Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

14:00
Cạnh tranh và cán bộ
TuanVnn- Ông ấy đã tạo ra được cơ chế và thực hiện chính sách rõ ràng, thông suốt, từ trên xuống dưới, để dù ai là người thay thế có muốn làm khác đi cũng khó, một cán bộ đã ghi nhận như vậy về đóng góp của vị lãnh đạo vừa rời nhiệm sở của mình.

Đằng sau những xáo trộn
Với những kết quả khảo sát từ các DN trong cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có vẻ như không phải lãnh đạo nào trước khi rời nhiệm sở cũng làm được điều đó.
Báo cáo PCI 2011 ghi nhận nhiều xáo trộn bất ngờ trong thứ tự xếp hạng giữa các tỉnh, cả tích cực và tiêu cực. Thông thường chỉ một vài tỉnh tăng hoặc giảm xếp hạng trên 20 bậc, tuy nhiên, năm nay có 7 tỉnh cải thiện thứ hạng trên 20 bậc trong khi đó 8 tỉnh có mức giảm 20 bậc. Trong khi đó, không có nhiều sự khác biệt giữa ý kiến của các DN tham gia điều tra trong nhóm những tỉnh có biến động lớn.
Nói cách khác, đó không phải là sự quay ngược thái độ bất ngờ của một vài DN về điều hành kinh tế của địa phương. Những thay đổi bất thường trong bảng xếp hạng năm nay phản ánh thực tế thay đổi trong cảm nhận của DN về công tác điều hành tại địa phương.
Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu băn khoăn điều gì đằng sau sự thay đổi lớn và không mang tính tùy tiện về kết quả xếp hạng của các tỉnh?
Loại trừ vấn đề trong phương pháp luận hay ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn hay mức độ phát triển của các khu CN có thể tác động đến xếp hạng PCI, báo cáo nhiều lần lưu ý về các sự kiện diễn ra trước thời điểm điều tra chỉ số PCI 2011: Việc bầu mới Bí thư tỉnh ở 27 địa phương vào các thời điểm khác nhau trong năm 2010 và sự kiện ĐH Đảng toàn quốc diễn ra vào tháng Giêng năm 2011, 5 tháng trước thời điểm khảo sát PCI.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó ban pháp chế VCCI đặt vấn đề, liệu sự chuyển đổi nhân sự rộng khắp trong năm 2010 (27 tỉnh, thành phố thay đổi lãnh đạo cấp bí thư, chủ tịch tỉnh) có phải là yếu tố quan trọng và quyết định tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong xếp hạng PCI 2011? Bởi từ khi ra đời năm 2005 đến nay, năm 2010 là năm đầu tiên PCI chứng kiến có thay đổi nhân sự lớn trên quy mô rộng.
Kết quả khảo sát nhắc nhớ bài viết "Bệnh trì trệ khi bầu cử vào mùa" của nhà báo Trần Trọng Thức trên Tuần Việt Nam về sự chậm lại trong đời sống kinh tế xã hội do sự trì trệ của cơ quan quản lý khi thời tiết chính trị nóng dần lên trong mùa đại hội, bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân...
Phân tích sơ bộ từ khảo sát PCI 2011 cho thấy "những địa phương có lãnh đạo mới cũng là những nơi có thứ hạng thay đổi nhiều nhất", nhóm nghiên cứu cho hay.
Hơn nữa, một điều đáng buồn trong tiêu chí Tính năng động của lãnh đạo tỉnh có sự sụt giảm lớn nhất trong điều tra PCI năm nay, đặc biệt tại các tỉnh đứng đầu. Năm 2006, 75% DN tham gia ở tỉnh trung vị cho rằng lãnh đạo tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN tư nhân. Con số này đã liên tục giảm qua các năm và hiện nay là 65%. Thậm chí số DN cho rằng lãnh đạo tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân cũng giảm 8% so với mức cao nhất là 53% trong năm 2008.
Tuy nhiên, "việc một tỉnh có lãnh đạo mới không nhất thiết đồng nghĩa với việc sụt giảm thứ hạng hay chất lượng điều hành kinh tế của địa phương," báo cáo nhận định. Bởi "trong nhóm các tỉnh có lãnh đạo mới, kết quả cũng khá đa dạng. Một số lãnh đạo mới thực hiện công việc mới không mấy khó khăn và đã tiếp nối công tác điều hành của người tiền nhiệm với kết quả tốt."
Ngay cả những biến động trong cảm nhận DN cũng chưa rõ là sự chấm điểm về bộ máy lãnh đạo hay là kết quả của giai đoạn chuyển tiếp gây ra những xáo trộn đối với hoạt động của DN, khi lãnh đạo mới đang điều chỉnh để thích nghi với cương vị của mình.
Nhưng dù là chấm điểm bộ máy hay sự xáo trộn trong giai đoạn chuyển tiếp các vị trí lãnh đạo, thì cũng cho thấy những bất ổn đằng sau nó, nhất là trong điều kiện kinh doanh VN vẫn là "nhất thân, nhì quen".
Theo nhóm nghiên cứu, quan hệ cá nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm ăn của DN. 3/4 số nhà đầu tư, tăng so với tỷ lệ 56,6% năm 2007, cho rằng cần phải có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận tài liệu pháp luật và kế hoạch phát triển của địa phương. Hệ quả là chính quyền địa phương sẽ dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp thân quen hơn là cho nhà đầu tư có năng lực kinh doanh giỏi. Và nhà đầu tư phải đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc xây dựng, phát triển các mối quan hệ trong khi có thể sử dụng nguồn lực đó phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ tiêu đánh giá cán bộ?
Đã không ít người nêu câu hỏi, liệu những chỉ tiêu đánh giá của PCI, cũng như chỉ tiêu cạnh tranh các bộ MEI có được xem là căn cứ để đánh giá cán bộ?
Tại lễ công bố MEI cuối 2012, GS. Đặng Hùng Võ, vị chuyên gia từng có một nhiệm kỳ làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất rằng sẽ là hợp lý nếu căn cứ vào MEI mà chấm điểm lãnh đạo các bộ, từ đó làm cơ sở cho việc đề bạt cán bộ trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Tương tự, liệu kết quả chấm điểm điều hành của lãnh đạo các tỉnh có được xem là căn cứ tham khảo, để đánh giá năng lực điều hành của cán bộ, gắn với nó là công tác tổ chức cán bộ?
Hoặc chí ít, việc này sẽ tạo sức ép, để xây dựng một cơ chế rõ ràng, minh bạch hơn, để các hoạt động kinh tế - xã hội không còn trì trệ khi vào mùa bầu cử, khi nhân sự có thay đổi. Và khi đó, việc cán bộ không thể làm khác, làm khó, dù có điều chỉnh cán bộ, sẽ không còn là điều gì quá hiếm hoi như lời khoe của vị cán bộ cấp bộ nọ.
Hoàng Phương Loan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét