Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

23:19
GS Mỹ luận bàn vai trò trí thức
TuanVietNamnet- Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sẽ rất rủi ro nếu một xã hội nào đó chỉ tạo ra giới trí thức của những người có kiến thức nhưng lại biệt lập với nhau. Những con người biệt lập có thể có tri thức tuyệt vời, nhưng họ không thực sự nhận ra tri thức của mình có ảnh hưởng như thế nào đối với thực tiễn. Các trí thức sẽ có ích nhất khi họ có thể dạy cho thế giới những gì họ biết, và cũng qua đó rút ra những bài học từ thế giới.
Trí thức là gì?
Những ai theo dõi tin tức chắc hẳn đều biết ít nhiều về các trí thức. Nhưng chính xác thì họ làm gì, hay quan trọng hơn, họ nên làm gì? Ngay lúc này, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, người ta vẫn đang tranh luận gay gắt về định nghĩa trí thức và vị trí cụ thể của họ trong xã hội.
Nhiều người nghĩ rằng cuộc tranh luận chỉ xoay quanh vấn đề là liệu trí thức có nên chủ động tham gia vào các công việc chung, cố gắng thay đổi thế giới theo cách chính trị nhất hay không, hay họ chỉ nên dành thời gian cho những cuốn sách và phòng thí nghiệm, nói chuyện với học giả và sinh viên, và cố gắng mở rộng chân trời tri thức?
Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết phải chọn một cách duy nhất này hay cách khác. Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng, một số cảnh sát nên dành thời gian giải quyết vụ phạm tội vừa xảy ra, trong khi số khác nên tập trung phòng ngừa tội phạm sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, các trí thức khác nhau cũng sẽ đóng những vai trò khác nhau.
Tương tự, trong thế giới hiện nay, hầu hết chúng ta đều đồng ý giáo viên nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản, đồng thời cố gắng vun đắp nhân cách cá nhân của các em. Như thế, một trí thức có thể dành một phần thời gian cho các vấn đề chung và một phần thời gian khác cho các vấn đề học thuật.
Tuy nhiên, rắc rối là ở chỗ: Trong trường hợp cảnh sát hay thầy giáo, chúng ta khá dễ đi đến thống nhất về công việc của họ và những gì họ nên làm. Nhưng với các trí thức, vấn đề không rõ ràng như vậy. Chúng ta có thể định nghĩa họ như thế nào? Sau khi biết trí thức là gì, chúng ta mới có thể biết vai trò họ nên đóng góp cho xã hội ra sao.
Theo tôi, cách tốt nhất để định nghĩa hai chữ "trí thức" là nhìn lại cách người ta sử dụng từ này trong lịch sử. Tôi là người Mỹ, tôi không thể nói nhiều về việc từ này được sử dụng ra sao ở từng khu vực khác nhau. Nhưng tôi nghĩ, sẽ rất thú vị cho cuộc tranh luận ở Việt Nam nếu biết thêm một chút về lịch sử từ "trí thức" ở phương Tây.
Điều đầu tiên cần lưu ý là dù hình tượng được người ta liên tưởng đến các trí thức đã tồn tại từ rất lâu, nhưng ý niệm về một nhóm những con người cụ thể được gọi là "trí thức" còn tương đối mới mẻ.
Tôi  chắc chắn sẽ rất vui nếu các trí thức có thể đóng góp vào việc phổ biến kiến thức và vì sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, lý tưởng này không dễ đạt được. Nó đòi hỏi những người có kiến thức phải thực sự hết mình vì việc truyền bá tri thức và hiểu biết mới.
Xã hội phải sẵn sàng xem xét ý những quan điểm mới, và tất cả các bên phải duy trì các chuẩn mực phê phán cao. Nhiều xã hội, trong đó có Mỹ, gặp khó khăn lớn trong việc nhận ra các mục tiêu này.

Từ xa xưa, luôn có những người cố gắng giải thích các sự vật cho người khác, cũng giống như việc có những người luôn tự nhận là hiểu biết nhiều hơn người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi các sử gia đôi khi vẫn viết về các trí thức thời xưa, họ hiểu rằng con người (rất nhiều người) thời đó đều thuộc trường phái tư tưởng này hay khác. Họ chủ yếu dành thời gian và sức lực cố gắng phô diễn sự ưu tú của phe mình hơn so với những người còn lại.
Dù chúng ta vẫn làm điều đó hôm nay, nhưng các trí thức đã cố gắng trở nên độc lập hơn, ngay cả khi họ rất trung thành với một nhóm nào đó. Bước ngoặt tạo ra kiểu trí thức mới ở phương Tây là thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18. Thời đó, người có học vấn thấy mình mâu thuẫn sâu sắc với các tín ngưỡng giáo hội của thời đại, và họ thường bị nhà thờ hay hoàng gia ám sát hay bắt giữ, bởi dám phản đối các truyền thống đang và đã có sẵn.
Trí thức có ích nhất khi nào?
Tuy nhiên, điều vẫn hay bị bỏ quên là, ngay cả khi chủ nghĩa cá nhân đã biến các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng trở thành các trí thức phương Tây hiện đại đầu tiên, họ vẫn thường nghĩ cần phải hợp tác với nhau vì cùng một mục đích chung. Thực tế, một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ Khai sáng châu Âu là cuộc phối hợp để tạo ra cuốn Bách khoa toàn thư về những tri thức hữu ích và tư duy phê phán. Công việc được tiến hành từ năm 1751-1772.
Tuy nhiên, chúng ta không thể định nghĩa "trí thức" ngày nay chỉ bằng cách liên tưởng tới các nhà tư tưởng thế kỷ 18. Chúng ta cũng nên xem xét những gì đã xảy ra với những con người có kiến thức ở Nga thế kỷ 19. Trong giai đoạn này, một thuật ngữ quan trọng nữa là "giới trí thức" đã ra đời để chỉ nhóm người bao gồm các trí thức.
Tuy nhiên, họ là những trí thức có nhận thức rằng họ sẽ không còn ý nghĩa gì trong thế giới này trừ khi họ hết mình chống lại thực tiễn xung quanh. Với các điều kiện khắc nghiệt của nước Nga vào thời điểm đó, dễ hiểu tại sao giới trí thức lại nổi lên, và tại sao họ sẽ tiếp tục bùng nổ ở những nơi các nhà trí thức bị cấm không được truyền bá những kiến thức bổ ích và tư duy phê bán. Tuy nhiên, không phải mọi trí thức theo định nghĩa này đều thuộc giới trí thức.
Điều này đưa chúng ta đến đâu? Tôi  chắc chắn sẽ rất vui nếu các trí thức có thể đóng góp vào việc phổ biến kiến thức và vì sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, lý tưởng này không dễ đạt được. Nó đòi hỏi những người có kiến thức phải thực sự hết mình vì việc truyền bá tri thức và hiểu biết mới.
Xã hội phải sẵn sàng xem xét ý những quan điểm mới, và tất cả các bên phải duy trì các chuẩn mực phê phán cao. Nhiều xã hội, trong đó có Mỹ, gặp khó khăn lớn trong việc nhận ra các mục tiêu này.
Có một điều luôn khắc sâu trong tôi: Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sẽ rất rủi ro nếu một xã hội nào đó chỉ tạo ra giới trí thức của những người có kiến thức nhưng lại biệt lập với nhau. Những con người biệt lập có thể có tri thức tuyệt vời, nhưng họ không thực sự nhận ra tri thức của mình có ảnh hưởng như thế nào đối với thực tiễn. Các trí thức sẽ có ích nhất khi họ có thể dạy cho thế giới những gì họ biết, và cũng qua đó rút ra những bài học từ thế giới.
GS David Pickus (ĐH Arizona)

22:00

Thề không tham nhũng
          Thủ trưởng cơ quan Z. có tiếng là liêm khiết. Để xây dựng đơn vị luôn luôn trong sạch, không xảy ra chuyện tham ô, bớt xén của công, ông đề ra một quy định ngặt nghèo cho việc tuyển người vào cơ quan. Một là phải lựa chọn những người thật giàu. Vì theo ông nghĩ đã thật giàu thì họ cần gì phải tham nhũng nữa. Hai là chọn những người thật nghèo. Vì nghèo nếu tham nhũng tự dưng giàu bật lên bất thường là phát hiện được ngay. Ba là, đây là điều kiện bắt buộc đối với tất cả mọi người trong cơ quan dù là cũ hay mới, giàu hay nghèo đều phải tham gia lễ "Thề không tham nhũng".
          Do có việc này bởi là một hôm ông nằm mơ được một vị thần ban cho một phép lạ. Để phép có hiệu nghiệm phải tổ chức một cuộc "Thề không tham nhũng". Ai đã thề và ký tên vào văn bản xin thề mà vẫn tham nhũng thì sẽ bị sét đánh chết tươi.
          Sau buổi lễ "Thề không tham nhũng", bắt mọi người ký tên đầy đủ, thủ trưởng cho văn bản vào một chiếc hộp nhỏ, khoá lại đặt trên nóc nhà cơ quan. Lời thề là thiêng liêng. Lời thề độc lại càng linh thiêng và đáng sợ hơn. Nhưng cũng có người không tin, sinh ra coi thường, cho đó chỉ là trò đùa của thủ trưởng. Anh cán bộ bảo vệ vì mê đề đóm, thiếu tiền trả quán nên rút trộm mấy thanh sắt, vác vài bao xi măng định đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài. Đêm hôm anh ta lớ ngớ vác cây sắt chạm luôn vào đường điện hạ thế. Một tiếng nổ vang rền, tia lửa điện đánh "xoẹt" một cái, chân tay bị điện giật co rúm, cháy sém hết tóc. May mà thoát chết. Từ đó anh ta khiếp vía không dám tơ hào của công nữa. Bà cán bộ vật tư mua bán vật liệu xây dựng lòng vòng, khai tăng đơn giá kiếm khối tiền chênh lệch. Vừa đem gói tiền qua cổng cơ quan thì trời nổi cơn giông. Một tiếng sét rền vang. Bà ta hoảng hồn, tay lái loạng choạng, xe máy đâm luôn vào gác chắn đổ vật ngay giữa cổng. Mặt mũi bà ta xây sát. Gói tiền tự dưng bung ra tung toé. Sự việc bị phát giác, ông thủ trưởng cáu lắm. Ông đe mọi người:
          - Đã "thề không tham nhũng" rồi mà vẫn còn làm bậy! May mà sét đánh không trúng người...
          - Thế mới biết lời thề này ghê gớm thật!
          Mọi người trong cơ quan từ đó ai cũng sợ, không còn dám tham nhũng nữa.
          Đùng một cái, công an kinh tế điều tra phát hiện ra một vụ tham nhũng rất nghiêm trọng ở cơ quan Z. Thủ trưởng và ông kế toán trưởng thông đồng chiếm đoạt một số tiền khá lớn. Khi công an đến khám xét và dẫn giải hai ông về trại giam thì trời bỗng nhiên nổi cơn giông lớn, gió bụi mù mịt, chớp loé lằng nhằng. Cả cơ quan ai cũng bảo: "Hai ông này hôm nay chết chắc rồi!".
          Mấy anh công an biết cơ quan này có việc "Thề không tham nhũng", tuy không tin ở chuyện mê tín nhưng cũng hơi sờ sợ. Lúc đưa hai ông ra xe chở phạm nhân họ đi cách một đoạn xa đề phòng sét đánh. Đám phóng viên háo hức săn tin cũng chỉ dám đứng từ mãi xa quay phim, chụp ảnh, không ai dám đến gần hai ông. Đám nhân viên trong cơ quan đều đứng cạnh cột thu lôi cho yên tâm.
          Nhưng lạ thay, hai ông ra đến giữa sân thì trời lại quang, mây tạnh hẳn. Mọi người nhao nhao bảo nhau:
- Lời thề không linh nghiệm nữa rồi!
- Tại sao thế nhỉ?
Mấy người lao lên nóc nhà. Khoá cái hộp chỉ có một chìa duy nhất do đích thân ông thủ trưởng giữ. Họ dùng búa phá khoá hộp đựng lời thề và chữ ký của cán bộ, nhân viên toàn cơ quan. Họ mở văn bản xem. Tất cả ngỡ ngàng vì chữ ký của thủ trưởng và ông kế toán trưởng trong "Lời thề không tham nhũng" đã bị xoá mất từ rất lâu rồi! Thảo nào mà trời không có sét đánh...
(Theo Blog Trọng Bảo)
20:32
Lại Thiệp cưới “công văn”:

"Trót" in tên cơ quan lên thiệp cưới, "quan" miền Tây mất ngủ

 

Trong lá thư gửi Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, một người dân thắc mắc "liệu có phải ghi tên cơ quan lên thiệp cưới là lời nhắc nhở, khiến người nhận phải hiểu không thể không đến dự...".

Mấy ngày nay nhiều người dân và cán bộ ở Vĩnh Long bất ngờ khi nhận được thiệp mời cưới con trai của ông Nguyễn Thanh Hoàng, Phó văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long vì chủ hôn in tên cơ quan lên thiệp cưới.
Trong lá thư gửi Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, một người dân thắc mắc "liệu có phải ghi tên cơ quan lên thiệp cưới là lời nhắc nhở, khiến người nhận phải hiểu không thể không đến dự và tiền bên trong cũng phải tương đối khá".
Thư phản ánh của người dân gửi Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long kèm thiệp mời đám cưới con của ông Hoàng. Ảnh: Sông Tiền
Ông Nguyễn Thanh Hoàng thừa nhận đã in tên cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long lên thiệp mời đám cưới con trai hai ngày trước. Sau đó, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long giao ông Nguyễn Bách Khoa, Chánh văn phòng, gặp riêng ông góp ý, rút kinh nghiệm.
Ông Hoàng giải thích thêm, hiện một số cơ quan trên địa bàn Vĩnh Long cũng có người tên Hoàng nên in tên đơn vị công tác để khách biết đám cưới của gia đình Hoàng làm ở cơ quan nào chứ không có ý gì khác. Vị Phó văn phòng nói thêm có nhiều anh em thời kháng chiến ở xa lâu ngày không gặp hoặc ở các tỉnh lân cận không biết ông bây giờ làm ở đâu nên in vậy cho dễ nhận ra.
“Sau khi bị lãnh đạo nhắc nhở, tôi thấy đúng là có thiếu sót, không nghĩ đến hậu quả nên nghiêm túc rút kinh nghiệm. Hoàn toàn không có động cơ vụ lợi gì trong việc này, song bị phản ứng làm tôi bần thần, mất ăn mất ngủ mấy ngày nay”, Phó văn phòng Tỉnh ủy Vĩnh Long chia sẻ.
Theo VnExpress
Kính thưa bác Hoàng!
Có tấm thiệp trên em mới vinh hạnh được biết họ tên danh xưng cao quý của bác. Tiếc rằng xa quá, không đến mừng đám cưới con bác được. Chúc hôn lễ đông vui tấp nập và thành công lớn. Kính thư.
Thương Giang

19:52

Xôn xao "bướm mặt người báo oán" ở đất Cảng


Một con bướm xuất hiện trong nhà một người đàn ông, sau đó hai ngày, ngẫu nhiên người đàn ông đó qua đời. Sự việc chẳng có gì đáng nói nhưng lại đang là đề tài để người ta thêu dệt xôn xao đất Cảng.

Lời đồn lan rộng
Ở Hải Phòng, sự xuất hiện của con bướm hình mặt người trước ngày ông Phạm Văn Q. (55 tuổi) ở xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy mất do căn bệnh quái ác đã khiến người dân nơi đây thêu dệt nên những câu chuyện gây hoang mang dư luận.
Bướm mặt người được tìm thấy ở Hải Phòng
Câu chuyện cho rằng "nhà ông Phạm Văn Q. có người trước kia là địa chủ. Nhà ông rất giàu và bề thế, tuy nhiên, vào một ngày nọ, có một người ăn mày đến để xin ăn. Người địa chủ này đã không cho gì lại còn lỡ tay đánh chết ông ăn mày.
Sau khi chết, ông ăn mày đã hiện hồn về báo thù gia đình ông địa chủ này bằng cách hại lần lượt con cháu sinh về sau.
Và gần đây nhất, người ăn mày hóa thân thành con bướm có hình mặt người bay vào gia đình ông Q. để đưa ông đi. Không chỉ thế, những người trong gia đình ông cũng lần lượt bị kết án.
Chuyện còn kể rằng, khi nhìn thấy con bướm đậu trên tường thì người vợ lăn ra ngất. Những lời đồn đặc biệt chú trọng đến chi tiết hình mặt người trên con bướm giống hệt ông lão ăn mày khi xưa".
Sự việc sau đó tưởng như rơi vào quên lãng nhưng không lâu sau, mẹ ông cũng qua đời. Câu chuyện con bướm báo oán nhà địa chủ trước kia khiến các thành viên trong gia đình lần lượt qua đời một lần nữa đè nặng lên gia đình xấu số.
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên đã khiến nhiều người không khỏi hoang mang và tin vào câu chuyện nhảm nhí. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sự thật là do mẹ ông Q. đã tuổi cao sức yếu nên mới qua đời.
Chúng tôi cũng đã điều tra những lời đồn kia chỉ là hư cấu, chính quyền địa phương cũng đã lên tiếng khẳng định lời đồn là thêu dệt hoàn toàn.
Báo oán là điều hoang tưởng
Theo các nhà khoa học, bướm mặt người xuất hiện từ những ngày đầu thu cho đến cuối mùa đông. Và địa bàn xuất hiện của chúng từ Nam ra Bắc. Trên thế giới và Việt Nam đã từng ghi nhận những sinh vật có những đặc điểm giống hình mặt người và những sinh vật ấy cũng gây được sự chú ý rất lớn của dư luận.
Ví như nhà ông Q. không phải bỗng dưng người ta thêu dệt nên câu chuyện bướm mặt người báo oán bởi lẽ nhà ông người thì mất, người thì bệnh hiểm nghèo. Sự trùng hợp ấy cộng thêm sự góp mặt của “vị khách” không mời bỗng dưng được đồn thổi méo mó sự thật.
Chị Phạm Thị Y. ở An Lão, Hải Phòng cũng kể một câu chuyện kỳ lạ xoay quanh con bướm hình mặt người.
Đó là những ngày cuối tháng 9 ở làng Lăng Thượng, huyện An Lão, một gia đình bên sông có con bướm bay vào. Gia đình này nhìn kỹ thấy con bướm có hình mặt người thì cho là điềm gở nên đuổi con bướm bay đi.
Một người dân hiếu kỳ cũng kéo sang xem, họ giúp người này đuổi nhưng con bướm cũng chẳng bay mà cứ đậu lỳ một chỗ. Cánh bướm bị chọc rách một đoạn dưới. Kỳ lạ một điều, tối hôm đó, con gái chủ nhà bị đau vai và uống thuốc không khỏi. Thuốc tây, thuốc ta, cao bóp chẳng ăn thua, thế là chủ nhà mời thầy cúng về nhà cúng, sau đó một ngày thì cô gái khỏi đau vai.
Chúng tôi gặp PGS.TS. Khuất Đăng Long - Trưởng phòng Sinh thái côn trùng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của loài bướm lạ này. PGS.TS. Khuất Đăng Long cho biết: “Bướm mặt người chỉ là một sản phẩm của tự nhiên chứ không phải do các yếu tố mang ý mê tín như lời đồn đoán. Bởi giới động vật tự nhiên sản sinh ra vô vàn các con vật kỳ lạ và đặc biệt”.
Tuy nhiên, một sự kết hợp oái oăm gợi liên tưởng đến… mặt người luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhiều suy đoán cho rằng, đây là những sản phẩm cấy ghép nhân tạo hoặc là kết quả của một sự tiến hóa rất đỗi thông thường. Nhưng cho dù tồn tại ở dạng nào thì chúng vẫn khiến người ta không khỏi kinh ngạc.
Hình dạng những đốm nhiều màu hoặc có hình thù kỳ lạ trên cánh côn trùng là do sự sắp đặt ngẫu nhiên trong sự đa dạng của muôn loài, không có gì bí hiểm mà bí mật ở chỗ con người chưa giải mã hết được bí mật của thiên nhiên.

PGS.TS. Khuất Đăng Long
Xung quanh sự xuất hiện của bướm mặt người ở Việt Nam và những điều kỳ lạ xảy ra bên cạnh nó khiến nhiều người cho rằng bướm mặt người là hiện thân của ma quỷ, cũng có nơi cho rằng do môi trường ô nhiễm mà dẫn đến biến dị như vậy.
Thi thoảng người ta thấy xuất hiện trong đám ma những con bướm to, màu đen bay lượn quanh bàn thờ người chết hoặc quanh nhà đang có tang. Nhiều người cho rằng đó là hiện thân của tổ tiên về đưa con cháu đi.
Nhưng dưới góc nhìn của các nhà khoa học, điều đó hoàn toàn bình thường, bởi một số loài bướm bị hấp dẫn với ánh sáng đèn, mà trong những đám ma thường để đèn thâu đêm. Còn một số loại lại bị hấp dẫn bởi mùi phấn hoa có trong đám ma, vì vậy, sự xuất hiện của chúng không có gì đáng ngạc nhiên.
“Chúng có thể bay vào trong nhà, một số người cho rằng chúng có linh hồn nhưng không có cơ sở nào để khẳng định điều này.
Hình dạng những đốm nhiều màu hoặc có hình thù kỳ lạ trên cánh côn trùng là do sự sắp đặt ngẫu nhiên trong sự đa dạng của muôn loài, không có gì bí hiểm mà bí mật ở chỗ con người chưa giải mã hết được bí mật của thiên nhiên” - PGS.TS. Khuất Đăng Long giải thích.
Theo Đất Việt

16:11

 “Vùng tối” trong Luật Kiểm toán Nhà nước


.
Từ khi có Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), KTNN đã kiến nghị và xử lý tài chính 70.597 tỷ đồng (2006- 2010), bằng 78,36% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong cả 16 năm. Tuy nhiên, con số này còn có thể lớn hơn nếu Luật KTNN bao quát hơn trong việc quy định kiểm soát quá trình sử dụng vốn, tài sản nhà nước (NN).

Đây là một trong những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật KTNNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN do KTNN tổ chức hôm qua, 28/2.
Thất thoát lớn từ doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn nhỏ
Năm 2009, KTNN Việt Nam phối hợn với KTNN LB Nga cùng thực hiện kiểm toán (KT) Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro. Đây là đơn vị liên doanh với số vốn đầu tư của 2 bên tương đối lớn, trong đó phía Việt Nam nắm giữ 49% vốn. Chỉ riêng về kết quả tài chính, kết quả KT của KTNN Việt Nam đưa ra và được 2 bên nhất trí thực hiện là tăng nộp cho NSNN Việt Nam 11,9 triệu USD tiền thuế GTGT và các khoản thuế liên quan.
Năm 2009, thực hiện KT chuyên đề bù lỗ các mặt hàng dầu giai đoạn 2006- 2008, KTNN đã tiến hành KT cấp chuyên đề cấp bù lỗ đối với Cty XNK Thanh Lễ là đơn vị không có vốn đầu tư của NN nhưng là DN đầu mối thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu và là đối tượng được cấp bù lỗ từ NSNN. Kết quả KT đã kiến nghị giảm cấp bù lỗ từ NSNN 6.590 triệu đồng.
Kết quả KT năm 2009 với Báo cáo tài chính năm 2008 của Cy CP FPT (NN chỉ đầu tư 7,5% vốn điều lệ) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, KTNN đã chỉ ra những bất cấp trong hệ thống quản trị nội bộ của DN và hệ thống quản trị tính thuế, kiến nghị tăng thu NSNN 10,7 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị UBND TP Đà Nẵng thu hồi hoặc tính tiền thu về sử dụng đất 4.100 m2 đất…
“Vùng tối" pháp lý
Theo ông Nguyễn Hồng Long, KT trưởng KTNN chuyên ngành VI, kết quả KT từ các đơn vị NN không nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên cũng rất lớn, có gíá trị cao, tuy nhiên theo quy định của luật hiện hành, đối tượng KT thuộc lĩnh vực DN nếu không có yêu cầu của UBTVQH, Chính phủ … thì chỉ gói gọn trong phạm phi các DNNN (DN mà NN sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo quy định Luật DN 2005), trong khi thực tế  không ít DN thuộc đối tượng không phải DNNN nhưng có giá trị tuyệt đối đầu tư vốn NN rất lớn và có đơn vị NN không nắm giữ vốn, nhưng thực hiện dịch vụ có sử dụng nguồn NSNN. 
“Thực trạng này cho thấy việc kiểm soát quá trình sử dụng vốn, tài sản NN chưa chặt chẽ và không đầy đủ, thiếu bao quát và rộng khắp…”- ông Long nhận xét.
Theo ông Long, xét về giác độ kinh tế, việc nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ và giữ quyền chi phối không phải là yếu tố quyết định trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát một cách hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và tài sản NN tại DN.
Thực tế cho thấy, nếu xét trên giá trị tuyệt đối của giá trị tài sản, tiền vốn mà NN đầu tư cho nhiều DN “không phải là DNNN” có thể rất lớn trong khi nhìn dưới góc độ tỷ lệ tương đối về nắm giữ tiền vốn trong các DN này lại rất nhỏ (Ví dụ NN nắm giữ 238 tỷ đồng vốn cổ phẩn trong khi tỷ lệ góp vốn chỉ chiếm 7,5% vốn điều lệ tại Cty CP FPT; EVN đầu tư góp vốn vào Ngân hàng TMCP An Bình là 32,65% nhưng số vốn góp lên tới 751,3 tỷ đồng; trong khi đó Cty CP xây lắp điện lực vốn NN chiếm 51% chỉ là 10,2 tỷ đồng…).
“Nếu chỉ lấy tiêu chí số tỷ lệ tương đối làm căn cứ để ra quyết định KT vốn và tài sản NN là chưa thực sự hợp lý và thỏa đáng. Về mặt luật pháp và chính sách nếu không được điều chỉnh sẽ tạo ra những khoảng trống hay “vùng tối” trong việc NN để mất vai trò khi sử dụng các công cụ công để kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng vốn và tài sản NN tại các DN nói chung…”- ông Long phát biểu.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung
Ngoài đề xuất thêm nhiệm vụ KT thuế, KT nợ công tại Điều 5 Luật KTNN hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác lập nguyên tắc: Ở đâu có quản lý, sử dụng vốn của NN, ở đó cần có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng  tài sản, vốn của NN. Công tác kiểm tra, giám sát phải do cơ quan KTNN thực hiện và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn các đơn vị KT thuộc lĩnh vực DN.
Cũng có ý kiến cho rằng trong trường hợp phải quy định quy mô vốn đầu tư của NN để khoanh vùng phạm vi KT, Luật nên quy định cả mức tỷ lệ tương đối (ví dụ như khoảng từ 30%vốn trở lên) và/hoặc quy định cả số tuyệt đối vốn đầu tư của NN vào các DN (ví dụ 100 tỷ đồng trở lên) nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát của NN thông qua hoạt động KTNN…
(PLVN) Thanh Lan

15:33

Hồi hộp... “vụ án Sabeco“


.
Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong “ông lớn” ngành thực phẩm, đồ uống được mô tả là “vẫn còn nhiều hồi hộp”…

Ngày 22/12/2011, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng  Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sabeco.
Quyết định khởi tố trên  căn cứ theo đơn thư tố giác tội phạm của một số cán bộ và công nhân viên tại Sabeco, các kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ; tài liệu xác minh, thu thập của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an thể hiện từ năm 2005 đến năm 2010. 
Ngay sau khi công bố Quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ký lệnh triệu tập một số cán bộ lãnh đạo của Sabeco để làm rõ một số vấn đề có liên quan đến vụ án.
Cần nhắc lại, từ năm 2005, một số cán bộ và công nhân viên tại Tổng Công ty Cổ phần Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã gửi nhiều đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng. Kể từ đó đến năm 2010, nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại doanh nghiệp này.
Trong những năm 2008-2009, Bộ Công Thương đã hai lần thành lập đoàn thanh tra các vấn đề: thay đổi nhãn bia; việc mua, bán nguyên vật liệu đầu vào (malt, houblon và vỏ lon bia 333 từ năm 2008 đến thời điểm thanh tra); xác minh thông tin Tổng Giám đốc Sabeco có tài khoản ngoại tệ ở Vietcombank do người nhà đứng tên; tính suất đầu tư xây dựng các nhà máy bia…
Sau đó, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã giao Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra Sabeco. TTCP đã thanh tra việc mua lon bia 333 rỗng; việc mua cổ phần Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội của Sabeco và việc mua nguyên liệu Malt để sản xuất bia đã xác định có sai phạm tại Tổng Công ty này gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Sabeco vẫn “bình an vô sự”. Sự việc chỉ thay đổi sau phiên họp lần thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chuyển vụ việc sai phạm tại Sabeco cho cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền.
Sau đó, tại phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu: “Giải quyết khẩn trương, dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp đang gây bức xúc trong dư luận xã hội hiện nay”, trong đó có Sabeco. 
Với quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, vụ việc tại Sabeco đã chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới theo các thủ tục về điều tra hình sự.
Kỳ vọng tội phạm rồi sẽ bị “đem ra ánh sáng”, thế nhưng đối với những người theo dõi vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty này từ đầu, tâm trạng được mô tả là “vẫn còn nhiều hồi hộp”.

(PLVN) Nguyên Phụng
14:56
Ngán ngẩm với những dự án thép tỷ USD

 (VEF.VN) - Những năm từ 2006-2008 được coi là thời kỳ "vàng" trong thu hút đầu tư vào sản xuất thép với nhiều siêu dự án có tổng vốn lên đến hàng chục tỷ USD. Nhưng bây giờ, đa số các dự án này đều ở tình trạng chậm trễ, một phần không nhỏ thì bị rút giấy phép khi các chủ đầu tư thoái lui.
Một thời, cả nước như thể phát sốt với các dự án tỷ USD của các nhà đầu tư về sắt thép. Có thể kể ra đây các dự án khủng như: Khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group - Malaysia) tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan), vốn  7,8 tỷ USD, tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...
Rồi còn có Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) tại khu kinh tế Vũng Áng, có số vốn 5 tỷ USD;  Dự án sản xuất thép Guang Lian của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 4,5 tỉ USD...
Thế nhưng. theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong số các siêu dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép 6 năm qua, đến nay duy nhất mới có dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan), có tổng số vốn  7,8 tỷ USD là đã khởi công và hiện đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Còn lại các dự án khác cái thì bị rút giấy phép, cái thì dẫm chân tại chỗ.
Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) góp 65% vốn, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) góp 35% vốn, đặt tại khu kinh tế Vũng Áng, có số vốn 5 tỷ USD đã bị trì hoãn từ năm 2007, đến nay vẫn chưa được cấp phép.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai và cấp phép dự án đầu tư này. Một trong những nguyên nhân chậm tiến độ là tập đoàn Tata chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống nước. Số tiền mà tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng tăng khá cao so với mức ban đầu.

Do dự án có diện tích đất lớn, khoảng 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng ước tính 4.000 tỷ đồng. Con số này, ngân sách tỉnh Hà Tĩnh không kham nổi. Trong khi đó, Tata lại chỉ chấp nhận ứng trước khoảng 30 triệu USD ( khoảng 600 tỷ đồng) cho giải phóng mặt bằng, tương đương mức tạm ứng của dự án thép Formosa cũng ở Khu kinh tế Vũng Áng.
Tata cho rằng cần phải có sự công bằng giữa các nhà đầu tư với nhau. Tại sao nhà đầu tư khác chỉ phải tạm ứng 30 triệu USD để giải phóng mặt bằng, còn Tata lại nhiều hơn. Hà Tĩnh đã phải báo cáo với Chính phủ và đề xuất phương án dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đã có câu trả lời, khó thu xếp được khoản tài chính lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng bởi kinh tế khó khăn, đầu tư công phải cắt giảm.
Một số ý kiến khác thì cho rằng dự án thép của Tata chậm triển khai không phải do gặp khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. Trở ngại chính là do triển khai chậm nên vướng quy định giải phóng mặt bằng mới với nhiều quy định không phù hợp.
Dự án này được các đối tác ký kết từ 2007, có lẽ vẫn tiếp tục bị đình trệ, chưa thể cấp Giấy chứng nhận đầu tư do không có mặt bằng.

Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 9/2006 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 4,5 tỉ USD triển khai quá chậm.
Cuối năm 2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án này với tổng vốn hơn 1 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn sản phẩm một năm. Tuy nhiên do hạn chế về khả năng huy động nguồn vốn lớn, lại thiếu kinh nghiệm về xây dựng nhà máy thép quy mô lớn, Tycoons mời Tập đoàn E-United tham gia với tỷ lệ góp vốn lên đến 90%.
Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đã bàn giao gần 300 ha đất cho chủ đầu tư, nhưng triển khai quá chậm. Đến nay dự án đã 4 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và đang chờ đợi Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn thép/năm.

Nguyên nhân là do khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội Thép cho biết trước đây đã có công văn đề nghị Bộ Công thương và tỉnh Quảng Ngãi điều tra kỹ lưỡng năng lực tài chính thực tế của chủ đầu tư, trước khi quyết định điều chỉnh dự án. Hiệp hội Thép cho rằng, việc điều chỉnh công suất dự án thép Guang Lian, tăng vốn đầu tư là điều không dễ dàng, trong khi thực tế dự án triển khai lại quá chậm.
Hiện Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất  yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh được khả năng thu xếp tài chính thực hiện dự án. Trong khi đó, Guang Lian lại chưa chứng minh được điều này. Tổng vốn đầu tư của dự án đến nay mới thực hiện được khoảng 50 triệu USD.
Dự án thép tấm cán nóng Bà Rịa - Vũng Tàu, liên doanh giữa Tập đoàn Essar Steel (Ấn Độ) với VNSteel  và Tập đoàn Công nghiệp Caosu VN, công suất 2 triệu tấn/năm thép cuộn cán nóng, đã được cấp phép với vốn đầu tư ban đầu 600 triệu USD. Tuy nhiên  sau đó,  Essar Steel rút lui, bán lại toàn bộ cổ phần cho VNSteel.
Ở thời điểm hiện tại, VNSteel đã hoàn tất việc chuyển nhượng 19,5% cổ phần của mình trong dự án này cho Industrielle Beteilingungs SA, một thành viên của Tập đoàn Danieli (Italia). Sự có mặt của Tập đoàn Danieli tại dự án thép tấm cuộn cán nóng cũng được xem là bất ngờ, bởi là nhà cung cấp thiết bị lớn cho ngành thép thế giới cũng như Việt Nam, nhưng Danieli lần đầu tiên bước vào ngành thép với vai trò là nhà đầu tư.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2013, tuy nhiên đến nay vẫn đang gặp khó khăn và chưa triển khai được.
Trần Thủy
14:03
Vợ chết sống lại khi nghe câu “Anh yêu em”?


Bà Lorna Baillie đã "hồi dương" một cách kỳ diệu - Ảnh: Reuters
(TNO) 45 phút sau khi được các bác sĩ kết luận là đã chết lâm sàn, một người phụ nữ bất ngờ sống lại khi nghe chồng thủ thỉ câu “Anh yêu em”, theo Daily Mail.

Bà Lorna Baillie, 49 tuổi, đến từ Prestonpans, West Lothian (Anh) bị đột quỵ tại nhà lúc đang dắt chó đi dạo. Nhân viên cấp cứu đã cố gắng cứu sống bà trước khi đưa đến Bệnh viện Edinburg (Anh).
Tuy nhiên, sau ba tiếng nỗ lực cấp cứu, các bác sĩ tại đây thông báo với gia đình rằng bà đã qua đời lâm sàn (tim ngừng đập, não không có tín hiệu) và phải đợi đến khi bà ngừng thở mới có thể kết luận là chết hoàn toàn.
Khi đó, cả gia đình gồm người chồng 58 tuổi tên John, con trai và ba cô con gái ngồi quanh giường bệnh để nói lời từ biệt với bà. "Ông John đã thì thầm vào tai bà câu “Anh yêu em” và điều bất ngờ đã xảy ra", theo Daily Mail.
Sắc mặt của bà Baillie trở nên hồng hào hơn. Nhưng nữ y tá có mặt trong phòng bảo rằng đây chỉ là tác dụng của quá trình cấp cứu kéo dài hơn 3 tiếng trước đó.
Khi mi mắt của bà Baillie động đậy và bà bắt đầu nắm tay cô con gái lớn của mình là Leanne thì nữ y tá lại một lần nữa trấn an cả gia đình rằng đó chỉ là “hiện tượng hồi dương” rất bình thường.
Tuy nhiên gia đình bà Baillie không tin vào điều đó và yêu cầu y tá gọi bác sĩ. Khi bác sĩ đến thì phát hiện ra tim của bà Baillie đã đập lại và bà được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu ngay lập tức.
Con gái bà, Leanne Porteous, 31 tuổi, cho biết: “Gia đình của tôi không phải là những người dễ dàng bỏ cuộc. Chúng tôi nói với mẹ rằng hãy cố gắng mạnh mẽ hơn. Tôi liên tục nói với mẹ rằng “Mẹ ơi hãy trở lại đi mẹ”. Khi bố tôi nói với mẹ rằng “Lorna, anh yêu em, xin em hãy trở lại" thì ngay lúc đó, mẹ tôi sống lại”.
Sự hồi phục kỳ diệu của bà Baillie được các bác sĩ theo dõi rất chặt chẽ. Và tình trạng của bà Baillie dần khá lên. Tuần trước bà đã được chuyển từ phòng săn sóc đặc biệt sang phòng thường và đã có thể ngồi dậy, nói chuyện với gia đình.
Các bác sĩ cũng cho biết não của bà không bị tổn hại gì.
Cả gia đình đang chờ lời giải thích từ cơ quan y tế Lothian.
Bác sĩ David Farquharson, Giám đốc Sở y tế Lothian, nói: “Tình huống này rất hiếm gặp trong y tế và bà Lorna Baillie sẽ tiếp tục được theo dõi cẩn thận”.
 Ngát Ngọc
12:02
Tiết lộ chấn động về khủng hoảng hạt nhân Nhật
Trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân năm ngoái, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã không biết thực tế mức độ tổn thất của nhà máy và bí mật cân nhắc khả năng sơ tán Tokyo, thậm chí dù đã cố gắng làm giảm nguy cơ khi tuyên bố trước công chúng.


Một báo cáo điều tra độc lập về cuộc khủng hoảng hạt nhân tiết lộ điều này trong hôm qua.

Cuộc điều tra do Quỹ sáng kiến tái thiết Nhật Bản - một tổ chức chính sách tư nhân mới thực hiện. Điều tra cung cấp những đánh giá sinh động về sự bấp bênh thế nào của Nhật Bản ngay bờ vực một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Một nhóm gồm 30 giáo sư đại học, luật sư, nhà báo đã có hơn 6 tháng tìm hiểu về phản ứng của Nhật với sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima xảy ra sau một trận động đất, sóng thần hủy diệt ngày 11/3 là ngừng trệ hệ thống làm mát của nhà máy.

Đội công tác đã phỏng vấn hơn 300 người trong đó có các nhà quản lý hạt nhân hàng đầu, quan chức chính phủ và cả vị thủ tướng trong khủng hoảng Naoto Kan. Họ được quyền tiếp cận đặc biệt, một phần là vì yêu cầu mạnh mẽ của người dân trước trách nhiệm giải trình lớn hơn, và một phần vì nhà sáng lập ra tổ chức này - Yoichi Funabashi - cựu tổng biên tập nhật báo Asahi Shimbun là một trong những trí thức nổi tiếng của Nhật.

Các thành viên truyền thông có chuyến công tác tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima tuần trước. Một báo cáo mới tiết lộ rằng, lãnh đạo Nhật đã cân nhắc tới khả năng sơ tán Tokyo, cách đó về phía nam 150 dặm khi cuộc khủng hoảng hạt nhân bùng nổ ở nhà máy vào tháng 3/2011. Ảnh: Reuters

Bản sao trước của báo cáo đã mô tả phản ứng khác nhau của những nhân vật chính trong cuộc thời điểm đó: Ông Kan; trụ sở tại Tokyo của hãng vận hành nhà máy hạt nhân - Tokyo Electric Power gọi là Tepco; và người quản lý tại nhà máy đang xảy ra sự cố. Các thông tin đưa ra lẫn lộn đôi khi là mâu thuẫn trong những ngày đầu khủng hoảng, báo cáo cho biết.

Nó cũng mô tả những cuộc gọi điên cuồng của nhà quản lý Masao Yoshida tới các quan chức hàng đầu trong chính phủ của ông Kan, với lập luận rằng, ông có thể giữ nhà máy trong tầm kiểm soát nếu giữa được nhân viên của mình tại chỗ, trong khi cùng lúc phớt lờ các lệnh từ trụ sở của Tepco yêu cầu không sử dụng nước biển để làm mát các lò phản ứng quá nóng. Ngược lại, ông Funabashi nói trong cuộc phỏng vấn rằng, Chủ tịch Tepco là Masataka Shimizu, đã có các cuộc gọi tới văn phòng thủ tướng nói, công ty cần sơ tán hết các nhân viên - một bước đi có thể gây hậu quả.

Báo cáo dài 400 trang dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này, còn mô tả tâm trạng tăm tối tại dinh thủ tướng khi hàng loạt vụ nổ xảy ra ở nhà máy vào 14 và 15/3.

Hoảng loạn

Theo đó, ông Kan và các quan chức khác đã bắt đầu thảo luận về kết quả tồi tệ nhất nếu các công nhân tại nhà máy Fukushima Daiichi được sơ tán. Động thái này có thể khiến nhà máy vượt ra ngoài tầm kiểm soát, phát ra lượng lớn chất phóng xạ vào không khí dẫn tới khả năng buộc phải sơ tán các nhà máy hạt nhân khác lân cận - dẫn tới sự tan chảy nhiều hơn nữa.

Báo cáo trích dẫn lời của chánh văn phòng nội các Nhật khi ấy, Yukio Edano, với cảnh báo về “chuỗi phản ứng dây chuyền” của sự tan chảy hạt nhân dẫn tới kết quả phải sơ tán Tokyo - cách nhà máy về phía nam 150 dặm. “Chúng ta sẽ mất Fukushima Daini, sau đó sẽ mất Tokai”, ông Edano nói về tên hai nhà máy hạt nhân khác. “Nếu điều đó xảy ra, thì kết luận hợp lý duy nhất là chúng ta cũng sẽ mất chính Tokyo”.

Báo cáo mô tả sự hoảng loạn trong chính quyền của ông Kan về viễn cảnh sự phát thải hạt nhân lớn hơn từ hơn 10.000 thanh nhiên liệu được giữ trong các bể hầu như không được bảo vệ ở gần các lò phản ứng bị hư hỏng. Báo cáo nói rằng, không phải tới tận năm ngày sau động đất thì một máy bay quân sự Nhật cuối cùng đã có thể xác nhận rằng, bể chứa được cho là có nguy cơ cao nhất ở gần lò phản ứng số 4 vẫn an toàn.

“Chúng ta chỉ vừa tránh được kịch bản tồi tệ nhất, cho dù người dân không biết điều này vào thời điểm đó”, ông Funabashi, người sáng lập quỹ nói. Ông đổ lỗi cho sự sợ hãi của chính quyền Kan làm ảnh hưởng tới quyết định cố làm giảm những nguy cơ thực sự của sự cố hạt nhân.

Giấu giếm

Ông nói, chính phủ Nhật Bản không chỉ giấu giếm các đánh giá đáng báo động nhất với người dân của mình, mà còn với các đồng minh như Mỹ. Theo ông Funabashi, cuộc điều tra đã tiết lộ “sự bấp bênh thế nào trong quan hệ Mỹ - Nhật” vào những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, cho tới khi hai quốc gia bắt đầu tổ chức các cuộc họp trao đổi thông tin hàng ngày tại dinh thủ tướng ngày 22/3.

Báo cáo này dường như xác nhận những nghi ngờ của các chuyên gia hạt nhân tại Mỹ - trong và ngoài chính phủ - rằng, chính phủ Nhật Bản đã không sẵn sàng được thông tin đầy đủ về những mối nguy hiểm về nhà máy Fukushima. Nhưng nó cũng cho thấy chính phủ Mỹ đôi khi phản ứng quá mức hoặc thổi phồng các rủi ro, kiểu như lúc quan chức Mỹ cảnh báo sai về các thanh nhiên liệu trong bể gần lò phản ứng số 4 đã bị tan chảy và phát ra lượng lớn phóng xạ.

Tuy nhiên, ông Funabashi nói, chính phủ Nhật đã không cảnh báo người dân về các mối nguy hiểm, sự mất lòng tin trong chính phủ đã thúc đẩy ông tiến hành một cuộc điều tra độc lập. Những cuộc điều tra bên ngoài kiểu này là hiếm hoi tại Nhật, nơi người dân có xu thế chấp thuận các phiên bản chính thức của sự kiện.

Ông cho biết, nhóm của ông đã phát hiện ra các mâu thuẫn trong điều tra riêng của chính phủ về sự cố được công bố ở báo cáo tạm thời tháng 12. Sự khác biệt lớn liên quan tới một trong những thời điểm trọng yếu nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân, khi thủ tướng Kan tới trụ sở của Tepco vào sáng ngày 15/3 lúc nghe thấy rằng, công ty này muốn rút nhân viên khỏi nhà máy hạt nhân đổ nát.

Điều tra của chính phủ đứng về phía Tepco bằng cách nói rằng, ông Kan đơn giản là hiểu nhầm ý định của công ty, muốn rút một phần nhân viên của mình. Ông Funabashi cho hay, các nhà điều tra trong quỹ của ông đã phỏng vấn hầu hết những người liên quan - trừ các nhà điều hành ở Tepco khi họ từ chối hợp tác - và phát hiện rằng, công ty này thực tế đã muốn rút toàn bộ nhân viên của mình.

Ông tán thành việc ông Kan với quyết định đúng dắn là buộc Tepco không từ bỏ nhà máy. “Thủ tướng Kan có những cân nhắc và những sai lầm”, ông Funabashi nói, “nhưng quyết định của ông là lao tới Tepco và yêu cầu không từ bỏ ấy đã cứu Nhật Bản”.

Thái An (theo New York Times)

11:27

Vẻ đẹp Hoa khôi sinh viên Hà Nội

 (VTC News)- Gặp lại Á khôi cuộc thi Nét đẹp Ngoại Giao năm 2008 – Bùi Phương Linh ngày nào, nay đã trở thành một cô gái trưởng thành, với nét đẹp đằm thắm và những thành công trong công việc khiến nhiều bạn trẻ mơ ước.




Hoàng An
11:15
Càng ốm nặng càng tốt
          Bà mẹ già được ông con làm quan to đón từ quê lên tỉnh chơi. Vốn bản chất là một nông dân chăm chỉ nên lên thành phố không có việc gì làm bà cụ thấy chân tay như thừa thãi. Đã như thế ngày nào cụ cũng được ăn ngon, toàn những thứ khi còn ở quê cụ chưa được ăn bao giờ. Ông con làm quan to nhưng về quê tỏ ra rất khiêm tốn để khỏi bị nghị dị.
          Thấy ăn không ngồi rồi mãi bà cụ tỏ vẻ lo lắng nói với thằng cháu nội:
          - Cứ ăn mà không làm gì thế này thì sạt nghiệp mất cháu ạ!
          - Bà khỏi phải lo… - Thằng cháu lấc cấc nói: - Bố mẹ cháu đón bà lên đây là để bà sẽ “tạo nguồn thu tài chính mạnh” cho nhà mình đấy ạ!
          Bà cụ ngạc nhiên:
          - Bà già cả rồi còn làm được cái gì ra tiền nữa…
          - Ối… bà làm ra nhiều ấy chứ?
          - Nhưng bà cứ ốm yếu liên tục thế này thì còn làm gì được?
          - Thì chỉ cần bà cứ… ốm liên tục là được, càng ốm nặng càng tốt, càng làm ra nhiều tiền bà ạ! Hôm trước bố cháu bị "đau lưng" một tý vào viện mấy hôm "thu hoạch" đã bằng ngày xưa bà cấy một mẫu ruộng hai ba năm liền đấy!
          Bà cụ không hiểu thằng cháu nói như thế nghĩa là thế nào. Nhất là khi bà cụ nghe lỏm con dâu nói con trai bà:
          - Gay quá ông ạ! Bà lên đây được ăn uống sướng lại khỏe ra, chả ốm đau gì thế này khéo mà... lỗ vốn mất ông ạ!
          Ông con trai bảo:
          - Cứ yên tâm, cụ già rồi thể nào mà chả có lúc ốm! Hay là bà đưa cụ đi khám rồi nằm viện vài hôm để thông báo cho mọi người trong cơ quan đến thăm...
          - Nhưng cụ bảo chả ốm đau gì không chịu đi viện đâu!
          Ông con trai đành nói:
          - Thôi đành chờ vậy!
          Cụ nghe hai vợ chồng ông con trai trao đổi mà không hiểu gì. Một hôm do mắt kém lại sơ ý cụ bị ngã cầu thang gãy chân. Trong khi chờ xe cấp cứu đến thằng cháu gọi điện cho bố mẹ báo tin:
          - Tốt quá rồi bố mẹ ơi! Bà đã bị gãy chân, vỡ đầu chảy máu lênh láng rồi, bố mẹ về ngay để đưa bà đi viện nhé!

(Theo Blog Trọng Bảo)
10:21

'Quái thú' gieo rắc lo âu tại châu Phi


Những câu chuyện về một con vật "đầu chó thân lợn" trông rất kỳ quái ở miền bắc Namibia khiến người dân nước này cảm thấy hoang mang.

Hình minh họa quái thú "thân lợn đầu chó" tại miền bắc Namibia. Ảnh: digitalspy.co.uk.
Livescience đưa tin con vật lạ có thân hình màu trắng và không giống với bất kỳ con vật nào mà người dân từng thấy. Nó có đầu giống chó, song vai và lưng của nó rộng, tròn và hầu như không có lông – giống như vai và lưng của lợn. Người dân thấy con vật đuổi và tấn công chó, dê cùng nhiều động vật nuôi khác trong một khu vực khá gần sa mạc Kalahari thời gian gần đây.
Để đề phòng quái thú, một số người dân địa phương đã thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn – như đi ra ngoài theo nhóm và mang theo vũ khí.
“Đó là một con vật mà người dân chưa từng thấy. Chúng tôi không có rừng, chỉ có các bụi rậm. Vì thế chắc chắn nó là kết quả của ma thuật”, Informante dẫn lời ông Andreas Mundjindi, một quan chức Namibia.
Vài người đã theo dõi con vật và thấy nó tới nhà một người đàn ông lớn tuổi. Người ta đồn rằng người đàn ông này là thầy lang biết pháp thuật. Vì thế dân chúng cho rằng con vật là thú nuôi của người đàn ông.
Phỏng đoán về nguồn gốc siêu nhiên của quái thú không phải là điều khiến dư luận ngạc nhiên. Một cuộc thăm dò ý kiến của viện Gallup vào năm 2010 cho thấy niềm tin vào yêu thuật là điều rất phổ biến ở khu vực phụ cận sa mạc Sahara tại châu Phi. Hơn 50% người tham gia cuộc thăm dò nói họ tin phép phù thủy và ma thuật.
Đây không phải lần đầu tiên người dân thấy động vật bất thường ở vùng nông thôn Namibia. Tin đồn về nhiều quái thú khác đã xuất hiện trong những năm qua. Chẳng hạn, vào tháng 7/2009, người ta kể rằng một số động vật bí ẩn dã hút máu của hàng chục con dê và nhiều gia súc khác. Không ai thấy những con quái thú ấy, song họ nói chúng để lại dấu chân giống dấu chân của chó, nhưng to hơn.
Cảnh sát lần theo những dấu chân, song tới một khu vực trống trải thì họ không thấy dấu chân nào nữa, cứ như thể những con vật bay lên hoặc biến mất. Vào thời gian đó người dân địa phương cũng tin rằng quái thú được tạo ra bởi tà thuật. Thậm chí họ còn buộc tội một người đàn ông cao niên và em gái của ông này tạo ra quái thú.
(VnExpress) Duy Hồng