Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Tài xế taxi bị tài xế Mazda bắn, chèn qua người

Cập nhật lúc 15:24                 

Sau khi xảy ra xô xát, tài xế taxi bị tài xế Mazda CX5 bắn vào bụng rồi chèn qua người.

Theo đó sự việc xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 30/10, trước số nhà 23, ngõ 165 đường Dương Quảng Hàm (Hà Nội).
Tài xế bị bắn và chèn qua người là người là anh T trú ở phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Sáng 31/10,trao đổi với PV, anh ruột tài xế T cho biết: "Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, T đã được bác sĩ mổ nối lại đại tràng và hiện đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên viên đạn trong bụng T vẫn chưa được lấy ra. Theo lời bác sĩ, đợi sức khỏe em tôi ổn định hơn sẽ tiến hành mổ lấy đạn.
Sau khi T tỉnh dậy, tôi cũng nghe em tôi kể lại lúc tài xế lao đến em tôi biết nhưng không làm thế nào được. Để có thể sống sót được, em tôi đã phải gồng mình ép người xuống để xe chèn qua và may mắn giữ lại được tính mạng".
Theo anh ruột của nạn nhân chia sẻ:  "Nguyên nhân ban đầu có thể khi lái xe hai bên có va chạm với nhau, khi T xuống mở cửa xe bất ngờ bị tài xế điều khiến xe Mazda CX5 hạ kính bắn vào bụng. Chưa dừng lại, tài xế tiếp tục cho xe chèn lên người T.
Giữa T và tài xế không có va chạm lớn, thời gian xảy ra cự cãi chỉ khoảng vài phút. Không ai nghĩ tài xế lại nổ súng bắn T, đến khi nghe tiếng súng nổ người dân và người nhà mới chạy ra đưa T đi cấp cứu".
Theo anh của tài xế T, người đàn ông bắn và chèn xe lên người T là người nơi khác không phải người địa phương.
Hiện đã xác định được biển số chiếc xe chèn qua người T.
Sau khi xảy ra vụ việc, một người lạ có thể là người quen của tài xế đã đến nói với gia đình anh để hai bên giải quyết nhưng gia đình không đồng ý và muốn công an vào cuộc xử lý. 
Cùng ngày Tổ trưởng tổ dân phố 21 (nơi gia đình nạn nhân sinh sống) thông tin: "Tài xế bị bắn là người ở địa phương và mới cưới vợ, tối 31/10, T chở vợ đi đâu đó về rồi xảy ra chuyện. Sau khi bị bắn, T được người nhà đưa vào bệnh viện E cấp cứu, có thể T bị thủng bụng.
Qua lời kể của người bán nước cạnh hiện trường nơi xảy ra sự việc, tài xế T và lái xe CX5 đi cùng chiều để gửi xe thì xảy ra xô xát, có thể không chịu nhường nhau và có câu thách đố nhau nên tài xế kia dùng súng bắn T.
Sau khi bắn T, tài xế quay xe chèn qua người T rồi bỏ chạy và tiếp tục đâm vào nhiều xe máy đang dựng ở gần đó".

 Tai xe taxi bi tai xe Mazda ban, chen qua nguoi
Nạn nhân là lái xe taxi nằm gục sau khi xảy ra vụ va chạm (Ảnh DT)

Chứng kiến vụ việc kinh hoàng xảy ra, anh H.D (nhân chứng có mặt) kể lại: "Vào thời điểm trên, khi người lái taxi xuống xe đề nghị lái xe CX5 xuống giải quyết thì ngay lập tức bị người trong xe kia bắn đạn cao su vào bụng lái taxi ngã xuống.
Chưa dừng lại, tài xế CX5 tiếp tục rồ ga phóng xe chèn qua người lái xe taxi".
Được biết nhận được tin báo, lực lượng chức năng kịp thời có mặt, xử lý vụ việc, đưa nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời truy tìm người tài xế lái xe CX5 màu trắng.
Tại hiện trường, chiếc taxi của nạn nhân được công an phường Quan Hoa bảo vệ.
(Theo Đất Việt) Thanh Tâm

Nếu thân thế, sự nghiệp mà bí mật thì lãnh đạo nêu gương bằng cách nào?

Cập nhật lúc 15:12               

Ông Lê Văn Cuông cho rằng: “Nêu gương thì phải giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp, các thành tích của lãnh đạo để mọi người noi theo”.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang được lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14. Xung quanh quy định thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc phạm vi bí mật nhà nước tại Điểm C, Khoản 1, Điều 10 đang có nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp.
Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Văn Cuông nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Cuông: “Lâu nay phấn đấu thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Người dân có điều kiện tiếp cận thông tin để giám sát và học tập.
Càng dân chủ, công khai, minh bạch càng ngăn chặn được tiêu cực, làm cho những ẩn khuất, ý đồ không được trong sáng được rõ ràng.
Do đó, dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần cân nhắc, tính toán chỉ những vấn đề thực sự ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích của đất nước thì mới bảo mật.
Còn không ảnh hưởng thì nên công khai để cho người dân được biết. Đây là vấn đề quyền được tiếp cận thông tin”.  
 
Ông Lê Văn Cuông (ảnh nguồn báo Vietnamnet).

Về thân thế sự nghiệp của lãnh đạo, ông Cuông cho rằng đó là những người mẫu mực về thành tích, đáng được người khác ngưỡng mộ học tập.
Tôi nghĩ, vấn đề này không nên bí mật mà cần công khai, tuyên truyền, giới thiệu để cho người dân người ta học tập, noi theo.
Để minh chứng ý kiến của mình, ông Cuông lấy minh chứng như lâu nay Bác Hồ hay nhiều lãnh tụ tiền bối của Đảng, nhà nước có những công lao đóng góp.
Cuộc đời, sự nghiệp được các nhà sử học, văn học giới thiệu thông qua các tác phẩm. Các văn nghệ sĩ còn xây dựng hình tượng bằng các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Đó là cách để để cho nhiều người biết đến và noi theo.
Ông Cuông còn cho rằng: “Vừa qua Bộ Chính trị có ban hành Nghị quyết Nêu gương trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương.
Nêu gương,thì phải giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp, các thành tích của lãnh đạo để mọi người noi theo.
Chứ xem thân thế, sự nghiệp thuộc diện bí mật thì không còn tác dụng tuyên truyền nữa và quy định như dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sẽ ảnh hưởng đến các nghị quyết của Đảng trong cuộc sống”.
Theo ông Lê Văn Cuông, nội dung về cuộc đời, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước có tác dụng đối với xã hội, có tính giáo dục nêu gương cần phải được công khai, phổ biến để mọi người học tập.
Tuy nhiên, theo ông Cuông thì vấn đề đưa tin là phải khách quan, chuẩn xác. Không được có ý đồ cá nhân hoặc lạm dụng vấn đề này để tâng bốc, sai sự thật.
Những thông tin mang tính chất bôi bác, nêu không đúng sự thật, tả không đúng cá nhân của lãnh đạo nhằm mục đích không trong sáng cũng phải ngăn chặn.
Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Tại sao phải bí mật thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, nhà nước. Trong khi chúng ta lại công khai phiếu tín nhiệm cả Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng.
Theo tôi việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đều công khai, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm công khai hết thì việc gì phải bí mật. Việc công khai là để cho cán bộ đó thấy họ tín nhiệm ở mức nào còn cố gắng, phấn đấu.
Chúng ta đã công khai vấn đề này rồi và có dư luận rất ủng hộ. Ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần bỏ phiếu trước thì tín nhiệm rất cao và lần này cũng rất cao thì tại sao chúng ta phải bí mật”.
Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, việc công khai thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước chỉ có tốt thêm. Phần lớn các đồng chí Đảng, nhà nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ vừa rồi có vị trí phiếu rất cao tại sao chúng ta lại không công khai những chuyện đó.
Ông cũng cho rằng, càng không công khai, người dân lại càng thấy khó hiểu. Giả sử có đồng chí nào đó phiếu không cao lắm thì cũng để cho người dân cử tri biết để giám sát và các đồng chí phải cố gắng hơn.
“Tôi tin rằng, nhiều người tán thành chủ trương đã lấy phiếu tín nhiệm thì phải công khai, không phải bí mật. Kể cả tài sản cũng công khai chứ không phải kê khai tài sản lại đưa vào danh mục bí mật là không được” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
(Theo GDVN) Trinh Phúc

Cuộc đời và sự nghiệp, các thành tích của lãnh đạo (tất nhiên là cả tài sản) mà lại là tài liệu mật thì khác gì nó được dấu trong bóng tối! Mà một tấm gương toàn bóng tối thì dân "soi" và học tập lãnh đạo thế nào?
Thương Giang

 Thẩm phán PHÙNG LÊ TRÂN & Vụ án TẠ ĐÌNH ĐỀ:

THẨM PHÁN PHÙNG LÊ TRÂN 
- NGƯỜI ĐÃ TUYÊN TẠ ĐÌNH ĐỀ VÔ TỘI 
Cập nhật lúc 14:47
                  
Hơn 40 năm trước, phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề - một bị cáo khác thường, gây nên sự chú ý đặc biệt ở Hà Nội. Thẩm phán đã tuyên Tạ Đình Đề không phạm tội, trong niềm vui vỡ òa của hàng ngàn người theo dõi phiên tòa. Thẩm phán đó là bà Phùng Lê Trân, năm nay tròn 10 năm ngày bà về với tổ tiên.

Phiên tòa lịch sử

Ngày 6/6/1976, Tòa án Hà Nội, khi đó ở tầng một của trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, 48 phố Lý Thường Kiệt, mở phiên tòa đặc biệt, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người dân thủ đô vì bị cáo là ông Tạ Đình Đề – một người hào sảng, nghĩa hiệp, cuộc đời gắn với quá nhiều giai thoại. Phiên tòa kéo dài đến 6 ngày, hôm nào quảng trường Tòa án cũng đông nghịt.


 Bà Phùng Lê Trân (1921-2007)

Ông Tạ Đình Đề là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Năm 1970, theo chủ trương của lãnh đạo Tổng cục, Xưởng phải chuyển từ 65 Quán Sứ  xuống Giảng Võ. Khu đất 15 ha nguyên là bãi tha ma, Xí nghiệp phải di dời gần 400 ngôi mộ và đắp đường. Tháng 12/1972 cơ sở ở Quán Sứ lại bị cháy nên kế hoạch xây dựng càng gấp rút hơn, để có thể tiếp tục sản xuất vào năm 1973. Mở rộng sản xuất xưởng cao su cần đến nhiều nguyên vật liệu và máy móc, lúc đó lại khan hiếm, Tạ Đình Đề nảy ra sáng kiến, tận dụng những máy móc phế liệu do chiến tranh phá hoại còn lại vứt dọc đường Quốc lộ 5. Ông liền đến xin ông Đinh Đức Thiện – Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và được ủng hộ ngay.


Nhờ tâm huyết của Tạ Đình Đề và lãnh đạo xí nghiệp nên trên mảnh đất tha ma ấy, nhà xưởng, rồi hội trường, nhà trẻ, khu văn phòng lần lượt mọc lên… Không ngờ công ấy trở thành vấn đề họ hạch tội ông sau này.


Để khuyến khích người lao động, ông Đề và lãnh đạo xí nghiệp áp dụng hình thức khoán và trả lương theo sản phẩm, thực hiện thưởng lương tháng 13 để công nhân có tiền ăn Tết. Công nhân được đưa đón bằng xe ô tô và ăn giữa ca không mất tiền. Nhờ vậy  mà sản phẩm của xí nghiệp ngày càng đa dạng, được xuất khẩu, có thời điểm xuất khẩu cho thị trường 9 nước XHCN. Bây giờ nghĩ đó là những việc làm bình thường nhưng lúc ấy là sự kiện chấn động tư duy kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp triệt để của thời chiến.


Trong đội ngũ công nhân của xí nghiệp có những người có tiền án tiền sự, người không có nghề nghiệp, người thất cơ lỡ vận… Có hai nghệ sĩ lúc đó còn chưa mấy người biết đến là thi sĩ Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Nhờ sự cưu mang của ông mà sau đó ngành đường sắt có bài “ngành ca” nổi tiếng “Tàu anh qua núi” và cũng từ đó người yêu nhạc biết đến Phan Lạc Hoa. Lưu Quang Vũ sau nay trở thành kịch tác gia nổi tiếng, đã lấy từ nguyên mẫu Tạ Đình Đề và Xí nghiệp cao su này để làm chất liệu dựng vở kịch “Tôi và chúng ta”…


Giữa lúc công việc trôi chảy và phát đạt ấy thì ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề và phó xưởng Nguyễn Xuân Luật bị bắt giam, vì nghe đâu có đơn tố cáo ông Đề ba tội: Chứa thuốc nổ và vũ khí; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ…


Sau 18 tháng giam cứu, Tạ Đình Đề và các đồng phạm được đưa ra xét xử, bà Thẩm phán  Phùng Lê Trân, chủ tọa phiên tòa đã làm rõ từng nội dung cáo trạng buộc tội Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác trong vụ án. Hội đồng xét xử nhận định: Toàn bộ hoạt động của Tạ Đình Đề từ 1971 đến 1974 là thấy việc gì có lợi cho đơn vị thì kể cả móc ngoặc, xin nhượng, mua bán, đổi chác, cách gì cũng làm  bằng được. Thấy mặt hàng gì có khả năng bán được là tung tiền ra mua kỹ thuật và đầu tư sản xuất, trước mắt lấy lãi phục vụ kiến thiết cơ bản, hoạt động thể dục thể thao và mục tiêu lâu dài là đưa xí nghiệp trở thành xí nghiệp lớn, kinh doanh tổng hợp. Kết quả đạt được là một cơ ngơi khang trang được hoàn thành trong hai năm trên một bãi tha ma và ao rau muống… Các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có tư lợi.

Cáo trạng dựa vào một bản báo cáo thanh tra, nhưng Thẩm phán Phùng Lê Trân phân tích: Báo cáo của đoàn thanh tra liên bộ chưa có căn cứ để tin. Xét về nguyên tắc thì không có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên bộ. Báo cáo thanh tra không có ngày tháng, không ghi những ai, tên gì, của cơ quan nào được cử tham gia đoàn thanh tra. Không ghi ai là đoàn trưởng, đoàn gồm có mấy người… nên không thể xem đây là văn bản có giá trị pháp lý.


Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên trong Công văn số 72 ngày 4/12/1974 khẳng định: “Có những việc liên quan đến Tổng cục Đường sắt và Bộ có trách nhiệm, không phải giám đốc xưởng tự ý làm”… Được sự ủng hộ của một vị Hội thẩm, Thẩm phán Phùng Lê Trân đã quyết định, Tạ Đình Đề và 7 bị cáo khác không phạm tội cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế gây thiệt hại cho tài sản XHCN; không phạm tội tham ô và hối lộ. Tạ Đình Đề và các bị cáo khác được trả tự do.


Lời tuyên án vang lên gây bất ngờ không chỉ cho các bị cáo, mà cả những ai quan tâm đến vụ án này. Trong tiếng hoan hô vang dội của những người tham dự và theo dõi phiên tòa qua loa phóng thanh, người ta ào vào công kênh ông Tạ Đình Đề rồi tặng hoa như chào đón anh hùng.


Áp lực lên gia đình bé nhỏ


Phiên tòa chấn động dư luận vì nhiều khía cạnh, nhưng không mấy ai biết Thẩm phán Phùng Lê Trân là ai, để có được lời tuyên án đề cao pháp luật và công lý giữa “thanh thiên bạch nhật” như thế, bà Phùng Lê Trân đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt như thế nào. Vụ án đã mang đến cho gia đình bé nhỏ của bà những áp lực ghê gớm.

Bà Phùng Lê Trân có một gia đình bé nhỏ theo cả nghĩa thực lẫn nghĩa bóng. Nhà chỉ có ba người, hai ông bà và anh con trai Nguyễn Chí Tâm. Gia đình họ sống trong căn phòng 16m2 ở tầng ba, tầng cao nhất trong một ngôi nhà cũ ở con phố nhỏ, phố Cao Bá Quát, Hà Nội.

Anh Nguyễn Chí Tâm nhớ lại những ngày đó, khi mẹ anh xử vụ Tạ Đình Đề, dù anh không biết cụ thể vụ án hay công việc mẹ anh đang làm nhưng ấn tượng không thể nào quên là không khí nhà anh rất căng thẳng. Ngay từ lúc chuẩn bị xét xử, đã rất nhiều người ra vào nhà anh, họ đến bất kể buổi nào, mẹ anh thường bảo anh đi chơi cho mẹ làm việc với khách. Anh không biết mẹ bàn chuyện gì nhưng sau mỗi lần như vậy anh thấy mẹ rất trầm ngâm. Có khi đêm đã khuya còn có người gõ cửa. Mẹ anh ra ngoài hành lang bàn bạc gì đó rất lâu. Anh nghe loáng thoáng, họ đang thuyết phục mẹ anh điều gì đó mà bà không chịu.

Vị Công an hộ tịch đến bảo: “Chị làm thế nào thì làm, còn con chị nữa. Nó quan hệ quá rộng đấy”. Bà bảo: “Nếu con tôi có tội thì các anh cứ xử lý”. Hồi đó anh Tâm mới 16 tuổi, ham chơi, hay tụ tập bạn bè đàn hát. Mẹ anh dặn: “Con đi đâu, quan hệ với ai cũng phải cẩn thận, họ đã nói như vậy đấy, nếu có chuyện gì thì không cứu được đâu”.


Hôm khai mạc phiên tòa, bố anh  không đi làm. Ông không ra khỏi nhà, chỉ đi lại, hết đứng lại ngồi, bồn chồn trong căn phòng hẹp. Lòng ông như lửa đốt, nhất là lúc trước khi đi, bà bảo: “Hôm nay có thể em không về”.


Sau này, bà Phùng Lê Trân trả lời một nhà báo: “Ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy. Rất nhiều người không có thiện cảm với ông Đề đòi phải xử nặng, phải xử tù giam 10 – 15 năm chi đó, nhưng tôi không nghe. Sau thấy diễn biến phiên tòa khó luận tội, dư luận nghiêng về phía các bị cáo thì lại có người gợi ý, ít nhất cũng phải tuyên án treo 18 tháng. Nhiều lúc tôi muốn điên cái đầu! Trời ạ, sao mà lắm gợi ý thế”


Lúc đầu, mỗi khi có gợi ý như thế bà đều tranh luận rất mệt mỏi, nhưng sau đó bà rút kinh nghiệm, chỉ nghe và hứa sẽ xem xét kỹ. Và bà đã tuyên án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa, nhưng làm cho nhiều người rất bực bội. Nhiều cuộc họp, nhiều buổi chất vấn sau phiên tòa, nhưng cuối cùng bản án hình như có kháng nghị nhưng không có phiên tòa giám đốc thẩm.


Vụ án Tạ Đình Đề đã khiến bà kiệt sức, Thẩm phán Phùng Lê Trân phải đi nằm viện hơn một tháng trời. Sau đợt nghỉ chữa bệnh, năm 1978 bà về nghỉ hưu, năm đó bà 57 tuổi.


Một người kiên định


Khi viết bài này tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Chí Tâm, trò chuyện với con cháu cụ Phùng Lê Trân. Chị Thanh Huyền, vợ anh Tâm kể về mẹ chồng: “Tôi rất thương cụ, nhất là những khi về già. Cụ là người tốt quá mà khi về già lại nhiều bệnh tật, ốm đau luôn. Anh Tâm cũng thương mẹ hết lòng, “mẹ là nhất”. Mẹ tôi rất nghiêm khắc, nhiều lúc thật khó tính nhưng tôi vẫn hết lòng chiều mẹ. Vợ chồng tôi có được cuộc sống như hôm nay là nhờ phúc đức mẹ tôi để lại” – chị Huyền nói mà nước mắt chan hòa.


Chị cứ thương mẹ chồng, vừa chuyển về nhà mới rộng rãi, khang trang hơn căn phòng 16m vuông ở Cao Bá Quát được vài tháng thì cụ đã ra đi. Căn phòng của cụ trên tầng hai bây giờ là phòng thờ. Bàn thờ Thẩm phán Phùng Lê Trân đặt trên chiếc tủ gỗ nhỏ, vốn cụ thân sinh của bà đóng cho con gái từ gỗ cây nhãn vườn nhà. Đây là tài sản giá trị nhất mà chị Huyền thấy khi về nhà chồng.


Anh Tâm nói: Mẹ tôi là một người nhân hậu nhưng tính rất kiên định, đã định làm gì là làm bằng được.


Chị Nguyên Bình, nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân, gọi bà Trân bằng bác dâu thì nói: Bác Trân là một người đẹp, dáng người cao, học vấn cũng cao nữa nên rất kén chồng. Mãi sau này gặp bác Trí, bác ấy mới kết hôn. Bác Trân là người không chỉ giỏi giang trong công tác mà còn rất khéo tay, nấu ăn giỏi, nhà cửa hết sức sạch sẽ, ngăn nắp. Trong công việc, bà không chấp nhận sự áp đặt.


Quả thật, nhìn lại cuộc đời bà, người ta thấy rõ tính kiên định ấy. Bà là người làng Bát Tràng, Gia Lâm. Con gái của ông giáo Phùng Văn Trinh (hiện nay Hải Dương có trường mang tên ông. Một người em trai của bà sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu). Năm 13 tuổi, bà được cha mẹ gả cho con trai một gia đình khá giả ở Hải Phòng. Bà đã hai lần đình quyên sinh vì không muốn lấy người chồng ấy nhưng cuối cùng bà nghĩ đến đạo làm con, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy theo lề lối gia phong. Tuy thế, bà chấp nhận làm người con dâu hiếu thuận, chu toàn nhưng không chịu làm vợ. Bà không chê chú rể điểm gì, anh ấy cũng đẹp trai, có học, nhưng bà không chịu được sự áp đặt, vậy thôi. Đêm động phòng, cô dâu khóa trái cửa buồng. Sau nhiều đêm không chinh phục được vợ, anh chồng đành chấp nhận giao ước, ăn cùng mâm, ở cùng nhà nhưng không ngủ cùng giường với cô vợ xinh đẹp nhưng sắt đá.


Trong một Hồi ký ngắn viết trong lúc nằm bệnh viện đề ngày 30/10/1977, bà Phùng Lê Trân nhớ lại, đúng lúc đang bế tắc như thế thì “có phong trào Cách mạng. Ta đến với cách mạng như mũi tên lao trúng hồng tâm”. Năm 1948, bà bị địch bắt tại Hồng Gai. Trong nhà giam, vì dám giúp đỡ, chăm sóc một bạn tù bị tra tấn nên bà bị địch bẻ hết hàm răng. Thẩm phán Phùng Lê Trân phải mang răng giả từ khi đó. Bà cũng bị Pháp đưa ra xét xử, bà viết: “Từng hiên ngang đứng trước vành móng ngựa, cãi lý với quan tòa thực dân mệnh danh “mẫu quốc”. Tòa đệ nhị cấp rồi lên Tòa thượng thẩm, ta có sợ chi đâu”.


Năm 1951, bà Phùng Lê Trân vào ngành Tòa án, với cương vị Hội thẩm ở Tòa án Quảng Yên. Sau khi được học nghiệp vụ, bà được bổ nhiệm và phân công làm Thẩm phán Tòa án khu Ba Đình, rồi lên Thẩm phán Tòa án Hà Nội. Năm 1956, sau khi đã được giải phóng khỏi tờ hôn thú cũ, bà gặp người bạn đời là ông Nguyễn Văn Trí, một Việt kiều, Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp trở về. Ông Trí là trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy da Thụy Khuê cho đến lúc nghỉ hưu.


Khi anh Tâm đi lao động xuất khẩu về chưa có việc làm, bà bảo: Con vào chỗ ba mà làm, mẹ không thể luồn lọt, xin xỏ việc làm cho con đâu.


Bà về hưu, phải đan len thêm để cải thiện cuộc sống, nhưng khi có người kiện tụng qua nhờ bà giúp, tất nhiên kèm theo đó là sự hậu tạ, bà từ chối thẳng thừng: “Tôi không phải thầy cò”. 

Ông Tạ Đình Đề và lòng biết ơn

Anh Tâm kể: Sau phiên tòa ít lâu, anh thấy ông Đề và ông Luật đến chơi. Họ xách theo một túi quà, mẹ anh bảo, nếu các anh mang quà đến thì tôi xin lỗi, tôi phải mời các anh ra khỏi nhà tôi. Cuối cùng, họ phải để túi quà ở ngoài cửa để vào nhà. Từ đó, ông Đề thực hiện một cam kết là mỗi năm xin đến chúc Tết bà một lần và chỉ đi tay không. Vì thế, suốt nhiều năm, cứ đến ngày áp Tết, anh lại thấy vợ chồng ông Tạ Đình Đề đến chơi chúc Tết.


Chị Huyền kể: Mãi đến năm 1997, ông Đề đến thăm, mang theo một cái đồng hồ điện tử treo tường hiệu “Tuổi trẻ” và nói: “Tôi không biếu được chị chút quà nào để cảm ơn nên tôi thấy rất áy náy. Cái đồng hồ này cũng không đáng bao nhiêu, xin chị vui lòng nhận cho tôi. Chúng ta đều đã quá già rồi…”. Không hiểu linh cảm thế nào mà bà nhận chiếc đồng hồ, đó là món quà đầu tiên và cuối cùng của ông Tạ Đình Đề tặng ân nhân của mình vì cuối năm đó ông Đề qua đời.


Sau đó, đến gần Tết, anh con trai ông Tạ Đình Đề, nghe đâu là một người thành đạt ở trong Nam ra, đã mang quà bánh đến chúc Tết bà và nói: Ba cháu dặn là sau khi ba cháu mất, cháu phải thay ba đến chúc Tết bác mỗi năm. Vì thế, cháu xin phép bác cho cháu được qua lại. Bà nói: Bác xử bố cháu là theo nhiệm vụ được phân công, bố cháu không có tội thì phải được tuyên là không phạm tội, vì thế không phải mang ơn huệ gì cả. Ba cháu dặn thế nhưng cháu không phải câu nệ đến thăm bác nữa. Bây giờ cháu mang túi quà này về. Bác không muốn như vậy… Từ đó gia đình ông Tạ Đình Đề mới thôi đi lại. Ngày Thẩm phán Phùng Lê Trân tạ thế, anh Tâm cũng không báo tin cho họ.


Trong hồi ký ghi tại bệnh viện đã dẫn, có lẽ trong tâm trạng ốm đau, Thẩm phán Phùng Lê Trân có viết: “Các em ạ, con ạ – Hôm nay, người ta thiên về thế mạnh, người ta đánh giá chị, đánh giá mẹ không ra gì đâu, nhưng chị, mẹ tin rằng: Một trăm năm sau, tên tuổi của chị, mẹ sẽ được ghi vào sử sách rằng, một trăm năm trước đây đã có nữ Thẩm phán của Tòa án nhân dân thủ đô dám hy sinh phần mình đấu tranh công khai, trực diện với các ngành hữu quan… để bảo vệ chân lý, bảo vệ chế độ, mà đỉnh cao nhất là vụ án Tạ Đình Đề, tiến hành xét xử vào những ngày 6,7,8,9,10 và 11 tháng 6 năm 1976”.


Đọc đoạn hồi ký này xong, tôi xin phép thắp một nén hương lên bàn thờ Thẩm phán Phùng Lê Trân, và nói cũng như nói với vợ chồng anh Tâm rằng: “Thưa bác, không phải đợi đến 100 năm sau. Bác là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và sau này  noi theo về phẩm chất không khuất phục trước uy vũ, không bị cám dỗ bởi lợi ích, luôn thượng tôn pháp luật và lẽ công bằng. Công cuộc cải cách tư pháp đang được thực hiện cũng hướng về những mục tiêu như thế”.


Năm 2007, ông Tạ Đình Đề, người mà Thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên vô tội năm xưa – cũng đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Hẳn ở nơi xa xôi, bà cũng có thể mỉm cười.
Theo Tạp chí Tòa án 

Bộ trưởng Nhạ: 'Đuổi học sinh viên bán dâm' là do cán bộ kém đưa lên

Cập nhật lúc 14:11                  

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc đưa quy định sinh viên bán dâm lần thứ 4 bị đuổi học là do cán bộ rà soát năng lực hạn chế, yếu kém, gây phản ứng bức xúc trong dư luận.
Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ bất kỳ, dựa trên lời hứa từ kỳ họp thứ 2 đến nay. 
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), vừa qua dư luận rất băn khoăn, bức xúc khi  dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cho lấy ý kiến rộng rãi, có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm.
“Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục. Nhiều cử tri đã bày tỏ lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay”, bà Hiền nhận xét.
 Bộ trưởng Nhạ: 'Đuổi học sinh viên bán dâm' là do cán bộ kém đưa lên - ảnh 1
Đại biểu Phạm Minh Hiền. (ảnh Như Ý)

Từ đó, bà Hiền đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. "Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", bà Hiền đặt vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, các quy định về văn bản, thông tư của bộ là rất nhiều: "Quy định về xử lý học sinh, sinh viên bán dâm có từ năm 2007 và đến năm 2016 vẫn còn. Chúng tôi yêu cầu rà soát mọi quy định và cái gì không còn phù hợp nữa thì phải bỏ".
Tuy nhiên, theo ông Nhạ do cán bộ rà soát năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đưa lên (đưa lên Cổng TTĐT của Bộ để lấy ý kiến - PV), gây phản ứng bức xúc trong dư luận. “Khi biết, tôi yêu cầu bỏ ngay, rà soát ngay, những nội dung này không đưa vào trong thông tư nữa”- Bộ trưởng Nhạ nói.
 Bộ trưởng Nhạ: 'Đuổi học sinh viên bán dâm' là do cán bộ kém đưa lên - ảnh 2
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (ảnh Như Ý)

Ngay sau khi Bộ trưởng Nhạ trả lời, bà Hiền đã sử dụng quyền tranh luận và nói rằng: “Nội dung tôi chất vấn là muốn làm rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu khi ban hành dự thảo thông tư nhưng không thấy trả lời mà Bộ trưởng lại giao trách nhiệm vào cá nhân khác”.
Bà Hiển mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật vấn đề, không tránh né để có giải pháp tích cực hơn cho ngành trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó đề nghị Bộ trưởng Nhạ rút kinh nghiệm: "Đại biểu Hiền chưa thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm người đứng đầu nên cần rút kinh nghiệm", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Trước đó, dự thảo Thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến có phần phụ lục nêu một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật học sinh - sinh viên, trong đó sinh viên hoạt động mại dâm lần thứ 1 bị khiển trách, lần thứ 2 cảnh cáo, lần thứ 3 đình chỉ có thời hạn và lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.
Ngay lập tức, thông tin này đã gây “bão” trong dư luận. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay, thực hiện kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã xây dựng kế hoạch soạn thảo Thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy thay thế Quy chế công tác học sinh, sinh viên theo Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT. Bên cạnh đó, theo kế hoạch Bộ cũng sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn.
(Theo Tiền Phong) VĂN KIÊN

Ơ hay! Cán bộ kém nhưng còn có lãnh đạo giỏi cơ mà. Dự thảo đưa lấy ý kiến công luận cũng phải được lãnh đạo duyệt chứ đâu phải viết gì ra cũng tùy tiện post lên mạng được? Đổ lỗi cho cấp dưới khi có khuyết điểm thì biết ngay đó là loại lãnh đạo gì!
Thương Giang
 Làm sao tìm được người tài? 
Cập nhật lúc 10:45     

Trạng nguyên Nguyễn Trực trong bài thi đình dưới triều Lê năm 1442 có câu “Trị nước lấy nhân tài làm gốc, dùng người lấy chữ tín làm đầu” và “Không có trí thì không thể hiểu người; không có nhân thì không thể chọn người; không có dũng thì không thể dùng người”. 
Lịch sử cận đại nước Việt có lẽ ít ai có tài lựa chọn và trọng dụng người tài bằng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người được Bác chọn và tin dùng hầu hết trở thành người thực sự tài đức, đóng góp đắc lực cho sự nghiệp cách mạng.

Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài” 

Phạm Quang Lễ là một kĩ sư chế tạo máy bay người Việt tại Pháp, dù đang hưởng mức lương tương đương với 20 lạng vàng 1 tháng, năm 1946 đã theo Bác về nước phục vụ cách mạng (ông sau này được Bác đặt tên Trần Đại Nghĩa). Các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Minh Giám, Ðặng Thai Mai, Vũ Ðình Hòe cùng nhiều quan chức chế độ cũ được Bác trọng dụng vì nhìn thấy tài năng, đức độ của họ và họ đã hết lòng phụng sự đất nước trong giai đoạn khó khăn.
Những lãnh tụ của Đảng ta như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… đều là những học trò ưu tú của Bác. Hồ Chủ tịch chính là một điển hình “nhân tâm thu phục nhân tài” trong lịch sử nước ta.
Ông cha ta còn có câu “dụng nhân như dụng mộc” bởi mỗi con người có những khả năng, năng lực riêng, biết lựa những điểm mạnh và khích lệ họ phát triển sẽ hữu ích. Trong điều kiện nền giáo dục phát triển như ngày nay, nhân tài không còn “như lá mùa Thu” thời xa xưa. Những người tài năng, người có năng lực phù hợp, sẵn sàng vì nước không thiếu trong Nhân dân, vấn đề là họ có muốn hoặc có cơ hội cống hiến hay không mà thôi. 
Trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng đã có chính quyền trong tay thì việc chọn và sử dụng người tài có những khác biệt. Tuy nhiên, việc chọn và dùng người vẫn đòi hỏi “trí, nhân và dũng” của người lãnh đạo. Thời gian qua, một số địa phương đã đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút người tài nhưng hiệu quả chưa được như kì vọng. Với người thực tài, có nhân cách, việc ưu đãi vật chất đôi khi không phải là điều quan trọng nhất. Cái họ cần là môi trường làm việc công bằng, minh bạch để phát huy năng lực và được đánh giá đúng hiệu quả việc làm của mình.

Ảnh minh họa

Thực trạng lựa chọn và sử dụng cán bộ tại nhiều cơ quan, địa phương hiện nay đang có nhiều điều tiếng gây bức xúc dư luận. Tình trạng “cả họ làm quan”, “cấp ủy gia đình” không còn là cá biệt ở một vài địa phương. Khi các cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Nội vụ về kiểm tra việc bổ nhiệm, tuyển dụng tại một số tỉnh thì hầu như các địa phương đều xảy ra sai phạm về tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm. Thậm chí khi cán bộ bị xử lí kỉ luật lại được “đá lên” cao hơn hoặc “điều ngang” sang vị trí khác như thách thức dư luận. 
Những nơi mà lãnh đạo luôn tìm cách “cài người” vào vị trí lợi lộc, liệu họ có thực sự cần và muốn tìm người tài?./.
(Theo blog Dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng

2 Bộ cùng thanh tra dự án hơn 6.300 tỷ: Tổng cục Đường bộ giải thích


Cập nhật lúc 10:34    

Giám đốc BQL Dự án 3 (Tổng cục Đường bộ) cho biết, việc 2 Bộ cùng thanh tra dự án hơn 6.300 tỷ là thanh tra theo lĩnh vực và theo kế hoạch.

“Sai phạm nhưng chưa nghiêm trọng”
Như VietNamNet đưa tin, dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng đã được Bộ GTVT và Bộ Tài chính cùng thanh tra trong năm 2017.
Tại phụ lục 1, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận, Ban 3 làm đại diện chủ đầu tư, bảng tổng hợp dự toán gói thầu tính tăng không đúng tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. 

 2 Bộ cùng thanh tra dự án hơn 6.300 tỷ: Tổng cục Đường bộ giải thích
Gói thầu RAP/CP15-16-17 được Thanh tra Bộ GTVT kết luận giá đấu thầu bị làm sai lệch
Thanh tra Bộ Tài chính khẳng định Ban 3 phải chịu trách nhiệm trong việc ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh toán không đúng số tiền 27 tỉ đồng tại gói thầu RAP/CP6 - 7 -10; phê duyệt đơn giá không đúng hạng mục tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn các gói thầu RAP/CP8, 5, 9; nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng khối lượng xây mới rãnh bê tông hình thang tại gói thầu RAP/CP6…
Thanh tra Bộ GTVT cũng xác định, việc lập duyệt dự toán 10 gói thầu tại hợp phần B đều không đúng, có sự chênh lệch lớn so với giá trị dự toán tính lại. Với hợp phần C, các hạng mục trong 6 gói thầu cũng bị giảm trừ do tính trùng, tính sai khối lượng đến hàng tỉ đồng.
Thông tin với VietNamNet, Giám đốc Ban 3 Nguyễn Xuân Trường cho hay: “Việc hai Bộ thanh tra là thực hiện theo kế hoạch, thực thi theo quản lý nhà nước hàng năm. Con số tăng lên gần 150 tỷ đồng dự toán gói thầu, đó là quan điểm của thanh tra Bộ Tài chính”.
Ông thừa nhận, Ban 3 cũng bị đơn thư tố cáo liên quan đến việc đấu thầu một số gói thuộc dự án, tuy nhiên, Bộ GTVT đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận. Căn cứ từ kết luận này, Bộ đã đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với các nhà thầu sai phạm bằng hình thức dừng thi công những gói thầu đã trúng; cấm tham gia đấu thầu đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư và phân cấp đầu tư trong thời hạn 3 năm.
Báo cáo số 2145 ngày 10/9/2018 gửi Thanh tra Bộ Tài chính, Ban QLDA3 cho biết: Thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán, Ban 3 đã thực hiện điều chỉnh giảm giá trị thanh toán cho các hợp đồng RAP/CP6 – CP7 – CP10 – CP11 tổng cộng hơn 25 tỷ đồng; giảm trừ khối lượng nghiệm thu, thanh toán tăng không đúng quy định số tiền hơn 640 triệu đồng…
Với những sai phạm nghiêm trọng mà thanh tra 2 Bộ chỉ ra, ông Nguyễn Xuân Trường vẫn được bổ nhiệm chức danh Giám đốc Ban 3.
“Kết luận yêu cầu “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” nên không đưa vào hồ sơ lý lịch. Hàng năm, tôi vẫn hoàn thành tốt công việc được giao, có bằng khen của cơ quan, đơn vị”, ông Trường nói.
Vi phạm trong công tác cán bộ
Tại kết luận kiểm tra số 1714/KL-BGTVT về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tổ chức cán bộ tại một số đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT đã chỉ ra hàng loạt vi phạm về công tác cán bộ. 

2 Bộ cùng thanh tra dự án hơn 6.300 tỷ: Tổng cục Đường bộ giải thích
Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Đợt tuyển dụng công chức bằng hình thức xét tuyển sau khi tổ chức, sắp xếp lại các khu quản lý đường bộ thành Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV tại tại Cục Quản lý xây dựng đường bộ, các Cục Quản lý đường bộ, đến thời điểm kiểm tra đã có 263/276 trường hợp được Bộ GTVT quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức.
Kiểm tra xác suất 5 hồ sơ cá nhân trong diện 276 người được Tổng cục Đường bộ đề nghị chuyển sang công chức, phát hiện 2 trường hợp chưa đủ điều kiện “có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển”.
Tương tự, công tác tuyển dụng viên chức theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ cũng được xác định còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trong giai đoạn 2015-2017, Cục Quản lý đường bộ IV không xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động trình Tổng cục Đường bộ, không thực hiện các quy trình tuyển dụng viên chức theo quy định…
Bên cạnh đó, Cục Quản lý đường bộ IV đã tuyển 18 lao động vào ký hợp đồng lao động để làm công tác chuyên môn của công chức tại cục này, mặc dù Bộ Nội vụ đã có kết luận thanh tra, Bộ trưởng Bộ GTVT, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã có văn bản nghiêm cấm tuyển dụng, ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn song Cục này vẫn không chấp hành.
(Theo VietNamNet) Thái Bình - Gia Văn