Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Giấu kín danh tính người trúng giải, Vietlott chịu nhiều thiệt thòi

Cập nhật lúc 16:35

Doanh thu của Vietlott trong những kỳ quay thưởng gần đây đã giảm khá nhiều so với giai đoạn cuối năm 2016, phải chăng xổ số Vietlott đang mất dần sự hấp dẫn trong mắt người chơi?
Doanh thu đã xuống đáy?
Theo thống kê, tại kỳ quay thưởng thứ 95 diễn ra vào ngày 24.2.2017, doanh số bán vé của Vietlott bất ngờ rơi mạnh xuống chỉ còn hơn 14,1 tỷ đồng, thấp nhất nếu tính từ tháng 10.2016. Trước đó, trong kỳ quay thưởng thứ 90 diễn ra vào ngày 15.2, doanh số bán vé của Vietlott ước tính chỉ đạt khoảng 17,8 tỷ đồng.


Không phải ai cũng gặp may giống như ông Thái

Sự sụt giảm doanh số bán vé trong kỳ quay thưởng thứ 95 thực tế cũng không phải là điều bất ngờ bởi xu hướng giảm doanh thu bán vé của Vietlott đã bắt đầu hình thành từ sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Nếu như trong 2 tháng cuối năm 2016, chỉ cần hai kỳ quay thưởng sau khi có người trúng giải độc đắc, giá trị giải Jackpot sẽ đạt mức từ 25 tới 27 tỉ đồng, thì trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá trị giải Jackpot thường chỉ đạt mức từ 20 tới 22 tỉ đồng sau 2 kỳ quay thưởng tính từ kỳ quay có người trúng giải Jackpot.
Theo lý giải của nhiều người, trước Tết nguyên đán Đinh Dậu đã rất nhiều người mua vé số Mega 6/45 để lì xì hoặc tìm kiếm vận may đầu năm khiến doanh số bán vé của Vietlott tăng nhanh, bình quân khoảng 5 tỷ đồng/ngày.  
Lúc đó, anh Hùng - nhân viên một điểm bán vé tại Quận Gò Vấp từng chia sẻ, trong khoảng 10 ngày trước Tết, khách hàng mua vé tại đại lý của anh khá nhiều.
“Điểm của tôi phải mở cửa từ 7 giờ đến 22 giờ mới đáp ứng hết nhu cầu khách hàng. Nhiều người mua từ 5 tới 10 vé để mang về quê, thậm chí có khách mua 70 vé mệnh giá 10.000 đồng và 2 vé bao 5 mệnh giá 400.000 đồng/vé thuộc các kỳ quay số trúng thưởng ngày mùng 2 Tết và mùng 5 Tết. Nhờ đó, doanh thu của đại lý mỗi ngày tăng lên”, anh Hùng nói.
Còn ông Long - chủ một điểm bán vé ở quận Phú Nhuận cho biết, có doanh nghiệp đặt mua hàng nghìn vé thuộc kỳ quay số trúng thưởng ngày 3.2 (Mùng Bảy Tết), những người tới mua vé số điện toán không chỉ đặt kỳ vọng trúng giải Jackpot mà còn mong muốn may mắn sẽ mỉm cười với người khác nên họ mua vé số lượng nhiều để tặng bạn bè, người thân nhân dịp năm mới.
Tuy nhiên, người may mắn trúng giải Jackpot chỉ có một. Nhiều người đã thất vọng vì vận may không gọi tên mình và cũng không còn bỏ nhiều tiền mua vé số như trước.
Thành - bại kinh doanh phụ thuộc vào người chơi
Theo tìm hiểu của PV, trong những kỳ quay thưởng gần đây, dù chưa thể tìm ra chủ nhân của giải Jackpot. Tuy nhiên, khi giá trị giải độc đắc tăng dần theo thời gian, số người trúng các giải Nhất, Nhì, Ba cũng tăng theo.
Ở kỳ quay thưởng thứ 93, khi giá trị giải Jackpot chỉ là 17 tỷ, có 52 người trúng giải Nhất, 3.267 người trúng giải Nhì và 52.020 người trúng giải Ba. Tới kỳ quay thứ 94, số lượng người trúng thưởng có giảm xuống một chút. Nhưng bước sáng kỳ quay thưởng thứ 95, khi số tiền mà chủ nhân giải Jackpot nhận được có thể là 30 tỷ đồng, số lượng người trúng các giải nhỏ cũng gia tăng rõ rệt. Cụ thể, kỳ quay thưởng thứ 95 có 71 người trúng giải Nhất, 3.839 người trúng giải Nhì và 59.545 người trúng giải Ba.
Anh Hải (Chủ đại lý Vietlott Hà Thành) phân tích: “Ở đâu cũng vậy, khi giá trị giải Jackpot càng cao, số người tìm tới mua vé càng nhiều hơn. Nhưng khi giải thưởng quay về mốc 12 tỷ, doanh số bán vé của tất cả các cửa hàng đều giảm, đó là tâm lý người chơi. Bản thân tôi luôn có định hướng phát triển kinh doanh cho cửa hàng của mình chứ không phụ thuộc vào việc có người trúng Jackpot hay không, vì đó hoàn toàn là may mắn”.


Số tiền thưởng lớn khiến ai cũng muốn thử vận may

Còn anh Trần Trí Thành (Chủ đại lý Vietlott 49 Hàng Bún) cũng đưa ra thông tin, bình quân mỗi ngày cửa hàng của anh chỉ đạt doanh thu 15 triệu đồng. Giai đoạn doanh thu của cửa hàng đạt mức cao nhất chính là khoảng thời gian giữa kì quay thưởng thứ 68 và 69 khi giá trị giải Jackpot tăng từ 126 tỷ lên 159 tỷ đồng. Lúc đó, mỗi ngày cửa hàng thu về từ 40 tới 50 triệu đồng tiền vé.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Với việc giấu kín danh tính người trúng giải, Vietlott sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Nếu công khai tên tuổi của người trúng thưởng, đối với Vietlott sẽ có lợi hơn bởi chính hình ảnh của những người trúng Jackpot sẽ quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Vietlott mạnh mẽ hơn nữa”.
Còn với các chuyên gia tâm lý học, xổ số đi kèm một hiện tượng tâm lý được gọi là “sự thiên vị người thắng cuộc”, đó là khi mọi người liên tục được nghe về một số ít những người trúng độc đắc, nhưng chẳng ai nhắc tới hàng triệu triệu người khác đã tiêu tốn một khoản tiền vô ích.
Giáo sư ngành khoa học sức khỏe Robert Williams tới từ Đại học Lethbridge (Mỹ) từng giải thích hiện tượng này như sau: “ Khi tưởng tượng mình giật giải độc đắc, bạn sẽ nghĩ ngay đến số người ít ỏi đã giành được tiền thưởng chứ không mảy may để ý đến hàng triệu người mua mãi mà vẫn trượt.
Chỉ ai chiến thắng mới xuất hiện trên trang nhất các báo còn kẻ thua cuộc thì không bao giờ. Điều này càng khiến câu chuyện của những nhà vô địch khắc sâu trong tâm trí chúng ta và tô hồng cho khả năng kiếm được món hời khổng lồ. Chỉ cần có nửa dãy số trùng với số trúng thưởng, chúng ta lại nghĩ suýt nữa thì mình trúng và tiếp tục thử thêm nhiều lần”.
(Theo Dân Viêt) Hoàng Thắng
WHO cảnh báo virút cúm A(H7N9) thay đổi độc lực cao
Cập nhật lúc 16:25

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của vi rút cúm A(H7N9) ở gia cầm.

Kết quả hình ảnh cho gà cúm

Cụ thể như sau: Ngày 18/2/2017, WHO đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gien của vi rút được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A (H7N9) tại Quảng Đông, đã phát hiện một số thay đổi của vi rút cúm A (H7N9) cho thấy vi rút đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Trước đó, ngày 17/2/2017, theo thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Đài Loan (Trung Quốc) về kết quả giải trình tự gien của vi rút được phân lập từ 1 bệnh nhân cúm A (H7N9) tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát hiện sự thay đổi của vi rút cúm A (H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Sự liên tục thay đổi như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp, do đó quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của vi rút cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A (H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Theo thông báo từ phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại Bắc Kinh, trong đợt dịch lần thứ 5 này, có 8/86 (9%) mẫu vi rút cúm A (H7N9) trên người có dấu hiệu chỉ điểm về gen (genetic markers) kháng neuraminidase; tuy nhiên WHO chưa có bằng chứng để khuyến cáo các thay đổi về quản lí lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người.
Hơn 1.200 ca nhiễm vi rút cúm A (H7N9)
Từ tháng 10/2016 đến 22/2/2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận 425 trường hợp cúm A (H7N9) ở người. Cho đến nay, tổng cộng 1.223 trường hợp được chẩn đoán nhiễm vi rút cúm A (H7N9) đã báo cáo đến WHO từ tháng 3 năm 2013, trong đó từ tháng 10/2016 đến nay là 425, cao hơn nhiều so với cùng kì năm 2016.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A (H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo Sức khỏe và Đời sống

Ra đòn quyết định, Nga 'sáp nhập mềm' đông Ukraine?

Cập nhật lúc 16:09

 

(Tin tức 24h) - Sau khi công nhận giấy tờ của người dân, thiết kế lệnh ngừng bắn mới, Nga chính thức biến đồng rúp trở thành đơn vị tiền tệ tại miền Đông Ukraine.
Rúp Nga thành tiền chính tại Lugansk
Ngày 27/2, hãng tin RIA Novosti đưa tin, Hội đồng Bộ trưởng của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng tại miền Đông Ukraine đã thông qua nghị quyết cộng nhận đồng rúp của Nga trở thành đơn vị tiền tệ chính thức tại khu vực này bắt đầu từ ngày 1/3 tới.
Theo nghị quyết được thông qua, đồng rúp của Nga sẽ trở thành đơn vị tiền tệ chính thức tại LPR nhằm mục đích bình ổn hệ thống tài chính-tiền tệ tại nước cộng hòa tự xưng này.
Như vậy tính từ 1/3/2017, tất các giao dịch tài chính tại LPR sẽ được thực hiện chủ yếu bằng đồng rúp.
 Ra don quyet dinh, Nga 'sap nhap mem' dong Ukraine?
Từ 1/3/2017, tất các giao dịch tài chính tại LPR sẽ được thực hiện chủ yếu bằng đồng rúp
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền miền Đông Ukraine đề cập đến việc sử dụng tiền của Nga để thay thế tiền Hryvnia khi căng thẳng  giữa 2 miền ngày càng lên cao.
Trước đó, từ hồi tháng 8/2015, nước LPR đã thông qua quyết định đưa đồng rúp Nga trở thành đồng tiền chính ở thành phố miền Đông Ukraine này.
Phát biểu trước báo giới vào thời điểm đó, người đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng Gennady Tsyplakov tuyên bố biện pháp trên được dùng để đáp trả các động thái phong tỏa nền kinh tế khu vực từ Kiev.
Sau khi được thông qua, từ ngày 1/9/2015, tại khu vực miền Đông Ukraine, các khoản tiền lương, lương hưu và trợ cấp xã hội sẽ được thanh toán, chi trả bằng đồng rúp. Ngân sách và cả các hồ sơ tài chính, hồ sơ thuế trong khu vực này cũng sẽ được tính bằng rúp.
Chính quyền Ukraine hoảng loạn, dân miền Đông phấn khởi
Việc miền Đông Ukraine thông qua nghị quyết công nhận đồng rúp của Nga trở thành đơn vị tiền tệ chính thức tại LPR là động thái mới nhất cho thấy mong muốn xích lại gần với Nga của nước Cộng hòa tự xưng này.
Trước đó, bất chấp sự phản đối từ giới chức Kiev, điện Kremlin vẫn triển khai một loạt các chính sách nhằm hướng đến đối tượng là công dân Ukraine đang sinh sống tại khu vực miền Đông.
Cụ thể, hôm 18/2, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh yêu cầu giới chức nước này tạm thời công nhận các loại giấy tờ đăng ký dân sự tại khu vực miền Đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.
 Ra don quyet dinh, Nga 'sap nhap mem' dong Ukraine?
Chính quyền Tổng thống Ukraine Poroshenko hoảng loạn trong khi dân miền Đông phấn khởi trước chính sách mới của Nga
Theo thông báo, sắc lệnh liên quan đến giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học, giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn/ly dị, hồ sơ thay đổi tên, chứng tử, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và biển số xe.
Sputnik dẫn lời Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin xuất phát từ mối quan tâm nhân đạo.
Tuyên bố trên của điện Kremlin đã gây ra sự xáo trộn không hề nhẹ trong nội bộ Ukraine khi người dân miền Đông nước này háo hức còn giới chức Kiev bày tỏ nhiều phẫn nộ và không ngừng lên tiếng chỉ trích Nga.
Ngay sau động thái trên, xác nhận với báo chí ngày 22/2, ông Aleksandr Zakharchenko, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết số lượng người dân xin cấp giấy tờ tại khu vực này đã tăng mạnh.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, chính quyền đã phải điều động thêm nhân lực để giải quyết.
Theo phản ánh, tại trạm hải quan Uspenskays trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk, hàng ngày có nhiều người xếp hàng chờ đợi để vào lãnh thổ của Nga. Có người đi thăm người thân, có người đi vì mục đích công việc.
Người đứng đầu Dịch vụ di trú của Bộ Nội vụ DNR Vladimir Krasnosek khẳng định, chỉ mới tháng trước, cơ quan này đã cấp hơn 8 000 hộ chiếu.
Tình hình tương tự cũng diễn ra tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng. Ông Igor Kornet, người đứng đầu Bộ Nội vụ LPR cho biết, nhu cầu hộ chiếu tại khu vực này cũng đang tăng cao những ngày gần đây. Cụ thể, trung bình một ngày, ở LPR đang cấp hần 200 hộ chiếu cho người dân.
Quyết định công nhận một số giấy tờ tùy thân cấp cho người dân thường trú ở một số khu vực Donetsk và Lugansk thuộc miền Đông Ukraine của điện Kremlin đang đẩy chính quyền Kiev vào những bất lợi mới, nhất là việc duy trì thỏa thuận hòa bình vừa mới đạt được hôm 20/2.
Trao đổi với báo chí, Đại tá Oleksandr Motuzyanyk, phát ngôn viên quân đội chính phủ Ukraine cho biết căng thẳng chiến sự tại miền Đông Ukraine đã giảm được 10 lần nhưng tại vùng chiến sự tiếng súng vẫn xuất hiện.
Ông Motuzyanyk dẫn chứng, vào trưa 20/2, tại vùng Donetsk vẫn ghi nhận 24 vụ việc vi phạm lệnh ngừng bắn trong đó có tới 12 vụ liên quan tới vũ khí hạng nặng.
Tổng thống Peroshenko và giới chức Kiev cũng lên tiếng chỉ trích quyết định của Moskva, đồng thời gọi động thái trên là “sự leo thang cố tình”.
Ngoại trưởng Pavlo Klimkin cũng bày tỏ bức xúc khi khẳng định sắc lệnh của Tổng thống Putin đi ngược lại thỏa thuận Minsk mà các bên đã đạt được.
Rõ ràng, Nga đang triển khai một cách toàn diện các biện pháp nhằm gây sức ép lên chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko. Từ việc công nhận giấy tờ của các công dân miền Đông, nắm vai trò chủ đạo trong thỏa thuận ngừng bắn mới đến những tác động mới đây về kinh tế.
Nếu không có sự thay đổi và bị cuốn theo những chính sách mà điện Kremlin đưa ra, chắc chắn Ukraine sẽ ngày càng mất dần sự kiểm soát đối với khu vực miền Đông đồng thời đẩy người dân nước Cộng hòa này về phía Nga.
(Theo Đất Việt) Trung Dũng

Hà Nội: Bộ máy thay đổi thế nào sau sắp xếp, tinh giản?

Cập nhật lúc 16:00

Sau khi rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, Hà Nội đã giảm 59 phòng ban; giảm 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở...

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy 
Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy

Thông tin trên được ông Ngọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội báo báo cáo đoàn giám sát của Quốc hội về việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
7 quận không còn Hội Nông dân
Thống kê cho thấy, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội là 2.638 đơn vị, trong đó: 26 đơn vị trực thuộc Thành phố; 402 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban; 2.210 đơn vị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Tổng số biên chế viên chức được giao là 133.793 biên chế và hiện có 125.450 viên chức.
Thành phố đã hoàn thiện việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị, gồm các ban đảng Thành ủy, các đảng ủy khối, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố.
Cụ thể, sau sắp xếp đã giảm 1 đảng bộ khối trực thuộc Thành ủy, giảm 13 đầu mối phòng, ban (13,8%); giảm 9 đơn vị sự nghiệp (34,6%); ra chủ trương chấm dứt hoạt động của Hội Nông dân tại 7 quận; giảm 13 cán bộ cấp trưởng phòng, ban, giảm 27 cán bộ cấp phó phòng, ban và tương đương.
Cán bộ dôi dư sau sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ cho đến hết thời gian bổ nhiệm.
Tại HĐND thành phố, đã thực hiện tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, bàn giao tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức về Văn phòng Quốc hội theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ cấu tổ chức bộ máy các ban, Văn phòng Hội đồng nhân dân đảm bảo tinh gọn, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Đối với khối các cơ quan trực thuộc UBND Thành phố:
Tại các sở, đã hoàn thành rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của 22/22 sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm 46 phòng, ban so với hiện tại (22,5%), giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng.
UBND Thành phố chủ trương bảo lưu phụ cấp chức vụ đối với trưởng, phó phòng sau sắp xếp, kết hợp xem xét luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, sau sắp xếp giảm từ 401 xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%).
Sáp nhập hàng loạt
Tại các đơn vị, Ban quản lý dự án của Thành phố, đã hoàn thành, sắp xếp lại Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Thành phố; sáp nhập 3 Quỹ (Quỹ đầu tư phát triển Thành phố; Quỹ phát triển đất Thành phố; Quỹ bảo vệ môi trường thuộc sở Tài nguyên và Môi trường) thành 1 đơn vị trực thuộc Thành phố; sau sắp xếp giảm 27 Ban quản lý dự án, 2 quỹ; giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó.
Tại các quận, huyện, thị xã, Hà Nội đã tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; bỏ phòng Dân tộc tại 3 huyện, chức năng quản lý nhà nước về dân tộc giao về Văn phòng HĐND và UBND huyện.
Sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên;
Sáp nhập Trung tâm văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm thể thao và Đài phát thanh thành Trung tâm Văn hóa – Thông tin và thể thao, từ 78 đơn vị giảm còn 30 đơn vị;
Sáp nhập 24 Chi nhánh phát triển quỹ đất và 24 Ban bồi thường GPMB cùng địa bàn thành 24 Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND cấp huyện quản lý;
Xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Chính phủ sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã thuộc Sở Y tế thành Trung tâm Y tế- Dân số và giao cho UBND cấp huyện quản lý, từ 60 đơn vị giảm còn 30 đơn vị;
Sáp nhập các Ban quản lý chợ trên cùng địa bàn thành 01 Ban quản lý chợ; xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý sang hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp từ 23 đơn vị còn 13 đơn vị;
Sáp nhập Trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp huyện theo địa bàn, giảm 14 đơn vị;
Đổi tên Đội thanh tra xây dựng địa bàn thành Đội quản lý trật tự đô thị và giao UBND cấp huyện quản lý toàn diện.
Như vậy, đến nay thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban quản lý dự án, 02 quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban quản lý dự án và quỹ.
Tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; sau sắp xếp dự kiến giảm được 128 đầu mối đơn vị.
(Theo Tiền phong) Luân Dũng

27 tuyến đường BOT phải "cắt" cả trăm năm thu phí: Bộ Giao thông nói gì?

Cập nhật lúc 15:00

 

Lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lên tiếng sau kết quả kiểm toán đối với 27 dự án BOT phải rút ngắn thời gian thu phí. Theo Bộ GTVT, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình. Việc này không làm ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả.


Bộ GTVT cho biết, Bộ luôn cập nhật kiểm soát và cơ bản chi phí thực tế của các dự án đều giảm so với tổng mức đầu tư do một số nguyên nhân chủ yếu như: Tiến độ dự án được rút ngắn nên giảm bù giá vật liệu và giảm lãi vay trong thời gian xây dựng; Chỉ số giá xây dựng và lãi suất vốn vay trong giai đoạn 2012-2015 đều giảm so với giai đoạn 2009-2011 nên không sử dụng đến dự phòng trượt giá theo quy định; Quy mô các dự án đầu tư được tư vấn lập và Bộ GTVT phê duyệt phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và Quy hoạch đô thị các địa phương theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT đã rà soát và thấy rằng các quy hoạch đô thị được địa phương phê duyệt có quy mô lớn hơn nhu cầu thực tế giai đoạn này. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án nói riêng và của xã hội nói chung, Bộ GTVT đã chỉ đạo rà soát và điều chỉnh thu hẹp quy mô mặt cắt ngang các đoạn qua đô thị... dẫn đến giảm chi phí đầu tư.
27 dự án BOT sau kiểm toán bị yêu cầu rút ngắn thời gian thu phí 
27 dự án BOT sau kiểm toán bị yêu cầu rút ngắn thời gian thu phí

“Tất cả các hợp đồng BOT đều quy định, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến và thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thông tin thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu. Như vậy, thời gian thu phí không ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả mà phụ thuộc vào giá trị quyết toán và lưu lượng xe” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Theo Bộ này, nếu dự án đầu tư lập phù hợp, các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định và quản lý đầu tư tốt thì việc rút ngắn thời gian thu phí là tất yếu. Mỗi dự án cũng được dự liệu trước phương án điều chỉnh trong hợp đồng BOT.
Thực tế, một số dự án chưa được Kiểm toán nhà nước kiểm toán, trước đó, Bộ GTVT đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí. Dẫn chứng được đưa ra với dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu từ 21,33 năm xuống còn 10 năm 3 tháng. Dự án cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng…
Về tổng mức đầu tư dự án, theo quy định của Chính phủ, được tính là chi phí dự tính. Tổng mức đầu tư là cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Trong bước lập dự án đầu tư, không thể tính toán chính xác chi phí thực tế đầu tư xây dựng công trình. Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng thậm chí còn cho phép tính tổng mức đầu tư dựa trên suất vốn đầu tư xây dựng công trình.
Do vậy, giá trị tổng mức đầu tư không phản ánh đúng chi phí thực tế thực hiện công trình nên trong Hợp đồng BOT, Bộ GTVT và Nhóm công tác liên ngành (gồm có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, địa phương liên quan) đã quy định việc sử dụng giá trị quyết toán phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận là giá trị cuối cùng để xác định thời gian hoàn vốn cho dự án.
 Bộ GTVT cho biết, thời gian thu phí không ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả mà phụ thuộc vào giá trị quyết toán và lưu lượng xe
Bộ GTVT cho biết, thời gian thu phí không ảnh hưởng đến mức phí người dân phải trả mà phụ thuộc vào giá trị quyết toán và lưu lượng xe

Đối với chi phí dự phòng, theo quy định, khi sử dụng cho mỗi dự án phải được Bộ GTVT chấp thuận. Lãi suất thì được cập nhật theo thực tế khi vượt quá một biên độ nhất định. Các điều khoản này nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng công trình và xác định chính xác thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư.
Để làm cơ sở quyết toán điều chỉnh hợp đồng, từ ngày 28/4/2014, Bộ GTVT đã chủ động có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán tất cả các dự án BOT. Đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành 27 dự án và đang tiếp tục kiểm toán các dự án trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phân giao nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho các Ban QLDA quản lý, giám sát các dự án BOT trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi trong quá trình vận hành khai thác thu phí.
(Theo Dân trí) Châu Như Quỳnh
Bộ GTVT rất tài biện minh nhưng họ lại quên một điều sơ đẳng: Hàng hóa sản xuất ra phải được định giá và giá phụ thuộc chi phí đầu tư. Một loại hàng hóa (đường BOT) chưa biết chi phí giá thành là bao nhiêu (chưa quyết toán chi phí) mà đã quyết định cho nhà đầu tư bán! Vậy cái giá bán ấy căn cứ vào đâu ấy nhỉ?
Thương Giang

Đại án OceanBank: Có thể đề nghị bắt giữ người được triệu tập mà không đến

Cập nhật lúc 14:41

Ngày xét xử thứ hai, Chủ tọa phiên tòa đã công bố có thể đề nghị Cơ quan CSĐT tiến hành bắt giữ đối với những ai được triệu tập mà không đến.

Ngày đầu tiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm, TAND thành phố Hà Nội đã gửi giấy triệu tập 390 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, chỉ có 24 người xuất trình được Giấy Ủy quyền để tham dự, có rất nhiều người vắng mặt không lý do.
Ngay đầu ngày xét xử thứ hai, Chủ tọa phiên tòa đã công bố có thể đề nghị Cơ quan CSĐT tiến hành bắt giữ đối với những ai được triệu tập mà không đến.
Trong buổi sáng của ngày xét xử thứ hai, HĐXX tiếp tục nghe đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đọc bản Cáo trạng của vụ án.


Theo kết luận của Cáo trạng, trong quá trình hoạt động, OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng; gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với OceanBank và các cổ đông; ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của NHNN.
Nguyên nhân là do hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật của OceanBank – Ban Tổng Giám đốc OceanBank trong các thời kỳ, lãnh đạo các Khối nghiệp vụ ở Hội sở xuống đến lãnh đạo các Chi nhánh, Phòng giao dịch và các đối tượng có liên quan khác. Cụ thể là:
Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 179 Bộ luật hình sự. Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cùng với Phó TGĐ Nguyễn Văn Hoàn giải quyết cho Phạm Công Danh vay thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của NHNN, gây thiệt hại cho OceanBank 343,56 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính 201 tỷ đồng tiền lãi đến trước thời điểm 21/10/2014 (trong đó 81,211 tỷ đồng tiền lãi quá hạn; 16,84 tỷ đồng tiền phạt quá hạn và 103 tỷ đồng phạt gốc quá hạn);
Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự. Nguyên TGĐ Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao bàn bạc với Hà Văn Thắm đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức “thu phí” của khách hàng thông qua Công ty BSC, gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng 68,93 tỷ đồng;
Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo chủ trương và sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên hệ thống OceanBank, Nguyễn Minh Thu – TGĐ OceanBank, Lê Thị Thu Thủy – Phó TGĐ OceanBank, và Nguyễn Thị Minh Phương – Phó TGĐ OceanBank đã chỉ đạo lãnh đạo các Khối/Ban nghiệp vụ và các Chi nhánh/PGD thực hiện chi lãi ngoài hợp đồng huy động vốn, gây thiệt hại cho OceanBank số tiền 1,576 nghìn tỷ đồng ảnh hưởng đến việc đề ra các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của NHNN, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Chính phủ.
Theo Infonet.vn
Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2017
 Cập nhật lúc 14:27   

Theo Khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016, từ ngày 1/7/2017 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.300.000 đồng/tháng (mức lương cơ sở hiện hành là 1.210.000 đồng/tháng). Do đó, việc tăng lương cơ sở lần này sẽ làm căn cứ để tăng lương, phụ cấp, các chế độ khác...


Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016:
Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017.
Hai là, giao các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở.
Ba là, ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, việc tăng lương cơ sở lần này sẽ làm căn cứ để tăng lương, phụ cấp, các chế độ khác… như sau: Tăng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định của pháp luật; Tăng hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tăng các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Theo Tapchitaichinh.vn

Cấp phép cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia thứ 2

Cập nhật lúc 09:45                 

Chiều 27/2, Ban Tổ chức của cuộc thi Hoa hậu đại dương 2017 cho biết vừa nhận được giấy phép từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cuộc thi Hoa hậu đại dương lần 2 từ ngày 1/6 đến ngày 30/10/2017.


Hoa hậu đại dương Việt Nam 2014 Đặng Thu Thảo - Ảnh: BTC
Sau cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 thì Hoa hậu Đại dương Việt Nam là cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia thứ 2 được cấp phép tổ chức trong năm nay.
Theo quy định hiện hành, mỗi năm sẽ chỉ có 2 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép. Như vậy đây sẽ là cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia cuối cùng được cấp phép trong năm 2017. 
Vòng sơ tuyển khu vực miền Bắc của Hoa hậu đại dương Việt Nam 2017 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/9, khu vực miền Nam tại TP HCM vào ngày 22/9.
Vòng chung kết sẽ được tổ chức tại Bình Thuận từ ngày 11/10 đến ngày 28/10. Đêm chung kết sẽ được tổ chức vào ngày 28/10 tại nhà hát Huyền thoại Làng Chài tại Mũi Né, TP Phan Thiết.
Theo nhà thiết kế Võ Việt Chung, một trong những thành viên của Ban Tổ chức cuộc thi năm nay, cũng là người sáng lập và Chủ tịch cuộc thi Hoa hậu đại dương Việt Nam thì đây là công trình vừa được khánh thành với khu vực sân khấu nước đẹp mắt, có kinh phí đầu tư hơn 50 tỉ đồng.
Đêm chung kết dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp trên hai kênh VTV9 và VTV2.
Năm 2014, cuộc thi Hoa hậu đại dương lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành tỉnh Bình Thuận đã gọi tên người người đẹp 19 tuổi Đặng Thu Thảo (đến từ Cần Thơ) cho ngôi vị cao nhất của cuộc thi.
Các thành phần Ban Giám khảo sẽ là những ngôi sao, người mẫu, nghệ sĩ có ảnh hưởng trong giới thời trang như người đẹp Lý Nhã Kỳ, hoa khôi Lan Khuê, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…

Theo Báo Tuổi trẻ