Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012


20:10

 Loạt bản đồ cổ xác định Hải Nam là cực Nam TQ

VietNamnet- Theo ông Chử Đình Phúc, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, còn rất nhiều bản đồ do Trung Quốc và nước ngoài xuất bản xác định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc.


Sau bản đồ ‘Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm 1904 được ông Mai Ngọc Hồng sưu tầm và trao tặng Bảo tàng lịch sử Việt Nam, ông Chử Đình Phúc cho biết, còn rất nhiều bản đồ khác do Trung Quốc và nước ngoài xuất bản cũng xác định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc.
Điều này đồng nghĩa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không nằm trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Chử Đình Phúc cung cấp cho VietNamNet nhiều bản đồ khác nhau có cùng nội dung. Những tư liệu này được sưu tầm từ chính các nguồn thư viện điện tử của Trung Quốc công bố rộng rãi trên Internet. Điều đó cho thấy những chứng lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên.
Trân trọng giới thiệu các bản đồ do thạc sĩ Chử Đình Phúc sưu tầm:
Bản đồ “Nhị kinh thập bát tỉnh tổng đồ” trong sách "Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ", tác giả: Đông Điều Văn Tả Vệ Môn, Nhật Bản Gia Vĩnh tam niên khắc bản (1850):

Quảng Đông toàn đồ” trong sách "Thanh nhị kinh thập bát tỉnh cương vực toàn đồ", tác giả: Đông Điều Văn Tả Vệ Môn, Nhật Bản Gia Vĩnh tam niên khắc bản (1850):

 “Đại Thanh đế quốc” trong sách “Thanh đại địa đồ tập”, Thanh Quang Tự tam thập nhất niên (1905), Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán biên ấn xuất bản vẽ cực Nam Trung Quốc đến hết Hải Nam.
“Đại Thanh quốc toàn đồ” trong sách “Đại Thanh đế quốc phân tỉnh tinh đồ”, tác giả: Y Điền Hùng Phủ, nhà xuất bản Đông Kinh (Tokyo) Phú Sơn Phòng thư cục, xuất bản năm 1907.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông với cực Nam là đảo Hải Nam trong sách “Đại Thanh đế quốc phân tỉnh tinh đồ”, tác giả: Y Điền Hùng Phủ, nhà xuất bản: Đông Kinh (Tokyo) Phú Sơn Phòng thư cục, xuất bản năm 1907.

Bản đồ “Đại Thanh đế quốc” trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, năm 1908 (tức Tuyên Thống nguyên niên, Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông với cực Nam là đảo Hải Nam, trong sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, năm 1908 (tức Tuyên Thống nguyên niên ), Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành.

Bìa cuốn sách “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” là cuốn sách chứa rất nhiều bản đồ của Nhà Thanh. Trong đó xác định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Hoa. Sách in năm 1908 (tức Tuyên Thống nguyên niên), do Thượng Hải Thương vụ ấn thư quán phát hành.

Bản đồ "Thanh quốc đại địa đồ Cánh mạng (Tân Hợi) động loạn địa điểm chú". Bản đồ này do Đại Bản (Osaka) Nhật Bản Tinh Bản ấn loát hợp tư hội xã phát hành năm 1912 (tức Minh Trị tứ thập tứ niên). Hiện nay bản đồ đang được lưu trữ tại thư viện Đại học California tại Berkeley (Mỹ).

 “Trung Hoa Dân quốc toàn đồ” trong sách “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh địa đồ sách” xuất bản năm 1933.

Bìa cuốn sách “Trung Hoa tân hình thế nhất lãm đồ” của hai tác giả Thượng Ngu và Đồ Tư Thông, Thượng Hải do Thế giới dư địa học xã phát hành năm 1926.

“Trung Hoa Dân quốc toàn đồ” trong sách “Trung Hoa Dân quốc phân tỉnh địa đồ sách” xuất bản năm 1933.

“Trung Hoa Dân quốc toàn đồ” trong sách “Trung Hoa Dân quốc nhị thập tứ niên (1935) toàn quốc tỉnh khu”. Bản đồ chỉ rõ cực Nam Trung Quốc đến hết đảo Hải Nam.

Trung Hoa Dân quốc toàn đồ” trong sách “Tối tân Trung Hoa hình thế nhất lãm đồ ”, tác giả: Hồng Mậu Hy, Thượng Hải Đông phương dư địa học xã phát hành, 1935.

Bìa cuốn sách “Tối tân Trung Hoa hình thế nhất lãm đồ” có lời đề tựa của Thái Nguyên Bồi, tác giả: Hồng Mậu Hy, Thượng Hải Đông phương dư địa học xã phát hành, 1935.

 Bản đồ “Đại lục hình thế đồ” trong sách “Trung Quốc địa đồ sách”, tác giả: Tùng Điền Thọ Nam, nhà xuất bản Đông Kinh (Tokyo) Tứ Hải thư phòng, xuất bản năm 1939, vẽ cực Nam Trung Quốc đến đảo Hải Nam.

Bản đồ tỉnh Quảng Đông với cực Nam là đảo Hải Nam trong sách “Trung Quốc địa đồ sách” trong sách “Trung Quốc địa đồ sách”, tác giả: Tùng Điền Thọ Nam, nhà xuất bản Đông Kinh (Tokyo) Tứ Hải thư phòng, xuất bản năm 1939.


(Theo VNN) Linh Thư

20:01
Một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh:

EVN lời lớn, nhưng không giảm giá


TP - Sau một tháng vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, nhiều nhà máy đã giảm giá chào để tăng công suất phát điện. Việc các thủy điện giảm giá bán đồng nghĩa EVN thu được lợi nhuận thêm nhiều tỷ đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, người dân vẫn phải mua giá điện cao.
Những nhà máy thuỷ điện của EVN đang mang lại lợi nhuận kép cho tập đoàn này (ảnh chụp nhà máy Thủy điện Trị An).
Mỗi ngày lời thêm vài tỷ đồng
Thống kê của ngành điện cho thấy, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ ngày 1-7-2012, có sự tham gia chào giá trực tiếp của 29 nhà máy với tổng công suất 9.035 MW và 34 nhà máy chào gián tiếp qua các tổng công ty thuộc EVN với tổng công suất 7.745 MW.
Trong tuần đầu (từ ngày 1 đến ngày 6-7), tổng số tiền EVN thanh toán theo thị trường thấp hơn so với thanh toán theo giá hợp đồng mua bán điện trung bình mỗi ngày khoảng 8,209 tỷ đồng.
Số liệu cũng cho thấy, theo doanh thu thực tế áp giá theo thị trường điện cạnh tranh và theo hợp đồng mua bán điện trước đây, trong tổng số 24 nhà máy thanh toán theo thị trường điện có 9 nhà máy bị giảm doanh thu, 15 nhà máy tăng doanh thu.
Tổng doanh thu của các nhà máy thủy điện tham gia thị trường phát điện cạnh tranh tăng khoảng 5,4 tỷ đồng và tổng doanh thu của các nhà máy nhiệt điện giảm khoảng 16,6 tỷ đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau gần một tháng chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh, tổng chi phí mua điện của EVN giảm hơn so với việc thanh toán theo giá hợp đồng.
Một số nhà máy thủy điện có mức doanh thu tăng do áp dụng chiến lược chào giá hợp lý để được huy động cao khi nước về hồ chứa đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy, nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, đồng thời góp phần giảm giá thị trường.
Chỉ nhìn các con số trên cũng đủ thấy việc các nhà máy thủy điện nâng công suất, sản lượng, giảm giá bán đồng nghĩa giúp EVN giảm bớt việc mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy có mức chào giá bán cao.
Mua được lượng điện giá rẻ trong khi mức giá bán cho người dân và xã hội giữ cố định giúp EVN có mức lợi nhuận lớn hơn trước đây mỗi ngày vài tỷ đồng (chưa kể việc tăng giá bán điện cho các hộ tiêu dùng).
Còn những nhà máy thủy điện thuộc EVN và do EVN giữ cổ phần chi phối cũng thu được lợi nhuận lớn hơn nhờ sản lượng bán lớn, đủ bù đắp cho phần chi phí giá bán điện giảm đi.
Lời không giảm giá là vô lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho biết, qua 20 ngày thị trường phát điện cạnh tranh cho thấy, các nhà máy thủy điện đang được hưởng lợi nhờ lượng nước về nhiều kéo theo sản lượng tăng, nên các đơn vị hạ giá để chào cạnh tranh và được huy động nhiều hơn.
Theo ông Tri, từ tháng 10 tới các nhà máy thủy điện sẽ phải tích nước kéo theo sản lượng giảm đi. Sang tháng 11 ngành điện sẽ phải huy động chạy than, dầu tương đối cao, lúc đó giá thị trường sẽ khác.
Ông cũng cho rằng, thực chất thị trường điện ảnh hưởng đến mua điện của EVN rất nhỏ vì mới chỉ có 29 nhà máy tham gia thị trường phát điện với sản lượng chiếm 38%. Trong đó 95% sản lượng là thanh toán theo hợp đồng, chỉ 5% lấy theo giá thị trường.
Do đó tỷ lệ ảnh hưởng đến mua điện của EVN là không đáng kể. Các nhà máy cũng tương tự. Giá lên, các nhà máy không được hưởng, giá xuống cũng không bị thiệt nhiều.
Một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, gọi là thị trường phát điện cạnh tranh nhưng thực tế chưa có gì gọi là chuyển đổi cơ bản do từ khâu mua điện bán buôn, truyền tải điện, phân phối điện, hạch toán điện, điều độ điện quốc gia đến khâu bán lẻ vẫn do EVN chi phối.
“Các doanh nghiệp hạ giá bán cũng đồng nghĩa giá đầu vào rẻ hơn và phần lợi nhuận này chảy hết vào túi của EVN. Đáng ra, phải giảm giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Không thể có chuyện, lãi lớn nhưng lại tuyên bố từ nay đến 2015 chỉ tăng giá, do phải phân bổ lỗ của EVN các năm trước vào giá điện. Điều này đồng nghĩa EVN sẽ luôn có lợi do giá điện mua vào của các doanh nghiệp sẽ hạ xuống trong khi giá bán ra sẽ được tiếp tục điều chỉnh tăng trong các năm tới”- chuyên gia trên phân tích.

EVN lợi nhuận kép
Theo Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành, trong số 29 nhà máy điện thuộc 22 Cty phát điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường với tổng công suất đặt là 9.035MW, chiếm 38,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống, EVN sở hữu vốn tại 18 đơn vị với tổng công suất 8.073 MW, chiếm 34,2% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Trong số nhà máy điện trên, phần lớn là thủy điện thuộc EVN, nên tuy giảm giá bán điện nhưng các nhà máy lại tăng được công suất phát điện, vì thế mang lại nguồn thu lớn hơn trước. Như vậy, EVN không chỉ có lời từ giá mua điện rẻ hơn, mà còn có lời lớn nhờ nguồn thu của các thuỷ điện tăng.
(Theo TPO) Phạm Tuyên

14:15
 Hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi đại học, cao đẳng:
Bệnh thành tích hiện hình


Đến cuối ngày 30.7, hầu hết trường đại học, cao đẳng trên cả nước bắt đầu công bố điểm và xây dựng điểm chuẩn vào các ngành đào tạo. Thống kê điểm thực tế của thí sinh cho thấy tỉ lệ bài thi dưới điểm trung bình, thậm chí điểm 0 nhiều không đếm xuể.
Kết quả thi đại học lần này một lần nữa lại là minh chứng cho những băn khoăn, nghi vấn về một kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa nghiêm túc và còn chạy theo thành tích như hiện nay.
“Trứng ngỗng” nhiều không đếm xuể
Mặc dù từ trước khi thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã cho biết yêu cầu đối với đề thi là “Đề thi sẽ phù hợp với trình độ thí sinh. Tất cả thí sinh có học lực trung bình đều có thể làm được một phần đáng kể của đề thi, chứ không thể bỏ giấy trắng”. Tuy nhiên, với thống kê từ các trường, thì số lượng TS xơi “trứng ngỗng” không giảm so với các kỳ thi trước.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 271 bài điểm 0; Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM: 784 bài; Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng): 260 bài; Trường ĐH Tài chính Marketing: 375 bài; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 495 bài...
Theo thầy Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXH&NV TPHCM - thì tổng số bài thi bị điểm 0 năm nay ở mức vài chục bài cho tất cả các khối thi đợt II vào trường. Tình hình có vẻ “bi đát” hơn, đối với Trường ĐH Sư phạm TPHCM khi tổng số bài bị điểm 0 lên đến 271 bài. Còn ở mức “báo động” hơn, khi số bài thi 0 điểm vào Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM năm nay là 784 bài.

Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng  trong tổng số 11.209 TS dự thi chỉ có duy nhất 1 điểm 10, nhưng có đến 260 điểm 0. Còn nếu tính chung  cả ĐH Đà Nẵng thì TS bị điểm 0 nhiều nhất ở môn toán, môn sử cũng có 45 bài 0 điểm.

Hàng loạt trường khác cũng xuất hiện nhiều bài thi 0 điểm như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, toàn trường chỉ có 2 bài thi đạt điểm 10, số bài bị 0 điểm lên đến 286. Trường ĐH Tài chính Marketing chỉ có 6 bài  được điểm 10, có đến 375 bài bị 0 điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có tới 495 điểm 0. Trường ĐH Tiền Giang trong số hơn 3.000 TS dự thi chỉ có khoảng 200 em được 13 điểm trở lên, cả trường có 88 bài thi 0 điểm. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội có 147 TS điểm 0 môn sử; 30 TS bị điểm 0 môn toán...

Kết quả thi tốt nghiệp THPT là “ảo”
"Giống như ta đi chợ mua gạo, nếu người bán gạo nói cứ 100 hạt gạo thì có 1 hạt thóc, chắc chắn là ta vẫn mua. Thậm chí không cần sàng sảy lại, cứ thế nấu cơm, nhìn thấy thóc thì nhặt ra. Điều này cũng giống như thi tốt nghiệp THPT, 100 người thi chỉ để tìm ra một người trượt – thì chẳng nên thi làm gì nữa cho tốn kém".
PGS Văn Như Cương
Với số lượng rất ít TS bị xử lý kỷ luật trong 3 đợt thi năm nay, thì có thể thấy những em bị điểm 0 là do không làm bài hoặc không làm được bài, chứ không phải vì bị đình chỉ thi, hủy kết quả bài thi. Hai môn thi mà các hội đồng chấm thi “đếm” được nhiều điểm 0 nhất là môn toán và môn lịch sử. PGS-TS Hà Minh Hồng (Trưởng khoa Lịch sử - ĐH KHXH&NV TPHCM) nhìn nhận những bài thi lịch sử bị điểm 0 không phải do đề khó, TS không làm bài được mà thường rơi vào tình trạng TS “đi thi cho biết trường thi”, chứ không học hành gì cả. Bài điểm 0 môn sử mà vị giám khảo này thường gặp hoặc do để giấy trắng, hoặc do TS “dư thời gian” viết lại toàn bộ đề thi chứ không hề có một chữ nội dung kiến thức nào. Còn đối với một giáo viên tham gia chấm môn toán, thì với những câu dễ như khảo sát hàm số, giải phương trình, hình học phẳng... TS có học lực trung bình hoàn toàn có thể làm được một vài điểm.

Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, tỉ lệ tốt nghiệp cao không đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục tăng lên. Điểm thi vào ĐH như một phép thử, đã kiểm chứng lại chất lượng thi tốt nghiệp THPT xem đã chuẩn xác hay chưa. Chính từ việc đỗ ồ ạt, ai thi tốt nghiệp cũng đỗ như hiện nay mà đã có không ít ý kiến đặt vấn đề: Có nên tiếp tục  kỳ thi tốt nghiệp tốn kém mà không hiệu quả hay không?

Đứng ở góc nhìn tổng quan hơn, một vị lãnh đạo Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM nhận xét, kết quả thi của trường nói riêng và của các trường khác nói chung lại cho thấy trình độ chung của TS hiện nay “có vấn đề”. Bởi, ngoài một tỉ lệ không đáng kể những TS dự thi là TS tự do, thì đối tượng dự thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm hầu hết là HS phổ thông - những TS vừa trải đạt qua kỳ thi tốt nghiệp. Trong khi đó, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của năm 2012 được xác định lên đến xấp xỉ 98 – 99%.

Là một nhà giáo kỳ cựu, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) kết luận: “Kết quả thi ĐH như thế này chứng tỏ kỳ thi tốt nghiệp không phản ánh đúng thực chất. Nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ khoảng 50% thì chắc chắn là số bài thi điểm 0 không nhiều đến thế”. Theo thầy Lâm, hiện nay, tâm lý của số đông học sinh là không chịu học để có kiến thức cơ bản, mà trông chờ vào bạn bè và cả... thầy cô trong các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp. Thầy Lâm cho rằng phải thay đổi cách thức thi THPT thì học sinh mới chịu học đến nơi đến chốn. Còn cứ như bây giờ, học phổ thông không tốt, kéo theo lên đại học cũng không chịu học tử tế mà chỉ lo “chạy thầy”, “mua điểm”... hỏng cả một thế hệ.

Vì vậy, có thể thấy rằng, kết quả thi đại học lần này một lần nữa lại là minh chứng cho những băn khoăn, nghi vấn về một kỳ thi tốt nghiệp chưa nghiêm túc và còn chạy theo thành tích.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Bộ muốn tỉ lệ tốt nghiệp THPT bao nhiêu cũng được!Chia sẻ về việc có hàng chục ngàn điểm trong kỳ thi đại học, cao đẳng, PGS Văn Như Cương không ngạc nhiên, ông nói: “Điều này hoàn toàn đúng, bởi thi ĐH, CĐ đánh giá thực chất học lực của thí sinh, nếu không học thì không có điểm. Nhưng có điều “khó hiểu” là một TS đi thi đại học, chọn khối thi có những môn mà mình có khả năng nhất, học ôn luyện ít nhất là vài tháng, mà lại vẫn bị điểm 0. Những TS đi thi đều đã đỗ tốt nghiệp, đề thi tuyển sinh ĐH chỉ là khó hơn so với đề thi tốt nghiệp nhưng không quá khó và cũng vẫn nằm trong chương trình lớp 12…, vậy mà lại có hàng nghìn em không kiếm nổi một điểm nào. Điều này chứng tỏ thi tốt nghiệp không nghiêm túc, từ khâu coi thi đến khâu chấm thi.

Theo PGS Văn Như Cương, đây chính là hậu quả của bệnh thành tích xuất phát từ trên xuống dưới, bệnh thành tích ở nhiều cấp, chứ không riêng nhà trường. Có thể thấy một điều là bộ “muốn” tốt nghiệp bao nhiêu là tốt nghiệp bấy nhiêu, có thể điều tiết được, từ 60 – 70% như 4 - 5 năm trước lên dần tới gần 100% như hiện nay. Còn thi ĐH, CĐ do các trường muốn có đầu vào chất lượng nên làm rất nghiêm túc, giám thị coi chặt vì đó không phải là học sinh mình. Bài mà không làm được, bị 0 điểm là đương nhiên.
H.NG ghi
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm: Quản lý mọi sự chính danh thì giáo dục mới không bất bình thường. Chuyện giả và thực trong thi cử đã “xưa như trái đất”, là căn bệnh truyền đời - bệnh thành tích ở trường THPT. Trường nào cũng muốn có điểm cao, nên có những trường cho học sinh quay cóp thoải mái, chuyện ấy nhiều người biết cả rồi. Sự chênh lệch lực học giữa hai kỳ thi cho thấy một đằng thì muốn thả nổi để có kết quả tốt, điểm cao như mơ; đằng kia phải siết lại để sàng lọc đầu vào. Các thầy cô bây giờ cho học trò điểm cao chót vót, điểm 8 là đã  bị chê kém rồi. Đa số là điểm 9, điểm 10. Ở đây, chuyện khôi hài là cùng một bộ mà có hai kỳ thi kết quả mâu thuẫn nhau. Nếu hai bộ thì sẽ khác. Nhiều người cho rằng ở VN, dường như những cái giả thì nhiều, mà một nền giáo dục thực chất chưa thể khẳng định là có. Vấn đề đặt ra là tùy  theo mục tiêu đặt ra của từng cấp học. THPT thì muốn đạt điểm cao, còn đại học thì phải sàng lọc đầu vào, nên cần đánh giá đúng. Tỉ lệ điểm đỗ thấp thì thầy cô lấy gì mà ăn? Nếu quản lý mọi sự đâu ra đấy, mọi sự - nói như Khổng Tử - là chính danh thì mọi việc sẽ trở lại bình thường; nếu không, nền giáo dục hiện nay khá bất bình thường. Đồng lương không chính danh, nên mọi việc đều đảo lộn…
    M.T ghi
(LĐO) T.Uyên – N.Anh

12:00
Bi hài viện phí mới

TT - Một số bệnh viện đã xây dựng cơ cấu viện phí mới trong đó có những khoản... rất lạ, có chuyện cười ra nước mắt xung quanh viện phí mới, thậm chí có vấn đề, có thể dẫn đến tiêu cực. Hậu quả cuối cùng: người bệnh gánh chịu.

Ông Lê Văn Phúc (phòng chế độ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN) lật giở cơ cấu viện phí của Bệnh viện T.Ư Huế đã hoàn tất xây dựng và đang trình Bộ Y tế xem xét, phàn nàn: “Nhiều chi phí rất lạ. Tôi đã hỏi những người xây dựng viện phí ở Bệnh viện T.Ư Huế, họ bảo làm theo cơ cấu của Bộ Y tế. Nói thật là khi xây dựng cơ cấu ấy, thời gian vội vàng nên văn bản hướng dẫn nói cơ cấu của Bộ Y tế chỉ để địa phương, bệnh viện tham khảo, chứ không phải đó là cơ cấu chuẩn, nhất nhất phải áp dụng theo”.
Lạ!
Xem chi tiết cơ cấu viện phí của Bệnh viện T.Ư Huế mới thấy có nhiều chi tiết giá làm người ta thấy lạ. Chỉ riêng phí mực cho một lần in kết quả siêu âm tim và mạch máu đã là 14.000 đồng, phí giấy in (một tờ giấy trắng khổ A4) 3.000 đồng, găng tay (một lần siêu âm màu) cần hai đôi, giá 4.150 đồng/đôi, giấy lau cho bác sĩ hai tờ (1.250 đồng/tờ), giấy lau cho bệnh nhân hai tờ (500 đồng/tờ, cùng là giấy lau nhưng có chuyện phân biệt bệnh nhân - bác sĩ), khẩu trang hai cái (1.199 đồng/cái), mũ giấy ba cái (1.199 đồng/mũ), tiêu hao điện 4.167 đồng... “Không hiểu vì sao mà cần nhiều mũ giấy cho một lần siêu âm đến thế?”- ông Phúc băn khoăn.
Thế nhưng ba chiếc mũ cho một lần siêu âm cũng chưa phải là... đỉnh. Cũng trong bảng cơ cấu viện phí mới này, một lần siêu âm nội soi cần đến bảy chiếc mũ, bảy chiếc khẩu trang, chín đôi găng tay, chưa kể cùng là khẩu trang, dịch vụ siêu âm nội soi dùng loại khẩu trang 1.400 đồng/cái, còn dịch vụ siêu âm tim, mạch máu màu lại dùng khẩu trang loại 1.199 đồng/cái. Phí giấy in mỗi dịch vụ tính mỗi khác trong cùng một bệnh viện, chẳng hạn như siêu âm tim, mạch máu dùng giấy in loại 3.000 đồng/tờ, siêu âm nội soi chỉ cần dùng hai tờ giấy in giá 200 đồng/tờ. Trao đổi về vấn đề này ngày 30-7, giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế Bùi Đức Phú cho hay ông không nắm kỹ, cơ cấu viện phí do một tổ chuyên gia xây dựng, ông Phú hứa sẽ rà soát những bất hợp lý để có thay đổi phù hợp.
Không chỉ Bệnh viện T.Ư Huế, nhiều bệnh viện khác cũng đã gửi những bảng cơ cấu viện phí lên Bộ Y tế và HĐND các địa phương, trong đó có những nội dung bị coi là “có vấn đề”. Theo ông Phúc, Bảo hiểm xã hội VN đang chuẩn bị văn bản gửi Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) đề nghị xem xét lại cơ cấu viện phí của bốn loại dịch vụ của Bệnh viện Chợ Rẫy mà cơ quan bảo hiểm cho là “chưa phù hợp”.
Theo đó, qua thực tế thanh toán viện phí ở Bệnh viện Chợ Rẫy, dịch vụ chụp động mạch chủ bụng chỉ sử dụng một ống thông chụp động mạch/lượt chụp, nhưng cơ cấu viện phí mới xây dựng tới hai ống thông, giá 420.000 đồng/cái; phim 35x40cm hiện nay bệnh viện không sử dụng, nhưng trong cơ cấu viện phí mới xây dựng bốn phim, chi phí 228.000 đồng/lượt chụp; thuốc cản quang hiện sử dụng một lọ/lượt chụp, cơ cấu viện phí mới dùng hai lọ/lượt chụp, chi phí 1.134.000 đồng/hai lọ thuốc cản quang...
“Nếu làm đúng chất lượng dịch vụ như cơ cấu chi phí thì không nói, nhưng tính một cách tràn lan vào cơ cấu giá rồi không dùng cho bệnh nhân, có thể dẫn đến chuyện vật tư y tế, thuốc men bị quay vòng bán ra thị trường” - ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, lo lắng nhận xét.
Đè nặng lên người dân
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN, hiện đã có năm bệnh viện tuyến T.Ư gồm Bạch Mai, Huyết học truyền máu T.Ư, K, Việt Đức, VN - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) được phê duyệt bảng viện phí mới. Trong số 33 bệnh viện T.Ư còn lại, có 22 bệnh viện đã trình bảng giá mới và đang đợi được xem xét. Ông Nguyễn Nam Liên, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ Y tế, cho biết phần lớn nhóm này sẽ thực hiện viện phí mới trong quý 3-2012. Điều lo lắng của người dân là viện phí tăng nhưng chất lượng dịch vụ ì ạch.
Theo ông Phúc, trong cơ cấu viện phí mới Bộ Y tế xây dựng một năm thay mới một đệm ở bàn khám, gối và drap trải giường thay mới hai lần/năm.
“Như vậy có khả thi không?”- ông Phúc băn khoăn. Theo ông Nguyễn Nam Liên, không thể nay duyệt giá, mai có đầu tư ngay vì đầu tư ban đầu rất tốn kém, nhưng Bộ Y tế dự định nửa năm nữa sẽ kiểm tra, các bệnh viện không đảm bảo về trang thiết bị và yêu cầu sẽ bị buộc phải hạ khung viện phí.
Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai, địa phương từng có dự định áp 100% khung viện phí của liên bộ Tài chính - Y tế, nếu điều chỉnh viện phí theo mức này, đa số trong 447 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá đều tăng 2-10 lần, thậm chí có dịch vụ tăng giá 20 lần. Trong đó dịch vụ chụp niệu quản - bể thận ngược dòng tăng giá 9,6 lần, chụp tử cung - vòi trứng tăng 8,8 lần, chụp tủy sống tăng 9,8 lần, chọc dò màng bụng - màng phổi tăng 9,2 lần, sinh thiết màng phổi tăng 11 lần, sinh thiết tiền liệt tuyến qua đường siêu âm trực tràng tăng 9,9 lần, nội soi ổ bụng tăng 19 lần, nội soi ổ bụng có sinh thiết tăng 22 lần, châm cứu tăng 9,6 lần, đỡ đẻ thường tăng 3,5 lần, lấy dị vật trong mũi có gây mê tăng 17,7 lần, làm kháng sinh đồ tăng 11 lần...
Theo ông Phạm Lương Sơn, đa số bệnh viện tuyến T.Ư được duyệt bảng viện phí mới mức 95-97% khung, và áp lực đè lên bảo hiểm y tế và người dân sẽ rất lớn, nhất là những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội VN, hiện nhiều địa phương có tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ ở mức 45-55%.
Quá phóng tay
Theo ông Lê Văn Phúc, trong dịch vụ siêu âm, cơ cấu viện phí mới có phần in bốn ảnh siêu âm, nhưng thực tế chỉ sử dụng hai ảnh, dẫn đến giá dịch vụ siêu âm đen trắng chỉ 35.000 đồng/lượt nhưng chi phí in ảnh đã mất 6.000 đồng, điều này rất phí phạm. Với dịch vụ đặt ống thông tĩnh mạch, người có thể trọng 60kg thì chỉ cần 1-2 ống thuốc tiền mê, nhưng cơ cấu giá của nhiều bệnh viện tính sử dụng tới bốn ống.
“Mỗi chi tiết thừa, có khi chỉ một vài ngàn đồng, nếu tính không kỹ thì có thể xuê xoa vì cho rằng không đáng là bao. Nhưng với số lượng hàng chục triệu lượt khám chữa bệnh/năm thì thiệt hại sẽ rất lớn” - ông Phúc khuyến cáo.
Đó là chưa kể những bất cập trong đấu thầu vật tư khiến giá dịch vụ y tế bị đội lên bất hợp lý. Thống kê của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy giá vật tư y tế trúng thầu tại tỉnh Lào Cai thường cao hơn địa phương khác 1,5-2 lần. Tại Bệnh viện T.Ư Huế, một đôi găng tay được tính giá 4.150 đồng, trong khi giá chung hiện nay là 1.900-2.400 đồng/đôi. Tại Cao Bằng, giá thuốc gây tê Lidocaine nội thường được áp trên 1.000 đồng/ống, nhưng giá thông thường là 500-600 đồng/ống.
“Chênh lệch vừa phải thì chấp nhận được, nhưng cao quá, có khi cao gấp đôi, thì không chấp nhận được” - ông Phúc phàn nàn.
(Theo TTO) LAN ANH

11:21

 "Nếu Trung Quốc không công nhận bản đồ 1904 sẽ là phản tổ tiên"


Theo TS Mai Ngọc Hồng, "Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" là cơ sở pháp lý không thể chối cãi. Nếu Trung Quốc không chấp nhận bản đồ này tức phản lại tổ tiên họ.

 Bản đồ Trung Quốc 1904

- Ông có thể kể lại việc sưu tàm và lưu giữ cuốn bản đồ của Trung Quốc năm 1904?
- Hôm đó, ông cụ chuyên mua bán sách cũ cho Viện Hán Nôm tên là Nguyễn Văn Công (ở Phú Xuyên) đem cuốn bản đồ đến cho tôi và bảo cụ đi cả môt tuần chỉ có mỗi cái này, giá 70-80 đồng. Nhưng ngặt nỗi, Viện Hán Nôm chỉ sưu tầm sách cổ thôi chứ không sưu tầm bản đồ mà giá tiền lại cao, có thể mua được cả gánh sách. Nghĩ đến cụ còn đi lại bán sách cho mình nhiều, n nhất là cái nhân tình, công cụ phơi sương phơi gió khắp trần gian cả tuần nên tôi rút tiền túi biếu cụ cả 100 đồng. Tiền lương tháng của tôi lúc đó có 70 đồng, số tiền mua sách gần bằng tháng rưỡi lương của tôi nên sau khi mua, tôi lén mang về nhà, giấu biệt đi, trước tiên là giấu vợ. Do đó, từ lúc nhận từ tay ông cụ bán sách, tấm bản đồ này nằm im lìm hơn 30 năm trong cái hòm chuyên để đựng sách cổ và những tài liệu tôi ít dùng dựng ở góc nhà.
- Con đường nào đưa tấm bản đồ Trung Quốc 1904 sang Việt Nam và sau đó đến tay ông?
- Cái này tôi cũng không thể đoán được. Tuy nhiên, ngày xưa, việc làm và in ấn bản đồ chỉ để cho triều đình biết thôi chứ không công bố rộng rãi hay làm công cụ dạy học như bây giờ. Nó thường được cất kín trong cung cấm hoặc lưu hành nội bộ trong phạm vi quan triều. Do đó, tôi cho rằng người đưa được tấm bảm đồ này về Việt Nam có thể là người đi xứ hoặc tộc có máu mặt, quan hệ với Trung Quốc.
Còn tấm bản đồ đến tay tôi là một cái duyên. Ông bạn tôi ở dưới quê biết tin tôi có tấm bản đồ cổ quý này thì gọi điện lên bảo: “hồn thiêng sông núi nó đẩy vào tay cậu”.
- Ngoài những chú thích cho thấy cực Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, còn có phần chứ Hán. Phần đó viết gì vậy, thưa ông?
- Tấm bản đồ có tên chữ Hán là: Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, dịch nghĩa là: địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều nhà Thanh.
Phần chữ Hán phía trên bản đồ là một bài thuật về sử dụng bản đồ và đội ngũ giáo sĩ, trí thức làm bản đồ. Theo lời thuật, tấm bản đồ này được làm trong gần 200 năm. Bắt đầu từ năm Mậu Tý Khang Hy 47 (1708), đời vua Thanh Thánh Tổ Nhân Hoàng tuyển phái các giáo sĩ Bạch Tấn Lôi hiểu, Tư Đỗ Đức mỹ chế tác Vạn lý thành đồ. Sau hơn 1 năm (1710) công trình này hoàn thành, vua vui mừng lại xuống chiếu cho giáo sĩ Phan Như Lôi hiểu, Tư Đỗ Đức mỹ vẽ bản đồ Mạch đại thành đưa Mông Cổ, Mãn Châu hợp thành bản đồ của hai tỉnh Trực Lệ và Sơn Đông. Đến năm Tân Mão Khang Hy 50 (1711) vua tiếp tục sai các giáo sĩ đi khắp 13 tỉnh đo lường đấy đai, tạo bản đồ Mạch đại. Những năm sau đó, đội ngũ giáo sĩ tiếp tục tục biên tục bổ và đến năm Quang Tự nhà Thanh Giáp Thìn (1904), tấm “địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều nhà Thanh”, hoàn chỉnh. 
- Lúc bỏ tiền khá lớn (gần 1,5 tháng lương - PV) để mua cuốn bản đồ đó, ông có nghĩ nó giá trị và ý nghĩa với người dân Việt Nam như hiện nay không?
- Không, lúc đó tôi mua chỉ đơn giản là nghĩ đến cái nhân tình với ông cụ bán sách thôi nên ngay từ khi mua tôi cất ngay vào tủ và không bao giờ nhấc ra. Chỉ đến đầu tháng 5 vừa rồi, qua báo đài nói nhiều đến vấn đề tranh chấp biển Đông nên tôi mới lôi ra đọc, mà chỉ dám đọc trộm vợ con thôi. Số tiền mua cuốn sách bây giờ thì chả là gì nữa nhưng một người biết có thể nhiều người sẽ biết, sẽ gây mất an toàn với việc lưu giữ tấm bản đồ và tính mạng những người trong gia đình.
- Khi trao tặng tấm bản đồ cho Bảo tàng Lịch sử, ông có mong muốn gì?
- Tôi không cần chế độ đãi ngộ gì cả. Với tôi, tổ quốc là trên hết. Tôi quyết định trao tấm bản đồ cho Bảo tàng Lịch sử là để bảo lưu được tốt hơn vì sau khi thông tin đã lên báo, đài mà vẫn giữ trong nhà thì không an toàn.
Tôi chỉ có mong muốn công bố tấm bản đồ rộng rãi trên tất cả mặt báo, (báo viết, báo điện tử), các kênh truyền hình một cách rõ ràng cho toàn dân Việt Nam, Trung Quốc, giới khoa học hai nước và toàn thế giới biết.
Chúng ta phải truyền thông thật nhanh để bản gốc đó không phải là độc bản nữa. Tôi đã đề nghị giám đốc Bảo tàng lịch sử sao thật nhiều bản, đặt ở các bảo tàng khác, các thư viện lớn như thư viện Quốc gia để mọi người đến các nơi đó đều có thể biết. Khi đó, Trung Quốc không thèm đòi lại, trấn lột nữa vì khi cả thế giới đều biết sự thật thì họ không thể cãi lại được nữa.
- Vậy theo ông, bằng cách nào để người dân trên cả nước cũng nhu khắp thế giới đặc biệt là người dân và giới tri thức Trung Quốc biết tấm bản đồ đó và tác động đến dư luận Trung Quốc thế nào để họ nhận thức được sự thật không thể chối cãi về địa phận của đất nước họ?
- Tôi cho rằng có rất nhiều cách nhưng nhanh và hiệu quả nhất là truyền thông. Mạng internet bây giờ rất phổ biến nên ta có thể đăng bản đồ cùng các tin bài liên quan lên các báo điện tử, các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn chú trọng đến báo in. Ngoài ra, ta có thể đưa ra trong các cuộc hội thảo của giới tri thức.
Mà con đường để tấm bản đồ tiếp cận với người dân Trung Quốc, tác động đến dư luận Trung Quốc nhanh nhất là chúng ta tác động đến thế giới trước sau đó mới quay về tác động trực tiếp đến Trung Quốc. Một khi cả thế giới đều biết, đều thừa nhận sự thật thì Trung Quốc không thể không biết và phủ nhận được. Hơn nữa, dân số Trung Quốc rất đông, người Trung Quốc có mặt trên khắp thế giới. Hãy để họ tự đưa về và truyền bá cho người dân trong nước.
- Với những nghiên cứu khoa học và tin tức thời sự, ông có thể đưa ra những phán đoán của cá nhân về diễn biến biển Đông trong thời gian tới?
- Tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý để chúng ta kiện Trung Quốc nếu xâm phạm đến Trường Sa – Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nếu Trung Quốc không chấp nhận bằng chứng này tức là phản lại tổ tiên họ.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Anh
Đất Việt

09:31

Tăng lên 9 triệu khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân


Vef.vn-  Người dân có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, sẽ được giảm trừ tới 3,6 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc. Đây là mức dự kiến điều chỉnh cao cách biệt so với đề xuất ban đầu của Bộ Tài chính về  sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Sẽ tăng mức giảm trừ gấp 1,25 lần so với hiện hành
Sau 3 tháng lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan, bản mới nhất dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Điểm tích cực nhất là Bộ này đã tăng mạnh các mức giảm trừ gia cảnh, khởi điểm chịu thuế so với tính toán ban đầu trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng tương ứng trên 108 triệu đồng/năm, giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng/người tương ứng 43,2 triệu đồng/người/năm. Nói cách khác, mỗi người dân phải có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới là mức khởi điểm chịu thuế.
Các mức điều chỉnh trên cao gấp 1,25 lần so với mức hiện hành và tăng thêm 50% so với đề xuất ban đầu.
Trong khi đó, theo phương án ban đầu được công bố hồi tháng 3, Bộ Tài chính chỉ dự kiến tăng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (khởi điểm chịu thuế) lên 6 triệu đồng/tháng, tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên 2,4 triệu đồng/tháng. Nếu so với mức hiện hành là trên 4 triệu đồng/tháng khởi điểm chịu thuế và 1,6 triệu đồng/tháng giảm trừ cho một người phụ thuộc, các mức dự kiến ban đầu này chỉ tăng thêm 50%.
Thời điểm Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ bắt đầu từ 1/1/2014.
Theo một nguồn tin cho biết, lý do mà Bộ Tài chính sửa mạnh các mức điều chỉnh trên là vì nguyên cớ sau khi lấy kiến các cơ quan, bộ ngành, tỷ lệ không ủng hộ phương án của bộ chiếm phần lớn. Các mức giảm trừ trên đều được cho là quá thấp, sẽ trở nên lạc hậu vào thời điểm 2 năm tới, khi luật mới đi vào cuộc sống.
Bộ Tài chính khi đó cho hay, nguyên tắc tính khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là phải cao hơn mức thu nhập bình quân toàn xã hội tại thời điểm Luật có hiệu lực. Nguyên tắc này đảm bảo những người có mức thu nhập trung bình trở xuống chưa phải nộp thuế. Đối chiếu nguyên tắc này vào thực tế cuộc sống, hầu hết, các ý kiến người dân đều cho rằng, mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng vào hiện tại năm 2012 còn chưa đủ sống, nhất là khu vực thành thị, nói gì tới năm 2014 mà còn phải nộp thuế.
Theo bài toán của Bộ Tài chính, 4 căn cứ làm cơ sở điều chỉnh thuế là mức tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2015, biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Đề án cải cách tiền lương tối thiểu giai đoạn 2012-2013 và kết quả điều tra xã hội học của Tổng Cục thống kê về mức thu nhập và đời sống dân cư thực hiện vào năm 2010.
Tuy nhiên, tất cả các dự báo của Bộ Tài chính đều dựa trên kịch bản nền kinh tế phát triển bình thường, không lạm phát, không suy giảm, không có khủng hoảng xảy ra. Chưa kể, nhiều ý kiến chuyên gia cũng lo ngại, việc lấy kết quả điều tra mức sống dân cư từ năm 2010 để áp dụng cho năm 2014 thì giá trị thực tiễn, tính chính xác sẽ không còn nhiều.
Có thể thấy, phương án điều chỉnh mới về giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính trùng với kiến nghị của Cục Thuế Tp HCM hồi đầu tháng 4.
Khi đó, Cục Thuế Tp HCM cho biết, Luật hiện hành đang tính mức khởi điểm chịu thuế bằng 6 lần lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp, gấp 2,5 lần mức GDP bình quân .
Áp dụng các tỷ lệ trên, căn cứ mức tăng lương tối thiểu thì mức khởi điểm chịu thuế trên 4 triệu đồng/tháng hiện hành sẽ tăng lên thành 9,9 triệu đồng/tháng vào năm 2014.
Nếu tính căn cứ vào GDP bình quân theo đầu người dự kiến 1.811-1.843 USD/năm/người vào năm 2014 thì mức khởi điểm chịu thuế đến năm 2014 sẽ tăng lên 8,9-9,1 triệu đồng/tháng.
Lại tiếp tục giữ nguyên biểu thuế 7 bậc
Ngoài ra, dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính đã quyết định không sửa Biểu thuế lũy tiến từng phần như dự thảo ban đầu.
Theo đó, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên cách tính thuế chia làm 7 bậc như luật hiện hành.
Trong đó, bậc 1 là thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng/tháng có mức thuế 5%. Bậc 2 có thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng nộp thuế 10%, bậc 3 thu nhập từ 10-18 triệu nộp thuế suất 15%, bậc 4 thu nhập từ 18-32 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 20%, bậc 5 có thu nhập từ 32- 52 triệu đồng/tháng nộp thuế suất 25%, bậc 6 có thu nhập từ 52-80 triệu đồng/tháng thì nộp thuế suất 30%.
Bậc 7, thu nhập chịu thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ phải nộp thuế suất 35%.
Biểu Thuế Thu nhập cá nhân hiện hành
Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng
(trđ)

Thuế suất (%)
1

Đến 5
5
2

Trên 5 đến 10
10
3

Trên 10 đến 18
15
4

Trên 18 đến 32
20
5

Trên 32 đến 52
25
6

Trên 52 đến 80
30
7

Trên 80
35
Trong khi trước đó, dự thảo ban đầu đã đưa ra phương án giảm biểu thuế lũy tiến xuống 6 bậc và bỏ thuế suất 35%. Trong đó, bậc 6 là  giới hạn thu nhập chịu thuế từ 52 triệu trở lên nộp thuế suất 30%.
Lý giải của Bộ Tài chính khi đó cho rằng, thuế suất 35% là quá cao, không khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động và sẽ khó thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao ở nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Hơn nữa, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang có lộ trình giảm dần, từ mức 25% hiện nay xuống 22-23% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020. Do vậy, bỏ thuế suất 35% thuế thu nhập cá nhân là nhằm tương ứng với Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các ý kiến phản biện từ Hiệp hội Tư vấn Thuế cho rằng, để khuyến khích người dân nộp thuế thì cần hạ mức thuế suất bậc 1 xuống còn 2-3% thay vì 5%. Ngoài ra, khoảng cách thu nhập giữa các bậ thuế cần giãn ra như bậc 1 có thể từ 0-15 triệu đồng/tháng thay vì chỉ 5 triệu đồng/tháng như hiện nay.
(Theo Vef.vn) Phạm Huyền

09:09

Cầu Mỹ Thuận đang bị cưa chân


Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền là cây cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1A nối ĐBSCL với TPHCM. Gần đây, nhiều sà lan đã vào hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận khai thác cát, đe dọa “tính mạng” chiếc cầu dây văng này


Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Vĩnh Long, dưới chân cầu Mỹ Thuận có mỏ cát dồi dào, ước đạt 14 triệu m3. Chính vì nguồn lợi này, nhiều chủ sà lan đã lén lút vào gần khu vực cầu khai thác cát.
Qua mặt cơ quan chức năng
Sáng 25-7, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận có 2 chiếc sà lan đang khai thác cát phía Tiền Giang gần khu vực cầu Mỹ Thuận, đến khoảng 11 giờ cùng ngày thì 2 sà lan này “biến mất” nhanh chóng. Ông Lâm Hoài Đức, một chủ tàu ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang, cho biết: “Tôi chở khách du lịch tham quan cầu Mỹ Thuận vào buổi tối nên thường thấy mấy chiếc sà lan vào gần khu vực cầu này hút cát.
Mặc dù đã có quy định phải khai thác cát cách cầu 1,3 km nhưng họ vẫn tiến vào sâu hơn”. Còn ông Chín Tỷ (ngụ xã Hòa Hưng) nói: “Buổi chiều, sà lan thường đậu cặp mé bờ rồi chờ buổi tối ra gần cầu múc cát. Cát gần khu vực cầu Mỹ Thuận là cát sạch, không nhiễm bùn nhiều, bán có giá hơn nên các chủ phương tiện thường đưa sà lan vào khai thác”.

Một sà lan khai thác cát tại khu vực cầu Mỹ Thuận
Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh Vĩnh Long không cấp giấy phép khai thác cát cho tổ chức, cá nhân nào trong khoảng cách từ cầu Mỹ Thuận về phía hạ lưu 2.750 m, mặc dù phạm vi khu vực cấm theo quy hoạch của cầu Mỹ Thuận là 1km”. Tuy nhiên, chiều 25-7, qua ghi nhận thực tế, chúng tôi phát hiện 2 chiếc sà lan vẫn vô tư khai thác cát trong khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Nhành (ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ  - Vĩnh Long) bức xúc: “Có lúc sà lan kéo tới khai thác cát ầm ầm, tôi đem đá ra ném nhưng họ vẫn khai thác. Múc cát như vậy không những ảnh hưởng đến nhà cửa của dân ở cồn mà tôi sợ nó còn gây mất an toàn cho cầu Mỹ Thuận”. Theo bà Nhành, vài năm trước, khu vực ấp An Hòa, xã An Bình có thể trồng xoài, nhãn… ở đầu cồn nhưng nay đã bị sạt lở nặng nề...
“Bắt cóc bỏ dĩa”
Theo một cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý - Sửa chữa cầu đường 715 (đơn vị trực tiếp quản lý, bảo trì cầu Mỹ Thuận), hoạt động khai thác cát trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận đã diễn ra mấy năm nay: “Có đêm đi kiểm tra, từ trên cầu nhìn xuống thấy sà lan vào cách cầu 100 m để khai thác cát. Tuy bị nhắc nhở, lập biên bản xử phạt nhưng sau đó họ vẫn tái phạm” - cán bộ này nói.
Trước tình trạng khai thác vô tội vạ, ngày 18-5, Khu Quản lý Đường bộ VII (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã có văn bản đề nghị UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang hỗ trợ xử lý, chấm dứt việc khai thác cát sông trong hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận, gây mất an toàn cho công trình. Tiếp đó, ngày 4-6, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT phối hợp với UBND huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long kiểm tra, xử lý nghiêm việc khai thác cát sông trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận.
Ông Đào Văn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tiền Giang, nói: “Chúng tôi công khai số điện thoại cho Ban Quản lý cầu Mỹ Thuận, khi nào bắt được phương tiện khai thác cát trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Mỹ Thuận thì gọi cho Trạm CSGT Đường thủy giữ phương tiện để sau đó tiến hành xử lý”. Được biết, đoạn sông Tiền phía tỉnh Tiền Giang (cách cầu Mỹ Thuận 1,2 km về phía hạ lưu), hiện có 2 doanh nghiệp được UBND tỉnh này cấp phép khai thác cát sông là Công ty CP Hoàng Hải và Công ty TNHH Đức Lợi.
Hiện nay, việc xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực cầu Mỹ Thuận như “bắt cóc bỏ dĩa”. “Chúng tôi có kiểm tra việc khai thác cát nhưng mỗi lần như vậy đều thấy sà lan nằm cách cầu 2 km nên không có cơ sở để xử phạt. Chúng tôi cũng phối hợp với Phòng CSGT Đường thủy đi kiểm tra nhưng chỉ đi vào khoảng 4-5 giờ  hoặc 19-20 giờ nên không phát hiện được các đối tượng khai thác cát trái phép” - ông Hải nhìn nhận. Cũng theo ông Hải, một trong những nguyên nhân khiến “sa tặc” lộng hành là do việc phối hợp để quản lý và xử phạt giữa 2 tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang chưa chặt chẽ.
Sạt lở lớn
Đình Tân Hoa, một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm bên bờ sông Tiền, cách cầu Mỹ Thuận 400 m về phía thượng lưu (thuộc xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long) đã được di dời sâu vào đất liền hơn 50 m do sạt lở bờ sông.
Còn tại bến phà Mỹ Thuận cũ (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang), một số con đường dọc sông Tiền xuất hiện hàm ếch, rất nguy hiểm cho người đi đường.
PGS-TS Lương Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển, cho rằng khi khai thác cát quá mức sẽ tạo ra những hố sâu dưới lòng sông. Phải mất một thời gian dài những hố này mới được bồi đắp nhờ dòng chảy.
Trong thời gian ngắn, những hố sâu này sẽ lấy vật liệu ở bờ để bồi đắp, lâu ngày ở bờ sẽ xuất hiện hàm ếch. Những chỗ có khai thác cát sẽ sạt lở bờ rất nhanh. Việc khai thác cát không đúng quy định sẽ ảnh hưởng đến cầu Mỹ Thuận”.
CA LINH (NLĐO, tựa đề của Thương Giang)