Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012


07:31

Trung Quốc vô cớ phản ứng Việt Nam thông qua Luật Biển


 Luật Biển Việt Nam được thông qua là công việc nội bộ của Việt Nam, cần thiết, chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế nên không có lý do gì Bộ Ngoại giao Trung Quốc có quyền đưa ra những phản ứng lạc lõng và sai trái như vậy.

Tân Hoa Xã ngày 21/6/2012 đăng thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này phản ứng một cách vô lý, phi pháp và vô hiệu về việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển Việt Nam.
Phía Trung Quốc phản đối việc Quốc hội Việt Nam đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Bắc Kinh gọi là Tây Sa, Nam Sa) vào trong phạm vi khái niệm “chủ quyền” và “quản lý” của Việt Nam.

Chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Hưng/VNE

Bộ Ngoại giao nước này một lần nữa nhắc lại luận điệu sai trái rằng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc!

Bắc Kinh nhấn mạnh, “bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam - PV) và “có bất cứ hành động nào đối với 2 quần đảo này” đều là “phi pháp và vô hiệu”!?

Sáng 21/6/2012 Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam với tỉ lệ 495/496 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu nhất trí.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là hoạt động chính đáng, cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam về biển trên phương diện pháp lý.
Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua dựa trên Công ước biển Liên Hợp Quốc, một mặt thể hiện rõ ràng và khẳng định đúng đắn chủ quyền của Việt Nam về biển.
Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua cũng phù hợp, tôn trọng các quy định chung trong Công ước biển Liên Hợp Quốc.

Đồng thời Luật Biển Việt Nam nhấn mạnh quan điểm Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh hải thông qua đàm phán, đối thoại hòa bình.
Luật Biển Việt Nam được thông qua là công việc nội bộ của Việt Nam, cần thiết, chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế nên không có lý do gì Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những phản ứng lạc lõng và sai trái như vậy.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là  “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam.

Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
 (Theo Nhandan điện tử và Chinhphu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét