Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

21:00

Hãng du lịch lớn nhất Nga bỏ rơi khách ở VN

 (VTC News) - Hãng du lịch lớn nhất của Nga - Lanta Tour bất ngờ ngừng hoạt động đã khiến nhiều du khách của hãng đang đi du lịch khắp nơi trên thế giới đã lâm cảnh khốn đốn. Trong đó, nhiều du khách Nga đến Việt Nam cũng  bị mắc kẹt.

Việc dừng hoạt động đột ngột của một trong những công ty lữ hành lớn nhất của Nga – Lanta Tour đã khiến 3.500 khách du lịch Nga rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Theo người phát ngôn chính thức của cơ quan liên bang phụ trách Du Lịch đang có mặt tại Thái Lan để giải quyết vấn đề cho hay, vấn đề phức tạp nhất là ở Thái Lan.
Văn phòng  Lanta Tour đóng cửa im lìm

Nhiều khách hàng và cơ quan báo chí đã tập trung trước một chi nhánh Lanta Tour để tìm hiểu sự việc
Theo trang Bigness.ru, các tin tức về việc Lanta Tour bị phá sản đã được đăng tải vào tối thứ Sáu. công ty này thông báo mọi hoạt động đã ngưng lại do không có khả năng chi trả.
Theo số liệu mới nhất, trong khi công ty thông báo ngừng hoạt động, nhóm du khách Nga lớn nhất vẫn đang mắc kẹt ở Thái Lan là 1.072 người, 468 người ở Ấn Độ, 309 người ở Việt Nam, 250 người tại Cộng hòa Séc,  146 người ở Pháp, 135 ở Cuba và 112 người ở Cộng hòa Dominica.
Khoảng 1.000 khách du lịch Nga đã đặt tour du lịch của Lanta Tour sẽ không thể để tận hưởng kỳ nghỉ của họ như dự định. Lanta Tour đã hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 12 năm, đây là công ty chuyên tổ chức các tour cho du khách du lịch tới Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Trong khi đó, rất đông khách du lịch đã đặt tour của Lanta Tour đang vạ vật tại các sân bay
 Kinh Bắc: Theo tin mới nhất của VTV1, Lãnh sự quán Nga tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich và UBND Bình Thuận đã phối hợp giải quyết ổn thỏa. Trước mắt 120 khách du lịch đã lên máy bay về nước. Các cơ sở khách sạn cũng thống nhất tạo điều kiện phục vụ du khách theo yêu cầu.
Thành Công
20:15
Tòa án xét xử Khmer Đỏ cạn sạch tiền

Chi hết 150 triệu USD mới hoàn thành xét xử được một vụ kết án 30 năm tù với một cai tù.          
(NLĐO)- Tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia đã không còn tiền trả lương cho hàng trăm nhân viên vì đóng góp từ các quốc gia tài trợ đều đã cạn ráo, phát ngôn viên tòa án Neth Pheaktra hôm 31-1 cho biết.
Tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia thành lập năm 2006
AFP dẫn lời ông Neth Pheaktra nói không ai trong số 300 người Campuchia làm việc cho tòa án này, từ các thẩm phán tới tài xế, được trả lương tháng này và có thể sẽ không được nhận lương của tháng 2 và tháng 3 tới.

“Chúng tôi không có tiền”, ông Neth Pheaktra tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng nhiều thẩm phán và công tố viên còn không được trả lương từ tháng 10 năm ngoái.

Việc thâm hụt tài trợ này không ảnh hưởng tới 130 nhân viên quốc tế làm việc cho tòa án tội ác chiến tranh vì lương của họ do Liên Hiệp Quốc chi trả.
Lương của các nhân viên người Campuchia lấy từ nguồn đóng góp của các quốc gia tài trợ như Nhật Bản, Pháp và Úc.

Ông Neth Pheaktra cho biết rằng sự việc này ảnh hưởng lớn tới tinh thần của các nhân viên tòa án – những người chỉ dựa vào đồng lương để trang trải cho cả gia đình.

Tòa án xét xử Khmer Đỏ thành lập năm 2006 nhằm tìm lại công bằng cho khoảng 2 triệu người đã chết trong thời kỳ chế độ Khmer Đỏ cai trị từ 1975 đến 1979.

Rắc rối tài chính lần này xảy ra trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc và Campuchia đang rất kín tiếng về việc bổ nhiệm một thẩm phán nước ngoài mới – người muốn có điều tra kỹ hơn về hai trường hợp mới mà chính phủ hoàn toàn phản đối.

Phiên tòa xét xử Khmer Đỏ vốn nhận nhiều chỉ trích vì công việc xét xử diễn ra quá chậm chạp và dai dẳng.

Được biết, các quan chức của tòa án sẽ bay tới New York (Mỹ) vào tháng 2 để gặp các nước tài trợ thảo luận ngân sách năm 2012-2013. Ông cũng cho biết tòa cần khoảng 10 triệu USD từ nguồn tài trợ nước ngoài cho năm 2012, bằng với khoản tiền năm ngoái.

"Chúng tôi hy vọng các nước tài trợ có thể cung cấp khoản hỗ trợ khẩn cấp để giải quyết kịp thời vấn đề tiền lương của nhân viên”, ông Neth Pheaktra cho biết và nói thêm rằng tòa án cần khoảng 10 triệu USD tài trợ trong năm 2012, bằng khoản tài trợ của năm ngoái.

Tòa án xét xử Khmer Đỏ đã tiêu tốn 150 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2006. Tòa này chỉ mới hoàn thành một vụ xét xử- kết án 30 năm tù đối với một cai quản nhà tù. Phiên phúc thẩm dự kiến được mở vào ngày 3-2 tới.
Đỗ Quyên (Theo AFP)
20:10
"Xã hội đen" được giao quản lý đầm ông Vươn?
  
Theo thông tin từ người dân xung quanh, ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn bị bắt, nhiều tay anh chị giang hồ đã đứng ra tiếp quản khu đầm.
Khu vực 4,8 ha diện tích nuôi trồng thủy sản mà gia đình ông Vươn từng được bồi thường gần 300 triệu đồng - Ảnh: P.H.S
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngay sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi vào chiều 5.1, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng khẳng định với báo chí tại cuộc họp báo chiều cùng ngày: “Toàn bộ diện tích khu đầm của gia đình ông Vươn được bàn giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý”. Tuy nhiên, theo một số người dân xung quanh khu đầm, ngay buổi chiều 5.1 (sau khi ông Vươn bị bắt) đã có rất đông người do một chủ đầm cũng ở Tiên Lãng tên Kết điều hành, xuống tiếp quản đầm của gia đình ông Vươn.
Bà Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý, em ông Vươn cũng xác nhận: “Tôi nghe người mua cá tôm và bà con nói lại, người của ông Kết đến tiếp quản khu đầm, đánh bắt hải sản. Ban đầu họ còn bán công khai ngay tại đầm này, sau đó thì họ cho lên thuyền, chở đi nơi khác bán”.
Ông Kết hiện đang sở hữu một khu đầm diện tích lớn hơn nhiều khu đầm của ông Vươn, là người có tiềm lực tài chính, có máu mặt và có quan hệ rộng. Cũng theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, trước ngày UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế khu đầm gia đình ông Vươn, một số “tay chân” của các đàn anh được coi là có máu mặt ở Kiến An, Tiên Lãng (TP Hải Phòng) như: Trọng “ Phồn”; Chương “Sực”; Phường “Tố”... được mời về khu vực cưỡng chế. Điều quan trọng, những người này đều có quan hệ khá thân thiết với chủ đầm Kết.
Chiều 10.1, khi nhóm PV xuống khu đầm bị cưỡng chế để tác nghiệp đã bị đàn em của Phường “tố” cản trở, thậm chí còn định giằng máy ảnh, hành hung một nam phóng viên. Một tay anh chị có máu mặt ở Tiên Lãng có quan hệ với Kết còn thừa nhận, việc đưa người ra khu vực đầm của gia đình ông Vươn là do một số người "có máu mặt nhờ vả" chứ không chỉ vì làm theo đơn đặt hàng của ông Kết.
Trở lại vụ việc hàng chục tấn thủy sản trong đầm của gia đình nhà ông Vươn bị “bốc hơi”, ông Lê Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang nói: “Xã chỉ được giao quản lý khu vực trên chứ không có trách nhiệm bảo vệ thủy sản trong đầm. Việc mất mát gì thì cứ hỏi cái Thương (vợ anh Vươn) vì nó ra quản lý đầm từ ngày mùng 1 tết rồi”.
Tuy nhiên, thực tế trước khi bà Thương và bà Hiền trở về khu đầm sáng mùng 1 tết, thủy sản trong đầm đã bị lấy hết, khu nhà canh đầm ở sâu bên trong khu vực cưỡng chế cũng đã bị đập, đốt. Điều đáng nói là, kể từ khi ông Vươn bị bắt, xã Vinh Quang đã tổ chức lực lượng để bảo vệ hiện trường. Không thể có chuyện người vào tát đầm, bắt cá, phá nhà mà chính quyền xã, huyện lại không hay biết?
Ông Vươn từng được bồi thường
Một điều đáng chú ý là trong hàng loạt văn bản cũng như phần trả lời PV, lãnh đạo huyện Tiên Lãng đều khẳng định thu hồi 40 ha đầm nhà ông Vươn mà không bồi thường, đền bù hoa màu, công bồi trúc, cải tạo. Tuy nhiên, theo một số tài liệu mà Thanh Niên đang có lại chứng minh, năm 2005 gia đình ông Vươn đã từng được thành phố bồi thường khi tiến hành thu hồi hơn 4,8 ha đất đầm nuôi trồng thủy sản (cùng trong khu 40 ha đầm, ở Cống Rộc, Vinh Quang).
Theo đó, năm 2005, UBND TP Hải Phòng có quyết định thu hồi đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Theo quyết định này, gia đình ông Vươn bị thu hồi hơn 4,8 ha đất trong số 40,3 ha đầm nuôi trồng thủy sản tại khu Cống Rộc. UBND huyện Tiên Lãng, Ban đền bù thành phố... cũng xác định rõ trong bảng tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đây là đất nông nghiệp hạng 5, loại đất nuôi trồng thủy sản. Không biết các sở ban ngành tính toán thế nào, chỉ biết rằng với 4,8 ha đất nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Vươn được bồi thường cho tất cả các hạng mục như: khối lượng đắp bờ bao, nhà chòi, chi phí cải tạo đầm, hỗ trợ về lao động... với số tiền lên tới gần 300 triệu đồng.
Chưa kể, nếu theo quyết định thu hồi đất năm 2005 của UBND huyện Tiên Lãng thì gia đình ông Vươn chỉ còn sử dụng hơn 35 ha. Thế nhưng không hiểu sao quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng vẫn không thèm điều chỉnh mà cứ giữ nguyên diện tích thu hồi là 40,3 ha? 
Phạm Hải Sâm
20:05
Ai sẽ tiếp nhận sự hoang tàn này?
     
      Trước khi trở thành kẻ phạm tội, Đoàn Văn Vương là một người cần cù, lương thiện và có thể gọi là một trí thức chân đất. Vậy ai đã đẩy Vương đến tội lỗi. Phải chăng anh ta đã phạm sai lầm chết người là biến vùng đất hoang thành vùng màu mỡ, sinh lợi?
     Hải Phòng cưỡng chế bằng được khu đầm này phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng chăng?
     Hình ảnh khu đầm của gia đình Đoàn Văn Vương hiện nay:








Một khu đầm khô cạn sau khi thuỷ sản trong đầm bị vơ vét sau ngày cưỡng chế. 
Cửa cống nối thông với hai khu đầm do Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển. 
Bờ đầm vừa được kiên cố bê-tông hoá. 
Đầm đã được “cưỡng chế” sản phẩm. 
 Trước đây, khu vực này là ngôi nhà hai tầng của Đoàn Văn Quý.
Cống Rộc nằm ở cửa sông nên điều kiện nuôi trồng thuỷ sản rất thuận lợi. 
Và ai sẽ là chủ nhân mới khu đầm bạc tỷ?

Ai đã đọc Chí Phèo không thể quên những câu đau đớn của gã: "Tao muốn làm người lương thiện (…) Không đựơc! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện được nữa. Biết không!". Rồi đây ra tòa, mong ĐVV không thốt ra những lời tương tự!

Kinh Bắc, (ảnh Kiên Trung Vnn)
17:40  
Phát hiện văn bản phong “Soái đội Hoàng Sa” 
Vnn- Một sắc phong cổ phong “Soái đội Hoàng Sa” cho một người Quảng Nam vừa được phát hiện tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam...
Theo sắc phong được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) cho biết đây là một trong “Soái đội Hoàng Sa” đầu tiên được phát hiện tại Quảng Nam.
Theo bản dịch mới đây của Thích Chánh Huệ trụ trì chùa Kỳ Viên (Tam Kỳ) và những người am hiểu chữ Hán tại địa phương vừa mới công bố cho biết: bản sắc phong cổ được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê ở xã biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) khẳng định: vào năm Minh Mạng thứ 18 (Mậu Tuất 1838), Tuần phủ Nam Nghĩa chỉ dụ: Trong đội thủy vệ Quảng Nam số 10 có đội binh Lê Văn Ước “đầu quân lâu năm, công vụ cần mẫn nên đề bạt làm quyền Đội trưởng Đội tả thủy vệ Quảng Nam số 1, giao bằng cấp Soái đội, tùy cai quản”.
Như vậy, ông Lê Văn Ước, người con của tộc Lê quê ở phường Hạ, xã Hòa Thanh, tổng An Hòa, huyện Hà Đông cũ (nay là thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh) được phong giữ chức Đội trưởng Đội tả thủy vệ cai quản Hoàng Sa.
Đây là văn bản chữ Hán cổ nhất được lưu giữ tại phổ ý tộc Lê phái nhất vừa được phát hiện.

Văn bản cổ vừa được phát hiện khẳng định người Quảng Nam cũng từng tham gia bảo vệ đảo Hoàng Sa cách đây hơn 300 năm (Ảnh: V.Trường)
Cùng với chỉ dụ của quan Tuần phủ Nam Nghĩa (đứng đầu 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi) cử ông Lê Văn Ước làm Đội trưởng Đội tả thủy vệ. Phổ ý phái nhất tộc Lê còn lưu một chỉ dụ nữa của quan Tri phủ huyện Hà Đông.
Chỉ dụ này căn cứ lệnh cấp trên đã phê giấy chứng nhận giao Đội trưởng Đội tả thủy vệ Lê Văn Ước tuyển mộ thủy quân lấy vải đỏ may cờ nhỏ, trên đó viết dòng chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dũng”.
Như vậy, có thể khẳng định dưới triều Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành lực lượng thủy binh để bảo vệ bờ cõi trên biển và đã từng có những người con Quảng Nam cùng Quảng Ngãi ra bảo vệ Hoàng Sa.
Theo nhiều bậc cao niên am hiểu chữ nho cho biết: công việc thủy vệ lúc bấy giờ chủ yếu đi cai quản các đảo ở Hoàng Sa. Lính thủy binh xa nhà có khi hàng năm trời nên những người tham gia đội thủy binh đều có tinh thần dũng cảm, tự nguyện cao mới được tuyển chọn.
Trong một văn bản cổ khác cũng được lưu giữ tại nhà thờ tộc Lê này cho biết: trong chiếu dụ của quan tri phủ huyện Hà Đông (viết năm Tự Đức thứ 11, năm 1859) về việc mộ thủy binh như sau: Dưới đội thì đội trưởng có quyền mộ binh trong thôn xã để thành lập.
Dưới hạt là các thôn, xã, tùy thực tế mỗi nơi châm chước mà quy định tuyển 50, 60 hoặc trên 40 người làm tiểu đoàn; mỗi tiểu đoàn bố trí một đoàn trưởng, lựa chọn thế nào có thể thu phục được họ.
Quy thúc 5 tiểu đoàn có tên theo thứ tự sẽ thành 1 đại đoàn… Phân tác khí giới tùy theo trong dân, có kiếm sắt hoặc dao rựa thì sửa đổi để dùng đều có thể được. Bình thường lực lượng này là tự vệ hương thôn, ngày tập luyện võ nghệ, đêm thì tuần phòng nhưng nếu có công văn lúc cần lập tức xuất binh.
Với phát hiện này đã khẳng định những người con Quảng Nam cách đây hơn 300 năm đã từng tham gia đội Hùng binh Hoàng Sa, tham gia bảo vệ chủ quyền bờ cõi của tổ quốc.
Vũ Trung

17:00

ACTA - Mối đe dọa mới đối với cộng đồng internet?

Các nghị sĩ Ba Lan đeo mặt nạ để phản đối việc chính phủ ký hiệp ước ACTA.

Cuối cùng thì cả hai dự luật gây tranh cãi là SOPA và PIPA đều đã "tạm biến mất" khỏi Nghị Viện Mỹ. Đó có thể được coi là một chiến thắng bước đầu của cộng đồng người sử dụng internet trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, một bản hiệp ước hoàn toàn mới có xuất xứ từ “lục địa già” châu Âu sẽ có nguy cơ thay đổi hoàn toàn thế giới mạng Internet giống như SOPA hay PIPA sẽ làm (giả sử) nếu chúng được thông qua.

Dân biểu California, Darrell Issa vừa qua cho biết, ACTA (viết tắt của Anti-Counterfeiting Trade Agreement – Hiệp định Thương mại Ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền) hiện tại đang được hội đồng châu Âu thảo luận. Tuy nhiên, một khi được đại đa số các quốc gia sử dụng internet ký kết, thì sức mạnh mà SOPA đem tới cho hệ thống tòa án sẽ “chẳng là gì” so với những gì ACTA mang lại. Theo ông Issa, “đối với cá nhân tôi, một dân biểu trong hạ viện, thì ACTA ẩn chứa nhiều mối nguy hại đến internet hơn cả SOPA. Một khi được thông qua, nó sẽ chẳng thay đổi bất kỳ bộ luật hiện hành nào. Tuy nhiên nếu chuyện đó xảy ra, ACTA sẽ tạo ra cả một hệ thống hành pháp mới, và ở một phương diện nào đó, sức mạnh của Nghị viện sẽ trở nên bất lực trước nó”.

Lời phát biểu của ông Issa đã gần như ngay lập tức làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi sục ngay tại diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ. Tham dự cuộc tranh luận trong khuôn khổ sự kiện bên lề mang tên “Documented@Davos” này không chỉ có ông Darrell Issa, mà còn có rất nhiều tên tuổi khác như nhà sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales, giám đốc pháp Lý của Google David Drummond và đặc biệt là CEO của Mashable, Pete Cashmore.

Sự “bất lực” của Nghị viện các nước trước ACTA “chính là thứ khiến nó trở nên vô cùng nguy hiểm”. Không giống như SOPA, ACTA mang tham vọng lớn hơn rất nhiều so với bộ luật chỉ có tác dụng bên trong nội địa nước Mỹ. Bản dự thảo này được viết ra nhằm mục đích hoạch định một chiến lược bảo vệ tác quyền toàn cầu, cũng như tạo ra những quy chuẩn chung về bản quyền tài sản trí tuệ cho các nước ký kết hiệp ước này. Không dừng lại ở đó, ACTA còn sở hữu nhiều điều khoản không hề liên quan tới internet, ví dụ như bản quyền công thức bào chế một loại thuốc chẳng hạn.

Theo thông tin từ tổ chức "Đấu tranh vì tự do trên Internet" thì tác động của ACTA đến thế giới internet là rất to lớn. Hiểu một cách rất đơn giản thì nó tạo ra một hiệp định giữa những người giữ bản quyền và các nhà cung cấp dịch vụ internet trong việc tạo ra một mạng lưới chống lại nạn vi phạm bản quyền trên internet. Trước đó, vào năm 2008 khi Wikileaks lần đầu tiên cung cấp cho thế giới các thông tin về sự có mặt của ACTA, trang mạng này đã nhấn mạnh vào việc các nhà cung cấp dịch vụ internet bắt buộc phải cung cấp danh tính thật của khách hàng khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Ở thời điểm hiện tại, ACTA đã được tham gia bởi nhiều quốc gia như Ba Lan, Pháp, Italy, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, và vào năm ngoái là Mỹ. Trong khi vẫn chưa thể chắc chắn rằng ACTA sẽ mang lại quyền lực lớn đến đâu, chúng ta hoàn toàn có thể kết luận rằng nhiều mảng được đề cập trong đạo luật SOPA vừa qua được dựa trên nền tảng của chính ACTA.

Cuộc “thánh chiến” (như cách mà các netizen tự gọi hành động đoàn kết phản đối hai dự luật SOPA và PIPA) vừa kết thúc rất có thể là tiền đề để những hành động phản đối hiệp định ACTA được tiến hành. Hiện tại, ở một số nước đã tham gia vào hiệp định ACTA, mà trong đó phải kể tới Ba Lan, cư dân mạng đang sục sôi với những hành động cả trên mạng internet lẫn ngoài đời thực để phản đối hiệp ước này. Với quy mô của ACTA, chắc hẳn những hành động sắp tới của các trang web cũng như những người sử dụng internet sẽ không chỉ diễn ra trong ngày một ngày hai, giống như những gì đã dẫn đến sự kết thúc của chính SOPA chỉ chưa đầy một tuần trước đây.
(Theo MO/Mashable)

16:00

“Thoái vốn đầu tư ngoài ngành chính là sửa sai”

Nhiều ý kiến đổ tất cả “tội vạ” cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về hoạt động đầu tư tràn lan, đầu tư ra ngoài ngành.

Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ  Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá cho rằng, mặc dù, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã họat động kém, làm không ít cái sai, nhưng thực chất họat động đầu tư đa lĩnh vực của họ cũng một phần xuất phát từ chủ trương được đưa ra từ Nghị quyết 9 của Đại hội Đảng lần thứ 9 và Đại hội Đảng lần thứ 10.

Nội dung cụ thể của chủ trương này là: “Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành chính”.

Thưa ông, hoạt động đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua gặp phải thất bại là do đâu?


Đến giờ phút này, tôi cho rằng, chủ trương thành lập tập đoàn, tổng công ty lớn là có nhưng thiếu sự chuẩn bị về các văn bản pháp quy, hoặc đã có văn bản nhưng chưa đầy đủ. Các tập đoàn, tổng công ty này đã ra đời và hoạt động suốt cả 5 năm rồi nhưng đồng thời chúng ta vẫn liên tục đưa ra văn bản quy phạm pháp quy. Nên chuyện “chắp vá”, không đồng bộ là dễ hiểu.

Về cơ chế quản lý, hình như tại các tập đoàn, Thủ  tướng là người quản lý trực tiếp từ sự  hình thành đến nhân sự. Cách điều hành như vậy liệu có đúng không? Cần phải nhìn nhận vai trò  của các bộ chủ quản ở đâu? Do đó, cơ chế quản lý chưa rõ ràng và còn nhiều vấn đề còn tranh luận. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đóng vai trò gì trong việc quản lý Tập đoàn Dệt may?

Doanh nghiệp nhà nước lại là tài sản của dân, của cả quốc gia, do đó phải có người quản lý và phải sinh lãi. Mặt khác, một điểm yếu dễ nhận thấy trong công tác quản lý các tập đoàn này là thiếu sự chuẩn bị về nhân sự. Các tập đoàn lớn cần được những người thật giỏi quản lý. Trong khi đó, chúng ta chưa có sự chuẩn bị, điều này có thể nhìn thấy rõ nhất qua thất bại của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ở các nước khác, việc thành lập tập đoàn nhà nước cũng gắn liền với quá trình chuyển đổi kinh tế nhưng đây là một phần của quá trình chuyển từ kinh tế công sang kinh tế tư. Nhà xưởng, máy móc, thiết bị đã có, chỉ là sự chuyển đổi sở hữu. Trong khi ở Việt Nam, việc thành lập các tập đoàn là đi từ không đến có, từ bé đến lớn, cho nên, tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam ra đời đều gắn với đầu tư công.

Đầu tư công của chúng ta trong thời gian dài đã không tính đến cân đối vốn. Nếu không rõ nguồn vốn thì không nên cấp phép đầu tư. Thế nhưng, có vô số dự án không biết vốn ở đâu, cứ thấy ngày tốt là có quyết định thành lập nên cả chục năm vẫn nằm đấy. Cơ cấu đầu tư cũng không cân đối với nhu cầu dẫn đến hệ quả là đầu tư dàn trải và thua lỗ.

Về chủ trương các doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành, theo ông, nên thực hiện theo hướng nào để tránh những hậu quả đáng tiếc?


Đầu tư dàn trải đã là một cái sai. Nếu xử lý thoái vốn không cẩn thận thì chúng ta lại vấp phải một cái sai mới.

Việc thoái vốn cần thiết phải làm như là một trong những công việc để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đầu tiên phải tái cấu trúc chức năng. Theo đó, doanh nghiệp cần xem xét có được làm lĩnh vực đó hay không chứ không phải chỉ vì không đủ vốn. Thậm chí, có những lĩnh vực đầu tư ước tính là sẽ có hiệu quả, mang lại nhiều lợi nhuận nhưng doanh nghiệp nhà nước không được “mó” tới, không được có mặt.

Thứ hai, phải bắt đầu từ việc phải có một quy chế làm thế nào để việc thoái vốn không làm thất thoát tài sản quốc gia. Hình như, chúng ta vẫn chưa có văn bản cho việc này nên doanh nghiệp lúng túng.

Thoái vốn, theo nghĩa đơn giản là bán vốn cho người khác. Tuy nhiên, việc rút vốn cũng phải đảm bảo không gây xáo trộn. Chúng ta đầu tư ồ ạt vào các doanh nghiệp, nếu khi rút ra không cẩn thận thì có thể sẽ bị một sai lầm khác nghiêm trọng hơn. Bây giờ là lúc phải thực hiện thoái vốn.

Thực chất, nói cho đến cùng, thoái vốn chính là một sự sửa sai. Do đó, phải làm cẩn trọng chứ không thể ào ào được. Thứ ba, việc thoái vốn là phải có lộ trình. Thoái vốn nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp mà mình đầu tư vào. Thoái vốn phải bắt đầu từ chuyện phải xem xét lĩnh vực đó Nhà nước có cần có mặt không.

Như vậy, kinh tế nhà nước chỉ cần có mặt ở một số ngành then chốt, có ý nghĩa sống còn của nền kinh tế?


Nhà nước chỉ cần có mặt ở những nơi liên quan đến quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, những nơi rất cần cho sự phát triển đất nước mà tư nhân không muốn hoặc không thể làm. Những lĩnh vực còn lại để tư nhân làm và Nhà nước chỉ lo quản lý và thu thuế.

Theo tinh thần đó, xin kiến nghị Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư, nên kiên quyết giới hạn hoạt động doanh nghiệp nhà nước trong 4 lĩnh vực. Thứ nhất là các ngành liên quan đến quốc phòng và an ninh. Thứ hai là các ngành cung cấp những hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu cho nền kinh tế như giao thông, thủy lợi, năng lượng. Đây cũng là những khu vực mà tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm.

Thứ ba là những ngành công nghiệp trụ cột, công nghệ cao. Thứ tư là các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên, tức là có lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Nếu áp dụng nguyên tắc này thì ngay cả những tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực như dệt may, cao su, bất động sản... cũng không nên được duy trì.

Và với tư cách là nhà đầu tư, Chính phủ sẽ không đầu tư: thành lập doanh nghiệp để kiếm lợi tức tài chính; đầu tư góp vốn, thành lập doanh nghiệp để kiếm địa tô; đầu tư góp vốn, thành lập doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong các ngành, nghề lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân có khả năng đầu tư và phát triển.
MAI KHANH
15:17  

Lương tăng cũng chưa đủ bù... trượt giá

Kết quả thu thập được từ số liệu của 1.660 doanh nghiệp cho thấy, tiền lương và thu nhập trên danh nghĩa ở các loại hình doanh nghiệp đều tăng.

Tiền lương bình quân và thu nhập bình quân trên danh nghĩa của người lao động trong năm 2011 đều tăng, nhưng, tiền lương thực tế của người lao động tăng chẳng đáng là bao, khi việc tăng lương này chỉ đủ bù trượt giá...

Nhận định trên được bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra tại buổi công bố kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp năm 2011.

Cuộc điều tra do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành với 1.660 doanh nghiệp sử dụng từ 10 lao động trở lên tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng kinh tế của cả nước và có thị trường lao động phát triển.

Cao nhất nhà nước, thấp nhất dân doanh


Kết quả thu thập được từ số liệu của 1.660 doanh nghiệp cho thấy, tiền lương và thu nhập trên danh nghĩa ở các loại hình doanh nghiệp đều tăng. Tiền lương bình quân của người lao động năm 2010 là 3,21 triệu đồng/người/tháng; còn năm 2011 là 3,84 triệu đồng/người/tháng (tăng 19,6% so với năm 2010).

Thu nhập bình quân của người lao động năm 2010 là 3,51 triệu đồng/người/tháng; còn năm 2011 là 4,17 triệu đồng/người/tháng (tăng 14,64% so với năm 2010). Ở khối doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2011, tiền lương bình quân của người lao động bằng 1,4 lần tiền lương bình quân ở các doanh nghiệp không có lợi nhuận, hoặc lỗ.

Tiền lương cao nhất là tiền lương bình quân của người lao động ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (4,41 triệu đồng/người/tháng). Tiếp đến là công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối (3,88 triệu đồng/người/tháng), doanh nghiệp FDI (3,63 triệu đồng/người/tháng). Thấp nhất là doanh nghiệp dân doanh (3,32 triệu đồng/người/tháng).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI trả lương cho lao động quản lý cao hơn khu vực doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước chi phối. Ngược lại, lương của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh và nhân viên thừa hành, phục vụ lại có mức lương bình quân thấp hơn so với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Chênh lệch mức lương cao nhất với mức lương thấp nhất trong doanh nghiệp FDI bình quân khoảng 19,3 lần; còn trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chỉ khoảng 8 lần và trong doanh nghiệp dân doanh khoảng 5,5 lần. Theo bà Minh, qua kết quả này cho thấy tính chất bình quân trong trả lương trong doanh nghiệp nhà nước là phổ biến trong thời gian qua.

Ngân hàng đứng đầu, nông nghiệp “đội sổ”


Theo kết quả điều tra, trong các ngành, tiền lương của lao động ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cao nhất với 4,32 triệu đồng/người/tháng và thu nhập là 5,61 triệu đồng/người/tháng. Tiếp đó lao động thuộc ngành thông tin truyền thông với tiền lương là 4,24 triệu đồng/người/tháng và thu nhập là 5,43 triệu đồng/người/tháng.

Đứng thứ ba là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức lương và thu nhập tương ứng 3,39 triệu đồng/người/tháng và 4,42 triệu đồng/người/tháng. Lao động ở các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp có mức lương và thu nhập thấp nhất, với 2,89 triệu đồng/người/ tháng và 3,78 triệu đồng/người/tháng.

Theo bà Minh, năm 2011 là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lạm phát, giá cả các yếu tố đầu vào của sản xuất tăng cao... Tiền lương tăng hơn so với 2010 nhưng so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 thì mức độ tăng tiền lương thực tế của người lao động chưa đáng kể.

Yếu tố đóng góp chủ yếu cho điều này, một phần là do Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1/10/2011, sớm hơn một quý so với quy định. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiết kiệm chi phí, tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh tiền lương người lao động để đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động.

Kỷ lục thưởng Tết thuộc về doanh nghiệp FDI


Về thưởng Tết, tiền thưởng bình quân Tết Dương lịch cả nước năm 2012 là 928.000 đồng/người, chỉ bằng 88,6% so với mức thưởng Tết Dương lịch bình quân năm 2011. Tiền thưởng bình quân Tết Nguyên đán năm 2012 là 3,218 triệu đồng/người, bằng 120,2% so với năm 2011.

Mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay cao nhất là 400 triệu đồng, thấp nhất chỉ 50 nghìn đồng, đều thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Xếp sau doanh nghiệp FDI là các khối công ty cổ phần chi phối với mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 356 triệu đồng (thấp nhất là 100 nghìn đồng và trung bình là gần 3,3 triệu đồng).

Các doanh nghiệp dân doanh xếp thứ 3 với mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 250 triệu đồng (thấp nhất là 100 nghìn đồng, trung bình là hơn 2,6 triệu đồng). Các công ty nhà nước tỏ ra “kém cạnh tranh” nhất khi mức thưởng Tết cao nhất chỉ là 130 triệu đồng (thấp nhất 200 nghìn đồng, trung bình là hơn 3,7 triệu đồng).

Tp.HCM tiếp tục dẫn đầu về mức thưởng cao nhất 400 triệu đồng và trung bình là 4,708 triệu đồng. Còn Cần Thơ mức thưởng cao nhất là 250 triệu đồng nhưng lại dẫn đầu với mức thưởng bình quân cao nhất 7,5 triệu đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương còn có mức thưởng Tết thấp nhất là 50 nghìn đồng, trong khi các địa phương khác mức thưởng Tết thấp nhất là từ 200 nghìn đồng tới 2 triệu đồng.

* Cuộc điều tra tình hình lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành hàng năm. Điều tra này có mục đích thu thập các thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp. Đồng thời, công bố mức tiền lương, tiền công bình quân của các loại hình doanh nghiệp, một số ngành, nghề, công việc chủ yếu trên thị trường nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận mức tiền lương, tiền công theo quy định.
(VnEconomy) LÝ HÀ

13:00

Bao giờ hết "CHẠY DỰ ÁN"?!

Nhìn từ những vụ việc như Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Tài chính hay Thứ trưởng Bộ Y tế, kê khai, công khai tài sản, luân chuyển cán bộ...là không đủ chống tham nhũng trong giới cán bộ, công chức nhà nước.
Một tin đáng chú ý đầu năm là công an phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó vụ trưởng vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, bộ Tài chính vì tội "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" của một số tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến 80 tỷ đồng-một con số không hề nhỏ.
Các bản tin dùng chữ "nguyên", có thể gây hiểu nhầm là ông Tuấn đã tham ô trong thời gian ông đã không còn làm ở bộ Tài chính. Tham ô - phải gọi đúng từ này hành vi của ông Tuấn bởi  ông này thực sự đã lợi dụng chức vụ của mình để thực hiện các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những doanh nhân tưởng rằng ông này có thể dùng quyền hạn của mình để chạy dự án cho họ.
Cụ thể, như ông Trần Đức Dương, giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng tháng 7.2011 đã được ông Tuấn, khi đó đang làm phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, bộ Tài chính gợi ý chạy gói thầu thi công xây dựng trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) với tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Ông Tuấn đã đòi 5 tỷ đồng, thực tế đã nhận 1,5 tỷ đồng nói để sử dụng "bôi trơn", chạy dự án. Cũng thủ đoạn tương tự, ông Tuấn đã kiếm đựoc 1,2 tỷ đồng từ một doanh nghiệp ở phố Hòa Mã, Hà Nội để chạy dự án cho đại học Hùng Vương. Tuy nhiên, số tiền lừa đảo lên tới trên 75 tỷ đồng khác đối với những tổ chức, cá nhân nào chưa được công bố và số tiền này có thể không đòi lại được do bị can Trần Anh Tuấn đã kịp bỏ trốn ra nước ngoài từ tháng 11.2011.
Với những cán bộ cấp vụ như ông Trần Anh Tuấn, khi dự án không chạy được thì ông này bị coi là lừa đảo nhưng nếu dự án được chấp thuận thì có thể nói, ông này đã thành công trong việc "bán quyền ăn tiền". Bởi lẽ, ở vị trí phó vụ trưởng một vụ quan trọng của bộ Tài chính trong việc lên kế hoạch, phân bổ tiền ngân sách, ông Tuấn có thể gây ảnh hưởng, chạy chọt, "bôi trơn"...các bộ phận khác trong bộ.
Từ trường hợp này, có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước thực tế đã không giảm cho dù các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng hiện nay như Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, Thanh tra Chính phủ mấy năm nay đã triển khai nhiều biện pháp mới như: bắt buộc kê khai rồi mới đây là yêu cầu kê khai rồi công khai tài sản, thanh tra trách nhiệm trong việc triển khai phòng, chống tham nhũng ở đơn vị; luân chuyển cán bộ...
Chưa có một thống kê đầy đủ nào về số lượng cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng bị phát hiện trong từng năm, số tiền tham nhũng tăng, giảm...mặc dù Thanh tra Chính phủ vẫn họp báo công bố các kết quả thanh tra hàng quý. Trong hàng loạt các báo cáo của các bộ, ngành trong buổi "đối thoại về phòng chống tham nhũng" tổ chức cuối năm 2011, mặc dù ngành nào cũng nêu thực hiện hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực phụ trách nhưng việc chỉ điểm ai, hành vi nào, mức độ tham nhũng trong các ngành đó đều rất mờ nhạt, không cụ thể.
Ở các cơ quan tư pháp, số lượng các vụ tham nhũng có rõ ràng hơn chút. Theo báo cáo mới nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì trong 5 năm: 2007-2011, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố 1.406 vụ với 3.035 bị can-tức là mỗi năm khởi tố khoảng 280 vụ/600 bị can. Đáng chú ý năm 2010, theo tổng hợp của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong 9 tháng đầu năm 2010 thì số vụ đem ra truy tố, xét xử về tội danh tham nhũng lại giảm: do trong thời gian này, số vụ khởi tố chỉ còn 188 vụ với 373 bị can, giảm 23%. Còn từ 1.10.2010 đến 30.9.2011, số vụ khởi tố là 220 với 449 bị can, đã truy tố 219 vụ với 456 bị can; xét xử sơ thẩm 229 vụ và 501 bị cáo. Còn từ đó đến nay, chưa có kết quả tổng hợp mới hơn.
Nhưng có một điều dễ thấy, nhiều vụ việc có những bằng chứng tham nhũng khá rõ ràng, thường do cơ quan công an điều tra, phát hiện nhiều hơn vẫn chưa khẳng định đúng tên của căn bệnh này ở đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Trước vụ Trần Anh Tuấn, ai cũng biết đến vụ Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã dùng ảnh hưởng của mình, "vay" tiền của doanh nghiệp -Công ty BV Pharma với số tiền trên 2 tỷ đồng. Tuy khoản vay có lãi suất nhưng thấp hơn nhiều so với lãi suất thị trường vào thời điểm vay. Nhưng với mức chênh lệch lãi suất từ các khoản vay đó, ông Quang có thể nói đã hưởng lợi trong khi đứng ở vị trí là thứ trưởng, quản lý doanh nghiệp. Cho nên, một biểu hiện của sự lạm quyền, là khi doanh nghiệp bí vốn, đòi trả lại. Ông Quang còn bị xác minh, kết luận là sử dụng bằng (tiến sĩ) giả và mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật ông này với hình thức cảnh cáo và yêu cầu cơ quan cấp trên của ông Quang xử lý hành chính ông này theo thẩm quyền.
Một chuyên viên đã nhiều tuổi tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với người viết bài này: "Chống tham nhũng cái gì? Bây giờ họ tinh lắm, ngửi thấy cái gì có mùi tiền thì mới làm, làm nhanh lắm. Không phải tự nhiên người ta đua nhau "chạy" bằng được vào các vị trí, bộ phận có thể ra tiền như cấp phép, xét duyệt dự án...hoặc có thể có điều kiện thăng tiến nhanh".
Một trong những nguyên nhân do giải thích cho hiện tượng tham nhũng, lạm quyền để gây nhũng nhiễu, vòi tiền của cán bộ, quan chức nhà nước được nêu trong Đối thoại phòng chống tham nhũng là thu nhập còn thấp. Có những tính toán, khảo sát cho thấy, nếu chỉ với mức lương, bổng hiện hành, chỉ đủ cho cán bộ, chuyên viên trong các bộ, ngành nhà nước sống bình thường trong...1 tuần và 3 tuần còn lại, họ phải tìm kiếm các cách khác nhau để sống. Có những người trình độ, khả năng thì có các khoản thu từ việc viết  lách báo cáo, tham gia các nhóm nghiên cứu, hội nghị, hội thảo; có những ngành thì có cán bộ, chuyên viên có các khoản thu nhập thêm mang tính "dưỡng liêm" như ngành kiểm toán, thanh tra, kiểm sát... nhưng cũng có nhiều người ở vị trí không thể làm gì phải làm thêm bên ngoài hoặc ở những vị trí như cấp giấy phép, cấp đăng ký...thì hiện tượng nhũng nhiễu, tham ô sẽ trắng trợn, phổ biến hơn.
Mặc dù nói rằng, lương bổng, thu nhập thấp chỉ là một lý do thúc đẩy một bộ phận cán bộ, công chức tham nhũng, còn nhiều lý do khác về cơ chế, thiếu sự giám sát, lòng tham...Nhưng tình trạng để lương bổng, thu nhập của khối doanh nghiệp cách khá xa với khối hành chính, sự nghiệp hiện nay cũng có thể nói đang gây quan ngại cho các nỗ lực chống tham nhũng ở khối cán bộ, công chức các bộ, ngành.
Đã từ lâu, có nhiều tiếng nói từ nhiều cán bộ, công chức cho rằng, họ ở mức thu nhập quá thấp nhất là so với các mức lương của ngành điện, ngân hàng, dầu khí, than-khoáng sản...được công bố trên báo. Mặc dù đòi hỏi sự cào bằng là khó nhưng dường như sự chênh lệch này đang gây nên những "ấm ức" trong giới cán bộ, công chức khu vực hành chính-sự nghiệp và nó có thể kích thích, thúc đẩy những hành vi thiếu liêm chính ở khu vực này.
(VietNamnet) Nguyên Hà
12:00

TPHCM: Bệnh nhiễm não mô cầu lan nhanh

Chiều ngày (30/1), thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, đã có thêm 2 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nhiễm não mô cầu.

Như vậy, bệnh đã xuất hiện ở 10 quận, huyện tại TPHCM. Hai trường hợp mới phát bệnh ở quận Bình Tân và huyện Củ Chi, cùng nhập viện BV Nhi đồng 1 (TPHCM) vào chiều 29/1.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay (30/1), toàn TPHCM đã có 10 ca nhiễm não mô cầu. Trong đó, chiếm đa số là trẻ em (7 trường hợp) và bệnh đã lan ra 10 quận, huyện của TPHCM (gồm: các quận 7, 8, 9, 10, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, các huyện Bình Chánh, Củ Chi).

Các trường hợp bệnh nhiễm não mô cầu này đều được cách ly điều trị. Đồng thời, những người có tiếp xúc với bệnh nhân đều được theo dõi, kiểm tra sức khỏe và uống thuốc dự phòng; thực hiện sát trùng khử khuẩn khu vực có người bệnh để ngăn chặn lây lan dịch.

Theo đánh giá của Sở Y tế TPHCM, sau tết là thời điểm bệnh dễ lây lan và khó kiểm soát vì lượng người từ các tỉnh về lại TP rất đông, trong đó, có thể mang theo mầm bệnh, đồng thời các khu công nghiệp, trường học, khu dân cư lại bắt đầu tập trung với mật độ cao.

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở y tế phối hợp với các công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp kiểm soát, xử lý khử khuẩn các ổ dịch; lập danh sách tất cả người sống trong khu nhà trọ có bệnh nhân và danh sách công nhân/nhân viên công ty và khu công nghiệp, nhà trọ có người bệnh để tiến hành giám sát điều trị dự phòng; hướng dẫn chủ nhà trọ khử trùng toàn khu nhà trọ có bệnh nhân bằng Chloramin B. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men, vật tư y tế cho phòng chống dịch.

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM chiều nay cũng cho biết, đã có trường hợp bệnh nhân tay chân miệng tử vong. BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TPHCM) tiếp nhận 64 ca tay chân miệng trong thời gian tết Nhâm Thìn (từ 28 tháng chạp đến mùng 4 tết, tức 21-26/1).


Theo nghiên cứu của TS.BS.CK2 Nguyễn Trần Chính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM): nhiễm não mô cầu (còn được gọi là màng não cầu) là bệnh trên người, với nhiều bệnh cảnh khác nhau (riêng rẽ hoặc phối hợp) tại nhiều cơ quan như đường hô hấp, máu, hệ thần kinh, khớp, màng tim, mắt, đường niệu và sinh dục.

Các thể bệnh thường gặp và nguy hiểm là: viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Đặc biệt, bệnh nhân có thể bị kết hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết.

Trong đó, thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân nhiễm có thể tử vong. Bệnh diễn tiến rất nhanh, gây tử vong trong thời gian ngắn (từ 6-12 giờ sau khi phát bệnh), ngay cả khi bệnh nhân đã được điều trị tích cực.

BS Nguyễn Quang Trung, Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới, cho biết thêm, bệnh dễ nhiễm nhất là ở thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và đặc biệt là trẻ nhỏ.

Người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đồng thời phát ban đỏ ở cẳng chân, hai bên hông, mông.

Là bệnh nguy hiểm và đặc biệt lây lan nhanh, dễ dàng qua đường hô hấp nên nhiễm não mô cầu có thể gây dịch, nhất là trong những môi trường sống tập thể có diện tích sinh hoạt dưới 1m2/người.

Bệnh dễ lây lan ở những khu nhà trọ, trong không gian chật chội, điều kiện vệ sinh kém.

Bác sĩ khuyên người dân nên giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nếu có biểu hiện bệnh thì phải đến bệnh viện ngay để được điều trị sớm.

Theo Nguyên Mi
Thanh niên
10:56  

Làn sóng biểu tình "Chiếm Phố Wall" lại bùng phát



Sau một thời gian tạm thời lắng dịu, trong hai ngày qua làn sóng biểu tình "Chiếm Phố Wall" tại Mỹ lại gây sự chú ý của cộng đồng thế giới khi đồng loạt diễn ra ở nhiều thành phố sau khi cảnh sát thành phố Oakland, bang California, dùng vũ lực giải tán và bắt giữ hàng trăm người biểu tình.

Ngày 30/1 được gọi là "ngày toàn quốc phản kháng" khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố nhằm bày tỏ tình đoàn kết với hơn 400 người bị bắt giữ tại Oakland.
Sáng 30/1, hàng trăm cảnh sát cùng nhân viên Sở dịch vụ công viên thủ đô Washington đã được điều động tới hai khu công viên chính của thành phố là Freedom Plaza, nằm ngay cạnh khuôn viên Nhà Trắng và McPherson Park gần tòa nhà Quốc hội để cưỡng chế người biểu tình tuân thủ thời hạn chót 12 giờ trưa 30/1 phải tháo dỡ toàn bộ các tấm biển quảng cáo và lều trại họ đã dựng lên suốt từ tháng 10/2011 tại hai khWall viên công cộng này. Người biểu tình tố cáo cảnh sát sử dụng súng điện Taser để bắt giữ một thành viên của họ.
Tại thành phố Charlotte, bang Carolina Bắc, cảnh sát địa phương cũng bắt giữ hàng chục người biểu tình khi họ không chịu tháo dỡ khu lều trại dựng lên trước cửa tòa nhà Hội đồng thành phố.

Tại thành phố New York hơn 300 người biểu tình đã diễu hành qua các đường phố để biểu thị sự ủng hộ đối với hơn 400 người biểu tình bị bắt giữ tại California. Ít nhất đã có 12 người biểu tình bị bắt giữ khi ném chai lọ và gạch đá về phía những cảnh sát đi bộ hoặc đi xe ôtô giám sát họ.
Đây là trường hợp có số người bị bắt đông nhất kể từ tháng 9/2011 khi làn sóng biểu tình "Chiếm Phố Wall" bùng nổ tại thành phố New York và lan rộng khắp các thành phố thuộc 50 bang của Mỹ và hàng trăm thành phố khắp các châu lục phản đối các chính sách và luật lệ bất công./.
(Vietnam+)
10:45

Học trò nghèo trường Ams du học Mỹ


Hôm qua (30/1), Nguyễn Trung Hiếu (lớp 11 chuyên Lý THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) bay sang Mỹ du học trường Besant Hill, đặt nền móng cho ước mơ trở thành kỹ sư ngành y sinh học.


Thầy dạy Địa Vũ Quốc Lịch, người giới thiệu bài văn viết về đồng tiền của Nguyễn Trung Hiếu đến độc giả đã rất xúc động khi học trò đến từ biệt trước khi lên đường du học. Thầy Lịch đã viết lại đoạn kết có hậu của Hiếu, VnExpress xin giới thiệu nguyên văn bài viết này.
Chiều muộn ngày 28/1, tức mùng 6 Tết Nhâm Thìn, trời Hà Nội lạnh giá, mưa nặng hạt. Có lẽ chỉ ai có công việc cần kíp lắm mới ra đường. Các nhà ven đường đóng cửa im ỉm để tránh gió mùa đông bắc. Tôi nghe tiếng gõ cửa và ra đón khách. Người khách hôm nay, học sinh của tôi nhưng giờ là người “nổi tiếng”, là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của thủ đô năm 2011.

Em cùng gia đình đến nói lời cảm ơn với tôi và chào tôi để ngày 30/1 bay sang Mỹ du học.

Em chính là Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1995, học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng đã luôn biết vươn lên trong học tập. Bước ngoặt cuộc đời của em chính là từ bài văn nghị luận viết về giá trị của đồng tiền, trong đó em đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Đọc bài văn tôi nhận thấy giá trị nhân văn lớn trong đó. Cảm thông gia cảnh của em, ngày 6/11/2011, tôi đã viết bài giới thiệu bài văn của Hiếu trên báo để những giá trị nhân văn lấp lánh trong bài văn của em đến được với mọi người và hy vọng bạn đọc sẽ chia sẻ một phần những khó khăn của gia đình em.

Vượt qua kỳ vọng của tôi, hàng chục báo đã đăng tải lại bài viết này. Hiếu đã nhận được sự chia sẻ cả về tinh thần và vật chất của đông đảo bạn đọc và các nhà hảo tâm trên cả nước, trong đó có cả chính khách như Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Thành đoàn Hà Nội đánh giá bài văn của Hiếu “là một thông điệp sống, gạt bỏ, đẩy lùi sự ích kỷ, nhân lên tình thương yêu, vị tha và trách nhiệm, có tác dụng thức tỉnh nhiều bạn trẻ chưa nhận diện đúng giá trị của đồng tiền đối với cuộc sống”. Bài văn của em được Thành đoàn Hà Nội sử dụng làm tài liệu sinh hoạt Đoàn.

Hiếu lọt vào danh sách 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2011 do Thành đoàn Hà Nội bầu chọn và làm lễ vinh danh tổ chức vào 31/12/2011 tại quảng trường Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ba Đình lịch sử.

Hiếu vẫn nuôi hy vọng sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ được du học. Mơ ước của em nay đã thành hiện thực. Từ thông tin trên báo chí, tiến sĩ Mark Ashwill Ashwill nhà sáng lập và điều hành Capstone Việt Nam, công ty phát triển nguồn nhân lực có trụ sở tại Hà Nội đã viết bài giới thiệu “câu chuyện của Hiếu” (Hieu’s Story) kêu gọi mọi người hãy đọc bài văn của Hiếu, hãy khóc, và hãy để cho bài viết ấy truyền cảm hứng và năng lượng; rồi hãy lên kế hoạch cho những bước tiếp theo của các bạn và hành động. Trên trang web chính thức của công ty, ông đã cho để nguyên đường link dẫn tới bản dịch Tiếng Anh, bản gốc Tiếng Việt của bài báo tôi viết giới thiệu bài văn của Hiếu.

Tháng 11/2011, Capstone Việt Nam phối hợp với Linden Boarding School Tours đã tổ chức triển lãm các trường nội trú quốc tế tại Hà Nội. Tham gia cuộc triển lãm này có 4 trường của Canada và 11 trường học của Mỹ. Ông Randy Bertin, Hiệu trưởng trường Besant Hill, một trường nội trú tại thành phố Ojai, bang California, đã bày tỏ sự quan tâm đến trường hợp của Hiếu. Bà Terra Furguiel, Giám đốc Tuyển sinh và Hỗ trợ Tài chính của trường Besant Hill cũng đã đồng tình với quyết định của ông Randy Bertin là tặng Hiếu học bổng 3 năm trung học.

Hiếu không phải là học sinh Việt Nam đầu tiên nhập học ở trường Besant Hill, nhưng là học sinh đầu tiên đến từ Hà Nội và cũng là học sinh đầu tiên đến từ trường Hà Nội - Amsterdam. Sang Mỹ, Hiếu dự định sau khi tốt nghiệp trung học, em sẽ cố gắng tìm kiếm học bổng để tiếp tục học lên đại học, thực hiện ước mơ theo học ngành kỹ sư y sinh học để giúp đỡ không chỉ mẹ (người phải chạy thận hàng tuần) hay những người tàn tật, mà còn cả những người đang phải đấu tranh với căn bệnh nan y như ung thư hay AIDS.

Capstone Việt Nam đã chi trả toàn bộ chi phí đăng ký xin visa và phí SEVIS, tiền vé máy bay cho Hiếu. Tiến sĩ̃ Mark Ashwill Ashwill cũng đã vận động và được một số nhà hảo tâm như Tom Leckinger, Greet Provoost - Giám đốc Chương trình Quốc tế - ĐH Mississippi (The University of Mississippi); Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành AmCham - Hà Nội; và Cindy Epperson, Giáo sư Xã hội học/Nghiên cứu Toàn cầu và Điều phối viên Chương trình Hợp tác Quốc tế - Cao Đẳng Cộng Đồng St. Louis – Meramec… cùng với công ty của ông cam kết tài trợ mọi chi phí sinh hoạt trong quá trình học tập tại Mỹ của Hiếu.

Tiến sĩ Mark Ashwill Ashwill cho biết: "Tôi thật sự ngưỡng mộ Hiếu, người đã vượt qua rất nhiều khó khăn khi còn rất nhỏ và luôn say mê giúp đỡ người khác. Cậu bé thực sự là nguồn cảm hứng và là hình mẫu cho giới trẻ. Chúng ta, bằng mọi cách (không chỉ về tiền bạc), phải hành động nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người trẻ tuổi như thế. Việt Nam và thế giới thực sự cần nhiều người như Hiếu. Chúc Hiếu sẽ đạt được nhiều thành công trong học tập và cuộc sống trên đất Mỹ. Tôi tin em sẽ biết cách tận dụng tối đa cơ hội tuyệt vời này".

Vâng, đây là một đoạn kết có hậu mà tôi khi viết bài giới thiệu bài văn của Hiếu cũng không thể ngờ đến. Xin cảm ơn tiến sĩ Mark Ashwill Ashwill và chúc Nguyễn Trung Hiếu “thượng lộ bình an”, nỗ lực hết mình để đạt thành công như bao người kỳ vọng.
Vũ Quốc Lịch

09:00
TP Mỹ Tho:
Cải cách hành … “dân là” chính*

Từ nhiều năm nay, TP.Mỹ Tho đã áp dụng thủ tục hành chính “một cửa”, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị hành một cách vô lý.

Chẳng hạn thủ tục chuyển nhượng nhà đất, theo quy định chỉ cần có hợp đồng chuyển nhượng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và các thủ tục về thuế. Nhưng khi đến nộp hồ sơ thì cơ quan thuế lại đòi thêm bản sao giấy CMND, bản sao giấy đăng ký kết hôn, bản sao hộ khẩu…
Theo đại tá Lê Dũng, đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, thì “có khi cơ quan công quyền lại quá lo cho dân”. Ví dụ luật Hôn nhân gia đình quy định tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung. Vì vậy, khi người dân đăng ký quyền sở hữu do một người đứng tên, nếu có vấn đề phát sinh thì người vợ hoặc chồng sẽ khởi kiện và tòa sẽ xử. Trong khi đó thì cơ quan công quyền lại yêu cầu người dân phải chứng minh đây là tài sản riêng thì mới được đăng ký. Khó hiểu nhất là khi làm thủ tục xin cấp chủ quyền nhà, cơ quan thuế đòi người dân phải có hóa đơn đỏ mua vật liệu xây dựng để chứng minh là tự xây dựng. Ông Dũng đặt vấn đề: “Nếu sợ trốn thuế tại sao không quản lý người bán mà lại quản lý người mua?”
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND TP.Mỹ Tho - Ảnh: Hoàng Phương 
Theo nghị định của Chính phủ thì một việc không trả hồ sơ để người dân bổ sung quá 2 lần, trừ trường hợp do người dân thiếu sót. Nhưng theo ông Dũng thì "ở cấp xã có những trường hợp người dân phải bổ sung tới 5 lần, thậm chí tới…7 lần! Thậm chí, có những trường hợp người dân đã cất nhà ở từ trước ngày 15.10.1993 rất lâu, nhưng chẳng rõ do sơ suất của ai mà khi được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp lại không nói tới đất ở. Thế là bây giờ người dân buộc phải đi “xin” quyền sử dụng đất ở. Nhưng khi cấp xã  làm xong, nộp về trên thì trên lại “phán” trường hợp này sai pháp luật, phải thu hồi GCNQSDĐ, phải tổ chức thanh tra và phải lập lại hồ sơ hết sức nhiêu khê. Chính vì vậy mà tại UBND xã Đạo Thạnh còn tồn đọng hơn 300 hồ sơ, xã Trung An còn hơn 1.000 hồ sơ, không giải quyết được cho dân”, ông Dũng bức xúc.
Ngay tại Sở Tài nguyên - Môi trường Tiền Giang lại có quy định khi người dân sang nhượng đất buộc phải trích biên bản đo đạc, trong khi chính cơ quan này thiết lập và giữ biên bản nhưng lại buộc người dân phải đi trích lục để đi nộp cho mình. Chưa kể người dân còn bị yêu cầu phải nộp thông báo miễn thuế thu nhập cá nhân bằng bản chính, trong khi ngành thuế lại nói chỉ có một bản chính, không thể giao cho người dân.
Hoàng Phương (Tựa đề của Kinh Bắc)