Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012


11:11

Giá vàng thế giới giảm chóng mặt, vàng trong nước “bình ổn”*



Diễn biến giá vàng SJC trong 7 phiên gần nhất, tính đến 8h45 hôm nay, 22/6/2012 (đơn vị: nghìn đồng/lượng) - Ảnh: SJC.

Sau phiên giảm giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 2 của vàng thế giới, giá vàng trong nước chỉ giảm có hơn 300.000 đồng/lượng. Giá USD nối tiếp đà giảm của mấy ngày trước.

Lúc 8h45 sáng nay, giá vàng SJC tại thị trường Tp.HCM theo niêm yết của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 41,59 triệu đồng/lượng và 41,74 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra. Nếu so với lúc mở cửa, giá vàng SJC thời điểm này đã tăng 90.000 đồng/lượng ở chiều thu mua và tăng 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Khi mở cửa sáng nay, SJC hạ giá vàng còn 41,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,7 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 340.000 đồng/lượng ở chiều mua và 390.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua.
Tại Hà Nội lúc 8h45, Công ty Phú Quý báo giá vàng SJC ở mức 41,61 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,74 triệu đồng/lượng (bán ra).

Mức giảm sáng nay của giá vàng trong nước là cầm chừng, không phản ánh hết độ giảm của giá vàng thế giới. Vì thế, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng. Hiện tại, so với giá thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 2,2 triệu đồng/lượng, từ mức cao hơn 1,6 triệu đồng/lượng vào hôm qua và 1,2 triệu đồng/lượng cách đây 2 hôm.

Theo biểu đồ giá vàng SJC, giá vàng hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây. Từ hôm qua tới hôm nay, vàng đã giảm giá 500.000 đồng/lượng, nhưng chỉ là mức giảm nhỏ giọt nếu so với độ giảm của giá vàng thế giới.

Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm sáng nay. Ngân hàng Vietcombank sáng nay niêm yết giá USD ở mức 20.880 đồng (mua vào) và 20.940 đồng (bán ra), giảm tương ứng 20 đồng và 10 đồng so với sáng qua. Tại Eximbank, giá USD lúc gần 9h cũng ở mức 20.880 đồng và 20.940 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD lúc đầu giờ sáng còn 20.920 đồng (mua vào) và 20.940 đồng (bán ra), hạ 10 đồng so với hôm qua. Nếu so với đầu tuần, ngoại tệ này đã giảm giá 30 đồng.

Phiên giảm giá chóng mặt vào đêm qua của giá vàng quốc tế diễn ra sau khi hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service đánh tụt điểm tín nhiệm của 15 ngân hàng lớn nhất thế giới, trong đó có Credit Suisse, Morgan Stanley, Bank of America Corp, Citigroup, Goldman Sachs Group, Barclays, BNP Paribas, Royal Bank of Canada, JPMorgan Chase, Credit Agricole, Deutsche Bank, Royal Bank of Scotland và Societe Generale.

Lý do mà Moody’s đưa ra cho động thái cắt giảm điểm tín nhiệm nay là điều kiện hoạt động ngày càng khó khăn, lợi nhuận đi xuống của các nhà băng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sa sút.

Phiên giảm giá này của vàng một lần nữa cho thấy vàng hiện không phát huy được vai trò kênh đầu tư an toàn. Bằng chứng là vàng giảm giá mạnh trước những thông tin bất lợi về kinh tế thế giới, thay vì tăng giá như quy luật thường thấy.

Áp lực giảm giá đối với vàng còn đến từ tâm lý thất vọng của các nhà đầu tư sau cuộc họp hôm 20/4 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong cuộc họp này, FED không công bố một chương trình nới lỏng định lượng mới (QE3) mà chỉ mở rộng chương trình hoàn đổi kỳ hạn trái phiếu hiện tại cho tới cuối năm. Bởi thế, cánh cửa để vàng phát huy vai trò hàng rào chống lạm phát đã không mở ra.

Một loạt thống kê xấu về kinh tế thế giới đêm qua càng khiến vàng mất giá. Nỗi lo giảm phát gia tăng sau khi dữ liệu mới nhất cho thây sản xuất công nghiệp chậm lại ở Mỹ và suy giảm ở Trung Quốc. Hoạt động của các doanh nghiệp ở Eurozone cũng giảm tốc. Thị trường đang lo sợ rằng, cuộc khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và châu Á sẽ gây ra sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu.

Lúc đóng cửa tại New York, giá vàng giao ngay mất 41,6 USD/oz, tương đương mức giảm 2,6% trên sàn giao dịch Kitco, còn 1.566,2 USD/oz. Trên sàn COMEX, giá vàng giao tháng 8 sụt 50,2 USD/oz, chốt phiên ở mức 1.565,6 USD/oz.

Theo hãng tin Reuters, đây là phiên giảm giá mạnh nhất của vàng kể từ ngày 29/2 và gần như xóa sạch thành quả tăng giá của vàng từ đầu năm. Một loạt tài sản rủi ro khác cũng lao dốc trong phiên này, như giá bạc giảm 4,3%, giá dầu thô mất 3,5%. Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 2,2%.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sức ép giảm giá đối với vàng càng tăng một khi vàng đã giảm giá dưới mức 1.580 USD/oz, mức hỗ trợ của kim loại này trong thời gian gần đây.

Sau khi tăng nhẹ vào đầu giờ, giá vàng tiếp tục chuyển sang trạng thái giảm trong phiên giao dịch châu Á sáng nay. Lúc 8h35 giờ Việt Nam giá vàng hạ 1,2 USD/oz so với đóng cửa hôm qua tại New York, còn 1.565 USD/oz.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức dưới 1,26 USD/Euro, so với mức dưới 1,27 USD/Euro vào sáng qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 tại New York lúc 8h35 giờ Việt Nam tăng 0,26 USD/thùng so với đóng cửa hôm qua, lên 78,46 USD/thùng.
AN HUY (VnEconomy)

Từ khi Thống đốc NHNN tuyên bố sẽ có biện pháp bình ổn giá vàng năm ngoái đến nay đã tròn 1 năm. Trong 1 năm qua người dân chỉ ghi nhận 2 điều: Thứ nhất, giá vàng trong nước luôn “bình ổn” cao hơn giá thế giới từ 1-2 triệu đồng/lượng; Thứ 2: vàng SJC của Cty vàng bạc đá quý SG luôn cao hơn các vàng khác, có lúc tới 2 triệu đồng/lượng do được Thống đốc tuyên bố đây sẽ là nhãn hiệu vàng của Nhà nước! Hai điều trên đã gây thiệt hại cho người dân và các doanh nghiệp ngoài SJC không biết là bao nhiêu?
*Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét