Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá nói gì về tuyến đường 455m hết 128 tỉ đồng?

Cập nhật lúc 10:17   

Những ngày vừa qua dư luận xôn xao việc UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận đổi trên 19ha đất "vàng" chỉ để lấy 455m đường đô thị.

Dư luận xôn xao
Ngày 3/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hoá có tờ trình số 153/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh đề nghị quyết định chủ trương đầu tư tuyến đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến QL 47, TP. Thanh Hoá theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).
Theo đó, đơn vị được đề xuất thi công là Cty CP Sông Mã; dự án thi công là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường 455m đảm bảo theo quy chuẩn đường chính đô thị, kết cấu bê tông nhựa và hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh đi cùng.
Tổng vốn đầu tư 128 tỉ 187 triệu đồng. Nhà thầu tự huy động 100% vốn, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu 20%, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác tối đa 80%.
Loại hợp đồng được xác định là hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT). Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là Cty CP Sông Mã bằng quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư tại 3 khu đất trên địa bàn TP. Thanh Hoá với tổng diện tích 19,3 ha (19.000 m2).

 Đất ở ven đường vành đai Đông Tây, TP. Thanh Hoá đang có giá trị giao dịch cao.
Đất ở ven đường vành đai Đông Tây, TP. Thanh Hoá đang có giá trị giao dịch cao.

Các khu đất được giao bao gồm: Khu số 1 phía bắc đường Nguyễn Công Trứ thuộc KĐT Đông Sơn có diện tích 7,7ha; khu số 2 tại khu tái định cư Quảng Thành, diện tích 11,54ha và khu số 3 thuộc khu vực hai bên đường vành đai Đông Tây, diện tích 0,12ha.
Dự án trên đã được Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá thông qua.
Những khu đất được xác định đổi cho nhà đầu tư nói trên đều là những khu vực có giá trị cao. Giá thị trường hiện nay khoảng từ 8 – 20 triệu đồng/m2.
Những thông tin trên đã gây hoang mang dư luận vì chẳng có công trình đường đô thị cấp III nào mà với 455m phải tiêu tốn tới trên 128 tỉ đồng. Thông tin có thật nhưng chưa đủ, chưa đúng.
Việc UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất đổi 19,36ha đất có giá trị cao nói trên cũng gây bức xúc dư luận vì theo cách tính thông thường, với giá thị trường khoảng 10 triệu đồng/m2 thì tổng số tiền nhà đầu tư thu được sẽ tới trên 190 tỉ đồng.

 Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hoá. Ảnh: Ngọc Huấn
Ông Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Sở KHĐT Thanh Hoá. Ảnh: Ngọc Huấn

Để làm rõ vấn đề trên, PV Lao Động đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Hùng – GĐ Sở Kế hoạch Đầu tư Thanh Hoá, đơn vị được giao làm đầu mối dự án. Theo ông Hùng, những thông tin cơ bản trên là có thật nhưng chưa đủ, chưa đúng bản chất sự việc.
Theo đó, tại báo cáo kết quả thẩm định (lần 2) do Sở KHĐT tổng hợp ý kiến các sở, ngành liên quan thì số tiền trên 128 tỉ đồng không phải chỉ để thi công đoạn đường dài 455m mà bao gồm cả chi phí xây dựng công trình và chi phí giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, chi phí xây dựng là 31,9 tỉ đồng (tương đương với suất đầu tư khoảng 70 tỉ đồng/km theo quy định của Bộ Xây dựng. Còn lại 72,3 tỉ đồng là chi phí GPMB được xác định trên cơ sở kiểm đếm 1,77ha, trong đó 0,78ha đất ở với 80 hộ dân cần tái định cư. Giá đất đền bù GPMB được xác định khoảng 12 triệu đồng/m2.
“Như vậy, không có chuyện đơn giản làm 455m đường mà tiêu tốn tới 128 tỉ đồng” – ông Hùng nói.
Về thông tin giá trị quỹ đất trên 19ha, ông Hùng cho hay, các ngành cũng đã xác định giá đất tiệm cận giá thị trường. Theo đó, khu vực 1 và 2 được xác định giá từ 4,8 – 12triệu đồng/m2; khu vực 3 có giá 13 triệu đồng/m2. “Mức giá đó là hợp lý, tiệm cận giá thị trường và đảm bảo tính khả thi của dự án” – ông Hùng cho hay.
(Theo Lao Động) XUÂN HÙNG

Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương dừng hình thức đổi đất lấy hạ tầng trong đầu tư công tư từ đầu năm 2018. Có lẽ chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TC chưa phủ sóng tới Thanh Hóa. Ai cũng biết đấu giá để thu tiền sử dụng đất sẽ công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Còn đổi chác luôn tiềm ẩn tiêu cực, là mảnh đất vàng của tham nhũng, lợi ích nhóm!
Thương Giang

Chủ tịch HĐND bị tố quan hệ bất chính: Báo cáo biện minh vụng về!

Cập nhật lúc 09:31     

Theo ông An, kết quả xác minh sẽ do Ban thường vụ Tỉnh ủy công bố vì ông Xem là cán bộ do Tỉnh ủy quản lý.

Xung quanh những xôn xao vụ Chủ tịch HĐND TP.Kon Tum bị tố quan hệ bất chính với phụ nữ đã có gia đình, ngày 27/2, trao đổi với báo Đất Việt, ông Nguyễn Hải An - Chánh văn phòng Thành ủy Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị mới tiếp nhận đơn của anh Trần Quang Trung (trú ở phường Hội Phú, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) và đang trong thời gian xem xét.
"Theo báo cáo sơ bộ ban đầu của anh Xem (Phạm Minh Xem, Phó Bí thư thường trực - Chủ tịch HĐND TP. Kon Tum), vào tháng 4/2017 vợ anh qua đời, đến cuối năm 2017, anh Xem mới quen và tìm hiểu chị Trần Thị Lan Phương (31 tuổi, vợ anh Trung). Thời điểm mới quen, chị Phương nói với anh Xem là đã ly hôn chồng.
Sau đó, trong quá trình tìm hiểu, anh Xem có đến nhà chị Phương một vài lần nhưng không gặp chồng chị này. Sau khi tìm hiểu được một thời gian, anh Xem mới phát hiện ra chị Phương chưa ly hôn chồng mà mới chỉ ly thân.
Bởi vậy, giữa năm 2018, anh Xem đã chấm dứt mối quan hệ đó, không tìm hiểu chị Phương nữa", ông An cho biết.
 To Chu tich HDND quan he bat chinh: Bao cao soc
Hình ảnh thân mật của ông Xem và chị Phương
Theo ông An, khi vợ ông Xem còn sống, ông Xem không có điều tiếng gì liên quan đến các mối quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác. Ông Xem được đánh giá là một cán bộ có năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
"Là một cán bộ mẫu mực nên ông Xem chưa bao giờ có điều tiếng gì. Từ khi có đơn tố cáo của anh Trung thì cơ quan mới biết, còn trước giờ chưa ai nắm được thông tin này", ông An cho biết thêm.
Cũng theo ông An, ông Xem là cán bộ do Ban thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý. Do vậy, đơn tố cáo của anh Trung và báo cáo của ông Xem đều được chuyển lên cấp trên để tiếp tục làm rõ.
Trước đó, theo đơn tố cáo của anh Trung, anh và chị Phương kết hôn với nhau từ năm 2011, hiện có 1 người con chung và đang sống với nhau ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Cuối tháng 4/2018, nghi ngờ vợ có mối quan hệ không trong sáng với người đàn ông khác, anh Trung đã âm thầm điều tra và phát hiện vợ mình có tình cảm với ông Xem.
Cụ thể, theo anh Trung, ông Xem đã nhắn tin tán tỉnh, nói chuyện yêu đương với chị Phương rồi hẹn hò, đưa nhau đi nhà nghỉ, khách sạn, đi du lịch, chụp ảnh thể hiện tình cảm ở nhiều nơi như Hà Nội, Đà Nẵng…
Trước những chứng cứ này anh Trung đã yêu cầu 2 người chấm dứt mối quan hệ bất chính trên và ngày 29/04/2018, chị Phương đã xin lỗi và mong được chồng bỏ qua, đồng thời hứa sẽ không qua lại, gặp gỡ ông Xem nữa.
“Nhưng ngày 8/11/2018, tôi lại phát hiện vợ mình và ông Xem tiếp tục có hành vi liên lạc nhắn tin tình cảm qua số điện thoại mới. Con gái tôi năm nay mới 6 tuổi đã phát hiện được hình ảnh trong điện thoại của mẹ nó thể hiện tình cảm với người đàn ông khác khiến cháu rất buồn và tổn thương nặng nề", anh Trung chia sẻ.
Cũng theo anh Trung, đến nay mối quan hệ bất chính giữa vợ anh và ông Xem vẫn còn tiếp diễn.
Nói về việc này, cùng ngày, cũng trao đổi với báo Đất Việt, ông Xem cho biết, sau khi  nhận được đơn tố cáo của anh Trung, ông đã báo cáo hết sức trung thực với cấp ủy.
"Về nội dung đơn tố cáo, tôi thấy có nhiều vấn đề không đúng sự thật. Tình cảm giữa tôi với chị Phương chưa có gì gọi là sâu sắc", ông Xem cho biết.
(Theo Đất Việt) Thu Hoài

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2: Bộ Công Thương đã can thiệp như thế nào?

Cập nhật lúc 09:14      

Theo thông tin của Tiền Phong, Bộ Công Thương cùng một số đơn vị, lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) thời điểm trước đã có nhiều động thái để thúc đẩy và can thiệp vào việc thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên từ rất sớm và những can thiệp này về sau đã cho thấy đây là những can thiệp sai lầm và theo thời gian khiến dự án đã ngày càng khó giải quyết khi “sức khỏe” của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và TISCO bắt đầu đi xuống.

Dự án giai đoạn 2 Gang Thép Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bằng
 
Dự án giai đoạn 2 Gang Thép Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bằng

 Bất thường lời giới thiệu của Bộ Công Thương
Theo thông tin của Tiền Phong, chỉ hơn 1 năm sau khi dự án được khởi công, những dấu hiệu bất thường về việc đầu tư dự án đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là việc nhà thầu chính cho dự án là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đề nghị tăng giá trị gói thầu từ gần 43 triệu đô la lên 134 triệu đô la. Tuy nhiên, do không nhận được sự đồng ý từ VnSteel nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần xây dựng và lắp ra khỏi hợp đồng EPC, để giao lại cho nhà thầu Việt Nam. Điểm đáng chú ý, dù có những trục trặc như vậy nhưng khi TISCO triển khai giải ngân dự án và có các báo cáo về việc tăng giá gói thầu nhưng Bộ Công Thương không có động thái cụ thể nào trong việc triển khai các giải pháp để can thiệp, buộc nhà thầu phải thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.
Một chuyên gia trong ngành cho biết, sự can thiệp của Bộ Công Thương khi đó nếu có thì những hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra về sau. Theo thông tin này, đến khoảng giữa năm 2009 khi MCC có dấu hiệu không thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và Bộ Công Thương, khi đó là Thứ trưởng Lê Dương Quang phụ trách mảng, quyết liệt giám sát và gỡ khó thì sẽ không có những “vấn đề” xảy ra với bản kế hoạch tổng tiến độ V2.0-20080220 ngày 20/10/2008 của MCC và chậm bàn giao thiết kế cơ sở cả 7 hạng mục thuộc phần E từ 1 tháng đến 4 tháng và chuyển đổi một số nội dung công việc của phần P sang phần C (theo báo cáo ban đầu của TISCO, giá trị trên 50 tỷ đồng) hoặc như việc hưởng phí quản lý phần C không đúng.
Cũng theo thông tin này, ít lâu sau đó, sau một số cuộc họp với các đơn vị trực thuộc thời điểm đó, Bộ Công Thương đã có văn bản cho phép giao cho Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam đảm nhận những phần việc mà MCC trả lại.
Cụ thể, tháng 4/2009, lãnh đạo TISCO, thông qua giới thiệu bằng văn bản của Bộ Công Thương, đã ký văn bản mời VINAINCON để thảo luận về phần C của hợp đồng, định giá trị tăng thêm để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Khi đó, VINAINCON đã lập dự toán chi phí phát sinh tăng phần C báo cáo gửi lãnh đạo TISCO. Trước những số liệu dự toán này, TISCO cũng không thẩm định mà sử dụng số liệu chi phí phát sinh phần C hơn 15,5 triệu USD do VINAINCON lập để trình các bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến tháng 9/2009, TISCO và MCC đã ký hợp đồng thầu phụ với VINAINCON để thực hiện phần C với giá tạm tính là gần 43 triệu USD (tương đương khoảng hơn 764,1 tỷ đồng), thời gian thực hiện là 21 tháng.
Trong văn bản của Bộ Công Thương gửi Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và TISCO giới thiệu VINAINCON tham gia giai đoạn 2 của dự án có viết: “VINAINCON là doanh nghiệp thuộc bộ, có năng lực và bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình công nghiệp. Bộ Công Thương đề nghị VNS, TISCO xem xét, chấp thuận để VINAINCON được đảm nhận toàn bộ phần công việc xây lắp của gói thầu EPC”.
Từ sự giới thiệu này, sau đó Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ thuộc TISCO, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS), Bộ Công Thương đã trực tiếp và gián tiếp có liên quan trong việc ký biên bản thoả thuận phân chia công việc phần C, chuyển một số phần việc từ phần P sang Phần C, ký hợp đồng giao VINAINCON, các nhà thầu phụ khác thực hiện Phần C, thanh toán theo đơn giá điều chỉnh không đúng hợp đồng EPC làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư, gây thất thoát vốn đầu tư.
Cũng từ sự giới thiệu này đã dẫn đến việc về sau việc giám sát của Bộ Công Thương, VnSteel với dự án bị buông lỏng và dẫn tới việc lãnh đạo TISCO đã quyết làm thủ tục thanh toán tới 92% giá trị hợp đồng cho nhà thầu MCC dù các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành. Sau những trục trặc và cầm chắc tiền đã được thanh toán, đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công và rút dần về dù công việc vẫn ngổn ngang, chưa hoàn thành.
Khi được Tiền Phong đặt câu hỏi về việc làm sao những khoản chi tiêu khủng lên tới nghìn tỷ tại dự án được duyệt chi một cách dễ dàng như vậy và ai là người chịu trách nhiệm, nhiều cựu lãnh đạo của ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (trong đó có cả ông Vũ Bá Ổn, nguyên Phó Tổng giám đốc VnSteel và cũng là người đại diện vốn tại Gang Thép Thái Nguyên,…) đều khẳng định đã về hưu, câu chuyện đã lâu nên không nhớ rõ. Thậm chí có người nói đây là chuyện tế nhị, cần hỏi những người đang nắm giữ chức vụ trực tiếp của ngành thép hiện nay cũng như  hỏi ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Mãi đến năm 2014, khi những sai phạm được các cơ quan chức năng chỉ rõ và dường như không thể che lấp được, khi đó lãnh đạo nhiệm kỳ trước của VNSteel đã chỉ đạo chủ đầu tư nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Kết quả, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của TISCO tháng 12/2014 đã miễn nhiệm tổng giám đốc TISCO.
Lỗ hổng từ báo cáo tiền khả thi của dự án
Trao đổi với Tiền Phong gần đây về hiệu quả dự án, một phó tổng giám đốc VnSteel và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường thừa nhận, bên cạnh những sai phạm về thực hiện dự án, nhiều việc doanh nghiệp đã không  lường được hết, ngay cả báo cáo tiền khả thi đến chi phí nguyên vật liệu, lãi suất tăng, huy động vốn khó khăn sau khi dự án được triển khai.
Lãnh đạo ngành thép cho rằng, dự án bị đội vốn khủng do giá cả nguyên vật liệu đã làm tăng tới 1.299 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính làm dự án tăng 1.042 tỷ đồng). Chưa kể những thay đổi về chế độ chính sách khi triển khai dự án như về thuế, tiền lương, đền bù... cũng khiến dự án đội vốn thêm 1.702 tỷ đồng). Dự án càng chậm tiến độ càng khiến vốn đội lên nhiều. Cũng theo ông Cường, thế kẹt của dự án hiện nay, nếu có đi vào hoạt động, chính là hiệu quả đầu tư không còn. Sau nhiều năm, đến nay công nghệ sản xuất thép đã thay đổi rất nhiều. Với gánh nặng đầu tư quá lớn, dự án khó có thể mang lại hiệu quả trừ phi nhận được sự ưu đãi rất lớn về thuế phí, lãi suất, khoanh nợ.
Một cựu phó tổng giám đốc VnSteel cho hay, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng “chết” một phần vì thuộc diện dự án đội vốn nóng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Khi được lập đề án, vốn tự có của chủ đầu tư chỉ có 10%, còn lại là đi vay tới 90%...“Dự án này càng làm sẽ càng lỗ nặng, khó có lợi nhuận. Việc tìm được đối tác mua dự án cũng khó khả thi”, vị này nói.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Dự án tâm linh của Xuân Trường, nhiều mập mờ công - tư

Cập nhật lúc 16:04          
                        
Chùa Tam Chúc, dự án tâm linh 5.000ha, do “đại gia” Xuân Trường làm chủ đầu tư, chưa hoàn thành đã mở cửa đón khách gây nhiều ý kiến trái chiều.

Đáng nói, hiện tượng Nhà nước bỏ tiền đầu tư để doanh nghiệp kinh doanh thu tiền cũng xảy ra tại loạt dự án du lịch tâm linh khác của Xuân Trường như khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình) hay dự án ở Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

 
Chùa Tam Chúc tại Hà Nam chưa hoàn thiện đã thu phí khách tham quan - Ảnh: T.T
Vốn công trong dự án tư nhân kinh doanh, thu tiền

Những năm gần đây, hàng loạt dự án quần thể du lịch tâm linh đồ sộ đua nhau mọc lên tại các địa phương trên cả nước.
Nếu như miền Nam có Đại Nam ở Bình Dương thì tại miền Bắc, Công ty Xây dựng Xuân Trường đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng vào những đại tự như: Khu du lịch tâm linh quần thể Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…

Theo tìm hiểu, các dự án này đều do doanh nghiệp xin cấp đất từ địa phương thời hạn khai thác lên đến 70 năm.
Tuy nhiên, hầu hết các khu du lịch tâm linh tại miền Bắc đã và đang có sự đan xen đầu tư giữa vốn của doanh nghiệp và vốn Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Bình cho hay, trong Khu du lịch Tràng An - Bái Đính có 5 hạng mục hạ tầng gồm các công trình đường sá, cầu cống được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Các hạng mục còn lại đều do Xuân Trường bỏ vốn đầu tư. “Tới nay dự án chưa thực hiện xong, chủ đầu tư Xuân Trường cũng chưa có báo cáo giám sát nên không có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án”, vị đại diện cho biết.

Cụ thể, dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục, trong đó có cả hình thức đầu tư công lẫn hợp tác công - tư (PPP) và đầu tư tư nhân.
Sau hơn 2 năm kể từ khi dự án được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách được chi cho công tác giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Vốn ngân sách Nhà nước cũng được Sở đề xuất làm hệ thống đường xung quanh hồ.
Trước đó, năm 2004, Xuân Trường khởi công xây dựng Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính (Ninh Bình) trên diện tích 700ha với 20 hạng mục.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, chùa Bái Đính mới chỉ hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa chưa được xây dựng xong.
Với phương thức đầu tư “đan xen” vốn Nhà nước, doanh nghiệp Xuân Trường cùng một lúc đảm nhận “hai vai”.
Trước hết, Xuân Trường trực tiếp là bên B chịu trách nhiệm thi công các hạng mục công trình từ nguồn vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Còn bên A là Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Mặt khác, Xuân Trường cũng là đơn vị tham gia vào lĩnh vực kinh doanh hoạt động du lịch khi bỏ vốn xây dựng khu chùa Bái Đính từ chân lên tới đỉnh núi Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn và đầu tư một phần vốn vào Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Năm 2006, Xuân Trường tiếp tục xin xây siêu dự án về văn hóa tâm linh - nghỉ dưỡng sinh thái - vui chơi giải trí khác là Tam Chúc - Ba Sao với tổng mức đầu tư 11 nghìn tỷ đồng.
Tới nay, Dự án đã hoàn thành các hạng mục về cơ sở hạ tầng (đường, cống thoát nước, trồng cây…). Đây đều là những hạng mục thuộc vốn Nhà nước đầu tư, phần còn lại thực hiện do nguồn vốn xã hội hóa thì vẫn còn dang dở.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về đề xuất của Xuân Trường xin đầu tư xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Đề xuất là vậy song chính doanh nghiệp này cũng chưa nói nói rõ dự án này sẽ được đầu tư dưới hình thức nào.
Dự án tâm linh không thuộc diện ưu đãi

Dù đưa ra mục tiêu xây dựng công trình văn hóa tâm linh song dự án nào của Xuân Trường cũng đi kèm với khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và cả casino.
Ngay cả khi các hạng mục của dự án chưa hoàn thành song chủ doanh nghiệp này đã thu tiền khách tham quan.
Tới nay, tất cả dự án này đều chưa được tổ chức kiểm toán xác định rõ tổng mức đầu tư, từ đó phân định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận: “Nếu xét về góc độ nhà đầu tư, ai cũng mong muốn tối đa hóa hiệu quả dự án. Do vậy, việc đưa vào hoạt động nhiều dịch vụ, ngành nghề khác nhau trong một dự án cũng là lẽ thường tình.
Chỉ có điều hoạt động đầu tư ấy có phù hợp đáp ứng với lợi ích chung của xã hội hay không?
Phải quản lý như thế nào để đảm bảo hiệu quả cả về phía Nhà nước lẫn chủ đầu tư, tránh việc lợi dụng biến tướng”, vị này nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại diện, ngoài các hạng mục có vốn ngân sách, các dự án du lịch tâm linh do chủ đầu tư tự bỏ vốn triển khai, cũng không khác gì các dự án đầu tư kinh doanh thông thường, đều thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đầu tư.
Đối với các dự án có nhu cầu thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải có quyết định chủ trương đầu tư.
“Trong quá trình phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan chức năng phải xem xét dự án có phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển ngành hay không; điều kiện giao đất cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng như thế nào, hiệu quả kinh tế - xã hội ra sao…”, vị này nhấn mạnh.

Xét về mức độ ưu đãi, vị đại diện nhận định: “Du lịch tâm linh không nằm trong danh mục ngành nghề được ưu đãi, tuy nhiên nếu dự án này nằm trên địa bàn ưu đãi thì cũng sẽ được hưởng chính sách ưu tiên về thuế, đất…”.
Tuy nhiên, theo danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế, hiện chỉ có 2 dự án tâm linh do Xuân Trường thực hiện gồm: Khu tâm linh Hồ Núi Cốc và Khu tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp.
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch: Việc đổ vốn khủng xây dựng những siêu dự án tâm linh cần phải được xem xét thận trọng, vì đó là biểu hiện của sự đầu tư bất thường. Lẽ thường, không ai kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh. Cũng không thể có chuyện doanh nghiệp chấp nhận bỏ “tiền tấn” ra đầu tư mà không có lãi. Do đó, hoàn toàn có cơ sở nghi vấn về nguồn tiền và mục đích đầu tư vào những công trình này từ đâu?

Từ góc độ quản lý nguồn lực của đất nước, trong bối cảnh hiện nay việc dành hàng nghìn ha đất cho nhà đầu tư một dự án tâm linh thật quá lãng phí, cần xem xét lại. Hiện, khung pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về dự án tâm linh. Vì vậy, đang có sự lách luật, lợi dụng núp bóng dự án tâm linh để kinh doanh. Thực tế chứng minh tại những dự án này, diện tích xây chùa chỉ chiếm một phần, còn lại để dành cho các dự án nghỉ dưỡng, sòng bài.

 
Luật sư Trương Thanh Đức Chủ tịch Công ty luật Basico: Đối với những dự án nửa du lịch, nửa tâm linh, không được lợi dụng tiền ngân sách đầu tư bởi sau này Nhà nước sẽ không thu được gì. Chúng ta không nên ngăn cấm nhưng cũng không nên ưu tiên cấp quá nhiều đất. Đáng nói, việc cấp đất cũng phải theo đúng Luật, cần công khai minh bạch, tránh tạo chênh lệch địa tô quá lớn với các trường hợp khác.

 
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Trong kinh tế thị trường, chỉ cần không vi phạm pháp luật thì mọi hoạt động đầu tư đều là hợp pháp. Tuy nhiên, trong những dự án đầu tư du lịch tâm linh hiện nay, cần phải xem xét cái hợp pháp ấy có hợp lý hay không và mục đích là gì? Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào? Song, tới nay vẫn chưa có sự công khai minh bạch về các dự án này.
Cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, trong khi doanh nghiệp các nước khác đổ tiền vào đầu tư ở lĩnh vực khoa học công nghệ, thì doanh nghiệp của chúng ta lại đổ xô đầu tư vào tâm linh vào đền chùa. Chính phủ và chính quyền địa phương có thái độ như thế nào về hoạt động đầu tư này?
Việc cấp tới 5.000ha cho một dự án tâm linh so với việc cấp đất để đầu tư cho bệnh viện, trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho người nghèo đã hợp lý chưa? Tất cả vấn đề này cần phải có câu trả lời rõ ràng, tránh hậu quả đầu tư vào lĩnh vực tâm linh ồ ạt, gây lãng phí cho Nhà nước và xã hội. Thiết nghĩ, Hội đồng nhân dân địa phương và cao hơn là Quốc hội nên có sự giám sát và kiểm tra hoạt động đầu tư này.
Theo Báo Giao thông

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh thay ông Tất Thành Cang

Cập nhật lúc 15:06  

Bộ Chính trị phân công ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh làm Phó Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh.

 Ông Trần Lưu Quang. Ảnh: Hữu Công.
Ông Trần Lưu Quang. Ảnh: Hữu Công.

Chiều 27/2, tại hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ ở Thành ủy TP.HCM, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị, phân công ông Trần Lưu Quang làm Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ông Trần Lưu Quang sinh năm 1967, quê Tây Ninh, hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh.
Trước đây, TP.HCM có 4 phó bí thư. Vị trí Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM do ông Tất Thành Cang đảm nhận. Tuy nhiên, tháng 12/2018, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Cang vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh thay ông Tất Thành Cang - ảnh 1
Ông Tất Thành Cang. Ảnh: Thành Nguyễn.

Theo kết luận của UBKT T.Ư, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.
Ông Cang cũng đã vi phạm khi chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang cũng đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang được UBKT T.Ư kết luận là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Từ đó, UBKT T.Ư đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với đồng chí Tất Thành Cang.
(Theo Tiền Phong) Văn Kiên

Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế hai nước...

Cập nhật lúc 14:59  

Sáng 27/2, tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhân chuyến thăm tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai.

 
Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Gia Linh.

Đúng 11 giờ, Đoàn xe chở Tổng thống Donald Trump tiến vào Phủ Chủ tịch.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đón Tổng thống Donald Trump tại cửa xe. Hai Nhà lãnh đạo chụp ảnh chung, sau đó tiến hành hội đàm.
Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế đã có mặt từ rất sớm, chuẩn bị tác nghiệp, để đưa tin, hình ảnh về sự kiện quan trọng này.
Hai nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác. Theo đó, Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD...
Trước đó, tối 26/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đến sân bay quốc tế Nội Bài để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và có các hoạt động song phương với Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, Tổng thống Trump tới Việt Nam. Tháng 11/2017, ông đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
 Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ - Ảnh 1.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Gia Linh.

Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ - Ảnh 2.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Gia Linh.

Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ - Ảnh 3.
Cùng dự hội đàm với Tổng bí thư và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có các thành viên Chính phủ - Ảnh: Gia Linh.

Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ - Ảnh 4.
Cùng tham dự hội đàm phía đoàn Hoa Kỳ lần này có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney - Ảnh: gia Linh.

Chính thức công bố loạt hợp đồng hơn 20 tỷ USD giữa Việt - Mỹ - Ảnh 5.
Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ) - Ảnh: Gia Linh.
(Theo Vneconomy) Mỹ An  

Nữ MC gây bàn tán vì mặc hớ hênh lên sóng kênh Bóng đá TV

 

Cập nhật lúc 14:43

Chiếc áo quá sexy khiến MC Diệu Linh để lộ khoảng ngực lớn khi dẫn bản tin thể thao khiến nhiều người phản ứng.

 Mới đây, hình ảnh ăn mặc hớ hênh của một nữ BTV dẫn bản tin thể thao trên kênh Bóng đá TV vấp phải nhiều chỉ trích từ phía dư luận.
Theo đó, khi lên sóng dẫn chương trình bản tin thể thao, nữ MC mặc một chiếc áo vest ngoài màu hồng nhạt khoét cổ khá rộng để lộ áo bên trong và một phần vòng một. 


Bộ trang phục được đánh giá là không phù hợp khi lên sóng truyền hình.

"Lên sóng truyền hình mà mặc như này cũng được sao?", "Càng ngày các cô MC dẫn chương trình càng mặc táo bạo và không phù hợp"... là những bình luận chỉ trích của một số người dùng mạng xã hội dành cho Thùy Linh. 


Nữ MC có vẻ ngoài xinh đẹp.

Đây là bản tin thể thao của truyền hình cáp phát sóng ngày 26/2. Danh tính nữ BTV bị chỉ trích cũng nhanh chóng được dân mạng tìm ra. Đó là Diệu Linh.
Trên trang cá nhân, Diệu Linh cũng thường xuyên khoe ảnh đi chơi với bạn bè cho thấy cô sở hữu một phong cách thời trang khá sexy.



Cô nàng có phong cách thời trang khá sexy.

Nhiều người cho rằng, trong cuộc sống đời thường, Diệu Linh có thể mặc thoải mái theo sở thích. Tuy nhiên, cô nên chọn trang phục phù hợp hơn khi lên sóng.


Sau khi bị nhiều người phản ứng, có lẽ nữ BTV này sẽ rút kinh nghiệm hơn trong việc chọn trang phục khi lên sóng.

"Làm người thì không nhất thiết cứ phải quan tâm đến lời bình phẩm của người khác. Người hiểu bạn thì không cần giải thích, người không hiểu bạn thì giải thích lại càng mất công. Làm tốt những gì mình nên làm, đó mới là điều trọng yếu", Diệu Linh từng chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân.
(Theo VietNamNet) Hà Lan

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội

Cập nhật lúc 09:45      

Các phóng viên tác nghiệp về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều thích thú khi thưởng thức các món ăn đặc sản của Việt Nam như được phục vụ miễn phí tại Trung tâm Báo chí quốc tế (IMC) từ ngày 26-2 đến ngày 1-3.

Thực đơn chiêu đãi phóng viên trong nước và quốc tế rất đa dạng, từ các món ăn mang đậm bản sắc Việt như phở đến các món Tây như bò hầm vang đỏ. Về thức uống, phóng viên có nhiều lựa chọn chẳng kém, từ nước suối, nước ngọt, sữa đến cà phê trứng....

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 1.
Phở là một trong những món ăn thu hút đông đảo phóng viên trong và ngoài nước

Đặc biệt, phóng viên còn được chiêu đãi những món ngon nức tiếng Hà Nội do chính các nghệ nhân thực hiện, như bún thang Bà Ẩm, bánh cuốn bà Hoành, phở Thìn, xôi chè Phú Thượng, bún chả Hà Nội, bánh khúc Cô Lan, giò chả Ước Lễ, chả cốm Mễ Trì, cà phê trứng Giảng và chè sen Tây Hồ.

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 2.
Những món ăn nổi tiếng của Hà Nội như "Bún thang Bà Ẩm" được chính tay các nghệ nhân thực hiện

Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "Bánh khúc cô Lan", chia sẻ vào mùa đông, bà phải dậy từ 2 giờ 30 phút để chuẩn bị món ăn.
"Tôi rất vui khi được mời vào IMC để phục vụ một sự kiện quốc tế lớn vì bánh khúc của tôi mang lại niềm vui cho mọi người" - bà Lan bày tỏ.

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 3.
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "Bánh khúc cô Lan" , nói bà "rất vui" khi được mời đến IMC để phục vụ một sự kiện lớn

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 4.
Phóng viên tác nghiệp Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở IMC được chiêu đãi các món ăn mang đậm bản sắc Việt, chẳng hạn như chả

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 5.
Nhiều phóng viên quốc tế khẳng định món ăn Việt Nam có hương vị đậm đà, sử dụng nguyên liệu đa dạng

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 6.
Thực đơn tráng miệng cũng rất phong phú, từ "Chè sen Hà Thành"...

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 7. 
... đến các loại trái cây tươi. Nhiều phóng viên quốc tế khẳng định đây là lần đầu họ ăn chôm chôm và rất thích loại quả này

Phóng viên quốc tế thích thú thưởng thức phở Thìn, bún thang Bà Ẩm, bún chả Hà Nội - Ảnh 8.
Bên cạnh sữa, cà phê, nước ngọt và nước ép trái cây, phóng viên còn được thưởng thức trà sen.

(Theo Người Lao Động) Cao Lực

Cách làm báo 'như phim' của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật

Cập nhật lúc 08:58   

Chứng kiến phong cách làm việc của truyền hình Hàn, cư dân mạng mới tin sự chuyên nghiệp như trên phim là có thật.

 Cách làm báo như phim của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật - Ảnh 1.

Hình ảnh được phát sóng trên đài MBC - Ảnh: Nguyen Viet Trung

Cách làm báo như phim của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật - Ảnh 2.

Khung cảnh tác nghiệp thật sự của êkíp MBC News khi đưa tin về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - Ảnh: Nguyen Viet Trung

Cách làm báo như phim của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật - Ảnh 3. 

Một ê-kíp tác nghiệp tại Skyline 36 Gia Ngư

 Cách làm báo như phim của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật - Ảnh 4.
Đài KBS chuẩn bị trường quay kèm trang thiết bị chuyên nghiệp để ghi hình trực tiếp tại Lotte Center Đào Tấn - Ảnh: Nguyễn Phương Thảo

Cách làm báo như phim của truyền hình Hàn ở thượng đỉnh Mỹ - Triều là có thật - Ảnh 5.
Để chuẩn bị cho buổi phát sóng hôm nay, sân khấu đã được dựng từ 2 ngày trước - Ảnh: Bùi Thu Hương

Thay vì sử dụng phông nền, MBC và KBS đã tận dụng luôn khung cảnh Hà Nội để dẫn chương trình. Nhiều cư dân mạng trầm trồ với cách làm này, bởi người xem có thể thấy rõ hơi thở thủ đô Hà Nội trên khung hình.
"View xịn không thua gì để tấm phông đằng sau nhỉ" - Nguyễn Mạnh Thành bình luận. Bên cạnh đó, một số cư dân mạng vẫn bày tỏ sự tiếc nuối khi thời tiết Hà Nội thời gian này đang khá xấu, nhiều sương mù.
(Theo Tuổi Trẻ) QUỲNH CHI