Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Mảnh vỡ máy bay ở Reunion là của Boeing 777

Cập nhật lúc 20:10

Thứ trưởng Giao thông Malaysia Abdul Aziz Kaprawi vừa xác nhận mảnh vỡ tìm thấy ở đảo Reunion là của máy bay Boeing 777.

"Căn cứ vào mã số được in phía trên mảnh vỡ, đã có thể khẳng định rằng nó thuộc về một chiếc máy bay Boeing 777. Hãng Hàng không Malaysia Airlines đã thông báo tin này cho chúng tôi", ông Abdul Aziz Kaprawi cho biết.
Trước giờ chưa có một chiếc Boeing 777 nào gặp nạn trên biển, do đó với khẳng định trên của ông Kaprawi, thì mảnh vỡ vừa được tìm thấy nhiều khả năng thuộc về chiếc máy bay số hiệu MH370 mất tích tháng 3 năm ngoái.
MH370 
Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion. (Ảnh: CNN)
Theo những bức ảnh chụp mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Reunion, mã số này là 657BB. Mảnh vỡ cũng được xác định là cánh tà. Vật thể này hiện đã được gửi tới Pháp để phân tích xem có thuộc về máy bay MH370 hay không.
Thứ trưởng Giao thông Malaysia khẳng định, phát hiện này sẽ đưa các nhà điều tra tiến gần hơn tới việc làm sáng tỏ bí ẩn về chuyến bay mang số hiệu MH370.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định chỉ có Boeing mới có thể xác nhận về nguồn gốc của bộ phận này. Theo ông, hãng sản xuất đã có những cải tiến ở cánh tà, giúp nó dễ nhận dạng hơn.
MH370 
Hình vẽ mô tả vị trí của cánh tà trên cánh máy bay Boeing 777. (Ảnh: CNN)
Trong một diễn biến khác, trang Airlive.net, đưa tin một số đồ nhựa có chữ tiếng Trung Quốc và Indonesia đã được phát hiện ở bãi biển Saint-Andre, đảo Reunion, gần nơi phát hiện mảnh vỡ máy bay và chiếc vali rách.
Những vật dụng này bao gồm một chai nước và một chai nước cọ rửa. Airlive.net là trang web theo dõi sát diễn biến vụ việc chuyến bay số hiệu MH370, kể từ khi chiếc máy bay này bị mất tích hồi tháng 3 năm ngoái.
Boeing 777 là dòng máy bay phản lực hai động cơ, thân rộng, chuyên bay đường dài do Boeing sản xuất. Loại máy bay này có 6 dòng, gồm 777-200, 777-200ER, 777-200LR, 777-300, 777-300ER và một máy bay chở hàng - 777 Freighter.
Trong lịch sử 19 năm hoạt động, máy bay Boeing 777 mới chỉ có liên quan tới 11 sự cố và tai nạn hàng không, trong đó có 4 vụ là khiến máy bay bị hư hại nặng.
Trong số 4 vụ tai nạn gây hư hại nặng cho Boeing 777 thì có ba vụ xảy ra trên mặt đất. Đầu tiên là máy bay của British Airways phải hạ cánh khẩn năm 2008, được xác định do hệ thống nhiên liệu của Rolls Royce bị đóng băng.
Vụ thứ hai là chuyến bay số hiệu 214 của Asiana Airlines bị gãy đuôi khi hạ cánh năm 2013, làm 3 người thiệt mạng. Vụ thứ ba chính là chiếc Boeing B777-200 bị bắn rơi tại khu vực Đông Ukraina vào ngày 17/7/2014.
Vụ duy nhất xảy ra trên biển là chiếc MH370. Các nhà chức trách Malaysia năm ngoái đã xác định điểm bay cuối cùng của máy bay này là ở Ấn Độ Dương.
Mặc dù đảo Reunion, nơi phát hiện mảnh vỡ, nằm cách khá xa so với tọa độ mà lực lượng cứu hộ tìm kiếm hồi năm ngoái, song theo nhiều nhà phân tích, với thời gian lâu như vậy, khả năng mảnh vỡ trôi dạt đến Reunion không phải là không thể.
Hiện trên thế giới có khoảng 1.200 chiếc Boeing 777 đang được khai thác. Tờ USA Today từng dẫn lời ông Robert Mann, chuyên gia tư vấn hàng không tại R.W. Mann & Co., khẳng định lịch sử an toàn của máy bay này rất tốt.
Không chỉ được đánh giá cao về độ an toàn, Boeing 777 còn nằm trong danh sách máy bay bán chạy nhất của hãng Boeing, do có mức tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả và tầm bay dài hơn các máy bay phản lực thân rộng khác.
(Theo VietNamNet) Thanh Vân

Bí thư thị trấn Lăng Cô “giúp” hai nhân viên có bầu


Cập nhật lúc 19:46

Bí thư thị trấn Lăng Cô Huỳnh Đức Hải thừa nhận có quan hệ với hai nhân viên đang làm việc ở bộ phận kế toán và tư pháp UBND thị trấn Lăng Cô làm hai người này có bầu. 

Ngày 31-7, ông Nguyễn Chí Quang, bí thư Huyện ủy Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) cho biết đang xem xét kỷ luật cách chức đối với ông Huỳnh Đức Hải, bí thư đảng ủy thị trấn Lăng Cô vì vi phạm đạo đức lối sống.
Ông Quang cho biết sau khi có thông tin dư luận về việc ông Hải có quan hệ bất chính làm hai nhân viên đang làm việc tại UBND thị trấn Lăng Cô có bầu, Ban kiểm tra huyện ủy Phú Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh và kết quả thông tin này là có thật.
Tại các buổi làm việc với huyện ủy Phú Lộc, ông Huỳnh Đức Hải cũng đã thừa nhận có quan hệ với hai nhân viên đang làm việc ở bộ phận kế toán và tư pháp UBND thị trấn Lăng Cô làm hai người này có bầu.
Hiện hai nhân viên này đang mang bầu tháng thứ ba, tháng thứ tám.
Sau khi phát hiện sự việc, huyện ủy Phú Lộc bước đầu quyết định gạch tên ông Hải khỏi danh sách đề cử bầu Ban chấp hành đảng bộ huyện Phú Lộc, đồng thời ông Hải cũng đã có đơn xin không tham gia đại hội đảng bộ huyện Phú Lộc (dự kiến tổ chức vào ngày 19-8) và đã được huyện chấp nhận.
Tiếp đó, Đảng ủy thị trấn Lăng Cô đã quyết định kỷ luật Đảng đối với ông Hải với hình thức khiển trách.
Ông Quang nói: “Sự việc chưa có tiền lệ ở tỉnh này, chúng tôi cũng chưa biết phải xử lý thế nào. Đây là vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức, lối sống của người đảng viên. Ông Hải không đủ tư cách của người đảng viên, không đủ uy tín làm lãnh đạo; sẽ bị kỷ luật cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng. Sau đại hội đảng bộ huyện, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật”.
Được biết, ông Hải và cả hai cô nhân viên liên quan đều chưa lập gia đình.
(Theo Tuổi trẻ) NGUYÊN LINH

Bắt vụ nhập khẩu 94 khẩu súng quân dụng, hàng trăm hộp tiếp đạn qua đường hàng không


Cập nhật lúc 19:38

 

Chiều 31.7, trao đổi với PV Thanh Niên Online, lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) xác nhận đơn vị này vừa kết hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện bắt giữ lô hàng vũ khí quân dụng quy mô lớn được nhập khẩu trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.

 Bắt vụ nhập khẩu 94 khẩu súng quân dụng, hàng trăm hộp tiếp đạn qua đường hàng không - ảnh 1
Lô hàng súng ngắn quân dụng bị cơ quan chức năng phát hiện thu giữ
Theo Chi Cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, qua trinh sát cán bộ hải quan kết hợp với Cục An ninh Kinh tế tổng hợp và các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an kiểm tra đột xuất một chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
 Bắt vụ nhập khẩu 94 khẩu súng quân dụng, hàng trăm hộp tiếp đạn qua đường hàng không - ảnh 2
Các loại súng được thu giữ
Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ lượng lớn vũ khí quân dụng do Cộng hòa Séc sản xuất, được nhập khẩu vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, gồm: 94 khẩu súng ngắn quân dụng và 472 hộp tiếp đạn chưa qua sử dụng.
 Bắt vụ nhập khẩu 94 khẩu súng quân dụng, hàng trăm hộp tiếp đạn qua đường hàng không - ảnh 3
Hàng trăm hộp tiếp đạn được nhập khẩu qua đường hàng không
Theo Chi Cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đây là vụ nhập khẩu trái phép vũ khí quân dụng lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay.
Hiện vụ việc tiếp tục được Bộ Công an kết hợp với Chi Cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất điều tra, xử lý.
(Theo Thanh niên) Ngọc Thọ

Tổng giám đốc ngân hàng: Tiền, quyền và rủi ro sinh mệnh

Cập nhật lúc 08:03                  

Tổng giám đốc ngân hàng được gọi theo ‘Tây hóa’ là CEO ngân hàng (NH), vị trí ‘không phải dạng vừa’ với quyền lực lớn, thu nhập khủng nhưng bên cạnh đó là những rủi ro liên quan đến sinh mệnh rất ít người biết đến.

Chiếc ghế tiền và quyền
CEO ngân hàng – một vị trí cực kỳ hấp dẫn. Đây là điều không thể phủ nhận, và chắc đó là ước mơ của tất tần tật các sinh viên tốt nghiệp ngành NH hay khi bắt đầu bước vào nghề.
Vì sao? Điều đầu tiên, đó là thu nhập. Theo “luật bất thành văn”, mức cụ thể, chi tiết không bao giờ được công bố, nhưng ai cũng biết, không bao giờ dưới con số 300 triệu đồng/tháng.
Cách đây 1 năm, tập đoàn Adecco chuyên về nhân lực đã công bố bảng lương của những giám đốc các khối thuộc ngân hàng của Việt Nam cũng phải dao dộng từ 200 đến 400 triệu đồng/tháng.
Đương nhiên, CEO, người thống lĩnh của các giám đốc khối này, thì mức cao hơn là điều chắc chắn. Bảng số liệu này đã từng gây tranh cãi, nhưng cũng ít nơi nào dám mạnh mẽ bác bỏ hay hùng hồn khẳng định không phải vậy. Ngoài ra, nếu tìm kiếm theo cụm từ “Lương CEO ngân hàng” thì những bài báo với những con số ấn tượng cũng luôn hiện ra hàng đầu.
Tổng giám đốc, ngân hàng, vào tù, bị bắt, Hà Văn Thắm, Oceanbank, CEO, sếp tổng, tổng-giám-đốc, ngân-hàng, vào-tù, bị-bắt, Hà-Văn-Thắm, Oceanbank, CEO, sếp-tổng, 
Tổng giám đốc ngân hàng với quyền lực lớn, thu nhập khủng
Thậm chí, con số cao nhất mà giới NH từng cho biết là mức lương của tổng giám đốc một ngân hàng lên đến 1 triệu USD/năm.
Thu nhập của các CEO đâu chỉ có lương. Họ còn được các khoản khác, như thưởng, chi lương bổ sung, mua cổ phần ưu đãi… Vì thế, mức thu nhập còn cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các nhà băng cũng phải chi không ít cho các hoạt động “phụ trợ” của tổng giám đốc như các chi phí về xe cộ, di chuyển, đi lại, lưu trú… đều ở mức gấp đôi ba lần so với người thường.
Quyền lực của tổng giám đốc ngân hàng còn ở thẩm quyền cho vay. Quy định của pháp luật nghiêm cấm cho vay đối với tổng giám đốc, người thân, nhưng quả thực, họ hàng, bạn bè, thậm chí là sân sau của ngài tổng giám đốc thì khó ai mà kiểm soát nổi.
Đương nhiên, để tìm được bằng chứng trong các trường hợp này cũng khó hơn lên trời bởi không bằng chứng, không giấy tờ. Tất cả những điều này đều là nghi vấn cho đến khi những đại án NH xảy ra thì mới dần được công bố chính thức.
… và những rủi ro

Quyền lực lớn, thu nhập cao nhưng áp lực và rủi ro với các CEO NH không phải nhỏ. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn dầu khi Việt Nam, bị cho thôi chức, khởi tố, bắt tạm giam vì những sai phạm với vai trò là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương giai đoạn 2008 – 2010 thì mới thấy độ nóng của chiếc ghế.
Nếu nhìn lại, ông Sơn không phải là người duy nhất. Ông Lý Xuân Hải, CEO đẹp trai, giỏi giang, bao nhiêu năm lèo lái con thuyền ACB với những kết quả kinh doanh ấn tượng, đã ngã ngựa, tù tội khi sai phạm theo những chỉ đạo của Hội đồng sáng lập, Hội đồng Quản trị ngân hàng này.
 Tổng giám đốc, ngân hàng, vào tù, bị bắt, Hà Văn Thắm, Oceanbank, CEO, sếp tổng, tổng-giám-đốc, ngân-hàng, vào-tù, bị-bắt, Hà-Văn-Thắm, Oceanbank, CEO, sếp-tổng,
Quyền lực lớn, thu nhập cao nhưng áp lực và rủi ro với các CEO NH không phải nhỏ.
Những “cặp bài trùng” chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc khác cũng bị sờ gáy trong thời gian qua như ông Phạm Công Danh – Phan Thành Mai của Ngân hàng Xây dựng. Hay như ông Hà Văn Thắm – bà Nguyễn Minh Thu, bây giờ thêm ông Nguyễn Xuân Sơn, như vậy, hai đời tổng giám đốc của Oceabank đã vướng vòng lao lý.
Khi bị xử lý, các CEO hầu hết đều đang bị tình nghi vướng vào tội danh liên quan đến vi phạm quy định về cho vay với những thiệt hại rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Trong ngành NH, nguyên tắc thẩm quyền được áp dụng mạnh mẽ, không phải anh là tổng giám đốc nghĩa là anh có quyền cho vay nhiều đến như thế mà đều phải lên hội đồng quản trị. Đương nhiên, để lên hội đồng quản trị thì ban điều hành phải trình, mà người ký tờ trình không ai khác chính là tổng giám đốc”, một chuyên gia ngân hàng chia sẻ.
Tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, những món vay gây ra sai phạm to lớn đều phải do tổng giám đốc trình hội đồng quản trị. Mà đương nhiên, không tổng giám đốc NH nào lại không biết người mình trình cho vay số tiền lớn như vậy là ai, “sức khỏe tài chính” đang ra sao.
Và đương nhiên, hội đồng quản trị cũng không phải là những người nghiệp dư, hay thiếu thông tin đến mức chỉ tin vào tờ trình của ban điều hành. Mối quan hệ “chia sẻ lợi ích” hay “định hướng tín dụng” từ cấp HĐQT xuống ban điều hành được úp mở nói tới, nhưng không vị nào dám chỉ đích danh hay nói cụ thể.
“Tổng giám đốc trong nhiều trường hợp chỉ là người làm thuê, vẫn phải chịu sự chỉ đạo của những ông chủ, đó những vị tai to mặt lớn trong hội đồng quản trị. Nếu không nghe thì khó giữ chức; nếu nghe thì khó có an toàn, nên rút lui đúng lúc là thượng sách” – một người nhiều kinh nghiệm chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải rút lui rồi là xong. Hậu quả, anh cho vay thì anh đi đòi, dù anh là ai, nếu không khắc phục được thì lúc đó các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm việc với anh.
Ngoài ra, tổng giám đốc các ngân hàng còn phải đối mặt với vô vàn áp lực khác. “Điều hành khối tài sản hàng nghìn tỷ xoay vần hàng ngày đâu phải là đơn giản” – một trợ lý CEO chia sẻ.
Áp lực chỉ tiêu kinh doanh luôn đặt nặng lên các CEO. Kinh doanh không đạt thì họ sẽ là những người “rát mặt” với hội đồng quản trị, đại hội cổ đông. Và anh sẽ ra đi bất kể lúc nào. Có lẽ vậy, trong một thời gian ngắn vừa qua, không ít CEO ngân hàng đã thay đi đổi lại không biết bao lần, thậm chí, có những vị chỉ tại nhiệm vài tháng. Đó cũng là quy luật đào thải ghê gớm, anh được trả lương cao thì áp lực phải lớn. Cái khôn ngoan nhất của người lãnh đạo là biết tạo sự an toàn cho mình.
(Theo Vef.vn) Thanh Ngọc

Tìm thấy vali gần nơi phát hiện mảnh vỡ máy bay nghi của MH370

Cập nhật lúc 07:40


Dân trí - Những phần còn lại của một chiếc vali rách nát đã được tìm thấy gần vị trí phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay MH370, trong khi cơ quan chức năng đã đưa phần cánh tà tới Pháp để tiến hành khám nghiệm.
 

Theo tờ Sydney Morning Herald của Úc, thông tin được phóng viên của một tờ báo địa phương trên đảo la Réunion, của Pháp đăng tải trên Twitter. Theo đó, phần còn lại của một vật nghi là vali được phát hiện trên bờ biển, chỉ chưa đầy một ngày sau khi mảnh vỡ lớn dài 2m, được tin là của máy bay Boeing 777 được tìm thấy.

torn-suitcase-be2a5
Một vật được tin là chiếc vali có bánh xe bị hỏng được tìm thấy gần nơi phát hiện mảnh vỡ nghi của máy bay (Ảnh: Twitter)
Trong các bức ảnh được đăng tải, một người đàn ông đang cầm trên tay một vật bị hư hỏng nặng, giống một chiếc vali có bánh xe phía dưới. Theo tờ báo này, người tìm thấy chiếc túi là một người làm vườn, và vị trí phát hiện gần nơi mảnh vỡ lớn được tìm thấy.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương đang được đưa tới Pháp, để xác minh xem liệu nó có xuất phát từ chuyến bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines hay không.
Ông Najib Razak cũng lặp lại nhận định được giới chức nước này đưa ra trước đó rằng, rất có thể vật thể dài 2m này là của máy bay Boeing 777, cùng loại với chiếc máy bay xấu số.
debris-simulation-85969 
Mô hình dòng chảy biển của các chuyên gia Úc cho thấy mảnh vỡ có thể trôi dạt tới đảo Reunion (Ảnh: BBC)
Vị trí phát hiện mảnh vỡ “phù hợp với các phân tích về dòng chảy được đội điều tra Malaysia đưa ra”, ông Najib khẳng định. “Ngay khi có thêm thông tin hoặc xác nhận nào đó chúng tôi sẽ công bố cho công chúng. Tôi hứa với gia đình những người đã mất rằng cho dù chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ không từ bỏ”.
Chuyến bay MH370 đã mất tích hôm 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, mang theo 239 người. Các nỗ lực tìm kiếm của giới chức Malaysia và Úc hiện vẫn tập trung vào một vùng biển trên Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía Tây Úc khoảng 1800km nhưng chưa có kết quả.
Ông Najib cho biết mảnh vỡ sẽ được đưa tới thành phố Toulouse – nơi có văn phòng gần nhất của cơ quan chức năng Pháp phụ trách điều tra tai nạn hàng không – để xác minh nhanh nhất có thể.
Một đội điều tra của Malaysia cùng đại diện chính phủ cũng đang tới Toulouse, trong khi một đội khác được điều tới đảo Reunion.
Thanh Tùng
Theo BBC, SMH

Chuyên gia Mỹ: Washington vẽ “ngáo ộp Nga" dọa người

Cập nhật lúc 07:11  


(Quan hệ quốc tế) - Cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ - Tiến sĩ Paul Roberts cho biết, Washington luôn cần phải tìm kiếm một kẻ thù bên ngoài và đó chính là Nga.

Mỹ lo lắng về sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc
Nhà kinh tế Mỹ, tiến sĩ Paul Craig Roberts, cựu quan chức của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, đã thẳng thắn cho rằng, dù Moscow có cố gắng đến đâu cũng không thể xây dựng được quan hệ tốt đẹp với Washington, bởi Mỹ luôn cần Nga với hình tượng “con ngáo ộp” dọa người.
Trong buổi phỏng vấn của Đài Sputnik, ông Roberts nhấn mạnh, Mỹ không có ý định cải thiện quan hệ với Nga, bởi vì họ cần phải có một kẻ thù bên ngoài để biện minh cho các mục đích chính sách đối ngoại của mình.
Vị chuyên gia kỳ cựu của Mỹ nhận định rằng, chính sách đối ngoại của Washington dựa trên cơ sở của học thuyết Wolfowitz, mục đích của học thuyết này là ngăn chặn sự xuất hiện của đối thủ mới có thể tạo nguy cơ sánh ngang với mối đe dọa từ phía Liên Xô cũ.
Theo học thuyết này, bất kỳ quốc gia nào đủ mạnh để tự chủ về mặt chính sách đối ngoại, không phụ thuộc vào Washington, đều tạo nguy cơ đe dọa Mỹ. Ở đây không chỉ đơn thuần là về “nguy cơ quân sự”, mà cốt lõi nằm ở vấn đề nước này “không chịu nghe lệnh” của Washington.
Tiến sĩ Paul Craig Roberts nhận định rằng, hiện trên thế giới có hai quốc gia như vậy, đó là Nga và Trung Quốc. Sự trỗi dậy và phục hưng của 2 cường quốc này trong một thập kỷ qua khiến Mỹ rất lo lắng về sự xuất hiện của một thế giới đa cực, Mỹ không còn thống trị được thế giới.

Chuyen gia My: Washington ve “ngao op Nga
Mỹ cần hình ảnh Putin độc tài và nước Nga hiếu chiến
Trong khi phái “tân bảo thủ” Mỹ tập trung chú ý đến các cuộc chiến kéo dài một thập niên ở Trung Đông, ông Putin đã khôi phục nhà nước Nga sau thời gian hỗn loạn dưới thời Yeltsin, còn Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn nhiều so với dự đoán của Washington.
"Washington luôn cần phải có một kẻ thù bên ngoài để biện minh cho sự cần thiết cấp gần 1 nghìn tỷ USD mỗi năm cho các mục đích quân sự. Vì vậy, khi được hỏi là Nga phải áp dụng những biện pháp nào để cải thiện quan hệ với Mỹ, tôi thường trả lời: “Đây là một câu hỏi vô nghĩa” - ông Roberts nói.
Vị chuyên gia Mỹ thẳng thắn thừa nhận, Washington không có ý định xây dựng mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi đối với Nga, bởi vì theo quan điểm của Mỹ, nước này cần phải có sự căng thẳng trong quan hệ với Nga.
Tiến sĩ Paul Craig Roberts giải thích, sự căng thẳng là cái cớ để Mỹ duy trì các biện pháp trừng phạt, làm cho châu Âu xa cách khỏi Nga, giúp NATO củng cố vị thế gần biên giới của Liên bang Nga và thuyết phục người dân Mỹ về sự cần thiết phải gia tăng chi phí quân sự.
Quan điểm của ông Roberts có nhiều điểm chung với những phân tích trước đó của các chính khách và học giả Nga. Họ cho rằng, Mỹ luôn ấp ủ âm mưu bao vây, cô lập nhằm khiến Nga suy yếu, không phục hồi được sức mạnh quân sự và kinh tế như dưới thời Liên Xô cũ.
Những chính sách ngoại giao độc lập và cứng rắn của Tổng thống Nga Putin luôn là “cái gai trong mắt” đối với Mỹ. Bởi vậy, Mỹ đã mượn các sự kiện trên thế giới, từ Nam Tư cho đến Syria và bây giờ là Ukraine để làm cái cớ “kéo bè kéo cánh” trừng phạt Nga.
Sở dĩ hiện nay Washington tập trung vào Moscow bởi dưới sự lãnh đạo của ông Putin, Nga đang dần khôi phục sức mạnh kinh tế và quân sự, cùng với đó là những ảnh hưởng về chính trị. Nếu không ra tay ngay, để Nga lớn mạnh một thời gian nữa, có hối cũng không kịp.
Sở dĩ Mỹ tập trung vào Nga bởi đất nước của ông Putin có uy tín và ảnh hưởng chính trị lớn hơn rất nhiều so với Trung Quốc, tiếng nói của Moscow đã dần lấn át Washington trong giải quyết một số sự vụ quốc tế như vấn đề Syria, Triều Tiên hay Iran. Mà điều đó sẽ là nguy cơ lớn nhất đe dọa địa vị thống trị của Mỹ.

Trong một số sự vụ quốc tế, tiếng nói của Nga đã lấn át Mỹ (Ảnh minh họa)
Bởi vậy, bằng mọi giá Hoa Kỳ phải xây dựng hình tượng Tổng thống Putin độc tài, một nước Nga hiếu chiến, đe dọa an ninh và hòa bình ở châu Âu để khoét sâu mâu thuẫn giữa Moscow với Brussels và cả khối NATO.
Ở vấn đề Ukraine, suốt một năm trời, chiến thuật gieo rắc hoang mang, sợ hãi trước "những kẻ ly khai khát máu" và "bọn xâm lược từ Nga" “cướp đoạt Crimea, xâm chiếm Donbass” của truyền thông phương Tây đã có hiệu quả gần như hoàn hảo.
Những điều này khong chỉ khiến Kiev “nhảy dựng lên” trước mỗi động thái của Moscow mà còn gây ra lo lắng cho không chỉ những nước láng giềng của Nga mà còn trên toàn châu Âu, khiến họ phải tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ, buộc chặt họ vào “cỗ xe tù” NATO nhằm xiết chặt vòng vây quanh Nga.
Các chuyên gia Nga khẳng định, việc NATO không chịu giải tán sau khi Liên Xô sụp đổ, không những thế lại ngày càng bành trướng về phía đông, kết nạp thêm những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp Nga là minh chứng rõ nét nhất về một âm mưu chống lại đất nước họ.
(Theo Đất Việt) Toàn Thắng

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Còn 776.000 lượt nhân khẩu thiếu đói, ôtô nguyên chiếc nhập tăng 154%


Cập nhật lúc 20:13

 Bảy tháng đầu năm 2015, nhập khẩu ôtô đạt tới 3,4 tỉ USD, tăng tới 87,9%, trong đó nhập ôtô nguyên chiếc tăng 154,4%...

 Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, lượng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc qua địa bàn Lạng Sơn quý 1-2015 tăng gấp 4 lần so với quý 1-2014. Xe tải nặng nhập khẩu từ Trung Quốc trưng bày tại một công ty (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: L.NAM
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, lượng xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc qua địa bàn Lạng Sơn quý 1-2015 tăng gấp 4 lần so với quý 1-2014. Xe tải nặng nhập khẩu từ Trung Quốc trưng bày tại một công ty (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: L.NAM

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2015. 
Theo đó, tính chung bảy tháng đầu năm 2015 VN có một số mặt hàng kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh, trong đó đáng lưu ý riêng nhập khẩu ôtô đạt tới 3,4 tỉ USD, tăng tới 87,9% (nhập ôtô nguyên chiếc tăng 154,4%); nhập khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỉ USD; sắt thép đạt 4,7 tỉ USD.
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu nhiều mặt hàng của VN gặp khó khăn, như tổng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của VN cũng chỉ đạt 3,6 tỉ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,1 tỉ USD, giảm 9,9%.
Đặc biệt, xuất khẩu gạo cũng giảm 3,5% về lượng và giảm 8,7% về tổng giá trị xuất khẩu...
Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của VN rơi vào điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,1 tỉ USD (chủ yếu xuất khẩu của Samsung); hàng dệt may đạt 12,6 tỉ USD...
Cũng trong báo cáo, Tổng cục Thống kê nêu riêng trong tháng 7-2015, cả nước có 4,5 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng 19,8 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung bảy tháng, cả nước có 188.000 lượt hộ thiếu đói, tương ứng 776.000 lượt nhân khẩu thiếu đói (đã giảm 35%)...
(Theo Tuổi trẻ) C.V.KÌNH

Vụ “sưu cao thuế nặng” ở Can Lộc: Hà Tĩnh khẳng định có một số thông tin sai sự thật

Cập nhật lúc 14:01                 

 


Sở TTTT Hà Tĩnh vừa có báo cáo chính thức về vụ tình trạng một số người dân ở huyện Can Lộc bị đẩy vào đường cùng vì bị địa phương tự đặt ra các khoản thu trái quy định như nhiều thông tin phản ánh.

Có nhiều khoản thu, chi không đúng quy định
Theo báo cáo số 91 ngày 29.7.2015 của Sở TTTT Hà Tĩnh: “Nhìn chung, các xã đã áp dụng thu, chi theo Pháp lệnh số 34/2007 của Quốc hội về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và văn bản số 408 năm 2011 của Sở Tài chính Hà Tĩnh, hướng dẫn tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Trên cơ sở đó, các xã tự xây dựng kế hoạch thu, chi và vận động nhân dân tự nguyện đóng góp thông qua các cuộc họp dân lấy ý kiến. Đa số các khoản thu/chi có trong nghị quyết HĐND xã”. Khoản thu “Quỹ giao thông thủy lợi nội đồng” của xã Thường Nga bản chất là loại quỹ vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng làm đường, kênh mương nội đồng. Tất cả các khoản thu đều được thông qua và xin ý kiến của nhân dân. Ở xã Kim Lộc có khoản thu làm đường bêtông và xây dựng trường mầm non đều được thông qua dân bàn bạc, đúng quy định.

 
  Báo cáo số 91 ngày 29.7.2015 của Sở TTTT Hà Tĩnh về sự việc. Ảnh: Q.Đ

Bên cạnh đó, cũng có xã còn một số khoản thu, chi không thể hiện từ ngữ chính xác hoặc chưa có trong nghị quyết của HĐND cấp xã: Xã Kim Lộc thu quỹ trả công cán bộ ngoài biên chế, do xã vận động dân đóng góp hỗ trợ không có trong Pháp lệnh 34 và hướng dẫn của Sở Tài chính. HĐND xã Thanh Lộc có Nghị quyết số 08/2013 đề ra việc huy động nguồn thu của nhân dân theo Pháp lệnh 34 để xây dựng công trình và hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách và cán bộ cấp xóm. Xã Thường Nga thu quỹ của nhân dân để trả lương, phụ cấp cho cán bộ cụm Đại Vượng. Đây là những việc làm không đúng quy định.
Và một số thông tin sai sự thật
Trong báo cáo 91, Sở TTTT Hà Tĩnh cũng khẳng định nhiều thông tin liên quan đến một số xã ở huyện Can Lộc vừa qua là không chính xác, sai sự thật như thông tin “ai chưa nộp thì sẽ bị “hành hạ” bằng cách đọc tên trên loa của thôn, của xã ra rả suốt ngày. Hay nhiều thông tin về hoàn cảnh gia đình bà Lê Thị Hương (xóm Văn Minh, xã Thường Nga, Can Lộc) không đúng sự thật. Chi tiết “bà Hương phải đeo ắcquy gắn bóng đèn để ra đồng. Vậy mà thóc lúa cũng không đủ chi phí đầu tư và nộp sản” sai sự thật. 
Bà Hương cho biết, với 8 sào ruộng, mỗi vụ mùa nạp 80kg thóc thì đơn giản, nhưng vì gia đình khó khăn, thuốc men thường xuyên cho con gái bà (bệnh kinh niên) cũng đều trông chờ vào việc bán thóc mà có nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Hay như thông tin tại xã Kim Lộc “nhiều người làm đơn xin trả ruộng”, người dân làm ruộng bị lỗ, thu tiền người cao tuổi cũng không đúng sự thật. Theo báo cáo của UBND xã Thường Nga, nhân vật bà Nguyễn Thị Minh, hơn 65 tuổi, không phải là người của địa phương và không có tên trong phương án thu của xã.
Từ đó, Sở TTTT Hà Tĩnh kiến nghị tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo xem xét, giải quyết những vấn đề thu, chi sai quy định, nhằm khắc phục, xử lý kịp thời các sai phạm. Về những thông tin sai sự thật, Sở TTTT Hà Tĩnh nêu: “Đề nghị các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT xem xét, chỉ đạo, xử lý một số thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng, bi kịch hóa đời sống ở nông thôn, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của địa phương”.
(Theo Lao động) QUANG ĐẠI - QUỐC CƯỜNG

Học hàm Công bộc vạn tuế!



Giáo dục có hầu hết lãnh đạo bộ đều là nhà giáo, các nhà khoa học có tên tuổi, có phải vì quá “lỗi lạc” nên 1 + 1 không nhất thiết bằng 2 mà có thể bằng 10?

Sau kỳ thi quốc gia thấy bên Giáo dục bị nhận hơi nhiều “cà chua”, chợt nhớ đến một câu trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn: “giận thì giận mà thương thì thương”.

Điều đáng nói là khá nhiều “cà chua” lại đến từ các “nhân viên cấp dưới” và các bậc “hưu bối” của ngành.

Về chuyện không công bố kết quả thi,
 Vietnamnet.vn ngày 23/7/2015 dẫn “tiết lộ” của ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: 

Sự vi phạm càng nghiêm trọng hơn khi "sự không cho phép" chỉ được truyền đạt bằng "khẩu dụ" chớ không bằng văn bản có tính pháp lý”!

Cũng bài báo này còn dẫn ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Công bố kết quả bằng cách nói thầm vào tai từng thí sinh chắc chắn không nhận được sự đồng tình của xã hội”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ:
 

Tôi không đánh giá về mặt tư duy của lãnh đạo Bộ hiện tại, nhưng trước đây minh bạch, bây giờ lại làm chặt chẽ thì Bộ chỉ tự làm mình vất vả thôi”. [1]

Việc công bố kết quả kỳ thi quốc gia 2015, sau khi trì hoãn rốt cục cũng được “nhỏ giọt” cho xã hội “nếm thử” qua phổ điểm các môn thi.
Vấn đề là vì sao phổ điểm mỗi lần công bố lại có “tí chút” điều chỉnh và đến bao giờ thì toàn bộ dữ liệu sẽ được công bố?
 
Bất kỳ sự dối trá nào cũng để lại dấu vết của sự giả dối (Ảnh: Ngọc Diệp/ dantri.com.vn)
Một cán bộ Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT cho biết cục này không được tham gia vào quy trình xử lý dữ liệu mà là một đơn vị bên khác thực hiện.

Có thể vì Bộ GD&ĐT không có các cở sở về truyền dẫn và kho lưu trữ dung lượng lớn nhưng việc xử lý thông tin đâu phải chỉ là công việc của mấy cái máy?
Phần mềm xử lý dữ liệu đâu có do mấy cái máy nghĩ ra, vậy sao phải đi thuê ngoài? Phải chăng bên quân đội bảo mật tốt hơn bên dân sự?

Hay đây là một cách “xã hội hóa”, một tiêu chí để thể hiện “đổi mới toàn diện giáo dục” mà tân lãnh đạo Cục Khảo thí muốn công bố với quốc dân, đồng bào?

Giáo dục có một đặc điểm là hầu hết lãnh đạo bộ đều là nhà giáo, là các nhà khoa học có tên tuổi, có phải vì quá “lỗi lạc” nên 1 + 1 không nhất thiết bằng 2 mà có thể bằng 10?

Trộm nghĩ, có lẽ các “nhà khoa học” của Bộ GD&ĐT đã lường trước, nếu có gì trục trặc mà dư luận lên tiếng thì có thể san bớt một phần trách nhiệm cho “xã hội hóa”, do “xã hội hóa” chứ không hoàn toàn do Bộ?

Không công bố rồi công bố, công bố rồi sửa, sửa rồi lại sửa tiếp, trong cái mớ bòng bong ấy người dân liệu có thể tự trả lời câu hỏi, ngành Giáo dục đúng ở chỗ nào, chưa đúng ở chỗ nào, vì sao phải như vậy?

Không nằm trong chăn thì không thể biết chăn có rận, vậy nên tìm câu trả lời có lẽ tốt nhất là quay lại ý kiến của ông Trần Xuân Nhĩ: “Tôi không đánh giá về mặt tư duy của lãnh đạo Bộ hiện tại…”.
 

Không đánh giá nhưng câu nói của ông Nhĩ thực ra là đã đánh giá rồi, chẳng qua chỉ là “vuốt mặt nể mũi” mà thôi.

Nếu dư luận xã hội, trong đó có
 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam không quyết liệt, liệu Bộ GD&ĐT có công bố phổ điểm cụm thi Đại học, và đến bao giờ thì công bố nốt các thông tin mà dư luận quan tâm?

Cho xem thông tin để học sinh biết mình, biết người, biết điểm cao để lựa chọn nơi học phù hợp, biết điểm thấp để mà xấu hổ, mà tiếp tục phấn đấu.

Chẳng lẽ Bộ GD&ĐT sợ học sinh bị điểm kém sẽ xấu hổ, dễ dẫn tới hành động thiếu suy nghĩ nên Bộ “xấu hổ” thay các em?
Nếu quả vậy thì phải đánh giá việc làm của Bộ là nhân văn chứ sao lại tặng nhiều “cà chua” thế?

Dưới góc độ thuần túy về Công nghệ thông tin, xin nêu một ý kiến. Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 có
 1.005.654 thí sinh dự thi, thông tin về thí sinh gồm họ tên, ngày sinh, số báo danh, địa chỉ, khối thi, cụm thi, điểm môn thi… cứ cho là khoảng 20 tiêu chí.

Không cần phải là nhà khoa học cao siêu gì, những người biết sử dụng Bảng tính Excel trong phần mềm Microsoft Office 2007 đều biết một trang tính (Sheet) của Excel có 1.048.576 dòng, 16.384 cột.

Vậy chỉ cần một góc bé tẹo chừng 1/8.000 của một Sheet là thừa sức ghi đầy đủ thông tin thí sinh. Tạo ra một trang tính, tạo đường dẫn đến nơi lưu trữ rồi đưa lên mạng, ai muốn xem thì xem, ai muốn tải xuống thì tải, hà cớ gì phải giấu?

Nếu đi sâu một chút về lĩnh vực quản trị dữ liệu, các cơ sở dữ liệu (data base) dù xây dựng bằng hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào cũng dễ dàng chuyển sang Excel, sinh viên ngành Công nghệ Phần mềm ai cũng làm được.

Nêu lên để thấy, vì một lý do nào đó, dường như Bộ GD&ĐT không muốn (hay không dám?) công bố dữ liệu kỳ thi chứ không phải là khó khăn về mặt chuyên môn.

Không dám minh bạch, không dám nói thật nghĩa là dối trá. Phải chăng “dối trá” đã trở thành đặc điểm gắn liền với giáo dục ở tất cả các cấp độ, từ khá nhiều học trò tới một bộ phận thầy cô, từ một số nhân viên bình thường đến không ít quan chức lãnh đạo?

Nhận định trên hoàn toàn không quá đáng nếu điểm qua hàng loạt ý kiến của truyền thông: “Giáo dục đang bị chính ‘thói dối trá’ chi phối” (vnexpress.net6/6/2012); “Sự dối trá và chuyện nực cười của ngành giáo dục”, (anninhthudo.vn10/6/2012); “Học sinh chửi bậy trong bài văn: Hậu quả của thói dối trá học đường!” (Nguoiduatin.vn
 8/1/2013); “Xin đừng gieo vào đầu con trẻ sự dối trá!” (motthegioi.vn 23/3/2014); “Chúng ta đang dạy con trẻ dối trá” (tuoitre.vn14/5/2015);…

Người viết đã cố tình sắp xếp các bài viết nêu trên theo thứ tự thời gian và cũng chỉ lấy trong khoảng 4-5 năm, nghĩa là một nhiệm kỳ của quan chức.

 “Bất kỳ sự dối trá nào cũng để lại dấu vết của sự giả dối”, phải chăng điều này hoàn toàn sai nếu “đánh giá về mặt tư duy” một số người chịu trách nhiệm trước nhân dân về giáo dục?

Phải chăng “tư duy” của họ cũng nằm trong cái mạch chủ đạo “đúng quy trình” mà họ không thể (hay không muốn?) thoát ra?

Có câu “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, phải chăng không ít tiến sĩ, nhà giáo khi bước chân vào chốn công quyền cũng là lúc họ chấp nhận cởi áo cà sa để khoác vào người chiếc áo giấy?

Có một sự thật rất đáng tiếc khi một số tiến sĩ khoa học trở thành nhà quản lý,  đất nước mất một nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhận được một nhà quản lý không giỏi.

Thế giới phương Tây có câu thành ngữ “mọi con đường đều dẫn tới thành Rom”, ở ta câu thành ngữ này được chuyển đổi một cách “sáng tạo” là “mọi con đường đều dẫn tới chiếc ghế”. 

Ghế tạo ra chức, chức tạo ra quyền, quyền tạo ra “vinh quang”, thế nên dù có là “nhà khoa học giỏi” mà về quê, còn lâu mới được “kính thưa, kính … GỬI”.

Vứt bỏ danh hiệu nhà giáo, nhà khoa học, vứt bỏ học hàm giáo sư để nhận “học hàm Công bộc” được xem là thức thời, mà đã thế thì việc vứt bỏ cả áo cà sa có gì đáng tiếc, miễn là chiếc áo giấy sẽ mặc đủ độ bền trong vòng 5-10 năm!

Thói dối trá tràn lan chốn học đường là hệ quả tất yếu bắt nguồn từ thói dối trá mà một bộ phận người mang “học hàm Công bộc” đang thực hiện.

Nói theo ông Trần Xuân Nhĩ, với “tư duy của lãnh đạo Bộ” như thế, với “quy trình” như thế, không chỉ Giáo dục mà còn không ít nơi khác nữa, nền văn hóa - giáo dục đất nước sẽ như thế nào?

Phải chăng một số quan chức Giáo dục hiện nay, không muốn lặp lại tình cảnh “hai không” mấy năm trước, khi mà tỷ lệ tốt nghiệp tạo nên một cú sốc cho toàn xã hội?

Một nhà giáo chân chính, một nhà khoa học chân chính sẽ không sợ khi thừa nhận, rằng giáo dục không phải là một ốc đảo trong xã hội, thực trạng giáo dục hiện nay là hậu quả của những bất cập tổng thể kéo dài nhiều thập niên, bất kỳ ai đảm nhận cương vị người đứng đầu cũng không thể đảo ngược một sớm một chiều.

Cần nhớ rằng biết mà không nói cũng mang tội “dối trá”, con đường mang tên “Dối trá” luôn đưa người ta đến sự cô đơn khủng khiếp lúc xế chiều.

Không công khai minh bạch thông tin có thể đánh lừa được những người nhẹ dạ, nhưng đánh lừa chính lương tâm mình liệu có nên chăng?
 

Hay một số người đứng mũi chịu sào ngành Giáo dục vẫn có một “niềm tin mãnh liệt” rằng việc làm của mình là “đúng quy trình”, là mang lại lợi ích cho xã hội?

Với cung cách này, trong vài ba năm tới thế hệ trẻ chưa thể hy vọng sẽ được đào tạo bởi những sự đột phá ngoài “quy trình”.
 

Học xong ra trường, dù là cử nhân, kỹ sư hay tiến sĩ cũng khó mà từ chối chiếc “áo giấy” của “quy trình”, vậy nên trong tương lai, sẽ còn bao nhiêu người dõng dạc hô to “học hàm Công bộc vạn tuế”?

Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252104/quan-diem-thi-bang-cach--noi-tham-.html
(Theo Giáo dục VN) Xuân Dương