Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012


 22:01
Lý và tình nhìn từ vụ không cấp thẻ BHYT cho trẻ tạm trú

SGTT.VN - Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hiện hành quy định rõ: trẻ dưới sáu tuổi không phải trả tiền khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước. Từ ngày 28.11.2008, trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ khám bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 3 triệu trẻ em chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Để đảm bảo quyền lợi cho các cháu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã xin ý kiến liên bộ. Và trong một thông tư hướng dẫn của liên bộ và sau đó được cụ thể hoá bằng quyết định số 82 của tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có quy định: Riêng trẻ em dưới sáu tuổi khi đến khám chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT, nếu chưa có thẻ BHYT thì xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám chữa bệnh và cha (mẹ) hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này. Và theo luật BHYT, việc cấp thẻ BHYT thực hiện nơi trẻ cư trú, tức cả nơi thường trú và nơi tạm trú.
Tuy nhiên, mới đây UBND TP.HCM chỉ đạo ngưng cấp, thu hồi thẻ BHYT cho trẻ tạm trú dưới sáu tuổi từ ngày 1.7.2012. Theo UBND TP.HCM, trẻ thuộc diện trên phải về địa phương nơi có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cấp thẻ BHYT. Có thể thấy lý do, theo ông Cao Văn Sang, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, năm 2012 TP.HCM có nguy cơ không cân đối được quỹ khám chữa bệnh BHYT. Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng cho biết TP.HCM còn nợ chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ (khám theo tên mẹ, chưa có thẻ BHYT) hai năm 2010 và 2011 trên 21 tỉ đồng.
Đã từng có những đề án quản lý người nhập cư, nhưng người dân không thấy quyền lợi của người lao động nhập cư nằm ở đâu, nếu không muốn nói là chỉ toàn nghĩa vụ, phải cái này, phải cái kia... Thậm chí, còn có những quy định phải có hộ khẩu thường trú mới được mua nhà, cấp điện nước theo giá nhà nước, con cái mới được theo học trường công, khám chữa bệnh tại bệnh viện công... Kinh nghiệm cho thấy rằng một chủ trương dù cần thiết đi nữa, nếu không gắn quyền lợi với nghĩa vụ của người dân thì có thể tiên liệu là sẽ không thành công!
Trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá kèm theo đô thị hoá luôn xuất hiện hiện tượng di dân tự do từ nông thôn ra thành thị, đây là một quy luật. Thật là ngây thơ và ấu trĩ khi suy nghĩ dùng biện pháp hành chính như hộ khẩu để ngăn cản quy luật này; và cũng thật là thiếu tính nhân văn khi dùng những biện pháp bắt sử dụng điện nước giá cao, không tạo điều kiện cho con em họ được hưởng quyền lợi vui chơi học hành, chữa bệnh như các con em khác; và hành xử rất trái pháp luật khi không cho họ thực hiện quyền thiêng liêng sở hữu căn nhà của họ. Kéo dài tình trạng khó khăn trong nhập hộ khẩu sẽ tạo điều kiện tha hoá một bộ phận quan chức. Nghe đâu muốn có KT3, hộ khẩu thường trú đều có giá của nó!
Trong cả nước, không có thành phố nào có sức hút mạnh mẽ hấp dẫn đối với dòng người di dân tự do như TP.HCM. Chính sự hấp dẫn này đã tạo nên áp lực đối với đòi hỏi quản lý nhân khẩu và tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội mà các cấp chính quyền thành phố phải đối mặt. Phải nhìn nhận rằng, thật ra người từ nơi khác đến thành phố là những người năng động, dám đương đầu với thách thức, có chí tiến thủ, một bộ phận chấp nhận làm những việc xã hội có nhu cầu mà dân gốc thành phố không muốn làm... Nói chung họ đóng góp nhiều hơn cái họ được hưởng.
Xét trên bình diện kinh tế, đóng góp của họ góp phần cho tăng trưởng của thành phố. Công bằng mà nói, luồng người nhập cư vào thành phố mang theo lối sống nông thôn của nông dân không phù hợp lối sống của một đô thị của thị dân. Điều này không tránh khỏi làm cho thành phố có phần luộm thuộm; và họ cũng mang theo cả cái nghèo của họ góp phần làm nhếch nhác thêm thành phố. Nhưng, những điều này không đủ sức kéo đô thị xuống; mà đô thị sẽ kéo họ lên theo một quy luật cá thể phải thích nghi với môi trường nếu muốn tồn tại.
Muốn quản lý một xã hội để nó phát triển hài hoà, phát triển theo hướng công bằng, dân chủ và văn minh, trước tiên và tiên quyết phải tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự quản lý. Vấn đề quản lý người nhập cư xử lý như thế nào để tạo sự đồng thuận trong xã hội hiện nay, là một thách thức không nhỏ cho chính quyền các đô thị. Điều quan trọng là không thể tránh né trì hoãn mà phải đối mặt với thách thức và xử lý đầy tính nhân văn.
Trở lại câu chuyện thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi, ngày 25.6, trả lời báo chí, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định luật BHYT quy định cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới sáu tuổi tại nơi cư trú (thường trú và tạm trú) và các tỉnh/thành có trách nhiệm chi trả kinh phí đó. Trường hợp ngân sách địa phương không cân đối được thì trình bộ Tài chính để xin cấp kinh phí từ Trung ương. Ông Sơn không đồng ý việc TP.HCM yêu cầu trẻ trên ba tháng tuổi không có thẻ BHYT phải đóng tiền khi khám chữa bệnh và trở về địa phương thường trú thanh toán. Theo ông Sơn, trẻ chưa có thẻ BHYT vẫn được khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội nơi trẻ khám chữa bệnh chi trả. Hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ tự quyết toán kinh phí khám chữa bệnh cho trẻ giữa các địa phương với nhau.
Như vậy, về lý thì đã rõ là TP.HCM phải thực thi đúng theo quy định và chủ trương trên. Còn góc khác, TP.HCM lâu nay được xem là một thành phố văn minh và nghĩa tình. Nhiều chủ trương và chính sách vừa qua đã thể hiện rõ nhận xét đó như phong trào vận động cam kết không tăng giá nhà trọ, chủ nhà trọ không tăng giá điện nước trong “cơn bão” giá vừa qua, hay cấp vé xe cho công nhân về quê ăn tết, hội chợ bán hàng bình ổn, giảm giá cho công nhân các khu công nghiệp... Do vậy, không có gì quá khó để buộc những đứa trẻ tạm cư phải về quê làm các thủ tục khám chữa bệnh cả trong trường hợp quy định không có.
(SGTT) Diệp Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét