Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

20:00
Bất bình đẳng

(CL)- Việc một số DNNN lại “kêu than”, xin được hưởng ưu đãi đã làm dấy lên mối quan ngại về môi trường kinh doanh tiếp tục có sự bất bình đẳng.

Hai DNNN lớn là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Thép Việt Nam vừa đề nghị Bộ Tài chính cho vay vốn ưu đãi do khó tiếp cận vốn ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Lý do HUD xin được ưu đãi là để có nguồn lực thực hiện tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ và để triển khai các dự án nhà ở xã hội. Còn Tổng công ty Thép không giấu giếm những khó khăn về tài chính mà các doanh nghiệp thành viên đang gặp phải.

Việc các DNNN lại thêm một lần xin được ưu đãi đã làm dấy lên những ý kiến quan ngại, bởi lẽ suốt một thời gian dài, các DNNN đã được nhận quá nhiều ưu ái về vốn, tín dụng, về thuế… nhưng mức đóng góp của các "quả đấm thép” này vào GDP khá thấp. Phần lớn các DNNN đang hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu, chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện lực, xi măng, sắt thép, khai khoáng... nhưng hiệu quả sinh lợi không cao. Việc tái cơ cấu các DNNN để tăng tính minh bạch trong quản trị, điều hành doanh nghiệp và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh chính là để khắc phục những tồn tại, bất cập trên đây. Nếu cứ để các DNNN được ưu ái mãi sẽ khiến các đơn vị này quen dựa dẫm, ỉ lại và đi ngược với chủ trương tái cơ cấu DNNN. Quan trọng hơn, e rằng các doanh nghiệp này sẽ khó có thể lớn mạnh lên được và cản trở sự phát triển chung của xã hội.

Bên cạnh đó, việc ưu ái đối với DNNN sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh. DNNN sẽ tạo ra được lợi thế lớn trước các loại hình doanh nghiệp khác, nhất là đối với khối doanh nghiệp tư nhân- phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về mặt pháp lý, tất cả các thành phần kinh tế đều được phép hoạt động kinh doanh trong môi trường bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế các DNNN luôn luôn được hưởng nhiều ưu đãi và cả độc quyền ở một số ngành nghề.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính việc các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau sẽ tạo ra sự phát triển và cả xã hội sẽ được lợi. Trong đó, cần cắt ngay những sự ưu ái, không được dễ dãi trong nguồn vốn, bao cấp về giá... Khi tái cơ cấu, phải tách rời "nghĩa vụ xã hội” với lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn, DNNN.
PV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét