Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Thủ tướng đồng ý sáp nhập Đài VTC vào VOV

Cập nhật lúc 19:19

Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Nguyễn Đăng Tiến xác nhận Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc sáp nhập Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC vào VOV.
Trong phát biểu tại hội nghị Truyền thông và Phát triển hôm nay (31/1) ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết  theo đề nghị của VOV và sự đồng ý của các bộ, ngành, Thủ tướng đã đồng ý sẽ điều chuyển Đài VTC về VOV - cơ quan truyền thông mạnh với 4 loại hình báo chí: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử.
Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC về với VOV sẽ thực hiện tốt chức năng kênh truyền hình Quốc hội, cung cấp thông tin, làm cầu nối giữa Quốc hội với cử tri cả nước.
sáp nhập, VTC, VOV 
Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến. Ảnh: Minh Quang
"Hiện phía Đài Tiếng nói Việt Nam đang báo cáo với Bộ Thông tin Truyền thông và Thủ tướng về việc này", ông Nguyễn Đăng Tiến cho biết. "Tôi vừa gặp và trao đổi với anh Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài VTC. Chắc chắn trong thời gian tới chúng tôi sẽ lên chương trình để hai cơ quan này sáp nhập".
Theo Tổng giám đốc VOV, việc sáp nhập Đài VTC không phải để cạnh tranh với Đài truyền hình Việt Nam, mà để có thêm một địa chỉ nữa để độc giả, khán thính giả có thêm điều kiện xem nhiều chương trình hơn.
Trước đó, VOV đã có văn bản xin Thủ tướng cho sáp nhập Đài VTC thành đơn vị trực thuộc. 
(Theo VietNamnet) Chung Hoàng

Bị thanh tra, hàng loạt doanh nghiệp vận tải giảm giá cước

 Cập nhật lúc 14:32               

Sau một tuần kiểm tra các doanh nghiệp taxi, vận tải khách, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có hàng loạt doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. 

Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã liên tục biến động mạnh theo thế giới với mức giảm khá lớn. Qua theo dõi thị trường xăng dầu trong nước có thể thấy, trong năm 2014, giá xăng dầu đã có tới 24 lần điều chỉnh, trong đó 5 lần điều chỉnh tăng và 19 lần điều chỉnh giảm. Đây cũng là năm có sự thay đổi về giá xăng dầu nhiều nhất từ trước tới nay. 

Bước sang đầu năm 2015, giá xăng dầu trong nước cũng đã có 2 lần giảm giá. Trong đó, lần giảm giá gần nhất và mạnh nhất là chiều ngày 21/1 vừa qua, với mức 1.900 đồng/lít đối với xăng RON92, xuống còn 15.670 đồng/lít.  

Tuy nhiên, mặc cho giá xăng dầu trong nước liên tục có những đợt giảm giá mạnh nhưng các hãng taxi và vận tải hành khách các tuyến cố định vẫn chây ỳ không chịu giảm giá. Trước tình trạng trên, mới đây, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đã buộc phải thành lập 7 đoàn kiểm tra liên ngành về việc quản lý giá cước của các doanh nghiệp vận tải, taxi tại một số tỉnh, thành trên cả nước. 
  Ảnh minh họa
 Sau một tuần kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cho biết, tại Hà Nội đã có 71 doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. Ảnh: Vạn Xuân 
Sau một tuần kiểm tra các doanh nghiệp taxi, vận tải, Đoàn kiểm tra liên Bộ Tài chính - Bộ Giao thông vận tải vừa cho biết, trên địa bàn Hà Nội, tính đến thời điểm 20/1/2015, đã có 71 doanh nghiệp vận tải điều chỉnh giảm giá cước và gửi hồ sơ kê khai lại. 

Cụ thể: 17 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, mức giá điều chỉnh giảm từ 4-16,67%; 2 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container, mức giá điều chỉnh giảm 3-4%; 55 hồ sơ kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi của 52 doanh nghiệp (3 doanh nghiệp kê khai giảm giá 2 lần), mức giá điều chỉnh giảm từ 4-9% so với mức giá kê khai gần nhất.  
  
Theo đoàn kiểm tra liên ngành, tại Bắc Ninh, có 20 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó taxi có 14 đơn vị, kinh doanh tuyến cố định có 4 đơn vị, kinh doanh vận tải xe buýt có 2 đơn vị đăng ký giảm giá. 

Trên địa bàn tỉnh này, tất cả các đơn vị taxi và tuyến cố định đều đã thực hiện kê khai giảm giá cước, trong đó, vận tải theo tuyến cố định giảm bình quân 5.000 đồng/ hành khách, taxi giảm khoảng 3-10% so với thời điểm tháng 6/2014. 

Địa bàn Lâm Đồng, đã có 32/40 hồ sơ kê khai giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn. Trong đó, 30/32 đơn vị thực hiện giảm giá cước vận tải trung bình từ 4-33%;  bản kê 2/32 đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh giảm giá; 8 đơn vị chưa nộp văn khai giá. 

Theo kết quả kiểm tra, tại Bình Thuận, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã kê khai giảm giá cước vận tải hành khách từ 8-10% theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. 

Tại Ninh Thuận, có 10/11 doanh nghiệp kê khai giảm giá cước vận tải hành khách và 1/3 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện việc kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm. 

Tại Khánh Hòa, có 50/64 đơn vị đã thực hiện kê khai giảm giá cước. Tùy từng loại xe, hiệu xe, chất lượng xe, địa bàn hoạt động, chất lượng phục vụ của hãng xe, giá cước taxi trên địa bàn tỉnh hiện nay ở các mức như sau: Giá mở cửa dao động từ 6.500-9.000 đồng; giá km tiếp theo dao động từ 13.500-16.500 đồng; giá từ km thứ 31 trở đi dao động từ 8.500-13.500 đồng. Giá của các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô nhìn chung phổ biến tỷ lệ giảm từ 5-25%. Cá biệt có công ty có tỷ lệ giảm đến 30,77%, giảm 26%. Bên cạnh đó, có đơn vị có loại hình giảm ít, chỉ giảm 0,1-1%, giảm 2%; giảm 3,57%. 

Tại kết luận kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, tại các địa phương còn doanh nghiệp chưa đăng ký kê khai giảm giá cước, các đoàn công tác đã đề nghị Sở Tài chính cần nhanh chóng đôn đốc các đơn vị này kê khai giảm giá cước theo tình hình giảm giá xăng dầu; đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp đã kê khai giảm giá xem xét tiếp tục kê khai lại giá sau đợt giảm giá xăng ngày 21/1/2015. Đoàn công tác cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Sở Tài chính để nhanh chóng thực hiện các công tác liên quan đến giá cước vận tải. 

Được biết, để bình ổn giá cước, thời gian tới, các đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra việc quản lý giá của các doanh nghiệp vận tải trên cả nước.
(Theo VnMedia) Vạn Xuân

Vụ cảnh sát trật tự lập chốt chặn xe: Thêm nhiều dấu hiệu vi phạm

Cập nhật lúc 09:11               

Trong khi chờ Công an tỉnh Đồng Nai kết luận vụ việc, hình ảnh ghi lại còn cho thấy nhóm cảnh sát vừa làm nhiệm vụ vừa phì phèo thuốc lá, hướng dẫn người dân lưu thông sai so với biển báo...

Sau khi Báo Người Lao Động ngày 27-1 đăng bài “Cảnh sát trật tự lập chốt chặn xe”, chúng tôi đã liên hệ với Công an tỉnh Đồng Nai để trao đổi thông tin thêm về những dấu hiệu vi phạm của Đội Cảnh sát trật tự - Cơ động (TT-CĐ) Công an huyện Thống Nhất nhưng các cơ quan liên quan chưa chịu tiếp xúc. Trong khi đó, trong đoạn clip mà chúng tôi ghi được cho thấy còn nhiều dấu hiệu vi phạm khác.
Hướng đoàn xe máy vào phần đường chỉ rộng 1 m
Trong đoạn clip mà chúng tôi ghi được, ngoài các dấu hiệu vi phạm đã nêu như lập chốt và chặn xe sai nguyên tắc; chặn cùng lúc hàng loạt xe, chặn xe sau đó cho đi tiếp mà không lập biên bản; một số trường hợp đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm mà không bị xử phạt…; đội cảnh sát TT-CĐ còn có dấu hiệu hướng dẫn người dân lưu thông sai. 
Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lưu thông ngược chiều qua mặt cảnh sát nhưng không bị xử lý 
Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, lưu thông ngược chiều qua mặt cảnh sát nhưng không bị xử lý 
Theo đó, tại đoạn đường mà đội cảnh sát TT-CĐ thường chốt, ở 2 bên quốc lộ theo 2 chiều lưu thông, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, một số đoạn chưa có vạch sơn phân làn, chưa có biển báo giao thông hoặc chỉ được dựng tạm. Tuy vậy, tại đoạn dưới cầu vượt Dầu Giây, cách đoạn đã kẻ vạch sơn phân làn đường theo chiều Nam - Bắc khoảng 100 m đã được dựng 1 biển báo giao thông. Theo đó, biển báo ghi rõ xe máy được lưu thông trên 2 làn đường. Tuy nhiên, trong những lúc chặn xe xử phạt, đội cảnh sát TT-CĐ luôn báo người điều khiển là đi sai làn đường và buộc họ phải đi vào làn trong cùng rộng chỉ 1 m. Sau khi xem hình ảnh biển báo và làn đường do chúng tôi ghi lại, một số cán bộ CSGT và Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng việc cảnh sát hướng dẫn người dân đi theo làn đường như trên là sai. Chưa kể, nhiều người còn cho biết có thể làn đường rộng 1 m là hành lang bảo vệ cầu, không phải làn đường dành cho xe máy.
“Từng đoàn xe máy chen nhau trong làn đường rộng chỉ 1 m, trong khi đầu đường biển báo ghi rõ xe máy được đi vào 2 làn đường nhưng các anh cảnh sát lại không giải thích” - một người dân ở khu vực đội cảnh sát TT-CĐ lập chốt bức xúc.
Ngoài ra, trong clip mà chúng tôi ghi được hình ảnh cảnh sát vừa làm nhiệm vụ vừa phì phèo thuốc lá (được xác định là đội phó), cảnh sát đứng chéo tay kẹp gậy điều khiển giao thông vào nách khi làm nhiệm vụ... là sai quy định của Bộ Công an.
Cử tri bức xúc
Để có thể làm rõ những dấu hiệu vi phạm của đội cảnh sát TT-CĐ, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai và Công an huyện Thống Nhất nhưng đều bị từ chối hoặc không liên lạc được. Cụ thể, sau khi báo đăng, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nhiều lần nhưng ông không nghe máy. Còn ông Nguyễn Văn Đấu, Trưởng Công an huyện Thống Nhất, chỉ trả lời “Tôi đang bận, sẽ chủ động gọi lại sau” nhưng sau đó 2 ngày, chưa thấy ông gọi lại.
Người dân địa phương cho biết sau khi báo đăng, đội cảnh sát TT-CĐ không còn lập chốt tại đây.
Theo những người dân trong khu vực, tại các cuộc tiếp xúc của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai gần đây, cử tri đã phản ánh việc chốt chặn kiểm tra, xử phạt phương tiện đang lưu thông có dấu hiệu không minh bạch của đội cảnh sát TT-CĐ Công an huyện Thống Nhất nhưng sau đó vẫn không thấy thay đổi. 
Có dấu hiệu lạm quyền!
Báo Người Lao Động đăng bài “Cảnh sát trật tự lập chốt chặn xe” phản ánh hiện tượng nhiều tháng nay, Đội Cảnh sát TT-CĐ Công an huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai lập chốt chặn xe trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Xuân Thạnh. Bài báo dẫn lời đội trưởng và phó trưởng Công an huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai cho biết chưa nắm được sự việc “lập chốt chặn xe” của đội cảnh sát TT-CĐ. Như vậy, cho thấy việc làm của đội cảnh sát TT-CĐ này là chưa được lãnh đạo công an huyện phân công. Đây là việc làm hết sức nghiêm trọng, thể hiện sự tùy tiện, lạm quyền của nhóm người này.
Hiện nay, pháp luật quy định rất chặt chẽ những trường hợp dừng xe đang lưu thông trên đường. Ngay cả lực lượng CSGT, chỉ những người mang thẻ xanh khi làm nhiệm vụ mới được chặn xe. Đối với các lực lượng cảnh sát khác chỉ được huy động phối hợp với lực lượng CSGT khi có kế hoạch hoặc quyết định của trưởng công an huyện trở lên trong việc phối hợp tuần tra, kiểm soát.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân)
 (Theo Người LĐ) Xuân Hoàng

Chạy chức quyền và những tin nhắn mùi... tiền

Cập nhật lúc 09:05  
              
Có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoại di động… vạ ra!
Hiếm có tuần nào như tuần này, quan trí và quan đức bỗng nhiên được dư luận xã hội quan tâm và bàn tán rôm rả. Là bởi có hai vụ việc với những phát ngôn, những thông tin khá ấn tượng, để lại dư âm vừa khá hài vừa khá … thất vọng.
Vạ từ miệng vạ ra
Đó là bởi cách đây ít lâu, các cán bộ, đảng viên vừa thảo luận góp ý cho dự thảo các văn kiện ĐH Đảng XI về việc cần thay đổi cơ chế bầu chọn cán bộ một cách dân chủ, trước dư luận chạy chức chạy quyền, đến mức bị gọi là “đấu thầu” cán bộ. Ý kiến chưa ngã ngũ, thì xã hội bỗng xới xáo lên phát ngôn ấn tượng của ông PGS.Ts N. H.T, nguyên Viện trưởng Viện KH hành chính (Học viện HCQG), khi ông điềm nhiên cho rằng, cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền.
Ở góc độ truyền thông, tờ báo phỏng vấn ông đã thành công khi gây tranh cãi ồn ào, cuốn hút bạn đọc.
 Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Thi tuyển công chức ở Bộ Nội Vụ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ở góc độ phát ngôn ấn tượng, ông N.H.T cũng đã thành công khi khiến cả XH phải tốn bút mực bàn luận về những phát ngôn của ông.
Nhưng ở góc độ tư duy, ông cũng là người “thành công” nốt khi khiến cả XH thêm ấn tượng sâu sắc ... xấu về quan trí. Dù đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn, thấy ở ông là sự chân thành.
Để dẫn chứng cho luận điểm của mình, ông đưa ra rất nhiều cách nhìn trong thời kinh tế thị trường, tựu trung lại, có hai phép so sánh sinh động nhưng là so sánh… chết người. Bởi đó là sự khập khiễng, sự lầm lẫn những giá trị, thậm chí như là đánh tráo khái niệm.
Khập khiễng, khi ông ám chỉ việc chạy chức chạy quyền ở Mỹ, ngay cả ông Obama cũng phải “chạy”.
Giá Obama biết tiếng Việt, hẳn sẽ kiện ông tội vu khống.
Bởi ông quên rằng, thiết chế chính trị tam quyền phân lập của Mỹ khác hẳn với thiết chế chính trị của nhiều nước. Ở đó, việc ứng viên tranh cử để được đảng (của họ) tiến cử phải thông qua một chương trình, một cương lĩnh phát triển nghiêm túc. Đồng tiền họ cần để “chạy” chính là khi vận động, tranh thủ các cử tri bỏ phiếu, và đồng tiền này là của các doanh nghiệp làm Mạnh thường quân tài trợ cho các đảng phái. Nhưng tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc- minh bạch.
Trong khi đó, cái chữ “chạy” của  không ít kẻ trong XH nước Việt, thực chất là mua quan bán tước, mua ghế, thực chất là anh rút chân giò tôi thò chai rượu. Ở đó, chỉ có giao dịch đen giữa cá nhân với cá nhân, mà cương lĩnh của kẻ “chạy”, dù không tuyên bố nhưng ai cũng hiểu, là làm sao vơ vét được thật nhiều, để bù vào cái khoản đã “chạy”. Tham nhũng nối tiếp hối lộ. Đó là vòng đời được … minh bạch của “chạy”.
Người dân còn chưa quên những chữ ký gấp của nhiều quan chức trước khi hạ cánh cho không ít các thuộc cấp của họ có chức có quyền. Cho dù các vị này cuối cùng hạ cánh có an toàn đi chăng nữa, thì trăm năm bia miệng hãy còn trơ trơ.
Nay cái chữ “chạy” đó bỗng nhiên được đề nghị luật hóa, được thừa nhận, có nghĩa là sự thừa nhận công cuộc phòng chống tham nhũng đó không thành công, thừa nhận nước Việt lại tiếp tục... cô đơn với một quy định luật pháp mà chả quốc gia nào văn minh, tiến bộ đi trước lại ứng dụng. Vì nó không chỉ gây rối ren trong đạo lý văn hóa một xã hội, mà nó còn nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, thực sự đi ngược lại những giá trị của nhân cách người. Vì sao?
 Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Ảnh minh họa
Nhầm lẫn và đánh tráo khái niệm, là bởi, ông N.H.T nhắc đi nhắc lại về cơ chế thị trường: Như vậy, trong tổ chức, trong cán bộ cũng phải theo cơ chế thị trường bởi nó không có gì xấu vì vẫn là quan hệ cung- cầu. Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Cơ chế kinh tế thị trường với nước Việt còn quá mới mẻ, nhất là lý luận còn mỏng, chưa đủ sức thuyết phục. Nhưng sản phẩm chủ thể của cơ chế thị trường là hàng hóa. Còn chủ thể của quyền lực- quyền uy, dù muốn hay không là trí tuệ, và phẩm cách con người. Một khi nén bạc đã đâm toạc phẩm cách, thì cái phẩm cách đó có đủ sức hướng đạo cho cả một nền tảng văn hóa- đạo lý XH hay không? Nếu thực chất đồng tiền luôn đứng sau… chỉ đạo?
Xin được hỏi, nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” được thừa nhận, liệu ông có bảo đảm những người “đấu thầu” trúng chức quyền, đều là những người tài giỏi, có năng lực? Bởi tiếc thay trong XH ta, không phải lúc nào sự tài giỏi và có tiền bạc cũng là cặp đôi hoàn hảo.
Và hãy thử tưởng tượng thực tế này. Nếu “Luật chạy chức, chạy quyền” thành hiện thực, tất sẽ kéo theo rất nhiều hiện tượng cung- cầu khác. Vì quy luật phát triển bao giờ cũng đòi hỏi tính đồng bộ, tương đồng, tương thích của một XH.
Việc mua bằng- bán điểm sẽ phải được hợp pháp, thay cho sinh viên, học trò phải khổ công học hành.
Việc mua chỗ làm cũng sẽ phải được công nhận, thay cho tuyển dụng nhiêu khê.
Việc mua bằng giả các ngành học từ phổ thông đến Ts cũng sẽ được công nhận hợp pháp vv.và… v.v..
Bởi tất cả những hiện tượng đó đều có thể là quy luật cung – cầu, theo lý luận của ông.
Chả trách trong một bài viết trên VietNamNet, ngày 26/01, tác giả Đinh Duy Hòa  đã dự báo: Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Chưa biết, “Luật chạy chức, chạy quyền” có biến thành hiện thực hay không, nhưng với tư duy khác đời như thế, đã có những câu hỏi hoài nghi ngay chính về bằng cấp của ông.
Tiền nhân xưa có câu ngạn ngữ thâm thúy: Phải uốn lưỡi 07 lần trước khi nói, để khuyên nhủ người đương thời và hậu thế nên biết cẩn trọng khi phát ngôn, kẻo vạ từ miệng vạ ra.
Mà với câu răn dạy đó, hẳn ông N.H.T là học trò… kém?
Mùi gì?
Dư luận XH về “Luật chạy chức, chạy quyền” chưa lắng xuống, XH lại “sốc” tiếp bởi một vụ việc chả lấy gì làm tốt đẹp, hay ho, xung quanh những mẩu tin ngắn được nhắn qua lại giữa hai người, một quan chức, một doanh nhân, bất ngờ bị (hay được) công khai trên báo chí. Một người là ông N. H. T, Thứ trưởng Bộ GTVT. Người kia là một nữ doanh nhân có tên H.
Đọc toàn bộ tin nhắn đã công khai, người ta dễ suy luận ra là bà H đòi lại ông này số tiền mà theo tin nhắn nguyên văn: Tổng em đưa cho anh bảy lần, 4 lần nhớ chính xzacs là 200 triệu và 10 ngàn đô, còn 3 lần nữa em không nhớ vì sáng nay em không cầm sổ, để em hỏi lại cậu thư ký hay đi cùng, anh thích trả cho em bao nhiêu thì trả, em phải vay lãi 1 triệu/10 nghìn ngày đó anh ạ (Bảo vệ pháp luật, ngày 23/01).

 Luật chạy chức quyên, tin nhắn hai chiều, mùi tiền, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên,
Ảnh: saigondautu.vn
Hóa ra cái tin nhắn đó liên quan đến việc xin tham gia gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam VRAMP, mà bà H, Chủ tịch HĐQT Công ty cố phần TH, là một trong những đơn vị doanh nghiệp có nhu cầu.
Đặt cái tin nhắn đầy mùi tiền bạc đó, trong bối cảnh ông Thứ trưởng GTVT là người có thẩm quyền bút phê dự án này, trong bối cảnh xã hội nạn tham nhũng phổ biến, hẳn người có trí tuệ trung bình trở lên cũng phải nghĩ, đó là tin nhắn đòi lại tiền đã đưa. Tiến sĩ Tô Văn Trường trong một bài viết trên mạng truyền thông XH đã gọi đích danh “Đã bốc mùi hối lộ chạy dự án”.
Còn những người quá hiểu “luật đời” trong mối quan hệ làm ăn với các dự án cho rằng, một trong hai người đã phạm “luật giang hồ”- tức là không thực hiện được đúng cam kết, thì phải trả lại tiền. Thực hư ra sao, bản chất những tin nhắn đó là gì, chắc chắn chỉ hai người trong cuộc biết với nhau. Còn tại buổi họp báo Chính phủ chiều qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói rõ, Thứ trưởng có báo cáo với ban cán sự Đảng là tin nhắn không có, là sai sự thật.
"Căn cứ vào báo cáo của Thứ trưởng Trường, chúng tôi cũng đã có báo cáo về Ban Bí thư, Chính phủ đồng thời đề nghị Tổng cục Cảnh sát -  Bộ Công an điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật", ông Thăng giải thích.
Cũng ngay trong tuần, trước những thông tin, những bình luận ồn ào trên báo chí, mạng truyền thông, lãnh đạo Bộ GTVT đã có ngay một hành động nhanh chóng, như mọi lần xảy ra các vụ việc, liên quan đến thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ. Đó là ra quyết định thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP), nhằm làm rõ các thông tin đăng tải trên báo chí trước đó cho rằng, bút phê của Thứ trưởng Bộ GTVT N. H.T vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc dự án VRAMP do bà H.T.D.H. – Chủ tịch HÐQT Công ty CP đầu tư TH – gửi ông này.
Tuy nhiên, cho dù nhanh chóng có động thái để xử lý vấn đề, dư luận xung quanh vụ việc này lại bỗng hoài nghi, trước cung cách và quan niệm xử lý vụ việc.
Vì sao, việc thanh tra đột xuất công tác đấu thầu gói thầu RAI/CP1 thuộc dự án quản lý tài sản đường bộ VN (VRAMP) đang có nhiều tai tiếng, lại do chính thanh tra của Bộ GTVT tiến hành. Điều đó được ví như Bộ GTVT vừa đá bóng vừa thổi còi. Vì nếu có tiêu cực thật, sớm muộn gì Bộ GTVT và những người quản lý, có trách nhiệm cũng có liên quan. Vậy việc thanh tra liệu có bảo đảm kết quả khách quan?
 Trong khi mối quan hệ này rõ ràng không thể chỉ là mối quan hệ cá nhân, nó liên quan đến lợi ích của một doanh nghiệp, liên quan đến việc đấu thầu một gói thầu mà Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, liên quan đến cả tư cách của một quan chức cấp bộ.
Chỉ xin mượn ý câu trong ca khúc Phượng hồng: Ai cũng hiểu chỉ một người không chịu hiểu/ Nên có một gã không khờ ngọng ngịu ngó làm lơ.
Và thêm điều này mới đáng chú ý, ngay sau vụ việc tin nhắn tai tiếng, ngay sau những quyết định của Bộ GTVT còn khiến dư luận XH ồn ào bàn tán, theo báo Đất Việt, ngày 27/01, Bộ GTVT liên tiếp đưa những thông tin mang tính cảnh báo, răn đe những người gọi điện thoại đến các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT, để liên hệ công tác, làm việc, xưng danh là người thân quen của đồng chí Bộ trưởng GTVT.  Theo đó, việc xưng danh là người thân quen của Bộ trưởng là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Bộ trưởng cũng như công việc chung của Bộ GTVT, đồng thời gây phiền hà cho các cơ quan, đơn vị.
Văn bản này cũng do chính ông Thứ trưởng N. H. T ký tên.
Việc làm này, đặt trong bối cảnh “tin nhắn hai chiều” vừa diễn ra với những nghi vấn tiền bạc không sòng phẳng, phải chăng, nó là một thứ thủ pháp, mẹo mực khôn mà không ngoan của ai đó tham mưu cho Bộ GTVT nhằm xóa nhòa đi nghi vấn vụ việc mới đây. Tuy nhiên, trong thời đại của IT, của thế giới phẳng, sự trí trá có thể giúp cho những ai đó thoát tội, nhưng không dễ đánh lừa được dư luận XH.
Mọi vụ việc của “tin nhắn hai chiều” nói trên, của cuộc thanh tra gói thầu dự án vẫn còn đang bỏ ngỏ… Dư luận XH vẫn đang chờ đợi và đòi hỏi cách giải quyết minh bạch, sòng phẳng của Bộ GTVT, đặc biệt sau phần chia sẻ của người đứng đầu bộ này tại cuộc họp báo Chính phủ.
Chợt nhớ một câu ngạn ngữ rất sâu sắc: Người ta có thể đánh lừa được một người, đánh lừa được một tập thể, thậm chí đánh lừa một cộng đồng, nhưng không thể đánh lừa được cuộc đời.
Lại có câu Bệnh từ miệng bệnh vào, vạ từ miệng vạ ra. Đôi khi, vạ chả cần từ miệng mà ra như trường hợp ông “Luật chạy chức, chạy quyền”, mà vạ cũng có thể từ điện thoai di động… vạ ra!
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

 Nuôi con để… xâm hại tình dục

Cập nhật lúc 08:46                   
(PL)- Cô gái gần 17 tuổi, ở Cần Thơ tố bị cha mẹ nuôi hành hạ, hiếp dâm trong thời gian dài.
                                   
Ngày 30-1, Đại tá Phan Minh Tấn, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Lãnh đạo Công an TP đã chỉ đạo Công an huyện Phong Điền vào cuộc làm rõ vụ việc cháu LTCT (gần 17 tuổi, ngụ huyện Phong Điền) bị hành hạ, hiếp dâm trong thời gian dài.
Trước mắt, cơ quan công an mời tất cả người có liên quan đến để làm việc, lấy lời khai ban đầu đồng thời tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ vụ việc”. Cũng theo Đại tá Tấn, công an mới bắt đầu tiến hành xác minh vụ việc nên mọi thông tin cụ thể như thế nào vẫn phải chờ Công an huyện Phong Điền có báo cáo chính thức, từ đó Công an TP mới có chỉ đạo tiếp theo và xác định đường hướng xử lý.
Theo thông tin ban đầu, Công an huyện Phong Điền tiếp nhận đơn từ thân nhân cháu LTCT tố cáo việc cháu T. bị cha mẹ nuôi là TVV và N.T.N.Tr (cùng ngụ huyện Phong Điền) hành hạ, ngược đãi và xâm hại tình dục kéo dài nhiều năm. Do hoàn cảnh khó khăn, khi cháu T. tròn tám tuổi được mẹ ruột giao cho vợ chồng ông V. (có quan hệ bà con với mẹ cháu T.) nhận làm con nuôi. Vợ chồng ông V. hứa giúp cho cháu T. ăn học và chỉ bắt cháu phụ việc lặt vặt trong nhà.
 
Cháu T. (bìa phải) cùng người thân tố cáo cha mẹ nuôi ngược đãi, xâm hại tình dục. Ảnh: GIA TUỆ
Cơ quan điều tra đã thu thập thông tin, xác minh nội dung tố cáo đồng thời giới thiệu gia đình đưa cháu T. đến bệnh viện thăm khám để lấy y chứng phục vụ công tác điều tra.
Ngày 29-1, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã có giấy chứng nhận thương tích, trong đó xác nhận cháu T. bị vết rách cũ ở màng trinh tại vị trí 6 giờ; trên thân thể bị một vết sẹo dài khoảng 1 cm phía bên phải vùng môi dưới, vùng đùi phải mặt trong có nhiều vết sẹo kích thước 1-2 cm và một vết sẹo dạng tròn khoảng 2 cm; vùng đùi trái mặt ngoài và sau có nhiều vết sẹo kích thước 1-5 cm, trong đó có một vết sẹo lồi kích thước 1x1,5 cm; riêng vùng bụng có nhiều vết sẹo nhỏ dạng nốt kích thước 0,5 cm, trong đó có một vết sẹo vùng hông trái dài khoảng 3 cm.
Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nghi án.
Chiều 30-1, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp nghi phạm Trương Văn Phúc (36 tuổi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi hiếp dâm trẻ em. Người bị hại trong vụ án là bé TTHX (tám tuổi), con ruột của Phúc.
Được biết năm 2001, Phúc kết hôn với chị BTĐ và sinh được hai con là TMP (13 tuổi) và TTHX (tám tuổi). Năm 2011, Phúc và chị Đ. ly hôn. Phúc nhận nuôi P. và X. Chiều 26-1, bên nhà Phúc tổ chức tiệc nhậu, Phúc đến dự tàn tiệc. Sau đó Phúc về nhà riêng của mình ở sát nhà cha ruột để ngủ. Khoảng 22 giờ cùng ngày, nghe tiếng bé X. (con Phúc) la khóc và kêu cứu nên em của Phúc cùng những người gần đó chạy qua tìm hiểu. Mọi người phát hiện Phúc thực hiện hành vi đồi bại với bé X. nên trình báo cơ quan công an. Bước đầu Phúc thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
(Theo PLO.vn) GIA TUỆ

Bị Hy Lạp “tống tiền”, EU như gà mắc tóc

 Cập nhật lúc 08:33
                  
 chinh phu moi cua Hy Lap
Người dân Hy Lạp muốn thoát khỏi thoát khỏi "thắt lưng buộc bụng" bằng mọi giá

Một Thế Giới - Đức đang đứng trước một mối lo ngại mới, chính phủ mới của Hy Lạp có thể gây nguy hiểm cho tương lai của EU, Nhà kinh tế học Pháp Jacques Sapir cho rằng "chiến thắng lịch sử" của đảng Syriza tại Hy Lạp là điềm báo cho một cách nhìn mới về các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.

Theo nhà kinh tế học Pháp, người đã ra nhiều ấn phẩm về những thách thức phải đối mặt của Eurozone, thì chính phủ mới của Hy Lạp đang khởi màu cuộc chiến đòi "độc lập cho Hy Lạp" nhằm thoát khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp phải làm mấy năm qua để tránh vỡ nợ.
Chiến thắng của Syriza " được gọi là hậu quả của Đức, khi họ cố gắng giải quyết chuyện của cả khu vực châu Âu", Sapir đã viết trong một bài báo công bố trên trang hypotheses.org. "Nếu bị mất tiền nhiều, Đức có thể phản ứng dữ dội và gián tiếp kích động sự tan rã của Eurozone, bất chấp hiện nay Đức là trụ cột chính của EU".
Ngay khi mới vừa chiến thắng trong bầu cử chính quyền mới của Hy Lạp ngay lập tức chống lại EU để dễ thực hiện yêu sách kinh tế, bằng việc không bằng lòng với quyết định trừng phạt gia tăng của EU dành cho Nga.
Thủ tướng Alexis Tsipras, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 27.1 rằng "tuyên bố nói trên được đưa ra không theo thủ tục quy định khi mà không tham khảo ý kiến của các thành viên EU, đặc biệt là không có sự đồng ý của Hy Lạp". "Trong bối cảnh này, Hy Lạp buộc phải lên tiếng nhấn mạnh rằng chúng tôi không đồng ý với tuyên bố này", ông Tsipras nói thêm.
Chính quyền Hy Lạp trước đó không thèm giấu ý định "tống tiền" cả EU khi họ tìm kiếm cơ hội tái cơ cấu khoản nợ khổng lồ lên đến 366 tỉ USD, mong muốn của chính phủ mới của Hy Lạp rất đơn giản là đa số nợ phải được xóa, nếu không Hy Lạp sẽ không còn là một phần của EU.
"Không thể có giải pháp cải cách kinh tế nào mà không loại bỏ phần lớn các khoản nợ", ông Tsipras nói với kênh truyền hình Chanel 4 của Anh trước khi trúng cử.
270 tỉ USD nợ của Hy Lạp là các khoảng từ hai gói cứu trợ kinh tế của các nước Eurozone, ECB và IMF. Eurozone là chủ của 60% nợ công của Hy Lạp trong đó đa phần là tiền của Đức.
Thế nên nước Đức hiện đang là đầu tàu của EU sẽ phải đối mặt với chính quyền của ông Tsipras ở Hy Lạp chỉ theo hai phương án mà đều có rủi ro như nhau.
Nếu Đức vì sự thống nhất của EU mà tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp thì họ đã bước lên một "con đường nguy hiểm" khi mà có nguy cơ Đức sẽ phải mất thêm tiền từ những nước cũng đang trong tình thế phải vay nợ của EU như Hy Lạp. 
Tuy nhiên nếu để Hy Lạp tách khỏi EU cũng sẽ làm cho nguy cơ tan rã của khối lớn hơn bao giờ hết, chưa kể sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế của Đức nước vốn chủ yếu thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa.
Thiên Hà (theo RIA)

Đề nghị công an điều tra vụ “bút phê”, “tin nhắn” của Thứ trưởng

Cập nhật lúc 08:15 
                
TP - Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngày 30/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) điều tra làm rõ việc báo chí phản ánh Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có “bút phê” và “tin nhắn” với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: IE 
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: IE

“Bút phê” là đúng thẩm quyền

Liên quan tới vụ việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị một doanh nghiệp tố cáo có “bút phê”, ông Thăng khẳng định, việc văn bản của các cơ quan, doanh nghiệp gửi đến Bộ thì Bộ trưởng hay Thứ trưởng có bút phê giao nhiệm vụ cho đơn vị cụ thể để xử lý văn bản, đây là việc làm bình thường như tất cả các cơ quan khác. Nghĩa là văn bản gửi đến thì phải có bút phê giao nhiệm vụ. Trong văn bản của Bộ ban hành từ tháng 1/2014 đã ghi rõ bút phê chỉ là chuyển thông tin giữa các cơ quan đơn vị, tuyệt đối không phải là căn cứ ưu tiên để xét thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư… Như vậy, việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường có bút phê vào công văn đề nghị của doanh nghiệp gửi đến là đúng thẩm quyền, đúng quy định.
“Vừa qua chúng ta thấy cuối năm 2012, đầu năm 2013 trên mạng xuất hiện các trang thông tin Quan làm báo, Dân làm báo đưa thông tin nhảm nhí, xấu độc lên, cuối cùng không ai xem cả. Vừa rồi trang Chân dung quyền lực cũng thế thôi, xã hội người ta sẽ tẩy chay, có đưa lên cũng không ai xem nữa. Vì thế chúng ta phải tuyên truyền tạo sự đề kháng cho chúng ta và người dân”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son
Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, thông tin của một số báo điện tử đưa về bút phê của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường không đúng với nội dung mà văn bản gửi đến và Thứ trưởng Trường đã phê. Thứ hai, trong văn bản đó có bút phê của Giám đốc Ban Quản lý 3. Tức là khi công văn đến thì Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kính chuyển Ban Quản lý 3 (Tổng cục Đường bộ) xử lý, sau đó Giám đốc Ban Quản lý 3 có ghi là chuyển phòng quản lý dự án 1 xử lý. 
“Chỉ có thế thôi, nhưng một số báo lại ghi là “Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ, Ban 3 xử lý” là không đúng. Dòng chữ của Giám đốc Ban 3 “Lãnh đạo Ban thực hiện theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ” là không có”, ông Thăng cho biết.
“Căn cứ đề nghị của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và qua kiểm tra thực tế văn bản lưu tại Bộ GTVT, chúng tôi có văn bản báo cáo đề nghị Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an xem xét điều tra để xử lý theo đúng quy định pháp luật”, ông Thăng nói.
Về một số tin nhắn của một lãnh đạo doanh nghiệp liên đới tới Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, ông Thăng khẳng định: “Tố cáo là sai sự thật. Chúng tôi đã báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và cũng đề nghị Tổng cục Cảnh sát điều tra theo đúng quy định của pháp luật”.
Không khắc phục được thì phải xử lý.
Trả lời câu hỏi về việc gần đây có một số doanh nhân vướng vào vòng lao lý, gây tâm lý lo lắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây là câu chuyện buồn. Kể cả các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không muốn điều đó xảy ra. “Đối với các doanh nghiệp làm kinh tế là lực lượng quan trọng, là chiến sỹ thời bình. Chúng ta không bao giờ muốn họ vấp ngã”, ông Nên nói. 
Tuy nhiên, ông Nên khẳng định, pháp luật vẫn là trên hết. Mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khi vi phạm pháp luật bất cứ ở vị trí nào cũng bị xử lý. Quan điểm của Chính phủ là cố gắng hết mức qua thanh tra, kiểm tra, giám sát nhắc nhở, tạo điều kiện khắc phục tối đa, không để “hình sự hóa” vấn đề kinh tế. Nhưng khi các giải pháp khác không còn có thể ngăn chặn, xử lý được thì cơ quan điều tra phải xử lý. 
Đối với vấn đề an ninh mạng, xây dựng thông tin trên mạng xã hội của Chính phủ, ngăn chặn thông tin xấu trên mạng, ông Nên cho biết, hiện nay còn một mảng chúng ta chưa tham gia vào là mạng xã hội. Thủ tướng thấy rằng chúng ta cần tham gia đưa thông tin đến hàng chục triệu người đang tham gia hiện nay. Do đó, Văn phòng Chính phủ đang chuẩn bị đề án và thông qua cấp thẩm quyền để triển khai thực hiện. “Chủ trương là đưa thông tin chính xác, trung thực để người dân có thông tin đúng”, ông Nên nói.
(Theo Tiền phong) Văn Kiên