Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

Mất tiền vào trường tư vẫn còn đủ loại tiền hối...

 

Lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh

 Cập nhật lúc 09:18  

Dù đã có quy định về những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu và không được phép thu nhưng nhiều ban đại diện vẫn đề ra la liệt các khoản thu khiến chính phụ huynh bức xúc.

 Tiền tỉ quỹ phụ huynh chi cho nhà trường

Phụ huynh Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bức xúc cho biết tuy là trường tư thục, về nguyên tắc học phí đã phải tính đúng tính đủ, nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) của trường này vẫn đề ra mức thu quỹ phụ huynh rất vô lý. Theo đó, riêng học kỳ 1, mỗi HS phải đóng 700.000 đồng quỹ phụ huynh trường… Trường này dự kiến thu tổng quỹ phụ huynh lên tới hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó chủ yếu chi cho việc lễ tết, hiếu hỉ.

 


Ví dụ, dịp 20.11, dự kiến chi quà tri ân các thầy cô và nhà trường lên tới 750 triệu đồng; ngày 20.10 hỗ trợ hoạt động, tặng hoa cũng lên tới 200 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động khai giảng cũng 200 triệu đồng; hỗ trợ nhà trường và chúc mừng thầy cô đầu năm dương lịch 100 triệu đồng; tiền bưu thiếp, in phong bì cho cả năm học 15 triệu đồng; hỗ trợ các hoạt động văn nghệ vào các dịp lễ tết tới 240 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động đoàn, đội 80 triệu đồng…


Phụ huynh trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng mức thu quỹ phụ huynh của trường rất vô lý. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Vị phụ huynh này chia sẻ với PV Thanh Niên: “Nhìn những khoản dự kiến chi lên tới hơn 2,5 tỉ đồng cho 1 học kỳ, đồng nghĩa với việc hơn 5 tỉ đồng một năm học mà thực sự tôi thấy chóng mặt. Những khoản chi lớn nhất đều là chi cho nhà trường, hiếu hỉ… trong khi HS vẫn phải đóng quỹ phụ huynh lớp lên tới tiền triệu mỗi học kỳ”.

 


Các khoản thu, chi khiến phụ huynh bức xúc vào đầu năm học. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Học phí của Trường Lương Thế Vinh ở cấp THCS là 3,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn là 40.000 đồng/bữa, tiền hỗ trợ bán trú là 2 triệu đồng/năm học. Ngoài ra còn khoản thu HS học các câu lạc bộ tự nguyện…

“Tôi cứ nghĩ vào trường tư thục thì nhà trường sẽ tính đúng, tính đủ trong học phí, không bị thu các khoản phụ phí nữa, ai ngờ việc thu các khoản tự nguyện nhưng cào bằng và bất chấp quy định hơn trường công”, vị này nói.

 Những khoản thu vô lý        

Ngoài ra, cũng theo một số phụ huynh, Trường Lương Thế Vinh còn thu một khoản rất vô lý là “phí sổ liên lạc điện tử” với mức 1,1 triệu đồng/năm học, trong khi hiện nay Hà Nội đã áp dụng các phần mềm sổ liên lạc điện tử miễn phí nhưng trường này không dùng mà tự làm một phần mềm liên lạc riêng không có gì khác biệt và thu tiền triệu mỗi năm. Với hàng nghìn HS, số tiền thu về là rất lớn, trong khi dùng các phần mềm liên lạc miễn phí thì không tốn kém.

Cũng tại một trường tư thục khác ở Hà Nội, Trường THPT Văn Lang, phụ huynh bức xúc phản ánh với báo chí về các khoản thu ngoài học phí đầu năm học 2022 - 2023 khi cộng các khoản phải đóng đầu năm cho học kỳ 1 lên đến 4,5 triệu đồng như: phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…

 


Phí phát triển trường mỗi học kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường “xanh - sạch - đẹp” (1,5 triệu đồng/học kỳ); hỗ trợ học phẩm, học liệu thí nghiệm, điều hòa, máy chiếu, photo in ấn các tài liệu và đề thi chung của trường (500.000 đồng/học kỳ); hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, hoạt động chung toàn trường (500.000 đồng/học kỳ). Bên cạnh đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể toàn diện nằm trong khoản nhà trường thu hộ cũng được liệt kê. Tính trung bình một năm học, ngoài học phí, mỗi HS sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng như thông báo. Mức đóng góp này là nhiều và gây thắc mắc ở những khoản như quỹ phụ huynh lớp lại thêm quỹ phụ huynh trường, rồi phí phát triển nhà trường mà không rõ chi cho các khoản gì.

Một phụ huynh học sinh lớp 5 ở Hà Nội thì bức xúc vì ngoài đồng phục của trường, ban đại diện phụ huynh còn “đẻ” ra đồng phục lớp, đồng phục khối.

 Trường mầm non cũng nghĩ cách để tận thu

Một số phụ huynh Trường mầm non Cự Khê (H.Thanh Oai, Hà Nội) đã làm đơn phản ánh với các cấp lãnh đạo về việc đầu năm học nhà trường giới thiệu tổ chức một số lớp dạy học theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới. So với lớp bình thường, mức tiền đóng thêm của lớp này là 500.000 đồng/tháng.

Các phụ huynh cho hay họ mong muốn con mình được học trong lớp phương pháp mới nên xin vào các lớp học này. Tuy nhiên, đến buổi họp phụ huynh, họ mới “ngã ngửa” khi nhà trường cho biết với các lớp “xã hội hóa” này, số tiền 500.000 đồng/tháng mà họ phải đóng thêm sẽ được chia làm 2 phần: 50% nộp về cho nhà trường và 50% giữ lại ở lớp. 50% nộp về nhà trường được thông báo dùng để chi cho việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường (mái tôn sân chơi, sân sau các lớp, mua máy in, máy tính...). Bảng kế hoạch được nhà trường lập ra, nhưng phụ huynh cho hay chưa hề được họ đồng ý thông qua. Các phụ huynh không đồng tình bởi tiền đóng góp cơ sở vật chất đầu năm họ vẫn phải đóng như các lớp thường. Trường cũng có chi phí phân bổ sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất do huyện cấp hằng năm, vậy sao sửa chữa bổ sung lại chia riêng cho 6 lớp “xã hội hóa” chịu?

 Xử lý nghiêm các sai phạm về thu, chi

Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2022 - 2023 yêu cầu UBND các quận, huyện, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các sai phạm trong các đơn vị giáo dục trên địa bàn. “Đặc biệt, các sai phạm về thu, chi, dạy thêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo”, chỉ thị nêu.

Họ cũng bất bình bởi dù nói là tự nguyện nhưng phụ huynh bị động trong việc chi tiêu các khoản tự nguyện, không được tham gia bàn bạc, thảo luận những việc nhà trường đã làm và thông tin chỉ mang tính chất thông báo. “Chúng tôi chưa đóng tiền tham gia lớp xã hội hóa nhưng một số hạng mục đã được thi công rồi”, một phụ huynh nói.

Ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thanh Oai, cho biết đã có buổi làm việc với trường. Theo ông Dũng, việc nhà trường quyết định giữ lại 50% số tiền của các lớp “xã hội hóa” là do hiệu trưởng nhà trường muốn trường đẹp lên, có mái tôn để che sân đỡ mưa nắng. Vấn đề nảy sinh từ việc trường chỉ thông qua ban đại diện cha mẹ HS nhưng sau đó lại yêu cầu tất cả phụ huynh thực hiện theo.

Ông Dũng cũng cho hay, do ở thời điểm này, phụ huynh và nhà trường chưa thống nhất về việc tổ chức các lớp ứng dụng cách tiếp cận mới, vì vậy Phòng GD-ĐT yêu cầu nhà trường tạm dừng tổ chức mô hình lớp học này.

 Ý kiến

 Không chấp nhận quỹ chồng quỹ

Tôi có 2 con hiện vẫn đang học phổ thông và hoàn toàn tự nguyện đóng góp nếu thấy đó là chính đáng. Tuy nhiên, với những khoản thu quỹ chồng quỹ thì tôi thực sự thấy chưa thuyết phục. Ví dụ, việc đã đóng quỹ phụ huynh lớp lại còn đóng quỹ phụ huynh trường mà chủ yếu là chi cho các hoạt động thăm hỏi, lễ tết các thầy cô. Hơn nữa, đó là khoản thu tự nguyện thì không thể áp một mức và bắt ai cũng phải nộp và nộp ít nhất số tiền như vậy là rất vô lý. Nhiều nhà trường dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh chỉ cho phép đóng bằng hoặc cao hơn, ai có ý kiến khác là bị “kỳ thị”, bị cho là không “quan tâm” đến chính việc học của con mình…

Bùi Thu Hiền (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội)

 Đừng để phụ huynh không thấy vui với tin miễn giảm học phí

Các cơ quan quản lý công bố những tin về chủ trương miễn, giảm học phí, lẽ ra là rất vui với phụ huynh HS nhưng nhiều người ở khu vực thành thị lại không mấy hào hứng. Vì việc miễn giảm học phí chẳng thấm vào đâu so với các khoản phụ phí mà phụ huynh vẫn phải nộp. Ví dụ, HS tiểu học lâu nay được miễn học phí nhưng bố mẹ có con đi học đều biết vẫn phải đóng rất nhiều khoản lớn hơn nhiều lần học phí. Tất cả đều dưới danh nghĩa tự nguyện nhưng khó từ chối.

Chương trình giáo dục tiểu học thì học 2 buổi/ngày là bắt buộc. Luật quy định tiểu học miễn học phí nhưng tại sao buổi 1 không thu tiền còn buổi 2 lại phải nộp tiền dưới danh nghĩa “hỗ trợ học buổi 2”. Bộ GD-ĐT phải có chỉ đạo dứt khoát về vấn đề này./.

Ngô Huy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội)

 (THEO THANH NIÊN) Tuệ Nguyễn

Đã có hiệu trưởng nào bị xử lí về chuyện lạm thu đâu. Cho nên câu chuyện này năm sau sẽ tiếp tục là điều chắc chắn. Bộ GD đang bận lắm, nhất là phải chi cả chục nghìn tỷ chuyện biên soạn sách giáo khoa, còn đâu tâm trí cho chuyện lặt vặt! Riêng khoản bán SGK này cũng thu cả nghìn tỷ mỗi năm cơ.

Thương Giang

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

Tấm gương đáng khâm phục

 

Chân dung một công bộc của dân

Cập nhật lúc 10:53

Thú thật, khi tôi có ý định phỏng vấn ông, một số đồng nghiệp đàn anh "cảnh báo" rằng, đây là một nhân vật rất hay, nhưng đầy …"gai góc", "khó nhằn". Bởi theo họ, ông là người thẳng thắn, không hề ngại ngần, dám nói những vấn đề gai góc của xã hội, của thể chế. Ông từng xé bản kết luận thanh tra trước mặt cấp trên, khi cảm thấy bản kết luận có dấu hiệu "không bình thường". Lúc đó ông đang giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ.

- Tôi nhớ năm đó, khi đọc bản kết luận thanh tra về một vụ việc, tôi thấy cần phải xử lý thật nặng theo luật định, nghĩa là phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, tính đến việc khởi tố vụ án nhưng cuối cùng, bản kết luận lại chỉ đề nghị ở mức "khiển trách". Tôi thấy như vậy không ổn, không đúng bản chất vụ việc. Ngay trước mặt cấp trên, tôi xé bản kết luận thanh tra đó mà không e ngại điều gì.

Khác biệt về quan điểm, khó có cùng tiếng nói. Sau hành động xé bản Kết luận thanh tra, "số phận" của ông ra sao? Đến bây giờ, sau những tháng năm dài trải nghiệm cuộc đời, giả sử thời gian quay ngược lại, ông vẫn xé bản Kết luận thanh tra đó hay sẽ làm khác?

- Tôi xé bản Kết luận thanh tra trước cấp trên khoảng 4h chiều thì hai ngày sau, cơ quan có thông báo Trung ương yêu cầu tôi phải kiểm điểm... Khi kiểm điểm tôi nhận mình nóng tính, thậm chí vô lễ với cấp trên. Nhưng tôi bảo tôi sẽ bảo lưu ý kiến của mình, tôi nói "nếu còn có những văn bản như vậy, tôi còn xé nữa". Bởi tôi thấy kết luận đó không phù hợp với pháp luật, không tương xứng với cách xử lý các vụ việc... Rồi vụ việc cũng trôi đi.

Làm gì có chuyện một kẻ ăn cắp chiếc xe đạp thì quyết định giam giữ, tù 1 năm; còn kẻ làm thất thoát hàng triệu đô la ngân sách lại chỉ bị "kiểm điểm nghiêm túc", "rút kinh nghiệm sâu sắc"? Quả là bỡn cợt trên luật pháp.

Xin hỏi, những bất đồng quan điểm giữa ông và người khác có thường xảy ra lúc ông còn đương chức?

- Khi tôi mới về Thanh tra Chính phủ, một lần, tôi được mời tham dự cuộc họp Hội đồng xét duyệt đề tài khoa học phục vụ cho việc đào tạo thanh tra viên cao cấp, tôi đọc đề án và chương trình nghiên cứu khi mọi người phát biểu hết. Tôi là lãnh đạo mới về, nên hỏi mọi người trong cuộc họp "tôi có được tham gia phát biểu không?" và được sự đồng ý của Hội đồng khoa học. Tôi phát biểu luôn rằng, nếu là một thành viên trong Hội đồng, tôi sẽ làm khác. Thứ nhất: Tôi sẽ xé bỏ nhiều trang trong đề án này. Thứ hai: Nếu giữ lại các trang đáng bị xé bỏ đó, tôi sẽ xé bỏ trang bìa

Tôi đứng dậy, xé trang bìa đi và giữ lại các trang nội dung. Sau cuộc họp, anh Vụ phó Vụ Tổ chức lúc đó gọi điện bảo rằng, sau hội nghị, mọi người bàn tán rất dữ. Tôi đáp "Có gì đâu, khoa học không sợ thần tượng. Tôi thấy không đúng, thì phải xé bỏ. Một đề tài khoa học thì tên đề tài và nội dung phải thống nhất, phù hợp với nhau. Chứ ở đây, đề tài một đằng, nội dung một nẻo, ông chẳng bà chuộc như thế thì không được".

Và, năm đó, tôi được đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ giao cho đào tạo lớp thanh tra viên cao cấp khoá 2 với nội dung các đề tài khoa học đã được chỉnh sửa kỹ càng.

Để nói về công việc, tôi nghĩ mình là một công bộc có trách nhiệm, luôn cố gắng làm đúng trách nhiệm, làm tốt trách nhiệm. Thực tế, tôi cũng đã làm hết sức mình.


Là một chính trị gia, với cá tính mạnh, thẳng thắn như vậy, ít nhiều, khiến ông gặp khó khăn trong công tác? Bởi, người đời vẫn hay nói "thẳng thắn thường thua thiệt". Ông nghĩ sao?

- Nóng tính xé văn bản là không đúng. Nhưng tính cách của mình như thế, nghĩ sao làm vậy, thay đổi thế nào được. Vì thế, có khi tôi thiếu sự đề phòng, thiếu đi việc giữ gìn cho riêng mình... Có thể, có nhiều lý do, nhưng sau này, tôi cũng hiểu tại sao nó như thế. (Tôi xin lỗi, không nói lý do tại sao ở đây, nhưng đúng là trong công tác, không được suôn sẻ như người khác, mà có phần vất vả, long đong).

Một lần, có vị lãnh đạo cấp cao chuẩn bị đi công tác ở tỉnh Điện Biên. Năm đó, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến bay từ Hà Nội lên Điện Biên. Cơ quan gọi tôi lên, thông báo tôi chuẩn bị đi công tác cùng đoàn vào thứ 5. Tôi hỏi: Sao không đi thứ 4, thứ 4 có máy bay lên Điện Biên và thứ 7 về. Đi thứ 5 là phải đi chuyên cơ, mà đi chuyên cơ là phải thuê máy bay riêng. Thuê máy bay Fokker lúc đó là 170 triệu đồng/chuyến, đi về 340 triệu đồng, tốn nhiều tiền quá. Trong khi bay thường chỉ mất gần 100 triệu đồng cả đi lẫn về, đỡ tốn tiền.

Tôi nói điều đó có tốt không? Điều đó có hại không? Nếu nói về lợi, thì tôi làm lợi cho đất nước, tiết kiệm cho đất nước. Nhưng ở góc độ nào đó, việc nói thẳng như thế có thể làm mếch lòng một số vị, nhưng tôi vẫn nói. May mà sau đó tình hình chuyến đi đã đổi lại như tôi kiến nghị.

Những va chạm như vậy xảy ra trong cuộc đời làm công chức nhà nước của tôi rất nhiều. Chẳng hạn, trong một hội nghị của Trung ương đánh giá về cải cách tư pháp ở Hải Phòng. Buổi sáng, ông Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương, rồi các vị Bộ trưởng, Trưởng ban, các vị đại diện VKS, Toà án ở Trung ương và Hải Phòng phát biểu. Tôi chỉ ngồi lắng nghe, tôi thấy mình bị lạc lõng, khó phát biểu. Buổi trưa ăn cơm hội nghị, ông Chủ tịch và Bí thư Hải Phòng cứ nói tôi chiều phải phát biểu, tôi từ chối.

Đầu giờ chiều, ông Bí thư hay Chủ tịch Hải Phòng nói với vị Chủ tịch đoàn yêu cầu tôi phát biểu. Cực chẳng đã, từ chối không được tôi đành phát biểu mở đầu. "Tôi xin phát biểu theo yêu cầu của Chủ tịch Hội nghị và là Trưởng ban cải cách tư pháp Trung ương. Tôi mong tôi phát biểu sai để các ý kiến sáng nay và ý kiến của chủ tịch là đúng. Nếu tôi đúng thì các đồng chí sai"... Hội nghị đó đã không thể họp được nữa, tan ngay sau khi tôi phát biểu... Bữa cơm Hải Phòng định chiêu đãi đại biểu chiều đó sau hội nghị đã không còn ai dự, mọi người lên xe về Hà Nội...

Tôi nghĩ, là người làm công tác tham mưu thì không được nói sai điều mình nghĩ. Còn nếu đúng thì được sử dụng, không đúng thì được rút kinh nghiệm để sửa sai. Nếu người sếp nghĩ được điều đó thì cán bộ phục vụ như tôi thật hạnh phúc.

 Ông nghĩ gì về câu "tính cách tạo nên số phận"? Có lúc nào nghĩ lại, ông có cho rằng, giá mình điềm tĩnh hơn một chút, mềm tính một chút, thì con đường công danh sẽ càng rộng mở hơn nữa không? 

- Tôi không nghĩ như vậy, mỗi người có một cách đi riêng. Tôi nhớ khi tôi làm việc, có lúc tôi nói những câu hơi quá, nhưng sếp của tôi lại rất vui. Nhiều khi tôi được sếp tin cẩn và bỏ qua những sai sót nhỏ nhặt.

Một lần, tôi đi công tác với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Lúc đó là bữa cơm chiêu đãi. Tôi ngồi ăn cơm, mọi người ăn xong hết, nhưng tôi vẫn ăn. Nhân viên mang đồ tráng miệng lên cho Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình, nhưng chị Bình bảo thôi chờ Thắng cùng ăn. Tôi nói: "Xin chị cứ ăn đi, em ăn cơm nhiều lắm".

Chị Bình nói đùa: "Lẽ ra phải đưa Thắng sang làm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phụ trách nông nghiệp"... Tôi nói lại ngay: "Em đói em phải ăn chứ. Em phải làm bao nhiêu việc, em đói lắm". Nếu như là người khác, chắc có lẽ sẽ khó chịu với tôi về câu nói đó. Nhưng chị Bình cười rất độ lượng và chờ tôi ăn cơm xong mới cùng ăn tráng miệng.

Một người sếp như thế có xứng đáng để mình xả thân làm việc không? Quá xứng đáng để làm việc cùng chứ. Tôi làm việc với chị Bình 8 năm, một người lãnh đạo, thủ trưởng hiểu mình như thế, nếu có cho làm lại, tôi vẫn xin làm lính cho những người như thế, không cần lên chức tước gì.

Hay có người như ông Nguyễn Cảnh Dinh (nguyên là Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi- PV), trước đó anh em vẫn gặp trong các cuộc họp, có khi tôi chủ trì họp mà ông là thành viên. Sau này, ông lên làm thủ trưởng của tôi, anh em rất vui vẻ. Ông bảo: "Tính khí mày như thế này, tao không đồng ý đâu. Tao kiến nghị Trung ương đấy". Nhưng ông ấy đùa vui thế thôi, ông có làm đâu, vì ông ấy hiểu tôi.

Rồi thời kỳ ông Nguyễn Việt Dũng (Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, cỡ như Phó Thủ tướng - PV). Ông là người tận tình sửa chữa từng văn bản cho tôi, tỉ mỉ, chính xác, tôi học được rất nhiều thứ từ ông Dũng. Nhưng, nếu có gì tôi thấy chưa đúng, tôi vẫn "phang" như thường. Trong suốt thời kỳ công tác, tôi chưa từng đến nhà ông Dũng. Nhưng sau khi ông về hưu, tôi năng đến thăm ông. Những ngày ông lâm bệnh nặng, tôi ngồi với ông cả buổi trong bệnh viện. Có lần tôi hỏi ông: "Anh có khi nào giận em không?". Ông Dũng cười bảo giận gì? Ông ấy là người như thế, tôi không bao giờ quên. Ông đào tạo tôi thành con người biết cẩn thận, chi tiết trong ngôn ngữ, thận trọng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến chính trị - xã hội. Ông rất khó tính với cán bộ, nhưng rất vị tha, khi cán bộ có lỗi, ông xử sự rất đúng mực một con người đối với một con người.

Tôi kể như vậy để thấy rằng, nếu như mình làm đúng, mình chẳng có gì phải sợ cả. Nếu có những người sếp hiểu tính cách mình như vậy, thì không có gì quý giá hơn. Mình cứ tận tuỵ mà làm việc, mà cống hiến, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Người ta nói thanh tra là soi cái sai của người khác, mà thủ đoạn của những người làm sai thường tinh vi. Vì họ đã tìm ra kẽ hở của pháp luật để sai phạm, nghĩa là họ cũng rất giỏi. Từ thực tế khi làm công tác thanh tra, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm? Làm thế nào để có thể phát hiện ra các thủ đoạn tinh vi đó?

- Thanh tra không phải là soi xét sai phạm. Thực ra, thanh tra có nhiệm vụ đầu tiên là xem xét, tìm những cái tốt để phát huy, đưa ra kiến nghị, đề đạt với Chính phủ để tìm các giải pháp, chính sách và hành xử, sao cho đúng pháp luật và phù hợp với lòng dân nhất. Còn sai sót trong quá trình thực hiện thanh tra khi phát hiện ra thì xử lý. Nếu coi công tác thanh tra chỉ là đi dò xét, đánh giá, tìm cái sai của người ta để mà xử lý, thì chưa toàn diện. Việc tìm ra sai phạm chỉ một phần của công tác thanh tra mà thôi.

Lâu nay, khi có đoàn thanh tra nào đến là các đơn vị, doanh nghiệp,…người ta lo thu vén tài liệu, lo chuẩn bị đón tiếp. Chính vì cách làm như thế dẫn đến người dân nhìn nhận thanh tra chỉ "bới móc, tìm sâu". Ngoài ra, cũng bởi hiện nay, trong khi thanh tra, cán bộ thanh tra phạm phải nhiều cái sai, nhiều tiêu cực nên người ta hay để ý, đánh đồng tất cả.

Còn việc thanh tra, trước hết phải tuân thủ theo luật pháp mà làm, mà xem xét. Tất nhiên không thể cứng nhắc được. Trong thanh tra có lý phải có tình nữa.

Có ý kiến cho rằng những vụ việc được công khai qua thanh tra, thường là những vụ nhỏ lẻ. Thời kỳ ông làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, có phải phần công khai chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" không?

- Có những phát hiện, đúng là một phần thôi. Nhưng cũng có những phát hiện là đầy đủ hết rồi đấy. Nói ví dụ thế này, có một vụ: khi xây dựng xong đường lăn sân bay Nội Bài (không phải đường băng cất, hạ cánh) người ta phát hiện đường lăn bị nứt, vỡ... Thanh tra lúc đó vào cuộc và phát hiện rất nhiều cái sai: từ quy trình xây dựng không đúng, đến sai phạm về mua sắm vật tư, sai phạm về quản lý và đề nghị phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ở vụ đó tôi phản đối đưa ra xét xử công khai làm ầm ĩ.Có người hỏi tôi "Anh bênh à?". Tôi bảo "không bênh", nhưng việc này tôi không muốn công khai. Vì nếu công khai kết luận thanh tra thời điểm đó, khách quốc tế có thể không hiểu hết sự việc, họ đánh giá sai về hàng không Việt Nam, họ sẽ không đến nữa. Mình cứ "đóng cửa bảo nhau", sửa chữa đi, để đường lăn tốt lên, khách quốc tế vẫn đến Việt Nam.

Vậy thì vụ đó xử công khai làm gì, xử công khai cũng chỉ xử được 3-4 ông đó thôi, nhưng chúng ta sẽ mất rất nhiều thứ khác. Không xử công khai, không có nghĩa là chúng ta che giấu. Chúng ta vẫn có thể xử lý, dựa theo căn cứ của pháp luật.

Có những việc, phải xem xét, tính toán kỹ cách làm, cái gì có lợi, cái gì bất lợi, vụ việc đó ảnh hưởng đến đâu, tổn hại như thế nào đối với xã hội… Đó là điều tôi quan tâm và mong muốn hơn. Có nhiều vụ việc như thế lắm. Vì vậy, thời kỳ tôi còn làm việc, tôi không thích làm ầm ĩ.

Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, mà liên quan đến các cán bộ cấp cao. Công tác thanh tra cũng là mảnh đất dễ tham nhũng, dễ tiêu cực. Xin hỏi, ông suy nghĩ gì về thực trạng này?

- Khi kinh tế thị trường phát triển, nó cũng đem theo nhiều hệ luỵ. Quan trọng nhất là vấn đề cán bộ. Đại hội Đảng vừa qua được đánh giá thành công tốt đẹp, nhưng trên thực tế, công tác cán bộ trong kỳ Đại hội Đảng vừa rồi có rất nhiều điều cần phải nói.

Đại hội Đảng có thật thành công tốt đẹp không, phải xem xét trên hai phương diện: cương lĩnh và cán bộ. Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng, chưa có ai chê trách, hay phê phán gì cả. Vì đó là tập trung trí tuệ của rất nhiều người và được Đại hội thông qua. Nhưng vấn đề cán bộ, hiện tượng "rơi rụng" cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay cho phép ta nói rằng, Đại hội Đảng không thành công rực rỡ như chúng ta từng nghĩ. Vì vấn đề cán bộ là vấn đề chủ chốt.

Chính phủ trước Quốc hội, có thể tuyên thệ rằng, Chính phủ kiên quyết thực hiện theo Hiến pháp, đường lối của Đảng. Nhưng một số thành viên Chính phủ đã vì lợi ích của mình từ bỏ nhiệm vụ đó. Đấy không phải là vấn đề nhỏ mà phải coi là vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Chỉ trên cơ sở đánh giá đúng, mới nghĩ đến việc cải tổ như thế nào cho đúng.

Chính phủ thực hiện theo đường lối, chính sách, chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhưng một số cán bộ của Chính phủ, cán bộ các cấp có làm như vậy không, hạ hồi phân giải.

Trên thực tế, chúng ta đã nhìn thấy rồi đấy. Những người tinh tú nhất, đủ đức, đủ tài được Đại hội bầu ra lác đác "rơi rụng". Có thể mạnh dạn thừa nhận văn kiện thì tốt, nhưng việc tổ chức nhân sự chưa tốt.

Cán bộ như thế nào thì hành động sẽ là như thế. Cán bộ có thể thuộc lòng Nghị quyết, nhưng lại không làm theo Nghị quyết. Chúng ta đã vấp rất nhiều rồi. Tổng kết ở các địa phương tới đây sẽ có rất nhiều vấn đề.

Phải chăng đại dịch Covid-19 đã góp phần làm thay đổi "diện mạo" của đất nước về công tác cán bộ? Nhưng đó cũng là thách thức lớn với Đảng để những cán bộ nhiệm kỳ sau được sàng lọc tốt hơn.

Ai cũng có lòng tham. Tôi cũng vậy. Nhưng, thích mà có "làm"được không. Thích, nhưng có dám "làm" không, lại là vấn đề khác. Tôi thích, nhưng tôi không "làm"được. Tôi thích nhưng cơ chế chính sách không cho phép làm, vi phạm cơ chế, luật pháp chỉ một tích tắc thôi là hỏng ngay.

Có đồng chí Bộ trưởng ở Trung ương bị bắt. Trước khi bị bắt, tôi đến nhà rất nhiều lần hỏi: "Ông có lỗi không, đưa tài liệu tôi xem". Sau khi xem tài liệu, tôi bảo: "Ông chuẩn bị tài liệu thế này là tôi nghi có lỗi rồi. Vì một dự án mà ông phải ghi chú nhiều tờ giấy màu vàng nhỏ xíu những điểm nọ, điểm kia, photo lưu trữ thế này là có vấn đề, việc này là của bộ phận chuyên môn. Ông là tổng tư lệnh một ngành, sao lại chú tâm vào một dự án, chuẩn bị kỹ như thế này tức là ông phải có vấn đề".

Người nào vi phạm do không hiểu biết, thiếu tinh thần trách nhiệm; nó khác với việc có hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm mà vẫn cố ý làm trái. Bệnh "cố ý"đó ít nói đến, hơn là việc "thiếu tinh thần trách nhiệm". Người "thiếu tinh thần trách nhiệm" không nhiều bằng người "cố ý"đâu. Bởi vì ở cương vị ấy thì không thể thiếu tinh thần trách nhiệm được. Anh phải có trách nhiệm thế nào đấy người ta mới bầu anh, sử dụng anh. Vậy mà anh bảo thiếu, thiếu thì đừng làm. Đây là cố ý.

Việc buông lỏng chế tài pháp lý, thiếu mất sự tổ chức kèm cặp cán bộ chặt chẽ, ràng buộc cán bộ ở những quy định cụ thể, ta phải chịu hậu quả thôi. Do vậy, cần phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế này.

Trong câu chuyện, ông có nói là: "Tôi cũng thích tiền chứ". Vậy tôi muốn hỏi ông, làm thế nào để chế ngự được lòng tham? Nhất là với đàn ông, đó có phải là bài toán quá khó hay không?

- Khó chứ. Cực khó. Đó là một sự kiềm chế của bản thân và là sự hỗ trợ tích cực của gia đình. Hồi tôi còn đương chức, mẹ tôi ốm nặng lắm. Một người bạn là bác sĩ, giáo sư đi học nước ngoài về mang đến tặng cho tôi một cái lò vi sóng. Hồi đó là cực hiếm, chưa mấy ai biết lò vi sóng là gì. Người bạn tặng tôi lò vi sóng để có thể hâm cháo nóng cho bà, để thức ăn không bị lạnh.

Thế mà đứa em gái tôi (Vũ Phạm Nguyên Thanh, TS Xã hội học hàng đầu Việt Nam - PV) chạy lên gác bảo bố tôi: "Bố, bố, anh Thắng nhận hối lộ". Bố tôi đã từ gác hai bước xuống giữa cầu thang ghé nhìn. Lúc người bạn tôi về rồi, bố tôi bảo lấy làm gì, sao lại lấy của người ta. Từ đó, tôi để nguyên cái lò vi sóng ấy trên gác, không mảy may đụng vào. Mãi tới lúc con gái tôi lấy chồng, chuyển nhà, cái lò vẫn để nguyên không dùng đến. Đó là món quà của người bạn học tặng thôi, không liên quan gì đến công việc của tôi. Giờ anh ấy vẫn còn sống, nhà ở phố Lãn Ông.

Tôi luôn khẳng định, một gia đình như thế là nền tảng để tôi không làm gì sai. Tôi phải cảm ơn gia đình, những người thân đã tích cực hỗ trợ, để tôi giữ được phẩm hạnh, cốt cách của một công bộc của dân. Gia đình là một cứu cánh với một truyền thống sạch đẹp vững chắc để cho con cái, bản thân mình dựa vào, tránh xa mọi cám dỗ. Nhiều quan chức hiện nay dính vào vòng lao lý là lỗi của các bà vợ. Mẹ tôi, chưa bao giờ bà ngồi vào xe ôtô cơ quan cấp cho tôi. Nhà tôi không có ai ngồi xe tôi đi đâu cả.

Gốc gia đình, truyền thống gia đình cho phép tôi giữ được phẩm hạnh tốt hơn.

Từng giữ chức phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông có đặt ra cho mình những giá trị thế nào về sự liêm chính?

- Giá trị của liêm chính là giá trị của bản thân đạo đức con người. Giá trị đó được đánh giá không phải bằng chính mình, mà bằng sự đánh giá, nhìn nhận của đồng đội, của những người cùng nghề với mình, của xã hội đánh giá mình.

Tôi sẽ không trả lời câu ấy. Bạn có thể đến Học viện An ninh Nhân dân - tôi đã rời nơi đó từ năm 1990 - hỏi về thầy Vũ Phạm Quyết Thắng, người ta vẫn có thể sẽ nói cho bạn biết thầy Thắng như thế nào. Tại ngôi trường đại học đó, nếu tôi mắc một lỗi lầm thôi, thì điều đó sẽ truyền khẩu đến mãi mãi nhiều thế hệ sau này. Tôi tin là những năm ở trường, tôi là một thầy giáo tốt.

Hay bạn đến Viện Mác – Lê-nin, Văn phòng Chủ tịch nước và sau này thời gian ở Thanh tra Chính phủ, người ta sẽ nói về tôi là người như thế nào.

Ông có nói rằng 42 năm và 5 tháng công tác, đến khi nghỉ hưu, ông tự hào rằng "mình không tì vết". Song, con người ai cũng có thể mắc sai lầm chứ, dù nhỏ hay lớn, có thể là do mình vô tình không nhận ra?

- Tôi là người đàng hoàng, rất rõ ràng. Tôi chưa làm gì sai, tôi làm đúng quy định của Nhà nước. Tôi cũng nhận đầy đủ các quyền lợi mà Nhà nước cho tôi. Trong công tác có lúc không thuận lợi, có sai sót nhưng sai sót đến mức kỷ luật thì không. Tôi là người thẳng thắn, trong giọng nói của tôi, trên gương mặt của tôi không có chữ nói dối.

Tôi có một người bạn phụ trách một lĩnh vực kinh tế tương đối nhạy cảm. Có lần ông ấy đón tôi ở sân bay. Trên đường đi ông ấy hỏi: "Anh Thắng, em mà bị đi tù, anh có cứu em không?". Tôi bảo: "Nếu mày có lỗi thì mày đi tù đi, tao sẽ mang bánh mì, cơm vào nuôi mày". Ông ấy lập tức bảo lái xe đỗ vào lề đường, nhảy xuống bắt taxi đi về nhà. Ông ấy giận tôi. Nhưng sau hiểu ra thì vẫn thân, vẫn chơi với nhau. Vì tính cách tôi là thế.

Còn khuyết điểm, tôi cũng có chứ. Ví dụ, như xé kết luận thanh tra cũng là một khuyết điểm. Tính nóng nảy của tôi là một sai lầm, dẫn đến rất nhiều cái mà đáng lẽ ra tôi có thể làm tốt hơn, nhưng không thể làm tốt hơn được.

Ông nổi tiếng là một trong những quan thanh tra thẳng thắn, liêm khiết. Nhưng trong các năm làm thanh tra, xử lý các vụ việc sai phạm, để từ chối được những cám dỗ, chắc không dễ dàng?

- Một lần, có một người có vị trí cũng cao, qua nhà tôi, đi cùng với một cậu thư ký. Anh ấy cho tôi một túi hoa quả và tiền. Từ chối mãi lúc ấy cũng không được, khi anh ấy ra về, tôi giữ cậu thư ký lại. Sau đó, tôi để cậu thư ký cầm túi tiền đi từ ngõ nhà tôi ra xe ô tô. Trước khi xe chạy, tôi có nói cảm ơn anh ấy nhưng không thể nhận được và đẩy cậu thư ký vào xe cùng với túi quà và tiền mà anh ấy cho tôi. Nghĩ đến túi tiền to tẹo nữa rơi vào tay mình, tôi cũng tiếc. Nhưng tôi mừng hơn. Mừng vì mình đã thắng không nhận nó.

Là anh em thân tình, giá như người ta cho mình dăm ba triệu chắc mình cũng cầm, nhưng cho nhiều tiền thì không phải là tình thân nữa rồi.

Cũng có nhiều người muốn đưa tiền cho tôi kiểu khác, nhưng tôi từ chối được. Nhẹ nhàng thôi, tôi phải làm cho người ta hiểu được rằng không nên như thế và tôi cũng không được phép làm như thế. Và dù không nhận tiền tôi cũng vẫn công tâm cho công việc.

 Có vị cán bộ cấp tỉnh muốn về công tác ở Thanh tra Chính phủ. Anh ấy xin hết mọi người, rồi nhờ người đến gặp tôi trình bày nguyện vọng. Anh ấy làm đủ cách thuyết phục tôi nhưng tôi không đồng ý. Cuộc họp ban cán sự Đảng chỉ mình tôi không đồng ý. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Tôi phân tích, nếu người này là quan chức ở một thành phố lớn như Hải Phòng hay Hà Nội, còn có thể chấp nhận. Vì ít ra, đó là những thành phố lớn, họ đã quen xử lý các vấn đề lớn và có tầm nhìn bao quát hơn. Nhưng vì ở một tỉnh nhỏ, tôi thấy không phù hợp nên dứt khoát nói "không". Nghe nói vị cán bộ đó sau cũng phát triển tốt tại tỉnh, tôi cũng thấy mừng cho anh ấy.

Thái độ của tôi trong công việc, khi đã nói "không" thì không bao giờ nói "có". Có thể tôi bảo thủ, nhưng nó thành cá tính của tôi rồi, tôi không thay đổi được.

 

 Trong suốt câu chuyện với Dân Việt, có nhiều lúc ông Vũ Phạm Quyết Thắng trầm ngâm suy tư, khi chúng tôi đề cập tới vụ việc xẻ thịt ở lòng hồ Trị An năm 2005, mà lúc đó ông là Trưởng đoàn thanh tra. Không phải ông né tránh câu hỏi, mà đó là lúc ông muốn quay ngược về quá khứ, để muốn thay đổi, để muốn sửa chữa điều mình tiếc nuối trong quá khứ.

Ông bảo, vụ đó ông trăn trở, tiếc nuối nhiều nhất. Nếu ông kiên quyết hơn, không để sự việc vượt khỏi tầm tay của mình, sẽ không có những vụ sai phạm về đất đai ở TP.HCM sau này. Đơn cử, vụ sai phạm về đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm sẽ đi theo một hướng khác. Bởi những cán bộ của Đồng Nai từng để xảy ra sai phạm ở hồ Trị An, khi trở thành lãnh đạo TP.HCM, đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong chỉ đạo quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.

Lại có lúc, ông cười nhạt mà bảo: "Con người ta nếu sai phạm, không bị cảnh báo và xử lý đúng  thì lần sau sẽ "tinh quái" hơn.

Con chuột không sập bẫy, nó còn tinh khôn hơn, sẽ tìm mọi cách để lấy được "miếng pho mát" trong bẫy mà nó có lần đã để tuột mất".

Thanh tra sai phạm về đất đai trong vụ "xẻ thịt lòng hồ Trị An"ở tỉnh Đồng Nai, vào năm 2005, Đoàn thanh tra do ông làm Trưởng đoàn. Có giai thoại, không ít quà biếu, gái đẹp đến với ông tại khách sạn, nhưng không gì cám dỗ được Trưởng đoàn thanh tra. Thực hư lời đồn ấy ra sao?

- Chuyện người ta có dùng những chiêu trò để dụ tôi thế nào, tôi không biết rõ. Nhưng có một sự việc thế này: Vào năm 2005, hồi đó, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai). Buổi sáng làm việc, buổi trưa ăn cơm ở khách sạn, rồi lên phòng nghỉ. Tôi vừa vào phòng, vừa thay quần áo, bất ngờ có tiếng gõ cửa. Tôi hỏi "ai đấy?", thì có một giọng nữ trả lời: "Cháu mang nước lên cho chú". Tôi nói tôi không cần nước. Tôi gọi điện, bảo cậu lái xe ở phòng bên chạy ra xem thế nào; hóa ra chẳng phải nhân viên khách sạn mang nước lên gì cả...

Trong công việc, có vô vàn tình huống tréo ngoe, không ngờ, mình cần phải đề phòng. Đặc biệt, với những ai đang trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi luật pháp…; luôn phải cảnh giác những cạm bẫy được người ta đặt ra nhằm mục đích xấu; nếu anh không đề phòng, rất dễ sa bẫy, tình ngay lý gian, có khi không thanh minh được.

Cả cuộc đời làm việc cho nhà nước, ngày về hưu của ông tại Thanh tra Chính phủ cũng "độc nhất vô nhị". Xin ông kể lại khoảnh khắc dọn phòng, trả chìa khoá, rồi "lên xe về vườn"?

- Tôi đếm ngược thời gian để về hưu trước đó 1 năm. Thực ra, từ năm 46 tuổi tôi đã muốn nghỉ hưu rồi, vì bức xúc nhiều chuyện lắm. Tôi gặp bác Mười Hương (ông Trần Quốc Hương – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban nội chính Trung ương), nói là cháu muốn nghỉ hưu. Ông già ấy sững lại một lúc, rồi nói: "Cậu mà nghỉ hưu thì người ta sẽ bảo: Một là cậu dốt, không biết làm việc nên người ta cho về. Hai là cậu kèn cựa địa vị, cậu không được lên chức, lên quyền, nên về. Có hai điều đó không, nếu có thì nghỉ đi". Từ lời "khích"ấy của ông Mười Hương, tôi đã làm việc cho đến khi 60 tuổi.

Đến tuổi nghỉ hưu, tôi đến gặp ông Mười Hương: "Con đến tuổi nghỉ hưu rồi". Ông già cười hóm hỉnh bảo: "Sao không xin làm thêm?". Tôi biết, câu nói của ông có hàm ý rất sâu sắc. Lúc ấy, tôi chuẩn bị tinh thần nghỉ rất kỹ, sắp xếp lại tất cả tài liệu cần thiết, tư liệu của mình để riêng, gọi một đồng chí bên bộ phận pháp chế sang làm việc, ghi chép lại công việc bàn giao cho đồng chí phó Tổng Thanh tra Chính phủ khác, về công việc của mình; ghi chép tất cả những gì bàn giao, thống kê từ cái sạc điện thoại, chăn đắp, giấy tờ, bàn giấy... Sáng ngày 12/12/2006, tôi vẫn đi làm, gọi cô dọn phòng, trao chìa khoá và tặng cô ấy một phong chocolate, rồi ôm tượng Lý Thiết Quài và ảnh mẹ tôi về. Các anh em cán bộ chờ, chào hỏi, chia tay rất bịn rịn.

Một đời làm công bộc của dân, cảm giác khi trở về nhà hôm đó rất buồn. Một cảm giác hụt hẫng thực sự. Bởi từ nay mình sẽ không đến cơ quan làm việc nữa.

Tôi tự nhủ phải thích nghi 2 điều rất nhanh chóng: Một là từ nay không được bắt người khác đến đúng giờ như mình muốn. Hai là mình không cần phải dậy sớm đúng giờ nữa. Việc không cần phải dậy sớm đúng giờ tôi không làm được, nhưng việc không bắt người khác đúng giờ tôi làm được. Khi về nghỉ hưu rồi, thì sự sắp xếp thời gian không phải như ý mình muốn nữa, mà ta chỉ có thể sắp xếp thời gian của riêng mình.

Nhìn lại, ông thấy có những gì đáng nhớ và những gì tiếc nuối là chưa làm được?

- Vụ thanh tra "xẻ thịt" lòng hồ Trị An là vụ tôi trăn trở nhiều nhất. Vụ đó, tôi đã thiếu sót, khi mình được trao quyết định xử lý thì tôi đã không làm ngay. Nếu như tôi kiên quyết ký bản kết luận thanh tra đó, thì sự việc sau sai phạm ở lòng hồ Trị An sẽ khác rất nhiều.

Lúc đó, Ban cán sự Đảng và Thanh tra Chính phủ đã cho phép tôi ký các văn bản, kết luận thanh tra với tư cách là Trưởng đoàn và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Nhưng tôi đã quá cầu toàn, tôi lại đưa cho cấp trên xem và tham khảo thêm. Vì thế, mà bị tác động ngược lại. Đó là điều tôi tiếc nuối lớn nhất trong giai đoạn tôi làm nhiệm vụ thanh tra. Hơn nữa uổng phí nhiều công lao của anh chị em trong đoàn thanh tra. Tôi thực sự ân hận và luôn cảm thấy có lỗi với anh chị em trong đoàn thanh tra và cả nhân dân.

Xin ông cho biết việc thanh tra hồ Trị An năm xưa với thanh tra các vụ sai phạm đất đai gần đây giống, khác nhau chỗ nào? Tại sao vụ khu đô thị Thủ Thiêm hay thanh tra đất đai ở Bình Thuận đều chưa giải quyết tới đâu?

- Nếu tôi kiên quyết hơn, không để sự việc vượt khỏi tầm tay của mình, sẽ không có những vụ sai phạm về đất đai ở TP.HCM sau này. Đơn cử, sẽ không xảy ra vụ sai phạm về đất đai ở bán đảo Thủ Thiêm. Hoặc, vụ Thủ Thiêm sẽ đi theo một hướng khác, không như thế này đâu.

 Bản Kết luận thanh tra vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An đã được điều chỉnh lại không như kiến nghị kết luận ban đầu của Đoàn thanh tra mà tôi là trưởng đoàn.

Do đó, tôi xin nhắc lại lần nữa, nếu vụ "xẻ thịt" lòng hồ Trị An được xử lý, giải quyết nghiêm minh, đúng tinh thần, đúng kết quả thanh tra, sẽ rất khó có thể xảy ra vụ Thủ Thiêm ở TP.HCM. Vì không ai khác, chính những cán bộ của Đồng Nai từng để xảy ra sai phạm ở hồ Trị An; khi trở thành lãnh đạo TP.HCM, cũng đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong chỉ đạo quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.

 

Vụ Thủ Thiêm có khác gì vụ hồ Trị An đâu; cùng sai phạm về quản lý đất đai, cán bộ chia chác đất đai cho người này, tổ chức nọ… Thậm chí, vụ sau còn tinh vi hơn vụ trước.

 Với nhiều người, nghỉ hưu là một chương mới của cuộc đời, của sự tự do, an yên và làm những điều mình thích. Còn ông thì sao, ông có thú vui gì sau khi nghỉ hưu?

- Tôi có mấy năm đi làm thêm, làm tư vấn cho một doanh nghiệp Hàn Quốc. Thu nhập cũng đủ để hỗ trợ được việc học hành của con cái, mua sắm được nhiều thứ khác. Đồng tiền của tôi sạch, không bẩn đâu.

Trước đây tôi cũng chơi thể thao, chơi bóng bàn, cầu lông, tennis... nhưng từ khi nghỉ hưu tôi bỏ hết. Tôi cố gắng đọc nhiều sách, kể cả sách đã đọc rồi, để cho bộ não của mình không bị quên đi. Tôi không thể dục, cũng chẳng thể thao. Nhưng bộ não vẫn hoạt động tốt, tôi không quên chi tiết nào trong cuộc đời hoạt động của mình.

Ông là chắt nội Thám hoa Vũ Phạm Hàm (vào thời triều Nguyễn, ông là người đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên lúc 29 tuổi). Truyền thống gia đình hiện diện thế nào trong tính cách con người ông, trong cách ông bà, bố mẹ dạy ông và hôm nay ông truyền dạy các con mình?

- Cụ tôi là vị Tam khôi cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Cụ làm Giáo thụ rồi thăng Đốc học Hà Nội sung Đồng văn quán (báo Đồng Văn), lên đến Án sát các tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương, sau đó cáo quan về trí sĩ ở quê và dạy học cho đến lúc mất.

Cha tôi cũng là một người rất giỏi. Ông là kỹ sư cơ khí, kỹ sư vô tuyến điện, chuyên gia về pháo tầm xa, tên lửa, chuyên gia về xử lý nấm mốc trên mặt kính quang học. Giỏi ngôn ngữ Anh, Pháp, thành thạo Nga, Đức, Trung...

Truyền thống của một gia đình thế nào sẽ tái tạo ra con người như thế. Nếu không có truyền thống gia đình, thì đừng nói gì đến việc giữ gìn bản chất con người.

Cha, mẹ tôi dạy tôi như thế nào thì tôi dạy lại các con tôi như vậy. Cha tôi nói rằng: "Con ạ, là đàn ông phải có bản lĩnh, có cá tính, không thể sống nước chảy bèo trôi được". Mẹ tôi dạy: "Con ạ, chơi với bạn bè phải biết thiệt một tý. Nếu không thiệt thì không có bạn bè, vậy nên phải biết nhường nhịn".

Tôi dạy lại các con như vậy. Thế thôi, có gì nhiều đâu. Nhưng làm được thế cũng là một sự cố gắng.

 Nếu để nói về mình, ông sẽ nói gì?

- Khi tôi đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu, ngày ông còn sống, ông có tặng tôi câu đối này:

"Nối bước cha ông đường Quyết Thắng

Sáng ngời năm tháng Ngọc Lưu Ly".

Trong câu đối của giáo sư Vũ Khiêu cho tôi có tên tôi và tên con gái Thảo Ly của tôi.

Tôi nói với Giáo sư, em tự nhận mình thế này:

"Đầu bạc đội trời xanh

Chân lội bùn không vấy hôi tanh".

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn này!

Theo Dân Việt

 

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2022

Đề xuất cũ từng bị dân phản đối

 

Lại đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn

 Cập nhật lúc 08:51                 

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi) quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Trước đó, Bộ này từng nhiều lần đề xuất quy định sở hữu nhà có thời hạn 50 - 70 năm và luôn gặp sự phản đối của dư luận.


Theo các chuyên gia, quyền sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn là đề xuất mới tại VN nên rất cần xem xét và bàn thảo thận trọng, cân nhắc lộ trình hợp lý. NHẬT THỊNH

Thời hạn nhà theo thời hạn công trình

Tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án: Hoặc bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình; hoặc giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay - tức không quy định niên hạn. Phương án 1 mà Bộ Xây dựng đưa ra bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư (CC) được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng. Theo đó, thời hạn sở hữu nhà CC được áp dụng đối với các loại nhà CC, bao gồm: nhà CC thương mại, nhà CC xã hội, nhà CC tái định cư, nhà CC công vụ. Thời hạn sở hữu nhà CC được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế công trình nhà CC được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình nhà CC đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Khi thẩm định hồ sơ thiết kế công trình nhà CC, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải ghi rõ thời hạn sử dụng nhà CC trong hồ sơ thiết kế. Thời hạn sở hữu nhà CC phải quy định rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ. Thời hạn sở hữu nhà CC chỉ áp dụng đối với công trình nhà CC được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) sau ngày luật này có hiệu lực thi hành. Đối với các nhà CC trước ngày luật này có hiệu lực, người dân được sở hữu không thời hạn như quy định cũ.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng cũng nêu phương án xử lý nhà CC chưa hết hạn sở hữu và hết hạn sở hữu. Nếu nhà CC còn thời hạn sở hữu nhưng bị hư hỏng do sự cố, thiên tai, địch họa, cháy nổ... không đảm bảo an toàn sẽ phải phá dỡ khẩn cấp. Nếu CC hết hạn sở hữu nhưng vẫn còn đủ điều kiện sử dụng, chủ sở hữu sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia hạn thời hạn sở hữu. Nếu kết quả kiểm định cho thấy nhà phải phá dỡ, quyền sở hữu của chủ căn hộ sẽ chấm dứt. Trong trường hợp tại địa điểm cũ, Nhà nước vẫn duyệt quy hoạch xây dựng lại nhà CC, thì CC sẽ được phá đi xây lại. Nếu quy hoạch mới không tiếp tục xây dựng lại nhà CC, chủ sở hữu được bồi thường về đất và bố trí tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, phương án 1 trong dự thảo lần này giống quan điểm mà Bộ Xây dựng đưa ra cách đây 4 tháng và nhiều lần trước đó. Có một kết quả chung là đa số người dân, chuyên gia đều phản đối quy định này vì cho rằng đề xuất bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà CC không phù hợp đối với trường hợp nhà CC được xây dựng trên đất ở ổn định lâu dài. Các chủ sở hữu nhà CC có quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài đối với diện tích đất xây dựng khu CC theo quy định của pháp luật về đất đai.


Đề xuất sở hữu nhà chung cư có thời hạn vấp phải sự không đồng tình của nhiều người dân. ĐÀO NGỌC THẠCH

Người dân không đồng tình

Một khảo sát bỏ túi của chúng tôi thực hiện trong 2 ngày qua với kết quả không nhận được sự đồng tình nào với đề xuất áp niên hạn cho nhà CC mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến. Đa số người dân đều lo sợ khi áp niên hạn, tài sản mà cả đời họ tích lũy được sẽ bị “bốc hơi” và họ sẽ không biết đi về đâu.

“Nếu nhà chung cư phải đập đi xây lại, những người sở hữu cũ phải được quyền chọn lựa tái định cư hoặc nhận suất bồi thường theo giá thị trường để họ được an cư, đảm bảo cuộc sống”.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty quản lý Global Home

Ông Văn Quang, hiện sống tại một CC ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), rời quê từ Thanh Hóa vào TP.HCM lập nghiệp nhiều thập niên nay, cho biết hai vợ chồng ông tích cóp 10 năm mới mua được một căn hộ CC. Căn nhà đối với vợ chồng ông là tài sản lớn nhất. Vì vậy, nghĩ đến chuyện sau một thời gian căn nhà bị đập bỏ vì hết hạn sử dụng và mất trắng, ông cảm thấy sợ hãi. “Điều đó không công bằng, thậm chí quá phi lý”, ông Quang nói và cho rằng Bộ Xây dựng nên căn cứ theo nhu cầu thực tế của người dân để hoạch định chính sách. Văn hóa của người Việt là an cư mới lạc nghiệp, sống gắn bó trong một cộng đồng với yếu tố tình làng nghĩa xóm nên hầu như người dân muốn ở ổn định, lâu dài ở một địa điểm. Bộ Xây dựng có thể thực hiện theo phương án, ở khu trung tâm các đô thị lớn có thể cấp niên hạn sử dụng cho CC từ 50 - 70 năm như dự thảo, hết thời hạn này nhà nước có thể thu hồi để chỉnh trang đô thị nhưng phải bồi thường cho người dân bằng với giá thị trường hoặc tái định cư tại chỗ. Còn đối với các khu đô thị mới, vùng ven, được kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội bài bản thì nên để người dân sở hữu vĩnh viễn. Nếu dự thảo được thực hiện không khéo sẽ vô tình đẩy giá đất nền lên cao, gây rối loạn trên thị trường bất động sản (BĐS).

Ông Hùng Phan (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) cho biết đang có ý định bán căn nhà phố ở H.Nhà Bè để mua một căn hộ gần với khu trung tâm cho tiện việc đi lại trong công việc cũng như học hành của con. Tuy nhiên, khi nghe đề xuất của Bộ Xây dựng từ những lần trước, ông đã thay đổi ý định để “nghe ngóng”. “Tôi thà chấp nhận ở xa một chút nhưng giá trị căn nhà ngày càng tăng theo thời gian và quan trọng nhất là không bị mất trắng; hoặc có thể chấp nhận ở thuê, dồn vốn liếng làm việc khác chứ không dám mua căn hộ”, ông Hùng Phan quả quyết và đề xuất có thể quy định thời hạn sở hữu nhà, hết thời hạn sử dụng phải đập đi xây lại. Tuy nhiên, không thể đập bỏ mà không bồi thường hoặc không có chính sách tái định cư cho người dân. Chưa kể các TP lớn như TP.HCM đất chật người đông, chủ trương làm nhà cao tầng để dồn dân lên cao ốc, lấy đất để làm công viên, trường học, bệnh viện. Nay nếu quy định này được thông qua thì sẽ không ai dám mua căn hộ để ở mà sẽ mua đất xây nhà dù có đắt đỏ hơn. Chính sách này nếu thông qua sẽ có hại nhiều hơn là lợi.

Phải được bồi thường khi chung cư đập bỏ

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Công ty Colliers VN (chuyên về nghiên cứu thị trường BĐS), cho rằng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, thời hạn sở hữu nhà CC có thể được xác định theo thời hạn sử dụng của công trình hoặc theo quy định hiện hành. Với phương án nào thì đều đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng ổn định cho thị trường BĐS và một phần của định hướng này là xác định rõ các vấn đề về quyền sở hữu và thời hạn sở hữu. Nhưng rất cần một cách tiếp cận thấu đáo, có lộ trình cụ thể, đầy đủ phương án cho chủ sở hữu khi hết thời hạn sử dụng, các luật và quy định rõ ràng. Khi đó, thị trường nhà ở sẽ đa dạng hơn, mở ra nhiều cơ hội hơn cho khách hàng và các đơn vị phát triển BĐS. Với những người muốn mua nhà sở hữu lâu dài và về sau truyền lại cho con cái, họ có thể chấp nhận mức giá cao hơn. Còn với người trẻ, các gia đình có khả năng tài chính vừa phải hoặc nhà đầu tư quan tâm đến lợi suất cho thuê, họ có thể chọn những căn hộ sở hữu có thời hạn với mức giá phải chăng hơn và sau này có thể chuyển chỗ ở nếu thay đổi nhu cầu.

 “Quyền sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn là điều không mới ở các nước trên thế giới. Nhưng vì đây là một đề xuất mới với nhiều người ở VN nên rất cần xem xét và bàn thảo thận trọng, cân nhắc lộ trình hợp lý, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích để có thể đạt được mục tiêu dài hạn”.

Ông David Jackson (Tổng giám đốc Công ty Colliers VN)

Theo chuyên gia này, áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ CC sẽ giúp giải quyết các khó khăn trong công tác quản lý và phát triển đô thị. Cũng như các loại hình nhà ở khác, chất lượng công trình nhà CC giảm dần khi càng gần cuối thời hạn sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của cư dân. Áp dụng thời hạn sở hữu căn hộ CC đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để tái phát triển hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi thời hạn kết thúc, từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu xã hội trong tương lai. Điều này còn giúp tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho các thế hệ tiếp theo, vì đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn và việc sử dụng đất không chỉ nhằm phát triển kinh tế mà còn cải thiện an sinh của con người.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty quản lý Global Home, cho rằng nhìn chung phương án 1 phù hợp với điều kiện về chất lượng an toàn của công trình khi đưa vào sử dụng. Nhưng việc cần lưu tâm và băn khoăn trong dự thảo là cần phải nêu giải pháp sau khi công trình hết thời hạn sử dụng thì quyền sở hữu đất đó được giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người dân. “Nếu nhà CC phải đập đi xây lại, những người sở hữu cũ phải được quyền chọn lựa tái định cư hoặc nhận suất bồi thường theo giá thị trường để họ được an cư, đảm bảo cuộc sống. Công trình nào cũng có tuổi thọ và sẽ bị xuống cấp theo thời gian”, ông Thành nhấn mạnh.

(Theo Thanh Niên) Đình Sơn

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Tham nhũng không dễ tìm qua lá thăm

 

Bốc thăm tìm tham nhũng và câu hỏi ‘đồng chí có mấy suất đất’

Cập nhật lúc 14:59

Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác đang triển khai bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức.

Một công việc đã có sự chuẩn bị từ sớm theo luật Phòng chống tham nhũng nhưng vẫn đặt ra những băn khoăn của dư luận. Liệu bốc thăm ngẫu nhiên đã khách quan? Liệu việc xác minh có đi đến tận cùng vấn đề? Và cuối cùng việc bốc thăm có tìm ra được tham nhũng như kỳ vọng?
‘Nếu đồng chí trả lời trung thực thì tôi tin’
Không kiểm soát được tài sản thì không thể chống tham nhũng. Đây là một tiền đề quan trọng. Nhưng kiểm soát tham nhũng chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Những vụ xử tham nhũng vừa qua cho thấy, tài sản của quan tham thường đã “di chuyển” rất xa đối tượng được xác minh theo luật định. Ở Việt Nam, các mối quan hệ họ hàng, anh em rất dích dắc, và “địa chỉ” gửi gắm những nguồn tài sản không minh bạch luôn vượt xa tầm với của quy định luật pháp hiện hành.


Ảnh minh họa: Báo Lao Động

Có vụ thiệt hại cả nghìn tỷ nhưng người sai phạm cãi tôi là công chức nhà nước, sai thì chịu trách nhiệm chính trị, kể cả pháp lý chứ tiền đâu để đền? Có vụ đương sự nguyên là lãnh đạo chỉ chịu “hội ý” với con cái để xuất tiền ra bồi thường khi Viện kiểm sát đề xuất mức án tử hình.
Ngay một vụ nổi đình nổi đám đánh bạc thu lợi cả nghìn tỷ gần đây, cơ quan chức năng cũng đành ngao ngán vì không tìm ra được tài sản để buộc đối tượng chủ mưu bồi thường, trong khi một bị can khác đã bỏ ra hàng nghìn tỷ thi hành án! Mới nhất, một vị cựu quan chức ở Hạ Long bị khởi tố, cơ quan chức năng kê biên cả loạt xe sang nhưng chính danh vị này cũng chỉ đứng tên chiếc xe rẻ tiền nhất!
Nói thế để thấy tài sản là chuyện rất nhạy cảm và phức tạp. Tài sản có thể hình thành qua nhiều thế hệ, tài sản thực, tài sản đứng tên hộ, tài sản thừa kế.
Nếu tính theo thu nhập “nét”, chắc chắn tài sản công chức không đáng gì. Nhưng sự năng động của nền kinh tế phát triển nhanh, từ kinh doanh nhà cửa, đất đai, từ các lợi ích quan hệ khác có thể đem lại cho các cá nhân tài sản lớn hơn nhiều. Nếu tài sản đó không được kê khai, thể hiện thiếu trung thực thì cán bộ đó có thể bị kỉ luật. Tuy thế, vẫn chưa thể kết luận tài sản đó là bất hợp pháp và không có chế tài để thu hồi.
Hơn chục năm trước, có chuyện một vị lãnh đạo tỉnh đi tiếp xúc cử tri. Phần trình bày của vị lãnh đạo rất hùng hồn về chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng có cử tri hỏi ngay: “Tôi chỉ xin hỏi 1 câu thôi: đồng chí có mấy suất đất?”. Vị lãnh đạo tỉnh bình tĩnh: Tôi có 2 suất đất, một suất đang ở, một suất mới góp tiền mua cho con trai ra ở riêng. Người hỏi lắc đầu: đồng chí có ít nhất 4 suất đất, đều là đất 2 mặt đường và đều được mua theo giá rẻ. Nếu cần, tôi sẽ chỉ rõ từng lô. Nếu đồng chí trả lời trung thực thì tôi tin. Nếu không, đồng chí nói chống tham nhũng hay mấy, tôi nghe cũng chỉ để biết vậy!
Đốm lửa nhỏ có thể làm bùng lên ngọn lửa
Cho nên để phát hiện tài sản bất minh, từ đó phanh phui ra tham nhũng là việc rất khó. Xưa nay chúng ta thường tìm ra tài sản bất minh từ việc phát hiện các vụ tham nhũng chứ không phải là truy ngược lại từ sự vô lý của tài sản ra hành vi tham nhũng. Cùng lắm sự xầm xì của dư luận chỉ dừng ở sự bất bình chứ không đủ sức biến thành chế tài truy ra hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, cần hiểu cho thấu đáo, việc bốc thăm chọn đối tượng xác minh tài sản chỉ là một trong nhiều giải pháp để kiểm soát thu nhập của quan chức. Bốc thăm ngẫu nhiên là giải pháp để có công bằng, tránh định kiến cá nhân hoặc thiên vị ai đó. Bên cạnh cách làm này, cơ quan chức năng vẫn có thể xác minh tài sản với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, trường hợp có đơn thư tố cáo.
Trong giai đoạn ban đầu, để làm quen với một khâu công việc hoàn toàn mới như thế, việc “đánh động”, răn đe cũng đã là đạt mục đích.
Nhớ lại khi Trung ương thi hành kỷ luật một số cán bộ về hưu, đã có luồng ý kiến nghi ngại tính răn đe của nó vì “về hưu thì còn gì để mất”, “ai lại cách cái chức người ta không còn giữ nữa”… Thế nhưng, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “củi khô cháy trước, củi tươi cháy sau”. Việc kỷ luật cán bộ về hưu đã tạo tác động răn đe rất lớn, rằng đã sai phạm thì “về hưu còn không được hạ cánh an toàn nữa là đương chức”.
Đốm lửa nhỏ có thể làm bùng lên ngọn lửa. Rồi đây, cũng với những quy định dần hoàn thiện về quản lý tài sản trong xã hội, những mắt xích đơn lẻ kết nối vào nhau sẽ thành bức tường thành chắc chắn không để kẽ hở cho sai phạm lọt qua. Tất nhiên, việc bốc thăm chọn đối tượng xác minh tài sản phải thật sự công bằng, khách quan và kết hợp với nhiều biện pháp khác mới có thể làm lạnh gáy quan tham, tránh sự hồ nghi “bốc thăm làm sao tìm ra tham nhũng”!

(Theo VietNamNet) PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa -đại biểu Quốc hội

Một loại kền kền

 

'Cò' bảo hiểm ăn chặn tiền của người thất nghiệp

 Cập nhật lúc 08:25                

Nhân viên một cửa hàng photo trên địa bàn TP.HCM ngang nhiên lôi kéo khách vào nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, rồi thu tiền trái phép, trong khi đó ngay trước cổng Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM “cò” cũng công khai chèo kéo người thất nghiệp.

“Họ làm thất đức quá!”

Đầu tháng 8.2022, phản ánh qua đường dây nóng của Báo Thanh Niên, anh P.H (ngụ Q.6) bức xúc: “Tôi vừa nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và bị thu phí 100.000 đồng/hồ sơ. Tôi thấy những người khác cũng phải đóng với số tiền như vậy. Về nhà, tôi tìm hiểu lại thì đúng ra không phải đóng phí gì, họ đã tự ý thu tiền và không có biên lai chứng từ gì cả”.


Ông K. (khoảng 40 tuổi) nhận hồ sơ TCTN và ra giá tiền phí phải đóng là 100.000 đồng

Cũng theo anh H., chỗ nộp hồ sơ không phải trụ sở Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) Q.6 thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM của Sở
LĐ-TB-XH TP (địa chỉ 743/34 Hồng Bàng, P.6, Q.6), nhưng do ở đầu hẻm và luôn có bảo vệ đứng chặn xe, ai đi ngang sẽ nói nếu nộp hồ sơ nhận TCTN thì quẹo vô nên nhiều người bị lừa. “Chỗ đó thực chất là 1 tiệm photo nhưng “mạo danh” là trụ sở BHTN”, anh H. kể và bức xúc cho biết, nếu lợi dụng người lao động (NLĐ) thất nghiệp đang khốn khó để trục lợi thì quá thất đức.

Để làm rõ nội dung phản ánh của bạn đọc, khoảng 11 giờ ngày 25.8, PV Thanh Niên trong vai người đi nộp hồ sơ nhận TCTN, vừa chạy xe vào hẻm 743 Hồng Bàng thì liền được người đàn ông mặc trang phục bảo vệ ngoắc tay, dò hỏi: “Nộp hồ sơ thất nghiệp hả? Nếu nộp thì vào nộp nhanh đi chứ hết giờ hành chính”. PV vào trong, được người đàn ông khác (khoảng 40 tuổi) thúc giục: “Mang giày vô luôn đi em. Nhanh đi chứ hết giờ bây giờ. Giấy tờ gồm sổ BHXH, quyết định thôi việc và CMND”. Nghe chúng tôi nói chỉ đến hỏi trước chứ chưa mang theo giấy tờ thì người đàn ông liền nhắc kỹ lại các loại giấy tờ trên, rồi hẹn đầu giờ chiều quay lại. “Chỉ nhận hồ sơ trong giờ hành chính”, người này nói và cho biết, phí nộp hồ sơ là 100.000 đồng/bộ.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, người đàn ông nói trên tên K., đã mở dịch vụ nhận hồ sơ, thu tiền của khách từ nhiều tháng nay.

 


 Người lao động ghi thông tin tại tiệm photo của ông K.

Ăn chặn tiền triệu mỗi ngày

Khoảng 10 giờ ngày 5.9, chúng tôi tiếp tục có mặt tại địa chỉ trên để ghi nhận số lượng khách vào nộp hồ sơ. Đáng chú ý, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ (từ 10 - 11 giờ), chúng tôi phát hiện có khoảng 25 trường hợp vào nộp hồ sơ nhận TCTN. Trong đó, một số trường hợp thừa nhận “vào đây nộp cho nhanh”; nhưng cũng có trường hợp lầm tưởng tiệm photo chính là... cơ quan nhà nước. “Vì địa chỉ nằm trong hẻm nên khi đang ngơ ngác dò đường, được ông bảo vệ kêu vào nên tôi cứ tưởng đó là nơi nhận hồ sơ TCTN. Vào trong tiệm photo lại được người đàn ông khác hướng dẫn chi tiết khiến tôi chả mảy may nghi ngờ gì. Chỉ đến khi bị hét giá 100.000 đồng phí nộp hồ sơ thì tôi mới ngớ người, hỏi ra mới biết họ “ăn” tiền dịch vụ”, ông V. (khoảng 40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) bức xúc.

Nhiều ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục đến ghi nhận về số lượng người vào nộp hồ sơ tại tiệm photo trên và chứng kiến khách lúc nào cũng đông đúc. Trong khoảng từ 30 phút - 1 giờ, trung bình có trên dưới 20 người “dính bẫy”. Với 100.000 đồng/hồ sơ, số tiền nhóm người “tận thu” từ NLĐ thất nghiệp lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày.


Cò” P. (phải, khoảng 55 tuổi) mời chào dịch vụ nộp hồ sơ nhận TCTN với giá 100.000 đồng/hồ sơ

Từng làm bảo vệ “kiêm” lôi kéo khách vào nộp hồ sơ, thu tiền ở tiệm photo nói trên, bà D. (khoảng 40 tuổi, ngụ Q.6) cho hay số tiền mà người đàn ông tên K., là chủ tiệm, thu được có khi cả chục triệu đồng mỗi ngày.

“Ông K. thuê mặt bằng rồi làm dịch vụ chứ không phải người của cơ quan nhà nước. Vô đó sẽ được ông hướng dẫn điền thông tin, photo giấy tờ này kia rồi “ăn” với giá 100.000 đồng/hồ sơ”, bà D. kể.

Bà D. khẳng định, tình trạng này diễn ra xuyên suốt từ cuối năm 2021 đến nay: “Lúc dịch bệnh, ông K. nhận hồ sơ rồi “ăn” 100.000 đồng của người thất nghiệp. Bây giờ vẫn ăn 100.000 đồng nhưng có nhiều cái khó nói lắm. Ổng vẫn “ăn” 100.000 đồng nhưng phải mất công đưa hồ sơ vô trong trung tâm”.

Dù “lên án” tiệm photo ăn chặn tiền của người thất nghiệp, nhưng cũng chính bà D. khi PV trong vai khách đến nộp hồ sơ nhận TCTN trước đó đã chèo kéo: “Nộp hồ sơ bên chị thì sẽ được giải quyết nhanh chóng, khỏi lo trễ thời hạn. Vì “làm ăn” phải có quen biết với phía trung tâm hết!”.


Người bảo vệ (trái) túc trực trước tiệm photo để lôi kéo người dân vào nộp hồ sơ

“Cò” bát nháo trước cổng trung tâm dịch vụ việc làm
Khoảng 16 giờ ngày 6.9, trong vai NLĐ đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (Q.Bình Thạnh) nộp hồ sơ nhận TCTN, chúng tôi liền bị “cò” chèo kéo nộp hồ sơ và báo giá 100.000 đồng/hồ sơ. “Chú làm ở đây nhiều năm rồi. Bình thường vô đó phải bốc số thứ tự đợi lâu lắm. Mình “quen biết” nên sẽ làm nhanh chóng hơn. Chú hướng dẫn nên phải có “ly cà phê”, còn người hỗ trợ từ trung tâm cũng có... đĩa cơm, khách thì được làm nhanh chóng, ai cũng có lợi cả!”, “cò” P. (khoảng 55 tuổi) chào mời.

Trong vai người lao động bị chèo kéo nộp hồ sơ tại tiệm photo (743/6 Hồng Bàng), chúng tôi được nhân viên giữ xe của Chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp Q.6 (743/34 Hồng Bàng) cảnh báo: “Đừng có vô đó nộp, tốn phí dịch vụ đó. Trước đây có người nộp ở đó và sau đó không nhận được tiền TCTN. Họ vô đây phản ánh nhưng nếu nộp hồ sơ chỗ khác thì bên trung tâm đâu chịu trách nhiệm. Nói chung nộp hồ sơ cho tư nhân thì không đảm bảo hồ sơ đến đúng địa chỉ được. Lỡ trục trặc gì cũng chẳng biết ai mà truy trách nhiệm!”.

Để khẳng định uy tín, P. móc điện thoại gọi cho “Tan BH”, người được cho là nhân viên của trung tâm, để hỏi còn số thứ tự không, thì được trả lời hôm nay đã hết suất. “Sáng hôm sau đến đây rồi gọi để chú hướng dẫn cho, tiền công là 100.000 đồng/hồ sơ”, “cò” P. nói. Trong lúc chào mời PV, “cò” P. liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi của khách hàng để hỏi các giấy tờ liên quan hồ sơ nhận TCTN. “Cò” P. khoe: “Thấy chưa, khách của chú nhiều lắm. Bình thường vô trung tâm đâu có ai hướng dẫn, thiếu giấy tờ hay điền thông tin sai lên sai xuống mệt lắm. Làm qua dịch vụ thì nhanh chóng, tiền bạc cũng rẻ bèo”.

Đáng chú ý, trong quá trình thâm nhập thực tế, PV Thanh Niên được một nhân viên bảo vệ của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM chia sẻ những đối tượng “cò” nhận hồ sơ TCTN đã hoạt động trước cổng trung tâm nhiều năm nay. Khi người dân đến hỏi địa chỉ nộp hồ sơ, nếu bảo vệ nhắc nhở không làm qua “cò” kẻo mất phí, thì liền bị đe dọa. “Nhóm “cò” giang hồ dữ lắm. Tôi bị dọa đánh mấy lần nên không dám nhắc nhở người dân tránh xa họ nữa”, nhân viên bảo vệ bức xúc.  

Theo Thanh Niên