Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012


20:03
Phía sau những cơn khóc của bà Liễu


Chiều 22-6, phòng xử A Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM diễn ra một phiên tòa đặc biệt: Một nhà báo bị chính người đầu ấp tay gối của mình đốt chết. Số lượng phóng viên tham gia phiên xử phúc thẩm hơn 50 người, đông không kém phiên sơ thẩm trước đó tại Long An.

Mẹ của nhà báo Hoàng Hùng. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Mấy bà mấy chị trong chợ Bến Thành kéo nhau đi xem, ngồi chật cả khán phòng. Chung quanh họ là người thân của nhà báo Hoàng Hùng và bị cáo Trần Thúy Liễu cùng hàng xóm, láng giềng từ Long An lên.
Vợ giết chồng, dù vì bất cứ lý do gì vẫn là chuyện không thể chấp nhận. Sự thật vụ án mà các cơ quan tố tụng công bố có vẻ vẫn chưa được dư luận đồng tình. Đông đảo cho rằng trong vụ án, nhiều tình tiết còn chưa rõ, chưa thuyết phục. Nhiều người dự khán phiên xử, có lẽ là người quen biết với vợ chồng nhà báo Hoàng Hùng, bức xúc: “Tui thấy ổng (nhà báo Hoàng Hùng) yêu thương bả quá chừng. Một điều vợ tui, hai điều vợ tui. Chưa thấy ổng đánh bả bao giờ. Chỉ thấy hai lần ổng chạy về nhà má ổng vì bị vợ đuổi đánh…”. “Anh tui có bao giờ đánh vợ đâu. Mấy lần ổng về nhà tui kêu: “Chị Hai mày đánh tao”. Thấy ổng buồn, thiệt thương” - em trai nhà báo Hoàng Hùng nói.
Gần 20 năm chung sống, tình cảm của anh Hùng đối với vợ thế nào những người quen anh đều hiểu. Cả sau khi bị đốt, khi được bạn bè, đồng nghiệp hỏi, anh vẫn nuốt nước mắt lặng im.
Có thể tình yêu với chồng đã hết nên bị cáo đi tìm tình yêu khác. Thế nhưng dẫu sao khi lòng đã chán, tình đã tan thì còn nhiều cách để hành xử, không ai chấp nhận chuyện bị cáo đốt chồng, để hù dọa, như lời bị cáo khai. Bị cáo khai rằng do chồng bị cáo bị bệnh Goute, máu trong mỡ, suy thận, tiểu đường, yếu sinh lý nên đã đồng ý cho bị cáo ngoại tình, đồng ý cho bị cáo đi lấy người khác! Ai có thể tin được lời khai nhằm giải thích cho việc mình không cần phải giết chồng để đến với người khác của bị cáo?
Người mẹ tội nghiệp của nhà báo Hoàng Hùng luôn vòng tay trước ngực khi được tòa mời thẩm vấn. Trước sau bà chỉ một lời “con dâu tôi”, hai lời “con dâu tôi”. Bà bảo: “Chỉ cần con dâu tôi khai đúng sự thật thì dẫu có quỳ lạy để xin tòa cho nó chịu án 10 năm tôi cũng làm. Tôi đề nghị hủy án sơ thẩm vì tôi tin con dâu tôi không thể gây án một mình”.
Từng chứng kiến nhiều bị cáo khóc trước tòa, lần nào tôi cũng cảm thương trước những giọt nước mắt ân hận (tuy muộn màng) của họ. Nhưng lần này có cái gì ngờ ngợ trong những cơn khóc của bị cáo Liễu. Ngờ ngợ như chính những câu hỏi của tòa mà chị ta trả lời còn chưa thỏa đáng.
“Khi nào cần khóc thì khóc, khi không cần khóc thì đừng khóc”. Lời “nhắc tuồng” này của luật sư bào chữa cho bị cáo Liễu khiến không chỉ tôi mà nhiều người nghe cũng thấy hoài nghi, ngờ ngợ về điều gì đó còn ẩn khuất trong vụ án.
PHƯƠNG LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét