Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Putin KGB xử những 'con ngựa trojan' của Mỹ-Phương Tây

Cập nhật lúc 15:53                

Người Nga đã thay đổi một Hiến pháp cũ thành một Hiến pháp chủ quyền…



Tống thống Nga Putin phê chuẩn trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp

Về nguyên tắc, Hiến pháp Nga sau gần 30 năm tồn tại trong khi đất nước Nga đã phát triển hùng mạnh từ đống tro tàn của “thảm họa địa chính trị lớn nhât thế kỷ” thì thay đổi, sửa đổi nó là một vấn đề tất yếu của xã hội Nga, là nội bộ của nước Nga…Thế nhưng, có sự chống trả rất gay gắt, quyết liệt của thế lực bên trong và bên ngoài…
Nga-Putin đã sửa đổi những gì?
Ở góc nhìn của người nước ngoài, chúng ta chỉ nêu những sửa đổi có tính chất quan trọng ảnh hưởng sâu sắc đến đối nội, đối ngoại, chủ quyền của nhà nước Nga, tác động mạnh đến các thế lực bên ngoài và bên trong chống lại nước Nga.
Vấn đề đầu tiên là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Việc sửa đổi đã loại bỏ các vấn đề như đàm phán hòa bình trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản ở cấp hiến pháp, đồng thời chấm dứt các cuộc tranh luận, nghi ngờ rằng Putin đang cố gắng trao đất cho Trung Quốc.
Vì sự sửa đổi này trong tương lai, ngay cả khi các công ty Trung Quốc đầu tư vốn vào Nga đột nhiên muốn chiếm lấy một phần của Nga, họ sẽ không đạt được mục đích nữa, ngay cả khi một Tổng thống khác lên nắm quyền quyết định trao một phần lãnh thổ của Nga cho Trung Quốc cũng vậy.
Sửa đổi này chấm dứt hoàn toàn vấn đề Crimea, ngay cả khi một tổng thống mới lên nắm quyền, không đồng ý với quyết định của Putin và người dân Crimea và quyết định trao nó cho Ukraine.
Chẳng hạn như trong các ứng cử viên tổng thống trước đây năm 2018 là bà Sobchak, vốn công nhận Crimea là của Ukraine, xin hộ chiếu Ukraine đến Crimea dù Crimea đã sáp nhập Nga…nếu chẳng may lần tới trúng cử Tổng thống thì cũng không thể.
Vấn đề thứ hai là Sửa đổi về ưu tiên của Hiến pháp Liên bang Nga đối với các điều ước quốc tế.
Sửa đổi này rất quan trọng và cũng là một trong những những trọng điểm chống phá Nga của thế lực bên ngoài. Sửa đổi này theo đó, các luật quốc tế, điều ước quốc tế nếu mâu thuẫn với Luật, Hiến pháp Nga thì Nga sẽ không thực thi, loại bỏ nó.
Luật Nga, Hiến pháp Nga là tối thượng. Một quốc gia có chủ quyền thì không bao giờ có tình cảnh Luật, các điều ước bên ngoài lại cao hơn Luật, Hiến pháp trong nước, đó là một quốc gia nửa thuộc địa.
Lâu nay, điều này đã gây áp lực cho Nga rất lớn, những vụ kiện cáo Nga về kinh tế, chính trị, nhân quyền… mà quyền xét xử bởi Tòa án phương Tây đã khiến Nga bất lợi. Bây giờ, quên đi nhé, Tòa án phương Tây xử cho chính họ nghe, Nga không quan tâm.
Vấn đề thứ 3, bổ sung tiêu chuẩn các quan chức hàng đầu của Nga, cụ thể gồm, Tổng thống, Thượng nghị sỹ, đại biểu Duma Quốc gia, người đứng đầu chính phủ Nga, phó thủ tướng, bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan liên bang khác, người đứng đầu các khu vực, công tố viên.
Tất cả các thành phần trên phải (1) Yêu cầu cư trú tại Nga vĩnh viễn, (2)  Cấm có quốc tịch nước ngoài, giấy phép cư trú hoặc tài liệu khác trao quyền cư trú vĩnh viễn trên lãnh thổ của một quốc gia khác, (3) Cấm mở và có tài khoản, lưu trữ tiền và các vật có giá trị trong các ngân hàng nước ngoài nằm ngoài LB Nga.
Chúng ta thử hình dung, tổng thống có quốc tịch kép, Bộ trưởng, Thống đốc thì thuê có quốc tịch nước ngoài như Ukraine chẳng hạn thì thật là xa xỉ khi nói rằng đó là một quốc gia có chủ quyền…
Tổng thống Nga Putin đập nát những con ngựa Trojan
Như đã nói, Hiến pháp 1993 của Nga ra đời trong thập niên 90 trong bối cảnh nước Nga được cai trị bởi những đầu sỏ mà người Nga gọi là “7 ngân hàng” (và “muốn hiểu biết nước Nga thời đó ra sao hãy xem Ukraine hiện nay”). Mỹ và phương Tây đã “đưa hàng loạt các con ngựa Trojan được quản lý bên ngoài đặt vào trong đó” với hy vọng là nước Nga tiếp theo sẽ không tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Những con ngựa Trojan này được đưa vào trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội nước Nga sẵn sàng xâu xé nước Nga, cai trị dân Nga…như mục tiêu đề ra của Mỹ - phương Tây sau chiến tranh lạnh kết thúc.
Nước Nga sau khi ông Putin hết nhiệm kỳ liệu có ai đủ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây như Khodorkovsky và Navalny là ứng viên chức Tổng thống Nga? Những ứng viên Nga có quốc tịch nước ngoài, cư trú thường xuyên tại nước ngoài, nhận tiền từ nước ngoài khi trở thành Tổng thống thì có đặt lợi ích quốc gia Nga trên hết?
Với việc sửa đổi Hiến pháp, Putin đã dựng lên một “bức tường lửa” bảo vệ Kremlin, bảo vệ chính quyền Nga sau Putin, trước khi hết nhiệm kỳ. Putin đã đập tan những con ngựa Trojan được Mỹ-PT đã ngấm ngầm đặt sẵn vào Kremlin, chính quyền Nga ngay từ Hiến Pháp.
Bắt đầu từ đây, quan chức Nga là người Nga, không liên quan bất cứ thứ gì về kinh tế, chính trị…với nước ngoài. Khodorkovsky hay Navalny hay bất cứ kẻ nào nhận tiền từ nước ngoài đã không bao giờ có chỗ trong chính quyền Nga. Trong khi đó, thế lực bên ngoài không cần anh tài giỏi, anh hề cũng được, không sao, miễn là thực hiện mọi mệnh lệnh từ bên ngoài khi anh đã nhận tiền để ngồi lên chiếc ghế đó – loại tay sai kiểu mới.
Đó là con ngựa Trojan trong chính sách đối nội.
Chẳng hạn, Putin ký Luật cải cách lương hưu trong tình trạng Luật này có sự can thiệp của IMF với điều ước quốc tế mà Nga đã ký tham gia và chính phủ đưa ra luật tăng tuổi nghỉ hưu mà không có bất cứ điều kiện nào. Với Putin, đây là luật có hại, nhưng theo Hiến pháp, Putin buộc phải ký khiến cho sự ủng hộ Putin trong dân chúng giảm đáng kể, mọi tội lỗi đổ lên đầu Putin thay vì ai đó…
Nhưng nếu như năm đó 2018, sửa đổi Hiến pháp được thông qua thì Putin sẽ không ký. Putin đã đưa ra các sửa đổi cho luật này, trong đó, ví dụ, nếu ba đứa trẻ được sinh ra, bạn có thể nghỉ hưu trước thời hạn. Putin giới thiệu các chỉ số bắt buộc của lương hưu…Tóm lại Putin sẽ không chấp nhận Luật này theo Hiến pháp. Và, với sửa đổi mới này, Putin có cơ hội không thông qua các luật như vậy và gửi chúng để xem xét tới Tòa án Hiến pháp…mà không phụ thuộc vào yêu cầu, điều ước nào bên ngoài…
Như vậy, sửa đổi Hiến pháp Nga lần này theo chuyên gia Nga thì sửa đổi chiếm 70% và chúng đều mới, tiến bộ. Nếu cuộc trưng cầu dân ý thay đổi Hiến pháp thành công, nó sẽ được thực thi ngay và luôn. Một hiến pháp bị chiếm đóng được thay thế bằng một hiến pháp có chủ quyền.
Một siêu cường quân sự có Hiến pháp chủ quyền, một nền đối ngoại độc lập xuất hiện đập tan Thế giới đơn cực do Mỹ - phương Tây lãnh đạo gần 30 năm qua. Một Putin hiện diện tại Kremlin ít nhất cho đến năm 2035 làm bi quan chán nản mọi thế lực chống Nga.
Một hoạt động của Liên bang Nga đã kích hoạt chính quyền Nhật Bản quyết định chấm dứt Hiến pháp chiếm đóng của mình hay không…
Tất cả, không làm Mỹ-Phương Tây lo lắng, chống phá điên cuồng mới là chuyện đáng ngạc nhiên.
(Theo Đất Việt) Lê Ngọc Thống

Chủng cúm lợn mới phát hiện ở Trung Quốc có nguy cơ gây đại dịch

Cập nhật lúc 15:52                
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện ra một loại cúm lợn mới có khả năng gây ra đại dịch, theo một nghiên cứu được công bố hôm 29.6 trên tạp chí khoa học PNAS của Mỹ.


Chủng cúm lợn mới được phát hiện ở Trung Quốc được đặt tên là G4. Ảnh: Reuters.
                           
Chủng cúm lợn mới được phát hiện ở Trung Quốc được đặt tên là G4, có nguồn gốc di truyền từ chủng H1N1 gây ra đại dịch năm 2009.
Các tác giả nghiên cứu - là các nhà khoa học tại nhiều trường đại học ở Trung Quốc và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - cho biết, chủng cúm lợn mới phát hiện có "tất cả các dấu hiệu xác nhận thiết yếu của việc thích nghi cao với lây nhiễm cho người". 
Từ năm 2011 đến 2018, các nhà nghiên cứu đã lấy 30.000 mẫu phết mũi từ lợn trong các lò mổ ở 10 tỉnh của Trung Quốc và tại 1 bệnh viện thú y. Từ đó, họ phân lập được 179 virus cúm lợn. Phần lớn trong số virus này có một loại mới được phát hiện nhiều ở lợn từ năm 2016.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau, trong đó có thí nghiệm trên cả chồn sương - loài được sử dụng trong nghiên cứu về cúm bởi có các triệu chứng tương tự như người, chủ yếu là sốt, ho và hắt hơi. 
Qua quan sát, so với các virus khác, chủng G4 cho thấy có khả năng lây nhiễm cao, phân tách trong các tế bào và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở chồn sương. 
Các thử nghiệm cũng cho thấy, bất kỳ cá nhân nào có miễn dịch với cúm mùa đều không được bảo vệ khỏi G4. 
Các xét nghiệm máu cho thấy có các kháng thể được tạo ra khi tiếp xúc với virus, với 10,4% người lao động làm việc liên quan tới lợn đã bị nhiễm bệnh. Xét nghiệm cũng cho thấy có khoảng 4,4% dân số nói chung dường như bị phơi nhiễm. 
Do đó, có thể thấy virus đã truyền từ động vật sang người nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy có thể truyền từ người sang người - mối lo ngại chính của các nhà khoa học.
"Điều đáng lo ngại là sự lây nhiễm virus G4 ở người sẽ làm sự thích nghi thêm của con người và làm tăng nguy cơ đại dịch ở người" - các nhà nghiên cứu lưu ý. 
(Theo Lao Động) HẢI ANH
Cập nhật mới nhất về tình hình lũ lụt ở Trung Quốc và xả lũ đập Tam Hiệp

Cập nhật lúc 15:20

Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc phát cảnh báo màu xanh với mưa bão trong bối cảnh mưa lớn tiếp tục càn quét nhiều vùng của Trung Quốc.


Lũ lụt đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương miền Nam Trung Quốc.  

Theo cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc, từ sáng hôm qua (29.6) đến sáng nay (30.6), mưa lớn và dông xuất hiện tại các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Hồ Bắc, Giang Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hà Bắc và Sơn Đông.
Một số khu vực trong số này sẽ có lượng mưa lên tới 70mm mỗi giờ kèm theo giông bão và gió mạnh, China Daily thông tin.
Cơ quan khí tượng quốc gia Trung Quốc khuyến cáo, chính quyền các địa phương nên duy trì cảnh giác về khả năng xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, đồng thời khuyến nghị tạm dừng các hoạt động ngoài trời ở những khu vực nguy hiểm.
Trung Quốc có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp được gắn 4 màu với cấp màu đỏ là cấp nguy hiểm nhất, tiếp theo là vàng cam, vàng và xanh.
Kể từ tháng 6, các trận mưa lớn liên tục đã hoành hành khắp khu vực phía nam Trung Quốc khiến nước của nhiều con sông trong khu vực bị ảnh hưởng, dâng quá mức cảnh báo.
Hôm 29.6, Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà điều hành đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã mở 2 cửa xả lũ vào sáng cùng ngày, đánh dấu đợt xả lũ chính thức đầu tiên của con đập nổi tiếng trên sông Dương Tử trong năm nay.
Theo báo cáo, 8h ngày 29.6, 34 máy phát điện của đập Tam Hiệp đã hoạt động đầy đủ và gần hết công suất.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc dự báo, từ 1-2.7, sẽ có mưa vừa đến mưa lớn gần các nhánh ở thượng lưu sông Dương Tử.
Đến ngày 3.7, có khả năng có mưa lớn và mưa bão cục bộ xảy ra ở thượng nguồn sông Hán Giang và sông Gia Lăng - các sông nhánh của sông Dương Tử. Bản tin cũng cảnh báo, hồ chứa nước đập Tam Hiệp có thể trải qua đợt nước lũ mới vào đầu tới giữa tháng 7.
Theo Taiwannews, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cũng cảnh báo sáng 30.6 đã phát cảnh báo màu xanh với mưa lớn ở phía nam và tây nam Trung Quốc cho ngày 30.6 tới ngày 1.7. Đây là ngày thứ 29 liên tiếp Trung Quốc phát cảnh báo mưa lớn trên khắp cả nước.
Tân Hoa Xã cho hay, mưa lớn gần đây xảy ra trên các sông Ngô Giang, sông Dân (hay sông Mân) và Tuojang ở thượng nguồn sông Dương Tử. Hãng tin cũng thông báo rằng, lưu lượng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp bắt đầu tăng từ chiều 27.6.
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố, các đập Tam Hiệp, Gezhouba, Xiluodu và Xiangjiaba đang nỗ lực hết sức để phát điện. Tuy nhiên, một số hãng tin của Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, việc phát điện ở Tam Hiệp thực sự là một đợt xả lũ khẩn cấp để ngăn con đập khỏi nguy cơ sụp đổ.
(Theo Lao Động) THANH HÀ
Hà Nội: Cháy lớn gần tổng kho xăng dầu, thùng hóa chất văng xa trăm mét
Cập nhật lúc 11:09   

Sáng nay (30/6), một vụ cháy lớn đã xảy ra tại kho nhà xưởng hóa chất trong cảng Đức Giang (phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội). Các thùng hóa chất nổ, lửa văng tung tóe...


Liên quan đến vụ cháy trên, trao đổi nhanh với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Cự, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, khoảng 8h sáng nay (30/6), đã xảy ra vụ cháy lớn ở kho xưởng nằm trong cảng Đức Giang, rìa sông Đuống.
Hiện lực lượng PCCC khu vực đã huy động nhiều lực lượng và phương tiện đến hiện trường để dập tắt đám cháy.
Ông Cự cho biết, đến 9h cùng ngày, đám cháy vẫn chưa được dập tắt. Cột khói lửa "khổng lồ" cuồn cuộn bốc cao hàng trăm mét.
Ghi nhận tại hiện trường, các thùng hóa chất trong kho cháy nổ, lửa và hóa chấy cháy văng tung tóe gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy. Lúc 9h45', có hiện tượng thùng hóa chất dưới tác động của lửa đã bị nén, văng xa cả trăm mét từ trong kho xưởng ra bên ngoài.
Một thùng hóa chất bắn văng từ hiện trường đám cháy sang khu vực cách đó hơn 100m. Lực lượng chữa cháy lập tức có mặt khống chế, không để cháy lan.
Hiện tại đã huy động cả lực lượng PCCC Công an TP Hà Nội và sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Thủ đô để nỗ lực khống chế đám cháy.
Đám cháy lớn có nguy cơ lan rộng nguy hiểm khi xảy ra gần Tổng kho xăng dầu Đức Giang và Công ty bột giặt và hóa chất Đức Giang.
Lực lượng chữa cháy đang phá tường rào, tìm mọi cách khống chế không để lửa lan nhanh.
Một số hình ảnh vụ cháy:





Đến hơn 10h sáng nay, đám cháy lớn đã cơ bản được khống chế, không để lửa cháy lan sang các khu vực nguy hiểm. 

(Theo Dân trí) Tin: Nguyễn Dương - Việt Hưng
Ảnh: Việt Hưng 
TP.HCM: Đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 cư dân chung cư Phạm Viết Chánh

Cập nhật lúc 10:59 

Kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với toàn bộ cư dân lầu 12, lô D, chung cư Phạm Viết Chánh, P.19, Q.Bình Thạnh đều âm tính.


Tất cả mẫu bệnh phẩm cư dân lầu 12, lô D, chung cư Phạm Viết Chánh, P.19, Q.Bình Thạnh TP.HCM hiện đều âm tính. Ảnh: Duy Tính

Sáng 30.6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với bệnh nhân 326 (BN326), người nhà BN326 và toàn bộ những người cùng tầng 12, lô D, chung cư Phạm Viết Chánh, P.19, Q.Bình Thạnh TP.HCM. Theo đó, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với Covid-19, kể cả BN326
Theo Bộ Y tế, BN326 (20 tuổi), là du học sinh từ Pháp về Việt Nam vào ngày 24.5, được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM) ngay sau khi nhập cảnh. BN326 được phát hiện dương tính với Covid-19 vào ngày 25.5 và đã được công bố khỏi bệnh ngày 9.6.
BN này tiếp tục được cách ly 14 ngày tại khu cách ly của Q.Bình Thạnh sau khi khỏi bệnh và đã về nhà tại tầng 12 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh được 6 ngày nay. Khi về chung cư tại Q.Bình Thạnh, BN326 tiếp tục được xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra.
Ngày 20.6 vừa qua, BN326 có kết quả dương tính yếu với Covid-19.
Để bảo đảm an toàn và chủ động phòng ngừa dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM yêu cầu người dân sống cùng tầng với BN326 tại chung cư Phạm Viết Chánh lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để giám sát trọng điểm.
Tuy nhiên, ngày 29.6, một số người dân hoang mang khi trên mạng lan truyền thông báo của UBND P.19, Q.Bình Thạnh về việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn bộ cư dân tầng 12, lô D, chung cư Phạm Viết Chánh. Bộ Y tế cho rằng, người dân không quá lo lắng và hoang mang vì trước đây cũng có nhiều trường hợp sau khi ra viện xét nghiệm dương tính yếu với Covid-19 và không có khả năng lây lan.
Tính đến sáng 30.6, TP.HCM đã có 61 ca nhiễm Covid-19, trong đó 57 ca đã khỏi bệnh, xuất viện. Tổng số người đang cách ly tập trung là 568 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 119 người.
(Theo Thanh Niên) Duy Tính

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Tùy tiện mở thẻ ngân hàng, nhiều người mang nợ mà không hay

Cập nhật lúc 14:51  

Nhiều người đồng ý mở thẻ ATM, Visa tại các ngân hàng vì tưởng rằng nếu không sử dụng, thẻ sẽ tự hủy. Thế nhưng sau đó, họ bị ngân hàng đòi nợ, liệt vào diện nợ xấu.
 Thành con nợ vì mở thẻ
Khi được nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ ATM, thẻ tín dụng, không ít người gật đầu đồng ý với suy nghĩ “có mất gì đâu, cùng lắm là tốn vài chục ngàn đồng phí duy trì”. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Phản ánh đến Báo, chị M.B. (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết, cách đây ba năm, nhân viên ngân hàng C. đến nài nỉ chị mở thẻ tín dụng. Thấy được nhiều ưu đãi như miễn phí thường niên năm đầu, hoàn tiền khi chi tiêu nên chị B. đồng ý mở thẻ. Thời gian sau, do không sử dụng, chị B. gọi điện thoại đến tổng đài của ngân hàng, yêu cầu khóa thẻ.
“Nhân viên ngân hàng hẹn hôm sau gọi điện thoại lại cho tôi để giải quyết nhưng không thấy. Do công việc bận rộn nên tôi quên bẵng và cũng đinh ninh thẻ đã được khóa ba năm nay” - chị B. kể. 
Thế nhưng, cách đây vài ngày, chị B. nhận được cuộc gọi của một công ty thu hồi nợ, xưng là đại diện của ngân hàng C., yêu cầu chị B. thanh toán 3,7 triệu đồng tiền phí thường niên. Lúc này, chị B. mới biết, thẻ của mình vẫn “hoạt động ngầm” suốt thời gian qua.
“Phí thẻ thường niên thường được thu theo từng năm. Suốt ba năm qua, tôi không nhận được bất kỳ tin nhắn nào thông báo về phí thẻ nên cứ nghĩ thẻ đã bị khóa. Tôi cho rằng, ngân hàng này không minh bạch trong cách tính phí với khách hàng” - chị B. bức xúc. 


Nhiều người không biết rằng mình đang mắc những món nợ tại các ngân hàng do những tấm thẻ đã mở trước đó (ảnh minh họa)

Không ít khách hàng còn rơi vào nợ xấu do thiếu phí duy trì. Cách đây hai năm, anh P.T.T. (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) được mời chào mở thẻ tín dụng miễn phí. Sau khi nhận thẻ, anh T. không dùng đến. Sau đó, anh nhận được điện thoại thông báo nợ hơn 1 triệu đồng tiền phí duy trì. Anh T. đã thanh toán khoản nợ này nhưng mới đây, anh tiếp tục nhận được thông báo từ công ty thu hồi nợ rằng mình còn 196 đồng đã quá hạn thanh toán hai năm.
“Theo quy định của các ngân hàng, khi bị nợ xấu từ nhóm 2 trở lên khách hàng sẽ không được vay vốn. Chỉ vì nợ 196 đồng mà tôi đã bị liệt vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Nếu muốn vay, tôi phải tất toán hết nợ, chờ ít nhất 5 năm để CIC xóa thông tin nợ xấu khỏi hệ thống” - anh T. nói. 
Ngoài thẻ tín dụng, hiện nay, nhiều người sở hữu ít nhất vài thẻ ATM trong ví. Mặc dù không dùng thẻ hoặc làm mất thẻ nhiều năm nhưng khách hàng vẫn trở thành con nợ của ngân hàng chỉ vì thẻ vẫn chưa đóng. “Thời sinh viên, tôi được giới thiệu mở thẻ ATM miễn phí tại Ngân hàng Đông Á. Sau này, tôi chuyển sang dùng thẻ ATM khác và quên luôn thẻ này. Mới đây, tôi nhận được cuộc gọi nợ phí thường niên 209.000 đồng. Nếu muốn hủy thẻ ATM này, tôi buộc phải đóng hết phí thường niên. Còn nếu không hủy thẻ, phí sẽ tiếp tục phát sinh thêm. Thế là bỗng dưng tôi trở thành con nợ” - một khách hàng tên Huyền kể với chúng tôi. 
Khách hàng thờ ơ, ngân hàng dễ dãi 
Ông Nguyễn Thiện Giang - Giám đốc VietABank chi nhánh TP.HCM - cho biết, về nguyên tắc, nếu thẻ chưa bị khóa và hủy thì chủ thẻ vẫn phải đóng phí thường niên. Sau khi đóng phí, nếu thiếu một đồng, vẫn bị tính nợ thông qua hệ thống quản lý nợ tự động. Do đó, người dân cần rà soát lại xem thẻ của mình đã khóa hay chưa, bằng cách liên hệ đến tổng đài ngân hàng để kiểm tra. 
Việc khách hàng “bỏ quên” thẻ còn do việc phát hành thẻ của các ngân hàng quá dễ dãi. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối quý I/2020, có 103,13 triệu thẻ đang lưu hành trên cả nước (số liệu này đã được trừ đi số thẻ “chết”). Trong khi đó, hiện chỉ có khoảng 40 triệu dân có tài khoản ngân hàng, tức là mỗi người dân đang nắm giữ khoảng 2-3 chiếc thẻ.
Việc phát hành thẻ thành công và số lượng người sử dụng không tương xứng với lượng thẻ đã phát hành là do các ngân hàng chạy theo chỉ tiêu về số lượng, cho phép nhân viên dùng đủ mọi cách để khách hàng mở thẻ.
“Tôi đã có bốn thẻ tín dụng nhưng ngày nào cũng nhận được cuộc gọi mời chào mở thêm thẻ. Vài người bạn của tôi kinh doanh tự do, không chứng minh được thu nhập để mở thẻ tín dụng thì được gợi ý nhờ ai đó đứng ra chuyển khoản đều đặn mỗi tháng 20 triệu đồng, liên tục trong ba tháng để đủ điều kiện mở thẻ. Mới đây, để thu hút khách hàng mở thẻ, các ngân hàng còn mở thêm nhiều tiện ích mới như cho phép rút tiền thẻ tín dụng qua số hotline chỉ mất 1% phí/tổng số tiền rút so với mức phí 4% rút tại cây ATM hoặc rút tiền rồi trả góp cố định theo tháng để chi tiêu” - thạc sĩ Nguyễn Anh Toàn, chuyên gia kinh tế đầu tư, nói.
Việc phát hành thẻ tín dụng dễ dãi có thể khiến khách hàng mất khả năng thanh toán, rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng. Năm 2011, nợ xấu từ thẻ tín dụng là 1.000 tỷ đồng; đến cuối năm 2012, con số này tăng lên 2.000 tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, mặc dù số nợ xấu từ thẻ tín dụng không được công bố nhưng có ngân hàng cho biết, nợ xấu từ thẻ tín dụng gần đây tăng gấp đôi do thu nhập của chủ thẻ ngày càng giảm. 
(Theo Báo Phụ Nữ TP.HCM)

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp: Thông tin đáng sợ từ chuyên gia

Cập nhật lúc 14:31  

Chuyên gia: đập Tam Hiệp bị dịch chuyển do lỗi thiết kế, bê tông xây dựng không đạt chuẩn, cấu trúc bị cong vênh.


Công nhân quan sát đập Tam Hiệp xả nước sau một đợt mưa lớn ngày 24-7-2012. Ảnh: STR/AFP/GETTY IMAGES

Tình trạng đập Tam Hiệp - được xem là đập thủy điện lớn nhất thế giới – đang là mối lo ngại lớn những ngày qua, trong bối cảnh Trung Quốc đang hứng chịu đợt mưa lớn và kéo dài.
Đập Tam Hiệp được xây ở thượng nguồn sông Dương Tử, thuộc địa phận TP Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc (trung Trung Quốc).
Nghi ngờ lụt do đập Tam Hiệp xả lũ
Đợt mưa bắt đầu từ đầu tháng 6, ảnh hưởng đến cả 26 tỉnh thành khắp trung, đông, nam Trung Quốc, như Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quý Châu, An Huy…


Đập Tam Hiệp được xây trên thượng nguồn sông Dương Tử. Ảnh: SHANGHAIIST
Nhân dân Nhật báo ngày 27-6 xác nhận đã có 81 người chết và mất tích trong đợt mưa lũ này. Ngoài ra còn có tới 740.000 người phải sơ tán. Nhà chức trách Trung Quốc ước tính nước này đã thiệt hại 27 tỉ nhân dân tệ (3,8 tỉ USD) trong đợt mưa này. Đây là đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất Trung Quốc kể từ đợt mưa lũ năm 1998 khiến hơn 2.000 người chết.
Dự kiến khu vực sẽ tiếp tục hứng mưa lớn trong tuần này.


Lụt ven sông Dương Tử tại Trùng Khánh. 

Tân Văn xã ngày 28-6 dẫn lời quan chức TP Nghi Xương nói TP này đã hứng lượng mưa tới 17 cm trong những ngày qua, mức cao nhất trong 50 năm nay.
Tân văn xã ghi nhận, tính đến chiều 28-6, đã có hơn 650.000 người ở Nghi Xương và nhiều khu vực khác của tỉnh Hồ Bắc bị mưa lũ ảnh hưởng. Ngoài ra 79.000 ha hoa màu, hàng trăm ngôi nhà bị hư hại. Theo các trang tin Thepaper.cn và Chinanews ngày 27-6, nhiều khu vực ở TP Nghi Xương đang ngập trong nước, nhiều xe cộ bị kẹt trên đường phải nhờ đến cứu hộ.


Lụt ở Nghi Xương.

Đáng chú ý, TP Nghi Xương cách đập Tam Hiệp chỉ 40 km.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc đều đưa tin theo hướng TP Nghi Xương bị ngập và xảy ra lũ lụt là do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên hiện có nhiều người nghi ngờ TP Nghi Xương bị ngập là do đập Tam Hiệp xả lũ. Chưa có ý kiến chính thức của chính phủ Trung Quốc về việc này.
Nước trong hồ chứa cao hơn mức cho phép 2 m
Theo truyền thông Trung Quốc, thời điểm hơn một tuần trước, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp đã cao hơn mức cảnh báo lũ. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CNTV, nước bên trong đập Tam Hiệp vẫn đang tiếp tục tăng lên và đã cao hơn 2 m so với mức cho phép.
Tuy nhiên Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Quách Tấn – nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp vẫn an toàn vì có khả năng chứa lượng nước lớn hơn nhiều. Truyền thông Trung Quốc nói nguy cơ vỡ đập chỉ là tin đồn của truyền thông phương Tây.


Đập Tam Hiệp xả nước ngày 13-5-2006. Ảnh: China Photos/GETTY IMAGES

Trang tin Taiwan News đưa lo ngại của nhiều chuyên gia rằng hiện đập Tam Hiệp có nguy cơ rất lớn sẽ bị vỡ, khi lượng nước từ trên thượng nguồn đổ về thuộc hàng lớn nhất cả 80 năm nay. Taiwan News cho rằng đập Tam Hiệp đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi bắt đầu hoạt động năm 2003.
Theo Taiwan News, dù đập Tam Hiệp từng được Bắc Kinh khen ngợi là một trong những thành tựu kỹ thuật lớn nhất trong lịch sử loài người nhưng hiện tính toàn vẹn cấu trúc của nó đang bị đặt câu hỏi.
Thông tin đáng sợ từ chuyên gia
Taiwan News dẫn lời nhà thủy văn học Wang Weiluo (người Đức gốc Trung Quốc) cho biết các hạng mục thiết kế, xây dựng và giám sát chất lượng con đập đều do cùng một nhóm người thực hiện, và công trình này được hoàn thành rất nhanh.
Ông Wang lo ngại đập Tam Hiệp khó có khả năng trụ được lâu. Theo thông tin từ ông Wang thì hiện con đập này đã có nhiều vết nứt, bê tông dùng xây dựng đập cũng không đạt tiêu chuẩn.


Công nhân quan sát đập Tam Hiệp xả nước sau một đợt mưa lớn ngày 24-7-2012. Ảnh: STR/AFP/GETTY IMAGES
Năm 2019 ông Wang từng có bài viết rằng con đập được đính lại bằng hàng chục khối bê tông độc lập rời nhau.
“Các khối bê tông này không nối kết với nền móng bên dưới, chúng chỉ gắn lên trên nó” – theo ông Wang.
Cả chục năm trước ông Wang từng nói con đập Tam Hiệp đã bị dịch chuyển do bị lỗi thiết kế. Nhiều chuyên gia nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận con đập đã bị dịch chuyện vài cm, nhưng trong giới hạn an toàn bình thường.
Năm ngoái từng xuất hiện một số hình ảnh cho thấy con đập có phần bị cong vênh.
Cũng theo ông Wang, sau trận lụt lớn năm 1998, Trung Quốc đã thuê nhiều chuyên gia phương Tây đánh giá lại chất lượng công trình đập. Các chuyên gia cho rằng thanh thép hàn của đập không đáp ứng tiêu chuẩn. Các công nhân Trung Quốc không hài lòng và nói sở dĩ các chuyên gia phương Tây đánh giá vậy là vì phân biệt chủng tộc.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RFI (Pháp), chuyên gia Wang cho rằng chính phủ và truyền thông Trung Quốc cố tình không thừa nhận nguy cơ vỡ đập.
Ông Wang cảnh báo đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ là thảm họa với dân sống ven hạ nguồn sông Dương Tử, cụ thể tính mạng khoảng 400 triệu người ở Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải sẽ bị đe dọa.
Độ tin tưởng giảm dần
Khi con đập mới đi vào hoạt động, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói con đập có thể chịu đựng được các đợt lũ tồi tệ nhất và bền vững tới cả 10.000 năm. Một vài năm sau truyền thông Trung Quốc giảm xuống còn 1.000 năm. Và đến năm ngoái thì giảm lần nữa xuống còn 100 năm. Theo nhiều nhà quan sát, điều này cho thấy sự tự tin của Trung Quốc với con đập đã giảm dần. 
(Theo PLO) ĐĂNG KHOA

TS Lê Hồng Sơn: Nên đóng cửa hay bán trường chuyên?

Cập nhật lúc 10:46  

Người ta còn chạy chọt làm đẹp học bạ cho con ngay từ khi học tiểu học; khi tuyển vào trường chuyên ,yếu tố tiêu cực không phải là hiếm.

Đó là quan điểm của TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp trước đề xuất đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam Hà Nội.
Để rộng đường dư luận, báo Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


Trường Amsterdam là một trong 19 trường tăng học phí năm học cao hơn 400.000 đồng so với năm học 2019-2020.

Sau khi được biết ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và một số ý kiến khác về những bất cập, hạn chế của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam hiện nay, bản thân tôi cũng giật mình, suy ngẫm khá nhiều điều về vấn đề này.
Quả thật, tôi là dân trường chuyên. Trong gia đình tôi có hai người là học sinh trường chuyên là tôi và cậu em ruột của tôi. Vì thế mà chúng tôi đã có một tình cảm khá sâu đậm với trường chuyên, đó là niềm tự hào và là một dấu ấn rất đặc biệt của thời học sinh cấp 3 của chúng tôi.
Cá nhân tôi cũng đã nhận thấy trong một số năm gần đây những biến tướng, tiêu cực xuất hiện khá phổ biến trong hệ thống các trường chuyên trên toàn quốc. Đấy là một thực tế khó phủ nhận. Những tiêu cực, biến tướng, lạm dụng ít hay nhiều đều tồn tại ở hệ thống trường chuyên của các tỉnh. Không chỉ ở trường chuyên Amsterdam Hà Nội như vài ý kiến đã nêu. Có thể nói trường chuyên ngày xưa khi chúng tôi còn theo học với trường chuyên bây giờ có khá nhiều điểm khác nhau khá cơ bản.
Nhìn nhận đánh giá thế nào về vai trò của trường chuyên phải có cái nhìn khách quan, toàn diện chứ không thể đơn thuần phủ nhận, xổ toẹt những cống hiến, đóng góp của trường chuyên cho hệ thống giáo dục - đào tạo, vườn ươm cho những người có năng khiếu, có tố chất vượt trội của tuổi học trò trong thời kỳ trước đây, và đặc biệt là cơ chế và giải pháp nào cho hệ thống trường chuyên hiện nay? Tôi muốn góp tiếng nói của mình trong dòng các quan điểm đánh giá và cũng mong muốn đưa ra giải pháp về trường chuyên hiện nay với tư cách là một cựu học sinh trường chuyên.
Thứ nhất, mô hình trường chuyên hiện nay chỉ là một trong khá nhiều vấn đề cần phải xem xét lại trong ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam. Nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện trong hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam hiện nay, lâu nay dư luận đã đặt vấn đề, nêu lên khá nhiều những bất cập, thậm chí nhiều tiêu cực, hạn chế. Vậy bàn mãi, nói mãi tới giờ mà vẫn chưa có được giải pháp căn cơ, giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Thậm chí có một số vấn đề khá cơ bản được coi như những căn bệnh mãn tính, khó khắc phục. Chỉ cần nói đến thế thì mọi người sẽ nhớ đến hàng loạt những ý kiến nêu ra những bất cập, hạn chế, thậm chí yếu kém, tiêu cực trong hệ thống giáo dục - đào tạo của  Việt Nam trong một số năm gần đây.
Theo nhìn nhận và đánh giá của tôi cũng như của nhiều người mà tôi biết, đáng tiếc là hàng loạt vấn đề nêu trên dù được nói đến từ rất lâu rồi, nhưng những biện pháp để khắc phục, hạn chế, để giải quyết những bất cập, thiếu sót chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí có những hạn chế, thiếu sót ngày càng trầm trọng hơn đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng vặt trong hệ thống giáo dục - đào tạo ở nước ta.
Tôi có cảm giác như nó là cả hệ thống có sự cấu kết, liên hệ khá chặt chẽ, buộc những người trong cuộc bị lôi kéo ngay vào trong cơ chế tiêu cực đó. Nếu không sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vấn đề này tôi không cần phải nói nhiều, các phụ huynh, học sinh đều đã hiểu và thấm cơ chế tiêu cực, cơ chế tham nhũng vặt trong hệ thống giáo dục đào tạo. Đặc biệt có một vấn đề lớn đó là chuẩn đầu vào và chất lượng đầu ra của các nhánh trong hệ thống giáo dục, đào tạo hiện cũng là vấn đề lớn, gây nhức nhối, bất bình trong xã hội.
Chuẩn đầu vào đang bị nhiều tác động tiêu cực và nhiều sức ép làm cho chuẩn này ngày càng bị hạ thấp. Nhiều trường hợp trúng tuyển vào để được đào tạo có tiêu chuẩn thấp đến đáng quan ngại. Đặc biệt, chất lượng đầu ra theo nhìn nhận của tôi và của nhiều người, ngày càng bị hạ thấp ở một số nơi, một số trường.
Những tiêu cực, hạn chế, thiếu sót này từ đâu ra, phải nói thẳng là có nguyên nhân từ cả hệ thống, từ tất cả các yếu tố, các nhân tố tham gia vào đây, bao gồm  từ nhận thức của xã hội, của các nhà quản lý, của người học, gia đình người học, nhà trường và cả giáo viên “những kỹ sư tâm hồn” trong hệ thống đào tạo này. Một số người coi nhà trường, nơi đào tạo như bát cơm, manh áo để tồn tại, kiếm sống. Đặc biệt chuẩn đầu ra hiện nay còn gần như đã vào được là không khó khăn lắm cũng ra được và cũng có tấm bằng như ai. Mặc dù tiêu chuẩn chất lượng của một bộ phận không nhỏ những người đang sở hữu những tấm bằng đó đang bị hạ thấp một cách đáng sợ, đáng lo lắng.
Vấn đề kiểm định, đánh giá chất lượng đầu ra của các hệ thống giáo dục - đào tạo cũng đang là một nỗi băn khoăn, day dứt lớn của cả xã hội mà từ khá lâu rồi chúng ta chưa nâng cao được, chưa khắc phục được. Ở góc độ tổng thể, tôi thấy, một trong những nguyên nhân rất cơ bản là chúng ta lúng túng trong việc xác định cơ chế chuyển đổi từ tập trung - bao cấp trước đây sang cơ chế thị trường định hướng XHCN trong hệ thống giáo dục - đào tạo. Rất rõ ràng là sau bao nhiêu năm trăn trở tìm các giải pháp, thì hiện nay vấn đề chất lượng và cơ chế đào tạo trong hệ thống giáo dục- đào tạo vẫn là một nút thắt chưa giải quyết được một cách thấu đáo, triệt để theo chủ trương, mong muốn của những người lãnh đạo cũng như mong muốn của cả xã hội.
Theo tôi, chủ trương và quan điểm đã khá rõ nhưng giải pháp thì vẫn lúng túng như “gà mắc tóc”. Trong hệ thống giáo dục- đào tạo của nước ta cũng phải thừa nhận rằng có một số điểm sáng, điểm tích cực nhưng những điểm sáng, điểm tích cực đó còn khá hạn chế, khá cá biệt. Trong tổng thể đó, thì hệ thống trường chuyên của Việt Nam tồn tại từ mấy mươi năm nay, cũng phải được đặt ra để thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng một cách thật khách quan, toàn diện để đề ra giải pháp phù hợp với điều kiện hiện nay là vấn đề rất đáng quan tâm. Cá nhân tôi rất hoan nghênh ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành và  GS.TS Phạm Tất Dong cũng như một số ý kiến khác.
Thứ hai, thật khách quan và trung thực mà nói, thì đã có thời kỳ hệ thống trường chuyên, đặc biệt là hệ thống trường chuyên tại các tỉnh phía Bắc trong thời kỳ xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ trương xây dựng và duy trì hệ thống trường chuyên trong những năm đó là hoàn toàn đúng đắn, giữ vai trò rất tích cực trong phát hiện, đào tạo những học sinh có "năng khiếu", có tố chất vượt trội cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cả xã hội đều ghi nhận và thừa nhận vai trò của hệ thống trường chuyên trong thời kỳ này.
Nhìn rộng ra, cũng giống như việc Đảng và Nhà nước xây dựng hệ thống trường để nuôi dạy và giáo dục con em cán bộ miền Nam trên đất Bắc, việc xây dựng các trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi ở trên một số tỉnh miền Bắc cũng như gửi sang một số nước bạn để nuôi dạy, giáo dục đào tạo con em cán bộ miền Nam và một số những trường chuyên chuyên biệt khác nhằm đào tạo một lực lượng kế cận phục vụ cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một thành công đáng ghi nhận.
Có thể nói, nhờ có hệ thống này mà nhà nước ta đã nuôi dạy, đào tạo được một lực lượng không nhỏ cán bộ tương lai phục vụ cho sự nghiệp chung. Riêng trong hệ thống trường chuyên, ngay trong trường chuyên của tỉnh tôi mà tôi là một học sinh, một thực tế rất đáng ghi nhận, là học sinh của các trường cấp 2, cấp 3 khi được tuyển chọn đều là những học sinh có năng khiếu, có tố chất vượt trội để tham gia thi học sinh giỏi ở huyện, tỉnh và toàn miền Bắc. Đây là cơ chế được thực hiện một cách rất tự nhiên và khách quan,trung thực nhằm lựa chọn những học sinh có năng khiếu, có tố chất vượt trội để tham gia vào các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi. Đặc biệt là lựa chọn học sinh giỏi của tỉnh và của toàn miền Bắc trong thời kỳ đó.
Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, thời kỳ này không có những yếu tố tiêu cực, những tác động vì lợi ích cá nhân trong việc tuyển chọn, lựa chọn những học sinh có năng khiếu, có tố chất vượt trội vào hệ thống trường chuyên hay đi thi học sinh giỏi. Những yếu tố “nhân tạo”, những tác động tiêu cực vì lợi ích cá nhân thì hầu như cả xã hội lúc đó không quan tâm đến và cũng không thực hiện trên thực tế.
Chúng tôi tham gia thi học sinh giỏi và được lựa chọn, triệu tập học vào các trường chuyên một cách hết sức tự nhiên từ chất lượng của từng học sinh một. Tôi nhớ khi đó, đi thi học sinh giỏi huyện hay học sinh giỏi tỉnh, thậm chí thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, việc học thêm, luyện thêm cũng rất hạn chế. Thầy giáo bộ môn chỉ gọi các học sinh trong đội tuyển đến nhà để bồi dưỡng một số buổi. Thầy không hề lấy một đồng xu nào của người học. Thậm chí gia đình thầy còn luộc những rổ khoai, sắn cho học sinh ăn cho đỡ đói khi cùng thầy luyện thi.
Chỉ đến khi tham gia vào đội tuyển của tỉnh để thi học sinh giỏi toàn miền Bắc (toàn quốc bây giờ) thì chúng tôi mới được tỉnh tập trung để luyện thi trong một thời gian khá ngắn. Việc lựa chọn người tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi ở cấp độ cao nhất ấy cũng rất vô tư, khách quan, rất tự nhiên theo tố chất thật sự của từng học sinh. Đấy là những kỷ niệm rất đẹp, rất trong sáng của chúng tôi khi tham gia vào đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp của thời kỳ đó.
Xin khẳng định lại là cơ chế tuyển chọn, luyện thi của các học sinh trong đội tuyển của nhà trường, của huyện, của tỉnh đều rất trong sáng, rất tự nhiên, rất trung thực, rất vô tư kể cả thầy lẫn trò.
Những năm gần đây thì tình hình lại khác rồi. Hiện tượng người ta chạy chọt, lo cho con để được tham gia thi học sinh giỏi, người ta chạy chọt, lo cho con đoạt giải là một thực tế không thể phủ nhận. Thậm chí người ta còn chạy chọt lo cho con làm đẹp học bạ ngay từ khi học tiểu học, khi được tuyển vào trường chuyên thì yếu tố “nhân tạo”, yếu tố tiêu cực cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Tôi được biết, con em một số nhân vật có quyền, một số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, người ta quan tâm để bằng mọi cách được tuyển chọn vào trường chuyên. Hậu quả là, ngay trong trường chuyên, vẫn tồn tại những học sinh có tố chất bình thường, không có năng lực vượt  trội gì cả.
Thậm chí, dư luận còn nói nhiều đến việc, người ta  đã đặt giá cụ thể cho các trường hợp vào trường chuyên A, chuyên B, chuyên C, kể cả lớp chọn 1, chọn 2, hay chọn 3 thì có giá như thế nào? Giá cả được công khai ở mức độ nhất định, phần lớn xã hội đều biết, phần lớn phụ huynh đều biết và những ai muốn được tham gia vào cơ chế đó thì chỉ cần bỏ tiền ra, chỉ cần sử dụng một số mối quan hệ đặc biệt  sẽ được đáp ứng. Nói không quá và cũng không ngoa rằng cơ chế tuyển chọn trường chuyên với khá nhiều trường hợp cũng giống như món hàng mua bán ở chợ, bị thị trường hóa.
Tôi biết khá nhiều trường hợp cụ thể như thế này. Với tư cách là cựu học sinh trường chuyên cấp tỉnh thời kỳ trước đây, tôi khá băn khoăn và cũng khá buồn. Xã hội thì người ta nói hiện tượng này như một chuyện hài và một thực tế đương nhiên phải chấp nhận theo cơ chế thị trường khi muốn đưa con em vào trường chuyên.
Thứ ba, những ý kiến phản ánh của cả TS Nguyễn Đức Thành và GS.TS Phạm Tất Dong khá thuyết phục, theo tôi nguyên nhân chính là ở chỗ tình hình, điều kiện đã có những thay đổi cơ bản, cần xem lại mô hình này. Sự thay đổi của cơ chế đã được đọc vị, nhưng đây là một quá trình, một thời đoạn mang tính lịch sử để chuyển đổi từ cơ chế “xã hội chủ nghĩa bao cấp” sang “cơ chế thị trường định hướng XHCN”. Cần một thời gian khá dài để thay đổi trong phạm vi tổng thể và toàn diện của cả xã hội, trong đó lĩnh vực giáo dục – đào tạo và đặc biệt cơ chế với trường chuyên.
Trường chuyên thời chúng tôi còn theo học khác với trường chuyên bây giờ khi mà bị cơ chế thị trường, những tác động tiêu cực mang tính “nhân tạo” chi phối khá nhiều. Sự thay đổi này không phải một chốc, một lát mà là cả một quãng thời gian dai dẳng. Học sinh vào được trường chuyên như những năm 70, 80 của thế kỷ trước được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn, yếu tố hình thành tố chất, năng lực tự nhiên. Việc tuyển chọn học sinh giỏi vào đội tuyển các kỳ thi học sinh giỏi các cấp cũng được các trường chuyên thực hiện một cách rất tự nhiên, trung thực, trong sáng.
Như tôi đã nói, thời chúng tôi còn theo học là một cơ chế hoàn toàn tự nhiên, rất đẹp đẽ, rất đáng tự hào đối với các học sinh trường chuyên. Còn bây giờ thì sao? Các ý kiến mà công luận đã phản ánh cho ta thấy một sự thay đổi khá cơ bản so với trước. Tích cực vẫn còn, trong sáng, tự nhiên vẫn còn nhưng việc chăm lo một cách “nhân tạo” cho học sinh có học bạ đẹp ngay từ cấp tiểu học, ngay trong quá trình học, ngay trong quá trình tham gia thi tuyển là một thực tế.
Như đã nói, việc xác lập những tiêu chí, tiêu chuẩn về thành tích học tập cũng như năng lực vượt trội của học sinh đã được chăm lo ngay từ trước khi vào trường chuyên và kể cả ngay trong thời gian học tại trường chuyên. Cơ chế gửi gắm, cơ chế ưu tiên đặc biệt cũng làm thay đổi bản chất của học sinh được lựa chọn vào trường chuyên. Cơ chế bao cấp vẫn tồn tại, nhưng bên cạnh đó những trường chuyên đã biết sử dụng các cơ chế riêng, đặt ra học phí cao làm cho những học sinh có tố chất thực sự, nhiều trường hợp dù muốn cũng không thể theo học một cách thuận lợi.
Cá biệt một số nơi, trường chuyên trở thành địa chỉ của con em gia đình giàu có, có điều kiện kinh tế, có quyền lực trong giới lãnh đạo của địa phương. Những trường hợp có tư chất thực sự, có nhân tố vượt trội thực sự chỉ còn là một bộ phận đan xen trong đó. 
Nói như vậy để thấy rằng cơ chế và điều kiện đã thay đổi một cách cơ bản, từ cơ chế tập trung bao cấp phục vụ duy nhất một mục tiêu đó là: phục vụ Nhà nước và xã hội đơn thuần trước đây chuyển sang cơ chế thị trường có sự tác động kể cả tích cực lẫn tiêu cực từ khá nhiều lực lượng khác, thế lực khác trong xã hội vào hệ thống trường chuyên.
Như có ý kiến đã nói, mục tiêu, động lực học trường chuyên cũng khác xa ngày xưa. Phân tích ở trên cũng thấy, tình hình đã thay đổi một cách cơ bản về cơ chế, về phương thức quản lý cũng như động cơ, mục đích học trường chuyên của học sinh. Vậy, tại sao chúng ta vẫn duy trì cơ chế tồn tại từ mấy chục năm nay? Rõ ràng, cơ chế này không còn phù hợp và như có người đã nói là cơ chế này đã lạc hậu so với điều kiện mới.
Thứ tư, như trên đã nói, mục đích của trường chuyên, cơ chế quản lý, sự tác động của nhà nước theo cơ chế bao cấp đối với trường chuyên, động cơ và mục đích học trường chuyên của học sinh và gia đình học sinh theo học trường chuyên đã có những thay đổi cơ bản. Những mục đích ban đầu của trường chuyên hình thành từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước hiện không còn thích hợp, không còn có giá trị thực tế nữa. Thực chất, trường chuyên không còn là địa điểm chỉ được sử dụng để đào tạo những “nhân tài”, những học sinh có tố chất vượt trội, có năng lực đặc biệt nữa, mà đã bị khá nhiều các yếu tố khách quan, chủ quan chi phối vào đây. Không ít trường hợp lớp chuyên, trường chuyên chỉ còn là một tập hợp những tập thể học sinh có tố chất, năng lực khác nhau thậm chí có khi là “thượng vàng, hạ cám”.
Còn mục đích để bằng các thủ đoạn khác nhau được tuyển chọn theo học các trường chuyên đã khác trước khá nhiều. Nhiều học sinh được gia đình tạo điều kiện cho vào đây chỉ với mục đích duy nhất là hướng tới đi du học nước ngoài và sau đó, có mục đích rõ ràng là định cư, làm việc ở nước ngoài chứ không đơn thuần là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân như mấy mươi năm trước đây.
Cá biệt có nhiều lớp 11, lớp 12 của trường chuyên, số học sinh theo học đã bị vãn đi, đã thiếu vắng khá nhiều do các học sinh đã được gia đình tạo điều kiện, đưa đi đào tạo tiếp ở các nước mà một trong những tiêu chuẩn để được lựa chọn, được chấp thuận đi đào tạo ở nước ngoài đó là “học sinh trường chuyên” có danh tiếng nào đó.
Tôi không phản đối và không có ý bài bác khi học sinh và gia đình học sinh có những mục đích như đã nói ở trên. Tuy nhiên, vấn đề là trước thực tế đó, Nhà nước cần phải suy nghĩ cơ chế quản lý và cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho các trường chuyên nên như thế nào cho phù hợp? Trường chuyên không còn là những điển hình nhằm mục đích đào tạo nhân tài, đào tạo người có năng lực thực sự, có tố chất vượt trội một cách tự nhiên như thời kỳ đầu. Trên thực tế mấy năm gần đây, việc tuyển chọn học sinh vào trường chuyên đã bị nhiều cơ chế tiêu cực tác động. Những học sinh có tố chất vượt trội, có năng khiếu thực sự cũng không hề dễ có thể vào được trường chuyên do cơ chế tiêu cực đan xen, lấn át.
Bộ mặt của giáo dục tại các địa phương đối với một số trường chuyên đang bị nhạt nhòa, mất giá trị thực tế.  Ý kiến cho rằng mục đích này của trường chuyên trở lên phù phiếm, học sinh có năng lực vượt trội, đặc biệt khó vào trong khi những học sinh trí tuệ bình thường, không có gì đặc biệt, vượt trội lại có thể lọt được vào học tại trường chuyên cũng là một thực tế. Ý kiến này rất xác đáng, rất đáng ghi nhận và suy ngẫm.
Thứ năm, với những phân tích thực trạng như đã nêu trên, thì vấn đề suy nghĩ và tìm ra giải pháp phù hợp trong cơ chế quản lý, duy trì các trường chuyên như thế nào là một vấn đề không đơn giản. Ý kiến cho rằng nên giải tán hoặc bán trường chuyên cũng có nội dung hợp lý nhất định của nó. Tuy nhiên, tôi cho rằng ý kiến này khá nóng vội và cực đoan.
Tôi rất đồng tình với ý kiến rằng trong tình hình mới phải có cơ chế quản lý mới, chính sách tài chính mới cho các trường chuyên. Cơ chế đầu tiên mà tôi nghĩ tới là phải có lộ trình thích hợp bỏ cho được cơ chế bao cấp một cách vượt trội đối với các trường chuyên, có giải pháp thích hợp để đưa các trường chuyên về vị thế bình đẳng với các trường công lập khác trong hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay.
Đi theo cơ chế này, đương nhiên là phải tạo lập cơ chế tự lập, tự chủ đối với các trường chuyên, loại bỏ cho được cơ chế tài chính ưu ái đặc biệt bằng ngân sách nhà nước đối với các trường chuyên. Đương nhiên như tôi đã nói phương thức và lộ trình cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp. Nếu không có cơ chế và lộ trình phù hợp mà lại tạo ra những “cú sốc” đối với loại hình trường này là rất cần thận trọng, cần nghiên cứu kỹ làm sao để tránh cho được những “cú sốc”.
Đây là việc của các cơ quan và các nhà quản lý, hoạch định chính sách của Nhà nước ta. Cần phải làm thế nào để dần dần xóa cho được những “ốc đảo thiên đường” là các trường chuyên tại các địa phương như hiện nay để bị lợi dụng, lạm dụng và tác động tiêu cực là việc cần làm ngay.
Cần xác định cho được cơ chế chính sách trong điều kiện mới, bỏ bao cấp, khẳng định vai trò tự chủ, tự hạch toán, chống tiêu cực, chống nhận thức sai lệch trong xã hội, trong các phụ huynh học sinh và kể cả giáo viên "trường chuyên" đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách, cơ chế đồng bộ nhằm giúp giải quyết thực trạng bất cập, bất hợp lý của hệ thống trường chuyên hiện nay.
(Theo Đất Việt) TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp