Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

19:57

Thủ lĩnh biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban muốn dùng người biểu tình lật đổ Chính phủ của bà Yingluck
 
Người biểu tình tụ tập ở Bangkok ngày 30/11 (Nguồn: AFP/TTXVN) 

Cảnh sát cho biết hàng trăm người biểu tình đối lập ở Thái Lan ngày 30/11 đã tìm cách vượt qua các hàng rào bảo vệ Tòa nhà Chính phủ, trong động thái leo thang chóng vánh nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Phát ngôn viên Cảnh sát Quốc gia Piya Utayo nêu rõ: “Khoảng 2.000 người biểu tình thuộc mạng lưới sinh viên đang cố gắng gây sức ép lên cảnh sát”, khi họ chất các bao cát lên để vượt qua những hàng rào bảo vệ biểu tượng chủ chốt cho quyền lực của chính phủ.
Cùng ngày, người biểu tình đối lập đã tấn công một chiếc xe buýt chở những người ủng hộ chính phủ, giữa lúc căng thẳng bùng phát do những cuộc biểu tình nhằm phế truất bà Yingluck./. 
Theo VIETNAM+
14:59

Nhiều sai phạm tại Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ

(PetroTimes) - Tiếp cận hồ sơ và điều tra bước đầu tại Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, phóng viên đã phát hiện hàng loạt sai phạm như: Xây cao quá giấy phép 4 tầng, làm sân bay trực thăng trên sân thượng khi chưa có công văn chấp thuận của Bộ Quốc phòng, triển khai dự án công viên cây xanh, đường nội bộ đè lên hàng chục nhà dân đã được cấp sổ đỏ và hệ thống cống ngầm, bể phốt của hai khu nhà tập thể lâu năm…
Giấy phép 9 tầng, xây 13 tầng
Hơn 16 năm trước, trong cơn sốt thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 20/1/1997 cho Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, chủ đầu tư là Tập đoàn Keystoneinvest (Hoa Kỳ) do Tiến sĩ Việt kiều Trần Văn Khoát là đại diện. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài, được chủ đầu tư hứa hẹn, “hàn gắn những tổn thương về thể chất và tinh thần mà cuộc chiến tranh Mỹ - Việt đã gây ra”.
Ngày 16/3/2001, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 1463/QĐ-UB thu hồi 9.998m2 tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy để cho phép Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ thuê trong thời hạn 40 năm, giá thuê đất là 1,68 USD/m2/năm.
Thế nhưng, mãi đến đầu năm 2006, HĐND thành phố Hà Nội đã ra nghị quyết “buộc” Dự án phải khởi công vào quý III năm 2006, nếu không sẽ thu hồi và sẽ hoàn thành vào quý II năm 2009. Song đến nay, dự án vẫn chỉ là đại công trường đắp chiếu, để lãng phí khu đất vàng trị giá khoảng 1.500 tỉ đồng suốt 16 năm qua.
 
Mô hình toà nhà thiết kế 9 tầng nổi có sân đỗ trực thăng song đến nay chưa có giấy phép của Bộ Tổng tham mưu
Sáng 27/11, phóng viên trở lại công trường Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ, phía trong khu vực quây tôn im lìm vắng như “chùa bà Đanh” là tòa nhà trung tâm đã xây xong phần thô 13 tầng đứng chỏng chơ, nhiều mảng kính đã bong tróc. Lật giở Quyết định số 709/QĐ-BXD ngày 27/4/2006 của Bộ Xây dựng do ông Nguyễn Văn Liên, khi đó là Thứ trưởng Bộ ký trước ngày khởi công, chúng tôi không khỏi giật mình khi dự án chỉ được cấp phép xây dựng 9 tầng nổi, một tầng hầm. Thế mà trên thực tế đến nay, chủ đầu tư nước ngoài đã liều lĩnh xây quá giấy phép 4 tầng mà không hề bị các cơ quan chức năng của quận và thành phố xử lý. Vấn đề này cũng được người dân nhiều lần có ý kiến phản ánh nhưng đã bị cơ quan chức năng “phớt lờ”.
Cụ thể vào ngày 22/6/2012, trong biên bản làm việc giữa lãnh đạo quận Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, có sự tham gia và chủ trì của các ông: Nguyễn Trọng Lễ, Phó chủ tịch UBND quận; Lương Mậu Hùng, Chủ tịch UBND phường; Bùi Văn Đang, Trưởng Công an phường và các hộ dân tổ 79,81 đã thể hiện rõ điều này. Biên bản còn ghi rất rõ ý kiến ông Hoàng Xuân Hải ở 185 Tô Hiệu cho biết, ngay từ ngày 18/10/2010, ông đã làm đơn gửi đến các cấp chính quyền và gửi vượt cấp cả lên Quốc hội phản ánh nhiều nội dung, trong đó có nội dung Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ xây dựng trái phép (9 tầng xong đã xây 13 tầng từ năm 2010).
 
Bộ Xây dựng cấp phép toà nhà chỉ có 9 tầng nổi… và thực tế hiện nay là 13 tầng nhưng chưa bị xử lý
Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, sai phạm này chưa hề bị xử lý khiến dư luận đặt câu hỏi, có hay không sự “bảo kê” cho sai phạm lớn như vậy, xây vượt tới 4 tầng với hàng chục nghìn mét vuông sàn. Dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi có sự khuất tất gì không khi mà Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị từng đưa ra tuyên bố “không có ngoại lệ với công trình sai phép” từ năm 2007. Sau tuyên bố này, nhiều công trình sai phép, xây cao tầng ở Hà Nội đã bị “trảm” để giữ kỷ cương phép nước. Vậy mà công trình Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ tại sao vẫn “ung dung tự tại”. Phải chăng vì chủ đầu tư nước ngoài thì được “ưu ái” hơn hay còn có uẩn khúc gì khác? Thiết nghĩ việc này cần được làm rõ gắn với trách nhiệm cán bộ trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4.
Xây sân bay trực thăng vi phạm nghiêm trọng về quốc phòng - an ninh
Chưa hết, với hạng mục xây dựng sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà 9 tầng, nay đã là 13 tầng là một sai phạm hết sức nghiêm trọng. Việc xây dựng sân bay trực thăng, bãi đỗ, nhà cao tầng là hạng mục đặc biệt liên quan trực tiếp tới bảo đảm quốc phòng - an ninh; liên quan tới rất nhiều vấn đề như phương án đường bay, tầm bắn phòng không, an ninh hàng không, phương án tác chiến chung của khu vực phòng thủ…
Đặc biệt, vị trí sân bay với tòa nhà 9 tầng so với sân bay ở tòa nhà 13 tầng là một thay đổi lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phương án tổng thể về quốc phòng - an ninh; cần phải báo cáo và được phép của cơ quan chức năng, liên quan tới nhiều đơn vị như Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng…
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều đơn vị đều cho hay đến nay chưa hề nghe nói về việc Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ xin xây sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà 9 tầng, càng không biết tòa nhà đã bị xây lên tới 13 tầng.Về việc này, ngay từ ngày 20/6/2007, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 3415/VPCP-QHQT do ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Phải phối hợp với Bộ Quốc phòng làm rõ các điều kiện cần thiết trên cơ sở quy định của pháp luật, hướng dẫn chủ đầu tư lập đề án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền xem xét”.
Đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện là làm trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nghiêm trọng hơn, việc tuỳ tiện thay đổi thiết kế, xây trái phép 4 tầng rõ ràng là một sự “cơi nới” tuỳ tiện, không có thẩm định của cơ quan chức năng, sẽ phá vỡ kết cấu, không đảm bảo an toàn cho hạng mục sân bay trực thăng, có thể làm công trình bị biến dạng, có bị thay đổi kết cấu và có ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình cũng như cư dân sống trong khu vực?...
Điều chỉnh quy hoạch 3 lô đất - nguy cơ thất thoát hàng nghìn tỉ đồng
Với dự án công viên cây xanh, khi thẩm định dự án do Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ đề xuất, UBND quận Cầu Giấy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra thực địa khiến cho dự án rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”.
Khi đo đạc làm phương án giải phóng mặt bằng, mới vỡ ra chuyện dự án lấn luôn vào đất của hàng chục hộ dân đã được cấp sổ đỏ, làm gia tăng bức xúc. Ngày 5/7/2010, đoàn kiểm tra gồm nhiều cơ quan liên quan kiểm tra hiện trường khu đất CX1 đã phải lập biên bản thừa nhận toàn bộ khu mốc giới do Sở Tài nguyên và Môi trường cắm đã lấn và chỉ giới nhà tập thể F3 khoảng 2m, được thành phố cấp phép xây dựng từ năm 1992, có hàng nghìn mét vuông nhà 4 tầng, 6 tầng, nhà gạch. Trước sai sót này, các cơ quan chức năng đã phải điều chỉnh lại mốc giới dự án liên quan tới nhà F3.
 
Nhưng rắc rối do sai phạm chưa dừng lại, xong chuyện nhà F3 lại phát sinh việc Dự án CX1 triển khai lấn vào hành lang công trình an toàn nhà D6, đè lên toàn bộ bể phốt, đường ống ngầm, vi phạm nghiêm trọng Điều 10, Luật Xây dựng.
Việc UBDND quận Cầu Giấy, UBND Thành phố Hà Nội và chủ đầu tư chưa triển khai lấy ý kiến nhân dân khi điều chỉnh quy hoạch liên quan đến lô đất CX1 đã vi phạm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007. Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã có Công văn số 3603/MTTW-BTT ngày 5/7/2013 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: “UBND TP Hà Nội và quận Cầu Giấy thu hồi đất và điều chỉnh quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy mà chưa lấy ý kiến nhân dân là không đúng với quy định của pháp luật”.
 
Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm việc với Bộ Quốc phòng để hoàn thiện các thủ tục xin phép xây dựng sân bay trực thăng đã không được chấp hành
Trở lại với Quyết định 5211/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Thành phố ký ngày 8/10/2008 về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Đáng lưu ý, tại lô đất số 1 theo quyết định điều chỉnh ghi rõ: “Theo quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy tỷ lệ 1/2000 được duyệt là đất hành lang cách ly điện cao thế, sau khi hạ ngầm tuyến điện, phần đất này có chức năng là đất cây xanh (hiện nay Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ đang nghiên cứu theo chủ trương của UBND thành phố), ký hiệu CX1. Quyết định này đã bị nhiều người dân như các ông bà Vũ Thị Bình, Hoàng Văn Khánh, trong đó có cả đại biểu Quốc hội khóa XII Trần Thị Kim Phượng có ý kiến nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo các đơn thư này, thì việc điều chỉnh quy hoạch hành lang lưới điện sau khi hạ ngầm có tới hai lô đất chuyển thành công trình nhà ở, một lô đất chuyển thành công viên cây xanh nhưng đều không xuất phát từ quy hoạch tổng thể và nhu cầu thực tế của người dân mà lại hướng tới lợi ích riêng cho hai doanh nghiệp.
Cụ thể, với lô đất CX1, là lô đất chuyển đổi thành dự án cây xanh duy nhất của hành lang lưới điện nhưng lại giao cho một công ty tư nhân nước ngoài là chủ đầu tư Bệnh viện Hoa Kỳ lập dự án khiến người dân rất bức xúc vì dấu hiệu lợi ích nhóm. Bởi lẽ, khu vực này rất đông dân cư, ngoài các nhà tập thể còn có khu vực Làng quốc tế Thăng Long, cũng cần khuôn viên cây xanh chung. Vậy thì tại sao không quy hoạch công viên cây xanh cho tổng thể khu vực mà lại dành riêng cho Bệnh viện Hoa Kỳ? Tại sao không giao việc triển khai dự án công viên cây xanh cho doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Cây xanh của thành phố mà lại giao cho tư nhân?
 
Một trang trong bản báo cáo hiện trạng dự án CX1 lấn vào hàng chục nhà dân được cấp sổ đỏ
Theo người dân phản ánh, có dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư sẽ tiếp tục thay đổi quy hoạch chi tiết để sau này chuyển đổi khu vực này hạng mục xây dựng công trình nhà ở hoặc kinh doanh. Đó là chưa kể còn nhiều ý kiến của nhân dân đề xuất thêm nhiều hạng mục, trong đó có cả vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng một phần khu đất này cho các dự án hạ tầng, đường sá, nhà ở, bán đấu giá vừa tăng thu ngân sách vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của nhân dân. Cho nên, việc bổ sung lấy ý kiến của dân, xem xét, sửa đổi lại Quyết định 5211/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Khôi ký là một đòi hỏi cấp thiết.
Tương tự, với hai lô đất TT-01, TT-02 được chuyển thành đất nhà ở liền kề và đất nhà ở thấp tầng nhưng lại giao cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng INDECO quản lý gần 17.000m2 đất vàng để đổi lấy một việc rất “bèo” là “hạ ngầm” 1.740m đường điện cao thế. Hiện chưa xong thủ tục xong công ty này đã phân lô bán nền hàng trăm lô đất. Vụ việc này tiềm ẩn nhiều khuất tất lợi ích nhóm nghiêm trọng, gây lãng phí của nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
 
Công trình biệt thự do Công ty Indeco bán trái phép trên các lô đất TT-01, TT-02 – tiềm ẩn tiêu cực thất thoát hàng trăm tỷ đồng
Rõ ràng là với hàng loạt bất cập trên, cho thấy liên quan đến dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ cùng với việc điều chỉnh quy hoạch 3 lô đất CX1, TT-01, TT-02 hiện đang tiềm ẩn hàng loạt khuất tất, có dấu hiệu sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Những dấu hiệu sai phạm trên đủ cho thấy đã đến lúc các cơ quan thanh tra của thành phố Hà Nội, cao hơn là Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ toàn bộ những sai phạm liên quan tới dự án Bệnh viện Hoa Kỳ và 3 lô đất, xử lý nghiêm minh, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước và vi phạm lợi ích chính đáng của nhân dân.
Cách đây 7 năm, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội từng ra nghị quyết buộc dự án phải thi công, nay HĐND thành phố lại bước vào một kỳ họp cuối năm, hi vọng rằng những sai phạm, "ung nhọt" tại Bệnh viện Hoa Kỳ và các dự án liên quan sẽ được HĐND thành phố Hà Nội nhìn nhận và xử lý nghiêm minh.
(Theo Năng lượng mới) Công Minh - Minh Nam
14:03

Tại sao đại biểu Dương Trung Quốc không bấm nút?


TT - Là một trong hai đại biểu Quốc hội không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi), ông Dương Trung Quốc đã công khai việc này. Bên lề kỳ họp Quốc hội, trước giờ bế mạc chiều 29-11, ông đã trao đổi thẳng thắn với phóng viên Tuổi Trẻ.
 
Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: V.Dũng
* Thưa ông, ông giải thích như thế nào về việc này với cử tri của mình?
- Trước hết tôi muốn đại diện cho một bộ phận nhân dân mà như trong lời phát biểu khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu thông qua Hiến pháp (sửa đổi) thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: Trong một bộ phận nhân dân và ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng còn có ý kiến khác. Tôi muốn nói rằng tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng ấy.
Còn lý do trực tiếp thì như nhiều lần tôi đã phát biểu, và bản thân tôi cũng trực tiếp tham gia vào dự thảo Hiến pháp với tư cách là một thành viên ban biên tập, rằng tôi có thể khẳng định công tác chuẩn bị đã tiến hành trong thời gian dài, đầu tư nhiều công sức, thảo luận dân chủ. Trong quá trình đó, hầu như tất cả ý kiến đều được ghi nhận và có hồi âm, giải trình rõ ràng. Tuy nhiên, tôi vẫn có suy nghĩ riêng của mình. Đó là vào thời điểm này đã chín muồi cho việc chúng ta không chỉ sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mà với tất cả trải nghiệm của hơn 20 năm vừa qua, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên có những bước đi căn bản hơn. Hiện nay tôi thấy có những vấn đề chưa ngã ngũ, ví dụ như vấn đề sở hữu, vấn đề liên quan đến chính quyền địa phương..., vậy mà chúng ta khép lại như vậy thì tôi cho rằng nó hơi nửa vời.
Vả lại, dẫu là sửa đổi, Hiến pháp vẫn là đạo luật gốc chi phối chúng ta trong nhiều chục năm nữa, giữa lúc thế giới đang thay đổi như thế này. Và điều cuối cùng mà tôi đã thể hiện trước Quốc hội là tôi rất băn khoăn trước lịch sử lập hiến: lần đầu tiên chúng ta ghi thẳng vào Lời nói đầu là Hiến pháp cũng chỉ thể chế hóa cương lĩnh của Đảng. Tôi tự đặt câu hỏi rằng đây có phải là một nhận thức tiến bộ hay không? Sự lãnh đạo của Đảng thì có lẽ chúng ta không phải bàn nữa, nhưng nghệ thuật lãnh đạo của Đảng là điều hết sức quan tâm. Chúng ta hãy đọc lại các bản Hiến pháp trước đây, nhất là các Hiến pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp lãnh đạo, chúng ta thấy rằng Đảng luôn đóng vai trò quyết định, thế nhưng nghệ thuật lãnh đạo lại khác, không thể hiện trực tiếp vào Hiến pháp như vậy, mà đặt dân tộc và nhân dân lên trên hết.
Với những lý do đó, tôi đã lựa chọn là không biểu quyết. Nó cũng thể hiện suy nghĩ của tôi và có lẽ là của một bộ phận nhân dân như Chủ tịch Quốc hội đã đề cập.
* Vậy tại sao ông không dứt khoát ấn vào nút “không tán thành”?
- Đọc bản Hiến pháp này và là người trực tiếp tham gia quá trình soạn thảo, tôi phải khẳng định rằng những người soạn thảo đã thể hiện một tinh thần rất cầu thị. Nhưng hình như tinh thần cầu thị ấy không vượt qua được ngưỡng của tính nguyên tắc, tức là những gì đã có trong cương lĩnh. Như chúng ta biết, cương lĩnh nói về những vấn đề cơ bản nhất cho cả một thời kỳ dài, Đảng gọi là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, còn sự phát triển của đất nước trong bối cảnh hiện nay thay đổi từng ngày từng giờ. Đó là chưa kể một kiến nghị của tôi chưa được đưa vào trong Hiến pháp là phải có quy định đúng tầm mức về biến đổi khí hậu mà dự báo VN là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều nhất.
* Trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng những ý kiến khác sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình đổi mới đất nước. Ông hiểu thế nào về ý kiến này?
- Tôi hiểu được giải thích đó. Bởi dẫu sao chúng ta cũng phải có một điểm dừng và điểm dừng đó phải tạo được đồng thuận tối đa. Nhưng ngay cả về lý thuyết thì cũng không thể có đồng thuận tuyệt đối. Cho nên tôi muốn thể hiện cái tính không tuyệt đối ấy và nhận thức đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi không biểu quyết về dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhưng tôi vẫn đồng thuận khi Quốc hội thông qua nghị quyết thi hành Hiến pháp. Và tôi muốn nói rằng bản Hiến pháp này nếu đi vào cuộc sống sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi, vì trong nó chứa đựng những quy định tiến bộ hơn nếu so với Hiến pháp năm 1992.
* Ông đã nhận được phản hồi như thế nào khi dư luận biết rằng ông là người công khai thừa nhận không biểu quyết Hiến pháp (sửa đổi)?
- Có rất nhiều người hỏi tôi câu đó và tôi đã trả lời như vừa trả lời bạn. Sáng nay, gặp Chủ tịch Quốc hội, tôi có nói rằng chính ý kiến của Chủ tịch phát biểu mà tôi rất chia sẻ là Quốc hội tôn trọng ý kiến khác biệt. Và Chủ tịch Quốc hội nói với tôi rằng Quốc hội không những tôn trọng mà còn là trân trọng nữa. Bởi đất nước chúng ta vẫn đang phát triển và thực tế sẽ yêu cầu phải có nhiều lần sửa đổi Hiến pháp nữa.
* “Đại biểu Quốc hội có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.
Luật, nghị quyết và các quyết định khác của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội, hoặc sửa đổi Hiến pháp thì phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
(Điều 23, nội quy kỳ họp Quốc hội)
* Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Ông nghĩ gì khi có hai đại biểu không bấm nút thông qua Hiến pháp (sửa đổi)?”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Tôi nghĩ đó là quyền của họ. Họ thể hiện chính kiến của họ. Và đây cũng là điều bình thường trong xã hội bây giờ. Chúng ta không thể áp đặt họ được”.
* “Chúng tôi cũng hiểu rằng trong một bộ phận, một số người thuộc các tầng lớp nhân dân chúng ta và ngay cả một số vị đại biểu Quốc hội còn có những ý kiến khác. Tuy nhiên, tuyệt đại bộ phận nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định rằng đã đồng tình cao với dự thảo thông qua lần này. Những ý kiến còn khác so với dự thảo ở khoản này, điều kia, câu nọ thì chúng tôi, Quốc hội chúng ta hết sức trân trọng để tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới đất nước”.
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày 28-11)
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN thực hiện
13:43

Bảo bối của ông Dũng lò vôi đi kiện Chủ tịch Bình Dương

Đến nay, dư luận lùm xùm trên báo chí xung quanh chuyện ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch (KDL) Đại Nam tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh.

Để độc giả tường tận hơn về vụ tố cáo này, xin cung cấp thêm nhiều tình tiết hấp dẫn cốt lõi của vụ tố cáo này.  Theo hồ sơ vụ việc, mấu chốt vủa vụ ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo ông Lê Thanh Cung lên Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ một quyết định có dấu hiệu trái luật của UBND tỉnh vào năm 2008.

Bình-Dương, Huỳnh-uy-dũng, Dũng-lò-vôi, chủ-tịch, Lê-Thanh-Cung, Kiện kiện-cáo, Thủ tướng, Sóng-Thần 
Khu công nghiệp Sóng Thàn, tâm điểm kiện cáo giữa ông Huỳnh Uy Dũng và Chủ tịch Bình Dương
Từ một công văn bất thường của tỉnh
Ông Huỳnh Uy Dũng (còn được biết dưới cái tên Dũng “lò vôi”) là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Nam. Sau khi trở thành chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 3, Công ty Đại Nam đã lần lượt được tỉnh giao đất để đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng.
Theo quyết định thành lập và phê duyệt khu công nghiệp Sóng Thần 3 (rộng 533 hecta) do UBND tỉnh ban hành năm 2006, một phần đất trong khu công nghiệp (hơn 71 hecta) là đất hành chính – dịch vụ, kho bãi và khu ở. Trong đó, hơn 61/71 hecta này là khu ở. Thời hạn hoạt động của dự án bằng thời hạn giao đất: 50 năm.
Gần hai năm sau, vào ngày 7.7.2008, bất ngờ một phó chủ tịch UBND tỉnh ban hành một quyết định cho phép Công ty Đại Nam thay đổi thời hạn sử dụng phần đất khu ở thành “đất ở”, thời hạn giao đất là lâu dài.
Quyết định của tỉnh đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 61 hecta, vốn là đất sản xuất kinh doanh - một bộ phận cấu thành trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 - thành “đất ở”.
Khác với các quy định về thời hạn sử dụng đất trong khu công nghiệp (thường khoảng 50 năm), quyết định này đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 61 hecta, vốn là đất sản xuất kinh doanh - một bộ phận cấu thành trong khu công nghiệp - thành “đất ở”. Nhà quản lý buộc nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất ở (cao gần gấp đôi so với đất giao làm khu công nghiệp) và đã chỉnh lý sổ đỏ cho Công ty Đại Nam.
Chính từ quyết định này đã gây nên mọi rắc rối, tranh cãi giữa Công ty Đại Nam và UBND tỉnh Bình Dương: góp vốn hay phân lô bán nền, duyệt hay không duyệt quy hoạch chi tiết 1/500…
Cho chuyển mục đích sử dụng sai, "trói" quy hoạch chi tiết
Với góc độ là nhà đầu tư, sau khi đã làm đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, được giao (có sổ đỏ đất ở) và xây dựng xong hạ tầng, chủ đầu tư có đủ quyền theo quy định của Luật Đất đai: chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê…
Việc Công ty Đại Nam phân ra hơn 2.600 lô đất (khoảng 32 hecta) và chuyển nhượng cho nhân viên của mình trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 bằng hình thức “góp vốn” tổng cộng hơn 400 tỉ đồng, sau khi xây dựng xong hạ tầng, chẳng có gì là sai luật.
Một bước nữa để biến những lô đất thành nhà cửa, công trình, Công ty Đại Nam phải lập (và thực tế công ty này đã làm) và được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo quy định pháp luật về xây dựng, trước khi muốn xây dựng công trình trên khu hành chính - dịch vụ, kho bãi và khu ở, Công ty Đại Nam phải lập quy hoạch chi tiết 1/500 và được UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên, khi Công ty Đại Nam được thay đổi mục đích sử dụng khu đất này (từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở) vào năm 2008, UBND tỉnh không thể duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho Công ty Đại Nam. Bởi lẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất năm 2008 đã trái với quyết định thành lập và phê duyệt dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3 mà tỉnh đã ký trước đó.
Nói cách khác, tỉnh Bình Dương không thể phê duyệt quy hoạch khi đất bị sử dụng sai mục đích từ đất công nghiệp sang đất ở.
(Theo Motthegioi)
10:02

 Vì sao Thủ tướng trả lời chất vấn chỉ trong vài chục phút?


Cách thức lựa chọn Bộ trưởng đăng đàn, thời gian trả lời chất vấn của Thủ tướng nhận được sự quan tâm nhiều nhất của báo giới tại phiên họp báo bế mạc Quốc hội chiều 29/11.                              
 
Quốc hội tổ chức họp báo ngay sau khi kết thúc phiên họp vào chiều 29/11. (Ảnh Nguyễn Dũng)
Thời gian hạn hẹp
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong việc lựa chọn các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, người phát ngôn, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc chọn Bộ trưởng trả lời được thực hiện đúng theo quy định.
Trước phiên chất vấn, VPQH đã phát phiếu xin ý kiến đại biểu về chất vấn. Việc lựa chọn Bộ trưởng sẽ dựa vào tỷ lệ câu hỏi nhận được từ các đại biểu, được ưu tiên thứ tự từ cao đến thấp. Ngoài ra việc lựa chọn còn dựa vào những vấn đề bức xúc trong xã hội đang được quan tâm và cũng ưu tiên Bộ trưởng chưa đăng đàn bao giờ.
Bên cạnh nhiều Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi, cũng có “tư lệnh” không nhận được câu hỏi nào, đó là trường hợp của Bộ trưởng Giàng Seo Phử.
Trước thắc mắc tại sao không lựa chọn Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phúc cho biết, Bộ trưởng Tiến chỉ nhận được 28 câu hỏi chất vấn từ đại biểu, trong khi các Bộ trưởng khác nhận được ít nhất 100 câu hỏi. Tuy nhiên, tại phiên chất vấn đoàn thư ký kỳ họp cũng sắp xếp, nếu có vấn đề liên quan đến Bộ trưởng Y tế thì sẽ mời trả lời thêm.
Tại buổi họp báo, phóng viên cũng thắc mắc vì sao thời gian trả lời chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ kéo dài trong vài chục phút? Trong khi ở các nước, người ta có thể kéo dài thời gian tới cả buổi tối, tại sao chúng ta không làm vậy?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ý tưởng kéo dài thời gian chất vấn và trả lời chất vấn như phóng viên đề cập là điều đáng phải suy nghĩ.
"Còn tại phiên chất vấn trong kỳ họp này, Thủ tướng là người thay mặt Chính phủ báo cáo với cử tri liên quan đến những hoạt động của Chính phủ, cũng để làm rõ hơn những vấn đề các Bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ. Về thời gian thì Quốc hội đã ấn định rồi nên hết giờ thì phải nghỉ. Nhưng điều quan trọng là Thủ tướng Chính phủ đã hứa sẽ trả lời hết tất cả những câu hỏi của các ĐBQH nêu ra tại nghị trường", Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ...
Ông Uông Chu Lưu cũng nói thêm, sau khi sửa đổi thông qua Hiến pháp sẽ sửa luật Quốc hội và quy chế kỳ họp để thực hiện một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Biểu quyết Hiến pháp: Không áp đặt
Một vấn đề thu hút sự chú ý của báo giời đặt ra tại phiên họp này là cách tính tỷ lệ ĐBQH thông qua các dự thảo, cũng như Hiến pháp. Giải đáp thắc mắc này, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, cách tính tỷ lệ của ta được tính theo tổng số đại biểu. Trước đây chúng ta có 500 đại biểu, sau đó bỏ 2 trường hợp, và giờ còn tổng cộng 498 đại biểu.
Ở các nước có nhiều cách tính, có thể tính theo đại biểu có mặt, còn ở Quốc hội Việt Nam thì quy định chung số. Số biểu quyết tính trên tổng số 498 đại biểu. Cách tính tính tỷ lệ sẽ tùy theo từng nước quy định.
Liên quan đến Hiến pháp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, công việc chuẩn bị dự án này để trình Quốc hội thông qua là cả một quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chặt chẽ trong 3 năm qua. Quốc hội đã cho ý kiến về Hiến pháp tại 3 kỳ họp Quốc hội, cùng hàng chục phiên họp tại UBTVQH, rồi tổ chức nhiều hội nghị đại biểu chuyên trách. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành 3 ngày để đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, sau đó được tập hợp làm báo cáo giải trình tiếp thu, và được trình bày trong buổi sáng 28/11.
Về kết quả biểu quyết có 488/498 đại biểu tham gia trực tiếp, trong đó có 486 đại biểu biểu quyết tán thành, 2 vị không biểu quyết. Về hai trường hợp này, ông Lưu nói, đây là quyền của đại biểu, Ủy ban soạn thảo, UBTVQH không áp đặt điều gì cả.
Tuy nhiên điểm đáng chú ý hơn, theo ông Lưu khi thông qua Nghị quyết về Hiến pháp ngay sau đó thì lại có 100% số đại biểu tán thành. “Khi biểu quyết thông qua, họ không thể hiện rõ quan điểm. Nhưng khi thông qua rồi họ lại tán thành tất cả, đó là điểm đáng chú ý” – ông Lưu nhấn mạnh.
Liên quan đến Luật đất đai sửa đổi được thông qua tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, dự án này cũng được chuẩn bị với một thời gian dài, và có liên quan chặt chẽ đến Hiến pháp. Trong 3 năm qua, ban soạn thảo đã luôn bám rất sát với dự thảo Hiến pháp.
Riêng lĩnh vực thu hồi đất, ông Quang khẳng định sau khi Luật đất đai sửa đổi thông qua, việc này sẽ được thực hiện rất chặt chẽ, khắc phục được nhiều vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua.
Mỗi ngày họp mất 1 tỷ đồng: chưa có cơ sở
Tại buổi họp báo, phóng viên nêu lại ý kiến của ĐBQH phản ánh tình trạng thời gian họp kéo dài, gây lãng phí, mỗi ngày họp Quốc hội mất chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, chương trình kỳ họp được gửi xuống cho các đoàn đại biểu tham gia ý kiến. Rồi phiên họp trù bị đã xin ý kiến một lần nữa mới biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Lý do kỳ họp này dài hơn các kỳ trước vì có liên quan đến vấn đề nhân sự của Quốc hội, Chính phủ và phải làm đúng quy trình, đúng pháp luật, không thể làm dồn, làm tắt.
Đối với thông tin họp Quốc hội mỗi ngày tốn 1 tỷ đồng, theo ông Phúc là chưa có cơ sở. Ông nói thêm, Hội trường họp của Bộ Quốc phòng cho mượn, không mất kinh phí, mà chỉ mất tiền ăn, tiền ở khách sạn cho các đại biểu. Còn chi phí cho các phiên họp trước đó thì vẫn chưa có con số cụ thể.
                              (Theo Infonet.vn) Nguyễn Dũng
 09:34

 Rùng rợn vụ cảnh sát Đức ăn thịt người

 

Cả nước Đức những ngày vừa qua đã bị chấn động khi một viên cảnh sát đồng tính ở thành phố Dresden bị cáo buộc đã giết tình nhân của mình sau đó xẻ thịt và chế biến thành món ăn.

Các nhân viên điều tra địa phương tìm thấy xung quanh ngôi nhà của nghi phạm, được biết đến với tên Detlev G (cơ quan điều tra vẫn đang giấu tên),rất nhiều phần thi thể người.
Các điều tra viên tìm khai quật xung quanh ngôi nhà của viên cảnh sát ăn thịt người ở Dresden (Nguồn: DM) 
Các điều tra viên tìm khai quật xung quanh ngôi nhà của viên cảnh sát ăn thịt người ở Dresden (Nguồn: DM)
Phía cảnh sát cho biết, hai người đàn ông này đã làm quen với nhau trên một diễn đàn mạng chuyên biệt dành cho những kẻ thích ăn thịt người. Họ duy trì trao đổi tin nhắn với nhau một thời gian và sau đó đồng ý gặp nhau. Trong một lần gặp gỡ đôi tình nhân này đã quyết định rằng, một người trong số họ sẽ trở thành bữa tối của người kia.

Kết quả là nhân viên cảnh sát đã giết chết người bạn tình đồng tính 59 tuổi đến từ Hannover của mình, xẻ thịt anh ta và ăn. Một số bộ phận thi thể anh ta đem cất giấu đi và thi thoảng đến đó lấy về làm thức ăn.

Một thời gian sau các cuộc tìm kiếm người đàn ông mất tích được bắt đầu. Tên sát nhân đã bị bắt và khai ra chi tiết sự việc. Chính hắn đã chỉ cho các cựu đồng nghiệp của mình nơi cất giấu các phần thi thể. Detlev G còn giải thích rằng luôn có ý tưởng ám ảnh trong đầu là phải ăn thịt ai đó.

Tên của kẻ sát nhân này không được tiết lộ vì cuộc điều tra đang tiến hành. Hắn ta năm nay 55 tuổi, đã có vợ nhưng đã ly hôn và sau đó thường xuyên có quan hệ với người đồng tính. Vợ của tên này cũng là một cảnh sát.
 09:11

Họ đã làm được gì?


Nợ tới gần 1,35 triệu tỉ đồng, hãy thử xem các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã làm được gì cho đất nước sau khi được ưu ái cho vay nhiều như vậy.

Một trong những "con nợ" lớn nhất với số nợ lên tới trên 103.000 tỉ đồng là Tập đoàn điện lực VN (EVN).
Kết quả mà tập đoàn này mang lại là liên tục thua lỗ trong nhiều năm và liên tục tăng giá để bù lỗ. Tăng giá điện là một trong những yếu tố góp phần làm kiệt quệ sức khỏe của doanh nghiệp, làm giảm mức sống của người dân và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Ngược lại, kinh doanh có lãi nhưng Tập đoàn dầu khí VN (PVN) lại không bằng lòng với đề xuất tăng tỷ lệ lãi nộp từ 50% lên 75% để giúp ngân sách bớt căng thẳng trong bối cảnh bị hụt thu lớn hiện nay. Đây không phải lần đầu diễn ra chuyện "kỳ kèo" phân chia tỷ lệ lợi nhuận giữa PVN với ngân sách. Đến mức, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ không bằng lòng khi “năm nào Thường vụ Quốc hội cũng phải bàn việc chia thế nào cho PVN”. Nên nhớ, PVN đang dẫn đầu trong số những tập đoàn - tổng công ty được ngân hàng cho vay nhiều nhất, họ nợ 124.499 tỉ đồng.
Nơi lỗ thì tăng giá làm khó doanh nghiệp và người dân; chỗ có lãi thì không muốn chia sẻ với ngân sách gánh nặng hụt thu. Đó chỉ là hình ảnh của 2 "con nợ" lớn nhất của hệ thống ngân hàng trong tổng số nợ 1,35 triệu tỉ nói trên. Rồi thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục mập mờ lỗ lãi để tăng giá bán lẻ; Tập đoàn Than khoáng sản nhiều lần "đòi" điều chỉnh thuế xuất khẩu than dù trong nước đang và sẽ phải nhập than; Tập đoàn Hàng hải Việt Nam thì gây thất thoát, thua lỗ cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng...
Được ưu ái về vốn, về lợi thế kinh doanh... nhưng điều mà khối DNNN nói chung mang lại cho nền kinh tế nhiều năm nay không tương xứng. Thậm chí, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động sa sút của họ là một trong những nguyên nhân chính tạo nên suy thoái kinh tế kéo dài. Đó là vì hiệu quả sử dụng tài sản kém hơn hẳn so với các khu vực DN khác trong khi đang nắm giữ nhiều nguồn lực hơn.
Ví dụ năm 2009, DNNN chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế, 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Hiệu quả đầu tư cũng thua xa các loại hình doanh nghiệp khác. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, năm 2009, các DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra một đồng doanh thu trong khi DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và DN vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 1,3 đồng. Điều này đã kéo mức sử dụng vốn trung bình của toàn bộ DN Việt Nam xuống 1,5 đồng.
Trong kinh doanh, nợ là chuyện bình thường. Nhưng nợ lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu; vay nợ để đầu tư ngoài ngành; vay nhiều nhưng hiệu quả đầu tư kém... thì rất đáng lo ngại. Những con số đã phản ánh chân thực những việc mà các DNNN đã làm cho đất nước, cho nền kinh tế.
Đã đến lúc phải mạnh dạn và quyết liệt cho giải thể các DN làm ăn thua lỗ kéo dài; phá bỏ thế độc quyền, tạo môi trường bình đẳng cho tất cả các DN cùng cạnh tranh, phát triển và đóng góp thực sự cho nền kinh tế.  
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh
 09:05

 Đáng lo nợ gần 1,35 triệu tỉ đồng của tập đoàn, tổng công ty nhà nước


Khoản nợ gần 1,35 triệu tỉ đồng là con số đáng chú ý trong nội dung Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước mà Chính phủ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Đáng lo nợ gần 1,35 triệu tỉ đồng của tập đoàn, tổng công ty  nhà nước
Minh họa: DAD
Báo cáo do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng ký vào ngày 25.11. Theo đó, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2012, cả nước có 846 doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
127 tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT), công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.392.274 tỉ đồng, tăng 28,8% so với năm 2011.
Số nợ phải thu của các TĐ, TCT là 275.975 tỉ đồng, trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỉ đồng (TĐ Viettel với 3.282 tỉ đồng; TĐ Bưu chính viễn thông Việt Nam 2.089 tỉ đồng; TĐ Dầu khí quốc gia 1.594 tỉ đồng…), tăng 24,5% so với năm 2011, chiếm 4,89% số nợ phải thu. Tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2012 là 11,5% (năm 2011 là 14,4%).
Đáng chú ý, một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức cao, trên 50%, như TCT xây dựng công trình giao thông 8 với nợ phải thu hơn 1.000 tỉ đồng, bằng 66% tổng tài sản; TCT xây dựng Thăng Long gần 800 tỉ đồng, bằng 60%; TCT Thành An 840 tỉ đồng, bằng 56%; TCT xây dựng Trường Sơn hơn 800 tỉ đồng, bằng 55%...
Nợ phải trả của các TĐ, TCT bằng 56% nguồn vốn
 Chính phủ cũng cho hay nợ phải trả của các TĐ, TCT, công ty mẹ-con năm 2012 lên tới 1.348.752 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Có 48 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như TCT lắp máy VN 53,19 lần; TCT xây dựng Bạch Đằng 20,97 lần; TCT xây dựng công trình giao thông 1 là 18,41 lần…


Giải pháp xử lý chưa mạnh mẽ
PGS-TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN, cho rằng những con số nợ nói trên của các TĐ, TCT thể hiện tình trạng thiếu hụt vốn chủ sở hữu, thua lỗ chưa được xử lý, điều chỉnh rõ nét. Về nợ phải trả, nhiều TĐ, TCT huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong khi thực trạng nợ và nợ xấu của các DN nhà nước vẫn ở mức khá cao, thì giải pháp xử lý, cơ cấu lại nợ chưa thực sự mạnh mẽ.

Nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và tổ chức tín dụng (TCTD) của các TĐ, TCT được báo cáo là hơn 400.000 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Trong đó, một số TĐ, TCT có số nợ vay từ các NHTM và TCTD tương đối lớn, như TĐ dầu khí VN gần 125.000 tỉ đồng; TĐ điện lực VN hơn 103.000 tỉ đồng; TCT hàng hải VN gần 31.690 tỉ đồng; TCT Sông Đà 17.644 tỉ đồng...; TCT lương thực miền Nam gần 7.600 tỉ đồng... Nợ nước ngoài của các TĐ, TCT là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn chỉ chiếm 70.659 tỉ đồng, còn lại là vay dài hạn), trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ hơn 54.500 tỉ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh hơn 150.000 tỉ đồng, còn lại các TĐ, TCT tự vay, tự trả.
Các TĐ, TCT được cho là có nợ nước ngoài hàng nghìn tỉ đồng có TĐ điện lực VN với 112.625 tỉ đồng; TCT hàng không VN là 27.837 tỉ đồng; TĐ dầu khí VN gần 16.000 tỉ đồng…
Về vốn chủ sở hữu, báo cáo cho thấy mức tăng của các TĐ, TCT tương đương 27% so với năm 2011. So với giai đoạn 2006 - 2007, vốn chủ sở hữu các TĐ, TCT đã tăng hơn 600.000 tỉ đồng (tương đương 290%). “Xét tổng thể, các TĐ, TCT bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,27 lần, nhưng cũng có những TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính dẫn đến vốn chủ sở hữu giảm sút hoặc âm vốn chủ sở hữu”, Chính phủ báo cáo.
Không chỉ nợ lớn, báo cáo cũng cho thấy tính đến 31.12.2012, có 25 TĐ, TCT lỗ lũy kế 17.033 tỉ đồng (TĐ điện lực VN 3.143 tỉ đồng; TCT xây dựng đường thủy 710 tỉ đồng; TCT hàng hải VN là 10.239 tỉ đồng…) và 16 công ty mẹ khác lỗ lũy kế 11.820 tỉ đồng.
Đáng lo ngại
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng con số nợ nói trên của 127 TĐ, TCT, công ty mẹ - con rất đáng lo ngại. Bởi lẽ con số nợ 1.348.752 tỉ đồng này tương đương với 62 - 63 tỉ USD, bằng một nửa GDP của VN trong năm 2012 (khoảng 136 tỉ USD). Theo ông, Chính phủ cần có báo cáo giải trình chi tiết hơn về nguyên nhân nào dẫn đến nợ, phương án trả nợ, khả năng trả nợ và hiệu quả quản lý tài chính ra sao. Đồng thời phải nói rõ trách nhiệm giải trình, giám sát trong thời gian qua được thực hiện như thế nào mà để xảy ra nợ lớn như vậy. Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng đối với các DN nhà nước đang hoạt động có nợ NHTM nhà nước, khi xử lý nếu thua lỗ liên tục không thể khắc phục được phải giải thể phá sản, đối với DN thua lỗ đã tổ chức lại sản xuất, có khả năng phát triển thì xóa nợ lãi vay và khoanh nợ gốc, tái cơ cấu lại nợ.
“Tái cấu trúc DN nhà nước là giải pháp quan trọng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên nếu không có phương án trả nợ hay trả nợ bằng cách nào, nguồn tiền ở đâu thì việc tái cấu trúc khó thành công. Chính phủ cũng yêu cầu các TĐ, TCT tự mình đề xuất phương án tái cấu trúc. Thế nhưng, trong trường hợp này, việc tự tái cấu trúc của các DN đang nặng nợ chẳng khác nào bắt người bị què chân tự nắm tóc mình đứng dậy”, TS Doanh nói.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh rằng con số nợ này là quá cao. Và ông cho rằng điều cần thiết hiện nay là phải minh bạch vì sao nợ, phương án trả nợ, nguồn tiền trả nợ ra sao…?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lý giải: “Tôi không ngạc nhiên bởi con số nợ này. Các TĐ, TCT này được cấp tiền để làm ăn nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... Đến cuối năm, các khoản nợ không trả nổi được khoanh lại, sau đó các NHTM của nhà nước cho vay tiếp, rồi được xóa nợ. Vòng luẩn quẩn vay, không trả nổi, khoanh nợ diễn ra liên tục chính là nguyên nhân khiến tình trạng nợ của các TĐ, TCT ngày càng phình ra. Các DN này cũng làm ăn không hiệu quả, khi hệ số ICOR (hệ số sử dụng đồng vốn) thấp. Làm ăn thua lỗ nhưng không bị giải thể mà tiếp tục hoạt động nên nợ chồng nợ. Tôi cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại, những DN nào thua lỗ kéo dài, không thể cứu vãn thì nên cho giải thể; DN có tiềm năng thì có thể bán, đừng cổ phần hóa theo kiểu giữ cổ phần chi phối”.
(Theo Thanh niên) Bảo Cầm - Anh Vũ -  Trần Tâm