Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012


 20:32
Xây cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng):
5.000 hay 25.000 tỉ đồng?


Sáng 26.6 tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Báo cáo đề xuất phương án thay đổi địa điểm xây dựng cảng Lạch Huyện của Cty TNHH Sơn Trường”.

Vùng biển Hải Phòng nhìn từ trên cao. Ảnh: H.L.Q

Theo phương án này, để xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), chỉ cần hơn 5.000 tỉ đồng (tổng đầu tư hơn 11.000 tỉ đồng) so với hơn 25.000 tỉ đồng cho giai đoạn I mà Bộ Giao thông vận tải đã nêu.

6 lần gửi thư cho Bộ trưởng Thăng
"Lý do làm cảng nước sâu xa bờ là xu thế phát triển của cảng biển, không thể bám lấy tư duy cũ kỹ: Xây cảng theo tự nhiên vùng cửa sông, sa bồi đến đâu đẩy cảng ra xa đến đấy".
PGS-TS Nguyễn Văn Ngọc (Đại học Hàng hải)
Ngày 20.2.2012, ông Tạ Quyết Thắng - TGĐ Cty TNHH Sơn Trường - một trong những doanh nghiệp mạnh nhất VN trong lĩnh vực thi công các công trình biển - gửi thư cho ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT, tỏ ý bất ngờ trước số tiền 25.000 tỉ đồng để xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện giai đoạn 1 theo quyết định số 476 ngày 15.3.2011 của Bộ GTVT. Theo ông, có 1 phương án (gọi tắt là phương án mới) làm cảng Lạch Huyện chỉ mất 20% số tiền nói trên, không cần vay ODA, không gây ô nhiễm môi trường, thời gian thực hiện nhanh hơn và ông thỉnh cầu Bộ trưởng trực tiếp nghe ông trình bày. Sau khi gửi thư thứ 6 cho Bộ trưởng Thăng, ngày 2.6.2012, ông Tạ Quyết Thắng đã gửi đơn lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị “giám sát và thẩm tra lại dự án làm cảng Lạch Huyện”. Việc làm của ông đã khiến dư luận xã hội chú ý, trong đó có cả các nhà khoa học.

Trong vòng 1 tiếng tại buổi toạ đàm ngày 26.6, ông Tạ Quyết Thắng trình bày phương án của mình là “đẩy” vị trí dự kiến XD cảng Lạch Huyện ra xa bờ khoảng 17km, vào vùng có độ sâu lớn, nhờ đó tránh được “tử thù” số 1 của mọi cảng biển là tình trạng bị sa bồi. 40 triệu mét khối bùn nạo vét và việc duy tu luồng lạch hằng năm (phương án của Bộ GTVT - tạm gọi là phương án cũ) sẽ tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng, lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đó là chưa kể theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngọc (ĐH Hàng Hải): “Đất đổ ra biển cũng là lãng phí tài nguyên!”).

Vị trí xây cảng của phương án “mới” được che chắn bởi 2 đảo Cát Bà, Cát Hải và 1 đê chắn sóng gồm 2 tuyến dài 2,8km, rộng 20m. Trong giai đoạn đầu, làm 2 bến cảng nước sâu (mỗi bến dài 375m, rộng 150m). Có 1 cầu dẫn dài 4km, rộng 27,4m nối 2 cảng này với khu kho bãi 800ha. Sau bến là kè dài 10km, rộng 20m, kéo dài từ bờ ra đến cầu dẫn. Chạy dọc theo hệ thống kè tạo bãi là trục đường chính dài 11km, rộng 41m... Tổng chi phí XD là 11.047 tỉ đồng. Phương án “mới” sẽ hoàn thành trong 8 năm (so với 18 năm phương án “cũ”), chi phí thấp (5.192 tỉ đồng so với 25.200 tỉ đồng - giai đoạn khởi động), không có rủi ro đầu tư, hoàn toàn nắm quyền chủ động thị trường cảng biển Hải Phòng... Phương án này được NHNN chi nhánh Hải Phòng “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay vốn trong điều kiện cho phép”.
Mô tả phương án mới xây cảng Lạch Huyện do ông Tạ Quyết Thắng trình bày. Ảnh: H.L.Q
Hay nhưng cần thận trọng

Đại diện các nhà tư vấn cho phương án “cũ” - ông Nguyễn Mạnh Ứng - nói: “Chưa có cơ sở đánh giá so sánh hiệu quả kinh tế của 2 phương án, vì chúng thuộc về 2 hệ quy chiếu khác nhau và cần chú ý một số vấn đề kỹ thuật chưa được làm rõ”.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cảng biển VN khẳng định, làm cảng nước sâu xa bờ chỉ nên ở những nước có trình độ kỹ thuật tiên tiến, tuy nhiên vẫn phải thừa nhận phương án “mới” là một ý tưởng hay, cần được hoàn thiện.

Ông Dương Văn Phúc - ĐH XD Hà Nội - nhấn mạnh: Cả 2 phương án đều phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển. Mặc dù phương án “mới” vẫn cần phải nghiên cứu thêm một số vấn đề kỹ thuật, ông Phúc kiến nghị chưa phê duyệt phương án “cũ”. Trưởng bộ môn Cảng đường thủy ĐHXD Hà Nội phát biểu: “Phương án “mới” là biểu hiện tâm huyết của một người có tình yêu đất nước, đây là một ý tưởng hay”.

PGS-TS Nguyễn Văn Ngọc (ĐH Hàng hải) kiến nghị mạnh mẽ: Phải thay đổi vị trí XD cảng Lạch Huyện. Lý do làm cảng nước sâu xa bờ là xu thế phát triển của cảng biển, không thể bám lấy tư duy cũ kỹ: Xây cảng theo tự nhiên vùng cửa sông, sa bồi đến đâu đẩy cảng ra xa đến đấy. Giữa sự lựa chọn làm đê chắn sóng một lần cho cảng nước sâu xa bờ và quanh năm phải nạo vét luồng lạch cho cảng gần bờ, ông Ngọc cho rằng cần chọn khả năng thứ nhất.

Nhiều nhà khoa học của Trường ĐH Thủy lợi cũng kiến nghị tạm dừng việc duyệt phương án “cũ”, vì những bất cập và khó lường của việc nạo vét luồng lạch: Thà tiêu tiền cho ngoài biển, hơn luẩn quẩn ở trong sông. Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó CT Tổng hội XD VN - thông tin: Hiện Trung Quốc đang XD cảng Phòng Thành gần Hải Phòng vô cùng hiện đại. Liệu Hải Phòng có cạnh tranh được với Phòng Thành nếu không có một quy mô thích hợp? Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh rất chân thành thừa nhận: “Tôi vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của việc XD cảng Lạch Huyện”. Ông khẳng định rằng, đừng có ảo tưởng Hải Phòng sẽ làm dịch vụ cho Vân Nam và Quảng Tây. Trung Quốc có đủ tiền bạc, kỹ thuật để làm đường từ vùng núi ra đến biển của họ. Không nên bám lấy tư tưởng ôm bờ, tốt nhất làm cảng ở đâu không phải nạo vét. Và ông nhắn nhủ: Làm gì xin đừng để lại tai tiếng, thận trọng đừng để đau lòng nhân dân.
Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất di dời cảng Lạch Huyện

Chiều 26.6, Bộ GTVT đã phát đi thông cáo về ý tưởng của Cty TNHH Sơn Trường đề xuất xây dựng cảng ngoài khơi tại độ sâu -16m trở ra và xây dựng đường, cầu dẫn nối cảng với bờ, bố trí hệ thống kho bãi gần bờ. Theo đó, Bộ GTVT đã tổ chức 2 cuộc họp với các đại diện đơn vị tư vấn chuyên ngành để làm việc với Cty Sơn Trường và đã có ý kiến xác định phương án của Cty mới dừng ở bước ý tưởng, không có cơ sở đảm bảo tính khả thi về kinh tế - kỹ thuật. Đồng thời, Bộ GTVT cũng chỉ ra các tồn tại cơ bản của phương án do Cty Sơn Trường đề xuất.

Về tính khả thi về mặt kỹ thuật của dự án, xây dựng cảng dạng đảo, ngoài khơi tại khu vực biển hở, điều kiện sóng, gió, bão, dòng chảy khắc nghiệt, không được che chắn, có địa chất yếu, tại cao độ đáy -16m là dạng công trình đặc biệt khó khăn. Thực tế ở Việt Nam chưa có công trình cảng biển nào có quy mô tương tự. Về điều kiện khai thác cảng, việc đầu tư xây dựng cảng ngoài khơi, xa bờ, không có công trình che chắn, không đảm bảo điều kiện khai thác cảng an toàn, ổn định. Ngoài ra, việc xây dựng cảng xa bờ cũng tạo rất nhiều khó khăn và kinh phí vận tải chuyển tiếp trong bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa và hình thành hệ thống dịch vụ logistic sau cảng. Về chi phí đầu tư, với điều kiện khó khăn như trên cùng với hệ thống đường - cầu dẫn dài đến 20km nối với bờ, hệ thống kho bãi trong bờ như đề xuất đòi hỏi kinh phí vô cùng lớn, nếu cố gắng thực hiện để vượt qua những khó khăn về kỹ thuật nêu trên thì kinh phí lớn hơn rất nhiều so với phương án xây dựng cảng liền bờ.

Sau khi nghiên cứu, so sánh, đơn vị tư vấn chuyên ngành cũng đã loại bỏ phương án này.
Vinh Hải
Hà Linh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét