Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Vụ Vinasun kiện Grab phải bồi thường thiệt hại:

Đề án 24 tách rời giữa dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải là không thực tế

Cập nhật lúc 14:38  

HĐXX chấp nhận một phần khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun gần 5 tỉ đồng.

Sau nhiều lần mở tòa rồi tạm dừng phiên tòa, ngày 28/12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ kiện dân sự "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
HĐXX nhận định, dựa vào các tài liệu chứng cứ và tranh luận tại tòa, căn cứ vào đơn khởi kiện của Vinasun đòi Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng, không yêu cầu giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh, cho thấy việc Grab cho rằng việc giải quyết tranh chấp này của Bộ GTVT là không có căn cứ.
Do Grab là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM nên thẩm quyền thụ lý thuộc Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Việc triệu tập các cơ quan như Bộ GTVT đến tòa, HĐXX cho rằng không cần thiết.

Dù chỉ được chấp nhận một phần khởi kiện nhưng tài xế Vinasun tỏ thái độ vui mừng
Xét hoạt động của Grab, Tòa cho rằng Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế…
Với tài xế khi đăng ký làm cho Grab, họ hoàn toàn làm việc với Grab chứ không có đơn vị vận tải nào. Điều này tòa nhận định dựa vào biên bản lời khai của đơn vị vận tải và tài xế. HĐXX cho rằng, nếu Grab là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối thì không có lý do gì Grab đứng ra mua bảo hiểm cho lái xe. Khi khách hàng gọi xe, khách hàng đã chi trả vào tài khoản của Grab, điều này cho thấy chi phí này thuộc về phần mềm dịch vụ của Grab chứ không phải đơn vị kinh doanh vận tải. 


Đại diện Grab Taxi

Tại tòa, HĐXX có hỏi Grab về mức chiết khấu về quãng đường khác nhau trong khi cùng một điều kiện nhưng Grab không trả lời được. Điều này cho thấy Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử như Grab nói, bởi vì không có điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, chữ ký của các chủ thể, phương quyết giải quyết tranh chấp không có. Vì vậy, việc Grab cho rằng công ty này chỉ hoạt động cung ứng phần mềm là không có cơ sở chấp nhận. 
Việc Vinasun khởi kiện cho rằng thời gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ. Tuy nhiên, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab và hậu quả gây ra. Việc chọn công ty giám định thiệt hại của tòa là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.
Xét tranh chấp Vinasun - Grab là tranh chấp bồi thường ngoài hợp đồng, hành vi có lỗi của Grab đã được chứng minh. Còn về thiệt hại, dựa vào kết quả giám định đều cho thấy có thiệt hại với Vinasun, có nguyên nhân do Grab gây ra.
Về mối quan hệ nhân quả, dựa vào tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab.


Đại diện Vinasun

Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường hơn gần 5 tỉ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab bồi thường hơn 36 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tòa cũng kiến nghị, trong quá trình thực hiện triển khai kinh doanh, Grab đã ứng dụng phần mềm kết nối trong hoạt động kinh doanh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, nhất là những người sử dụng dịch vụ của Grab như chất lượng dịch vụ, minh bạch giá cước. Do đó, cần khuyến khích duy trì mô hình kinh doanh công nghệ của Grab.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì hoạt động của Grab vẫn còn lộ nhiều hạn chế, như việc cơ quan chức năng không quản lý được, từng hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở các nước nhưng khi Grab vào hoạt động thì Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không kịp thời có chính sách quản lý phù hợp với mô hình hoạt động của Grab mà lại lại rập khuôn mô hình kinh tế chia sẻ của các nước.
Việc tiếp tục duy trì Đề án 24, dẫn tới sự bùng phát phương tiện giao thông gây ách tắc nghiêm trọng ở các thành phố lớn. Với mô hình hoạt động taxi như Grab, trên thế giới chưa có quốc gia nào tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải. Trong khi nội dung Đề án 24 lại tách rời giữa hai điều này. Do đó áp dụng với Grab là không thực tế.
Vì vậy, Tòa kiến nghị Bộ GTVT cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp, sửa đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này. Từ chính sách bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh vận tải, tăng giảm tùy tiện giá cước vận tải mà Nhà nước không quản lý được. Đã là kinh doanh phải đóng thuế đúng, đủ theo ngành nghề kinh doanh .
Do đó, Tòa kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp quản lý giá cước và thu thuế đối với Grab theo đúng quy định về doanh nghiệp kinh doanh vận tải. 
(Theo VietNamNet) Đoàn Nga

 TP HCM:

Các hiệu trưởng đi Đài Loan trải nghiệm làm bánh về dạy học trò

Cập nhật lúc 14:12 


Sau trải nghiệm làm bánh dứa với nguyên liệu đơn giản, các hiệu trưởng cho biết sẽ chia sẻ cho giáo viên và học sinh, làm phong phú học phần dinh dưỡng. Đây là một phần trong chuyến chuyến giao lưu giáo dục ở Đài Loan.

 Các hiệu trưởng trải nghiệm làm bánh về dạy học trò - Ảnh 1.
Các hiệu trưởng trường THPT tại TP.HCM học trải nghiệm làm bánh dứa để mang về cho học sinh, làm phong phú học phần dinh dưỡng - Ảnh: THẢO THƯƠNG


Ngày 27-12 hiệu trưởng các trường THPT tại TP.HCM đã đến nhà máy bánh ở đường Đồng Minh, TP Cao Hùng, Đài Loan tiếp xúc, học cách làm bánh dứa.  
Mỗi thầy, cô được nhận nguyên liệu gồm nhân dứa, bột mì, trứng, bơ. Các hiệu trưởng thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật làm bánh và cho vào 3 khuôn. 
Sau 20 phút khi bánh đã nướng chín, thầy cô thưởng thức, mang sản phẩm và công thức về cho trường, cho học trò.
"Trường chúng tôi hay dạy học sinh trồng rau mầm, rau sạch, làm rượu nho, sữa đậu nành... nhưng làm bánh thì chưa. Nay học hỏi được cách làm bánh với nguyên liệu đơn giản, tôi sẽ mang về chia sẻ cho học sinh và giáo viên, làm phong phú thêm bộ môn nấu ăn nghề" - một hiệu trưởng ở huyện Hóc Môn chia sẻ.

Các hiệu trưởng trải nghiệm làm bánh về dạy học trò - Ảnh 2. 
Các hiệu trưởng trường THPT tại TP.HCM học trải nghiệm làm bánh dứa - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Một phó hiệu trưởng Trường THPT ở quận Tân Phú thì cho biết trường mình lâu nay dạy học sinh gói và nấu bánh chưng. Sau trải nghiệm làm bánh này, bà sẽ phổ biến cho học trò nếu có dịp.
Ông Thái Xuân Vinh - chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sở rất quan tâm dạy nghề cho học sinh, nhất là dạy nấu ăn cho học sinh nữ, nhằm hướng nghiệp để các em biết nhiều ngành nghề. Vì thế mỗi năm sở đều tổ chức ngày hội đầu bếp trẻ.

Đoàn hiệu trưởng các trường THPT ở TP.HCM đang có chuyến thăm, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giáo dục ở Đài Loan.
Trong những ngày ở thăm Đài Loan, đoàn sẽ giao lưu với hiệu trưởng các trường Đài Loan về công tác chuyên môn giảng dạy, công tác lãnh đạo, tham quan các trường ĐH, trường nghề tại TP Cao Hùng...
(Theo Tuổi Trẻ) THẢO TÂM

Không biết loại bánh mà các hiệu trưởng học được là gì, có đặc sắc bằng bánh của VN nào không? Lẽ ra các hiệu trưởng để việc “đi học” nghề này cho các giáo viên chuyên môn chứ sao lại vất vả thế này. Không biết học phí chuyên đi học làm bánh thế nào? Liệu có tốn bằng cán bộ ở Cần Thơ đi tập huấn ở Mỹ?
Thương Giang

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng

Cập nhật lúc 10:04      

Giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp trong khoảng hai tháng qua song giá cước vận tải vẫn đứng yên. Thậm chí nhiều đơn vị vận tải còn cho biết sẽ tăng giá.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 1. 

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đang tăng cao. Trong ảnh: tàu thuyền chở hàng hóa trên kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC

“Vào dịp cuối năm thông lệ thường là tăng giá. Năm nay giá xăng dầu giảm nên mức độ tăng giá cước có thể ít hơn”

                                                                                                          Ông Nguyễn Văn Quyền

Người tiêu dùng kỳ vọng từ hàng không, vận tải hành khách, hàng hóa... sẽ có điều chỉnh giá sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Đàm phán giá vẫn... đứng yên

Là doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chăn nuôi và chế biến thực phẩm, cung cấp bếp ăn đến khu công nghiệp, Công ty An Việt có đến hơn 50% lượng hàng hóa khi vận chuyển phải nhờ vào các dịch vụ thuê ngoài. Ông Đào Ngọc Nam, giám đốc công ty, cho biết khi giá xăng dầu giảm mạnh, DN đã trao đổi với các đối tác vận tải nhưng vẫn chưa được giảm giá.

Theo ghi nhận tại TP.HCM, giá xăng dầu liên tục giảm nhưng hầu hết DN vận tải, dịch vụ giao hàng vẫn tăng hoặc giữ nguyên giá. Tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, các DN vận tải hành khách đều tăng từ 40 - 60% giá vé so với ngày thường dịp Tết Nguyên đán 2019.

Ông Hồ Quốc Đông - chủ DN vận tải H.Đ (Q.9) - cho biết vào dịp tết nhu cầu vận chuyển tăng cao, các chi phí vận hành khác cũng tăng. Việc vận chuyển hàng hóa tươi như rau củ quả dễ phát sinh phí bảo quản, bốc dỡ hàng... Do vậy, dù giá xăng có giảm cũng không đủ bù vào.

Còn ông Phan Văn Tài - chủ DN vận tải thức ăn cho tôm đi các tỉnh miền Tây - cũng cho biết không thể giảm giá mà ngược lại phải tăng cước phí lên. Giá xăng giảm nhiều lần nhưng lại giảm nhỏ giọt. Chưa kể việc một DN tự hạ giá cước sẽ dẫn tới "phá giá", mất cân bằng thị trường vận tải.

 Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 3.

Giá xăng giảm, cước xe vẫn đứng yên. Trong ảnh: khách đón taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: TỰ TRUNG

Tính giảm... nhưng giá lại tăng

Theo đại diện của Tổng công ty Đường sông miền Nam, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy năm nay tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm lúa gạo, trái cây... Do mặt bằng chi phí nói chung đều tăng, nên dù giá xăng dầu giảm cũng khó giảm giá theo. "Giá xăng dầu giảm liên tục, chúng tôi dự tính giảm, đang đưa ra kế hoạch nhưng tới đây giá cả có xu hướng tăng lại, đặc biệt là vận chuyển cuối năm, nên phải điều chỉnh lên" - vị này cho hay.

Đại diện một hãng hàng không công nhận giá nhiên liệu bay Zet A1 giảm từ 90 USD/thùng xuống 80 USD/thùng nhưng do khi giá nhiên liệu tăng, hàng không phải "gồng gánh" trong suốt thời gian dài nên giá nhiên liệu giảm chỉ là cơ hội để các hãng cơ cấu lại giá vé, có thể cung cấp nhiều mức vé rẻ hơn. Với câu hỏi về khả năng giảm giá vé dịp tết, đại diện một hãng bay cho rằng giá vé các hãng bán hiện không vượt trần.

Cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký giá

Vì sao giá xăng dầu giảm sâu mà cước vận tải chưa giảm? Theo ông Nguyễn Hồng Minh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (chủ Hãng taxi Nguyên Minh), việc tăng hay giảm giá cước vận tải không thể song hành với việc điều hành giá xăng dầu, bởi chu kỳ mỗi lần điều hành giá xăng dầu là 15 ngày, trong khi các thủ tục, quy định xin điều chỉnh giá cước vận tải lại khá phức tạp. "DN có hàng nghìn xe mà dừng lại niêm yết, cài đặt lại đồng hồ, rồi gửi công văn đi xin cơ quan quản lý nhà nước để điều chỉnh giá... cho nên cực chẳng đã mới để như vậy" - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, cho rằng chi phí xăng dầu chiếm từ 35 - 40% chi phí vận tải, nhưng hiện nay việc kê khai và niêm yết giá chỉ có xe taxi, còn các DN tự quyết giá. Ông Quyền cho rằng vào dịp cuối năm thông lệ thường là tăng giá. Năm nay giá xăng dầu giảm nên mức độ tăng giá cước có thể ít hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng các DN có cách lý giải của mình. Song về phía cơ quan quản lý cần tính toán tới việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký giá với loại hình vận tải như taxi. Đồng thời cần nghiên cứu áp dụng công nghệ và có cách thức quản lý giá cước vận tải linh hoạt hơn, giúp DN minh bạch về giá thành, cạnh tranh lành mạnh hơn.

Theo TS Chung Thành Tiến, với dịch vụ vận tải, khi giá nhiên liệu giảm đến 5 lần so với trước thì giá cước vận tải cũng phải giảm mới phù hợp. Các cơ quan quản lý, theo ông Tiến, đã quá buông lỏng, không có phương thức quản lý giá thành dịch vụ hiệu quả.

Lĩnh vực vận tải hàng hóa, giá cả do cơ chế thị trường quyết định. Nhưng với các hãng taxi, công ty vận tải hành khách thường xuyên điều chỉnh giá thì căn cứ vào giá xăng, các DN này phải có thay đổi giá để hành khách không phải chịu thiệt thòi.

Giá xăng dầu giảm mạnh, cước vận tải tăng - Ảnh 4. 

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

* Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Có công cụ nhưng không kiểm soát được tăng giá

Bình thường cứ đến dịp tết là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều tăng giá cước phi mã, có năm tăng đến 50 - 70% so với thời điểm bình thường, dù cơ chế buộc các doanh nghiệp đăng ký giá được áp dụng lâu nay. Thực tế không có ai kiểm soát được vấn đề này, biện pháp chế tài không đủ sức răn đe, nên việc yêu cầu các doanh nghiệp tự điều chỉnh giá theo hướng giảm là điều rất khó có thể xảy ra.

Mặt khác, thời điểm hiện tại giá xăng dầu có giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn không dễ điều chỉnh giá bán bởi hàng hóa chuẩn bị bán cho mùa tết phần lớn đã được chốt giá xong từ cách đây mấy tháng, lúc giá xăng dầu còn ở mức cao. Tùy theo chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp, việc điều chỉnh giá bán theo hướng giảm có lợi cho người tiêu dùng sẽ được các doanh nghiệp tính toán, nhưng e rằng khó khả thi.

T.V.N. ghi
(Theo Tuổi Trẻ) NGỌC AN - THU DUNG - CÔNG TRUNG

Dâm ô 6 bé gái, người đàn ông thoát tội vì bị... tâm thần

Cập nhật lúc 09:10     

Kết thúc điều tra người bị tố dâm ô với 6 bé gái nhiều lần , cơ quan chức năng cho biết, đối tượng có bệnh lý tâm thần nên không khởi tố vụ án hình sự, gây bức xúc đối với người trong cuộc.

Trình bày với phóng viên, bà Trần Thị Bé Ng. (sinh năm 1967, ngụ tổ 7, ấp Voi 1, xã Núi Voi, Tịnh Biên, An Giang), đại diện cha, mẹ các nạn nhân cho biết: "Giữa tháng 7-2018, tôi đang làm việc nhà, Nguyễn Mỹ T. (cháu nội, sinh năm 2008) đi học về, kể cho tôi nghe sự việc kinh hoàng. Theo lời cháu, nhiều lần thấy cháu bước ra cửa nhà, ông Võ Thành N. (nhà liền kề) ngoắc lại, kêu vô nhà để cho ăn kem. Lúc này, nhà ông mở máy hát rất lớn. Khi cháu đang ăn kem, ông ta xâm hại tình dục cháu bằng tay và miệng. Cháu T. hoảng sợ, phản đối.
Khi cháu đi về, ông nắm tay lại, hăm dọa: "Không được nói cho ai biết, nếu cãi lời sẽ bị ông đánh chết". Ngoài T., cháu Nguyễn Thị Thùy L. (chị cháu T.) và một cháu ngoại khác của tôi (tên Nguyễn Thị L.) cũng bị tên "yêu râu xanh" này xâm hại bằng hình thức tương tự, thực hiện nhiều lần. Các cháu cho biết thêm, nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhà gần đây cũng ghé nhà ông N. và bị ông xâm hại. Chúng tôi liên hệ để làm rõ sự việc thì phía gia đình ông N. chối cãi toàn bộ. Tôi kêu các cháu đến gặp ông ta để đối chất. Đến khi nghe các cháu kể lại câu chuyện, vợ, chồng ông ta mới cúi đầu, nài nỉ xin bỏ qua.
Chúng tôi đề nghị: "Nếu thấy làm như vậy là bậy, nguy hiểm, thì ông phải viết giấy cam kết không tái phạm". Sau đó, ông N. đã viết cam kết. Từ đó, ông N. thường xuyên đóng cửa nhà, kéo rèm phủ kín, đồng thời hay đi khám bệnh".

Dâm ô 6 bé gái, người đàn ông thoát tội vì bị...tâm thần - Ảnh 1. 
Cha mẹ các nạn nhân trong vụ việc

Cùng với 3 cháu nội, ngoại của bà Trần Thị Bé Ng., những nhà gần đó có 3 cháu gái lần lượt tố cáo ông N. xâm hại tình dục với hình thức tương tự. Câu chuyện này được nhiều bà con ở chợ Núi Voi biết, cảm thấy bất bình khi đối tượng xấu chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Cậy (53 tuổi, cựu chiến binh, cán bộ địa phương) chia sẻ: "Tôi sinh sống ở đây đã lâu đời. Vợ, chồng ông N. về cất nhà liền kề vài năm nay. Trước đây, tôi với gia đình họ nói chuyện, giao lưu bình thường. Nhưng gần đây xuất hiện mâu thuẫn, bởi hàng ngày trong nhà họ mở loa rất lớn, không để ai nghỉ ngơi. Sau sự cố đối với các cháu bé, tôi suy ra chuyện ông "mở loa lớn" là có nguyên cớ. Ông N. năm nay khoảng 46 tuổi, có bệnh hoạn gì đâu, vẫn ăn nhậu vui chơi, giao lưu với mọi người bình thường. Khi nghe nói ông ta bị bệnh tâm thần, cơ quan chức năng không khởi tố vụ án hình sự, khiến bà con rất bức xúc".
Trao đổi thêm với chúng tôi, đại diện Công an xã Núi Voi cho biết: "Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã thực hiện các bước theo quy định. Vừa qua, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc, đã chuyển đến Công an huyện Tịnh Biên xử lý, giải quyết". Theo Thông báo số 46/TB-CAĐT ngày 12-12-2018, Công an huyện Tịnh Biên gửi cho các hộ cho kết quả bước đầu. Cụ thể, căn cứ kết luận giám định, đối tượng Võ Thành N. có bệnh lý tâm thần, nên hành vi không cấu thành tội phạm. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tịnh Biên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự".
Câu chuyện trên tiếp tục là bài học đau lòng dành cho các bậc phụ huynh. Trẻ em gái luôn là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục khi người thân thiếu cảnh giác, lơ là. Trong khi đó, đối tượng xâm hại có thể là bất kỳ ai, từ người thân trong gia đình đến người quen, hàng xóm láng giềng... Do vậy, cần phải tăng cường ý thức cảnh giác và các biện pháp bảo vệ bản thân cho các em từ khi còn nhỏ; giáo dục những nội dung cần thiết về giới tính, phù hợp với từng độ tuổi. Đồng thời, quan sát các biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh để chuyện xấu kéo dài, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em.
Theo  An Giang Online

Cần xem lại cái giám định này lão kia "mua" bằng cách nào. Nếu thực sự cơ quan CA muốn làm đến nơi đến chốn khó gì đâu. Chỉ sợ họ lại cũng bị nó "mua" nốt thì dân ráng chịu!
Thương Giang

Bộ Công an phá đường dây mua bán vũ khí lớn ở TP HCM

Cập nhật lúc 09:00      

Qua theo dõi, trinh sát Bộ Công an phát hiện đường dây mua bán vũ khí lớn được tập kết trên địa bàn quận Gò Vấp.

Ngày 28-12, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa bàn giao 2 đối tượng Dương Văn Lập (24 tuổi, ngụ quận 4, là người cầm đầu) và Phan Văn Trí (22 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) cho Công an quận Gò Vấp để điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép.

 Bộ Công an phá đường dây mua bán vũ khí lớn ở TP HCM - Ảnh 1.
Lập và Trí tại cơ quan công an

Theo điều tra, thời gian gần đây, trinh sát Bộ Công an phát hiện tài khoản trên mạng xã hội Facebook và Zalo mang tên Văn Trí rao bán công cụ hỗ trợ và phương tiện tự vệ có kèm clip giới thiệu và số điện thoại. Qua theo dõi, trinh sát nắm được thông tin đối tượng tên Trí và Lập thuê nhà ở trọ trên địa bàn quận Gò Vấp.

Bộ Công an phá đường dây mua bán vũ khí lớn ở TP HCM - Ảnh 2. 
Bộ Công an phá đường dây mua bán vũ khí lớn ở TP HCM - Ảnh 3.
 Súng, kiếm... công an thu giữ tại nơi ở của 2 đối tượng

Tối 24-12, trinh sát Bộ Công an phối hợp với Công an quận Gò Vấp ập vào nơi ở của Trí và Lập trên đường Thống Nhất và đường số 8, quận Gò Vấp thu giữ 5 súng bắn điện, 33 viên đạn để sử dụng súng bắn điện, gói bi pháo nổ, pháo hoa 16 bông, 8 bình xịt hơi cay, 51 roi điện… Tại một nơi khác của đối tượng Lập thuê để cất giấu vũ khí, công an phát hiện thêm 8 khẩu súng loại bắn đạn nổ đầu bi, 1 súng hơi loại nổ đầu bi có tầm sát thương cao, hơn 2.000 hộp đạn súng hơi, 19 cây kiếm các loại, 2 cây súng điện kèm 24 đạn súng điện, hàng chục hộp đạn bi sắt, bi nhựa, đạn chì, 3,6kg đạn chưa đóng gói, 150 bình xịt hơi cay…
Bước đầu, cả 2 khai nhận mua số vũ khí, công cụ hỗ trợ từ Trung Quốc rồi đưa về TP HCM tiêu thụ. Lấy được hàng, chúng đăng tải lên mạng xã hội Facebook và Zalo để bán. Nếu khách mua thì chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng sẽ được Lập và Trí giao hàng tận nơi. Đường dây mua bán vũ khí lớn này hoạt động từ năm 2015 với số tiền giao dịch hơn 3 tỉ đồng.
(Theo Người Lao Động) Sỹ Hưng

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: "Việc tôi đi hay ở là do Trung ương quyết định"

Cập nhật lúc 14:59  

Đó là trả lời của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê của đoàn đại biểu HĐND TP Đà Nẵng trong sáng 27-12, để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.

Tại buổi tiếp xúc, một cử tri đã dành cho Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ một câu hỏi "khó" khi đề cập đến việc ông Thơ bị kỷ luật.  Ông Thơ đã thẳng thắn trả lời câu hỏi và không nhề né tránh. "Việc tôi đi hay ở là của Trung ương quyết định. Trung ương đã đánh gía xem xét một cách toàn diện rồi ", ông Thơ trả lời.

 Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Việc tôi đi hay ở là do Trung ương quyết định - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trả lời ý kiến cử tri

Ông Thơ cũng nói thêm, Ủy Ban kiểm tra Trung ương đã kết luận sai phạm vừa qua là sai phạm của Ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng, trong đó có vi phạm thiếu tập trung dân chủ, giao đất đai không qua đấu giá… Bản thân ông Thơ là Phó bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng và nằm trong Ban thường vụ nên cũng phải chịu trách nhiệm chung. Ông Thơ cũng thông tin thêm, có những vụ việc một số thành viên và ông phản đối nhưng phần lớn thành viên Ban thường vụ quyết thì kết luận theo số đông. Trong đó có vụ bán khu nhà đất ở trụ sở Hải quan trên đường Bạch Đằng cho Công ty 79 của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm"), ông Thơ từng phản đối. Ông Thơ cũng cho hay, nhiều sai phạm trong quản lý đô thị, xây dựng trái phép ở các quận, huyện và mặc dù trách nhiệm thuộc chủ tịch quận, huyện nhưng bản thân ông phải chịu trách nhiệm chung.

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Việc tôi đi hay ở là do Trung ương quyết định - Ảnh 2.
Cử tri đặt câu hỏi

Trả lời về việc sao chưa giải quyết rót ráo việc tháo dỡ công trình "biệt phủ" ở Hải Vân, chủ tịch Thơ cho biết xử lý vụ việc đã phân cấp cho quận Liên Chiểu. Tuy nhiên theo thông tin nắm được, do vật liệu tháo dỡ lượng gỗ quá lớn mà chưa có nơi để, nên chủ "biệt phủ"  xin để tạm lại một vài ngôi nhà trong biệt phủ nhằm chứa tạm lượng gỗ đã tháo dỡ. Hiện ông chủ "biệt phủ" đã mua khu đất rộng bên Sơn Trà để xây dựng  chuyển lượng gỗ qua. "Tuy nhiên, thời hạn tháo dỡ đã trễ nên không thể để trễ hơn nữa", ông Thơ nói và yêu cầu quận Liên Chiểu khẩn trương giám sát việc tháo dỡ.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri quan tâm đến tình trạng ô nhiễm môi trường, hệ thống thoát nước dẫn đến ngập lụt, an toàn giao thông, tệ nạn ma túy, di dời ga đường sắt. Đặc biệt, việc chưa công bố kết luận thanh tra toàn diện ở Bán đảo Sơn Trà, cũng như việc thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng…
Về thông báo kết luận của Thanh tra Chính Phủ ở Sơn Trà, Chủ tịch Thơ cho biết cả ngày hôm qua (26-12), ông đã làm việc với Thanh tra Chính phủ cả ngày để góp ý dự thảo cho bản kết luận thanh tra. "Kết luận thanh tra sẽ chỉ ra sai phạm trong việc giao đất, cấp đất ở Sơn Trà và sẽ chính thức ra kết luận thanh tra trong thời gian vài tuần tới", ông Thơ cho hay.

 Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Việc tôi đi hay ở là do Trung ương quyết định - Ảnh 3.
Các đại biểu HĐND tại buổi tiếp xúc

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc giao thông ùn tắc trong thành phố, không có chỗ đậu xe là do bất cập trong việc đầu tư quy hoạch. Lượng người mua xe ô tô ngày càng nhiều trong khi cả trung tâm thành phố chưa có trung tâm bãi đậu xe công cộng tương xứng. Vì vậy, thành phố đã ngăn chặn bán nhà công để xây dựng các bãi đỗ xe ở trung tâm thành phố trong thời gian sớm nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu đậu đỗ xe.  Di dời ga đường Sắt đang gặp khó khăn do Trung ương chưa bố trí được nguồn kinh phí.
Nói về sân vận động Chi Lăng, Chủ tịch Thơ cho biết đã cùng các ban ngành làm việc và đã gửi kiến nghị ra Trung ương, với mong muốn trả lại tiền cho nhà đầu tư để lấy lại sân vận động Chi Lăng. "Tuy nhiên, đây là điều hết sức nan giải, bởi sân vận động Chi Lăng hiện trở thành tang vật vụ án Phạm Công Danh nên rất khó khăn. Thủ tướng đã giao cho các bộ ngành cùng nhau giải quyết vụ việc", ông Thơ thông tin.
Về tình trạng ô nhiễm tiếng ồn do các cửa hàng bán áo quần, giày dép trên cả tuyến đường Lê Duẩn mở loa hết công suất, cử tri mong muốn Chủ tịch Thơ tiếp tục "vi hành" kiểm tra giống như  ông  từng "vi hành" quay phim tình trạng xe dù, bến cóc tại cây xăng trên đường Tôn Đức Thắng, trước bến xe Đà Nẵng để người dân được nhờ. Bởi trước đó, khi ông Thơ "vi hành" và quay phim nên đã chỉ đạo quyết liệt đơn vị liên quan vào cuộc xử lý và tình trạng xe dù, bến cóc không còn xuất hiện tại đó.  Chủ tịch Thơ yêu cầu chủ tịch quận Thanh Khê và Hải Châu, vào cuộc xử lý ngay tình trạng tiếng ồn. "Không vì lợi ích một vài hộ kinh doanh mà bắt cả cộng đồng dân cư chịu đựng được. Cần phải xử lý ngay", ông Thơ nhấn mạnh.

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ: Việc tôi đi hay ở là do Trung ương quyết định - Ảnh 4.
Cử tri phản ánh vụ việc

Nói về an ninh trật tự, ông Thơ cho biết thời gian đây xuất hiện tình trạng băng nhóm ở các tỉnh thành khác kéo đến Đà Nẵng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê gây lo ngại cho nhân dân. Vì vậy, công an Đà Nẵng đã vào cuộc quyết liệt để dẹp bỏ ngay những băng nhóm này. Một số đối tượng đòi nợ thuê đã bị bắt giữ.
Trả lời ý kiến của cử tri về việc thành phố nên có chủ trương chính sách mạnh để thu hút doanh nghiệp để có nguồn thu ổn định chứ không nên phụ thuộc vào việc bán đất. Ông Thơ cho biết, trong 2 năm qua, nguồn thu ngân sách của thành phố rất ổn định, không lệ thuộc vào đất đai nữa và nguồn thu từ đất chỉ đóng góp từ 10-15% trong tổng thu ngân sách.
 Kết thúc buổi tiếp xúc, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cam đoan cùng tập thể lãnh đạo thành phố điều hành chính quyền công khai, minh bạch.
(Theo Người Lao Động) Quỳnh Châu

Bi kịch tín dụng đen bủa vây gia đình 2 thế hệ làm công an


Cập nhật lúc 16:40                                 

Bi kịch rơi xuống gia đình có 2 thế hệ công tác trong ngành công an, người con phải bỏ ngành để cứu vớt danh dự, uy tín gia đình khi vòng xoáy tín dụng đen bủa vây…

Chuyện không vui đã qua được gần 1 năm, đứa con lầm đường đã tu chí làm lại cuộc đời sau khi mang sóng gió về gia đình, nhưng trong tâm trí ông H (tên nhân vật đã thay đổi), đó vẫn là bi kịch.
Ông H. là cán bộ công tác lâu năm trong ngành công an tại Hà Nội. Với bản tính hiền lành, thật thà, ông là hình mẫu trong mắt đồng nghiệp và bà con khu phố.
Càng hãnh diện hơn, con trai đầu của ông cũng theo nghiệp cha, là công an khu vực phụ trách tại một phường ở Thủ đô. Đến tuổi lập gia đình, A. (con trai ông H.), lấy vợ cũng là một cán bộ cùng ngành.
Cuộc sống gia đình ông H. những tưởng êm đềm trôi đi.
Thế nhưng, không ai học được chữ ngờ. Một hôm, nhóm thanh niên xăm trổ tìm đến nhà ông, chìa ra giấy tờ vay nợ có chữ ký xác nhận của anh con trai.

Bi kịch tín dụng đen bủa vây gia đình 2 thế hệ làm công an 
'Vòi bạch tuộc' tín dụng đen len lỏi mọi ngõ ngách

Sự việc vỡ lở: Con trai ông dính vào cá độ bóng đá, vay lãi ngày để trả nợ nhà cái. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến khi giấy tờ nhận nợ được đem đến nhà, số tiền đã lên tới vài tỷ đồng.
“Tôi như rơi xuống vực thẳm. Không bao giờ nghĩ con mình ngập vào cái trò đen đỏ như thế. Đó là số tiền quá lớn, không bao giờ tôi tưởng tượng ra được”.
Ông H. kể, ban đầu, con trai ông cá độ tiền trăm, rồi cay cú lên đến tiền triệu, cứ thế tăng lên theo cấp số nhân. "Khi chúng tôi tra hỏi, nó thừa nhận số tiền gốc vay mượn là vài trăm triệu, thế mà chỉ trong một thời gian ngắn đã vọt lên cả tỷ".
Gia đình ông H. rơi vào khủng hoảng. Con trai tắt máy điện thoại, không lên cơ quan, cũng chẳng về nhà. Thanh niên xăm trổ tìm đến tận nhà ông để bắt nợ, dọa đập phá đồ đạc… Đó là một nỗi nhục nhã với bà con lối phố.
Khi đó, vợ A. vừa sinh đứa con đầu lòng được vài tháng. Người mẹ trẻ không chịu đựng được áp lực ngày nào cũng có nhóm người lạ mặt tìm đến đòi nợ đã bế con về nhà bố mẹ đẻ lánh mặt. Nhưng nhóm đòi nợ thuê cũng không tha, tìm đến tận nhà cô con dâu.

Kết quả hình ảnh cho tín dụng đen giết đòi nợ

Bố xin nghỉ việc, con dâu xin li dị
Lúc này ông H. là người bình tĩnh nhất. Ông chủ động xin cho con nghỉ việc để không ảnh hưởng tới cơ quan. Cô con dâu cũng chủ động làm đơn li dị.
“Uất hận vì đứa con làm liên lụy cả gia đình, nhưng mới thấy, những kẻ cho vay lãi ngày, tín dụng đen vô cùng thủ đoạn.
Sau này con tôi thú thật, là nó bị dụ dỗ, lôi kéo vào trò đen đỏ lúc nào không biết. Không có tiền, chủ nợ bơm tiền cho chơi, cho tiêu, cho ghi bóng bánh chịu mà không lấy lãi… Đến khi bập sâu, không có đường rút, nó mới chìa ra cái giấy nhận nợ, và rồi lãi mẹ đẻ lãi con lên tiền tỷ như thế”.
Ông H. cay đắng: “Bao nhiêu gia đình, bao nhiêu bi kịch báo đài đã đưa tin. Bản thân thằng A., nó là cán bộ trong ngành, hàng ngày đối mặt với những loại tội phạm như thế, cũng chẳng lạ gì. Thế mà, tín dụng đen nó cũng không tha. Nhóm đòi nợ thuê thì máu lạnh, nó cứ nói “có vay có trả”. Mà, giấy trắng mực đen như thế, biết rõ mười mươi vậy, mình cũng không thể phủ nhận được”.
Sau rất nhiều cuộc họp gia đình, vợ chồng ông H. đành phải quyết định trả nợ thay con. Số tiền vài tỷ bạc mà cả đời vợ chồng ông cũng không dám nghĩ tới, ông bà phải xoay xở, bán hết tài sản, nhà cửa để lo cho bằng đủ.
“Đành phải tự an ủi, còn người còn của, cứu lấy con mình cũng như sinh nó thêm lần nữa, chứ không ai dám nhìn con chết đuối mà không cứu”, ông H. nói.
Điều an ủi lớn nhất đối với gia đình ông, đứa con lầm đường sau đó đã tỉnh ngộ, tránh xa con đường bóng bánh, lô đề.
“Sau khi bắt nó nghỉ công tác, nó đã đi học nghề và làm lại cuộc đời. Hai vợ chồng nó đã quay lại với nhau. Bài học vô cùng lớn ấy, tôi cũng mong sẽ không có gia đình nào gặp phải”, ông H. chia sẻ.
(Theo VietNamNet) Đông Hưng

Bắt được 8 người trong nhóm 152 khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan

Cập nhật lúc 15:09  
         
Cơ quan di trú Đài Loan (NIA) ngày 27/12 xác nhận đã bắt được 8 thành viên trong đoàn khách du lịch Việt Nam mất tích cuối tuần qua ở ba vùng lân cận huyện Cao Hùng.

Hiện đã có tổng cộng 8 người trong nhóm 152 người bỏ trốn đang bị lực lượng chức năng Đài Loan tạm giữ. Ngoài 5 người bị bắt tại các huyện thị khác nhau trên toàn Đài Loan, 3 người khác hôm 27/12 đã tự ra trình diện tại huyện Trung Lực, thành phố Đào Viên.
3 du khách đầu tiên bị bắt là ở các vùng Chương Hóa, Gia Nghĩa và Tân Trúc vào ngày 26/12, theo hãng thông tấn CNA.
Bên cạnh đó, cảnh sát thành phố Cao Hùng cũng bắt thêm được 2 phụ nữ hơn 50 tuổi vào sáng sớm 27/12 tại Đài Nam, Chương Hóa.

Bat duoc 8 nguoi trong nhom 152 khach Viet bo tron tai Dai Loan hinh anh 1
Một phụ nữ 32 tuổi (áo vàng) trong nhóm 152 người nghi bỏ trốn bị bắt ở huyện Gia Nghĩa khi đang ở nhà bạn. Ảnh: Apple Daily.

Theo phó đại đội trưởng đội công tác phía nam của Cục Di trú, Liệu Duy Nguyên, 3 người bị bắt có người nói đến Đài Loan thăm thân, có người thừa nhận đến để lao động bất hợp pháp.
Ba người được cho đã quay về Việt Nam đều xuất cảnh trước ngày 25/12, thời điểm Đài Loan lập lực lượng đặc nhiệm để truy tìm những du khách bỏ trốn. Trong đó, một người nam đáp chuyến bay ở Đài Nam vào ngày 22 và hai người nam khác xuất cảnh tại sân bay Cao Hùng.
 Bat duoc 8 nguoi trong nhom 152 khach Viet bo tron tai Dai Loan hinh anh 2
Những du khách Việt bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ lại. Ảnh: CNA.

Thông báo không tiết lộ tên tuổi các du khách cũng như chi tiết điều tra giúp cơ quan chức năng lần ra dấu vết.
Văn phòng công tố huyện Cao Hùng đang tạm giữ ba du khách để phục vụ điều tra. Các đối tượng bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Chống Buôn người, Luật Nhập cư và Luật Lao động Đài Loan.
Truyền thông Đài Loan tối 25/12 đưa tin 152 trong tổng số 153 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn sau khi đến hòn đảo. Những người này nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng với hành trình được công ty lữ hành International Holidays Trading Travel của Việt Nam sắp xếp.
Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, phía NIA ngày 27/12 cho biết đã liên hệ được với một du khách còn đang ở Đài Loan. Người này trước đó được thông báo mất tích. Ba người khác trong đoàn được cho là đã rời khỏi Đài Loan. Tổng số du khách Việt "mất tích" hiện còn 148 người.
 Bat duoc 8 nguoi trong nhom 152 khach Viet bo tron tai Dai Loan hinh anh 3
Bat duoc 8 nguoi trong nhom 152 khach Viet bo tron tai Dai Loan hinh anh 4
Hai nam du khách bị bắt giữ ở huyện Tân Trúc. Ảnh: Apple Daily.

Nhóm du khách đến Đài Loan thông qua chương trình cấp visa đặc biệt - visa "Quan Hồng" - bắt đầu được áp dụng vào năm 2015, đối tượng là khách du lịch từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei. 
Chương trình nới lỏng thủ tục visa cho các nhóm du khách đi theo đoàn từ năm người trở lên, được tổ chức bởi các "công ty du lịch đủ chất lượng" do cơ quan này phê duyệt.
Chu Vĩnh Huy, lãnh đạo cơ quan quản lý du lịch Đài Loan, cho biết sẽ siết chặt các biện pháp quản lý chương trình visa này trong thời gian tới để tránh những vụ việc tương tự tái diễn, theo Taipei Times.
(Theo Zing.vn) Đông Phong - Thanh Danh

 An Giang:

Bất ngờ phó Chánh văn phòng Thành ủy… đi thi công chức

Cập nhật lúc 14:45  

Nhiều người dân An Giang bất ngờ khi hay tin Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP Long Xuyên (An Giang) Vương Mai Trinh (SN 1987) tham gia thi công chức hồi tháng 12 vừa qua. Được biết, bà Vương Mai Trinh là con gái của ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Trụ sở UBND TP.Long Xuyên - nơi chị Vương Mai Trinh làm việc

Xung quanh thông tin này, ông Ngô Hồng Yến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang xác nhận với báo chí, bà Vương Mai Trinh, Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ, HĐND, UBND TP Long Xuyên có tham gia kỳ thi công chức của cơ quan này tổ chức vào ngày 21 - 22/12 vừa qua.
Lý do vì sao bà Trinh hiện giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thành ủy, HĐND TP Long Xuyên lại đi thi công chức? Ông Ngô Hồng Yến giải thích, do trước đây bà Trinh được xét tuyển công chức theo diện “đặc biệt”. Bà Trinh tốt nghiệp sau đại học loại giỏi do trường ĐH nước ngoài cấp, tuy nhiên bà Trinh học tại Việt Nam nên so với quy định hiện tại là sai. Do đó, Bộ Nội vụ yêu cầu hủy và cho công chức này thi lại.


Danh sách kỳ thi công chức tại tỉnh An Giang diễn ra vào 21-22/12 vừa qua. Đây là danh sách dành cho đối tượng thi có trình độ đại học trở lên, vị trí việc làm là Hành chính tổng hợp.

Được biết, năm 2013 bà Trinh hợp đồng lao động và làm chuyên viên văn phòng Thành uỷ. Một thời gian sau, được hướng dẫn của lãnh đạo cơ quan, bà Trinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển công chức không qua thi tuyển theo diện “trường hợp đặc biệt” quy định tại Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Sau khi bà Trinh tốt nghiệp ĐH tại Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, bà tiếp tục học thạc sĩ chương trình liên kết của Trường đại học Lincoln (Hoa Kỳ) nhưng học tại Việt Nam và tốt nghiệp loại giỏi. Thời gian học hai năm  (2013 -2014), chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật. Khi bà Trinh có bằng thạc sĩ loại giỏi đã được xét tuyển công chức dạng “đặc biệt”.
Đến năm 2015, bà Vương Mai Trinh được bổ nhiệm chức danh Phó Chánh Văn phòng UBND TP Long Xuyên, nay là Văn phòng Thành uỷ, HĐND, UBND TP Long Xuyên (do thực hiện đề án Bí thư đồng thời là Chủ tịch cấp uỷ).
Đầu năm 2018, tỉnh An Giang tổ chức rà soát toàn bộ công chức không qua thi tuyển phát hiện có khoảng 40 trường hợp xét tuyển không đúng quy định, trong đó có bà Vương Mai Trinh.
Tại kỳ thi công chức do Sở Nội vụ tỉnh An Giang tổ chức vừa qua có hơn 1.600 thí sinh, bố trí tổng cộng 63 phòng thi. Trong kỳ thi này có nhiều “cán bộ” bị xét sai công chức phải thi lại công chức giống như bà Trinh.
Theo Dân trí

Cục Hàng không giám sát đặc biệt với Vietjet trong nửa tháng

Cập nhật lúc 14:41  

Cục Hàng không vừa quyết định lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với Hãng hàng không Vietjet trong, thời gian giám sát trong 19 ngày.

Cục Hàng không quyết định giám sát đặc biệt với Vietjet trong 19 ngày tới.
Cục Hàng không quyết định giám sát đặc biệt với Vietjet trong 19 ngày tới.

Theo đó, các đoàn giám sát của Cục Hàng không sẽ thực hiện giám sát với Vietjet từ ngày 28/12/2018 đến hết ngày 15/01/2019. Nếu trong thời gian này Vietjet đáp ứng được toàn bộ yêu cầu, đảm bảo tuyệt đối công tác an toàn, việc kiểm tra sẽ được dỡ bỏ. Trường hợp ngược lại, Cục Hàng không sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2.

Các đoàn công tác của Cục Hàng không sẽ thực hiện kiểm tra tàu bay tại sân, kiểm tra trên chuyến bay; Kiểm tra công tác chuẩn bị chuyến bay, lập kế hoạch bay, công tác phục vụ mặt đất, công tác đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ khai thác bảo dưỡng tàu bay; Kiểm tra công tác đảm bảo vật tư, khí tài; Tổ chức và thực hiện bảo dưỡng ngoại trường; Kiểm tra công tác huấn luyện người lái tàu bay và kiểm tra an toàn khai thác trên chuyến bay.

Cục Hàng không cũng giao Phòng Vận tải hàng không nghiên cứu phương án vận chuyển hành khách dự phòng trong trường hợp Vietjet không được tăng chuyến trong dịp Tết Nguyên đán 2019.

Theo Bộ GTVT, trong thời gian ngắn (Quý IV/2018), VietJet Air đã có 7 sự cố khai thác tàu bay. Trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

Đặc biệt, trong tháng 11 – 12/2018, đã xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng đối với các chuyến bay của Vietjet Air, gồm: Chuyến bay VJ356 ngày 29/11, trong quá trình tiếp đất hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, 2 bánh trước rơi ra khỏi càng; và chuyến bay VJ689 ngày 25/12 đã hạ cánh xuống đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh.

Thực hư thông tin người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM chiếm 31%

 Cập nhật lúc 14:31  

Liên quan đến những thông tin trái chiều về tỷ lệ 31% người Trung Quốc mua nhà tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27/12, Công ty CBRE Việt Nam, đơn vị công bố số liệu này, đã thông tin cụ thể và khẳng định khách hàng Trung Quốc mua nhà tăng mạnh chỉ là số liệu thống kê thông qua sàn giao dịch của CBRE và ở phân khúc hạng sang, cao cấp. Do đó con số này chỉ mang tính chất tham khảo, không đại diện cho toàn thị trường.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: CBRE)

Theo CBRE, thị trường bất động sản cao cấp và hạng sang ở Thành phố Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư đến từ châu Á.

Qua thống kê dựa trên những giao dịch thành công của CBRE tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể thấy khách mua căn hộ hạng sang là người Trung Quốc chỉ chiếm 2% trong năm 2016, 4% trong năm 2017, nhưng chín tháng đầu năm nay, tỷ lệ người mua có quốc tịch Trung Quốc dẫn đầu với 31%.

CBRE cho rằng nguyên nhân chính là do từ năm 2015 Việt Nam bắt đầu mở cửa cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam; đồng thời các chủ đầu tư Việt Nam cũng chủ động mang các dự án sang nước ngoài giới thiệu.

Nếu như năm 2016-2017, các chủ đầu tư mang dự án sang chào tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) thì năm 2018, họ mang các dự án sang Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc).

Mặt khác, lý do khiến nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm hơn đến việc đầu tư vào thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh là vì họ nhìn thấy được sự tương đồng trong phát triển giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Cách đây 30 năm, Thượng Hải gần như giống Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay với nhiều khu đất trống và nhà thấp tầng. Trong quá trình phát triển, Thượng Hải hiện là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu trên thế giới và kéo theo đó là giá bất động sản tăng gấp nhiều lần.

Phân tích về đối tượng khách mua là người nước ngoài, CBRE nhận thấy ngày càng có nhiều khách hàng chưa từng đặt chân tới thị trường Việt Nam.

Nếu như trước đây khách nước ngoài mua nhà chủ yếu là những người sinh sống và làm việc ở Việt Nam lâu năm thì bây giờ nhờ có sự chủ động tiếp thị từ các chủ đầu tư tại thị trường nước ngoài nên các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài biết tới Việt Nam nhiều hơn và nhiều người trong số đó quyết định mua ngay dù chưa đặt chân tới Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế sau khi xác định được dự án hoặc sản phẩm mà mình quan tâm, họ sẽ sang Việt Nam làm việc với sàn giao dịch của CBRE để tham quan dự án, tiến hành các thủ tục cần thiết trong việc mua nhà và ký hợp đồng

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam rất quan tâm đến chính sách của nhà nước cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Qua tìm hiểu thì người nước ngoài thuộc khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản thường lựa chọn thuê nhà ở. Chỉ có người nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) có xu hướng mua nhà tại Việt Nam.

Liên quan đến thông tin người nước ngoài chưa đặt chân đến Việt Nam mà đã được mua nhà, ông Lê Hoàng Châu cho biết thông tin này không đúng với quy định của pháp luật Việt Nam. Vấn đề vướng mắc hiện nay là chưa giải quyết được thủ tục cấp “sổ đỏ” cho người nước ngoài sau khi mua nhà và vấn đề chuyển nhượng nhà, chuyển nhượng hợp đồng mua nhà của người nước ngoài./.
(Theo Vietnam+) A.Tuấn