Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

Kinh tế quốc tế

 

Ông Tập sắp tung "vũ khí mạnh nhất", giới siêu giàu Trung Quốc đứng ngồi không yên

Cập nhật lúc 15:27  

Bài phát biểu mới đây của ông Tập Cận Bình hàm chứa thông điệp nhằm thẳng tới giới "siêu giàu" Trung Quốc.


Trong bài viết hôm 29/10 trên Yahoo News, nhà báo Jane Li cho rằng, "vũ khí mạnh nhất" của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiến lược tìm kiếm "thịnh vượng chung" cho đất nước chính là: đánh thuế bất động sản

Có lẽ điều này đã khiến giới siêu giàu ở Trung Quốc đứng ngồi không yên.

Chiến lược của ông Tập

Bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn lần đầu tiên được công bố trước công chúng, đề cập tới chiến lược nhằm kiềm chế sự giàu có quá mức của giới "siêu giàu" và tiến tới mục tiêu "thịnh vượng chung" cho Trung Quốc.

Nhưng chính việc ông Tập đề cập đến vấn đề về đánh thuế bất động sản, vốn đã được thảo luận nhiều lần ở Trung Quốc trong hai thập kỷ qua, mới mang lại ý nghĩa quan trọng nhất, Jane Li nhận định.

Vài ngày sau khi trích đoạn bài phát biểu của ông Tập được công bố, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc cho biết nước này sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, kéo dài 5 năm, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ tầng lớp trung lưu và giới tinh hoa chính trị.

Ngoài việc loại trừ một số loại hình nhà ở nông thôn, thông báo này còn thiếu chi tiết cụ thể, bao gồm cả nơi sẽ mở màn chiến dịch thử nghiệm và phạm vi thuế như thế nào. Nhưng dù sao nó đã cho thấy bước tiến lớn nhất của Trung Quốc trong việc đánh thuế bất động sản đối với nhà ở, vốn đã được thảo luận ít nhất từ ​​năm 2003.


Trung Quốc sẽ thí điểm đánh thuế bất động sản ở một số khu vực, kéo dài 5 năm. Ảnh: Reuters

Dường như ông Tập đang quyết tâm đẩy mạnh việc áp thuế, mặc dù chính sách này có vẻ không được ủng hộ nhiều, bất chấp các nhà kinh tế học Trung Quốc trấn an rằng, động lực "thịnh vượng chung" của nước này không phải là "cướp của người giàu".

Với khoảng 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc nằm ở bất động sản, chính sách đánh thuế vào bất động sản có thể là công cụ mạnh mẽ nhất của ông Tập trong nỗ lực phân phối lại thu nhập hướng tới thịnh vượng chung.

Tờ Economic Daily (Trung Quốc) viết: "Trong những năm qua, giá nhà ở đã tăng chóng mặt, giúp nhiều gia đình tích lũy tài sản. Thuế bất động sản sẽ tập trung vào việc bổ sung thuế nhằm vào những bất động sản này để tăng cường các quy định và điều chỉnh thu nhập.

Còn quá sớm để nói liệu thuế bất động sản sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc hay liệu nó có thể giúp làm giảm đáng kể giá nhà ở hay không vì điều đó vẫn sẽ phụ thuộc vào cung và cầu.

Nhưng các nhà phân tích đều cho rằng, việc đánh thuế này sẽ giúp thay đổi thói quen nắm giữ tài sản của người dân, vốn đã được định hình kể từ khi nước này cho phép sở hữu nhà riêng vào năm 1998.

Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: "Các sự kiện gần đây có thể đánh dấu sự khởi đầu của một mô hình mới cho sự tăng trưởng của Trung Quốc và lĩnh vực bất động sản của nước này".

Tóm lại, thuế bất động sản có thể đưa Trung Quốc vào một con đường phát triển khác.

"Nhà là để ở, không phải để đầu cơ"

Bất chấp tình thế tiến thoái lưỡng nan, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã cảm thấy cần thiết phải áp dụng thuế đối với bất động sản.

Các loại thuế liên quan đến bất động sản hiện có của Trung Quốc chủ yếu nhắm vào bất động sản thương mại, quá trình xây dựng và giao dịch mua bán bất động sản nhà ở. Để so sánh, có thể thấy, các loại thuế sắp được ông Tập thí điểm là nguồn thu lớn nhất cho chính quyền địa phương ở nhiều bang của Mỹ.


Người dân Trung Quốc nhìn ngắm các tòa nhà chung cư kiểu mẫu tại hội chợ nhà ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc hồi năm 2008. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đã xảy ra tình trạng đầu cơ quá lớn trong lĩnh vực này, động thái đã đẩy giá nhà ở lên cao, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và kìm hãm mong muốn tiêu tiền của người dân ở nơi khác.

"Nhà là để ở, không phải để đầu cơ", là câu nói nổi tiếng của ông Tập vào năm 2017, chính nó đã gửi thông điệp mạnh mẽ về sự bất bình của ông trong lĩnh vực này.

Trước khi công bố mức thuế, các nhà phát triển bất động sản cũng đối mặt với các chính sách siết chặt của chính phủ.

Bắc Kinh đã thúc đẩy các công ty bất động sản giảm nợ trong nỗ lực đối phó với mức nợ ngày càng tăng của họ. Điều này đã khiến các công ty khổng lồ như Evergrande gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn và khiến các nhà phát triển bất động sản "đi chậm" hơn.

Thuế bất động sản sẽ như thế nào?

Kể từ năm 2011, hai trong số các thành phố lớn nhất của Trung Quốc là Trùng Khánh và Thượng Hải đã áp dụng mức thuế bất động sản từ 0,4% đến 1,2% kể từ năm 2011, chủ yếu nhắm vào các căn nhà thứ hai, bất động sản sang trọng và các giao dịch của những người không thực sự cư trú tại đó. Mức thuế mới dự kiến ​​sẽ bao gồm nhiều loại bất động sản hơn.

Zoe Yang, trợ lý giáo sư tại Trường Quản lý Khách sạn và Du lịch tại Trường Kinh doanh CUHK có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết, một vấn đề quan trọng là liệu việc đánh thuế thí điểm này sẽ được áp dụng cho các bất động sản hiện có hay những bất động sản được mua trong tương lai.

"Nếu thuế được áp dụng đối với các bất động sản hiện có thì đó sẽ là một gánh nặng lớn cho người dân vì sẽ phải đối phó với cả thuế và các khoản thế chấp vay", bà Yang nói.

Thu nhập bình quân của người dân Thượng Hải là khoảng 70.000 nhân dân tệ (10.951 USD). Để mua một ngôi nhà 10 triệu nhân dân tệ - một mức giá bình thường ở một thành phố giàu có - ngay cả khi chỉ phải đóng mức thuế 0,5%, họ cũng sẽ tốn 50.000 nhân dân tệ một năm, gây thêm áp lực cho các gia đình, bà cho biết.


Bắc Kinh đang nỗ lực điều chỉnh nhắm vào các công ty bất động sản lớn như Evergrande. Ảnh: Reuters

Nhiều nhà phân tích cho rằng, chính quyền trung ương sẽ đánh thuế vào tất cả các ngôi nhà mà một người dân sở hữu. Các nhà phân tích từ Dongfang Securities cho biết: "Nếu thuế bất động sản chỉ đánh vào những ngôi nhà mới mua, quy mô sẽ quá nhỏ và khó có thể đạt được mục đích thúc đẩy sự công bằng và đóng góp nhiều hơn doanh thu tài chính".

Có khả năng chính phủ sẽ đưa ra một hướng dẫn sơ bộ về thuế để chính quyền địa phương sử dụng như một hướng dẫn. Thâm Quyến, Hàng Châu, Quảng Châu và Nam Kinh, một số thành phố phát triển nhất ở Trung Quốc được cho là sẽ những nơi thí điểm đầu tiên.

Cần sự cân bằng tinh tế

Mặc dù thuế bất động sản có thể giúp giảm chênh lệch giàu nghèo về lâu dài, nhưng nó sẽ là một "cú sốc mạnh".

Vì vậy, chính phủ Trung Quốc sẽ cần phải tính toán cẩn thận phạm vi đánh thuế để tránh làm tổn thương quá nhiều đến người dân và nền kinh tế. Việc người dân tiết kiệm hơn và giảm chi tiêu đã là một mối lo ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn dựa vào xuất khẩu và đầu tư để tăng trưởng nhanh.

Chẳng hạn như những người đã nghỉ hưu dựa vào lương hưu như một nguồn thu nhập chính sẽ phải vật lộn để trả mức thuế mới, đặc biệt nếu giá trị ngôi nhà của họ đã tăng đáng kể trong những năm qua, giáo sư Yang cho biết.

Giá thuê ở các thành phố hạng nhất nơi có lượng người đổ vào lớn cũng có thể tăng nếu áp dụng thu thuế bất động sản vì chủ nhà muốn chuyển một phần gánh nặng của họ cho người thuê nhà.

Tuy nhiên, cuối cùng thì người giàu vẫn bị đánh thuế nhiều nhất, đặc biệt nếu Trung Quốc áp dụng mô hình lũy tiến, áp dụng mức thuế cao hơn đối với những cá nhân nắm giữ nhiều bất động sản, bà Zoe Yang nói.

(Theo Cafebiz.vn) Nam Anh

Phòng chống tham nhũng

 

Trung tướng Tô Ân Xô: Sai phạm trong hoạt động đấu thầu liên quan tới lợi ích nhóm

Cập nhật lúc 14:47 

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện.

Thời gian qua, Cơ quan điều tra của Bộ Công an phát hiện nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực đều liên quan đến các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Điều đáng nói là, sai phạm không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin - truyền thông mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa...

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an - trao đổi với báo chí. (Ảnh: BCA)

Thông tin về vấn đề này với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an - cho rằng, các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. 

"Hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ "sân sau", không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu", ông Xô nói.

Cụ thể, ông Xô cho biết, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi "hoa hồng" của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, nếu để việc phân biệt, đối xử "bất bình đẳng" trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Công an, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước. 

Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, làm mất cán bộ, đảng viên, trong đó có rất nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực do có trách nhiệm liên quan đến hành vi sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu.

Từ trái qua phải: Cựu Giám đốc Sở GDĐT Quảng Ninh Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng và cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên bị cơ quan công an bắt giữ vì liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu. (Ảnh: Q.N)

"Thực tiễn, quá trình phát hiện và đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ án, vụ việc có liên quan đến số cán bộ giữ chức vụ, đứng đầu cơ quan, tổ chức (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu). 

Thứ nhất, những cá nhân này bản thân rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được. 

Thứ hai, họ có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc thực hiện các hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ. 

Thứ ba, họ có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra đã gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía", ông Xô nói.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, điển hình như: Khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập; hình thức "Chỉ định thầu" đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa, do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn nên đây là hình thức được áp dụng tương đổi phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu. 

Ngoài ra, các quy định về đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như định giá tài sản chưa cụ thể, rõ ràng, so với chủng loại, xuất xứ hàng hóa rất đa dạng, phong phú như hiện nay thì rất khó khăn trong việc đánh giá sai phạm, xác định hành vi thông đồng, cấu kết nâng khống giá sản phẩm. Việc quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu, nhất là việc đưa các nội dung mang tính định hướng nhà thầu, tiêu chí, điều kiện cục bộ gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng cũng cần phải được quy định và có chế tài xử lý cụ thể.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn vừa bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. (Ảnh: V.D)

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt tốt quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là "phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng; xử lý một người để cứu muôn người". Trong đó, các cơ quan chức năng của Bộ Công an đã tăng cường nắm tình hình, nhận diện vi phạm, lựa chọn khâu đột phá để kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe các vi phạm trong cả lĩnh vực, điển hình như các vụ án: Vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP.Cần Thơ; các vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy tại các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên... 

"Qua các vụ án này, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự", ông Xô cho hay.

(Theo Dân Việt) Q. Nguyễn

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Phát triển đô thị

Đề xuất biến sông Tô Lịch thành công viên là ý tưởng viển vông?

Cập nhật lúc 09:34  

Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân cho rằng, đề xuất biến sông Tô Lịch của Thủ đô Hà Nội thành công viên là ý tưởng khá mơ hồ và khó thành hiện thực.

Như đã đưa tin, chiều 28/10, tại Hà Nội, Ban tổ chức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chính thức công bố kết quả giải thưởng lần thứ 14 năm 2021.

Trong đó, Giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" được trao cho hai đề cử bằng phiếu, đó là: "Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng" do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, xây dựng với sự chỉ đạo của TP Hà Nội và sự phối hợp với các ban ngành liên quan và đề xuất "Xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" do Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) và đối tác Nhật Bản đề xuất lập quy hoạch.

Trước đó, hồi tháng 9/2020, khi JVE Group công bố ý tưởng trên và đã nhận được những ý kiến khác nhau, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ thì cũng có ý  kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân cho rằng, ý tưởng này là khá mơ hồ, khó thành hiện thực.

Cụ thể, trao đổi với báo chí, GS.TSKH Trần Hữu Uyển - nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam - cho rằng, ý tưởng của JVE thì hay nhưng ông cảm thấy "mơ hồ" khi doanh nghiệp này muốn khôi phục sông Tô Lịch theo hướng du lịch tâm linh.

"Tôi nghĩ mục tiêu lớn nhất là xử lý ô nhiễm, cải tạo con sông Tô Lịch, rồi sau mới tính đến những việc khác. Cần có một hội đồng khoa học tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc kỹ, cho ý kiến về việc cải tạo này cũng như các giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông", GS Uyển nói.


Phối cảnh người dân, du khách thả chân xuống nước, ngồi ngắm cảnh, dạo mát tại khu vực mực nước nông khoảng 50 cm tại khu đầu nguồn.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của đề xuất trên và cho rằng khó thành hiện thực.

Bạn đọc Anh Tú gửi ý kiến tới Dân trí: "Là một người con Hà Nội, từng tắm trên dòng sông Tô Lịch thời tuổi thơ, tôi nghĩ trước khi nói đến những ý tưởng như này thì hãy làm sao để phục hồi lại sự sống cho dòng sông trước đã. Mọi ý tưởng trên, chỉ có thể thực hiện được với tiền đề dòng Tô Lịch "sống" đã".

"Giải thưởng thì lúc nào cũng nhiều, bằng khen các kiểu cũng nhiều, còn việc thực hiện được hay không, chắc phải tới 20-30 năm nữa" - bạn đọc Minh Huy bày tỏ sự  hoài nghi về ý tưởng của đề xuất trên.

Liên quan đến câu chuyện trên, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch JVE Group - cho biết việc công bố một đề xuất, một ý tưởng mới lạ, bên cạnh nhận được các ý kiến ủng hộ của các chuyên gia, người dân thì cũng có những ý kiến bày tỏ sự hoài nghi và có cách hiểu khác nhau là chuyện bình thường. 

Nhưng ông Tuấn Anh khẳng định, đây là đề xuất nghiêm túc, không phải viển vông, hay chỉ vẽ ra cho vui.

Theo ông Tuấn Anh, sau khi có đề xuất, ngày 5/10/2020, Văn phòng Thành ủy đã có Công văn số 1427/BC-VPTU báo cáo ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) và ông Huệ giao "Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn của Thành phố nghiên cứu kỹ Đề án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE; đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, ưu - nhược điểm, tính khả thi của Đề án, đề xuất các giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn; tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến người dân (nếu có); dự trù kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện Đề án để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Thành ủy xem xét, cho ý kiến theo Quy chế làm việc".

Ông Tuấn Anh cho biết, do quy mô của đề án rất lớn, liên quan đến rất nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau, như: xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng cảnh quan công viên, xây dựng hạ tầng hệ thống chống ngập khổng lồ, cao tốc ngầm cho đến các nội dung liên quan đến mỹ thuật - kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh... nên các bước từ thủ tục xin phê duyệt chủ trương đầu tư, hiệp định liên quan nguồn vốn viện trợ ưu đãi giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản... nên cần rất nhiều thời gian.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, phía chuyên gia Nhật Bản cũng không thể nhập cảnh vào Việt Nam nên chưa thực hiện được các buổi hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam, cũng như với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn về các nội dung liên quan nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ mốc thời gian dự kiến ban đầu đưa ra.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn Anh, phía đề án vẫn tiếp tục hoàn thiện các ý tưởng thiết kế, tổ chức các cuộc họp trực tuyến với phía Nhật Bản. Đề án cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ nguyên Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, cũng như một số thành viên đương nhiệm của Chính phủ Nhật Bản cùng các cơ quan liên quan.

Gần đây nhất, vào tháng 9/2021, phía đối tác Nhật Bản đã gửi báo cáo tới ông Abe Shinzo - người rất tâm huyết với dự án ngay từ khi đề xuất trong thời gian giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản.


Phối cảnh các bức phù điêu ở hai bên bờ kè thẳng đứng dọc Công viên Tô Lịch.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, thời gian tới, sau khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ có báo cáo tới các cơ quan chức năng để xúc tiến các công việc tiếp theo nhằm mục tiêu cuối cùng là triển khai được dự án để tạo nên dấu ấn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và là một biểu tượng mới cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, nhân dân hai nước trong bối cảnh hai nước đang có những hoạt động chào mừng dấu mốc kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đã tròn 50 năm (21/9/1973 - 21/9/2023).

"Dự kiến, trước Tết Nguyên đán 2022, chúng tôi sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan về đề xuất quy hoạch chi tiết công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch cùng toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đề xuất như: nguồn vốn viện trợ ưu đãi, các nội hàm chi tiết về các yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh đề xuất xây dựng tại từng triều đại suốt dọc sông Tô Lịch" - ông Tuấn Anh nói.

(Theo Dân Trí) Nguyễn Dương

 

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

Thanh Hóa:

 

Vụ tống tiền ly kỳ, dàn xếp như phim hình sự

Cập nhật lúc 10:26  

Trong thư gửi hai Phó chủ tịch thị xã, đối tượng yêu cầu một người chi 5 tỷ đồng và một người chi 20 tỷ đồng. Đối tượng cũng yêu cầu cho tiền vào vali rồi đưa lên xe nhà báo.

Liên quan đến vụ án cựu công an giả danh doanh nghiệp, dàn dựng kịch bản đưa tiền, quà rồi quay video tống tiền hai Phó chủ tịch thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), ông Hồ Đình Tùng giao nộp một miếng cao động vật và một thư tống tiền còn ông Trương Bá Duyên giao nộp một miếng cao động vật, 15 triệu đồng; 1.000 USD và một thư tống tiền.

Cả 2 bức thư có nội dung tương đồng về cách thức, thủ đoạn, chỉ khác nhau về số tiền. Trong thư đối tượng yêu cầu ông Tùng chi 5 tỷ đồng còn ông Duyên 20 tỷ đồng. Việc lấy tiền thông qua 2 phóng viên bằng cách cho tiền vào vali sau đó bỏ lên xe hai phóng viên này.

Sau khi việc tống tiền không thành, đối tượng đã đưa đoạn video quay cảnh ông Tùng nhận tiền lên mạng xã hội (Ảnh: Cắt từ clip).

Cụ thể, tại bức thư gửi ông Trương Bá Duyên để tống tiền có nội dung: Kính gửi anh Trương Bá Duyên. Toàn bộ hình ảnh và âm thanh 4 lần anh nhận tiền đã được thu lại trọn vẹn. Sai trái như vậy trước thềm đại hội chắc anh hiểu hậu quả hơn ai hết. Nếu dính phốt anh khó có thể tiếp tục làm PCT (phó chủ tịch) chứ chưa nói hi vọng lên chủ tịch… Vì vậy, chúng tôi cần anh chi hỗ trợ chúng tôi 20 tỷ. Con số này tuy lớn nhưng chi để tiếp tục sự nghiệp đang phơi phới của anh thì chúng tôi tin anh đủ khôn ngoan để chấp nhận.

Thay vì việc bỏ thời gian đi tìm hiểu ai ghi hình mình "ăn" tiền doanh nghiệp, anh nên chuẩn bị tiền vì anh chỉ còn thời gian đến hết ngày thứ sáu 22/5/2020. Sau khoảng thời gian này, hình ảnh của anh sẽ được tung lên mạng đến khi nào anh giải quyết xong việc thì thôi. Khi đó ai vô tình phát hiện được hình ảnh anh "ăn" tiền ở trên mạng rồi chia sẻ… Sau thứ 3 tới, nếu anh chưa thực hiện xong, anh cứ lên Youtube gõ: "Tĩnh Gia chọn nhầm người" sẽ có hình ảnh anh nhận tiền ở đó.

Cách anh đưa tiền cho chúng tôi như sau: Anh bỏ 20 tỷ vào một vali cỡ lớn có mật khẩu. Khi nhà báo nào đến tìm hiểu sự việc đầu tiên (đó là báo mà chúng tôi nhờ) anh tự xin họ bỏ qua rồi hẹn họ tầm mấy giờ của ngày thứ sáu (22/5) là tùy anh, nhờ họ qua cơ quan anh để anh gửi lại những gì đã nhận của người gửi đơn. Sau đó anh hoặc thư ký của mình xách vali đó bỏ lên xe cho họ. Anh tuyệt đối không để cho họ biết trong vali có gì và có bao nhiêu. Nếu anh làm sai điều đó thì sinh mệnh chính trị của anh chấm hết…

Còn tôi khẳng định với anh ở đây không có yếu tố chính trị, không có ai đứng sau, tất cả là vì tiền. Anh chuyển tiền rồi thì mọi chuyện sẽ như không có gì xảy ra. Anh đừng quá nghi ngờ sợ đưa tiền ra rồi liệu việc có xong không thì anh phải hiểu khi doanh nghiệp đưa tiền cho anh họ cứ vậy đưa rồi anh giúp họ đâu có mặc cả. Sau mốc thời gian trên, con số sẽ lớn hơn 20".

Vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" trên được cơ quan điều tra xác định là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở địa bàn trọng điểm về kinh tế, chính trị xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, thời điểm này (tháng 5/2020) những người bị hại đang giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền thị xã. Vụ án xảy ra trước thềm Đại hội Đảng các cấp đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội.

Lê Xuân Hoàng giữ vai trò là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện. Hoàng cũng là người chuẩn bị tiền Việt Nam và tiền USD, cao động vật, vỏ phong bì in công ty; mua thiết bị ghi hình siêu nhỏ dạng cúc áo rồi cắt cúc áo để cài quay lén.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, mặc dù đối tượng Lê Xuân Hoàng chưa chiếm đoạt được số tiền nêu trên nhưng hành vi của Hoàng đủ yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 170 Bộ luật hình sự.

Các bị can Lê Trần Tiến Đạt, Nguyễn Quốc Hưng, Lê Trần Sính và 2 phóng viên Phạm Văn Ân, Lê Doãn Tài đủ yếu tố cấu thành tội "Cưỡng đoạt tài sản", quy định tại khoản 1, Điều 170 Bộ luật hình sự.

Thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, vụ án "Cưỡng đoạt tài sản" trên sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 1/11 tới đây.

(Theo Dân trí) Bình Minh

Loay hoay bài toán giao thông đô thị

 

Hà Nội khó có thể thu phí ô tô vào nội đô trong tương lai gần

Cập nhật lúc 09:57     

Chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh vận tải công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân, Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện vào nội đô. 

Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND TP vào cuối tháng 10 tới.

Đề án đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày. Thời gian thực hiện dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm các nước trên thế giới khi lưu lượng phương tiện cá nhân quá đông, hạ tầng giao thông không đáp ứng được thì đều đưa ra giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân thông qua thu phí phương tiện vào nội đô. Vấn đề đặt ra là thời điểm nào thực hiện cho phù hợp.

Theo ông Thanh, Hà Nội xây dựng phương án thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết, nhưng trước khi thực hiện phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ để không gây nên những bất cập, khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Hiện tại giao thông công cộng ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 20%. Trong khi để hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô thì ít nhất giao thông công cộng phải đảm bảo đạt mức 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Do vậy, cùng với việc củng cố hệ thống mạng lưới xe buýt, Hà Nội cần sớm hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trước khi tính tới thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô. 

Các chuyên gia giao thông cho rằng, Hà Nội chưa thể thu phí phương tiện nội đô từ 2025

“Chỉ khi giao thông công cộng đảm bảo nhu cầu đi lại thì mới có thể thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, bởi nếu không người dân sẽ không biết đi bằng phương tiện gì. Trong điều kiện đường sắt đô thị mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội đang thi công chưa thể đưa vào vận hành, khai thác thì việc thực hiện thu phí phương tiện nội đô dự kiến năm 2025 của Hà Nội thực sự khó khả thi”, ông Thanh nói.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, phương tiện cá nhân là thành phần không thể thiếu của giao thông đô thị, ở các nước phát triển phương tiện cá nhân chiếm 30-40%, trong khi tỷ lệ phương tiện cá nhân giảm đi phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của phương tiện vận tải công cộng. 

Trọng điều kiện Hà Nội và TP.HCM hiện nay, việc thu phí hạn chế phương tiện vào nội đô là không phù hợp.

Ông Thuỷ nói rõ, năng lực vận chuyển của xe buýt chỉ phục vụ phù hợp với thành phố từ 30-40 vạn dân, còn từ 1 triệu dân trở lên phải có đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng như TP.HCM với dân số trên dưới 10 triệu dân, trong khi đường sắt đô thị mới chỉ xây dựng 1-2 tuyến, những tuyến này nếu sớm được đưa vào khai thác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng. Do vậy, việc Hà Nội đặt kế hoạch dự kiến cấm xe máy hoạt động nội thành, thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2025 là không hợp lý.

“Cách đây 4-5 năm Hà Nội đã bàn về vấn đề này rồi, nhưng dư luận và các chuyên gia không đồng tình.  Bây giờ TP lại có chủ trương xây dựng 87 trạm thu phí ở các tuyến đường vành đai để thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô là cách làm không phù hợp. Khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại trong nội đô thì không nên áp dụng các biện pháp kinh tế cũng như áp đặt hành chính để hạn chế phương tiện cá nhân”, ông Thuỷ nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện bố trí 87 trạm thu phí dày đặc ở các tuyến đường cửa ngõ cần phải tính toán kỹ.

Để thực hiện được, Hà Nội cần thiết phải áp dụng công nghệ trong công tác thu phí. Các trạm thu phí phải áp dụng công nghệ thu phí tự động, tích hợp được việc thu phí BOT với phí phương tiện vào nội đô qua việc trừ tiền từ thẻ ngân hàng một cách thuận tiện; tránh tình trạng sử dụng phương thức thu thủ công gây ùn tắc.

“Singapore đã áp dụng thu phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm từ khá lâu và được người dân chấp hành. Xe gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng chủ phương tiện...

Trong tương lai Hà Nội cần dồn tiền đầu tư các tuyến metro, xe buýt để đến năm 2030 có thể từng bước cấm xe máy, thu phí ôtô cá nhân”, ông Liên nói.

Ngoài ra, theo ông Liên, khi thực hiện thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe đi kèm mạng lưới giao thông công cộng để phục vụ người dân ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.

(Theo VietNamNet) Vũ Điệp

Văn hóa-Đời sống

 

Cô dâu Hà Nội đeo 50 cây vàng, mẹ chồng cho quà 20 tỷ gây xôn xao

Cập nhật lúc 09:31    

50 cây vàng, 1 căn nhà và bộ trang sức kim cương trị giá 20 tỷ là quà hồi môn cặp đôi Vĩnh Đăng và Huyền Trang nhận được trong đám cưới của mình.

Những ngày gần đây, người dùng mạng lan truyền những hình ảnh về một đám cưới “khủng”. Trong đám cưới, cô dâu đeo vàng nặng trĩu, chú rể cũng nhiều trang sức không kém.

Không đeo của hồi môn theo kiểu thông thường, cô dâu xâu chuỗi tất cả kiềng vàng, lắc tay, nhẫn và đeo vào cổ. Giá trị của bộ trang sức vàng lên tới 50 cây.

 

Đám cưới của cặp cô dâu chú rể khiến mạng xã hội xôn xao vì quá nhiều quà hồi môn. 

Được biết, chú rể tên Vĩnh Đăng đến từ Vĩnh Long và cô dâu là Huyền Trang sống tại Hà Nội.

Đằng sau đám cưới gây chú ý là một câu chuyện tình khá ly kì được chú rể Vĩnh Đăng chia sẻ.

“Chúng tôi quen nhau vào hồi đầu năm. Chuyến đi chùa Hương khiến tôi gặp được chân ái đời mình. Ấn tượng với cô gái mang vẻ đẹp rất Bắc, xinh đẹp, mặc áo dài đi chùa cùng mẹ, tôi đã bắt chuyện và xin số điện thoại làm quen”, Vĩnh Đăng tâm sự.

 

Tình yêu nảy nở từ những điều giản dị nhất.

Khi tiếp xúc, anh bất ngờ vì cô gái này có điều kiện nhưng khá giản dị. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, những chuyến công tác TP.HCM - Hà Nội giúp hai người có thêm cơ hội hiểu nhau. Mẹ của Vĩnh Đăng cũng gặp Huyền Trang trong lần cô đi công tác TP.HCM và rất có cảm tình. Được người lớn ưng thuận, tình cảm của hai người càng tiến triển.

Chuyến công tác gần nhất vào tháng 4 vừa rồi chính là cơ hội để hai người yêu thương và quyết định kết hôn.

Vĩnh Đăng kể, anh ra Hà Nội công tác nhưng dịch Covid-19 bùng phát nên bị mắc kẹt. Lúc đó, Trang chủ động đưa anh về quê ở Mỹ Đức, Hà Nội chơi và gặp gỡ gia đình.

 

Mẹ chồng yêu quý con dâu, trao quà hồi môn là bộ kim cương trị giá hơn 20 tỷ.

Thấy cuộc sống gia đình Trang thú vị, Vĩnh Đăng rất trân trọng. Sau hơn 3 tháng ở cạnh nhau, cả hai hiểu được tình cảm của đối phương. Cuối cùng Đăng đã tỏ tình với Trang và cả hai quyết định làm đám cưới.

Nói về những bức ảnh cô dâu "đeo vàng trĩu cổ" trong đám cưới, Vĩnh Đăng cho biết, đây là phong tục của người miền Tây. Trong đám cưới, nếu cô dâu được trao càng nhiều vàng thì càng nhận được nhiều phúc và may mắn.

Anh cũng cho biết, số vàng cô dâu đeo khoảng 50 cây, bên ngoại cho 14 cây, bên nội cho 36 cây. Ngoài ra, mẹ chồng còn trao cho con dâu món quà bằng kim cương giá trị 20 tỷ đồng.

 

Người miền Tây quan niệm, cô dâu càng được trao nhiều vàng thì càng may mắn, hạnh phúc.

Toàn bộ khung cảnh đám cưới là do Đăng và vợ cùng nhau nghĩ và mua đồ trang trí. Vì tình hình dịch bệnh, đám cưới chỉ tổ chức khoảng 20 mâm tại nhà gái. Nhà trai dự đám cưới qua hình thức online.

Trang phục cưới cũng được thuê theo sở thích của cô dâu. Vĩnh Đăng muốn mang lại cảm giác vui vẻ, hạnh phúc nhất cho vợ mình trong ngày trọng đại.

Nói về đám cưới bị một số người bàn tán, cho rằng quá phô trương, Vĩnh Đăng không mấy bận lòng. Anh luôn tâm niệm, việc mình muốn mình sẽ làm hết sức. Điều quan trọng là anh có thể mang lại niềm vui cho người anh yêu thương.

(Theo VietNamNet) Tú Linh