Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Hai người làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội nhiễm nCoV

Cập nhật lúc 13:38  

Thông tin này được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội xác nhận. Đây là 2 công nhân tại KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội.

Hai người vừa có kết quả dương tính lần một với SARS-CoV-2 ở Hà Nội gồm N.T.H.N., công nhân Công ty Panasonic, tại KCN Thăng Long và N.Đ.Đ., công nhân KCN Thăng Long.

Đại diện Công ty Panasonic Việt Nam cho biết đã xác định được 28 trường hợp tiếp xúc ca dương tính tại đây. Công ty này có gần 3.000 công nhân.

Anh N. và Đ. là F1 của bệnh nhân 2911 (Bộ Y tế công bố sáng 30/4). Bệnh nhân 2911, nam, 28 tuổi, trú tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, ngày 22/4 từng ăn liên hoan cùng BN2899 - nam thanh niên ở Hà Nam về từ Nhật Bản.

 


Hành lý của một người dân được khử khuẩn trước khi đưa vào khu cách ly ở Hà Nội. Ảnh: Hồng Quang.

Như vậy, sau 73 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Hà Nội đã có 3 người dương tính với nCoV.

Hiện tại, BN2911 không có triệu chứng. Anh được chuyển từ Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh).

Liên quan bệnh nhân này, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã truy vết 25 F1. Trong đó, 24 người trú huyện Đông Anh, một trường hợp ở huyện Mê Linh.

Huyện Đông Anh đã lập một chốt cách ly khu vực nhà tập thể bệnh nhân sinh sống ở thôn Trung, xã Việt Hùng, gồm 17 hộ gia đình với 73 người (52 người lớn, 21 trẻ em). Ngay trong đêm 29/4, huyện Đông Anh triển khai hàng loạt biện pháp truy vết F1, F2; chủ động dừng, hoãn tham quan du lịch.

Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết tất cả doanh nghiệp đã được yêu cầu dừng hoạt động tham quan, du lịch cho công nhân trong kỳ nghỉ lễ. Khoảng 100 chuyến du lịch đặt trước đã bị hủy. Ngoài ra, các hàng quán vỉa hè, lề đường không được tập trung đông người ở nơi công cộng từ đêm 29/4.

(Theo Zing.vn) Thiên Nhan


Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Hà Nam đã ghi nhận Covid-19

 

Hà Nam ghi nhận 1 ca Covid-19 có 32 F1

Cập nhật lúc 14:08 

CDC tỉnh Hà Nam đang tiến hành khoanh vùng, truy vết các trường hợp đã tiếp xúc với nam thanh niên được xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Nam thanh niên nhập cảnh về Việt Nam từ Nhật Bản được xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. ẢNH LÊ TÂN

 Sáng 29.4, thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch tỉnh Hà Nam (CDC Hà Nam) cho biết, người vừa được phát hiện tương tính với SARS-CoV-2 là nam, 28 tuổi, nhập cảnh từ Nhật về, đã cách ly đủ 14 ngày tại TP.Đà Nẵng.

Nam thanh niên này đã có 3 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (lần xét nghiệm cuối cùng là ngày 21.4).

Đến ngày 24.4, nam thanh niên trên đi xe khách từ TP.Đà Nẵng về xã Liêm Tuyền (TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Từ xã Liêm Tuyền, nam thanh niên đi taxi về nhà ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Sau khi về nhà, nam thanh niên có biểu hiện đau họng và được lấy mẫu chiều ngày 27.4 để xét nghiệm. Kết quả xác nhận dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

 Hiện CDC Hà Nam đang cho xét nghiệm lại lần 2, đồng thời gửi mẫu đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xét nghiệm

Lãnh đạo Trung tâm Y tế H.Lý Nhân thông tin, đến sáng ngày 29.4, cơ quan chức năng đã xác định được 32 trường hợp F1, 200 trường hợp F2.

UBND xã Đạo Lý cũng tiến hành khoanh vùng 20 hộ dân xung quanh nhà bệnh nhân và triển khai lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh.

(Theo Thanh Niên) Lê Tân

Thảm kịch tại Ấn Độ

 

"Mọi người đang chết dần": Thi thể tiếp tục chất chồng, "địa ngục Covid" ở Ấn Độ vẫn chưa có hồi kết

Cập nhật lúc 09:45      

Các giàn hỏa thiêu vẫn hoạt động không ngừng nghỉ, thậm chí có thể phải thiêu giữa đường nếu thi thể vẫn tiếp tục đầy lên.

Ngày 27/4, thi thể các nạn nhân Covid-19 vẫn nằm chất chồng trong các giàn hỏa táng xếp chật kín vỉa hè và bãi giữa xe ở New Delhi, giữa cơn sóng thần dịch bệnh đang hoành hành tại Ấn Độ.

"Mọi người đang chết, chết và chết" - đó là tiếng kêu ai oán của ông Jintender Stingh Shanty, người đang phải xử lý hơn 100 đám hỏa mỗi ngày ở phía Đông thành phố.

"Nếu có thêm người chết, chúng tôi sẽ phải thiêu ngay giữa đường. Ở đây kín chỗ rồi. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ mình phải chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này".

 

Mọi người đang chết, chết, và chết

Người bình thường cũng chết

Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada và các nước thuộc EU cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả đều hứa sẽ gấp rút hỗ trợ cho Ấn Độ. Anh mới đây đã viện trợ cho quốc gia này 100 máy thở và 95 máy tạo oxy qua một chuyến tàu mới cập bến New Delhi vào ngày 27/4, trong bối cảnh gần như toàn bộ các bệnh viện đang chìm trong "cơn khát oxy" vì thiếu hụt nặng nề.

Chuyến tàu thuộc kế hoạch "Tàu Oxy" đầu tiên của Ấn Độ cũng đã tiến về New Delhi, mang theo 70 tấn oxy từ một bang ở phía Đông. Tuy nhiên với quy mô dân số lên tới 20 triệu người, New Delhi vẫn đang oằn mình chống chịu trước làn sóng dịch bệnh chết chóc nhất từ trước đến nay của đất nước.

 

Người đàn ông đang làm nghi thức cuối cùng trước khi hỏa táng người thân

"Làn sóng dịch bệnh này cực kỳ nguy hiểm, cực dễ lây nhiễm, trong khi các bệnh viện đều quá tải" - trích lời Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal.

Bất chấp việc là "công xưởng thuốc của thế giới" với niềm tự hào là nhà sản xuất vaccine chiếm tới 60% toàn cầu, Ấn Độ vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu thuốc kháng virus, ngay cả là remdesivir. Các bác sĩ cho biết, dù loại thuốc này không phải quá quan trọng trong điều trị Covid (vì đang trong giai đoạn thử nghiệm), nhưng họ vẫn phải kê đơn vì chẳng còn lựa chọn nào khác.

"Ngay cả những người bình thường có thể sống, nay cũng sẽ chết" - Vinod Kumar, người đàn ông đang kiệt quệ xếp hàng xin thuốc than thở.

Ô  xy công nghiệp được dùng cho cấp cứu y tế

Khi dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát, sự mệt mỏi và phẫn uất sẽ gia tăng. Một người thân của nạn nhân qua đời vì Covid-19, do quá đau lòng đã dùng dao tấn công các nhân viên tại một bệnh viện ở New Delhi, khiến ít nhất 1 người bị thương. Đoạn video ghi lại sự việc đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Tòa án Tối cao Delhi sau đó đã yêu cầu chính quyền địa phương phải tăng cường an ninh cho các bệnh viện.

WHO cho biết họ đang xúc tiến vận chuyển 4000 máy tách oxy đến Ấn Độ. Ngoài ra, 2 công ty dược phẩm của Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ bằng việc cung cấp vaccine. Ấn Độ hiện cũng đang tiến hành đàm phán với Mỹ để san sẻ số vaccine dư thừa - lên tới 60 triệu liều. Đây là một bước tiến quan trọng, vì nguồn cung không đủ đã khiến Maharashtra - một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nhất phải hoãn chương trình tiêm chủng cho người từ 18 - 45 tuổi.

Kỷ lục đau buồn

Hôm 27/4, Ấn Độ có thêm 323.144 ca nhiễm mới, chỉ đứng sau kỷ lục thế giới do chính họ thiết lập trước đó 1 ngày. Tổng cộng, có hơn 197.000 người đã tử vong tại đây vì dịch bệnh.

Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Rijo M John từ Viện Quản lý Ấn Độ tại Kerala, những con số trên chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể do Ấn Độ hiện còn đang thiếu hụt cả bộ xét nghiệm nữa.

 

"Số ca nhiễm mới giảm xuống, nhưng đừng nghĩ con số này là thực tế. Bởi lẽ nó chỉ mang nghĩa còn sót lại rất nhiều ca dương tính ngoài kia thôi" - ông nhận định. Bác sĩ K. Preeham từ Trung tâm Chấn thương Cột sống Ấn Độ cho biết, các bệnh nhân giờ còn phải chia sẻ oxy từ một bình, vì thiếu hụt nguồn cung. Người điều phối khả năng phản ứng Covid-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Gayle Smith cảnh báo thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt cần một nỗ lực bền bỉ hơn nữa.

New Delhi hiện tại đã bị phong tỏa. Các bang phía Nam như Karnataka, Maharashtra cùng trung tâm kinh tế Mumbai cũng chung cảnh ngộ.

Tình cảnh này một phần đến từ những hạn chế không đồng đều khi dịch bệnh vẫn đang ở đó. Từ những cuộc bầu cử tập trung đông người, cho đến lễ hội Kumbh Mela với quy mô lớn nhất thế giới đã tạo ra những sự kiện siêu lây nhiễm. Để rồi hiện tại, Ấn Độ đang có 17,64 triệu ca nhiễm, và con số đó thậm chí còn chưa đủ.

Theo Cafebiz.vn

Truy tố hàng chục bị can vụ cao tốc 34 nghìn tỉ

 

Truy tố 36 bị can vụ đường cao tốc Đà Nẵng  - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng


Cập nhật lúc 09:12     

 Viện kiểm sát đã truy tố 35 bị can người Việt Nam và 1 bị can người Nhật Bản liên quan vụ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng nhiều chỗ.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng, đề nghị đưa ra xét xử 36 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Trong số các bị can, có 35 người Việt Nam gồm Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào - cùng giữ chức Phó Tổng giám đốc (GĐ) Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Hoàng Việt Hưng - GĐ Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (BQLDA); 32 người khác là cán bộ, kỹ sư tư vấn giám sát.

 

Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng nhiều chỗ chỉ ngay sau khi thông xe.

Có một bị can người Nhật Bản là Takao Inami - Tư vấn trưởng, GĐ văn phòng tư vấn giám sát dự án. Tất cả bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km trong đó, giai đoạn 1 dài 65km từ Đà Nẵng tới Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km. Dự án có tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và Ngân hàng Thế giới WB.

Phụ trách công tác khảo sát, thiết kế là liên danh các nhà thầu đến từ Nhật Bản và Thái Lan; liên danh các nhà thầu từ Nhật Bản và Úc giám sát thi công giai đoạn 1; tổ chức CDM Smith của Mỹ giám sát giai đoạn 2.

Dự án được chia làm 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu thi công cầu. Việc thi công được giao cho các nhà thầu Việt Nam (Cienco, Sông Đà, Thành An, Trường Sơn…) và nước ngoài (đến từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc).

 Dự án khởi công năm 2013 và năm 2017 đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018 thông xe giai đoạn 2 và tính toán dự báo giao thông trên 20 năm kể từ ngày đầu tiên sử dụng, riêng mặt đường là hơn 10 năm.

Theo truy tố, khi vừa đưa vào sử dụng, cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân.

Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam xác định, cả 7/7 gói thầu thi công đường thuộc giai đoạn 1 dự án không đảm bảo chất lượng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế.


Một số bị can trong vụ án.

Các lỗi gồm: chiều dày lớp bê tông nhựa không đủ; độ rỗng giao động rất lớn; các lớp đá dăm, bê tông có hiện tượng bong tróc; vật liệu không đạt yêu cầu quy định… dẫn tới cao tốc bị hư hỏng.

Tuy nhiên, các bị can thuộc VEC và BQLDA không có phương pháp, biện pháp khắc phục, rà soát, kiểm tra… Ngược lại, phía chủ đầu tư còn thanh toán cho các nhà thầu hơn 811 tỷ đồng.

Cơ quan truy tố xác định, các bị can đã không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng dẫn tới tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình dù không đảm bảo chất lượng.

Trong vụ, ông Mai Tuấn Anh – nguyên Tổng GĐ VEC giai đoạn 2011-2017 và Chủ tịch HĐQT VEC giai đoạn 2017-2020 cũng bị xác định có sai phạm làm ảnh hưởng chất lượng công trình.

Cảnh sát đã tách hành vi liên quan ông Mai Tuấn Anh và một số đối tượng người Tây Ban Nha, Nhật Bản ở đơn vị thi công, giám sát ra xử lý trong giai đoạn sau của vụ án. Các sai phạm trong giai đoạn 2 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hơn 74km) cũng sẽ được xử lý sau khi có kết quả giám định tư pháp về chất lượng công trình.

Cùng vụ án, ngoài việc Viện KSND đề nghị xử lý hình sự 36 bị can, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng theo thẩm quyền của mình cũng đề nghị viện kiểm sát quân đội truy tố 7 bị can vì những sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Số này gồm thượng tá Đinh Tiến Hiệp - Giám đốc Ban Trường Sơn Miền Trung, Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12); đại úy Nguyễn Việt Hòa - Phó giám đốc Cty Thành An 141, Tổng Cty Thành An (Binh đoàn 11); Phan Ngọc Thơm - nguyên Phó GĐ Ban điều hành (BĐH) gói thầu số 2 và 3B; Trần Năng Hà, Chu Tuệ Minh - cùng nguyên Phó GĐ BĐH gói thầu số 2; Nguyễn Quốc Hải - nguyên GĐ BĐH gói thầu số 6; Lương Văn Tiến - nguyên Chỉ huy trưởng, phụ trách phân đoạn Vinaconex E&C thi công tại gói thầu số 6.

Cơ quan điều tra của quân đội xác định, gói thầu số 6 dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do Tổng Cty Thành An, Tổng Cty Vinaconex và Cty Vinaconex E&C thi công. Các bên cử người của mình gồm các bị can nói trên tham gia Ban điều hành nhằm đảm bảo con đường được thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng…

 Tuy nhiên, các nhà thầu này đã sử dụng nguồn nguyên liệu đá, đất, nhựa đường không đảm bảo chất lượng. Việc thi công cũng sai kỹ thuật dẫn tới hư hỏng nhưng vẫn được nghiệm thu chuyển giai đoạn và nghiệm thu hoàn công./.

(Theo VOV.VN) Xuân Lộ

 


Bác sĩ biến thái

 

Bác sĩ bị tố sàm sỡ nữ bệnh nhân: Xin lỗi không xong liền lật mặt!

Cập nhật lúc 08:56 

Trong bản tường trình gửi lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Phúc không thừa nhận việc sàm sỡ nữ bệnh nhân 16 tuổi.

Xung quanh xôn xao vụ tố  bác sĩ sàm sỡ nữ bệnh nhân 16 tuổi, ngày 28/4, trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, bác sĩ Đồng Văn Phúc - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã có bản tường trình về vụ việc.

"Trong bản tường trình bác sĩ Phúc không thừa nhận sàm sỡ nữ bệnh nhân 16 tuổi, còn cụ thể như nào cơ quan điều tra đang làm. Bệnh viện chúng tôi là tuyến huyện nên ở các phòng bệnh chưa được lắp đầy đủ camera, mà chỉ có camera an ninh ở ngoài hành lang thôi", vị đại diện trên cho biết.

 Bac si bi to sam so nu benh nhan tuong trinh gi? 

 Bác sĩ Đồng Văn Phúc khom người, chắp tay xin cháu T.H.L và gia đình bỏ qua. Ảnh: Công lý

Về thông tin bác sĩ Phúc liên tục xin T.H.L (16 tuổi) và gia đình anh T.V.C (44 tuổi, trú tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, bố cháu L) tha thứ, vị đại diện trên cho rằng, đó là tình tiết xảy ra sau đó rất nhiều.

Cũng theo vị đại diện này, hiện bệnh viện đã đình chỉ công tác đối với bác sĩ Phúc và hết thời gian đình chỉ sẽ chuyển bác sĩ Phúc sang làm ở vị trí khác, không cho tiếp xúc với bệnh nhân.

Trước đó, theo phản ánh của anh T.V.C, trưa 31/3, cháu T.H.L bị đau bụng nên gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình để khám. Cháu T.H.L được chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp và mổ vào chiều cùng ngày. Người mổ chính cho cháu T.H.L là bác sĩ Đồng Văn Phúc.

Sau phẫu thuật, cháu T.H.L được đưa tới phòng tự chọn 10 để tiếp tục điều trị. Tới 11h49 phút ngày 6/4, anh T.V.C nhận được điện thoại cầu cứu của con gái. Cháu T.H.L nói vừa bị bác sĩ Đồng Văn Phúc sàm sỡ.

“Khoảng 11h30 phút, khi con đang ngủ trưa, ông Phúc gõ cửa nên con dậy mở cửa cho ông Phúc. Sau khi thăm khám, ông Phúc đã ngồi lên giường và đè lên người con, đồng thời dùng tay trái xoa lưng, vuốt tóc con, còn tay phải giữ chặt tay con rồi liên tục thơm vào má, vào trán”, cháu T.H.L kể lại với anh T.V.C.

Anh C cho biết, sau khi nhận được điện thoại cầu cứu của con gái, gia đình anh đã đến bệnh viện và tại đây, bác sĩ Đồng Văn Phúc đã liên tục xin cháu T.H.L và gia đình T.V.C bỏ qua.

Đến ngày 8/4, ông Phúc tiếp tục gặp gia đình anh để xin giải quyết tình cảm. Tuy nhiên, lần này ông Phúc phủ nhận toàn bộ hành vi của mình và đe dọa sẽ kiện ngược lại gia đình anh T.V.C về tội vu khống.

(Theo Đất Việt) Thùy Dung

Những tên biến thái nên cho về nhà làm lang băm thôi.   

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Làm tiền tại bệnh viện tuyến đầu

 

Tội ác đã xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai!

Cập nhật lúc 14:26 

Kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Công nghệ Y tế BMS "ăn gian" hơn 16,5 triệu đồng/ca phẫu thuật bệnh nhân sọ não đã khiến nhiều người phải sốc, sốc nặng!. 

 

Sốc - là bởi: Thay vì mỗi một ca phẫu thuật sọ não bằng Robot Rosa, bệnh nhân chỉ phải trả hơn 6,6 triệu đồng thì trong cơn hoảng loạn để chống chọi với bệnh tật xảy ra đối với bộ phận quan trọng nhất của cơ thể là sọ não, và trong hoàn cảnh không còn sự lựa chọn nào khác cho tình huống "thập tử nhất sinh", họ buộc phải trả hơn 23 triệu đồng mà không hay biết đã bị cơi giá.

"Ăn gian" - nói đúng hơn trong trường hợp này là chiếm đoạt - tiền của người khỏe mạnh đã tởm. "Ăn gian" tiền của người bệnh, nếu là bệnh nhân nghèo, thì đáng kinh tởm. 

Sốc - là bởi: Chuyện tồi tệ đó đã xảy ra ở nơi khó ai ngờ tới là Bệnh viện Bạch Mai - một cơ sở điều trị đã có trên 100 năm tuổi, là bệnh viện đầu tiên của ngành y cả nước được xếp hạng Bệnh Viện Đặc Biệt (năm 2006). Mà thương hiệu ấy là không gì khác ngoài sự đảm bảo bệnh nhân được điều trị và chăm sóc tốt nhất nước.  

Sốc - là bởi: Phi vụ làm ăn bất nhẫn ấy đã được thực hiện bởi không chỉ một phó giám đốc và nguyên trưởng phòng, phó trưởng phòng tài chính của bệnh viện mà còn chính cả giám đốc bệnh viện, là một trong những bậc thầy tôn kính của nhiều thế hệ đào tạo thầy thuốc của Bộ môn Gây mê Hồi sức Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Y - Dược Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội. 

 

Robot Rosa bị biến thành "máy chém"

Vị giám đốc ấy chính là Nguyễn Quốc Anh - từng là một bác sĩ có học hàm học vị đến phó giáo sư - tiến sĩ y học, từng được phong Anh hùng Lao động (2015), từng được phong danh hiệu Thầy thuốc nhân dân (2014), từng được vinh danh là một trong những "Nhà lãnh đạo giỏi" của cả nước (năm 2015)… và hàng loạt những danh hiệu, phần thưởng cao quí khác.

Ma lực nào đã khiến Nguyễn Quốc Anh và đồng bọn phản bội lại sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và ngành y, rồi cả công sức và sự hy sinh của hàng bao thế hệ cán bộ, nhân viên, thầy thuốc ở ngay chính Bệnh viện Bạch Mai để rồi nhẫn tâm làm cái việc "trời không dung, đất không tha" ấy, bất chấp cả tình đồng loại, bất chấp cả lời thề Hippocrates thiêng liêng mà bất cứ sinh viên y khoa Việt Nam nào cũng từng đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp?

Nói thẳng, không gì khác ngoài tiền!

Vì tiền mà Nguyễn Quốc Anh bất chấp cả thủ tục của Bộ Y tế để chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty Công nghệ Y tế BMS, để liên doanh lắp đặt robot phẫu thuật vào Bệnh viện Bạch Mai dưới danh nghĩa "đề án xã hội hóa", ngay cả khi một trong 2 loại robot phẫu thuật này là Robot Rosa chưa được nhập về Việt Nam.

Vì tiền mà Robot Rosa ấy dù nhập khẩu về với giá chỉ hơn 7,4 tỉ đồng, đã được nâng lên thành 39 tỉ đồng, chưa kể trong số ấy Công ty Công nghệ Y tế BMS được nhận chi phí khấu hao máy là hơn 23 triệu đồng và chi phí lãi vay hơn 4,1 triệu đồng dù không hề vay tiền để mua. Và kịch bản nhơ nhớp ấy đã được tiếp diễn với việc "ăn gian" tiền của bệnh nhân như đã nêu.

Cơ quan điều tra xác định Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng robot nói trên phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỉ đồng và "ăn gian" hơn 16,5 triệu đồng/ca. Đấy cũng không hẳn đã là toàn bộ sự thật của câu chuyện Robot Rosa ở bệnh viện này. Bởi hệ thống robot không chỉ được sử dụng để phẫu thuật sọ não. 

Bằng chứng là vào ngày 1-3-2017, chính Nguyễn Quốc Anh, lúc đó là giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong lễ Khai trương sử dụng và Hội thảo ứng dụng hệ thống Robot trong phẫu thuật khớp và phẫu thuật thần kinh tại bệnh viện, đã công bố một số loại bệnh lý được chỉ định phẫu thuật bằng Robot tại Bệnh viện Bạch Mai, gồm: Thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật nội soi bệnh lý não thất, bệnh thần kinh chức năng...

Hệ thống Robot phẫu thuật MAKO và ROSA cho phép các bác sỹ tiến hành phẫu thuật với sự xâm lấn tối thiểu và độ chính xác cao, hiệu quả, an toàn vượt trội, giúp bệnh nhân ít mất máu, ít đau, giảm nguy cơ tai biến và mau hồi phục. Đấy là một trong những thành tựu của thế giới, ghi nhân sự tiến bộ về thiết bị y tế.

Thành tựu ấy, thay vì thành một ân phúc cho người bệnh ở Việt Nam, thì khi vào tay của Nguyễn Quốc Anh và đồng bọn bỗng chốc hóa thành "máy chém" lạnh lùng và tàn nhẫn. 

Ranh giới giữa thiện lương và độc ác ngẫm chẳng tày gang trong lấp lánh ánh kim tiền.

Và điều ấy thực sự là một tội ác!

(Theo Người Lao Động) Lương Duy Cường

Giá BĐS tăng cao

 

Căn hộ giá 40 triệu đồng/m2 cũng sắp 'tuyệt chủng'

 Cập nhật lúc 09:51     

Không chỉ căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2, hiện nay căn hộ khoảng 40 triệu đồng/m2 ở TP.HCM cũng tìm đỏ mắt. Dự báo, loại hình căn hộ có giá từ 35 - 40 triệu đồng/m2 tại TP.HCM cũng sắp “tuyệt chủng”.

Dự án Masteri Lumiere Riverside mặc dù chỉ mới làm móng cọc nhưng cho biết đã bán gần hết số lượng căn hộ với giá rất cao. ẢNH: ĐÌNH SƠN

Mặt bằng giá mới... trên trời

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 30 dự án đang mở bán. Trong đó, dự án The Marq (P.Đa Kao, Q.1) gồm 515 căn hộ với mức giá dao động trung bình 170 - 210 triệu/m2. Cụ thể căn hộ 1 phòng ngủ diện tích khoảng 48 m2 (tim tường) có mức giá 9,1 tỉ đồng/căn (đã bao gồm VAT và phí bảo trì), căn 2 phòng ngủ diện tích khoảng 73 m2 (tim tường) có mức giá 15,5 tỉ/căn (đã bao gồm VAT và phí bảo trì). Dự án này được triển khai bởi Hongkong Land và An Khang (một công ty có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm). Trong khi đó, dự án The Spirit of Saigon (P.Bến Thành, Q.1) chủ đầu tư trước đây thuộc Bitexco và nay trên công trường dự án này đã xuất hiện thêm một cái tên mới là Masteri Homes. Mức giá của dự án này được xem là đắt đỏ nhất hiện nay tại TP.HCM, đang chào bán từ 23.000 USD/m2, tức hơn 500 triệu đồng/m2. Hiện tại Spirit of Saigon có 350 căn hộ và đang trong quá trình thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2024.

Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) các dự án đang chào bán căn hộ ra thị trường có mức giá cũng không thấp hơn 80 triệu đồng/m2. Đơn cử dự án The River Thủ Thiêm gồm 525 căn hộ diện tích từ 54 - 300 m2 đang chào giá thấp nhất là 3.600 USD/m2 (khoảng hơn 82 triệu đồng/m2) và cao nhất là 7.400 USD/m2 (khoảng 170 triệu đồng/m2). Tại khu vực P.Thảo Điền, P.An Phú - P.An Khánh (TP.Thủ Đức) mức giá bán cũng đang được đẩy lên rất cao. Nếu như trong năm 2020 giá bán cao nhất tại đây khoảng 80 triệu đồng/m2 thì nay bình quân đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Như dự án Masteri Lumiere Riverside, do Công ty Masterise Homes thực hiện dù chỉ đang trong giai đoạn làm móng cọc thế nhưng khoảng 1.000 căn hộ tại đây theo thông tin đã bán gần hết với mức giá bình quân khoảng 100 triệu đồng/m2 và giá cao nhất lên đến 120 triệu đồng/m2. Ngay sát bên, dự án ở Q.2 cũng có bán giá lên đến 120 triệu đồng/m2 đối với những căn hộ có vị trí đẹp.

Theo khảo sát, hiện nay tại TP.Thủ Đức mức giá bán căn hộ thấp nhất cũng lên đến khoảng 60 triệu đồng/m2. Tại khu vực Nam Sài Gòn mức giá hiện nay cũng không dưới 40 triệu đồng/m2. Như tại dự án La Partenza do Công ty cổ phần bất động sản Khải Minh Land làm chủ đầu tư trên đường Lê Văn Lương đã lên đến khoảng 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các căn hộ tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã chào bán lên đến bình quân khoảng 100 triệu đồng/m2. Mới đây Nam Long Group chào thị trường giai đoạn 2 căn hộ Mizuki Park tại Bình Chánh với giá từ 40 triệu đồng/m2, đây đang xem là dự án có mức giá mềm so với mặt bằng chung của thị trường căn hộ TP.HCM ở thời điểm hiện tại.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, quý 1/2021, TP có 8 dự án được cấp sản phẩm đủ điều kiện bán hàng với 3.422 căn hộ và 414 thấp tầng. So với năm 2018, lượng cung này giảm gần 90%, so với năm 2019 giảm khoảng 85% và giảm 75% so với năm 2020. Đa số các dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai đều thuộc phân khúc cao cấp với giá bán trên 40 triệu đồng/m2.

Siêu lợi nhuận vào túi chủ đầu tư

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRAVietnam, cho biết hiện nay tại TP.HCM để tìm kiếm căn hộ giá từ 35 - 40 triệu đồng/m2 ngay tại khu vực vùng ven TP.HCM cũng không còn dễ dàng, nếu không nói là sắp “tuyệt chủng”. Không chỉ TP.HCM mà các tỉnh lân cận như Bình Dương hay Đồng Nai, giá chào bán căn hộ đã ở mức bình quân từ 35 - 40 triệu đồng/m2.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, căn hộ tại TP.HCM đang thiết lập mặt bằng giá mới và xu hướng là dự án sau bán ra luôn cao hơn dự án trước bởi các chủ đầu tư nhìn nhau. Người này thấy dự án này cùng khu vực đang bán giá này thì dự án mình bán sau giá phải bằng hoặc cao hơn trong bối cảnh nguồn cung được cho là khan hiếm. Không những vậy, lợi dụng khan hàng, các chủ đầu tư đua nhau thổi giá, đẩy giá lên quá cao để thu về lợi nhuận khổng lồ. “Nếu trước đây các doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 50% cho vòng đời cả dự án thì nay họ đặt mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng lên đến 100%, thậm chí hơn để phòng ngừa các rủi ro và để khai thác lợi thế quỹ đất khan hiếm”, vị này cho hay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ngoài nguyên nhân nguồn cung khiến giá tăng mạnh, thì việc chủ đầu tư đôn dự án từ trung cấp lên cao cấp khiến giá nhà tăng cao. Thống kê cho thấy, hiện 59% là nhà cao cấp, hạng sang, còn lại là nhà trung cấp, trong khi nhà ở bình dân không có dự án nào được tung ra. Đây là điều rất vô lý trong bối cảnh thu nhập của người dân còn hạn chế, giới siêu giàu Việt Nam còn chưa nhiều. “Khi nguồn cung quá ít mà nhu cầu cao thì giá phải tăng mạnh. Hiện nay các dự án đã có sản phẩm đang chiếm ưu thế, tự đưa ra giá và khách hàng phải buộc chấp nhận. Lợi nhuận của chủ đầu tư rất cao, có thể nói là siêu lợi nhuận. Nếu chủ đầu tư với sáng tạo của mình, suất đầu tư lớn tạo ra giá trị lớn để giúp giá tăng thì không nói. Nhưng thực tế đa số các chủ đầu tư ăn chênh lệch địa tô mà chưa tạo ra nhiều giá trị tương xứng với mức giá họ đẩy lên”, ông Châu phân tích.

Một nguyên nhân nữa, theo ông Châu, hiện nay tại nhiều nơi nhà nước chỉ định giao nhiều dự án cho doanh nghiệp, thậm chí các dự án cực lớn cho các chủ đầu tư mà không thực hiện một căn nhà ở xã hội nào. Điều này khiến lợi nhuận “chảy” vào túi doanh nghiệp càng thêm khổng lồ. Từ bất cập này đến bất cập khác khiến giá nhà đất tăng cao khủng khiếp. Trong khi nguồn cung đang hạn chế, thì ngày 26/3 Chính phủ ra Nghị định 30 hướng dẫn thi hành luật Nhà ở lại khiến các dự án nhà ở thương mại tắc 100% khi quy định các dự án nhà ở thương mại phải là đất ở, nếu là đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp đều không được công nhận là chủ đầu tư. Điều này vô tình tiếp tục hạn chế nguồn cung và chắc chắn thời gian tới các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có dự án sẽ có lợi thế, tiếp tục sẽ đưa ra mức giá cao không tưởng. Ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị: “Điểm mấu chốt là nhà nước cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để tăng nguồn cung. Đồng thời phải điều tiết lại chênh lệch địa tô, không được để doanh nghiệp dễ dàng thu lợi nhuận khổng lồ mà nhà nước và người dân phải chịu thiệt hại”.

(Theo Thanh Niên) Đình Sơn

Lãnh đạo tỉnh bảo vệ doanh nghiệp sai luật

 

Dân thắng kiện, chủ tịch tỉnh đề nghị giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm

Cập nhật lúc 09:12     

  Một người dân thắng kiện gửi đơn cho Thủ tướng đề nghị chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện bản án hành chính phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, còn tỉnh đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm.

 

Khu nhà đất của gia đình ông Phạm Văn Tuân ở P.Vĩnh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - Ảnh: ĐÀM LINH

Liên quan đến vụ "Thua kiện dân vì thu hồi đất giao doanh nghiệp sai luật", chiều 27-4, ông Phạm Văn Tuân (ở xã Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), người dân thắng kiện hành chính chính quyền TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã gởi đơn đến Thủ tướng Chính phủ.

Trong đơn, ông Tuân nói rằng bản án hành chính phúc thẩm do TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hôm 25-12-2020 liên quan đến việc chính quyền TP Nha Trang thu hồi đất của gia đình ông giao cho doanh nghiệp làm dự án khách sạn 5 sao, tuyên ông thắng kiện.

Bản án phúc thẩm đã có giá trị pháp lý, ông có đơn yêu cầu bên thua kiện là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ tịch UBND TP Nha Trang, UBND TP Nha Trang thi hành các nội dung trong bản án, nhưng đến nay bên thua kiện vẫn chưa thi hành. Chủ đầu tư khách sạn SASCO liên quan đến vụ án này cũng không tự nguyện thi hành án, vì cho rằng chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm vừa nêu.

Liên quan đến vụ án này, ngày 9-3-2021, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký văn bản gởi chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 82 ngày 25-12-2020 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng sau khi nhận được bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng về vụ kiện này, UBND tỉnh đã rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc và nhận thấy việc UBND TP Nha Trang ban hành các quyết định thu hồi đất của gia đình ông Phạm Văn Tuân, giao đất cho hộ ông này xây nhà ở; quyết định về bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Tuân khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án khách sạn SASCO Nha Trang và 2 quyết định giải quyết khiếu nại của ông Tuân do chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký đều được "ban hành đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật".

Từ đó, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với vụ kiện này để xét xử lại theo quy định của Bộ luật tố tụng hành chính.

Bản án phúc thẩm tuyên gì?

Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhận định rằng dự án khách sạn SASCO Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt là dự án phát triển kinh tế. Theo quy định, chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ sở hữu đất để bồi thường, giải tỏa, tái định cư; nếu thỏa thuận được thì trình phương án cho UBND TP Nha Trang xem xét, trình UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định.

Dự án nêu trên được triển khai từ năm 2004, áp dụng Luật đất đai 2003, nhưng chủ đầu tư chậm thực hiện. Đến năm 2014, mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chủ trương cho thực hiện dự án nhưng HĐND tỉnh Khánh Hòa không phê duyệt dự án này vào danh mục thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng năm 2015. Do đó, việc ngày 27-9-2017, UBND TP Nha Trang ra quyết định thu hồi 334m2 đất của gia đình ông Phạm Văn Tuân khi chủ đầu tư dự án và ông chưa thỏa thuận bồi thường là không đúng quy định pháp luật.

Do quyết định thu hồi đất đã nêu của UBND TP Nha Trang không đúng quy định pháp luật, nên việc UBND TP ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với gia đình ông Phạm Văn Tuân cũng không đúng quy định pháp luật. Việc chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, lần 2 của ông Tuân đều không có cơ sở, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất.

(Theo Tuổi trẻ) Duy Thanh

Bản án quá rõ ràng theo quy định của pháp luật mà lãnh đạo tỉnh cố tình không hiểu. Họ chỉ biết bảo vệ doanh nghiệp, chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của người dân. Ngay luật pháp tố tụng họ còn chưa rõ: Chính quyền là bên bị kiện, là bị án sao có quyền kiến nghị? Họ chỉ có quyền kháng án của một đương sự. Nếu kháng án không thành thì phải thi hành án.

Thương Giang