấp I của sông Đăk Bla, hệ thống sông Sê San), thuộc xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy;  Dự án thủy điện Nước Đao, công suất lắp máy 20MW, xây dựng trên sông Đăk Ring (thuộc hệ thống sông Trà Khúc) và suối Măn Liu, suối Đăk Xao (nhánh cấp I của sông Đăk Ring), thuộc xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông; Dự án thủy điện Tà Âu, thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Rinh, huyện Kon Plông.

Trong 5 văn bản chọn 5 chủ đẩu tư thực hiện 5 dự án thủy điện, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các chủ đầu tư triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ và thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường- xã hội; không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ lưu, các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực dự án; đảm bảo quá trình thực hiện dự án không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác…

UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, làm rõ năng lực tài chính của các Công ty trước khi giao làm nhà đầu tư dự án; Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Kon Rẫy và các đơn vị liên quan, theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Công ty triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện đầu tư dự án theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Kịp thời phối hợp để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo đúng thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

(Theo VOV.VN ) Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Sắp hết nhiệm kì, gắng còn tí rừng nào phá nốt! Làm Thủy điện tức là phải ngăn sông, nước dâng lên làm ngập rừng tự nhiên là tất yếu. Nói không chuyển đổi rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn phải “tự nhiên chuyển đổi” thành hồ thôi mà. Kon Tum khôn thật, lách được khỏi sự chỉ đạo của Thủ tướng.

Thương Giang

Đàu tư-Kinh doanh

 

Giá Bitcoin lập đỉnh lịch sử mới, vượt 29.000 USD

 

Cập nhật lúc 15:00    

          

Giá Bitcoin hôm nay chạm 29.292 USD trước khi đảo chiều, giảm còn 28.520 USD vào 9h12 tại Hong Kong. Giá Bitcoin đã tăng gần 50% trong tháng 12, trên đà có đợt tăng liên tiếp hàng tháng dài nhất kể từ tháng 5/2019.

 

 

Chỉ số Bloomberg Galaxy Crypto theo dõi các đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới tăng 280% kể từ đầu năm, trong đó giá trị Bitcoin hiện gấp 4 lần đầu năm. Những đồng tiền điện tử khác như Ether cũng tăng giá.

 


Diễn biến giá Bitcoin kể từ đầu năm.

Bitcoin gây phân hóa quan điểm khi giá tăng mạnh giữa bối cảnh đại dịch. Những người ủng hộ coi Bitcoin là công cụ phòng hộ USD suy yếu và nguy cơ lạm phát gia tăng vì các biện pháp kích thích kinh tế. Phe còn lại hoài nghi về giá trị của Bitcoin làm tài sản đầu tư và thị trường thường sụp đổ sau các đợt tăng nóng.

Quy định điều hành với ngành tiền điện tử tiếp tục là biến số cần cân nhắc với nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ tuần trước cáo buộc Ripple Labs và các giám đốc điều hành vì khiến nhà đầu tư hiểu lầm về đồng XRP. Ripple Labs dự định kháng cáo lên tòa án nhưng diễn biến này một lần nữa phản ánh triển vọng các tài sản số bị giám sát chặt hơn.

Giá XRP giảm gần 70% trong tháng 12 với nhiều sàn giao dịch thông báo kế hoạch đình chỉ giao dịch đồng tiền này.

(Cafebiz.vn) Như Tâm

Văn hóa

 

"Danh hiệu hoa hậu bớt danh giá sẽ ít chuyện mua bán!"

Cập nhật lúc 14:26 

 

Theo ông Bùi Hoài Sơn, không nên tạo ra những lầm tưởng về danh hiệu hoa hậu đối với các thí sinh dự thi và với xã hội, từ đó sẽ đưa hoạt động này trở về một hoạt động giải trí dân sự bình thường.

 "Việc không giới hạn số lượng các cuộc thi sắc đẹp là để trả hoạt động này về cho nhu cầu xã hội tự điều chỉnh. Dẫu có quy định chặt đến đâu đi chăng nữa thì chỉ tạo ra các biến tướng cho các cuộc thi hoa hậu, người đẹp mà thôi.

Danh hiệu hoa hậu bớt danh giá sẽ ít chuyện mua bán!

Thanh tra Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đã lập biên bản cuộc thi hoa hậu "chui" mang tên "Miss Global Her Beauty" tại Hà Nội vào tháng 1-2020

Tức là trên thực tế chúng ta vẫn không quản lý được. Phân cấp quản lý để các cơ quan quản lý địa phương, các đơn vị tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp phải chịu trách nhiệm về cuộc thi do mình tổ chức, mình chấp thuận cho tổ chức nghĩa là sẽ xác định được rõ ràng đơn vị chịu trách nhiệm, và khi đó các hình thức xử phạt mới mạnh và mang tính răn đe.

Khi danh hiệu hoa hậu bớt danh giá trong xã hội thì cũng sẽ ít đi chuyện mua bán. Người ta không thể lợi dụng những hào quang từ danh hiệu hoa hậu để tìm mọi cách tổ chức các cuộc thi này để kiếm tiền nữa. Nhận thức của xã hội cũng phải thay đổi theo hướng tôn vinh người phụ nữ trong một lĩnh vực nhất định thôi, không phải đại diện cho quốc gia gì, không đặt nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lên những người phụ nữ đó".

Ông BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nêu quan điểm trên Báo Tuổi Trẻ ngày 30-12 sau những lùm xùm về việc tố chi tiền tỉ là có danh hiệu hoa hậu).

(Theo Người Lao Động)

 


Hàng nghìn người dân tại quê nhà chào đón Hoa hậu Đỗ Thị Hà

Hoa hậu chỉ là kết quả một cuộc thi, cuộc thi đó cũng không phải sự sàng lọc tiêu biểu nhan sắc của đa số phụ nữ nên về phần vẻ đẹp hình thể cũng chỉ "gói" trong một số lượng phụ nữ nhất định. Về trí tuệ, năng lực thì đây lại không phải là phần quan trọng nhất, không lựa chọn khắt khe như những cuộc thi riêng về lĩnh vực này nên nó cũng không thể đại diện cho trí tuệ phụ nữ Việt Nam cùng lứa. Thực tiễn những năm qua người ta quá nâng cao danh giá hoa hậu và từ đó các thí sinh đạt giải cũng ngộ nhận về bản thân. Rất nhiều quốc gia người ta coi thi hoa hậu là một hoạt động văn hóa giải trí đơn thuần. Chỉ có VN ta HH lại “vĩ đại” đến mức cả huyện đón rước linh đình một cô gái vì đạt giải HH! Lãnh đạo một trường đại học cũng phải “kính lễ” trước một học sinh vì đó là HH!!!

Thương Giang

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Pháp luật

 

Khởi tố vụ án điều tra đường dây đưa bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép

Cập nhật lúc 15:41  

 

Giám đốc Công an An Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự điều tra hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép". 

Chiều 30/12, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đinh Văn Nơi cho biết, ngoài việc Cơ quan An ninh Công an tỉnh An Giang đã có quyết định khởi tố vụ án "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" theo Điều 348, Bộ Luật hình sự, Công an tỉnh đang phối hợp với một số công an các tỉnh khác như: Công an tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Long An và Công an TP Hồ Chí Minh… điều tra làm rõ hành vi của một số đối tượng liên quan đến việc tổ chức đưa một nhóm người nhập cảnh trái phép vừa qua, trong đó có bệnh nhân 1440.  

 

Đại tá Đinh Văn Nơi - Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, liên quan đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh liên quan bệnh nhân 1440, đã khoanh vùng một số đối tượng

 Như Dân trí đã thông tin, đêm 26/12 Bộ Y tế đã chính thức công bố ca mắc mới SARS-CoV-2 là Bệnh nhân 1440 (BN 1440) tên L.T.T. (32 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, Vĩnh Long).

Bệnh nhân 1440 là trường hợp từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở vào địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sau đó, được tài xế An Giang đưa cùng nhóm người (6 người) về TP Hồ Chí Minh.

Khi đến địa bàn tỉnh Long An, 2 người xuống xe, trong đó có bệnh nhân 1440 đi về Vĩnh Long và bệnh  nhân 1452 đi về huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

 

Chiếc xe chở nhóm người nhập cảnh trái phép, trong đó có bệnh nhân 1440 và bệnh nhân 1452.

Theo lời khai ban đầu của bệnh nhân 1440, ngày 15/12, bệnh nhân 1440 từ Myanmar đi xe tải về huyện Mae Sot, tỉnh Taksin, Thái Lan. Tối 22/12, anh ta cùng nhóm người khác lên ô tô tải (ngồi ở thùng xe) đi đến nhà chờ tại Campuchia vào chiều hôm sau.

Rạng sáng 24/12, 6 người vượt biên bằng xuồng qua sông Bình Di vào huyện An Phú. Khi lên bờ ở xã Khánh Bình, họ được tài xế đón lên xe 7 chỗ. Thay vì chạy về TPHCM theo hướng quốc lộ 1A, ô tô đi theo tỉnh lộ 957 rồi lên phà Tân Châu qua Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Xe sau đó di chuyển đến huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Khi đến TP Tân An, bệnh nhân 1440 và bệnh nhân 1452 xuống xe, đón ô tô khác để về quê.

Hiện bệnh nhân 1440 đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long. Sức khỏe và tâm lý bệnh nhân này đã ổn định.

(Theo Dân Trí) Nguyễn Hành

Chính trị

 

Phương án nhân sự Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật

Cập nhật lúc 15:32  

 

Những nội dung liên quan đến việc thi hành kỷ luật Đảng đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phương án nhân sự với Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội... chưa công khai sẽ là nội dung tuyệt mật.

Danh mục bí mật nhà nước của Đảng gồm các nhóm thông tin tuyệt mật, tối mật và mật - Ảnh: Chinhphu.vn

Thông tin được nêu ra trong quyết định về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Đảng do Thủ tướng ban hành sẽ bao gồm ba mức độ: tuyệt mật, tối mật và mật.

Bí mật nhà nước ở mức độ tuyệt mật sẽ bao gồm các nhóm thông tin về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; về công tác tổ chức xây dựng Đảng; công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, kinh tế xã hội và công tác dân vận, quốc phòng và an ninh.

Đáng chú ý các nội dung liên quan đến kết luận, tờ trình, báo cáo, biên bản, công văn của Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm, đề nghị thi hành kỷ luật Đảng, giải quyết tố cáo đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

Các nội dung liên quan quyết định, kết luận, tờ trình và kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các ủy biên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai.

Các thông tin của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự ủy viên Bộ Chính trị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai cũng là bí mật nhà nước ở mức độ tuyệt mật.

Ngoài ra còn có những nội dung về chiến lược đối ngoại liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại của Đảng ta với các Đảng, các nước lớn, nước láng giềng. 

Các nội dung liên quan đến báo cáo, tờ trình của các cơ quan, tổ chức Đảng trình xin ý kiến Trung ương Đảng về kinh phí đặc biệt dành cho quốc phòng, an ninh, chủ trương thu, đổi tiền, phát hành tiền chưa công khai.

Các nội dung bí mật nhà nước thuộc mức độ tối mật sẽ bao gồm các thông tin về lãnh đạo, chỉ đạo chung như kết luận, biên bản xử lý các vụ việc phức tạp liên quan đến đối ngoại, an ninh quốc gia, điểm nóng an ninh trật tự, an toàn xã hội, bút tích của các ủy viên Bộ Chính trị giải quyết các vấn đề phức tạp.

Các thông tin công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng liên quan đến việc giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư chưa công khai.

Phương án, kế hoạch liên quan đến ý kiến chỉ đạo của trung ương, cấp ủy cấp tỉnh về quá trình xem xét bầu cử, ứng cử, điều độ, bổ nhiệm từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý cũng thuộc diện này.

Trong nhóm thông tin tối mật bao gồm thêm nội dung về công tác nội chính, là các chỉ thị, kết luận, thông báo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban nội chính trung ương cấp ủy cấp tỉnh về phương hướng xử lý các vụ việc, vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, vụ việc vụ án đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội, án tham nhũng, chức vụ nghiêm trọng, các vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm.

(Theo Tuổi trẻ) N.An

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Kinh tế

 

Ðào là cây thoát nghèo, có thể dán tem để 'thông quan'

Cập nhật lúc 14:26 

Huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La) được coi là thủ phủ đào Tây Bắc. Những ngày qua, lãnh đạo địa phương này tổ chức họp khẩn bàn biện pháp để nông dân bán được đào trồng. Giải pháp được đưa ra là sẽ dán tem chứng minh nguồn gốc cây đào trước khi bán về xuôi.

Người dân mang đào xuống bán dọc quốc lộ 6 (huyện Mộc Châu, Sơn La)

Ðào là cây thoát nghèo

Trong đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, ông Vũ Thanh Hải, cho biết, ngay trong ngày 29/12, UBND huyện Vân Hồ đã tổ chức họp với địa phương có diện tích đào trồng lớn (xã Lóng Luông) để rà soát diện tích trồng đào. Trong những ngày tới sẽ họp với các địa phương khác để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Theo ông Hải, đào rừng là đào bản địa, là cây phân tán, không phải cây cổ thụ, vòng đời thấp chỉ sống khoảng 15 -20 năm là rỗng ruột.

Không giống cây hoa ban hay loài hoa khác, trong rừng, đào rất khó sống, vì cây đào đòi hỏi phải thoáng, có người chăm sóc. Hiện nay, tại Vân Hồ, diện tích đào rừng hầu như không có. Đi vào rừng kiếm cành đào chơi Tết là rất khó. “Tại địa phương, người dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng đào, đào tại Vân Hồ đều có chủ. Tất cả diện tích đất dốc, rải rác trên nương, rẫy được quy hoạch trồng. Đây là hướng kinh doanh mới cho bà con nông dân”, ông Hải cho hay.

Ông Hải cho biết, cây đào trồng được phân làm hai loại là đào bán quả và bán hoa. Đào bán quả chỉ có diện tích nhất định, quả hạn chế, lượng tiêu thụ và nhà máy chế biến hầu như không có. Tại Vân Hồ chủ yếu trồng đào bán hoa và bán gốc. Bán gốc đào thì người dân trồng rất dày, mỗi gốc cách nhau khoảng 2m, 3-5 năm là có thể đưa về xuôi để ghép, bán…

Đây là giống đào bản địa được người dân trồng trên nương 5-7 năm là có hoa, cành có thế đẹp. Theo ông Hải, trên địa bàn huyện, cứ khu vực nào có người dân tộc Mông sinh sống là ở đó có trồng đào. Đây không chỉ là một nét văn hóa của họ mà còn là cây để xóa đói giảm nghèo. Xã Lóng Luông có diện tích trồng đào lớn nhất huyện Vân Hồ (khoảng 300 ha), được người dân trồng rải rác trên nương, trên sườn đồi.

“Cây đào không phải là hàng hóa cao cấp, nhưng trong những tháng cuối năm, hầu như gia đình nào cũng có đào bán tăng thêm thu nhập. Có những cành đào người dân bán được 5-7 triệu, số tiền này sẽ giúp thay đổi đời sống của họ. Ở Vân Hồ, cây đào giống như một cây xóa nghèo cho bà con nông dân. Lóng Luông rất hợp với đào, khí hậu phù hợp, chỉ trồng 3-5 năm đã phong rêu giống như trồng trong rừng.

Có những vườn trồng lấy gốc có diện tích vài héc-ta, cũng giống như sản xuất lương thực chỉ trồng 3 năm là có đào gốc để bán. Đất, khí hậu tại Vân Hồ rất hợp với việc trồng đào khoảng 3 năm là có đào gốc để bán. Một vườn đào có diện tích khoảng vài héc ta là người dân có thể trồng gối đầu sau mỗi vụ bán, giống như sản xuất lương thực. Như thế, mỗi vụ có hộ thu hàng chục triệu, nếu chăm sóc tốt có thể kiếm hàng trăm triệu đồng”, ông Hải nói.

Dán tem chứng minh nguồn gốc

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cần làm rõ khái niệm đào rừng. UBND huyện nhất trí với chủ trương của Chính phủ là cấm chặt đào rừng, cũng như các loài cây khác phải bảo vệ, chăm sóc; nếu vi phạm phải xử lý nghiêm. Nhưng về lâu dài, cần coi đào miền núi hay miền xuôi (được trồng, chăm sóc) là mặt hàng kinh doanh. Đây là loại cây tạo thu nhập, vừa để tạo thú chơi trong dịp tết đến xuân về, người dân lại có thêm nhu nhập.

“Khi có văn bản chính thức, UBND huyện sẽ tham mưu các cấp ngành xác định nguồn gốc. Trong đó, sẽ phối hợp cơ sở, chính quyền huyện xã, thống kê chứng minh nguồn gốc của đào. Cụ thể, chính quyền xã sẽ thống kê các vùng trồng đào, diện tích là bao nhiêu. Tuy chưa thể làm được ngay thương hiệu nhưng sẽ có minh chứng của chính quyền xác minh ai trồng, vùng nào để gắn cho cây đào. Đây coi như một biện pháp gắn tem, nếu cần truy nguồn gốc sẽ căn cứ vào đó”, ông Hải nói.

Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, ông Long Trung Tâm, khẳng định, huyện không có đào rừng mà đào bán mọi năm chủ yếu do người dân trồng. Có hộ thu nhập vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ đào.

“Hiện nay, chưa có phương án phân biệt đào rừng, đào nhà trồng mà chỉ có cách chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Từ trước đến nay, mới có một số cây như mận, mơ, bơ, rau quả đã làm. Còn cây đào thì để chứng minh từng cành chặt đi cũng rất khó và không biết cơ quan nào kiểm soát. Chúng tôi đang chờ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu những giấy tờ gì để chứng minh sẽ thực hiện theo”, ông Tâm nói.

Ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La, cho biết, theo chỉ đạo, sẽ cấm tuyệt đối chặt đào trồng trong rừng. Còn đào được người dân trồng trong nhà người dân sẽ thực hiện theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Tức người dân muốn chặt bán phải có xác nhận của chính quyền xã với nội dung như: ai trồng, bao nhiêu cây, thôn bản nào… thì mới được bán. Chi cục Kiểm lâm Sơn La cũng đang nghiên cứu các phương án khác để tham mưu cho UBND tỉnh.

(Theo Cafebiz.vn) Đức Anh