Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

 2 vợ chồng, 1 tháng 3 lần trúng số triệu đô

 Cập nhật lúc 20:15

(VTC News) - Một lần trúng giải xổ số 1 triệu USD đã là hiếm, nhưng đôi vợ chồng ở Virginia (Mỹ) lại có tới hai lần sở hữu giải thưởng giá trị này, chưa kể một lần trúng số 50.000 USD.

Điều thú vị là cả 3 lần trúng xổ số của hai vợ chồng Calvin và Zatera Spencer đều diễn ra trong cùng một tháng. Vận may lần đầu mỉm cười với họ hôm 12/3 khi cặp đôi đến từ Portsmouth giành giải xổ số 1 triệu USD của Powerball. Đây là một trong những giải xổ số lớn nhất nước Mỹ với khá nhiều người bất ngờ thành triệu phú nhờ may mắn.

Vé số mà vợ chồng Spencer mua hôm 12/3 có 5 số đầu trùng với kết quả xổ số công bố đêm đó của Powerball.

Theo thông tin trên trang web Powerball, xác suất người chơi thắng 1 triệu USD chỉ là 1/5 triệu. Còn nếu ai may mắn trúng giải độc đắc thì khoản tiền tổng cộng lên tới 60 triệu USD.
 2 vợ chồng, 1 tháng 3 lần trúng số triệu đô
Đôi vợ chồng siêu may mắn với giải thưởng 1 triệu USD của Powerball. 

Ngày hôm sau, 13/3, ông Spencer ghé một cửa tiệm bán đồ tiện ích và mua một thẻ cào. Lần này, may mắn tiếp tục đứng về phía ông khi Spencer lại thu về một giải thưởng trị giá 1 triệu USD nữa. Quá vui sướng, ông Spencer đã kêu lên: "Em yêu, chúng ta lại làm được rồi!". Được biết, vợ chồng ông Spencer có thể nhận số tiền 1 triệu USD này trong vòng 30 năm nhưng họ quyết định sẽ nhận toàn bộ giải thưởng ngay lập tức.

Chưa hết, vào 26/3, cặp đôi siêu may đã trở thành chủ nhân giải thưởng trị giá 50.000 USD sau khi mua vé số của Pick 4. Virginia Lottery cho hay, xác xuất thành công với loại xổ số này là 1/1 triệu.

Calvin và Zatera Spencer khẳng định, họ sẽ tiếp tục chơi xổ số. Ông Spencer tự tin cho biết: "Chúng tôi vẫn chưa dừng lại đâu".

Huyền Trang (VTCnews, theo Daily Press)

Phó thủ tướng muốn rút đăng cai Asiad, quan chức lo uy tín QG

Cập nhật lúc 20:00

Được biết, tại phiên giải trình lần 2 của Bộ VH-TT &DL và Ủy ban Olympic VN hôm 29/3, sau khi nghe ý kiến từ một số bộ ngành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức ASIAD 18.rn

Tính phương án rút hoặc xin hỗ trợ tối đa
Ông Đam nói: “Tôi đề nghị một mặt các bộ phải chốt lại xem cần bao nhiêu tiền để tổ chức ASIAD 18, mặt khác nên tính phương án rút”.
Tuy nhiên, ông Vũ Đức Đam vẫn yêu cầu lãnh đạo ngành phải làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và một số đối tác về phương án rút.
Trường hợp không thể rút được thì phải đề nghị OCA hỗ trợ tối đa cho VN, phải tính cách tổ chức thật sự tiết kiệm và không đặt nặng vấn đề phải có nhiều thành tích khi VN là nước chủ nhà.
 Phó thủ tướng muốn rút đăng cai Asiad, quan chức lo uy tín QG - Ảnh 1
Theo nguồn tin riêng, ngay từ đầu ông Đam đã thấy không yên tâm về chuẩn bị của ngành (thể thao). Nhiều dấu hỏi đã được đặt ra từ chuyện có hay không tư tưởng “mượn” ASIAD để xây dựng thêm công trình; chuyện xã hội hóa kiểu “đếm cua trong lỗ”…
Ông Đam tỏ rõ thái độ không hài lòng: Bao nhiêu vấn đề dân sinh bức thiết mà không có tiền. Quyết chi một đồng cũng phải tính kỹ. Thế này thì sao quyết được!
Sau khi nghe ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều ý kiến cho rằng, rất khó rút lui khi VN đã nhận quyền đăng cai tổ chức kỳ tranh tài thể thao này.
Trước đó, tháng 11/2012, Hội đồng Olympic châu Á (OCA) công bố Việt Nam sẽ là chủ nhà của ASIAD18 năm, diễn ra vào năm 2019 (ASIAD 18). Dự kiến, nước đăng cai bỏ ra 150 triệu USD để đầu tư cho công tác tổ chức.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh con số kinh phí 150 triệu USD. Dẫn chứng cho thấy, ASIAD 2006 tại Qatar là 2,48 tỷ USD, Á vận hội 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc) vào khoảng 20 tỷ USD, hay con số này dự kiến ở Incheon, Hàn Quốc cuối năm nay đã là 1,1 tỷ...
Do vậy, nhiều người lo ngại về tính khả thi cũng như sự tính toán kỹ lưỡng của con số nói 150 triệu USD tại Việt Nam.
Ngày 18/4 vừa qua, trong phiên giải trình với Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VH-TT - DL Hoàng Tuấn Anh khẳng định tính khả thi của con số 150 triệu USD cho sự kiện này.
Phó thủ tướng muốn rút đăng cai Asiad, quan chức lo uy tín QG - Ảnh 2 
Sân Mỹ Đình được xây dựng để phục vụ SEA Games 2003 tại VN nay cũng đã xuống cấp.

Theo Bộ trưởng, con số 150 triệu USD trong đề án ASIAD là hoàn toàn khả thi, sau khi đã được tách riêng những chi phí phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, địa điểm thi đấu sang ngân sách trung ương nằm trong chiến lược phát triển chung.
Nhiều quan chức quyết tâm làm ASIAD 18
UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên vừa có Công văn số 1090/UBVHGDTTN13 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ý kiến về việc tổ chức Asiad 18 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ).
Trong đó đặt câu hỏi "nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?. “Đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 - 2019. Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ phải có trọng tâm, trọng điểm; chủ yếu tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của Đại hội”.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình theo tinh thần: “Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa”.
Ông Tiến phân tích: “Trình độ VĐV, HLV và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, ông Đoàn Thao, người luôn gắn bó với chặng đường phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua bày tỏ: “Việc đăng cai ASIAD 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân nên giờ đừng nói chuyện thoái thác nữa, trừ khi đất nước có sự cố, thiên tai, chiến tranh. Việc rút lui là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được.
Tổ chức ASIAD trên tinh thần tiết kiệm vừa thúc đẩy sự phát triển của đất nước, vừa tạo sức bật cho thể thao VN vươn lên như điều chúng ta đã làm được sau SEA Games 22. Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai ASIAD mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm”.
Trăn trở trước một số ý kiến còn trái chiều trong việc đăng cai ASIAD 18 - 2019, GS.TS Dương Nghiệp Chí - người từng phục vụ 8 đời thủ trưởng Ngành TDTT (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng) phân tích: “Giờ chúng ta đã nhận đăng cai Đại hội rồi thì cũng không nên nói tới việc rút lui nữa, bởi như thế chúng ta sẽ đẩy các nước khác trong châu lục vào thế bị động trong việc chuẩn bị cho Đại hội, vì thời gian bây giờ không còn nhiều.
Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai ASIAD là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?
Còn những lo lắng về chuyện lãng phí, tôi cho rằng nếu chúng ta làm bài bản, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí, tránh tham nhũng, thì dân người ta sẽ hiểu. Mà như tôi đã nói đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, nó có mất đi đâu, những công trình thì còn đó với thời gian, cho con cháu chúng ta sử dụng, còn những giá trị về tinh thần, về việc chấn hưng sức mạnh tinh thần của một dân tộc thì không thể lượng hóa được”.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trong phiên giải trình ngày 18- 3 cho rằng, nếu xin rút lui trong hoàn cảnh này sẽ gặp nhiều bất lợi, đặc biệt là quan hệ ngoại giao và hình ảnh đất nước. Việc tổ chức Đại hội làm được nhưng cần đảm bảo phương án triển khai tiết kiệm và tận dụng triệt để những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có và phải chấp nhận một tỷ lệ tốn kém nhất định.

"Giải trình" về kinh phí ASIAD của Việt Nam là 150 triệu USD
Thông tin kinh phí cho công tác tổ chức ASIAD 18 - 2019 đã tăng gấp hai lần so với con số 150 triệu USD đã được công bố trước đó khiến cho ngay cả những người soạn dự thảo đề án cũng phải ngạc nhiên, bởi thông tin đó không đúng sự thật.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết, Bộ VHTTDL đã có tờ trình (số 125/TTr-BVHTTDL, ngày 29- 6-2012) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động đăng cai Asian Games 18-2019. Trong đó ghi rõ: Tổng kinh phí dự kiến chi cho công tác tổ chức ASIAD 18 là 4.162.749.999.000 đồng, trong đó dự toán tổng số kinh phí chi từ ngân sách nhà nước cho công tác tổ chức ASIAD 18 là 3.149.790.000.000 đồng, chưa đến 150 triệu USD.
Từ đó cho tới nay, qua nhiều lần soạn thảo, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, các địa phương đăng cai Đại hội, các đại biểu Quốc hội... con số 150 triệu USD từ ngân sách nhà nước chi cho công tác tổ chức Đại hội, chưa hề thay đổi.
Tuy nhiên, quy hoạch về cơ sở vật chất của TP Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt nên kinh phí tổ chức ASIAD 18 tại VN dự kiến thấp hơn rất nhiều so với kinh phí tổ chức của các kỳ ASIAD gần đây. Chẳng hạn như tại ASIAD 15 - Qatar 2006, BTC chi khoảng 2,8 tỉ USD; tại ASIAD 16 - Quảng Châu, Trung Quốc 2010, BTC chi 17 tỉ USD, bao gồm cả việc xây dựng một thành phố mới, hệ thống tàu điện ngầm và hoàn thiện mạng lưới giao thông; tại ASIAD 17 Incheon, Hàn Quốc 2014, BTC dự kiến chi khoảng 1,62 tỉ USD cho công tác tổ chức Đại hội. Incheon xây mới tới 23 công trình phục vụ Đại hội, trong đó SVĐ chính sẽ khánh thành vào tháng 4 tới với sức chứa 61.000 chỗ ngồi.
(Theo Người đưa tin)
Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang tận Pakistan

Cập nhật lúc 14:02               

Vừ Già Pó, một người đàn ông Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) bị cho là mất tích cách đây 2 năm, không hiểu bằng cách nào lưu lạc hơn 5.800 km băng qua Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).


Già Pó vượt qua quãng đường từ Mèo Vạc đến Pakistan dài khoảng 5.800 km - Ảnh: Na Sơn
Anh bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad rồi chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum từ tháng 10.2013 đến nay vì không thể xác minh được nhân thân. Trước đó, anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang lơ ngơ xâm nhập biên giới từ phía bang Jamu & Kashmir của Ấn Độ. Đây vốn dĩ là vùng tranh chấp căng thẳng, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt giữa 2 quốc gia Nam Á.
Kẻ đột nhập nói ngôn ngữ lạ lùng
Dựa vào cách phát âm khi được bàn giao từ Lực lượng Tình báo quân đội Pakistan (MI - Military Intelligence), anh được cảnh sát phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad đặt tên là Wu Ta Puma. Trên người anh không một mảnh giấy tờ tùy thân, không biết một thứ tiếng nào để giao tiếp ngoài ngôn ngữ rất lạ lùng của mình. Sau thời gian kiểm tra an ninh, đơn vị tình báo quân đội bàn giao người đàn ông cho cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm của tiểu bang (CIA - Crime Investigation Agency) đóng ở Muzaffarabad tiếp nhận để điều tra tiếp vì tội xâm nhập bất hợp pháp. Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo địa phương, dẫn lời của ông Raja Yasir, một điều tra viên cho biết: “Ban đầu chúng tôi nghĩ anh ta bị câm vì chả nói năng gì cả, có lẽ do quá hoảng loạn. Tuy nhiên sau khoảng 10 đến 12 ngày, anh ta bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng kỳ lạ của mình mà chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu được”.
Ông Raja Yasir sau đó đã mời một số công nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm việc tại một số công ty xây dựng ở Muzaffarabad đến để thử giao tiếp và “giám định” xem nhưng cũng không một ai hiểu được ngôn ngữ của anh cả. Ông Yasir cũng cho biết thêm là cơ quan điều tra cũng không nhốt anh vào buồng giam có khóa hay gửi anh ta vào nhà tù trung tâm vì e ngại “anh ta sẽ ở đó đến cuối đời mất”. Không khai thác, điều tra được gì từ kẻ đột nhập nói thứ ngôn ngữ lạ lùng ngoài cái tên mà dựa theo phát âm là: Wu Ta Puma, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm tiểu bang đành gửi Wu Ta Puma về đồn cảnh sát thị trấn nhỏ Athmuqam vùng Neelum cách đó 75 km về phía bắc, nơi gần với biên giới chỗ anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được vào trung tuần tháng 11.2013.
Mừng rỡ khi nhìn thấy cờ Việt Nam, tiền Việt Nam
Ở Đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Wu Ta Puma cũng không bị giam giữ. Anh được bố trí ở khu nhà đổ trong khuôn viên, sau lưng trụ sở đồn. Sự xuất hiện của anh ở thị trấn nhỏ cũng là một sự kiện gây xôn xao cho cư dân nơi đây với rất nhiều tò mò. Amiruddin Mughal, một phóng viên ảnh tự do, cộng tác viên của Reuters và EPA tại Neelum và cũng là một biên tập viên của Đài truyền hình địa phương Saama TV đã đến đưa tin. Trả lời người viết, anh cho biết: “Tôi gặp anh ta ở Đồn cảnh sát Athmuqam, anh ta được tự do đi lại trong khu vực đồn với sự cho phép của cảnh sát. Họ cung cấp cho anh ta 3 bữa ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng những người dân xung quanh còn mang cho anh ta một ít thức ăn và cho tiền tiêu vặt nữa”. Lần gặp gỡ ấy, Amiruddin thất bại trong việc làm tin tức vì không khai thác được thông tin gì từ Wu Ta Puma do chả ai hiểu ai nói gì, anh chỉ quay một đoạn video trong đó Wu Ta Puma nói hơn 2 phút rồi post lên trang cá nhân của mình kêu gọi mọi người ai hiểu được ngôn ngữ và biết thông tin gì thì báo về cho anh để giúp người đàn ông kia tìm được gia đình.
Cảnh sát ở Athmuqam nhận định Wu Ta Puma chỉ đi lạc vào đất Pakistan chứ không có động cơ gì khác nên họ đối xử thoải mái với anh. Họ còn mua cho anh quần áo ấm, mũ len vì thời tiết ở vùng ven Himalaya này rất lạnh. Cảnh sát cũng nhờ các cơ quan, báo chí, truyền thông sở tại giúp tìm tông tích gia đình Wu Ta Puma để anh sớm đoàn tụ mặc dù đây thực sự là công việc “mò kim đáy bể”.
Thật may mắn là vài ngày sau đó, có người đã giúp cảnh sát ở thị trấn Athmuqam xác định được quốc tịch của Wu Ta Puma. Đó là ông Mukhtar Qureshi, nhân viên của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ địa phương đến đồn cảnh sát. Ông mở mạng internet, tìm hình ảnh cờ và tiền giấy của những nước châu Á và cho Wu Ta Puma xem. Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, “Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng: những thứ này của tôi” - ông Mukhtar cho biết. “Sau đó, với sự nhẫn nại quan sát ngôn ngữ cử chỉ kết hợp với những gì anh ta nói, tôi có thêm một số thông tin là: anh ta có vợ và có 5 con, 2 con gái lớn và 3 con trai nhỏ. Bố mẹ anh ta đều đã chết. Và những ngày sau đó thì anh ta trở nên muộn phiền, khóc lóc thảm thiết cả ngày lẫn đêm” - ông Mukhtar trao đổi thêm.
Mấy hôm sau, ông Mukhtar Qureshi đã viết thư, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad về câu chuyện của Wu Ta Puma. Trong thư có đoạn viết: “Với lòng từ tâm của một con người và cũng là người đang làm việc cho một tổ chức nhân đạo, tôi gửi những thông tin này cho các ông để xem xét và có hướng giải quyết tiếp theo”. Bức thư gửi ngày 7.1.2014. (Còn tiếp)
(Theo Thanh niên) Na Sơn

  Đổi giấy phép lái xe ở TPHCM:

Chỉ mất 15 phút nếu nhờ 'cò'

Cập nhật lúc 09:17                 
Nhiều người muốn đổi giấy phép lái xe phải chờ từ sáng đến chiều vẫn không được nhận hồ sơ. Nhưng nếu họ chi tiền cho cò thì trong vòng 15 phút, hồ sơ sẽ được hoàn tất.

Công khai ra giá

Sáng 28/3, tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), Sở Giao thông vận tải TP.HCM (số 252 Lý Chính Thắng, quận 3), chúng tôi chứng kiến lực lượng cò vẫn tích cực hoạt động.
Dọc đường hẻm đến nơi làm hồ sơ, cò sắp hàng chờ sẵn. Bên hông con hẻm, có hàng loạt điểm chụp hình, photocopy hoạt động. Nhiều cò cho biết nếu xếp hàng để lấy số thì... còn khuya mới tới lượt. Còn chịu chi chút đỉnh tiền “trà nước” thì chỉ việc đợi 10 - 15 phút là sẽ được gọi vào nộp hồ sơ.
Trong khi chúng tôi còn đang chần chừ, một cò đặt thẳng vấn đề: “Nếu đổi bằng B1 thì tốn 500.000 đồng, đổi bằng B1 và cả A1 thì 700.000 đồng. Chị đồng ý thì đi khám sức khỏe rồi đem hồ sơ ra đây, 10 phút sau, chị được vô nộp hồ sơ, chụp hình liền”.
Sau khi xem qua hồ sơ, người này cho biết hồ sơ ở các tỉnh, thành khác thì phải đem đến 3 địa chỉ: số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), hoặc số 4 Nguyễn Tri Phương (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức), hay số 111 Tân Sơn Nhì (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú).
Thấy tôi tỏ vẻ ngại xa, người này liền trấn an: “Chị cứ đưa hồ sơ đây, tôi có đường dây khắp các điểm này sẵn sàng lo cho chị, chỉ cần chị hẹn đúng giờ đến chụp hình”.


 

Trong khi bên ngoài nhiều người phải chờ nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe (ảnh trên) thì bên trong nơi giải quyết hồ sơ vẫn vắng hoe
Trong khi bên ngoài nhiều người phải chờ nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe (ảnh trên) thì bên trong nơi giải quyết hồ sơ vẫn vắng hoe. (Họ ngồi không để chờ cò chứ không chờ dân!)

Có tiền là làm được ngay                            
Có mặt tại điểm đổi GPLX ở số 111 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú lúc 9h30, ngày 28/3, đập vào mắt chúng tôi là thông báo: Hết nhận hồ sơ. Những hàng ghế bên ngoài chật cứng người ngồi đợi. Giữa cái nóng như thiêu, ai cũng bực mình vì tấm bảng hết nhận hồ sơ trưng ra từ lúc 8h30 nhưng chỉ cần đút tiền cho cò là được kêu tên vào ngay.
Thấy chúng tôi vừa bước vào, một thanh niên tiếp cận: “Hồ sơ chỉ nhận đầu giờ sáng và đầu giờ chiều là ngưng, muốn nhanh chị cứ chi cho tôi 500.000 đồng là xong liền. Tụi tôi có được ăn hết đâu. Phải chia cho nhiều người lắm, chỉ còn vài chục ngàn à. Tôi lo cho chị vô chụp hình đến khi được tấm giấy biên nhận hẹn ngày lấy bằng thì chị hãy đưa tiền”.

Đổi giấy phép lái xe: Khi khó đã có... 'cò'

Người nào muốn nhanh, thay vì nộp 135.000 đồng theo quy định thì bỏ ra 600.000 đến 1 triệu đồng nhờ “cò”, chỉ 2 phút là xong thủ tục.

Bên cạnh chúng tôi đã có vài người sốt ruột. Một chị tên H. đồng ý chi tiền cho cò. Chỉ 5 phút sau, cò gọi chị H. vô phòng chụp hình nộp hồ sơ. Thêm 2 phút nữa, cò mang giấy hẹn đưa tận tay cho chị H. và nhận 500.000 đồng trước mặt của nhiều người.
Mặc dù vậy, ông Lê Tuấn Anh, Tổ trưởng tổ tiếp nhận hồ sơ GPLX tại số 111 Tân Sơn Nhì, , vẫn “lạc quan” cho rằng các nhân viên vẫn đang làm việc hết mình và không có việc ưu tiên cho cò. Ông Tuấn Anh còn cho rằng không có việc nhân viên bắt tay với cò để ưu tiên nhận hồ sơ sớm.
Nhưng thực tế cho thấy chỉ khi nào chi tiền cho cò thì mới được hoàn tất hồ sơ đổi GPLX nhanh chóng. Nhiều người nghi ngờ việc nhân viên ở cơ sở này không nhận hồ sơ từ rất sớm là để dành “đất” cho cò hoạt động. Tất cả những việc này ai cũng biết nhưng chẳng làm gì được vì “quy trình” làm hồ sơ qua cò rất kín kẽ.
Phản ứng khi bị chụp hình
Chúng tôi trở vào phòng nhận hồ sơ lúc này đã 10h, tấm biển trong phòng vẫn còn ghi: Hết nhận hồ sơ. Cạnh đó, 4 nhân viên nữ đang ngồi hầu như không làm việc, căn phòng trống trơn không có khách hàng nào được bén mảng tới khi chưa được gọi tên.
Chúng tôi vừa đưa máy ảnh ra chụp hình, 4 nhân viên nữ lập tức la lối: “Ai cho chị chụp hình?”. Một nam nhân viên ngồi phòng kế bên liền chạy theo đòi lấy máy ảnh để xóa hình. Nhiều người đang chờ làm thủ tục bức xúc: “Làm việc kiểu ầu ơ, chờ cò đem hồ sơ vào mới làm, tại sao không nhận hồ sơ của mọi người chờ từ sáng đến giờ mà chỉ tích cực làm hồ sơ cho cò”. Lúc này, mọi việc mới yên.

Quảng Ngãi san lấp di tích quốc gia để phân lô bán nền

Cập nhật lúc 08:44                  
VOV.VN - Thành cổ Châu Sa vốn là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam của người Chăm trước kia, nay đang đứng trước nguy cơ biến dạng.
Sở dĩ có tên như vậy vì di tích  này nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, cách trung tâm thị xã khoảng 7km về hướng đông bắc. Năm 1994, Bộ Văn hoá Thông tin nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận thành cổ Châu Sa là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện di tích này đang bị xâm lấn và có nguy cơ bị “xóa sổ”.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, thứ X thì Châu Sa, tỉnh Quảng Ngãi là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam của người Chăm. Thành lũy này được đắp bằng đất nay chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, cao 6m, chu vi chừng 4km. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nối với Cổ Lũy, vốn là tiền đồn của người Chăm.
 
Di tích thành cổ Châu Sa. (ảnh: Báo Quảng Ngãi)
Người có công phát hiện ra thành cổ này  vào năm 1924 là nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư người Pháp H.Parmentier. Năm 1988, qua một đợt khảo sát, PTS Lê Ðình Phụng ở Viện Khảo cổ phát hiện thêm gọng phía tây của thành. Và Châu Sa không chỉ có thành nội mà còn có thành ngoại với phạm vi rất rộng. Bây giờ, thành Châu Sa lại bị san lấp để "phân lô bán nền”. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên trên nền di tích Quốc gia khiến người dân hết sức bất bình.
Ông Đặng Sách, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phản đối: "Bây giờ lấp thành không còn ý nghĩa gì nữa. Sau này bỏ ra một trăm lần để tôn tạo lại thì rất tốn kém của nhân dân.”
Thành cổ Châu Sa đang bị biến dạng và xâm hại trầm trọng. Người dân xót xa mà chính quyền địa phương thì phớt lờ. Nhiều người dân ở khu vực thành Châu Sa không đồng tình với cách làm của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc để di tích thành cổ Châu Sa bị xâm hại như ngày hôm nay, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh.
Ông Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Theo đúng Quyết định của UBND tỉnh ban hành, trách nhiệm của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ có Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu di tích Sơn Mỹ, các bảo tàng chuyên đề. Ngoài ra, các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trên địa phương nào thì thuộc về quản lý và bảo vệ của địa phương đó."
Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân khi để xảy ra tình trạng thành cổ Châu Sa, một di tích quốc gia bị xâm hại và đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Trước mắt, Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi nên khẩn trương vào cuộc để bảo vệ di tích này./.
Anh Vinh/VOV - Miền Trung

Nhà công vụ và Nhà của Chủ tịch Nước!

 Cập nhật lúc 08:37                  

(Dân trí) - Ngay cái tên Nhà công vụ nó đã rất rõ nghĩa, đó là nhà của công, dành cho cán bộ công chức làm việc công. Vậy thì khi không còn là công chức hoặc do yêu cầu của công việc không cần hoặc không còn làm việc công nữa thì trả lại. Có thế thôi.
(Minh họa: Ngọc Diệp) 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 01/2014/TT – BXD qui định về việc thu hồi nhà công vụ, theo đó các trường hợp sau phải trả lại: “Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; Người thuê nhà có nhu cầu trả lại; Người đang thuê nhà ở công vụ bị chết; Người thuê nhà sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người thuê nhà…”.
Thông tư 01 là để nhằm cụ thể hóa Điều 61, luật Nhà ở 2005: “Nhà ở công vụ phải được sử dụng đúng mục đích và đúng đối tượng. Khi hết tiêu chuẩn thuê nhà ở công vụ hoặc chuyển đến nơi khác hoặc nghỉ công tác thì người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm trả lại nhà ở công vụ”.
Thế nhưng xem ra việc thực hiện Thông tư này ngay từ lúc đầu đã có những phản ứng khác nhau.
Trên báo Đời sống & Pháp luật ngày 27/3, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN- MT bày tỏ: Cán bộ về hưu vẫn giữ nhà công vụ là trái luật, nếu không thu hồi được có thể dùng đến biện pháp cưỡng chế. Vì chúng ta có thể cưỡng chế đối với người dân, không có lý do gì lại không cưỡng chế với những cán bộ về hưu cố tình làm trái luật”.
Còn trên báo Tiền phong ngày 21/3, bài “Nhà công vụ không phải là “lộc” để chia”, GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và NĐ của QH) nói: Nhà công vụ không phải “lộc” để chia cho con cháu. Có thể nói đây là hành vi chiếm dụng tài sản nhà nước”.
Ông Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Hà thì nói thẳng tưng: “Hết hạn là trả, không phân biệt cấp cao hay thấp”.

Đúng thế, chuyện chả có gì đáng tranh cãi cả bởi “Nhà công vụ” theo Wikipedia, đó là “nhà được phân cho người đang làm việc công (thường là người có chức quyền hoặc cán bộ công nhân viên chức hoặc người có nhiệm vụ đặc thù), dùng để ở, tiếp khách hoặc các chức năng khác nhằm mục đích phục vụ việc công”.

Mà ngay cái tên Nhà công vụ nó đã rất rõ nghĩa, đó là nhà của công, dành cho cán bộ công chức làm việc công. Vậy thì khi không còn là công chức hoặc do yêu cầu của công việc không cần hoặc không còn làm việc công nữa thì trả lại. Có thế thôi.
Nhưng vấn đề, trăm sự là ở cái sự… không muốn trả.
Cũng trên báo Tiền Phong, bàiKhông trả nhà công vụ, quan chức nói gì?, một vị nguyên Thứ trưởng đang ở Nhà công vụ đặt câu hỏi rất… hồn nhiên: “Theo quy định thì phải trả lại nhà, nhưng trả rồi mình biết ở đâu?khiến TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW phải đặt câu hỏi lại: Bảo trả nhà không biết ở đâu, vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao?”.
Có lần mình chứng kiến một người bán hàng trả nhầm tiền người mua hàng vì tưởng tờ 20 ngàn là 500 ngàn, cô bán hàng cám ơn rối rít khiến người “được” trả nhầm… phát cáu: “Ơn huệ gì. Có phải của tôi đâu mà tôi lấy”.
Cái chân lý giản dị, cái gì không phải của mình thì mình không nhận là lẽ bình thường ở đời mà xem ra ở đây có vẻ khó thực hiện.
Chợt nhớ cách đây hơn một năm (cuối tháng 10/2012), khi   tiếp xúc với cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rất giản dị rằng khi nghỉ ông sẽ về quê, trả lại nhà cho Đảng. “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”.
Một vị đứng đầu Nhà nước của một quốc gia ở một căn nhà có 51 mét vuông, khi về hưu vẫn trả lại nhà là một tấm gương sáng để cán bộ công chức cả nước phải học tập.
Nên mong rằng đừng có ai để đến mức phải “cưỡng chế” bởi thế thì… xấu hổ lắm lắm!  
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám
Các vị quan chức cố giữ nhà công vụ không muốn trả có nghĩ dân tình sẽ đặt câu hỏi: Làm đến chức vụ cao như vậy mà không tự lo được cho bản thân cái nhà thì có đáng không? Và họ còn lo được cho dân cho nước cái nỗi gì?
Thương Giang

Từ 2015 lương hưu sẽ giảm mạnh?

Cập nhật lúc 08:22                  
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lương hưu của cán bộ, viên chức nhà nước, công chức tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2015 sẽ thay đổi cách tính, thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu như hiện nay sẽ phải tính là bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội giống như đối với người lao động khu vực ngoài Nhà nước.

Lao động ngoài Nhà nước thiệt thòi
Ông Lê Hoàng Anh làm việc tại một công ty liên doanh ở Hà Nội mới bắt đầu nhận lương hưu vào tháng 2/2014. Trước khi làm việc tại công ty liên doanh, ông Hoàng Anh có 17 năm làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, tính chung lại, tổng số thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của ông là 24 năm. Do kết thúc thời gian làm việc tại công ty liên doanh nên cơ quan bảo hiểm xã hội tính lương hưu cho ông Hoàng Anh bằng 53% tổng mức lương bình quân của cả quá trình 24 năm ông Hoàng Anh tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy lương hưu của ông Hoàng Anh sẽ giảm vì phải chia đều cho cả 24 năm làm việc, trong khi những năm đầu làm việc mức đóng bảo hiểm thường rất thấp.

 bảo-hiểm, xã-hội, lương-lưu, công-chức, viên-chức, thu-nhập, lạm-phát, đời-sống
Với cách tính mới lương hưu có thể sẽ giảm mạnh.

Trong khi đó, nếu tiếp tục làm việc trong khu vực Nhà nước, lương hưu của ông Hoàng Anh sẽ được tính bằng 53% tổng số lương bình quân theo tháng của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Với tốc độ tăng lương tối thiểu nhanh như thời gian vừa qua, theo cách tính này ông Hoàng Anh sẽ được lợi vì không phải bù cho thời gian đóng rất thấp trước đó.
“Với cách tính này, rõ ràng người làm trong khu vực Nhà nước được ưu ái hơn trong chính sách bảo hiểm xã hội. Điều đó, không chỉ làm người lao động tại khu vực ngoài Nhà nước thiệt thòi, mà còn là sức ép cạnh tranh về lao động với các doanh nghiệp tư nhân”, ông Đỗ Minh Thăng - Giám đốc Công ty TNHH VietMod nhận xét.
Sẽ chung công thức tính
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội do Bộ LĐ,TB&XH đang xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, những người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ thời điểm này sẽ có chung cách tính lương hưu theo bình quân tháng của tổng số thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Minh Huân, do quá trình phát triển của Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ thay đổi các cách tính lương khác nhau nên chưa thể áp dụng ngay một công thức chung cho tất cả các đối tượng người lao động. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự luật chọn việc áp dụng cách tính lương hưu đồng nhất sẽ được thực hiện với những người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội kể từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, dự kiến từ ngày 1/1/2015.
Như vậy theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới trên 62,3 triệu lao động hiện đang tham gia BHXH. Cách tính lương hưu vẫn sẽ áp dụng hai cách tính như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, với cách tính hiện tại có phần ưu ái hơn cho những lao động thuộc khu vực Nhà nước. Trong xu hướng lương tối thiểu chung áp dụng cho khu vực Nhà nước đang tăng với mức khoảng 10-15% mỗi năm như hiện nay, người lao động khu vực Nhà nước sẽ vẫn được hưởng lương hưu cao dù đóng BHXH thấp hơn khu vực ngoài Nhà nước.
Theo Giaothongvantai

Có lẽ do lo "thủng" quỹ lương hưu nên Bộ LĐTBXH lại tính đến bài toán dễ nhất là cắt xén lương của đối tượng chính sách. Ai cũng biết đồng tiền của ta mất giá rất nhiều hàng năm do lạm phát. Với cách tính mới này e rằng người ta phải "chia sẻ" thu nhập hiện tại cho 10 năm trước. Thử một ví dụ: chẳng hạn 10 năm trước mức lương 1 người là 3 triệu (đã là khá cao), nay người có mức lương đó đang là 6 triệu (được khoảng 2 năm mức lương này), họ phải cộng vào chia bình quân (8 năm x 3 tr +2 năm x 6 tr) = 36 triệu chia 10=3,6 triệu. Vậy là gần như phải trở lại mức lương cách đây 10 năm! Thật buồn vì "phú quý dật lùi".
Thương Giang  

Đường sắt Việt Nam: Độc quyền vì lợi ích nhóm?

Cập nhật lúc 08:01                  

Tuổi thọ trên trăm tuổi, cầu Long Biên vẫn từng ngày oằn mình đón những chuyến tàu ngược xuôi. Anh: Hồng Vĩnh

TP -Hơn 120 năm, ngành đường sắt Việt Nam không có nhiều đổi thay: Cao điểm mua vé tàu như thời bao cấp, đắt đỏ; hạ tầng lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường... Gần 10 năm trước, Quốc hội quyết định tách ngành đường sắt: Hạ tầng riêng với vận tải để có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, đến nay, mọi thứ vẫn là một khối bùng nhùng, tạo điều kiện cho tiêu cực len lỏi.
Việc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam nắm các khâu (hạ tầng và vận tải) được cho là một mình một chiếu, dễ dẫn đến tiêu cực. Khi xảy ra sự cố, không cá nhân tập thể nào chịu trách nhiệm ...
Phải “tách” mới ngăn được tiêu cực
Tiến sỹ giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, ông rất ngạc nhiên khi biết Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) mới đây công bố đạt lợi nhuận 170 tỷ đồng trong năm 2013. Ông Thủy cho rằng, một năm ngân sách cấp cho ngành đường sắt 2.000 tỷ để duy tu bảo dưỡng đường, chưa kể xây dựng các công trình lớn. Trong khi đó, năm 2013, ngành này chỉ nộp về cho ngân sách 1.000 tỷ. “Tính tổng thể, phải gọi là lỗ nặng chứ không thể lãi” – tiến sỹ Thủy nói.


Ngành đường sắt "ôm" cả hạ tầng và vận tải để làm gì?. Ảnh: hồng vĩnh

Phân tích thêm về công tác quản lý duy tu bảo dưỡng hạ tầng ở Tổng Cty ĐSVN, một chuyên gia về đầu tư xây dựng cho rằng: Việc nhà nước cấp một khoản kinh phí cho Tổng Cty ĐSVN rồi đơn vị này phân bổ cho các công ty con duy tu bảo dưỡng đường dễ nảy sinh tiêu cực. 
“Nếu tiền được rót thẳng, không qua đấu thầu thì làm sao xác định được đơn giá chính xác để thay một tà vẹt hay đắp thêm một khối đá.  Lúc đó sẽ phát sinh ra việc trích phần trăm hoa hồng giữa các lãnh đạo...” – vị này nói. 
Vì thế, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, bước tiếp theo của Bộ GTVT sau khi tách khối hạ tầng khỏi đường sắt (nhưng Tổng Cty ĐSVN còn chần chừ) là sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu chọn đơn vị tham gia bảo dưỡng khai thác hạ tầng như đang làm với đường bộ.
Ở khối vận tải cũng bộc lộ những dấu hiệu tiêu cực từ sự độc quyền trong mô hình quản lý. Cuối năm 2013, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có tới 24 doanh nghiệp tham gia thuê toa xe của Tổng Cty ĐSVN, riêng tuyến Hà Nội - Lào Cai, số toa xe cho thuê là 67/76 toa. 
Các toa xe xã hội hóa này có giá vé cao (doanh nghiệp tự đặt ra giá dịch vụ ngoài vé tàu) nên tạo ra bức xúc trong dư luận ở những thời gian cao điểm đi lại. Tuy nhiên, việc thuê toa xe không theo tiêu chí rõ ràng. Thậm chí có doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh vận tải đường sắt cũng thuê toa xe.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cho tư nhân thuê toa xe như vậy là cách lấy tài sản của nhà nước (toa xe) làm giàu cho một số cá nhân. Các cá nhân này có thể là công ty sân sau của lãnh đạo tổng công ty này. Điều này không những làm thất thu ngân sách mà tạo bức xúc trong xã hội.
“Một mớ hỗn loạn”
Lý do được các thế hệ lãnh đạo của tổng công ty này (thậm chí cả lãnh đạo đương chức) muốn trì hoãn việc tách các khối này là khó có sự chỉ đạo thống nhất khi xảy ra sự cố đường sắt, dễ gây rối loạn trong điều hành.


Cầu Long Biên do Tổng Cty ĐSVN bảo trì với kinh phí 7 tỷ đồng/năm. Ảnh: Sỹ Lực

Về điểm này, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Sau khi tách thành khối vận tải, điều hành chạy tàu và hạ tầng, Tổng Cty Đường sắt hiện nay chỉ giữ vai trò là doanh nghiệp quản lý khai thác hạ tầng. Khi một đoàn tàu hoạt động, doanh nghiệp sở hữu đoàn tàu sẽ ký hợp đồng với đơn vị có hạ tầng và điều độ. Trong quá trình hoạt động, nếu xảy ra chậm trễ trong chạy tàu hay sự cố, chỉ cần căn cứ theo hợp đồng để quy trách nhiệm. 
“Các bên ký kết hợp đồng với nhau. Bên nào sai, người đó chịu trách nhiệm; không phân xử được thì đưa ra tòa. Bây giờ, dù tổng công ty này có quyết liệt làm, cũng như múa tay trong bị không ai giám sát được. Khi xảy ra sự cố, trách nhiệm như một mớ hỗn loạn, không thể quy được cho ai” – ông Hùng nói.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc tách bạch giữa hạ tầng và kinh doanh là xu thế của nhiều ngành và được triển khai từ lâu trên thế giới. Trong nước, hàng không, đường bộ, đường thuỷ hay hàng hải đều vận hành như vậy nên đường sắt cũng cần nhanh chóng thực hiện. “Trên tàu, khách ngồi cả hành lang, trước cửa nhà vệ sinh đến nỗi muốn đi vệ sinh cũng không được. Lỗi là của ngành đường sắt, nhưng họ vừa đá bóng, vừa thổi còi làm sao tự xử lý được” – TS Doanh nói.
Trong bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cũng như hàng không, việc tách hạ tầng và vận tải sẽ làm đường sắt tốt hơn. Cùng với cổ phần hóa, sự tham gia của tư nhân, đây là con đường ngắn nhất để chấm dứt việc nấu canh bằng nước lã, dịch vụ kém chất lượng. “Cứ thử tách ra xem có rối loạn không? Rối loạn hay không là do ta tự nghĩ” – ông Thăng nói.
(Theo Tiền phong) Sỹ Lực
Quanh các công trình, sự kiện thể thao: Những “nỗ lực” khoan thủng ngân sách

Cập nhật lúc 07:50                


Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) chưa khai thác hết hiệu quả.

Không chỉ các công trình ngàn tỉ dự kiến sẽ xây dựng cho ASIAD 18 - 2019 gây lo lắng về sự lãng phí. Những sự kiện thể thao mang tính quốc gia như Đại hội TDTT toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng cũng có hiện tượng dùng những khoản ngân sách lớn để tổ chức, xây dựng các công trình thể thao mà hiệu quả không cao đối với người dân.
Hội chứng thích “đăng cai”
Trở lại chuyện xin đăng cai ASIAD 18 của VN. Khác với hình ảnh đại diện các quốc gia ăn mừng khi có quyền đăng cai World Cup hay Olympic thì những sự kiện thể thao nhỏ hơn ngày càng thiếu sức cạnh tranh.
Hiện tượng các quốc gia từ chối đăng cai SEA Games hay ASIAD ngày càng nhiều. 4 năm trước, khi Hội đồng Olympic Châu Á nhận hồ sơ đăng cai ASIAD 18 thì có tới 5-6 quốc gia và vùng lãnh thổ xin đăng cai, gồm: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, UAE và Việt Nam. Thế rồi, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ xin rút không tranh cử.
Nên nhớ Ấn Độ từng tranh giành đăng cai ASIAD 17 - năm 2014 với Hàn Quốc, nhưng khi thất bại thì chính họ đã cho rằng “may mắn khi thua cuộc”, khi ông Bộ trưởng thể thao Ấn Độ thừa nhận: “Tiền nhà nước được ưu tiên cho việc xây nhà ở cho cả tỉ dân nghèo trong nước hơn là chạy theo những vòng nguyệt quế thể thao vốn chưa cần thiết, trong khi người dân Ấn Độ còn đang nghèo đói”.
Cho đến “vòng chung kết” quyền đăng cai ASIAD 18, chỉ còn UAE, Indonesia và VN. Ngay trước khi bỏ phiếu, nước giàu nhất là Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) xin nhường “quyền” cho 2 nước nghèo nhất là VN và Indonesia tranh đăng cai một đại hội thể thao tốn kém hàng tỉ USD (căn cứ vào chi phí mà TP.Quảng Châu bỏ ra ở năm 2010). Hà Nội - VN thắng Surabaya - Indonesia một cách khá... dễ!
Ngay thời điểm ấy, dư luận đã đặt câu hỏi: “Nên hiểu là Việt Nam “bị” đăng cai hay “được” đăng cai ASIAD?”.
Chưa hết, “hội chứng thích đăng cai” còn thể hiện ở việc VN khá “hăng hái” trong việc xin đăng cai những đại hội thể thao lớn. Năm 2016 sẽ đăng cai Đại hội thể thao biển Châu Á, năm 2019 đăng cai ASIAD và năm 2021 đăng cai SEA Games.


 Được xây quy mô lớn, nhưng Cung thể thao Tiên Sơn chỉ dùng tổ chức các sự kiện thể thao nhỏ.

Điều đáng nói là, dù trong 2 năm (2019 và 2021) đăng cai 2 đại hội khủng, nhưng lại chơi sang - khi ASIAD tổ chức ở Hà Nội, còn SEA Games dự kiến ở TPHCM. Điều này có nghĩa là, những công trình làm cho ASIAD 18 sẽ chẳng giúp gì cho SEA Games, còn TPHCM sẽ phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây các công trình thể thao để đăng cai “ao làng” SEA Games.
Khoan thủng ngân sách?
Trên thực tế, việc đăng cai ASIAD hay SEA Games không nằm ngoài cuộc đua thành tích: Tốn tiền đăng cai để có cơ hội đoạt thành tích cao. Với ASIAD là top 10, với SEA Games là nhất toàn đoàn.
Không chỉ với những sự kiện thể quốc tế, ngay ở những sự kiện trong nước, còn có hiện tượng muốn đăng cai để đạt 2 mục đích: 1 - có thành tích cao, 2 - có tiền ngân sách xây công trình thể thao. Tất nhiên, xây nhà thi đấu, sân vận động cũng tốt, nếu người dân được hưởng lợi từ những công trình đó và nó phát huy đúng hiệu quả, công năng.
Nhưng thực tế không phải vậy. Đại hội TDTT toàn quốc là một cuộc chơi tốn tiền (trên thế giới chỉ còn 2 nước duy trì mô hình đại hội TDTT toàn quốc là VN và Trung Quốc). Mỗi địa phương đăng cai là tính chuyện xin ngân sách xây nhà thi đấu.
Khi Đà Nẵng đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2010, công trình lớn nhất là Cung thể thao Tiên Sơn, có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, quy mô xây dựng 40.000m2, có 6.000-7.000 chỗ ngồi. Nhưng, sau đại hội đó, cung thể thao đẹp nhất, nhì Đông Nam Á này chỉ dùng tổ chức các sự kiện thể thao nhỏ, sức hút chỉ vào trăm khán giả.
Tác dụng chính của Cung thể thao Tiên Sơn là tổ chức các sự kiện ca nhạc, tạp kỹ, thi hoa hậu nhằm có nguồn thu để…bảo dưỡng và trả lương cho cán bộ, nhân viên. Điều đáng nói là trong khi Cung Tiên Sơn đang bị cho là lãng phí, thì Đà Nẵng đã có quyết định xây khu liên hợp thể thao Hòa Xuân ở quận Cẩm Lệ với công trình chủ đạo là sân Chi Lăng mới, quy mô dự kiến tương đương sân…Mỹ Đình.
Năm 2014, đến lượt Nam Định và các tỉnh lân cận đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc, gần 2.000 tỉ đồng tiền ngân sách được chi vào các công trình. Toàn Nam Định có gần 10 nhà thi đấu, nhưng vẫn được duyệt cho xây 1 nhà thi đấu đa năng có vốn 855 tỉ đồng, bể bơi có mái che 150 tỉ cùng 100 tỉ để cải tạo các nhà thi đấu cũ.
Cũng trong khuôn khổ đại hội, Thái Bình được đầu tư 400 tỉ đồng xây nhà thi đấu đa năng chỉ để chơi bóng chuyền trong khi địa phương này đã có 1 nhà thi đấu 1.600 chỗ. Ngoài ra, Hà Nam cũng được đồng ý để xây nhà thi đấu đa năng. Riêng Hà Nam có một sân vận động đồ sộ, có vốn gần 100 tỉ đồng, nhưng hiện chỉ dùng vào việc vài năm tổ chức môn bóng đá nữ một lần.
Gần như có một "phong trào" đua đăng cai để được xây dựng. Bởi vậy, khi An Giang lên kế hoạch xin đăng cai đại hội TDTT toàn quốc sau... 4 năm nữa, họ đã đưa ra một đề án siêu khủng với tổng vốn đầu tư các công trình phục vụ thi đấu lên đến 3.425 tỉ đồng (ngân sách trung ương 1.690 tỉ, địa phương là 1.710 tỉ).
Theo đề án, An Giang sẽ xây sân bóng mới trị giá gần 1.000 tỉ đồng, nhà thi đấu đa năng 300 tỉ, bể bơi 200 tỉ, trường đua xe lòng chảo 150 tỉ và 1.000 tỉ đồng để đầu tư cho các sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu nhỏ hơn ở các huyện.
Một trong những địa phương có ý “cạnh tranh” với An Giang là Cần Thơ cũng lên kế hoạch xin đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Cần Thơ là địa phương từng tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2012 với “di chứng” là hàng loạt các nhà thi đấu đa năng cho học sinh không phát huy được hiệu quả.
Được biết, kinh phí cho Cần Thơ chi cho Hội khỏe Phù Đổng là trên 1.000 tỉ đồng. Trước đó, từ năm 2003 đến 2008, Phú Thọ đã chi hàng ngàn tỉ đồng để tổ chức một số môn ở SEA Games 22 - năm 2003 và Hội khỏe Phù Đổng 2008. Tuy nhiên cho tới nay, khu liên hợp thể thao tỉnh Phú Thọ đã xuống cấp trầm trọng và đang bị "xẻ thịt" để làm sân bóng đá cỏ nhân tạo, dịch vụ rửa - trông xe ô tô, quán bia...
Ông Bùi Trung Dung - Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng): Chủ trương đầu tư hiện đang gói gọn trong ngành TDTT, được ngành này áp đặt, chứ không chú trọng đến công năng sử dụng. Tới đây chỉnh sửa Luật Xây dựng, theo tôi phải nghiên cứu lại để sau khi khai thác, sử dụng cho hiệu quả, chứ không thể để lãng phí. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT: Chỉ xây mới những công trình mang tính bắt buộc, với quy mô, mức độ phù hợp và dứt khoát phải kèm theo những phương án sau ASIAD sẽ sử dụng như thế nào, bảo quản và khai thác ra sao. Như nhà thi đấu đua xe đạp lòng chảo, chúng ta thậm chí còn chưa có VĐV môn này, thì liệu có nhiều người dân tập luyện?
(Theo Lao động) Thành An
GS Ngô Thế Chi:Vốn ODA với nguy cơ Việt Nam vỡ nợ
Cập nhật lúc 07:38                  
 (Tài chính) - Nếu cứ vay bằng được mà không tính toán đến hiệu quả thì một lúc nào đó sẽ rơi vào tình trạng bị vỡ nợ...
GS.TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính phân tích.
Mất nhiều hơn được?
PV: - Ông nghĩ sao, khi có đến hai nghi án công ty của Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam liên quan đến ODA giữa 2 nước đều bắt đầu từ thông tin trên báo chí Nhật Bản?
GS Ngô Thế Chi: - Theo tôi, những nước phát triển, trong đầu tư, sử dụng vốn họ rất công khai minh bạch nên mới có chuyện người ta biết còn Việt Nam lại không biết.  

GS Ngô Thế Chi 
GS Ngô Thế Chi
Tôi thì không thấy bất ngờ trước thông tin hố lộ mà họ đưa ra, nhưng cũng thấy bất ngờ vì một quốc gia mà cứ để xảy ra tình trạng như thế này. Điều này chứng tỏ công tác quản lý đang có vấn đề.
PV: - Một chuyên gia về ngành giao thông cho biết, với những dự án từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, có đấu thầu cũng chỉ chọn trong những nhà thầu Nhật Bản. Trước đó, nhiều ý kiến cũng đã nhận định, giá công trình, dự án ODA từ nguồn Nhật Bản thường cao gấp nhiều lần từ các nước khác.
Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đút lót, bôi trơn để được trúng thầu như trường hợp trên, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: - Tôi không bình luận chuyện hối lộ hay không, nhưng nếu để đảm bảo tính công khai minh bạch thì không nhất thiết phải là bên cho vay mới được chỉ định nhà thầu.
Tuy nhiên, quốc tế cũng có những luật riêng mà Việt Nam phải tuân thủ vấn đề là sử dụng nó như thế nào.
Điều này phụ thuộc vào hai vấn đề, một là tính công khai minh bạch, thứ hai là cái tâm của bên cho vay và người đi vay.
Phải khẳng định, nếu không có lãi họ không bao giờ cho vay chính vì vậy họ phải có cả chiến lược để tính toán cho cái lợi của họ. Ngay cả việc bỏ tiền hối lộ để thắng thầu mà thực tế đã thấy.
Nhưng, số tiền bôi trơn chỉ là một phần rất nhỏ, nguồn lợi lớn họ có chính là từ các dự án giải ngân ODA.
Vì vậy, VN phải có sự tính toán, kiểm soát làm sao hiệu quả đối với những dự án này. Để làm được việc này bắt buộc phải lựa chọn những nhà thầu đáng tin cậy. 
Nếu quản lý không tốt, cái Việt Nam mất còn nhiều hơn gấp nhiều lần cái mà chúng ta được.
PV: Nếu vậy, được vay ODA cũng không hoàn toàn là niềm vui?
GS Ngô Thế Chi: - Thực tế cũng phải nhìn nhận những mâu thuẫn, nước nghèo không có tiền sẽ không làm được gì?
ODA sẽ là niềm vui lớn nhưng đó là niềm vui khi nó được sử dụng hiệu quả. Và chỉ khi nào lợi ích quốc gia được đặt lên trên, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm lúc đó dân mới không lo phải còn lưng trả nợ.
Đi vay tiền là bị phụ thuộc!
PV: - Chính các học giả Nhật Bản cũng đã thừa nhận, ODA chính là binh pháp mới, là “sát thủ kinh tế” của Nhật Bản. Theo đó, chính những hiệp hội nghề nghiệp của Nhật Bản sẽ lựa chọn “con mồi” để cho vay.
Họ sẽ tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo”, hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật” và “đưa ô nhiễm của Nhật ra nước ngoài”. Ông nhìn nhận về quan điểm này của các học giả Nhật Bản như thế nào? 
GS Ngô Thế Chi: - Việt Nam là nước còn hạn chế về kinh nghiệm, trình độ quản lý, tư duy lạc hậu.
Do đó, nếu không có tính toán kỹ thì kiểu gì bên đi vay cũng phải chịu thua thiệt. Bên cho vay họ luôn xác định chắc chắn việc đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt đối với những nước tư bản phát triển như Nhật thì mục tiêu về lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu.  
Vì vậy, không chỉ riêng ODA mà ngay cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác cũng vậy, dưới những hình thức khác nhau, họ sẽ nuốt hết những lợi nhuận còn Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị phụ thuộc vào họ. 
Do đó, Việt Nam phải tỉnh táo, không phải vì lý do nghèo mà chấp nhận bằng mọi giá.
PV: - Vậy với góc độ người đi vay chúng ta phải hiểu về ODA này như thế nào. Nó có đơn giản là "vay hôm nay ngày mai phải trả", thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: - Theo tôi, khi đi vay là cần thiết đối với một nước như Việt Nam nhưng phải tính toán để tiền vay đó mang lại hiệu quả. Nếu cố vay bằng được mà không có khả năng trả thì sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.
Nó không chỉ đơn giản là gánh nặng nợ nần cho những giái đoạn sau này.
Mối nguy vỡ nợ...
PV: - Một vấn đề không thể không thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng của các công trình ODA Nhật Bản. Rất nhiều công trình đã gặp sự cố, thậm chí sự cố nghiêm trọng (như vụ sập cầu Cần Thơ).
Vay vốn giá cao, nhận công nghệ thấp, phần tăng trưởng cho kinh tế từ các dự án ODA lại giành cho nước ngoài. Thưa ông, phải chăng Việt Nam không có lựa chọn nào khác nên buộc phải chọn cách phát triển thiệt đơn thiệt kép như vậy?  
GS Ngô Thế Chi: - Tôi không cho rằng vay vốn ODA là thiệt đơn thiệt kép, vấn đề ở đây là phải có sự tính toán kỹ chứ không phải vay bằng mọi giá nhưng lại không hiệu quả.  
Không nên quá nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Phải vận động vào sức mình là chính.  
Trước mắt, có thể nhìn thấy có những công trình nọ, công trình kia được xây dựng nhưng tới một lúc nào sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ. Và như vậy, sẽ là gánh nặng cho thế hệ sau còng lưng đi trả nợ. 
PV: - Vậy, về phần mình, Việt Nam cần phải có chiến lược và “thế trận” thế nào để sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả, tương thích với đối phương, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: - Theo tôi, trước hết phải cải tổ tư duy của bộ máy quản lý nhà nước. Nhất là những người có trách nhiệm từ đó mới có sự đổi mới, tính toán hiệu quả chứ không phải bằng mọi giá phải huy động nguồn vốn đó được.
Còn giữ tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ huy động dự án ODA kiếm lời rồi không ai chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng đến ai thì làm sao tốt lên được.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Đất Việt) Nguyễn Vũ