Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Kinh tế

 

Lùm xùm giá nước Nhà máy nước mặt Sông Đuống: Hà Nội có “ưu ái” thái quá cho doanh nghiệp?

Cập nhật lúc 15:19               

Cùng là những doanh nghiệp sản xuất nước sạch bán buôn lớn nhất cho Hà Nội nhưng giá nước sạch tối đa mà lãnh đạo TP.Hà Nội giai đoạn 2016 - 2019 tạm tính cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống gấp tới hơn 200% giá bán thực tế của Nhà máy nước Sông Đà. Thậm chí các lãnh đạo sở chức năng của Hà Nội từng đề xuất dùng ngân sách thanh toán cả chi phí lãi vay mà doanh nghiệp phải trả ngân hàng.

 

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống. Ảnh: L.Đ

Giá nước được áp gấp tới 200%

Ngoài những dấu hỏi quanh việc Nhà máy Nước mặt Sông Đuống (nhà máy Sông Đuống) có phá vỡ Quy hoạch cấp nước Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, giá nước sạch tối đa cao chót vót mà TP.Hà Nội áp dụng cho doanh nghiệp vào năm 2017 cũng như đề xuất dùng ngân sách Nhà nước cấp bù cho nhà máy tới gần 200 tỉ đồng chỉ riêng trong năm 2019 cũng là những nội dung gây rất nhiều ồn ào trong dư luận thời gian qua và đặt ra câu hỏi có hay không sự “ưu ái” thái quá mà lãnh đạo TP.Hà Nội những năm trước đây từng dành cho Nhà máy Sông Đuống.

Văn bản gây rất nhiều ồn ào chính là việc UBND TP.Hà Nội vào tháng 7.2017 ký Quyết định 3310 về việc chấp nhận giá bán nước tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy Sông Đuống. Điều bất ngờ là mức giá tạm tính này lên tới 10.246 đồng/khối, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng kèm theo một lộ trình tăng giá được ấn định ở mức tối đa 7%/năm. Mức giá này dù được lãnh đạo TP.Hà Nội giải thích chỉ làm căn cứ để chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống triển khai dự án, nhưng mức giá quá cao gây rất nhiều hoài nghi về mục đích thực sự bởi ở cùng thời điểm, giá bán buôn của Nhà máy Nước Sông Đà chỉ chưa đầy 5.100 đồng/khối. Việc lãnh đạo TP.Hà Nội tạm tính một mức giá quá cao cho chủ đầu tư nhà máy Sông Đuống còn gây thắc mắc bởi theo chính Quyết định 38/2013 được UBND TP.Hà Nội ban hành trước đó, mức giá bán nước sạch tới người dân chỉ gần 6.000 đồng đến gần 8.700 đồng/khối với các hộ sử dụng đến 30 khối và chỉ với các hộ sử dụng trên 30 khối, mức giá bán mới là hơn 15.900 đồng/khối.

Cấp bù 200 tỉ đồng, tính cả lãi vay

Song phải đến cuối năm 2018, đề xuất bù giá tới gần 200 tỉ đồng cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống cho lượng nước mà nhà máy này bán ra trong năm 2019 mới thực sự gây ồn ào và không ít phản ứng trái chiều trong dư luận. Cụ thể vào thời điểm ngày 27.12.2018, một liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Tài chính TP.Hà Nội, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống thống nhất ký tờ trình số 9068 đề nghị UBND phương án cấp bù tạm thời 200 tỉ đồng cho Nhà máy Sông Đuống, dựa trên sản lượng dự kiến mà nhà máy này sẽ bán ra trong năm 2019.

Điều đáng nói là ở tờ trình này, mức giá bán buôn của nhà máy Sông Đuống cho các đơn vị lưu thông nước được ấn định là 7.700 đồng/khối và vẫn cao hơn nhiều giá nước bán buôn cùng thời điểm của Nhà máy nước Sông Đà. Cơ sở của đề xuất cấp bù gần 200 tỉ đồng này là do giá mua vào cao, doanh thu tiền nước so với tổng tiền mua nước đầu vào cộng chi phí lưu thông của 2 đơn vị là Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội bị âm (-) tới gần 156 tỉ đồng. Trong khi đó với Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, liên ngành nói cũng trên đề xuất TP.Hà Nội xem xét chấp thuận tạm thời thanh toán chi phí cho doanh nghiệp này số tiền 8.871,17 đồng/khối. Và do chênh lệch hơn 1.171 đồng/khối so với giá bán buôn cho các đơn vị lưu thông nước là 7.700 đồng/khối, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống cũng cần được bù giá tới hơn 43,6 tỉ đồng cho sản lượng nước bán ra trong năm 2019.

Con số đề xuất thanh toán chi phí 8.871,17 đồng/khối cho Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống tiếp tục gây thêm các bất ngờ khi được giải thích là dựa trên tính toán các chi phí nguyên vật liệu, điện năng, nhân công, xử lý bùn thải, tỉ lệ thất thoát 3%, khấu hao tài sản cố định và cả lãi vay ngân hàng mà doanh nghiệp đang “định kỳ phải trả nợ gốc theo lãi vay”. Chưa kể mức thanh toán chi phí 8.871,17 đồng nói trên (tương ứng hơn 86% giá nước tối đa áp cho Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/khối) vẫn chưa bao gồm các chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì và lợi nhuận của doanh nghiệp…

Tuy nhiên trong văn bản trả lời công văn của UBND TP.Hà Nội liên quan đến việc cấp bù cho Công ty Cổ phần nước mặt Sông Đuống, Bộ Tài chính khẳng định đối với khoản chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định. Riêng với việc cấp bù cho đơn vị sản xuất và 2 đơn vị lưu thông nước nói trên, Bộ Tài chính cũng cho rằng các đơn vị sản xuất - kinh doanh nước sạch chịu trách nhiệm về số liệu đưa vào tính toán. Sở Tài chính chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hợp lệ của số liệu đưa vào tính toán và kết quả tính toán giá tạm tính, phương án giá của đơn vị phân phối bán lẻ làm cơ sở tính toán khoản cấp bụ từ ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo: “Trường hợp thực hiện quyết toán thuế đối với cơ quan thuế hoặc kiểm toán báo cáo tài chính với Kiểm toán Nhà nước, hoặc thanh tra, kiểm tra có những khoản chi phí không được coi là hợp lý, hợp lệ để hạch toán trong chi phí theo kết luận của các cơ quan này thì các đơn vị sản xuất – kinh doanh nước sách phải giảm giá bán tương ứng đồng thời nộp ngân sách số tiền chênh lệch”.

Đã tính đủ nên không thực hiện… cấp bù?

Sau rất nhiều ồn ào của dư luận quanh khoản cấp bù 200 tỉ đồng, điều bất ngờ dù là một trong 5 đơn vị ký vào tờ trình đề xuất bù giá của liên ngành vào tháng 12.2018, Giám đốc mới của Sở Tài chính TP.Hà Nội (từ tháng 9.2019) là ông Nguyễn Việt Hà tại một cuộc họp của Thành ủy Hà Nội vào cuối năm 2019 lại khẳng định: Mức giá 7.700 đồng/khối là mức giá hiệp thương tạm tính để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ. Cũng theo ông này, theo các Quyết định 38/2013 và 39/2013 của UBND TP.Hà Nội về giá tiêu thụ nước sạch, TP.Hà Nội đã tính đúng, tính đủ các chi phí của các đơn vị sản xuất và cung cấp nước nên… không thực hiện cấp bù.

N.Văn

(Theo Lao Động) Văn Nguyễn

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

Lao động-Xã hội

 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công đoàn:

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình phương án duy trì 2% kinh phí công đoàn

Cập nhật lúc 16:07

Nhiều ý kiến thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công đoàn đồng tình với phương án duy trì 2% kinh phí công đoàn.

 

Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại phiên họp. Ảnh T.Vương

Sửa đổi Luật Công đoàn đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới

Sáng nay (29.9), Uỷ ban về Các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể lần thứ 18 cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Dự phiên họp có Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc này xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời kỳ mới. Đồng thời, yêu cầu từ việc thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cùng với đó là các yêu cầu về hội nhập kinh tế, quốc tế.

 

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh T.Vương

Theo đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Cụ thể, dự thảo Luật hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn. Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới. Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ Luật Lao động 2019.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, về cơ bản hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Hồ sơ dự án Luật đã đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động, mặc dù Tổng LĐLĐ không đề nghị sửa đổi nội dung này nhưng các sửa đổi, bổ sung tại các điều khác lại có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn này.

 

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. Ảnh T.Vương

Trước mắt, Ủy ban tán thành với quan điểm và Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn. Điều này phù hợp với thực tiễn pháp luật của nước ta, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.

Đây là nguồn kinh phí giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm để Công đoàn Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động và nhất là công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Nhiều đại biểu tán thành cần thiết phải duy trì kinh phí 2%

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) tán thành với quan điểm cần phải sửa đổi Luật Công đoàn trong bối cảnh mới.

Góp ý một số nội dung cụ thể, ông Phương cho rằng, cần phải có những quy định trong luật để tổ chức công đoàn tiếp cận được với các doanh nghiệp. Hay quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách công đoàn.

Nhất trí với phương án về việc thu 2% kinh phí công đoàn tuy nhiên đại biểu Phương cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần có những thuyết minh, giải trình cụ thể nhu cầu sử dụng kinh phí công đoàn, tài chính công đoàn, các giải pháp quy định về sử dụng phần kết dư kinh phí công đoàn nếu có…

Thảo luận tại phiên họp, Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Đoàn Quảng Bình. Ảnh T.Vương

Về nguồn kinh phí công đoàn, Đại biểu Hạnh nêu rõ sự cần thiết phải duy trì 2% kinh phí công đoàn. Theo đại biểu, nguồn kinh phí 2% này là nguồn kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động chăm lo cho NLĐ ở cơ sở. “Nếu không có 2% này thì không biết NLĐ sẽ được chăm lo như thế nào” - Đại biểu Hạnh đặt câu hỏi.

Đại biểu Hạnh đánh giá, ở cơ sở, hiệu quả của khoản kinh phí 2% này rất lớn. Khoản kinh phí này không chỉ có các hoạt động hiếu, hỉ, phúc lợi xã hội mà rất nhiều hoạt động khác của tổ chức CĐ, các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của NLĐ từ nguồn kinh phí này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng tán thành với việc thu 2% kinh phí công đoàn. Đây là nguồn kinh phí để hoạt động của tổ chức và chăm lo cho NLĐ.

Tại phiên họp, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Đồng thời, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng đã tiếp thu, giải trình và báo cáo rõ thêm một số ý kiến các đại biểu quan tâm.

(Theo Lao Động) Vương Trần

Công đoàn có bộ máy khá gọn nhẹ, không hiểu sao tiền phí thu đến 2%, trong khi đảng phí thu chỉ có 1% (người nghỉ hưu chỉ 0,5%).

Với những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp làm ăn khó khăn, lương công nhân chỉ 6-7 triệu thì 2% cũng là khoản không nhỏ, trong khi quyền lợi mà tổ chức công đoàn mang lại cho người lao động lại khá mờ nhạt. Lãnh đạo công đoàn cũng cần lắng nghe ý kiến đoàn viên về chuyện phí 2% này.

Thương Giang

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

Kinh tế

 

DN làm khẩu hiệu mỗi chữ gần 1 tỉ: Liên tiếp trúng thầu, tỉ lệ tiết kiệm nhỏ

Cập nhật lúc 16:30                                 

Ngoài gói thầu "Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng" với giá trị gần 11 tỉ đồng, Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ còn là đối tác "quen mặt" và liên tiếp trúng thầu nhiều dự án tiền tỉ ở tỉnh Hoà Bình.

 

Khu đồi đang thi công 11 chữ “vàng”

Liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn

Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin tỉnh nghèo Hòa Bình cho lắp đặt một câu khẩu hiệu trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP.Hoà Bình).

Cụ thể, vào tháng 5.2020, UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định số 1071 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Lắp dựng khẩu hiệu gồm 11 từ tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng. Tổng mức đầu tư dự kiến là 10,99 tỉ đồng, do Sở Văn hoá Thể Thao và Du lịch làm chủ đầu tư.

Về đơn vị trúng thầu gói thầu trên, theo Cổng thông tin doanh nghiệp, Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ được thành lập ngày 10.4.2006, trụ sở chính tại số 716, Đường Cù Chính Lan, TP.Hòa Bình.

 

Công ty Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ là đơn vị trúng thầu dự án lắp khẩu hiệu tại Hòa Bình. Ảnh: Tuấn Nguyên

Công ty này do ông Đàm Anh Kỳ giữ chức danh Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật. Ông Kỳ sinh năm 1974, cũng có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hòa Bình. Ngoài việc kinh doanh, ông Kỳ còn là Phó Chủ tịch Ban Thương vụ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình và Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình Khóa II (nhiệm kỳ 2015 – 2020).

Một điểm đáng chú ý liên quan đến công ty này, ngay trước khi trúng gói thầu gần 11 tỉ đồng của tỉnh Hòa Bình, Công ty này đã điều chỉnh ngành nghề kinh doanh của mình từ 48 lên 60 ngành, nghề. Tuy nhiên, lĩnh vực chính của doanh nghiệp này lại là bán buôn, bán lẻ ôtô, xe máy và xe có động cơ khác - là lĩnh vực không liên quan tới gói thầu mà doanh nghiệp này vừa trúng.

Ngoài gói thầu "Lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng", Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ còn là "gương mặt thân quen", trúng nhiều gói thầu khác của sở, ban, ngành tỉnh Hòa Bình.

Từ năm 2016 đến nay, Công ty tham gia 11 gói thầu, trong đó đã trúng 10 gói thầu, không trượt gói nào, 1 gói chưa có kết quả. Chỉ riêng từ đầu năm 2020, Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ trúng liên tiếp 3 gói thầu lớn với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình.

Cụ thể, ngoài gói thầu lắp dựng khẩu hiệu tạo cảnh quan trang trí khu vực đồi Ông Tượng, vào ngày 1.4.2020, bà Bùi Thị Niềm – Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình đã ký Quyết định số 118/QĐ phê duyệt lựa chọn Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ trúng gói thầu thi công xây lắp và thiết bị công trình cải tạo, sửa chữa Cung Văn hoá tỉnh Hoà Bình. Gói thầu có trị giá 13.078.269.000 đồng, giá trúng thầu 13.074.562.000 đồng.

Mới đây nhất, ngày 10.09.2020, bà Bùi Thị Niềm tiếp tục ký QĐ số 492 phê duyệt lựa chọn liên danh Công ty Đầu tư Phát triển Anh Kỳ và Công ty cổ phần thương mại thiết bị kỹ thuật công nghệ cao là đơn vị trúng thầu, gói thầu thi công xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình cải tạo Thư viện tỉnh cũ thành Bảo tàng tỉnh.

Giá gói thầu 12.829.393.000 đồng, giá trúng thầu 12.826.888.000 đồng.

Giá trị tiết kiệm siêu nhỏ?

Những gói thầu mà doanh nghiệp Anh Kỳ trúng thầu đều có tỉ lệ tiết kiệm siêu nhỏ. Như gói thầu thi công xây lắp và thiết bị công trình cải tạo, sửa chữa Cung Văn hoá tỉnh Hoà Bình chỉ tiết kiệm được 3,7 triệu đồng, tương đương 0,02% (chưa đến 1%).

Ở gói thầu cải tạo Thư viện tỉnh cũ thành Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình cũng chỉ tiết kiệm được 2,5 triệu đồng, tương đương 0,01%.

Trước đó nữa, tháng 7.2019, công ty này nằm trong liên doanh trúng thầu gói thi công, xây lắp Nhà lớp học Trường mầm non xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, Hòa Bình với giá trị hơn 7 tỉ đồng, cũng với tỉ lệ tiết kiệm rất nhỏ,

Về vấn đề này, phóng viên liên hệ với bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hòa Bình, nhưng chưa nhận được phản hồi.

(Theo Lao Động) ANH TUẤN


Nếu thanh tra hoặc kiểm toán các gói thầu của công ty này chắc sẽ có nhiều chuyện “hay” từ những sự bất thường. Biết đâu sẽ lộ ra bóng dáng ai đó trong cơ quan công quyền tỉnh?

Thương Giang

Xã hội

Chủ trường nói gì về việc "trẻ 5 tuổi bị ngã gãy tay từ sáng tới trưa mới đưa đi viện"?

Cập nhật lúc 16:17

Ông Cao Thành Trung, Chủ trường Mầm non Vườn trẻ thơ, nơi có trẻ 5 tuổi bị ngã gãy tay từ sáng tới trưa mới đưa đi viện, cho rằng trường đã làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình.

Liên quan đến vụ trẻ bị ngã gãy tay ở trường mầm non non Vườn Trẻ Thơ (địa chỉ tại Chung cư Thăng Long Garden, số 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) gây xôn xao dư luận, ngày 28-9, ông Cao Thành Trung, chủ trường Mầm non Vườn Trẻ Thơ, cho biết ngày 15-9 vừa qua đúng là có học sinh tên N.B.T. bị ngã gãy tay tại trường. "Hiện nhà trường đang cùng gia đình và cơ quan chức năng xử lý vụ việc" - ông Trung cho biết.

 

Ông Cao Thành Trung cho rằng nhà trường đã làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình

Trước thông tin, nhà trường cho biết đã hỗ trợ gia đình 25 triệu đồng chi phí chữa trị cho cháu nhưng mẹ cháu cho biết đến giờ nhà trường chưa hỗ trợ gia đình bất cứ chi phí nào, ông Trung phân trần: " Về trách nhiệm của nhà trường trong sự cố ngày 15-9, tôi khẳng định đến thời điểm hiện tại nhà trường đã làm hết trách nhiệm và lương tâm của mình, cụ thể thế nào tôi sẽ thông tin sau" - ông Trung nói thêm.

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, phụ huynh tên N.T.T.H. có con tên là T. học ở trường Mầm non Vườn Trẻ Thơ thông tin trong giờ học ngoài trời ngày 15-9, con chị bị bạn xô ngã dẫn đến gãy tay.

Điều khiến chị H. bức xúc là ngay sau khi sự việc xảy ra vào buổi sáng, cháu khóc đòi mẹ nhưng nhà trường và cô giáo vẫn cho về trường, không gọi cho phụ huynh đến trường để cùng đưa cháu T. đi viện ngay. Tới khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, sau khi cho các học sinh ăn xong, nhà trường mới cho cháu T. nhập viện và gọi phụ huynh đến làm thủ tục. Chị H. cho hay xem phim chụp thấy hình ảnh xương ở khuỷu tay của con đã bị gãy lìa phải mổ cấp cứu.


Phim chụp trẻ 5 tuổi bị ngã gãy tay trong giờ học Trường mầm non Vườn Trẻ Thơ

 Sở dĩ sự việc xảy ra từ nhiều ngày nhưng đến nay gia đình mới chia sẻ lên mạng xã hội vì trong thời gian qua gia đình tập trung chăm sóc, lo lắng cho con nên không có thời gian.

Bà Trần Thu Hà, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Hai Bà Trưng, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin sự việc, Phòng GD-ĐT quận đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ sự việc, để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể. Phòng GD-ĐT sẽ thông tin cụ thể về vụ việc sau khi có kết quả xác minh chính thức về vụ việc.

(Theo Người Lao Động) Quang Mạnh

 

Không biết cụm từ “đã làm hết trách nhiệm” ông chủ trường nói nghĩa là thế nào? Con trẻ gẫy xương khóc lóc mà họ để 4-5 tiếng sau mới giải quyết! Nếu “thiếu chút trách nhiệm” chắc là trẻ đã tử vong? Một trường kinh doanh nuôi dạy trẻ thế này tốt nhất các phụ huynh hãy tránh xa kẻo tai họa cho các cháu nhỏ.

Thương Giang

 

Kinh tế

 

Đề xuất ưu ái mọi doanh nghiệp: Đừng để tiền đi nhầm!

Cập nhật lúc 09:36     

Bất kỳ cam kết nào cũng là tiền của dân, nếu tiền hỗ trợ đi sai chỗ, nguồn lực của nền kinh tế sẽyếu đi và lại phải đi vay...  

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam trước đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp trong năm.

Lợi cho doanh nghiệp FDI?

PV: - Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020, thay vì chỉ giảm 30% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng như nghị quyết trước đó đưa ra. Theo ông, đề xuất này có mang nhiều ý nghĩa trong việc giải cứu cộng đồng doanh nghiệp?

TS Bùi Trinh: - Tôi tự hỏi khi đưa ra đề xuất này họ đã nghiên cứu gì hay chưa? Nếu có, đây cũng là một đề xuất chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Theo số liệu mà Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020 do Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 93% tổng số doanh nghiệp) suốt từ năm 2011-2018 luôn có lợi nhuận trước thuế âm, và tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp loại này có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp siêu nhỏ bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,9%, sang giai đoạn 2016-2018 là -1,3%; doanh nghiệp nhỏ tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2011-2015 là -0,1%, giai đoạn 2016-2018 là -0,3%.


De xuat uu ai moi doanh nghiep: Dung de tien di nham!


Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

 

Có thể thấy, dù không có dịch Covid-19, các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ cũng mấp mé bờ vực phá sản. Khi doanh nghiệp toàn thua lỗ thì giảm hay không giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có ý nghĩa và không liên quan gì tới họ, bởi về bản chất, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có thu nhập (tức có lãi). Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ doanh nghiệp khỏe, có lãi mới được hưởng, còn đa số thua lỗ thì không được hưởng lợi gì.

Một vấn đề khác, về hiệu quả sản xuất, tính toán từ số liệu thống kê cho thấy, trong ba loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI) chỉ có doanh nghiệp FDI sử dụng đồng vốn và sản xuất kinh doanh hiệu quả (tỷ lệ giá trị gia tăng so với doanh thu thuần khoảng 15%). Thậm chí, nếu khu vực này khai báo lợi nhuận đúng với thực tế thì hiệu quả có thể còn cao hơn nữa.

Đối với thành phần kinh tế ngoài nhà nước (gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể) - cơ bản là làm gia công, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực này so với doanh thu thuần rất thấp (dưới 10%) và hầu như không thay đổi trong suốt gần 10 năm trở lại đây. Còn doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần khoảng 11%.

Như vậy, nếu bây giờ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì e rằng chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI được lợi, mà như đã nhiều lần khẳng định, khối doanh nghiệp này đã lợi đủ đường, giờ lại giảm thuế thu nhập cho nữa thì “lợi chồng lợi”, trong khi nguồn lực của Nhà nước bị lãng phí, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm cho môi trường kinh doanh xấu đi.

Theo nguyên tắc về thường trú của Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp trong khu vực này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về “nước mẹ”.

Như vậy, tuy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP khá nhiều khi họ chuyển lợi nhuận về nước.

Cụ thể, trong giai đoạn 2007 - 2017, tăng trưởng bình quân GDP theo giá hiện hành là 22% trong khi tăng trưởng về luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%, từ đó làm tỷ lệ GNI (tổng thu nhập quốc gia) so với GDP (tổng sản phẩm trong nước) giảm từ 97,2% năm 2007 xuống còn 95,2% năm 2017.

Đây cũng chính là lý do mà một số chuyên gia cho rằng càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Cho đến nay đóng góp lớn nhất vào GDP của Việt Nam vẫn là khu vực kinh tế cá thể (bao gồm các hộ kinh doanh cá thể, xe ôm, những người bán hàng rong…), khu vực dễ bị tổn thương và cần chú ý nhất trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Một mặt nó cho thấy, nền kinh tế vẫn èo uột, mặt khác, những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế cá thể để tạo nên GDP của đất nước là điểm cần lưu ý khi xem xét hoạch định các chính sách hỗ trợ, kích cầu.

PV: Theo kết quả khảo sát lần 3 của Ban IV, được thực hiện sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch. 

Từ kết quả khảo sát này, nhiều ý kiến cho rằng thay vì dùng ngân sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng chưa nhiều hoặc vẫn làm ăn tốt trong dịch bệnh, đây phải là nhóm doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho ngân sách nhà nước. Ông chia sẻ như thế nào với quan điểm này?

TS Bùi Trinh: - Đúng là như vậy. Các doanh nghiệp vẫn sống khỏe, làm ăn tốt và có lãi trong bối cảnh dịch bệnh làm sao phải hỗ trợ, trái lại phải đóng góp nhiều hơn, nhất là doanh nghiệp FDI.

Nhiều năm nay, mức đóng góp của doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế Việt Nam, như tôi đã chỉ ra nhiều lần, hầu như phía Việt Nam không thu được gì từ công nghệ, lao động, đến thuế từ khu vực này, trong khi luồng tiền chảy ra ngoài qua chi trả sở hữu hàng năm là cực lớn.

Xét cụ thể, để xem đóng góp của FDI thực sự là bao nhiêu cần nhìn vào thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) mà khối này nộp vào ngân sách. Năm 2016, tổng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp của khối FDI được miễn giảm và ưu đãi ở mức 35.300 tỷ đồng. Tại nhiều doanh nghiệp FDI, tổng số thuế được ưu đãi từ khi đi vào hoạt động tương đương số vốn họ bỏ ra đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, khi đầu tư sang Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều báo cáo lỗ hoặc lãi một chút. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp phía Việt Nam thu được cũng chẳng là bao.

FDI được kỳ vọng giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nhưng lao động người Việt tại các doanh nghiệp FDI năm cao nhất cũng chỉ chiếm 6%, trong khi đó lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 43%.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI đều làm gia công rồi xuất khẩu nên gần như không có sự lan tỏa gì về công nghệ.

Hỗ trợ nhưng đừng để người dân phải gánh nợ

PV: Ông hình dung những hệ lụy gì có thể xảy ra nếu hỗ trợ không đi đúng địa chỉ, doanh nghiệp thực sự cần thì không nhận được hỗ trợ hoặc được hỗ trợ không xứng đáng, còn nguồn lực nhà nước lại đi giúp cho nhóm doanh nghiệp “giàu”?

 

De xuat uu ai moi doanh nghiep: Dung de tien di nham!

Theo chuyên gia, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không cần thiết và thiếu công bằng

TS Bùi Trinh: - Bất cứ cam kết hỗ trợ nào cũng là tiền thuế của dân. Nếu Nhà nước chi ra quá nhiều thì nợ công sẽ tăng cao, nguồn lực của nền kinh tế yếu đi và khi ấy lại phải đi vay, mà người dân lại phải trả số tiền nợ ấy qua thuế.

Cho nên, thay vì hỗ trợ tràn lan, chỉ nên hỗ trợ những đối tượng thực sự khó khăn, tránh để cuối cùng người dân lại phải gánh hết, bởi tiền hỗ trợ chính là tiền thuế của dân (thu gián tiếp) rồi sau đó lại tìm mọi cách để thu từ dân.

Chẳng hạn, ai cũng thấy các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu đi lại giảm. Để giảm bớt khó khăn, một trong những giải pháp được các doanh nghiệp vận tải thực hiện là tăng giá vé, nhưng như vậy lại đổ đầu người dân.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố đầu tháng 7 đưa ra con số việc làm của 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị tác động xấu do dịch. Lực lượng lao động và lao động có việc làm đều giảm trên 2 triệu người, là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua.

Còn tại cuộc điều tra, cũng của Tổng cục Thống kê, nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện vào tháng 4/2020, thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý II/2020 giảm 525.000 đồng so với quý trước và giảm 279.000 đồng so với cùng kỳ, xuống 5,2 triệu đồng. Đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm qua thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm (giảm 5,1%).

Thế nhưng, trong khi hầu hết các loại thuế nhà nước thu được giảm, thì thuế thu nhập cá nhân thu được lại tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu thuế thu nhập cá nhân 8 tháng qua đạt 77.100 tỷ đồng, trong đó tháng 6 thu được 6.900 tỷ đồng, tháng 7 là 7.400 tỷ đồng và tháng 8 vọt lên 10.400 tỷ đồng.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới và Việt Nam, đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái với sự sụt giảm còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong bối cảnh đó, một trong những động lực để kinh tế Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm nay là kích thích tiêu dùng của dân cư.

Tiêu dùng cuối cùng của dân cư phụ thuộc vào hai yếu tố, nghịch biến với giá cả và đồng biến với thu nhập của họ. Khi tổng thuế thu nhập cá nhân thu được tăng sẽ dẫn tới thu nhập của dân cư và đương nhiên tiêu dùng cuối cùng giảm, kéo theo GDP giảm và ảnh hưởng lan tỏa - giảm thiểu sản xuất của chu kỳ sản xuất sau.

Nguồn lực của nền kinh tế thực chất là chỉ tiêu tiết kiệm, tiết kiệm là nguồn lực cơ bản để tái đầu tư.

Tiết kiệm bắt đầu hình thành từ GDP, cộng phần thu được từ sở hữu, trừ phần chi trả sở hữu, cộng chuyển nhượng thuần túy, trừ tiêu dùng cuối cùng. Nếu “thu được từ sở hữu trừ chi trả sở hữu – chi trả sở hữu thuần” là một số âm và số âm này ngày càng lớn dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại.

Trong khi tiết kiệm là nguồn cơ bản để đầu tư, nếu tiết kiệm luôn nhỏ hơn khoản cần đầu tư thì nhu cầu vay sẽ càng lớn. 

PV: - Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng tới mọi mặt của hoạt động kinh tế, sàng lọc các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực mà ngân sách nhà nước chỉ có hạn, câu hỏi hỗ trợ ai, hỗ trợ ngành nào, như thế nào nhiều lần được đặt ra.

Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể hóa ra sao?

TS Bùi Trinh: - Hỗ trợ ai, hỗ trợ cái gì và như thế nào thì phải xem ngành nào, doanh nghiệp nào thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhân đây, tôi nhắc lại đề nghị của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho các tập đoàn nhà nước tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất 0% được đưa ra trước đó. Đó là một cách tiếp cận vốn không đúng đối tượng.
Doanh nghiệp nhà nước thừa hưởng nhiều lợi thế nhưng lại được coi là nơi sử dụng vốn kém nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trong Sách trắng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cho thấy hệ số vốn/sản lượng (số vốn cần thiết để sản xuất một đơn vị sản lượng) ngày càng tăng, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm.

Xét về hiệu quả hoạt động kinh doanh của khối này cho thấy, năm 2011, các doanh nghiệp nhà nước cần 1,8 đồng vốn tạo để ra 1 đồng doanh thu thuần, đến năm 2018 tỷ lệ này tăng lên 3,06 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần. Điều này phản ánh những thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình không hiệu quả, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết...

Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn không hiệu quả nhưng phải lưu ý rằng nguồn vốn cơ bản là vốn vay. Nợ vay của khối doanh nghiệp nhà nước cao hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011 – 2015, trong 100 đồng vốn của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 25 đồng là vốn chủ sở hữu, 75 đồng là nợ phải trả.

Do đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,02:1. Đến năm 2018, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu là 4,3:1, nghĩa là khối doanh nghiệp nhà nước chỉ có 1 đồng vốn mà đi vay tới 4,3 đồng để hoạt động.

Tách riêng khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng rất cao, năm 2018 tỷ lệ này là 3,2:1, so với tỷ lệ bình quân toàn khối là 4,3:1 ở trên, cho thấy tỷ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm 100% vốn có mức nợ còn cao hơn, đa phần trong đó là các doanh nghiệp nhà nước không được Nhà nước bảo lãnh, không được xem như nợ công nên nguy cơ rủi ro cho vay cũng rất cao.

Trong bối cảnh dịch bệnh, du lịch, khách sạn nhà hàng, vận tải… là những ngành bị ảnh hưởng rất nhiều và cần hỗ trợ; cần phải hỗ trợ những ngành nào có sức lan tỏa trong nền kinh tế, tránh hỗ trợ mang tính lợi ích nhóm, hỗ trợ những đối tượng không cần hỗ trợ gây lãng phí nguồn lực của nhà nước, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người dân.

(Theo Đất Việt) Thành Luân

Góc nhìn

 Sức dân

Cập nhật lúc 09:30     


GS Đặng Hùng Võ

Ông nội tôi bị quy địa chủ, đem ra đình làng đấu tố. Khi người ta xỉa xói, tôi đã tiến lên ngồi bên để ông đỡ cô đơn.

Tôi đã hiểu về sức mạnh của dân từ khi mới 8 tuổi. Lúc đó, tôi ngồi phía dưới, còn ông tôi bị lôi lên trên. Tôi thấy ông tôi luôn là người nhân hậu mà sao tội nghiệp thế. Tạo sao những người mà mươi ngày trước vẫn còn tắt lửa, tối đèn có nhau lại hò hét, quát nạt ông tôi? Ngay đêm đó, toàn bộ gia sản bị tịch thu, cả nhà chúng tôi bị đuổi ra một căn nhà tre mái rạ xiêu vẹo rìa làng. Ông tôi cũng chỉ được mang theo vài bộ quần áo cũ, đồ thờ và cây đàn bầu. Mấy tháng sau, cơn bão mạnh ập đến, nhà tốc hết mái.

Ông tôi lớn lên được học chữ Hán, nhưng thi cử đã tàn nên không đỗ đạt như các lớp tiền nhân. Thời buổi lúc đó nhà thơ Tú Xương đã viết "vứt bút lông đi, giắt bút chì". Ông tôi lại cầm bút chì theo Tây học. Cụ thông thạo cả Hán ngữ và Pháp ngữ. Năm 1946, cụ được Uỷ ban Hành chính kháng chiến huyện Gia Lâm chọn làm chánh văn phòng. Trong cảnh cùng cực của cải cách ruộng đất, ông nói với tôi: "cháu à, cực một chút thôi, rồi mai đây trời lại cho ta phong lưu thôi mà!". Tôi cảm thấy nhẹ lòng và lạc quan.

Mùa hè 1967, hơn 18 tuổi, tôi có một đợt công tác 6 tháng làm nhiệm vụ trên địa bàn Hương Khê, Hà Tĩnh. Mạn Đông Trường Sơn dưới mưa bom của chiến tranh phá hoại. Một vùng quê nghèo phải oằn mình hứng chịu bom cày đạn xới hàng ngày. Mỗi bữa cơm chỉ có canh rau muống già và một con cá trích kho mặn. Tuổi trẻ ở đây vẫn đầy sức sống. Tôi đứng nhìn cả một vùng dày đặc hố bom, cuộc sống không bị khuất phục, vẫn lạc quan vượt lên bom đạn. Sức mạnh đó từ khát vọng thống nhất dân tộc sau gần 5 thế kỷ huynh đệ tương tàn, kể từ thời nhà Mạc. Bạo lực của vũ khí hiện đại không khuất phục được dân ta, sức dân quả là vô địch.

Đêm nằm ngủ trong một mảnh rừng cuối huyện Hương Khê, tôi lại miên man với những ký ức. Tôi nhớ ông. Tôi cũng không thấy giận dân làng mình. Chỉ thấy dân ta tư duy đơn giản và hồn nhiên quá, nhiều khi dễ nghe theo và dễ làm theo.

Lần tiếp theo tôi lại chứng kiến sức mạnh của dân ta qua vụ thu hồi đất ở Văn Giang để xây dựng khu đô thị sinh thái Ecopark. Lúc đã về hưu được vài năm, tôi nhận được thư đề nghị đối thoại với dân Văn Giang bị thu hồi đất để làm rõ về tính pháp lý của dự án này. Tôi đã thành ý nhận lời và mượn một phòng ở cơ quan cũ làm nơi gặp gỡ với dân. Một anh bạn thấy vậy, lo cho tôi. Anh nói với tôi rằng không nên đối thoại vì dân bị thu hồi đất ở đó đã bị nhóm các nhà hoạt động tự nhận là vì dân chủ dẫn dắt rồi, rất nguy hiểm. Tôi cũng nghĩ nhiều và vẫn quyết định thực hiện, chỉ vì muốn bày tỏ tấm lòng thành với dân. Tôi cũng đang là dân, giúp gì được nhau cũng tốt.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình Nho giáo lúc đạo Nho đã suy vi ở Việt Nam. Bố tôi đi bộ đội, hy sinh ngay trận đánh đầu tiên vào căn cứ Pháp tại Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) đúng ngày đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến, khi tôi chưa đầy một tháng tuổi. Lúc đó bố tôi là đại đội phó bộ đội chính quy. Tôi lớn lên nhờ ông nội dạy dỗ. Tôi luôn nhớ lời ông: Tuân Tử đã nói "Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy". Vì thế, tôi ghi nhận mọi lời chê mình đều là tốt, để tự sửa mình. Tôi cũng đã vài lần bị "ném đá" trên mạng, chủ yếu do thông tin lệch lạc. Nhưng tôi vẫn luôn trân trọng những "viên đá" đã ném vào mình, sai thì thôi mà đúng thì sửa.

Tôi đến cuộc đối thoại đã hẹn với dân Văn Giang bằng tiếp cận "có thể giúp gì được cho mọi việc tốt hơn". Sự thực, tôi cho rằng khu đô thị sinh thái Ecopark đặt tại địa điểm ven sông Hồng, nơi tiếp giáp giữa Hà Nội và Hưng Yên là trúng về địa kinh tế, đất đai quanh đó sẽ lên giá và cuộc sống người dân gắn với đô thị sẽ tốt hơn. Vướng mắc chủ yếu có lẽ chỉ còn chuyện bồi thường không thỏa đáng. Kinh nghiệm từ nhiều nơi cho thấy, dân cần công bằng về kinh tế, trong khi pháp luật đất đai thì bó hẹp, dân đành phải tìm những chỗ hở về pháp luật hay quy hoạch để khiếu nại.

Bước vào cuộc đối thoại, nhìn quanh hội trường, dân Văn Giang chiếm chỉ non nửa, còn lại là những người khác, có người tôi biết mặt và có người không. Cuộc đối thoại diễn ra, một vị luật sư tập trung vào câu hỏi tôi rằng tại sao thẩm quyền thu hồi đất thuộc Chính phủ mà tờ trình tôi ký lại gửi Thủ tướng, tức là trái pháp luật về địa chỉ trình, từ đó coi như quyết định thu hồi đất là không đúng pháp luật.

Sự thực, ở đây có câu chuyện bất cập về pháp luật. Kể từ Luật Đất đai 1993, thẩm quyền thu hồi đất theo pháp luật thuộc Chính phủ, nhưng Thủ tướng vẫn ban hành quyết định thu hồi đất. Đơn giản là Chính phủ có thể uỷ quyền cho Thủ tướng thực hiện. Việc uỷ quyền này là cần thiết vì Luật Đất đai quy định về thẩm quyền như vậy, nhưng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại quy định hình thức văn bản của Thủ tướng là quyết định và chỉ thị, còn hình thức văn bản của Chính phủ lại là nghị quyết và nghị định. Sự tréo ngoe luật pháp làm nên sự cố này.

Nhưng không sao, tôi vẫn đồng cảm với sự thiệt thòi của dân bị thu hồi đất mà thành tâm xin lỗi nếu việc làm của mình có gây hại cho dân. Lời xin lỗi của tôi như sự đồng cảm của một người dân, không phải lời đại diện cho chính quyền.

Ngay sau đó, BBC tiếng Việt đã đăng bài viết của một người dự cuộc đối thoại vẫn tự nhận mình hoạt động vì dân chủ, đại ý rằng trình độ về pháp luật đất đai của tôi kém xa những người dân thường ở Văn Giang. Tôi lại sửa mình bằng một bài viết trần tình sự việc trên một báo chính thống. Rồi tôi lại nhận được thư yêu cầu đối thoại tiếp. Tôi đã viết trả lời trên mạng rằng không nên đối thoại giữa một bên là những người dân quá giỏi về pháp luật đất đai với tôi là một người rất kém, đối thoại như vậy không giải quyết được gì.

Tiếp theo, một nhóm người được một nhà báo dẫn tới cửa nhà tôi chửi bới ầm ĩ, chửi tôi chán rồi chửi cả vợ con tôi. Tôi chỉ còn một cách đề nghị Công an Hà Nội bảo vệ cuộc sống riêng của gia đình tôi. Tôi rất buồn vì thành ý được đáp lại bằng ác ý. Sự việc như vậy, nhưng tôi cũng không giận những người dân Văn Giang đã chửi rủa tôi.

Sức mạnh của dân là ghê gớm. Vấn đề là chính quyền phải làm gì để quyền lực của mình cộng với sức dân tạo nên cộng lực tích cực.

Cách duy nhất là cán bộ nhà nước phải biết tư duy bằng ý dân, biết mang lại lợi ích cho lòng dân, biết tự sửa mình khi bị dân chê trách. Lờ đi hay dùng sức mạnh với dân không phải là cách để đoạt lòng dân. Người dân cần no ấm và công bằng, rất giản dị. Có vậy thì không ai có thể dẫn dắt dân ta đi lạc vào chốn đoạn trường. Nhà nước có được sức mạnh của dân thì làm gì mà không tát cạn được Biển Đông?

(Theo VnExpress) Đặng Hùng Võ