Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

20:28

 Mỹ đánh cắp dữ liệu Google  Yahoo?

 Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tiếp tục bị tố cáo nghe lén điện thoại của Giáo hoàng Vatican, đồng thời lấy cắp dữ liệu của Google  Yahoo.

Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đang đối mặt với những cáo buộc do thám thông tin toàn cầu 
Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đang đối mặt với những cáo buộc do thám thông tin toàn cầu.
Theo một tờ báo của Italia, NSA đã nghe lén trong thời gian mật nghị bầu chọn Giáo hoàng Vantican. Ngoài ra, người đứng đầu Hội đồng Giám sát ngân hàng Vantican và quyền Tổng Giám đốc ngân hàng ngân hàng Vantican cũng nằm trong đối tượng bị NSA nghe lén.
Ngay sau khi thông tin này đăng tải, phía NSA lên tiếng phủ nhận, đồng thời cho rằng, truyền thông Italia viết “không đúng sự thật”. NSA yêu cầu Italia điều tra rõ ràng về nguồn gốc thông tin trên.
Trong lúc này, NSA cũng đang đối mặt cáo buộc xâm nhập và lấy cắp dữ liệu của Google và Yahoo.
Theo Washington Post, chương trình bí mật này của NSA do các tài liệu của Edward Snowden rõ rỉ và các cuộc phỏng vấn với "quan chức am hiểu” tiết lộ.
Nguồn tin cũng cho biết, NSA đã yêu cầu và nhận được dữ liệu từ các công ty Internet của Mỹ là Google  Yahoo bằng cách tìm kiếm lệnh của tòa án thông qua chương trình gọi là PRISM.
Ngay sau khi thông tin đưa ra, giám đốc NSA Keith Alexander khẳng định, cơ quan tình báo không xâm nhập máy chủ của Google và Yahoo mà NSA có quyền được truy cập nhờ “lệnh của tòa án”.
Trước đó, Mỹ cũng liên tiếp bị tố nghe lén điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia trong đó có thủ tướng Đức Angela Merkel.
Nguyễn Thủy
Theo Washington Post, RT
19:51

Nhầy nhụa Karaoke “bốc hốt” Thiên đường đen


 "Nhiều hôm khách đã ngất ngưởng ở ngoài rồi, tìm đến karoke là lao vào "bốc hốt" không thương tiếc. Mùi bia rượu nồng nặc, mấy gã còn "cho chó ăn chè" luôn ra tấm vải choàng người tụi em...
                                   
Đó không phải là áo mà cũng chẳng giống quần, đó là miếng vải voan mỏng tang, xuyên thấu, được cuốn lơi lả nối từ eo bắc thẳng lên vai. Trong ánh đèn mờ lấp lánh xanh vàng, cơ thể đào hớ hênh cố tình để lộ ra sự "chập trùng" mơn trớn ở những vùng nhạy cảm nhất. Khách làng chơi nốc bia ngập ngụa, nhe răng nham nhở "xà" vào cơ thể đào không ngừng "bốc hốt". Những bàn tay thô ráp, lều khều thỏa thê "nhào nặn". Xen lẫn tiếng nhạc chát chúa là giọng cười khúc khích, ha hả đầy vẻ phấn khích của khách làng chơi.
"Mong manh tấm vải choàng"
Nhờ bảo lãnh của một người đàn ông có uy tín trong giới ăn đêm, chúng tôi được phép bước chân vào quán Karaoke 9 tầng nằm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh - TPHCM). Trong vai những cô bé từ trên núi xuống, được ông anh dẫn đi chơi cho biết phố phường, người quản lý đã gật đầu cho chúng tôi được ngoại lệ (vì karaoke không tiếp khách nữ). Khi chiếc cầu thang máy vừa hạ xuống, chúng tôi toát mồ hôi nhận ra cánh cửa nhỏ dẫn lối vào đã kịp chốt trong.
Trong thang máy, anh chàng tháp tùng nhìn chúng tôi từ đầu xuống chân rồi mỉm cười buông lời: "Mấy cưng có biết đây là đâu không? Đã biết gì về nơi này chưa"? Chột dạ, nhưng kịp lấy bình tĩnh, tôi hồn nhiên trả lời: "Em chỉ biết vào đây hát karaoke thôi". Giữ nụ cười bí hiểm, gã bồi thêm: "Hát rồi đừng sốc nha", cầu thang máy dừng ở tầng 7, chúng tôi được đưa vào phòng VIP 7. Tại đây, mỗi gã khách đang "gói gọn" một em trong lòng, chu mỏ hôn chụt chụt khắp cơ thể đào. Dường như sự có mặt của chúng tôi không hề làm giảm chương tình ca hát kiêm "bốc hốt" của mấy gã. Màn hình cứ chạy chữ, người hát cầm micro hò hét mà chẳng đoái hoài gì đến lời nhạc, miệng hát, nhưng tay đã "sục sạo" khắp cơ thể em đào.
Nhận ra sự chơi vơi của chúng tôi, quản lý điều hai "người mẫu" cao ráo lịch sự liên tục mở cửa vào cụng ly rồi hú hò theo tiếng nhạc, gây náo loạn không khí trong phòng.

Ảnh minh họa
Hai cô đào được biệt phái chăm sóc khách trong phòng chúng tôi đều tỏ ra vô cùng thùy mỵ, bẽn lẽn. Các cô không ngừng đút thức ăn, cụng ly côm cốp với khách. Gã khách tên Đ khi đã chếnh choáng hơi men, liền lao ra khỏi ghế, ngả nghiêng trước màn hình nhảy múa loạn xạ. Lập tức, cô đào tiếp Đ nhảy lên, uốn cong thân mình trước ánh sáng lập lòe của màn hình, đào để lộ toàn bộ "núi đồi" dập dềnh trước mặt Đ. Đ lúc này không hát nữa, gã quấn chặt lấy đào, tốc tấm váy cuốn hờ che vòng 3 lên rồi cười ha hả khoái chí. Tiếng nhạc chuyển bài, Đ bồng đào nhảy qua bàn, thả cái bịch xuống ghế, tiếp tục "quờ quạng" tơi tả. Đảo cười khúc khích, nũng nịu: "Chồng hát hay quá à, vợ mê giọng hát chồng nhất đó". Tiếng "chồng vợ" ngọt lịm phát ra, không hề thấy sự khập khiễng giữa người đáng tuổi bố và một đứa con gái non choẹt.
Không chiu lép vế cặp của Đ, phía ghế đối diện, gã khách tên T và một em đào cuốn vải xanh nõn chuối lại âu yếm mớm trái cây cho nhau. Đào ngồi rung rinh trên đùi T, cợt nhả bón đút như chim mẹ đang mớm mồi cho chim con. Cặp T chẳng hề quan tâm đến ai hát ai không, họ say mê tâm sự, thủ thỉ cái gì đó không ai biết. Chỉ khi nào khách bảo hát, thì đào sẵn sàng hát, nhạc gì cũng hát được.
Đào hát, giong ca đậm chất miền Tâv rất ướt át, truyền cảm. Hứng chí, T đẩy đào của mình ngồi vắt vẻo lên bàn, rồi hai người song ca. Vừa ca, T vừa "cấu xé" khắp cơ thể đào. Cũng chẳng cần nhìn màn hình, dường như đó là bài ruột hoặc có thể hát nhiều quá mà thuộc lòng, nên đào áo xanh nõn chuối ngả ngớn để T "chụp giựt". Giựt quá tay, tấm vải voan quấn lơ lửng trên người đào bung ra. Ôi thôi! cả một cơ thể lõa lồ. Đào không hề mặc nội y vẫn vô cùng tỉnh táo, với nhanh lấy tấm vải rồi đi vào nhà vệ sinh. Nhanh như chóp, đào bước ra, tấm vải được cuốn như ban đầu, dính tạm bợ vào cơ thể. Cuộc chơi lại tiếp tục.
Karaoke từ A đến Y
Kẻ hát, người "mò" mấy tiếng đồng hồ rồi kiệt sức, Đ và T nằm vật ra ghế thở phì phò. Khoảng thời gian nghỉ ngơi quý hiếm, chúng tôi lân la hỏi chuyện đào. Cô đào cuốn vải đỏ, bây giờ mới có thời gian ngồi dặm lại chút phấn son trên môi mà trong cuộc "vờn" với Đ đã bị trôi mất. Vi, 23 tuổi, quê ở Đồng Nai. Lên TPHCM mấy năm rồi và từng kinh qua nhiều nhà hàng, quán xá kiểu đèn mờ như thế này. Cũng mới dạt về quán karaoke này được vài tháng. Màn giới thiệu của đào Vi bị ngắt quãng bởi tiếng nhạc đinh tai nhức óc, át hẳn giọng nhỏ nhẹ của Vi. Xen lẫn tiếng hò hú, tiếng cụng ly lộp cộp, tiếng chai vỡ loảng xoảng, đào cuốn vải xanh nõn chuối nói như gào lên. Tên đào là Thanh, 25 tuổi quê Cần Thơ. Đào Thanh già dặn cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nên, sự trơ trẽn và chai lỳ có vẻ như... dư thừa. Thanh hát dân ca Nam bộ rất mượt mà, tình cảm. Vậy nhưng Thanh lại vô cùng khiêm tốn, chỉ khi nào khách bảo hát thì cô mới hát, còn nhất định từ chối chọn bài. Một phút lơ là với khách, lập tức Thanh bị giật vào lòng T, lại tiếp tục thao tác "khua khoắng" thô bạo. Thấy Thanh co người lại, cười nhăn nhúm khi T quá mạnh tay, quản lý đẩy cửa vào, khui bia tới tấp. Thanh xoay người lại, mớm bia cho T, rồi cười khúc khích.
Hai gã khách chán trò với đào của mình liền hoán đổi cho nhau. Lập tức, đào của Đ bước sang lòng T, và đào áo xanh từ tay T bị xô sang đùi Đ. Dường như đã thành thục kiểu mơn trớn của khách, nên khi vào tay bất cứ gã nào, đào đều thích nghi dễ dàng. Đào Vi vô tư chuyển tên gọi "chồng yêu" sang tai T. Mật ngọt cộng với men bia, cuộc "vuốt ve" càng trở nên thô thiển và nhơ nhuốc. Bàn tay to kềnh, gốc rễ sỗ sàng "luồn lách" không chừa "vùng miền" nào trên cơ thể đào Vi. Đào có ý đẩy tay T ra, nhưng ghế đối điện, anh chàng quản lý nhà hàng cầm ly bia cụng thật to.

Ảnh minh họa
Thanh ghé sát vào tai tôi thì thầm: "Anh ấy (chỉ người quản lý) quản bọn em dữ lắm, các chị hỏi chuyện ít thôi để em tiếp khách. Lúc này, chúng tôi mới để ý anh chàng thường xuyên mở cửa xông vào bất ngờ rót bia và cụng. Hóa ra, anh ta giám sát các cô đào xem thái độ phục vụ và kiểu chiều khách có tốt không. Câu chuyện của chúng tôi với đào phải chắp vá, đứt quãng nhiều đoạn vì sự xuất hiện của quản lý.
Vi cũng như các đào khác làm ở đây đều không được trả lương, các cô sống bằng tiền boa của khách. Và nếu khách nào hứng chí lên muốn đi tới Z, thì Vi sẵn sàng. Nhưng ở nơi khác chứ không phải trong phòng karaoke này. Karaoke chỉ dừng lại ở giai đoan từ A đến Y. Đào tiếp khách karaoke đến tầm 12h đêm là hết ca, không có mối đi "tăng 3" thì sẽ về nhà trọ nghỉ ngơi, giữ sức khỏe và chất giọng. Vi tiết lộ, nếu chỉ tiếp khách hát không thì bèo bọt lắm, đói triền miên. Hôm nào gặp khách "sộp", chơi đẹp cũng chỉ boa không quá 500 ngàn, có mối qua đêm may ra có tiền mua hộp phấn thỏi son hoặc tấm áo manh quần cho đàng hoàng: Làm đào karaoke thì nhất thiết phải biết hát, biết uống bia và phải chịu được cảnh "nhào nặn" vũ phu của khách. 

Thanh bảo: "Nhiều hôm khách đã ngất ngưởng ở ngoài rồi, tìm đến karoke là lao vào "bốc hốt" không thương tiếc. Mùi bia rượu nồng nặc, mấy gã còn "cho chó ăn chè" luôn ra tấm vải choàng người tụi em. Thế nên, hôm nào tiếp khách, tụi em luôn chuẩn bị sẵn hai ba miếng vải choàng. Nếu không nhầy nhụa bia bọt, thì cũng bị xé toạc ra".
Họ bị xem như một món hàng, đêm nào không "chườm" thân ra để khách thỏa thê "nắn bóp", thì sống cũng chẳng được yên với quản lý. Hình phạt cao nhất là đuổi thẳng cổ, không bao giờ được bén mảng tới.
Đào karaoke chỉ một thời gian ngắn "dầm dề" với nghề, thân xác mệt mỏi, nhan sắc xuống cấp, sẽ bị thải ra. Số lượng đào này, sẽ dạt về những quán cà phê ngoại thành, kiếm sống khổ sở, khó khăn hơn. Số ít còn hương còn sắc được nâng cấp thành đào ở các quá bar, vũ trường. Cuộc đời các đào khi đã vươn mình ra biển lớn, lại tiếp tục bị đào thải hoặc rơi rụng do sự đấu đá và những luật ngầm thanh trừ khốc liệt. Một khi lọt vào sân chơi này, họ không có con đường quay lại.
Loại hình karaoke có tiếp viên phục vụ, đang nở rộ và phát triển rộng khắp ở Tp HCM. Hiện nay, chứa thể thống kê con số chính xác bởi hầu hết karaoke đều hoạt động trá hình dưới nhiều "nhãn mác" khác nhau. Tiếp viên ngoài phục vụ khách hát hò, chuốc bia, thì sẽ chiều khách tới giai đoạn Z. Khi men bia chếnh choáng, thực khách nổi hứng muốn có em út "phục vụ" nhu cầu, thì lập tức quản lý sắp xếp một "nơi chốn" được ngụy trang tinh vi. 

Trên một tầng lầu khác, trong một phòng vừa đủ kê cái ghế bố. Tại đây, người quản lý nhấn nút, ghế bố bật ngửa ra thành chiếc giường một, lý tưởng cho khách giải tỏa "nhu cầu". Dưới cửa ra vào luôn được rào chắn, theo dõi của hàng rào bảo vệ, một khi phát hiện đạt kiểm tra của cơ quan chức năng, còi báo động ở dưới vang lên, phía trên lầu, mọi thứ được "dọn dẹp" sạch sẽ.
Theo CSTC
15:45

Trung Quốc đổi sách lược trên Biển Đông?

(Quan hệ quốc tế) - Nguyên tắc chiến lược về tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc là không thay đổi: Đó là, Trung Quốc chỉ tiến hành đàm phán song phương và kiên quyết phản đối quốc tế hóa Biển Đông.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2013 lại đây, giới quan sát đã nhận thấy ứng xử của Trung Quốc đối với các nước trong khối ASEAN thông qua các chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc hết sức là nhã nhặn giống như thời gian từ năm 2005 về trước.
Những hứa hẹn như đàm phán về COC do ASEAN đề xuất, giao kết đối tác…đã làm cho ASEAN có vẻ như an tâm, bớt đi sự lo ngại phần nào. Điều gì đã khiến cho sách lược của Trung Quốc phải thay đổi?
Sách lược “chia để trị” của Trung Quốc
Sách lược “chia để trị”, trong quân sự, được coi như là chiến thuật chia cắt, cô lập, bao vây tiêu diệt quân địch, rất lợi hại mà có điều kiện thì nhà quân sự nào cũng luôn nghĩ đến và nếu như khi một lực lượng lớn của địch bị chia cắt, cô lập, bao vây từng bộ phận thì thắng lợi chỉ là vấn đề thời gian.
Trong cuộc chiến địa chính trị, chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực để dễ bề lôi kéo quốc gia nào đó theo mình hoặc ít nhất không để họ theo quốc gia khác chống lại mình là không hiếm và được gọi là “đục nước thả câu”.
Mức độ nghiêm trọng hơn khi ở trong một khu vực chỉ tồn tại những quốc gia nhỏ yếu như tổ chức ASEAN chẳng hạn thì nước lớn sẽ thực hiện sách lược mang tính cường quyền, áp đặt hơn, đó là “chia để trị”.
Thực chất, “chia để trị” là một biện pháp cô lập các nước trong khối ASEAN, cô lập ASEAN với bên ngoài, lợi dụng ưu thế sức mạnh quân sự, kinh tế của mình gây sức ép, mua chuộc, khống chế, đe dọa để buộc đối tác phải thần phục, lệ thuộc…Đó là cách để “bẻ gãy một bó đũa bằng từng chiếc đũa một” mà Trung Quốc đã từng tiến hành trong các hoạt động tranh chấp với các quốc gia trên Biển Đông thời gian vừa qua.
Tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc với 5 quốc gia trong khối ASEAN diễn ra căng thẳng bắt đầu từ năm 2010 khi tham vọng chiếm trọng Biển Đông của Trung Quốc đã thành hành động, trong đó nóng nhất là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Philippines.
Là tranh chấp nhưng Trung Quốc luôn giữ quan điểm chỉ đàm phán song phương và kiên quyết không quốc tế hóa Biển Đông. Nghĩa là tranh chấp với nước nào thì nước đó đàm phán riêng với Trung Quốc dù cho khu vực tranh chấp đó liên quan đến nhiều nước và liên quan đến an ninh hàng hải của quốc tế. Đương nhiên, quan điểm này không phù hợp với quan điểm của ASEAN là những vấn đề tranh chấp nào chung thì phải đàm phán đa phương.
Những tuyên bố hung hăng đe dọa sử dụng vũ lực; những hành động cậy mạnh bất chấp, ngang ngược; những hành động phô trương sức mạnh, tăng cường sức mạnh vượt ra ngoài phòng thủ…đã có tác dụng.
  ASEAN tuy là những quốc gia nhỏ nhưng đều có vị trí địa chính trị rất quan trọng không những với Trung Quốc mà còn với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga
ASEAN tuy là những quốc gia nhỏ nhưng đều có vị trí địa chính trị rất quan trọng không những với Trung Quốc mà còn với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga
Tác dụng ngược của sách lược “chia để trị”
Thực ra, cơ cấu tổ chức, thành phần như của ASEAN, sự liên kết, ràng buộc nhau trong khối ASEAN không như EU… thì với khả năng kinh tế, quân sự của mình, Trung Quốc gây chia rẽ, phá sự đoàn kết trong khối ASEAN, mua chuộc một quốc gia nào đó trong khối, phá vỡ nguyên tắc đồng thuận là không mấy khó khăn. Nghĩa là “chia” ASEAN thì nằm trong tầm tay của Trung Quốc.
Vấn đề là “chia” để “trị” (đương nhiên là vậy) nhưng có “trị” được không mới là điều quyết định thành bại của chiến lược.
Chia rẽ ASEAN, cùng với đó, là sự hung hăng, động thái quyết đoán đầy cơ bắp của Trung Quốc trên Biển Đông khiến ASEAN toán loạn, lo ngại và tìm cách đối phó.
Trong bối cảnh Mỹ đã quay trở lại Châu Á-TBD đang ráo riết tiến hành một cuộc chiến địa chính trị với Trung Quốc mà tâm điểm là ASEAN…thì có thể nói rằng, Trung Quốc đã quá nóng vội, chủ quan, nên đã mắc phải một sai lầm lớn trong sách lược “chia để trị”, đó là “chia” thì được, nhưng không cô lập, bao vây được nên không bao giờ “trị” được, thậm chí lại bị cô lập, bao vây.
Tại sao ư? ASEAN là một khối “thống nhất trong đa dạng”, nếu khi không thống nhất, bị chia rẻ, thì lập tức mang tính “đa dạng”. Đa dạng trong đối nội, trong đối ngoại về kinh tế cũng như quốc phòng…rất khó lường là tất yếu.
Việt Nam, Indonesia, Malaysia tăng cường tiềm lực quốc phòng, Philippines củng cố liên minh quân sự với Mỹ và đe khi cần thiết mời Mỹ trở lại căn cứ Subic, còn Singapore đã cho phép hạm đội Mỹ luân phiên thường trực tại cảng nước mình…
Trung Quốc không đủ khả năng để cô lập Philippines, ngăn chặn Hàn Quốc bán máy bay cho Philippines, không đủ khả năng ngăn chặn Nga xuất vũ khí sang các nước ASEAN, ngăn chặn Nhật Bản hợp tác an ninh biển với ASEAN…
Về kinh tế Trung Quốc cũng không thể ngăn cản được TTP mà Mỹ đang triển khai ở Châu Á-TBD mà Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei tham gia…
Tất cả đơn giản là vì Mỹ, Nga, Hàn quốc và Nhật Bản không giống Campuchia.
Tháng 7/2012, dưới thời Campuchia làm chủ tịch, ASEAN sau 45 năm tồn tại không ra được một tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao là biểu hiện cao nhất sự thành công của Trung Quốc khi “chia” ASEAN.
Tuy nhiên, nếu như coi cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ như một trận đấu bóng đá đỉnh cao thì hành động trên như là một cú tắc bóng mang tính bản năng, “vô thưởng vô phạt” khiến cho Trung Quốc bị dính thẻ đỏ, tạo lợi thế cho Mỹ.
Lợi thế của Trung Quốc với ASEAN trước đây so với Mỹ là rất lớn, bởi do Mỹ bỏ quên ASEAN khi vướng bận vào Trung Đông, Apganistan…trong khi Trung Quốc đang trong thời kỳ “giấu mình chờ thời”, tập trung phát triển kinh tế trong hòa bình nên đã ít nhiều tạo ra được lòng tin nhất định.
Nhưng khi không cần “giấu mình chờ thời” nữa, với bản chất cậy mạnh, bá quyền nước lớn thì Trung Quốc “đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền” với ASEAN…Đó là những cách nhanh nhất để Trung Quốc đã đánh mất lợi thế lớn.

Tương lai của Châu Á-TBD sẽ được tạo dựng bởi sự tương tác của tất cả các quốc gia trong khu vực và cả thế giới, nhất là 2 nước lớn Trung Quốc và Mỹ, trong đó chắc chắn không thể thiếu vai trò của ASEAN.
Quốc gia nào muốn nắm tương lai Châu Á-TBD thì phải nắm ASEAN. Cậy mạnh về kinh tế, quân sự để lũng đoạn, phá vỡ ASEAN, một tổ chức “thống nhất trong đa dạng” là một sai lầm có tính quyết định sự thất bại của chiến lược.
Trước sự trở lại của Mỹ tại Châu Á-TBD, đặc biệt nổi lên một nhân tố đáng gờm Nhật Bản, ĐNA trở thành tâm điểm của cuộc chiến địa chính trị một bên là Trung Quốc bên kia là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…thì cách hành xử như trước đây của Trung Quốc cũng có nghĩa là cách đánh mất ASEAN.
Thiếu tôn trọng ASEAN là sai lầm mang tầm chiến lược.
Việc Trung Quốc chấp nhận đàm phán với ASEAN về COC dù là hứa hẹn cũng là một dấu hiệu tôn trọng cần thiết với ASEAN, việc Thủ tướng, Chủ tịch Trung Quốc đi thăm một số nước trong ASEAN nâng cấp đối tác chiến lược…là lấy lại lòng tin với nhau.
Có đúng không nếu như cho rằng Trung Quốc đang sửa sai?
(Theo Đất Việt) Lê Ngọc Thống
15:00

 Chánh thanh tra "bổ cuốc" vào đầu dân:

"Tôi không có gì phải đáng tiếc"


TT - Chiều 30-10, ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Sở Y tế báo cáo về việc ông Nguyễn Đức Hoàng (chánh Thanh tra Sở Y tế) dùng cuốc đánh vào đầu người tranh chấp đất.



Động tác "đánh rơi" cuốc của ông Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y Tế?! Ảnh : T.Nguyên

Trong khi đó, đại diện Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum cũng cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình người bị đánh là bà Phan Kim Uyên Trâm. Chiều cùng ngày, bác sĩ Đào Duy Khánh - phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum - cho biết ông Nguyễn Đức Hoàng đã có báo cáo giải trình. Do hành vi ông Hoàng bị tố cáo không liên quan đến chuyên môn nên sở vẫn để ông Hoàng công tác bình thường.
Theo bác sĩ Đào Duy Khánh, trước ngày xảy ra xô xát ông Nguyễn Đức Hoàng có thông báo cho cơ quan biết ông được tòa án triệu tập với tư cách là cá nhân có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong một vụ tranh chấp đất đai tại đường Nguyễn Huệ (TP Kon Tum). Sáng 25-10 ông Hoàng không đến làm việc mà có mặt tại địa điểm xảy ra xô xát. Khoảng 10g ngày 25-10, một số người nhà của bà Trâm đến tận Sở Y tế phản ảnh việc ông Nguyễn Đức Hoàng đánh người. “Nghe thông tin ồn ào nên lúc đó tôi trực tiếp đến tận nơi xác minh xem sao. Lúc này tôi giải thích với người dân việc tranh chấp đất đai là việc của chính quyền nhưng dân đã phản ảnh thì sở sẽ ghi nhận và làm rõ vì dù sao ông Hoàng cũng là cán bộ của sở” - bác sĩ Khánh nói.
Hôm qua 30-10, ông Nguyễn Đức Hoàng vẫn có mặt tại Sở Y tế tỉnh Kon Tum làm việc bình thường. Ông Hoàng nói: “Tôi không có gì phải đáng tiếc cả, sự thật là sự thật. Ai rơi vào trường hợp đó lại không như thế, họ xô đẩy mình thì mình xô lại rồi nó trúng chứ không có gì đáng tiếc”.
Theo ông Hoàng, lúc xảy ra xô xát có rất nhiều người. Ông cầm cán cuốc và đứng giữa đám đông rồi cán cuốc va thế nào đó trúng bà Trâm. Khi được hỏi hình ảnh trong clip do người dân ghi lại cảnh ông Hoàng cầm cuốc cố tìm bà Trâm để đánh, ông Hoàng trả lời: “Người ta đưa lên rồi đổ cho tôi”. Ông Hoàng cũng nói từ lúc xảy ra sự việc đến nay ông chưa đến thăm hỏi gia đình bà Trâm và việc xô xát là việc của cá nhân ông, không liên quan gì đến lĩnh vực ông công tác.
Bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết ông Hoàng là bác sĩ chuyên khoa I và từng trải qua nhiều cương vị khác nhau. Việc ông Hoàng xô xát với người dân bên ngoài là tranh chấp dân sự nhưng ông Hoàng là cán bộ, đảng viên trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế Kon Tum nên sở sẽ xử lý đúng quy định, sai đến đâu xử lý đến đó. Hiện Sở Y tế Kon Tum đang chờ kết luận của Công an TP Kon Tum để làm cơ sở xử lý.
(Theo Tuổi trẻ) THÁI BÁ DŨNG - TR.NGUYÊN
14:30

Lý giải việc chi 7,9 tỉ đồng cho “cậu Thủy”:

Ngân hàng CSXH "đổ thêm dầu vào lửa"

Lý giải việc chi 7,9 tỉ đồng cho “cậu Thủy”: Ngân hàng CSXH

Nguyễn Văn Thúy (cậu Thủy) tại hiện trường khai quật 73 bộ HCLS ở huyện Ea H’leo, Đắc Lắc. Ảnh: Đ.T.K

Chưa hết bức xúc chuyện Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trả tiền công 7,9 tỉ đồng cho “cậu Thủy” đã tìm được 105 hài cốt liệt sĩ (LS), nhưng là xương động vật, dư luận càng bất bình khi ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Chủ tịch Công đoàn NHCSXH - lý giải việc nhờ và chi tiền để “cậu Thủy” tìm mộ LS, đặc biệt là vẫn giữ niềm tin ở "cậu Thuỷ" - dù khoa học đã chứng minh là kẻ lừa đảo.
Làm trái quy định của Chính phủ

Ông Nguyễn Hoàng Phương nói với báo giới rằng, việc NHCSXH tham gia vào việc quy tập đến con số hàng trăm hài cốt LS là việc làm phát tâm của NH, nhằm thực hiện văn bản của Chính phủ, Ban Bí thư về xã hội hóa trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ LS. 

Nói như ông Phương thì NHCSXH không nắm được quy định của Chính phủ trong việc tìm kiếm và quy tập hài cốt LS, nên đã làm “liều”, tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo thực hiện hành vi nhẫn tâm, làm dư luận bức xúc: Giả hài cốt LS bằng xương động vật.

Xin được minh chứng: Ngày 26.1.2007, Chính phủ ban hành NĐ số 16/2007/NĐ-CP, quy định về tìm kiếm, quy tập hài cốt LS. Điều 3 của NĐ nêu rõ trách nhiệm chỉ đạo và tìm kiếm, phát hiện quy tập hài cốt LS thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ CA, UBND các tỉnh, thành phố. Khoản 2 (điều 3) nêu: Nhà nước khuyến khích cá nhân tìm kiếm, phát hiện và cung cấp thông tin về hài cốt và  mộ LS với các cơ quan có chức năng và thẩm quyền.

Ngày 27.7.2013, Chính phủ ban hành QĐ số 1237, phê duyệt đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt LS đến năm 2020 và những năm tiếp theo, giao trách nhiệm Bộ Quốc phòng  hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Như vậy, chỉ có Bộ Quốc phòng mới được quy tập hài cốt LS, các cá nhân, tổ chức phát hiện hài cốt LS thì báo cho Bộ Quốc phòng, bộ chỉ huy quân sự các địa phương để tiến hành quy tập. 

Căn cứ quyết định của Chính phủ thì NHCSXH không có chức năng quy tập hài cốt LS. Việc NHCSXH tự thuê “cậu Thủy” tìm kiếm, cất bốc hài cốt LS trong 4 đợt, tại 3 địa phương (Đắc Lắc, Bình Phước và Quảng Trị) là vi phạm NĐ 16 và QĐ 1237 của Chính phủ.

Không biết hay cố tình

Vẫn phát ngôn của người đại diện NHCSXH - từng có mặt cả 4 đợt khai quật, cất bốc 105 hài cốt LS do “cậu Thủy” chỉ đạo - nói rằng, toàn bộ sự việc diễn ra không có phát hiện bất thường về vị trí khai quật.

Trở lại đợt khai quật và quy tập hài cốt LS ở Bình Phước ngày 29.1.2013 - do NHCSXH chủ trì - dưới sự chỉ đạo của “cậu Thủy” vào cuối năm 2012. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đội quy tập hài cốt LS K72 thuộc Bộ CHQS tỉnh giám sát việc khai quật hài cốt LS được “cậu Thủy” chỉ đích danh tại ấp Xa Cam 1 (P.Hưng Chiến, TX.Bình Long). 

Những chiến sĩ trong đội K72 - với kinh nghiệm nhiều năm quy tập hài cốt LS - đã  phát hiện ra sự bất bình thường khi lớp đất được lật lên, đó là: Các biđông ở ba vị trí khai quật đều được “xếp” nằm ngang theo đúng một chiều. 

Hai hố được “cậu Thủy” nói là chôn tập thể (13 hài cốt), nhưng diện tích hố lại rất nhỏ (1m x 1,5m). Dép caosu nằm dưới lòng đất còn rất mới, những ngôi sao trên huy hiệu còn giữ được màu sơn đỏ, tên các LS được khắc trên biđông lại cùng có một kiểu chữ, trong lõi xương lại có cát và ximăng...; thế nhưng, 12 bộ hài cốt đó vẫn được đưa vào NTLS của tỉnh, 3 bộ được gia đình nhận và đưa về quê hương.

Đội K72 và Sở LĐTBXH tỉnh Bình Phước đề nghị phải “khai quật” số hài cốt do “cậu Thủy” tìm được, lấy mẫu đi giám định. Kết quả của Viện Công nghệ sinh học cho thấy, cả 12 bộ hài cốt đó không phải là xương người. 

Những bất bình thường trong việc tạo dựng nơi có hài cốt LS tại Quảng Trị và Đắc Lắc (phản ánh trên Lao Động ra ngày 30.10) đã minh chứng “kịch bản” được dàn dựng từ trước, giả xương động vật thành hài cốt LS, giả vật chứng LS để chiếm đoạt 7,9 tỉ đồng của NHCSXH.

Như Lao Động đã đưa tin, khi Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị  yêu cầu giám định gene 9 hài cốt  được “cậu Thủy” chỉ dẫn, lãnh đạo NHCSXH đã tạo dựng nhân chứng để bảo vệ quan điểm “cậu Thủy” tìm đúng, không cần phải giám định gene. 

Ông Phương tuyên bố: Thân nhân LS có mặt tại buổi khai quật xác nhận các kỷ vật của LS tìm được là thân nhân của mình, thì chúng tôi tạo điều kiện cho họ nhận lại hài cốt theo quy định. Không hiểu quy định mà ông Phương nói đó là quy định nào mà NHCSXH lại được quyền cho thân nhân LS nhận lại. 

Nên nhắc lại, theo QĐ số 150 ngày 14.1.2013 của Chính phủ (Ban chỉ đạo 150), quy định xác định danh tính LS chưa rõ thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định gene. Không công nhận danh tính LS qua tìm kiếm bằng ngoại cảm.
(Theo Lao động) Linh Trần
14:06

Xóa mô hình Tập đoàn Vinashin tai tiếng và thất bại


Quyết định mới công bố của Bộ Giao thông Vận tải cho ra đời tổng công ty mới, với cái tên khác biệt trong giao dịch quốc tế - SBIC và chính thức xóa mô hình tập đoàn ở doanh nghiệp nhiều tai tiếng một thời.   
Bộ Giao thông Vận tải hôm nay công bố Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp từng được xác định là chủ lực của nền kinh tế nhưng mắc nhiều sai lầm trong đầu tư, kinh doanh và quản trị.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation (SBIC) sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
8 công ty con gồm: Công ty Đóng tàu Phà Rừng; Đóng tàu Bạch Đằng; Đóng tàu Hạ Long; Đóng tàu Thịnh Long; Đóng tàu Cam Ranh; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
SBIC tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng. Các ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty là đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi;  tái chế, phá dỡ tàu cũ. Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi. Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Vinashin chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau khi được thành lập, SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Công ty mẹ - Vinashin.
Ngoài việc hoạt động đúng mô hình nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, SBIC còn phải thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây theo hướng không duy trì trong cơ cấu tổng công ty. Trong đó, cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.
Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, bên cạnh những trách nhiệm trong việc chuyển đổi mô hình hoạt độn, Hội đồng thành viên SBIC phải tiếp tục tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu Vinashin đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Vinashin được tổ chức theo mô hình cơ cấu công ty mẹ - con; công ty mẹ hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, những sai lầm trong 7 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn gây thất thoát hàng chục tỷ đồng buộc Vinashin phải tái cơ cấu suốt 3 năm qua.
Gần đây, trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết các khoản nợ của Vinashin đã cơ bản được tái cơ cấu. Bên cạnh đó, việc rút vốn, chuyển nhượng, sáp nhập... hàng chục doanh nghiệp cũng đã được tiến hành. 
(Theo VnExpress)  Ngọc Tuyên
11:05

Dự án đường HCM: Xin thêm nhiều tiền và xin...chậm tiến độ

(Tin tức thời sự) - Trong giai đoạn 2 của dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư còn thiếu gần 24 nghìn tỷ đồng, dự kiến thông xe hai làn toàn tuyến đã chậm ba năm so với yêu cầu… Trước thực tế này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh mức đầu tư cho dự án quan trọng này.
Như vậy, xét trên toàn dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 sẽ có tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.
Tiền vẫn xin, tiến độ xin chậm lại
Báo cáo trước Quốc hội trong ngày làm việc thứ tám, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã đề nghị điều chỉnh nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, trong giai đoạn 1, đường Hồ Chí Minh gồm tuyến chính đoạn từ Hòa Lạc, Hà Nội, đến Tân Cảnh, Kon Tum, dài khoảng 1.350 km đã hoàn thành cơ bản đúng tiến độ.

Tuy nhiên, các tuyến gồm đường hoàn trả quốc lộ 21(Hòa Bình) và tuyến đường hoàn trả qua hai huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn (Nghệ An) mới được bố trí vốn, dự kiến hoàn thành năm 2014.
Riêng đoạn Cam Lộ - Túy Loan dài 182km do khó khăn về nguồn vốn nên chưa đầu tư trong giai đoạn 1. Để hoàn thành dứt điểm và thanh quyết toán giai đoạn 1 cần bố trí bổ sung khoảng 250 tỷ đồng.
Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải đang tiếp tục triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ14 đoạn qua Tây Nguyên, dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm 2015 nhưng nhu cầu vốn còn thiếu hơn 24 nghìn tỷ đồng.


Theo Bộ Giao thông vận tải việc thiếu vốn nên một số tuyến sẽ phải dừng lại
“Do nguồn vốn khó khăn, nhiều dự án thành phần phải tạm dừng, giãn tiến độ nên giai đoạn 2 của dự án không hoàn thành đúng tiến độ Quốc hội đề ra, chậm ba năm so với yêu cầu thông tuyến hai làn xe”, Bộ trưởng Thăng nói.
Để phù hợp với nguồn lực hiện nay, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Trong đó, một số nội dung cơ bản như tăng 16 km trong tổng chiều dài toàn tuyến 3.183km, hướng tuyến đi qua 28 tỉnh, thành phố, giảm hai địa phương.
Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Việc phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư giai đoạn cao tốc (giai đoạn 3) tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn.
Làm rõ địa chỉ vì sao vượt dự toán cao
Trước đó cũng liên quan đến vấn đề này Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có thảo luận về dự thảo điều chỉnh Nghị quyết số 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, câu chuyện này lại một lần nữa được phân tích, xoáy sâu.
Như vậy với việc cân đối vốn của dự án dự kiến thông tuyến vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư là hơn 91.000 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007. Đây là con số đáng chú ý trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay.
Trao đổi với Đất Việt, TS Cao Sĩ Kiêm, ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ lo ngại về nguồn tài chính của quốc gia.
Theo đại biểu Kiêm, hiện ngân sách đang có vấn đề cho nên cần áp biện pháp tăng thu, bớt chi. Địa chỉ nào không hiệu quả thì phải thắt chặt.
Riêng với dự án đường Hồ Chí Minh, đại biểu Cao Sĩ Kiêm cho rằng cần phải làm rõ vượt là vì lý do tăng giá hay quản lý không chặt chẽ.
TS Kiêm nhìn nhận trong việc triển khai dự án này vừa qua có những yếu tố tồn tại. “Tôi sẽ phân tích kỹ điều này và yêu cầu Chính phủ chỉ ra rõ ràng những địa chỉ, nội dung chi để giải quyết vấn đề sát thực hơn trong các thảo luận tiếp theo”, ông Kiêm cho biết.
Theo ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chất lượng một số đoạn, tuyến của dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn nên dễ bị xuống cấp, sạt lở. Một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm yêu cầu thoát lũ...
Việc quy hoạch và thực hiện dự án mới chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đường, chưa chú trọng phát huy hiệu quả tổng hợp. Hiệu quả khai thác ở một số đoạn, tuyến đến nay chưa cao, lưu lượng xe vận tải còn thấp.
Đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng chỉ ra tồn tại ở dự án này là công tác kiểm kê, đo đạc đất đai giải phóng mặt bằng thiếu chính xác, thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh liền kề, giữa địa phương và Ban quản lý dự án.
Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của người dân khi phải di dời để lấy mặt bằng thi công, dẫn đến tình trạng nhân dân khiếu kiện kéo dài, thậm chí ngăn cản không cho nhà thầu thi công.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc
10:33

Thủy điện:

Phá 19.000 ha, trồng... 800 ha rừng

Dân Việt - Sáng 30.10, Quốc hội nghe báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Theo đó, diện tích đất rừng trồng mới sau khi bị phá đi làm thủy điện thấp khó tin: Chưa đạt 4%. 

Nhiều đập thủy điện chưa được kiểm định

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc báo cáo, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng: Tại một số dự án, công trình thủy điện (CTTĐ), chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
 
Phát triển thủy điện ồ ạt đang gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc sống người dân (ảnh minh họa).
Phát triển thủy điện ồ ạt đang gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc sống người dân (ảnh minh họa).

“Công tác quản lý an toàn tại các CTTĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các CTTĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão” – ông Dũng cho biết.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng việc có hơn 400 dự án thủy điện bị loại bỏ là hậu quả một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện, công tác quy hoạch khi đó làm chưa được đầy đủ.

“Số doanh nghiệp tham gia làm thủy điện nhiều, có những công trình đạt chất lượng nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng. Bây giờ, yếu tố đầu tiên là phải an toàn, đảm bảo chất lượng và đảm bảo môi trường, cũng như các quy định. Vì thế, việc rà soát thủy điện để đảm bảo các yếu tố theo quy định, như môi trường, xã hội, năng lượng, không phù hợp tình hình thực tế thì để lại” – ĐB Vẻ cho biết.

Trồng lại rừng chưa đạt 4%

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, số liệu về diện tích đất rừng chuyển mục đích cho CTTĐ chưa thống kê rõ ràng.

Theo số liệu của Bộ NNPTNT trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng TĐ với diện tích 19.792ha. Thế nhưng, cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu.

Kết quả giám sát cho thấy, nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc có đất nhưng lại không phù hợp để trồng rừng thay thế. Trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án TĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ. Tại một số dự án TĐ, có đối tượng đã lợi dụng việc thi công mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, lợi dụng hạ tầng CTTĐ để khai thác khoáng sản trái phép.

Hiện có nhiều nhà máy TĐ hiện chưa nộp phí dịch vụ môi trường rừng, tổng số nợ đọng từ năm 2010 -2013 khoảng 300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chậm nộp đã viện lý do khó khăn về tài chính để “chây ỳ”, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa quy định cụ thể chế tài xử lý vấn đề này.
62.000 hộ nhường chỗ cho thủy điện
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện trồng hoàn trả diện tích rừng của các dự án thủy điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tổng vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư là 43.868 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 27.517,5 tỷ đồng. Tổng số dân phải di dời là 62.784 hộ, đến nay đã di chuyển về nơi tái định cư 57.014 hộ (đạt 90,81%) cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Kiên quyết xử lý chủ đầu tư thiếu trách nhiệm

Các trường hợp vỡ đập, xả lũ không đúng quy trình đều đã xảy ra rồi, đều có xử lý nhưng những vi phạm chưa đến mức hình sự thì không thể xử hình sự được. Tâm lý của mọi người thường đặt vấn đề, người gây ra hậu quả phải đi tù, nhưng rõ ràng phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cơ quan điều tra mới làm được. Quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng, kiên quyết xử lý những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Anh làm một hồ thủy điện hay thủy lợi mà nghĩ như trò chơi là không được, phải rất trách nhiệm với nó bởi đó là "thủy hỏa đạo tặc", cực kỳ nguy hiểm.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Các số liệu chưa toàn diện

Các số liệu trong báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện toàn diện một số vấn đề như diện tích rừng đã chuyển mục đích, rừng trồng mới chưa phản ánh đúng thực tế. Ngoài ra, theo tôi vẫn phải chỉ rõ được cơ quan nào là chính, trách nhiệm đến đâu, cần phải rõ trong một số lĩnh vực. Thứ nhất là trồng rừng thay thế. Thứ hai là bảo vệ an toàn công trình thủy điện, an toàn vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, phải xác định cơ quan nào chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư trên toàn bộ bậc thang thủy điện đó chứ không chỉ một công trình đơn lẻ.
H.P ghi
(Theo Dân Việt) Lương Kết
 09:01

“66% doanh nghiệp làm ăn không có lãi”

 

Con số doanh nghiệp không có lãi đã giảm được khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2012...

 “66% doanh nghiệp làm ăn không có lãi”
Chuyện lỗ lãi của doanh nghiệp đang là vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm, dù rằng kinh tế khó khăn trong thời gian qua là có thật.

Tính đến hết tháng 9/2013, số doanh nghiệp đang hoạt động nhưng số kinh doanh không có lãi lên tới 66% trong tổng số khoảng 450 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động.

Con số trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra tại hội nghị đối thoại về thủ tục thuế, hải quan giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, VCCI, Tổng cục thuế, Hải quan với hơn 500 doanh nghiệp phía Bắc, sáng 30/10.

Theo Thứ trưởng Tuấn, so với năm 2012, con số trên đã giảm được khoảng 3%, từ 69% xuống còn 66%. Thực tế đó cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn không có lãi, thua lỗ vẫn quá lớn, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, giảm, giãn thuế giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong suốt 1 năm qua.

Đề cập đến việc có tới 66% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không có lãi, liệu có ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, dù rằng có ảnh hưởng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính của việc thất thu.

Theo ông Tuấn, trong cơ cấu nguồn thu ngân sách hiện nay thì thu ngoài quốc doanh tăng 18% so với năm ngoái, khu vực doanh nghiệp FDI nộp thuế tăng 30%, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 98% so với năm trước.

Đặc biệt, nguồn thu từ toàn bộ 69 ngân hàng thương mại hiện nay chỉ đạt 86%, tức là giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

Câu hỏi được lãnh đạo Bộ Tài chính đặt ra là tại sao khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng được miễn, giảm, giãn thuế nhưng khối này vẫn có tỷ lệ nộp thuế tăng vọt. Dù không giải thích cặn kẽ thêm, nhưng theo ông Tuấn, đó chính là nguyên nhân khiến cho việc dù nhiều doanh nghiệp làm ăn không có lãi nhưng không phải là nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách năm nay.

Trên thực tế, trong thời gian qua, dư luận vẫn đang đặt nhiều câu hỏi với tình trạng “lỗ giả lãi thật” của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt khối doanh nghiệp FDI. Kết quả kiểm tra mới đây của Tổng cục Thuế tại 122 doanh nghiệp FDI thuộc 23 địa phương trên cả nước trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2012 cho thấy nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi nhưng đã kê khai lỗ hoặc lợi nhuận rất thấp để trốn thuế.

Sau đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, các doanh nghiệp này buộc phải điều chỉnh giảm lỗ phát sinh và giảm chuyển lỗ với tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó, giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng.

Tổng số tiền thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp sau thanh tra, kiểm tra đã tăng lên là 2.599 tỷ đồng, tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 doanh nghiệp FDI cho thấy có 3.175 doanh nghiệp lỗ lũy kế nhiều năm liền nhưng đa số vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu.

Cùng với ngành thuế, mới đây Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc và chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước tại khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất ở Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương và Đồng Nai của các doanh nghiệp FDI với hàng trăm doanh nghiệp báo lỗ và không phát sinh doanh thu trong nhiều năm liền.
(Theo VnEconomy) Từ Nguyên
 08:56

 Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bàn về cải cách thị trường tài chính
 Việc cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính được coi là một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế


Theo hướng đó, tháng 3-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015”. Đề án này chọn ba vấn đề trọng tâm là: ổn định thanh khoản cho hệ thống ngân hàng; lành mạnh hóa tình trạng tài chính, tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD và tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của hệ thống ngân hàng. Công việc này xem ra đang được tiến hành với một số thành công bước đầu kèm theo những hạn chế nhất định.
Có ý kiến cho rằng, đề án này mới mang tính “tình thế”, chưa mang tính lâu dài và cơ bản. Ý kiến ấy có mặt hợp lý song dù sao đi nữa cũng phải thừa nhận rằng, không dễ gì thiết kế một đề án mang tính cơ bản lâu dài ngay, nhất là trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đòi hỏi phải xử lý ngay “những vấn đề nóng”; không giải quyết được chúng thì có thể đổ vỡ hệ thống; nếu vậy còn nói gì đến giải pháp cơ bản, lâu dài.
Tuy nhiên, trong khi giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt cũng vẫn cần suy nghĩ về những quyết sách mang tính cơ bản, lâu dài chứ không chỉ về ba loại vấn đề nêu trong Đề án và chỉ tới năm 2015. Điều này càng cần thiết khi chúng ta đang sống trong một bối cảnh khá đặc biệt.
Một là, thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế trầm trọng và sâu rộng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 mà tới tận nay, sau sáu năm trời, vẫn chưa chấm dứt hẳn, trong đó lĩnh vực tài chính - ngân hàng vừa là tác nhân vừa là nạn nhân hàng đầu. Trong những năm qua nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn kinh tế, trong đó hệ thống tài chính - ngân hàng vừa gánh trách nhiệm, vừa hứng chịu hệ quả. Thực trạng này gợi mở nhiều bài học đắt giá cần được đúc kết để cơ cấu lại lĩnh vực trọng yếu này.
Hai là, gánh chịu thiệt hại lớn lao, các nước trên thế giới, nhất là các nước ở tâm bão khủng hoảng đều ra sức tìm kiếm nhiều biện pháp mạnh mẽ, mới mẻ để quản lý, giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng nhằm ngăn ngừa khủng hoảng, phát triển lành mạnh. Thực tế này gợi mở cho chúng ta nhiều điều bổ ích trong quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính của mình, đồng thời đặt ra những thách thức mới: sinh sau đẻ muộn, hệ thống tài chính - ngân hàng nước ta vốn đã lạc hậu về nhiều mặt so với chuẩn quốc tế nay có nguy cơ khoảng cách khác biệt càng xa hơn.
Ba là, nước ta đang tiến hành quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nhắm tới đích 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp. Chắc rằng, quá trình cơ cấu lại thị trường tài chính nói chung, hệ thống TCTD nói riêng phải là một bộ phận cấu thành và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung này.
Và bốn là, nước ta đang tiến vào “làn sóng” hội nhập mới ở cấp độ cao hơn và sâu hơn việc gia nhập WTO, nổi lên là việc hình thành Cộng đồng ASEAN; cơ chế Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khu vực mậu dịch tự do với Liên hiệp châu Âu... trong đó có nhiều cam kết mới liên quan tới hệ thống tài chính - ngân hàng và với những đối tác rất mạnh và quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực này.
Trong bối cảnh có những nét rất đặc biệt như vậy, đã tới lúc nên suy nghĩ về một chiến lược cơ cấu lại thị trường tài chính sâu rộng và dài hơi hơn, trong đó nổi lên chí ít là năm vấn đề.
Phải chăng trước tiên nên chọn mô hình thị trường tài chính - ngân hàng hay nói một cách khác là định vị hệ thống này trong sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Về phương diện này một số nghiên cứu trên thế giới phân chia các nước thành bốn loại mà chung quy lại là cho dù thị trường tài chính có phát triển hay không người ta chọn ngân hàng hay các thành tố khác trong thị trường ấy để phát triển.
Đối chiếu với sự phân loại như vậy, xem ra nước ta thuộc loại dựa vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy phát triển trong khi các thành tố khác của thị trường tài chính còn yếu kém. Điều này cũng dễ hiểu vì nước ta là một nước đang phát triển lại mới thoát thai từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các thành tố của thị trường tài chính mới sơ khai nên chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng chiếm tới 80-90% tổng nguồn vốn để phát triển. Vấn đề đặt ra là sắp tới ta nên tiếp tục duy trì mô hình này hay mô hình khác? Nếu chủ trương chuyển đổi mô hình thì theo hướng nào? Muốn vậy phải làm gì và làm thế nào?
Hai là chuyển dịch cơ cấu thị trường tài chính nói chung và hệ thống tín dụng nói riêng theo hướng nào? Ở đây có một loạt vấn đề như chuyển dịch vai trò, vị trí của các thành tố trong thị trường tài chính ra sao; các loại hình hoạt động kinh doanh của từng thị trường nên chuyển dịch theo hướng nào; cơ cấu thành phần (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, nước ngoài)... nên chuyển dịch ra sao?
Ba là mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường tài chính, nói cách khác là thể chế nên được đổi mới ra sao. Theo nghiên cứu của một số chuyên gia nước ngoài thì chính phủ nhiều nước đang phát triển có khuynh hướng theo đuổi chính sách kiềm chế tài chính, hạn chế sự tham gia của hệ thống ngân hàng, kiểm soát lãi suất, can thiệp vào sự phân bổ các khoản tín dụng và kết quả là một số ngân hàng lớn đóng vai trò thống trị và nguồn vốn chảy vào các doanh nghiệp lớn. Vậy ở ta về mặt thể chế còn tồn tại những vấn đề gì và chúng cần được đổi mới ra sao, theo hướng nào? Về mặt này còn có một vấn đề nhất thiết cần làm rõ là vị trí, sự phối hợp, điều hòa giữa các cơ quan liên quan như ngân hàng, tài chính, giám sát... thậm chí cả mối quan hệ giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp có điều gì cần được thiết kế lại cho rõ ràng, rành mạch và nhịp nhàng không?
Tiếp đến là vai trò, vị trí của công cuộc cải cách thị trường tài chính trong tổng thế quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình phát triển ở nước ta ra sao? Với tư cách là hệ thần kinh của toàn bộ nền kinh tế, nhất là trong nền kinh tế thị trường, công cuộc cải cách thị trường tài chính chắc phải đóng vai trò cực kỳ quan trọng nếu như không nói là then chốt. Vậy cuộc cải cách thị trường tài chính và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có mối liên hệ thế nào, ở khâu nào là tiền đề, ở khâu nào là hệ quả, cần tiến hành song song hay có khâu phải đi trước một bước...? Trong khuôn khổ đó, còn một vấn đề cần làm rõ là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cần phối hợp, hỗ trợ nhau ra sao?
Và cuối cùng là thị trường tài chính cần được cải cách như thế nào để đón lõng làn sóng hội nhập mới? Về phương diện này tồn tại không ít vấn đề. Đó là nhu cầu nhích gần tới các chuẩn mực tối ưu của thị trường tài chính toàn cầu: rà soát lại xem những chuẩn mực nào còn khác biệt, xích gần như thế nào, theo lộ trình ra sao vì không thể vận hành trên một sân chơi với những luật chơi quá khác biệt. Đó là việc gấp rút chuẩn bị về thể chế, năng lực để tận dụng tối đa những lợi ích của làn sóng hội nhập mới đem lại và ứng phó hữu hiệu nhất những thách thức mới sẽ ập tới. Đó là một vấn đề rất ít được nhắc tới là có định từng bước “quốc tế hóa” tiền đồng hay không một khi hội nhập ngày càng sâu?...
Tóm lại trong khi lo toan những vấn đề nóng bỏng trước mắt không thể không tiếp cận ngay những vấn đề mang tính cơ bản và lâu dài trong công cuộc cải cách thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung; nếu không sẽ lại rơi vào tình thế lúng túng bị động. Hy vọng rằng, những vấn đề như vậy sẽ được luận bàn và sớm quyết định.
Nước ta thuộc loại dựa vào hệ thống ngân hàng để thúc đẩy phát triển trong khi các thành tố khác của thị trường tài chính còn yếu kém. Vấn đề đặt ra là sắp tới ta nên tiếp tục duy trì mô hình này hay mô hình khác? Nếu chủ trương chuyển đổi mô hình thì theo hướng nào? Muốn vậy phải làm gì và làm thế nào?
Vũ Khoan
Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ
Nguồn: Tiền phong