Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

'Anh hùng Phạm Tuân mong QH bàn kỹ sân bay Long Thành'

Cập nhật lúc 20:47

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết qua trao đổi, anh hùng Phạm Tuân có mong muốn QH thảo luận kỹ dự án sân bay Long Thành.
Trong phiên thảo luận về thực hiện ngân sách nhà nước chiều nay, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cân nhắc kỹ khi quyết định chi cho các "siêu dự án" khi tình hình nợ công còn đáng lo ngại, ít nhất về ba vấn đề: con số thực nợ công hiện nay, hiệu quả sử dụng nợ công và tiền đâu để trả nợ.

nợ công, Đỗ Mạnh Hùng, sân bay Long Thành, Phạm Tuân 
ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Thăng

Một trong những siêu dự án đó là sân bay quốc tế Long Thành mà QH đã thảo luận tại kỳ này: “Tôi thấy QH cần cân nhắc kỹ. Sáng nay tôi tình cờ gặp anh hùng Phạm Tuân. Qua trao đổi, anh hùng Phạm Tuân có mong muốn QH thảo luận kỹ dự án này, vì khả năng tăng nợ công rất rõ nhưng hiệu quả mới là dự tính”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, dự án trên có dự tính đến công suất 100 triệu hành khách/năm, nhưng đó là tính cả hành khách trung chuyển. "Nhưng còn những sân bay quanh chúng ta, họ có thương hiệu, giá rẻ, dịch vụ tốt thì liệu hành khách có chọn Long Thành không?”, ĐB Thái Nguyên đặt vấn đề.
Ông cũng băn khoăn những khoản như nợ cấp bù lãi suất, nợ quỹ hoàn thuế, nợ BHXH… nếu tính đủ thì số nợ công sẽ tăng lên bao nhiêu? Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đề nghị coi việc kiểm toán nợ công là bắt buộc.
Hiệu quả sử dụng nợ công cũng đáng ngại, như ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) chỉ ra: “Nợ công lo nhất là khoản vay sử dụng không hiệu quả, thất thoát. Chúng ta phải làm sao để người dân tin rằng vay về là để sử dụng, đầu tư cho có hiệu quả”.
Nhưng theo ĐB, việc gì cần chi vẫn phải chi. Như Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị giữ đúng lộ trình tăng lương cho cán bộ, công chức.
"Nếu không tăng lương có thể sẽ tạo ra tâm lý nặng nề trong cán bộ, công chức, người lao động. Hơn nữa sẽ có ý kiến cho rằng trong khi ngân sách khó khăn mà vẫn đảm bảo các khoản chi khác, riêng đối với lương thì không đảm bảo, phải chăng chưa coi trọng nguồn nhân lực?", bà Quyết Tâm phân tích.
ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên - Huế) thì thấy điều tra tham nhũng cũng cần được tăng chi: Việc không có kinh phí cho công tác giám định kế toán, tài chính, xây dựng… đang làm ảnh hưởng tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, làm số tiền tham nhũng dễ "bốc hơi", thậm chí làm cả vụ án “bốc hơi”.
"Có lẽ nên bổ sung 50 - 70 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác giám định. Hoặc có thể lấy từ nguồn thu hồi tài sản tham nhũng, dù mới thu hồi khoảng 10% nhưng cũng ngót nghét 1.000 tỷ đồng, để chi cho công tác giám định, tìm và củng cố chứng cứ chứng minh tham nhũng", ông Nhã đề xuất.
(Theo VietNamnet) Chung Hoàng

Tướng Thước: Sao phải quan tâm tới phản ứng của Trung Quốc!

(GDVN) - Việc chúng ta mua sắm thêm vũ khí nào, ở đâu là chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì cả nhất là khi mục đích mua vũ khí là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng không cần phải quan tâm tới thái độ “hậm hực” của báo Trung Quốc trong việc Mỹ tuyên bố nới cấm vận vũ khí với Việt Nam.
 
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ảnh giaothongvantai)
Ngày 2/10/2014, Chính phủ Mỹ tuyên bố, sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương cho Việt Nam để giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải. Trước động thái này, báo Trung Quốc tỏ thái độ hậm hực, cho rằng Việt Nam trở thành “con cưng” mới của Mỹ.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X về ý nghĩa thực sự của việc Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Mới đây Mỹ vừa tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông có bình luận gì về động thái này?
Đây quả là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy mối quan hệ giữa ta và Mỹ ngày càng gần nhau hơn. Nhưng chúng ta chỉ mua những vũ khí thực sự cần thiết cho việc phòng thủ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ta chứ không phải để đi đánh nhau, xâm chiếm nước khác.
Chẳng hạn, chúng ta nên mua các loại vũ khí như máy bay trinh sát, giúp phát hiện những kẻ thù có ý đồ xâm chiếm, đánh phá lãnh thổ của ta. Đó là những loại vũ khí có giá thành vừa khả năng, nhưng lại mang lại hiệu quả lớn, nhất là trong việc phòng thủ, bảo vệ biển đảo.
Báo Trung Quốc “hậm hực” cho rằng Việt Nam trở thành “con cưng” mới của Mỹ. Ông có bình luận gì về phản ứng trên của Bắc Kinh?
Đó là chuyện của họ. Việc chúng ta mua sắm thêm vũ khí nào, ở đâu là chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì cả nhất là khi mục đích mua vũ khí là để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc chứ không phải để đi đánh nhau, sao phải quan tâm tới phản ứng của họ?!
Trước khi quyết định mua thêm loại vũ khí gì từ Mỹ, theo ông ngoài tiền, chúng ta nên chuẩn bị thêm những gì?
Cần phải tìm hiểu kỹ về các loại vũ khí đó, đầu tư các lớp huấn luyện lực lượng sử dụng chúng rồi tính tới chuyện sửa chữa, bảo dưỡng trước khi quyết định mua. Đó được xem là công tác hậu cần rất cần thiết.
Chúng ta cũng phải tính đến tuổi thọ của các loại vũ khí định mua bởi nếu tuổi thọ của chúng quá ngắn chỉ vài ba năm sau khi mua là hết giá trị sử dụng thì không được.
Khi mua sắm vũ khí mới, chúng ta cũng phải ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng như: thời gian bảo hành, các trường hợp chuyên gia từ Mỹ phải sang Việt Nam để khắc phục sự cố… chứ không thể mỗi lần vũ khí hỏng, ta lại mang sang Mỹ bảo hành được.
Có ý kiến cho rằng đây là bước đi có “sự tính toán thận trọng” của Mỹ. Ông có nghĩ vậy không?
Giờ ta không thể trả lời thay Mỹ về ý đồ thực sự của họ được, nhưng có một điều chắc chắn là ai có mối quan hệ tốt đẹp với chúng ta thì chúng ta không phụ họ.
Nếu họ có chung mục đích, muốn cùng với chúng ta bảo vệ hòa bình, giúp chúng ta tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ đất nước thì ta sẽ hoan nghênh, hợp tác với họ. Không chỉ với riêng Mỹ, bất kỳ quốc gia nào bán vũ khí cho ta mà ta thấy có ích, có hiệu quả trong việc phòng thủ, bảo vệ đất nước thì ta mua.
Riêng với việc này, tôi nghĩ không có tính toán gì ở đây cả bởi nó đều vì lợi ích của cả hai bên thôi. Nếu một mối quan hệ nào đó không vì lợi ích của hai bên thì không bao giờ chúng ta chấp nhận cả.
Theo ông, mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Việt Nam – Nga sẽ ra sao sau tuyên bố trên của Mỹ?
Sẽ không có thay đổi gì cả. Tôi nghĩ giữa Việt Nam – Nga vẫn giữ mối quan hệ như cũ. Chúng ta quan hệ với Nga không phải vì mục đích mua vũ khí quân sự mà vì mục đích cùng nhau bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận về việc này, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nói: Trước tiên phải hiểu rằng thông thường người ta chỉ chuyển, bán vũ khí sát thương cho các quốc gia bạn bè thôi chứ không ai giao vũ khí cho kẻ thù cả.
Như vậy, tuyên bố trên phản ánh một điều là giờ Hoa Kỳ đã đánh giá Việt Nam khác trước rồi. Nói cách khác, quan hệ giữa Mỹ - Việt Nam đã có bước chuyển nhất định. Họ đã không còn xem Việt Nam là kẻ thù nữa.
Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đang phải đương đầu với những thách thức chung. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tình huống chính trị của khu vực có nhiều thay đổi. Nếu tình huống chính trị không có nhiều thay đổi thì khó xảy ra chuyện này được.
Tôi nghĩ đó là các vấn đề phản ánh đằng sau thông điệp Mỹ tuyên bố nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đây cũng là cơ hôị để Việt Nam có thêm nguồn cung cấp, đa dạng hóa các loại phương tiện phòng thủ, bảo vệ đất nước.  Tuyên bố này ít nhiều cũng có tác dụng răn đe với ai đấy đang có ý định xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
(Theo Giáo dục VN) Phong Nguyên

Ukraina trước "cửa tử"

Cập nhật lúc 15:45

 (PetroTimes) - Trong khi tình hình đất nước còn đang "rối như canh hẹ", cuộc bầu cử quốc hội Ukraina hôm 26/10 lại đang đẩy quốc gia này vào khủng hoảng chính trị nội bộ. Chưa hết, cuộc bầu cử ở các tỉnh miền đông ngày 2/11 sẽ càng khoét sâu thêm sự chia rẽ ở Ukraina.

 Ukraina trước “cửa tử”
Thủ tướng Ukraina, lãnh đạo đảng Mặt trận nhân dân, Yatseniuk phản đối thỏa thuận liên minh mà trước đó khối Poroshenko đã đề xuất
Mọi toan tính ban đầu cuộc Tổng thống Poroshenko về cuộc bầu cử quốc hội Ukraina đã không đúng như mong đợi. Ngoài việc để mất vị trí đứng đầu, khối Poroshenko còn đang đẩy đất nước này vào một cuộc tranh giành quyền lực. Ngày 29/10, cả hai đảng của Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatseniuk đều kêu gọi thành lập liên minh của riêng mình.
Theo hiến pháp Ukraina, đảng nào về nhất trong cuộc bầu cử mà không đạt được số phiếu áp thảo thì có quyền đứng ra thành lập liên minh. Về lý thì đảng của ông Yatseniuk có được cái quyền này. Tuy nhiên, mặc dù về nhì nhưng khối Poroshenko lại có số đại biểu nhiều hơn đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Yatseniuk nên Tổng thống Poroshenko cũng có lý khi kêu gọi các đảng phái khác liên minh với mình.
Sự kiện này cho thấy, tiến trình thỏa thuận thành lập liên minh ở Ukraina đang ở hồi gay cấn nhất. Ông Yatseniuk coi đảng của Tổng thống Poroshenko là đối tác chiến lược nhưng cùng lúc ông cũng kêu gọi các đảng Tự lực, Tổ quốc, Đảng cấp tiến tham gia liên minh. Thủ tướng đã đề nghị các đảng này đề xuất ứng viên vào các ghế Bộ trưởng trước ngày 3/11. Ông Yatseniuk tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng.
Như vậy là Tổng thống Poroshenko không có khả năng thành lập một nội các dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của ông, trái với dự tính ban đầu là thiết lập sự kiểm soát quốc hội mà không cần có sự tham gia của các đối thủ khác.
Tổng thống Poroshenko là người theo đường lối muốn hòa giải với nước Nga nhưng Thủ tướng Yatseniuk thì không. Trong bản dự thảo thành lập liên minh thông báo hôm 30/10, ông Yatseniuk gọi liên minh là “Ukraina thuộc châu Âu”. Như thế, tình hình chính trị Ukraina sắp sẽ rất rối rắm, có thể xuất hiện tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Tổng thống không có toàn quyền hành để quyết định các chính sách của mình. Mọi đường lối của ông về đối nội và nhất là đối ngoại, cụ thể với nước Nga, sẽ bị xem xét kỹ lưỡng tại quốc hội do Thủ tướng Yatseniuk, người theo đường lối chống Nga, kiểm soát.
Trong lúc này, cuộc bầu cử tại hai tỉnh miền đông Ukraina là Donestsk và Lougansk đang được chuẩn bị rốt ráo. Nga thông báo sẽ công nhận kết quả các cuộc bỏ phiếu này. Ukraina và phương Tây cũng nêu ý kiến phản ứng rồi. Với tình hình chính quyền Kiev mất ổn định như hiện nay, và có thể còn kéo dài, theo các nhà phân tích khả năng Donestsk và Lougansk tách ra thành các quốc gia độc lập là rất có thể. Nhưng khi đó, công cuộc “đổ vạ” của phương Tây cho Nga cũng sẽ đạt đỉnh điểm. Thế giới tiếp tục còn chứng kiến thời kỳ đen tối hơn hiện nay trong quan hệ Nga - phương Tây.
(Theo Petrotimes) Th.Long tổng hợp

Mỹ sẵn sàng cho cuộc chiến ở Biển Đông

Cập nhật lúc 15:28             

(TNO) Mỹ sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến ở biển Đông nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông tàu bè và máy bay quân sự một khi xung đột với Trung Quốc ở khu vực này lên đến đỉnh điểm.

Tạp chí Eurasiareview ngày 30.10 đăng bài viết của Tiến sĩ Ian Ralby, sáng lập viên tổ chức tư vấn an ninh chính trị I.R. Consilium (Mỹ) nhận định rằng Mỹ sẽ sẵn sàng để đi đến một cuộc chiến tranh trên Biển Đông, để bảo vệ quyền tự do lưu thông tàu bè và máy bay quân sự một khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này lên đến đỉnh điểm.

Máy bay trinh sát E-2C Hawkeye cất cánh từ tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) trên biển Philippines ngày 26.10.2014. Nhóm tàu sân bay chiến đấu này đang luyện tập để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ lợi ích hàng hải của Mỹ và các đồng minh cùng đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương, theo trang web Hải quân Mỹ
Theo tác giả, tình hình căng thẳng ở Biển Đông có thể khiến các nhà hoạch định chính sách của hai phía nghĩ đến một cuộc chiến tranh. Khi Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát các vùng biển và đảo tranh chấp để ngăn cản máy bay và tàu chiến Mỹ đi qua khu vực rộng lớn của Biển Đông, sẽ khiến Mỹ không hài lòng khi cho rằng họ có quyền hợp pháp qua lại trên vùng biển này theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS).
Biển Đông đang là điểm nóng tranh chấp chủ quyền liên quan đến nhiều nước, và thậm chí tàu chiến các nước ngày càng gia tăng khả năng va chạm thù địch nhau. Cả hãng tin BBC gần đây còn có bài phóng sự về việc Hải quân Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với Trung Quốc nếu căng thẳng lên đỉnh điểm.
Nhưng vì sao Mỹ đang phải can thiệp vào các điểm nóng ở Đông Âu và Trung Đông lại sẵn sàng cho một cuộc chiến trên biển với một trong những đối thủ hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự?
Câu trả lời đầy đủ liên quan đến một số luận cứ khác nhau, nhưng một trong những điều quan trọng nhất lại ít được chú ý là liên quan đến luật biển quốc tế. Đơn giản là nếu Trung Quốc chiếm được các đảo tranh chấp trên Biển Đông thì có thể chặn đứng mọi sự qua lại của các tàu chiến lẫn máy bay Mỹ trên hầu hết vùng Biển Đông.
Vì vậy Mỹ không muốn Trung Quốc giành phần thắng trong các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, và cố gắng thuyết phục Trung Quốc tuân thủ UNCLOS. Mỉa mai là Mỹ không công nhận và tuân thủ UNCLOS nhưng lại xem UNCLOS như luật tập quán quốc tế, và  kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông theo UNCLOS.
 
Tàu sân bay USS George Washington đang di chuyển qua Biển Đông ngày 19.10.2014 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Trung Quốc không cho rằng các nguyên tắc của luật biển lại áp dụng cho các tàu chiến hoặc máy bay quân sự nước ngoài được quá cảnh khu vực đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ, theo UNCLOS).
Thời gian qua, Trung Quốc đã ngăn cản các tàu hải quân nước ngoài, trong đó có một tàu của Ấn Độ, đi qua vùng biển mà Trung Quốc cho sẽ là EEZ của họ (đường lưỡi bò - TN) nếu giành được các vùng đảo tranh chấp và áp quyền sở hữu pháp lý trên Biển Đông.
Trung Quốc còn cho rằng Mỹ vi phạm UNCLOS khi tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, các chuyến bay giám sát, các cuộc khảo sát thủy văn (để phục vụ cho việc chống tàu ngầm) và các hoạt động khác trong khu vực Trung Quốc tự cho là EEZ của mình.
Kể từ khi Công ước này có phần hạn chế sự di chuyển của các tàu chiến trong vùng lãnh hải, phía Mỹ giải thích rằng UNCLOS không có những hạn chế với các tàu hải quân hoặc máy bay quân sự bên trong vùng EEZ. Còn Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền hoàn toàn liên quan đến tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài trong toàn bộ khu vực hai trăm hải lý của EEZ tính từ lãnh hải.
Do vậy, nếu Trung Quốc chiếm được các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông thì Mỹ sẽ phải xin phép Trung Quốc để cho tàu hải quân hoặc máy bay quân sự của mình đi qua trên hầu hết Biển Đông.
Nhìn từ quan điểm chiến lược, Mỹ không thể để mất sự tự do đi lại qua Biển Đông, điểm trung chuyển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Đài NHK (Nhật) đăng hình ảnh chụp từ trên không của quân đội Philippines cho thấy Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép các căn cứ trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc chiếm đoạt tất cả các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông và áp EEZ, tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ không thể vào Biển Đông
Đài NHK (Nhật) đăng hình ảnh chụp từ trên không của quân đội Philippines cho thấy Trung Quốc đang mở rộng xây dựng trái phép các căn cứ trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ lo ngại rằng nếu Trung Quốc chiếm đoạt tất cả các lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông và áp EEZ, tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ không thể vào Biển Đông
Mỹ đang cố ngăn chặn càng nhiều càng tốt sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, ngăn cản sự làm giàu hơn nữa của Trung Quốc thông qua việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dồi dào, và hạn chế ảnh hưởng bá quyền của nước này. Một trong những lý do chính khiến căng thẳng trên Biển Đông có thể đưa đến điểm xung đột giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới là sự diễn dịch gây tranh cãi về UNCLOS.
Sự tự do đi lại của các tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ qua Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược khiến Mỹ đã sẵn sàng chiến đấu cho việc này. Vấn đề này thực sự là điều cơ bản hơn cho lợi ích của Mỹ so với tình hình ở Ukraine hoặc đối phó phiến quân IS ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ sẽ sẵn sàng tiến đến chiến tranh qua việc giải thích một công ước quốc tế về luật biển mà nước này không tham gia.
(Theo Thanh niên) Anh Sơn

Đại biểu Lê Như Tiến: “Vẽ” dự án càng hoành tráng phần trăm càng cao

 Cập nhật lúc 14:55  

VOV.VN-Theo ĐBQH Lê Như Tiến, dự án càng lớn thì "hoa hồng" càng nhiều, là nguyên nhân khiến nhiều người thích "vẽ" ra những dự án "hoành tráng"
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, sáng nay, Đại biểu Lê Như Tiến (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tiếp xúc cử tri tại các địa phương, sau mỗi kỳ họp và trước mỗi kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Đại biểu Quốc hội đều nhận được những câu hỏi tuy không mới, song luôn mang tính thời sự, luôn day dứt, bức xúc, nóng bỏng. Đó là việc phòng, chống tham nhũng.

 
Đại biểu Lê Như Tiến. Ảnh: Quang Trung

Thời quan qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam xếp thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với điểm số 31/100, có nghĩa là nếu đánh giá theo thang điểm của ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam, chúng ta chỉ đạt 3/10 điểm. Qua đó cho thấy, mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam còn rất nghiêm trọng.      
Dẫn báo cáo của Chính phủ, ông Tiến cho biết, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận:Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, nhất là tham nhũng trong khu vực công. Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là hoành tráng, thèm ngân sách. Nhiều công trình tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hiệu quả và công năng sử dụng rất khiêm tốn, thậm chí có những công trình do “đẻ non”, “chín ép” nên vừa khai trương đã khai tử; bỏ hoang hóa, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công; người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của các chủ dự án thường nói rất hay ho là để phục vụ dân sinh.
Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi. Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng, vì công trình, dự án càng lớn thì phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận./.
Xuân Thân/VOV.VN

Sân bay quốc tế Đà Nẵng lọt top tốt nhất thế giới

Cập nhật lúc 14:32  

(Dân trí) - Hãng hàng không Dragonair của Hồng Kông vừa công bố kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ tại 96 sân bay mà hãng này đang khai thác, theo đó Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng của Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách các sân bay tốt nhất thế giới năm 2014. 

 Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được xây dựng mới và đưa vào khai thác từ cuối năm 2011
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng được xây dựng mới và đưa vào khai thác từ cuối năm 2011
Dragonair đã tiến hành khảo sát từ hành khách để bình bầu kết quả về chất lượng dịch vụ tại nhà ga sân bay căn cứ theo các tiêu chí về thái độ nhân viên phục vụ, mỹ quan, hạ tầng và các dịch vụ phi hàng không như: Ăn uống, giải khát tại nhà ga hành khách... Cùng với đó, hãng này cũng khảo sát từ phi hành đoàn để đánh giá chất lượng cung cấp phục vụ thương mại mặt đất, như: thang hành khách, chất lượng xe chở khách, đội ngũ nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu bay.
Bình chọn của Dragonair cho thấy, Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách các sân bay có dịch vụ tốt nhất thế giới năm 2014.
Trong danh sách khảo sát của Dragonair, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xếp sau Đà Nẵng 13 bậc, đứng thứ 19/96 sân bay được xếp hạng, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không có tên trong bảng xếp hạng của Dragonair.
Đây là một thông tin rất đáng mừng bởi trước đó Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị đưa vào danh sách 10 sân bay tệ nhất châu Á năm 2014 do trang mạng Sleepinginairports bình chọn.
Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng, diện tích sử dụng 36.600 m2, gồm 4 tầng được khánh thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2011. Đây là sân bay mới và hiện mới chỉ khai thác hết 2/3 công suất. Nhiều đường bay quốc tế gần đây đã được mở tới Đà Nẵng.
(Theo Dân trí) Châu Như Quỳnh

Lãnh đạo ngân hàng tranh luận nảy lửa về nợ xấu

Cập nhật lúc 14:02

(TNO) Trước phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (ngày 1.11), lãnh đạo các ngân hàng lớn đã tranh luận nảy lửa về thực hư nợ xấu.

Nợ xấu sẽ được mổ sẻ trong phiên thảo luận ngày mai tại
Nợ xấu sẽ được mổ xẻ trong phiên thảo luận ngày mai (1.11) tại Quốc hội - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng
VAMC - 'món hàng' kẻ chê, người khen
Được thành lập với vốn điều lệ 500 tỉ đồng, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) hiện mua được khoảng 90.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng bán ra mới chỉ nhỏ giọt được hơn 4.000 tỉ đồng. Thực trạng này khiến VAMC trở thành tâm điểm tranh luận nảy lửa của các sếp ngân hàng (NH). 



“10 đồng trước kia, bán ra chỉ thu được 3, 4. Trong khi nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu tài sản bất động nên chỉ có 'thơm' lên thôi...”


Ông Nguyễn Đức Hưởng
Phó chủ tịch HĐQT Vietinbank

ĐB Phạm Huy Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT VietinBank) tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, đã ví nợ xấu mà VAMC mua về như đống tài sản giam lỏng trong kho, 5 năm sau khi mở ra có thể sẽ “bốc mùi” và chắc chắn càng ngày càng xấu đi.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, khi trao đổi với PV Thanh Niên Online lại có cách nghĩ khác. Theo ông Hưởng, VAMC bề ngoài như một cái kho đang “nhốt” nợ, tuy nhiên không thể nói nó sẽ "bốc mùi". Vì thực tế, tất cả tài sản nằm trong kho phần lớn là bất động sản, nếu bán ngay trong lúc thị trường xấu như hiện tại chắc chắn bị lỗ.
“10 đồng trước kia, bán ra chỉ thu được 3, 4. Trong khi nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu tài sản bất động nên chỉ có 'thơm' lên thôi...”, ông Hưởng bày tỏ.
Trong khi đó Chủ tịch đương nhiệm HĐQT VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho rằng nợ xấu để tại các NH sẽ càng nghiêm trọng, khi NH phải trích lập dự phòng rủi ro tăng lên. Còn để tại VAMC sẽ được giảm áp lực, thay vì trích lập 100% giá trị nợ xấu thì được giãn ra trong 5 năm mỗi năm 20% giá trị. “5 năm sau nợ được trích lập đầy đủ, tài sản quay lại các NH được tăng thêm thu nhập thì không thể đó là nợ xấu được”, ông Thắng nói.
Có nên tổng kiểm toán toàn diện nợ xấu?
Tiếp tục mổ xẻ về số liệu nợ xấu, nguyên Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng phát biểu: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo đã xử lý được 53,6% tổng số nợ xấu, khoảng 160.000 tỉ đồng từ 2012 đến nay. Lại có báo cáo khác nếu xử lý được 183.000 tỉ đồng. Tôi cho rằng số liệu này chưa chính xác”. ĐB Phạm Huy Hùng cũng không tin tưởng con số nợ xấu chiếm 3,7% tổng dư nợ nên đề nghị Quốc hội cần kiểm toán toàn diện hệ thống NH.

Có cần tổng kiểm toán nợ xấu trong hệ thống ngân hàng? - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng


Đại biểu Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho rằng nợ xấu mà VAMC mua về như đống tài sản giam lỏng trong kho, 5 năm sau khi mở ra có thể sẽ “bốc mùi” và chắc chắn càng ngày càng xấu đi

Trao đổi với Thanh Niên Online ông Phạm Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, lưu ý tất cả số liệu nợ xấu vừa qua đều được công bố công khai thông qua kiểm toán, thanh tra giám sát của NHNN. Nếu không tin thì cũng khó có con số nào khác để làm căn cứ.
Riêng về độ “vênh” số liệu, khi các NH báo cáo nợ xấu chiếm 3,8% còn NHNN đánh giá 5,43% tổng dư nợ, ông Dũng cho rằng sự khác nhau là do việc cập nhật thông tin ở mỗi NH và toàn hệ thống khác nhau. NHNN có thông tin tổng thể toàn hệ thống mà NH không có được nên con số thường sẽ cao hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp có khoản nợ ở Vietcombank đánh giá xấu, ở NH khác đánh giá tốt nhưng NHNN sẽ đánh giá tất cả các khoản nợ đó sẽ là xấu theo phân loại ở Vietcombank.
Về đề nghị muốn kiểm toán toàn diện nợ xấu, ông Dũng nói: “Hiện nay tất cả các tổ chức tín dụng năm nào cũng đều được kiểm toán độc lập cả. Trên cơ sở quản lý nhà nước về phân loại nợ, trích lập dự phòng, người ta không thể kiểm toán theo chuẩn mực khác mà chỉ cho ra một con số thôi. Tất cả đều kiểm toán rồi thì hà cớ gì mà kiểm toán nữa”.
Ông Nguyễn Đức Hưởng băn khoăn: “NH năm nào cũng kiểm toán, và 3 năm thay kiểm toán một lần theo quy định. Hơn nữa, đối với kiểm toán quốc tế họ không bao giờ giấu số liệu, dù làm lấy tiền lấy phí nhưng họ phải rất chuẩn mực để bảo vệ thương hiệu. Nếu không tin kiểm toán nữa thì không có cơ sở nào để mà tin. Vậy ai sẽ kiểm toán đây? Tôi nghĩ chắc ông Hùng nói vui thôi chứ không nói thật như thế được". 
(Theo Thanh niên) Anh Vũ

Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu chung một bồ nhí?

Cập nhật lúc 09:25

TP - Nguyên Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu từng chia sẻ người tình với hai đồng minh chính trị cùng “ngã ngựa” là Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai, trang tin Đài Loan Want China Times ngày 30/10 dẫn Nhật báo Phương Đông (Hong Kong).

Từ Tài Hậu (phải) và Bạc Hy Lai 
Từ Tài Hậu (phải) và Bạc Hy Lai
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, tướng Từ Tài Hậu (71 tuổi, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương giai đoạn 2004-2012) đã thừa nhận tội nhận hối lộ liên quan việc phong cấp hàm và che chở, nâng đỡ nhiều thuộc cấp. Từ Tài Hậu đã bị khai trừ khỏi đảng.
Ngoài việc buộc tội Từ nhận hối lộ, Trung Quốc đang lan truyền thông tin về việc ông này ăn chơi trụy lạc. Một trong những người được cho là tình nhân của Từ là nữ ca sĩ Thang Xán.
Theo nhiều nguồn tin, Thang Xán trước tiên được cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh tiến cử cho Chu Vĩnh Khang vào cuối những năm 1990. Lúc đó, Chu là Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Sau đó, Chu giới thiệu Thang Xán cho đồng minh thân cận của mình là Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người tiếp đó lại giới thiệu ca sĩ này với Từ Tài Hậu.
Lý Đông Sinh, 59 tuổi, bị truy tố về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực hồi tháng 6. Cựu Ủy viên thưng vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, chính thức bị điều tra cuối tháng 7. Bạc Hy Lai, 65 tuổi, bị kết án tù chung thân tháng 9/2013.
Nhiều nguồn tin nói rằng, sau khi gia nhập Đoàn ca múa Hải quân Trung Quốc năm 2010 ở tuổi 35, Thang Xán lập tức được đối xử như một ngôi sao theo chỉ thị của Từ Tài Hậu.
Tháng 12/2010, đích thân Từ yêu cầu Thang Xán tháp tùng ông ta trong một đợt thị sát các đơn vị quân đội. Cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn bị truy tố tội tham nhũng hồi tháng 4, cũng được cho là có quan hệ tình cảm với Thang Xán và tặng ca sĩ này hơn 10 món tài sản đắt tiền.
Theo một số nguồn tin, Từ Tài Hậu còn có quan hệ với một nữ diễn viên múa từng đi lại với con trai ông ta.
Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, kết quả cuộc điều tra tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang sẽ được công bố tại Hội nghị trung ương 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra năm 2015.
Giáo sư Wang Yukai ở Trường Hành chính Quốc gia Trung Quốc nhận định, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cần thêm thời gian để tìm hiểu và kiểm soát tình hình trước khi ra quyết định xử lý Chu Vĩnh Khang.
Ông Wang không loại trừ khả năng việc trì hoãn quyết định số phận Chu bắt nguồn từ việc không thống nhất trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Nhưng giáo sư Wang chỉ ra rằng, việc khai trừ cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ và cựu Bí thư Bắc Kinh Trần Hy Đồng không được thực hiện tại các hội nghị trung ương.
Các quyết định khai trừ thường được tiến hành trước và sau đó được thông qua tại hội nghị trung ương.
Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn ngày 25/10 phát biểu, cuộc chiến chống tham nhũng của đảng vẫn rất gay go và phức tạp. Ông nói rằng, cuộc chiến có thể quyết định sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là cuộc chiến Trung Quốc không thể sợ bị thất bại.
(Theo Tiền phong) Thục Ninh

Nhiều ngân hàng “biến mất”

 Cập nhật lúc 09:03     

Mỗi lần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đều xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết của tình hình kinh tế trong nước và tác động diễn biến kinh tế thế giới

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa có báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng (NH) theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”.
Ba lần “đại phẫu”
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh: Trong vòng 15 năm trở lại đây, nước ta đã 3 lần thực hiện tái cơ cấu hệ thống NH, một lĩnh vực rất nhạy cảm với thị trường, xã hội. Theo đó, 3 lần tái cơ cấu gồm: Giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 từ năm 1998 đến 2003, giai đoạn bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 2005-2008 và giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế 2011-2015.
PVCombank thành lập trên cơ sở sáp nhập Tổng Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) Ảnh: TẤN THẠNH 
PVCombank thành lập trên cơ sở sáp nhập Tổng Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) Ảnh: TẤN THẠNH
Kết quả, lần 1 đã sắp xếp, chấn chỉnh 14 NH thương mại (NHTM). Trong đó, đóng cửa, rút giấy phép 1 NH, sáp nhập 7 NH, cho NH khác mua lại 1 NH, hợp nhất 1 NHTM cổ phần nông thôn với 1 công ty tài chính cổ phần, chuyển 4 NHTM cổ phần nông thôn thành NHTM cổ phần đô thị. Xử lý nợ xấu giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003.
Đợt tái cơ cấu lần 2 đã chuyển đổi 12 NHTM cổ phần nông thôn thành NHTM cổ phần đô thị. Quy mô tài sản toàn hệ thống năm 2010 tăng 10 lần so với 2001, lợi nhuận chung năm 2010 tăng hơn 20 lần so với 2001, nợ xấu năm 2010 là 2,16%.
Trong đợt tái cơ cấu lần 3 theo Quyết định số 254 ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ, có 9 tổ chức tín dụng yếu kém cần sắp xếp chấn chỉnh. Hầu hết các NHTM cổ phần được sắp xếp, chấn chỉnh lần này cũng là những NH từng tái cơ cấu 2 lần trước, như: Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn, Nhà Hà Nội (đã tái cơ cấu lần 1), Sài Gòn - Hà Nội (lần 2 chuyển đổi từ NHTM cổ phần nông thôn Nhơn Ái), Nam Việt (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Sông Kiên), Phương Tây (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Miền Tây), Đại Tín (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Rạch Kiến), Dầu khí Toàn cầu (lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Ninh Bình). Tái cơ cấu lần này tương tự lần thứ nhất nhưng quy mô tài sản lớn hơn và có tính phức tạp hơn.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Ủy ban Thường vụ QH, 3 lần tái cơ cấu đã chỉ ra những hạn chế đối với lĩnh vực NH, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các NH mới và chuyển đổi loại hình. Sự phát triển nhanh về số lượng NHTM, chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị chưa thực sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị NH (vốn chủ sở hữu, trình độ, chuẩn mực và công nghệ quản trị), tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động NH.
Các giải pháp về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống NH vẫn chưa có sự thay đổi lớn về chất; chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các NH nhỏ, yếu kém. Do đó, năng lực cạnh tranh và quản trị, điều hành của nhiều NH sau tái cơ cấu chưa cải thiện, đáng kể nhất là việc áp dụng chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Báo cáo nêu rõ một số giải pháp áp dụng trong quá trình tái cơ cấu còn mang tính tình thế. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ QH nhấn mạnh vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động NH. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng NH nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu.
Về các nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong tái cơ cấu NH được Ủy ban Thường vụ QH nêu, có nguyên nhân chủ quan là một số giải pháp tái cơ cấu mới giải quyết những vấn đề trước mắt như vận động tự sáp nhập, mua bán nhưng khó xử lý được triệt để các tồn tại. Các kết quả đạt được trong bảo đảm an toàn hệ thống dựa chủ yếu vào sự hỗ trợ của NH Nhà nước.
Trong khi đó, NH Nhà nước vừa đóng vai trò là NH trung ương tập trung vào mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền vừa phải đảm nhiệm vai trò đại diện chủ sở hữu của các NHTM nhà nước, dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ, NH.
Theo kế hoạch, báo cáo giám sát nêu trên sẽ được Ủy ban Thường vụ QH trình bày và QH thảo luận vào ngày mai (1-11). 

Xử lý nợ xấu vẫn chậm
Cùng với quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, từ năm 2012 đến hết tháng 8-2014, hệ thống NH đã xử lý được 214.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, năm 2012 xử lý được 69.900 tỉ đồng, năm 2013 là 97.700 tỉ đồng và 8 tháng đầu năm 2014 hơn 46.400 tỉ đồng.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng Ủy ban Thường vụ QH vẫn cho rằng việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế lẫn mô hình. Các giải pháp được triển khai, chủ yếu là tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của tổ chức tín dụng trong ngắn hạn. Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2014, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro là 11.200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mới ra đời, năng lực tài chính có hạn, không đủ nguồn lực để thực hiện theo phương thức “mua đứt bán đoạn”. Tính đến ngày 30-9, VAMC đã mua 68.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng chỉ bán được hơn 1.400 tỉ đồng. 
(Theo Người LĐ) Thế Dũng

Tăng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy từ 1.11: Thêm gánh nặng và bức xúc cho người dân?

Cập nhật lúc 08:46  


Phí sử dụng đường bộ xe máy dung tích trên 100cm3 tối đa lên tới 150.000 đồng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Từ ngày 1.11.2014, Thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư 133 sẽ miễn, giảm phí cho các loại xe kinh doanh vận tải, nhưng lại tăng phí phải nộp với người sử dụng xe máy (môtô), chưa kể cách tổ chức thực hiện và chế tài thi hành gây không ít bức xúc cho người phải nộp phí.

Người lao động thêm gánh nặng
Việc thu phí sử dụng đường bộ lẽ ra có hiệu lực từ năm 2013, nhưng đến tháng 9.2014, UBND TPHCM mới thông qua đề án thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe môtô trên địa bàn. Theo đó, thống nhất mức thu xe máy dung tích dưới 100cm3 là 50.000 đồng/năm, xe từ 100-175cm3 là 120.000 đồng/năm và xe có dung tích trên 175cm3 là 150.000 đồng/năm. 
Nếu đề án trên được HĐND TPHCM thông qua, thời gian thu phí sẽ áp dụng từ 1.1.2015. UBND phường, xã là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm thu phí sử dụng đường bộ. Theo Sở GTVT TPHCM, hiện đang quản lý khoảng 5,5 triệu xe gắn máy 2 bánh, đăng ký tại TPHCM.
Chị Nguyễn Thị Thu (CN may Cty Thanh Đức, Q.Tân Phú) cho rằng, lương mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, nhưng phải chi tiền thuê nhà, tiền ăn, lo cho con đi học… chi phí đi lại tốn khá nhiều, sắp tới lại phải đóng thêm phí sử dụng đường bộ, dù chỉ 100.000 đồng/năm, nhưng thu nhập “còm” như CN chúng tôi đã phải gánh đủ các chi phí, thì việc đóng thêm 100.000 đồng như thêm hòn đá nặng trên vai.


Cả nước hiện có khoảng 37 triệu xe gắn máy đăng ký lưu hành 

Từ ngày 1.11.2014, Thông tư 133/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện” sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư 133 sẽ miễn, giảm phí cho các loại xe kinh doanh vận tải, nhưng lại tăng phí phải nộp với người sử dụng xe máy (môtô), chưa kể cách tổ chức thực hiện và chế tài thi hành gây không ít bức xúc cho người phải nộp phí.
Ông Đặng Văn Xướng (cư dân ở phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An), nói: “Gia đình tôi có 4 xe gắn máy, nhưng mới đóng phí cách đây 2 ngày. Làm công chức thì phải tuân thủ chủ trương”. Còn chị Nguyễn Thị Phương Dung (ngụ số 85 đường Khương Minh Ngọc, TP.Tân An) - cho biết: “Nghe nói là phải đóng phí đường bộ, nhưng không thấy ai tới nhà thu. Nếu thu, thì tôi sẽ đóng”.
Khi được hỏi về việc phải đóng phí đường bộ, bà L ê Thị Thảo (ngõ 167, phố Tây Sơn, Hà Nội) phải lục tìm trong mớ hóa đơn mới moi được tờ biên lai cũ nát nộp phí sử dụng đường bộ cho chiếc xe Honda Cup 82 là 50.000 đồng. Trong biên lai ghi tên, mô tả xe máy và biển số, không ghi động cơ, dung tích xi lanh hay bất kỳ thông số nào khác. Bà Thảo thắc mắc: “Không rõ người ta thu sẽ làm gì, chỉ biết nói là để nộp vào phí bảo trì đường bộ. Nhưng số tiền đó nộp cho ai, sử dụng làm gì, thì tổ trưởng dân phố - người trực tiếp đi thu tiền - cũng không biết”.
Còn ông Trần Văn Long - lái xe ôm ở khu vực Ngã Tư Sở (quận Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết: “Từ ngày nộp phí tờ biên lai vẫn mang trong ví, đã rách nát nhưng chưa thấy CSGT hỏi đến. Theo tôi biết, khi mua xăng phải đóng một khoản phí để bảo trì đường bộ. Nay lại thu tiếp, thì không hiểu phí sử dụng đường bộ sẽ được sử dụng làm gì?
Người đi thu phí không muốn nhận làm
Theo quy định của việc tổ chức thực hiện Thông tư 133, căn cứ điều kiện thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ ra quyết định giao UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí và chỉ đạo tổ dân phố, thôn, bản hướng dẫn chủ xe máy trên địa bàn kê khai phương tiện sử dụng và tổ chức thu phí. Số tiền thu được, cấp phường, thị trấn được để lại tối đa không quá 10%; cấp xã được để lại tối đa không quá 20% để trang trải chi phí của việc tổ chức thu phí. Số tiền còn lại cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản Quỹ Bảo trì đường bộ mở tại Kho bạc Nhà nước.
Quy định là như thế, nhưng từ giữa tháng 10.2014 đến nay TP.Đà Nẵng đã triển khai việc thu phí xe máy đến từng hộ dân. Việc thu tiền do các tổ trưởng dân phố đảm nhiệm và đang nảy sinh nhiều bức xúc. Cô M (Tổ trưởng Tổ 2, phường Bình Thuận) tâm sự: “Chắc năm sau tui dứt khoát nghỉ “chức” ni, chú ơi! Việc thu phí đường bộ là chuyện của bên giao thông, bên kho bạc… mà lại đổ lên đầu chúng tôi. Dân chửi rát mặt. Từ hai ngày nay, chỉ thu được 250 ngàn, đỡ nộp lên phường tờ giấy trắng, chứ chẳng thu được ai”.
Cũng chung ý kiến này, ông Nguyễn Văn Kha (Chủ tịch xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) phàn nàn: Xã đã tuyên truyền suốt, nhưng người dân vẫn không chịu nộp. Với xã Tam Hiệp có 1.800 xe máy, thì năm 2013 mới thu được khoảng 30% số đầu xe. 
“Công an xã xuống tận nhà thu mà người dân vẫn không nộp, vì họ bảo chẳng thấy ai bị phạt vì không nộp loại phí này cả”. Là người trực tiếp đi thu phí sử dụng đường bộ, ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Công an xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Ban ngày công an xã đến thu thì người dân đi làm, rất ít người ở nhà nên rất khó thu đúng, thu đủ. Kết quả thu phí đường bộ của xã mới được 130 xe/3.300 xe.
Theo nhiều người dân ở Đà Nẵng, thu như vậy là bất hợp lý, giao thông trong nội thị cần phải được hiểu như một quyền được hưởng lợi ích công cộng của người dân. Hơn nữa phí đường bộ, thuế cho ngân sách, cũng đã được thu qua xăng dầu, trước bạ khi mua bán xe… thì thêm một khoản phí người dân phải nộp đã làm cho nhiều người đặt câu hỏi: “đó có phải là hiện tượng lạm thu?”. Đã vậy, người dân cũng không biết số tiền thu này sẽ được làm việc gì, trong khi đường sá mỗi ngày xuống cấp; tai nạn giao thông ngày mỗi nhiều…
Theo quy định của Thông tư 197/2012/TT-BTC, mức thu phí xe môtô từ 50.000 - 100.000 đồng/năm (loại xe dung tích xy lanh đến 100cm3) và từ trên 100.000 - 150.000 đồng/năm (loại có dung tích trên 100cm3). Nay Thông tư 133 quy định hai loại phương tiện nói trên có mức tối đa 100.000 đồng/năm và tối đa 150.000 đồng/năm.
Người sử dụng môtô khi nộp phí sẽ được cấp biên lai (có in mệnh giá, được in trên bìa cứng, khổ 85,6mmx53,98mm). Riêng chủ phương tiện thuộc hộ nghèo thuộc diện miễn phí thì ở dòng mệnh giá trên biên lai được ghi chữ “Hộ nghèo”.
Thông tư 133 quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng - 5 triệu đồng về “Hành vi vi phạm quy định về nộp phí, lệ phí”; Phạt tiền từ 1-3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định với mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng... L.Q.V ghi
Thu phí xe gắn máy tại địa phương sẽ khó khăn, phức tạp
Bà Lê Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND phường 16, quận Gò Vấp - cho biết, chưa biết sắp tới, TP có giải pháp cụ thể triển khai thu phí như thế nào không, chứ việc thu phí này e rằng rất phức tạp, khó khăn. Qua khảo sát, số lượng xe gắn máy trên địa phường không ổn định và khó kiểm soát. Bởi, nếu chỉ đơn thuần là người dân thường trú thì dễ, đằng này số lượng dân nhập cư, tạm trú khá đông. Trong khi đó, quân số các bộ phường hiện nay ít, còn giao cho các tổ dân phố thu rất dễ gặp phải sự phản ứng không đóng từ phía hộ dân… Trần Phan ghi
Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư - ông Lê Hoàng Minh: “Phí đường bộ được sử dụng 100% vào Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương”
Theo Thông tư 133, khoản phí này được UBND địa phương toàn quyền sử dụng, thông qua sự quản lý và giám sát của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Do vậy, việc triển khai thu phí các địa phương cũng chủ động và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, để triển khai cho hợp lý. Một số địa phương có số dân đông và dân tạm trú lớn như TPHCM, thì khó thống kê chính xác, do vậy cũng cần thời gian để chuẩn bị tốt hơn. 
Hiện nay, hệ thống đường địa phương cả nước có tổng chiều dài tới 205.000km trên tổng số 222.000km luôn trong tình trạng khó khăn về kinh phí bảo trì, sửa chữa. Do vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ để bảo trì, bảo dưỡng hệ thống đường bộ địa phương là rất quan trọng, cần sự đồng thuận của mỗi người dân. Đặng Tiến ghi
Nhóm PV Kinh tế Báo Lao động

Liên tục trong 2 năm qua các loại phí dịch vụ như giáo dục, y tế đều đặn tăng lên, thậm chí rất khủng. Cùng với đó lạm phát ở mức 5-7%, năm 2014 chắc cũng khoảng 4%. Đồng nghĩa với những sự tăng lên đó là mức giảm giá trị của đồng lương của đối tượng chính sách, sự thâm hụt túi tiền của người lao động. Trong cái đà tăng đó, có một cái trông đợi tăng nhất thì không đến – đó là tăng lương tối thiểu để bù đáp sự mất giá đồng tiền! Các loại phí tăng lên đều được giải thích hợp lý, sự cần thiết. Tuy nhiên 3 năm không thể tăng lương thì chỉ có một cách giải thích đơn giản: không có tiền!
Thương Giang

Việt Nam đang vay nợ như thế nào

Cập nhật lúc 08:14

Lần đầu tiên nhiều số liệu chi tiết về nợ công được người đứng đầu ngành tài chính công bố tại diễn đàn Quốc hội. 


Bộ trưởng Tài chính cho biết tỷ lệ nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2017.

Câu chuyện nợ công vốn đã được Quốc hội thảo luận suốt nhiều kỳ họp, một lần nữa khiến dư luận quan tâm khi báo cáo tình hình 2014 của Chính phủ đưa ra nhận định nợ công đang tăng nhanh. Liên tiếp tại các phiên họp tổ, các buổi góp ý chuyên đề cũng như trong suốt phần thảo luận kinh tế - xã hội ngày 30/10, hàng loạt câu hỏi, ý kiến xung quanh vấn đề quản lý nợ được các đại biểu đặt ra.
Đáp ứng yêu cầu này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng được đề xuất là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia ý kiến về vấn đề này. Báo cáo của ông trước Quốc hội, đúng như kỳ vọng, đã lần đầu tiên cho thấy một bức tranh khá toàn diện về tình hình tài chính quốc gia.
Lần dở lại lịch sử, vị trưởng ngành cho biết khái niệm nợ công chỉ thực sự có ý nghĩa đối với hệ thống quản lý tài chính Việt Nam từ năm 2010, khi Luật Quản lý nợ công chính thức có hiệu lực. Trước đó, các chỉ tiêu quản lý khác là nợ Chính phủ hay nợ quốc gia đều ở mức khá thấp (31-38% GDP) và chỉ thực sự tăng mạnh từ năm 2009, khi Việt Nam tích cực đi vay để kích cầu.
Những năm sau đó, kinh tế khó khăn, nguồn thu bị cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các khoản chi cho an sinh, các chương trình mục tiêu quốc gia… không thể cắt giảm khiến cho cơ quan quản lý phải thắt chặt túi tiền dành cho đầu tư. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này giảm từ 21,6% năm 2010 xuống mức 16-17% tổng chi hiện nay. Để bù đắp, Chính phủ phải phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm 2014-2016, bên cạnh con số 225.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt trước đó cho giai đoạn 2011-2015.
Chính điều này đã đẩy nợ công tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm).
Điểm tích cực của việc vay nợ những năm qua được Bộ trưởng thông báo là tăng tỷ lệ vay trong nước, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng cảnh báo về các khoản vay trong nước đều có kỳ hạn ngắn. Điều này đồng nghĩa với áp lực trả nợ giai đoạn 2015-2016 là rất cao.



Dù cho biết đến nay, Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu, song Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận cơ cấu nợ hiện không bền vững. Cơ quan điều hành phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua khoảng 137.000 tỷ đồng.
Cụ thể, số phát hành năm 2012 là 20.000 tỷ, 2013 là 40.000 tỷ và theo dự toán năm 2014 là 77.000 tỷ. "Nếu thu ngân sách vượt lên theo báo cáo Quốc hội, có thể bố trí vào thì con số của năm 2014 có thể giảm đi. Còn dự toán năm 2015 là 130.000 tỷ", Bộ trưởng cho biết.
Từ thực tế này, đại diện ngành tài chính cũng đưa ra kế hoạch khá chi tiết cho chiến lược vay nợ của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2020. Cụ thể, với mức bội chi dự kiến 4-5% một năm, kế hoạch phát hành 145.000 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 2 năm tới, Chính phủ dự kiến sẽ phải bán thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu mỗi năm cho giai đoạn 2017-2020.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục phải vay nước ngoài (chủ yếu là ODA, vay ưu đãi…) 5-6 tỷ USD một năm, trong đó số đi vay để cho doanh nghiệp vay lại 1,5-2 tỷ USD. Các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp đặc thù (dầu khí, điện, hàng không…) vay để làm các dự án trọng điểm cũng khoảng 3-4 tỷ USD mỗi năm, bảo lãnh cho các định chế tài chính đặc thù phát hành trái phiếu 60.000-70.000 tỷ một năm… sẽ cùng với khoản nợ của chính quyền địa phương (cao thêm 30.000-45.000 tỷ mỗi năm) tác động tới nợ công.
Tuy vậy, với giả định GDP tăng trưởng 6,2-6,8% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020, lạm phát khoảng 5-6%, bội chi giữ ở mức 4-5%, Chính phủ dự kiến nợ công sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2017 (64,9% GDP) và giảm dần sau đó. Đến 2020, cơ quan điều hành kỳ vọng nợ công sẽ về mức 60,2% GDP.
Với những tính toán nêu trên, kết thúc phần phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa kêu gọi sự chia sẻ của đại biểu Quốc hội và cử chi cả nước: “Đúng là nợ công vẫn trong giới hạn cho phép nhưng chúng ta đang gặp khó khăn. Việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế xã hội, gắn với quản lý sử dụng vốn có hiệu quả sẽ góp phần giảm nợ công, nợ xấu”, Bộ trưởng nhận định.
(Theo VnExpress) Nhật Minh