Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012


 22:00

Bí thư Đà Nẵng ‘khuyên’ doanh nghiệp kiện...UBND

                                    

Ngày 29/11, một tình huống khá bất ngờ đã xảy ra tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP Đà Nẵng khi tiến hành xem xét các vấn đề liên quan đến khu đất trên vệt khai thác quỹ đất dọc QL1A (thuộc xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang) đã chuyển quyền sử dụng cho Công ty TNHH Khải Hoàn Nguyên.
                                                 
Nộp tiền hơn 2 năm chưa nhận được đất

Báo cáo ban đầu của Sở Xây dựng Đà Nẵng khá đơn giản. Khu đất được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Khải Hoàn Nguyên có diện tích 5.638m2. 

Nhưng do giá trị đền bù giải toả phần đất hơn 3.200m2 trong khu đất này rất cao nên Công ty Hoàn Nguyên đề nghị xin hoán đổi qua vị trí khác cách đó vài trăm mét với diện tích hơn 3.000m2. Các thủ tục tài chính thực hiện theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, ông Trần Đức Nghiêm, Giám đốc Công ty Khải Hoàn Nguyên lại đưa ra thông tin rất trái ngược. Theo đó, kể từ tháng 10-2010, Công ty Khải Hoàn Nguyên đã thực hiện đầy đủ thủ tục, nghĩa vụ tài chính hơn 10 tỉ đồng cho toàn bộ diện tích 5.638m2, đóng góp ủng hộ quỹ pháo hoa của Đà Nẵng 1 tỉ đồng. Chưa kể các khoản khác như san lấp mặt bằng, lát vỉa hè, phê duyệt quy hoạch kiến trúc...

"Nhưng đến giờ công ty chúng tôi vẫn chưa nhận được đất. Hai năm qua chúng tôi đã 5 lần gửi đơn kiến nghị nhưng mãi đến hôm nay mới được mời dự họp!" - ông Trần Đức Nghiêm bức xúc nói. 

Ông Nghiêm cũng cho biết, Sở Xây dựng Đà Nẵng có ý kiến chuyển đổi cho Công ty Khải Hoàn Nguyên một khu đất khác hơn 3.000m2 để bù lại phần đất không thể tiến hành đền bù giải toả vì giá trị quá cao.


Việc khu đất hơn 5.600m2 dự định mở cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị nông nghiệp bị "xé" ra hai vị trí khác nhau sẽ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xây dựng cũng như hoạt động nên Công ty Khải Hoàn Nguyên kiến nghị: Hoặc Đà Nẵng hoàn trả tiền chuyển quyền sử dụng đất mà công ty này đã nộp cách đây 2 năm. Còn nếu đổi khu đất khác thì TP không thu tiền phần diện tích tăng thêm khoảng 700m2, vì chỉ tính lãi suất của 11 tỉ đồng trong 2 năm qua thì công ty này đã mất khoảng 4 tỉ đồng!

"Một đứa con gái đem gả hai nơi!"

Theo yêu cầu của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh, đại diện Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng giải trình: Công ty Khải Hoàn Nguyên đã nộp vào ngân sách TP 10,4 tỉ đồng nhưng chưa nhận bàn giao đất là do trên diện tích đã được phê duyệt cho công ty này lại có phần đất của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phước Nghĩa. Hội đồng đền bù giải toả mặt bằng của huyện Hoà Vang đã trình phương án bố trí đất tái định cư cho Công ty Phước Nghĩa nhưng đang chờ ý kiến của UBND TP Đà Nẵng để tiến hành giải toả.

Ông Nguyễn Bá Thanh hỏi: "UBND TP có ý kiến gì về việc đó? Coi như ở dưới làm còn mình không biết? Chỉ biết ngồi thu tiền vô, còn cứ đá qua, đá lại?". Chưa kịp có câu trả lời thì đại diện Ban giải toả đền bù số 3 cho biết thêm, theo hồ sơ của Công ty Phước Nghĩa thì phải giải quyết 14 lô đất tái định cư, vì ở đây có văn phòng của công ty. Ngoài ra, kinh phí đền bù giải toả khu đất này rất lớn vì Công ty Phước Nghĩa đã san nền và xây dựng hệ thống bờ kè rất kiên cố!

Ông Nguyễn Bá Thanh gay gắt: "Tại sao đi lấy văn phòng của họ bán cho người khác? Ai chịu trách nhiệm về chuyện này?". Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng giải thích: "Theo quy hoạch thì phần đất của Công ty Phước Nghĩa (nằm trong khu đất được phê duyệt chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Khải Hoàn Nguyên) là đất kho tàng, nhưng trong đó lại có 14 thửa đất ở. Nếu bây giờ giải toả đi thì...".

Ông Nguyễn Bá Thanh cắt lời: "Tôi không hỏi chuyện đó, anh đừng nếu nọ, nếu kia. Tôi hỏi đất này là của Công ty Phước Nghĩa, tại sao đem bán cho Công ty Khải Hoàn Nguyên rồi bây giờ hậu quả là phải tìm mười mấy lô đất tái định cư để bố trí cho Công ty Phước Nghĩa? Ai chủ trương cái đó?". 

Đại diện Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng cho biết, chủ trương cho phép chọn địa điểm chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Khải Hoàn Nguyên là của UBND TP Đà Nẵng căn cứ theo đề xuất của Sở Xây dựng!


Mặc dù đại diện Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng nhiều lần cố biện giải rằng Công ty Phước Nghĩa xây dựng văn phòng trên khu đất được quy hoạch làm kho tàng là không đúng nhưng ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu không được "lý sự", "tránh né" mà phải có người chịu trách nhiệm về việc "có một đứa con gái đem gả cho hai nơi". 

Theo ông Thanh, miễn không xây dựng nhà ở, còn về nguyên tắc, doanh nghiệp xây dựng văn phòng trong khu vực kho tàng của họ thì không thể cấm được.


"Đề nghị doanh nghiệp phát đơn kiện, tôi ủng hộ!"

"Vấn đề không phải có hay không có văn phòng mà là anh phải ra quyết định thu hồi đất ở đó rồi mới được bố trí cho đơn vị khác. Vậy quyết định thu hồi đất có chưa mà lấy bán cho người khác? Chưa thu hồi đất, đất đó không phải của anh, tại sao anh đem đi bán, sai cơ bản như thế? 

Anh bắt doanh nghiệp nộp tiền rồi ngồi chờ mấy năm nay, không cấp sổ đỏ. Lùng nhùng chỗ Công ty Phước Nghĩa, không giải toả được vì đụng vô là họ đòi hàng chục lô đất tái định cư. Anh lúng túng, không biết đường giải quyết nên bắt doanh nghiệp chịu" - ông Nguyễn Bá Thanh gay gắt chỉ rõ vấn đề.


Ông đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến chủ trì họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này, sai từ khâu nào, ai gây ra và có báo cáo cụ thể cho Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. "Tôi không quên cái này đâu, vì đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những chuyện như thế này!" - ông Nguyễn Bá Thanh nói.

Ông cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra quyết định cảnh cáo lãnh đạo Công ty Quản lý và Khai thác nhà đất Đà Nẵng (đơn vị được giao ký hợp đồng bán đất cho Công ty Khải Hoàn Nguyên) vì "tiền thì biết nhận mà sổ không cấp". 

Ông Thanh nói thẳng: "Anh thu tiền của người ta thì phải làm giấy tờ, thủ tục, nếu vướng thì phải báo cáo, đề xuất chứ không phải ngồi im rồi hẹn tới hẹn lui".


Đối với kiến nghị của Công ty Khải Hoàn Nguyên, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng đổi khu đất mới không thu tiền diện tích chênh lệch hoặc tính lãi suất vay ngân hàng kể từ khi doanh nghiệp nộp tiền đất đến nay để "bù đắp lại những thiệt hại của doanh nghiệp trong mấy năm kéo dài lê thê không được cấp sổ đỏ để triển khai dự án".

"Trong tháng 12 phải kết thúc việc giải quyết cho Công ty Khải Hoàn Nguyên. Nếu để qua tháng 1/2013 thì UBND TP Đà Nẵng chịu trách nhiệm. Hễ qua tháng 1 là tôi đề nghị doanh nghiệp phát đơn kiện, lôi mấy ông này ra toà xử, tôi ủng hộ cho. Thiệt hại là các ông bỏ tiền ra đền, như thế là bữa sau nhớ ngay!" - ông Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.

Theo infonet

 21:30

 Hà Nội bắn pháo hoa tại 29 điểm trong dịp Tết Quý Tỵ

 

 


Các điểm bắn có thể tăng số lượng pháo hoa bằng ngân sách địa phương...



Thời lượng bắn sẽ kéo dài trong 15 phút theo quy định của Chính phủ.

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố kế hoạch bắn pháo hoa nhân dịp Tết nguyên đán Quý Tỵ 2013 sắp tới.

Theo đó, vào thời điểm giao thừa, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm, trong đó có 5 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp. Thời lượng bắn sẽ theo quy định của Chính phủ, kéo dài trong 15 phút như các năm trước, từ 0h đến 0h15 phút ngày 10/2/2013.

5 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: hồ Gươm (có 2 điểm trước Bưu điện Hà Nội và trước trụ sở báo Hà Nội mới), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (Tây Hồ), hồ Văn Quán (Hà Đông), sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Từ Liêm).

24 điểm bắn tầm thấp ở 24 quận, huyện, thị xã gồm: Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Gia Lâm, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Oai, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.

Tổng số pháo hoa tầm cao sẽ là 3.100 quả, còn pháo hoa tầm thấp mỗi điểm sẽ bắn 90 giàn. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho rằng, các điểm bắn có thể tăng số lượng pháo hoa bằng ngân sách địa phương, nhưng không quá 135 giàn.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc giao các ngành như Công an thành phố, Bộ Thủ đô, Phòng cháy chữa cháy, điện lực và các quận huyện tổ chức bắn pháo hoa an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ trong dịp nghỉ lễ, tết năm 2013 đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong dịp Tết Âm lịch, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ vào thứ Sáu (15/2/2013), tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch và đi làm bù vào thứ Bảy (23/2/2013), tức ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Như vậy, Tết Quý Tỵ sẽ có 9 ngày nghỉ liền tục từ 9/2/2013 (ngày 29 tháng Chạp) đến 17/2/2013 (mùng 8 tháng Giêng âm lịch).
(Theo VnEconomy) BẢO ANH

19:39
Trung Quốc cho cảnh sát khám xét tàu thuyền ở vùng biển tranh chấp


(VnMedia) - Trung Quốc đã cho lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới của nước này quyền được xông lên khám xét và truy đuổi tàu thuyền nước khác hoạt động trong vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông, báo chí địa phương hôm nay (30/11) đưa tin.

Luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1 tới sẽ cho phép lực lượng cảnh sát ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc, xông lên lục soát và chiếm giữ những tàu nước khác mà nước này tuyên bố là “đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc một cách bất hợp pháp”. “Cảnh sát cũng có quyền bắt các con tàu này phải chấm dứt hành trình và đổi hướng”, tờ China Daily – tờ báo chính thức của Trung Quốc, cho biết.

Động thái trên chắc chắn sẽ lại một lần nữa đốt nóng căng thẳng ở khu vực Biển Đông vốn đã chứng kiến rất nhiều sóng gió trong thời gian vừa qua. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông khiến các nước láng giềng bất bình.

Biển Đông hiện tại đang là điểm nóng có nguy cơ bùng phát xung đột lớn nhất ở khu vực Châu Á do có nhiều nước tranh chấp lãnh hải ở đây. Biển Đông vốn là khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt. Hơn nữa, với tư cách là tuyến đường ngắn nhất nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Biển Đông chứa đựng một số trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. Hơn một nửa nguồn cung cấp dầu mỏ cho toàn cầu đi qua đây.

Philippines, một trong những mục tiêu chính của luật mới mà Trung Quốc vừa đưa ra, hiện tại chưa thể xác nhận tính chính xác của thông tin nói trên. Ông Raul Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết cơ quan này đang thu thập thêm thông tin về luật mới của Trung Quốc.

“Nếu điều đó là đúng thì điều này không chỉ gây lo ngại cho Philippines mà cho cả cộng đồng quốc tế”, ông Hernandez cho biết.

Trong khi đó, ở Malacañang, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – ông Edwin Lacierda nói: “Thay vì đề nghị chính phủ Philippines bình luận về lập trường của một quan chức chính quyền địa phương của Trung Quốc, tại sao báo chí không đặt câu hỏi cho Đại sứ quán Trung Quốc tại đây và hỏi xem liệu đó có phải là lập trường mà họ đang áp dụng hiện nay hay không?”.

Tuy nhiên, quân đội Philippines có phản ứng quyết liệt hơn và cho rằng luật mới của Trung Quốc “đã đi quá xa”.

“Điều đó là không thể. Đó là sự vi phạm các quyền quốc tế. Điều đó đã đi quá giới hạn. Trong khi chúng tôi đang cố tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp thì họ lại làm việc đó”, Trung tướng hải quân Juancho Sabban, chỉ huy các lực lượng vũ trang phía tây Philippines (Wescom), cho biết qua điện thoại từ Trại Aguinaldo. 

Diễn biến trên diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang nổi giận trước việc Trung Quốc hôm 22/11 thông báo đưa bản đồ nước này, trong đó có cả những vùng lãnh thổ tranh chấp, vào trong hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân. Động thái đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của Trung Quốc đã vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ và cả những động thái trả đũa của các nước trong khu vực gồm Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Việt NamPhilippines kiên quyết không đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc trong khi Ấn Độ đáp trả bằng cách cách tiến hành cấp thị thực mới cho công dân Trung Quốc. Thị thực này được in hình bản đồ của Ấn Độ trong đó bao gồm đầy đủ những phần lãnh thổ đang  nằm trong tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc.

Mỹ cũng tuyên bố không công nhận bản đồ mới gây tranh cãi mà Trung Quốc cho in lên hộ chiếu của họ. Washington cho biết, nước này sẽ đưa vấn đề hộ chiếu mới ra thảo luận với Bắc Kinh bởi đây là vấn đề đang gây “căng thẳng và lo ngại” trong khu vực.

Philippines kiên quyết yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc rời khỏi vùng tranh chấp

Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình Biển Đông, Philippines sẽ tiếp tục kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút 3 tàu của nước này khỏi vùng bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông sau gần 6 tháng chính phủ Trung Quốc cam kết thực hiện việc này, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua (29/11) cho biết.

Ngoại trưởng Philippines – ông Albert F. del Rosario cho hay, trong khi Manila đã rút toàn bộ tàu thuyền của mình ra khỏi bãi cạn Scarborough hôm 4/6 như thỏa thuận mà hai nước đạt được thì 3 tàu của chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục bám trụ ở đây.

"Hiện tại, họ vẫn để 3 chiếc tàu neo đậu trong khu vực. Chúng chưa từng rời đi. Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu họ tôn trọng chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi cũng yêu cầu họ rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi khu vực như đã cam kết trước đó”, ông Rosario nhấn mạnh.

Tàu thuyền của chính phủ Philippines và Trung Quốc đã có một cuộc đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough hồi tháng 4. Cuộc đối đầu này là nguồn cơn gây ra “trận sóng to gió lớn” kéo dài gần 2 tháng trời ở Biển Đông. Trong một nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng trong khu vực, Manila và Bắc Kinh hôm 4/6 đã nhất trí rút toàn bộ tàu thuyền của hai nước ra khỏi vùng tranh chấp. Tuy nhiên, trong khi Philippines tôn trọng cam kết này thì Trung Quốc lại không, Ngoại trưởng Rosario cho biết.

Theo lời ông Rosario, hồi tháng 6, một quan chức Trung Quốc ban đầu đã đưa ra lý do biển động để giải thích cho việc họ chưa rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn Scarborough như cam kết. Vị quan chức này không cho biết khi nào tàu thuyền của họ sẽ rút đi.

Tuy nhiên, gần 6 tháng đã trôi qua mà tàu thuyền Trung Quốc vẫn ở nguyên vị trí. Điều này đã khiến chính phủ Philippines tức giận.
Kiệt Linh - (theo Inquirer, Business World, Reuters)

17:01

Bộ sậu của Cty Trường Sa: Nguyễn Hà Quảng (bìa trái), Ngô Quốc Hùng (áo vest đen), Trần Thị Kim Dung (thứ 2 bên phải) và Trần Thị Thu Hiền (bìa phải).

Vụ "1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô": Kịch bản lừa đảo thời suy thoái


Nguyên lý “M&A” của những sáng lập viên Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa gồm 3 điểm, mà thứ nhất là “Lấy mỡ nó rán nó” hay dùng súng địch, đánh địch.

Thứ hai: Tìm mọi cách cột chặt các đối tác vào Trường Sa, khiến bên A không những không thể thoát ra được mà còn phải “cày” để nuôi những người thích… lừa. Thứ ba: Không quan tâm đến những gì mua được mà chỉ nhắm tới những giá trị lấy được.

Ngọt ngào tìm… điểm yếu

Năm 2011, sau khi chứng kiến nhiều công ty ở Mỹ rơi vào thảm kịch suy thoái do thị trường đóng băng, sản xuất đình trệ, người lao động mất việc làm, Việt kiều Nguyễn Hà Quảng nhận thấy ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và “bão” lạm phát trong nước đã và đang đẩy hàng loạt DN vừa và nhỏ của Việt Nam vào hoàn cảnh bế tắc do mất khả năng thanh khoản trong khi lãi suất ngân hàng gia tăng, tài sản bốc hơi hằng ngày và các chủ nợ liên tục thúc ép từ nhiều phía...

Hiểu rõ tâm lý hoang mang của chủ DN, nhất là các công ty gia đình, do không chịu nổi áp lực về tài chính, nhưng không dám bán DN vì sợ mất mặt, Nguyễn Hà Quảng đã quyết định thành lập cái-gọi-là Cty CP tư vấn và đầu tư Trường Sa (viết tắt là Cty Trường Sa), đồng thời lợi dụng quan hệ cá nhân với một số người có uy tín để tiếp cận với những công ty gia đình có lợi thế về đất đai, nhà xưởng, tài sản hiện hữu nhưng “ngập đầu” trong nợ, nhằm ký kết hợp đồng tư vấn tài chính tái cấu trúc DN (M&A).

Được TGĐ Cty CP thép Sao Biển Lê Mạnh Hoàn giới thiệu với một vài cổ đông lớn của Cty KD kim khí Hải Phòng (Cty KDKK), Nguyễn Hà Quảng ngọt ngào “lên lớp” rằng nguyên lý “M&A” của nước Mỹ sẽ là cứu cánh đối với các DN vừa và nhỏ của Việt Nam nếu nhanh chóng được áp dụng tại thời điểm này. Và, rất nhanh chóng, “nhân vật số 1” của Cty Trường Sa đã thuyết phục được đối tác ký kết “hợp đồng tư vấn và hợp tác”. Ngày 15.7.2011, bên A (Cty KDKK Hải Phòng) do TGĐ Phạm Văn Thưởng đại diện và bên B (Cty Trường Sa) do TGĐ Ngô Quốc Hùng đại diện thống nhất ký hợp đồng tư vấn và hợp tác với tổng giá trị 350.000USD, thời gian thực hiện 18 tháng (hợp đồng số 05/2011/HĐDV-TV-TS).

Theo đó, bên A thuê bên B “đề xuất giải pháp tái cấu trúc và phát triển theo tiêu chí tối đa hóa giá trị gia tăng và tính thanh khoản cho các tài sản; tư vấn quản lý tài chính DN, sắp xếp lại tài sản, cơ cấu vốn; đánh giá thực trạng DN và giải pháp vượt qua khủng hoảng...”.

Thực tế, bản hợp đồng gồm 11 điều với hơn 50 khoản, có rất nhiều chi tiết mơ hồ, bất lợi cho Cty KDKK Hải Phòng đã không được Cty Trường Sa quan tâm triển khai. Bởi lẽ, mục đích duy nhất của bên B là kiểm soát thông tin tài chính của DN nhằm tìm ra những điểm bất hợp lý trong quá trình thu, chi, quyết toán, báo cáo thuế, vay vốn và đảo nợ... nhằm bóc, tách mọi điểm yếu của bên A để tập hợp thành “hồ sơ chết”.

“Kịch bản” này cũng đã được Nguyễn Hà Quảng cùng các sáng lập viên của Cty Trường Sa “dàn dựng” và “biểu diễn” rất thành công tại Nhà máy ximăng Thanh Liêm (Hà Nam), Cty CP công nghiệp tàu thủy Shinec và nhóm 11 công ty của gia đình “đại gia” sắt thép đất cảng Hải Phòng.

Hù dọa và ép buộc đối tác

Theo điều tra của PV Báo Lao Động, Nguyễn Hà Quảng thường xuyên chỉ đạo nhóm cộng sự tích cực hối thúc các đối tác phải chuyển tiền thanh toán dịch vụ tư vấn tái cấu trúc DN theo hợp đồng đã ký, mặt khác khai thác những thông tin bất lợi từ “hồ sơ chết” để hù doạ, ép buộc các đối tác phải bán chịu cổ phần cho phía Trường Sa với giá hết sức rẻ mạt!

Tại Cty KDKK Hải Phòng, chỉ 3 tuần sau khi ký hợp đồng tư vấn và hợp tác, bên B gửi văn bản nhận định tình hình hết sức khó khăn, DN mất khả năng thanh khoản, giá trị cổ phiếu xuống thấp; để cứu vãn tình hình, bên B yêu cầu ban lãnh đạo Cty KDKK phải nhượng lại ít nhất 51% vốn điều lệ cho các sáng lập viên của Trường Sa để họ có đủ tư cách đại diện trước pháp luật, đứng ra thu xếp...nợ.

Vì sợ lộ bí mật DN và quá nôn nóng muốn thay đổi, ngày 1.3.2012, đại diện Công ty KD kim khí Hải Phòng gồm 9 cổ đông lớn đã “xuống tay” ký hợp đồng chuyển nhượng cho đối tác phía Cty Trường Sa toàn bộ 2.277.529 cổ phần (chiếm 97,5% vốn điều lệ công ty) với tổng giá trị tính thành tiền 16.376.313.000 đồng.

Vẫn bằng cách ấy, nhóm “tư vấn” của Nguyễn Hà Quảng đã nhanh chóng thôn tính được Nhà máy ximăng Thanh Liêm cùng toàn thể công ty “mẹ” và “con” nhà Thái Sơn. Xin nói thêm, trong quá trình khảo sát thực thế tại nhóm công ty gia đình của ông Phạm Văn Thụ, phía Trường Sa không chỉ tập hợp được “hồ sơ chết” của bên A, mà còn phân tích đầy đủ những điểm yếu của các chủ nợ lớn, gồm 12 chi nhánh ngân hàng, 1 công ty cho thuê tài chính và 7 DN thường xuyên “làm ăn” với Cty Thái Sơn.

Dựa vào những chứng cứ gian lận của đối tác, Nguyễn Hà Quảng đã dễ dàng đạt mục tiêu “cột các bên vào Trường Sa mà chúng không có cách gì thoát ra được”! Không còn cách nào khác, ngày 4.4.2012, ông Phạm Văn Thụ đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho Nguyễn Hà Quảng toàn bộ vốn góp tại Cty Thái Sơn là 512.100.000.000 đồng, kèm theo cam kết “tạo điều kiện thuận lợi để bên B hoàn thành thủ tục nhận chuyển nhượng và tham gia hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật”.

Tháo chạy

Câu chuyện tiếp theo sau khi các đối tác đã hoàn tất việc chứng thực chuyển nhượng CP và bàn giao toàn bộ tài sản cùng quyền điều hành DN cho phía Cty Trường Sa, “những người thích... lừa” không chỉ phớt lờ nghĩa vụ trả nợ mà còn ung dung bổ nhiệm ban lãnh đạo mới để “có đủ thẩm quyền” sa thải hàng trăm công nhân lao động, đồng thời hợp thức hóa khối tài sản mà mình vừa chiếm hữu.

Theo phản ánh của tập thể người lao động tại Cty KDKK Hải Phòng, hơn 1 năm qua, phía Trường Sa bỏ mặc DN chết dần, chết mòn; riêng số tiền thiệt hại phát sinh mà DN phải chịu lãi ngân hàng lên đến hơn 20 tỉ đồng. Theo bà Lê Thị Hằng - 1 trong 9 cổ đông lớn đã bán chịu cổ phần cho phía Trường Sa - sau cuộc họp vào chiều 2.10.2012 nhằm giải quyết yêu cầu thanh toán tiền mua cổ phần cho các cổ đông, ông Ngô Quốc Hùng với tư cách TGĐ Cty Trường Sa và Chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật của Cty KDKK Hải Phòng đã thay sim máy điện thoại và gửi e.mail cho hội đồng quản trị thông báo ông Nguyễn Hà Quảng thay thế đại diện quản lý vốn góp của Cty Trường Sa tại Cty KDKK Hải Phòng.

Có một sự thật là diễn biến tình hình nội bộ trong tất cả các DN từng bị “cột” vào Trường Sa đã và đang ngày càng xấu hơn, các ngân hàng rất khó đòi nợ cũ từ phía Trường Sa. Khi bài báo này lên khuôn, “ông trùm” Hà Quảng đã gửi thông điệp đến nhóm cộng sự, rằng, bỏ của chạy lấy người!
Bảo Chân - Hoàng Hoan (Báo Lao Động)
16:44

 Giới trẻ Mỹ hoang mang vì ngày tận thế
 
Tin đồn tận thế sẽ xảy ra vào ngày 21/12 sắp tới khiến nhiều người trẻ tại Mỹ mất ăn mất ngủ và thậm chí còn nghĩ tới việc tự sát. 
Nhiều người lo ngại một hành tinh sẽ đâm trúng trái đất vào ngày 21/12/2012. Ảnh: Livescience.
Bộ lịch đá của người Maya, một dân tộc có trình độ khoa học khá cao từ thời cổ đại ở Trung Mỹ, bắt đầu từ năm 3114 trước Công nguyên và kết thúc vào ngày 21/12/2012. Vì thế một số người tin rằng nền văn minh trên địa cầu sẽ diệt vong vào ngày 21/12 tới. Người ta đưa ra hàng loạt giả thuyết khiến nền văn minh trên trái đất diệt vong, như một hành tinh sẽ lao trúng trái đất.
Mặc dù giới khoa học liên tục khẳng định rằng người Maya không hề tiên đoán ngày tận thế, nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, nhiều người trẻ gửi thư tới NASA để thổ lộ tâm sự của họ về ngày tận thế, Livescience đưa tin.
"Nguy cơ tận thế không hề tồn tại. Đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng", David Morrison, một nhà sinh học thiên văn của Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA, tuyên bố.
Song, theo Morrison, "sản phẩm của trí tưởng tượng" lại đang gây nên những hậu quả trong cuộc sống thực. Ông nhận được nhiều thư giấy và thư điện tử từ người dân, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người tâm sự họ không thể ăn hay ngủ vì quá lo lắng. Một số người thừa nhận họ đã nghĩ tới việc tự tử.
"Một số người chỉ coi câu chuyện tận thế là trò đùa, song một số người vẫn cảm thấy bất an", Morrison bình luận.
Nhiều người tuyên truyền học thuyết tận thế không phải vì họ tin rằng nền văn minh sẽ bị hủy diệt vào ngày 21/12, mà bởi vì họ muốn dọa nạt người khác.
"Tôi nghĩ phát tán tin đồn về tận thế trên Internet để dọa trẻ con là hành vi xấu xa", Morrison phát biểu.
Andrew Fraknoi, một nhà thiên văn của Đại học Foothill tại Mỹ, cho rằng số phận của trái đất phụ thuộc vào hàng loạt vấn đề ở ngay trên địa cầu - như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường - chứ không phải là mối hiểm họa nào đó từ vũ trụ. Mitzi Adams, một nhà vật lý của Trung tâm Chuyến bay vũ trụ thuộc NASA, đồng ý với quan điểm của Fraknoi.
"Hiểm họa lớn nhất đối với trái đất trong năm 2012 và tương lai sẽ phát sinh từ chính loài người", Adam nói.
(Theo VnExpress) Minh Long

14:45

Kỳ 2: Rùng rợn những “ngôi nhà ma” giữa lòng Hà Nội

 

Tọa lạc giữa trung tâm của phố cổ sầm uất, một ngôi nhà cổ nằm nép mình bên không gian chật chội, tù túng. Phía nóc phải ngôi nhà lẳng lặng một gốc đa rủ cành, lá và bộ rễ dài xuống mái hiên, tựa như mái tóc người thiếu phụ chờ chồng.

>> Kỳ 1: Rùng rợn những “ngôi nhà ma” giữa lòng Hà Nội

Lời nguyền của ngôi nhà cổ?

Nhiều người từng “thót tim” mỗi lần đi qua ngôi nhà vào buổi đêm. Chẳng ai bảo ai, nỗi ám ảnh cứ dai dẳng, đeo đuổi họ cho đến khi ngôi nhà bị dỡ bỏ, song những câu chuyện xung quanh đó thì vẫn chưa thể nguội tắt...

Ngôi nhà trước khi bị phá dỡ. Phía nóc phải ngôi nhà là cây đa mọc vắt vẻo.

Ngôi nhà 138 Hàng Trống đối điện với hồ Hoàn Kiếm, giờ là một công trình xây dựng bề thế, quy mô. Theo một số người dân sống gần khu vực, phải gần sáu năm sau kể từ khi ngôi nhà cũ được chủ mới mua lại và phá bỏ, thì nay việc thi công mới “nhích” được chút ít.

Khi ngôi nhà còn nguyên vẹn (dễ chừng hơn chục năm về trước), nhiều người ghé qua ngôi nhà không khỏi ngạc nhiên khi ngôi nhà cổ nằm trên khu đất vàng có giá bạc tỉ lại bỏ hoang đến kỳ lạ. Nhưng rồi, câu hỏi cũng phần nào tìm được lời đáp khi lời đồn ngôi nhà bị “yểm”, mang lời nguyền lan ra, khiến cho chính những ai có dự định mua lại căn nhà cũng phải “dựng tóc gáy” mà xa chạy cao bay. Đến nay, những bí ẩn xung quanh ngôi nhà cổ cũng chưa ai giải mã được. Chỉ biết rằng, việc ngôi nhà bị bỏ hoang liên quan đến những câu chuyện ly kỳ và huyền bí.

Bắt nguồn sâu xa nhất là sau cái chết yểu của nữ chủ nhà, xin lược lại câu chuyện đau lòng năm xưa như sau: “Ngôi nhà vốn là tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ gốc Hà Nội. Vẫn như mọi ngày ông chồng đi làm, còn người vợ ở nhà chăm nom gia đình và chờ đợi chồng về. Nhưng khoảng tầm 10h đêm hôm đó ông chồng vẫn chưa về, bà vợ rất yêu và nhớ chồng đã thức để chờ. Nhưng vào đêm định mệnh đó, người vợ bị một toán cướp xông vào nhà cướp của và giết chết.

Trời run rủi thế nào, ông chồng lại bị trục trặc giữa đường, về đến nhà thấy vợ đã chết rồi. Đau đớn và tuyệt vọng, ông bán căn nhà và chuyển đi nơi khác sống. Còn hồn ma bà vợ do chết yểu nên vất vưởng không thể siêu thoát. Theo lời đồn, những đời chủ sau cũng không thể ở yên trong căn nhà do hồn ma của người vợ vẫn lai vãng tìm chồng. Hằng đêm, người vợ tìm về và quấy nhiễu khiến cho chủ nhà sợ quá không dám ở tiếp”.

Ngôi nhà đó chuyển chủ khoảng 3 lần thì không ai dám ở nên bỏ hoang, cho mãi về sau được ông chủ khách sạn Phú Gia bỏ tiền ra mua lại và phá dỡ (năm 2006) để xây mới như hiện nay.

Lại có những nguồn tin khác liên quan đến lời nguyền của ngôi nhà khi chưa bị phá dỡ, mà theo lời đồn đoán của người dân, đó là cây đa mọc trên mái của ngôi nhà, rễ rủ xuống phía dưới khiến cho ngôi nhà càng thêm phần ma quái, rùng rợn. Trông xa, nhất là khi trời nhá nhem tối, ánh đèn cao áp chiếu hắt lên mái nhà, cộng hưởng với màu rêu phong của ngôi nhà và điểm xuyết của cành, lá cây đã tạo nên hình thù của một thiếu phụ mặt xám ngắt, ngồi vắt vẻo trên nóc, mái tóc dài buông xõa xuống, đôi mắt thì hướng xa xa như ngóng đợi tin chồng...

Một bạn có nickname motngoisao chia sẻ thêm thông tin: Tại ngôi nhà này, cứ vào nửa đêm ngày rằm hằng tháng lại có tiếng phụ nữ kêu rên, la hét như đang bị hành hạ đau đớn lắm... Rồi thỉnh thoảng người ta lại nhìn thấy một người đàn bà tóc rất dài và đen, không nhìn rõ mặt, hay ngồi trên nóc nhà ôm cây đa mà khóc lóc thảm thiết...

Liệu có bí ẩn nào phía sau những lời đồn đoán ma quái bấy lâu?

Ngôi nhà 138 giờ là công trình xây dựng.

BÌNH MINH – PHÚ TRẦN (Báo Lao Động)


 14:00

 Palestine trước chiến thắng lịch sử và đường dài chông gai


VietNamnet - Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc những giờ qua chứng kiến chiến thắng lịch sử được mong mỏi từ lâu của người dân Palestine khi cơ quan này đã công nhận một nhà nước Palestine. 

Với 138 phiếu thuận – 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng trên tổng số 193 quốc gia thành viên, Palestine đã được nâng vị thế từ ‘thực thể quan sát viên’ trở thành nhà nước quan sát viên phi thành viên của Liên Hợp Quốc.
Lá cờ của Palestine nhanh chóng được đặt trong phòng của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, phía sau các đại biểu của Palestine. Tại thành phố Ramallah ở khu Bờ Tây, hàng trăm đám đông đổ ra đường phố hò reo chiến thắng. Những người dân xem tường thuật buổi bỏ phiếu từ màn hình ngoài phố vỡ òa trong mừng rỡ, họ ôm hôn nhau và pháo hoa bắn lên từ các ngả phố trước khi những màn nhảy múa bắt đầu.
Với việc nâng vị thế lần này, Palestine giờ đây có thể tiếp cận các cơ quan quốc tế như Tòa án Hình sự Quốc tế - nơi xét xử những người mang tội danh diệt chủng, tội ác chiến tranh và những vi phạm nhân quyền khác. Palestine cũng có thể tham gia vào các tổ chức khác của Liên Hợp Quốc như UNICEF, UNESCO.
Theo một báo cáo của Thông tín viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc ngày 25/8/2008 về tình hình nhân quyền của người Palestine ở những vùng Israel chiếm đóng từ cuộc chiến 6 ngày năm 1967, chính phủ Israel đã có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền quốc tế đối với người Palestine trong vùng lãnh thổ chiếm đóng, đặc biệt ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Hơn 40 năm chiếm đóng của Israel đã khiến người dân Palestine bị tước các quyền căn bản về mặt pháp lý, giáo dục, y tế, kinh tế và văn hóa, để lại các hậu quả xã hội nghiêm trọng và lâu dài.
Một chiến thắng của Palestine trong hành trình đi tìm chính nghĩa mà cụ thể hóa và mang tính biểu tượng trước mắt là trở thành quốc gia quan sát phi thành viên của Liên Hợp Quốc cũng đồng nghĩa với thất bại bẽ bàng về mặt ngoại giao cho Israel và đồng minh thân cận nhất là Mỹ.
Lâu nay, Mỹ vẫn viện dẫn lý do bênh vực một nhà nước Do Thái đơn lẻ tồn tại trong một khu vực với sự tập trung đông đảo của cộng đồng A Rập với phần đông là theo đạo Hồi. Nhưng từ thực tế đẫm máu của người dân vô tội mà phần lớn là Palestine và phi lý trong các cuộc nã pháo Israel trong cuộc chiến chóng vánh vừa diễn ra do bạo lực leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas ở Gaza những ngày qua, sự đồng cảm của phần lớn các quốc gia thế giới - trong đó có nhiều nước phương Tây - đã nghiên về chính nghĩa của Palestine.
Người dân Palestine vui mừng trước quyết định của Liên Hợp Quốc
Hay nói một cách khác, bằng lá phiếu của mình, cộng đồng quốc tế đã chọn một đường lối ôn hòa mà Tổng thống Mahmoud Abbas theo đuổi để mưu cầu hòa bình lâu dài, công bằng và dựa trên thương lượng giữa Israel và nhà nước Palestine độc lập, tồn tại trong đường biên giới được quốc tế công nhận.
Thực vậy, nếu vị thế của Palestine được nâng tầm, họ sẽ có địa vị ngang hàng với Israel trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai, và như thế, một bản nghị quyết hai nhà nước cùng tồn tại song song sẽ có cơ hội tái sinh.
Bước tiến của Palestine cũng có nghĩa là bước lùi của Israel. Rõ ràng và dứt khoát, Israel không bao giờ muốn thực tế này diễn ra nên Tel Aviv và Mỹ đã cực lực phản đối động thái này khi mà Palestine tiến gần đến việc công nhân một nhà nước độc lập.
Trên bàn đàm phán, Tổng thống Abbas đề xuất tấm bản đồ biên giới năm 1967 cùng với điều kiện tiên quyết là Israel phải dừng hoạt động xây dựng khu tái định cư người Do Thái ở bờ Đông và Tây Jerusalem, vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng cùng với Gaza. Còn Thủ tướng Israel Netanyahu lại không muốn ngừng việc xây dựng khu tái định cư.
Chiến thắng này đã giúp cho Tổng thống Abbas có được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo cộng đồng quốc tế đối với các quan điểm chính của ông: thiết lập nên nhà nước Palestine ở Bờ Tây, Dải Gaza và đông Jerusalem, các vùng lãnh thổ đã bị Israel chiếm đóng từ cuộc chiến năm 1967.  Thủ tướng Israel Netanyahu đã phản đối việc rút lui khỏi đường biên giới năm 1967, nên chiến thắng này sẽ làm ‘chắc tay’ cho Tổng thống Abbas khi mà cuộc đàm phán hòa bình được nối lại.
Đi kèm với đó là người Israel sẽ phải rút ra khỏi khu Bờ Tây trong khi có đến 500.000 người Do Thái đang sinh sống tại đây. Hầu hết các nước trên thế giới đều coi sự mở rộng này của nhà nước Do Thái là bất hợp pháp vì vi phạm luật quốc tế.
Chính vì vậy, Israel và Mỹ vẫn kiên quyết rằng con đường chân chính cho một nhà nước Palestine là thông qua hiệp định hòa bình sau khi đàm phán trực tiếp với Israel. Nhưng vấn đề Israel không muốn rút ra khỏi khu Bờ Tây đã trở thành một trong những vật cản chính.
Trước thành công này của Palestine, Israel đã lùi một bước so với các đe dọa ban đầu về việc trả đũa nặng nề khi Palestine tìm kiếm công nhận của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Israel đã bình luận rằng việc nâng vị thế này coi như Palestine đã ‘quay lưng lại’ với các giải pháp để đạt được hòa bình trên bàn đàm phán.
Về đối nội, chiến thắng này cũng giúp ông Abbas khôi phục lại một số quan điểm của mình trong nước vốn đã bị xói mòn sau nhiều năm các nỗ lực hòa bình bị đình trệ. Xu hướng ôn hòa sẽ có đà để chiếm ưu thế trong nội bộ Palestine. Tuy nhiên, điều đó mặt khác lại cho thấy nguy cơ chia rẽ trong chính bản thân Palestine khi mà nhóm Hồi giáo cực đoan Hamas đang kiểm soát Gaza phản đối tấm bản đồ mà ông Abbas đề xuất.
Vì theo bản đồ năm 1967, 80% diện tích Palestine sẽ nằm trong Israel, đồng thời hai vùng lãnh thổ của Palestine là Bờ Tây và Dải Gaza lại nằm biệt lập với nhau và không có điểm giao thoa. Khoảng cách của hai vùng đất này là 40km, nhưng ‘vùng đệm’ này là đất của Israel. Sự giao tiếp giữa các vùng lãnh thổ Palestine có khả thi hay không lại phụ thuộc vào thiện chí của Israel khi mà hiện nay, Israel vẫn đang kiểm soát không phận và lãnh hải của Palestine.
Chiến thắng của người dân Palestine hôm nay cũng cho thấy một thực tế không kém phần khắc nghiệt, đó là giấc mơ độc lập thực sự của họ còn rất xa khi trước mắt là vô vàn khó khăn chồng chất. Palestine chỉ đạt được độc lập chừng nào đạt được đàm phán hòa bình với Israel trong khi Tel Aviv đã cảnh báo rằng hành động của Đại Hội đồng LHQ hôm nay chỉ khiến trì hoãn giải pháp cuối cùng. Israel đến nay vẫn đang kiểm soát Bờ Tây, đông Jerusalem và việc ra vào Gaza.
Trong khi đó, Palestine có quá nhiều hạn chế. Họ không thể kiểm soát đường biên giới, không phận và thương mại. Chính quyền tại Gaza và Bờ Tây bị tách biệt và không chung phương pháp đi đến mục tiêu chung là hòa bình và độc lập. Palestine cũng không hề có cảnh sát và quân đội thống nhất. Nền kinh tế của Palestine hầu như phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, sản xuất khó khăn vì điều kiện hạ tầng hầu như không có.
Tuy nhiên, Mỹ đã tuyên bố ngay từ đầu là Washington sẽ dừng viện trợ cho Palestine và một số khoản đóng góp của họ cho Liên Hợp Quốc nếu Palestine được nâng quy chế. Hiện nay, Mỹ vẫn đang phong tỏa khoản tiền 200 triệu USD viện trợ phát triển cho Palestine. Kể từ năm 1994, Mỹ viện trợ cho chính quyền Palestine hơn 3,5 tỉ USD.
Theo Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, nếu Mỹ ngừng viện trợ và đe dọa có biện pháp trả đũa sau việc Palestine được nâng vị thế thì người gặp bất lợi lại chính là Mỹ. Liên minh châu Âu mới đây đã tuyên bố đứng về phía Palestine cả về mặt chính trị cũng như kinh tế, và tuyên bố tiếp tục viện trợ 11,5 triệu euro cho cơ quan cứu trợ LHQ ở Gaza.
Trong lúc này, Chính quyền Dân tộc Palestine vẫn chưa thể giải quyết các khó khăn về tài chính và tìm kiếm các khoản viện trợ để trang trải cho hoạt động. Với những thực tế này, hành trình đi đến độc lập của Palestine vẫn còn quá gian nan.
(Theo VietNamnet) Lê Thu

12:21

Vụ buôn lậu xăng dầu tại Vinapco:

Dấu hiệu có tổ chức

 

 

Theo Bộ Tài chính, vụ việc vi phạm của Vinapco có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức...


Bộ Tài chính vừa chính thức thông tin về vụ buôn lậu xăng, dầu tại Công ty TNHH Một thành viên xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco).

Trong thông cáo phát đi sáng 29/11, cơ quan này cho biết, qua công tác thu thập xử lý thông tin, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã phát hiện và tiến hành điều tra vụ buôn lậu dưới hình thức lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu tiêu thụ vào nội địa qua đường bộ để buôn lậu, trốn thuế. 

Theo Bộ Tài chính, ngày 10/5/2012, Vinapco đã tiến hành mở tờ khai hải quan tạm nhập 5.463,111 tấn xăng Mogas 92 mua từ Singapore. Sau khi nhập khẩu, số xăng trên được doanh nghiệp gửi tại kho xăng dầu Đình Vũ của Công ty Cổ phần 19-9.

Để tái xuất số xăng đã tạm nhập, đầu tháng 7/2012, Vinapco đã mở 7 tờ khai hải quan tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1, khai báo tái xuất tổng số 296,6 tấn xăng Mogas A92 (tương đương 422.645 lít xăng), trị giá khoảng 8 tỷ đồng cho Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải (Trung Quốc) qua cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). 

Số xăng tái xuất trên được bơm từ kho xăng dầu Đình Vũ tại Hải Phòng vào 7 xe ôtô; Hải quan cảng Hải Phòng đã niêm phong hải quan vào 7 xe trên, hoàn thành hồ sơ tái xuất và giao cho chủ hàng vận chuyển đi Cao Bằng để tái xuất vào các ngày 7/7/2012 và 10/7/2012.

Sau đó, Vinapco đã giao cho ông Nguyễn Hải Triều, quyền Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Dầu khí Hàng không Miền Bắc chịu trách nhiệm chỉ đạo việc tái xuất lô hàng tại kho và áp tải lô hàng tái xuất này đi cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng để giao cho đối tác Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế số xăng này ngay sau khi làm xong thủ tục tại Hải Phòng, Vinapco đã không tái xuất sang Trung Quốc, mà đã được các đối tượng bán cho các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ nội địa tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên và Phú Thọ.

Do có nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng đã mượn xăng của đơn vị khác để nhập lại nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng nên Vinapco đã xin làm thủ tục nhập lại kho xăng dầu Đình Vũ số xăng trên, sau đó xin hủy tờ khai và chuyển tiêu thụ nội địa. 

Qua điều tra xác minh, Cơ quan Hải quan đã xác định tại Trung Quốc không tồn tại Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải. Đáng chú ý, trước đó Vinapco cũng đã mở hai tờ khai tái xuất 2.330 tấn xăng thuộc số xăng 5.463,111 tấn tạm nhập ngày 10/5/2012 cho Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải theo đường biển.

Theo Bộ Tài chính, vụ việc vi phạm của Vinapco có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức, tính chất phức tạp; có dấu hiệu cấu thành tội buôn lậu quy định tại Bộ Luật hình sự; vi phạm chính sách thuế, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước (trốn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường) và vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất, ảnh hưởng đến chủ trương bình ổn thị trường xăng dầu.

Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra, ngày 28/11/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố vụ án về tội buôn lậu xẩy ra tại Công ty TNHH Một thành viên xăng dầu Hàng không Việt Nam dự kiến sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
(Theo VnEconomy) TRANG ANH