Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Bước mới của mưu đồ bành trướng

 

Trung Quốc lại thêm chiêu trò thâm độc để kiểm soát Biển Đông

 Cập nhật lúc 09:28  

 Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền có thể xem là chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm tiến thêm 1 bước kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc thường xuyên điều động lực lượng chấp pháp, như tàu hải cảnh, xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Ngư dân cung cấp

Tờ Hoàn Cầu thời báo vừa đưa tin chính quyền Trung Quốc từ ngày 1/9, sẽ áp dụng quy định yêu cầu những người điều khiển một số loại tàu thuyền phải khai báo thông tin chi tiết về hải trình khi đi vào vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Bước kiểm soát mới

Các loại tàu thuyền phải khai báo bao gồm tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng... Đây là các loại tàu mà Bắc Kinh cho là “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải”.

Việc khai báo bao gồm cả thông tin của cảng dự kiến sắp đến và thời gian dự kiến đến, tên và chủng loại hàng hóa chở theo… Sau khi vào lãnh hải, nếu hệ thống nhận diện tự động của tàu không hoạt động tốt thì phải khai báo mỗi 2 giờ cho đến khi rời khỏi lãnh hải.

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một số nhà quan sát của Trung Quốc cho rằng quy định mới “là một dấu hiệu của nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc trên biển bằng cách thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt”.

Đây được xem là động thái mới của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đã thông qua luật hải cảnh mới cho phép khi cần thì lực lượng này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Một vấn đề đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc sẽ viện dẫn các luật và quy định trên ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, ngay cả khi tuyên bố chủ quyền không được cộng đồng quốc tế công nhận. Điển hình là khu vực Biển Đông.

Lo ngại cho Biển Đông

Trả lời Thanh Niên sáng nay (31/8), ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) lo ngại quy định trên đánh dấu bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát Biển Đông.

“Vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, nên quy định mới trên nên được xem xét kết hợp với luật hải cảnh mà Trung Quốc ban hành hồi đầu năm. Như thế, Trung Quốc tự đặt ra quyền thẩm vấn, lên và khám xét bất kỳ tàu nào quá cảnh qua Biển Đông. Động thái này đi ngược lại với cam kết mà Bắc Kinh từng đưa ra là không có ý định kiểm soát giao thông đường biển hoặc đường không thương mại ở Biển Đông. Quy định mới này trên thực tế thiết lập một lý do để thực hiện ý định kiểm soát lưu thông đường biển không thương mại ở Biển Đông”, cựu đại tá Schuster nói.

“Đó là cách mà Trung Quốc thiết lập các tiền lệ pháp lý mới để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ hoặc các lợi ích khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc đang sử dụng luật mới của mình để chiếm đoạt khu vực Biển Đông nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò” dù yêu sách này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016”, ông Schuster phân tích.

Từ đó, ông đặt vấn đề tiếp theo là: “Cộng đồng quốc tế và châu Á sẽ phản ứng như thế nào? Nếu các nước thực thi quy định trên, Trung Quốc sẽ giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông”.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Cũng trả lời Thanh Niên sáng nay (31/8), TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao - Tổ chức RAND, Mỹ) có nhận định tương tự.

“Quy định mới có thể được Trung Quốc áp dụng cho yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông”, TS Heath nói và lo ngại: “Diễn biến này rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân là từ quy định vừa nêu, Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho việc nước này quấy rối, uy hiếp tàu thuyền nước ngoài đi qua Biển Đông. Quy định mới cũng có thể tạo điều kiện để Trung Quốc hành động mạnh hơn đối với các tàu nước ngoài bằng cách tuyên bố thực thi luật pháp”.

Chiến hạm Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Chinamil.com.cn

Còn ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, chuyên gia về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) thì cho rằng cần chờ thêm thời gian để xác định Bắc Kinh áp dụng quy định mới như thế nào.

 Theo ông, Bắc Kinh có thể dẫn trích một số quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhằm hợp thức hóa quy định mới. “Nếu Trung Quốc áp dụng quy định mới ở tất cả vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là áp dụng theo các đường cơ sở mà Bắc Kinh đặt ra cho một số thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì chắc chắn dẫn đến leo thang căng thẳng”, ông Poling đặt vấn đề.

(Theo Thanh Niên Online) Ngô Minh Trí

An toàn thực phẩm

 

Nhiều nước Châu Âu thu hồi mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương

 Cập nhật lúc 09:12 

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường Na Uy, phía EU cho rằng, sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương bị quá dư lượng chất Ethylene Oxide cho nên đã yêu cầu rút sản phẩm khỏi thị trường

Yêu cầu rút sản phẩm ra khỏi thị trường

Sau vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland vì sử dụng chất cấm Ethylene Oxide, mới đây, một sản phẩm mì ăn liền của một doanh nghiệp khác - Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương - tiếp tục bị Na Uy thu hồi, vì có chứa loại chất này.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia) - cho biết, Thương vụ Việt Nam đã nhận được thông tin sự việc và liên hệ với phía Liên minh Châu Âu (EU) đề nghị cung cấp thông tin về sản phẩm bị thu hồi và hướng xử lý.

"Hiện tại, phía EU đã phản hồi lại sự việc. Họ cho rằng, sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương (tên tiếng Anh: Dried noodles with chicken - and beefspices from Vietnam) bị quá dư lượng chất Ethylene Oxide. Phía bạn yêu cầu rút lô sản phẩm này khỏi thị trường" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho hay.

Theo Tham tán Nguyễn Thị Hoàng Thuý, trước mắt, không chỉ Na Uy mà nhiều quốc gia Châu Âu cũng đã ra quyết định thu hồi sản phẩm này trên thị trường. Tuy nhiên, việc thu hồi chỉ áp dụng với lô sản phẩm mì khô vị bò gà, chứ không phải tất cả sản phẩm của nhà sản xuất.   

Sản phẩm phở khô vị bò gà của Thiên Hương bị thu hồi ở Na Uy. Ảnh: Công ty cung cấp 

"Việc phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm này có thể qua kiểm tra ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một khi đã vi phạm thì sau này, mặt hàng này sẽ bị tăng tần suất kiểm tra" - bà Thuý nói, đồng thời cho hay, các doanh nghiệp Việt, khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá sang thị trường EU cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của thị trường.

Bởi, khi vi phạm không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng hoá Việt Nam.

"Đối với sản phẩm, hàng hoá xuất xứ Việt Nam khi xuất sang EU, phía bạn đã có hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Các Thương vụ cũng hướng dẫn và thường xuyên cảnh báo cho doanh nghiệp Việt. 

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, việc sản phẩm có quá hàm lượng các chất cấm không chỉ xảy ra với sản phẩm của doanh nghiệp Việt mà nhiều quốc gia khác cũng mắc phải trường hợp tương tự, kể cả các nước trong EU cũng bị phát hiện thường xuyên.

Do vậy, việc cảnh báo với doanh nghiệp là cần thiết, nhưng nếu làm quá có thể gây tổn hại cho chính hàng xuất khẩu của Việt Nam" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý khẳng định. 

Công ty Thiên Hương: "Chúng tôi không dùng Ethylene Oxide" 

Trong thông cáo báo chí phát ra chiều 30.8, đại diện Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương cho biết, sản phẩm mì khô vị bò gà theo đề cập của phía EU là sản phẩm mà Thiên Hương thực hiện gia công xuất khẩu theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng tại Na Uy.

"Những sản phẩm được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu.  Chúng tôi khẳng định và cam kết rằng, quy trình sản xuất cho tất cả sản phẩm đều tuân thủ theo tiêu chuẩn IFS, ISO 22000, HACCP và không sử dụng ETO (Ethylene Oxide) trong bất kỳ khâu nào" - đại diện Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương nói.

Theo doanh nghiệp này, công ty đang tiến hành kiểm tra, sàng lọc, phân tích và đánh giá trên diện rộng ở tất cả khâu nguyên liệu, thiết bị, quy trình gia công, sản xuất cũng như tiến hành kiểm chứng thông tin sản phẩm gia công tại thị trường Na Uy. 

"Chúng tôi sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Sau khi có đầy đủ kết quả thực hiện trên sẽ công bố với truyền thông và khách hàng" - Thiên Hương thông tin.

(Theo Lao Động) Cường Ngô  

 

 

Tiếp cận vaccine COVID-19

 

Liệu doanh nghiệp Việt có mua được vắc xin ngừa COVID-19 từ Mỹ?

Cập nhật lúc 09:08     

Tuần trước, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop ở Đồng Nai tuyên bố đã đàm phán và thống nhất giá mua vắc xin ngừa COVID-19 của Hãng dược Pfizer (Mỹ). Bên bán cam kết giao 15 triệu vắc xin chia làm 2 đợt, chậm nhất vào giữa tháng 9-2021.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm kho vắc xin Pfizer do Mỹ viện trợ qua cơ chế COVAX tại kho vắc xin tiêm chủng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ở Hà Nội vào trưa 26-8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cho đến nay, các hãng dược phẩm của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson chỉ đàm phán qua kênh chính phủ chứ không đàm phán với doanh nghiệp.

Đại sứ Hà Kim Ngọc khẳng định với Tuổi Trẻ vào ngày 30-8

Theo văn bản đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop nhập khẩu 15 triệu liều vắc xin Pfizer.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Donacoop bán cho các tỉnh thành có đơn đặt hàng với công ty để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng ưu tiên tiêm chủng.

Cục Quản lý dược: chờ hồ sơ của Donacoop

Khẳng định với Tuổi Trẻ ngày 30-8, một đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết chưa nhận được hồ sơ đề nghị từ Donacoop.

"Ngoại trừ hợp đồng của VNVC mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ 2020, đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp có hồ sơ chính thức nộp lên Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và vắc xin. Hội đồng đang đề nghị bổ sung thêm hồ sơ, bao giờ có vắc xin mới nói được, còn hiện nay thế giới cũng không có hàng, việc mua bán không dễ dàng" - vị này nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khẩn cấp 2 loại vắc xin và hội đồng này đang thẩm định hồ sơ. Trong số này có vắc xin Hayat-Vax sản xuất tại UAE và Sputnik Light của Nga. Doanh nghiệp này đã ký được hợp đồng với bên thứ 3 (bên trung gian không phải nhà sản xuất) từ đầu tháng 8, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa thẩm định xong.

Một doanh nghiệp khác (có chức năng nhập khẩu vắc xin) cho biết họ có thể nhập vắc xin về, nhưng sau khi tính toán đã dừng việc này. "Hiện nay châu Âu đang mua vắc xin giá cao để tiêm liều thứ 3, chúng tôi muốn mua thì phải mua theo giá cao này nhưng về Việt Nam thì cơ chế chưa rõ triển khai tiêm theo hình thức nào - doanh nghiệp này băn khoăn - Nếu chuyển vắc xin phi lợi nhuận cho Chính phủ tiêm miễn phí thì giá quá cao, có thể Chính phủ không mua, còn cho chúng tôi tự triển khai tiêm theo hình thức tiêm hợp đồng cho doanh nghiệp thì chưa có cơ chế".

Vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (Janssen) được Mỹ xem là vấn đề thuộc an ninh quốc gia - Ảnh: DAYTONA BEACH NEWS-JOURNAL

Mỹ coi vắc xin là an ninh quốc gia

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 30-8, Pfizer Việt Nam cho biết hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ trung ương và các tổ chức lớn toàn cầu.

"Chúng tôi xin khẳng định lại rằng không có vắc xin nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Hiện tại không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vắc xin của chúng tôi trên toàn thế giới" - Pfizer Việt Nam nhấn mạnh.

Pfizer Việt Nam khẳng định các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu (PV - như COVAX) hiện ở vị trí tốt nhất để phân phối vắc xin một cách công bằng và bình đẳng cho người dân của các quốc gia. Theo các thỏa thuận cung cấp vắc xin này, các chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc phân bổ và phân phối vắc xin tại quốc gia của họ.

Trả lời báo chí vào tháng 7-2021 về việc vận động nguồn cung vắc xin và thiết bị y tế, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định phía Mỹ coi vắc xin là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, do đó được quản lý rất chặt từ việc sản xuất, phân phối tại Mỹ cũng như cung ứng cho các nước khác.

"Thời gian qua, đại sứ quán đã triển khai vận động nhiều nguồn cung, trong đó có nguồn từ các bang và các cấp địa phương khác, các tổ chức từ thiện, hiệp hội, công ty môi giới, cá nhân có liên quan... song cho đến nay chưa có nguồn nào thuộc nhóm nêu trên mang lại kết quả. Nguyên nhân là do chính sách quản lý thống nhất của Mỹ, theo đó các chủ thể tôi vừa đề cập không được phép giao dịch trực tiếp với các đối tác nước ngoài, kể cả khi họ có nguồn vắc xin dôi dư; mọi nguồn cung ứng vắc xin cho các nước đều qua một đầu mối duy nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ" - đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.

Theo đại sứ Việt Nam tại Mỹ, các công ty dược phẩm chuyên sản xuất và cung cấp vắc xin của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, cũng như các công ty đang thử nghiệm vắc xin giai đoạn II - III khác, đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vắc xin thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc các công ty môi giới tại thời điểm hiện nay.

Nỗ lực tìm kiếm vắc xin của doanh nghiệp

Công ty CP dược phẩm trung ương Codupha ở TP.HCM nhận được thư giới thiệu của UBND TP.HCM để đàm phán mua vắc xin AstraZeneca. Thương vụ này sau đó đã đổ vỡ.

TP.HCM đã phát hành thư giới thiệu cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco), Tập đoàn VinaCapital đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma (là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna) để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4-2021 hoặc quý 1-2022.

VŨ NGUYÊN

Pfizer và câu chuyện ở Ấn Độ

Tháng 4-2021, giai đoạn dịch bùng phát dữ dội ở Ấn Độ, truyền thông Ấn Độ dẫn thông tin từ Pfizer cho biết hãng dược phẩm này của Mỹ vẫn chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 thông qua các kênh chính phủ ở Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa vắc xin Pfizer sẽ không được cung cấp trực tiếp thông qua các bệnh viện tư nhân hay các bên tư nhân khác ở quốc gia Nam Á này.

Trước đó, cũng trong tháng 4, báo The Print (Ấn Độ) dẫn lời một người phát ngôn của Pfizer: "Trong giai đoạn này của đại dịch COVID-19, Pfizer sẽ ưu tiên hỗ trợ các chính phủ trong các chương trình tiêm chủng của họ và chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 thông qua các hợp đồng với các chính phủ, dựa trên các thỏa thuận với các cơ quan chính phủ tương ứng và theo sự cho phép hoặc phê duyệt theo quy định".

BẢO ANH

(Theo Tuổi trẻ) LAN ANH - DIỆU AN - HỒNG VÂN

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

Vụ bắt anh em đại gia lan đột biến ở Quảng Ninh:

 

 Phanh phui 'thế giới ngầm' than lậu

Cập nhật lúc 14:42 

  Với vỏ bọc doanh nhân thành đạt, ở biệt thự, đi xe sang, chơi lan đột biến trăm tỷ, ít ai biết anh em song sinh Bùi Hữu Giang, Bùi Hữu Thanh điều hành một công ty nằm trong đường dây khai thác, tiêu thụ than trái phép lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.


Cặp song sinh Giang, Thanh (hai bên áo trắng) tại buổi giao dịch lan đột biến hàng trăm tỷ đồng

“Rửa tiền” qua lan đột biến?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố 12 người cùng về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" theo điều 227 Bộ luật Hình sự. Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Trong vụ án, bị can Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh là anh em song sinh, cũng là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã tạo cho bản thân “vỏ bọc” doanh nhân thành đạt, nổi tiếng về độ chịu chơi trong giới chơi lan đột biến. Với việc sở hữu một vườn lan đột biến rộng hàng nghìn mét vuông, hai anh em Giang, Thanh nổi lên tại Đông Triều, Quảng Ninh như một hiện tượng lạ.

Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng về độ chịu chơi và cách vung tiền không chớp mắt của cặp song sinh này khiến nhiều tay anh chị đất mỏ cũng phải nghiêng mình. Điển hình, hồi tháng 3/2021, hai người này gây chấn động dư luận với thương vụ giao dịch lan đột biến trị giá 250 tỷ đồng. Còn bình thường, mỗi lần giao dịch lan đột biến được đưa thông tin lên mạng xã hội của anh em này ít nhất cũng phải 5 tỷ đồng.

Không chỉ chơi lan, cặp song sinh Giang, Thanh còn sở hữu căn biệt thự triệu đô nằm sát mặt đường chính và dàn siêu xe hàng chục tỷ đồng. Nổi bật trong đó là chiếc Rolls Royce Cullian (trị giá 29 tỷ đồng). Theo nguồn tin, thời gian gần đây, cặp anh em “đại gia” trên còn lấn sân sang buôn vàng và có công ty vàng bạc đá quý đặt tại TP Hải Dương.

Đặc biệt, để tăng thêm độ "bóng" và uy tín của lớp vỏ bọc, cặp song sinh này thường xuyên làm từ thiện, ủng hộ tiền cho một số sự kiện ở tỉnh nhà. Gần đây nhất, anh em Giang, Thanh cũng tích cực quyên góp ủng hộ Quỹ chống dịch COVID-19.

Với độ giàu khủng và nhanh đến chóng mặt, ít ai biết cặp song sinh này làm gì và thu nhập chính của họ lấy từ đâu mà dám “xuống” hàng trăm tỷ đồng mua lan đột biến? Nhiều người sành sỏi trong giới chơi lan đột biến đã đặt câu hỏi đối với khối tài sản kếch xù của 2 anh em Giang, Thanh và hoài nghi: màn làm giá giao dịch lan đột biến chỉ là phi vụ “rửa tiền bẩn” của một thế lực ngầm đằng sau.

Đường dây than lậu khủng

Sau vỏ bọc không hoàn hảo, 2 anh em Giang, Thanh đã lộ nguyên hình là những đầu lậu khai thác than trái phép liên tỉnh. Đường dây than lậu có sự móc nối với nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Theo tài liệu của cục C03, Bộ Công an, năm 2014, Công ty Cổ phần Yên Phước do bà Châu Thị Mỹ Linh làm giám đốc được cấp phép khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trữ lượng được cấp phép khai thác là 8.500 tấn/năm, thời hạn đến năm 2031 với hơn 136.000 tấn.

Sau khi giải phóng xong mặt bằng, từ năm 2018, Công ty Cổ phần Yên Phước bắt đầu khai thác than bằng hình thức lộ thiên. Một năm sau, bà Linh móc nối để hai anh em Giang, Thanh (là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) đứng ra khai thác, chế biến than tại mỏ với giá một tấn than thành phẩm 450.000 đồng, khối lượng khai thác khoảng 400.000 tấn/năm. Hàng năm, hai anh em Giang, Thanh sẽ phải nộp lại phần trăm theo tỉ lệ khai thác than thực tế cho bà Linh.

Từ khi được cấp phép, mỏ này đã khai thác hơn 2,5 triệu tấn than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng và than xít. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ mỏ và đơn vị khai thác thì mỗi năm chỉ khai thác 8.500 tấn than theo đúng như giấy phép. Nghĩa là số lượng than khai thác vượt mức cho phép gần 120 lần. Tại mỏ hiện còn hơn 1,5 triệu tấn than chưa tiêu thụ.

C03 đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của nhiều người liên quan, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên, Hải Dương khi để khoáng sản bị khai thác, tiêu thụ trái phép trong thời gian dài.

Để che giấu sai phạm, Công ty Cổ phần Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương đã lập khống hồ sơ nghiệm thu, báo cáo số lượng khai thác với cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên bằng đúng với cấp phép. Than được nhóm này chuyển về các bãi ở Hải Dương, Quảng Ninh để tiêu thụ đi khắp cả nước.

Cũng theo C03, với hành vi khai thác than lậu, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên môi trường, phí bảo vệ môi trường, nhóm Giang, Thanh, Linh và các đồng phạm đã thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng. Hành vi khai thác vượt trữ lượng tối đa của giấy phép khai thác khoáng sản của các bị can còn gây thiệt hại cho Nhà nước về thuế hàng chục tỷ đồng.

Để phá thành công chuyên án, C03 đã cử hàng trăm trinh sát "ăn nằm" ở các mỏ than. Ngày 19/8, hơn 135 cán bộ cảnh sát kinh tế, cơ động và quản lý thị trường đã khám xét các cơ sở kinh doanh than lậu tại Thái Nguyên và Hải Dương.

(Theo Tiền Phong) Hoàng Dương

Tự xưng 'Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch' lớn tiếng ở siêu thị:

 

Cuối cùng đã biết “tao” là… thứ dân!

Cập nhật lúc 14:33

Cơ quan công an xác định, người đàn ông đó là Hồ Hữu Nhân ngụ tại chung cư Star Hill, Phú Mỹ Hưng, phường Tân phú, quận 7. Trong lúc cự cãi, người này đã giơ thẻ tình nguyện viên ra để hù dọa nhân viên, bảo vệ và tự xưng người của “Ban chỉ đạo quận 7”.

Người kéo khẩu trang xuống thách thức bảo vệ chụp hình lại.

Liên quan đến vụ người đàn ông tự xưng là “Ban chỉ đạo quận 7” lớn tiếng với nhân viên và bảo vệ của một siêu thị tại quận 7 trong clip lan truyền trên mạng xã hội chiều ngày 29/8, Công an quận 7 TPHCM cho biết, bước đầu người đàn ông này khai tên là Hồ Hữu Nhân ngụ tại chung cư Star Hill, Phú Mỹ Hưng, phường Tân phú, quận 7.

Ngày 21/7, người này được Tổ chức Tình nguyện Quốc tế SJ Việt Nam tại Hà Nội cấp thẻ công tác tình nguyện viên để tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ngày 29/8, trong lúc cự cãi, người này đã giơ thẻ tình nguyện viên ra để hù dọa nhân viên, bảo vệ và tự xưng người của “Ban chỉ đạo quận 7”. Hiện, Công an quận 7 đang tiếp tục làm rõ và sẽ có hướng xử lý đối với trượng hợp trên.

Trong khi đó, ông D., nhân viên an ninh hệ thống siêu thị cũng là người quay clip vụ việc người đàn ông xưng là “ban chỉ đạo quận 7” quậy ở siêu thị cho biết, khoảng 16h ngày 29/8, khi ông đang làm việc tại một siêu thị ở phường Tân Phong, quận 7 thì có một người phụ nữ tới mua hàng.

“Người phụ nữ đeo thẻ có ghi dòng chữ to là thẻ công vụ, họ nói mua hàng cho lãnh đạo. Lúc này nhân viên trả lời là không bán hàng bên ngoài, chỉ bán hàng online”, ông D. kể lại.

Sau khi được nhân viên siêu thị giải thích, người phụ nữ đã đi ra ngoài gốc cây ngồi và khoảng 5 phút sau thì một người đàn ông điều khiển ô tô đến và lớn tiếng như trong clip.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện TTC Land cho biết, ông Hồ Hữu Nhân từng là Phó tổng giám đốc tại công ty nhưng đã nghỉ việc từ tháng 5/2019. Do đó, thông tin lan truyền trên mạng xã hội, nói ông Nhân đang giữ chức vụ Phó tổng giám đốc TTC Land là không chính xác. Phóng viên Tiền Phong cũng nhiều lần liên lạc với ông Nhân qua điện thoại nhưng ông Nhân không nghe máy, sau đó đã khóa máy.

Trước đó, vào chiều ngày 29/8, trên mạng xã hội lan truyền clip dài 1 phút 49 giây, được cho là tại Aeon Citimart Kênh Đào, đường Tôn Dật Tiên, quận 7, TPHCM đã xảy ra tranh cãi dữ dội giữa nhân viên, bảo vệ với một người đàn ông tự xưng “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 quận 7” đi mua hàng cho Ban chỉ đạo.

Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, siêu thị chỉ hỗ trợ bán gom đơn chung và bàn giao cho chính quyền địa phương sở tại.

Khi bị nhân viên và bảo vệ ngăn cản, người đàn ông này còn đe dọa “sẽ báo công an quận 7” và hỏi “biết tôi không?” Người đàn ông này liên tục chỉ tay, lớn tiếng với nhân viên trong siêu thị và nói: “Tôi cho công an xuống gặp ông”. Nói dứt lời, người này sau đó giơ thẻ màu trắng lên nói tiếp: “Tôi mua cho ban chỉ đạo nha, anh đây ở địa bàn quận 7, giỡn mặt với tôi à”.

Bất chấp sự truy cản của bảo vệ và nhân viên siêu thị, người này tiếp tục vượt qua dây phong toả của siêu thị rồi đi vào trong, tiếp tục lớn tiếng: “Tôi bước vô nè, thằng nào làm gì được tôi”. Lúc này một bảo vệ siêu thị yêu cầu người này không nên lớn tiếng, người đàn ông liền chỉ tay đáp: “Tôi gọi công an xuống, ông là an ninh thì an ninh gì, an ninh công ty gì, thẻ ngành của anh đâu… kêu bảo vệ toà nhà này xuống đây, nhanh”.

Sau đó, người đàn ông này còn yêu cầu bảo vệ: “Anh đưa giấy tờ của anh ra… tôi làm địa phương ở đây nè, tôi quản lý địa bàn này nè, ông biết tôi không”. Người này còn kéo khẩu trang xuống thách thức bảo vệ chụp hình lại.

(Theo Tiền Phong) Duy Quang

 

An toàn thực phẩm

 

Thiên Hương lên tiếng khi mì bị thu hồi vì chứa chất cấm ở Na Uy

Cập nhật lúc 14:19 

Đại diện Thiên Hương cho biết sản phẩm bị thu hồi thực hiện gia công theo đơn đặt hàng của đối tác tại Na Uy, không bán trong nước. Toàn bộ sản phẩm được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu.

 

Trao đổi với Dân trí ngày 30/8, đại diện Công ty Thiên Hương cho biết, sản phẩm bị thu hồi có tên là "Dried noodles with chicken anh beef spices" (Mì khô vị bò gà).

Đây là sản phẩm mà công ty thực hiện gia công theo đơn đặt hàng của đối tác tại Na Uy, không bán trong nước, toàn bộ sản phẩm được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu đối tác, phía Thiên Hương khẳng định. 


Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương có địa chỉ số 1 Lê Đức Thọ, Khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, Quận 12, TP HCM 

Đại diện công ty này cũng cho biết nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm trên từ trong nước, nhập khẩu và đối tác cung cấp. "Chúng tôi khẳng định và cam kết quy trình sản xuất cho tất cả các sản phẩm đều tuân thủ tiêu chuẩn và không sử dụng ETO (ethylene oxide) trong bất kỳ khâu nào", ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch Thiên Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công ty này vẫn đang tiến hành kiểm tra, sàng lọc, phân tích và đánh giá trên diện rộng ở tất cả các khâu nguyên liệu, thiết bị, quy trình gia công sản xuất cũng như tiến hành kiểm chứng thông tin sản phẩm gia công tại thị trường Na Uy.

Được biết, phía Thiên Hương đã có báo cáo sơ bộ gửi phía Bộ Công Thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM. Ngoài ra công ty này cũng đã yêu cầu đối tác phía Na Uy cung cấp thêm chi tiết về vụ việc này.

"Chúng tôi không làm sản phẩm này cho thị trường nội địa. Chúng tôi gia công theo tiêu chuẩn của họ và không sử dụng chất này cho bất kỳ công đoạn nào. Do dịch bệnh nên thông tin có phần chậm trễ, chúng tôi mong nhận được sự thông cảm", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Vị này khẳng định khi có đầy đủ các thông tin về nguyên nhân, cũng như chất lượng sản phẩm, công ty sẽ công bố đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 28/8, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết ngay khi nhận được thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam về cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, Bộ Công Thương đã hỏa tốc đề nghị Công ty này khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mì khô vị bò gà.

Mục đích là đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide trong sản phẩm. Đây là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Để có cơ sở xác minh làm rõ thông tin, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM thực hiện ngay một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, Cục Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương; khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide đối với một số sản phẩm Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm mì khô vị bò gà.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cũng đang xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới các cơ quan truyền thông báo chí, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Theo Luật An toàn thực phẩm Việt Nam, sản xuất thực phẩm là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(Theo Dân trí) Nguyễn Mạnh

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Câu chuyện từ thiện

 

Hoài Linh, Trấn Thành bị Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa gọi thẳng tên, nhắn nhủ 1 câu sâu cay

Cập nhật lúc 15:46  

Trong chia sẻ mới đây về câu chuyện từ thiện, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng – Nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa TP.HCM bất ngờ gọi thẳng tên Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng để làm ví dụ.


Câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện một lần nữa lại trở thành vấn đề nóng bỏng trên MXH. Tranh cãi tiếp tục xuất hiện sau khi Đàm Vĩnh Hưng bị một nữ doanh nhân tố ăn chặn, thiếu minh bạch trong chuyện giải ngân. Nhiều người nổi tiếng cũng đưa ra quan điểm về chuyện này. Trong đó, ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM nhận được nhiều sự đồng tình.

Chia sẻ trên kênh TikTok có 66,2 nghìn follow của mình, ông Vũ Thế Dũng nhắc đến 3 cái tên gây ồn ào nhất là Hoài LinhTrấn Thành và Đàm Vĩnh Hưng. Cách xử lý tiền từ thiện của họ khiến công chúng tranh cãi suốt thời gian qua. Cũng sau sự việc ồn ào đó mà một số nghệ sĩ tuyên bố không còn dám đứng ra huy động tiền bạc giúp người khó khăn vì sợ dị nghị. Lý do bởi họ cho rằng mình không có trách nhiệm phải làm việc này.

Dù vậy, tiến sĩ Vũ Thế Dũng khẳng định: “Nếu bạn cho đi với một cái tâm trong sáng, bạn sẽ không bao giờ hờn giận, tự cảm thấy mình làm ơn mắc oán hay tỏ ra khó chịu khi bị người khác đòi giải trình hay minh bạch mọi thứ”.

Trong chia sẻ này Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng nhờ việc từ thiện mà tên tuổi của những Hoài LinhTrấn ThànhĐàm Vĩnh Hưng càng thêm phổ biến. Xuất phát từ ý tốt nhưng vô tình việc kêu gọi lại trở thành cuộc đua xem nghệ sĩ nào huy động được nhiều tiền hơn.


"Chẳng hạn như Hoài Linh với số tiền 14 tỷ giải ngân quá muộn, hay Đàm Vĩnh Hưng lấy 140 triệu ủng bộ bão lũ đi xây chùa. Hay như Trấn Thành, giao tiền từ thiện lại cho một bên thứ ba tự xử lý. Một số nghệ sĩ nói rằng họ sẽ chấm dứt huy động tiền từ thiện của cộng đồng như Đàm Vĩnh Hưng. Một số nghệ sĩ khác lại cho rằng họ không sinh ra để làm từ thiện, nếu làm từ thiện mà phải có chứng từ, sao kê thì họ không muốn làm nữa, như Trấn Thành.  Vậy, phải chăng các nghệ sĩ đang làm ơn mắc oán và nếu họ chấm dứt việc làm từ thiện thì xã hội sẽ thiệt thòi?",
 ông Vũ Thế Dũng bày tỏ quan điểm.

“Thông qua con đường đóng góp của bá tánh, người ta thấy tên tuổi nghệ sĩ nổi lên như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, chứ không ai biết bá tánh là ai cả… Từ đó, xuất hiện cả chuyện từ thiện như Trấn Thành, đứng tên mình nhận tiền từ thiện từ cộng đồng nhưng lại đưa cho người khác xử lý hộ.

Chưa kể, tiền là của cộng đồng nhưng đến khi trao ra chỉ thấy tên nghệ sĩ chứ không thấy hình bóng cộng đồng nào trong đó.  Rõ ràng, nghệ sĩ làm từ thiện không hề không công. Dù chủ đích hay không, họ cũng nhận lại được nhiều lợi ích. Vậy nên, nghệ sĩ hãy bớt hờn giận, nhõng nhẽo và nên trưởng thành, chuyên nghiệp hơn”, tiến sĩ Vũ Thế Dũng nói.

Theo Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa TP.HCM, nghệ sĩ không nên nghĩ rằng làm từ thiện là làm ơn cho những mạnh thường quân khác. Qua câu chuyện từ thiện, công chúng cũng thanh lọc được xem đâu là nghệ sĩ thật, đâu là “những kẻ giả trân”.

“Không mợ thì chợ vẫn đông… Nghệ sĩ không làm từ thiện thì tiền của cộng đồng vẫn còn đó, không mất đi đâu.Chỉ có điều, nó sẽ được chuyển vào những nơi uy tín hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn… Chúng ta rất tôn trọng nghệ sĩ làm từ thiện, đóng góp cho đời sống nhưng cũng cần hết sức rạch ròi, không ai nợ ai, không ai làm ơn cho ai. Cần phải hướng đến quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện”, tiến sĩ Vũ Thế Dũng khẳng định.

 (THEO NGUOIDUATIN.VN) AN AN

Bảo vệ người tiêu dùng

 

Hỏa tốc yêu cầu Công ty Thiên Hương báo cáo khẩn về quy trình sản xuất

Cập nhật lúc 08:31                 

Bộ Công thương hỏa tốc đề nghị Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mì khô vị bò gà do công ty sản xuất vừa bị thu hồi ở Na Uy.


Một số sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam sản xuất đang gặp khó tại thị trường châu Âu do vi phạm chất cấm - Ảnh: T.L

Khuya 28-8, Bộ Công thương vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mì khô vị bò gà do công ty sản xuất.

Yêu cầu này nhằm đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide (là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế) trong sản phẩm, sau khi có thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam về cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm nói trên của công ty. 

Theo Bộ Công thương, để có cơ sở làm rõ thông tin, Bộ đề nghị Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương. 

Khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide đối với một số sản phẩm Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm mì khô vị bò gà.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra làm rõ quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, cũng như xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông tin cảnh báo về việc Liên minh châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh "Dried noodles with chicken - and beefspices", nhà sản xuất: Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, địa chỉ: số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM, tại thị trường Na Uy.

Lý do thu hồi sản phẩm do có chứa 0,052mg/kg - ppm ethylene oxide, vi phạm chỉ thị số 91/414/EEC của EU.

Cục An toàn thực phẩm cho biết các cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm tra, làm rõ để kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Công thương cũng cho biết đang khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. 

Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới các cơ quan truyền thông báo chí, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị xác minh cảnh báo của EU về mì tôm và mì khô bị thu hồi

Ngày 28-8, Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương), Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam về cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) về sản phẩm mì khô vị bò gà và mì tôm Hảo Hảo chua cay.

Ông Ngô Xuân Nam, phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết đơn vị nhận được cảnh báo của EU số 2021.4177 đối với sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh "Dried noodles with chicken - and beefspices" của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (quận 12, TP.HCM).

Theo đó, sản phẩm mì khô vị bò gà phải thu hồi tại thị trường Na Uy do có mối nguy là vi phạm chỉ thị của EU số 91/414/EEC do có chứa 0,052 mg/kg - ppm ethylene oxide.

Tương tự, ông Nam cho biết trước đó, ngày 9-8, EU cũng cảnh báo đối với sản phẩm mì tôm chua cay nhãn hiệu "Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish" của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP.HCM).

Nội dung cảnh báo nêu rõ, thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm nói trên của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tại các thị trường: Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Bỉ, Na Uy, Ireland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Nguyên nhân là do sản phẩm chứa trái phép chất 2-chlorethanol berechnet als ethylenoxid /// 2-chloroethanol calculated dưới dạng ethylene oxide.

Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị quý cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

CHÍ TUỆ

Theo Luật an toàn thực phẩm Việt Nam, sản xuất thực phẩm là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

(Theo Tuổi trẻ) TRẦN VŨ NGHI