Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

Sự phi lí được bãi bỏ

 

Tổ chức Khí tượng Thế giới bỏ "đường lưỡi bò" khỏi bản đồ

Cập nhật lúc 14:48

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chỉnh sửa bản đồ trong bài đăng trên tài khoản Facebook, cắt phần hiện thị "đường lưỡi bò".


Tổ chức Khí tượng Thế giới bỏ đường lưỡi bò khỏi bản đồ - 1

Bản đồ mới của WMO cắt phần hiển thị "đường lưỡi bò" (Ảnh: Facebook WMO).

Bản đồ đính kèm bài đăng của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hôm 23/8 về đợt nắng nóng tại Trung Quốc đã được chỉnh sửa so với bản gốc. Theo đó, khu vực hiển thị "đường lưỡi bò" phi lý đã bị cắt bỏ và không còn xuất hiện trên bản đồ.

WMO là một cơ quan chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Trước đó, WMO đăng bài trên tài khoản Facebook chính thức của cơ quan này về tình hình khí hậu, hạn hán ở Trung Quốc, trong đó sử dụng bản đồ "đường lưỡi bò", bao gồm quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam. 

Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định "Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn cũng như các yêu sách biển trái với các công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982".

"Việt Nam cho rằng, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá, đăng tải nội dung, hình ảnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là vô giá trị", bà Hằng cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: "Việt Nam yêu cầu các quốc gia, các tổ chức tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển liên quan ở Biển Đông; gỡ bỏ, sửa đổi nội dung không phù hợp".

Theo bà Hằng, đại diện phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Thụy Sĩ đã trao đổi với đại diện Tổ chức khí tượng thế giới về việc này.

"Đường lưỡi bò" hay còn gọi "đường chín đoạn" là yêu sách mà Trung Quốc đơn phương đưa ra, chạy sát bờ biển của các nước có chung Biển Đông, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50-100 km; chạy sát bãi James Shoal của Malaysia và đảo Natuna của Indonesia, đảo Luzon thuộc quần đảo Philippines và chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. Ban đầu "đường lưỡi bò" gồm 11 đoạn, đến năm 1953 đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ.

Yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Việt Nam và các quốc gia, tổ chức quốc tế. Yêu sách này bị bác bỏ vì hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn.

Năm 2016, tòa thường trực quốc tế ở Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích vùng biển này.

(Theo Dân Trí) Thành Đạt

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Diễn viên xiếc trên sàn CK

 

Chiêu tăng vốn ảo của FLC Faros  

Cập nhật lúc 15:15

Ngay trước khi niêm yết trên HoSE, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hàng trăm lần, nhưng phần lớn tiền góp vốn được rút ra ngay lập tức dưới dạng ủy thác đầu tư.

FLC Faros là doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của FLC, phụ trách việc xây dựng một số dự án. FLC Faros đồng thời cũng góp vốn, sở hữu cổ phần trong một số đơn vị liên quan. Theo bản cáo bạch năm 2016, ở thời điểm niêm yết cổ phiếu ROS trên HoSE, FLC Faros chỉ có hai cổ đông lớn. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 180 triệu cổ phần (41,79% vốn điều lệ). Cổ đông lớn còn lại là Công ty TNHH MTV FLC Land với sở hữu 5,23%.

Với những nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường, ROS hiện nay được xếp vào nhóm hàng đầu cơ, với mức thị giá cổ phiếu chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư theo dõi chứng khoán nhiều năm, ROS từng "làm mưa, làm gió".

Ba năm ROS được xếp vào nhóm bluechip trong VN30, có nhiều thời điểm là cổ phiếu chi phối chính hai chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ở thời kỳ đỉnh cao nhất, thị giá của ROS vượt 200.000 đồng, là một trong những mã đắt giá nhất sàn chứng khoán. Dù vậy, khi ROS trở thành hiện tượng, báo cáo tài chính hay diễn biến giao dịch cũng lộ ra không ít điểm bất thường.

Đầu tiên là cách thức tăng vốn. Công ty Xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty Xây dựng và Đầu tư Hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu là 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, chỉ trong chưa tới hai năm sau đó, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, vốn điều lệ của FLC Faros tăng hơn 3.000 lần.

Theo Cơ quan điều tra, ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống của FLC Faros (ROS) từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo em gái bán toàn bộ cổ phiếu ROS thu được hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán của FLC Faros, đơn vị kiểm toán từng có lưu ý về những bất thường của con số hàng nghìn tỷ đồng này.

Trong báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016, Công ty TNHH Kiểm toán ASC nhấn mạnh, "trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016".

Hiểu một cách đơn giản, các cổ đông góp vốn từng phần thông qua việc chuyển tiền vào tài khoản của FLC Faros, nhưng ngay lập tức tiền lại được chuyển ra ngay và quy trình này lặp lại đến 18 lần chỉ trong ngày 8/1/2016. Với 18 vòng chuyển tiền, thực tế cổ đông của FLC Faros chỉ cần hơn 25 tỷ đồng để hoàn tất đợt tăng vốn.

Kết quả của "vòng lặp" này là sự bất thường trong cấu trúc tài chính của FLC Faros. Một công ty xây dựng có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng, có thể xếp vào top đầu của nhóm công ty xây dựng trên thị trường, nhưng gần như toàn bộ tài sản của FLC Faros để dưới dạng ủy thác đầu tư.

"Tính đến ngày 30/6, tổng số tiền Faros uỷ thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỷ đồng, uỷ thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng", đơn vị kiểm toán ASC lưu ý trong phần "Vấn đề cần nhấn mạnh" trên báo cáo tài chính của ROS.

Dù vậy, ngay trong thỏa thuận ủy thác này cũng bất thường khi người được ủy thác cũng chính là cổ đông góp tiền tăng vốn cho FLC Faros.

Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên năm 2016 cho biết, FLC Faros ủy thác gần 100 tỷ đồng cho ông Nguyễn Quang Trung và 400 tỷ cho ông Trần Văn Toản. Hai cá nhân này cũng là hai cổ đông của doanh nghiệp. Tức là họ góp tiền vào công ty để tăng vốn rồi ngay lập tức nhận lại tiền do FLC Faros ủy thác họ đầu tư.

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền ra vào cũng thể hiện được điều này. Là doanh nghiệp xây dựng, nhưng phần lớn quy mô lưu chuyển tiền của FLC Faros là hoạt động tài chính. Năm 2015, công ty này thu 2.800 tỷ đồng từ tăng vốn, nhưng chi ra gần 2.700 tỷ đồng để cho vay. Năm 2016, tiền thu từ cổ đông góp vốn hơn 462 tỷ đồng thì chi ra cho đầu tư hơn 436 tỷ.

Sau những đợt tăng vốn khủng là đến giai đoạn "làm mưa, làm gió" trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu ROS của FLC Faros giao dịch phiên đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vào ngày 1/9/2016, với giá tham chiếu là 10.500 đồng, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng.

Ngay từ phiên chào sàn, ROS đã tăng trần liên tiếp. Mã này giữ trạng thái "trắng bảng bên bán" 12 phiên từ ngày 1/9 đến 19/9/2016. Ba tháng sau khi niêm yết, ROS ghi nhận hơn 30 phiên tăng trần, với thị giá gấp gần 9 lần chào sàn. Đà tăng tiếp tục được nối dài sang năm 2017 với mức đỉnh 130.000 đồng trước khi điều chỉnh. Dù vậy, nhịp giảm cũng không kéo dài lâu.

ROS trở thành hiện tượng khi tăng phi mã lên gần 220.000 (thị giá điều chỉnh gần 180.000 đồng) trong nửa cuối năm 2017, trở thành một trong những cổ phiếu đắt giá nhất thị trường.

Đi cùng với thị giá tăng là khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, với hàng triệu tới hàng chục triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. Ở thời điểm đỉnh cao nhất, quy mô vốn hóa của FLC Faros đạt hơn 100.000 tỷ đồng, với thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng.


Cổ phiếu ROS từng đạt đỉnh gần 180.000 đồng (giá sau điều chỉnh) trước khi trượt dốc không phanh, xuống quanh mức 2.500 đồng hiện nay. Ảnh: Trading View

Tháng 7/2017, với mức thanh khoản và quy mô vốn hóa tăng cao, cổ phiếu ROS chính thức lọt rổ VN30 - nhóm 30 cổ phiếu bluechip của HoSE. Kết quả này, cùng với mức độ tác động của ROS tới diễn biến thị trường chung khiến mã này lọt vào danh mục của nhiều quỹ ETF mô phỏng chỉ số.

Dù vậy, đà tăng nhanh bao nhiêu thì đà giảm cũng mạnh không kém.

Bắt đầu từ năm 2018, ROS lao dốc không phanh. Nhà đầu tư càng cố dò đáy thì thua lỗ càng lớn. Chưa tới nửa đầu năm 2018, thị giá của ROS giảm từ mức đỉnh về chỉ còn 1/4, quanh ngưỡng 40.000 đồng. Đến đầu năm 2020, cổ phiếu này giảm tiếp về dưới ngưỡng 10.000 đồng. Từ một "ngôi sao", "hiện tượng" của sàn chứng khoán, chỉ trong hai năm, ROS trở thành cổ phiếu đầu cơ nhóm penny, với thị giá chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau.

Mã này chỉ thực sự nổi sóng trở lại vào cuối năm 2021, cùng nhịp tăng với nhóm cổ phiếu đầu cơ và bất động sản. ROS tăng lên mức đỉnh 16.000 đồng vào cuối năm 2021 rồi giảm mạnh khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, về vùng giá dưới 3.000 đồng.

Mới đây, HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu ROS từ 5/9 do vi phạm quy định về công bố thông tin. HoSE cho biết đã nhận được giải trình về nghĩa vụ công bố thông tin của ROS, nhưng nhận thấy công ty có khả năng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, công ty này vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Công ty cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.

HoSE nhận định "ROS có thể tiếp tục vi phạm công bố thông tin và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư".

(Theo VnExpress) Minh Sơn

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Tổ chức của những đại gia

 

Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc - họ là ai?

Cập nhật lúc 14:33  

Dù 22% giám đốc CDC bị bắt thì số còn lại vẫn xem là chuyện ở đâu đó chứ không phải trong cái “tàu CDC” của mình chăng?

 Ngày 22/6/2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh (Ban Chỉ đạo).

Ban Chỉ đạo của Quảng Ninh gồm 15 người, do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo hoạt động theo Quy định số 67-QĐ/TW do Ban Chấp hành Trung ương công bố ngày 02/06/2022. Một trong các lĩnh vực hoạt động của Ban Chỉ đạo quy định tại khoản 1, điều 3:

“Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương”.

Gần đây báo chí có nhiều bài viết về một số sự kiện liên quan đến một tổ chức “dân lập” có tên là “Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc”.

Các bài báo này ít nhiều đều nêu tên cơ quan CDC thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh và vị giám đốc vừa nghỉ hưu của cơ quan này.

Được biết CDC là viết tắt câu tiếng Anh “Centers for Disease Control and Prevention” nghĩa là “Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh”.

Tại Việt Nam, mặc dù sử dụng cụm từ viết tắt CDC nhưng không hiểu vì sao ngành Y tế lại đặt tên các trung tâm của mình là “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật” mà bỏ đi chức năng “phòng ngừa”?

Mặt khác, “bệnh tật” và “dịch bệnh” có phải là hai khái niệm đồng nhất nên không cần phải gán cho các CDC chuyện “phòng ngừa dịch bệnh” hay phòng ngừa dịch bệnh là chức năng của cơ quan khác?

Khi tiếng Việt là “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật” liệu có nên sử dụng cụm từ CDC?

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Y tế.

Nói cách khác, CDC là đơn vị tương đương cấp phòng hoặc cấp chi cục thuộc Sở Y tế, vì thế Giám đốc CDC chỉ là chức vụ tương đương cấp trưởng phòng thuộc sở.

Baochinhphu.vn số ra ngày 30/03/2021 đưa thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế trong buổi tiếp Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết “Việt Nam cũng sẽ thành lập CDC Trung ương đặt tại 2 khu vực miền Bắc và miền Nam”. [1]

Thông tin nêu trên cho thấy mãi đến năm 2021, Bộ Y tế mới chuẩn bị “thành lập CDC Trung ương khu vực miền Bắc và miền Nam”.

Không biết do Bộ Y tế chỉ đạo hay do sáng kiến “đi trước thời đại” của các vị giám đốc mà từ năm 2011 đã tồn tại một tổ chức của giám đốc các “Trung tâm kiểm soát bệnh tật” miền Bắc bao gồm CDC của 28 tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc, tổ chức này lấy tên là “Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc”.

Liên quan đến vụ kit xét nghiệm Việt Á, riêng miền Bắc đã có 6 giám đốc CDC bị bắt tạm giam gồm: Trương Quang Việt (Hà Nội), Lâm Văn Tuấn (Bắc Giang), Đỗ Đức Lưu (Nam Định), Phạm Duy Tuyến (Hải Dương), Nguyễn Trần Tuấn (Hà Giang),…

Số người bị bắt 6/28 chiếm tỷ lệ là 21,43%.

Cho đến tháng 8/2022, đã có 14 giám đốc, nguyên giám đốc CDC cấp tỉnh bị bắt, chưa kể số cấp phó và công chức, viên chức dưới quyền. Danh sách cụ thể gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hà Giang, Hậu Giang, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, Hải Dương.

Với số lượng 14 (trên 63 giám đốc CDC cấp tỉnh) bị bắt, tính ra tỷ lệ là 22,22%.

Con số thống kê hơn 22% trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng không phải là con số nhỏ, càng không phải chỉ là vài “con sâu làm rầu nồi canh” theo cách nói dân gian.

Người Việt có câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, thế nhưng dù 22% giám đốc CDC bị bắt thì số còn lại vẫn xem là chuyện ở đâu đó chứ không phải trong cái “tàu CDC” của mình chăng?

Báo Tienphong.vn trong bài “Vụ cựu Giám đốc CDC Quảng Ninh tổ chức tiệc chia tay: Xử phạt hai du thuyền 5 sao” đăng ngày 09/08/2022 viết:

“Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành xử phạt 2 du thuyền 5 sao Âu cơ 1 và Âu cơ 2 với tổng số tiền là 12 triệu đồng vì vi phạm an toàn đường thủy khi ghép đôi du thuyền để tổ chức tiệc cho CLB các Giám đốc CDC miền Bắc”. [2]


 

Hai du thuyền 5 sao bị xử phạt 12 triệu đồng vì vi phạm an toàn giao thông đường thủy. Ảnh: Tienphong.vn

Bữa tiệc dành cho “CLB các Giám đốc CDC miền Bắc” – theo cách viết của Tienphong.vn – thực chất chỉ là dành cho 22 giám đốc bởi 06 người đã ngồi sau song sắt.

Vì vụ Việt Á chưa kết thúc điều tra nên không thể khẳng định 22,22% giám đốc CDC cả nước bị bắt là con số cuối cùng, vậy thì vì sao có nhiều người thản nhiên tổ chức tiệc tùng như vậy?

Năm 2021, Quy định số 37-QĐ/TW (ngày 25/10/2021) về những điều đảng viên không được làm đã được ban hành.

Theo đó, Điều 18 quy định đảng viên không được “Tổ chức việc cưới, việc tang và các sự kiện khác của cá nhân, gia đình xa hoa, lãng phí,…”, nếu điều này xảy ra thì có nghĩa là xuất hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên,…”.

Liệu có vị Giám đốc CDC cấp tỉnh nào không phải đảng viên hay thực tế họ không chỉ là đảng viên mà còn tham gia cấp ủy cơ quan?

Chỉ một nhóm đảng viên, (nhiều khi lại còn là cấp ủy) sử dụng hai du thuyền ba tầng loại 5 sao tổ chức tiệc và ngủ đêm trên vịnh Hạ Long liệu có phải là “Tổ chức sự kiện của cá nhân xa hoa, lãng phí” trái với quy định của Đảng?

Nếu quả như vậy thì không chỉ Quảng Ninh mà tỉnh ủy các tỉnh, thành phố khác có nên vào cuộc xem xét các vị giám đốc CDC của mình thể hiện “tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” của bản thân như thế nào trước quy định của Đảng.

Mặt khác, có nên công khai thu nhập của các giám đốc CDC cả nước giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm với lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Số liệu cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng cho biết thu nhập của từng vị trí lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dao động từ 550 triệu đến 660 triệu đồng một năm. [3]

Không ai có quyền bắt các đảng viên sống nghèo, sống khổ. Cũng không có điều luật nào quy định cán bộ, đảng viên không được làm giàu vì thế việc Câu lạc bộ giám đốc CDC miền Bắc thuê bao hai du thuyền Âu Cơ 1 và Âu Cơ 2 với hành trình 2 ngày 1 đêm tham quan và nghỉ đêm trên vịnh là điều bình thường.

Tuy nhiên khi cơ quan chức năng xử phạt đơn vị quản lý du thuyền 12 triệu đồng thì dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự hoành tráng của bữa tiệc mà báo chí đánh giá là “vô tiền khoáng hậu” dành cho các giám đốc CDC miền Bắc.

Liệu đây chỉ là câu chuyện tiền tôi tôi tiêu hay cũng cho thấy sự “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương” ngay cả khi lò đang nóng rực?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/bo-truong-y-te-se-lap-hai-cdc-trung-uong-tai-mien-bac-va-mien-nam-102289933.htm

[2] https://tienphong.vn/vu-cuu-giam-doc-cdc-quang-ninh-to-chuc-tiec-chia-tay-xu-phat-hai-du-thuyen-5-sao-post1460141.tpo

[3] https://nld.com.vn/thoi-su/vi-sao-lanh-dao-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-bi-ky-luat-20220706205527017.htm

(Theo GDVN) Xuân Dương

Thiên đường "việc nhẹ lương cao"

 

Campuchia bắt quản lý casino nơi 40 người Việt bỏ trốn

Cập nhật lúc 13:48 

Giới chức Campuchia xác nhận bắt giữ quản lý một casino ở tỉnh Kandal - nơi 40 người Việt Nam đã bỏ trốn vì điều kiện làm việc "như địa ngục".


Campuchia bắt quản lý casino nơi 40 người Việt bỏ trốn - 1

Các quan chức xuất nhập cảnh Campuchia và đại diện từ casino (Ảnh: Khmer Times).

Khmer Times ngày 22/8 đưa tin, tướng Keo Vannthan, phát ngôn viên cơ quan xuất nhập cảnh Campuchia, cho biết ông cùng cấp dưới đã tới một casino ở Chrey Thom, huyện Koh Thom, tỉnh Kandal - tỉnh giáp với An Giang, Việt Nam. 

Ông Vannthan xác nhận, Campuchia đã bắt giữ quản lý casino này, một người mang quốc tịch Trung Quốc. Theo tướng Vannthan, đối tượng này đã thừa nhận ép buộc những người lao động Việt Nam làm việc trái với ý muốn của họ.

Theo Khmer Times, vụ việc liên quan tới casino nói trên thu hút sự chú ý của dư luận sau khi một đoạn video ghi lại cảnh khoảng 50 người Việt Nam bỏ trốn khỏi đây. Sau đó, phần lớn trong số họ đã bơi qua sông Bình Di trốn về Việt Nam.

Những người trốn thoát được cho biết, họ đã bị lừa tới làm việc ở casino nói trên và mô tả điều kiện lao động tại đó "như địa ngục".

Theo cảnh sát Campuchia, phần lớn nhóm lao động Việt Nam đã bơi về Việt Nam, nhưng 11 người đã bị bắt lại.

Trong cuộc họp cuối tuần qua, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nói với báo chí rằng, casino trên đã tuyển dụng bất hợp pháp các lao động và không trả mức lương như đã hứa cho họ.

"Họ (những người lao động bỏ trốn) được hứa hẹn trả lương cao nhưng không nhận được những gì họ mong muốn. Họ vượt biên (về Việt Nam) vì không thể đạt được thỏa thuận với người chủ", ông Sar Kheng cho biết.

Liên quan tới số phận của 11 người lao động Việt Nam bị bắt lại, tướng Vannthan cho hay, Campuchia đã thẩm vấn những người này. Các lao động giải thích, lý do họ bỏ trốn là do phía casino không làm đúng theo những gì đã thống nhất trong hợp đồng.

"Công ty hứa hẹn trả cho các lao động 800 USD mỗi tháng, nhưng quản lý trả cho họ từ 400-500 USD", ông Vannthan nói, bổ sung rằng 11 người Việt Nam hiện đang bị tạm giữ để chờ trục xuất vì "không ai trong số họ có hộ chiếu".

Thống đốc Kandal Kong Sophoan hôm 21/8 cho biết, cảnh sát Campuchia đang điều tra vụ việc trước khi quyết định bước tiếp theo.

Ông nói: "Chúng tôi khuyến khích các công ty tuân thủ luật lao động của Campuchia và tuân thủ các giấy phép kinh doanh và đảm bảo rằng nhân viên của họ thực hiện đúng nghĩa vụ, không sử dụng ma túy và cưỡng ép hoặc giam giữ người lao động".

Ông Kong Sophoan kêu gọi cảnh sát Việt Nam và Campuchia hợp tác giải quyết vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn.

Theo Khmer Times, nạn buôn người dưới vỏ bọc tuyển dụng lừa đảo tuyển dụng là vấn nạn mà Campuchia đang đối phó. Chiêu bài thường thấy của những kẻ tội phạm buôn người là hứa hẹn với người lao động về khoản lương cao để lừa họ tới Campuchia làm việc. 

Campuchia cuối tuần qua thông báo mở chiến dịch toàn quốc nhằm kiểm tra tất cả người nước ngoài đang sinh sống ở nước này, trong một nỗ lực giải cứu các nạn nhân buôn người.

(Theo Khmer Times) Đức Hoàng

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

Hình sự hóa quan hệ dân sự

 

Chuyện khó tin ở Đà Nẵng: Tranh chấp dân sự nhưng tòa thông báo mở phiên tòa hình sự

Cập nhật lúc 15:12  


Việc TAND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng gửi thông báo đến nguyên đơn thời gian mở lại phiên tòa tranh chấp dân sự nhưng điều khiến họ vô cùng lo lắng, hoang mang là thông báo ghi rõ là phiên tòa hình sự.

Sáng 20-8, ông Lê Văn Lai, Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Lê Văn Lương (SN 1934, địa chỉ 89/3 Lê Văn Hưu, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn - Hiện đã chết), phản ảnh đến Báo Người Lao Động về việc TAND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng gửi thông báo số 01/2022/TB-TA, ngày 1-8-2022, về việc mở lại phiên tòa "Tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Lương và người thừa kế ủy quyền là 3 người con ông Lương , gồm: Lê Văn Lai, Lê Thị Hiền và Lê Thị Hậu, và bị đơn là ông Nguyễn Đình Thi và bà Nguyễn Thị Thu Thủy (Bà Thủy ủy quyền cho ông Nguyễn Khắc Long và bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, đại diện tham dự phiên toà). Tuy nhiên, điều khiến gia đình ông Lai vô cùng lo lắng bởi trong thông báo gửi đến lại ghi rõ: "Phiên tòa hình sự sẽ được mở lại vào hồi 07 giờ 30 phút, ngày 26 tháng 8 năm 2022 tại trụ sở TAND quận Ngũ Hành Sơn", do thẩm phán Lê Văn Lâm ký.


Tranh chấp dân sự nhưng thẩm phán Lê Văn Lâm ký thông báo mở lại phiên tòa hình sự khiến nguyên đơn lo lắng

Ông Lai cho rằng, việc thẩm phán Lâm ký gửi thông báo phiên tòa hình sự khiến ông và những thành viên trong gia đình đại diện cho cha ông tham dự phiên tòa vô cùng lo lắng, bởi theo ông Lai, trước đó do nhận thấy trong quá trình thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự "tranh chấp quyền sử dụng đất" của gia đình thì nhận thấy thẩm phán Lâm có những động thái khuyên gia đình ông rút đơn kiện nên ông Lai cùng thành viên trong gia đình yêu cầu thay thẩm phán Lâm. "Không biết thẩm phán Lâm vô tình hay cố ý, nhưng thông báo bằng công văn mở lại phiên tòa mà ghi rõ phiên tòa hình sự thì làm sao mà tôi không lo lắng cho được", ông Lai lo lắng.

Theo đơn trình bày của các thành viên nguyên đơn gửi đến Báo Người Lao Động và cơ quan chức năng, trước năm 2018, nhà ông Lương và nhà ông Thi đều là nhà cấp 4. Khi xây nhà, ông Lương có chừa đất để mở cửa sổ phần nhà trước, phần phía sau chừa khoảng 20 cm để lợp tole che đầu tường và thông gió toilet. Cuối năm 2019, ông Thi đập nhà cũ và xây biệt thự mới. Sau khi xây xong, cả hai ông bà đi du lịch nước ngoài. Khoảng đầu năm 2020, UBND phường Mỹ An có cho ông Lương số tiền 40 triệu đồng để thay mái tole cũ đã hỏng, dột theo chính sách đối với người có công.

Khi ông Lương dỡ tole cũ ra để thay tole mới thì mới phát hiện: 8m đoạn sau nhà tôi (2 phòng trọ) bị cắt tole đầu tường để xây tường nhà ốp sát vào tường nhà ông Lương. Tiếp theo đoạn 8m này là nhà vệ sinh và nhà bếp, ông Thi xây hàng rào luồn dưới mái tole và ốp sát vách nhà ông Lương, lấn chiếm phần đất chừa thông thoáng. Hàng rào đâm ngang tường nhà phía sau (nhà trọ của Lương) khoảng 20cm.

Cuối tháng 1-2021, ông Lê Văn Lương đứng tên khởi kiện lên TAND quận Ngũ Hành Sơn, sau đó đã ủy quyền cho các con ông làm nguyên đơn. Đầu tháng 2-2021. TAND quận Ngũ hành Sơn thụ lý vụ án và tiến hành thu thập chứng cứ theo thủ tục do thẩm phán Lê Văn Lâm thực hiện.

Sau đó, nguyên đơn làm đơn khiếu nại đến TAND quận Ngũ hành Sơn và Trung tâm KTTN-MT Đà Nẵng, không đồng ý việc áp ranh giới trên bản đồ địa chính thay cho ranh giới đã xác định nhưng phiên tòa xét xử vẫn diện ra vào ngày 24-2-2022.

Ngày 17-5-2022, Tòa án tổ chức đo đạt lại 2 thửa đất tranh chấp. Tại buổi làm việc, nguyên đơn ghi rõ trong biên bản là không chấp nhận áp ranh giới bản đồ địa chính vào để làm căn cứ xác định mốc giới tranh chấp mà phải dựa trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (quyền sử dụng đất (GCN) đã cấp.

Vì thế, ngày 1-8-2022, nguyên đơn đã làm đơn trình bày gửi Chánh án TAND quận Ngũ Hành Sơn về kết quả đo đạc lần 2 và một số kiến nghị. Ngày 4-8-2022, tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến TAND Quận Ngũ Hành Sơn và Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng về việc áp dụng pháp luật của các cơ quan trong xác định mốc giới, đồng thời yêu cầu được trả lời. Sau đó nguyên đơn nhận được thông báo của Tòa về việc mở lại phiên xét xử vào lúc 7 giờ 30 ngày 26-8-2022 tại TAND quận Ngũ Hành Sơn, số 2 đường Chu Cẩm Phong, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Thế nhưng, thông báo lại ghi "Phiên tòa hình sự".

Quỳnh Châu

(Theo Người Lao Động)

Động thái lạ khiến nhiều người sẽ nghĩ ông thẩm phán đã “ăn lương” của bị đơn. Nếu vô tư ai lại gợi ý bãi đơn khi mình là người cầm cân. Tiếp đến là vụ “nhầm” này liệu có phải là lời cảnh cáo vì bị đơn “không nghe lời”?

Thương Giang

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Bom nổ chậm trái phiếu

 

Áp lực đáo hạn trái phiếu: Cần sớm đưa ra quy định để bảo vệ nhà đầu tư

Cập nhật lúc 14:51  

Rủi ro vỡ nợ trái phiếu đối với một số doanh nghiệp bất động sản đang hiện hữu. Đặc biệt, cuối năm 2022 và 2023-2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các công ty bất động sản có khối lượng trái phiếu đến hạn lớn.

Nhiều doanh nghiệp đến hạn đáo hạn trái phiếu

Sau thời kỳ phát triển nóng, đến quý 3/2022, nhiều doanh nghiệp (DN) đến hạn đáo hạn trái phiếu. Trong đó, DN bất động sản (BĐS) chiếm tỉ trọng lớn nhất với 52% tổng trị giá trái phiếu riêng lẻ đáo hạn, tương đương 33.624 tỷ đồng (tăng 252% so với cùng kỳ năm 2021). Đáng chú ý, DN đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành lượng trái phiếu trị giá gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu.

Là một trong những DN BĐS có trị giá TPDN đáo hạn cao nhất quý 3/2022, Cty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranena Revival Villas có trị giá TPDN đáo hạn lên tới 7.200 tỷ đồng. Trước đó, DN này từng phát hành thành công 5.000 tỷ đồng TPDN, loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản trong tháng 7/2021. Thời hạn phát hành 1 năm 1 ngày với lãi suất cố định 8%/năm. Tổng khối lượng phát hành TPDN của công ty gấp 47 lần vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng).


Đến quý 3/2022, nhiều doanh nghiệp đến hạn đáo hạn trái phiếu. (Ảnh minh họa: KT)

DN có số lượng đáo hạn TPDN lớn tiếp theo là Công ty CP Bông Sen (Bông Sen Corp) với trị giá 4.800 tỷ đồng. Số TPDN này được phát hành ngày 24/8/2021, kỳ hạn 12 tháng. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền với lãi suất cố định ở mức 11%/năm. Một trong những DN phải trả tiền đáo hạn lớn tiếp theo là Cty CP Osaka Garden với 7.700 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của DN chỉ có 270 tỷ đồng.

Ngoài BĐS, DN có trị giá TPDN đáo hạn lớn tiếp theo là hàng loạt doanh nghiệp tài chính, ngân hàng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (trị giá đáo hạn 2.000 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, trị giá trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.000 tỷ đồng. Trái phiếu BĐS đáo hạn chiếm đến 43,2%. Năm 2023 và năm 2024, trị giá trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt 271.000 và 329.500 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, cho đến nay, ngoại trừ trường hợp trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, các DN khác đều thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

“Khối lượng TPDN BĐS và tổ chức tín dụng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024. Trường hợp DN gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Rủi ro vỡ nợ trái phiếu đối với một số DN bất động sản đang hiện hữu

Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cũng cho thấy, các DN bất động sản đã tích cực phát hành TPDN giai đoạn 2018 – 2021 do khó tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước nêu rõ chủ trương giám sát chặt chẽ tín dụng bất động sản, thông qua việc ban hành các quy định, thông tư mới.

 


Cụ thể, quy định về hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng lên 200% từ 01/01/2017 (từ mức 150%) theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn - Thông tư 08/2020/TTNHNN. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2021.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng nên đã chuyển sang phát hành TPDN với lãi suất cao, thậm chí còn không yêu cầu tài sản đảm bảo và chịu giám sát hoạt động giải ngân tiền như đi vay ngân hàng.

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu giai đoạn 2019 - 2021 làm gia tăng áp lực đáo hạn vào năm 2022 - 2026. Năm 2023 và 2024, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu lần lượt đạt 374.300 tỷ đồng và 381.200 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, lần lượt đạt 120.400 tỷ đồng (32,1%) và 121.100 tỷ đồng (32%).

“Rủi ro vỡ nợ trái phiếu đối với một số doanh nghiệp bất động sản đang hiện hữu. Cuối năm 2022 và năm 2023, 2024 sẽ là giai đoạn khó khăn về dòng tiền đối với các doanh nghiệp BĐS có trái phiếu đáo hạn. Đặc biệt, đối với cá doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chất lượng tài sản không cao sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng khi: nguồn vốn vay ngân hàng khó tiếp cận; nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bị siết chặt; sức hấp thụ của thị trường BĐS trong năm 2023-2024 là không cao do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế”, chuyên gia của KBSV lo ngại.

Còn đối với nhóm doanh nghiệp BĐS lớn phần nào ít áp lực hơn nhờ quỹ đất lớn, còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng cùng với đó đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới cũng như có khả năng vay trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải liên tục tích lũy và triển khai dự án mới bất chấp các giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh và ở mức định giá cao để có khả năng huy động thêm nguồn vay nợ nhằm bổ sung dòng tiền nhằm thanh toán các nghĩa vụ đến hạn.

“Điều này cũng sẽ gây mất cân đối dòng tiền và làm giảm hiệu quả hoạt động trong những năm tới”, chuyên gia của KBSV nhận định.

Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa ra quy định để bảo vệ nhà đầu tư

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, thị trường TPDN bắt đầu chững lại từ khi xảy ra vụ việc Tân Hoàng Minh và thông tin Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa Nghị định 153 về phát hành TPDN. Hai sự việc này khiến DN ngần ngại không biết xử lý thế nào trong phát hành TPDN. Quan trọng hơn, nhà đầu tư giảm lòng tin vào thị trường trái phiếu. Quý 2/2022, phát hành trái phiếu khởi sắc nhưng sang tháng 7/2022 chững lại, kéo theo lo ngại về nguồn vốn thanh toán của trái phiếu đáo hạn.


TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia

Ông Nghĩa cho rằng, thời hạn đáo hạn TPDN khẩn trương, cấp bách do kỳ hạn TPDN thường 1-3 năm. Trong khi đó, Bộ Tài chính chậm trễ trong sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong thời gian chậm trễ sửa đổi, Bộ Tài chính không có ý kiến về động thái để tiếp tục duy trì thị trường.

“Trong lúc sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ không phải thị trường dừng lại, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn để thị trường vận hành bình thường. Hiện nay, đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có khả năng thẩm định năng lực của DN phát hành qua tài liệu như báo cáo tài chính. Vì vậy, Bộ Tài chính cần nhanh chóng đưa ra quy định để bảo vệ nhà đầu tư”, ông Nghĩa kiến nghị./.

Theo Diệp Diệp/VOV.VN

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Đối đầu Phương Tây - Nga

 

Ông Kissinger: Mỹ đang ở bên bờ vực chiến tranh với Nga và Trung Quốc

 Cập nhật lúc 15:58  

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng Washington đã từ chối đường lối ngoại giao truyền thống và việc thiếu vắng một nhà lãnh đạo có uy thế đã đẩy thế giới tới bờ vực chiến tranh vì Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Kissinger trước đó đã gây tranh cãi vì gợi ý rằng Ukraine nên từ bỏ một số yêu sách lãnh thổ của mình để chấm dứt xung đột với Nga.

“Chúng ta đang ở bên rìa cuộc chiến với Nga và Trung Quốc về những vấn đề chúng ta phần nào tạo ra, mà không có bất kỳ khái niệm gì về việc điều này sẽ kết thúc như thế nào hoặc nó sẽ dẫn đến đâu”, ông Kissinger cho biết khi trả lời phỏng vấn Wall Street Journal ngày 13/8.


Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Getty

Ông Kissinger đã nêu chi tiết về vai trò của phương Tây trong cuộc xung đột Ukraine trong một cuốn sách gần đây nói về các nhà lãnh đạo nổi tiếng thời hậu Thế chiến II. Ông mô tả quyết định của Nga về việc tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 là vì an ninh của chính nước này, vì việc Ukraine gia nhập NATO sẽ đưa vũ khí của liên minh đến phạm vi cách Moscow 480 km. Ngược lại, việc Ukraine hoàn toàn nằm trong ảnh hưởng của Nga sẽ không giúp ích gì nhiều để “xoa dịu nỗi sợ hãi lịch sử của châu Âu về sự thống trị của Nga”.

Theo ông, các nhà ngoại giao ở Kiev và Washington nên cân bằng những lo ngại này. Ông cũng mô tả cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine là “kết quả tự nhiên của một cuộc đối thoại chiến lược thất bại”.

Trao đổi với Wall Street Journal một tháng sau khi xuất bản cuốn sách, ông Kissinger cho rằng phương Tây lẽ ra phải coi trọng các yêu cầu an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói rõ rằng Ukraine sẽ không được chấp nhận gia nhập liên minh NATO.

Trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã nêu các lo ngại an ninh với Mỹ và NATO bằng văn bản, nhưng đã bị cả hai bên tiếp nhận từ chối.

Ông Kissinger nói rằng các nhà lãnh đạo Mỹ hiện đại có xu hướng coi ngoại giao là có “mối quan hệ cá nhân với kẻ thù,” và “tìm cách thay đổi hoặc lên án người đối thoại hơn là thấu hiểu suy nghĩ của họ”. Ông lập luận rằng Mỹ nên tìm kiếm “sự cân bằng” với Nga và Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ không còn ở vị thế đứng về phía Nga hay Trung Quốc để chống lại bên kia./.

(Theo VOV)

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

Kì quái những trò chơi

 

Hãi hùng trò chơi team building gợi dục: Có yếu tố sàm sỡ, quấy rối...

 Cập nhật lúc 14:13  

 Theo tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện TP.HCM, những trò chơi team building gợi dục là một hình thức đáng lên án và cần sớm được xóa bỏ.

 Khiến những mối quan hệ bình thường trở nên bất thường...

Thưa bà, dưới góc độ là một chuyên gia xã hội học, bà có thể chỉ ra những hệ lụy mà team building gợi dục sẽ gây ra đối với xã hội?

Những trò chơi team building gợi dục đã tác động không nhỏ đến tâm lý, ý thức và đạo đức xã hội. Nói thẳng ra, những trò chơi phản cảm như thế đã và đang góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội, làm cho quan hệ giữa con người với con người trở nên dung tục. Nguy hiểm hơn là có thể gián tiếp ảnh hưởng phá hoại hạnh phúc hôn nhân gia đình của những người chơi. Bởi không ai chấp nhận được khi những người thân yêu của họ, những người đã có gia đình đuề huề, "có nơi có chốn" rồi lại chơi những trò gợi dục thô thiển như thế với đồng nghiệp, bạn bè...


Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy. NVCC

Trong phạm vi các công ty, chính những hành vi phản cảm của những trò chơi team building dung tục sẽ phá vỡ những mối quan hệ lành mạnh nơi công sở, cũng như sẽ có nguy cơ tạo ra những mối quan hệ không còn đơn thuần là tình đồng nghiệp. Sau khi tham gia những trò chơi team building gợi dục, những đồng nghiệp quay về công ty gặp mặt nhau thì sẽ khó có thể tồn tại một mối quan hệ trong sáng, vô tư, vui vẻ như trước. Thay vào đó, mối quan hệ bị nhuốm màu của những cảm giác do tiếp xúc xúc giác gần gũi qua các trò chơi. Và thậm chí là sau này nó sẽ là nguồn cơn khiến nơi công sở xuất hiện những trò quấy rối, ngoại tình, những hành động, hành vi không mong muốn. Thật khó lường trước được những hậu quả của các trò chơi gợi dục này.


Trò chơi ăn trái cấm trên ngực phụ nữ một cach thô thiển. CHỤP MÀN HÌNH

Tôi phải nói thêm là những trò chơi team building bẩn nhan nhản trên mạng xã hội, cũng như được Báo Thanh Niên đề cập thật sự chỉ rõ sự gợi dục rất là thô thiển chứ không phải là gợi dục bình thường. Quả thật, tôi không thể lý giải nổi tại sao họ lại dám chơi những trò "mạnh bạo" như vậy. Tôi cũng tự đặt ra câu hỏi là tại sao những lãnh đạo của các công ty lại để cho nhân viên của mình chơi những hoạt động đó. Không hiểu do quan điểm, tầm nhìn hay là họ bị qua mắt, họ không biết là nhân viên của họ chơi cái gì.

Những trò chơi team buiding gợi dục là minh chứng rõ nét cũng như góp phần khiến đạo đức xã hội xuống cấp.

Có ý kiến cho rằng những trò chơi team building phản cảm sẽ khơi gợi tính dục đến lứa tuổi mới lớn?

Ý kiến này có phần đúng, đây là vấn đề rất đáng lưu tâm. Tôi đã xem một clip mà các bạn tuổi học sinh chơi team building với những hành động "không thể chấp nhận" và tôi cảm thấy rất đáng lên án để sớm dẹp bỏ kiểu chơi này. Vấn đề team building dung tục thật sự rất đáng báo động. Bởi lứa tuổi học sinh là lứa tuổi đang tò mò về cơ thể của người khác giới, tò mò về vấn đề tình dục, cũng như đang hình thành, phát triển về tâm sinh lý, rất nhạy cảm với các vấn đề này. Để rồi khi vô tình chứng kiến những trò chơi team building dung tục sẽ kích hoạt những nhu cầu tình dục không lành mạnh. Tình dục là sự thăng hoa của tình yêu, tình dục sẽ xuất hiện khi tình yêu đủ chín, đủ trưởng thành, đủ trách nhiệm. Còn trong team building thì họ biến những hành vi tình dục như là trò chơi thô thiển. Điều này sẽ dẫn đến sự lệch lạc về nhận thức của trẻ vị thành niên. Có thể phá vỡ mối quan hệ tình bạn đơn thuần, vô tư trong sáng của tuổi học trò. Cũng như khiến môi trường học đường bị vấy bẩn...

Như bà phân tích, có thể thấy hệ lụy mà team building phản cảm gây ra là rất lớn. Vậy nhưng vẫn có những luồng ý kiến mặc định, rằng "những trò chơi team building gợi dục là chuyện bình thường", "chỉ là vui thôi", "tại sao làm quá lên?". Quan điểm của bà về những ý kiến ấy như thế nào?

Tôi không ủng hộ luồng ý kiến đó. Nếu ai có ý kiến như thế, thiết nghĩ họ nên xem lại những hình ảnh báo chí phản ảnh, những clip đã khiến dư luận phản ứng, chỉ trích.

Giữa cái gợi dục và cái vui vẻ thật sự vô cùng mong manh. Bất kỳ ai khi xem những cái clip về các trò chơi "hít đất đôi", "ăn trái cấm", "bơm bong bóng", "bú bia"... cũng như thấy những hình ảnh mà báo chí đăng tải thời gian qua, thì thấy rất rõ sự bậy bạ, sự gợi dục. Nên không thể bảo là "chỉ vui vẻ thôi". Mà chính xác là sự gợi dục tiêu cực mang lại rất nhiều hệ lụy. Đừng nghĩ là nâng cao quan điểm. Tại sao trong thực tế có rất nhiều trò chơi tử tế đàng hoàng giúp gia tăng tình thân, sự chân thành, lòng yêu thương nhau một cách khách quan, lành mạnh... lại không tổ chức? Mà lại kích hoạt những cái suy nghĩ tiêu cực cho con người bằng những trò chơi phản cảm, gợi dục mang tính bậy bạ như thế?.


Trò chơi team building gợi dục

Nếu vợ hoặc chồng chơi team building gợi dục thì phải như thế nào?

Theo bà Thúy, cần phải xem đối phương chơi team building gợi dục trong hoàn cảnh nào. Nếu họ bị dụ chơi, bị cuốn vào những tình huống trời ơi đất hỡi, họ chơi một cách bị động, không hề lường trước được hậu quả... thì hai vợ chồng nên phân tích cho nhau nghe, bao dung với nhau để bỏ qua. Đồng thời thống nhất lần sau tuyệt đối phải nói không với những trò chơi gợi dục. Chứ đừng nên làm quá lên, rồi ghét bỏ, ghen tuông để mâu thuẫn vợ chồng chỉ vì trò chơi team building thì không đáng.

Còn nếu thấy đối phương là người có quan điểm không đúng đắn trong tình dục, có sự trăng hoa trong quan hệ nam nữ, có lối suy nghĩ ủng hộ team building phản cảm, hoặc chơi những trò chơi team building gợi dục một cách hào hứng... thì nên cẩn thận sự chung thủy của đối phương.

 

Người văn minh thì không ai chơi những trò chơi team building gợi dục

Trong hàng ngàn ý kiến bạn đọc gởi về Báo Thanh Niên, có ý kiến cho rằng "chỉ có những người bệnh hoạn mới có thể bày ra những trò chơi thô bỉ như vậy cũng như tham gia những trò chơi gợi dục như thế". Bà nhận định thế nào về ý kiến này?

Tôi không biết những trò chơi team building gợi dục du nhập từ đâu. Nhưng tôi nói thẳng luôn là chắc chắn các nước văn minh không bao giờ chơi những trò chơi quái gở như thế. Tạm thời khó có thể biết động cơ của những người tạo ra những trò chơi đó là gì. Có thể là họ cố tình tạo ra sự bậy bạ để gây hại cho xã hội. Có khi người khởi xướng các trò đó có ý đồ xấu chứ không phải đơn giản chỉ là cho vui. Dù không dám võ đoán, nhưng ý kiến cho rằng "chỉ có những người bệnh hoạn mới có thể bày ra những trò chơi thô bỉ như vậy cũng như tham gia những trò chơi gợi dục như thế" không phải là vô lý. Chỉ là chúng ta không rõ căn cứ nguồn gốc xuất phát từ đâu, do nước nào tạo ra, do ai khởi xướng... nên không có căn cứ để bình luận. Tuy nhiên, tôi tin rằng những người có văn hóa, văn minh, hiện đại thì không ai chơi những trò đó.

Theo bà, những trò chơi team building gợi dục có phải là một dạng quấy rối tình dục núp bóng team building hay không?

Khó kết luận đây là một dạng quấy rối tình dục công khai vì trớ trêu thay, dù rõ ràng là có yếu tố sàm sỡ, quấy rối trong các trò chơi team building gợi dục một cách rành rành nhưng lại không thể ép vô tội quấy rối được. Bởi vì hành vi sàm sỡ công khai ấy được cho phép, được hưởng ứng, được khuyến khích, được cổ động. Thật sự rất đáng buồn vì điều này.

Tôi nghĩ, những người phụ nữ có chuẩn mực giao tiếp tôn trọng cơ thể, nhân phẩm của mình thì sẽ không bao giờ muốn tham gia vào những trò chơi có sự đụng chạm gần gũi những bộ phận riêng tư của cơ thể như vậy.

Xâu chuỗi lại những chia sẻ của bà, có thể thấy đã đến lúc chấn chỉnh và "khai tử" những trò chơi team building gợi dục?

Bây giờ mới chấn chỉnh những trò chơi team building gợi dục là hơi muộn. Nhưng rất mừng khi đại biểu quốc hội đã nêu ra ở nghị trường. Mong rằng các cơ quan chức năng phải vào cuộc để quản lý sớm. Tôi nhấn mạnh thêm, các công ty có thuê tổ chức team building... phải chú ý đến hậu quả của team building gợi dục. Vì chắc chắn sẽ nhận trái đắng nếu cổ xúy và tiếp tục chơi những trò chơi phản cảm ấy. Nhiều hệ lụy sẽ xảy ra không thể lường trước hết hậu quả. Đừng chủ quan đến vấn đề có liên quan đến bản năng của con người.

(THEO THANH NIÊN ONLINEXuân Phương